Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tì Bà Thi Phật Kinh [毘婆尸佛經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Tì Bà Thi Phật Kinh [毘婆尸佛經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.28 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.29 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Tỳ Bà Thi

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Lúc bấy giờ, Phật bảo các Bí-sô:
Thời quá khứ có đại quốc vương tên Mãn-độ-ma. Vua có một Thái tử tên Tỳ-bà-thi. Sống lâu ngày trong thâm cung, Thái tử muốn đi dạo xem công viên, nên bảo Du-nga, người đánh xe:
“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng để ta đi du ngoạn.”
Du-nga vâng lệnh đến chuồng ngựa, xếp đặt xe ngựa đem tới trước Thái tử. Thái tử lên xe, ra ngoài, thấy một người bệnh, bèn hỏi:
“Tại sao người này hình dáng tiều tụy, sức lực bạc nhược như vậy?”
Du-nga đáp:
“Đây là người bệnh.”
Thái tử hỏi:
“Bệnh là gì? “
Du-nga trả lời:
“Bốn đại giả hợp, hư huyễn không thật, chống trái nghịch nhau, liền sinh khổ não, đó gọi là bệnh.”
Thái tử hỏi:
“Ta có thoát khỏi bệnh không?”
Du-nga đáp:
“Thân thể huyễn hóa của Ngài cũng là tứ đại không khác. Nếu không tự bảo hòa cũng không thoát bệnh.”
Thái tử nghe nói, lòng cảm thấy không vui, liền bảo quay xe trở về hoàng cung, ngồi trầm tư về cái khổ của bệnh là thật, không hư dối, tâm không an ổn.”
Thế Tôn nói kệ:
Thái tử Tỳ-bà-thi,
Dạo xem quanh vườn rừng;
Bỗng thấy người bệnh hoạn,
Hình sắc rất tiều tụy.
Liền hỏi người đánh xe.
Biết mình không thoát bệnh,
Ngồi yên tự trầm tư:
Khổ bệnh, là thật có.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Vua Mãn-độ-ma hỏi Du-nga:
“Thái tử đi ra ngoài trở về, tại sao không vui?’
“Du-nga đáp:
“Thái tử ra ngoài dạo xem phong cảnh, thấy một người bệnh hình sắc tiều tụy. Thái tử không biết, hỏi ‘Người ấy là người gì?’ Du-nga trả lời: ‘Đó là người bệnh.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi bệnh không?’ Du-nga đáp: ‘Thân thể của Ngài cũng đồng bốn đại huyễn hóa không khác; nếu không tự bảo hòa cũng không thoát khỏi bệnh.’ Thái tử liền bảo quay xe trở về cung; suy nghĩ về sự khổ của bệnh nên không vui.”
Vua Mãn Độ Ma nghe việc này, nhớ lại lời của thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia thì thọ phép Quán đảnh nối ngôi vua Chuyển luân. Nếu xuất gia thì dốc chí tu hành thì chứng đắc quả Phật.’ Nghĩ vậy, nên trong cung cho bày các loại ngũ dục tuyệt vời để mua vui Thái tử, làm Ngài say đắm, bỏ chí xuất gia.
Thế Tôn nói kệ:
Phụ vương Mãn-độ-ma
Biết con dạo chơi về,
Thân tâm không được vui.
Sợ Thái tử xuất gia;
Dùng thú vui tuyệt diệu,
Sắc, thanh, hương, vị, xúc;
Làm thỏa lòng Thái tử,
Để sau kế nghiệp vua.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:
“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng để ta đi du ngoạn.”
Du-nga vâng lệnh, đến chuồng ngựa, xếp đặt xe ngựa đem tới trước Thái tử. Ra khỏi thành, Thái tử thấy một người già, tóc râu đều bạc, thân tâm suy nhược, run rẩy, hơi thở phều phào, chống gậy đi về phía trước. Thái tử hỏi:
“Đây là người gì?”
Du-nga đáp:
“Đây là người già.”
Thái tử hỏi:
“Sao gọi là người già?”
Du-nga đáp:
“Thân ngũ uẩn huyễn hóa, bốn tướng biến đổi, bắt đầu từ đứa bé, không bao lâu trưởng thành rồi già lão, mắt mờ, tai điếc, thân tâm suy tàn, gọi là già.”
Thái tử hỏi:
“Ta có thoát khỏi già không?”
Du-nga thưa:
“Sang hèn tuy khác nhưng thân hư giả này không khác; ngày qua tháng lại cũng phải già suy.”
Thái tử nghe nói không vui, trở về cung, ngồi yên trầm tư về sự đau khổ của già, không thể nào thoát được.
Thế Tôn nói kệ:
Thái tử Tỳ-bà-thi,
Bỗng thấy một người già;
Tóc râu đều bạc phơ,
Sức suy tàn, chống gậy.
Ngài nhập định tư duy:
Tất cả pháp hữu vi;
Thay đổi từng sát na,
Không ai thoát khỏi già.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Vua Mãn-độ-ma thấy Thái tử không vui, hỏi Du-nga:
“Tại sao tâm tình con ta không vui?
Du-nga đáp:
“Thái tử ra ngoài thấy một người già. Ngài hỏi: ‘Đây là người gì?’ Du-nga đáp: ‘Đây là người già.’ Thái tử lại hỏi: ‘Già là gì?’ Du-nga đáp: ‘Thân năm uẩn huyễn hóa, bốn tướng biến đổi, bắt đầu từ đứa bé, không bao lâu trưởng thành rồi già lão, mắt mờ, tai điếc, thân tâm suy tàn, gọi đó là già.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi già không?’ Du-nga thưa: ‘Sang hèn tuy khác nhưng thân giả hợp này không khác. Ngày qua tháng lại, cũng phải già suy.’ Thái tử nghe nói không vui, trở về, ngồi yên lặng trầm tư, thật không sao thoát khỏi già. Do đó Ngài không vui.”
Vua cha nghe việc này, nhớ đến lời của thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia làm vua Chuyển luân. Nếu xuất gia chắc chắn chứng quả Phật.’ Vua Mãn-độ-ma nghĩ vậy, nên dùng năm dục tuyệt vời mua vui Thái tử làm Ngài ưa thích bỏ chí xuất gia.
Thế Tôn nói kệ:
Phụ vương Mãn-độ-ma,
Thấy con lòng không vui;
Nhớ lời thầy tướng nói,
Sợ Thái tử xuất gia.
Liền dùng vui năm dục,
Thỏa lòng cho Thái tử;
Như vua trời Đế Thích,
Vui trong vườn hoan hỷ.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:
“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng, ta muốn đi du ngoạn.”
Du-nga đến chuồng ngựa, xếp đặt xe cộ đem tới trước Thái tử. Thái tử đi ra ngoài, thấy có nhiều người vây quanh một chiếc xe tang, khóc lóc thảm thiết. Thái tử hỏi:
“Đây là người gì?”
Du-nga đáp:
“Đây là người chết.”
Thái tử hỏi:
“Người chết là gì?”
Du-nga đáp:
“Con người sống trong thế giới trôi nổi này, tuổi thọ có dài ngắn. Ngày nào đó, hơi thở dứt thì thần thức lìa khỏi xác, vĩnh biệt thân quyến ra ở luôn nơi gò hoang, thân thuộc buồn khóc, đây là chết.”
Thái tử hỏi:
“Ta có thoát khỏi chết không?”
Du-nga đáp:
“Ba cõi không an, làm sao thoát khỏi sinh tử? Cho nên, không ai thoát khỏi chết cả.”
Thái tử nghe nói, thân tâm buồn rầu, bảo quay xe trở về cung, ngồi yên lặng suy nghĩ về pháp vô thường, chẳng thể ưa thích, làm sao ta thoát được khổ này.
Thế Tôn nói kệ:
Thái tử Tỳ-bà-thi,
Thấy người chết nên hỏi.
Người đánh xe trả lời,
Không ai thoát chết được.
Ngồi yên tự suy nghĩ,
Thật đúng không nghi ngờ;
Ta phải làm thế nào,
Để thoát khỏi vô thường.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Vua Mãn-độ-ma hỏi Du-nga:
“Tại sao Thái tử không vui?”
