Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.65 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.78 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

CHƯƠNG VII
PHẨM BIẾN HÓA

Bấy giờ Đại huệ Bồ tát đại hữu tình bạch Phật:
Bạch Thế tôn! Như lai vì cớ gì thọ ký cho các bậc A la hán rằng họ sẽ chứng Vô thượng chính đẳng chính giác? Vì cớ gì mà nói rằng chúng sinh không chứng pháp Bát Niết bàn cũng thành Phật? Lại cớ gì nói từ khi Như lai mới thành Phật đến khi nhập Niết bàn, trong thời gian đó Phật không nói một chữ nào? Lại nói Như lai thường trú trong định không giác không quán? Lại nói các phật sự đều là hóa tác. Lại nói các thức sát na biến hoại. Lại nói thần Kim cang thường theo hộ vệ. Lại nói giới hạn đầu tiên (primary limit - tiền tế) không thể biết, nhưng có thể biết tịch diệt. Lại nói có ma và các việc (nghiệp) của ma? Lại nói có dư báo, nói chuyện người con gái Bà la môn tên Chiên giá (Cancàmànavikà), người con gái ngoại đạo Tôn đà lợi (Sundarikà) cùng các chuyện (Phật) đi khất thực bát không trở về v.v.. Thế tôn đã có những nghiệp chướng như vậy (Kàrmavarana), làm sao thành được nhất thiết chủng trí (Sarvàkàranatà)? Nếu đã thành bậc nhất thiết chủng trí rồi, thì tại sao không lìa được những lỗi ấy?
Phật dạy:
Hãy nghe kỹ, ta sẽ nói. Đại huệ! Ta vì Niết bàn vô dư nên mật khuyến các Bồ tát cõi này và các cõi khác, những vị tu Bồ tát hạnh mà lại cầu Niết bàn Thanh văn, mật khuyến họ xả bỏ tâm ấy siêng tu hạnh lớn. Lại biến ra Hóa Phật và các Hóa thanh văn mà thọ ký từng người, không phải pháp tính Phật làm việc thọ ký ấy. Đại huệ! Phật và nhị thừa không khác, do ở điểm rằng Phật và Thanh văn, Duyên giác đều cùng có một vị giải thoát là đoạn các hoặc chướng, không phải trí chướng (Jneyàvarana). Trí chướng thì phải thấy pháp vô ngã mới được thanh tịnh. Phiền não chướng (klesàvarana) thì khi thấy nhân vô ngã, ý thức liền xả. Ban đầu phải đoạn tập khí trong tạng thức thì sự giải thoát khỏi pháp chướng mới được vĩnh viễn thanh tịnh. Đại huệ! Ta y nơi pháp thường trú mà nói mật ngữ này, vì không khác với chư phật đời trước và đời sau, cũng nói pháp đầy đủ văn tự như thế. Đại huệ! Cái biết chân chính của như lai không có vọng niệm, không đợi tư lự suy nghĩ rồi mới nói, vì Như lai từ lâu đã đoạn bốn tập khí, (kiến, dục, sắc, hữu- DG) lìa hai chết (phân đoạn tử và biến dị tử-DG), trừ hai chướng ngại (hoặc chướng và trí chướng- DG). Đại huệ! ý (mạt na) và ý thức của năm thức căn (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân- DG), bảy thứ do tập khí làm nhân, ấy là tính sát na, không có vô lậu thiện và cũng không chịu luân hồi. Đại huệ! Như lai tạng chính là nhân của sinh tử lưu chuyển và Niết bàn, của khổ và lạc; kẻ ngu không biết quấy chấp là không. Đại huệ! các đức Như lai biến hóa mới thường được Kim cang lực sĩ theo hộ vệ, chứ không phải các đức Phật chân thật. Như lai chân thật vượt ngoài mọi giác quan và đo lường, nhị thừa ngoại đạo không biết được, an trú nơi pháp lạc hiện hữu và đã thành tựu trí nhẫn. Bởi thế không cần được Kim cang lực sĩ hộ vệ. Tất cả hóa Phật đều không do nghiệp sinh, không phải phật cũng không phải phi Phật. Thí như thợ gốm hòa các thứ lại mà làm các đồ vật, hóa phật cũng thế; đầy đủ các tướng hiện ra để diễn nói pháp, nhưng vẫn không thể nói được cảnh giới do Thánh trí tự chứng mà có.
Lại nữa, Đại huệ! Các kẻ phàm ngu thấy sáu thức diệt mà chấp đoạn kiến, không hiểu rõ Tạng thức thì sinh chấp thường kiến. Đại huệ! Biên giới đầu tiên của vọng tâm phân biệt vốn không tự tính, bất khả đắc. Lìa phân biệt ấy liền được giải thoát, đoạn bốn thứ tập khí, lìa hết thảy lỗi lầm.
Bấy giờ Thế tôn lại nói bài tụng:
Tam thừa cùng không thừa
Không có Phật Niết bàn
Tất thọ ký thành Phật
Nói lìa các lỗi ác
Thành tựu trí cứu cánh
Cùng vô dư niết bàn
Để dụ kẻ hèn nhát
Theo mật ý kia nói
Trí sở đắc của Phật
Diễn nói đạo như thế
Ở đây không đâu khác
Nên phật không Niết bàn
Các kiến, dục, sắc, hữu
Bốn tập khí như thế
Ý thức từ đó sinh
Tạng, Mạt na ở đó
Thấy ý thức, năm thức
Vô thường nên chấp đoạn
Mê ý, Tạng chấp thường
Tà trí gọi Niết bàn.
CHƯƠNG VIII
CẤM ĂN THỊT

Bấy giờ Đại huệ Bồ tát đại hữu tình lại bạch Phật rằng:
Bạch Thế tôn! Xin vì con nói các công đức và lỗi lầm của việc ăn thịt, không ăn thịt. Con cùng các Bồ tát biết nghĩa ấy rồi sẽ diễn nói cho chúng sinh ăn thịt ở hiện tại, vị lai bị các tập khí huân tập, và khiến họ bỏ vị thịt mà cầu vị pháp, đối với hết thảy mọi loài sinh lòng đại bi, thương như thương con một, ở địa vị Bồ tát, được vô thượng chính đẳng chính giác, hoặc tạm dừng ở nhị thừa rồi cuối cùng cũng thành vô thượng chính đẳng chính giác. Bạch Thế tôn! Những bọn Thế luận khởi kiến hữu vô, chấp trước đoạn, thường mà còn cấm không cho ăn thịt, huống hồ đức Như lai Ứng chính đẳng giác, đầy lòng đại bi, thế gian đều nương cậy, mà lại tự cho phép mình và kẻ khác ăn thịt hay sao. Hay thay! Đấng Thế tôn đầy đủ đại bi thương xót thế gian, thường xem chúng sinh như con một, nguyện xin Thế tôn giải nói cho con về những lỗi lầm và ác độc của sự ăn thịt và những công đức của sự kiêng thịt, khiến con cùng các Bồ tát nghe rồi phụng hành, rộng nói cho người.
Bấy giờ Đại huệ Bồ tát lại nói bài tụng:
Bồ tát đại hữu tình
Chí cầu Vô thượng giác
Rượu thịt cùng tỏi hành
Được ăn hay không được
Kẻ ngu tham ăn thịt
Hôi dơ không xiết kể
Đồng như ác thú kia
Làm sao mà ăn được
Kẻ ăn có lỗi gì
Không ăn có đức gì
Xin nguyện đấng Thế tôn
Vì con khai diễn hết.
Khi ấy Phật dạy Bồ tát Đại huệ rằng:
Đại huệ! Hãy nghe, và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt rõ cho ông thấy. Đại huệ! Có vô số lý do khiến Bồ tát thương xót không ăn thịt, ta chỉ nói đôi phần. Đại huệ! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không ngừng qua lại trong sinh tử luân hồi, không khỏi có lần làm cha mẹ anh em con cái lẫn nhau, hoặc làm bà con, bè bạn, đầy tớ thân yêu... Sang đời khác họ sinh làm thân chim và thú, sao nỡ đem ăn thịt? Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình xem chúng sinh như thân mình, nghĩ rằng thịt đều do có mạng sống mà ra, làm sao nỡ ăn? Đại huệ! Bọn quỷ la sát v.v.. nghe ta nói thế này còn bỏ ăn thịt, huống hồ những người thích pháp. Đại huệ! Bồ tát đại hữu tình ở đâu cũng xem chúng sinh là thân thuộc, cho đến nghĩ như con một của mình, nên không ăn tất cả thịt. Đại huệ! những người bán thịt ở góc đường chợ búa hoặc lấy thịt chó ngựa người trâu bò v.v.. đem bán để cầu lợi, uế tạp như thế làm sao ăn được.
Đại huệ! Hết thảy các thứ thịt đều do máu huyết ô uế làm ra, người cầu trong sạch sao lại ăn dùng. Đại huệ! Chúng sinh khi thấy những người ăn thịt thì sợ hãi, kẻ tu từ tâm sao lại ăn thịt. Đại huệ! Những thợ săn, Chiên đà la (Càndàla), những người bắt cá, lưới chim, chó thấy thì sủa, thú vật thấy thì bỏ chạy. Tất cả chúng sinh bay trên không chạy trên đất, sống dưới nước, trông thấy những người kia đều nghĩ : "Tên ấy trông như quỷ la sát, nay đến đây chắc để giết mình." Vì lo giữ mạng sống nên chúng đều chạy tránh. Người ăn thịt cũng vậy. Cho nên Bồ tát vì tu hạnh từ không nên ăn thịt. Đại huệ! Người ăn thịt thì thân thể hôi hám dơ bẩn, tiếng ác truyền khắp, hiền thánh, người tốt không thân gần, do vậy Bồ tát không nên ăn thịt. Đại huệ! Máu thịt là thứ mà tiên thánh không dùng, nên Bồ tát không ăn thịt. Đại huệ! Lại vì muốn gìn giữ tín tâm của chúng sinh, không để họ chê bai nhạo báng Phật pháp, nên Bồ tát không ăn thịt. Đại huệ! Nếu đệ tử ta ăn thịt, thì người đời sẽ ôm lòng chê bai, nói: "Sa môn tịnh hạnh sao lại từ bỏ vị ăn của chư thiên mà cư xử như ác thú, ăn thịt đầy bụng đi khắp thế gian, khiến chúng sinh cầm thú hoảng sợ, phá hạnh thanh tịnh, lỗi đạo sa môn? Xem đấy đủ biết Phật pháp không có hạnh điều phục." Bồ tát thương chúng sinh, muốn giữ cho họ khỏi sinh tâm ấy, nên không ăn thịt. Đại huệ! Khi thịt người cháy thì hơi hôi xông lên, các thứ thịt nướng khác cũng vậy. Cũng cùng là thịt, sao lại có thứ ăn, có thứ không ăn. Cho nên những người vui đạo thanh tịnh không nên ăn thịt. Đại huệ! Các nam nữ thiện tín tu hành thanh tịnh ở dưới cây hay nơi vắng vẻ để an trú tâm từ, trì chú cầu giải thoát, hoặc cầu pháp Đại thừa, nhưng vì ăn thịt mà không đạt được các mục đích trên. Bởi thế Bồ tát muốn lợi mình lợi người không nên ăn thịt. Đại huệ! Người ăn thịt khi trông thấy thịt liền sinh lòng tham ăn ngon. Bồ tát thương nghĩ hết thảy chúng sinh như thân mình, làm sao thấy thịt mà nghĩ đến chuyện ăn được? Vì thế Bồ tát không nên ăn thịt. Đại huệ! Lại người ăn thịt thì chư thiên xa lánh, hơi miệng thường hôi, ngủ mộng bất an, tỉnh dậy lo sợ, bị ác quỷ dạ xoa hút mất tinh khí, lòng nhiều hoảng sợ, ăn không biết đủ, tăng trưởng bệnh, dễ sinh ghẻ lở, mụt nhọt, thường bị vi trùng đục khoét, không thể sinh tâm chán ghét muốn xa lìa thịt. Đại huệ! Ta thường nói : "Tỳ kheo ăn cái gì cũng nên nghĩ như ăn thịt con." Các thức ăn khác còn thế, thì sao ta lại cho phép đệ tử ăn thịt được? Đại huệ! Thịt không tốt đẹp, không sạch, làm sinh các tội ác, phá hoại các công đức, bị chư thiên, thánh nhân xa lìa, sao ta lại cho phép đệ tử ăn thịt? Kẻ nào nói ta thuận cho ăn thịt chính là phỉ báng ta vậy. Đại huệ! Thức ăn sạch là lúa gạo, đậu, đại mạch, tiểu mạch, dầu mè, ván sữa, đường. Những loại như thế đều được chư Phật quá khứ cho phép ăn. Những thứ nên ăn ta nói đây là để cho những thiện nam tín nữ trong dòng họ ta, những kẻ có đức tin thanh tịnh, đã trồng căn lành từ lâu đời, không tham trước thân mạng tài sản, xót thương hết thảy như chính thân mình. Ta nói những vật nên ăn cho những người như vậy, chứ không phải cho những kẻ có thói quen độc ác, tính như hổ lang, lòng nặng dục vọng.
Đại huệ! Xưa có quốc vương tên Sư tử sinh (Simhasaydàsa), ưa mùi vị thịt, ăn đủ thứ thịt đến cả thịt người, thần dân không chịu nỗi nên làm phản. Cuối cùng vua phải mất nước, chịu khổ não lớn. Đại huệ! Thích đề hoàn nhân đã ở địa vị vua trời, do tập khí ăn thịt đời trước còn lại, nên biến làm chim ưng săn đuổi một con bồ câu. Ta lúc ấy làm vua tên Thi tỳ (Sivin), thương xót bồ câu nên tự cắt thịt mình để thế mạng cho nó.
Đại huệ! Tập khí còn lại của Đế thích còn làm khổ chúng sinh, huống gì những kẻ ăn thịt thường xuyên không biết hổ thẹn. Ăn thịt đã tự hại còn hại người, vì thế Bồ tát không nên ăn thịt. Đại huệ! xưa có ông vua cỡi ngựa đi săn, ngựa sợ chạy vào núi hiểm, chốn không người ở, cũng không có lối ra. Vua gặp một sư tử cái cùng nó hành dâm sinh nhiều con. Trong số con có một trưởng giả rất giàu có tên Ban túc, về sau làm vua thống lĩnh 7 ức nhà, vì quen thói ăn thịt nên không phải thịt thì không ăn. Ban đầu ăn thú vật sau đến ăn người, sinh con trai con gái đều là quỷ la sát, chết tái sinh làm sư tử, sài lang, cọp beo, chim điêu, chim thứu v.v.. muốn cầu được thân người còn không được, nói gì đến cầu thoát sinh tử đạt Niết bàn. Đại huệ! Ăn thịt có vô lượng lỗi lầm tai hại như thế, nên chấm dứt ăn thịt sẽ được công đức lớn. Kẻ phàm ngu không biết những tổn hại của sự ăn thịt và lợi ích của không ăn. Bởi thế nay ta vì ngươi mà nói rõ. Bất cứ cái gì là thịt đều không nên ăn. Đại huệ! Người ta sát sinh phần lớn là do có người ăn thịt, nếu không người ăn thì cũng không có việc giết; bởi thế ăn thịt cũng có tội như giết. Quái lạ cho người đời tham đắm vị thịt, thịt người còn ăn huống là thịt chim thú. Vì tham ăn ngon, chúng đặt ra đủ cách giăng lưới bày bẫy khắp nơi, loài dưới nước, loài ở trên đất, loài bay trên không đều bị giết hại, nếu không tự mình ăn thì cũng đem bán để lấy tiền.
Đại huệ! Thế gian có những kẻ không lòng thương xót, chuyên làm việc tàn bạo như quỷ la sát; khi thấy chúng sinh thân hình béo tốt là nghĩ đến thịt, và bảo "Con vật này ăn được đấy." Đại huệ! Thế gian không có thứ thịt nào không do mình giết hay người giết, lòng mình không nghi là nó bị giết (để có thể ăn được.) Do nghĩa này mà ta cho phép thanh văn ăn thứ thịt như thế. Đại huệ! Đời sau có những kẻ ngu si xuất gia trong pháp luật của ta, giảng quấy giới luật, làm loạn chính giáo, phỉ báng ta với lời nói ta cho phép ăn thịt và chính ta cũng đã từng ăn. Đại huệ! Nếu ta cho phép thanh văn ăn thịt, tức ta không phải người an trú tâm từ, người tu quán hạnh, người hành đầu đà, người đi nơi đại thừa; làm sao có thể khuyên thiện nam tín nữ nên xem chúng sinh như con một, nên dứt ăn tất cả thịt? Đại huệ! Có chỗ ta nói cho ăn ba thứ tịnh nhục, đấy là để dần dần cấm hẳn, khiến dễ tu học. Nay trong kinh này, tất cả thịt của con vật tự chết hay bị giết, đều không được ăn. Đại huệ! Ta chưa bao giờ cho phép đệ tử ăn thịt, cũng không đang cho phép, cũng không sẽ cho phép.
Đại huệ! Tất cả sự ăn thịt đối với người xuất gia đều là bất tịnh.
Đại huệ! Nếu có kẻ ngu si phỉ báng ta bằng cách nói Như lai cho phép ăn thịt và chính Như lai cũng đã có ăn, nên biết kẻ ấy bị ác nghiệp buộc ràng, sẽ bị đọa vào những chỗ không lợi lạc. Đại huệ! Các thánh đệ tử còn không ăn những thứ đoàn thực của phàm phu, huống gì thịt vốn là thức ăn dơ uế. Đại huệ! Thanh văn duyên giác bồ tát còn chỉ ăn pháp thực (dharmàhàra) huống gì Như lai. Đại huệ! Pháp thân Như lai không phải là thân ô tạp. Như lai đã dứt trừ hết phiền não, tẩy sạch hết tập khí, khéo thanh lọc tâm tuệ, đại bi bình đẳng quán khắp chúng sinh như con một; há lại cho phép đệ tử thanh văn ăn thịt con ta sao? Huống nữa là tự ta ăn. Nói như vậy là chuyện không có.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Đều từng làm thân thuộc
Do các uế mà thành
Làm khiếp sợ chúng sinh
Nên không được ăn thịt
Tất cả các loại thịt
Hành tỏi, các thứ rượu
Những vật bất tịnh ấy
Người tu hành lìa xa
Lại thường lìa dầu thoa
Cùng giường có thủng lỗ
Vì các côn trùng nhỏ
Trong đó rất sợ hãi
Ăn (thịt) sinh phóng dật
Phóng dật sinh tà giác
Tà giác sinh tham lam
Bởi vậy không nên ăn
Vì tà giác sinh tham
Tâm bị mê vì tham
Tâm mê tăng ái dục
Sinh tử không giải thoát
Vì lợi sát chúng sinh
Lấy tiền ra mua thịt
Cả hai đều ác nghiệp
Chết đọa ngục gào thét
Không thấy nghe nghi giết
Ba thứ ấy gọi tịnh
Vì thịt ấy không có
Kẻ ăn ta quở trách
Lại cùng ăn nuốt nhau
Chết đọa vào ác thú
Hôi dơ và si cuồng
Bởi thế không nên ăn
Thợ săn, chiên đà la
Đồ tể, la sát bà
Sinh trong các hạng ấy
Là quả báo ăn thịt
Đã ăn không hổ thẹn
Đời đời bị si cuồng
Chư Phật cùng Bồ tát
Thanh văn đều nghi ghét
Tượng kiếp (Hastikakshya) cùng Đại vân (Mahàmegha)
Niết bàn, ương quật ma (angulimàlika)
Cùng lăng già kinh này
Ta đều bảo dứt thịt
Trước nói kiến, văn, nghi
Để dứt hết thảy thịt
Vì ác tập cho nên
Kẻ ngu vọng phân biệt
Như tham ngăn giải thoát
Các thịt cũng như thế
Nếu người có ăn thịt
Không thể vào thánh đạo
Chúng sinh đời vị lai
Nói ngu si về thịt
Nói "đây tịnh không tội
Phật cho chúng ta ăn."
Tịnh thực còn (xem) như thuốc
Như đói ăn thịt con
Cho nên kẻ tu hành
Biết lượng đi xin ăn
Ăn thịt trái giải thoát
Cùng trái biểu tượng thánh
Khiến chúng sinh sợ hãi
Cho nên không được ăn
Kẻ an trú từ tâm
Thường phải nên xa lìa
Sư tử và hổ lang
Ăn thịt sinh trong đó
Nếu các thứ rượu thịt
Hết thảy đều không dùng
Sẽ sinh dòng hiền thánh
Thịnh vượng, đủ trí tuệ.
CHƯƠNG IX
ĐÀ LA NI (Dhàranìparivatro nàma Navamah)

Phật dạy Đại huệ Bồ tát đại hữu tình:
Đại huệ! Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai vì muốn ủng hộ người thọ trì kinh này, nên diễn nói chú lăng già. Nay ta cũng nói chú ấy, ông nên thọ trì.
Liền nói bài chú:
"Đát điệt tha, đổ tra, đổ tra, đổ tra, đổ tra, bát tra. bát tra, cát tra cát tra, a ma lệ, a ma lệ, tỳ ma lệ, tỳ ma lệ, nễ mế nế mế, hê mế hê mế, phược mế phược mế, cát lệ cát lệ, yết ra cát lệ, a tra mạt tra, chiết tra đốt tra, kỳ nhã tra tát phổ tra, cát địa, lạt địa bạt địa, hê mế, hê mế, đệ mế, chiết lệ chiết lệ, bát lị bát lị, hạn đệ tỳ đệ, án chiết mãn chế, đỗ trà rị đỗ trà rị, bát trà rị, át kế át kế, hê mế hê mế, đổ đổ đổ đổ, lổ lổ lổ lổ, đổ đổ đổ đổ, hổ đổ hổ đổ, hổ đổ hổ, ta bà ha."
(Tadyathà tutte tutte vutte vutte patte patte katte katte amale amale vimale vimale nime nime hime hime vame vame kale kale atte matte vatte tuttle jnette sputte katte katte latte patte dime dime cale cale pace pace bandhe bandhe ance mance dutare dutare patare patare arkhe arkhe sarkhe sarkhe cakre cakre dine dine hime hime tu tu tu tu du du du du ru ru ru ru phu phu phu phu svàha)
Đại huệ! Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam thiện nữ thọ trì đọc tụng, vì người khác mà nói đà la ni này, nên biết những người ấy không bị tất cả người, phi nhân, quỷ thần v.v.. động tới. Nếu có người bỗng gặp chuyện dữ, mà tụng niệm cho người ấy 108 biến chú này, thì ác ma liền bỏ chạy. Đại huệ, ta lại nói cho ông Đà la ni này nữa. (Đức Phật liền nói bài chú):
Đát điệt tha, bát đầu ma đệ bệ, bát đầu mế hế, nê hế mễ hế nê, lệ chủ la chủ lệ, hổ lệ hổ la hổ lệ, sấu lệ sấu lệ, bả lệ bả la bả lệ, sấn đệ tần đệ, bạn thệ mạt đệ, ni la ca lệ, sa bà ha.
(Tadyathà- padma padmadeve - hime hini hine - cu cule culu cule - phale phula phule - yule ghule yula yule - ghule ghula ghule - pale pala palemunce cchinde bhinde bhannje marde pramarde dikakare svàhà)
Đại huệ! Nếu có thiện nam thiện nữ thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói đà la ni này, thì sẽ không bị trời, rồng, dạ xoa, nhân và phi nhân v.v.. cùng các ác quỷ thần làm hại. Ta vì muốn cấm chỉ các loài la sát mà nói thần chú này. Người trì chú này cũng như thọ trì tất cả bộ kinh Nhập lăng già vậy.
CHƯƠNG X
KỆ TỤNG - PHẦN THỨ NHẤT

Bấy giờ Thế Tôn muốn nói lại các nghĩa rộng trong tu đa la (kinh) này nên nói bài kệ:
Các pháp không chắc thật
Đều do phân biệt sinh
Vì phân biệt là không
Bị phân biệt không có
Do hư vọng phân biệt
Mà có các thức sinh
Tám, chín thức các món
Như sóng lớn trong biển
Tập khí thường tăng trưởng (1)
Tâm chuyển theo cảnh giới
Như sắt với nam châm
Tính chúng sinh sở y
Xa lìa các suy lường
Cùng lìa trí, sở tri
Chuyển y đặng giải thoát
Được như huyễn tam muội
Siêu quá nơi thập địa
Khi quán thấy tâm vương
Tưởng thức đều xa lìa
Khi tâm đã chuyển y
Ấy gọi là thường trụ
Ở nơi Liên hoa cung
Khởi ra các huyễn cảnh
Đã ở cung ấy rồi
Tự tại không dụng công
Lợi ích cho chúng sinh
Như mầu ngọc ma ni
Không hữu vi, vô vi
Chỉ trừ vọng phân biệt
Phàm ngu mê chấp giữ
Như thạch nữ mộng con
Nên biết rằng linh hồn
Uẩn, giới, các thứ duyên
Các kiến hữu, phi hữu
Đều không, vô tự tính
Ta dùng phương tiện nói
Nhưng thật không có tướng
Phàm phu vọng chấp giữ
Năng tướng cùng sở tướng
Tất cả biết cùng không
Tất cả không tất cả
Do phàm ngu phân biệt
Phật không giác tự, tha
Các pháp như mộng huyễn
Không sinh, không tự tính
Vì đều là tính không
Không có, bất khả đắc
Ta chỉ nói một tính
Lìa nơi vọng kế chấp
Tự tính không có hai
Chỗ làm của các Thánh
Như tứ đại bệnh suy
Khắp cõi thấy hoa đốm
Cái thấy đó không thực
Thế gian cũng như vậy
Như huyễn hiện các tượng
Cây cỏ cùng ngói sỏi
Mà thật không có gì
Các pháp cũng như vậy
Không năng thủ sở thủ
Không trói không bị trói
Như huyễn như ảo tượng
Như mộng như hoa đốm
Nếu muốn thấy chân thật
Hãy lìa phân biệt, thủ
Nên tu quán chân thật
Tất không Phật, không nghi
Thế gian đồng như mộng
Sắc, của cải đều thế
Nếu thấy được như vậy
Là tối tôn trên đời
Ba giới do tâm khởi
Do mê hoặc thấy có
Lìa vọng không thế gian
Biết rồi chuyển nhiễm y
Sở kiến của phàm ngu
Vọng chấp có sinh diệt.
Bậc trí quán như thật
Không sinh cũng không diệt
Thường hành "vô phân biệt"
Xa lìa tâm, tâm pháp
Trú trời sắc cứu cánh
Lìa các chỗ lỗi lầm
Nơi đấy thành chính giác
Đủ thần thông tự tại
Cùng các định thù thắng
Hóa hiện nơi thành này
Hóa thân vô lượng ức
Du khắp hết các cõi
Khiến ngu phu được nghe
Như hương, khó nghĩ lường
Xa lìa đầu, giữa cuối
Lại xa lìa hữu, vô
Không nhiều mà hiện nhiều
Không động mà biến khắp
Nói trong thân chúng sinh
Tính chân bị che lấp
Mê hoặc thành huyễn có
Không phải huyễn bị mê
Do tâm mê hoặc nên
Hết thảy đều thành có
Vì chúng trói buộc nhau
Tạng thức sinh thế gian
Như thế các thế gian
Chỉ có giả hiện bày
Các kiến như thác chảy
Có ra pháp và người
Nếu biết được như thế
Tức là chuyển sở y
Làm con ta đích thực
Thành tựu pháp tùy thuận
Do ngu phu phân biệt
Pháp cứng, ẩm, ấm, động
Giả danh không có thật
Lại không tướng, sở tướng
Thân hình và các căn
Đều do tám vật thành
Phàm ngu chấp sắc tướng
Thân kia bị lao lung
Phàm ngu vọng phân biệt
Nhân duyên hòa hiệp sinh
không rõ tướng chân thật
Trôi lăn trong ba cõi
Các chủng tử trong thức
Hay hiện cảnh giới tâm
Do phàm ngu phân biệt
Vọng chấp nơi hai thủ
Vô minh cùng ái nghiệp
Các tâm do đó sinh
Vì vậy ta biết rõ
Đó là tính y tha
Vọng phân biệt có vật
Mê hoặc các tâm pháp
Phân biệt kia đều không
Mê vọng chấp là có
Tâm bị các duyên buộc
Sinh khởi nên chúng sinh
Nếu xa lìa các duyên
Ta nói không sở kiến
Đã lìa hết các duyên
Tự tướng và phân biệt
Trong thân không sinh khởi
Ta gọi là vô vi
Tâm sở chúng sinh khởi
Năng thủ và sở thủ
Sở kiến đều vô tướng
Phàm ngu vọng phân biệt
Hiển thị A lại gia
Tạng thức rất thù thắng
Lìa năng thủ sở thủ
Ta nói là chân như
Trong uẩn không có người
Không ngã, không chúng sinh
Sinh chỉ là thức sinh
Diệt chỉ là thức diệt
Như tranh có cao thấp
Tuy thấy mà không thật
Các pháp cũng như vậy
Tuy thấy mà không có
Như thành càn thát bà
Lại như bóng nắng lòa
Sở kiến thường như vậy
Trí quán không thể có
Nhân duyên cùng thí dụ
Lấy đó mà lập tôn
Càn thành, mộng, vòng lửa
Ảo tượng, ánh mặt trời
Nơi lửa, và mao luân
Lấy đó làm ví dụ
Để bày nghĩa vô sinh
Thế phân biệt đều không
Mê hoặc, như huyễn mộng
Thấy các loài không sinh
Ba cõi không sở y
Trong ngoài cũng như vậy
Thành tựu vô sinh nhẫn
Được như huyễn tam muội
Cùng với Ý sinh thân
Đủ các món thần thông
Các lực và tự tại
Các pháp vốn vô sinh
Không, không có tự tính
Mê hoặc các nhân duyên
Nên nói có sinh diệt
Ngu phu vọng phân biệt
Lấy tâm hiện ra tâm
Cùng hiện các ngoại sắc
Mà thật không có gì
Như định lực quán thấy
Tượng Phật cùng khớp xương
Phân chẻ đến đại chủng
Giả bày ra thế gian
Thân, tài sản, chỗ ở
Ba pháp làm sở thủ
Ý thủ và phân biệt
Ba pháp làm năng thủ
Mê hoặc cùng vọng kế
Là phân biệt năng, sở
Chỉ theo văn tự, cảnh
Mà không thấy chân thật
Hành giả lấy tuệ quán
Các pháp không tự tính
Khi ấy trụ vô tướng
Hết thảy đều dứt bặt
Như lấy mực vẽ gà
Kẻ vô trí vọng thủ
Thật không có ba thừa
Phàm ngu không hiểu được
Nếu thấy các thanh văn
Cùng với bích chi Phật
Đều là chỗ hóa hiện
Của Bồ tát đại bi
Ba cõi chỉ là tâm
Phân biệt hai tự tính
Chuyển y lìa nhân pháp
Ấy tức là chân như
Nhật nguyệt ánh đèn lửa
Đại chủng và ma ni
Không phân biệt tác dụng
Chư phật cũng như vậy
Các pháp như mao luân
Xa lìa sinh, trụ, diệt
Lại lìa thường, vô thường
Nhiễm tịnh cũng như thế
Như bôi thuốc vào mắt
Thấy đất thành sắc vàng
Mà thật trong đất kia
Vốn không có tướng vàng
Kẻ ngu cũng như vậy
Tâm mê loạn vô thỉ
Vọng chấp các pháp thật
Như huyễn như ảo tượng
Nên quán một chủng tử
Cùng phi chủng đồng ẩn
Một chủng hết thảy chủng
Gọi các pháp của tâm
Các chủng tử là một
Chuyển y thành phi chủng
Bình đẳng đồng pháp ấn
Tất đều không phân biệt
Tất cả những chủng tử
Làm nhân cho các thức
Sinh các sự phiền não
Gọi là các chủng tử
Quán tự tính các pháp
Mê hoặc không bỏ đời
Tính vật vốn vô sinh
Biết rõ tức giải thoát
Bậc định quán thế gian
Các sắc do tâm khởi
Vô thỉ tâm mê hoặc
Thật không có sắc, tâm
Như huyễn và Càn thành
Mao luân và ảo tượng
Không có mà hiện có
Các pháp cũng như vậy
Hết thảy pháp không sinh
Chỉ do mê hoặc thấy
Đã do mê vọng sinh
Ngu vọng chấp có hai
Do các thứ tập khí
Sinh các làn sóng tâm
Nếu khi tập khí đoạn
Sóng tâm không còn khởi
Tâm duyên các cảnh khởi
Như tranh nương vào vách
Nếu ở giữa hư không
Làm sao mà họa được
Nếu duyên một ít phần
Khiến tâm kia được sinh
Tâm đã do duyên khởi
Nghĩa duy tâm không thành
Tính tâm vốn thanh tịnh
Cũng như hư không lặng
Đem tâm mà chấp tâm
Do tập khí không khác
Chấp trước tự tâm hiện
Do tâm mà sinh khởi
Sở kiến không ngoài tâm
Nên nói rằng duy tâm
Tạng thức gọi là tâm
Tư lương lấy làm ý
Hay rõ các cảnh giới
Ấy tức gọi là thức
Tâm thường là vô ký (avyàktra)
Ý đủ hai thứ hành
Hiện tại thức đầy đủ
Các pháp thiện, bất thiện
Tu chứng không nhất định
Các địa vào cõi nước
Vượt ra ngoài tâm lượng
An trú không quả tướng
Các sở kiến hữu, vô
Cùng với các món tướng
Đều là do phàm phu
Điên đảo vọng chấp trước
Bậc trí lìa phân biệt
Sự vật đã trái nhau
Do tâm không sắc tướng
Bởi thế vô phân biệt
Các căn đều như huyễn
Cảnh giới thì như mộng
Năng tác cùng sở tác
Hết thảy đều phi hữu
Tục đế có tất cả
Đệ nhất nghĩa tuyệt không
Vô tính của các pháp
Gọi là đệ nhất nghĩa
Trong chỗ vô tự tính
Nhân vì các ngôn thuyết
Nên có các vật khởi
Ấy gọi là tục đế
Nếu không có ngôn thuyết
Các vật khởi cũng không
Trong tục đế không có
Chỉ có lời, không sự
Pháp điên đảo hư vọng
Thật ra không có gì
Nếu đảo là thật có
Thì vô không tự tính
Vì hữu không có tính
Mà pháp điên đảo kia
Hết thảy các vật có
Đều là bất khả đắc
Ác tập huân nơi tâm
Hiện ra đủ các tướng
Mê hoặc nói ngoài tâm
Vọng thủ các sắc hình
Phân biệt vốn là không
Nên phân biệt đoạn được
Vô phân biệt sẽ thấy
Thật tính, chứng chân không
Vô minh huân nơi tâm
Nên thấy các chúng sinh
Như các voi ngựa huyễn
Cùng cây lá và vàng
Như kẻ bị đau mắt
Mê hoặc thấy mao luân
Phàm phu cũng như vậy
Vọng thủ các cảnh giới
Phân biệt, sở phân biệt
Cùng người khởi phân biệt
Chuyển, sở chuyển, nhân chuyển
Do đó sáu giải thoát
Do nơi vọng kế nên
Không địa, không các đế
Lại không có sát độ
Hóa Phật và nhị thừa
Tâm khởi hết thảy pháp
Hết thảy xứ và thân
Tâm tính thật vô tướng
Vô trí thủ các món
Phân biệt mê hoặc tướng
Gọi là y tha khởi
Trong tướng có các tên
Ấy là vì vọng kế
Các duyên pháp hòa hợp
Phân biệt thành danh, tướng
Tất cả đều không sinh
Gọi là Viên thành thật
Mười phương các sát độ
Trong chúng sinh, Bồ tát
Bao nhiêu pháp, Báo Phật
Hóa thân cùng biến hóa
Đều từ cực lạc giới
Của Di đà mà ra
Ở trong kinh Phương quảng
Nên biết nghĩa bí mật
Những gì Phật tử nói
Cùng của Đạo sư dạy,
Đều do Hóa thân nói
Không phải Thật Báo Phật
Các pháp không từng sinh
Cũng không phải không có
Như huyễn, lại như mộng
Như hóa, như Càn thành
Các pháp do tâm khởi
Các pháp do tâm thoát
Tâm khởi không cách khác
Tâm diệt cũng như thế
Vì chúng sinh phân biệt
Các tướng hư vọng hiện
Duy tâm thật không cảnh
Lìa phân biệt, giải thoát
Do phân biệt, hí luận
Tích tập từ vô thỉ
Vì các ác tập huân
Khởi cảnh hư vọng này
Các pháp đều không sinh
Do tự tính vọng kế
Y chỉ nơi duyên khởi
Chúng sinh mê phân biệt
Phân biệt không tương ưng
Thì y tha cũng dứt
Sở trú rời phân biệt
Chuyển y tức chân như
Chớ vọng kế hư vọng
Vọng kế tức không thật
Mê hoặc vọng phân biệt
Năng, sở thủ đều không
Phân biệt thấy ngoại cảnh
Ấy là tính vọng kế
Do hư vọng kế ấy
Duyên khởi tự tính sinh
Tà thấy các ngoại cảnh
Không cảnh chỉ do tâm
Quán sát đúng như lý
Năng, sở thủ đều diệt
Cảnh ngoài thật không có
Tập khí nhiễm ô tâm
Mà chuyển có tợ cảnh
Khi diệt hai phân biệt
Trí tịnh thuộc chân như
Khởi ra cảnh vô ảnh
Cảnh thánh khó nghĩ bàn
Do cha mẹ hòa hiệp
Như gia ua trong bình
A lại gia, ý đủ
Khiến tăng trưởng xích, bạch
Bế thi (pesì) và Trù bào (Ghanàrbuda)
Các thứ uế nghiệp sinh
Gió nghiệp tăng bốn đại
Sinh ra như trái chín
Năm cùng năm và năm
Sang khiếu có chín lỗ
Móng, răng, lông đầy đủ
Đủ rồi bèn sinh ra
Mới sinh như phân trùng
Lại như người tỉnh ngủ
Mắt mở ra thấy sắc
Phân biệt dần tăng trưởng
Phân biệt quyết xong rồi
Các môi răng hòa hiệp
Bắt đầu phát nói năng
Như giống chim anh vũ
Thuận chúng sinh ý lạc
Ta lập ra đại thừa
Không phải chỗ ác kiến
Ngoại đạo không thể thọ
Thừa do ta tự chứng
Không thể suy lường được
Sau khi Phật diệt độ
Xin nói ai thọ trì
Đại huệ! Ông nên biết
Sau khi ta Niết bàn
Đời vị lai sẽ có
Kẻ thọ trì pháp ta
Trong xứ Nam Ấn độ
Tỳ kheo danh đức lớn
Quyết hiệu là Long thọ
Hay phá luận hữu, vô
Trong thế gian làm rõ
Vô thượng đại thừa ta
Được sơ hoan hỉ địa
Vãng sinh xứ an lạc
Trong nghĩa lý duyên khởi
Hữu vô đều không thành
Trong duyên tưởng tượng vật
Phân biệt ra có, không
Kiến ngoại đạo như vậy
Xa lìa pháp của ta
Danh tự của các pháp
Đã nối nhau nhiều đời
Tập (khí) quá khứ, hiện tại
Xoay vần cùng phân biệt
Nếu không nói ra tên
Tất thế gian mê hoặc
Vì muốn trừ mê hoặc
Nên lập ra danh ngôn
Kẻ ngu phân biệt pháp
Mê hoặc nơi danh tự
Mê hoặc các duyên sinh
Ấy là ba phân biệt
Chấp bất sinh bất diệt
Tự tính như hư không
Tự tính vốn không có
Đấy là tướng vọng kế
Như huyễn, bóng, ảo tượng
Mộng, bóng gương, vòng lửa
Như tiếng vang, Càn thành
Ấy là y tha khởi
Chân như, không, bất nhị
Thật tế cùng pháp tính
(Bhùtakoti, Dharmatà)
Đều không có phân biệt
Ta nói là viên thành
Ngữ ngôn thuộc về tâm
Hư vọng sa nhị biên
Tuệ phân biệt thật đế
Là tuệ không phân biệt
Nơi người trí mới hiện
Nơi người ngu không hiện
Cái hiện nơi trí ấy
Hết thảy pháp không tướng
Như chuỗi đeo vàng giả
Kẻ ngu cho là vàng
Các pháp cũng như vậy
Ngoại đạo vọng suy lường
Mọi pháp vô thủy chung
Ở nơi tướng chân thật
Thế gian đều vô tác
Vọng kế không hiểu được
Các pháp trong quá khứ
Vị lai cùng hiện tại
Hết thảy pháp như thế
Tất cả đều không sinh
Do các duyên hòa hợp
Nên nói có các pháp
Nếu lìa sự hòa hợp
Không sinh cũng không diệt
Mà các pháp duyên khởi
Một, khác đều không có
Lược nói là không sinh
Nói rộng là không diệt
Một đằng "bất sinh không"
Một đằng là "sinh không"
Bất sinh không là thắng
Sinh không tất diệt hoại
Chân như, không, thật tế
Niết bàn cùng pháp giới
Các thứ ý sinh thân
Ta nói là dị danh
Nơi các kinh luật luận
Khởi phân biệt về tịnh
Nếu không hiểu vô ngã
Là theo lời, không nghĩa
Chúng sinh vọng phân biệt
Sở kiến như sừng thỏ
Phân biệt tức mê hoặc
Như thú khát đuổi bóng
Do nơi vọng chấp trước
Mà khởi ra phân biệt
Nếu lìa nhân vọng kế
Tức không khởi phân biệt
Đại phương quảng sâu xa
Biết các cõi tự tại
Ta vì Bồ tát nói
Không phải vì thanh văn
Ba cõi không, vô thường
Xa lìa ngã, ngã sở
Ta vì các Thanh văn
Nói tổng tướng như thế
Không trước hết thảy pháp
Đi một mình tịch tịnh
Tư niệm Bích chi quả
Ta vì duyên giác nói
Thân là y tha khởi
Mê hoặc không tự thấy
Phân biệt tự tính ngoài
Mà khiến tâm vọng khởi
Nhờ chứng, nhờ gia trì
Do sinh vào các loài
Do có được trong mộng
Ấy bốn thứ thần thông
Thần thông được trong mộng
Cùng do oai lực Phật
Hay do sinh các loài
Đều không phải "báo đắc"
Do tập khí huân tâm
Nên bóng tợ-vật khởi
Kẻ phàm ngu chưa hiểu
Cho nên nói là sinh
Do nơi vọng phân biệt
Khi còn thấy ngoại tướng
Thì còn tăng thêm vọng
Vì không thấy tâm mê
Vì sao nói có sinh
Mà không nói sở kiến
Khi không vật mà thấy
Nói cho ai? Vì sao?
Thể tâm vốn thanh tịnh
Ý cùng với các thức
Do tập khí thường huân
Mà làm các uế loạn
Tạng thức xa lìa thân
Ý bèn tìm đường nẻo
Thức bày tợ cảnh giới
Thấy rồi tham nắm giữ
Sở kiến đều do tâm
Ngoại cảnh bất khả đắc
Nếu tu quán như thế
Xả vọng đạt chân như
Cảnh giới của định chứng
Nghiệp cùng oai lực Phật
Ba thứ bất tư nghì
Chỗ khó lường của trí
Quá khứ, vị lai, ngã
Hư không cùng Niết bàn
Ta tùy thế tục nói
Chân đế lìa văn tự
Nhị thừa cùng ngoại đạo
Cùng y chỉ các kiến
Mê hoặc lý duy tâm
Vọng phân biệt ngoại cảnh
La hán, Bích chi Phật
Cùng với trí giác Phật
Chủng tử đã thành tựu
Mộng thấy Phật quán đảnh
Huyễn tâm tịch tịnh đến
Vì sao nói hữu vô
Ở đâu, nói cho ai?
Cớ gì, nguyện Phật giải
Vì kẻ mê duy tâm
Ta nói huyễn, hữu, vô
Khi sinh, diệt tương ưng
Tướng sở tướng bình đẳng
Ý thức tên "Phân biệt"
Cùng với năm thân thức
Như bóng hình trôi chảy
Từ tâm khởi chủng tử
Nếu tâm cùng với ý
Các thức thân không khởi
Thì được ý sinh thân
Lại được đến Phật địa
Các duyên cùng uẩn, giới
Tự tướng của nhân, pháp
Đều do tâm bày ra
Như mộng cùng mao luân
Quán thế gian huyễn mộng
Y chỉ nơi chân thật
Chân thật lìa các tướng
Lại lìa nhân tương ưng
Cảnh chứng của bậc thánh
Thường trú nơi vô niệm

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Vì sao tôi khổ


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.117.167 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập