Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
X.- PHẨM QUÁN TÂM
Bấy giờ, Đại-bồ-tát: Văn-Thù Sư-Lỵ liền từ tòa đứng dậy chỉnh y-phục, chễ áo vai hữu, gối hữu để xuống đất, khom mình chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật đã nói cho bọn ông Trưởng-giả Diệu-Đức năm trăm người rằng: “Tôi vì các ông diễn bày pháp-môn tâm-địa vi-diệu”. Nay vô-lượng vô-biên đại-chúng Nhân, Thiên trong đạo-tràng nay đều sinh tâm khát-ngưỡng, tôi vì tất cả những người ấy xin khải-vấn Như-Lai: Thế nào là “tâm”? Thế nào là “địa”? Kính xin đức Thế-Tôn đem tâm vô-duyên đại-từ, vô-ngại đại-bi, vì các chúng-sinh phân-biệt diễn nói cho những người chưa khỏi khổ, được khỏi khổ, những người chưa an-vui, được an-vui, những người chưa phát tâm, được phát tâm, những người chưa chứng quả, được chứng quả, đồng nơi Nhất-đạo mà được Niết-bàn”. [1]
Khi ấy, đức Thế-Tôn đem đại-diệu-trí-ấn [2] thanh-tịnh quyết-định thắng-nghĩa mà Ngài đã được trong sự tu các phúc-đức, trí-tuệ ở vô-lượng kiếp, ấn-khả cho Bồ-tát Văn-thù sư-lỵ và nói rằng: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Nay ông thực là Phật-mẫu trong ba đời! Hết thảy Như-Lai ở nơi tu-hành, ông đều từng dẫn-đạo các Ngài khi mới phát tín tâm; bởi nhân-duyên ấy, các bậc thành chính-giác trong mười phương quốc-độ, đều lấy Văn-thù làm mẹ. Song, nay thân ông bởi nguyện-lực xưa mà hiện ra hình-tướng Bồ-tát, thỉnh-vấn Như-Lai về pháp cao siêu không thể nghĩ, bàn được. Ông nghe kỹ, nghe kỹ và nhớ nghĩ khéo! Tôi vì khắp tất cả mà phân-biệt, giải-thuyết về vấn-đề ấy!” Bồ-tát Văn-thù bạch: “Dạ, bạch Thế-Tôn! Chúng tôi thích được nghe!” [3]
Lúc đó, đức Thế-Tôn thành-tựu tốt đẹp “tối thắng trụ-trì bình-đẳng-tính-trí” của hết thảy Như-Lai cùng mọi thứ công-đức vi-diệu hiếm có; Ngài đã khéo thu-hoạch được “quyết-định thắng-pháp Đại-thừa trí-ấn” của hết thảy chư Phật; Ngài đã khéo viên-chứng được “Kim-cương bí-mật thù-thắng diệu-trí” của hết thảy Như-Lai; Ngài đã khéo an-trụ nơi “vô-ngại đại-bi”, tự-nhiên cứu-nhiếp chúng-sinh trong mười phương; Ngài đã khéo viên-mãn “diệu-quán-sát-trí”, không quán mà như quán, không nói mà như nói. [4]
Khi ấy, đức Thế-Tôn bảo Vô-cấu đại-thánh Văn-thù sư-lỵ Đại-bồ-tát là từ-mẫu của chư Phật rằng: “Đại-thiện-nam-tử! Pháp ấy là “tối thắng bí-mật tâm-địa pháp-môn” [5] của Như-Lai trong mười phương. Pháp ấy là pháp-môn “đốn-ngộ” [6] của hết thảy phàm-phu vào Như-Lai-địa. Pháp ấy là “đường chính chân-thực” của hết thảy Bồ-tát đi tới đại-bồ-đề. Pháp ấy là “bảo cung (cung báu) vi-diệu” của chư Phật trong ba đời, tự hưởng-thụ pháp-lạc. Pháp ấy là “bảo-tạng (kho báu) vô-tận” trong hết thảy sự lợi-ích chúng-sinh. Pháp ấy hay dẫn các Bồ-tát-chúng đến nơi “Sắc-cứu-cánh tự-tại-trí”. [7] Pháp ấy là chân-thực đạo-sư, hay dẫn hậu-thân Bồ-tát [8] tới cây Bồ-đề. Pháp ấy như ngọc Ma-ni, hóa những của cải cho thế-gian, xuất thế-gian làm cho chúng-sinh mãn-nguyện. Pháp ấy sinh ra nguồn-gốc công-đức của hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời. Pháp ấy hay làm tiêu-tan các nghiệp-quả ác của hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay cho hết thảy chúng-sinh sự ấn-chứng về việc nguyện cầu. Pháp ấy hay độ hết thảy chúng-sinh bị sinh-tử hiểm-nạn. Pháp ấy hay ngừng sóng cồn bể khổ cho hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay cứu chúng-sinh khổ não trong hết thảy cấp-nạn. Pháp ấy hay làm khô-kiệt bể lão, bệnh, tử cho hết thảy chúng-sinh. Pháp ấy hay xuất-sinh nhân-duyên chủng-tử của chư Phật. Pháp ấy là đuốc trí-tuệ lớn soi sáng cho chúng-sinh trong đêm dài sinh-tử. Pháp ấy là giáp-trụ để phá binh-chúng bốn ma. Pháp ấy tức là cờ-sí chiến-thắng của đạo quân dũng-mãnh. Pháp ấy tức là xe pháp vô-thượng của hết thảy chư Phật. Pháp ấy tức là cờ pháp tối thắng. Pháp ấy tức là đánh trống đại-pháp. Pháp ấy tức là thổi loa đại-pháp. Pháp ấy tức là đại-sư-tử-vương. Pháp ấy tức là tiếng gầm của đại-sư-tử. Pháp ấy cũng như đại-thánh-vương trong nước khéo làm việc cai-trị chân-chính, nếu thuận vương-hóa thời được đại-an-lạc, nếu trái vương-hóa liền bị chu-diệt. [9]
Thiện-nam-tử! Trong ba cõi lấy “tâm” làm chủ. Người quán được tâm, được giải-thoát cứu-cánh; người không quán được tâm, ở mãi trong triền-phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh, tâm-pháp sinh ra thiện-ác, năm thú (trời, người, ngục, quỷ, súc), bậc hữu-học, bậc vô-học, bậc Độc-giác, bậc Bồ-tát, cùng Như-Lai trong thế-gian và xuất-thế-gian. Bởi nhân-duyên ấy, ba cõi duy tâm, “tâm” là “địa” (đất). Hết thảy phàm-phu thân-cận bạn lành, nghe pháp tâm-địa, như lý quán-sát, như nói tu-hành, mình làm, dạy người, khen-ngợi khuyên gắng, đón mừng, an-ủi, những người như thế, sẽ dứt được hai chướng, mau trọn muôn hạnh và chóng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [10]
Đến đây, Đại-thánh Văn-thù-sư-lỵ Bồ-tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói: chỉ đem tâm-pháp làm chủ ba cõi, bản-nguyên tâm-pháp không nhiễm bụi nhơ, tại sao tâm-pháp lại nhiễm tham, sân, si? Đối với pháp trong ba đời, gì cho là tâm? Tâm quá-khứ dã diệt, tâm vị-lai chưa đến, tâm hiện-tại không trụ (ở yên), nội-tính các pháp tìm không thể được, ngoại-tướng các pháp tìm không thể được và trung-gian của các pháp đều tìm không thể được; bản-lai tâm-pháp không có hình-tướng, bản-lai tâm-pháp không có trụ-xứ, hết thảy Như-Lai còn không thấy tâm, huống là người khác được thấy tâm-pháp? Hết thảy các pháp từ vọng-tưởng sinh, bởi nhân-duyên gì, ngày nay Thế-Tôn vì đại-chúng nói “ba cõi duy tâm”? Vậy, xin Phật thương-xót, như-thực giải-thuyết cho!” [11]
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù rằng: “Đúng như thế, đúng như thế! Thiện-nam-tử! Như ông hỏi Tôi về “bản-tính không-tịch của tâm, tâm-sở-pháp”, nay Tôi nói các thí-dụ để chứng-minh nghĩa ấy”.
Thiện-nam-tử! Tâm như huyễn-pháp, do biến-kế-chấp sinh, nên mọi món tưởng, thụ (nhận, chịu) vui, khổ, nơi tâm sinh ra. Tâm như dòng nước chảy, niệm niệm sinh-diệt, đối với đời trước, sau không tạm dừng. Tâm như gió lớn, trong khoảng sát-na qua mọi phương-sở. Tâm như đèn lửa, mọi duyên hòa-hợp sinh ra. Tâm như chớp sáng, chỉ khoảng chốc-lát, chứ không dừng lâu. Tâm như hư-không, nhưng bị khách-trần phiền-não [12] ngăn-che. Tâm như con hầu, con vượn, nhảy-nhót trên cây ngũ-dục không tạm dừng. Tâm như thợ vẽ, vẽ ra mọi hình-sắc thế-gian. Tâm như kẻ tôi-tớ, bị các phiền-não sai-khiến. Tâm như người đi một mình, không có người thứ hai. Tâm như quốc-vương, khởi ra mọi sự, được tự-tại. Tâm như oán-gia, khiến tự thân chịu khổ-não quá. Tâm như bụi trần, bám nhơ tự thân, sinh ra tạp-uế. Tâm như ảnh-tượng (bóng dáng), đối với pháp vô-thường chấp là thường. Tâm như huyễn-mộng, đối với tướng ngã, pháp chấp làm ta. Tâm như Dạ-xoa, ăn mất mọi pháp công-đức. Tâm như con nhặng (ruồi) xanh, ham đồ uế-ác. Tâm như kẻ sát-nhân, hay hại thân-mệnh. Tâm như kẻ đối-địch, thường rình lầm-lỗi. Tâm như trộm giặc, trộm mất công-đức. Tâm như trống lớn, khởi sự chiến-đấu. Tâm như con phi-nga, thích sắc đèn sáng. Tâm như con hươu đồng, chạy theo tiếng giả. Tâm như đàn lợn, thích đồ tạp-uế. Tâm như đàn ong, gom-góp mùi mật ngọt. Tâm như voi say, mê chơi voi cái. [13]
Thiện-nam-tử! Như thế, nói về tâm, tâm-sở-pháp không trong, không ngoài, cũng không trung-gian; đối với trong mọi pháp tìm không thể được, quá-khứ, vị-lai, hiện-tại cũng không thể tìm được, siêu-việt ba đời, chẳng phải có, chẳng phải không. Chúng-sinh thường ôm-ấp sự nhiễm-trước, nhiễm-trước từ vọng-duyên hiện-khởi; duyên không có tự-tính, vì tâm tính không. Như thế, không-tính không sinh, không diệt, không lại, không đi, không một, không khác, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, vốn không có nơi sinh, cũng không có nơi diệt, cũng chẳng phải viễn-ly và chẳng phải chẳng viễn-ly. [14]
Những tâm như thế không khác với vô-vi và thể vô-vi không khác với những tâm ấy. Thể của tâm-pháp vốn không thể nói được, thời cái phi-tâm-pháp cũng không thể nói được. Sao vậy? – Nếu vô-vi là tâm, tức là đoạn-kiến; nếu lìa tâm-pháp tức là thường-kiến: Lìa hẳn hai tướng, không chấp-trước hai bên, ngộ được như thế gọi là “chân-đế” và người ngộ được chân-đế ấy là Hiền-thánh. Hết thảy Hiền-thánh tính vốn không-tịch, trong pháp vô-vi, giới không có trì (giữ), phạm, cũng không có lớn, nhỏ, không có tâm-vương, tâm-sở-pháp và, không có khổ, không có vui. Như thế, tự-tính pháp-giới vô-cấu (không nhơ), không có tướng sai-biệt thượng, trung, hạ. Sao vậy? Vì, vô-vi pháp-tính ấy bình-đẳng, như nước mọi dòng sông chảy vào trong bể đều đồng một vị, không có tướng sai-biệt. Tính vô-cấu ấy chẳng phải thực, chẳng phải hư. Tính vô-cấu ấy là đệ-nhất-nghĩa, vì nó không có tướng hết và diệt, thể nó vốn không sinh. Tính vô-cấu ấy, thường-trụ bất biến, vì là tối-thắng Niết-bàn ngã-sở thanh-tịnh. Tính vô-cấu ấy, xa-lìa hết thảy, vì bình-đẳng và bất-bình-đẳng, thể nó vẫn không khác.
Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào muốn cầu vô-thượng chính-đẳng chính-giác, cần nên một lòng tu-tập quán-pháp tâm-địa như thế! [15]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy, Ngài nói bài kệ rằng:
Diệu-cát-tường: giác-mẫu ba đời,
Thỉnh-vấn Như-Lai: “tâm-địa-pháp”;
Tôi nay trong đại-hội-chúng này,
Mở diễn quán-hạnh-môn thành Phật.
Pháp này khó gặp hơn Ưu-đàm,
Hết thảy thế-gian nên khát-ngưỡng.
Chư Phật mười phương chứng đại-giác,
Đều từ pháp này mà tu-hành.
Tôi là Vô-thượng điều-ngự-sư,
Quay xe chính-pháp khắp thế-giới;
Hóa-độ vô lượng các chúng-sinh,
Nên biết, bởi ngộ tâm-địa-quán.
Hết thảy chúng-sinh nghe pháp này,
Mừng tới Bồ-đề được thụ-ký;
Những người hữu-duyên được thụ-ký,
Tu quán-môn này sẽ thành Phật.
Chư Phật tự hưởng đại-pháp-lạc,
Ở diệu-bảo-cung tâm-địa-quán;
Nhận chức Bồ-tát, ngộ Vô-sinh,
Quán tâm-địa-môn khắp pháp-giới.
Hậu-thân Bồ-tát ngồi cây “giác”,
Nhập quán-hạnh này chứng Bồ-đề.
Pháp ấy hay mưa “thất thánh tài”,
Như Ma-ni, mãn-nguyện chúng-sinh.
Pháp ấy gọi là Phật-mẫu xưa,
Xuất sinh ba thân Phật ba đời.
Pháp ấy gọi là giáp Kim-cương,
Chống với bốn chúng các ma-quân.
Pháp ấy hay làm thuyền bè lớn,
Khiến qua giữa dòng đến bảo-sở.
Pháp ấy là trống pháp tối-thắng,
Pháp ấy là cờ pháp nêu cao.
Pháp ấy là loa pháp kim-cương,
Pháp ấy là đuốc pháp soi đời.
Pháp ấy cũng như đại-thánh-chúa,
Thưởng công, phạt tội thuận nhân-tâm.
Pháp ấy cũng như nước ngấm ruộng,
Sinh-thành, trưởng-dưỡng nương thời-tiết.
Tôi đem mọi dụ tỏ nghĩa “không”,
Thế biết ba cõi duy một tâm.
Tâm có đại-lực, thế-giới sinh,
Tự-tại hay làm chủ biến-hóa.
Ác-tưởng, thiện-tâm lại tạo-tập,
Quá, hiện, vị-lai, nhân sinh-tử.
Nương-tựa vọng-nghiệp có thế-gian,
Ái, phi-ái-quả thường tương-tục. [16]
Tâm như nước chảy chẳng tạm dừng,
Tâm như gió bay qua đất nước.
Cũng như hầu, vượn bám cây đùa,
Cũng như sự giả, nương giả thành,
Như không, chim bay không chướng-ngại,
Như làng xóm trống người chạy nhảy.
Tâm-pháp như thế vốn chẳng có,
Phàm-phu mê-chấp cho là có;
Nếu hay quán “tâm thể-tính không”,
Hoặc-chướng không sinh, được giải-thoát. [17]
Khi ấy, đức Như-Lai đối với các chúng-sinh khởi ra tâm đại-bi, cũng như cha mẹ nhớ mến con một, vì muốn diệt đại-lực tà-kiến của thế-gian, đem lại lợi-ích an-vui cho hết thảy chúng-sinh, Ngài tuyên-thuyết thần-chú quán-tâm rằng: “Úm, thất tha, ba-la-để, phệ đạn, ca lư nhị”.
Đức Như-Lai nói chân-ngôn ấy rồi, Ngài bảo Đại-bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ: “Thần-chú ấy đủ uy-lực lớn, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào khi trì chú ấy, giơ tay trong sạch lên, mười ngón tay tả và hữu bắt tréo lại với nhau, rồi lấy tay tả áp lên tay hữu, nắm chặt lấy nhau như hình dây buộc, gọi là “Kim-cương phọc-ấn” [18] . Thành ấn ấy rồi, đọc-tập chân-ngôn [19] trước trọn đủ một lượt, hơn đọc tập mười hai bộ kinh [20] và được công-đức không thể hạn-lượng cho đến tâm Bồ-đề không bị thoái-chuyển.[21] Chú thích:
[1] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “Niết-bàn” Bồ-tát Văn-thù thay đại-chúng hỏi đức Phật về ý-nghĩa chữ “Tâm-địa”, mong cho chúng-sinh khỏi khổ, an-vui, phát-tâm, chứng-quả, cùng vào được đạo Nhất-thực (Nhất-đạo) để được viên-tịch.
[2] Đại-diệu-trí-ấn: Là trí-tuệ rất rộng lớn, vi-diệu không nghĩ, bàn được của Phật, do tu 3 vô số kiếp, đến khi nhân trọn quả đủ mà được.
[3] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy” tới chữ “nghe”, đức Phật ấn-khả lời thỉnh của Bồ-tát Văn-thù. Đức Phật còn khen ngợi Bồ-tát Văn-thù là Phật-mẫu trong 3 đời, vì Bồ-tát Văn-thù biểu-hiện cho trí-tuệ và vì dẫn đạo cho các vị mới phát tâm.
[4] Đoạn trên, từ chỗ “Lúc đó” đến chữ “nói”, hiển-thị 5 đức thù-thắng vi-diệu của Phật: 1/ Hiển-thị trí-tuệ tối-thắng trong lý-trí bình-đẳng, thị-hiện Thắng-ứng-thân và Tha-thụ-dụng-thân, giáo-hóa hàng Gia-hạnh Bồ-tát cùng Sơ-địa Bồ-tát. 2/ Hiển-thị trí-tuệ vô phân-biệt của Đại-thừa, ấn-chứng các pháp không sinh, không diệt, quyết-định là “Thắng-nghĩa-đế-pháp”. 3/ Hiển-thị trí-tuệ kiên-cố, cao-siêu, vi-diệu mà chỉ Phật với Phật mới chứng được bằng cách rốt-ráo. 4/ Hiển-thị lòng thương rộng lớn, độ tận chúng-sinh, không chút phân-biệt, chướng-ngại. 5/ Hiển-thị trí-tuệ viên-dung, nhậm-vận tự-tại, thấu suốt căn-cơ chúng-sinh, dùng viên-âm thuyết-pháp hóa-độ.
[5] Đây nói: pháp-môn tâm-địa là pháp-môn sao-siêu, hàng Tam-thừa không thể hiểu nổi, mà chỉ khi chứng Phật-quả viên-mãn mới hiểu thấu được.
[6] Đốn-ngộ: Một trong 2 sự chứng-ngộ: Đốn-ngộ là chúng-sinh phát đại-tâm (Bồ-tát), nghe Đại-thừa, làm đại-pháp mà chứng-ngộ ngay được diệu-quả. Trái lại là Tiệm-ngộ. Tiệm-ngộ: là chúng-sinh phải tu lần-lượt từ thấp đến cao, mãi mãi mới chứng-ngộ được.
[7] Sắc-cứu-cánh tự-tại-trí: Trí-tuệ cao-siêu tự-tại như cõi Sắc-cứu-cánh là cõi tận cùng của cõi Sắc. Mà cũng là khi Bồ-tát sắp thành Phật, địa-vị ở nơi Sắc-cứu-cánh-thiên, vượt qua 3 cõi, mà thành Phật-quả Bồ-đề.
[8] Hậu-thân Bồ-tát: Chỉ cho các vị Bồ-tát sau này, tức là sau khi đức Phật nhập-diệt rồi.
[9] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy đức Thế-Tôn bảo Vô-cấu…”, đến chỗ “chu-diệt”, đức Phật nói: “pháp-môn tâm-địa” như 25 thứ đem lại cho các hàng tu-hành và chúng-sinh được nhiều phúc-lợi.
[10] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói rõ tâm là chủ, tâm như đất. Ai tu được tâm, sẽ chóng thành vô-thượng-giác.
[11] Đoạn trên, từ chỗ “Đến đây”, đến chỗ “giải-thuyết cho!”, Bồ-tát Văn-thù hỏi vặn Phật về cái tâm đối với quá-khứ, hiện-tại, vị-lai… sao thấy được?
[12] Khách-trần phiền-não: Đây là hình-dung cho phiền-não vọng-khởi. Phiền-não không phải là vật cố-hữu của tâm-tính, chỉ vì mê lý mà phát-khởi, cũng như lữ-khách, chỉ trú nơi hàng quán trong chốc-lát nghỉ-ngơi, chứ không phải là chủ vĩnh-viễn, nên gọi là “khách”. Mặc dầu phiền-não là khách, nhưng nó cũng làm nhơ-nhớp tâm-tính nên gọi là “trần”.
[13] Đoạn trên từ chỗ “Thiện-nam-tử”, đến chỗ “voi cái”, đức Phật đem 26 vật tỷ-dụ cho “tâm”. Những vật ấy chỉ do sự tính-toán, so-lường, chấp-trước mê lầm mà sinh ra, đâu phải chân-tâm!
[14] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử” đến chỗ “viễn-ly”, tỏ bày về “không-tính”. Tâm, tâm-sở-pháp không có chỗ nhất-định, nên không có những tướng-trạng trong, ngoài, trung-gian, trong 3 đời hay vượt ngoài 3 đời cũng không tìm thấy thể-tính thực-tại của nó được. Vì, thể-tính của tâm là chân-không, hay chân-như, nên hết thảy tự-tính của các pháp cũng đều thế.
[15] Đoạn trên, từ chỗ “Những tâm như thế”, đến chỗ “như thế”, đức Phật chỉ thẳng vào thể-tính của tâm là vô-vi (tức là tự-pháp-giới). Nhưng, vô-vi cũng chỉ là mượn danh-từ, chứ thực ra là không thể nói được. Vô-vi pháp-tính không còn tạo-tác, sai-biệt, nhơ, sạch…, nó xa lìa hết thảy. Ngộ được như thế là hiểu được thực-nghĩa của chân-lý và là Hiền-thánh. Phật-tử nên tu phép quán tâm-địa này, sẽ thành vô-thượng-giác.
[16] 4 câu, từ chỗ “Ác-tưởng” đến chỗ “tương-tục” đại-ý nói: tâm-pháp là chỗ tạo-tác và chứa góp hết thảy thiện và ác. Do có tạo-tác và chứa góp ấy mà thành ra nhân sinh-tử 3 đời, theo với nghiệp-nhân mà cảm quả. Nhân-ái-dục (ác) thời cảm quả-báo ái-dục (ác), nhân phi-ái-dục (không phải ái-dục: thiện), thời cảm quả-báo phi-ái-dục (thiện), cứ nối tiếp nhau mãi.
[17] Toàn thể văn kệ trên, đức Phật nhắc lại sự mê nhận tâm của chúng-sinh và chỉ bày thể-tính chân-không của tâm mà thôi.
[18] Kim-cương phọc-ấn: Biểu-hiệu cho tất cả đều ở trong thể-tính chân-như bất-hoại.
[19] Chân-ngôn (Mantra): Lời nói vi-diệu ngầm hợp với thể-tính chân-như.
[20] 12 bộ kinh: Trong kinh Phật có chia làm 12 phận-giáo: 1/ Tu-đa-la: (Sùtra: khế-kinh: văn suôi). 2/ Kỳ-dạ (Geya: trùng-tụng: bài kệ nói lại nghĩa của văn suôi). 3/ Già-đà (Gàthà: phúng-tụng: bài kệ 4 câu đứng riêng, không liền với văn suôi). 4/ Ni-đà-na (Nidà-na: nhân-duyên). 5/ Y-đế-mục-da (Ytivrtaka: Bản-sự: nói những việc đời trước). 6/ Xà-đa-già (Jàtaka : Bản-sinh: Phật tự nói nhân-duyên mình đời quá-khứ). 7/ A-phù-đạt-ma (Adbhuta-dharma: Vị tằng-hữu: làm những sự hiếm có). 8/ A-ba-đà-na (Avadàna: Thí-dụ). 9/ Ưu-bà-đề-xa (Upadesa: luận nghĩa). 10/ Ưu-đà-na (Uda-na: tự-thuyết: tự Phật nói, không đợi ai hỏi). 11/ Tỳ-phật-lược (Vaipulya: phương-quảng: văn nói về chân-lý phương-chính, quảng-đại, tức là Đại-thừa-giáo). 12/ Hòa-già-la (Vyàkarana: thụ-ký).
[21] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, đến chỗ “thoái-chuyển”, đức Phật quá thương chúng-sinh muốn cho chúng-sinh chóng bỏ tà-kiến chóng ngộ chân-tâm, Ngài liền thuyết thần-chú, dạy kết-ấn, để trợ-duyên cho người tu-hành về môn quán tâm này. XI.- PHẨM PHÁT BỒ-ĐỀ-TÂM [1]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn đã được “quán-đỉnh bảo-quan” của hết thảy Như-Lai, vượt qua ba cõi; đã viên-mãn được Đà-ra-ni tự-tại, đã chứng viên-mãn được Tam-ma-địa tự-tại, thành-thục tốt-đẹp Nhất-thiết-trí-trí, Nhất-thiết-chủng-trí và hay làm được mọi sự sai biệt đối với hữu-tình. [2]
Khi đức Thế-Tôn vì các chúng-sinh tuyên-thuyết về diệu-môn “Quán tâm” rồi, Ngài bảo Đại-bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: “Đại-thiện-nam-tử! Tôi đã vì chúng-sinh nói về “tâm-địa” rồi, nay Tôi lại sẽ nói về “Phát bồ-đề-tâm đại-đà-ra-ni”, để cho các chúng-sinh phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác, mau viên-mãn được diệu-quả”. [3]
Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói “Quá-khứ đã diệt, vị-lai chưa đến, hiện-tại không trụ, hết thảy tâm-pháp có trong ba đời, bản-tính của nó đều không, vậy tâm bồ-đề kia, nói vào cái gì mà gọi là “phát”? Lành thay, Thế-Tôn! Xin Ngài vì tất cả mà giải-thuyết cho, để cho tất cả dứt bỏ được các màn lưới ngờ-vực, mà đạt tới nơi Bồ-đề!”
Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ: “Thiện-nam-tử! Trong các tâm-pháp khởi ra mọi tà-kiến; vì muốn dứt trừ sáu mươi hai kiến, cùng mọi thứ tà-kiến khác, nên Tôi nói tâm, tâm-sở-pháp là “không”; như thế, là các “kiến” kia không còn chỗ nương-tựa nữa. Ví như rừng-rú xanh-tốt kín-mít, sư-tử, voi trắng, hùm, beo, thú dữ… lẩn ở trong ấy nhả độc hại người, làm cho vắng-bặt dấu-vết người đi. Lúc đó, có bậc trí-giả đem lửa đốt rừng; vì rừng trống, các thú dữ không còn sót lại. “Tâm” không, “kiến” diệt, cũng như thế!” [4]
Lại, thiện-nam-tử! Bởi nhân-duyên gì lập ra nghĩa “không” ấy? – Vì muốn diệt phiền-não từ vọng-tâm sinh ra mà nói là “không”. Thiện-nam-tử! Nếu chấp “không-lý” là cái “hữu” (có) cứu-cánh, thời ngay “không-tính” cũng không; chấp “không” thành bệnh, cũng nên trừ bỏ! Sao vậy? – Nếu chấp nghĩa “không” là cứu-cánh, các pháp đều không nhân, không quả, thời có khác gì với ngoại-đạo: Lộ-già-gia-đà (Thuận-thế ngoại-đạo)? Thiện-nam-tử! Như thuốc A-già-đà (bất-tử-dược) chữa khỏi các bệnh, nếu người có bệnh uống thuốc ấy quyết khỏi; bệnh đã khỏi rồi, thuốc cũng theo bệnh mà bỏ và nếu không có bệnh mà uống thuốc, thuốc trở lại thành bệnh. Thiện-nam-tử! Trước đặt ra thuốc “không” là để trừ bệnh “hữu” (có); chấp “hữu” thành bệnh, thời chấp “không” cũng thế. Ai là bậc trí-giả lại uống thuốc để mang bệnh? Thiện-nam-tử! Nếu khởi ra “hữu-kiến”, còn hơn khởi ra “không-kiến”; có thuốc “không” trị bệnh “hữu”, chứ không có thuốc nào trị bệnh “không” cả. [5]
Thiện-nam-tử! Bởi nhân-duyên ấy, uống thuốc “không” trừ tà-kiến rồi, tâm tự giác-ngộ, phát ra bồ-đề, tâm giác-ngộ ấy tức là tâm bồ-đề, chứ không có hai tướng. Thiện-nam-tử! Tâm tự giác-ngộ có bốn nghĩa. Những gì là bốn? – Các phàm-phu có hai tâm, chư Phật, Bồ-tát có hai tâm. Thiện-nam-tử! Hành-tướng hai tâm của phàm-phu thế nào? – Một là, từ nhãn-thức cho đến ý-thức, nhân-duyên tự-cảnh là “tự-ngộ-tâm”. Hai là, lìa tâm, tâm-sở-pháp của năm căn, hòa-hợp duyên cảnh là “Tự-ngộ-tâm”. Thiện-nam-tử! Hai tâm như thế hay phát bồ-đề! Thiện nam-tử! Hành-tướng hai tâm của Thánh-hiền thế-nào? – Một là, quán chân-thực-lý-trí. Hai là, quán nhất-thiết-cảnh-trí. Thiện-nam-tử! Bốn nghĩa như thế là “tự-ngộ-tâm”. [6]
Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Tâm không có hình-tướng cũng không có chỗ ở, người phàm-phu tu-hành khi tối-sơ phát-tâm, phải y vào những chỗ nào và quán những tướng gì?”
Đức Phật bảo: “Thiện-nam-tử! Chỗ quán tâm-tướng bồ-đề của phàm-phu, phải quán như là vành trăng tròn đầy trong sạch sáng-sủa đứng yên trên ngực. Nếu muốn mau được “bất-thoái-chuyển”, khi ở nơi A-lan-nhã và nhà không-tịch cần phải đoan-thân, chính-niệm, kết Kim-cương phọc-ấn của Như-Lai như trước, nhắm mắt quán-sát mặt trăng sáng giữa ngực và suy-nghĩ rằng: “Vành trăng tròn đầy này to lớn năm mươi do-tuần, sáng-sủa thanh-tịnh, trong, ngoài lắng suốt, không chút bụi nhơ và trong mát rất mực”. Mặt trăng tức là tâm, tâm tức là mặt trăng, vết trần không nhiễm thời vọng-tưởng không sinh, khiến cho thân-tâm chúng-sinh thanh-tịnh, tâm đại-bồ-đề bền-vững không thoái. Kết tay ấn ấy và trì-niệm quán-sát chương-cú (thần-chú) vi-diệu đại-bồ-đề-tâm, là “thanh-tịnh chân-ngôn” của hết thảy Bồ-tát khi tối-sơ phát-tâm: “Úm, bồ-địa, thất đa, mưu chí ba, đà gia, nhị”. Đà-ra-ni này đủ uy-đức lớn, khiến cho người tu-hành không bị thoái-chuyển. Hết thảy Bồ-tát trong quá-khứ, vị-lai, hiện-tại khi tại nhân-địa phát sơ-tâm, đều chuyên trì-niệm chân-ngôn này, mà vào được nơi bất-thoái và mau viên-thành chính-giác. [7]
Thiện-nam-tử! Khi người tu-hành kia đoan-tâm chính-niệm, đều không rung-động gì cả, chỉ để tâm vào vành trăng, quán-sát thành-thục, thế gọi là “Bồ-tát quán bồ-đề tâm thành Phật tam-muội”. Nếu có phàm-phu tu được quán ấy, trước kia gây ra năm tội nghịch, bốn tội trọng (sát, đạo, dâm, vọng), thập-ác và bất-tín, các tội ấy đều tiêu-diệt hết và liền được năm thứ Tam-ma-địa-môn. Những gì là năm? – Một là, Sát-na tam-muội. Hai là, Vi-trần tam muội. Ba là, Bạch-lũ tam-muội. Bốn là, Khởi-phục tam-muội. Năm là, An-trụ tam-muội. Thế nào gọi là Sát-na tam-muội? – Nghĩa là chỉ tạm thời an-trụ tưởng-niệm vào mặt trăng tròn đầy mà thôi, ví như con khỉ, thân bị buộc, xa không đi được, gần không dừng được, nhưng chỉ khi đói khát quá, nó mới dừng nghỉ được chốc lát mà thôi. Phàm-phu quán tâm cũng như thế mới được tam-muội (chính-định) trong tạm thời chốc lát, nên gọi là “sát-na”. Thế nào gọi là Vi-trần tam-muội? – Nghĩa là đối với tam-muội đã tương-ứng được ít phần, ví như có người tự mình thường ăn đồ đắng, chưa từng được ăn đồ ngọt bao giờ, trong một thời kia được nếm một chút mật vào lưỡi, người ấy vui-mừng quá, càng sinh hăng-hái mong cầu được nhiều mật. Người tu-hành ấy, qua nhiều kiếp ăn những vị đắng mà nay cho được vị tam-muội (chính-định) ngon-ngọt, đã tương-ứng được ít phần nên gọi là “vi-trần” (bụi nhỏ). Thế nào gọi là Bạch-lũ tam-muội? – Nghĩa là, người phàm-phu từ thời vô-thủy cho đến hết thuở vị-lai, nay được định này, ví như nhuộm vải đen, trong nhiều màu đen thấy được một sợi tơ trắng (bạch-lũ). Người tu-hành ấy, ở trong nhiều đêm sinh-tử tăm tối, nay mới được tam-muội (chính-định) bạch-tịnh (trong-trắng), nên gọi đấy là “bạch-lũ”. Thế nào gọi là Khởi-phục tam-muội? – Nghĩa là, người tu-hành quán tâm chưa thành-thục, hoặc khéo thành-lập hay chưa khéo thành-lập, tam-muội (chính-định) như thế còn là cao, thấp nên gọi là “khởi-phục” (nhô lên, giẹp xuống). Thế nào gọi là An-trụ tam-muội? –Nghĩa là tu bốn định trước, tâm được an-trụ và khéo giữ-gìn được, không nhiễm vào các trần, như người trong mùa hè đi qua cõi sa-mạc xa-xăm, chịu đủ mọi sự tai-độc, tâm khát thiếu quá, hầu như không chịu nổi được nữa, bỗng gặp được dòng nước ngọt của núi Tuyết, như vị tô-đà [8] cõi thiên, mau khỏi được nhiệt-não, thân-tâm được thư-thái, nên định ấy gọi là “an-trụ”. Nhập định ấy rồi, xa-lìa hoặc-chướng, nẩy mầm vô-thượng bồ-đề, chóng lên công-đức Thập-địa của Bồ-tát.
Bấy giờ, trong pháp-hội, vô-lượng Nhân, Thiên được nghe Đại-đà-ra-ni sâu rộng không thể nghĩ bàn này, là mẹ đẻ của Bồ-tát, thời chín vạn tám nghìn Bồ-tát chứng được Hoan-hỷ-địa, vô-lượng chúng-sinh phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác.[9] Chú thích:
[1] Phát Bồ-đề-tâm: “Bồ-đề” là “giác-đạo”, là đạo chính-chân vô-thượng. Người phát tâm cầu đạo chính-chân vô-thượng ấy là “Phát Bồ-đề-tâm”.
[2] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “hữu-tình”, nói về đức Phật hiển-thị Phật-thân, giáo-hóa hàng Thập-địa Bồ-tát: 1/ Hàng Thập-địa tu tiến đã cao, không lâu sẽ chứng-ngộ Phật-quả, đức Phật đội mũ báu quán-đỉnh (quán-đỉnh bảo-quan), biểu-hiện các Bồ-tát sẽ thành vô-thượng-giác được thân-tướng trang-nghiêm, như Thái-Tử khi lên ngôi vua được làm phép Quán-đỉnh. Và, sau khi chứng-ngộ, được an-trụ tại nơi thanh-tịnh trang-nghiêm, vượt ngoài 3 cõi. 2/ Hàng Thập-địa Bồ-tát do sự tu-tiến sẽ được đầy-đủ các công-đức về Đà-ra-ni-môn, Tam-muội-môn…, để diệt-trừ các ngu-chướng vi-tế, thành sự-nghiệp tự, tha lưỡng lợi rộng lớn. 3/ Phật-thân đầy-đủ phúc-đức, trí-tuệ. Phần trí-tuệ hoàn-toàn cả căn-bản-trí và hậu-đắc-trí (Nhất-thiết trí-trí, Nhất-thiết chủng-trí), soi thấu hết thảy, hiểu biết cùng-tận nghiệp-tính chúng-sinh, tùy căn-cơ chúng-sinh, đem lợi-ích cho họ. Thập-địa Bồ-tát chứng được Phật-trí cũng như vậy.
[3] Đoạn trên, từ chữ “Khi”, tới chữ “quả”, đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù là Ngài sẽ nói về “Phát bồ-đề-tâm”.
[4] Đoạn trên, từ chỗ “Lúc đó”, tới chỗ “như thế”, Bồ-tát Văn-thù hỏi Vặn Phật về tâm đã không còn, lấy đâu mà phát? Đức Phật dạy: sở-dĩ cho tâm-pháp là không, là vì muốn diệt-trừ những kiến-chấp, như rừng trống, thú dữ sẽ không còn.
[5] Đoạn trên, từ chữ “Lại”, đến chữ “cả”, đức Phật phá “chấp không”, vì “chấp không” vẫn còn là chấp và, “chấp không” còn nặng hơn “chấp có”, vì không có thuốc nào chữa được bệnh “không” cả.
[6] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử” đến chỗ “tự-ngộ-tâm”, nói: bỏ chấp không, trừ tà-kiến, đạt nghĩa “bất không”, là tâm tự-giác-ngộ, tức là “phát bồ-đề” và tức là “tâm bồ-đề”. Tâm tự giác-ngộ chia làm 2 hạng: phàm và Thánh. A.- Hạng phàm: 1/ Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý-thức khi liên-lạc với tự-cảnh-giới hiện tiền, vẫn giữ y-nguyên thanh-tịnh, không phân-biệt, chấp-trước, đó là tự-giác-ngộ-tâm. 2/ Trong khi nhập-định, Ý-thức xa-lìa cả 5 căn, cảnh, chỉ chuyên liên-lạc với cảnh-giới hiện-tiền trong định, đó là tự-giác-ngộ-tâm. B.- Hiền-thánh: “Hiền” là chỉ vào các hàng Bồ-tát: Thập trụ, Thập-hạnh, Thập-hướng và Gia-hạnh. “Thánh” là chỉ vào các Bồ-tát Thập-địa. Bậc Hiền-thánh tự-giác-ngộ-tâm do: 1/ Dùng trí-tuệ quán chân-thực-lý, tức là quán về “như-lý-trí” (thực-trí), nghĩa là dùng chân-trí quán thấu lý-tính chân-thực của các pháp. 2/ Dùng trí-tuệ quán nhất-thiết-cảnh-trí, tức là quán về “như-lượng-trí”, nghĩa là đem tục-trí, quán thông vào sự-tướng của các pháp.
[7] Đoạn trên, từ chỗ ‘Lúc đó”, đến chỗ “chính-giác”, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật về người mới phát tâm tu-hành nên y vào đâu và quán gì? Đức Phật dạy: nên kết-ấn Kim-cương-phọc, đọc chú Thanh-tịnh và quán mặt trăng ngay giữa ngực. Vì, mặt trăng tức là tâm. Các Bồ-tát trong 3 đời đều quán như thế.
[8] Tô-đà: Một món ăn ngon và có ý-vị khác thường. Bộ Pháp-uyển châu-lâm viết: “Chư thiên cõi Dạ-ma thường dùng chén ngọc uống rượu, ăn món ăn Tô-đà, sắc, xúc, hương, vị đều đầy-đủ.
[9] Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử! Khi người tu-hành”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói về người quán được tâm như thế sẽ được năm thứ định, diệt-trừ được hoặc-chướng và nẩy mầm Bồ-đề. Tới đây, đại-chúng nghe Phật nói về pháp-môn này, đều được hưởng phần lợi-ích. XII.- PHẨM THÀNH PHẬT [1]
Bấy giờ, đức Thế-Tôn an-trụ trong pháp-giới thanh-tịnh, ba đời bình-đẳng, không trước không sau, bất-động ngưng lặng, thường không đoạn hết. Ánh sáng đại-trí soi khắp thế-giới. Phương-tiện thiện-sảo biến-hiện thần-thông, hóa-độ mười phương quốc-độ, đâu cũng cùng khắp. [2]
Khi ấy, đức Thế-Tôn bảo Đại-bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: “Người tu-hành Du-già [3] quán vành trăng rồi, nên quán ba pháp đại-bí-mật. Những gì là ba? – Một là, tâm-bí-mật. Hai là, ngữ-bí-mật. Ba là, thân-bí-mật. Thế nào gọi là tâm-bí-mật-pháp? – Người tu-hành Du-già, quán trong mặt trăng tròn đầy sinh ra cái chầy Ngũ cổ kim-cương [4] sắc vàng, ánh sáng rực-rỡ như vàng chảy, phóng ra vô-số ánh-sáng trắng lớn; lấy sự ấy mà quán-sát gọi là “tâm-bí-mật”. Thế nào gọi là ngôn-ngữ bí-mật? – “Úm, địa thất-đa bà nhĩ-la”. Đà-ra-ni ấy đủ uy-lực lớn, là chân-ngôn của hết thảy Bồ-tát thành Phật, thế nên gọi là “ngữ-ngôn bí-mật”. Thế nào gọi là “thân-bí-mật-pháp”? – Ở trong đạo-tràng, đoan thân, chính-niệm, tay kết “Dẫn-đạo vô-thượng bồ-đề tối đệ nhất ấn”, [5] đặt giữa tâm-nguyệt-luân nơi ngực.
Thiện-nam-tử! Tôi sẽ vì ông nói về tướng-dáng của ấn ấy: Trước tiên lấy hai ngón tay cái của hai bàn tay tả, hữu, đều đặt nó vào trong bàn tay tả, hữu và đều lấy ngón tay đầu (ngón tay chỏ) ngón tay giữa cùng ngón tay thứ tư (ngón tay đeo nhẫn) của bàn tay tả, tay hữu, rồi nắm chặt lấy ngón tay cái, làm thành nắm tay, tức là “Kiên-lao kim-cương quyền-ấn”. Sau, không đổi nắm tay, chỉ duỗi một ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của bàn tay tả, thẳng lên hư-không, rồi đem nắm tay tả ấy đặt trên trái tim; ngón tay út của nắm tay hữu nắm chặt lấy một đốt ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của nắm tay tả, sau lại lấy đầu ngón tay đầu (ngón tay chỏ) của nắm tay hữu, chỉ vào một đốt ngón tay cái của nắm tay hữu. Và, cũng để trước trái tim, thế gọi là “Dẫn-đạo vô-thượng bồ-đề đệ nhất trí-ấn”, cũng gọi là “Năng diệt vô-minh hắc-ám đại-quang-minh ấn”. [6] Bởi kết ấn ấy, có sức gia-trì, nên được chư Phật mười phương thoa đầu hành-giả và trao cho “Đại-bồ-đề thắng quyết-định ký”, là “Đại-tỳ-lư-già-na Như-Lai vô-lượng phúc-tụ đại-diệu trí-ấn”. [7]
Khi hành-giả kết ấn ấy rồi, liền làm quán này: “Hết thảy chúng-sinh cùng kết ấn này, trì-niệm chân-ngôn, mười phương thế-giới không bị quả-khổ trong ba đường ác và tám nạn, mà cùng được hưởng pháp-lạc thanh-tịnh thứ nhất. Nay trên đầu ta có mũ đại-bảo, trong mũ thiên-quan ấy năm đức Phật Như-Lai ngồi kết gia-phu, ta là Tỳ-lư-già-na Như-Lai, đầy-đủ viên-mãn ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, phóng ra hào-quang sáng lớn soi khắp mười phương, đem lại lợi-ích an-vui cho hết thảy chúng-sinh”. Quán-sát như thế gọi là “Nhập Tỳ-lư-già-na Như-Lai tối-thắng tam-muội”. [8]
Ví như có người ngộ được quán-môn “Ca-lư” vi-diệu, tự làm quán này: “Thân ta tức là thân chim Kim-sí đầu đàn, tâm, ý, ngữ-ngôn cũng lại như thế. Dùng sức quán ấy làm tiêu-tan thuốc độc, hết thảy ác-độc không làm hại được”. Người phàm-phu tu-hành cũng như thế, ngồi kiểu ngồi hàng-phục, thân không rung-động, tay kết trí-ấn, mật-niệm chân-ngôn, tâm nhập quán này, diệt được ba độc, tiêu-trừ nghiệp-chướng, tăng-trưởng phúc-trí, và những nguyện ở thế-gian hay xuất-thế-gian mau được viên-mãn; tám vạn bốn nghìn các phiền-não-chướng không hiện-khởi được, Hằng-hà-sa sở-tri-chướng cực-trọng dần dần tiêu-diệt, vô-lậu đại-trí: “năng đoạn kim-cương Bát-nhã ba-la-mật” viên-mãn hiện-tiền, chóng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [9]
Lúc đó, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: “Đức Thế-Tôn hiếm có! Đấng Thiện-Thệ hiếm có! Đức Như-Lai ra đời còn hiếm có hơn hoa Ưu-đàm, và giả-sử Ngài ra đời mà nói ra pháp này cũng khó. Ba pháp bí-mật vô-thượng pháp-luân của tâm-địa như thế, thực là lợi-lạc cho hết thảy chúng-sinh, là đường chính chân-thực vào Như-Lai-địa và Bồ-tát-địa. Nếu có chúng-sinh nào không tiếc thân-mệnh mà tu-hành pháp ấy sẽ chóng chứng được Bồ-đề. [10]
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: “Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào muốn tu-tập được ba diệu-môn bí-mật thành Phật, sớm được thân công-đức của Như-Lai, nên mặc ba mươi hai thứ áo giáp đại-kim-cương của Bồ-tát mà tu diệu-quán ấy, thời quyết chứng được pháp-thân thanh-tịnh của Như-lai.
Những gì là ba mươi hai thứ áo giáp ấy?- Một là, mặc áo đại-giáp thụ-khổ: ở trong vô-lượng kiếp vì chúng-sinh chịu khổ mà không chán sinh-tử. Hai là, mặc áo đại-giáp bất xả: thề độ vô-lượng hữu-tình cho đến con sâu, con kiến cũng không bỏ. Ba là, mặc áo đại-giáp bí-mật: giác-ngộ chúng-sinh trong giấc mộng dài sinh-tử, an-trí họ vào ba pháp bí-mật. Bốn là, mặc áo đại-giáp hộ-pháp: ủng-hộ Phật-pháp trong hết thảy thời cũng như vang ứng tiếng. Năm là, mặc áo kim-cương đại-giáp: diệt hẳn sự khởi lên hai kiến “hữu, vô” (có, không) và hết thảy phiền-não. Sáu là, mặc áo đại-giáp năng-xả: dù đầu, mắt, tủy, óc, vợ, con, ngọc báu…có người lại xin đều xả cả. Bảy là, mặc áo đại-giáp năng-thí: hết thảy đồ vui mà trong nhà hưởng-thụ, quyết không tham-trước, đem cho tất cả. Tám là, mặc áo đại-giáp năng-trì: hay giữ tam-tụ-tịnh-giới của Bồ-tát và không rời bỏ hạnh Đầu-đà. Chín là, mặc áo đại-giáp nhẫn-nhục: mặc áo nhẫn-nhục, gặp các duyên trái ngược như hủy-mạ, đánh-đập…vẫn không báo-thù lại. Mười là, mặc áo đại-giáp hồi tâm: giáo-hóa những bậc Duyên-giác, Thanh-văn, khiến họ hồi tâm đi về Nhất-thừa. Mười một là, mặc áo đại-giáp tinh-tiến: tinh-tiến độ các hữu-tình, ví như gió lớn ngày đêm không ngừng. Mười hai là, mặc áo đại-giáp tu-hành giải-thoát tam-muội: thân-tâm tịch-tĩnh, miệng không phạm lỗi. Mười ba là, mặc áo đại-giáp bình-đẳng: làm lợi-ích chúng-sinh, coi sinh-tử và Niết-bàn không có hai thiên-kiến. Mười bốn là, mặc áo đại-giáp dữ lạc (cho vui): đem vô-duyên đại-từ, làm lợi-ích mọi loài, luôn luôn không chán bỏ. Mười lăm là, mặc áo đại-giáp bạt-khổ (nhổ khổ): đem vô-ngại đại-bi, cứu-nhiếp hết thảy, không có hạn-lượng. Mười sáu là, mặc áo đại-giáp đại-hỷ (rất vui): đối với các chúng-sinh không oán-kết, luôn luôn làm việc lợi-ích. Mười bảy là, mặc áo đại-giáp đại-xả (bỏ hết): tuy làm hạnh khổ không sợ nhọc-mệt, luôn luôn không thoái-chuyển. Mười tám là, mặc áo đại-giáp bất-yếm (không chán): chúng-sinh có sự đau-khổ lại nơi Bồ-tát, Bồ-tát chịu thay khổ cho chúng-sinh kia mà không chán-ngán. Mười chín là, mặc áo đại-giáp giải-thoát năng-kiến: sự xem trông rõ-ràng như xem quả A-ma-lặc [11] trong bàn tay, như thế là giải-thoát được sự thấy (năng-kiến). Hai mươi là, mặc áo đại-giáp vô-trước (không chấp-trước): thấy thân ngũ-uẩn như bọn Chiên-đà-la (đồ-tể), tổn-hại việc thiện. Hai mươi mốt là, mặc áo đại-giáp yếm-xả (chán bỏ): thấy mười hai nhập (6 căn, 6 trần) như làng xóm trống, thường mang lòng sợ-hãi. Hai mươi hai là, mặc áo đại-giáp đại-trí: thấy mười tám giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) cũng như huyễn-hóa, không có chân-thực. Hai mươi ba là, mặc áo đại-giáp chứng-chân (chứng lý chân-như): thấy hết thảy pháp, đồng trong pháp-giới, không thấy có mọi tướng sai-khác. Hai mươi bốn là, mặc áo đại-giáp xuất-thế: che điều ác của người, không dấu lỗi ác của mình, chán, bỏ ba cõi. Hai mươi lăm là, mặc áo đại-giáp hóa-độ: như đại-y-vương, hợp bệnh cho thuốc, Bồ-tát tùy-nghi mà diễn-hóa. Hai mươi sáu là, mặc áo đại-giáp quy nhất (về một): thấy chân-thể của Tam thừa kia vốn không khác, cứu-cánh đồng tâm quay về nơi một. (một chân-như pháp-giới, hay một Nhất-thừa Phật-quả). Hai mươi bảy là, mặc áo đại-giáp độ nhân (độ người): nối Tam-bảo-chủng, khiến không đoạn-tuyệt, quay xe diệu-pháp độ người. Hai mươi tám là, mặc áo đại-giáp tu-đạo: Phật đối với chúng-sinh có ân-đức lớn, vì muốn báo ơn Phật, cần tu Phật-đạo. Hai mươi chín là, mặc áo đại-giáp vô-cấu (không nhơ): quán bản-tính của hết thảy pháp không-tịch, không sinh, không diệt, không nhơ. Ba mươi là, mặc áo đại-giáp vô-ngại (không ngăn-ngại): ngộ Vô-sinh-nhẫn, được Đà-ra-ni, nhạo-thuyết biện-tài vô-ngại. Ba mươi mốt là, mặc áo đại-giáp, rộng hóa hữu-tình khiến họ được ngồi dưới cây Bồ-đề, chứng Phật-quả nhất-vị. Ba mươi hai là, mặc áo đại-giáp, trong một sát-na tâm tương-ứng với bát-nhã (Phật-trí), chứng-ngộ đại-pháp vô-dư trong ba đời. Thế gọi là ba mươi hai thứ Kim-cương đại-giáp của Đại-bồ-tát.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ! Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào thân mặc giáp-trụ kim-cương như thế, nên chăm tu-tập ba pháp bí-mật, trong đời hiện-tại đủ phúc-trí lớn, mau chứng được vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề. [12]
Khi ấy, đại-thánh Văn-thù-sư-lỵ Bồ-tát ma-ha-tát cùng đại chúng nghe đức Phật nói về ba môn bí-mật tâm-địa diệu-pháp và ba mươi hai thứ kim-cương giáp-trụ, hết thảy Bồ-tát ở nơi cần học (hữu-học-địa), đều cổi những chuỗi ngọc, áo báu vô-giá, cúng-dàng lên Tỳ-lư-già-na Như-Lai cùng các Thế-Tôn trong mười phương mà tán-thán Phật rằng: “Lành thay, lành thay! Thế-Tôn diễn nói vô-biên hành-nguyện của Bồ-tát, đem lại lợi-ích an-lạc cho hết thảy chúng-sinh, bỏ thân phàm-phu, chứng-nhập Phật-địa. Nay chúng tôi ở trong hải-hội đại-chúng này, vì báo ơn Phật không tiếc thân-mệnh và vì các chúng-sinh xin vào khắp các quốc-độ, phân-biệt diễn nói pháp vi-diệu này cùng thụ-trì, đọc tụng, viết chép lưu-bá, khiến diệu-pháp này không đoạn-tuyệt. Kính xin Như-Lai xa xa rủ lòng hộ-niệm!”
Đại-hội nghe diệu-pháp ấy được lợi-ích lớn, vô số Bồ-tát không thể kể xiết đều chứng-ngộ được ngôi Bất-thoái và hết thảy Nhân, Thiên đều được thắng-lợi. Cho đến hết thảy hữu-tình trong năm thú, dứt bỏ được các trọng-chướng, được vô-lượng sự an-vui và đều sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác.[13] Chú thích:
[1] Thành Phật: Nhân-vị Bồ-tát do tu muôn hạnh, rốt-ráo thành-tựu Phật-quả vô-thượng chính-đẳng chính-giác, gọi là “thành Phật”. Thành Phật có 4 bậc: 1/ Tín-mãn thành Phật: Y vào sự quyết-định nơi chủng-tính (hạt giống sẵn có), tin các pháp không sinh-diệt, thanh-tịnh, bình-đẳng, không thể nguyện-cầu, đó là “Tín-mãn thành Phật”. 2/ Giải-mãn thành Phật: Y vào nơi giải-hành (hiểu biết tu-hành), hiểu sâu về pháp-tính là không tạo-tác, không khởi ra tưởng sinh-tử, không khởi ra tưởng Niết-bàn, tâm không sợ-hãi, cũng không vui mừng, đó là “Giải-mãn thành Phật”. 3/ Hành-mãn thành Phật: Y vào nơi cứu-cánh của Bồ-tát, trừ được hết thảy pháp-chướng vô-minh, nguyện-hành Bồ-đề đều đầy-đủ, đó là “Hành-mãn thành Phật”. 4/ Chứng-mãn thành Phật: Y nơi tịnh-tâm, được pháp-trí tịch-tĩnh vô-phân-biệt và những công-đức thắng-diệu không thể nghĩ, bàn được, đó là “Chứng-mãn thành Phật”.
[2] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “cùng khắp” trình bày về 3 thân của Phật: Từ chỗ “an-trụ” đến chữ “hết” nói về thể-dụng của Pháp-thân Phật. Pháp-thân Phật lấy pháp-giới-tính làm thân, pháp-giới-tính trong sạch, thường hằng, không phân-biệt. Câu “Ánh-sáng…” trình-bày về thể-dụng của Tự-thụ-dụng-thân Phật. Ánh-sáng trí-tuệ có được, do tu vô-lượng công-đức thành, thành rồi đem lại sự soi sáng cho tất cả, đó là viên-mãn Báo-thân Phật. Câu “Phương-tiện”…trình-bày về công-dụng của Tha-thụ-dụng-thân và Biến-hóa-thân. Phật vì giáo-hóa hàng Thập-địa, ứng-hiện Thụ-dụng-thân, độ các bậc Thánh khác và độ khắp chúng-sinh nên ứng-hiện ra Biến-hóa-thân.
[3] Du-già (Yoga): Có nghĩa là “tương-ứng” (ứng hợp nhau): nghĩa là người tu (quán) và pháp tu (quán) ứng-hợp nhau. Tương-ứng có 5 nghĩa: 1/ Cảnh tương-ứng: không trái với tự-tính của các pháp (sự-vật). 2/ Hành-tương-ứng: những công-hành về định, tuệ…ứng hợp nhau. 3/ Lý-tương-ứng: hợp với hai lẽ thực (đế-lý) của sự an-lập hay phi-an-lập. 4/ Quả-tương-ứng: chứng được quả vô-thượng bồ-đề. 5/ Cơ-tương-ứng: chứng quả viên-mãn rồi, làm việc lợi-sinh, cứu vật, ứng-hợp căn-cơ chúng-sinh mà cho thuốc. Theo chỗ tu, Duy-thức hay dùng “Lý-tương-ứng”, Mật-tôn thời dùng “Hành-tương-ứng”. Ngay câu “Du-già” trong chính-văn này cũng thuộc về “Hành-tương-ứng”. Hành-tương-ứng lấy tam-mật (3 pháp bí-mật: thân, khẩu, ý-mật) làm phương-châm.
[4] Ngũ cổ kim-cương: Còn gọi là “Ngũ trí kim-cương-chữ” nghĩa là cái chầy kim-cương có đầy-đủ diệu-lực của 5 trí, thành 5 đức Phật: 1/ Pháp-giới thể-tính-trí thành Đại-Nhật Như-Lai. 2/ Đại-viên-kính-trí thành A-xúc Như-Lai. 3/ Bình-đẳng-tính-trí thành Bảo-sinh Như-Lai. 4/ Diệu-quán-sát-trí thành Vô-lượng-thọ Như-Lai. 5/ Thành-sở-tác-trí thành Bất-không thành-tựu Như-Lai. Chữ “cổ” đây có nghĩa là chi, là loại. “Ngũ cổ kim-cương”, tức là 5 loại (hay 5 trí) kim-cương ở trên.
[5] Dẫn đạo…: Biểu-thị phương-pháp dắt-dẫn Bồ-tát tới chỗ thành Phật.
[6] Năng-diệt….Ý nói: dẫn-dắt Bồ-tát tới Bồ-đề, tức là đạt tới trí-tuệ viên-minh, do trí-tuệ này phá-diệt tận cùng những vô-minh si-ám.
[7] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, đến chỗ “trí-ấn”, đức Phật dạy người tu-hành cần phải thực hành tam-mật là tâm-bí-mật, ngữ-bí-mật và thân-bí-mật. Tâm-bí-mật quán-tưởng, ngữ-bí-mật đọc chú, thân-bí-mật kết-ấn. Thực hành được thế, được chư Phật mười phương ghi nhận là quyết-định thành Phật. Thành Phật tức là được đầy đủ phúc-đức và trí-tuệ, thể-nhập tất cả và soi sáng tất cả như Tỳ-lư-già-na Phật (Tỳ-lư-già-na có nghĩa là cùng khắp tất cả).
[8] Đoạn trên, từ chỗ “Khi hành-giả”, đến chỗ “tam-muội”, quán tự-thân là Phật, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh.
[9] Đoạn trên, từ chỗ “Ví như”, đến chỗ “chính-giác”, ví-dụ cho diệu-pháp thù-thắng. Quán-môn Ca-lâu-la (chim Kim-sí) của thế-gian làm tiêu-tan thuốc độc, thì diệu-quán này cũng như gươm trí-tuệ kim-cương đoạn diệt hết thảy tội-chướng phiền-não, thành vô-thượng-giác.
[10] Đoạn trên, từ chỗ “Lúc đó”, đến chỗ “Bồ-đề”, Bồ-tát Văn-thù tán-thán pháp-môn Phật nói và khuyên chúng-sinh thực-hành.
[11] A-ma-lặc (Amala): Tên một thứ quả của Ấn-độ, Tàu dịch là “Vô-cấu thanh-tịnh”.
[12] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ”, đến chỗ “Bồ-đề”, đức Phật dạy người tu-hành muốn tâm, ngữ, thân chóng thành-tựu, cần thực-hành 32 pháp. 32 pháp ấy coi như mặc 32 áo giáp kim-cương, hy-sinh cương-quyết chiến-đấu với tất cả phiền-não, để mình và chúng-sinh chóng đạt tới chỗ chứng-ngộ trí-tuệ cứu-cánh vô-dư của chư Phật trong ba đời.
[13] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, đến chỗ “chính-giác”, đại-chúng nghe Phật nói xong pháp-môn này, ai nấy đều vui mừng đem những đồ trân-bảo cúng-dàng lên chư Phật mười phương. Và, tán-thán, phát-nguyện: “phân-thân truyền-bá pháp-môn này.” Trong đại-hội được nhiều lợi-ích lớn. XIII.- PHẨM CHÚC-LỤY [1]
Bấy giờ, Đức Thích-Ca Mưu-Ni Như-Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ và vô số đại-chúng trong hải-hội rằng: “Tôi ở trong vô-lượng ức trăm nghìn đại-kiếp, không tiếc thân-mệnh, đầu mắt, tay chân, máu thịt, xương-tủy, vợ con, đất nước, thành-quách, hết thảy ngọc báu, có ai lại xin Tôi, Tôi đều đem bố-thí và Tôi tu-tập trăm nghìn hạnh khổ khó làm mà chứng được tâm-địa-quán-môn của Đại-thừa này. Nay Tôi đem pháp này phó-chúc cho các ông, các ông nên biết kinh rất sâu rộng này, các bậc được Thập-lực vô-thượng trong mười phương ba đời [2] đều tuyên thuyết. Kinh báu nhiệm-mầu tối-cực như thế, làm cho hữu-tình được mọi sự lợi-lạc. Trong tam-thiên đại-thiên thế-giới, quốc-độ chư Phật trong mười phương này, có vô-biên các loại hữu-tình, chúng-sinh trong bàng-sinh, ngã-quỷ, địa-ngục, do nhờ sức uy-thần, công-đức thù-thắng của kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán này, mà làm cho họ khỏi các khổ-não, được hưởng sự an-vui. Năng-lực của kinh và phúc-đức khó nghĩ bàn được như thế, làm cho đất nước sở-tại vui-thịnh, không có oán-địch. Ví như có người được ngọc Như-ý để trong nhà, hay sinh ra hết thảy đồ vui nhiệm-mầu, kỳ-lạ; kinh báu nhiệm-mầu này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui vô-tận. Cũng như cái trống Mạt-ni trên cõi trời Tam-thập-tam thiên (Đao-lỵ-thiên) hay phát ra trăm nghìn âm-thanh, làm cho thiên-chúng ở đấy hưởng-thụ mọi sự khoái-lạc; trống pháp của kinh này cũng như thế, hay làm cho quốc-giới được an-vui tối-thắng. Bởi nhân-duyên ấy, đại-chúng các ông trụ trong đại-nhẫn-lực mà lưu-thông kinh này!” [3]
Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai hiếm có! Đấng Thiện-thệ hiếm có! Nên Ngài mới nói ra kinh Đại-thừa Tâm-Địa-Quán nhiệm-mầu sâu-rộng này, đem lại lợi-ích rộng lớn cho người tu-hành Đại-thừa. Dạ, bạch Thế-Tôn! Kinh này thực là sâu-nhiệm! Vậy, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào thụ-trì kinh này, cho đến chỉ một bài bốn câu kệ, thời những người như thế được bao nhiêu phúc?”
Đức Thế-Tôn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lỵ rằng: “Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào trong Hằng-hà-sa tam-thiên đại-thiên thế-giới đầy-dẫy bảy báu mà họ dùng đem cúng-dàng chư Phật ở mười phương; họ vì mỗi một đức Phật tạo-lập một tinh-xá bằng bảy-báu trang-nghiêm, đặt để đồ cúng-dàng Phật và Bồ-tát đủ Hằng-sa kiếp; các Như-Lai kia còn có vô-lượng đệ-tử Thanh-văn, họ cũng đem cúng-dàng các vị ấy hết thảy những đồ cần-dùng, như cúng Phật không khác. Các đức Phật và các vị Thanh-văn như thế sau khi nhập Niết-bàn, họ lại xây bảo-tháp lớn, cúng-dàng xá-lỵ. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào tạm nghe và tin, hiểu một bài bốn câu kệ trong kinh Tâm-Địa này, phát tâm Bồ-đề, thụ-trì, đọc, niệm, giải-thuyết, viết chép, cho đến hết sức ít là vì một người mà nói cho họ nghe, đem những công-đức cúng-dàng kia, so-sánh với công-đức thu được về thuyết kinh này, thời trong mười sáu phần kia cũng không bằng một phần này và cho đến toán-số, thí-dụ cũng không thể sánh-kịp được, huống là người thụ-trì, đọc tập đầy-đủ và rộng-rãi vì người mà nói, thời chỗ phúc-lợi thu về không thể hạn-lượng được.
Nếu có nữ-nhân phát tâm bồ-đề, thụ-trì, học tập, viết chép, giải-thuyết kinh Tâm-Địa này, nữ-nhân ấy chỉ phải làm thân nữ-nhân lần tối-hậu này thôi, sau đây không phải chịu thân nữ-nhân nữa và không phải sa-đọa vào ác-đạo cùng tám nạn. Và, thân trong đời này cảm được mười phúc thắng-lợi: Một là, thọ-mệnh tăng thêm. Hai là, trừ mọi bệnh não. Ba là, diệt-trừ nghiệp-chướng. Bốn là, phúc-đức trí-tuệ tăng bội. Năm là, không thiếu tiền của. Sáu là, da-dẻ mịn-bóng. Bảy là, được người yêu kính. Tám là, được con hiếu-dưỡng. Chín là, quyến-thuộc hòa-mục. Mười là, thiện-tâm bền-vững. [4]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Ở nơi này, nơi khác, nếu ai hoặc đọc tập, hoặc phúng-tụng, hoặc giải-thuyết, hoặc viết chép kinh này thời chỗ để kinh quyển này tức là tháp Phật, hết thảy Thiên, Nhân, phi-nhân…nên đem những đồ trân-bảo quý nhất trong nhân-gian, thiên-thượng mà cúng-dàng nơi ấy. Sở-dĩ thế là sao?- Vì, nơi để kinh sách này tức là có Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn ở đó. Sao vậy?- Vì, hết thảy Như-Lai tu-hành kinh này, bỏ thân phàm-phu, được vô-thượng chính-đẳng chính-giác, hết thảy Hiền-thánh cũng đều từ kinh này mà được giải-thoát. [5]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Sau khi Tôi nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc chính-pháp sắp diệt, nếu có Pháp-sư [6] nào thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép kinh Tâm-Địa này, là kinh đứng đầu trong mọi kinh, thời Pháp-sư ấy cùng Tôi không khác. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào cúng-dàng, tôn-trọng vị Pháp-sư ấy, tức là cúng-dàng hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời và phúc-đức được hưởng, đều bình-đẳng như một không hai. Thế gọi là “Chân-pháp cúng-dàng Như-Lai” và như thế gọi là “Chính-hạnh cúng-dàng”. Sở-dĩ thế là sao?- Vì, vị Pháp-sư ấy, ở trong thời-gian không có Phật, vì chúng-sinh tà-kiến trong đời ác-trược mà diễn nói ra Tâm-Địa kinh-vương rất sâu rộng này, khiến chúng-sinh bỏ ác-kiến, đi về đạo Bồ-đề và tuyên-truyền, lưu-bá rộng-rãi, làm cho giáo-pháp này lâu bền tại thế-gian. Như thế gọi là “Vô-tướng hảo Phật” (vị Phật không có tướng tốt), hết thảy Nhân, Thiên đều nên cúng-dàng. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào chắp tay cung-kính vị Pháp-sư ấy, Tôi thụ-ký cho Vô-thượng đại-bồ-đề và người ấy sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. [7]
Nếu người được nghe kinh Tâm-Địa này, vì báo tứ ân, phát tâm bồ-đề, hoặc tự mình viết, hay mượn người viết, hoặc đọc niệm thông-lợi, chỗ được phúc-đức của các người như thế, đem sức trí-tuệ của Phật mà tính lường là nhiều hay ít cũng không thể biết được đến đâu là biên-giới, những người ấy là con thực (chân-tử) của chư Phật. Hết thảy chư Thiên, Phạm-Vương, Đế-Thích, Tứ-đại-thiên-vương, năm trăm quyến thuộc Ha-lỵ-đế-mẫu, [8] Nễ-la-bạt-đa đại-quỷ-thần-vương (Đại-dược-xoa-thần), Long-thần tám bộ, [9] hết thảy các quỷ-thần nghe pháp ngày đêm không rời và thường sẽ ủng-hộ. Phật-tử như thế, tăng-trưởng chính-niệm, trí-tuệ, cùng biện-tài vô-ngại và thường thường giáo-hóa chúng-sinh, khiến họ vun-trồng nhân Phật. [10]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân như thế khi sắp mất, hiện-tiền được thấy chư Phật mười phương, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không loạn. Bắt đầu được mười thứ thân-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, thân không thụ khổ. Hai là, ngươi mắt không lộ. Ba là, tay không cựa-cậy. Bốn là, chân không co, duỗi. Năm là, đại, tiểu-tiện không rỉ ra. Sáu là, thân-thể không toát bồ-hôi. Bảy là, không sờ mó ngoài. Tám là, nắm tay xòe mở. Chín là, nét mặt không đổi. Mười là, quay nghiêng tự-như. Do năng-lực của kinh mà có những tướng như thế! Thứ nữa được mười thứ ngữ-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, nói ra lời nói nhiệm-mầu. Hai là, nói ra lời nói dịu-dàng. Ba là, nói ra lời nói tốt-lành. Bốn là, nói ra lời nói thích nghe. Năm là, nói ra lời nói tùy-thuận. Sáu là, nói ra lời nói lợi-ích. Bảy là, nói ra lời nói uy-đức. Tám là, nói ra lời nói không trái với họ-hàng. Chín là, nói ra lời nói Nhân, Thiên yêu-kính. Mười là, nói ra lời nói khen-ngợi lời Phật nói. Lời nói thiện như thế, đều do nơi kinh này mà được! Sau nữa, được mười thứ ý-nghiệp thanh-tịnh. Những gì là mười?- Một là, không sinh giận-bực. Hai là, không mang lòng kết-hận. Ba là, không sinh tâm bỏn-sẻn. Bốn là, không sinh tâm ghen-ghét. Năm là, không nói lỗi ác. Sáu là, không sinh tâm oán-hận. Bảy là, không sinh tâm điên-đảo. Tám là, không tham mọi vật. Chín là, xa-lìa bảy thứ khinh-mạn. Mười là, mong-muốn chứng được hết thảy Phật-pháp, viên-mãn tam-muội. [11]
Ông Văn-thù-sư-lỵ! Những công-đức như thế, đều do năng-lực khó nghĩ, bàn được trong sự thụ-trì, đọc-tập thông-lợi, giải-thuyết, viết chép kinh sách sâu-nhiệm này. Kinh Tâm-Địa này, trong vô-lượng chỗ, trong vô lượng thời, có những chúng-sinh không được nghe, huống là được thấy và tu-tập đầy-đủ? Đại-hội các ông nên nhất tâm phụng-trì, sẽ chóng xả được thân phàm-phu, thành Phật-đạo.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vô-lượng Đại-bồ-tát, Trí-Quang Bồ-tát, nhiều vị Tân-phát-ý Bồ-tát, A-nhã-kiều-trần-như cùng nhiều vị Đại-thanh-văn, thiên, long tám bộ, nhân, phi-nhân-chúng, hết đều nhất tâm thụ-trì lời Phật và đều hoan-hỷ, tín-thụ phụng-hành. Chú thích:
[1] Chúc-lụy: Có nghĩa là giao-phó công việc đang làm cho người sau gánh-vác, duy-trì và phát-triển, mà công việc ấy làm cho người được giao-phó phải quan-tâm, bận-bịu (phiền-lụy) tới.
[2] Thập lực… Mười lực của Như-Lai: 1/ Trí-lực hiểu biết chỗ đúng đạo-lý hay không đúng đạo-lý của sự-vật. 2/ Trí-lực biết nhân-quả nghiệp-báo 3 đời của chúng-sinh. 3/ Trí-lực biết các môn thiền-định, giải-thoát tam-muội. 4/ Trí-lực biết các căn thắng (hơn), liệt (kém) của chúng-sinh. 5/ Trí-lực biết mọi tri-giải (sự hiểu biết) của chúng-sinh. 6/ Trí-lực biết mọi cảnh-giới của chúng-sinh. 7/ Trí-lực biết được chỗ sẽ đến của mọi đường (đạo). 8/ Trí-lực biết dùng Thiên-nhãn không chướng-ngại. 9/ Trí-lực biết túc-mệnh vô-lậu. 10/ Trí-lực biết dứt hẳn tập-khí.
Đây là chỉ về sự hiểu biết của chư Phật trong 10 phương ba đời.
[3] Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ” đến chỗ “kinh này”, đức Phật nói về sự tu-hành của Ngài trong nhiều kiếp Ngài mới chứng được quán-môn Tâm-địa này, nay Ngài giao-phó cho đại-chúng, nên nhẫn-nhục cố-gắng truyền-bá kinh này cho tất cả, trong khắp nơi, đừng để mất, vì kinh này ở đâu, đem lại nhiều sự an-lạc cho nơi ấy.
[4] Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy”, tới chỗ “bền vững”, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật về công-đức duy-trì kinh này, đức Phật dạy: “duy-trì kinh này được nhiều lợi-ích hơn cúng-dàng chư Phật, Bồ-tát, Thanh-Văn. Và, nếu nữ nhân nào duy-trì còn được thêm 10 thắng-lợi.”
[5] Đoạn trên, từ chỗ “Ở nơi này”, đến chỗ “giải-thoát”, đức Phật nói kinh này để ở đâu cũng như tháp Phật ở đó, nên cúng-dàng.
[6] Pháp-sư: Danh-từ tôn-xưng những vị tinh-thông Phật-pháp, khả-dĩ làm khuôn thước cho người.
[7] Đoạn trên, từ chỗ “Sau khi”, đến chỗ “chính-giác”, đức Phật nói về công-đức của vị Pháp-sư duy-trì kinh này rất lớn, nên cung-kính cúng-dàng, cũng như Phật.
[8] Ha-lỵ-đế-mẫu: Ha-lỵ-đế (Hariti), Tàu dịch là “Hoan-hỷ”. Ha-lỵ-đế-mẫu tức là quỉ tử-mẫu (mẹ con con thần-quỉ). Bộ-tỳ-nại-gia tạp-sự quyển 31 nói: “Xưa kia trong thành Vương-xá có một vị Độc-giác ra đời, mới thiết đại-hội. Trong ngày đại-hội có 500 người nghe biết, cùng nhau tới dự. Khi đi dọc đường họ gặp một người đàn bà chửa chăn bò, bưng thùng nhũ-lạc (sữa), họ rủ bà ấy đi dự hội. Bà kia đi theo. Tới nơi, thấy sự vui-vẻ, bà kia ra múa góp vui, không ngờ bị trụy thai. Thấy sự thể thế, những người kia bỏ đi, để mình bà đau-đớn, buồn rầu ở đó. Bà liền tìm bán thùng nhũ-lạc, mua được 500 quả Am-ma-la. Ngay lúc đó được vị Độc-giác tới thăm hỏi, an-ủi, bà liền đỉnh lễ, đem quả cúng-dàng và bà nguyện: “Tôi nguyện sau đây tôi sinh vào thành Vương-xá này ăn thịt hết những con của những người ở đây”. Do ác-nguyện ấy mà sau này bà ấy sinh làm con gái cả của quỉ Sa-la-dược-xoa, trong thành Vương-xá, kết-hôn với Bán-chi-ca dược-xoa, con trai cả của Bán-xoa-la dược-xoa nước Kiền-đà-la, sinh được 500 con, hàng ngày cứ bắt những con trai, con gái thành Vương-xá ăn thịt. Một hôm, đức Phật dùng phương-tiện giấu một đứa con của quỉ-nữ đó. Quỉ-nữ buồn rầu, thương-xót đi tìm, biết là ở bên Phật, vào xin Phật, đức Phật bảo: “Ngươi có 500 con, còn thương một đứa con, huống là những người khác chỉ một, hai đứa lại không thương ư ? Ngay đó, đức Phật khuyên quỉ-nữ không nên sát sinh và trao-truyền cho ngũ-giới, thành Ưu-bà-di. Thụ-giới rồi, quỉ-nữ bạch: “Vậy, từ nay tôi không có trẻ con để ăn thì chết đói mất!”. Đức Phật bảo: “Ngươi đừng lo, từ nay trở đi nơi nào có Thanh-văn đệ-tử của Ta, mỗi khi ăn cơm, gọi đến tên mẹ con ngươi, mẹ con ngươi sẽ được no đủ, nhưng mẹ con ngươi đối với trong giáo-pháp của Ta phải dốc lòng ủng-hộ nơi Già-lam cùng các Tăng-Ni!” Mẹ con con quỉ đều vui-vẻ”.
[9] Tám bộ: 1/ Thiên. 2/ Long 3/ Dạ-xoa. 4/ Càn-thát-bà. 5/ A-tu-la. 6/ Ca-lâu-la. 7/ Khẩn-na-la. 8/ Ma-hầu-la-già.
[10] Đoạn trên, từ chỗ “Nếu người” đến chỗ “nhân Phật”, đức Phật nói công-đức duy-trì truyền-bá kinh này trong việc báo tứ-ân.
[11] Đoạn trên, từ chỗ “Ông Văn-thù….” đến chỗ “Tam-muội”, đức Phật nói về sự lợi-ích trong việc duy-trì, truyền-bá kinh này khi sắp chết được thấy chư Phật, được 10 thứ thanh-tịnh về thân, khẩu, ý-nghiệp.
[12] Đoạn trên, từ chỗ “Những công-đức như thế”, đến chỗ “phụng-hành”, đức Phật kết-thúc, khuyên đại-chúng nên nhất tâm tu-trì kinh này. Đại-chúng đều nhất tâm hoan-hỷ, phụng-trì.
Đến đây hết quyển thứ 8
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.237.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.