Du-nga đáp:
“Thái tử đi ra khỏi thành thấy một người chết, hỏi: ‘Đó là người gì? Du Nga đáp: ‘Đó là thây chết.’ Thái tử hỏi: ‘Chết là gì?’ Du-nga đáp: ‘Con người sống trong thế giới trôi nổi này, tuổi thọ có dài ngắn. Ngày nào đó, đứt hơi thở, thần thức lìa khỏi xác, vĩnh biệt thân quyến ra ở luôn nơi gò hoang, thân quyến buồn khóc, đó gọi là chết.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi chết không?’ Du-nga đáp: ‘Ba cõi không yên, làm sao thoát được sinh tử? Cho nên không ai thoát khỏi chết cả.’ Thái tử nghe nói, bảo quay xe trở về cung, yên lặng trầm tư, thật không thể thoát chết, do đó không vui.”
Nhà vua nghe lời này nhớ đến lời thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia làm Luân vương, nếu xuất gia chứng quả Phật.’ Nhà vua đem năm loại dục để mua vui cho Thái tử làm người say đắm bỏ chí xuất gia.
Thế Tôn nói kệ:
Quốc vương Mãn-độ-ma,
Biết Thái tử Tỳ-thi,
Nhìn thấy người qua đời,
Than thở lòng không vui.
Vua dùng cảnh vui thú,
Sắc thanh hương vị xúc;
Làm Thái tử ưa thích,
Bỏ chí nguyện xuất gia.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:
“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng, ta muốn đi du ngoạn.”
Du-nga nghe xong, liền đến chuồng ngựa, xếp đặt xe cộ đem tới cho Thái tử. Thái tử lên xe ra ngoài, thấy một Bí-sô, cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa. Thái tử hỏi:
“Đây là người gì?”
Du-nga đáp:
“Đây là người xuất gia.”
Thái tử hỏi:
“Người xuất gia là gì?”
Du-nga đáp:
“Người giác ngộ lão bệnh tử, vào cửa giải thoát, thực hành nhẫn nhục từ bi, cầu an lạc Niết-bàn, vĩnh viễn cắt đứt sự ân ái của thân quyến, chí nguyện làm Sa-môn; gọi là người xuất gia.”
Thái tử nghe xong vui mừng đến trước vị Bí-sô, tán thán:
“Lành thay! Lành thay! Thực hành các pháp thiện từ bi, nhẫn nhục, bình đẳng thì có thể dứt bỏ phiền não hướng đến an lạc. Ta cũng mong muốn làm như vậy. Thái tử nói xong trở về cung, phát lòng tin, hành pháp xuất gia, tác thành tướng mạo Sa-môn.”
Thế Tôn nói kệ:
Thái tử ra khỏi thành,
Dạo xem các phong cảnh.
Chợt thấy người già bệnh,
Hiện tượng vô thường kia.
Tâm tư suy nghĩ mãi,
Đau khổ vấn vương lòng.
Lại thấy người xuất gia,
Cạo bỏ sạch râu tóc;
Mặc ca sa hoại sắc,
Điềm đạm dáng trang nghiêm;
Hành từ bi bình đẳng,
Nhẫn nhục các pháp thiện.
Nên ngài xin xuất gia,
Từ bỏ năm dục lạc,
Cha mẹ cùng quyến thuộc,
Quốc thành cùng vật quý.
Mang hình tướng Sa-môn,
Nhẫn nhục, tự điều phục;
Trừ hẳn tâm tham ái,
Siêng năng cầu giải thoát.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Tại thành Mãn-độ-ma có tám vạn người thấy Tỳ-bà-thi từ bỏ ngôi của phụ vương, xuất gia cạo tóc mang hình tướng Sa-môn, nên họ suy nghĩ:
“Thái tử thuộc dòng họ cao thượng lại từ bỏ năm dục để tu phạm hạnh. Chúng ta nên xuất gia theo. Họ nghĩ như thế rồi, liền xuất gia làm Sa-môn.”
Thế Tôn nói kệ:
Người đại trí tối thượng,
Số này có tám vạn;
Tùy thuận Tỳ-bà-thi,
Xuất gia tu phạm hạnh.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí sô:
Sau khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi đã xuất gia rồi, cùng với tám vạn người kia, rời khỏi thành phố của mình, du hành các nơi, đến một làng nọ kết hạ an cư. Sau khi mãn hạ, Ngài suy nghĩ: ‘Tại sao Ta lại như người say mê du hành các nơi vậy?’ Nghĩ như vậy tâm Ngài thanh tịnh đi đến chỗ ở cũ. Nửa đêm, Ngài lại suy nghĩ: ‘Tại sao ta sử dụng sự phú quý của thế gian?’ Chúng sanh do tham ái nên luân hồi sanh tử, bị khổ ràng buộc liên tục không chấm dứt.’ Ngài lại suy nghĩ: ‘Nguyên nhân của khổ là già chết. Già chết do nhân duyên gì phát sinh?’ Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, thấy có già chết là do có sự sinh. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của sinh do nhân duyên gì phát sinh? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, thấy từ hữu mà có. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của hữu do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thủ sinh ra hữu. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thủ do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do ái sinh ra thủ. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của ái do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thọ sinh ra ái. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thọ do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do xúc sinh ra thọ. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của xúc do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do lục nhập sinh xúc. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của lục nhập do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do danh sắc sinh lục nhập. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của danh sắc do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thức sanh danh sắc. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thức do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do hành sinh ra thức. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của hành do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát pháp này, do vô minh sanh hành. Như vậy, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Như vậy là sự tập hợp thành một khối khổ lớn.
Bấy giờ Bồ tát Tỳ-bà-thi lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ lão tử? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này: sinh bị diệt thì lão tử diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về sinh? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do hữu diệt thì sinh diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về hữu? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thủ diệt thì hữu diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thủ? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do ái diệt thì thủ diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về ái? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thọ diệt thì ái diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thọ này? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do xúc diệt thời thọ diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về xúc này? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do lục nhập diệt thì xúc diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về lục nhập? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do danh sắc diệt thì lục nhập diệt. Ngài suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về danh sắc? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thức diệt thời danh sắc diệt. Ngài suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thức? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do hành diệt thì thức diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về hành? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do vô minh diệt thì hành diệt. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt.”
Như vậy, một khối khổ lớn, tự nó không sanh nữa.
Thế Tôn nói kệ:
Bồ tát Tỳ-bà-thi,
Trầm tư khổ già chết,
Dùng trí tìm nhân khổ,
Duyên gì sanh pháp gì?
Nhập định quán sát kỹ,
Biết rõ khổ do sinh;
Cho đến nhân của hành,
Biết từ vô minh khởi.
Lại quán diệt từ đâu,
Vô minh diệt hành diệt;
Cho đến hết lão tử,
Thì khổ uẩn không còn.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
Khi ấy, Bồ-tát Tỳ-bà-thi lại quán về sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh diệt không ngừng, như huyễn như hóa không chân thật. Khi ngài quán như vậy, trí quán hiện tiền, tất cả nghiệp tập phiền não không còn sinh khởi, đắc đại giải thoát, thành Chánh đẳng giác. Thế Tôn nói kệ:
Bồ tát Tỳ-bà-thi,
Lại quán các pháp uẩn;
Nhập vào Tam-ma-địa,
Khi trí quán hiện tiền.
Tập khí khổ hoặc nghiệp,
Tất cả đều không sanh;
Như lụa bị gió cuốn,
Không sát na nào ngừng.
Thành tựu Phật Bồ Đề,
Quả Niết-bàn an lạc;
Như trăng tròn sáng chiếu,
Rạng rỡ khắp mười phương.
Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:
“Bồ tát Tỳ-bà-thi khi chưa giác ngộ, thứ nhất nghi ngờ về sự mê loạn của tự thân. Thứ hai nghi ngờ về các phiền não tham sân cứ phát triển mãi. Ngài quán sát về các pháp duyên sanh như vậy, đắc đại giải thoát.”
Thế Tôn nói kệ:
Thân Phật Như Lai kia,
Ngài chứng pháp khó chứng;
Quán sát pháp duyên sinh,
Đoạn trừ tham, sân, si.
Tận cùng đến bờ giác,
Thành tựu đại giải thoát;
Như mặt trời trên núi,
Chiếu sáng khắp nơi nơi.
HẾT QUYỂN THƯỢNG

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vào thiền


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Nguyên lý duyên khởi


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.1.38 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập