Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 1: TU HÀNH
1. Nhân duyên Phật nói kinh
Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật ở trong điện Hoan Hỉ, tại vườn Phất-bà-la của bà Di-già-la, thuộc nước Xá-vệ[1].
Bấy giờ, bà Tì-xá-khư[2] cùng với một nghìn năm trăm ưu-bà-di[3] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên.
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Có việc gì mà từ sớm bà đã đến đây?
Tì-xá-khư bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Trước đây con đã nghe Như Lai lược nói về pháp vô thượng, thâm sâu, khó được nghe, tên là Ưu-bà-di tịnh hạnh. Cúi xin Thế Tôn thương tưởng chúng con nói rõ pháp tướng vi diệu của kinh này. Chúng con nghe kinh xong rồi, mãi mãi về sau được an ổn, khoái lạc ở trong cõi trời, cõi người, cho đến thành tựu bồ-đề[4].
Phật bảo bà Tì-xá-khư!
- Lành thay! Lành thay thiện nữ! Trong vô lượng kiếp trước, ngươi cùng với quyến thuộc từng ưa nghe pháp và muốn Như Lai giảng nói sâu rộng.
Tì-xá-khư nghe Phật nói về nhân duyên quá khứ, vui mừng bạch Phật:
- Thế Tôn! Nguyện xin Ngài nói rõ cho chúng con được hiểu.
2. Tiền thân của bà Tì-xá-khư
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Lắng nghe, lắng nghe! Như Lai sẽ vì ngươi mà lược nói. Thiện nữ! Trong kiếp quá khứ rất lâu xa, ở nước Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm Dữ, hoàng hậu tên là Bạc-đà-la. Vua có một người con gái tên là Liên Hoa, dung mạo đoan chính, bẩm tính ngoan hiền, thông minh, ưa học hỏi, chuyên cần can đảm, thường tu hạnh lành. Các nghề ở đời cô đều thông đạt. Công chúa được cha mẹ hết sức thương yêu.
Bấy giờ, trên Tuyết Sơn[5] có một Phạm chí tên là Na-la-đà tinh cần tu tập Phạm hạnh, đắc được ngũ thông[6], thường thuyết pháp cho mọi người, tiếng lành đồn xa, vang khắp bốn phương.
Một hôm, công chúa đến nhà bạn, nghe mọi người ngợi khen Phạm chí Na-la-đà có thần thông, công đức khó lường, lại thường vì đại chúng tuyên dương diệu pháp. Liên Hoa vui mừng nghĩ: “Người hiền khó gặp, pháp cũng khó nghe, thân mệnh lại khó giữ. Vì thế, ta nên mau đến chỗ ngài để lễ bái, hỏi pháp”. Thế là, cô trở về thưa với cha mẹ:
- Thưa cha mẹ! Con nghe mọi người khen ngợi Phạm chí Na-la-đà là vị tu hành, đạo đức cao vời, xin cha mẹ cho phép con đến chỗ vị Phạm chí này để nghe pháp.
Vua cha nói:
- Con tuổi còn nhỏ, sinh trưởng trong cung cấm, bản tính vốn nhu hòa, chưa từng đi ra ngoài. Tuyết Sơn cao xa, hiểm trở, gian nan, con làm sao có thể đến được? Nước chúng ta có nhiều Phạm chí, là bậc kì lão thần thông trí tuệ vô song, lại khéo tuyên thuyết diệu pháp. Cha sẽ mời họ vào cung giảng luận đạo pháp, cho con mặc tình tham hỏi, đâu cần phải đi!
Liên Hoa lại thưa:
- Các bậc kì lão Phạm chí ở nước Ba-la-nại, đều coi trọng và đề cao đạo thuật của mình, con chỉ xin phép cha mẹ cho con được nghe pháp yếu.
Vì rất mực thương yêu con gái nên vua chấp thuận.
Bấy giờ, vua lệnh cho bốn vị quan cùng thể nữ trong cung sắm sửa đầy đủ lễ vật cúng dường. Chuẩn bị xong, vị quan tâu: “Thưa Đại vương! Lễ vật đã sẵn sàng”.
Lúc ấy, công chúa tự nghĩ: “Ta muốn nghe pháp, nay đã đúng thời”. Thế rồi, công chúa cùng một nghìn năm trăm thể nữ, mang theo hương, hoa... đi đến chỗ Phạm chí Na-la-đà để nghe pháp.
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Công chúa lúc ấy chính là ngươi, Phạm chí ở Tuyết Sơn nay chính là Như Lai. Ngày xưa, ngươi từng cầu thỉnh Như Lai nói pháp, ngày nay cũng thế. Như Lai sẽ vì ngươi giảng rộng về pháp môn tịnh hạnh.
Tì-xá-khư bạch Phật:
- Lành thay Thế Tôn! Như Lai đại từ thương xót chúng sinh, nguyện xin giải nói cho chúng con tu hành.
3. Hạnh thanh tịnh của ưu-bà-di
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Hãy khéo lóng nghe! Nay Như Lai vì ngươi nói rõ pháp môn tịnh hạnh của ưu-bà-di. Pháp này được chư Phật hộ niệm[7], ngươi nên tinh tấn tu học:
1. Tì-xa-khư! Nếu người thiện nữ nào dứt bỏ các bạn ác, gần gũi những bạn lành, cúng dường bậc đáng cúng. Đó gọi là tịnh hạnh của ưu-bà-di.
2. Sinh vào quốc độ tốt, là nhờ sức chiêu cảm của nhân lành kiếp trước. Đó gọi là tịnh hạnh.
3. Thường cúng dường mẹ cha, nuôi dạy tốt con mình, lo phụng sự đất nước. Đó gọi là tịnh hạnh.
4. Không khinh thường lỗi nhỏ, những việc thiện cần làm, nên làm theo thứ lớp. Đó gọi là tịnh hạnh.
5. Thường vui ưa bố thí, thương mến các bạn bè. Đó gọi là tịnh hạnh.
6. Không uống các loại rượu, các việc ác chẳng làm, thường nói lời hòa nhã. Đó gọi là tịnh hạnh.
7. Biết được nhiều nghề hay, khéo học tập uy nghi, tìm hiểu những điều tốt, và khi đã nghe rồi thì không để quên mất. Đó gọi là tịnh hạnh.
8. Kính trọng bậc hiền đức, ít muốn và biết đủ, mang ân thường báo đáp. Đó gọi là tịnh hạnh.
9. Tâm không bị tám pháp[8] làm lay động đảo điên, dung mạo luôn vui hòa. Đó gọi là tịnh hạnh.
10. Đối với những pháp lành, không sinh tâm giải đãi, mau chứng đạo vô thượng, được giải thoát niết-bàn. Đó gọi là tịnh hạnh.
11. Nhẫn nhịn từng lời nói, gần gũi bậc sa-môn, thân tạo nghiệp chân chính, tiếng lành được vang xa. Đó gọi là tịnh hạnh.
12. Thường dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, đầy đủ các hạnh lành, dũng mãnh không lui sụt. Đó gọi là tịnh hạnh.
13. Không khinh chê người khác, cũng không đánh mắng người, khéo phòng hộ các căn, nhiếp tâm chẳng loạn động. Đó gọi là tịnh hạnh.
14. Tính ngay thẳng không tham, thích ở chỗ thanh vắng, chuyên cần lo tu tập, mãi mãi không lui sụt. Đó gọi là tịnh hạnh.
15. Đối với đạo bồ-đề, tinh tiến không lùi bước, thường chán ghét ba cõi giống như thấy thây chết. Quán sâu được như thế, đó gọi là tịnh hạnh.
16. Thích xả thân khó xả, khéo giữ giới khó giữ, vui tu tập thiền định, tâm không hề loạn động. Đó gọi là tịnh hạnh.
17. Đối với đạo bồ-đề, chúng sinh thường thoái thất, nhưng ta thường tinh tiến, mọi oai nghi đi đứng, cũng không hề lui sụt. Đó gọi là tịnh hạnh.
18. Chúng sinh không gìn giữ, thường thiêu hủy thiện căn, còn ta hằng tâm nguyện, mãi vun bón nhân lành. Điều chúng sinh trưởng dưỡng, ta đã diệt tận nguồn, sinh tử thật vô cùng, ta cũng đã đoạn tận. Đó gọi là tịnh hạnh.
4. Những hạnh phụ trợ
Tì-xá-khư nghe Phật nói về tịnh hạnh như thế, vui mừng vô cùng, được điều chưa từng có, liền bạch Phật:
Thưa Thế Tôn! Pháp môn ưu-bà-di lại có bao nhiêu hạnh?
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Có mười hạnh, ngươi nên tu học:
1. Vì thấy được lỗi xẻn tham nên vui lòng bố thí.
2. Vì thấy được lỗi của năm căn nên nguyện giữ giới cấm.
3. Vì thấy lỗi của người tại gia nên ham muốn xuất gia.
4. Vì thấy lỗi của sự nghi ngờ nên muốn tu trí tuệ.
5. Vì thấy lỗi của giải đãi nên thường tinh tấn.
6. Vì thấy lỗi của sân hận nên vui hành nhẫn nhục.
7. Vì thấy lỗi của vọng ngữ nên thích giữ trung tín.
8. Vì thấy lỗi của loạn tâm nên thường tu thiền định.
9. Vì thấy lỗi tội khổ nên vui thích từ bi.
10. Vì thấy lỗi khổ-vui nên thích hành tâm xả.
Bấy giờ, Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ:
Thường xả vật yêu quí
Bố thí được giàu sang
Xuất gia rời dục lạc
Trì giới gìn các căn.
Tu học được trí tuệ
Tinh tiến lìa biếng lười
Nhẫn nhục trừ sân hận
Lời thật chẳng dối gian.
Nếu gặp phải tám pháp
An trụ lòng lặng trong
Tâm thường vui thiền định
Không tạp loạn buông lung.
Hạnh từ bi lợi sinh
Hạnh xả lìa vui, khổ
Hạnh như thế thường hành
Là người đại dũng mãnh
Vượt qua được bến mê
Chứng thành đạo bồ-đề.
5. Pháp căn bản đầu tiên
Tì-xá-khư nghe Phật dạy, lòng rất vui mừng, bạch:
- Thế Tôn, ưu-bà-di ban đầu tu tập pháp môn tinh hạnh có bao nhiêu việc cần phải xa lìa? Lại có bao nhiêu pháp cần phải gần gũi?
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Có bốn mươi tám pháp[9] cần phải gần gũi tu học và cần phải xa lìa. Đó là:
1. Xa lìa tất cả pháp bất tịnh.
2. Gần gũi pháp thanh tịnh.
3. Xa lìa những pháp ác.
4. Gần gũi các pháp lành.
5. Không nuôi dưỡng pháp ác.
6. Xa lìa nhân bất thiện.
7. Chỗ cần đến liền đi đến.
8. Việc không đúng chẳng làm.
9. Việc đáng làm mới làm.
10. Vật bất chính không dùng.
11. Vật chính đáng mới dùng.
12. Khéo điều phục thân tâm.
13. Thường ưa nơi thanh vắng.
14. Xả bỏ gian dối.
15. Thực hành chính ngữ.
16. Chán bỏ sự giải đãi.
17. Vui thích tinh tấn.
18. Khéo nhiếp các căn, không để phóng túng.
19. Ý phải khiêm cung.
20. Bỏ thói cống cao.
21. Thường hành nhẫn nhục.
22. Không nên giận dữ.
23. Tự mình không tranh cải, kiện tụng.
24. Khéo hòa hợp chúng.
25. Bỏ thói thô lỗ.
26. Hành xử tế nhị.
27. Bỏ những lời vô nghĩa.
28. Nói những lời có ý nghĩa.
29. Quyết bỏ nghề bất chính.
30. Sống bằng nghề chân chính.
31. Ăn uống tiết độ.
32. Không nên tham nhiều.
33. Phải biết muốn ít.
34. Bỏ tính ngang ngạnh.
35. Điều tâm hiền hòa.
36. Nói lời từ ái.
37. Không nói lời thô lỗ.
38. Xả chốn bất an.
39. Trụ chỗ an lạc.
40. Bỏ qua sự bất đồng ý kiến.
41. Thường thống nhất ý kiến.
42. Bỏ thói quen không chịu học hỏi.
43. Tập tính thường học hỏi.
44. Thường nhàm chán ba cõi.
45. Bỏ tạo tác nghiệp.
46. Trụ chỗ không tạo nghiệp.
47. Xả ngã kiến.
48. Tu học pháp không[10].
Tì-xá-khư! Bốn mươi tám pháp ban đầu để tu tập tịnh hạnh là như thế, ngươi khéo thực hành.
Bấy giờ, Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Những điều đáng xa lìa
Trước sau đều dứt bỏ
Chẳng gần gũi pháp nào
Như thế được an lạc.
Hết thảy pháp đã học
Điều nguyện đều đầy đủ,
Xả mến tiếc thân mạng
Chứng đắc đạo vô thượng.
Với pháp môn tịnh hạnh
Nếu học được như thế
Chẳng phải chứng nhị thừa
Chẳng phải chứng bồ-tát
Ở trong vô lượng kiếp
Xưng tán công đức ấy.
6. Ba hạnh lớn
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư rất vui mừng, hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn! Pháp môn tịnh hạnh lại có bao nhiêu hạnh lớn?
Phật nói:
- Có ba hạnh lớn nên thực hành:
1. Đại tín tâm.
2. Đại tinh tiến.
3. Đại trí tuệ.
- Thế Tôn! Sao gọi là đại tín tâm?
Phật dạy:
- Đại tín tâm nghĩa là tin Phật là bậc Bà- già-bà[11], A-la-a[12], Tam-miệu Tam-Phật-đà[13], Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đó gọi là đại tín tâm.
- Sao gọi là đại tinh tiến?
- Thường siêng năng xả bỏ tất cả pháp ác, giữ gìn và dũng mãnh tinh tiến tu hành hết thảy pháp lành. Đó gọi là đại tinh tiến.
- Đại trí tuệ là thế nào?
- Người dùng mắt trí tuệ thấy được các pháp sinh diệt. Bậc thánh đã thấy rõ vô thường và dứt hết các khổ. Như thế gọi là đại trí tuệ.
Đó là ba hạnh lớn.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Với đại tín tâm
Tin sâu không bỏ
Các hạnh đầy đủ
Mà cầu bồ-đề.
Với đại tinh tiến
Kiên trì không bỏ
Tu tập trọn vẹn
Mà cầu bồ-đề.
Với đại trí tuệ
Thông suốt tận cùng
Đủ ba-la-mật[14]
Mà cầu bồ-đề.
Tín tâm đã tăng
Biết được Phật pháp
Ngày càng thâm sâu
Theo pháp tu tập
Nhờ hiểu pháp này
Thông suốt nhân pháp[15].
7. Bốn hạnh hướng đến quả Phật
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi Thế Tôn.
- Bạch Thế Tôn! Pháp môn tịnh hạnh của ưu-bà-di hướng đến quả Phật cần có bao nhiêu hạnh?
Phật bảo:
Tì-xá-khư! Có thêm bốn hạnh để đạt đến quả Phật. Đó là:
1. Tha thiết tinh tiến.
2. Trí tuệ sáng suốt.
3. Quyết tâm không thoái chuyển.
4. Hành từ lợi ích chúng sinh.
Tì-xá-khư! Từ bốn pháp này sẽ đưa đến quả Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Tha thiết thường tinh tiến
Trí tuệ không mê lầm
Quyết tâm không thoái chuyển
Hành từ lợi chúng sinh.
Nhân nơi bốn pháp này
Chứng quả Tát-bà-nhã[16].
8. Những pháp tu quán
Phật nói kệ rồi, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn! Chúng con phải tu tập những pháp nào để đắc quán[17]? Làm sao an trụ vào pháp ấy không bị phân tán? Ban đầu xứng hợp với pháp ấy cần có bao nhiêu việc?
Phật bảo Tì-xá-khư:
- An trú trong bốn pháp từ, bi, hỉ, xả để đắc quán. An trú trong đó thì không bị tán loạn. Nghĩa là đắc trí Thanh văn, trí Bích-chi, trí Tát-bà-nhã, trí Phật. Ban đầu để xứng hợp với pháp cần có ba mươi hai pháp quán:
1. Nhớ nghĩ đến Phật.
2. Nhớ nghĩ đến Pháp.
3. Nhớ nghĩ đến Tăng.
4. Nhớ nghĩ đến giới luật.
5. Nhớ nghĩ đến bố thí.
6. Nhớ nghĩ đến cõi trời.
7. A-na-niệm[18].
8. Bát-na-niệm[19].
9. Quán tưởng sự hoại diệt.
10. Quán tưởng về thân.
11. Quán tưởng tịch tĩnh.
12. Quán tưởng về đất.
13. Quán tưởng về nước.
14. Quán tưởng về lửa.
15. Quán tưởng về gió.
16. Quán tưởng về sắc xanh.
17. Quán tưởng về sắc vàng.
18. Quán tưởng về sắc đỏ.
19. Quán tưởng về sắc trắng.
20. Quán tưởng về hư không.
21. Quán tưởng về phạm vi của thức.
22. Quán tưởng về tướng trương sình của thi thể.
23. Quán tưởng tướng hôi dơ của thi thể.
24. Quán tướng máu mủ rò rĩ của thi thể.
25. Quán tướng trương xì của thi thể.
26. Quán tướng sự thối nát của thi thể.
27. Quán tưởng sự rả rời của thi thể.
28. Quán tưởng tướng xương, thịt ngang dọc lẫn lộn của thi thể.
29. Quán tướng thi thể chỉ còn lại xương ướt ẩm.
30. Quán tướng thi thể chỉ còn lại xương khô, sắc trắng.
31. Quán hết thảy đều không thường còn.
32. Quán tất cả các pháp đều vô ngã[20].
Đó gọi là ba mươi hai pháp quán với tứ vô lượng tâm. Đó cũng chính là pháp an trụ để đạt được trí Thanh văn, trí Bích-chi Phật, trí Tát-bà-nhã, trí Phật. Đó gọi là pháp nhiếp tâm không bị phân tán.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Nếu dùng hạ quán
Đắc trí Thanh văn
Khéo tu trung quán
Đắc trí Duyên giác
Trọn vẹn thượng quán
Đắc trí bồ-đề.
9. Đối tượng của pháp quán bất tịnh
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư vui mừng, lại hỏi Thế Tôn:
- Làm sao trụ tâm vào pháp quán bất tịnh để mau lìa phiền não, thông đạt sáu môn[21]?
Phật bảo bà Tì-xá-khư:
- Có ba mươi hai tướng để quán bất tịnh. Nếu tâm thường trụ vào đó thì mau lìa phiền não, chứng được sáu môn. Ba mươi hai tướng bất tịnh chính là: 1. Tóc, 2. Lông, 3. Móng, 4. Răng, 5. Da, 6. Thịt, 7. Gân, 8. Xương, 9. Mỡ đặc, 10. Mỡ lỏng, 11. Tủy, 12. Não, 13. Tim, 14. Thận, 15. Gan, 16. Mật, 17. Đại trường, 18. Tiểu trường, 19. Tì, 20. Phổi, 21. Bụng, 22. Dạ dày, 23. Máu, 24. Mủ, 25. Đàm, 26. Mồ hôi, 27. Nước mũi, 28. Nước bọt; 29. Ghèn, 30. Nước mắt, 31. Phân, 32. Nước tiểu.
Tì-xá-khư! Đó là quán ba mươi hai tướng bất tịnh, làm cho tâm vui trụ ở pháp môn tịnh hạnh, mau xa lìa phiền não, thông đạt sáu môn.
Bấy giờ Thế Tôn nói lại bằng kệ:
Giống như trăm dòng
Đổ về biển cả
Trong các pháp môn
Dòng quán cũng thế
Khéo quán thô, tế
Tịnh và bất tịnh
Pháp vô thượng trí
Phật đều thông đạt.
10. Bảy tâm chấp trước cần xả bỏ
Phật nói kệ rồi, Tì-xá-khư hết sức vui mừng lại hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Bồ-tát đối với pháp môn tịnh hạnh, có bao nhiêu chấp trước làm cho bị trói buộc ở thế gian, không thể giải thoát?
Phật dạy:
Tì-xá-khư! Các bồ-tát tu tập pháp môn tịnh hạnh có bảy tâm làm cho bị trói buộc ở thế gian. Đó là vị ấy nghĩ:
1. Nếu ta được độ, người chưa được độ nên ta muốn độ thoát họ.
2. Nếu ta được giải thoát, người chưa được giải thoát nên ta muốn làm cho họ được giải thoát.
3. Nếu ta đã giác ngộ, người chưa giác ngộ nên ta muốn giác ngộ họ.
4. Nếu ta đã được điều phục, người chưa được điều phục nên ta muốn điều phục họ.
5. Nếu ta đã được an lạc, người chưa được an lạc nên ta muốn làm cho họ được an lạc.
6. Nếu ta đã thành đạo, người chưa được thành đạo nên ta muốn dẫn dắt họ.
7. Nếu ta đã được niết-bàn, người chưa được niết-bàn nên ta muốn làm cho họ được vào niết-bàn.
Tì-xá-khư! Đó là bảy món tham trước của bồ-tát ở thế gian làm cho họ không được giải thoát.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Đã độ, độ chúng sinh
Đã thoát, dẫn chúng sinh
Đã giác, giác người khác
Tự điều, điều phục người
Tự an, an người khác,
Mình đi, dắt dìu người
Ta đã đắc Niết-bàn
Khiến người khác viên tịch
Ba cõi như nhà lửa
Tham dục như lưới, bùn.
Tất cả đều diệt đoạn
Chứng thành đạo Bồ-đề.
11. Ba hạnh trọn vẹn tất cả pháp môn
Thế Tôn nói kệ xong, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi thêm:
- Thế Tôn! Trong pháp môn tịnh hạnh cần tu bao nhiêu hạnh lành là trọn vẹn tất cả pháp môn?
Phật dạy:
- Tu ba hạnh lành sẽ trọn vẹn tất cả pháp môn:
1. Hạnh lành của thân.
2. Hạnh lành của miệng.
3. Hạnh lành của ý.
Ba hạnh lành này trọn vẹn làm cho tất cả hạnh đều trọn vẹn. Nghĩa là bố thí trọn vẹn, trì giới trọn vẹn, xuất gia trọn vẹn, trí tuệ trọn vẹn, tinh tiến trọn vẹn, nhẫn nhục trọn vẹn, chân thật trọn vẹn, thệ nguyện trọn vẹn, từ, bi, hỉ, xả trọn vẹn, tứ tư[22] trọn vẹn, tứ định[23] trọn vẹn, tứ thần túc[24] trọn vẹn, ngũ căn[25] trọn vẹn, ngũ lực[26] trọn vẹn, thất bồ-đề phần[27] trọn vẹn, bát chính đạo[28] trọn vẹn, cửu trí[29] trọn vẹn, thập lực[30] trọn vẹn, Tu-đà-hoàn đạo trí[31] trọn vẹn, Tu-đà-hoàn quả trí[32] trọn vẹn, Tư-đà-hàm đạo trí[33] trọn vẹn, Tư-đà-hàm quả trí[34] trọn vẹn, A-na-hàm đạo trí[35] trọn vẹn, A-na-hàm quả trí[36] trọn vẹn, A-la-hán đạo trí[37] trọn vẹn, A-la-hán quả trí[38] trọn vẹn, tứ trí:, pháp trí[39], vị tri trí[40], danh tự trí[41], tha tâm trí[42]trọn vẹn, tận trí[43] trọn vẹn, vô sinh trí[44] trọn vẹn, song thần lực[45] trọn vẹn, đại từ tam-muội trí trọn vẹn, nhất thiết trí[46] trọn vẹn, vô ngại trí[47] trọn vẹn.
Tì-xá khư! Đó gọi là tu ba hạnh lành trọn vẹn tất cả các pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Tu ba hạnh lành rồi
Hết thảy pháp trọn vẹn
Trọn vẹn hết thảy pháp
Chứng nên đạo bồ-đề.
12. Tám điều bậc đại nhân phải nhớ nghĩ
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư vui mừng, lại hỏi Thế Tôn:
Bạch ThếTôn! Pháp môn tịnh hạnh có bao nhiêu điều bậc đại nhân phải nhớ nghĩ?
Phật dạy:
- Có tám điều bậc đại nhân nhớ nghĩ:
1. Thiểu dục, chẳng nên không thiểu dục.
2. Tri túc, chẳng nên không tri túc.
3. Tịch tĩnh, chẳng nên không tịch tĩnh.
4. Xả li, chẳng nên không xả li.
5. Tinh tiến, chẳng nên không tinh tiến.
6. Thiền định, chẳng nên không thiền định.
7. Trí tuệ, chẳng nên không trí tuệ.
8. Vô ngại, chẳng nên không vô ngại.
- Tì-xá-khư! Đó gọi là tám điều bậc đại nhân thường nhớ nghĩ đến.
Bấy giờ Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Những ý niệm chẳng lành
Khéo giữ tâm định tĩnh
Nên bỏ các niệm ấy
Và sinh tâm chán lìa.
Những ý niệm chẳng lành
Khéo giữ tâm định tĩnh
Quán sâu các pháp tướng
Đắc thành đạo Vô thượng. Phẩm 2: TU HỌC
1. Pháp dành cho người mới học hạnh bồ-tát
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn! Người mới học hạnh bồ-tát, tu học pháp môn tịnh hạnh như thế nào để đắc bồ-đề?
Phật dạy:
- Người mới học hạnh bồ-tát có năm mươi điều cần tu học để chứng đắc đạo bồ-đề:
1. Thâm nhập vào pháp tính[48].
2. Tu học pháp tính không buông bỏ, không giảm sút.
3. Tu học pháp tính không sai lạc.
4. Tu học pháp tính không thoái thất.
5. Tu học tâm buông xả.
6. Tu học đa văn[49].
7. Tu học oai nghi.
8. Tu học hàng phục chúng ma.
9. Tu học tướng ánh sáng của Phật.
10. Tu học tướng tốt của Phật.
11. Tu học giới cấm.
12. Tu học tam-muội.
13. Tu học trí tuệ.
14. Tu học trí tuệ lớn.
15. Tu học hạnh lành.
16. Tu học hạnh lành lớn.
17. Tu học sắc tướng.
18. Tu học vô nhị ngữ[50].
19. Tu học như ý túc.
20. Tu học thượng như ý túc.
21. Tu học đại như ý túc.
22. Tu học diệu như ý túc.
23. Tu học ý hành[51].
24. Tu học dĩ ý hành.
25. Tu học đại ý hành.
26. Tu học hạnh lãnh đạo của Phật[52].
27. Tu học tự tại.
28. Tu học tướng tâm Phật.
29. Tu học tướng tâm viên mãn.
30. Tu học thần thông.
31. Tu học đại thần thông.
32. Tu học chân thật.
33. Tu học sự thống lãnh khiến chính pháp trụ lâu dài[53].
34. Tu học đến chỗ cùng cực.
35. Tu học cõi nước của Phật.
36. Tu học thọ mạng của Phật.
37. Tu học hạnh ngồi ở cội cây bồ-đề[54].
38. Tu học hạnh hoa sen[55].
39. Tu học Phật thuyết pháp.
40. Tu học pháp đại thừa[56].
41. Tu học hoằng dương Phật pháp[57].
42. Tu học thiện tri thức[58].
43. Tu học không bỏ chúng sinh.
44. Tu học các nghề đều hay khéo[59].
45. Tu học y phục kiếp ba thụ[60].
46. Tu học tòa sư tử[61].
47. Tu học nằm bên hông phải.
48. Tu học thực vị của Phật.
49. Tu học tì-chiên-đồ.
50. Tu học Như Lai thủy tướng.
Tì-xá-khư! Đó là năm mươi pháp cần học. Hàng sơ học bồ-tát phải tu học đi sâu vào những pháp ấy, không buông bỏ, không giảm sút, không đọa lạc, không lui sụt, ngươi phải nên biết!
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Đủ tất cả hạnh lành
Mà cầu pháp tịch tĩnh
Hào quang chiếu cõi Phật
Ban vui đến mọi loài
Dẫn đường cho chúng sinh
Vượt nạn khổ tam giới.
Tất cả pháp không cùng
Như Lai đến bờ kia.
2. Hào quang của Như Lai và nhân tu để thành tựu
Thế Tôn nói kệ xong, Tì-xá-khư lòng rất vui mừng, lại hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn! Như Lai có bao nhiêu hào quang? Người mới học hạnh bồ-tát tu như thế nào để được những vầng hào quang như thế?
Phật bảo Tì-xá-khư:
- Như Lai có sáu vầng hào quang:
1. Hào quang màu xanh.
2. Hào quang màu vàng.
3. Hào quang màu đỏ.
4. Hào quang màu trắng.
5. Hào quang màu hồng.
6. Hào quang màu sáng rực rỡ.
Tì-xá-khư! Đó gọi là sáu vầng hào quang của Như Lai.
Người mới học hạnh bồ-tát tu như thế nào để đạt được những vầng hào quang ấy?
Tì-xá-khư! Bồ-tát muốn được hào quang sắc xanh, thường dùng hoa màu xanh, hương xoa, hương bột màu xanh, gấm lụa xanh, châu báu xanh để cúng dường. Trong lúc nhập định cũng thường quán sắc xanh. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang màu xanh.
Bồ-tát tu như thế nào để được hào quang sắc vàng?
Tì-xá-khư! Vị bồ-tát ấy thường dùng hoa vàng, hương xoa, hương bột màu vàng, gấm lụa màu vàng, châu báu màu vàng để cúng dường. Trong lúc nhập định, bồ-tát thường quán sắc vàng. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang màu vàng.
Bồ-tát tu như thế nào để được hào quang màu đỏ?
Tì-xá-khư! Vị bồ-tát ấy thường dùng hoa màu đỏ, hương xoa, hương bột màu đỏ, gấm lụa màu đỏ, châu báu màu đỏ để cúng dường. Trong lúc nhập định, bồ-tát thường quán sắc đỏ. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang màu đỏ.
Bồ-tát tu như thế nào để được hào quang sắc trắng?
Tì-xá-khư! Vị bồ-tát ấy thường dùng hoa trắng, hương xoa, hương bột màu trắng, gấm lụa màu trắng, châu báu màu trắng để cúng dường. Trong lúc nhập định, bồ-tát thường quán sắc trắng. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang màu trắng.
Bồ-tát tu như thế nào để được hào quang sắc hồng?
Tì-xá-khư! Vị bồ-tát ấy thường dùng hoa màu hồng, hương xoa, hương bột màu hồng, gấm lụa màu hồng, châu báu màu hồng để cúng dường. Trong lúc nhập định, bồ-tát thường quán sắc hồng. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang màu hồng.
Bồ-tát tu như thế nào để được hào quang màu sáng rực rỡ?
Tì-xá-khư! Vị bồ-tát ấy thường dùng hoa màu sáng rực rỡ, hương xoa, hương bột màu sáng rực rỡ, gấm lụa màu sáng rực rỡ, châu báu màu sáng rực rỡ để cúng dường. Trong lúc nhập định, bồ-tát thường quán ánh sáng rực rỡ. Làm những việc như thế rồi, bồ-tát phát nguyện vào đời sau được hào quang sáng rực rỡ.
Tì-xá-khư! Như thế gọi là bồ-tát tu học sáu vầng hào quang của Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Phật quang có sáu vầng
Hào quang sắc vàng, xanh
Trắng, đỏ và màu hồng
Cùng vầng quang chói sáng.
Như có người trí tuệ
Thường siêng năng tu hành
Cầu hào quang vi diệu
Nên học rộng các hạnh.
Cúng dường đèn, hương, hoa
Dâng lên đấng Vô Thượng
Tu học đủ sáu hạnh
Điều nguyện được tựu thành.
3. Tướng đại nhân và pháp tu tập
Phật nói kệ xong, Tì-xá-khư hết sức vui mừng, lại hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn! Tướng của đại nhân thường có mấy loại? Người mới học hạnh bồ-tát làm sao có thể tu tập?
Phật đáp: Có ba mươi hai tướng của đại nhân, bồ-tát cần tu mười hai hạnh để thành tựu và khi tựu thành những tướng đại nhân ấy thì có hai con đường, không có thêm con đường nào khác. Hai con đường đó là:
1. Nếu người tại gia sẽ được làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn châu[62], hàng phục các nước, bảy báu thường theo quanh. Bảy báu đó là: kim luân, bạch tượng, bạch mã, ma ni, ngọc nữ, tàng thần, chủ binh. Lại có nghìn người con khỏe mạnh, dũng mãnh thường hàng phục các thế lực cừu oán và có thể hàng phục được cả vùng sâu dưới đáy biển bằng phép thuật, không cần đến binh khí.
2. Nếu người xuất gia sẽ thành Phật, bậc tối tôn trong thiên hạ, đủ ba mươi hai tướng đại nhân. Ba mươi hai tướng[63] ấy là gì? Đó là:
1. Thân sắc vàng.
2. Tướng vầng hào quang tròn rộng tám thước giống như vàng chảy.
3. Thân cân đối như Phạm thiên.
4. Bối quang như mặt trời.
5. Trên đảnh có nhục kế.
6. Tóc màu xanh biếc.
7. Thân tròn đầy như cây ni-câu-luật.
8. Tướng lông trắng giữa hai chặng mày mềm như bông của cây đâu-la.
9. Lông mi màu xanh biếc.
10. Lưỡi có thể che mặt.
11. Có tám thứ Phạm âm giống như tiếng ca-lăng-tần-già.
12. Miệng có bốn mươi chiếc răng.
13. Răng trắng, đều, khít.
14. Má như má sư tử.
15. Da mịn màng.
16. Da không bị dính bụi.
17. Mỗi một lỗ mọc một cọng lông.
18. Lông có màu xanh.
29. Lông mịn màng.
20. Lông xoay về phía phải.
21. Ngực giống như ngực sư tử.
22. Giữa ngực có chữ vạn.
23. Thịt ở bảy chỗ (lòng hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ) của Phật đều đầy đặn, mềm mại.
24. Giữa các ngón tay, chân đều có lớp màng mỏng.
25. Ngón tay thon dài.
26. Cổ tay mền dẻo.
27. Khi đứng tay dài quá đầu gối.
28. Tướng mã âm tàng.
29. Bắp vế giống như nai chúa.
30. Ruột xếp thứ tự sát đáy bụng.
31. Tướng bánh xe nghìn căm ở dưới chân.
32. Gót chân đầy đặn.
Đó là ba mươi hai tướng đại nhân.
4. Nói rõ nhân tu để thành tựu tướng tốt
4.1. Nhân tu của tướng tốt bàn chân
Tì-xá-khư! Thế nào là mười hai hạnh để thành tựu tướng đại nhân?
Ngày xưa, lúc Như Lai còn là phàm phu đã từng tu tập:
- Kiên cố giữ gìn pháp lành, không thay đổi.
- Thân làm việc thiện.
- Miệng nói lời thiện.
- Ý nghĩ điều thiện.
- Bố thí hết thảy cho chúng sinh.
- Kiên trì giữ gìn tất cả giới cấm.
- Giữ pháp bố-tát[64].
- Cúng dường cha mẹ.
- Cúng dường sa-môn.
- Cúng dường bà-la-môn.
- Cúng dường các bậc có đức lớn.
- Cung cấp cho lục thân quyến thuộc.
Tất cả các pháp lành đều đã tu tập tròn đầy, tích tụ rộng sâu trong nhiều kiếp sinh tử, cho đến khi làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ[65], như ý tự tại, thường thụ hưởng sự an lạc, thọ mạng và ngũ dục đầy đủ. Hưởng diệu lạc của cõi trời rồi, sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân, bàn chân phẳng bằng. Khi dậm xuống đất thì toàn bộ bàn chân khít với mặt đất. Khi nhấc chân lên thì bàn chân thăng bằng, mu chân đầy đặn giống như lưng rùa. Do nhờ những tướng này, nếu tại gia thì làm bậc Chuyển luân thánh vương, còn nếu xuất gia sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, dứt hẳn sinh tử, được niết-bàn thường lạc. Những oán kết bên trong cũng như bên ngoài, thiên ma, Phạm thiên, bà-la-môn, sa-môn... không thể phá hoại. Bậc như thế gọi là Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Điều hòa được các pháp
Giới cấm thường giữ gìn
Bố thí tâm bình đẳng
Quán sâu pháp vô thường.
Hết thảy những hạnh lành
Tâm kiên cố giữ gìn
Nhân tu tập như thế
Thường sinh lên cõi trời.
Thụ lạc cõi trời xong
Sinh vào chốn nhân gian
Hưởng được những phúc báo
Tướng bàn chân phẳng bằng
Khi đi đất tự nâng
Dấu chân in trọn vẹn
Dù tại gia, xuất gia
Đều có tướng như thế.
Dù Phạm thiên, ma vương
Sa-môn, bà-la-môn
Hết thảy các oan gia
Đều đã được giải trừ.
Nếu xuất gia học đạo
Đoạn tuyệt nguồn sinh tử
Các hạnh đã đủ đầy
Được thành đấng Vô Thượng.
4. 2. Nhân tu của tướng bánh xe nghìn căm ở bàn chân
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hành thế nào để được tướng bàn chân có bánh xe nghìn căm?
Tì-xá-khư! Như Lai lúc còn là phàm phu, thường bảo hộ chúng sinh, trừ sự sợ hãi, ban cho họ niềm vui vô úy, bố thí cho hết thảy chúng sinh. Tích chứa những hạnh lành như thế cao dày không thể tính kể, nên khi mạng chung liền sinh lên cõi trời hưởng sự vui sướng thù thắng. Như thế, xoay vần vô lượng vô biên kiếp, sinh xuống thế gian được tướng đại nhân dưới bàn chân có tướng bánh xe nghìn căm, hình bánh xe tròn đầy như kim luân. Người có tướng này, nếu tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ, có bảy báu đi theo, và thường được sa-môn, bà-la-môn, cư sĩ, đại thần, trưởng giả cùng bốn loại binh chủng bao quanh. Nếu xuất gia, sẽ làm Phật, được đại chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già… gần gũi, cung kính.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Ta đã từng nhiều đời
Lên xuống trong ba cõi
Diệt trừ nỗi sợ hãi
Làm an lạc chúng sinh.
Khéo hộ trì không ngừng
Nhờ vào công đức ấy
Thường sinh cõi trời, người
Đến Nhất sinh bổ xứ
Hiện tướng xe nghìn căm
Rực rỡ như kim luân.
Bởi nhân muôn hạnh lành
Được thành đấng Tối Tôn
Có đại chúng bao quanh
Hàng phục các ma oán
Dòng dõi sát-đế-lợi
Thành Chuyển luân thánh vương.
Như xuất gia học đạo
Đắc thành Vô Thượng tôn
Trời, người, a-tu-la
Cùng la-hầu-la-già…
Loài bốn chân, phi nhân
Đều cung kính cúng dường
Tiếng vang khắp mười phương
Ruộng phúc của chúng sinh.
4. 3. Nhân tu của ba tướng: bàn chân dài đẹp, ngón chân thon, thân hình cân đối
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu như thế nào để được ba tướng đại nhân: một là tướng bàn chân dài, hai là tướng ngón chân thon, ba là tướng thân hình cân đối, ngay thẳng như thân trời Phạm thiên?
Tì-xá-khư! Xưa Như Lai còn là phàm phu, không giết hại chúng sinh, bỏ cả tâm niệm giết hại, không dùng gậy gộc, không cất chứa vũ khí, thường sinh tâm hổ thẹn, tu tập hạnh từ bi. Như Lai tích chứa hạnh lành cao dày không thể nghĩ bàn, trải qua nhiều kiếp sinh tử như thế, cho đến khi được nhất sinh bổ xứ, hạ sinh vào nhân gian được ba tướng đại nhân này. Đây chính là tướng trường thọ. Nếu xuất gia thành Phật, thọ mạng dài lâu, tất cả trời, người, sa-môn, bà-la-môn... không thể xâm hại.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Chúng sinh sợ chết, sợ dao gậy
Lấy mình tự suy, chớ hại người
Thế nên, xa lìa những niệm ác
Nhân hạnh lành này sinh thiên giới
Thụ hưởng phúc báo sướng vô cùng
Mạng chung làm người được ba tướng.
Ngón chân thon mềm tựa chày vàng
Bàn chân như lưng rùa bằng phẳng
Vóc hình Phạm thiên thật hài hòa
Như núi Tu-di rực tỏa sáng.
Ba tướng tựu thành đấng Thế Tôn
Là tướng trường thọ của Như Lai.
4. 4. Nhân tu của tướng bảy chỗ đầy đặn
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu hành như thế nào để được tướng bảy chỗ đều đầy đặn?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, Như Lai lúc còn là phàm phu, ở trong vô lượng kiếp thường làm thí chủ, siêng tu hạnh bố thí. Bố thí các thứ thức ăn, nước uống, hương hoa, quả ngọt thơm ngon. Hạnh ấy tích tụ cao dày không thể tính kể, cho đến khi làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ thụ hưởng sự vui sướng của cõi trời. Sau đó, bồ-tát sinh xuống nhân gian được bảy chỗ: hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, hai vai và cổ đều tròn đầy. Nhân tướng này, nếu tại gia thì làm bậc Chuyển luân thánh vương, có đầy đủ thượng vị của thế gian; nếu xuất gia thành Phật, thụ dụng những món thượng vị của cõi trời, cõi người.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Bố thí thức ăn ngon tột cùng
Xưa làm thí chủ tu nhân ấy
Do nhờ hạnh lành không thể lường
Tại vườn Nan-đà hưởng vui sướng.
Phúc báo hạ sinh xuống nhân gian
Được tướng đại nhân bảy chỗ đầy
Tay chân mềm mại chẳng thể sánh
Cũng nhờ tướng này được vị ngon.
Tại gia, xuất gia đều như thế.
Phiền não ba cõi Phật đã đoạn
Thế nên thành tựu đấng Vô Thượng.
4. 5. Nhân tu của tướng bàn tay và bàn chân mềm dịu
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu như thế nào để được tướng bàn tay, bàn chân mềm dịu và ở giữa mỗi ngón có màng da?
Tì-xá-khư! Ngày xưa còn là phàm phu, Như Lai thường dùng tứ nhiếp để nhiếp phục chúng sinh, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Bố thí không trái với sự mong muốn của chúng sinh. Hạnh lành ấy, tích tụ sâu dày cho đến khi làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Sau khi thụ hưởng sự vui sướng của cõi trời, bồ-tát hạ sinh xuống nhân gian được hai tướng đại nhân như thế. Nhân tướng này, nếu tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương, cai trị cả bốn châu thiên hạ. Nếu xuất gia thành đấng Pháp Vương, khéo điều phục vô lượng chúng sinh như tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân…
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Tu bố thí, ái ngữ
Lợi hành, cùng đồng sự
Thường dùng tứ nhiếp pháp
Nhiếp phục mọi chúng sinh.
Do bởi hạnh lành này
Thường sinh vào cõi trời
Sau sinh xuống nhân gian
Được hai tướng đại nhân
Tay chân đều mềm mại
Giữa mỗi ngón có màng
Sắc da rất mầu nhiệm
Ngoài vàng, trong sắc hồng.
Chính nhờ hai tướng này
Tại gia làm thánh vương
Nếu dùng pháp hóa độ
Tất cả đều nghe theo
Kiên trì không phạm giới
Đồng khen bậc thánh vương
Ban ân không gì sánh
Lòng từ nhuần bốn phương.
Nếu xả bỏ năm dục
Xuất gia thành quả Phật
Vì chúng sinh thuyết pháp
Người người kính vâng theo.
4. 6. Nhân tu của tướng bắp vế giống nai chúa và lông trắng xoay về phía phải
Lại nữa, Tì-xá-khư! Như Lai tu hạnh gì để được tướng bắp vế giống như nai chúa và tướng lông ở trên mình đều xoay về phía phải?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, lúc Như Lai còn là phàm phu, thường dùng pháp lành để làm lợi ích chúng sinh, thường bố thí chính pháp cho chúng sinh, ban đầu và sau cuối chưa từng nói lời vô nghĩa, với hạnh như thế, tăng trưởng sâu dày cho đến lúc làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ. Khi sinh xuống nhân gian bồ-tát được hai tướng của đại nhân: một là tướng bắp vế giống như nai chúa, mắt cá không hiện. Hai là tướng đầu lông đều xoay về phía phải. Nhân tướng này, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, bậc cao tột hơn hẳn trời người, vui sướng trong ngũ dục, có bảy báu và nghìn thiên tử thường theo hầu cận. Nếu bỏ nhà lên núi học đạo thì thành Phật, đấng Tối Tôn trong trời, người, hết thảy chúng sinh đều cung kính tôn trọng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Thường dùng pháp lành
Làm lợi chúng sinh
Thường dùng lời lành
Dìu dắt chúng sinh
Thường dùng lòng từ
Nâng đỡ chúng sinh.
Vui mừng an lạc
Thường bố thí pháp
Không chút ghét ganh
Tích chứa hạnh này
Sâu dày vô lượng
Sinh xuống nhân gian
Được tướng đại nhân
Bắp chân nai chúa
Mắt cá không hiện
Và tướng đầu lông
Quay về phía phải
Nếu là tại gia
Làm Chuyển luân vương
Cai quản bốn cõi.
Như là xuất gia
Thành tựu quả Phật
Ở trong trời người
Là bậc tối tôn.
4. 7. Nhân tu của tướng ruột như ruột nai
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu như thế nào để được tướng ruột như ruột nai?
Tì-xá-khư! Như Lai ở trong vô lượng kiếp, khi còn là phàm phu, thường khéo dạy người tất cả sách vở, oai nghi, nghề nghiệp, y thuật, chú thuật... lại dạy cho họ giữ gìn giới cấm, hết thảy đều dạy đầy đủ. Lúc ấy, Như Lai thường suy nghĩ: “Làm sao để mọi người khéo hiểu ý nghĩa, thông suốt nhanh chóng?”. Thế rồi, Như Lai dạy cho họ không hề sinh tâm mệt mỏi và chán xa. Với hạnh lành này, chuyên cần tích tụ cao dày cho đến lúc làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ, thường hưởng sự vui sướng ở cõi trời. Sau đó, sinh xuống nhân gian, được tướng đại nhân, ruột như ruột nai. Nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, cai trị cả bốn châu thiên hạ, tùy theo ý muốn tất cả đều đầy đủ. Nếu xuất gia thành Phật, được hết thảy trời người tôn kính cúng dường.
Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Tất cả những kinh điển
Nghề nghiệp cùng chú thuật
Y lí ... đều dạy người
Lại thường hay tự nghĩ
Sao khiến người mau thông?
Cứ xoay vần như thế
Dạy dỗ không mệt mỏi
Với những hạnh lành này
Tích tập nhiều vô lượng
Đến bổ xứ hạ sinh
Cảm tướng tốt đại nhân
Ruột giống như ruột nai
Ngón tay tròn, thon dài
Da mỏng mịn mềm mại
Lông xoay về bên phải.
Bởi tướng đại nhân này
Bậc tôn quí trong đời
Tại gia thành thánh nhân
Ước muốn đạt dễ dàng.
Xuất gia đắc quả Phật
Tất cả sự cúng dường
Theo ý niệm đầy đủ.
4. 8. Nhân tu của tướng da mịn không dính bụi
Lại nữa, Tì-xá-khư! Tu như thế nào để được tướng da mịn màng không bị bụi bám?
Tì-xá-khư! Ngày xưa, lúc Như Lai còn ở địa vị phàm phu, hoặc có sa-môn, bà-la-môn, sát-đế-lợi hay cư sĩ đến hỏi: “Đại đức! Sao gọi là làm thiện? Sao gọi là làm ác? Làm sao gần gũi điều thiện? Làm sao xa lìa việc ác? Làm gì để được an lạc? Và làm gì phải chịu đau khổ?”. Như Lai vì mọi người mà giải nói: pháp này nên làm, pháp kia không nên làm, pháp này đưa đến an lạc, pháp kia đưa đến khổ đau. Với hạnh như thế tích tụ vô lượng, cho đến lúc làm bồ-tát nhất sinh bổ xứ, thụ hưởng phúc báo của cõi trời. Sau đó, hạ sinh xuống nhân gian được tướng đại nhân, da mịn màng, không bị bụi, nước làm bẩn. Giống như hoa sen, tuy ở trong nước nhưng không bị nước làm bẩn, thân tướng của Như Lai cũng lại như thế. Nhân tướng ấy, nếu tại gia thì làm Chuyển luân thánh vương, thông minh trí tuệ, hàng sa-môn, bà-la-môn, sát-đế-lợi, cư sĩ ở thế gian không thể sánh bằng. Nếu xuất gia học đạo, đắc thành quả Phật, trí tuệ rộng lớn không ai sánh bằng. Trời, người, ma vương, Phạm thiên, sa-môn, bà-la-môn, những người có trí tuệ không ai bằng Như Lai.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Phật lúc còn phàm phu
Trải nhiều kiếp tu hành
Nếu có người đến hỏi
Vui dạy họ hiểu thông.
Ta thường làm tu sĩ
Khéo phân biệt nghĩa từ
Thực hành hạnh như thế
Nên ở trong trời, người
Thường được trí tuệ lớn.
Khi sinh xuống nhân gian
Được tướng da mịn màng
Nhân nơi tướng tốt này
Thành tựu đại trí tuệ
Dòng dõi sát-đế-lợi
Tại gia làm Thánh vương.
Nếu chẳng thích thế tục
Xuất gia chứng Bồ-đề
Bậc Nhất thiết chủng trí
Trong cõi trời, loài người
Không ai sánh bằng Phật. Chú thích:
[1] Nước Xá-Vệ (Xá-vệ quốc, 舍衛國, S. Śrāvastī): tên một nước thuộc Trung Ấn vào thời cổ đại.
[2] Tì-xá-khư 毘舍佉 (S. Viśākhā, Cg: Lộc tử mẫu 鹿子母; S: Mṛgāra-mātṛ): vị ưu-bà-di đắc Sơ quả, sống vào thời Đức Phật còn tại thế, là con gái của một trưởng giả nước Ương-già. Đối trước Phật, bà đã phát nguyện:
- Cúng dường thức ăn cho tì-kheo từ xa đến.
- Cúng dường thức ăn cho những tì-kheo đi xa.
- Cúng dường thức ăn cho những tì-kheo đang bệnh.
- Cúng dường thuốc men và những vật dụng khác cho những tì-kheo đang bệnh.
- Cúng dường thức ăn cho người nuôi bệnh.
- Cúng dường cháo cho tì-kheo.
- Cúng dường áo mưa.
- Cúng dường áo tắm.
Ngoài ra, bà còn cúng dường tài vật để xây dựng giảng đường Đông Viên Lộc Mẫu.
[3] Ưu-bà-di 優婆夷 (S: Upāsik): người nữ có đầy đủ tâm thanh tịnh, thụ ba qui y và giữ gìn năm giới.
[4] Bồ-đề 菩提 (S: bodhi): trí tuệ dứt hẳn phiền não, thành tựu Niết-bàn, chỉ cho chứng đắc Phật quả.
[5] Tuyết sơn雪山 (S: Himālaya): dãy núi cao nằm phía Tây-Bắc Ấn Độ, là nơi mang nhiều truyền thuyết huyền bí của xứ này.
[6] Ngũ thông 五通 (S: pañcābhijñā): năng lực siêu việt đạt được do tu tập bốn tĩnh lự căn bản. Gồm có:
1. Thần cảnh trí chứng thông (thần túc thông): có thể tự tại đi đến bất cứ nơi nào.
2. Thiên nhãn trí chứng thông (thiên nhãn thông): có thể thấy những gì mà mắt thường không thể thấy được.
3. Thiên nhĩ trí chứng thông (Thiên nhĩ thông): có thể nghe được âm thanh mà người thường không thể nghe.
4. Tha tâm trí chứng thông (Tha tâm thông): có thể thấu rõ ý nghĩ trong tâm người khác.
5. Túc trụ ý niệm trí chứng thông (thần túc thông): có thể biết rõ việc quá khứ.
[7]Hộ niệm 護念: hộ là làm cho điều ác bên ngoài không thể xâm nhập, niệm là làm cho điều thiện bên trong sinh khởi.
[8] Tám pháp: 1-Lợi (lợi lộc), 2-Suy (hao tổn), 3-Hủy (chê bai chỉ trích), 4-Dự (gián tiếp khen ngợi người), 5-Xưng (trực tiếp ca tụng người), 6-Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người), 7-Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não), 8-Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).
[9] Nguyên văn là 58 pháp, nhưng xét theo văn bản không chia ra được 58 pháp mà chỉ có 48 pháp mới hợp lí và chính xác. Người dịch cho rằng có sự nhầm lẫn nên mạo muội điều chỉnh từ 58 pháp thành 48 pháp.
[10] Pháp không (Hâ: không pháp 空法): ý nói tu tập để thể nhập thấy được bản chất của các pháp là tự tính vốn không.
[11] Bà-già-bà 婆伽婆 (S:bhagavat): bậc có công đức lớn được trời, người tôn kính, là từ tôn xưng Đức Phật.
[12] A-la-a 阿羅呵: A-la-hán.
[13]Tam-miệu Tam-Phật-đà 三藐三佛陀: (S: samyak- saṃbuddha, Hd: Chính Biến Tri): một trong mười hiệu của Như Lai.
[14] Ba-la-mật 波羅蜜: (S: pāramitā): vượt bờ sinh tử bên này đi đến bờ giải thoát bên kia. Ở đây chỉ cho các hạnh rốt ráo của bồ-tát đưa đến quả Phật.
[15] Nhân pháp: 人法: tất cả hữu tình gọi là nhân; tất cả vô tình gọi là pháp. Nhân pháp ý chỉ cho hết thảy các pháp .
[16] Tát-bà-nhã薩婆若 (S: Sarvajña, Hd: Nhất thiết trí): ý chỉ cho quả Phật.
