Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM THỨ NHẤT : SÁU THÍ DỤ
Tôi nghe như vầy, một thuở đức Phật ở tại tinh xá Ni Câu Lâu Đà trong thành Ca Tỳ La. Lúc bấy giờ, Thích Ma Nam thỉnh đức Phật và chúng Tăng cúng dường ba tháng. Ngày mười lăm tháng bảy, tăng tự tứ xong. Khi đó phụ vương Duyệt Đầu Đàn, dì đức Phật Kiều Đàm Di đi đến tăng phòng cúng dường chư tăng. Lễ bái xong, dâng lên tăm xỉa răng và bát nước rửa, nhà vua gọi ngài Anan nói rằng :
- Tôi muốn đi đến chỗ đức Thế Tôn, có nên vậy không ?
Lúc ấy, ngài Anan liền tuyên lên lời nói này để bạch đức Thế Tôn. Đức Phật bảo ngài Anan rằng :
- Phụ vương đến nhất định sẽ hỏi pháp vi diệu. Ông hãy đi bảo khắp các Tỳ kheo tăng cấp thời hãy đến trong rừng, lệnh cho ông Đại Ca Diếp, ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, ông Ca Chiên Diên, ông A Na Luật.v.v... Bồ tát Di Lặc, Bạt Đà Bà La, mười sáu vị hiền sĩ cùng một lúc đến hội !
Âm thanh này như vang khắp đến các phương nên lúc bấy giờ chúa trời, chúa Dạ xoa, chúa Càn thát bà, chúa A tu la, chúa Ca lâu la, chúa Khẩn na la, chúa Mahầulagià, chúa rồng.v.v... và các quyến thuộc của họ đều đã tụ tập. Lúc đó phụ vương và Thích Ma Nam, ba ức những người dòng họ Thích đi vào tinh xá của đức Phật. Khi đang đi vào, thấy tinh xá của đức Phật như núi Pha lê, họ cúi đầu làm lễ đức Phật. Chưa kịp ngẩng đầu lên, họ liền thấy trước đức Phật có hoa sen lớn do mọi thứ báu tạo thành. Ở trên hoa sen có đài ánh sáng lớn. Phụ vương nhìn thấy rồi, lòng sinh hoan hỉ, khen chưa từng có, rồi nhiễu quanh đức Phật ba vòng, lui về ngồi một bên. Khi đó phụ vương liền đứng dậy bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Đức Phật là con của tôi, tôi là cha của đức Phật. Hôm nay tôi ở đời nhìn thấy sắc thân của đức Phật mà chỉ thấy bên ngoài thân ấy, chẳng thấy bên trong thân ấy. Thái tử Tất Đạt Đa ở tại cung, thầy tướng dều thấy ba mươi hai tướng, hôm nay ngài thành Phật ánh sáng càng thêm hiển hiện hơn hẳn ngày xưa trăm ngàn vạn lần. Đức Phật sau khi Niết bàn, chúng sinh đời sau phải quan sát sắc tướng của thân đức Phật ra làm sao ? Như độ dài thường đi của ánh sáng đức Phật ? Nguyện xin đấng Thiên Tôn hôm nay sẽ vì tôi và chúng sinh đời sau phân biệt giải nói !
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vào Biến Tịnh Sắc Thân tam muội. Rồi từ tam muội khởi dậy, ngài liền mĩm cười, phép cười của chư Phật có năm thứ ánh sáng màu, năm ánh sáng màu hóa thành năm trăm màu từ miệng đức Phật phát ra soi đỉnh đầu phụ vương, soi đài ánh sáng. Rồi từ đài ánh sáng soi đến tinh xá... soi cùng khắp cõi Ta Bà, ánh sáng ấy trở về vào đỉnh đầu đức Phật. Lúc đó đức Phật bảo Phụ vương rằng :
- Xin Phụ vương hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Và suy nghĩ cho kỹ ! Như Lai sẽ nói pháp được thấy Phật của chúng sinh đời sau.
Phụ vương bạch đức Phật rằng :
- Thưa vâng ! Thưa đức Thế Tôn ! Tôi nay nguyện lắng nghe !
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Trong cõi Diêm Phù Đề có vua Sư tử tên là Tỳ Ma La. Phép của loài sư tử ấy là tròn bốn mươi năm con cái con đực mới gặp nhau. Một khi đã giao phối rồi, chúng chạy lanh quanh kêu rống nhưng uyển chuyển tự nâng đỡ thân thể không làm tổn thương con của sư tử ấy khi còn ở trong thai. Như vua thú cha ngang bằng không có khác, Đại vương phải biết, muốn khiến cho ở trong thai mà có thể kêu rống, bay lên, đáp xuống, chạy đi, ẩn phục thì việc ấy chưa có bao giờ.
Phụ vương bạch đức Phật rằng :
- Khi con vua thú ở tại thai mẹ thì đầu, mắt, răng, móng cùng cha giống nhau ?
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Đại vương ! Nó cùng cha không khác, chỉ là sức của nó có thể chẳng bì kịp cha nó trăm ngàn vạn lần.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Đúng vậy ! Đúng vậy ! Trong đời vị lai, các thiện nam tử, thiện nữ nhân.v.v.. và cùng tất cả, nên có thể chí tâm ràng buộc ý niệm ở bên trong, ngồi ngay thẳng mà chánh thọ quán tưởng sắc thân của Phật thì phải biết rằng, lòng người đó như lòng của Phật, cùng với Phật không khác. Họ tuy ở tại chỗ phiền não mà chẳng bị sự ngăn che của các ác. Ở đời vị lai họ mưa xuống mưa đại pháp.
Lại nữa, thưa Phụ vương ! Ví như Y lan cùng với Chiên đàn sinh ra ở núi Mạt Lợi. Ngưu Đầu Chiên đàn sinh ra trong bụi rậm Y lan, lúc chưa kịp to lớn còn ở dưới đất thì mầm, thân, cành lá giống như măng tre của cõi Diêm Phù Đề. Mọi người chẳng biết nói rằng, trong núi này toàn là Y lan, không có Chiên đàn. Nhưng mà Y lan thì thối, thối như thây chết sình tỏa xa đến bốn mươi do tuần. Hoa của Y lan màu hồng rất được yêu thích, nếu có người ăn phải thì phát điên mà chết. Ngưu Đầu Chiên Đàn tuy sinh ở rừng này nhưng chưa thành tựu nên chẳng thể phát ra hương thơm. Vào tiết trọng thu, trăng tròn, bỗng từ đất xuất hiện thành cây Chiên đàn. Mọi người đều nghe hương thơm thượng diệu của cây Ngưu Đầu Chiên đàn, mãimãi không còn mùi hôi thối của cây Y Lan.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Lòng niệm Phật cũng lại như vậy. Do tấm lòng đó nên có thể được ba thứ căn Bồ đề.
Lại nữa, thưa Phụ vương ! Trong cõi Diêm Phù Đề và bốn thiên hạ có con chim cánh vàng tên là Chánh Âm, vua của loài Ca lâu la, ở trong các loài chim rất được tự tại. Nghiệp báo ứng của loài chim này là ưa ăn các loài rồng. Ở cõi Diêm Phù Đề, ngày nó ăn một vua rồng và năm trăm rồng nhỏ. Sáng ngày mai nó lại ở cõi Phất Bà Đề ăn một vua rồng và năm trăm rồng nhỏ. Ngày thứ ba lại ở cõi Cù Gia Ni, nó ăn một vua rồng và năm trăm rồng nhỏ. Ngày thứ tư lại ở cõi Uất Đan Việt, nó ăn một vua rồng và năm trăm rồng nhỏ. Cứ giáp vòng thì lại bắt đầu, trải qua tám ngàn năm. Lúc bấy giờ, tướng chết đã hiện ra với chim ấy. Các rồng phun ra độc không ăn được. Chim đó bị đói bức bách, chạy khắp tìm đồ ăn cũng chẳng thể được. Nó đi khắp các núi cũng chẳng được yên, đến núi Kim cương ở tạm. Nhiên hậu từ núi Kim cương thẳng xuống đến đại thủy tế (bờ cõi nước lớn). Từ đại thủy tế đến phong luân tế, nó bị gió thổi trở về đến núi Kim cương. Nó bị như vậy bảy lần nhiên hậu mới mạng chung. Chim ấy mạng chung rồi, do độc của nó nên khiến cho mười ngọn núi báu lửa dậy đồng thời. Khi ấy vua rồng Nan Đà sợ cháy tiêu núi này liền tuông xuống những giọt mưa lớn như trục bánh xe. Thịt chim tan rã hết chỉ có trái tim tồn tại. Trái tim chim ấy rủ thẳng xuống như trước bảy lần, nhiên hậu trở lại trụ ở đỉnh núi Kim cương. Vua rồng Nan Đà lấy tim của con chim này dùng làm minh châu (ngọc sáng). Vua Chuyển Luân được thì làm ngọc Như Ý.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu niệm Phật thì lòng của họ cũng vậy. Lại nữa, thưa đại vương ! Ở núi Tuyết có loài cây tên là Ương già đà. Quả của nó rất lớn mà hạt của nó rất nhỏ. Tìm nguồn gốc thì ra nó từ Hương Sơn đến, nhờ sức gió nên đến được Tuyết Sơn. Vào tiết mạnh đông, trời giá lạnh, La sát dạ xoa tìm chỗ che khuất trong hẻm núi mà ở. Phân dơ chẳng sạch chảy tra ra đất. Gió mạnh thổi tuyết lấp lên phân ấy, dần dần trở thành cái hào năm mươi do tuần. Nhờ sức của phân nên quả này được sinh ra. Rễ, thân, cành, lá, hoa, trái của cây ấy tươi tốt sum suê. Ánh mặt trời ba tháng mùa xuân, tám phương gió đồng thời đều khởi lên, làm tiêu tan băng tuyết chỉ quả cây ấy tồn tại. Hình sắc quả cây ấy không lấy quả gì của cõi Diêm Phù Đề làm ví dụ được. Hình nó tròn vìn chiếm trọn nửa do tuần mà Bàlamôn ăn, liền được đạo tiên, ngũ thông đầy đủ, sống lâu một kiếp, chẳng già chẳng chết. Người phàm phu ăn nó thì hướng đến Tu đà hoàn, A na hàm ăn nó thành A la hán, ba minh, sáu thông không gì chẳng hoàn bị. Có người đem giống đến trồng ở đất phân hoai trong cõi Diêm Phù Đề. Nhiên hậu cây mới mọc lên, cao bằng một cây Đa la, đặt tên cây là Câu Luật Đà, tên quả là Đa Lặc, lớn như cái bình năm đấu. Người cõi Diêm Phù Đề ăn quả ấy thì có thể trừ bệnh sốt (nóng).
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Đại vương ! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân chánh niệm tư duy cảnh giới của chư Phật cũng lại như vậy. Lại nữa, thưa đại vương ! Như cây sinh ra trong vườn Hoan hỉ của Đế thích tên là Ba Lợi Chất Đà La. Thiên nữ nhìn thấy nó thì thân tâm vui vẻ chẳng tự kiềm chế. Đế thích thấy nó liền sinh ra dục tưởng, tám muôn bốn ngàn các thể nữ.v.v... liền được cảm giác vui. Khi cây này sinh ra gấp cong cành ở tại đất, liền ở dưới đất, hoa phát triển thành trái. Trái ấy màu vàng rực rỡ ánh sáng. Vả lại hoa lá của cây ấy chẳng bao giờ héo rụng, đầy đủ mười màu sắc, chớp hiện ánh sáng, có những âm thanh vui. Đến mùa thu tháng tám, cây từ dưới đất vọt ra, cao ba trăm bốn mươi lăm vạn do tuần. Chư thiên nhìn thấy nó vui mừng phi thường.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Đại vương ! Quán tưởng Phật tam muội ở tại đất Phiền não cũng lại như vậy, như khi cây ấy sinh ra, như cây báu đó nghiêm hiển đáng xem. Lại nữa, thưa Đại vương ! Như khi kiếp bắt đầu thì lửa khởi lên một kiếp, mưa khởi lên một kiếp, gió khởi lên một kiếp, đất khởi lên một kiếp. Khi kiếp đất thành rồi thì chư thiên của trời Quang Âm bay đi qua thế gian, xuống tắm gội trong nước. Do tắm gội nên tinh khí bốn đại liền vào trong thân. Thân chạm xúc vui sướng nên tinh khí trôi vào trong nước. Gió tám hướng thổi đi, rơi vào trong bùn ứ, rồi tự nhiên thành quả trứng. Trải qua tám ngàn năm, trứng ấy mới nở, sinh ra một người con gái. Thân hình người con gái ấy xanh đen giống như bùn, có chín trăm chín mươi chín cái đầu, đầu có một ngàn con mắt, chím trăm chín mươi chín cái miệng, một miệng có bốn răng, trên răng phát ra lửa giống như sét đánh, hai mươi bốn tay, trong tay đều cầm tất cả võ khí. Thân người ấy cao lớn như núi Tu di, vào trong biển lớn tát nước tự vui. Có gió toàn lam thổi nước biển lớn, tinh nước ngập vào thân thể liền mang thai. Trải qua tám ngàn năm, nhiên hậu sinh ra một đứa con trai. Thân đứa trẻ ấy cao lớn gấp bốn lần mẹ nó. Đứa trẻ có chín đầu, đầu có một ngàn mắt, trong miệng phun ra lửa, có chín trăm chín mươi chín tay, tám chân. Trong biển phát ra âm thanh : Nó hiệu là Tỳ Ma Chất Đa, vua của A tu la. Phép ăn của quỉ này là chỉ nuốt bùn ứ và củ sen, ngó sen. Đứa trẻ ấy lớn lên thấy các thể nữ trời vây quanh, liền bạch với mẹ rằng : “ Mọi người đều sánh đôi (có vợ có chồng), sao một mình con không ?” Người mẹ ấy bảo rằng : “ Ở Hương Sơn có loài thần tên là Càn thát bà. Chỗ ấy có thần nữ nhan sắc tư dung đẹp đẽ, các lỗ chân lông trên thân phát ra âm thanh vi diệu, rất vừa ý ta. Nay ta cầu hôn cho con, con có thỏa nguyện không ?” A tu la thưa rằng : “Hay thay ! Hay thay ! Nguyện xin mẹ đi đến cầu hôn cho!”. Lúc đó, người mẹ ấy đi đến Hương Sơn. Đến Hương Sơn rồi, người mẹ thưa với thần âm nhạc kia rằng : “ Tôi có một người con trai uy lực tự tại, ở bốn thiên hạ này không ai sánh bằng. Ngài có lệnh nữ rất xứng với con tôi”. Người con gái của thần ấy nghe rồi, nguyện vui lòng chàng A tu la. Chàng A tu la nhận người con gái đó làm vợ rồi thì lòng dạ thư thái cùng người con gái thành lễ. Thời gian chưa lâu thì người con gái ấy liền mang thai, trải qua tám ngàn năm mới sinh ra một đứa con gái. Người con gái ấy dung nghi đoan chính vượt trội hơn người, trên trời, dưới đất không có ai sánh bằng, sắc đẹp trên mọi sắc đẹp, do tự mình trang nghiêm. Trên mặt có tám muôn bốn ngàn vẻ kiều mị, bên trái cũng có tám muôn bốn ngàn, bên phải cũng có tám muôn bốn ngàn, đàng trước cũng có tám muôn bốn ngàn, đàng sau cũng có tám muôn bốn ngàn. A tu la nhìn thấy lấy làm lạ lùng, nàng như vầng trăng ở giữa những vì sao rất là đặc biệt kỳ lạ. Ông Kiều Thi Ca nghe tiếng liền sai sứ xuống đến chỗ A tu la mà cầu người con gái này. Vị A tu la nói rằng : “ Phước đức trời của ông, ông có thể khiến cho ta cỡi cung thất bảo thì ta đem con gái gả cho ông !” Đế thích nghe lời này, lòng sinh vui sướng hớn hở, liền cởi mũ báu đem làm cung điện trên biển, do nghiệp báo mười thiện nên khiến cho A tu la ngồi trên thắng điện. A tu la nhảy nhót vui mừng, đem con gái gả cho Kiều Thi Ca. Đế thích liền dùng đài bằng sáu thứ báu đến nghênh hôn. Ở trong cung Khuyết có hoa sen lớn tự nhiên hóa sinh tám muôn bốn ngàn những người con gái diệu bảo. Ví như trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay của tráng sĩ, họ liền đến trên Thiện pháp đường của Đế thích. Lúc bấy giờ, cung trời vượt hơn trước trăm ngàn vạn lần, Thích Đề Hoàn Nhân vì người con gái ấy lập tự hiệu là Duyệt Ý. Chư thiên thấy nàng đều khen chưa từng có, nhìn đông quên tây, nhìn nam quên bắc. Ba mươi hai phụ thần thấy Duyệt Ý thì tâm ý cũng hoan hỉ, thậm chí lông tóc cũng đều sinh vui vẻ. Đế thích, nếu khi đi đến vườn Hoan hỉ, cùng chung với thể nữ vào ao du hí thì khi đó Duyệt Ý liền sinh ghen ghét. Nàng sai năm dạ xoa đến bạch với vua cha, hôm nay Đế thích này chẳng còn sủng ái nàng mà cùng các thể nữ cùng nhau dạo chơi. Vua cha nghe lời nói này lòng sinh sân nhuế, liền dấy khởi bốn binh chủng đến đánh Đế thích. Vua A tu la đứng trên nước biển lớn, xoạc chân đạp lên đỉnh núi Tu di, đồng thời chín trăm chín mươi chín cánh tay lay thành Hỷ Kiến, lắc núi Tu Di, nước bốn biển lớn dậy sóng cùng một lúc. Thích Đề Hoàn Nhân kinh hoàng sợ sệt, không biết đi đường nào. Có vị thần trong cung bạch với vua trời rằng : “ Chớ kinh sợ lắm ! Đức Phật đời quá khứ nói Bát nhã Balamật, nhà vua hãy trì tụng thì binh quỉ tự tan nát”. Lúc đó, Đế thích ngồi ở Thiện pháp đường, đốt mọi thứ hương thơm danh tiếng, phát thệ nguyện lớn rằng : “ Bát nhã Balamật là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng quả thật chẳng hư dối, con trì pháp này sẽ thành Phật đạo, khiến cho A tu la tự nhiên lui tan”. Khi nói lời nói này thì ở trong hư không có bốn bánh xe đao, do công đức của Đế thích nên tự nhiên mà xuống, đang ở trên bọn A tu la. Tức thời tai mũi chân tay của A tu la rơi hết xuống cùng một lúc khiến cho nước biển lớn đỏ như nước màu đỏ. A tu la liền kinh sợ, không chỗ chạy trốn nên vào ẩn trong lỗ tơ. Cái huyễn lực của quỉ kia do tham dục, sân nhuế, ngu si mà còn có thể như vậy huống gì là Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Đại vương ! Các thiện nam tử và thiện nữ nhân ràng buộc lòng mình tư duy cảnh giới của chư Phật cũng có thể an trụ ở các tam muội hải. Công đức người ấy chẳng thể xưng kể, ví như chư Phật bình đẳng không có khác.
PHẨM THỨ HAI : TRÌNH BÀY QUÁN ĐỊA
Sao gọi là quán cảnh giới chư Phật ? - Các đức Phật Như Lai xuất hiện ở đời, có hai thứ pháp để tự trang nghiêm. Những gì là hai ?
- Một là trước tiên nói mười hai bộ kinh, khiến cho chúng sinh đọc tụng thông lợi. Đủ thứ như vậy gọi là pháp thí.
- Hai là dùng thân diệu sắc thị hiện ở cõi Diêm Phù Đề và mười phương thế giới, khiến cho các chúng sinh thấy sắc thân của Phật đầy đủ trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp theo hình, không có tướng khuyết giảm, lòng sinh hoan hỉ.
Quán tướng như vậy nhân đâu mà được ? - Đều do trăm ngàn khổ hạnh đời trước, do tu các Balamật và những pháp trợ đạo mà sinh ra tướng này.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Như có chúng sinh muốn niệm Phật, muốn quán Phật, muốn thấy Phật, phân biệt tướng tốt, hiểu ánh sáng của Phật, biết bên trong thân Phật, học quán Phật tâm, học quán Phật đỉnh, học quán vòng tướng ngàn nan hoa dưới chân đức Phật, muốn biết tướng khi sinh ra của Phật, muốn biết khi đức Phật nạp phi, muốn biết khi đức Phật xuất gia, muốn biết khi đức Phật khổ hạnh, muốn biết khi đức Phật hàng ma, muốn biết khi đức Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, muốn biết tướng đức Như Lai khi chuyển pháp luân, muốn biết tướng mã tàng báu của đức Như Lai, muốn biết tướng đức Như Lai khi lên cõi trời Đao lợi vì mẹ Ma Gia phu nhân nói pháp, muốn biết tướng đức Như Lai khi xuống cõi trời Đao lợi, muốn biết tướng ánh sáng trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm của đức Như Lai, muốn biết tướng của đức Như Lai lúc đi đến thành Cầu Thi Na hàng phục hóa độ Lực sĩ, muốn biết tướng ánh sáng của lỗ chân lông lúc đức Như Lai hàng phục quỉ thần nơi đồng trống.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Sau khi Phật vào Niết bàn, như bốn bộ chúng và trời, rồng, dạ xoa.v.v.. muốn ràng buộc ý niệm, muốn tư duy, muốn hành thiền, muốn được tam muội chánh thọ - Đức Phật bảo - Thưa Phụ vương ! Sao gọi là ràng buộc ý niệm ? Tự có chúng sinh ưa quán thân tướng đầy đủ của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán mỗi một tướng tốt trong những tướng tốt của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán thuận theo tướng tốt của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán ngược lại tướng tốt của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán ánh sáng của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai đi. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai đứng. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai ngồi. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai nằm. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai khất thực. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai mới sinh. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai nạp phi. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai xuất gia. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai khổ hạnh. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai hàng phục ma. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai thành Phật. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai chuyển bánh xe pháp. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai lên trời Đao lợi vì mẹ nói pháp. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai hàng phục quỉ thần nơi đồng trống. Tự có chúng sinh ưa quán khi Như Lai ở Na Càn Ha La hàng phục các rồng lưu ảnh. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai ở tại thành Câu Thi Na hàng phục người Lục Sư Ni Đề Tiễn và những người ác luật nghi, nặng nề tà kiến... Như vậy, thưa phụ vương! Sau khi tôi vào Niết bàn, những chúng sinh làm ngần ấy hạnh nghiệp, có ngần ấy ý tưởng, sự hiểu biết của họ chẳng đồng. Tùy theo sở kiến của tâm tưởng những chúng sinh đó nên phải theo thứ lớp dạy họ ràng buộc ý niệm. Như tôi còn trụ thế thì chẳng cần ràng buộc ý niệm. Ví như mặt trời mọc thì người tối đều sáng, chỉ người không có mắt thì không thấy gì. Trong đời vị lai, các đệ tử đều nên tu ba pháp. Những gì là ba ?
- Một là tụng kinh điển thậm thâm Tu đa la.
- Hai là tịnh trì cấm giới oai nghi không phạm.
- Ba là ràng buộc ý niệm tư duy, lòng không tán loạn.
Sao gọi là ràng buộc ý niệm ? Hoặc có người ràng buộc tâm quán trên Phật đỉnh. Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán lông tóc của Phật. Hoặc có người ràng buộc tâm quán viền tóc của Phật (Phật Phát tế). Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán tướng trán rộng bằng phẳng của Phật. Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán tướng bạch hào ở khoản mày của Phật. Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán chân mày của Phật. Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán tướng mắt vua trâu của Phật. Hoặc có người muốn ràng buộc lòng quán tướng mũi thẳng của Phật. Hoặc có người muốn ràng buộc tâm quán tướng nhìn vua chim ưng của Phật. Tự có chúng sinh ưa quán râu mép Như Lai như hình con nòng nọc tuông ra ánh sáng. Tự có chúng sinh ưa quán vành miệng trên môi của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán màu môi đỏ đẹp như trái tần bà của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán môi dưới của Như Lai như thân hoa Bát Đầu Ma. Trên sắc hồng đỏ của môi ấy vào trong màu quả Tần bà. Tự có chúng sinh ưa quán tướng bốn mươi răng của miệng Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng hàm răng trắng, băng, kín của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng hoa văn in trên răng của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán vạch giới hạn răng của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng vòm miệng trên của Như Lai với tám muôn bốn ngàn họa tiết tỏ rõ phân minh. Tự có chúng sinh ưa quán phần dưới của Như Lai như thân sắc hoa Ưu đàm bát. Tự có chúng sinh ưa quán yết hầu của Như Lai như ống lưu ly giống như tướng hoa sen. Tự có chúng sinh ưa quán tướng quảng trường thiệc như hình cánh hoa sen của Như Lai với năm họa tiết tượng sắc đủ năm màu phân minh. Dưới lưỡi mười mạch máu những ánh sáng tuông ra, tướng lưỡi rộng dài che khắp mặt Phật. Tự có chúng sinh ưa quán ba ngấn trong yết hầu của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng ức (ngực) của Như Lai giống như mắt của chim cánh vàng. Tự có chúng sinh ưa quán tướng đầu của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tám muôn bốn ngàn tướng tóc của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán lông xoắn về bên phải của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán mỗi một lỗ chân lông của Như Lai có một sợi lông xoắn sinh ra. Tự có chúng sinh ưa quán da đầu của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán xương nhục kế của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán não của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tai thòng xuống dài của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán vòng vành tai của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán xoắn tai của Như Lai sinh tướng bảy lông. Tự có chúng sinh ưa quán tướng đầy đặn của xương khuyết bồn của Như Lai, ở trong tướng đó sinh trở lại đài ánh sáng. Tự có chúng sinh ưa quán tướng đầy đặn dưới nách của Như Lai, ở trong tướng ấy sinh lủng lẳng năm viên ngọc như ngọc Ma ni trong nách Phật. Tự có chúng sinh ưa quán cánh tay tròn lẳng như vòi voi chúa của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán xương khuỷu tay của Như Lai như tướng tóc uyển chuyển của Long vương, hoa văn năm màu chẳng hoại, khúc đầy rồng cuộn lại, biến mất dấu vết. Ngón tay so le chẳng mất chỗ ấy, ở đốt đầu ngón tay hiện mười hai vòng. Tự có chúng sinh ưa quán móng tay chân màu đồng đỏ của Như Lai. Những móng ấy với tám màu tỏ rõ phân minh. Tự có chúng sinh ưa quán tướng hiệp mạn chưởng của Như Lai. Khi xòe ra thì thấy, lúc nắm lại thì biến mất như màn lưới trân châu tỏ rõ phân minh hơn cả vàng Diêm Phù Đàn hàng trăm ngàn vạn lần. Màu sắc của chúng trong sáng thanh tịnh vượt qua nhãn giới. Ở mười đầu ngón tay đều sinh ra chữ (vạn). Điểm xen với chữ vạn có hàng ngàn vòng nan hoa. Mọi tướng đầy đủ như hòa hợp hàng trăm ngàn hoa sen. Tự có chúng sinh ưa quán khoản hoa văn bàn tay của Như Lai thành tựu như cung trời Tự Tại. Bàn tay ấy bằng phẳng mà trời người không loài nào có. Ở trong bàn tay sẽ sinh ra tướng ngàn nan hoa, ở mười phương diện mở ra ánh sáng Ma ni. Ở dưới những vòng ấy có mười thứ họa tiết mà mỗi một họa tiết như mắt trời Tự Tại thanh bạch phân minh, nhiên hậu vào trong tướng bàn tay. Tự có chúng sinh ưa quán theo chiều ngã rạp trên lông và đàng sau lông của Như Lai giống như lưu ly xanh biếc, tuông ra ánh sáng năm màu, vào trong màn lưới. Tự có chúng sinh ưa quán tay chân mềm mại của Như Lai như thiên kiếp bối. Tự có chúng sinh ưa quán nắm tay bên trong bên ngoài của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng ngực Như Lai in chữ vạn phước đức, tướng ánh sáng “tam Mani”. Tự có chúng sinh ưa quán rốn của Như Lai như ngọc báu Tỳ lăng già. Tự có chúng sinh ưa quán hông của Như Lai, lớn nhỏ phẳng đều uyển chuyển giúp nhau. Tự có chúng sinh ưa quán các chi tiết xương của Như Lai như rồng cuộn kết nối nhau kín mít. Tự có chúng sinh ưa quán xương Như Lai móc nối liền nhau mà co lại, duỗi ra tự tại chẳng cản trở nhau. Tự có chúng sinh ưa quán màu xương Như Lai màu sắc trắng tươi mà pha lê, núi tuyết chẳng làm ví dụ được, bên trên có ánh sáng hồng xen lẫn hoa văn, nước đọng lại như mỡ. Tự có chúng sinh ưa quán tướng đùi của Như Lai như nai chúa Y Ni. Tự có chúng sinh ưa quán tướng gót chân của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng mu bàn chân bằng phẳng của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán màu trên bàn chân của Như Lai, màu của vàng Diêm Phù Đàn, lông bên trên nằm rạp về một phía, lưới ngón chân như lưới hoa văn rực rỡ. Ở chỗ hoa văn ấy xen lẫn những tia sáng đất trời chẳng thể kể hết tên. Tự có chúng sinh ưa quán tướng móng màu đồng đỏ của Như Lai, ở đầu móng ấy có năm miệng sư tử (?). Tự có chúng sinh ưa quán tướng hoa văn ở đầu ngón chân đức Như Lai (?) như bức ấn họa của trời Tỳ Nựu Yết Ma. Tự có chúng sinh ưa quán dưới bàn chân của đức Như Lai bằng phẳng đầy đặn chẳng dung nạp một sợi lông, tướng vòng ngàn nan hoa dưới bàn chân, tướng vành trục bánh xe đầy đủ vẩy cá (?) tiếp theo tướng chày Kim Cương, gót chân cũng có tưởng đỉnh Phạm vương với mọi ấn họa chẳng khác. Như vậy gọi là người ưa thuận quán. Tự có chúng sinh ưa nghịch quán từ tướng vòng ngàn nan hoa ở dưới chân. Từ dưới quán lên đến ngón chân, mỗi một tướng, mỗi một vẻ đẹp, mỗi một màu sắc... từ dưới đến trên quán ngược lại rõ ràng. Đó gọi là phép nghịch quán. Tự có chúng sinh ưa quán Như Lai Kim Sắc. Phật sinh ra ở cõi Diêm Phù Đề nên tạo ra thượng sắc trong các màu sắc, như trăm ngàn mặt trời dọi sáng núi vàng tía, chẳng thể được thấy đủ. Tự có chúng sinh ưa quán thân lớn một trượng sáu của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán vừng hào quang tròn rộng một tầm của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán ánh sáng toàn thân của Như Lai. Tự có chúng sinh ưa quán tướng điềm ứng khi Như Lai nói pháp. Tự có chúng sinh ưa quán tướng hướng lên, tướng hướng xuống của rốn Như Lai (?).
PHẨM THỨ BA : QUÁN TƯỚNG
I- Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Sao gọi là quán Như Lai đảnh ? - Xương đảnh Như Lai tròn giống như cái nắm tay. Màu sắc chính của đảnh là trắng, nhưng nếu da mỏng đi nhìn thấy thành màu hồng, hoặc da dày thì nhìn thấy thành màu Kim cương, mép tóc màu vàng, não màu pha lê có mười bốn mạch máu với những vạch đầy đủ và cũng có mười bốn ánh sáng. Những ánh sáng ấy như mạch máu phân minh rõ ràng. Ở trong những mạch máu của não trở lại sinh ra các ánh sáng xông lên xương đầu. Rồi
từ xương đầu phát ra cho đến mép tóc (phát tế) có mười bốn màu vây quanh những sợi tóc. Màu vàng dưới tóc cũng phát ra những ánh sáng vào trong mười bốn màu. Đó gọi là Nhục Kế đỉnh não của Như Lai sinh ra trong cung. Chỉ trên đỉnh ấy thì năm tướng Đại Phạm mới sinh ra, mẹ Ma Gia và dì của Phật đều chẳng thấy. Năm tướng Đại phạm ấy hiện mở ra thì ánh sáng lên đến Phạm thế, lại qua vô lượng thế giới ở thượng phương, hóa thành cung điện, đền đài, cảnh giới của chư Phật mà Bồ tát Thập Địa chẳng thấy được. Hôm nay, tôi vì phụ vương nói về sinh đỉnh tướng. Nếu có người nghe thì nên phải suy nghĩ thắng đỉnh tướng của Phật. Ánh sáng của tướng ấy như vi trần của đại địa ba ngàn cõi chẳng thể đủ nói. Chúng sinh đời sau nếu nghe lời nói đó, nghĩ đến tướng mà lòng không hối hận thì như nhìn thấy ánh sáng tướng thắng đỉnh của Thế Tôn. Nhắm mắt là được thấy, do sức tưởng của lòng mà tỏ rõ phân minh như khi nhìn thấy Phật tại thế. Tuy quán tướng ấy một lúc chẳng được nhiều, nhưng từ một việc khởi lên lại tưởng một việc, tưởng một việc rồi lại tưởng một việc. Thuận, nghịch, quay đi, trở lại trải qua mười sáu lần như vậy tâm tưởng cuối cùng trở nên minh lợi. Nhiên hậu trụ ở lòng ràng buộc niệm tưởng một chỗ như vậy dần dần đưa lưỡi hướng lên vòm miệng, khiến cho lưỡi chánh trụ, trải qua hai mươi bảy ngày, nhiên hậu thân tâm có thể được yên ổn. Rồi lại phải ràng buộc lòng trở lại quán Phật đảnh. Phép quán Phật đảnh là trước theo lỗ chân lông mà vào.
Đức Phật bảo với Phụ vương và lệnh cho Anan rằng :
- Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Suy nghĩ cho kỹ ! Như Lai hiện nay trên đầu có tám muôn bốn ngàn sợi lông, hai bên đầu đều xoắn rạp về bên phải mà sinh ra, chia đều phân minh, bốn góc rõ ràng. Mỗi một lỗ chân lông lại sinh năm ánh sáng vào trong mười bốn ánh sáng màu ở trước. Ngày xưa ta ở tại cung nhũ mẫu vì ta gội đầu. Di mẫu Đại Ái Đạo đi đến chỗ của ta, người biết khi Tất Đạt Đa sinh ra có nhiều những điều kỳ lạ đặc biệt nên hỏi ta rằng, tóc của con dài bao nhiêu ? Ta làm sao đáp, nay phải đo tóc để biết độ dài của chúng. Người liền ra lệnh cho ta buông tóc ra, mẹ dùng thước đo độ dài được một trượng hai thước năm tấc. Buông xong, tóc xoắn về bên phải trở lại thành hoa văn của loài mọt (?). Lúc sắp nạp phi (cưới vợ) lại gội đầu nữa, mẹ lại bảo rằng, tóc đo lần trước dài một trượng hai thức năm tấc, nay phải đo lại. Ta liền buông tóc ra đo thì dài một trượng ba thước năm tấc. Lúc ta xuất gia thiên thần bưng tóc của ta đi, tóc cũng dài một trượng ba thước năm tấc. Hôm nay Phụ vương có muốn xem tướng tóc
không ?
Phụ vương bạch rằng :
- Thưa vâng ! Thưa đấng Thiên Tôn ! Tôi ưa thấy tóc Phật !
Đức Như Lai liền dùng tay thả tóc của mình ra thì từ tinh xá Ni Câu Lâu Đà đến cung của phụ vương tóc Phật như lưu ly xanh biếc, còn quấn quanh thành bảy vòng. Ở trong tóc Phật đại chúng đều thấy biết bao là ánh sáng màu, chẳng thể nói cho đủ. Mỗi một ánh sáng đó soi khắp tất cả tạo thành màu lưu ly xanh biếc. Ở trong màu lưu ly có những hóa Phật nhiều chẳng thể kể số. Thị hiện tướng đó rồi, đức Phật thu lại ánh sáng, cuốn tóc. Tóc xoắn về bên phải uyển chuyển trở lại trụ trên đảnh đức Phật liền thành hoa văn mọt vẽ. Đức Phật dạy rằng :
- Đó gọi là tướng tóc chân thật của Như Lai . Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di.v.v... muốn quán tóc Phật thì phải tác khởi sự quan sát đó, chẳng được quán khác. Nếu quán khác thì gọi là tà quán, gọi là cuồng quán, gọi là thất tâm (mất lòng), gọi là tà kiến, gọi là lòng điên đảo... Giả sử người đó được định thì không có điều này. Như vậy, thưa phụ vương ! Tướng tóc chân thật của Phật quả thật như vậy. Quán tướng tóc rồi, tiếp theo là quán mép tóc (phát tế) như màu trân châu đỏ uyển chuyển buông xuống, có năm ngàn ánh sáng xen lẫn phân minh, đều hướng lên trên vây quanh các sợi tóc, rồi từ trên đỉnh phát ra đi quanh đỉnh năm vòng như sự khởi tác phép vẽ của họa sư nhà trời, tròn lẳng, phẳng đều, nhỏ như một sợi tơ. Ở khoản tơ ấy sinh ra các hóa Phật có hóa Bồ tát làm quyến thuộc, chư thiên, tám bộ chúng, tất cả sắc tượng cũng hiện ra ở trong. Màu sắc như vầng mặt trời chẳng thể thấy đủ hết. Đó gọi là quán mép tóc (phát tế) của Phật. Người quán như đây gọi là chánh quán, nếu quán khác thì gọi là tà quán.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa phụ vương ! Đây gọi là quán chân thật mép tóc Như Lai !
Sao gọi là quán tướng trán rộng bằng phẳng của Như Lai ? - Trong tướng trán rộng bằng phẳng có ba tướng.
- Một là tướng Bạch mao (lông trắng). Khi Phật mới sinh, vua cùng phu nhân đem thái tử đến chỗ tiên A Tư Đà, ra lệnh xem tướng thái tử. Tiên nhân vạch lớp lông, đầu tiên thấy ở khoản mày của thái tử có sợi lông trắng xoắn lại. Ở bên sợi lông trắng có các vòng ngăn (luân quách) theo sợi lông trắng xoắn lại, thầy tướng kéo thẳng (duỗi ra) sợi lông, thấy sợi lông dài và lớn, liền lấy thước đo xem dài hay ngắn thì thấy đủ tròn năm thước như cái ống bằng lưu ly. Buông xong, lông xoắn lại phía hữu như viên ngọc pha lê, hiển hiện trăm ngàn ánh sáng màu nhiều không lường. Đó gọi là ánh sáng của tướng Bạch Hào khi Bồ tát mới sinh. Đến năm ngài tám tuổi, di mẫu lại quan sát tuổi lớn của Tất Đạt Đa thì thấy lông ở khoản mày ấy cũng theo năm tháng lớn lên. Nay bà muốn xem thử, liền kéo thẳng sợi lông trắng thì thấy nó ngay thẳng như ống lưu ly trắng. Ở đầu lông ấy phát ra ánh sáng ngũ sắc, rồi trở lại vào trong lỗ chân lông. Di mẫu thương mến vô cùng tận, bảo với mọi người rằng : “ Tướng lông của con ta đến như thế này”. Mọi người thấy rồi, lông xoắn lại như trước rất khả ái. Đó gọi là tướng Bạch Hào mao lúc Bồ tát làm đồng tử.
Sao gọi là tướng Bạch Hào mao lúc Bồ tát nạp phi ? Cha của Da Du Đà La tự sai thầy tướng đến xem tướng thái tử. Thầy tướng thấy ba mươi hai tướng rõ ràng như bức họa, chỉ đối với tướng Bạch hào mao thì lòng chẳng rõ. Thầy tướng liền nói rằng : “ Thái tử địa thiên, mọi tướng khác của ngài đồng với tướng của vua Kim Luân, chỉ có tướng Bạch Hào mao tuông ra mọi thứ ánh sáng này là ngoài tầm rõ biết của tôi. Nay tôi muốn kéo thẳng ra để xem có thể được không ?” Thái tử bảo rằng : “ Theo ý muốn của ông”. Lúc bấy giờ, thầy tướng dùng tay kéo sợi lông ra. Lông ấy tuông ra như sữa trâu chúa bắn vào mắt thầy tướng. Mắt thầy tướng ấy trở nên minh tịnh, liền thấy ở trong sợi lông có hàng trăm ngàn vua Chuyển Luân Thánh với bảy món báu và ngàn đứa con... đầy đủ. Thầy tướng kinh ngạc bạch rằng : “ Thưa thái tử địa thiên ! Tôi kéo sợi lông trắng ra là muốn xem dài ngắn. Chẳng biết vì ý gì mà như sữa trâu chúa lại bắn vào mắt tôi ? Đó là thấy thật ! Đó là thấy trong mơ ! Đó là cuồng loạn ! Nay tôi quên hết tướng tốt của thái tử, tất cả đều hết, chỉ còn thấy trăm ngàn vua Chuyển Luân Thánh với bảy thứ báu, ngàn đứa con và bốn thứ binh từ bốn mặt khởi lên. Lòng tôi vui mừng như Bàlamôn được niềm vui Phạm thế”. Nói rồi buông sợi lông. Nó xoắn về bên phải uyển chuyển trở lại chỗ cũ. Lúc bấy giờ, thầy tướng tên là Lao Độ Bạt Đa, thấy việc này rồi, năm vóc gieo xuống đất làm lễ thái tử mà nói rằng : “ Mọi tướng của thái tử chẳng thể thấy đủ hết. Như phép xem tướng của tôi, thấy được cả tướng vua bốn thiên hạ một cách nhanh chóng tự tại. Nay tướng của thái tử như Ma Ê Thủ La, thần lực tự tại chẳng thể ghi chép thì phải nhận biết ra sao ?” Thái tử bảo rằng : “ Ta chẳng đạt điều này ! Ông hãy tự về nhà, đến bạch với vua của ông !” Lúc ấy, thầy tướng liền trở về nước của mình, đem việc như trên nói đầy cho vua. Nhà vua nghe lời nói đó, nói với người đánh xe vua tên là Tượng Đạo đem theo hàng trăm ngàn người, đi đến thành Ca Tỳ La. Đến cung vua Tịnh Phạn, nhà vua dùng nước rửa tay thái tử, đem con gái trao lên ngài, nhân đó làm lễ nói rằng : “ Thưa thái tử địa thiên ! Xin ngài nhận con gái của tôi, nó có thể trông nom gia đình ! Thầy tướng đã thấy tướng lông thượng diệu của ngài. Tôi nay muốn thấy có thể được không ?” Thái tử bảo rằng : “ Tùy ý ngài xem đi !” Lúc bấy giờ, cha của Da Du Đà La dùng tay kéo thẳng sợi lông trắng của thái tử, thấy lông ấy như ống pha lê, từng đốt từng đốt tương đương. Ở trong khoản các đốt, thấy có vô lượng Phạm vương, Thích Đề Hoàn Nhân, các thắng thiên tử cùng với cung điện, nhìn thấy rõ ràng như đối trước kính sáng tự quan sát nét mặt của mình. Thấy rồi vui mừng, nhà vua liền buông bỏ sợi lông ra, nó xoắn lại về bên phải rồi trở lại trụ ở khoản mày. Ánh sáng rực rỡ phân tán khắp bốn mặt, rồi vào trong vòng vách ngăn, chẳng thể nói hết. Đó gọi là tướng Bạch Hào khi Bồ tát nạp phi.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Sau khi Phật vào Niết bàn, bốn bộ chúng muốn quán tướng Bạch Hào của Bồ tát khi làm đồng tử và khi nạp phi thì phải tác khởi sự quán tưởng đó. Người quán như thế này gọi là Chánh quán, nếu quán khác thì gọi là tà quán.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa phụ vương ! Sao gọi là tướng Bạch Hào khi Như Lai xuất gia ? - Khi tôi muốn xuất gia, phụ vương và mẹ sai các thể nữ luôn theo hộ vệ, cửa đặt then khóa, mở đóng có tiếng như sư tử hống. Ở cửa các cửa sổ đóng kín, treo các chuông nhỏ, khóa vàng móc nối nhau, rồng, quỉ, dạ xoa không vào được. Lúc bấy giờ, Tứ Thiên Vương ở trong hư không, từ xa phát thanh rằng : “ Thưa Địa thiên thái tử ! Ngày giờ đã đến, ngài nên hãy đi học đạo ! Tôi nay muốn đến cúng dường thái tử, nhưng sợ vào điện có tiếng động nên không duyên được vào”. Khi ấy thái tử dùng tay kéo thẳng sợi lông ra đến tận chỗ Tứ Thiên Vương, màu sắc như lụa ngũ sắc của trời mềm mại đáng yêu. Tứ Thiên Vương nhìn thấy lòng rất kính yêu. Do yêu kính nên liền thấy ở trong sợi lông có hóa Bồ tát ngồi kiết già, hình dạng như thái tử. Mỗi một Bồ tát lại có vô lượng Đại Bồ tát chung làm quyến thuộc. Khi hiện tướng này thì vô lượng những trời, rồng, dạ xoa.v.v... cùng lúc được vào cung. Thái tử ra lệnh cho Xa Nặc rằng : “ Ngươi đi ra sau chuồng ngựa thắng con Kiền Trắc lại đây!”. Xa Nặc bạch rằng : “ Nay trong đất này, nếu khi nhấc chân lên thì đất này chấn động kêu rống lên như tiếng con voi lớn, làm sao đến được ?” Lúc bấy giờ, thái tử lại duỗi sợi lông trắng ra khiến cho Xa Nặc thấy giống như hoa sen, từng cánh từng cánh xếp lớp lên nhau, trắng như tuyết. Xa Nặc thấy rồi, tâm nhãn liền mở ra, nhìn thấy ở nơi cánh sen có hóa Bồ tát ngồi kiết già nhiều giống như vi trần chẳng thể nói lên số lượng. Những hóa nhân đó có lông trắng nơi mày cũng lại như vậy. Khi ấy, Xa Nặc thấy trong cung, đất như màu pha lê, bên trong thật cứng giống như Kim cương, chân bước nhẹ không tiếng động, mau chóng đến sau chuồng ngựa, thắng yên vàng vào ngựa dắt đến trước điện. Xa Nặc bạch thái tử rằng : “ Chư thiên nghiêm chỉnh chắp tay, vòng tay trụ ở trong hư không, đang đồng thanh khen ngợi công đức xuất gia. Đến lúc thái tử nên mau chóng lên ngựa !” Lúc bấy giờ, thái tử lại thả sợi lông trắng ra phỏng theo hình dạng các cô gái khiến cho các thị nữ, thân tâm vui vẻ giống như Tỳ kheo được đệ tam thiền. Lúc ấy sợi lông này uyển chuyển xoắn về bên phải vào trở lại mi gian. Chư thiên lại thấy mi gian của thái tử có trăm ngàn ánh sáng ví như dòng sông sữa chảy khắp tất cả. Ở trong dòng sông sữa có hóa Bồ tát cưỡi trên hóa liên hoa (hoa sen), đều cùng chung khen ngợi công đức xuất gia. Mỗi một vị hóa Bồ tát, dòng sông sữa ở mi gian họ tuông ra ánh sáng cũng lại như vậy.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Đó gọi là đủ thứ điềm ứng của tướng Bạch Mao khi Bồ tát xuất gia. Nếu sau khi Phật diệt độ, những bốn bộ chúng muốn quán tướng Bạch Mao lúc Như Lai xuất gia thì phải tác khởi sự quan sát đó, nếu quán khác đi thì đó gọi là tà quán.
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Sao gọi là tướng lông Bạch hào khi khổ hạnh ? Như ta vượt ra thành cung rồi, cách thành Dà Gia chẳng xa, đi đến cây A luân đà thì Kết An thiên tử cùng trăm ngàn thiên tử đều nghĩ rằng : “ Nếu Bồ tát ngồi ở đây thì nhất định cần có tọa cụ. Ta nay nên phải hiến cho ngài cỏ của trời”. Các thiên tử liền mang đến cỏ trời thanh tịnh mềm mại tên là Cát Tường. Bồ tát nhận rồi, trải ra đất mà ngồi. Lúc đó, chư thiên quan sát kỹ thân tướng khả ái của Bồ tát lại thấy sợi lông trắng chu vi ba tấc xoắn về bên phải uyển chuyển, có trăm ngàn màu sắc tuông vào các tướng. Khi các thiên tử quan sát tướng Bạch Hào đều tác khởi ý niệm rằng : “ Hôm nay Bồ tát chỉ nhận cỏ của ta, chẳng nhận cỏ của ngươi”. Tức thời, ở trong sợi lông trắng, có vạn ức Bồ tát ngồi kiết già, đều lấy số cỏ ấy trải chỗ ngồi dưới gốc cây này. Mỗi một thiên tử đều thấy trong bạch hào có tướng như thế này. Lúc đó thiên tử Cát An khen ngợi rằng : “Hay thay ! Đấng Thắng Sĩ tu đại từ bi ! Nhờ sức từ bi nên được tướng Đại Nhân. Ở trong tướng ấy biến hiện không lường, có thể thoả mãn tất cả thiện nguyện của chư thiên, làm cho họ chẳng sinh tranh cãi mà khởi tâm Bồ đề. Đế thích, Phạm vương và chư thiên thấy Bồ tát ngồi dưới cây này đều mang cam lồ đến hiến dâng cúng dường. Lúc đó Bồ tát vì muốn hàng phục lục sư ngoại đạo kia nên chẳng thọ dồ cúng dường đó. Trời khiến cho bên trái, bên phải tự sinh ra mè, gạo nhưng Bồ tát chẳng ăn. Chư thiên đều nói rằng : “ Vị thiện nam tử này chẳng ăn nhiều ngày, khí lực mệt mỏi, mạng còn không bao lâu thì làm sao sẽ có thể thành tựu Bồ đề ?” Lúc đó Bồ tát vào Diệt Ý tam muội. Cảnh giới của tam muội gọi là tịch các căn. Chư thiên kêu khóc, nước mắt rơi xuống như mưa, khuyến thỉnh Bồ tát phải dậy mà ăn uống. Khi chư thiên nói lên lời thỉnh này thì tiếng vang khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà đức Bồ tát chẳng hay biết. Có một thiên tử tên là Duyệt Ý thấy đất mọc cỏ xuyên qua thịt của Bồ tát lên đến khuỷu tay nên bảo với chư thiên rằng : “ Lạ thay ! Đấng nam tử khổ hạnh đến vậy ! Chẳng ăn lâu lắm, tiếng kêu chẳng nghe, cỏ mọc chẳng hay biết !” Vị thiên tử đó liền lấy tay phải kéo duỗi sợi lông trắng của Bồ tát, sợi lông ấy ngay thẳng, dài đúng một trượng bốn thước năm tấc như báu trắng của trời, trong ngoài đều rỗng không. Trời thấy bên trong sợi lông có hàng trăm ức ánh sáng. Ánh sáng ấy vi diệu chẳng thể tuyên nói cho đủ. Ở trong ánh sáng ấy hiện ra hóa Bồ tát đều tu khổ hạnh như Bồ tát này không khác. Bồ tát chẳng nhỏ mà lông cũng chẳng lớn. Chư thiên thấy rồi khen chưa từng có, liền thả sợi lông trắng xoắn về bên phải, uyển chuyển cùng với ánh sáng đều trở lại chỗ cũ. Lúc bấy giờ, chư thiên quan sát kỹ sợi lông trắng, mắt chẳng tạm rời. Họ nhìn thấy trong sợi lông trắng, bên dưới sinh ra năm cái ống theo diện môn vào mà rót cam lồ từng giọt từng giọt chẳng dứt, từ trên lưỡi chảy vào đến thân, phơi bày trong suốt như núi lưu ly. Có trăm ngàn vạn ức các Đại Bồ tát hiện ra ở bên trong thân ấy. Chư thiên thấy rồi, chắp tay vui mừng cho lời nói trước đây là ngu si, vì nói bậc đại nhân này, mạng sống chẳng còn bao lâu. Hôm nay thấy tướng đó thì nhất định sẽ thành Phật, rõ ràng không nghi ngờ ! Mặt trời tuệ Vô thượng chẳng bao lâu nữa sẽ soi chiếu thế gian ! Họ nói lên lời đó rồi đi nhiễu quanh trăm ngàn vòng, đều trở lại cung điện. Như âm thanh này nghe vang đến trời lục dục
Đức Phật bảo rằng :
- Thưa Phụ vương ! Sau khi Phật diệt độ, nếu bốn bộ chúng muốn quán tướng Bạch Hào khi Như Lai khổ hạnh thì phải tác khởi sự quán tưởng đúng như quán này thì đó gọi là chánh quán, nếu quán khác đi thì gọi là tà quán. Hết quyển thứ nhất
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.179.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.