Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 1: PHÁT TÂM CÚNG DƯỜNG (Phần 2)
Này A-nan, Đức Như Lai Phổ Hiền này lại thọ ký cho một vị Bồ- tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Nguyệt Như Lai.
Này A-nan, Đức Nguyệt Như Lai này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Phân-đà-lợi Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Phân-đà-lợi này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Vô cấu Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Vô cấu này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Chứng Ngã Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Chứng Ngã này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Đại Vũ Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Đại Vũ này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Vô Úy Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Vô Úy này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Tự Quang Minh Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Tự Quang Minh này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Đại Lực Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Đại Lực này lại thọ ký cho một vị Bồ- tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Nhật Như Lai.
Này A-nan, Đức Nhật Như Lai này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Thu Quang Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Thu Quang này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Nhiệt Quang Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Nhiệt Quang này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Tướng Như Lai.
Này A-nan, Đức Tướng Như Lai này, lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Vô Tỷ Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Vô Tỷ này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Thắng Thượng Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Thắng Thượng này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Tướng Thượng Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Tướng Thượng này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Ta-la vương Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Ta-la vương này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Thân Thượng Như Laiệ
Này A-nan, Đức Như Lai Thân Thượng này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Vô Xử úy Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Vô Xử Úy này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Hóa Như Lai.
Này A-nan, Đức Hóa Như Lai này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Tịch Định Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Tịch Định này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Thắng Vương Như Lai.
Này A-nan, thuở Đức Phật Thắng Vương thành tựu đạo quả Bồ-đề nhằm vào đời Hiền kiếp, có ba trăm Đức Phật đồng một hiệu Thắng Vương. Này A-nan, Đức Phật Thắng Vương cuối cùng lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Nhất Thế Sự Kiến Như Lai.
Này A-nan, Đức Phật Nhất Thế Sự Kiến này có ba ức chúng đệ tử Thanh văn, đều là A-la-hán. Này A-nan, Đức Phật Nhất Thế Sự Kiến này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Vô Ưu Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Vô Ưu này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Long Thượng Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Long Thượng này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Diêm Phù Thượng Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Diêm Phù Thượng này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Ni-câu-đà Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Ni-câu-đà này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Quảng Tín Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Quảng Tín này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Cứu Thoát Như Lai.
Này A-nan, Đức Như Lai Cứu Thoát này lại thọ ký cho một vị Bồ-tát khác kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Thắng Thượng Như Lai.
Này A-nan, chư Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác này, mỗi mỗi vị theo thứ lớp chuyển tiếp thọ ký, cho đến vị Phật cuối cùng là Thắng Thượng, chính Ta đã vâng thờ, cúng dường tất cả chư vị.
Thế Tôn nói kệ:
Các Đấng Như Lai này
Đại Sư Tử Thích-ca
Dùng mắt Phật thanh tịnh
Nhìn thấy khắp tất cả
Trí Như Lai như vậy
Hạnh Phật khó nghĩ bàn.
Tất cả hàng trời người
Đều không thể biết được.
Nhân quả và trí Phật
Tướng các pháp rõ ràng.
Riêng cảnh giới chư Phật
Phàm phu không thể biết.
Bao nhiêu danh hiệu Phật
Thể hiện hạnh chư Phật.
Có tướng oai đức lớn
Dùng mắt Phật thấy khắp.
Như có người trí tuệ
Muốn cầu đạo Bồ-đề
Nên niệm danh hiệu Phật
Chẳng bao lâu thành Phật.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, con đã từng nghe những gì từ kim khẩu của Phật nói ra, con gắng tâm ghi nhớ chẳng quên, đó là trí tuệ của chư Phật thông suốt, không bị chướng ngại, không ai sánh bằng... Bạch Thế Tôn, phải chăng trí tuệ của Như Lai thật sự nhận biết như vậy?
Thế Tôn bảo A-nan:
-Trí tuệ của Như Lai biết rõ tất cả. Cho nên sư hiểu biết của Như Lai không có chướng ngại. Như Lai muốn tạo ra cảnh giới rộng hẹp, nghĩ đến trí tuệ của chư Phật, mức độ rộng hẹp ấy đều được tùy ý.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan lại bạch Phật:
-Thưa Thế Tôn, cũng như Tôn giả A-ni-lô-đậu dùng Thiên nhãn thanh tịnh có thể thấy được một ngàn thế giới. Còn như Thế Tôn nói: “Ta thấy vô biên thế giới”, nghĩa này như thế nào?
Lúc ấy Đức Phật im lặng. Tôn giả A-nan lại hỏi như vậy, cho đến lần thứ ba, sau đó Đức Phật mới trả lời.
Đức Phật bảo:
-Này A-nan, ông chớ đem trí tuệ của hàng Thanh văn để so sánh với trí tuệ của Như Lai! Vì sao? Ta nay dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt nhân gian, thấy trong hằng hà sa số cõi nước của chư Phật ở phương Đông, có các vị Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề, trồng các thiện căn. Hoặc thấy trong hằng hà sa số cõi nước của chư Phật ở phương Đông có vô lượng Bồ-tát được thọ ký. Hoặc thấy trong hằng hà sa số cõi nước của chư Phật ở phương Đông có chư vị Bồ-tát tu hạnh Bồ-tát. Hoặc thấy vô lượng Bồ-tất gần gũi nơi chư Phật, tu hạnh thanh tịnh, sau sinh lên cung trời Đâu-suất, giáng thần nhập vào thai mẹ. Hoặc thấy Bồ-tát đản sinh từ hông bên phải của Thánh mẫu. Hoặc thấy Bồ-tát sống cuộc đời đồng tử. Hoặc thấy Bồ-tát ở trong cung thị hiện thú vui năm dục. Hoặc thấy Bồ-tát bỏ ngôi Chuyển luân thánh vương, xuất gia tu đạo giải thoát. Hoặc thấy Bồ-tát hàng phục bốn thứ ma. Hoặc thấy Bồ-tát ngồi bên gốc cây Bồ-đề chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hoặc thấy Bồ-tát chứng đạo Bồ-đề rồi, thọ hưởng an vui giải thoát. Hoặc thấy có Bồ-tát thiền tọa tư duy hai thứ phân biệt. Hoặc thấy có Bồ-tát khi chuyển pháp luân. Hoặc thấy Bồ-tát khi vì chúng sinh xả bỏ thân mạng, sắp vào Niết-bàn vô dư. Hoặc thấy Bồ-tát sau khi nhập Niết-bàn, thời kỳ Chánh pháp và Tượng pháp trụ ở đời của mỗi vị xa gần, nhiều ít, lâu mau.
Này A-nan, Ta thấy hằng hà sa số chư Phật thành đạo trong các cõi nước Phật ở phương Đông như vậy, sau khi các ngài diệt độ, thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp đều qua hết. Như những nước của chư Phật ở phương Đông, các phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương phụ và phương trên phương dưới cũng lại như vậy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
-Này A-nan, Ta nhớ thuở xa xưa trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, không thể dùng số để tính toán, không thể dùng lời nói để trình bày, lúc ấy, có một vị Chuyển luân thánh vương tên là Thiện Kiến, thống lãnh bốn phương, đem chánh pháp trị đời, dân chúng dưới sự cai trị của Chuyển luân thánh vương này đều được giàu có, an vui. Nhà vua không dùng các thứ hình phạt đánh đập, cũng không sát hại; chấm dứt cảnh binh đao, đem chánh pháp dạy dân. Này A-nan, kinh thành của vua Thiện Kiến đang ở tên là Diêm-phù-đàn. Thành này mặt Đông Tây rộng mười hai do tuần, bề mặt Nam Bắc rộng bảy do tuần. Này A-nan, thành Diêm-phù ấy thanh tịnh trang nghiêm, đẹp đẽ lạ thường, đều dùng bốn thứ báu: Vàng ròng, bạc trắng, lưu ly và pha lê trang trí. Ngoài thành lại có bảy lớp bờ thành khác, mỗi thành đều cao bảy tầm, dày ba tầm, có bảy lớp lan can bao quanh, đều được chạm trổ tinh vi, đẹp đẽ hết mực, ít có thành nào sánh bằng, cũng dùng bốn thứ báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê cấu trúc. Hoặc lan can bằng vàng ròng, trụ cột bằng vàng ròng, bệ cửa sổ bằng bạc trắng. Hoặc lan can bằng bạc trắng, trụ cột bằng bạc trắng, bệ cửa sổ bằng vàng ròng. Hoặc lan can bằng pha lê, trụ cột bằng pha lê, bệ cửa sổ bằng lưu ly. Hoặc lan can bằng lưu ly, trụ cột bằng lưu ly, bệ cửa sổ bằng pha lê. Trong mỗi thành cửa bảy lớp thành này đều có bảy lớp hàng cây Đa-la báu, trong thành hàng bao quanh. Những cây này hoa quả phơi bày, cành lá sum suê, tươi tốt, thu hút người xem. Thân và rễ của nó đều bằng bốn thứ báu là vàng ròng, bạc trắng, lưu ly, pha lê. Cây Đa-la bằng vàng, rễ thân bằng vàng, cành lá bằng bạc, hoa quả bằng vàng. Cây Đa-la bằng bạc, rễ thân bằng bạc, cành lá bằng vàng, hoa quả bằng vàng. Hoặc cây Đa-la bằng pha lê, rễ thân bằng pha lê, cành lá bằng lưu ly, hoa quả bằng lưu ly. Hoặc cây Đa-la bằng lưu ly, rễ thân bằng lưu ly, cành lá bằng pha lê, hoa quả bằng pha lê.
Những cây Đa-la này đều có lưới giăng, trong khoảng không nơi lưới giăng ấy đều có treo linh báu. Những lưới treo và linh này, đều làm bằng bảy thứ báu, đó là: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, pha lê.
Ở bên ngoài những thành ấy, có bảy lớp hào vây quanh. Hào đó rất sâu, chứa đầy nước có đủ tám đặc tính ưu việt. Mặt hào phẳng lặng, trong hào có rất nhiều loài hoa quý, đó là: Hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen trắng lớn trải khắp trên mặt nước. Dưới đáy những hào này rải bằng cát vàng. Giáp vòng chung quanh bờ hào có lưới bằng bảy báu giăng bủa khắp nơi.
Này A-nan, thành Diêm-phù ấy, bốn mặt đều có mười sáu cửa. Các cửa thành đều làm bằng bốn chất liệu quý báu: Vàng ròng, bạc trắng, pha lê và lưu ly. cửa bằng vàng thì cánh cửa bằng bạc, cửa bằng bạc thì cánh cửa bằng vàng. Hoặc cửa bằng pha lê thì cánh cửa bằng lưu ly, hoặc cửa bằng lưu ly thì cánh cửa bằng pha lê.
Các cửa thành này, mỗi mỗi cửa đều có một vọng đài canh gác, trước thềm nơi mỗi tầng lầu cao vút đều treo những bức lưới bằng bảo châu. Đài này cũng dùng bảy thứ báu trang hoàng tinh xảo đẹp đẽ, khiến người xem vô cùng thích thú.
Những cửa thành ấy đều có bảy lớp bình phong làm bằng bốn thứ báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, đứng yên không lay động, trước khi mở hay đóng cửa, bức bình phong tỏa ra ánh sáng rực rỡ, dịu dàng dễ chịu. Các cửa thành này, bên ngoài trông thấy suốt từ xa. Như khi muốn mở thì có gió thổi cửa tự mở, lúc muốn đóng lại có gió thổi cửa tự đóng. Bảy lớp bình phong này khi gió thổi mở ra, cửa cửa tương xứng đều trông thấy thông suốt lẫn nhau. Khi muốn đóng cửa gió thổi tự đóng, bảy bình phong tự khép kín trở lại.
Này A-nan, bên trong thành Diêm-phù-đàn này có một ao lớn tên là Hoan hỷ. Ao này mặt Đông Tây rộng một do-tuần, mặt Nam Bắc rộng nửa do tuần. Bốn bờ ao có bốn bức tường gạch chạy dài ngay thẳng, tường được tô điểm bằng bốn thứ báu: Vàng, bạc, pha lê, lưu ly đẹp đẽ, trông rất vừa ý. Bốn mặt ao đều có đường đi được lát bằng bốn thứ báu: Vàng ròng, bạc trắng, pha lê và lưu ly, nền đường thẳng, phẳng, trông rất vừa ý. Vàng ròng lót đường thì bạc trắng làm thềm bệ. Bạc trắng lót đường thì vàng ròng làm thềm bệ. Lưu ly lót đường thì pha lê làm thềm bệ. Pha lê lót đường thì lưu ly làm thềm bệ. Trên vệ đường đều có vọng gác cũng được trang hoàng bằng bảy thứ báu: Vàng ròng, bạc trắng, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách và lưu ly hết sức đẹp đẽ. Bốn phía bờ ao đều có lan can, cũng dùng bốn thứ báu: Vàng ròng, bạc trắng, pha lê, lưu ly tổng hợp tạo thành, ngay ngắn chỉnh tề, hài hòa. Mặt ao phía Đông, lan can làm bằng vàng ròng, mặt ao phía Nam lan can làm bằng bạc trắng, mặt ao phía Tây làm bằng lưu ly, mặt ao phía Bắc làm bằng pha lê. Lan can làm bằng vàng ròng thì trụ làm bằng vàng ròng, bệ cửa sổ làm bằng bạc trắng. Lan can làm bằng bạc trắng thì trụ làm bằng bạc trắng, bệ cửa sổ làm bằng vàng ròng. Lan can làm bằng pha lê thì trụ làm bằng pha lê, bệ cửa sổ làm bằng lưu ly. Lan can làm bằng lưu ly thì trụ làm bằng lưu ly, bệ cửa sổ làm bằng pha lê.
Này A-nan, ao Hoan hỷ ấy có bảy hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, khoảng giữa các cây đều có lưới bằng bảy báu trang nghiêm bủa giăng. Khoảng giữa nơi các lưới đều có treo chuông rung báu. Bên ngoài hàng cây Đa-la có bảy lớp hào bao bọc, đều đặn, ngay ngắn. Trong ao Hoan hỷ có các loài hoa: Hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn. Trên bờ ao lại có các loài hoa sống trên đất, như: Hoa Chiêm-bà, hoa A-đa-mục-đa, hoa Bà-lợi-sư và hoa Kiền-đà bà-lợi-sư. Ao ấy chứa đầy nước có đủ tám đặc tính ưu việt, khi các loài chim khát nước, uống vào đều được bình yên. Đáy ao rải toàn cát vàng. Lưới bằng bảy thứ báu phủ khắp trên mặt ao, từng mắc lưới mềm mại, đẹp đẽ này đều treo các chuông rung quý.
Này A-nan, thành Diêm-phù ấy, đường sá đều bằng phẳng, ngay thẳng, hai bên vệ đường đều có cây Đa-la; nơi tàng cây Đa-la xen lẫn lưới giăng, khoảng giữa các mắc lưới đều treo chuông rung bằng bảy báu. Gió thoảng thổi động, các chuông rung bảy báu này phát ra âm thanh vi diệu khiến cho mọi người đều muốn nghe, tâm sinh hoan hỷ, giống như người đời trổi nhạc ngũ âm.
Này A-nan, tất cả dân chúng trong thành Diêm-phù này đều thuần lương, chánh trực, họ cùng thích vui đùa, không bao giờ tranh cãi. Nghe tiếng chuông reo bỗng nhiên hoan hỷ, ca múa vui chơi, lại không mơ tưởng về một âm nhạc nào khác.
Này A-nan, thành Diêm-phù ấy thường có nhiều thứ nhiều loại âm nhạc vi diệu, như là: tiếng chuông, tiếng trống, tiếng linh, tiếng ốc, tiếng đàn cầm, tiếng đàn sắt, đàn không hầu, tiếng còi, tiếng sáo, tiếng đàn tỳ-bà, tiếng đàn tranh, tiếng địch, đại thể là tất cả những âm thanh như vậy. Lại có vô lượng tiếng chim hót lảnh lót, như tiếng chim Sáo, chim Anh võ, chim Khổng tước, chim Câu-sí-la, chim Mạng mạng... vô lượng vô biên các loài chim như thế, phát ra âm thanh lạ thường, không lúc nào ngừng nghỉ.
Trên mặt đất đều tung rải các thứ hoa đẹp, như là: Hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và loại hoa sen trắng lớn, cùng các loài hoa được trồng trên đất liền.
Này A-nan, trong thành ấy không có những việc bất như ý, bức xúc làm khổ não. Tất cả tiện nghi đều đầy đủ, không có thiếu thôn, vật dụng dư giả, đồ ăn uống cũng vậy, đầy đủ các hương vị. Mọi nơi chốn nhà cửa đều đông đúc, không bỏ đất hoang, dân chúng với cuộc sống thịnh vượng, oai đức hiện rõ. Sự sinh hoạt trong thành này giống như thành A-la-ca của vua Tỳ-sa-môn ở phương Bắc không hơn không kém.
Này A-nan, trong thời gian này có một Đức Phật ra đời tên là Bảo Thể, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác... Này A-nan, Đức Phật Bảo Thể trước khi chưa thành đạo, lúc còn là một vị Bồ-tát, thường thích tu hạnh thanh tịnh. Dân chúng trong thành này cũng Ưa tu hạnh thanh tịnh. Lúc đó, Đức Phật Bảo Thể ở ngoại ô thành Diêm-phù-đàn, vào một buổi sớm mai sắp vào xóm làng thôn ấp trong thành để khất thực, tức thì có ngàn vạn vô lượng chư Thiên giáng hạ xuống chỗ Đức Như Lai Bảo Thể, vây quanh hộ vệ cúng dường. Khi Đức Bảo Thể sắp vào thành, chân Ngài vừa bước đến cửa thành, thời dân chúng trong thành hết thảy đều nhờ oai lực thần thông của chư Thiên hộ trì, cho nên họ đều phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Thể. Nào quét dọn phẩn uế, rưới nước hoa và dùng hồ thơm tô trên mặt đất, trên mặt đường đầy những hoa quý, khắp mọi nơi đều đặt lư xông hương thượng diệu, đốt các thứ hương vô giá, các thứ cờ, lọng, phướn rợp cả mặt đường. Vô lượng vật dụng cúng dường như vậy để cúng dường Đức Phật Bảo Thể.
Thuở ấy, có một chàng trai thôn quê ở ngoài thành cùng với một người trong thành sắp kết hôn. Khi chàng ta vào thành, thấy quang cảnh thành ấp sao hôm nay trang nghiêm đẹp đẽ khác lạ, ít có trong đời, từ nhỏ đến giờ mắt chưa từng mục kích, trong tâm hết đỗi kinh ngạc, nên hỏi người trong thành: Thành này hôm nay tổ chức lễ hội gì?
Người trong thành trả lời cho kẻ thôn quê:
-Ở đây có Đức Như Lai xuất thế, tên là Bảo Thể Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong chốc lát, Ngài sẽ vào thành khất thực. Vì lý do đó nên đường sá trong thành đều được quét dọn rưới nước hoa, trang trí đẹp đẽ. Họ lại còn trình bày rõ ràng cho chàng trai nông thôn này về công đức vô lượng vô biên của Như Lai, cũng tán dương công Đức Phật gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác... lại ca ngợi công đức của Pháp bảo và xưng tụng công đức của Tăng bảo.
Chàng trai được nghe nói về công đức của Tam bảo, nên vui mừng vô lượng, bèn suy nghĩ: “Đức Thế Tôn Bảo Thể Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác là Bậc ít thấy ở đời, ta nay nên đến chỗ Đức Phật ấy.” Suy nghĩ như vậy rồi, chàng trai liền cùng với những người nơi các xóm làng, thành ấp chen nhau đến chỗ Đức Phật Bảo Thể. Khi đến nơi, lại suy nghĩ: “Nếu Như Lai là Bậc Nhất Thiết Trí tất biết được tâm ta, Ngài nên đối với ta bày tỏ lời an ủi chỉ dạy trước.”
Bấy giờ, Đức Phật Bảo Thể biết được tâm niệm của người nông thôn kia, nên trước nói lời an ủi, khiến người ấy vô cùng hoan hỷ. Thỏa mãn được ý nguyện của mình, anh ta liền thỉnh Đức Như Lai qua ngày hôm sau xin cúng dường và Đức Phật đã im lặng nhận lời.
Người nông thôn ấy được Đức Như Lai nhận lời thỉnh cầu của mình nên rất vui vẻ, vội trở về nhà để sắm các thức ăn uống. Lúc này, trời Tứ Thiên vương, trời Phạm vương và Đế Thích... cùng đại chúng chư Thiên, đem theo các thứ phẩm vật nơi cõi trời đến chỗ của Đức Như Lai dâng hiến, cúng dường.
Khi ấy người nông thôn về đến nhà, đếm đó lo sắm sửa các thức ăn uống cao lương mỹ vị. Mọi thứ sắm đầy đủ rồi, vào sáng hôm sau, cho người quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lấy hồ thơm tô lên mặt đất, lại dùng nước thơm rưới khắp mọi nơi, kế đến rải các thứ hoa tươi đẹp và trần thiết tòa ngồi, mọi việc chu toàn, liền cho người đi thỉnh Thế Tôn. Người nhà đến bạch Phật:
-Bạch Đức Như Lai, đã đúng giờ, xin Ngài quang lâm đến tệ xá của chúng con.
Sáng sớm hôm ấy, Đức Phật Bảo Thể đắp y, mang bình bát, cùng một ngàn ức chúng Tỳ-kheo Thanh văn, trước sau vây quanh cùng đến nhà thí chủ. Đến nơi, chư vị Tỳ-kheo theo thứ lớp an tọa.
Thí chủ thấy Đức Thế Tôn cùng đại chúng an tọa xong xuôi, liền tự tay mình bưng lấy các thứ ăn uống thượng diệu dâng cúng Đức Như Lai và bạch:
-Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Phật và chư Tỳ-kheo tăng tùy ý thọ dụng.
Đến khi Đức Phật và đại chúng thọ trai xong, vật dụng cúng dường dùng không hết, người chủ thầm nghĩ: “Thức ăn trăm vị này, Đức Phật và đại chúng dùng không hết, quyết định là do oai đức từ thần lực của Như Lai, khiến cho đồ ăn dư dật. Đồ ăn còn lại quá nhiều, ta nay có thể mời số người đến chiêm ngưỡng Như Lai hiện có, thết đãi họ những thức ăn này, như vậy thì tâm ta mới hoàn toàn vui vẻ”.
Rồi lại nghĩ tiếp: “Pháp Phật không thể nghĩ bàn, thật ít có, ít có thay! Nhờ đại lực từ oai thần của Đức Phật Bảo Thể, khiến cho quyến thuộc của ta không mời mà họ tự đến giúp đỡ. Ta cũng chưa từng nhờ cậy một người nào, lại không tốn nhiều công sức, mà mọi sự việc cùng một lúc đều được chu toàn”.
Khi Đức Phật Bảo Thể thọ trai xong, tùy theo căn cơ của thí chủ mà thuyết pháp, khiến người nghe hoan hỷ sinh tâm chưa từng có. Đức Như Lai lại đưa người ấy hội nhập với Chánh pháp, cả đại chúng nghe pháp thảy đều vui mừng, có người chứng được đạo quả. Rồi Đức Phật rời khỏi nhà trai chủ trở về tinh xá.
Khi người nông thôn, lãnh hội được giáo pháp rồi, tâm rất vui mừng, phát lời thề rộng lớn: Nguyện đời vị lai ta cũng giống như Đức Như Lai Bảo Thể, chứng đức đầy đủ tất cả pháp! Lại nguyện: Ta ở trong đại chúng thuyết pháp như vậy, khiến cho thính giả nghe một cách hoan hỷ. Cũng như hôm nay, Đức Thế Tôn Bảo Thể giáo hóa chúng Tỳ-kheo an vui tu tập không khác.
Sau khi người nông thôn đem tâm chí thành tôn trọng cung kính cúng dường Như Lai rồi, theo Phật về tinh xá, cạo bỏ râu tóc xả tục xuất gia, được trao giới Tỳ-kheo.
Bấy giờ Đức Như Lai Bảo Thể vì chúng sinh trụ thế thuyết pháp, hạnh nguyện viên mãn mới nhập Niết-bàn. Sau khi Phật vào Niết-bàn, vô lượng vô biên đại chúng trời, người làm lễ trà-tỳ thân Phật, lại đem vô lượng vật dụng quý giá đến chỗ hỏa táng thiết lễ cúng dường.
Lúc ây, Tỳ-kheo nông thôn vừa nghe Như Lai nhập Niết-bàn, nên hết sức buồn rầu, thầm nghĩ: “Ta nay phải đi đến chỗ làm lễ trà-tỳ, hoặc đến đó sẽ được phép lạ chăng?” Thầy Tỳ-kheo ấy vội vã đến chỗ làm lễ trà-tỳ, vừa đến nơi, liền được viên ngọc quý lạ, nhưng viên ngọc ấy không được sạch, vì bị bao phủ một ít bụi.
Bấy giờ Tỳ-kheo lau sơ viên ngọc thử xem, liền biết nó là viên ngọc chân lưu ly thanh tịnh, giá trị đến vài trăm ngàn lượng vàng. Viên ngọc ma-ni để chỗ nào thì ở đó ban đêm cũng sáng như ban ngày, tất cả phòng xá, đền đài đều được soi tỏ.
Lúc này trời người thâu xá-lợi của Phật rồi, xây tháp phụng thờ. Tỳ-kheo nông thôn thầm nghĩ: “Ta nay nên dùng viên ngọc ma-ni thay cho chiếc bình bằng ngọc, đem đặt trên đỉnh của bảo tháp.” Suy nghĩ như vậy rồi, khi đến bảo tháp, vị ấy lại nghĩ: “Viên bảo châu ma-ni của ta giá trị đến trăm ngàn lượng vàng, ta nay đem nó đặt trên bảo tháp, vì Đức Như Lai là Bậc Thầy tôn quý của ta.
Dù ánh sáng của viên ngọc ma-ni tỏa chiếu trên ngọn bảo tháp vô lượng ngàn năm, mà vị Tỳ-kheo đó lại còn thắp sáng vô lượng ngọn đèn để tôn kính cúng dường tháp báu đủ một ngàn năm. Mãn thời gian ấy, tâm thường không lãng quên, luôn giữ chánh định niệm Phật. Vị Tỳ-kheo do trì giới thanh tịnh, lại thêm cúng dường bảo tháp của Như Lai, nên sau khi mạng chung ở trong sinh tử, vô lượng vô biên trăm ngàn vạn kiếp thọ hưởng phước lạc cõi trời, người, chưa từng rơi vào đường ác.
Này A-nan, sau khi vị Tỳ-kheo ấy trải qua trăm ngàn vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, lại gặp một Đức Phật ra đời hiệu là Năng Tác Quang Minh Như Lai. Vị Tỳ-kheo ấy cúng dường Đức Phật rồi xuất gia giữ gìn giới cấm, phạm hạnh thanh tịnh như trước. Lại phát tâm: “Nguyện nơi đời vị lai, nhờ công đức này, ta đời đời kiếp kiếp không sinh vào cõi ác.”
Lúc đó, Đức Phật Năng Tác Quang Minh biết được sở nguyện của vị Tỳ-kheo kia, liền thọ ký:
-Này nhân giả, ông ở đời vị lai, trải qua trăm ngàn vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, sẽ thành Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Nhiên Đăng.
Đức Phật Nhiên Đăng khi còn là Bồ-tát, thân sau cùng sinh vào cung trời Đâu-Suất, giáng thần xuống nhân gian, nhập vào hông bên hữu nương gá mẫu thai, ở trong thai mười tháng, rồi nhất tâm chánh niệm, khi sắp đản sinh liền phóng hào quang chiếu sáng khắp cõi nước Phật.
Một hôm, sắp đến lúc đản sinh Bồ-tát, Thánh mẫu thưa với Đại vương:
-Xin Đại vương biết cho, ý của thần thiếp muốn ra lâm viên dạo chơi, thưởng ngoạn.
Nhà vua nghe phu nhân nói như vậy, liền lệnh cho đại quan giữ nội thành, các trưởng giả hào phú, các thương gia và cư sĩ:
-Phu nhân ta ngày nay muốn ra lâm viên dạo chơi, thưởng ngoạn, ngay nơi tư gia các khanh đều trang hoàng nghiêm chỉnh, đường sá trong thành phải sạch sẽ, những nơi nào dơ nhớp hoặc sỏi gạch gồ ghề cần phải dọn sạch, dùng các thứ nước hoa, hồ thơm rưới tô khắp trên đường, và đem hoa thơm tươi đẹp rải khắp các nơi đó. Mọi chốn đều đặt bình bằng ngọc, xông các thứ danh hương. Lại bày biện các bình ngọc đựng đầy nước thơm, trong bình cắm các thứ hoa quý, như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn. Không nơi nào là không trưng bày những cây chuối, tùy theo lớn nhỏ cao thấp, treo trên đó các cờ phướn đủ màu sắc, mỗi mỗi cây cờ, lá phướn đều tua tủa vô số mành lưới bằng bảy báu, chuỗi trân châu anh lạc, nơi từng mắt lưới đều có treo chuông rung bằng chất liệu quý như những vì sao xuất hiện vào ban đêm nơi cõi trời Tịnh cư. Lại khắp mọi nơi đều treo những tấm gương bằng ngọc sáng như vầng nhật nguyệt, hoặc giăng những rèm đủ màu sắc rực rỡ, hoặc vô số những dải lèo bằng vàng, bạc bủa giăng khắp. Đường sá nơi thành này đều được trang hoàng với tất cả những thứ hết sức đẹp đẽ trang nghiêm như vậy, giống như thành Kiền-thát-bà của Thiên thần.
Vương phu nhân ngồi trên kiệu báu, có kỹ nhạc mở đường âm thanh vang dội, cùng một ngàn tùy từng bao quanh hầu hạ trước sau chật ních cả lối đi. Từ cung điện, Thánh mẫu ung dung chậm rãi bước ra, đưa mắt quan sát bốn bề, oai đức tôn nghiêm, so trong hội không ai sánh bằng! Đoàn người hướng về khu lâm viên, đến nói lại từ từ đi về phía sông. Lúc đến bên bờ liền xuống thuyền, thuyền lướt nhẹ tới giữa dòng, bỗng nhiên thấy một ngọn đèn sáng lớn, cao, rộng ngang dọc mười hai do tuần. Trong ánh sáng ấy, thấy rõ một bãi cỏ gấu cao chừng bốn ngón tay, thân cỏ mềm mại màu trắng tươi, giống như lông chim Ca-da-lân-đề, tỏa ra mùi hương ngào ngạt dường như mùi hương hoa Chiêm-bà-ba-lợi-sư. Trong lâm viên có nhiều loại cây quý nơi cõi trời, cõi người, những hoa lạ trái ngon đua nhau đơm, kết đầy khắp.
Lúc ấy, Bồ-tát thánh mẫu ngửa mặt nhìn lên hư không, từ từ đưa tay phải vói lấy cành cây, cành ấy tự nhiên rũ xuống, vương phu nhân liền dùng tay nắm lấy, ngay lúc đó ngang hông bên phải đản sinh một vị đồng tử, dung mạo khả ái, quý danh là Nhiên Đăng.
Khi Đồng tử Nhiên Đăng đản sinh, ngài tự nhiên chắp tay, hào quang sáng chói chiếu khắp cõi nước Phật này. Trên trời chư Thiên rải vô lượng các loại hoa để cúng dường, như hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa, hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn. Lại tung rải vô lượng bột hương chiên-đàn, đầy khắp chu vi mười hai do tuần, cùng thả xuống vô số nhạc khí của chư Thiên, không người sử dụng mà tự nhiên phát ra vô lượng âm thanh ca nhạc, tán thán. Lồng trong âm thanh này có tiếng nói: Làm ngọn đèn sáng vô lượng! Làm ngọn đèn sáng vô lượng! Thích hợp với tên tốt của Bồ-tát này, nên gọi là Nhiên Đăng.
Đức đại sĩ Nhiên Đăng các căn hoàn hảo, đầy đủ tướng tốt, không hề suy giảm, xấu xí. Trải qua ngày tháng đến tuổi trưởng thành, đồng tử ở nơi lầu son thọ hưởng mọi thú vui của năm dục, chợt sinh ý nghĩ: Cảnh ái dục của thế gian có tính chất hư huyễn, tạm thời, thay đổi trong chốc lát, chẳng bao lâu sẽ hoại diệt. Suy nghĩ như vậy rồi, liền xa rời cung điện, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp phục, sống cuộc đời xuất gia.
Sau khi Ngài xuất gia cầu đạo Bồ-đề, đến ngồi bên gốc cây lần lần tu tập Chánh giác. Chứng quả Chánh giác rồi, Ngài dùng Phật nhãn quán sát tất cả thế gian, liền khởi suy niệm: Có ai là người đầu tiên đến nghe chánh pháp. Ngài thấy thế gian không có người để giáo hóa. Lại quán sát đến lần thứ ba, cũng thấy thế gian không có người nghe pháp và người để được hóa độ.
Đức Phật Nhiên Đăng trụ thế trải qua ba ngàn năm, độc nhất không có pháp lữ, sau khi trải qua ba ngàn năm tọa thiền, Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác thầm nghĩ: Các chúng sinh này mãi tham đắm nơi năm dục, luôn phóng dật, đam mê không biết nhàm chán, Ta nay phải dốc sức giáo hóa khiến họ thức tỉnh.
Suy nghĩ như vậy rồi, từ thành Đăng chú, Ngài bay lên trụ trong hư không, hóa hiện một thành tên là Diêm-phù-đàn, Trong thành, Ngài biến hóa ra những ngôi nhà bằng lưu ly, bên ngoài thành hiện bảy lớp hàng cây Đa-la bằng bảy báu. Sự câu trúc của hóa thành cũng dùng bảy thứ báu để trang nghiêm như nói ở trên. Thành này ngang dọc đông tây nam bắc đều năm ngàn do-tuần, vật dụng trang hoàng trong thành giống như cõi trời Đao-lợi. Dân chúng ở đây tuổi thọ đến ba ngàn năm.
Tất cả chúng sinh nơi cõi Diêm-phù-đề, từ xa trông thấy dân chúng nơi cõi hóa thành kia thọ hưởng hoan lạc, mặc tình buông lung theo thú vui năm dục. Những gì chúng sinh nơi cõi Diêm-phù-đề thấy, nghe, hiểu biết về thành kia, thảy đều tỏ ra ham thích.
Đức Phật Nhiên Đăng trải qua ba ngàn năm như vậy, ngài lại suy nghĩ: Ta nay có thể dùng thần thông biến hóa khiến cho người cõi Diêm-phù-đề sinh tâm nhàm chán cảnh năm dục.
Ngay khi đó, tất cả dân chúng ở hóa thành bỗng thấy bốn mặt thành lửa bốc cháy ngùn ngụt, trong lòng kinh hãi, lo sợ tìm nơi ẩn náu, lại không có người giúp đỡ, muốn tìm đường trốn thoát mà không ai che chở.
Cũng vào lúc này, chúng sinh cõi Diêm-phù-đề lại thấy bốn bức tường của hóa thành nơi Đức Phật Nhiên Đăng đang ngự phát hỏa cháy ngùn ngụt, họ càng lo sợ cùng bảo nhau: Ôi thôi! Thành kia tự nhiên lửa bốc cháy cùng khắp mọi nơi, chẳng mấy chốc sẽ bị tiêu diệt. Nói xong, họ lại nguyện: Nguyện hóa thành kia giáng hạ xuống nơi đây, hoặc thành này dời đến hóa thành kia, để chúng ta dập tắt những ngọn lửa đó.
Khi ấy, tất cả chúng sinh cõi Diêm-phù-đề căn cơ đã thuần thục, đúng lúc được Đức Phật giáo hóa, nên ngay lúc ấy, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Nhân và Phi nhân v.v... xuất hiện nơi hóa thành, bảo dân chúng Diêm-phù-đề: Tại sao hóa thành này tự nhiên bốc cháy? Cùng lúc đó, trước mặt hóa thành bỗng nhiên xuất hiện ba cầu thang: Cầu thang thứ nhất bằng vàng, cầu thang thứ hai bằng bạc và cầu thang thứ ba bằng pha lê. Khoảng giữa hai cầu thang có xen lẫn những hàng cây Đa-la bằng ngọc quý. Những cây Đa-la này phát ra những âm thanh vang dội: Này các người, tất cả hãy mau tập trung về một chỗ. Nếu tâm các người muốn thấy Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài chẳng bao lâu sẽ giáng xuống cõi Diêm-phù-đề.
Lúc này, tất cả dân chúng của cõi Diêm-phù-đề đều tập họp nơi cầu thang, thấy Đức Phật Nhiên Đăng từ trong hóa thành tiến ra bước xuống cầu thang. Khi ấy Tứ Thiên vương, Phạm vương, Đế Thích... vây quanh hộ vệ trước sau. Chúng sinh nơi cõi Diêm-phù-đề được thấy Đức Phật Nhiên Đăng thảy hết sức hoan hỷ, mỗi người đều thầm nghĩ: Trước kia chúng ta mong muốn được thấy Như Lai, ngày nay chúng ta đã được chiêm ngưỡng. Họ lại sinh tâm niệm: Nếu chúng ta đến trước Đức Phật thưa hỏi việc này: Hóa thành kia vì cớ gì lửa bốc cháy như vậy? Đức Như Lai chắc chắn sẽ vì chúng ta mà giải thích.
Khi Đức Phật đã bước chân xuống đất, tất cả dân chúng cõi Diêm-phù-đề mỗi người đều nghĩ: Riêng ta đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật và tự nói: Ta là người trước tiên đảnh lễ nơi chân Phật.
Đức Phật Nhiên Đăng an tọa nơi tòa Sư tử xong xuôi, liền vì chúng sinh thuyết pháp; ca ngợi pháp bố thí, trì giới, ly dục để được chứng pháp dứt sạch các lậu tận, nói về lợi ích của công đức xuất gia, giảng giải ba mươi bảy pháp trợ đạo thanh tịnh. Đức Như Lai thấy dân chúng cõi Diêm-phù-đề này nghe Phật thuyết pháp tin tưởng vui mừng, thọ lãnh, tâm sinh hoan hỷ, tâm ý thuận hòa không có chướng ngại. Đức Như Lai lại vì họ mà giảng nói các pháp, như tiền thân của Đức Phật. Ngài thuyết pháp hợp với căn cơ của chúng sinh, khiến họ được hoan hỷ. Những pháp đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngày nay, Đức Thế Tôn cũng lại vì chúng sinh cõi Diêm-phù-đề mà thuyết giảng đầy đủ bốn chân lý này.
Thuở đó, Đức Phật Nhiên Đăng thuyết pháp, ngày đầu tiên giáo hóa độ thoát sáu trăm ức người, đều trừ hết các lậu dứt sạch phiền não, chứng quả A-la-hán, tâm được tự tại. Ngày thứ hai giáo hóa năm trăm ức người, ngày thứ ba giáo hóa bốn trăm ức người, ngày thứ tư giáo hóa ba trăm ức người, ngày thứ năm giáo hóa hai trăm ức người, ngày thứ sáu giáo hóa một trăm ức người, ngày thứ bảy giáo hóa năm mươi ức người, tất cả đều chứng đạo quả A-la-hán. Cho đến trong tuần lễ thứ hai, Ngài giáo hóa độ thoát một trăm ức người, cuối cùng, trong tuần lễ thứ ba lại độ được bảy mươi lăm ức chúng sinh, tất cả đều được lợi ích, tâm ý sáng suốt, diệt sạch phiền não, thành bậc A-la-hán.
Đức Phật Nhiên Đăng trụ thế một kiếp cùng với chư vị đệ tử Thanh văn, vì chúng sinh nơi thế gian làm những điều lợi ích.
Này A-nan, chư Phật theo thứ lớp thọ ký cho nhau. Đức Phật Nhiên Đăng ban đầu trồng các thiện căn, cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân, vì giáo hóa chúng sinh nên trụ thế một kiếp.
Này A-nan, lúc Đức Phật Nhiên Đăng còn là vị Bồ-tát, ở trên thuyền tuy thọ nhận thú vui năm dục, nhưng ở trong thế gian luôn sinh tâm nhàm chán, suy nghĩ như thế, lại cũng phát tâm: “Ta có thể ngồi trên thuyền để vượt qua sông, đến bờ bên kia.” Ngay khi đó, liền hiện ra một đóa hoa sen xanh thật lớn, đồng tử Nhiên Đăng bước vào trong hoa này, ngồi kiết già, hoa sen tự nhiên khép kín thành đóa hoa sen búp. Lúc ấy đám thể nữ tìm kiếm không biết đồng tử ở đâu, liền về tâu lại với Đại vương.
Nhà vua cho người đi tìm khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc đều không biết đồng tử ở chỗ nào. Cho đến tìm bốn phương phụ cũng không rõ là ở đâu.
Bồ-tát Nhiên Đăng do sức thần thông nên có oai đức lớn, ngồi kiết già trong hoa sen trên thuyền mà mọi người không thấy, khi ấy chứng được năm thần thông, phi hành nơi hư không, cho đến khi ngồi bên cội cây Bồ-đề chứng quả Nhất thiết trí, rồi chuyển pháp luân, độ thoát được sáu mươi tám ức trăm ngàn người, thảy đều ở nơi thế gian giáo hóa chúng sinh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.244.98 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.