Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cư trú tại một ngôi tinh xá trong thành La-duyệt-kì. Đến giờ thụ trai, Ngài dẫn năm trăm vị tì-kheo, một nghìn vị bồ-tát và ưu-bà-tắc ra ngoài thành La-duyệt-kì nhận sự cúng dường. Trên đường đi, Ngài gặp một cội cây Cam hương rất lớn, rễ chúng đâm sâu, thân cây to, cành lá sum suê, hoa trái đỏ hồng, vị nó ngọt ngon. Dưới tán cây, đất rộng và bằng phẳng, nên mọi người xếp đá làm tòa. Ý Đức Phật muốn dừng lại nơi này, nên các vị ưu-bà-tắc liền trải pháp tòa thỉnh Phật an tọa, các đệ tử và bồ-tát đều ngồi vào vị trí.
Lúc ấy có một vị tì-kheo tên Kiến Chính, vì mới vào đạo nên trong lòng có nghi. Tì-kheo này suy nghĩ: “Phật nói có tái sinh đời sau, nhưng đến như người chết không thể trở về báo tin, thì làm thế nào mà biết được?”. Tì-kheo Kiến Chính tính đem việc này hỏi Phật, nhưng chưa kịp mở lời thì Đức Phật đã đoán biết, nên chỉ dạy trước:
- Các đệ tử! Cây này vốn chỉ là một hạt nhỏ bé, nhờ bốn đại bao bọc nuôi dưỡng mà cao lớn che mát cho Ta và mọi người. Lúc cây này còn là hạt giống, thì thân cây, cành lá, hoa quả chưa có, đến lúc được nhân duyên bốn đại hỗ trợ nuôi dưỡng, liền nảy mầm xanh lá, cây cành, hoa quả. Từ đó càng ngày gốc rễ tăng trưởng, dẫn đến cây lớn mạnh, bóng râm che mát rộng xa.
Lúc đầu gọi là hạt giống, rồi từ hạt giống lại nảy mầm, mầm lớn lên thành thân, từ thân lại mọc lá, có lá thì nở hoa, hoa sinh ra trái, cứ nối tiếp biến đổi, không còn là hạt mà cũng không lìa hạt, nhưng tên chẳng phải là tên lúc đầu. Khi thành cây lớn thì có quả, quả lại mọc thành cây, trải qua năm tháng tăng trưởng vô số như vậy.
Phật lại bảo các đệ tử:
- Muốn gom tất cả hoa, quả, thân, cành, để làm trở thành hạt giống như xưa kia, thì có được chăng?
Các đệ tử đều bạch:
- Bạch Thế Tôn! Không được! Vì hạt giống kia đã biến đổi, không thể trở lại như trước được. Đến ngày cây tàn rụi, thì hạt giống lại sinh, cứ xoay vần như thế không dứt, cứ chuyển sinh cứ biến đổi, nhưng cuối cùng đều trở về hư hoại, không thể trở lại thành hạt cũ được.
Phật bảo các đệ tử:
- Sinh tử cũng như vậy. Thần thức là pháp sinh khởi, pháp sinh khởi thì si, si dẫn đến tham ái. Si mê giống như hạt của cây kia, hạt nhỏ mà mọc thành cây lớn. Từ một việc si mê mà dẫn đến nhiều nhân duyên; nhiều nhân duyên vốn do si mê mà ra. Từ si sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục nhập, lục nhập sinh cánh lạc[1], cánh lạc sinh thống, thống sinh ái, ái sinh thụ, thụ sinh hữu, hữu đến sinh, sinh đến lão tử.
Hợp mười hai nhân duyên lại thành thân này. Khi đã có thân thì sẽ dẫn đến già và chết. Thần thức chuyển dời, tùy theo hành nghiệp mà hướng đến. Lại có cha mẹ, lại thụ nhận thân thể, lại có sáu giác quan, lại có chỗ huân tập, lại có khổ vui, lại tùy theo phong tục, nhưng hoàn toàn không phải là thân cũ, lại không thể trở lại như xưa, không nhận biết thân cũ, chỉ hướng đến chỗ mới thấy, nên cho đó là có, là thường. Chấp vào điều tốt đẹp cho là chân thật, cho là không có đời trước và đời sau; thần thức lại chuyển dời, tùy theo hành nghiệp mà thụ thân. Thần thức đã chuyển dời, thì lại có cha mẹ, lại thụ thân mới, lại có sáu giác quan, lại có chỗ huân tập, lại thụ khổ vui, học theo phong tục tập quán, lại không biết thân cũ, lại cũng không trở lại thân cũ, chỗ huân tạp cũ, chốn cũ. Việc ấy cũng giống như cây này, không thể trở lại thành hạt như ngày xưa được.
Tì-kheo Kiến Chính vừa nghe lời Phật dạy, liền rời chỗ ngồi, quì thẳng bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Tâm con chưa hết nghi, chưa hiểu được điểm chính yếu. Bây giờ con muốn đưa ra một câu hỏi thật ngu si, cúi xin Phật thương xót giải thích rành rẽ. Đó là từ khi sinh ra cho đến hôm nay, con thấy nhiều người chết, hoặc cha mẹ, anh em, vợ chồng, nội ngoại, hoặc bạn bè thương yêu nhau, hoặc oán ghét nhau, nhưng sau khi chết thì thần thức của họ hoàn toàn không trở về để báo những việc lành dử. Vì sao thần thức họ bị ngăn trở, không trở về gặp mặt để báo tin? Vậy cúi xin đức Thế Tôn vì chúng con mà phân biệt giảng nói việc này, khiến chúng con trừ hết bệnh si mê mà thấy được chân lí.
Phật bảo các tì-kheo:
- Thần thức không có hình tướng, đến như chuyển dời cũng phải đều tùy theo hành nghiệp mà có. Nếu thân làm phúc, thì phúc thức chuyển sinh, cũng không thể trở về gặp mặt báo tin. Vì sao? Giống như nhà luyện kim nấu lọc quặng thành sắt, sau đó đúc thành đồ vật, thì đồ vật ấy có thể làm trở lại thành quặng không?
Tì-kheo Kiến Chính bạch:
- Thật không thể. Vì đã thành sắt thì hoàn toàn không thể làm trở lại thành quặng.
Phật dạy:
- Thần thức chuyển dời gá vào thân trung ấm, cũng như quặng luyện làm thành sắt. Từ thân trung ấm chuyển sang thụ thân khác, giống như sắt đã đúc thành đồ vật, hình tiêu tan mà thân biến đổi, không còn trở lại thức cũ nữa.
Vì sao? Vì các hành nghiệp thiện ác đều do thần thức đến nhận tất cả, rồi chuyển hóa biến đổi, giống như lọc quặng thành sắt vậy. Người tu hành năm điều thiện[2] được thụ thân người, lại có cha mẹ, khi đã có cha mẹ thì có sáu sự ràng buộc:
1. An trụ trong thân trung ấm, không thể trở lại như xưa.
2. Tùy theo thân đã thụ mà ở trong bào thai.
3. Mới sinh ra bị đau khổ bức bách nên quên những hiểu biết ngày xưa.
4. Vì vừa sinh ra liền đặt xuống đất, nên thức xưa không còn, lại phát sinh những hiểu biết mới.
5. Khi đã sinh ra thì ham thích ăn uống, vì tham ăn nên quên mất chuyện cũ.
6. Từ ngày sinh ra đến khi lớn lên huân tập những hiểu biết mới, nên những hiểu biết cũ không còn, không thể trở lại thức tưởng ngày trước.
Các đệ tử! Giống như khách buôn đi khắp các nước bốn phương, thấy đủ những điều khổ vui, nhưng trong lòng lại chỉ nghĩ đến những việc ở các nước phương đông. Lúc ấy sẽ không nhớ đến ba phương khác. Sinh tử cũng như vậy, do sự tạo tác trong đời này, khi chết tái sinh đời sau. Khi đã thụ thân thì sinh ra ý niệm mới, nên thức tưởng cũ liền diệt. Giống như khách buôn chỉ nghĩ về một phương, thì liền quên ba phương khác. Do sáu việc này trói buộc làm chướng ngại, nên không thể trở lại thần thức cũ. Như hạt giống mọc thành cây, luyện quặng thành sắt, thay gốc đổi tên, nên không còn trở lại gặp nhau để báo tin nữa.
Phật lại dạy:
- Lại nữa, giống như người thợ gốm nhào đất làm thành vật dụng, dùng lửa nung thành ngói. Như vậy há có thể chuyển ngói thành đất trở lại được sao?
Các đệ tử đều bạch:
- Thật không thể! Vì đất đã nung biến hình thành ngói, không thể chuyển thành đất lại được.
Phật dạy:
- Các đệ tử! Thần thức chuyển dời, tùy theo hành nghiệp mà thụ thân, giống như đất nung thành ngói vậy. Người không có đạo hạnh, không còn nhớ những việc xưa, nên không trở lại báo cho biết. Tì-kheo! Lại giống như cây lớn vài chục người ôm, người thợ đốn hạ rồi cắt thành từng đoạn, lại điêu khắc thành nhiều vật dụng tinh xảo. Bây giờ nếu có người muốn tập trung những đoạn gỗ và những vật dụng đã điêu khắc tinh xảo ấy lại để tạo trở thành cây có được không?
Các đệ tử bạch:
- Thật không thể. Cây đã bị chặt phá, đã cắt thành từng khúc, cành lá khô héo, thì không thể tập hợp lại thành cây như cũ được.
Phật bảo các đệ tử:
- Trong đời này thần thức tạo các việc thiện ác, đến lúc sắp chết thì thần thức chuyển dời, tùy theo hành nghiệp mà thụ thân. Những điều thấy nghe, những việc đã huân tập không thuộc về thân cũ, cũng không thể trở lại và không nhớ lại việc xưa để trở về báo tin, giống như cây đã bị chặt thì không thể làm cho sống lại.
Phật lại dạy:
- Giống như một người thợ giỏi, nung sỏi đến lúc đỏ rực, lại chuyển sang màu trắng rồi tan chảy như nước. Các đệ tử muốn làm cho màu hồng biến thành những viên sỏi được không?
Các đệ tử bạch:
- Thật không thể. Một khi nung sỏi biến màu thì không thể làm trở lại như cũ được.
Phật dạy:
- Sinh tử cũng như vậy. Người chưa có tâm đạo, không có pháp nhãn, khi thân chết thì thức đi, tùy theo hành nghiệp mà biến đổi, chuyển thụ thân khác. Trải qua đời khác, lại thụ bào thai, thấy và huân tập đều khác, không còn biết chuyện cũ, như nung sỏi thành màu hồng thì không thể trở lại sỏi được.
Phật bảo các đệ tử:
- Giống như nước ở trong bình tròn, thì thể của nó cũng tròn; đổ vào đồ vật vuông, thì thể nó lại vuông. Lớn, nhỏ, cong, thẳng tùy theo vật dung chứa. Các đệ tử! Sinh tử cũng như vậy. Thần thức vốn không có hình thể nhất định, tùy theo các việc thiện ác đã tạo, mà khi chết sẽ thụ thân trắng, đen, cao, thấp, khổ, vui, thiện và ác khác nhau, như nước tùy theo vật chứa. Như khi làm người, tạo việc phi pháp, khi chết đọa vào loài súc sinh, sau đó thụ thân xấu, không còn biết chuyện cũ để gặp nhau báo tin.
Các đệ tử! Giống như con phúc dục sống trong lòng đất, chúng không biết kêu, cũng không có cánh, nhưng đến lúc thời tiết thích hợp, chúng chuyển hóa thành con ve bay đi đậu trên cây, kêu mãi không thôi.
Phật hỏi các đệ tử:
- Có thể khiến cho con ve lại chui xuống đất biến thành phúc dục chăng?
Các đệ tử bạch:
- Thật không thể. Phúc dục đã biến đổi, bỏ âm về dương, thân hình biến dạng, có ngày sẽ chết, hoặc bị các loài chim ăn, không thể biến thành phúc dục lại được.
Phật bảo các đệ tử:
- Sinh tử cũng như vậy. Mạng sống chấm dứt, thần thức chuyển biến, lại thụ thân mới, năm ấm ngăn che, thấy và huân tập đều khác, rồi lại phải già chết, không còn trở lại thân cũ, nên không nhớ việc xưa để gặp nhau báo tin. Như con ve ở trên cây thì không trở lại thành phúc dục được.
Phật bảo các đệ tử:
- Giống như những miếng thịt tươi sống, nếu để thời gian lâu quá thì sẽ hôi thiu, không thể ăn, vì thịt bị thối rữa sinh giòi bọ. Muốn làm cho miếng thịt ấy trở lại tươi mới, có thể được không?
Các đệ tử bạch:
- Thật không thể. Thịt đã thối rữa, thì không thể làm cho tươi mới lại được.
Phật dạy:
- Sinh tử cũng như vậy. Người ở trong thế gian, tâm nghĩ điều ác, miệng nói lời xấu, thân làm việc bậy, lúc chết thần thức biến chuyển, đọa vào địa ngục, hoặc loài súc sinh, hoặc làm loài cá, côn trùng, thấy sự tồn tại khác nhau, sau không giống trước. Những loài này tội lỗi bao trùm, không còn thần thức cũ, nên không thể gặp lại nhau báo cho biết. Giống như miếng thịt thối kia không thể làm cho tươi sạch lại được.
Phật bảo các đệ tử:
- Giống như đặt một vật năm màu trong đêm tối trời cuối tháng, thì nghìn người, vạn người đều thấy vật này, đâu chỉ có một người thấy, nhưng có thể phân biệt được màu xanh, vàng, đỏ, trắng khác nhau chăng?
Các đệ tử bạch:
- Dẫu muôn ức người, cho đến vô số người thấy vật năm màu trong đêm tối, nhưng hoàn toàn không thể phân biệt được năm màu.
Phật dạy:
- Nếu cầm đuốc chiếu sáng, thì mọi người có thể thấy không?
Các đệ tử bạch:
- Nếu có ánh sáng, thì đều phân biệt được năm màu.
Phật dạy:
- Nếu người ngu bỏ ánh đuốc, bước vào chỗ tối, cho đến đi rất xa, để mong thấy rõ năm màu, thì có được chăng?
Các đệ tử bạch:
- Người ngu bỏ chỗ sáng mà vào chỗ tối, thì càng tối hơn, hoàn toàn không thấy được năm màu.
Phật bảo các đệ tử:
- Con người ở trong sinh tử cũng như thế! Tất cả nhân dân, cho đến loài côn trùng nhỏ bé, một khi đã thụ thân hình, ngu si mê ám không có đạo hạnh, không cầu tu tập các hành động của thân và ý, chưa chứng tuệ nhãn mà muốn biết nơi qua lại của thần thức trong sinh tử mà gặp nhau báo tin, thì giống như trời tối cuối tháng mà muốn phân biệt rõ năm màu, thì hoàn toàn không thể được.
Nếu người tu hành tụng kinh, trì giới, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thâu nhiếp ý mình, tu hạnh thanh tịnh thì giống như đi theo người cầm đuốc sẽ thấy rõ năm màu khác nhau. Người tu theo lời Phật dạy thì có thể biết rõ sinh tử, thấy thần thức qua lại năm đường[3], hoặc rơi vào đường lành hay dử, giống như nhờ ánh sáng của ngọn đuốc mà thấy rõ được năm màu. Như người hoàn toàn không tu học các nghiệp thân và ý, không tụng kinh, trì giới, thuận theo tam lưu của thế tục, tự ý buông lung; hủy hoại giáo pháp chân thật, không tin, không ưa, không chịu thụ trì, thì cũng giống như bỏ ánh đuốc mà đi vào bóng tối, tâm nghi ngày càng sâu dày, rốt cuộc không biết đến bao giờ mới thông đạt.
Phật dạy: “Chớ nên thuận theo tâm ngu si bế tắc của các ông để rồi không tin đạo thanh tịnh chính chân, rơi vào địa ngục, thân thể đau đớn. Hôm nay ta cố dẫn thí dụ để giải thích rõ việc ấy. Các ông hãy một lòng siêng năng, cung kính tu tập theo kinh giới”.
Phật lại bảo các đệ tử:
- Người sống ở đời này bẩm thụ thân thể, mắt thịt thấy những sự việc trong hiện tại, phân biệt cha mẹ thân thích rất rõ ràng, nhưng không thể thấy biết được từ chỗ nào của đời trước mà sinh đến. Do đó khi già chết, tái sinh đời sau, lại thụ thân hình cũng không thể nhận biết việc của đời này. Vì sao? Một lần sống, một lần chết thì thần thức chuyển dời. Trong mười hai nhân duyên, thì si làm chủ, nên u mê tăm tối mà không còn nhận biết việc cũ.
Các đệ tử! Giống như nhuộm vải trắng thành màu khác như xanh, vàng, đỏ, đen. Đã chuyển cái gốc dời cái cũ, thì không thể chuyển trở lại được. Sống chết chuyển dời giống như vải trắng nhuộm màu. Thể của thần thức vô thường, chỉ thuận theo hành nghiệp mà nhiễm ô. Nếu chưa được pháp nhãn, thì không nhớ biết được việc đời trước. Tâm ý là pháp, do nghĩ nhớ mà thành. Con người sống một đời, tâm nghĩ muôn mối, thiện ác đều thụ quả báo; thụ cái mới thì quên cái cũ. Pháp sinh tử thì ngu si mệ muội là lẽ thường. Ai muốn biết việc qua lại trong sinh tử thì phải học rộng, tu tập nghiệp thân và ý, đạt đến chỗ thanh tịnh sâu xa, tư duy suốt gốc ngọn. Như thế mới khai ngộ, bấy giờ giống như người tỉnh giấc vậy.
Phật bảo các đệ tử:
- Thần thức là pháp vô minh, khi sống làm những việc thiện ác, lúc chết biến chuyển đến nơi thụ sinh. Tùy theo hành nghiệp thiện ác đã tạo mà thụ hình thể, giống như lửa gặp củi thì thấy có, củi hết thì không thấy. Ý thức không tạo các việc thiện ác thì cũng diệt, không còn thấy, thì cũng như vậy. Người chưa chứng đạo, bị trầm luân trong sinh tử, thì càng không thể nhận biết được việc cũ, giống như tấm gương bám bụi dơ, thì không soi thấy mặt. Ý thức bị ô nhiễm che mờ, lại thêm sinh tử chuyển dời, sợ hãi lo lắng, chuốc lấy tai họa, nên không còn nhớ việc đời trước, giống như kính dơ vậy. Lại giống như nước sâu mà đục, tuy có cá và côn trùng sống, nhưng hoàn toàn không thể nhìn thấy. Sống chết hổn loạn, nỗi lo sợ ngăn che, nên quên mất việc đời trước, cũng giống như nước đục, không nhìn thấy cá. Lại như đêm tối nhắm mắt mà đi, đều không thấy gì. Sống chết mịt mờ, trôi theo tai họa, hoặc vui vẻ, hoặc phiền não mà bị trói buộc trong thân hình đã thụ, nên không còn nhớ việc đời trước, giống như nhắm mắt đi trong đêm tối.
Phật bảo các đệ tử:
- Nay Ta là Phật, tuệ nhãn thanh tịnh, thấy biết tất cả sinh tử qua lại trong ba cõi. Như sợi tơ năm màu xâu các viên lưu li, pha lê, thủy tinh thì màu xanh, vàng… của sợi dây đều nhìn thấy rõ; Phật nhìn sinh tử như thấy sợi dây xâu các hạt châu vậy. Như nước sạch và trong suốt tận đáy, sẽ nhìn thấy rõ tất cả cá và côn trùng sống dưới đó; Phật xem sinh tử như thấy cá ở dưới hồ nước trong. Lại giống như chiếc cầu lớn, tất cả người đi qua lại không dứt; Phật thấy việc sinh tử qua lại trong năm đường như thấy mọi người qua cầu. Như đứng trên núi cao nhìn xa đều thấy rõ, tâm Phật cao xa biết rõ việc sinh tử cũng như vậy.
Phật bảo các đệ tử:
- Các ông nên thuận theo giáo pháp của Ta, thì có thể biết việc sinh tử trong nghìn ức kiếp. Các ông phải thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, tứ chính cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chính đạo để trừ tâm cấu uế, tiêu diệt ba độc, dứt sạch nghi ngờ, tâm ý thanh tịnh, được trí tuệ Phật, biết rõ việc quá khứ và vị lai như nhìn trong gương sáng, tất cả đều hiện rõ ràng.
Phật lại bảo các đệ tử:
- Người đời làm việc thiện ác, khi chết tái sinh đời sau cũng đều báo đáp nhau. Chỉ có người chưa chứng tam tịnh nhãn, do đó mà không thấy, không biết, nên không nhớ đến những việc ngày trước. Bởi bị dính mắc vào sáu thứ che lấp, lại do mắt thịt nhìn, nên không thể thấy được việc trở về báo lại, nên nói việc đó không có.
Người chưa chứng đạo đều làm các việc xấu xa, chìm đắm trong ngu si, khi sinh tử chuyển biến, lại thụ thân hình, mắt thịt mờ mịt, lìa cũ bám mới, bốn khổ[4] nhiễu loạn, hoàn toàn không nhớ biết chuyện đời trước, nên chỉ tùy theo hành nghiệp mà báo đáp nhau. Người này trong đời hiện tại hoặc hưởng phúc, hoặc chịu họa, hoặc thương nhau, hoặc ghét nhau, đều là những chứng nghiệm cho việc báo đáp kiếp trước. Vì không có tam tịnh nhãn, nên không thấy không biết mới tạo thành mối nghi này. Người sinh ra trong đời này đều đồng hành với si, không có tâm đạo và hạnh thanh tịnh, như vậy mà muốn biết việc đời trước, muốn thấy những chứng nghiệm của việc trở về báo lại, thì cũng giống như người không có tay mà muốn viết, không có mắt mà muốn nhìn, thật hoàn toàn không thể được.
Cho nên, Đức Phật xuất hiện ở đời chỉ bày kinh giáo để mọi người hiểu. Người nào muốn hiểu rõ thần thức qua lại chịu khổ trong sinh tử, thì phải nghe theo lời Phật dạy, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trí độ vô cực, kiểm xét tâm ý, răn nhắc tâm ý, điều phục tâm ý, chân chính tâm ý, thể nhập thiền tam-muội vi diệu. Như vậy mới có thể biết rõ những nơi đọa lạc, việc qua lại của thần thức mà thôi.
Đệ tử các ông nên siêng năng học tập, biết rõ hành nghiệp của thân và ý, hiểu rõ các pháp đối trị, thì khi nó đến mới có thể diệt trừ mà không bị sai lầm, trụ vững chắc trong chính pháp. Được liên tục như thế thì mối nghi ngờ của các ông sẽ giải tỏa.
Phật bảo các đệ tử:
- Thần thức có tên gọi nhưng không hình tướng, tùy theo hành nghiệp thiện ác, lại nương vào bốn đại mà tạo thành thân. Lúc mới sinh ra thân nhỏ, các căn chưa hoàn thiện, nhận thức còn kém, nên hiểu chưa tường tận. Đến lúc lớn lên, sáu giác quan đầy đủ, nhận thức cũng thuận theo thân mà tăng tiến, các tập khí ái dục ngày càng phát triển mạnh. Cho đến lúc già yếu, bốn đại suy kém, nhận thức cũng không rõ ràng, công năng của sáu căn giảm dần. Như trong đời hiện tại mà còn luôn bị vô thường thay đổi, không còn là việc cũ, như từ khi sanh ra quen thấy biết, lúc già quên hết, huống gì qua đời khác bị bào thai ngăn che. Người chưa có tâm đạo, ngu si mê muội, nếu muốn thấy được ý thức qua lại, trở về gặp mặt báo lại là điều không thể.
Người không có đạo hạnh mà muốn thấy biết việc của kiếp trước, giống như xâu kim trong đêm tối, tìm lửa trong nước, hoàn toàn không thể được.
Này các đệ tử! Phải siêng năng tu hành, tụng kinh, giữ giới, suy nghĩ sâu xa việc sinh tử vốn từ đâu đến, rốt cuộc trở về đâu, do nhân gì mà qua lại, sở duyên là gì? Chú tâm tư duy các pháp “không vô”, khiến tâm ý thanh tịnh, trừ sạch các kết sử, giải tỏa hết những nghi ngờ.
Phật nói kinh này xong, năm trăm vị tì-kheo như Kiến Chính… và các vị ưu-bà-tắc đều chứng quả Tu-đà-hoàn, các vị bồ-tát đều chứng được tam-muội Bất khuynh hồi. Tất cả đại chúng nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đỉnh lễ sát đất rồi theo Phật trở về tinh xá. Chú thích:
[1] Cánh lạc 更樂: Tức là xúc. Thống (痛) tức thụ. Thụ (受) tức là thủ.
[2] Năm điều thiện 五善: Tức năm giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
[3] Năm đường 五道: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người và trời.
[4] Bốn khổ 四痛: Sinh, già, bệnh và chết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.26.221 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.