[17] Đắc quán 得觀: thành tựu trong một phép quán nào đó thì được gọi là đắc quán. Chẳng hạn như nói thành tựu pháp quán bất tịnh, có nghĩa là từ sự quán chiếu bất tịnh, người ấy xa lìa tâm ái dục. Thành quả đó chính là hoa trái của trí tuệ, vì thế “đắc quán” với nghĩa chung là chỉ cho đạt được trí tuệ.
[18] An-na niệm 阿那念 (S: Ānā): ghi nhớ hơi thở ra.
[19] Bát-na niệm般那念 (S: pāna): ghi nhớ hơi thở vào. An-na-bát-na được gọi chung là quán sổ tức.
[20] Vô ngã 無我 (S:anātman): tất cả các pháp không có thật thể, do nhân duyên hòa hợp mà hình thành.
[21] Sáu môn (Hâ: Lục môn 六門): nói về sáu môn có nhiều thuyết. Theo Đại thừa nghĩa chương, sáu môn gồm có: Phật tính nghĩa, giả danh nghĩa, nhập bất nhị môn nghĩa, nhị đế nghĩa, nhị vô ngã nghĩa, như pháp tính thật tế nghĩa. Nhưng ở đây có lẽ chỉ cho sáu món thần thông.
[22] Tứ tư 四思: tứ niệm xứ. Quán chiếu bốn đối tượng: thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, thụ thì khổ.
[23] Tứ định 四定: tứ chính cần. Tinh cần trên bốn phương diện: 1. Dứt trừ điều ác đã sinh; 2. Điều ác chưa sinh khiến không sinh; 3. Điều lành chưa sinh làm cho phát sinh; 4. Điều lành đã sinh làm cho tăng trưởng.
[24] Tứ thần túc 四神足 (S: catvāra ṛddhi-pādāḥ): do sức của bốn pháp như mong cầu, tâm niệm, tinh tiến, quán chiếu mà dẫn phát, hiện khởi các món thần dụng của định: 1.Thiền định phát khởi do sức ý dục muốn đạt đến thần thông. 2. Thiền định phát khởi do sức tâm niệm. 3. Thiền định phát khởi do sức đoạn ác hành thiện. 3. Thiền định phát khởi do sức suy tư về Phật lí.
[25] Ngũ căn 五根 (S: pañcendriyāṇi): năm món căn bản phát sinh lực dụng hàng phục phiền não, đưa đến chứng đắc thánh đạo, gồm: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
[26] Ngũ lực 五力 (S: pañca balāni): năm khả năng hàng phục phiền não, đưa đến thánh đạo, xuất phát từ năm căn trên.
[27]Thất bồ-đề phần七菩提分(Cg: Thất giác ý, S: Saptabodhyaṅgāni): bảy pháp có khả năng giúp khai mở, phát triển trí tuệ giác ngộ. Đó là: 1. Trạch pháp giác phần; 2. Tinh tấn giác phần; 3. Hỉ giác phần; 4. Trừ giác phần; 5. Xả giác phần; 6. Định giác phần; 7. Niệm giác phần.
[28] Bát chính đạo 八正道 (S: Āryāṣṭāṅgika-mārga): tám con đường chân chính đưa đến Niết-bàn giải thoát. Đó là: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định.
[29] Cửu trí 九智: chín món trí bao gồm cả trí hữu lậu và vô lậu: Thế tục trí, pháp trí, loại trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tha tâm trí, vô sinh trí.
[30] Thập lực 十力 (S: Daśa balāni): mười thứ trí lực của Phật:
1. Xứ phi xứ trí lực: Như Lai biết một cách chắc thật đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo thiện nghiệp thì biết nhất định được quả báo vui. 2. Nghiệp dị thục trí lực: Như Lai biết rõ nghiệp duyên quả báo sinh xứ trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại của tất cả chúng sinh. 3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực: định lực Như Lai tự tại vô ngại đối với các thiền định, biết khắp và đúng như thật thứ tự sâu cạn. 4. Thượng căn hạ trí lực: Như Lai biết đúng như thật các căn tính thắng liệt, đức quả đại tiểu của chúng sinh. 5. Chủng chủng thắng giải trí lực: Như Lai đều biết đúng như thật tất cả các thứ dục lạc, thiện ác khác nhau của các chúng sinh. 6. Chủng chủng giới trí lực: Như Lai biết khắp và đúng như thật về các giới phần khác nhau của chúng sinh ở thế gian. 7. Biến thú hành trí lực: Như Lai biết khắp và đúng như thật về nơi đến của hạnh hữu lậu là lục đạo, nơi đến của hạnh vô lậu là niết-bàn. 8. Túc trụ tùy niệm trí lực: Như Lai biết khắp và đúng như thật đối với các túc mạng, một đời cho đến trăm nghìn muôn đời, một kiếp cho đến trăm nghìn muôn kiếp, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tên tuổi uống ăn, khổ vui, thọ mạng. 9. Sinh tử trí lực: Như Lai dùng thiên nhãn biết đúng như thật về thời gian sinh tử của chúng sinh và cõi thiện, cõi ác ở đời vị lai, cho đến các nghiệp duyên thiện ác như đẹp xấu, giàu nghèo… 10. Lậu tận trí lực: Như Lai đã đoạn hẳn các tập khí tàn dư, vĩnh viễn không còn sinh khởi, biết khắp và đúng như thật.
[31] Tu-đà-hoàn đạo trí 須陀洹道智 (Cg: Tu-đà-hoàn hướng): Tu-đà-hoàn phân thành hai vị nhân và quả. Từ nhập kiến đạo sơ tâm đến đệ thập ngũ tâm là nhân thú hướng đến quả Tu-đà-hoàn, gọi là Tu-đà-hoàn hướng.
[32] Tu-đà-hoàn quả trí 須陀洹果智(Cg: Tu-đà-hoàn quả): mãn phần kiến đạo, vào đệ thập lục tâm được gọi là Tu-đà-hoàn quả.
[33] Tư-đà-hàm đạo trí 斯陀含道智 (Cg: Tư-đà-hàm hướng): thánh giả Tu-đà-hoàn tiếp tục tu tập đoạn trừ nhất phẩm đến ngũ phẩm tu hoặc ở cõi dục, gọi là Tư-đà-hoàn hướng.
[34] Tư-đà-hàm quả trí 斯陀含果智 (Cg: Tư-đà-hàm): tiếp tục đoạn trừ tu hoặc đệ lục phẩm của dục giới, gọi là Tư-đà-hoàn quả.
[35] A-na-hàm đạo trí 阿那含道智 (Cg: A-na-hàm hướng): đoạn được bảy phẩm hoặc tám phẩm tu hoặc của dục giới, gọi là A-na-hàm hướng.
[36] A-na-hàm quả trí 阿那含果智 (Gg: A-na-hàm quả): đoạn tận cửu phẩm tu hoặc của dục giới, gọi là A-na-hàm quả.
[37] A-la-hán đạo trí阿羅漢道智 (Cg: A-la-hán hướng): chỉ giai đoạn tu tập hướng đến quả vị A-la-hán.
[38] A-la-hán quả trí 阿羅漢果智(Cg: A-la-hán quả): chỉ bậc thánh giả đã đoạn tận phiền não, dứt luân hồi sinh tử, xứng đáng nhận sự cúng dường của trời người.
[39] Pháp trí 法智(dharma-jñāna): trí nhờ duyên vào lí tứ đế mà đoạn được phiền não của cõi dục.
[40] Vị tri trí 未知智 (Cg: Đạo loại trí, S: mārga-anvaya-jñāna): trí vô lậu sinh khởi nhờ quán đạo đế của cõi sắc và vô sắc.
[41] Danh tự trí 名字智: pháp giới thứ đệ nói: “Trí tuệ hữu lậu ở thế gian cũng gọi là đẳng trí. Thánh nhân phàm phu đều có trí này nên gọi là đẳng trí, cũng gọi là danh tự trí”.
[42] Tha tâm trí 他心智 (S: Para-citta-jñāna, Cg: tâm sai biệt trí): trí tuệ biết được tâm niệm của người khác.
[43] Tận trí 盡智 (S: Kṣaya-jñāna): trí tuệ sinh khởi ở địa vị vô lậu, nghĩa là đã trừ sạch hết thảy phiền não.
[44] Vô sinh trí 無生智 (S: Anutpādajñāna): trí tuệ thể nhận được các pháp đều là vô sinh.
[45] Song thần lực 雙神力: thuật ngữ này không có ở văn bản khác trong đại tạng. Căn cứ vào tính nhất quán của từ ngữ thì có lẽ chỉ cho nhị trí, đó là Như Lí trí và Như Lượng trí.
[46] Nhất thiết trí 一切智(S: Sarvajña): trí rõ biết hết thảy các pháp tướng bên ngoài cũng như bên trong.
[47] Vô ngại trí 無礙智: trí tuệ của Phật thông đạt tự tại đối với tất cả các pháp.
[48] Pháp tính 法性 (S: Dharmatā): chỉ cho thật tính của vạn pháp, nghĩa là bản tính chân thật bất biến của mọi hiện tượng trong vũ trụ.
[49] Đa văn多聞 (S: Bahu-śruta): nghe hiểu sâu rộng về giáo pháp.
[50] Vô nhị ngữ 無二語: không nói hai lời.
[51] Ý hành 意行: Tập dị môn luận quyển 3 trang 16 nói: “ý hành là gì? Đáp: Ý cũng gọi là ý hành; ý nghiệp cũng gọi là ý hành; tưởng tư cũng gọi là ý hành. Nghĩa là sự vận hành của ý chính là tưởng, tư. Tưởng và tư chính là tâm sở, chúng nương tựa vào tâm, lệ thuộc vào tâm, nương tâm mà vận hành, giúp đỡ cho tâm. Thế nên gọi tưởng tư là ý hành ”.
[52] Nguyên văn: Tu học Phật sở vương lãnh 修學佛所王領.
[53] Nguyên văn: tu học vương lãnh chánh pháp linh đắc cửu trụ 修學王領正法令得久住.
[54] Nguyên văn: Tu học bồ-đề thụ 修學菩提樹.
[55] Nguyên văn: Tu học liên hoa 修學蓮華.
[56] Nguyên văn: Tu học đại pháp luân修學大法輪
[57] Nguyên văn: Tu học chuyển pháp luân 修學轉法輪
[58] Thiện tri thức 善知識 (S: Kalyāṇamitra): người chân chính đức hạnh, có khả năng dẫn dắt người khác đi theo con đường giải thoát.
[59] Nguyên văn: tu học thủ viên mãn 修學手圓滿.
[60] Kiếp-ba thụ 劫波樹 (S: Kalpataru): tên cây ở vườn Hỉ Lâm của trời Đế-thích, có khả năng cung cấp mọi nhu cầu theo ý muốn nên được dịch là cây như ý.
[61] Tòa sư tử (sư tử tòa 師子座, S: Siṃhāsana): chỉ cho chỗ ngồi của Đức Phật.
[62] Bốn châu (tứ châu四州, S: Catvāro dvīpāḥ): Đông thắng thân châu, Nam thiệm bộ châu, Tây ngưu hóa châu, Bắc câu lư châu. Đây chính là quan niệm về thế giới của người Ấn Độ xưa.
[63] Ba mươi hai tướng (tam thập nhị tướng 三十二相, S: Dvātriṃśan mahā-puruṣa-lakṣaṇāni): ở các bản kinh không thống nhất về cụ thể các tướng. Xét thấy ba mươi hai tướng ở Phật Quang đại từ điển rõ ràng hợp lí nên người dịch đưa vào để tiện tham khảo:
1. Túc hạ an bình lập tướng 足下安平立, S: Su-pratiṣṭhita-pāda: tướng lòng bàn chân bằng phẳng mềm mại, tiếp xúc vừa khít mặt đất.
2. Thủ túc luân tướng 手足輪相, S: Cakrāṅkita-hasta-pāda-tala: tướng bánh xe báu nghìn căm, được tạo bằng những vân thịt hiện dưới lòng bàn chân.
3. Tiêm trường chỉ tướng 纖長指相, S: Dīrghāṅguli: tướng ngón tay, ngón chân đều thon dài, ngay thẳng.
4. Túc căn quảng bình tướng足跟廣平相, S: Ayata-pāda-pārṣṇi: gót chân tròn đầy, rộng bằng.
5. Thủ túc chỉ man võng tướng 手足指縵, S: Jālāvanaddha-hasta-pāda: giữa các ngón tay và các ngón chân đều có màng nối liền nhau, giống như nhạn chúa hễ xòe các ngón chân thì hiện.
6. Thủ túc nhu nhuyến tướng 手足柔軟相, S: Mṛdu-taruṇa-hasta-pāda-tala: tướng tay chân rất mềm mại.
7. Túc phu cao mãn tướng足趺高滿相, S: Ucchaṅkha-pāda: tướng mu bàn chân cao, tròn đầy.
8. Lộc vương thuyên tướng 鹿王腨相, S: Aiṇeya-jaṅgha: xương đùi tròn nhỏ như nai chúa.
9. Bình trụ thủ quá tất tướng 平住手過膝相, S: Sthitānavanata-pralamba-bāhutā: khi đứng thẳng, hai tay duỗi xuống dài quá gối.
10. Âm mã tàng tướng 陰馬藏相, S: Kośopagata-vasti-guhya: tướng nam căn ẩn kín trong bụng, không lộ ra ngoài, giống như dương căn của ngựa, voi.
11. Thân quảng trường đẳng tướng身廣長等相, S: Nyagrodha-parimaṇḍala: chỉ cho thân Phật cao rộng cân đối, thể hình đẹp một cách hoàn hảo, giống như cây Ni-câu-luật.
12. Mao thượng hướng tướng 毛上向相, S: Urdhvaṃ-ga-roma: tất cả lông tóc của Phật từ đầu đến chân đều xoay về bên hữu và có màu xanh, mềm mại, bóng mướt.
13. Nhất nhất mao tướng 一一毛相, S: Ekaika-roma-pradakṣiṇāvarta: mỗi lỗ chân lông có một cọng lông màu lưu li xanh, mỗi lỗ chân lông đều tỏa ra mùi thơm vi diệu.
14. Kim sắc tướng 金色相, S: Suvarṇa-varṇa: thân và tay chân Phật đều màu vàng ròng, như đài vàng vi diệu được trang nghiêm bằng các thứ báu.
15. Thân quang diện các nhất trượng tướng 身光面各一丈相: ánh sáng xung quanh thân Phật nhậm vận chiếu khắp ba nghìn thế giới, bốn phía mỗi phía đều chiếu xa một trượng.
16. Tế bạc bì tướng 細薄皮相, S: Sūkṣma-suvarṇa-cchavi: Da dẻ mịn màng, trơn láng, tất cả bụi bặm không dính.
17. Thất xứ long mãn tướng 七處隆滿相, S: Saptotsada: thịt ở bảy chỗ (lòng hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ) của Phật đều đầy đặn, mềm mại.
18. Lưỡng dịch hạ long mãn tướng兩腋下隆滿相, S: Citāntarāṃsa: nghĩa là xương, thịt ở hai nách của Phật tròn đầy không bị khuyết lõm.
19. Thượng thân như sư tử tướng 上身如獅子相, S: Siṃha-pūrvārdha-kāya: nửa thân trên của Phật rộng lớn, oai nghi đi đứng nằm ngồi trang nghiêm giống như sư tử chúa.
20. Đại trực thân tướng 大直身相, S: ṛjugātratā: trong tất cả mọi người, thân Phật cao lớn, ngay thẳng nhất.
21. Kiên viên hảo tướng肩圓好相, S: Su-saṃvṛta-skandha: nghĩa là tướng thù thắng vi diệu hai vai tròn đầy.
22. Khẩu tứ thập xỉ tướng 口四十齒相, S: Catvāriṃśad-danta: Phật có bốn mươi cái răng, mỗi mỗi đều bằng nhau, đầy đặn và trắng như tuyết.
23. Xỉ mật tề bình tướng 齒密齊平相, S: Sama-danta: các răng của Phật đều đặn không lớn không nhỏ, khít nhau không hở một mảy may.
24. Nha bạch tướng 牙白相, S: Suśukla-danta: ngòai bốn mươi cái răng, hàm trên và dưới mỗi hàm đều có hai cái răng nanh màu sắc trắng trong, sáng sạch, bén nhọn như gươm, cứng chắc như kim cương.
25. Giáp xa như sư tử tướng 頰車如獅子相, S: Siṃha-hanu: hai má của Phật đầy đặn như má sư tử.
26. Tri vị vị tướng 知味味相, S: Rasa-rasāgratā: trong miệng Phật thường có mùi vị tối thượng trong các mùi vị.
27. Đại thiệt tướng 大舌相, S: Prabhūta-tanu-jihva: đầu lưỡi lớn rộng, mềm mỏng, le ra thì phủ đến mí tóc.
28. Phạm thanh tướng 梵聲相, S: Brahma-svara: phạm âm thanh tịnh của Phật có hồng thanh viên mãn như tiếng trống trời và như tiếng chim ca-lăng-tần-già.
29. Mục cám thanh sắc tướng 目紺青色相, S: Abhinīla-netra: mắt Phật xanh biếc như hoa sen xanh.
30. Ngưu nhãn tiệp tướng牛眼睫相, S: Go-pakṣmā: tướng lông mi thẳng bằng không rối loạn.
32. Đảnh thượng nhục kế tướng 頂上肉髻相, S: Uṣṇīṣa-śiraskatā: tướng trên đảnh đầu Phật có bướu thịt nổi lên như hình búi tóc.
32. Mi gian hào tướng 眉間毫相, S: ūrṇā-keśa: giữa hai đầu chân mày của Phật có sợi lông trắng, mềm mại như bông đâu-la, dài một trượng năm thước, cuộn tròn theo chiều bên hữu.
[64] Bố-tát 布薩 (S: Poṣadha; Hd: trưởng tịnh): phép tắc của người xuất gia, mỗi nửa tháng tập trung chúng tăng để thuyết giới kinh nhằm “trưởng dưỡng đạo tâm, tịnh trừ tội cấu”.
[65] Nhất sinh bổ xứ 一生補處(S : Eka-jāti-pratibaddha): chỉ cho địa vị Đẳng Giác, địa vị cao nhất của bồ-tát, qua đời sau là thành tựu Phật quả.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.56.233 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.