Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.39 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.47 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

IX. PHẨM MỘT NGƯỜI CON
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ví như người mẹ hết lòng tin tưởng đứa con trai duy nhất, thường nghĩ rằng: "Làm sao để dạy dỗ cho nó thành người?"
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Ðức Thế Tôn là căn bản của các pháp. Như Lai chỉ bày điều gì, không ai không nhận lãnh. Cúi mong Thế Tôn nói pháp sâu xa này cho các Tỳ-kheo, chúng con nghe xong xin vâng làm.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy mà phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Như Ư-bà-di kia hết lòng tin tưởng sẽ dạy dỗ các con thế này:
"Nay Con nếu ở tại gia nên như Trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng. Vì sao thế? Vì đây là mẫu mực, đây là hạn lượng. Ðệ tử được ấn chứng của Thế Tôn và Trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng. Nếu ý con trẻ muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì nên như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên". Vì sao thế? Vì đây là mẫu mực, đây là hạn lượng. Nghĩa là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thích học chánh pháp, chẳng làm nghiệp tà, dấy khởi phi pháp. Nếu các Thầy sanh tưởng nhiễm trước, liền sẽ đọa vào ba đường ác. Phảo khéo nhớ chuyên tâm, người chưa đắc cố gắng chứng đắc, người chưa đạt hãy đạt, người chưa chứng nay nên thọ chứng. Sở dĩ như thế, vì này các Tỳ-kheo, sức nặng của tín thí thực chẳng thể tiêu, khiến cho người ta không đến được đạo. Thế nên, các Tỳ-kheo, chớ sanh ý nhiễm trước, nếu đã sanh thì nên diệt ngay. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ưu-bà-di lòng tin thuần thành chỉ có một con gái. Bà ta sẽ dạy dỗ thành tựu con thế nào?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Thế Tôn là căn bản của các pháp, Như Lai chỉ bày điều gì, không ai không nhận lãnh. Cúi mong Thế Tôn thuyết pháp sâu xa này cho các Tỳ-kheo, chúng con nghe xong xin vâng làm.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Như Ưu-bà-di thành tín kia dạy dỗ con gái rằng:
"Nay Con ở tại gia nên như Ưu-bà-di Câu-thù-Ða-la và mẹ của Nan-đà. Nếu con gái muốn cạo tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo nên như Tỳ-kheo-ni Sám-ma và Tỳ-kheo-ni Ưu-bá-hoa Sắc". Sở dĩ như thế, vì đây là mẫu mực, đây là hạn lượng. Nghĩa là Tỳ-kheo-ni Sám-ma, Tỳ-kheo-ni Ưu-bá- hoa Sắc thích học Chánh pháp, chẳng làm nghiệp tà, dấy khởi phi pháp. Nếu còn sanh ý nghiễm trước, tự nhiên sẽ đọa ba đường ác. Khéo nhớ chuyên tâm, người chưa đắc quả hãy gắng đắc quả, người chưa đạt hãy cố đạt, người chưa chứng hãy nên thọ chứng. Sở dĩ như thế là vì, này các Tỳ-kheo, sức nặng của tín thí thực khó thể tiêu, khiến người không đến được đạo. Thế nên các Tỳ-kheo, chớ sanh ý tưởng nhiễm trước, nếu đã sanh hãy diệt ngay. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta không thấy một pháp nào mau lẹ như tâm, không thể ví dụ, giống như khỉ vượn, một tay buông, một tay bắt, tâm không chuyên định. Tâm cũng như thế, tư tưởng trước với tư tưởng sau chẳng đồng, dùng phương pháp cũng không thể mô phỏng, tâm xoay chuyển mau lẹ. Thế nên, này các Tỳ-kheo, người phàm phu không thể quán sát tâm ý. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên hàng phục tâm ý khiến noi theo đường lành và nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta không thấy một pháp nào mau lẹ hơn tâm, không thể ví dụ được, giống như khỉ vượn, buông một vật lại nắm một vật khác, lòng không chuyên định. Tâm cũng như thế, tư tưởng trước, tự tưởng sau, suy nghĩ chẳng đồng. Thế nên, này các Tỳ-kheo, người phàm phu không thể quan sát căn do của tâm ý. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên hàng phục tâm ý khiến noi theo đường lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta hằng xem thấy việc nghĩ nhớ trong tâm một người. Người này như trong khoảng cánh tay co duỗi, đọa vào địa ngục. Vì sao? Do tâm ác vậy, Tâm họ sanh bịnh, đọa xuống địa ngục.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Ví như có một người,
Tâm ôm tưởng sân hận,
Nay bảo các Tỳ-kheo,
Diễn rộng nghĩa thú này,
Nay chính là phải lúc,
Nếu có người mạng chung,
Ví khiến vào địa ngục,
Là do tâm hạnh nhơ.
Thế nên, các Tỳ-kheo, phải hàng phục tâm, chớ sanh các hạnh uế nhiễm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta hằng xem thấy việc nghĩ nhớ trong tâm một người, như trong khoảng cánh tay co duỗi mà sanh lên trời. Sở dĩ như thế là do tâm lành vậy. Ðã sanh tâm lành, sẽ sanh lên trời.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nếu lại có một người,
Mà sanh tâm thiện diệu,
Nay bảo các Tỳ-kheo,
Diễn rộng nghĩa thú này,
Nay chính là phải lúc,
Nếu có người mạng chung,
Liền được sanh lên trời,
Do tâm lành như vậy.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên phát ý trong sạch, chớ sanh các hạnh uế nhiễm. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, không thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, mê hoặc người đời, không đến được chỗ tĩnh lặng, cột trói vào lao ngục, không giải thoát được, như là đàn ông trông thấy sắc của đàn bà. Thấy rồi họ liền khởi tưởng để ý, rất yêu kính, khiến người không được tĩnh lặng, trói buộc lao ngục, không cởi bỏ ra được, ý không xa lìa, xoay vần qua lại đời này đến đời sau, luân chuyển năm đường, trải bao số kiếp.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Tiếng Phạm âm nhu nhuyến,
Như lời Như Lai khó thấy,
Hoặc lại có lúc thấy,
Buộc niệm ở trước mắt,
Cũng chớ cùng nữ nhân,
Qua lại và nói năng,
Hằng bủa lưới bắt người,
Chẳng đến được vô vi.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên trừ các sắc khởi tưởng đắm trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, chẳng thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, mê hoặc người đời, khiến chẳng được tĩnh lặng, buộc ràng giam giữ, không có lúc giải thoát, như là đàn bà trông thấy sắc của đàn ông. Thấy rồi, họ liền khởi tưởng để ý, rất yêu kính, khiến người không đến được tĩnh lặng, ràng buộc giam giữ, không có lúc giải thoát, ý không xa lìa, xoay vần qua lại đời này đến đời khác, luân chuyển trong năm đường, trải qua bao số kiếp.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Nếu sanh tưởng điên đảo,
Dấy niệm tâm ân ái,
Trừ niệm ý nhiễm trước,
Liền không các nhơ này.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên trừ các sắc, chớ khởi tưởng dính mắc. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, chẳng thấy một pháp nào không có dục tưởng, liền khởi dục tưởng, dục tưởng đã khởi liền làm tăng thêm; không sân hận tưởng liền khởi sân hận, sân hận đã khởi liền làm tăng thêm; không thùy miên tưởng liền khởi thùy miên, thùy miên đã khởi liền làm tăng thêm; không có tưởng trạo cử liền khởi trạo cử, trạo cử đã khởi liền làm tăng thêm; không có như là tưởng nghi liền khởi tưởng nghi, tưởng nghi đã khởi liền liền làm tăng thêm, như là quán tưởng bất tịnh nhơ bẩn. Nếu loạn tưởng thì không tưởng dục liền có tưởng dục, đã có tưởng dục liền tăng thêm; sân hận, thùy miên... vốn không có tưởng nghi, liền khởi tưởng nghi, tưởng nghi đã khởi liền tăng nhiều thêm. Thế nên, này các Tỳ-kheo, chớ có loạn tưởng thường nên chuyên ý. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, không thấy một pháp nào mà chưa có dục tưởng liền chẳng dục tưởng, dục tưởng đã sanh liền có thể diệt; tưởng sân giận chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng sân giận sanh rồi liền có thể tiêu diệt, tưởng thùy miên chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng thùy miên đã sanh liền có thể tiêu diệt, tưởng trạo hối đã sanh liền có thể tiêu diệt, tưởng nghi chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng nghi đã sanh liền có thể tiêu diệt, như là quán sát nhơ bẩn bất tịnh. Ðã quán nhơ bẩn bất tịnh thì tưởng dục chưa sanh liền chẳng sanh, đã sanh liền có thể tiêu diệt; sân giận chưa sanh liền chẳng sanh, sân giận đã sanh liền có thể tiêu trừ, cho đến tưởng nghi chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng nghi đã sanh liền có thể tiêu diệt. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên chuyên ý quán tưởng bất tịnh. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Hai Di và hai tâm,
Một đọa, một sanh thiên,
Nam nữ tưởng thọ vui,
Hai dục tưởng sau cùng.
X. PHẨM HỘ TÂM
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên tu hành một pháp, nên truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, liền được thần thông, các hạnh tịch tĩnh, đắc quả Sa-môn, đến cõi Niết-bàn (Nê-hoàn). Thế nào là một pháp? Nghĩa là hạnh không phóng dật. Thế nào là hạnh không phóng dật? Ðó là hộ tâm. Thế nào là hộ tâm?
Ở đây, Tỳ-kheo thường giữ gìn tâm hữu lậu, pháp hữu lậu. Ngay lúc người kia thủ hộ tâm hữu lậu, pháp hữu lậu, đối với pháp hữu lậu liền được an vui, cũng có tin, vui, an trụ không dời đổi, hằng chuyên ý mình, tự lực cố gắng. Như thế, này các Tỳ-kheo, người kia hành không phóng dật, hằng tự cẩn thận, dục lậu chưa sanh liền chẳng sanh; dục lậu đã sanh liền có thể khiến diệt; hữu lậu chưa sanh liền chẳng sanh, hữu lậu đã sanh liền có thể khiến diệt; vô minh lậu chưa sanh liền chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh liền có thể khiến diệt. Tỳ-kheo đối với người kia hành hạnh không phóng dật, nhàn tĩnh ở một nơi, hằng tự giác tri để tự an vui (du hý); tâm dục lậu liền được giải thoát. Ðã được giải thoát liền được trí giải thoát: Sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa, như thật mà biết.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Không kiêu, vết cam lồ,
Phóng dật là đường chết,
Không mạn là bất tử,
Ngạo mạn tức là chết.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên nhớ tu hành hạnh không phóng dật. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên tu hành một pháp, nên truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, sẽ được thần thông, các hạnh tịch tĩnh, đắc quả Sa-môn, đến chỗ Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là hạnh không phóng dật đối với các pháp lành. Thế nào là hạnh không phóng dật? Nghĩa là không phiền nhiễu tất cả chúng sanh, không hại tất cả chúng sanh, chẳng não tất cả chúng sanh. Ðó là hạnh không phóng dật. Còn điều kia sao gọi là pháp lành? Nghĩa là Tám đạo phẩm của Hiền thánh: đẳng kiến, đẳng phương tiện, đẳng ngữ, đẳng hành, đẳng mạng, đẳng trị, đẳng niệm, đẳng định. Ðó là pháp lành.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bố thí tất cả chúng sanh
Không bằng thí pháp một người,
Tuy cho chúng sanh, có phước,
Cho pháp một người, phước hơn.
Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tu hành pháp lành. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy xem đàn-việt thí chủ như thế nào?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Thế Tôn là vua của các pháp. Cúi mong Thế Tôn nói nghĩa này cho các Tỳ-kheo, chúng con nghe xong sẽ vâng giữ tất cả.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các Thầy.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Hãy cung kính đàn-việt thí chủ như con hiếu thuận cha mẹ, nuôi dưỡng, hầu hạ, làm tăng trưởng ngũ ấm. Ở cõi Diêm-phù-đề hiện các thứ nghĩa: Quán đàn-việt thí chủ hay thành tựu giới, văn, tam muội, trí tuệ cho người. Này các Tỳ-kheo, đàn-việt có nhiều lợi ích, đối với Tam Bảo không có chướng ngại, hay bố thí các Thầy y phục, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy có tâm từ đối với đàn-việt, ơn nhỏ còn chẳng quên huống là ơn lớn; hằng lấy lòng từ hướng về đàn-việt, nói hạnh trong sạch của thân, miệng, ý chẳng thể cân xứng, cũng không có giới hạn. Thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ, khiến cho vật bố thí của đàn-việt trọn không bị phí bỏ, được quả báo lớn, thành tựu phước đức lớn, có danh tiếng lớn, lưu truyền pháp vị cam lồ trong thế gian. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Thí để thành của lớn.
Chỗ nguyện cũng thành tựu,
Vua và những tên trộm,
Chẳng thể đoạt vật kia.
Thí để được ngôi vua,
Nối dõi ngôi Chuyển luân,
Bảy báu thành đầy đủ,
Vốn do thí mà được,
Bố thí thành thân trời,
Ðầu đội mũ báu đỏ,
Cũng các kỹ nữ dạo.
Vốn quả báo của thí,
Thí được trời Ðế Thích
Vua trời oai lực thịnh,
Ngàn mắt trang nghiêm thân,
Vốn quả báo của thí.
Bố thí thành Phật đạo,
Ðủ ba mươi hai tướng,
Chuyển Pháp luân vô thượng,
Vốn quả báo của thí.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ðàn-việt thí chủ nên thừa sự cúng dường các bậc Hiền thánh tinh tấn trì giới như thế nào?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Thế Tôn là vua các pháp. Cúi mong Thế Tôn nói nghĩa này cho các Tỳ-kheo, chúng con sẽ hết lòng phụng trì.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các Thầy.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:
- Ðàn-việt thí chủ thừa sự cúng dường các bậc đa văn, tinh tấn trì giới xem như bậc chỉ đường cho người mê, cung cấp thức ăn cho người thiếu thốn lương thực, khiến người sợ hãi không ưu não, dạy cho người sợ sệt, không kinh sợ, che chở cho người không chỗ nương về, làm con mắt cho người mù, làm y vương cho người bệnh; ví như nông phu, nhà vườn sửa sang nghiệp ruộng, trừ bỏ cỏ rác mới thành tựu được lúa ăn. Tỳ-kheo thường nên trừ bỏ bịnh ngũ ấm lẫy lừng để mong nhập vào trong thành Niết-bàn (Nê-hoàn) vô úy. Như thế, này các Tỳ-kheo, đàn-việt thí chủ thừa sự cúng dường các bậc đa văn tinh tấn trì giới như thế đó.
Ngay lúc đó, trưởng giả A-na-bân-trì (Cấp Cô Ðộc), đang ở trong chúng. Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:
- Ðúng thế, bạch Thế Tôn! Ðúng thế, bạch Như Lai! Tất cả thí chủ đến với người nhận như bình cát tường, các vị thọ thí như Tỳ-sa vương khuyên người bố thí như thân cận cha mẹ. Người thọ thí là phước lành đời sau. Tất cả thí chủ đến với người nhận giống như cư sĩ.
Thế Tôn bảo rằng:
- Ðúng vậy, Trưởng giả! Ðúng như lời Ông nói.
Trưởng giả A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:
- Từ nay về sau, cửa nhà con sẽ không đóng kín, cũng không từ chối những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và những người đi đường thiếu lương thực.
Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh của đệ tử.
Bấy giờ Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Trưởng giả thấy Thế Tôn im lặng nhận lời, liền lễ Phật, nhiễu ba vòng rồi trở về. Ðến nhà, ngay tối đó ông bày cỗ bàn thịnh soạn, các thứ món ăn, lót trải đệm ngồi rộng rãi. Làm xong, ông đích thân đến bạch Phật:
- Ðã đến giờ, thức ăn đã dọn xong. Cúi mong Thế Tôn đúng giờ chiếu cố.
Bấy giờ Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo, đắp y, ôm bát đến nhà trưởng giả ở thành Xá-vệ. Ðến nơi, mọi người tự tìm chỗ ngồi. Các Tỳ-kheo Tăng cũng ngồi theo thứ tự.
Bấy giờ trưởng giả thấy Phật và chúng Tỳ-kheo đã ngồi yên rồi, liền tự tay đi dâng các thức ăn uống. Dâng thức ăn uống xong, liền thu dọn bát và đến ngồi chỗ thấp trước đức Như Lai, ý muốn nghe pháp.
Bấy giờ trưởng giả bạch Thế Tôn:
- Lành thay, Như Lai! Xin cho các Tỳ-kheo, nếu cần những vật tùy thân như ba y, bình bát, ống kim, tọa cụ, áo trong, bồn tắm và tất cả các tạp vật của Sa-môn, cứ đến nhà đệ tử mà lấy.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy nếu cần y áo, bình bát, tọa cụ, bồn tắm và tất cả những vật lặt vặt khác của Sa-môn, cho phép đến đây lấy. Chớ co nghi nan, bận lòng.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho trưởng giả A-na-bân-trì. Thuyết pháp vi diệu xong liền đứng lên mà đi. Ngay lúc đó, A-na-bân-trì lại bố thí rộng rãi ở bốn cửa thành, rồi lần thứ năm ở chợ và lần thứ sáu tại nhà; ai cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần xe cộ kỹ nhạc, hương xông, chuỗi ngọc đều cho hết.
Bấy giờ Thế Tôn nghe trưởng giả A-na-bân-trì ở trong bốn cửa thành bố thí rộng rãi, ở chợ lớn bố thí người nghèo thiếu, lại ở trong nhà bố thí không hạn lượng. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ưu-bà-tắc ưa bố thí nhất trong hàng đệ tử của Ta là trưởng giả Tu-đạt.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên, Thế Tôn bảo rằng:
- Thế nào Trưởng giả, Ông có thường bố thí cho người nghèo thiếu không?
- Ðúng vậy, bạch Thế Tôn! Con hằng bố thí cho người nghèo thiếu, bố thí rộng rãi tại bốn cửa thành, còn ở tại nhà cấp thứ cần thiết cho người. Bạch Thế Tôn, có lúc con nghĩ rằng muốn bố thí cho tất cả loài chim rừng, heo chó. Con cũng không nghĩ: đây nên cho, đây không nên cho, cũng không nghĩ; đây nên cho nhiều, đây nên cho ít. Con hằng nghĩ: tất cả chúng sanh đều do ăn mà còn tính mạng, có ăn thì sống, không ăn thì chết.
Thế Tôn bảo rằng:
- Lành thay, lành thay! Này Trưởng giả! Ông đã đem lòng bồ-tát, chuyên ròng một ý mà bố thí rộng rãi. Ðúng là các chúng sanh đều do ăn mà được sống, không ăn liền chết. Này Trưởng giả, Ông sẽ thâu hoạch được quả báo lớn, được tiếng tăm lớn. Ðã có quả báo lớn, tiếng đồn mười phương, lại được pháp vị cam lồ. Sở dĩ như thế là vì bồ-tát hằng đem tâm bình đẳng mà bố thí, chuyên ròng một lòng nghĩ nhớ các loài chúng sanh, họ do ăn mà còn, có ăn liền được cứu tế, không ăn liền chết. Ðó là, này Trưởng giả, bồ-tát tâm được ăn ổn mà bố thí rộng rãi.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Hãy nên bố thí khắp,
Trọn không tâm lẫn tiếc,
Ắt sẽ gặp bạn lành,
Ðược giúp đến bờ kia.
Thế nên, Trưởng giả, hãy đem tâm bình đẳng mà rộng bố thí. Như thế, Trưởng giả, hãy học điều này!
Bấy giờ Trưởng giả nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Như Ta ngày nay biết rõ căn nguyên chỗ đến của chúng sanh, cũng biết quả báo bố thí một nắm cơm ăn dư cuối cùng, đã không ăn mà bố thí người khác. Lúc ấy không có khởi tâm tật đố, ganh ghét dù bằng một sợi tóc. Vì chúng sanh này không biết quả báo của bố thí, còn Ta đều biết hết. Quả báo bố thí, quả báo bình đẳng tâm không có khác. Thế nên, chúng sanh không thể bố thí bình đẳng mà bị đọa lạc, vì hằng có tâm keo kiệt tật đố, buộc trói tâm ý.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Chúng sanh chẳng tự giác,
Lời dạy của Như Lai,
Thường nên bố thí rộng,
Chuyên hướng chỗ chân nhân,
Chỉ tánh cho thanh tịnh,
Thu hoạch phước rất nhiều,
Cộng chung phần phước đó,
Sau được quả báo lớn.
Bố thí nay lành thay!
Tâm hướng ruộng phước lớn,
Ở cõi đời này chết,
Ắt sanh lên cõi trời.
Cho đến chỗ lành kia,
Khoái lạc tự vui thú,
Tốt lành rất hân hoan,
Tất cả không thiếu dở.
Do nghiệp trời oai đức,
Ngọc nữ theo vây quanh,
Báo bố thí bình đẳng,
Nên được phước đức này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy chớ sợ phước báo. Sở dĩ như thế là vì đây là sự hưởng an vui rất đáng nên yêu thích. Sở dĩ gọi là phước vì có quả báo lớn này. Các Thầy hãy sợ không phước. Vì sao thế? Vì đây là nguyên gốc của khổ, sầu lo, khổ não, không được vừa ý, không có yêu thích. Ðây gọi là vô phước. Tỳ-kheo, Ta nhớ ngày xưa bảy năm hành lòng từ, lại qua bảy kiếp không đến cõi này, lại trong bảy kiếp sanh cõi trời Quang Âm, lại bảy kiếp sinh cõi trời Không Phạm làm Ðại Phạm Thiên không ai sánh bằng, thống lãnh trăm ngàn thế giới, rồi ba mươi sáu lần làm Trời Ðế Thích, vô số đời làm Chuyển luân Thánh vương. Thế nên, này các Tỳ-kheo, làm phước chớ có mỏi mệt. Vì sao thế? Hưởng vui rất đáng yêu thích. Thế nên gọi là phước. Các Thầy nên sợ vô phước. Vì sao thế? Vì là nguồn gốc của khổ, sầu lo, khổ não, không được vừa ý. Ðây gọi là vô phước.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Vui thay, phước báo,
Sở nguyện được thành,
Mau đến diệt tận,
Ðến chỗ vô vi,
Cho dù số ức,
Thiên ma Ba-tuần
Cũng không thể nhiễu,
Người tạo phước nghiệp,
Kia hằng tự cầu,
Ðạo của Hiền Thánh,
Liền trừ hết khổ,
Sau chẳng có lo.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, làm phước chớ chán. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người tuân theo một pháp, chẳng rời một pháp, thì ma Ba-tuần chẳng thể được thuận tiện, cũng chẳng thể đến quấy nhiễu người. Thế nào là một pháp? Nghĩa là phước nghiệp công đức. Sở dĩ như thế là vì Ta tự nhớ khi xưa, lúc thành đạo dưới cội bồ-đề, cùng các bồ-tát nhóm ở một nơi. Tệ ma Ba-tuần đem mấy ngàn vạn ức binh, đủ mọi tướng mạo, đầu thú mình người không thể kể xiết: Trời, Rồng, Quỷ Thần, A-tu-la, Ca-lâu-la, Ma-hầu-la-già v.v... đều đến tụ họp. Ma Ba-tuần nói với Ta rằng:
"- Sa-môn, mau mọp xuống đất!"
Phật dùng sức phước đức lớn hàng phục được ma oán, các trần cấu tiêu mất, không có các uế nhiễm, liền thành đạo Vô Thượng Chánh Chơn. Các Tỳ-kheo nên quán nghĩa này. Nếu có Tỳ-kheo công đức đầy đủ, tệ ma Ba-tuần chẳng thể được thuận tiện phá hoại công đức ấy.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Có phước khoái lạc,
Người không phước khổ,
Ðời này, đời sau,
Làm phưóc hưởng vui.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy làm phước chớ mệt mỏi.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có Tỳ-kheo tu hành một pháp, chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác. Chỉ có một bề theo đường lành, một bề hướng đến Niết-bàn. Thế nào là tu hành một pháp chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác? Ðó là tâm dốc lòng tin. Ðúng là tu một pháp này chẳng thể bị bại hoại rơi vào đường ác. Thế nào là tu hành một pháp hướng đến chỗ lành? Nghĩa là tâm hành lòng tin tha thiết. Thế nào là tu hành một pháp tiến đến Niết-bàn? Nghĩa là hằng chuyên tâm niệm. Ðó là tu hành pháp này được đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy chuyên ròng tâm ý, nghĩ nhớ các gốc lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, chúng sanh ở đây liền tăng tuổi thọ, nhan sắc tươi nhuận, khí lực mạnh mẽ, khoái lạc vô cùng, âm thanh hòa nhã. Thế nào là một người? Nghĩa là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðây là một người xuất hiện ở đời, chúng sanh nơi này liền tăng tuổi thọ, nhan sắc tươi thuận, khí lực mạnh mẽ, khoái lạc vô cùng, âm thanh hòa nhã. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên chuyên ròng nhất tâm niệm Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Không mạn, hai niệm đàn,
Hai thí, chắc không chán.
Thí phước, ma Ba-tuần,
Ðường ác và một người.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Phù trợ người lâm chung


Bhutan có gì lạ


Rộng mở tâm hồn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.18.192 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập