Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.65 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bấy giờ, về phía Đông-bắc đại-thành Vuơng-xá cách tám mươi do-tuần70 có một nước nhỏ tên là Tăng-trưởng-phúc. Trong nước kia có một ông Trưởng-giả tên là Trí-Quang, tuổi nhiều, già yếu, chỉ có một con. Mà người con ấy có tính ác-nghịch, không thuận cha mẹ, cha mẹ dạy răn gì đều không theo lời. Ông Trưởng-giả xa nghe thấy đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá, vì vô-lượng chúng-sinh trong đời độc-ác, nhơ-đục, tuyên-thuyết về pháp báo-ân của Đại-thừa. Khi ấy cả cha mẹ và con cùng mọi người quyến-thuộc của ông vì muốn nghe pháp, đem các đồ cúng đến nơi Phật, cung-kính cúng-dàng Phật.
Cúng-dàng rồi, ông Trưởng-giả liền bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Tôi có một người con, tính nó tệ-ác quá, nó không chịu nghe lời dạy răn của cha mẹ. Nay tôi nghe thấy Phật nói về việc báo-đáp tứ ân, tôi vì muốn nghe pháp nên lại nơi Phật, kính xin đức Thế-Tôn vì bọn chúng tôi cùng các người trong quyến-thuộc tuyên-thuyết về nghĩa thú sâu-xa, nhiệm-mầu của tứ-ân, khiến người con tệ-ác của tôi sinh tâm hiếu-thuận, đời nay, đời sau sẽ được sự an-lạc”.
Đức Phật bảo ông Trí-Quang: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Ông vì pháp lại nơi Tôi, cúng-dàng cung-kính và muốn nghe Pháp ấy, vậy các ông nên nghe cho kỹ và nhớ nghĩ cho khéo! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào phát tâm Bồ-đề, muốn nghe pháp-yếu, khi cất chân, đặt chân xuống đất, tùy theo số lượng vi-trần (bụi nhỏ) của đường đất đi xa hay gần, mà do nhân-duyên ấy, người ấy cảm được Kim-luân chuyển-luân thánh-vương, khi phúc-báo của Thánh-vương hết, được làm Thiên-vương trong Dục-giới; khi phúc-báo của Thiên-vương trong Dục-giới hết, được làm Phạm-thiên-vuơng, được thấy Phật, nghe pháp và chóng chứng được diệu-quả. Đại-trưởng-giả cùng những người khác đi với ông vì cầu pháp lại nơi Tôi, tính ra như thế là phải qua tám mươi do-tuần đại-địa vi-trần, mỗi một số vi-trần sẽ chiêu-cảm được những quả-báo về Nhân, Thiên, Luân-vương. Và, được nghe pháp rồi, đời sau sẽ chứng vô-thượng chính-đẳng chính-giác)).
Tuy trước Tôi đã nói về nghĩa-thú sâu-xa, nhiệm-mầu của tứ-ân, nay vì các ông, Tôi lại tuyên lại nghĩa ấy, bằng lời kệ sau này:
Tối-thắng Pháp-vương, Đại-thánh-chúa,
Hết thảy Nhân, Thiên chẳng sánh bằng;
Trang-nghiêm thân bằng mọi tướng tốt,
Bể trí như hư-không vô-lượng.
Hạnh lợi tự, tha đều viên-mãn,
Tiếng khen đồn khắp trong các cõi;
Dứt hẳn phiền-não cùng tập-khí…,71
Khéo trì mật-hạnh, giữ mọi căn.
Trăm bốn mươi thứ đức “bất-cộng”,72
Bể phúc rộng lớn đều viên-mãn;
Chính-định, thần-thông đầy-đủ cả,
Thường vui chơi “Bát tự-tại-cung”.73
Nhân, Thiên, ngoại-đạo trong mười phương,
Không ai “năng-nan”74 như Điều-ngự;
Miệng vàng nói biện-tài vô-ngại,
Tuy không ai hỏi mà tự nói.
Như đại-hải-triều75 không sai thời,
Cũng như thiên-cổ76 hợp thiên-tâm;
Tự-tại như thế duy Phật có,
Ngũ-thông-tiên, Ma, Phạm đâu có.
Kiếp-hải77 tu-hành nguyện khó nghĩ,
Chứng được đại-thần-thông như thế;
Trong đại-tịch-thất78 Tôi nhập-định,
Quán-sát các căn và bệnh, thuốc.
Tự ra thiền-định mà tán-thán:
Ba đời Phật-pháp “Tâm-địa-môn”;
Các Trưởng-giả nghe thoái đại-tâm,
Ưa hạng tự-lợi trong Nhị-thừa.
Tôi mở đại-trí phương-tiện-giáo,
Dẫn vào cửa giải-thoát “Tam không”;79
Ý-thú Như-Lai chẳng thể lường,
Duy Phật biết được chân-bí-mật.
Thanh-văn lợi-căn và Độc-giác,
Bồ-tát cần cầu ngôi bất-thoái;
Mười hai kiếp số cùng so lường,
Không có ai biết được phần nhỏ.
Giả-sử phàm, thánh-trí mười phương,
Nhận cho một người làm trí-giả;
Trí-giả như thế như rừng trúc,
Không thể so-lường được phần nhỏ.80
Thế-gian phàm-phu không mắt tuệ,
Mê nơi ân-đức mất diệu-quả;
Chúng-sinh trong đời năm ác-trọc,81
Không hiểu ơn sâu thường trái đức.
Tôi vì khai-thị về bốn ân,
Khiến vào chính-kiến Bồ-đề-đạo.82
TỪ-PHỤ BI-MẪU, ơn trưởng-dưỡng,
Hết thảy trai, gái đều yên vui.
Ơn từ-phụ cao như núi lớn,
Ơn bi-mẫu sâu như bể cả;
Nếu Tôi ở đời trong một kiếp,
Nói ơn bi-mẫu không hết được.
Tôi nay nói qua một phần nhỏ,
Như ruồi, muỗi uống nước bể cả.
Giả sử có người vì phúc-đức,
Cúng-dàng Bà-la-môn tịnh-hạnh.
Ngũ-thông thần-tiên được tự tại,
Đại-trí sư-trưởng cùng bạn lành.
Điện-đường đặt để toàn bảy báu,
Phòng toàn bằng gỗ Chiên-đàn-hương.
Đồ nằm trăm báu bày trải khắp,
Mỹ-vị thế-gian như cam-lộ;
Cùng các thuốc men chữa muôn bệnh,
Đựng đầy vàng bạc trong khí-vật.
Cúng-dàng như-thế ngày ba thời,
Cho đến đủ số một trăm kiếp;
Không bằng một niệm tỏ chút phần,
Cúng-dàng bi-mẫu đại-ân-điền.
Phúc-đức vô-biên không lường được,
Tính-toán, thí-dụ không sánh kịp.
Bi-mẫu thế-gian có mang con,
Mười tháng mang thai chịu khổ nhiều.
Tình không ham đắm năm dục-lạc,
Tùy thời ăn uống cũng đồng thế;
Ngày đêm thường mang lòng thương xót,
Đi, đứng, ngồi, nằm chịu mọi khổ.
Chính sắp sinh con khỏi thai-tạng,
Như góp mũi nhọn rạch chi-tiết;
Mê cảm đông, tây không phân-biệt,
Khắp mình đau-đớn không chịu nổi,
Hoặc nhân nạn ấy mà mệnh mất,
Lục thân83 quyến-thuộc đều bi-não;
Mọi khổ như thế đều vì con,
Lo, buồn, thống-thiết nói sao cùng.
Nếu được bình-phục thân yên-vui,
Như nghèo được ngọc mừng khôn tả;
Đoái nhìn mặt con không biết chán,
Tâm thương nhớ con không tạm xả.
Ân-tình mẫu-tử thường như thế,
Xuất, nhập không rời con trước ngực;
Sữa mẹ như là suối Cam-lộ,
Trưởng-dưỡng kịp thời không lúc kiệt.
Ơn nơi từ-niệm thực khó ví,
Công-đức nuôi-nấng cũng khó lường.
Thế-gian, đại-địa gọi là nặng,
Ơn bi-mẫu nặng hơn đất ấy.
Thế-gian Tu-di gọi là cao,
Ơn bi-mẫu cao hơn núi ấy;
Thế-gian, nhanh-chóng duy gió dữ,
Một niệm mống tâm nhanh hơn thế.
Nếu có chúng-sinh làm bất-hiếu,
Khiến mẹ tạm thời khởi tâm hận;
Thốt lời oán-niệm chỉ phần nhỏ,
Con theo lời ấy bị khổ-nạn.
Chư Phật cùng các Kim-cương-thiên,
Bí-pháp Thần-tiên không cứu được.
Nếu có trai, gái theo mẹ dạy,
Thừa-thuận nhan-sắc không dám trái.
Hết thảy tai-nạn đều tiêu-trừ,
Chư Thiên ủng-hộ thường an-lạc.
Nếu hay thừa-thuận theo bi-mẫu,
Trai, gái ấy đâu phải kẻ phàm.
Đại-bi Bồ-tát hóa nhân-gian,
Thị-hiện báo ân mọi phương-tiện.
Nếu có con trai và con gái,
Vì báo ân mẹ làm hiếu-dưỡng:
Cắt thịt, trích huyết thường cung-cấp,
Như thế đủ số trong một kiếp.
Mọi thứ cần tu trong hiếu-đạo,
Còn chưa báo được ơn tạm thời.
Mười tháng con ở trong thai-tạng,
Thường ngậm cuống vú uống thai-huyết.
Từ khi là con-nít, trẻ thơ,
Uống hơn trăm hộc sữa của mẹ.
Ăn uống, thuốc-thang, y-phục đẹp,
Con trước, mẹ sau đó lệ thường.
Con nếu ngu-si bị người ghét,
Mẹ cũng thương nhớ không vứt bỏ.
Xưa, một nữ-nhân ẵm đứa con,
Lội qua sông Hằng nước chảy mạnh;
Sức khó vượt qua vì nước ngập,
Mẹ chết cùng con không nỡ bỏ.
Vì sức thiện-căn từ-niệm ấy,
Mệnh mất được sinh lên Phạm-thiên;
Hưởng vui chính-định trên cõi Phạm,
Được gặp Như-Lai nhận Phật-ký.
Thế nên bi-mẫu có mười đức,
Tùy hợp nghĩa-lợi đặt ra tên:
Một là, đại-địa; hai năng sinh,
Ba là, năng-chính; bốn, dưỡng-dục.
Năm, cho trí-tuệ; sáu, trang-nghiêm,
Bảy là, an-ổn; tám, giáo-thụ;
Chín là, giáo-giới; mười, cho nghiệp,
Ân khác không hơn ân-đức mẹ.
Pháp gì ở đời là rất giàu?
Pháp gì ở đời là rất nghèo?
Khi mẹ tại đường là rất giàu,
Mẹ không tại đường là rất nghèo.
Khi mẹ còn, là mặt trời ngọ,
Khi mẹ mất, là mặt trời lặn;
Khi mẹ còn, hết đều đầy-đủ,
Khi mẹ mất, hết đều rỗng không.
Thế-gian hết thảy thiện-nam-tử:
Ơn cha mẹ nặng như gò, núi;
Hiếu kính cần phải luôn ở lòng,
Biết ơn, trả ơn là Thánh-đạo.
Không tiếc thân-mệnh dâng đồ ngon,
Chưa từng một niệm thiếu sắc-dưỡng;
Như khi cha mẹ bỗng mất đi,
Toan muốn báo-ân thực chẳng kịp.
Phật xưa tu-hành vì từ-mẫu,
Cảm được tướng tốt sắc thân vàng;
Tiếng đồn rộng lớn khắp mười phương,
Hết thảy Nhân, Thiên đều khể-thủ.
Nhân và phi-nhân đều cung-kính,
Từ duyên xưa trước báo từ-ân.
Tôi đã lên cung trời Đao-lỵ,
Ba tháng, vì mẹ nói chân-pháp.
Khiến mẹ Tôi nghe, quy chính-đạo,
Ngộ Vô-sinh-nhẫn thường không thoái;
Như thế đều là báo bi-ân,
Tuy báo ân sâu còn chưa đủ.
Mục-Liên được thần-thông đệ nhất,
Dứt hết phiền-não trong ba cõi;
Dùng sức thần-thông xem từ-mẫu,
Thấy mẹ chịu khổ trong ngã-quỷ.
Mục-Liên tự đi trả ơn mẹ,
Cứu thoát từ-thân nơi thụ-khổ;
Sinh lên các cõi trời Tha-Hóa,
Cùng được vui chơi nơi Thiên-cung.
Nếu biết ơn cha mẹ rất sâu,
Chư Phật, Thánh-hiền đều báo đức.
Nếu ai chí-tâm cúng-dàng Phật,
Có tâm tinh-cần tu hiếu-dưỡng.
Phúc hai người ấy bằng nhau cả,
Ba đời hưởng báo cũng vô cùng.
Người đời, làm con tạo các tội,
Sa ba ngả ác chịu khổ mãi.
Người chưa chứng Thánh, không thần-thông,
Không thấy luân-hồi, khó báo được.
Thương thay người đời không Thánh-lực,
Không hay cứu gỡ cho từ-mẫu!
Bởi nhân-duyên ấy, ông nên biết,
Cần tu phúc-lợi công-đức tốt:
Đem ngay thắng-phúc nơi nam, nữ,
Có đại-kim-quang soi địa-ngục.
Trong hào-quang diễn tiếng thâm-diệu,
Khai-ngộ cha mẹ mở tâm-ý.
Nhớ thuở xưa kia thường tạo tội,
Một niệm hối-tâm đều trừ diệt.
Miệng niệm: “Nam mô tam thế Phật”.
Thoát thân khổ-nạn không thong-thả;
Sinh lên Nhân, Thiên hưởng vui mãi,
Thấy Phật, nghe pháp, sẽ thành Phật.
Hoặc sinh tịnh độ tại mười phương,
Hoa sen bảy báu là cha mẹ;
Hoa nở thấy Phật ngộ Vô sinh,
Bồ-tát Bất-thoái là đồng học.
Được sáu thần-thông tự-tại-lực,
Được vào cung bồ-đề vi-diệu:
Bồ-tát đều là các nam, nữ.
Nương đại nguyện-lực hóa nhân-gian.
Thế là thực báo ân cha mẹ,
Các ông, chúng sinh cùng tu học!84
CHÚNG-SINH luân-hồi sinh sáu đạo,
Cũng như bánh xe không sau, trước.
Hoặc là cha mẹ, là trai, gái,
Đời đời, kiếp kiếp ơn lẫn nhau.
Như thấy cha mẹ… không khác chi,
Không chứng Thánh-trí, do đâu biết!
Hết thảy nam-tử đều là cha,
Hết thảy nữ-nhân đều là mẹ;
Ơn đời trước thế chưa trả xong,
Lại sinh niệm khác thành oán ghét!
Thường nên báo ân, ích lẫn nhau,
Không nên đánh mắng thành hiềm-oán!
Nếu muốn tu thêm phúc-trí-môn,
Ngày đêm sáu thời85 nên phát nguyện:
Nguyện con sinh sinh vô-lượng kiếp,
Được Túc-trụ-trí86 đại-thần-thông;
Biết được trăm nghìn kiếp quá-khứ,
Lại nhớ biết nhau là cha mẹ.
Xoay-vần sáu thú, bốn loài sinh,87
Cho tôi một niệm đến nơi ấy;
Vì nói diệu-pháp, lìa nhân khổ,
Trong Nhân, Thiên họ hưởng vui mãi.
Khuyến phát Bồ-đề-nguyện kiên-cố,
Tu-hành lục độ của Bồ-tát;
Dứt hẳn hai nhân của sinh tử,
Chóng chứng Niết-bàn vô-thượng-đạo88
Mười phương hết thảy các QUỐC-VƯƠNG
Chính pháp hóa-nhân là Thánh-chúa;
Phúc-đức Quốc-vương là tối-thắng,
Việc làm tự-tại gọi là “Thiên” (trời).
Vua trời Đao-lỵ và trời khác,
Thường đem phúc-lực trợ vương-hóa;
Chư Thiên ủng-hộ như con một,
Bởi thế được tên là “Thiên-tử”.
Thế-gian cho vua là cội-gốc,
Là chỗ nhân-dân hết thảy nương;
Cũng như nhà cửa của thế-gian,
Cột là cội-gốc, dựng nên được.
Vua dùng chính-pháp hóa nhân-dân,
Giả như Phạm-vương sinh muôn vật.
Vua làm phi-pháp không chính-lý,
Như Diễm-ma vương diệt thế-gian.
Nếu vua dung-nhận kẻ gian-tà,
Như là voi xéo ao hoa vậy.
Đừng bảo thời gặp đời ác-trọc,
Nên biết thiện, ác do vua tu!
Như mặt trời soi sáng thế gian,
Quốc-vương dạy đời cũng như thế.
Mặt trời, đêm tuy không chiếu tới,
Nhưng khiến chúng-sinh được an-lạc.
Vua đem phi-pháp ra dạy đời,
Hết thảy nhân-dân không tin cậy.
Thế gian có những sự sợ-hãi,
Nhưng nhờ phúc vua không sinh được.
Thành ra nhân-dân được an-lạc,
Như thế là phúc vua soi tới.
Thế-gian có những hoa rất đẹp,
Nhờ phúc nhà vua mà nở toả.
Thế-gian có những rừng, vườn đẹp,
Nhờ phúc nhà vua đều tươi tốt.
Thế-gian có những cây cỏ thuốc,
Nhờ phúc nhà vua khỏi các bệnh.
Thế-gian bách-cốc, cùng lúa má,
Nhờ phúc nhà vua đều thành hạt.
Nhân-dân trên đời hưởng vui sướng,
Nhờ phúc nhà vua thường tự-nhiên.
Ví như Trưởng-giả có một con,
Trí-tuệ đoan nghiêm đời không sánh;
Cha mẹ yêu mến như con mắt,
Ngày đêm thường sinh tâm hộ-niệm.
Thánh-vương trong nước cũng như thế,
Nhớ mến chúng-sinh như con một;
Nuôi-nấng người già, giúp cô độc,
Tâm dù thưởng, phạt nhưng thường một.
Nhân-vương như thế là Thánh-chúa,
Mọi loài kính-ngưỡng như Như-Lai;
Nhân-vương trị nước không tai-biến,
Muôn họ kính, chăm thường an-ổn.
Vua không đem pháp-chính dạy đời,
Tật-dịch lưu-hành hại chúng-sinh;
Như thế hết thảy nhân, phi-nhân,
Tội, phúc rõ-ràng không che được.
Trong pháp thiện, ác chia bảy phần,
Người tạo được năm, vua được hai;
Nhà cửa, ruộng, vườn, rừng đều thế,
Thuế-má phân chia cũng như vậy.
Chuyển-luân Thánh-vương khi xuất-hiện,
Chia làm sáu phần vua được một;
Nhân-dân khi ấy được năm phần.
Nghiệp-báo thiện, ác cũng đều thế.
Nếu có Nhân-vương tu chính-kiến,
Như pháp dạy đời là “Thiên-chúa”;
Bởi y pháp trời mà dạy đời,
Tỳ-sa-môn-vương thường ủng-hộ.
Ba cõi trời khác, chúng La-sát,
Đều sẽ gìn giữ Thánh-vương-cung.
Thánh-vương ra đời sửa-sang nước,
Lợi-ích chúng-sinh thành mười đức:
Một là, soi sáng trong quốc-giới,
Hai là, trang-nghiêm cho quốc-độ;
Ba là, thường cho sự yên-vui,
Bốn là, hàng-phục các oán-địch.
Năm là, cấm ngăn mọi sợ hãi,
Sáu là, hợp-tập các Thánh hiền;
Bảy là, căn-bản của mọi pháp,
Tám là, hộ-trì cho thế-gian.
Chín là, thường làm công tạo-hóa,
Mười là, chủ nhân-dân, đất nước.
Nếu vua thành-tựu mười thắng-đức,
Phạm-vương, Đế-thích và chư Thiên.
Dạ-soa, La-sát, Quỷ-thần-vương,
Ẩn mình thường lại hộ quốc-giới.
Long-vương hoan-hỷ tuôn Cam-vũ,
Ngũ-cốc thành-thục muôn họ yên.
Khắp nơi trong nước sinh ngọc báu,
Người, ngựa sức mạnh, không oán-địch.
Như-ý bảo-châu hiện trước vua,
Các vua ngoại-cảnh tự triều-phục.
Ai sinh tâm ác với Quốc-vương,
Một niệm khởi tâm thành mọi ác;
Người ấy mệnh mất sa địa-ngục,
Chịu khổ nhiều kiếp khó kỳ ra.
Nếu có tinh-thần chăm giúp vua,
Chư Thiên hộ-niệm thêm vinh-lộc.89
Trưởng-giả Trí-Quang, ông nên biết:
Hết thảy Nhân-vương do nghiệp-cảm.
Các pháp đều do nhân-duyên thành,
Nếu không nhân-duyên không các pháp.
Nói không sinh Thiên và ác-thú,
Những người như thế không hiểu nhân,
Không nhân, không quả: đại-tà-kiến,
Không biết tội, phúc sinh vọng-chấp.
Nay vua được hưởng mọi phúc vui,
Xưa kia từng giữ ba tịnh-giới.90
Giới-đức huân-tu chiêu-cảm tới,
Diệu-quả Nhân, Thiên được thân vua91
Nếu người phát-khởi Bồ-đề-tâm,
Nguyện-lực giúp thành vô-thượng-quả.
Giữ bền giới tịnh trong thượng-phẩm,
Đi, ở tự-tại làm Pháp-vương;
Thần thông biến-hóa khắp mười phương,
Tùy duyên giúp hết cả muôn loài.
Trung-phẩm thụ-trì Bồ-tát-giới,
Phúc-đức tự-tại Chuyển-luân-vương;
Tùy tâm làm gì đều nên cả,
Vô-lượng Nhân, Thiên đều tuân-phụng.
Hạ-thượng-phẩm trì: đại-quỷ-vương,
Hết thảy phi-nhân đều theo phục;
Thụ-trì giới phẩm tuy khuyết-phạm,
Nhưng, do giới thắng được làm vua.
Hạ-trung-phẩm trì: cầm-thú-vương,
Hết thảy chim, muông đều y-phục;
Trong thanh-tịnh-giới có khuyết-phạm,
Nhưng, do giới thắng được làm vua.
Hạ-hạ-phẩm trì: Diễm-ma-vương,
Ở trong địa-ngục thường tự-tại;
Tuy hủy giới cấm sinh ác-đạo.
Nhưng, do giới thắng được làm vua.92
Bởi vì nghĩa ấy các chúng-sinh,
Nên thụ Bồ-tát thanh-tịnh-giới;
Hãy gìn-giữ khéo không khuyết-phạm,
Tùy chỗ sinh ra làm Nhân-vương.
Nếu người không thụ-giới Như-Lai,
Còn không được thân con cáo đồng;
Huống là cảm-quả trong Nhân, Thiên,
Ở ngôi vua hưởng vui sướng tuyệt?
Thế nên làm vua phải có “nhân”,
Giới-nghiệp tinh siêng thành diệu-quả.
Quốc-vương tự là chủ nhân-dân,
Lành thương như mẹ nuôi con nhỏ.
Như thế Nhân-vương có ơn lớn,
Tấm lòng phủ-dục93 khó báo được
Bởi nhân-duyên ấy, các chúng-sinh,
Nếu tu chứng được Đại-bồ-đề.
Đối với chúng-sinh khởi đại-bi,
Nên thụ Như-Lai tam-tụ-giới.94
Nếu muốn như pháp mà thụ-giới,
Cần nên sám95 tội cho tiêu-diệt.
Nguyên-nhân khởi tội có mười duyên:96
Thân ba, miệng bốn và ý ba.
Sinh-tử vô-thủy, tội vô cùng,
Bể lớn phiền-não sâu không đáy.
Nghiệp-chướng cao vót như Tu-di,
Tạo-nghiệp do nhân hai thứ khởi:
Tức là HIỆN-HÀNH và CHỦNG-TỬ,97
Tạng-thức98 giữ, duyên NHẤT-THIẾT-CHỦNG.
Như bóng theo hình không rời thân,
Trong hết thảy thời chướng Thánh đạo;
Gần, chướng diệu-quả của Nhân, Thiên,
Xa, chướng vô-thượng Bồ-đề-quả.
Tại-gia thường vời nhân phiền-não,
Xuất-gia thì phá thanh-tịnh-giới.
Nếu ai như pháp mà sám-hối,
Có bao phiền-não đều trừ-diệt.
Cũng như kiếp lửa hoại thế-gian,
Đốt sạch Tu-di và bể cả.
Sám-hối, đốt sạch củi phiền-não,
Sám-hối, thường sinh lên đường trời.
