Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

IV. PHẨM ĐỆ TỬ
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về lòng nhân từ rộng rãi, biết rộng, khéo hay khuyên bảo giáo hóa, nuôi dưỡng thánh chúng, chẳng mất oai nghi; đó là Tỳ-kheo A-nhã-câu-lân (Kiều-trần-như). Nhận pháp vị đầu tiên, suy nghĩ về Tứ đế, cũng là Tỳ-kheo A-nhã-kiều-trần-như.
Khéo hay khuyên lơn, dẫn đường tạo phước, độ nhân dân là Tỳ-kheo Ưu-đà-di. Mau thành tựu thần thông, không có hối hận là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. Hằng bay trên không, chân chẳng đạp đất là Tỳ-kheo Thiện Trửu. bay giữ hư không giáo hóa, ý không mong cầu vinh dự là Tỳ-kheo Bà-phá. Vui ở trên trời, không ở loài người là Tỳ-kheo Ngưu Tích. Hằng quán tưởng sự xấu xa, bất tịnh là Tỳ-kheo Thiện Thắng. Nuôi dưỡng Thánh chúng, tứ sự cúng dường là Tỳ-kheo Ưu-lưu-ta-ca-diếp. Tâm ý lặng lẽ, hàng phục các kiết sử là Tỳ-kheo Giang-ca-diếp. Quán rõ các pháp đều không dính mắc là Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp.
Ca-lân-đà-di, Nam,
Thiện Trửu, Bà thứ năm,
Ngưu Tích và Thiện Thắng,
Ba anh em Ca-diếp.

2. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Oai dung đoan chánh, bước đi khoan thai là Tỳ-kheo Mã Sư. Trí huệ vô cùng, giải quyết hết các nghi là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Thần túc nhẹ nhàng, bay đến mười phương là Tỳ-kheo Ðại Mục-kiền-liên. Dũng mãnh tinh tấn, kham chịu khổ hạnh, là Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ. Hành mười hai hạnh đầu đà khó hành là Tỳ-kheo Ðại Ca-diếp. Thiên nhãn đệ nhất, thấy các cõi ở mười phương là Tỳ-kheo A-na-luật. Tọa thiền nhập định, tâm không lầm loạn là Tỳ-kheo Ly-việt. Hay rộng khuyên bố thí, lập trai giang là Tỳ-kheo Ðà-la-bà-ma-la. Tạo lập phòng nhà cho Tăng thập phương là Tỳ-kheo Tiểu-đà-la-bà-ma-la. Chủng tộc cao quý, giàu có xuất gia học đạo là Tỳ-kheo La-tra-bà-la. Khéo phân biệt nghĩa, diễn bày đạo giáo là Tỳ-kheo Ðại Ca-chiên-diên.
Mã Sư, Xá-lợi-phất,
Câu-luật, Nhĩ, Ca-diếp,
A-na-luật, Ly-việt,
Ma-la-, Tra, Chiên-diên.

3. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Kham nhậm nhận thẻ không trái phép cấm là Tỳ-kheo Quân-đầu-bà-mạc. Hàng phục ngoại đạo, thực hành chánh pháp là Tỳ-kheo Tân-đầu-lô-phả-la-đọa. Săn sóc tật bệnh, cung cấp thuốc men là Tỳ-kheo Thức. Bốn món cúng dường y phục, ẩm thực cũng là Tỳ-kheo Thức. Hay tạo kệ tụng tán thán đức của Như Lai là Tỳ-kheo Bà-kỳ-xá. Ðược tứ biện tài đối đáp những vấn nạn là Tỳ-kheo Ma-ha-câu-hy-la. Thanh tịnh nhàn cư, không thích ở gần người là Tỳ-kheo Kiên-lao. Khất thực khổ nhục, chẳng tránh lạnh, nóng là Tỳ-kheo Nan-đề. Ở một mình tĩnh tọa, một lòng nhớ đạo là Tỳ-kheo Kim-tỳ-la. Ngồi một chỗ, ăn một bữa không dời đổi là Tỳ-kheo Thí-la. Giữ gìn ba y, không lìa khi ăn nghỉ là Tỳ-kheo Phù-di.
Quân-đầu, Tân-đầu-lô,
Thức, Bà, Câu-hy-la,
Kiên-lao và nan-đề,
Kim-tỳ, Thí la, Di.

4. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Ngồi dưới gốc cây, tọa Thiền ý không di chuyển là Tỳ-kheo Hồ-nghi-ly-viết. Khổ thân ngồi ngoài trời không tránh gió mưa là Tỳ-kheo Bà-tha. Vui một mình, nhàn tản, chuyên ý tư duy là Tỳ-kheo Ðà-tô. Mặc áo vá năm mảnh, không mặc đồ tốt đẹp là Tỳ-kheo Ni-bà. Thường ưa ở bãi tha ma không ở gần người là Tỳ-kheo Ưu-đa-la. Hằng ngồi đệm cỏ, ngày ngày làm phước độ người là Tỳ-kheo Lô-hệ-ninh. Chẳng nói với người, nhìn xuống đất mà đi là Tỳ-kheo Ưu-kiểm-ma-ni-giang. Ngồi dậy bước đi thường nhập tam-muội là Tỳ-kheo San-đề (Na-đề). Thích du hành bước xa, dạy dỗ nhân dân là Tỳ-kheo Ðàm-ma-lưu-chi. Ưa nhóm Thánh chúng, luận thuyết pháp vị là Tỳ-kheo Ca-lệ.
Hồ-nghi, Bà-thay-ly,
Ðà-tô, Bà, Ưu-đa
Lô-hê, Ưu-ca-ma,
Tức, Ðàm-ma-lưu, Lệ.

5. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Thọ mạng cực dài, trọn không yếu là Tỳ-kheo Bà-câu-la. Thường ưa nhàn cư, không ở trong chúng là Tỳ-kheo Bà-câu-la. Hay thuyết pháp rộng rãi, phân biệt nghĩa lý là Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử. Phụng trì giới luật không có xúc phạm là Tỳ-kheo Ưu-ba-ly. Ðược tính giải thoát, ý không do dự là Tỳ-kheo Bà-ca-lợi. Thân thể như trời, đoan chính khác biệt với đời là Tỳ-kheo Nan-đà. Các căn tịch tĩnh, tâm không biến dị cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Biện tài mau lẹ, giải những nghi trệ cho người là Tỳ-kheo Bà-đà. Hay nói rộng nghĩa lý không có trái nghịch là Tỳ-kheo Tư-ni. Ưa mặc áo tốt, hạnh vốn trong sạch là Tỳ-kheo Thiên Tu-bồ-đề. Thường thích dạy dỗ những người học sau là Tỳ-kheo Nan-đà-ca. Khéo dạy dỗ cấm giới cho Tỳ-kheo-ni là Tỳ-kheo Tu-ma-na.
Bà-câu, Mãn, Bà-ly,
Bà-ca-lợi, Nan-đà,
Ðà, Ni, Tu-bồ-đề,
Nan-đà, Tu-ma-na.

6. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Công đức tràn đầy, sở thích không dở là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Ðầy đủ các pháp hành đạo phẩm là Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên-ca-lan-đà-tử. Nói năng vui hòa không tổn thương ý người là Tỳ-kheo Bà-đà-tiên. Tu hành an ban, tư duy các điều nhơ nhớp là Tỳ-kheo Ma-ha-ca-diên-na. Nghĩ ngã vô thường, tâm không có tưởng là Tỳ-kheo Ưu-đầu-bàn. Hay nghị luận mọi thứ, làm vui tâm thức là Tỳ-kheo Câu-ma-la-ca-diếp. Mặc áo tệ xấu không có hổ thẹn là Tỳ-kheo Diện Vương. Chẳng hủy cấm giới, tụng đọc không lười mỏi là Tỳ-kheo La-vân. Dùng sức thần túc hay tự thầm ân là Tỳ-kheo Bàn-đặc. Hay đổi hình thể làm các thứ biến hóa là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.
Thi-bà, Ưu-ba-tiên,
Bà-đà, Ca-diên-na,
Ưu-đầu, Vương, Ca-diếp,
La-vân, hai Bàn-đặc.

7. Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Hào tộc phú quý, thiên tánh nhu hòa là Tỳ-kheo Thích Vương. Khất thực không chán, giáo hóa vô cùng là Tỳ-kheo Bà-đề-bà-la. Khí lực mạnh mẽ, không sợ khó khăn cũng là Tỳ-kheo Bà-đề-bà-la. Tiếng vang trong trẻo, tiếng đến Phạm thiên là Tỳ-kheo La-bà-na-bà-đề. Thân thể thơm sạch tỏa ra bốn phương là Tỳ-kheo Ương-ca-xà.
Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về: Biết thời, rõ vật, gặp việc không nghi, ghi nhớ không quên, nghe nhiều sâu rộng, kham nhận kính thờ người trên là Tỳ-kheo A-nan. Phục sức trang nghiêm, nhìn bóng mà bước là Tỳ-kheo Ca-trì-lợi.Các vua kính nể, quần thần tôn trọng là Tỳ-kheo Nguyệt Quang. Trời Người phụng sự, hằng thăm thưa hỏi là Tỳ-kheo Thâu-đề. Ðã bỏ thân người, dung mạo giống trời cũng là Tỳ-kheo Thâu-đề. làm thầy hướng dẫn chư Thiên, chỉ trao chánh pháp là Tỳ-kheo Thiên. Tự nhớ túc mạng, việc vô số kiếp là Tỳ-kheo Quả Y (Bà-ê).
Thích Vương, Bà-đề-ba,
La-bà, Ương-ca-xà,
A-nan, Ca, Nguyệt quang,
Thâu-đề, Thiên, Bà-ê.

8. Tỳ-kheo bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Thể tánh thông lợi trí tuệ sâu xa là Tỳ-kheo Ương-quật-ma. Hay hàng phục ma, ngoại đạo, tà nghiệp là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Nhập thủy tam muội chẳng cho là khó, là Tỳ-kheo Chất-đa-xá-lợi-phất. Hiểu biết rộng rãi, được người kính nhớ cũng là Tỳ-kheo Chất-đa-xá-lợi-phất. Nhập hỏa tam muội chiếu khắp mười phương là Tỳ-kheo Thiện Lai. Hay hàng phục rồng khiến phụng sự Tam Bảo là Tỳ-kheo Na-la-đà. Hàng phục quỷ thần đổi ác tu thiện là Tỳ-kheo Quỷ-đà. Hàng phục Càn-thát-bà siêng tu hạnh lành là Tỳ-kheo Tỳ-lô-giá. Hằng vui trong định Không, phân biệt nghĩa Không là Tỳ-kheo Tu-bồ-đề. Chí tại không tịch, đức nghiệp vi diệu cũng là Tỳ-kheo Tu-bồ-đề. Hạnh định Vô tướng, trừ bỏ các niệm là Tỳ-kheo Kỳ-lợi-ma-nan. Nhập định Vô nguyện, ý không rối loạn là Tỳ-kheo Diệm-thịnh.
Ương-quật, Tăng-ca-na,
Chất-đa, Bà, Na-la,
Duyệt-xoa, Phù-lô-giá,
Thiện Nghiệp và Ma-nan.

9. Tỳ-kheo bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Nhập từ tam-muội, tâm không giận dữ là Tỳ-kheo Phạm-ma-đạt. Nhập bi tam-muội thành tựu bốn nghiệp là Tỳ-kheo Tu-thâm. Ðược đức hỷ, không các thứ tưởng là Tỳ-kheo Sa-di-đà. Thường gìn giữ tâm, ý không lìa bỏ là Tỳ-kheo được Ba-ca. Hành Diệm thạnh (Lửa hừng) tam-muội, trọn không lười mỏi là Tỳ-kheo Ðàm-di. Ngôn ngữ thô ác, không nể bậc tôn quý là Tỳ-kheo Lợi-đà-bà-giá. Nhập Kim Cang tam-muội cũng là Tỳ-kheo Lợi-đà-bà-giá. Nhập Kim Cang tam-muội không thể bị pháp hoại là Tỳ-kheo Vô Úy. Nói năng dứt khoát, không ôm lòng khiếp nhược là Tỳ-kheo Tu-nê-đa. Hằng ưa tĩnh lặng, ý không xử loạn là Tỳ-kheo Ðà-ma. Nghĩa không ai hơn được, trọn chẳng ai có thể nhiếp phục là Tỳ-kheo Tu-la-đà.
Phạm-đạt, Tu-thâm-ma,
Sa-di, Dược, Ðàm-di,
Tỳ-lợi-đà, Vô-úy,
Tu-nê-đa, Tu-la.

10. Tỳ-kheo bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Hiểu rõ tinh tú, biết trước sự lành dữ là Tỳ-kheo Na-già-ba-la. Hằng vui tam-muội, lấy Thiền duyệt làm thức ăn là Tỳ-kheo Ba-tư-trá. Thường lấy vui làm thức ăn là Tỳ-kheo Tư-dạ-xà. Hằng hành nhẫn nhục, không khởi tâm chống đối là Tỳ-kheo Mãn Nguyện Thịnh Minh. Tu tập Nhật quang tam-muội là Tỳ-kheo Di-hề. Rõ phép toán thuật, không có sai lầm là Tỳ-kheo Ni-câu-lưu. Trí phân biệt các thứ, hằng không quên mất là Tỳ-kheo Lộc Ðầu. Ðược Lôi điện tam-muội, chẳng ôm lòng sợ hãi là Tỳ-kheo Ðịa. Quán rõ nguồn gốc của thân là Tỳ-kheo Ðầu-na. Thủ chứng cuối cùng được Lậu tận thông là Tỳ-kheo Tu-bạt.
Na-già, Trá, Xá-na,
Di-hề, Ni-câu-lưu,
Lộc-đầu, Ðịa, Ðầu-na,
Tu-bạt ở sau cùng.
Một trăm vị Hiền thánh này, thảy nên nói rộng.
V. PHẨM TỲ-KHEO-NI
1. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Xuất gia học đạo lâu, được Quốc vương cung kính là Tỳ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo Kiều-đàm-di. Trí huệ thông minh là Tỳ-kheo-ni Thức-ma. Thần túc bậc nhất, cảm dến chư thần là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc (Liên Hoa Sắc). Hành pháp đầu đà có mười một trở ngại là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá-cù-đàm-di. Thiên nhãn đệ nhất chiếu soi không ngại là Tỳ-kheo-ni Xà-câu-lê. Tọa thiền nhập định ý không phân tán là Tỳ-kheo-ni Xà-ma. Phân biệt nghĩa thú, quảng diễn đạo giáo là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-đồ-na. Phụng trì Luật giáo không có vi phạm Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na. Ðược tín giải thoát chẳng lui sụt trở lại, là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên. Ðược bốn biện tài, chẳng ôm lòng khiếp nhược là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.
Ðại ái và Thức Ma,
Ưu-bát, Cơ-đàm-di,
Câu-lợi, Xà, Lan-đồ,
Na-la, Ca-chiên, Thắng.

2. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Tự biết việc vô số kiếp đời trướclà Tỳ-kheo-ni Bà-đà-ca-tỳ-ly. Nhan sắc đoan chánh được người kính yêu là Tỳ-kheo-ni Hê-ma-xà. Hàng phục ngoại đạo, lập cho chánh giáo là Tỳ-kheo-ni Thâu-na. Phân biệt nghĩa thú, giảng rộng từng phần, từng bộ là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề-na. Thân mặc áo thô không lấy làm xấu hổ là Tỳ-kheo-ni Ưu-đa-la. Các căn tịch tĩnh, hằng giữ nhất tâm là Tỳ-kheo-ni Quang Minh. Y phục tề chỉnh, thường như pháp dạy dỗ là Tỳ-kheo-ni Thiền Ðầu. Hay luận đủ thứ, không bị nghi trệ là Tỳ-kheo-ni Ðàn-đa. Kham nhậm tạo kệ tán thán đức Như Lai là Tỳ-kheo-ni Thiên Dữ. Nghe nhiều biết rộng, dùng ân huệ tiếp người dưới là Tỳ-kheo-ni Cù-ty.
Bạt-đà, Ðồ, Thâu-na,
Ðàm-ma-na, Ưu-đa,
Quang Minh, Thiền, Ðàn-đa,
Thiên Dữ và Cù ty.

3. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Hằng ở chỗ nhàn tĩnh, không ở trong nhân gian là Tỳ-kheo-ni Vô Úy. Khổ hình khất thực, không chọn sang hèn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xá-khư. Ở một chỗ, ngồi một nơi trọn không dời đổi là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-bà-la. Ði khắp cầu xin, rộng độ nhân dân là Tỳ-kheo-ni Ma-nộ-ha-lợi. Chóng thành tựu đạo quả, khoảng giữa không bị ngăn trệ là Tỳ-kheo-ni Ðà-ma. Cầm giữ ba y trọn không rời bỏ là Tỳ-kheo-ni Tu-đà-ma. Hằng ngồi dưới gốc cây, ý không cải đổi là Tỳ-kheo-ni Hiếo-tu-na. Hằng ở ngoài trời, không nghĩ đến mái che là Tỳ-kheo-ni Xà-đà. Ưa ở chỗ hoang vắng, không ở nhân gian là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-la. Ngồi hoài trên đệm cỏ, không mặc đồ phục sức là Tỳ-kheo-ni Ly-na. Mặc y năm mảnh để giữ phần khí (phần vệ) là Tỳ-kheo-ni A-nô-ba-ma.
Vô Úy, Ða-tỳ-xá,
Bà-đà, A-nô-ba,
Ðàn, Tu-đàn, Xà-đa,
Ưu-ca, Ly, A-nô.

4. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Ưa ở bãi tha ma là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-ma. Ði nhiều vì thương xót, nhớ nghĩ chúng sinh là Tỳ-kheo-ni Thanh Minh. Khóc thương chúng sanh không đến được đạo là Tỳ-kheo-ni Tố-ma. Vui được đạo và mong phổ cập đến tất cả là Tỳ-kheo-ni Ma-đà-lợi. Giữ gìn các hạnh, ý không xa lìa là Tỳ-kheo-ni Ca-la-già. Thủ không, chấp hư, biết rằng không có là Tỳ-kheo-ni Ðề-bà-tu. Tâm vui Vô tưởng, trừ bỏ các chấp trước là Tỳ-kheo-ni Nhật Quang. Tu tập Vô nguyện, tâm hằng cứu giúp rộng rãi là Tỳ-kheo-ni Mạt-na-bà. Các pháp không nghi, độ người không giới hạn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-ma-đạt. Hay thuyết rộng nghĩa, phân biệt những pháp sâu xa là Tỳ-kheo-ni Phổ Chiếu.
Ưu-ca, Minh, Tố-ma,
Ma-đà, Ca, Ðề-bà,
Nhật Quang, Ma-na-bà,
Tỳ-ba-đạt, Phổ Chiếu.

5. Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta về: Tâm ôm nhẫn nhục như đức bao dung là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề. Hay giáo hóa người khiến lập hội thí (đàn hội) là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma. Xếp đặt giường tòa đầy đủ cũng là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma. Tâm đã dứt hẳn, không dấy loạn tưởng là Tỳ-kheo-ni Nhân-đà-xà. Quán rõ các pháp mà không nhàm chán là Tỳ-kheo-ni Long. Ý cứng rắn mạnh mẽ, không bị nhiễm trước là Tỳ-kheo-ni Câu-na-la. Nhập thủy tam muội, thấm nhuần khắp tất cả là Tỳ-kheo-ni Bà-tu. Nhập Diệm quang tam-muội chiếu soi mọi loài là Tỳ-kheo-ni Hàng-đề. Quán nhơ nhớp bất tịnh, phân biệt duyên khởi là Tỳ-kheo-ni Giá-ba-la. Nuôi dưỡng mọi người, cung cấp chỗ thiếu thốn là Tỳ-kheo-ni Thủ-ca. Tỳ-kheo-ni bậc nhất cuối cùng trong hàng Thanh Văn của Ta là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-quân-đà-la nước Câu-di.
Ðàm-ma, Tu-dạ-ma,
Nhân-đề, Long, Câu-na,
Bà-tu, Hàng, Giá-ba,
Thủ-ca, Bạt-đà-la.
Năm mươi Tỳ-kheo-ni này, nên nói rộng như trên.
VI. PHẨM THANH TÍN SĨ (ƯU-BÀ-TẮC)
1. Trong đệ tử của Ta, người đầu tiên nghe pháp được mà chứng Hiền thánh là Thương khách Tam Quả. Trí tuệ bậc nhất là Trưởng giả Chất-đa. Thần đức bậc nhất là Kiền-đề-a-lam. Hàng phục ngoại đạo là Trưởng giả Quật-đa. Hay thuyết những pháp sâu xa là Trưởng giả Ưu-ba-quật. Hằng tọa thiền suy tư là Ha-xỉ-a-la-bà. Hàng phục ma cung là Trưởng giả Dũng Kiện. Phước đức tràn đầy là Trưởng giả Ðồ-lợi. Ðại thí chủ là Trưởng giả Tu-đạt (Cấp Cô Ðộc). Môn tộc thành tựu là Trưởng giả Mẫn-dật.
Tam Quả, Chất, Kiền-đề
Quật, Ba và La-bà
Dũng, Xà-lợi, Tu-đạt
Mẫn-dật tức là mười.

2. Ưu-bà-tắc bậc nhất trong hàng đệ tử của Ta về: Thích hỏi nghĩa thú là Bà-la-môn Sanh Lậu. Lợi căn thông minh là Phạm-ma-du. Chư Phật tin cậy sai khiến là Ngự-mã-ma-nạp. Biết thân vô ngã là Bà-la-môn Hỷ Văn Cầm. Nghị luận hơn người là Bà-la-môn Tỳ-cừu. Hay làm kệ tụng là Trưởng giả Ưu-ba-ly. Nói năng mau lẹ cũng là Trưởng giả Ưu-ba-ly. Thích cho báu tốt, không có lẫn tiếc là Trưởng giả Thù-đề. Kiến lập gốc lành là Ưu-ca-tỳ-xá-ly. Hay thuyết diệu pháp là Ưu-bà-tắc Tối Thượng Vô Úy. Thuyết giảng không sợ hãi, khéo quan sát căn cơ của người là đại tướng lãnh của thành Tỳ-xá-ly tên Ðầu-ma.
Sanh Lậu - Phạm-ma-du,
Ngự-mã và Văn Cầm,
Tỳ-cưu, Ưu-ba-ly,
Thù-đề, Ưu, Úy, Ma.

3. Ưu-bà-tắc bậc nhất trong đệ tử Ta về: Vui thích ban bố ân huệ là Bình-sa Vương. Bố thí ít ỏi là vua Quang Minh. Kiến lập gốc lành là vua Ba-tư-nặc. Ðược niềm tin tốt lành không căn cứ, khởi lòng hoan hỉ là vua A-xà-thế. Chí tâm hướng về Phật, ý không biến đổi là vua Ưu-điền. Thừa sự chánh pháp là vương tử Nguyệt Quang. Cung phụng Thánh chúng, ý hằng bình đẳng là vương tử tạo Kỳ-hoàn. Thường ưa giúp người khác, không vì chính mình là vương tử Sư Tử. Khéo cung phụng người không có tâm cao thấp là vương tử Vô Úy. Nhan mạo đoan chánh, thù thắng hơn người là vương tử Kê-đầu.
Tỳ-sa Vương, Quang Minh,
Ba-tự-nặc, Xà-vương,
Nguyệt, Kỳ-hoàn, Ưu-điền,
Sư Tử, Úy, Kê-đầu.

4. Ưu-bà-tắc bậc nhất trong đệ tử của Ta về: Hằng hành tâm từ là Trưởng giả Bất ni. Tâm hằng thương nhớ tất cả mọi loài là họ Thích Ma-ha-nạp. Thường hành tâm hỷ là họ Thích Bạt-đà. Thường hành tâm xả, không làm mất hạnh lành là Ưu-bà-tắc Tỳ-xà-tiên. Kham nhậm hành nhẫn nhục là đại tướng Sư Tử. Hay luận mọi chuyện là Ưu-bà-tắc Tỳ-xá-ngự. Im lặng như hiền thánh là Ưu-bà-tắc Nan-đề-bà-la. Siêng tu hạnh lành không ngừng nghỉ là Ưu-bà-tắc Ưu-đa-la. Các căn tịch tĩnh là Ưu-bà-tắc Thiên-ma. Ðệ tử chứng quả cuối cùng trong đệ tử của Ta là Câu-di Na-ma-da.
Bất-ni, Ma-ha-nạp,
Bạt-đà, Ưu-đa-la,
Sư Tử, Tỳ-xá-ly,
Ưu-đa, Thiên, Ma-la.
Bốn mươi Ưu-bà-tắc, đều nên nói rộng như trên.
VII. PHẨM THANH TÍN NỮ (ƯU-BÀ-DI)
1. Ưu-bà-di bậc nhất trong đệ tử của Ta về: Ðược chứng đạo đầu tiên là Ưu-bà-di Nan-đà-nan-đà-bà-la. Trí tuệ bậc nhất là Ưu-ba-di Cửu-thọ-đa-la. Hằng ưa tọa thiền là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da-nữ. Huệ căn sáng rỡ là Ưu-bà-di Tỳ-phù. Có thể thuyết pháp là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà. Khéo diễn nghĩa kinh là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la-tu-diệm-ma. Hàng phục ngoại đạo là Ưu-bà-di Bà-tu-đà. Âm thanh trong trẻo là Ưu-bà-di Vô Ưu. Hay luận đủ loại là Ưu-bà-di Bà-la-đà. Dũng mãnh tinh tấn là Ưu-bà-di Tư-đầu.
Nan-đà-đà, Cửu-thọ,
Tu-tỳ, Ương-kiệt-xà,
Tu-diệm và Vô Ưu,
Bà-la-đà, Tư-đầu.

2. Ưu-bà-di bậc nhất trong hàng đệ tử của Ta về: Cúng dường Như Lai là phu nhân Mạt-lợi. Thừa sự Chánh pháp là phu nhân Tu-lại-bà. Cúng dường Thánh chúng là phu nhân Xả-di. Chiêm ngưỡng bậc hiền đời quá khứ và tương lai là phu nhân Lôi Ðiện. Hằng hành Từ tam muội là Ưu-bà-di Ma-ha Quang. Hằng thương xót lân mẫn là Ưu-bà-di Tỳ-đề. Tâm vui chẳng dứt là Ưu-bà-di Bạt-đề. Hành nghiệp thủ hộ là Ưu-bà-di Nan-đà Mẫu. Ðược tín giải thoát là Ưu-bà-di Chiếu Diệu.
Mạt-lợi, Tu-lại-bà,
Xả-di, Nguyệt Quang, Lôi,
Ðại Quang, Tỳ-đề, Ðà,
Nan-đà và Chiếu Diệu.

3. Ưu-bà-di bậc nhất trong đệ tử của Ta về: Hằng hành nhẫn nhục là Ưu-bà-di Vô Ưu. Hành Không tam muội là Ưu-bà-di Tỳ-thù-tiên. Hành Vô tưởng tam-muội là Ưu-bà-di Na-đà. Hành Vô nguyện tam-muội là Ưu-bà-di Vô Cấu. Thích dạy dỗ người khác là Ưu-bà-di phu nhân Thi-lợi. Khéo hay trì giới là Ưu-bà-di Ương-kiệt-ma. Hình mạo đoan chánh là Ưu-bà-di Lôi Diệm. Các căn tịch tĩnh là Ưu-bà-di Tối Thắng. Nghe nhiều, biết rộng là Ưu-bà-di Ni-la. Hay làm kệ tụng là Ưu-bà-di Tu-ma-ca-đề-tu-đạt-nữ. Không bị khiếp nhược cũng là Ưu-bà-di Tu-đạt-nữ. Ưu-bà-di thủ chứng cuối cùng trong hàng Thanh văn của Ta là Ưu-bà-di Lam.
Vô Ưu, Tỳ-thù-tiên,
Ưu-na, Vô Cấu, Thi,
Ương-kiệt, Lôi Diệm, Thắng,
Nê, Tu, Lam-ma-nữ.
Ba mươi Ưu-bà-di này nói rộng như trên.
VIII. PHẨM ATULA
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có thân hình to lớn không ai hơn vua A-tu-la. Tỳ-kheo nên biết, thân hình A-tu-la, cao lớn tám vạn bốn ngàn do tuần, miệng rộng một ngàn do tuần. Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc này là lúc vua A-tu-la muốn xâm phạm mặt trời, liền hóa thân lớn gấp đôi mười sáu vạn tám ngàn do tuần, đến trước mặt trời, mặt trăng. Vua Nhật Nguyệt trông thấy, ai nấy sợ hãi, ở chỗ mình không an ổn. Vì sao thế? Vì thân hình A-tu-la rất đáng sợ. Vua Nhật Nguyệt kia vì sợ hãi nên không phát ra ánh sáng nữa. Nhưng A-tu-la chẳng dám tới trước bắt mặt trời, mặt trăng. Vì cớ sao? Oai đức của Nhật Nguyệt có thần lực rất lớn, thọ mạng rất dài, nhan sắc đoan chánh, hưởng vui sướng vô cùng. Muốn biết thọ mạng dài ngắn, thì tuổi thọ của Nhật Nguyệt trụ một kiếp. Hơn nữa phước đức chúng sanh ở đây trợ giúp, khiến vua Nhật Nguyệt không bị A-tu-la thấy để xúc não.
Bấy giờ A-tu-la ôm lòng buồn lo mà biến mất. Như vậy, này các Tỳ-kheo, tệ ma Ba-tuần luôn ở sau lưng các Thầy, tìm phương tiện làm hư hỏng căn lành. Ba-tuần liền hóa ra những sắc, tiếng, mùi, vị, xúc chạm, và pháp cực kỳ huyền diệu lạ lùng, muốn làm mê loạn ý các Tỳ-kheo. Ba-tuần nghĩ rằng: "Ta sẽ bắt được cơ hội thuận tiện về tai, mũi, miệng, thân, ý". Bấy giờ, Tỳ-kheo tuy thấy pháp lực tình cực diệu, tâm vẫn không nhiễm trước. Bấy giờ tệ ma Ba-tuần ôm lòng buồn lo rồi lui đi. Vì sao thế? Ðó là do oai lực của Như Lai, bậc A-la-hán. Vì cớ sao? Này các Tỳ-kheo, vì chẳng gần sắc, tiếng, mùi, vị, xúc và pháp.
Bấy giờ Tỳ-kheo thường học điều này: Nhận sự tín cúng của người thật là rất khó, nếu không thể tiêu hóa thì sẽ rơi vào năm đường, không đến được đạo Vô thượng Chánh chân, cần nên chuyên ý, người chưa được hãy được, chưa đắc hãy đắc, người chưa độ hãy độ, người chưa chứng hãy dạy dỗ khiến cho thành tựu quả chứng.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu chưa được tín thí thì chớ khởi nghĩ tưởng, đã được tín thí thì tiêu hóa ngay, chớ khởi nhiễm trước. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, sẽ làm nhiều lợi ích cho người, đem an ổn đến cho chúng sanh, thương xót những người ngu tối, muốn khiến cho Trời, Người được phước đức. Thế nào là một người? Nghĩa là Đức Phật, Như Lai, bậc A-la-hán Tam-miệu-tam-bồ-đề. Ðó là một người xuất hiện ở đời, làm nhiều lợi ích cho người, đem an ổn đến cho chúng sanh, thương xót người ngu tối, muốn khiến cho Trời, Người được phước đức.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có một người nhập đạo trong thế gian và cũng sẽ có Nhị đế, Ba cửa giải thoát, chân pháp Tứ đế, Ngũ căn, Sáu tà kiến tiêu diệt. Thất giác ý của hiền thánh, Tám đạo phẩm, Chín nơi cư trú của chúng sanh, Mười lực của Như Lai, Mười một từ tâm giải thoát liền xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, liền có một người nhập đạo trong thế gian, cũng có Nhị đế, Ba cửa giải thoát, chân pháp Tứ đế, Ngũ căn, Sáu tà kiến tiêu diệt, Bảy giác chi (ý) của Hiền Thánh, Tám đạo phẩm, Chín nơi cư trú của chúng sanh, Mười lực của Như Lai, Mười một từ tâm giải thoát liền xuất hiện ở đời. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường khởi lòng cung kính đối với Như Lai, cũng nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở đời. Thế nên, các Tỳ-kheo nên có lòng tin đối với Phật, chớ có nghiêng lệch. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt. Bấy giờ kẻ phàm ngu, vì bị cái thấy vô minh này trói buộc, những nẻo sanh tử chẳng biết như thật, xoa vần qua lại từ đời này đến đời sau, từ kiếp này đến kiếp khác, không cởi bỏ được. Nếu lúc đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời thì vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy nhớ thừa sự chư Phật. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, liền có Ba mươi bảy phẩm xuất hiện ở đời. Thế nào là Ba mươi bảy phẩm? Nghĩa là Tứ ý chỉ, Tứ ý đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác ý, Bát chân hành liền xuất hiện ở đời. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường nên thừa sự Phật, và nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người mất hẳn ở đời, phần đông nhân loại ôm lòng buồn lo, Trời, Người đều mất bóng mát chở che. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người nếu mất hẳn ở đời, phần đông nhân loại ôm lòng buồn lo, Trời, Người đều mất bóng mát che chở. Vì sao thế? Nếu đức Như Lai diệt độ ở đời, Ba mươi bảy phẩm cũng lại diệt hẳn. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường cung kính Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời, bấy giờ Trời và Người đều được thấm nhuần ánh sáng, sẽ có lòng tin đối với giới, văn, thí, huệ. Ví như mùa thu, ánh trăng tròn đầy không có bụi vẩn, chiếu khắp mọi nơi. Ðây cũng như thế. Nếu đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Trời và Người sẽ được thấm nhuần ánh sáng, có lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ. Như mặt trăng tròn đầy chiếu khắp tất cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy khởi lòng cung kính đối với Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời. Bấy giờ Trời và Người sẽ đều đông đúc, chúng sanh ở ba đường ác liền tự giảm đi. Ví như cõi nước lúc có Thánh vương cai trị, nhân dân trong thành đó đông mạnh, nước láng giềng sẽ yếu sức hơn. Ðây cũng như thế. Nếu như Như Lai xuất hiện ở đời, ba đường ác sẽ tự giảm bớt. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy tin tưởng Phật. Thế nên này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có một người xuất hiện ở đời không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không có ai có thể sánh kịp. Thế nào là một người? Nghĩa là đức Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời, không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ đều đầy đủ cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tu-la, ích, một đường,
Ánh sáng và tăm tối,
Ðạo phẩm, mất hẳn, tin,
Ðông đúc, không sánh bằng.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới cội Bồ-đề


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Chắp tay lạy người


Pháp bảo Đàn kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.239.189 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập