Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Một thời, Đức Thế Tôn đang ở Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ, Thắng Quân đại vương, vua nước Kiều-tát-la đến, cung kính lễ dưới chân Ngài, rồi lui ngồi một bên, thưa:
- Ngày xưa khi cầu Vô thượng chính đẳng giác, Thế Tôn đã thực hành bố thí và các phúc hạnh[1] như thế nào?
Phật nói:
- Đại vương! Hãy thôi nghĩ đến những việc trong kiếp quá khứ xa xôi. Ta nhớ trong kiếp Hiền[2] này, khi cầu Vô thượng chính đẳng giác, Ta đã tu tập hạnh bố thí. Ngài nên lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ nói nhân duyên việc ấy.
Đại vương! Vào đầu kiếp này, con người thọ đến vô số tuổi. Bấy giờ, có vị vua tên Bố-sa-đà, trên đầu bỗng nổi một cục thịt giống như cái bọc nước, mềm như bông[3], như nỉ, không đau đớn. Khi đã chín muồi, cục thịt ấy tự nhiên nứt miệng sinh ra một đứa bé tướng mạo cực quí, lại xinh đẹp, đoan chính, rất đáng yêu. Thân nó màu vàng ròng, đầu có xoáy tròn giống như cái lọng đẹp, hai tay dài, trán rộng phẳng, đôi mày dài, mũi cao, dài và thẳng. Các phần thân trên và dưới đều đầy đủ, toàn thân có ba mươi hai tướng đại trượng phu[4]. Vừa sinh ra, đứa bé liền được đưa vào cung. [393b] Tất cả sáu mươi nghìn cung nữ quyến thuộc của nhà vua nhìn thấy đứa bé thì ngực tự nhiên căng sữa, ai cũng nói: “Ta nuôi thái tử”. Do đó, đứa bé được đặt tên là Ngã Dưỡng. Cũng có người nói: “Nay thái tử này sinh ra từ đỉnh đầu, nên phải đặt tên là Đỉnh Sinh”. Vì thế, mới có người gọi thái tử là Đỉnh Sinh, có người gọi là Ngã Dưỡng.
Thời kì ấu thơ, thái tử Đỉnh Sinh nô đùa vui vẻ, trải qua hết sáu đời Đế Thích. Thời kì ở ngôi thái tử của Ngài cũng trải qua hết sáu đời Đế Thích. Sau khi thái tử ra khỏi cung điện, lần lượt dạo chơi, quan sát các làng mạc, chợ búa của nhân dân, vua Bố-sa-đà bỗng nhiên ngã bệnh. Các quan hầu cận dùng hoa, quả, rễ, chồi thuốc để trị bệnh cho nhà vua. Tuy mọi người đã dốc sức tận tâm chữa, nhưng bệnh của nhà vua không thuyên giảm. Thấy thế, nhà vua bèn ra lệnh cho các quan:
- Các khanh hãy mau làm lễ Quán đỉnh[5] truyền ngôi vua cho thái tử.
Vâng lệnh, các quan liền sai sứ đến chỗ thái tử báo rằng Đức vua ngã bệnh, chữa mãi không khỏi, nên sai gọi thái tử phải mau trở về cung làm lễ quán đỉnh truyền ngôi. Sứ giả đi mới được nửa đường thì nhà vua qua đời. Quan cận thần lại sai một sứ giả nữa nối gót theo người trước đến báo với thái tử: “Đức vua đã qua đời, thái tử hãy mau vào cung làm lễ quán đỉnh truyền ngôi vua”.
Bấy giờ, thái tử Đỉnh Sinh nghĩ: “Phụ vương đã mất, có chạy đến cũng đâu kịp!”. Trong lúc ấy, các quan bàn với nhau rồi cử một vị quan cận thần đến chỗ thái tử tâu:
- Mong thái tử mau chóng vào cùng để làm lễ quán đỉnh truyền ngôi vua.
Thái tử đáp:
- Nếu ta xứng đáng nắm giữ ngôi vua chính pháp vương[6] thì những người kia phải đến đây làm lễ quán đỉnh cho ta.
Quan cận thần nói:
- Lễ quán đỉnh cho thái tử có nhiều nghi thức: phải làm tòa sư tử báu, lọng lụa, mão báu v.v… những thứ cần dùng như thế, ở đây đâu có đủ. Hơn nữa, theo lễ nghi, việc quán đỉnh phải thực hiện ở hoàng cung mới phù hợp. Do đó, thái tử nên vào cung để làm lễ quán đỉnh.
Thái tử bảo:
- Nếu ta xứng đáng nắm giữ ngôi chính pháp vương thì tất cả những thứ cần dùng phải tự đến.
Khi ấy, thần dạ-xoa Nễ-vũ-ca phò tá thái tử liền trổ thần lực chuyển tất cả những thứ cần dùng: tòa sư tử, lọng lụa, mão báu v.v…cho đến xóm làng, thành thị đều đặt ở trước thái tử. Tất cả mọi người thấy thế, đều ngạc nhiên trước việc chưa từng có ấy. Sau đó, các quan, nhân dân và đội quân hùng mạnh đem lụa đẹp đến, muốn làm lễ quán đỉnh cho thái tử theo phép tắc, nên tâu:
- Xin thái tử nên làm lễ quán đỉnh.
Thái tử nói:
- Nay ta đâu dùng lụa của người đời để buộc lên đầu theo phép quán đỉnh. [393c] Nếu ta xứng đáng nắm giữ ngôi chính pháp vương, chắc hẳn phải có lụa của trời để buộc lên đầu.
Thế là, tự nhiên từ trên trời rơi xuống một tấm lụa rất đẹp. Lễ quán đỉnh được tiến hành, thái tử lên ngôi luân vương[7], có bảy thứ báu xuất hiện tùy lúc thích hợp là: xe, voi, ngựa, ngọc ma-ni, ngọc nữ, quan giữ kho tàng, tướng nắm binh quyền. Vị tân vương có đủ bảy thứ báu như thế, đồng thời, có một nghìn người con trai tướng mạo cực quí, mạnh mẽ, can đảm, có thể chế phục quân địch.
Bấy giờ, có một tòa thành tên Quảng Nghiêm được bao quanh bởi rừng cây rậm rạp mà nhiều người ưa thích. Trong rừng ấy có năm trăm vị tiên nhân đang trú ngụ tu tập năm thứ thần thông. Rất nhiều loài chim trong rừng ấy như cò trắng ... thường kêu hót ồn ào, cản trở việc tu định của các tiên nhân. Một vị tiên trong số đó tên là Xú Diện đã nổi giận, đọc thần chú khiến đàn cò trắng gãy cánh. Những con cò gãy cánh nhảy trên mặt đất, từ từ đến cửa cung vua Đỉnh Sinh. Lúc ấy, nhà vua vừa bước ra, nhìn thấy đàn cò ở bên trái cửa cung, bèn hỏi quan cận thần:
- Tại sao đàn cò này tụ hợp ở đây?
Quan cận thần đáp:
- Tâu thiên tử, đàn chim này quần tụ trong rừng kêu hót khiến các tiên nhân tu thiền định phải giật mình. Có một vị tiên nhân nổi giận chú nguyện cho chúng gãy cánh. Sau đó, chúng nhảy trên mặt đất đến tụ hợp ở cửa hoàng cung.
Nhà vua nói:
- Tại sao những tiên nhân ấy không có lòng thương xót chúng sinh? Nay phải ban lệnh đuổi họ mau ra khỏi đất nước ta.
Quan cận thần vâng lệnh đến chỗ các tiên nhân tuyên đọc sắc lệnh của nhà vua. Các tiên nhân đều nghĩ: “Vị Đại vương này hiện đang cai trị bốn đại châu[8], thế lực rất lớn. Chúng ta nên đến trú ngụ trong khu rừng cạnh núi Tu-di”.
Bấy giờ, vua Đỉnh Sinh lần lượt quán xét và lượng định những nghề nghiệp nên làm của dân chúng. Sau đó, nhà vua đi tuần thú. Đầu tiên, nhìn thấy người cày cấy và gieo hạt trên đồng ruộng, nhà vua hỏi quan hầu cận:
- Những người này đang làm gì?
Quan hầu cận tâu:
- Tâu Thiên tử, những người này đang cày bừa và gieo hạt giống. Hạt giống ấy mọc lớn lên thành cây để nuôi sống họ.
Nhà vua nói:
- Ta là thánh vương, nên đâu cần nhờ người đời cày cấy, trồng trọt nuôi mình! Tự nhiên sẽ có hạt giống của trời mọc thành cây.
Nhà vua vừa nói xong, bỗng có hai mươi bảy loại hạt giống từ trên trời rơi xuống. Nhà vua liền hỏi mọi người:
- Nhờ phúc của ai mà được như vậy?
[394a] Mọi người đáp:
- Đây là nhờ phúc của thiên tử cũng như của chúng tôi.
Nhà vua lại đi tiếp. Nhìn thấy các nông dân gieo hạt giống cây bông vải, nhà vua hỏi quan cận thần:
- Những người này làm gì thế?
Vị quan đáp:
- Tâu hoàng thượng, họ gieo giống cây bông vải. Khi cây kết trái, họ hái về để lấy bông làm thành những chiếc áo.
Nhà vua nói:
- Ta là thánh vương, nên không cần nhờ người đời trồng giống bông ấy để may áo, mà tự nhiên sẽ có hạt giống bông vải rất đẹp của trời.
Nhà vua vừa nói xong, những hạt bông vải rất quí từ trên trời rơi xuống. Nhà vua hỏi mọi người:
- Nhờ phúc của ai mà được như thế?
Mọi người đáp:
- Đây là nhờ phúc của thiên tử và của chúng tôi.
Vua Đỉnh Sinh lại tiếp tục đi. Lần này, nhìn thấy nông dân đang xe chỉ, nhà vua liền hỏi quan cận thần:
- Những người này đang làm gì đấy?
Quan cận thần tâu:
- Tâu thiên tử, họ đang xe bông thành sợi để làm thành những tấm bông vải.
Nhà vua nói:
- Ta là thánh vương, nên đâu cần nhờ người đời làm như thế! Tự nhiên ta sẽ có áo bông của trời để dùng.
Nhà vua vừa nói xong, từ trên trời rơi xuống những chiếc áo bông. Nhà vua liền hỏi mọi người:
- Nhờ phúc của ai mà được như thế?
Mọi người đáp:
- Đây là nhờ phúc của thiên tử và của chúng tôi.
Nhà vua vẫn tiếp tục đi và lần lượt nhìn thấy nông dân lần lượt dệt ra những chiếc áo bông. Nhà vua hỏi quan cận thần:
- Những người này đang làm gì thế?
Quan cận thần đáp:
- Tâu thiên tử, họ đang lắp đặt khung cửi để dệt áo.
Nhà vua nói:
- Ta là thánh vương, nên đâu cần nhờ người dời dệt áo để mặc! Tự nhiên ta sẽ có áo đẹp của trời để mặc.
Nhà vua vừa nói xong, những chiếc áo bông đẹp từ trên trời rơi xuống. Nhà vua liền hỏi mọi người:
- Nhờ phúc của ai mà được như thế?
Mọi người đáp:
- Đây là nhờ phúc của thiên tử và của chúng tôi.
Sau khi thấy những việc ấy, vua Đỉnh Sinh suy nghĩ: “Phúc của ta hiện nay chưa vang khắp trong nước. Ta đã thống trị Thiệm-bộ châu trên vùng biển phía nam núi Tu-di. Cõi này, bên trong rộng lớn, bên ngoài có hình giống như thùng xe, nhân dân giàu có, an ổn, vui vẻ, các thành thị đều uy nghi, tráng lệ, con người xinh đẹp, đáng mến. Ta có đầy đủ bảy thứ báu: xe, voi, ngựa, ngọc ma-ni, ngọc nữ, thần giữ kho tàng, thần nắm binh quyền. [394b] Đồng thời, ta có một nghìn con trai tướng mạo rất khôi ngô, mạnh mẽ và can đảm vô cùng, có thể chế phục quân địch. Sung sướng thay người có thế lực như ta! Hôm nay ta cầu trời tuôn mưa tiền vàng suốt bảy ngày trong cung của ta, ngay cả một đồng tiền cũng không lọt ra ngoài cung.
Nhà vua vừa nói xong, trời liền mưa đầy tiền vàng xuống cung vua suốt bảy ngày, không có một đồng tiền vàng nào rơi ngoài cung. Do phúc lực căn lành đã tạo trong đời trước, nhà vua được hưởng quả phúc có thần thông và uy đức như thế. Nhà vua hỏi mọi người:
- Nhờ phúc của ai mà được như thế?
Mọi người đáp:
- Đó là nhờ phúc của thiên tử.
Nhà vua nói:
- Nếu các ngươi nói như trước rằng đây cũng là nhờ phúc của các ngươi thì tại sao bây giờ trời không mưa vàng đầy khắp châu Thiệm-bộ để tất cả nhân dân muốn bao nhiêu vàng đều nhận được cả? Do đó, nên biết phúc nhân đời trước của các ngươi thật bé nhỏ.
Đức Phật nói:
- Đại vương! Vua Đỉnh Sinh kia dùng chính pháp cai trị thế gian trải qua hết sáu đời Đế Thích.
Vua Đỉnh Sinh lại hỏi thần dạ-xoa Nhĩ-vũ-ca:
- Có đại châu nào khác để ta cai trị không?
Nhĩ-vũ-ca đáp:
- Trong vùng biển rộng lớn phía đông núi Tu-di có đại châu Thắng Thân, bên trong (tây) rộng lớn, bên ngoài (đông) giống hình bán nguyệt. [394c] Nhân dân ở đó giàu có, an ổn, hạnh phúc, đất nước, thành thị rất tráng lệ, con người xinh đẹp, dễ mến. Đại vương nên đến đó tùy nghi giáo hóa.
Vua Đỉnh Sinh suy nghĩ: “Cai trị châu Thiêm-bộ này, ta đã được bảy thứ báu, được sum vầy với một nghìn con trai trong cung điện. Nay ta lại nghe nói trong vùng biển phía đông núi Tu-di có châu Thắng Thân, vậy ta phải đến đó giáo hóa”. Vừa nghĩ xong, nhà vua bay lên không trung, dẫn theo mười tám ức quân lính hùng mạnh, bảy thứ báu và một nghìn con trai vây quanh, trong sát-na đã đến châu Thắng Thân. Nhà vua cai trị nhân dân châu Thắng Thân hàng trăm nghìn năm, làm nhiều việc phúc thiện cho chúng sinh. Nhà vua có thần thông, uy đức đã hưởng phúc báo như thế trải qua hết sáu đời Đế Thích.
Bấy giờ, vua Đỉnh Sinh lại hỏi thần dạ-xoa Nhĩ-vũ-ca:
- Có còn đại châu nào khác để ta cai trị nữa không?
Nhĩ-vũ-ca đáp:
- Trong vùng biển phía tây núi Tu-di có đại châu Ngưu Hóa, hình thể trong và ngoài đều tròn và đầy đặn, nhân dân giàu có, an ổn, hạnh phúc, đất nước và thành thị thật xinh đẹp, con người mỹ miều, dễ mến. Đại vương nên đến đó tùy nghi giáo hóa.
Vua Đỉnh Sinh liền suy nghĩ: “Cai trị châu Thiệm-bộ, ta đã được bảy thứ báu, một nghìn người con trai và trời mưa tiền vàng. Ta lại đến cai trị Đông Thắng Thân châu này hàng trăm nghìn năm rồi, nay ta nghe nói ở vùng biển phía tây núi Tu-di còn có châu Ngưu Hóa. Vậy ta phải đến đó giáo hóa”.
Vừa nghĩ xong, nhà vua liền bay lên không trung, dẫn theo mười tám ức binh lính hùng mạnh, bảy thứ báu và một nghìn con trai vây quanh. Chỉ trong sát-na, nhà vua đã đến tây Ngưu Hóa châu, cai trị nhân dân hàng trăm nghìn năm, làm nhiều việc phúc thiện cho chúng sinh nơi đó. Nhà vua có thần thông và uy đức đã hưởng phúc báo như thế trải qua hết sáu đời Đế Thích.
Khi ấy, vua Đỉnh Sinh lại hỏi thần dạ-xoa Nhĩ-vũ-ca:
- Có còn đại châu nào khác để ta cai trị không?
Nhĩ-vũ-ca đáp:
- Tâu thiên tử, trong vùng biển phía bắc núi Tu-di có đại châu Cu-lô, trong và ngoài (đông và tây) đều vuông vức; nhân dân giàu có, an ổn, hạnh phúc; đất nước và thành thị rất xinh đẹp; con người mỹ miều, dễ mến. Nhân dân ở châu này không ràng buộc ai và cũng không lệ thuộc ai. Đại vương nên đến đó tùy nghi giáo hóa.
Vua Đỉnh Sinh suy nghĩ: “Thống trị châu Thiệm-bộ, ta đã được bảy thứ báu, một nghìn con trai và trời mưa tiền vàng. Ta lại đến đông Thắng Thân châu và tây Ngưu Hóa châu, lần lượt cai trị mỗi nơi hàng trăm nghìn năm. Nay lại nghe nói ở vùng biển phía bắc núi Tu-di có châu Cu-lô, vậy ta phải đến đó giáo hóa”. Vừa nghĩ xong, nhà vua liền bay lên không trung , dẫn theo mười ức quân lính hùng mạnh, bảy thứ báu và một nghìn con trai vây quanh dến bắc Cu-lô châu. Chỉ trong sát-na, nhà vua đã đến cạnh núi Tu-di, nhìn thấy màu đất trắng xóa của châu ấy ở đằng xa, bèn hỏi thần dạ-xoa Nhĩ-vũ-ca:
- Tại sao đất nơi ấy trắng vậy?
Nhĩ-vũ-ca tâu:
- Tâu thiên tử! Đó là lúa thơm mà người bắc Cu-lô châu ăn. Nó có màu trắng, thơm ngon, tự nhiên mọc lên, chứ không phải do cày cấy, gieo trồng. Hạt lúa ấy dài bằng bốn ngón tay, không có ghim thóc, không có hạt lép, sạch sẽ, trắng tinh, chín đúng thời hạn. [395a] Nhân dân ở đó không tốn sức cấy trồng, mà chỉ việc lấy lúa về ăn. Nay đại vương đến đấy cũng nên lấy lúa đó để ăn.
Nhà vua bảo các quan:
- Các khanh có thấy đất đó màu trắng không?
Các quan tâu:
- Vâng, thấy ạ.
Nhà vua nói:
- Đó là lúa thơm mà người bắc Cu-lô châu ăn. Lúa đó màu trắng, thơm ngon, tự nhiên mọc lên, không cần cày cấy, gieo trồng. Hạt lúa ấy dài bốn ngón tay, không có ghim thóc, không có hạt lép, sạch sẽ, trắng tinh, luôn chín đúng thời hạn. Nhân dân ở đó không tốn sức cấy trồng mà chỉ việc lấy lúa về ăn. Các khanh đến đấy cũng nên lấy lúa đó ăn.
Bấy giờ, vua Đỉnh Sinh từ phía bắc núi Tu-di nhìn thấy nhiều cây rất đẹp, thân tròn không khuyết lõm, ngắm rất thích, liền hỏi Nhĩ-vũ-ca:
- Đấy là những cây gì?
Nhĩ-vũ-ca đáp:
- Tâu thiên tử! Đấy là bốn loại cây y phục kiếp-ba[9]: màu xanh, vàng, đỏ và trắng. Những cây ấy mọc ra y phục bốn màu rất đẹp. Nhân dân châu Cu-lô, dù nam hay nữ, đều dùng y phục ấy. Khi họ vừa nghĩ đến y phục thì những cành cây ấy liền tự nhiên rủ thấp xuống để họ tùy ý lấy mặc. Nay đại vương đến đó thì cũng phải mặc y phục ấy.
Nghe xong, nhà vua bảo các quan:
- Các khanh có thấy những cây đẹp có thân tròn, không khuyết lõm kia chăng?
Các quan đáp:
- Vâng, thấy ạ.
Nhà vua nói:
- Đó là bốn loại cây y phục kiếp-ba xanh, vàng, đỏ và trắng của nhân dân châu Bắc Cu-lô. Những cây ấy mọc ra y phục bốn màu rất đẹp. Nhân dân ở châu đó, dù nam hay nữ, hễ vừa nghĩ đến y phục thì những cành cây ấy tự nhiên rủ thấp xuống để họ tùy ý lấy mặc. Các khanh đến đó rồi, cũng phải mặc y phục ấy.
Vua Đỉnh Sinh cai trị nhân dân Bắc Cu-lô châu đến hàng trăm nghìn năm, làm nhiều việc phúc thiện cho chúng sinh. Nhà vua có thần thông, uy đức đã hưởng phúc báo như thế trải qua hết sáu đời Đế Thích.
Bấy giờ, vua Đỉnh Sinh lại hỏi thần dạ-xoa Nhĩ-vũ-ca:
- Còn có xứ sở nào khác để ta cai trị không?
Nhĩ-vũ-ca đáp:
- Tâu thiên tử! Không còn xứ sở nào khác được ngài cai trị. Nhưng có cõi trời Ba Mươi Ba, chư thiên tại đó sống lâu, dung mạo xinh đẹp, hưởng nhiều hạnh phúc, sống an ổn lâu dài trong những tòa lầu gác cao rộng. Vui lắm! Thiên tử nên đến đó chiêm ngưỡng.
Vua Đỉnh Sinh liền nghĩ: “Ta đã cai trị châu Thiêm-bộ kia, có được bảy thứ báu, [395b] một nghìn người con trai và trời mưa tiền vàng. Sau đó, ta lại đến Đông Thắng Thân châu, Tây Ngưu Hóa châu. Hiện nay ta đang ở Bắc Cu-lô châu, lại nghe nói có cõi trời Ba Mươi Ba, chư thiên tại đó sống lâu, dung mạo xinh đẹp, hưởng nhiều hạnh phúc, sống an ổn lâu dài trong những tòa lầu gác cao rộng. vậy ta nên đến đó chiêm ngưỡng”.
Vừa nghĩ xong, nhà vua liền bay lên không trung, dẫn theo mười tám ức quân lính hùng mạnh, bảy thứ báu và một nghìn con trai. Khi đến bảy ngọn núi vàng phía ngoài núi Tu-di, nhà vua thấy trước tiên là núi Nễ-dân-đạt-la[10]. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hóa trải qua hết sáu đời Đế Thích.
Kế đó, vua Đỉnh Sinh đến núi Vĩ-na-tinh-kế[11]. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hóa trải qua hết sáu đời Đế Thích. Sau đó, nhà vua đến núi Mã Nhĩ[12]. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hóa trải qua hết sáu đời Đế Thích. Kế đó, nhà vua lại đến núi Thiện Kiến. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hóa trải qua hết sáu đời Đế Thích. Kế tiếp, nhà vua
đến núi Khư-nễ-la-ca[13]. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hoá trải qua hết sáu đời Đế Thích. Sau đó, nhà vua đến núi Trì Trục[14]. Núi này bằng vàng ròng, rất uy nghi, tráng lệ, đáng chiêm ngưỡng. Tứ Đại thiên vương và các thiên tử thường lui đến núi này. Nhà vua và đội quân hùng mạnh ở đó giáo hóa trải qua hết sáu đời Đế Thích. Chú thích:
[1] Phúc hạnh福行: một trong ba hạnh. Hạnh môn tu phúc của trời người, do giữ gìn ngũ giới và thập thiện mà cảm được phúc báo.
.
[2] Kiếp Hiền賢劫 (S: bhadrakalpa; Cg: kiếp Thiện, kiếp Hiện): kiếp Trụ hiện tại. Trong kiếp này, có một nghìn vị Phật ra đời, nên gọi là kiếp Hiền.
[3] Bông (nguyên văn: đâu-la-miên兜羅綿; Cg: đổ-la): loài hoa nào chất mềm nhẹ bay bốc ra được đều gọi là bông.
[4] Trượng phu 丈夫 (S: dvātriṃśan mahā-puruṣa-lakṣaṇāni): ba mươi hai tướng quí của Chuyển luân thánh vương và của Đức Phật.
[5] Quán đỉnh灌頂 (S: abhiṣecana, hoặc abhiṣeka): nghi thức rưới nước lên đỉnh đầu một người để biểu thị người ấy nay được thăng lên địa vị nào đó. Nguyên đây là một nghi thức lên ngôi vua hoặc lập thái tử của Ấn Độ cổ đại, vị quốc sư rưới nước bốn biển lên đầu thái tử để biểu thị sự chúc phúc.
[6] Chính pháp vương 正法王 (Cg: Chuyển luân thánh vương): người ở thế gian tu hạnh nghiệp cõi trời, thưởng phạt rõ ràng. Tất cả pháp của bậc thánh vương đều như vậy, nên gọi chính pháp vương.
[7] Luân vương 輪王 (Cg: Chuyển luân thánh vương).
[8] Bốn đại châu (tứ đại châu四大洲): theo thế giới quan của người Ấn Độ xưa, có bốn đại châu nằm giữa vùng biển trung gian giữa bảy ngọn núi vàng và núi Đại Thiết Vi ở xung quanh núi Tu-di. Bốn châu gồm có: châu Nam Thiệm-bộ (S: Jambu-dvīpa), châu Đông Thắng Thần (S: Pūrva-videha), châu Tây Ngưu Hoá (S: Apara-godānīya) và châu Bắc Cu-lô (S: Uttara-kuru).
[9] Cây y phục kiếp-ba (nguyên văn: kiếp-ba y thụ劫波衣樹): cây như ý. Trong Hỉ Lâm Viên của Đế Thích có loài cây kiếp-ba sinh ra các thứ vật cần dùng.
[10] Nễ-dân-đạt-la儞民達囉 (Cg: Ni-dân-đạt-la): tên một giống cá biển có mõm nhọn. Ngọn núi này có hình giống như con cá ấy, nên được gọi tên như thế.
[11] Vĩ-na-tinh-kế尾那惺計 (Cg: Tì-na-đát-ca): nghĩa là mũi voi. Ngọn núi này có hình giống mũi voi, nên có tên này.
[12] Mã Nhĩ馬耳 (Cg: Át-thấp-phược-yết-noa): nghĩa là tai ngựa. Ngọn núi này có hình như tai ngựa.
[13] Khư-nễ-la-ca佉禰囉迦 (Cg: Kiệt-địa-lạc-ca): tên của một loài cây quí ở Ấn Độ và Nam Trung Quốc. Núi này có hình giống cây ấy nên đặt tên như vậy.
[14] Trì Trục持軸 (S: Īṣādhara; Hd: Y-sa-đà-la): đỉnh cao chót vót của núi này giống như cái trục xe, nên đặt tên như thế.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.158.4 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.