Sám-hối, được vui nơi Tứ-thiền,99
Sám-hối, mưa báu ngọc Ma-ni;
Sám-hối, thân kim-cương thêm thọ,
Sám-hối, được vào cung “thường-lạc”.
Sám-hối, ra khỏi ngục ba cõi,
Sám-hối, nở ra hoa Bồ-đề;
Sám-hối, thấy đại-viên-kính Phật,100
Sám-hối, đến được nơi Bảo-sở.
Nếu y như pháp mà sám-hối,
Nên y hai pháp QUÁN-MÔN tu:
Một là, QUÁN SỰ DIỆT TỘI MÔN,
Hai là, QUÁN LÝ DIỆT TỘI MÔN.101
Quán sự diệt tội lại chia ba:
Thượng, trung, hạ-căn là ba phẩm.
Nếu có thượng căn cầu tịnh giới,
Phát đại tinh-tiến tâm không thoái.
Thương khóc rơi huyết thường tinh-khẩn,
Ai-cảm khắp mình đều ửng huyết;
Nghĩ luôn đến thập phương Tam-bảo,
Cùng các chúng-sinh trong lục-đạo.
Quỳ dài, chắp tay tâm bất từ,
Gột tâm phát-lộ cầu sám-hối:
“Kính xin thập phương Tam-thế Phật,
Lấy đại-từ-bi thương xót con.
Con ở luân-hồi không chỗ nương,
Sinh-tử đêm dài thường chẳng biết;
Con ở phàm-phu đủ mọi buộc,
Tâm cuồng giáo-giở, lăng-xăng khắp.
Con ở trong nhà lửa ba cõi,
Nhiễm bậy sáu trần102 không cứu-hộ;
Con sinh trong nhà nghèo, hạ-tiện,
Không được tự-tại thường chịu khổ.
…Sinh vào nhà cha mẹ tà-kiến,
Tạo tội nương theo quyến-thuộc ác.
Kính xin chư Phật Đại-từ-tôn,
Thương xót hộ-niệm như con một.
Một sám không tạo các tội nữa,
Tam-thế Như-Lai sẽ chứng-minh!”
Mạnh-mẽ sám-hối như như thế,
Gọi là thượng-phẩm cầu tịnh-giới.
Như có trung-căn cầu giới-phẩm,
Một lòng mạnh-mẽ sám mọi tội.
Nghĩ mình lệ ứa không ai biết,
Khắp mình bồ-hôi…, ai-cầu Phật:
“Dãi-bày vô-thủy nghiệp sinh-tử,
Xin nước từ bi gột bụi trần;
Giũ bỏ tội-chướng sạch sáu căn,103
Cho con tam-tụ-giới Bồ-tát.
Con nguyện giữ vững không lùi chuyển,
Tinh-tu, độ thoát khổ chúng-sinh,
Mình chưa đắc độ, trước độ người,
Hết thuở vị-lai thường không dứt”.
Như thế tinh-cần, dũng-mãnh làm,
Không tiếc thân-mệnh cầu Giác-đạo.
Cảm tướng lạ thiêng của Tam-bảo,
Gọi là trung-phẩm đại-sám-hối.
Nếu có hạ-căn cầu tịnh-giới,
Phát tâm Vô-thượng Bồ-đề ấy,
Rơi lệ, thương khóc, lông thân rởn,
Với chỗ tạo tội rất thẹn-hổ.
Đối trước Tam-bảo khắp mười phương,
Và trước chúng-sinh trong sáu đạo;
Chí thành phát-lộ từ vô-thủy,
Có những chúng-sinh bị não-loạn.
Khởi tâm đại-bi không chướng-ngại,
Không tiếc thân-mệnh hối ba nghiệp.
Những tội đã làm đều phát-lộ,
Những ác chưa làm không dám tạo.
Như thế, ba phẩm sám mọi tội,
Đều gọi thanh-tịnh-giới đệ-nhất.
Dùng nước thẹn-hổ rửa trần-lao,
Thân tâm đều là thanh-tịnh phẩm,
Các thiện-nam-tử, ông nên biết!
Đã nói tịnh-quán các sám-hối;
Trong sự, lý ấy không sai khác,
Chỉ bởi căn-duyên ứng chẳng đồng.
Nếu khi tu-tập quán chính-lý,
Xa lìa hết thảy mọi tán-loạn.
Mặc áo mới sạch ngồi gia-phu,
Nhiếp-tâm, chính-niệm bỏ mọi duyên:
Thường quán diệu-pháp-thân chư Phật,
Thể-tính như KHÔNG, không thể được;
Tính của các tội cũng đều như,
Nhân-duyên điên-đảo, tâm vọng khởi.
Tội-tướng như thế bản-lai không,
Ở trong ba đời “vô-sở-đắc”.
Không nội, không ngoại, không trung-gian,
Tính, tướng như-như đều chẳng động.
Diệu-lý chân-như dứt danh-ngôn,
Chỉ có Thánh-trí hay thông-suốt.
Phi hữu, phi vô, phi-hữu-vô,
Phi bất hữu-vô lìa danh-tướng.
Quanh khắp pháp-giới không sinh diệt,
Chư Phật bản-lai đồng một thể.
Kính xin chư Phật thùy gia-hộ,
Diệt được hết thảy tâm điên-đảo!
Nguyện, con sớm ngộ nguồn chân-tính,
Chóng chứng Như-Lai vô-thượng-đạo!
Nếu có thanh-tín thiện-nam-tử,
Ngày đêm hay quán diệu-lý-không.
Hết thảy tội-chướng tự tiêu-trừ,
Thế là giữ giới tịnh trên hết.
Nếu người quán biết thực-tướng-không,
Hay diệt hết thảy các tội trọng.
Cũng như gió to thổi lửa dữ,
Đốt cháy vô-lượng các cây cỏ.
Các thiện-nam-tử chân-thực-quán,
Là môn bí-yếu của chư Phật.
Nếu muốn vì người phân-biệt rộng,
Hạng người vô-trí đừng tuyên-thuyết.
Hết thảy chúng-sinh loại phàm ngu,
Nghe quyết sinh nghi tâm bất tín.
Nếu có trí-giả sinh tín-giải,
Niệm niệm quán-sát ngộ Chân-như;
Chư Phật mười phương đều hiện trưóc,
Bồ-đề diệu-quả tự-nhiên chứng.
Các thiện-nam-tử! Sau Tôi diệt,
Những người tịnh-tín trong đời sau;
Theo hai quán-môn thường sám-hối,
Nên thụ Bồ-tát tam-tụ-giới.
Nếu muốn thụ-trì thượng-phẩm-giới,
Nên thỉnh giới-sư : Phật, Bồ-tát.
Thỉnh Tôi: Thích-Ca Mưu-Ni Phật,
Làm vị Hòa-thượng104 giới Bồ-tát.
Long-chủng Tịnh-trí tôn vương Phật
Sẽ làm tịnh-giới A-xà-lê.105
Đạo-sư mai sau: Di-Lặc Phật,
Sẽ làm thanh-tịnh Giáo-thụ-sư.106
Hiện-tại mười phương Lưỡng-túc-tôn,107
Sẽ làm thanh-tịnh Chứng-giới-sư.108
Mười phương hết thảy các Bồ-tát,
Sẽ làm bạn-bè tu-học-giới.
Phạm, Thích, Tứ-vương, Kim-cương-thiên,
Sẽ làm chúng ngoại-hộ học-giới.
Phụng-thỉnh Phật, Bồ-tát như thế,
Và, các thầy truyền giới hiện-tiền.
Vì muốn trả khắp bốn ân sâu,
Phát khởi tâm Bồ-đề thanh-tịnh.
Nếu thụ tam-tụ-giới Bồ-tát :
Nhiêu-ích hết thảy hữu-tình-giới.
Tu-nhiếp hết thảy thiện-pháp-giới,
Tu-nhiếp hết thảy luật-nghi-giới.
Tam-tụ thanh-tịnh giới như thế,
Như-Lai ba đời đều hộ-niệm.
Chúng-sinh phi-pháp không nghe biết,
Trong vô-lượng kiếp không nghe, thấy.
Duy có thập phương Phật quá-khứ.
Đã thụ tịnh-giới thường hộ-trì.
Hai chướng phiền-não dứt trừ hẳn,
Chứng được quả Bồ-đề vô-thượng;
Hết thảy Thế-Tôn đời vị-lai,
Giữ-gìn tam-tụ tịnh-giới báu.
Dứt trừ ba chướng109 cùng tập-khí,
Sẽ chứng chính-đẳng đại-bồ-đề;
Mười phương các Thiện-thệ hiện-tại,
Đều tu nhân tam-tụ tịnh-giới.
Dứt hẳn sinh-tử khổ luân-hồi,
Được chứng tam thân110 Bồ-đề-quả.
Siêu-việt bể sinh-tử sâu lớn,
Tịnh-giới Bồ-tát là thuyền bè.
Dứt hẳn ràng-buộc tham, sân, si,
Tịnh-giới Bồ-tát là gươm sắc;
Đường hiểm sinh-tử các sợ-hãi,
Tịnh-giới Bồ-tát là nhà cửa.
Trừ khỏi các nhân khổ nghèo hèn,
Tịnh-giới thường làm ngọc Như-ý;
Bị ma quỉ ốp, các tật-bệnh,
Tịnh-giới Bồ-tát là lương-dược.
Làm vua Nhân, Thiên được tự-tại,
Tam-tụ tịnh-giới là duyên tốt;
Cùng các thân vua trong bốn thú,
Tịnh-giới là duyên được thắng-quả.
Thế nên tu được nhân tự-tại,
Sẽ được làm vua hưởng tôn-quý.
Trước nên lễ kính mười phương Phật,
Ngày đêm tu thêm thanh-tịnh-giới.
Chư Phật hộ-niệm đương thụ-trì,
Giới như kim-cương không phá-hoại;
Chư Thiên thiện thần trong ba cõi,
Hộ-vệ thân vua và quyến-thuộc.
Hết thảy oán-địch đều quy-phục,
Muôn họ vui mừng cảm vương hóa.
Thế nên thụ-trì giới Bồ-tát,
Cảm quả vô-vi thế, xuất-thế.111
Tam-Bảo thường-trụ hóa thế-gian,
Ân-đức rộng lớn bất tư-nghị;
Trong kiếp-hải này cùng quá-khứ,
Công-đức lợi sinh không dừng nghỉ.
Nghìn ánh Phật-nhật112 thường soi đời,
Lợi ích quần-sinh độ có duyên;
Vô duyên không thấy từ-quang Phật,
Cũng như người mù không trông thấy.
Pháp-bảo nhất vị không biến-đổi,
Phật trước, Phật sau nói đều đồng;
Như mưa, một vị thấm khắp cả,
Cỏ cây tươi-tốt, lớn, nhỏ khác.
Chúng-sinh tùy căn đều được giải,
Cỏ cây nhuần thấm cũng sai khác.
Bồ-tát, Thanh-văn hóa chúng-sinh,
Như nước sông lớn chảy không kiệt.
Chúng-sinh không tín, hóa không tới,
Như ở chỗ tối trời khó soi.
Ánh trăng Như-Lai rất thanh-lương,
Hay trừ mọi tối cũng như thế.
Cũng như chậu úp trăng không soi,
Chúng-sinh mê-hoặc cũng như thế.
Pháp-bảo như cam-lộ, thuốc hay,
Trị được hết thảy bệnh phiền-não.
Người tin uống thuốc, chứng Bồ-đề,
Không tin tùy duyên sa ác-đạo.
Bồ-tát, Thanh-văn thường ở đời,
Vô số phương-tiện độ chúng-sinh.
Chúng-sinh nếu có lòng tin, thích,
Nhập ngôi an-lạc của Tam-thừa.
Như-Lai không xuất-hiện thế-gian,
Hết thảy chúng-sinh vào tà-đạo.
Chê hoài cam-lộ, uống thuốc độc,
Chìm mãi bể khổ không kỳ ra.
Phật-nhật xuất-hiện ba nghìn cõi,
Tỏa ánh-sáng lớn chiếu đêm dài.
Chúng-sinh như ngủ không hay biết,
Nhờ sáng được vào vô-vi-thất.
Như-Lai chưa nói Nhất-thừa-pháp,
Quốc độ mười phương đều không-hư.
Phát tâm tu-hành thành chính-giác,
Hết thảy cõi Phật đều nghiêm-tịnh.
Pháp-bảo Nhất-thừa: mẹ chư Phật,
Như-Lai ba đời từ đấy sinh.
Bát-nhã phương-tiện tu không dứt,
Thành đạo giải-thoát lên Diệu-giác.
Nếu Phật, Bồ-tát không xuất-hiện,
Chúng-sinh ở đời không đạo-sư.
Hiểm-nạn sinh-tử do đâu qua,
Làm sao đến được nơi Bảo-sở?
Dùng đại-nguyện-lực làm bạn lành,
Thường nói diệu-pháp cho tu-hành.
Xu-hướng Thập-địa chứng Bồ-đề,
Khéo vào nơi Niết-bàn an-lạc.
Đại-bi Bồ-tát hóa thế-gian,
Phương-tiện dẫn-dắt các chúng-sinh.
Trong ẩn hạnh chân-thực Nhất-thừa,
Ngài hiện ra Duyên-giác, Thanh-văn.
Độn-căn, trí-nhỏ nghe Nhất-thừa,
Sợ-hãi phát tâm qua nhiều kiếp.
Không biết thân có Như-Lai-tạng,113
Chỉ vui tịch-diệt, chán trần-lao.
Chúng-sinh vốn có giống Bồ-đề,
Đều ở trong Tạng-thức: Lại-gia.
Nếu gặp bạn lành phát đại-tâm,
Ba thứ rèn, mài114 tu diệu-hạnh;
Dứt hẳn phiền-não, sở-tri-chướng,
Chứng được thân thường-trụ Như-Lai.
Diệu-quả Bồ-đề chẳng khó thành,
Chân thiện-trí-thức thực khó gặp.
Hết thảy Bồ-tát tu thắng-đạo,
Bốn thứ pháp-yếu cần nên biết:
Thân-cận bạn lành là thứ nhất,
Lắng nghe chính-pháp là thứ hai;
Như ý nghĩ lường là thứ ba,
Như pháp tu chứng là thứ tư.
Hết thảy Đại-thánh-chúa mười phương,
Tu bốn pháp ấy chứng Bồ-đề.
Các ông Trưởng-giả, đại-hội-chúng,
Và, thanh-tín-sĩ đời vị-lai.
Bốn pháp nơi Bồ-tát như thế,
Cốt nên tu-tập thành Phật-đạo.115
Các thiện-nam-tử nên nghe kỹ,
Như-Lai nói ra bốn ơn trên.
Thì ơn Phật-bảo là tối thượng,
Vì độ chúng-sinh phát đại-tâm.
Ba vô số kiếp trong đại-kiếp.
Tu đủ trăm nghìn các khổ-hạnh.
Công-đức viên-mãn khắp pháp-giới,
Thập-địa rốt-ráo chứng ba thân.
Pháp-thân thể khắp mọi chúng-sinh,
Muôn đức cô-đọng tính thường-trụ.
Không sinh, không diệt, không đi, lại,
Không một, không khác, phi đoạn, thường;
Đầy khắp pháp-giới như hư-không,
Hết thảy Như-Lai cùng tu chứng.
Hữu-vi, vô-vi các công-đức,
Nương-tựa Pháp-thân thường thanh-tịnh.
Bản-tính Pháp-thân như hư-không,
Xa lìa sáu trần không nhiễm-trước.
Pháp-thân vô hình lìa mọi tướng,
Năng-tướng, sở-tướng hết đều không.
Như thế, diệu-pháp-thân chư Phật,
Tướng ngôn-từ, hí-luận tịch-diệt.
Xa lìa hết thảy các phân-biệt,
Tâm-hành-xứ diệt116 thể đều như.
Vì muốn chứng được thân Như-Lai.
Bồ-tát khéo tu về muôn hạnh.
Thể “trí” vô-vi chân-pháp-tính,
Sắc, tâm hết thảy chư Phật đồng.
Ví như chim bay đến núi vàng,
Làm cho thân chim đồng sắc ấy.
Hết thảy Bồ-tát như chim bay,
Thể pháp-thân Phật tựa núi vàng.
Tự-thụ-dụng thân các tướng tốt,
Mỗi một đầy khắp cõi mười phương.
Bốn-trí viên-minh hưởng pháp-lạc,
Phật trước, Phật sau thể đồng nhau.
Tuy khắp pháp-giới không chướng-ngại,
Diệu-cảnh như thế không nghĩ, bàn.
Thân ấy thường-trụ báo-Phật-độ,
Tự hưởng pháp-lạc không gián-đoạn.
Tha thụ-dụng-thân các tướng tốt,
Tùy cơ ứng-hiện không thêm, bớt.
Vì hóa các Bồ-tát Địa-thượng,
Một Phật hiện ra mười loại thân.
Tùy chỗ ứng-hiện đều bất đồng,
Dần-dà tăng gấp đến vô-cực.
Hợp căn vì nói các pháp-yếu,
Khiến hưởng pháp-lạc vào Nhất-thừa.
Vị được thần-thông dần tăng-trưởng,
Pháp-môn sở ngộ cũng như thế.
Bồ-tát Hạ-địa khởi trí-tuệ,
Không thấu suốt được về Thượng-địa.
Năng-hóa, sở-hóa tùy Địa tăng,
Đều tùy bản-duyên làm sở-thuộc.
Hoặc một Bồ-tát, nhiều hóa Phật,
Hoặc nhiều Bồ-tát, một hóa-Phật.
Như thế, mười Phật thành chính-giác,
Đều ngồi dưới Bồ-đề thất-bảo.
Phật trước nhập-diệt, Phật sau thành,
Hóa-Phật chẳng đồng trải kiếp hiện.
Mười Phật ngồi trên đài hoa sen,
Quanh khắp đều có trăm nghìn cánh.
Mỗi một cánh sen một cõi Phật,
Tức là cõi Tam-thiên đại-thiên.
Trong mỗi một cõi có trăm ức,
Mặt trời, trăng, sao bốn đại-châu.
Sáu cõi trời Dục và bốn Thiền,
Không-xứ, Thức-xứ đến Phi-tưởng.
Riêng châu Nam-thiệm trong bốn châu,
Mỗi một đều có tòa Kim-cương.
Cùng với Bồ-đề đại-thụ-vương,
Các thân Phật hóa trong khi ấy;
Nhất thời chứng được Bồ-đề-đạo,
Quay xe diệu-pháp trong Đại-thiên.
Bồ-tát, Duyên-giác và Thanh-văn,
Tùy chỗ hợp căn thành Thánh-quả.
Như thế, nói ra ba thân Phật,
Trên hết, không gì sánh, là “BẢO”.117
Ứng, Hóa hai thân nói ra pháp,
Giáo, lý, hành, quả là PHÁP-BẢO.
Chư Phật lấy PHÁP làm đại-sư,
Tu tâm chứng được Bồ-đề-đạo.
Pháp-bảo ba đời không biến-đổi,
Hết thảy chư Phật đều quy, học.
Tôi nay đỉnh-lễ Nhất-thiết-trí,
Nên nói Pháp-bảo là thầy Phật.
Hoặc vào lửa dữ không cháy được,
Ứng thời liền được chân giải-thoát.
Pháp-bảo hủy phá ngục sinh-tử,
Cũng như Kim-cương phá muôn vật.
Pháp-bảo soi vào tâm chúng-sinh,
Ví như mặt trời trên không-giới.
Pháp-bảo hay làm thuyền bền chắc,
Vượt qua bể ái lên bờ giác.
Pháp-bảo hay cho chúng-sinh vui,
Ví như thiên-cổ hợp thiên-tâm;
Pháp-bảo hay giúp chúng-sinh nghèo,
Như ngọc Ma-ni mưa mọi báu.
Pháp-bảo hay làm thềm Tam-bảo,
Nhân tu nghe pháp sinh thượng-giới;
Pháp-bảo: Kim-luân đại-thánh-vương,
Dùng sức đại-pháp phá bốn ma.
Pháp-bảo hay làm xe báu lớn,
Chuyên chở chúng-sinh ra nhà lửa;
Pháp-bảo hay làm đại-đạo-sư,
Dẫn-dắt chúng-sinh đến Bảo-sở.
Pháp-bảo hay thổi loa đại-pháp,
Giác-ngộ chúng-sinh thành Phật-đạo;
Pháp-bảo hay làm đèn đại-pháp,
Soi chỗ tối-tăm trong sinh-tử.
Pháp-bảo hay làm tên Kim-cương,
Chấn giữ quốc-giới dẹp mọi oán.
Những pháp của Phật ba đời nói,
Làm lợi chúng-sinh khỏi khổ-phọc.
Dẫn vào thành Niết-bàn an-lạc,
Thế là ơn PHÁP-BẢO khó trả.118
Trưởng-giả Trí-quang ông nghe kỹ,
Thế, xuất-thế Tăng có ba hạng:
Bồ-tát, Thanh-văn thánh, phàm-chúng,
Là thửa ruộng phúc, ích chúng-sinh.
Văn-thù-sư-lỵ: đại-thánh-tôn,
Chư Phật ba đời cho là mẹ.
Như-Lai mười phương mới phát tâm,
Đều do giáo-hóa của Văn-Thù.
Hết thảy thế-gian, các hữu-tình,
Nghe tên, thấy thân và hào-quang.
Cùng thấy thân hóa hiện tùy loại,
Đều thành Phật-đạo khó nghĩ, bàn,
Di-lặc Bồ-Tát: Pháp-vương-tử,
Từ mới phát tâm không ăn thịt.
Bởi nhân-duyên ấy gọi “Từ-Thị”,
Vì muốn thành-thục các chúng-sinh.
Ở cõi thứ tư: Đâu-suất-thiên,
Trong Như-ý-điện bốn chín trùng.
Ngày đêm thường nói “bất-thoái-hạnh”,
Vô số phương-tiện độ Nhân, Thiên.
Nước tám công-đức119 ao Diệu-hoa,
Chúng-sinh có duyên đồng sinh đến.
Đệ-tử Tôi nay giao Di-Lặc,
Trong hội Long-Hoa được giải-thoát.
Các Thiện-nam-tử đời mạt-pháp,120
Một nắm cơm ăn cho chúng-sinh.
Bởi thiện-căn ấy thấy Di-Lặc,
Cứu-cánh sẽ được Bồ-đề-đạo.
Ông Xá-lỵ-phất…Đại-thanh-văn,
Trí-tuệ thần-thông hóa mọi loài.
Nếu thành-tựu được giới giải-thoát,
Thực là người tu-hành chính-kiến;
Vì người thuyết-pháp truyền Đại-thừa,
Ruộng phúc như thế là thứ nhất.
Hoặc có một hạng phàm-phu Tăng,
Giới-phẩm không trọn, sinh chính-kiến;
Tán-vịnh Nhất-thừa pháp mầu-nhiệm,
Tùy phạm, tùy hối, chướng đều trừ.
Vì muốn chúng-sinh thành Phật nhân,
Phàm-phu ấy cũng là Tăng-bảo.
Như Uất-kim-hoa121 tuy héo úa,
Còn hơn hết thảy các hoa quý.
Tỷ-khưu chính-kiến cũng như thế,
Bốn hạng Luân-vương so chẳng kịp.
Như thế, bốn hạng Thánh, phàm Tăng,
Lợi-lạc hữu-tình không tạm nghỉ.
Là ruộng phúc tốt của thế-gian,
Thế là Tăng-bảo ân-đức lớn.122
Như Tôi đã nói bốn ân-nghĩa,
Là ân tạo ra ruộng phúc đời.
Hết thảy muôn vật từ đấy sinh,
Nếu rời bốn ân không thể được.
Ví như các sắc-trần thế-gian,
Sinh được do nơi bốn ĐẠI123 tạo.
Hữu-tình thế-gian cũng như thế,
Bởi bốn ân kia được an-lập.124
Khi ấy, Trí-Quang trưởng-giả cùng con ông v.v…nghe Phật nói về bốn ân lớn ấy, cho rằng được nghe sự chưa từng có bao giờ, hoan-hỷ chắp tay bạch Phật rằng: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Đại-từ Thế-Tôn! Ngài đã vì những chúng-sinh tà-kiến không tin nhân-quả, không hiếu cha mẹ trong đời trọc-ác, nói chân diệu-pháp đem lại lợi-lạc cho thế-gian, nay kính xin đức Thế-Tôn nói thêm cho về nghĩa báo-ân. Chúng tôi đã ngộ được ý rất sâu của bốn ân nhưng, nay chúng tôi chưa biết tu nghiệp thiện gì để báo được ân ấy.
Đức Phật bảo ông Trưởng-giả: “Các thiện-nam-tử! Trước kia tôi đã vì năm trăm ông Trưởng-giả nói rộng về nghĩa ấy rồi, nay Tôi sẽ vì các ông nói qua chút ít phần mà thôi! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào muốn được vô-thượng chính-đẳng chính-giác nên tinh siêng tu-hành mười pháp Ba-la-mật. Song, nếu còn “sở đắc” vẫn chưa được gọi là “báo-ân”. Nếu người nào chỉ trong giây lát làm được một thiện-tâm “vô-sở-đắc” mới được gọi là “báo-ân”. Sở-dĩ thế là sao? Hết thảy Như-Lai tới “vô-sở-đắc” mới thành Phật-đạo, hóa-độ chúng-sinh. Nếu có thiện-nam-tử tịnh-tín nào được nghe kinh này, tín-giải, thụ-trì, giải-thuyết, viết chép, đem “vô-sở-đắc, tam luân thể không”125 riêng vì một người nói pháp bốn câu khiến họ trừ được tâm tà-kiến, xu-hướng đạo Bồ-đề, thế tức là báo tứ-ân. Sao vậy? Vì, người ấy sẽ được Vô-thượng Bồ-đề, triển-chuyển giáo-hóa cho vô-lượng chúng-sinh, khiến họ nhập Phật-đạo làm cho hạt giống Tam-bảo mãi không đoạn-tuyệt”.
Khi ông Trưởng-giả Trí-Quang nghe bài kệ ấy rồi được Nhẫn-nhục tam-muội, yếm-ly thế-gian, được bất thoái-chuyển. Cùng lúc đó, tám nghìn người, con và quyến-thuộc cũng được Tam-muội ấy và đều được tâm vô-đẳng-đẳng, vô-thượng chính-đẳng chính-giác; bốn vạn tám nghìn người khác cũng chứng được Tam-muội, xa lìa trần-cấu,126 được pháp-nhãn-tịnh.


Chú thích:
70 Do-tuần:(Yojma): Theo Thánh-giáo chép thời mỗi Do-tuần là 16 dậm, mỗi dậm 576 thước tây. Như thế mỗi Do-tuần chừng 9216 thước tây.
71 Tập-khí: Hơi-hướng cuả sự huân-tập (vọng-hoặc), trong Đại-thừa chia ra làm 3 phần: Hiện-hành, chủng-tử và tập-khí. Dẹp hiện-hành, dứt chủng-tử nhưng còn phần hơi-hướng của vọng-hoặc mà hiện ra tướng-trạng của vọng-hoặc, phần ấy là “tập-khí”.
72 140 đức bất cộng: Là: 32 tướng, 80 thứ tốt, 4 tịnh, 10 lực, 4 vô-úy, 3 niệm-xứ, 3 bất-hộ, cùng đại-bi, thường bất-vong-thất (thường không quên mất chính-niệm), đoạn phiền-não-tập và nhất-thiết-trí. Đây là những đức-trí theo nơi Phật được đầy-đủ hoàn toàn mà các bậc khác không có đủ nên gọi là “bất cộng”.
73 Bát tự-tại: Tám nghĩa tự-tại… Còn gọi là “Bát đại tự-tại-ngã”: Niết-bàn có bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Đức “ngã” lấy tự-nhiên tự-tại làm nghĩa; tự-tại có 8 nghĩa nên gọi là “bát đại tự-tại-ngã”: 1.- Thị-hiện một thân làm nhiều thân. 2.- Thị-hiện thân như một hạt bụi, đầy khắp cõi Đại-thiên. 3.- Thân lớn nhưng cử-động nhẹ một cái cũng đến được nơi xa. 4.- Hiện thành nhiều loại mà thường thường ở trong một cõi. 5.- Các căn đều có tác dụng hỗ-tương. 6.- Được hết thảy các pháp nhưng tưởng như không có pháp nào. 7.- Nói nghĩa một bài kệ trải vô-lượng kiếp. 8.- Thân biến khắp mọi nơi cũng như hư-không.
Đoạn trên, từ chỗ “tối-thắng…” tới chữ “cung” là những câu kệ tán-thán về thực-đức tự-chứng của Phật.
74 Năng nan: Có nghĩa là hay làm những việc khó làm.
75 Đại-hải-triều: Nước bể lớn lên, xuống đúng thời.
76 Thiên-cổ: Trống cõi trời.
77 Kiếp-hải: Kiếp số nhiều ví như nước bể.
78 Đại-tịch-thất: Nhà rất yên-lặng. Là chỉ cho nơi nhập-định. “Đại-tịch” có nghĩa là xa-lìa hết thảy sự tán-động, được tịch-tĩnh rốt-ráo.
79 Tam không: 3 lý không, tức là 3 môn giải-thoát: Không, vô-tướng, vô-nguyện (Xem chú-giải của Phẩm-tựa, phần chú-giải số 53).
80 Đoạn trên, từ chỗ “Nhân, Thiên…” đến chỗ “phần nhỏ”, nói về quyền-đức hóa-tha của Phật.
81 Năm ác-trọc: Tức là ngũ-trọc ác-thế “Thế-gian có 5 thứ vẩn-đục, tệ-ác”: 1.- Kiếp-trọc: Thời-gian có 4 thứ ác-trọc sau. 2.- Kiến-trọc: Những tư-tưởng chấp trước, tà-vạy (như 5 lợi-sử). 3.- Phiền-não-trọc: Nhiều tham, sân, si, v.v… 4.- Chúng-sinh-trọc: Chúng-sinh nhiều khổ, ít vui. 5.- Mệnh-trọc: Thọ-mệnh ngắn-ngủi (chết non).
82 Đoạn trên, từ chỗ “thế-gian” đến chỗ “Bồ-đề-đạo” là nêu chung về bốn ân cần trả.
83 Lục thân: Sáu bậc thân-tình: Cha, mẹ, vợ, con, anh, em.
84 Đoạn trên, từ chỗ “từ phụ” tới chỗ “tu-học” đức Phật nhắc lại ân-đức phụ-mẫu cần phải trả.
85 Sáu thời: Sáng, trưa, chiều, chập tối, nửa đêm, gần sáng.
86 Túc-trụ-trí: Tức là Túc-mệnh-thông.
87 Bốn loại sinh: Loại sinh trứng, loại sinh con, loại sinh nơi ẩm-thấp và loại hóa-sinh.
88 Đoạn trên, từ chỗ “Chúng-sinh” đến chỗ “vô-thượng-đạo”, đức Phật nhắc lại ơn chúng-sinh cần phải trả.
89 Đoạn trên, từ chỗ “Mười phương” đến chỗ “vinh-lộc” là nhắc ân-đức của Quốc-vương đối với quốc-dân.
90 Ba tịnh-giới: 1.- Nhiếp luật-nghi-giới: giữ giới-luật. 2.- Nhiếp thiện-pháp-giới: tu hết thảy pháp lành. 3.- Nhiếp chúng-sinh giới hay Nhiêu-ích hữu-tình-giới: làm lợi-ích chúng-sinh.
91 Đoạn trên, từ chỗ “Trưởng-giả” tới chỗ “thân vua”, nói về nhân-quả của Quốc-vương.
92 Đoạn trên, từ chỗ “Nếu người” đến chỗ “làm vua” là biện-biệt về giới-phẩm.
93 Phủ-dục: Vỗ-về, nuôi-nấng.
94 Tam-tụ-giới: Tức là “Ba tịnh-giới” đã chú-thích trong phẩm này số 90.
Đoạn trên, từ chỗ “Bởi vì” đến chỗ “tam-tụ-giới” là nêu rõ nhân, chỉ rõ quả.
95 Sám: Tức là “Sám-hối”. Sám tiếng Phạm gọi đủ là “sám-ma” (Ksamayati). Tàu dịch là “Hối-quá”, có nghĩa là tự mình bày-tỏ những lỗi-lầm trước, ăn-năn từ nay sửa-đổi và không dám phạm nữa. Sám-hối là hai chữ ghép chung của tiếng Phạm (Ấn-độ) và tiếng Hán mà thành.
96 Mười duyên: Tức là mười nghiệp thiện hay ác do thân, khẩu, ý tạo ra.
97 Hiện-hành, chủng-tử: A-lại-gia thức có công-năng sinh hết thảy pháp gọi là “chủng-tử (hạt giống). Từ đây sinh ra các pháp của sắc, tâm gọi là “hiện-hành”: những hành-động hiển-hiện.
98 Tạng-thức: Tức là thức A-lại-gia thứ 8. “Tạng” có 3 nghĩa: năng-tạng, sở-tạng và ngã-ái-chấp-tạng. Tạng-thức gìn-giữ và liên-lạc với hết thảy hạt giống.
99 Tứ-thiền: 4 cõi thiền-định là Sơ, Nhị, Tam, Tứ-thiền. Tứ-thiền bao gồm 18 cõi trời thuộc Sắc-giới.
100 Đại-viên-kính Phật: Tức Đại-viên-kính-trí của Phật.
101 Đây nói về sự, lý sám-hối. Sự sám có hai: 1.- Tác-pháp-sám: Y-pháp, hướng Phật-tiền sám-hối. 2.- Thủ-tướng-sám: Định-tâm vận-tưởng sám-hối, thấy Phật xoa đầu hoặc thấy hào-quang. Lý-sám thuộc về “vô-sinh-sám”: Chính tâm, quán lý vô-sinh (không sinh diệt).
102 Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
103 Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
104 Hòa-thượng: Chính tiếng Phạm gọi là Ô-xã hay Hòa-xã, Hòa-xà (Khosha), Ngài La-Thập phiên nghĩa là “Lực-sinh”, có nghĩa là người đệ-tử y vào đấy mà đạo-lực được sinh-trưởng. Hòa-thượng là một chức-vị thứ nhất trong đàn truyền giới cho các đệ-tử.
105 A-xà-lê: (Àcàtya): Tàu dịch là “Quỹ phạm chính-hạnh” có nghĩa là bậc thầy uốn-nắn ngay thẳng những hành-vi của đệ-tử, là bậc sư-phạm làm khuôn-mẫu cho người. A-xà-lê là 1 chức-vị thứ hai trong giới đàn.
106 Giáo-thụ-sư: Thầy dạy bảo và trao-truyền giới-pháp cho các đệ-tử. Giáo-thụ-sư là chức-vị thứ 3 trong giới-đàn.
107 Lưỡng-túc-tôn: Các Thế-Tôn (Phật) đầy-đủ hai bề: phúc-đức và trí-tuệ.
108 Chứng-giới-sư: Các vị tôn-đức ngồi chứng-minh đàn truyền giới. Chứng-giới-sư có chỗ gọi là “Tôn-chứng-sư” là chức-vị thứ tư trong giới-đàn.
109 Ba chướng: Ba thứ làm chướng-ngại chính-đạo, tổn-hại thiện-tâm: 1.- Phiền-não-chướng: tham, sân, si, v.v… 2.- Nghiệp-chướng: tạo nghiệp ngũ-nghịch, thập-ác v.v… 3.- Báo-chướng: chịu khổ-báo trong ba đường dữ.
110 Tam (3) thân: Pháp-thân, báo-thân và hóa thân.
111 Đoạn trên, từ chỗ “Nếu muốn như pháp” đến chỗ “xuất-thế”, do trước Phật đã nói về nhân-quả của Quốc-vương, nên đây Ngài khuyên nên sám tội, dạy pháp sám-hối được ích, bảo cho nghi-thức thụ-giới, nói rõ về giới-đức và Ngài khuyên nên thụ-trì giới.
112 Phật-nhật: Trí-tuệ của Phật soi thấu sự tăm-tối của thế-gian chúng-sinh cũng ví như mặt trời.
113 Như-lai-tạng: Có nghĩa là kho-tàng của tự-tính, vì hết thảy các pháp không ra ngoài tự-tính Như-Lai. Chân-như ở trong phiền-não là “Như-lai-tạng”; chân-như ra ngoài là “Pháp-thân”. Y vào phẩm Như-lai-tạng Phật tính luận thời Tạng có 3 nghĩa: 1.- Sở-nhiếp-nghĩa: Chân-như trong chúng-sinh hàm-tàng: hòa-hợp, bất hòa-hợp, nhiễm-pháp, tịnh-pháp tất cả đều nhiếp-thuộc tính Như-Lai nên gọi là Như-Lai-tạng. 2.- Ẩn-phú-nghĩa: Chân-như khi ở trong phiền-não, bị phiền-não che-lấp, tính-đức Như-Lai không hiển-hiện được, nên gọi là “Như-Lai-tạng”. 3.- Năng-nhiếp-nghĩa: Chân-như trong phiền-não hàm-nhiếp hết thảy công-đức quả-địa của Như-Lai, nên gọi là “Như-lai-tạng”.
114 Ba thứ rèn, mài: (luyện-ma): 1/ Dẫn người đã chứng Đại-bồ-đề rèn mài tự-tâm, để đối-trị tâm thoái-khuất về đạo Bồ-đề rộng lớn. 2/ Xét kỹ ý muốn nơi mình, rèn mài tự-tâm, để đối-trị tâm thoái-khuất về muôn hạnh khó tu. 3/ Chỉ dẫn chỗ thô-thiện của người đem so-sánh với diệu-nhân của mình, rèn mài tự-tâm, để đối-trị tâm thoái-khuất về sự khó chứng được 2 diệu-quả chuyển-y (Bồ-đề, Niết-bàn).
115 Đoạn trên, từ chỗ “Tam-bảo thường-trụ” đến chỗ “Phật-đạo” là nói về tướng chung của Tam-bảo.
116 Tâm-hành-xứ diệt: Nói đủ là “tâm-hành-xứ diệt, ngôn-ngữ-đạo đoạn”. Là chân-lý cứu-cánh. Đường ngôn-ngữ dứt (ngôn-ngữ-đạo đoạn). Không thể ngôn-thuyết được; chỗ tâm-niệm diệt (tâm-hành-xứ-diệt), không thể nhớ nghĩ được. Đó là cảnh-giới bất-khả tư-nghị.
117 Đoạn trên, từ chỗ “Các thiện-nam-tử” đến chỗ “bảo” là nhắc lại 3 thân của Phật-bảo.
118 Đoạn trên, từ chỗ “Ứng-hóa hai thân” đến chỗ “khó trả” là tán-dương công-đức của Pháp-bảo.
119 Nước tám công-đức: 1/ Trừng-tịnh: lặng, sạch. 2/ Thanh-lãnh: trong mát. 3/ Cam-mỹ: ngon-ngọt. 4/ Khinh-nhuyến: dịu-dàng 5/ Nhuận-trạch: Thấm-nhuần. 6/ An-hòa. 7/ Khi uống khỏi đói-khát và khỏi vô-lượng tội-lỗi, tai-hoạn. 8/ Uống rồi quyết-định nuôi lớn các căn và thân tứ-đại thêm ích-lợi.
120 Mạt-pháp: Một trong 3 thời truyền pháp của Phật, sau khi Phật nhập-diệt: 1/ Phật nhập-diệt nhưng chính-pháp của Ngài không thay-đổi, có giáo-lý, có thực-hành, có người chứng chính-quả, là “chính-pháp-thời”. 2/ Chính-pháp dần sai, pháp-nghi, pháp-hành chân-chính không thực-hành, chỉ còn tương-tự, theo mà không chứng quả được là “Tượng-pháp-thời”. 3/ Chính-pháp bị suy-vi, chuyển-biến; có giáo-lý nhưng không thực-hành không chứng quả, là “Mạt-pháp-thời”.
121 Uất-kim-hoa: Tên một thứ cây chính tiếng Phạm gọi là Cung-củ-ma (Kunkumam). Cây này hoa vàng mà thơm, khả-dĩ dùng làm huân-hương.
122 Đoạn trên, từ chỗ “Trưởng-giả Trí-Quang” đến chỗ “ân-đức lớn” là nói về ân-đức Thánh, phàm Tăng
123 Bốn đại: Đất (chất dắn), nước (chất lỏng), gió (chất hơi), lửa (chất nóng).
124 Tám câu trên là tổng-kết về 4 ơn.
125 Tam-luân thể-không: Cũng như Tam-luân-không.
126 Trần-cấu: Tiếng gọi chung cho phiền-não.
127 Pháp-nhãn-tịnh: Nghĩa là thấy chân-lý bằng cách rõ-ràng.
Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy” đến chỗ “pháp-nhãn-tịnh”, đức Phật nói về cách báo-ân và sự chứng-ngộ của đại-chúng nghe pháp.
Đến đây hết quyển ba.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Đừng đánh mất tình yêu


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Phật Giáo Yếu Lược

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.8.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập