Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.45 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

II. – PHẨM BÁO-ÂN 1
Bấy giờ, đức Thế-Tôn từ chính-định khoan-thai trở dậy, bảo Đại-Bồ-Tát Di-Lặc2 rằng: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Đại-sĩ các Ông, các thiện nam-tử vì muốn thân cận bậc Thế-gian-phụ, vì muốn nghe pháp xuất-thế, vì muốn suy-nghĩ như-như-lý, vì muốn tu-tập như-như-trí3 nên mới đến nơi Phật cung-kính, cúng-dàng. Nay Tôi diễn nói về TÂM-ĐỊA DIỆU-PHÁP, để dẫn-dắt chúng-sinh, khiến cho họ chứng-nhập Phật-trí. Diệu-pháp như thế, chư Phật Như-Lai quá vô-lượng kiếp hợp thời nói ra. Như-Lai Thế-Tôn ra đời rất khó gặp được, cũng như hoa Ưu-Đàm! Như-Lai xuất-hiện ra đời nói diệu-pháp này cũng lại khó gặp! Sở-dĩ thế là sao? – Hết thảy chúng-sinh xa lìa hành-nguyện của Đại-thừa Bồ-tát, xu-hướng về Bồ-Đề của Duyên-giác, Thanh-văn, chán-ngán sinh-tử, mong nhập Niết-bàn mãi, chứ không thích diệu quả thường -lạc của Đại-thừa. Song, các Như-Lai quay xe pháp, xa lìa bốn lỗi mà nói pháp tương-ứng4: Một là, vô-phi-xứ (nói không trái nơi chốn: hợp hoàn-cảnh). Hai là, vô-phi-thời (không lỗi thời: hợp thời). Ba là, vô-phi-khí (không trái căn-khí: hợp trình-độ chúng-sinh). Bốn là, vô-phi-pháp (không trái pháp: hợp chính-pháp) Hợp bệnh cho thuốc, khiến họ khỏi được, tức là đức bất-cộng5 của Như-Lai. Thanh-văn, Duyên-giác còn chưa được cảnh bất-cộng tự-tại của Bồ-tát-chúng. Huống là được đức bất-cộng của Như-lai. Bởi nhân-duyên ấy, nên họ khó thấy, khó nghe được “tâm-địa pháp-môn” của chính-đạo Bồ-Đề! Nhưng, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào nghe được diệu-pháp ấy qua tai một lần, trong khoảng chốc lát, họ nhiếp-niệm quán tâm được, là họ huân-thành hạt giống Đại-bồ-đề vô thượng, không bao lâu nữa họ sẽ ngồi trên tòa báu kim-cương, nơi cây Bồ-đề, được thành vô-thượng chính-đẳng chính-giác.6
Khi ấy, nơi Vương-xá đại-thành có năm trăm ông Trưởng-giả tên là: Diệu-Đức Trưởng-giả, Dũng-Mãnh Trưởng-giả, Thiện-Pháp Trưởng-giả, Niệm-Phật Trưởng-giả, Diệu-trí Trưởng-giả, Bồ-Đề Trưởng-giả, Diệu Biện Trưởng-giả, Pháp-Nhãn Trưởng-giả, Quang-Minh Trưởng-giả, Mãn-Nguyện Trưởng-giả. Các Đại-phú Trưởng-giả ấy đã thành-tựu được chính-kiến, tới cúng-dàng Như-Lai cùng các Thánh-chúng. Các Trưởng-giả ấy, nghe đức Thế-Tôn tán-thán Đại-thừa tâm-địa pháp-môn, liền nghĩ rằng: “Chúng ta thấy Như-Lai phóng hào-quang sắc vàng, ảnh-hiện những sự khổ-hạnh khó làm của Bồ-tát, chúng ta không có tâm ưa thích làm hạnh khổ-hạnh, ai lại trong nhiều kiếp ở nơi sinh-tử, vì chúng-sinh chịu mọi khổ-não được?”. Các Trưởng-giả ấy nghĩ thế rồi, liền từ tòa đứng dậy, chễ áo vai hữu, gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay cung-kính, tuy khác miệng nhưng đồng âm, bạch trước Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Chúng tôi không ưa những hạnh của các Bồ-tát Đại-thừa, cũng không thích nghe những âm-thanh khổ-hạnh. Sở dĩ thế là sao? – Vì, hết thảy hành-nguyện tu-hành của các Bồ-tát, đều không phải là những sự “tri ân, báo ân” (biết ơn, trả ơn). Sao vậy? – Vì các vị ấy xa lìa cha mẹ, tới chỗ xuất-gia, đem vợ con mình cho những người ham muốn; cho đến đầu, mắt, tủy, não tùy sự mong muốn của họ, đều bố-thí cả, mà chịu các sự bức-não; trong ba vô số kiếp tu các pháp “Độ”, tám vạn bốn nghìn hạnh Ba-la-mật, vượt dòng sinh-tử, mới đến được nơi Bồ-Đề đại-an-lạc; chẳng bằng xu-hướng về đạo-quả Thanh-văn, Duyên-giác, chỉ độ ba đời hay trăm kiếp tu-tập tư-lương7, dứt được nhân sinh-tử, chứng quả Niết-bàn, chóng đến nơi yên-vui, như thế mới gọi là báo ân!”8
Đức Phật bảo năm trăm ông Trưởng-giả: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các ông nghe Tôi tán-thán Đại-thừa, các ông sinh tâm thoái-chuyển. Nhưng, các ông lại phát khởi ra ý-nghĩa nhiệm-mầu, để đem lại sự lợi-ích an-lạc cho hết thảy chúng-sinh không biết ân-đức trong đời mai sau. Các ông hãy nghe cho kỹ, nghe cho kỹ và nhớ nghĩ cho khéo, nay Tôi sẽ vì các ông phân-biệt, diễn nói những chỗ có ơn của thế-gian và xuất-thế-gian để các ông hiểu!”.
Thiện-nam-tử! Những lời các ông nói chưa được chính-lý. Sao vậy? – Ơn của thế-gian và xuất-thế-gian có bốn bậc: Một là, ơn cha mẹ. Hai là, ơn chúng-sinh. Ba là, ơn Quốc-vương. Bốn là, ơn Tam-bảo. Bốn ơn như thế, hết thảy chúng sinh đều bình-đẳng gánh chịu.9
Thiện-nam-tử! ƠN CHA MẸ: Cha có “từ-ân”, mẹ có “bi-ân”. Bi-ân của mẹ, nếu Tôi ở đời trong một kiếp để nói về ơn ấy cũng không thể hết được. Nay Tôi vì các ông nói một ít phần về công ơn ấy để các ông hiểu: Giả-sử có người vì việc phúc-đức, cung-kính, cúng dàng một trăm vị Đại-bà-la-môn tịnh-hạnh, một trăm vị Đại-thần-tiên được năm pháp thần-thông, một trăm người bạn lành, xếp đặt cho các vị ấy ở yên trong nhà thất-bảo rất đẹp, đem trăm nghìn thứ đồ ăn ngon quý, y-phục bằng mọi thứ báu tua rủ các chuỗi ngọc, dựng các phòng xá bằng gỗ chiên-đàn10, trầm-hương, chăn gối, giường nằm trang-nghiêm bằng trăm báu, cùng trăm thứ thuốc thang chữa khỏi các bệnh và nhất tâm cúng-dàng trọn trăm nghìn kiếp, cũng không bằng một niệm để tâm hiếu-thuận, đem chút ít vật nuôi nấng sắc-thân bi-mẫu. Và, theo chỗ cúng dàng hầu hạ ấy, đem so-sánh với công-đức trước thời đến trăm nghìn vạn phần cũng không thể nào xét lường kịp.
Sự thương nhớ con của bi-mẫu ở thế-gian không gì sánh được. Ân ấy đến với con ngay từ khi chưa có hình-hài. Nghĩa là bắt đầu từ khi thụ-thai, trải trong mười tháng, đi đứng, ngồi, nằm, mẹ chịu mọi khổ-não, không thể dùng miệng mà nói hết được. Tuy có những sự dục-lạc, ẩm-thực, y-phục nhưng, mẹ vẫn không sinh tâm ưa thích, mà tâm mẹ chỉ luôn luôn lo nghĩ đến con không quên nhãng.
Hãy tự suy-nghĩ: khi sắp sinh-sản, mẹ âm-thầm chịu đựng mọi khổ, ngày đêm sầu-não. Nhưng, đến lúc lâm-bồn, sự đau-khổ ấy quá đỗi, như trăm nghìn mũi nhọn bâu vào cắt xé, thực không thể nào kể xiết được, có khi đến chết. Sinh nở rồi, mẹ không còn bị khổ-não gì nữa, lúc đó họ hàng thân-thích vui mừng vô tận, cũng như người đàn bà nghèo được ngọc Như-ý. Khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, mẹ như là người nghe được âm-nhạc. Mẹ dùng ngực mẹ làm nơi ngủ-nghỉ của con và trên hai đầu gối mẹ, thường thường là nơi chơi giỡn của con. Trong nơi ngực mẹ tuôn ra những dòng sữa như nước suối cam-lộ để nuôi lớn con. Ơn nuôi lớn ấy nhiều hơn trời đất và đức thương-xót ấy rộng lớn không gì sánh được. “Thế-gian, núi non là cao, ơn bi-mẫu còn cao hơn thế – cao hơn cả núi Tu-di. Thế-gian cõi đất là nặng, ơn bi-mẫu còn nặng hơn thế!”
Thảng-hoặc có con trai, con gái nào bội-ân, không hiếu-thuận với cha mẹ, làm cho cha mẹ sinh tâm oán-niệm, mà mẹ bực-bội, thốt ra một lời nói ác, tức thời con phải sa-đọa theo lời nói ấy, hoặc vào địa-ngục, hay ngã-quỷ, súc-sinh. Thế-gian, nhanh gì hơn gió dữ, một chút oán-niệm của cha mẹ còn nhanh hơn gió ấy, hết thảy Như-Lai, chư Thiên, Kim-cương cùng các vị Tiên được năm pháp thần-thông… không cứu-hộ được.
Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào theo lời dạy bảo của bi-mẫu và thừa-thuận không trái, thời được chư Thiên hộ-niệm, phúc-lạc vô-tận. Những nam, nữ ấy tức là dòng giống tôn-quý của Thiên, Nhân, hoặc là Bồ-tát vì độ chúng-sinh, hiện làm nam, nữ đem lại lợi-ích cho cha mẹ.
Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào vì báo ơn cha mẹ, suốt một kiếp mỗi ngày ba thời, tự cắt thịt mình để nuôi cha mẹ, cũng chưa trả được công ơn một ngày của cha mẹ. Sở-dĩ thế là sao? – Hết thảy nam, nữ ở trong thai mẹ, miệng nút cuống vú, uống huyết mẹ, khi ra khỏi bào-thai, trước thời ấu-trĩ, uống hết một trăm tám mươi hộc sữa của mẹ; mẹ được chút vị bổ nào đều cho con cả, ngay đến những y-phục quý tốt cũng đều như thế. Và, dù rằng bị người con ngu-si, xấu-xí đi nữa, tình yêu con của mẹ cũng chỉ là một không hai. Xem như xưa kia, có người đàn bà đi chơi xa tại nước người, bế con lội qua sông Hằng, không ngờ nước sông lên to, chảy mạnh, sức yếu không vượt qua nổi, lại yêu mến con quá, không nỡ rời bỏ con, nên cả hai mẹ con đều chết chìm. Song, bởi sức từ-tâm, thiện-căn ấy, tức thời người mẹ được sinh lên cõi Sắc-cứu-cánh-thiên, làm Đại-phạm-vương.
Do nhân-duyên ấy, mẹ có mười đức: Một là, như đại-địa: vì trong thai mẹ là chỗ nương-tựa của con. Hai là, năng-sinh: mẹ phải trải qua mọi sự khổ-não mới sinh được con. Ba là, năng-chính: thường do tay mẹ ve-vuốt, uốn-nắn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân con. Bốn là, dưỡng-dục: mẹ phải theo hợp bốn mùa mà nuôi-nấng con khôn lớn. Năm là, trí-giả: mẹ thường dùng phương-tiện, làm cho con sinh trí-tuệ. Sáu là, trang-nghiêm: mẹ lấy những chuỗi ngọc đẹp trang-sức cho con. Bảy là, an-ẩn: mẹ ôm-ấp con, làm cho con nghỉ-ngơi an-lành. Tám là, giáo-thụ: mẹ dùng phương-tiện khéo dắt-dẫn con. Chín là, giáo-giới: mẹ dùng lời nói lành để con xa-lìa những điều ác. Mười là, cho gia-nghiệp: mẹ thường đem gia-nghiệp giao lại cho con.
Thiện-nam-tử! “Ở thế-gian này gì là rất giàu? gì là rất nghèo? -Bi-mẫu tại đường, là giàu; bi-mẫu bất-tại là nghèo; bi-mẫu còn sống là mặt trời giữa trưa, bi-mẫu mất đi là mặt trời đã lặn; bi-mẫu còn sống là mặt trăng sáng, bi-mẫu mất đi là đêm tối! Thế nên, các ông nên siêng-năng tu-tập về sự hiếu-dưỡng phụ-mẫu thêm, thời như người cúng Phật, phúc-báo ấy và phúc-báo này bằng nhau không khác! Các ông nên báo ơn phụ-mẫu như thế!”11
Thiện-nam-tử! ƠN CHÚNG-SINH: Hết thảy chúng-sinh, từ đời vô-thủy đến nay, luân-chuyển trong năm đường: thiên, nhân, địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh, trải trăm nghìn kiếp và ở trong nhiều đời thường làm cha mẹ lẫn nhau. Vì làm cha mẹ lẫn nhau nên hết thảy nam-tử là từ-phụ, hết thảy nữ-nhân là bi-mẫu. Và, trong đời đời kiếp kiếp xưa kia cũng có tâm đại-bi như ơn của cha mẹ hiện-tại không khác. Như thế, các ơn xưa chưa trả được, rồi, hoặc nhân vọng-nghiệp sinh ra các sự thuận, nghịch, vì sự chấp-trước trở lại thành ra oán-hại lẫn nhau. Sao vậy? -Xưa có trí-tuệ sáng-suốt nhưng, vì vô-minh che-lấp, không hiểu đời trước mình đã từng làm cha mẹ lẫn nhau, chỗ đáng trả ơn là làm lợi-ích lẫn nhau, mà không làm lợi-ích lẫn nhau là bất-hiếu! Bởi nhân-duyên ấy, các loài chúng-sinh trong hết thảy thời, cũng có ơn lớn, thực là khó trả. Những sự như thế là ơn chúng-sinh!12
ƠN QUỐC-VƯƠNG: Vị đứng chủ một nước là người có đủ phúc-đức tối-thắng. Vị ấy tuy sinh trong cõi nhân-gian nhưng, được tự-tại, các Thiên-tử trong cõi Tam-thập tam-thiên thường giúp sức, thường hộ-trì và đối với quốc-giới, sơn-hà, đại-địa, tận cùng bể cả đều thuộc quyền nơi Quốc-vương. Vị ấy là một người có phúc-đức tối-thắng hơn hết thảy phúc của chúng-sinh. Vị ấy là vị Đại-thánh-vương dùng chính-pháp giáo-hóa, khiến chúng-sinh đều được yên vui. Ví như hết thảy điện đường của thế-gian, trụ (cột) là căn-bản; nhân-dân thịnh-vượng, vui-vẻ, Quốc-vương là căn-bản, vì phải y vào chính-pháp của Quốc-vương mới có. Như ngoại-đạo cho Phạm-vương sinh ra muôn vật, thì đây, Thánh-vương đặt ra pháp-luật trị nước, làm lợi-ích chúng-sinh cũng vậy. Như mặt trời soi sáng thế-gian, Thánh-vương cũng hay quan-sát thiên-hạ, đem lại sự yên-vui cho nhân-dân. Quốc-vương làm mất chính-trị, nhân-dân không có chỗ nương tựa. Nếu Quốc-vương đem chính-pháp giáo-hóa, tám sự khủng-bố lớn-lao không xâm-nhập vào trong nước được. Tám sự khủng-bố ấy là: nước ngoài xâm-bức, phản-nghịch trong cõi, ác-quỷ tật-bệnh, đất nước đói thiếu, gió mưa trái thời, gió mưa quá thời, nhật-thực, nguyệt-thực và tinh-tú biến-quái. Nhân-vương dùng chính hóa, lợi-ích nhân-dân, tám nạn như thế không xâm-phạm được. Ví như ông Trưởng giả chỉ có một con, yêu-mến hơn hết, ông luôn luôn thuơng-xót con, cho con sự lợi-ích cho con sự yên vui, ngày đêm không rời. Vị Đại-thánh-vương trong nước cũng như thế, đồng coi quần sinh như con một, tâm ủng-hộ họ ngày đêm không rời. Nhân-vương như thế hay khiến chúng-sinh tu mười điều thiện, nên gọi là “Phúc-đức-vương”, vị nào không làm cho chúng-sinh tu thiện là “phi-phúc-chủ”. Sở dĩ thế là sao? – Nếu một người tu thiện ở trong Vương-quốc, sự tác phúc của họ chia làm bảy phần, người làm thiện được năm phần, Quốc-vương kia được hai phần. Trái lại, nhân lành của Quốc-vương tu, nhân-dân cũng đồng được phúc-lợi. Và, nếu tạo mười nghiệp ác cũng như thế, nghĩa là, cũng đồng như sự ấy. Hết thảy những vật sinh nơi ruộng đất, vườn, rừng trong nước đều chia làm bảy phần, cũng lại như thế. Nếu có Nhân-vương thành-tựu chính-kiến, như pháp dạy đời, thời gọi vị ấy là “Thiên-chúa” – vì vị ấy đem pháp lành của cõi Thiên dạy thế-gian -; chư Thiên, Thiện-thần cùng Hộ-thế-vương thường lại giúp-đỡ và giữ-gìn vương-cung. Nhân-vương tuy ở nhân-gian nhưng, tu-hành theo nghiệp của cõi Thiên, nên tâm thưởng, phạt không thiên-lệch. Chính-pháp của hết thảy Thánh-vương đều như thế!
Thánh-vương như thế gọi là “Chính-pháp-vương”. Và, bởi nhân-duyên ấy Chính-pháp-vương thành-tựu mười đức: Một là, soi sáng (năng-chiếu): đem mắt trí-tuệ soi-sáng thế-gian. Hai là, trang-nghiêm: đem phúc-đức, trí-tuệ trang-nghiêm đất nước. Ba là, cho vui (dữ lạc): đem đại-an-lạc cho nhân-dân. Bốn là, dẹp oán (phục-oán): hết thảy giặc oán tự-nhiên chịu nép. Năm là, khởi sợ (ly bố): đánh lùi tám nạn13, lìa khỏi sợ-hãi. Sáu là, trụ-hiền (ở với người hiền): họp các người hiền bàn-bạc việc nước. Bảy là, pháp-bản (gốc của chính-pháp): muôn họ an-cư nương nhờ Quốc-vương. Tám là, trì-thế (giữ-gìn thế-gian): đem pháp của Thiên-vương giữ-gìn thế-gian. Chín là, nghiệp-chủ (chủ của mọi nghiệp): các nghiệp thiện-ác đều thuộc Quốc-vương. Mười là, nhân-chủ: hết thảy nhân-dân, Quốc-vương là chủ. Hết thảy Quốc-vương, bởi phúc-đức đời trước thành-tựu mười thắng-đức như thế”.
Vì thế, Đại-phạm-thiên-vương cùng Đao-lỵ-thiên thường giúp Nhân-vương hưởng-thụ những sự vui thắng-diệu; các La-sát-vương và chư Thần… tuy không hiện-thân giúp-đỡ nhưng, ngấm-ngầm lại vệ-hộ Nhân-vương cùng quyến-thuộc Nhân-vương.
Nhân-vương thấy nhân-dân tạo các nghiệp ác không ngăn-cấm được, chư Thiên, Thần…đều xa-tránh. Nếu thấy nhân-dân tu thiện chư Thiên, Thần…vui-mừng, tán-thán và hết thảy đều xướng rằng: “Thánh-vương ta!…” long, thiên vui-mừng, rưới nước mưa Cam-lộ, ngũ-cốc14 thành-thục, nhân-dân vui-vẻ, thịnh-vượng. Nếu Nhân-vương không gần những người ác, chăm làm lợi-ích cho khắp thế-gian đều theo chính-hóa, thời ngọc báu Như-ý hiện ngay trong vương-quốc, các vua nước láng-diềng đều quy-phục, nhân, phi-nhân đều khen-ngợi. Và, nếu có ác-nhân ở trong vương-quốc sinh tâm phản-nghịch, trong chốc-lát, phúc của người ấy tự suy-diệt, mất đi, phải sa-đọa trong địa-ngục, qua sang súc-sinh chịu đủ mọi thứ đau-khổ. Sở-dĩ thế là sao? Bởi vì không biết ân-đức Thánh-vương, khởi ra những sự ác-nghiệp, nên phải quả-báo như thế. Nếu có nhân-dân thực-hành thiện-tâm, cung-kính, giúp-đỡ Nhân-vương và tôn-trọng như Phật, hiện-thế người ấy được yên-ổn, thịnh-vượng, vui-vẻ, có mong-cầu gì đều được vừa lòng. Sở-dĩ thế là sao? Hết thảy Quốc-vương trong thời-gian quá-khứ đã từng thụ-giới cấm thanh-tịnh của Như-Lai và đã thường làm Nhân-vương hưởng sự an-ổn, khoái-lạc. Bởi nhân-duyên ấy, quả-báo trái hay thuận đều như vang ứng tiếng. Ân-đức Thánh-vương rộng lớn như thế!15
Thiện-nam-tử! ƠN TAM BẢO: Ơn Tam-bảo là ơn không thể nghĩ, bàn được, vì Tam-bảo luôn luôn đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh không có thời nào và chỗ nào dừng nghỉ.
Thân chư Phật là chân-thiện vô-lậu, do tu nhân trong vô-số đại-kiếp mà chứng được. Chư Phật dứt hết nghiệp-quả ba cõi, công-đức như núi báu rực-rỡ, không gì so-sánh kịp, mà hết thảy hữu-tình không biết. Phúc-đức chư Phật rất sâu như bể cả, trí-tuệ vô-ngại như hư-không, thần-thông biến-hóa tràn đầy thế-gian, ánh sáng soi khắp mười phương ba đời.
Hết thảy chúng-sinh bị phiền-não nghiệp-chướng ngăn-che không hiểu biết gì, nên phải chìm-đắm trong bể khổ sinh-tử vô cùng. Tam-bảo ra đời làm Đại-thuyền-sư, ngăn chặn dòng ái-dục, để chúng-sinh vượt lên bờ Niết-bàn. Những bậc có trí ai cũng đều chiêm-ngưỡng!16
Thiện-nam-tử! Duy một ngôi PHẬT-BẢO đầy-đủ ba thân17: Một là, tự-tính-thân. Hai là, thụ-dụng-thân. Ba là, biến-hóa-thân.
Phật thân thứ nhất có ĐẠI-ĐOẠN-ĐỨC18, là chỗ hiển-lộ nhị-không,19 hết thảy chư Phật đều bình-đẳng.20
Phật thân thứ hai có ĐẠI-TRÍ-ĐỨC21 chân thường vô-lậu, hết thảy chư Phật đều đồng-ý.22
Phật thân thứ ba có ĐẠI-ÂN-ĐỨC23 định-thông biến-hiện, hết thảy chư Phật đều đồng-sự.24
Thiện-nam-tử! Tự-tính-thân của chư Phật vô-thủy, vô-chung, lìa hết thảy tướng, dứt mọi hí-luận25, tròn đầy, cùng khắp không còn bờ mé và lắng-im thường-trụ.26
Thụ-dụng-thân ấy có hai tướng: Một là, TỰ-THỤ-DỤNG-THÂN.27 Hai là, THA-THỤ-DỤNG THÂN.28
Tự-thụ-dụng-thân do tu muôn hạnh , đem lại lợi-ích yên-vui cho các chúng-sinh trong ba vô-số kiếp, được Thập-địa mãn-tâm29, vận-dụng thân-lực đi thẳng đến cõi Sắc-cứu-cánh-thiên30, vượt quá quốc-độ thanh-tịnh vi-diệu trong ba cõi, ngồi trên hoa sen vô-số lượng đại-bảo, mà các Bồ-tát số nhiều không thể nói được, ở trong hải-hội vây quanh trước sau, đem lụa vô-cấu kết trên đỉnh đầu31, cúng-dàng cung-kính, tôn-trọng, tán-thán, như thế gọi là “lợi-ích hậu-báo”32. Khi ấy, Bồ-tát nhập Kim-cương-định, dứt bỏ hết thảy sở-tri-chướng, phiền-não-chướng33 vi-tế, chứng được vô-thượng chính-đẳng, chính-giác; diệu-quả như thế gọi là “lợi-ích hiện-tiền”. Chân-báo-thân ấy hữu thủy (có trước), vô chung (không sau), thọ mệnh tùy theo sự mong-muốn, kiếp số không có hạn-lượng. Và, lại từ khi bắt đầu thành chính-giác cho đến lúc tận cùng thuở vị-lai, các căn-tướng tốt trang-nghiêm cùng khắp pháp-giới.34
Bốn trí viên-mãn là chân-báo-thân thụ-dụng-pháp-lạc 35:
Một là, ĐẠI-VIÊN-KÍNH-TRÍ: Chuyển Dị-thục-thức36, được trí-tuệ này, như tấm gương tròn lớn hiện đủ các sắc-tướng. Như thế trong gương trí-tuệ (kính-trí) của Như-Lai, hay hiện ra các nghiệp thiện, ác của chúng-sinh. Bởi nhân-duyên ấy, trí-tuệ này gọi là “Đại-viên-kính-trí”. Y vào đại-bi nên thường duyên với chúng-sinh, y vào đại-trí nên thường như pháp-tính, quán-sát song-song cả chân-đế, tục-đế37, không gián-đoạn, thường chấp giữ căn-thân vô-lậu và là chỗ y-chỉ của hết thảy công-đức.38
Hai là, BÌNH-ĐẲNG-TÍNH-TRÍ: Chuyển Ngã-kiến-thức39 được trí-tuệ này. Vì chứng được ngã-tính tự-tha bình-đẳng không hai, như thế nên gọi là “Bình-đẳng-tính-trí”.
Ba là, DIỆU-QUÁN-SÁT-TRÍ: Chuyển Phân-biệt-thức40, được trí-tuệ này. Hay quán-sát tự-tướng, cộng-tướng41 của mọi pháp và ở trước chúng-hội nói mọi pháp nhiệm-mầu, làm cho chúng-sinh chứng được Bất-thoái-chuyển. Bởi thế nên gọi là “Diệu-quán-sát-trí”.
Bốn là, THÀNH-SỞ-TÁC-TRÍ: Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức được trí-tuệ này, hay hiện ra hết thảy mọi hóa-thân, làm cho chúng-sinh thành-thục thiện-nghiệp. Bởi nhân-duyên ấy nên gọi là “Thành-sở-tác-trí”.
Bốn trí ấy là trí-tuệ trên hết, đầy-đủ tám vạn bốn nghìn trí-tuệ-môn. Hết thảy các công-đức-pháp như thế gọi là “Tự-thụ-dụng-thân” của Như-Lai.42
Thiện-nam-tử! Hai là, Tha-thụ-dụng-thân của Như-Lai đầy-đủ tám vạn bốn nghìn tướng tốt, ở nơi chân-tịnh-độ, nói pháp Nhất-thừa43, làm cho các Bồ-tát thụ-dụng được pháp-lạc vi-diệu của Đại-thừa. Hết thảy Như-Lai vì hóa-độ các Bồ-tát-chúng nơi Thập-địa, hiện ra mười loại tha-thụ-dụng-thân: Phật thân thứ nhất ngồi trên hoa sen trăm cánh vì Bồ-tát Sơ-địa nói về trăm pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong trăm thế-giới của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-số chúng-sinh. Phật thân thứ hai ngồi trên hoa sen nghìn cánh, vì Bồ-tát Nhị-địa nói về nghìn pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong nghìn thế-giới của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-lượng chúng-sinh. Phật thân thứ ba, ngồi trên hoa sen muôn cánh, vì Bồ-tát Tam-địa, nói về muôn pháp-minh-môn; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp trong muôn quốc-độ của chư Phật, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô số chúng-sinh. Như thế, Như-Lai tăng-trưởng dần dần, cho đến tha-thụ-dụng-thân nơi Thập-địa, ngồi trên hoa sen diệu-bảo không thể nói được, vì Bồ-tát Thập-địa nói về các pháp-minh-môn số nhiều không thể nói được; Bồ-tát ngộ rồi, hiện ra thần-thông biến-hóa lớn-lao, cùng khắp quốc-độ vi-diệu của chư Phật, số nhiều không thể nói được, đem lại lợi-ích yên-vui cho vô-lượng, vô-biên chủng-loại chúng-sinh với con số nhiều không thể tuyên-thuyết, không thể tuyên-thuyết được. Mười thân như thế, đều ngồi nơi cây Bồ-đề bằng bảy báu, chứng được vô-thượng chính-đẳng, chính-giác.
Các thiện-nam-tử! Mỗi một cánh hoa đều là một tam-thiên thế-giới, trong đó đều có trăm ức núi Diệu-cao cùng bốn đại-châu, mặt-trời, trăng, sao và chư thiên trong ba cõi cũng đầy-đủ cả. Các Nam-thiệm-bộ-châu ở trên mỗi cánh sen, có tòa Kim-cương, cây Bồ-đề, có trăm nghìn vạn, đến số nhiều không thể nói được những hóa Phật lớn, nhỏ, đều ở dưới gốc cây, phá ma-quân rồi, nhất thời chứng được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Các thân của các hóa Phật lớn, nhỏ như thế đều đầy-đủ ba mươi hai tướng,44 tám mươi thứ tốt45, vì các Bồ-tát trong hàng Tư-lương46 và Tứ-thiện-căn47 cùng Nhị-thừa, phàm-phu, tùy nghi vì họ nói ra diệu-pháp Tam-thừa. Vì các Bồ-tát nói về sáu Ba-la-mật48 khiến các vị ấy được Vô-thượng chính-đẳng chính-giác cứu-cánh Phật-tuệ. Vì các vị cầu Bích-chi-Phật nói về mười hai pháp nhân-duyên.49 Vì các vị cầu Thanh-văn nói về pháp Tứ-đế,50 qua sinh, lão, bệnh, tử đến cứu-cánh Niết-bàn. Vì các chúng-sinh khác nói về Nhân-thiên-giáo, khiến họ được diệu-quả an-lạc trong Nhân, Thiên. Các hóa Phật lớn, nhỏ như thế gọi là “Biến-hóa thân của Phật”. Thiện-nam-tử! Hai loại ứng, hóa-thân Phật như thế, tuy hiện ra diệt-độ (nhập Niết-bàn) nhưng, thân Phật ấy vẫn nối tiếp thường-trụ.
Các thiện-nam-tử! Như một Phật-bảo có vô-lượng, vô-biên không thể nghĩ, bàn được những ân-đức rộng lớn đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh như thế, nên cũng bởi nhân duyên ấy mà gọi là Như-Lai, Ứng-cúng, Chính-biến-tri, Minh-hành-túc (viên-mãn), Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-nhân-sư, Phật, Thế-Tôn.51
Thiện-nam-tử! Trong một Phật-bảo đầy-đủ sáu thứ công-đức vi-diệu: Một là, là ngôi vô-thượng có ruộng công-đức lớn-lao trên hết. Hai là, là ngôi vô-thượng có ân-đức lớn. Ba là, là ngôi chí-tôn trong những chúng-sinh không chân, hai chân cho đến nhiều chân. Bốn là, là bậc rất khó gặp, như hoa Ưu-đàm. Năm là, là ngôi độc nhất xuất-hiện trong Tam thiên đại thiên thế-giới. Sáu là, là ngôi đầy-đủ hết thảy nghĩa trong công đức thế-gian và xuất-thế-gian. Y vào chỗ đầy-đủ của sáu thứ công-đức như thế và thường đem lại lợi-lạc cho hết thảy chúng-sinh, thế gọi là ơn “Phật-bảo không thể nghĩ, bàn được!”
Khi ấy, năm trăm ông Trưởng-giả bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Như Phật nói: trong một Phật-bảo có vô-lượng hóa Phật, cùng khắp thế-giới đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh, vậy bởi nhân-duyên gì mà nhiều chúng-sinh trong thế-gian này không thấy Phật, phải chịu mọi khổ-não?”.
Đức Phật bảo năm trăm ông Trưởng-giả: “Ví như mặt trời tỏa trăm nghìn ánh sáng soi sáng thế-giới, mà trong đó có những người mù không thấy ánh sáng mặt trời, thời ý các thiện-nam-tử nghĩ sao, mặt trời có bị lỗi không? -Các Trưởng-giả bạch: “Bạch đức Thế-Tôn! Mặt trời không có lỗi! “Đức Phật dạy: “Thiện-nam-tử! Chư Phật Như-lai thường diễn nói chính-pháp, đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh nhưng, các chúng-sinh ấy thường tạo nghiệp ác, không hiểu biết gì, không có tâm thẹn-hổ, không ưa thân-cận Phật, Pháp, Tăng, chúng-sinh như thế tội-căn sâu nặng, trải vô-lượng kiếp không được trông thấy, nghe biết tên hiệu Tam-bảo, cũng như những người mù kia không trông thấy ánh sáng mặt trời vậy. Nếu có chúng-sinh cung-kính Như-Lai, ưa thích Đại-thừa, tôn-trọng Tam-bảo, nên biết người ấy nghiệp-chướng tiêu trừ, phúc-đức, trí-tuệ tăng-trưởng, căn lành thành-tựu, chóng được thấy Phật, khởi hẳn sinh-tử và sẽ chứng Bồ-đề”.52
Các thiện-nam-tử! Như một Phật-bảo có vô-lượng Phật, thời Như-Lai nói ra PHÁP-BẢO cũng thế. Nghĩa là trong một Pháp-bảo cũng có vô-lượng nghĩa.
Thiện-nam-tử! Trong PHÁP-BẢO có bốn loại: Một là giáo-pháp. Hai là, lý-pháp. Ba là, hành-pháp. Bốn là, quả-pháp. Hết thảy những thanh (tiếng), danh (tên) cú (câu), văn (chữ)53 thuộc pháp vô-lậu, phá tan vô-minh, phiền-não, nghiệp-chướng, gọi là “giáo-pháp”. Các pháp hữu-vi, vô-vi gọi là “lý-pháp”. Giới, Định, Tuệ-hạnh gọi là “Hành-pháp”. Diệu-quả vô-vi gọi là “Quả-pháp”. Bốn pháp như thế là PHÁP-BẢO, dẫn-dắt chúng-sinh ra khỏi bể sinh-tử, đến bờ Niết-bàn.
Thiện-nam-tử! Thầy chư Phật tức là Pháp-bảo. Sở-dĩ thế là sao? -Chư Phật trong quá-khứ, hiện-tại, vị-lai do y vào pháp tu-hành, mà dứt được hết thảy chướng-ngại, thành Bồ-đề, cho đến tận cùng thuở vị-lai đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh. Bởi nhân-duyên ấy, Như-Lai trong ba đời thường cúng-dàng các Pháp-bảo Ba-la-mật nhiệm-mầu, huống là hết thảy chúng-sinh trong ba cõi chưa được giải-thoát, há không cung-kính Pháp-bảo vi-diệu!
Thiện-nam-tử! Kiếp xưa Tôi từng làm vị Nhân-vương cầu pháp, phải gieo mình vào trong hầm lửa lớn để cầu chính-pháp, mới dứt hẳn được sinh-tử và chứng được Đại-bồ-đề. Thế nên, Pháp-bảo phá hết thảy lao-ngục sinh-tử, cũng như Kim-cương làm hư-hoại muôn vật. Pháp-bảo soi sáng chúng-sinh tăm-tối, như mặt trời soi sáng thế-giới. Pháp-bảo cứu chúng-sinh nghèo thiếu, như ngọc Ma-Ni hóa-hiện mọi của báu. Pháp bảo cho chúng-sinh sự vui mừng cũng như tiếng trống cõi trời làm vui chư thiên. Pháp-bảo làm thềm báu cho chư thiên, vì nghe chính-pháp được sinh Thiên. Pháp-bảo là chiếc thuyền lớn bền vững, vượt qua bể sinh-tử đến bờ Niết-bàn. Pháp-bảo cũng như Chuyển-luân Thánh-vương, trừ giặc phiền-não tam độc. Pháp-bảo là y-phục đẹp quý, che phủ sự không thẹn của các chúng-sinh. Pháp-bảo cũng như giáp-trụ kim-cương, phá bốn loại ma54, chứng đạo Bồ-đề. Pháp-bảo cũng như gươm trí-tuệ sắc, cắt dứt sinh-tử thoát khởi ràng-buộc. Pháp-bảo chính là xe báu Tam-thừa, chuyên-chở chúng-sinh ra khỏi nhà lửa. Pháp-bảo cũng như hết thảy đèn sáng, soi sáng nơi ba đường tối-tăm. Pháp-bảo cũng như cung, tên, giáo, mác, chấn giữ quốc-giới, dẹp tan oán-địch, Pháp-bảo cũng như đạo-sư nơi đường hiểm, khéo dẫn chúng sinh đạt tới Bảo-sở.55
Thiện-nam-tử! Như-Lai trong ba đời nói ra diệu-pháp, có những sự khó nghĩ, bàn như thế, thế gọi là ơn “Pháp-bảo không thể nghĩ, bàn được”.56
Thiện-nam-tử! Thế-gian, xuất-thế-gian có ba hạng TĂNG; Một là, Bồ-tát-tăng. Hai là, Thanh-văn-Tăng. Ba là, Phàm-phu-Tăng.
Như các Ông Văn-Thù-Sư-lỵ, Di-Lặc…là BỒ-TÁT-TĂNG.
Như các Ông Xá-Lỵ-Phất, Mục-kiền-Liên…là THANH-VĂN-TĂNG.
Và, như có những vị chân-thiện phàm-phu, thành-tựu Biệt-giải-thoát-giới57 cho đến những vị đầy-đủ hết thảy chính-kiến, thường rộng-rãi vì chúng-sinh diễn-thuyết, khai-thị mọi pháp của Thánh-đạo, đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh, gọi là PHÀM-PHU-TĂNG. Tuy rằng các vị ấy chưa được Giới, Định, Tuệ, Giải-thoát vô-lậu nhưng, cúng-dàng các vị ấy cũng được phúc vô-lượng.
Ba hạng Tăng như thế gọi là “Chân-phúc-điền-Tăng”.
Lại có một hạng gọi là PHÚC-ĐIỀN-TĂNG. Hạng này đối với xá-lỵ58 Phật, hình tượng Phật cùng các Pháp, Tăng, các giới Thánh-chế, sinh tâm kính-tín sâu-sa; tự nơi mình không có tà kiến và làm cho người ta cũng thế. Lại hay tuyên thuyết chính-pháp, tán-thán Nhất-thừa, thâm-tín nhân-quả, thường phát thiện-nguyện, tùy theo lỗi mình phạm, mà hối trừ nghiệp-chướng. Nên biết sức tin Tam bảo của người ấy hơn các ngoại đạo gấp trăm nghìn vạn lần và cũng hơn cả bốn loại Chuyển-luân thánh-vương, huống là các loại khác trong hết thảy chúng-sinh. Như Uất-kim-hoa tuy héo úa nhưng, còn hơn hết thảy các loại tạp-hoa. Tỷ-khưu có chính-kiến cũng thế, hơn chúng-sinh khác gấp trăm nghìn vạn lần. Tuy rằng vị ấy hủy giới cấm nhưng, không hại chính-kiến, bởi nhân-duyên ấy nên gọi là “Phúc-điền-Tăng”. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào cúng-dàng các vị Phúc-điền-Tăng như thế, được phúc-đức không cùng tận, như cúng-dàng ba hạng Chân-thực Tăng-bảo trước được công-đức thế nào, thời nơi đây được công-đức cũng bằng thế không khác. Bốn hạng Thánh, phàm Tăng-bảo như thế, đem lại lợi-lạc cho chúng-sinh thường không tạm xả, nên gọi là ơn “Tăng-bảo không thể nghĩ, bàn được”.59
Bấy giờ, năm trăm ông Trưởng-giả bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Ngày nay chúng tôi nghe pháp-âm của Phật, được hiểu sự lợi-ích của Tam-bảo tại thế-gian. Song, nay chúng tôi không biết bởi nghĩa gì mà nói Phật, Pháp, Tăng được gọi là BẢO? Kính xin Phật giải-thuyết, bầy tỏ để chúng-hội, cùng hết thảy chúng-sinh đời mai sau kính-tín Tam-bảo, dứt hẳn lưới ngờ-vực, được lòng tin bất-hoại, làm cho họ vào được bể bất-tư-nghị60 của Tam-bảo!”
Đức Phật bảo các ông Trưởng-giả: “Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các thiện-nam-tử hỏi được những diệu-pháp rất sâu của Như-Lai như thế, hết thảy chúng-sinh đời mai sau được lợi-ích yên-vui nhiều lắm! Ví như ngọc báu thứ nhất của thế-gian có đầy-đủ mười nghĩa, làm trang-nghiêm quốc-giới, lợi-ích chúng-sinh, thời Phật, Pháp, Tăng cũng thế: Một là, bền chắc: như ngọc Ma-Ni không ai phá được; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, ngoại-đạo, Thiên-ma không thể phá được. Hai là, không nhơ: ngọc báu hơn hết của thế-gian thanh-tịnh trong sáng không lẫn chút bụi nhơ; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, đều xa lìa những phiền-não trần-cấu. Ba là, cho vui; như bình Thiên-đức61 thường cho sự yên-vui ; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, thường cho chúng-sinh sự vui trong thế-gian và xuất-thế-gian. Bốn là, khó gặp: như ngọc báu tốt lành hiếm có khó gặp; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, chúng-sinh nhiều nghiệp-chướng, ức kiếp cũng khó gặp được. Năm là, phá-tán: như ngọc báu Như-ý phá tan sự nghèo cùng của con người: Phật, Pháp, Tăng bảo cũng thế, phá tan những sự nghèo khổ của chúng-sinh trong thế-gian. Sáu là, uy đức: như Chuyển-luân-vương có cỗ xe báu, hay dẹp oán-địch; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, đủ sáu pháp thần-thông, hàng-phục bốn loại ma. Bảy là, mãn-nguyện: như ngọc Ma-ni tùy tâm mong cầu, sẽ hóa hiện ra mọi của báu; Phật, Pháp, Tăng bảo cũng thế, hay làm thỏa-mãn những chúng-sinh muốn tu thiện nguyện. Tám là, trang-nghiêm: như ngọc-báu thế-gian trang-nghiêm vương-cung; Phật, Pháp, Tăng bảo cũng thế, trang-nghiêm bảo-cung Bồ-đề của Pháp-vương. Chín là, tối diệu: như diệu bảo cõi trời rất vi-diệu; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, vượt trên các diệu-bảo tối-thắng của thế-gian. Mười là, bất-biến: ví như vàng thực vào lửa không biến; Phật, Pháp, Tăng-bảo cũng thế, tám thứ gió62 của thế gian, không rung động được. Phật, Pháp, Tăng bảo đầy-đủ vô lượng thần-thông biến-hóa, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh, từng không có khi nào dừng nghỉ. Vì những nghĩa ấy nên chư Phật, Pháp, Tăng được gọi là “BẢO”. Thiện-nam-tử! Tôi vì các ông nói qua về bốn nơi có ơn của thế-gian, xuất-thế-gian như thế để các ông hiểu. Các ông nên biết: “Tu hạnh Bồ-tát cần phải trả bốn ơn như thế!”63
Khi ấy, năm trăm ông Trưởng-giả bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Bốn ơn như thế rất là khó trả, vậy nên tu hạnh gì để trả được những ơn ấy?”
Đức Phật bảo các ông Trưởng-giả: “Thiện-nam-tử! Người vì cầu đạo Bồ-đề cần phải có tâm tu về ba bậc64 của mười pháp Ba-la-mật: Một là, mười pháp Bố-thí Ba-la-mật-đa. Hai là, mười pháp Thân-cận Ba-la-mật-đa. Ba là, mười pháp Chân-thực ba-la-mật-đa. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác, thường đem bảy báu đầy ngập Tam thiên đại thiên thế-giới, bố-thí cho vô-lượng chúng-sinh nghèo cùng nhưng, bố-thí như thế chỉ gọi là Bố-thí Ba-la-mật-đa, chứ không được gọi là Chân-thực Ba-la-mật-đa. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào phát tâm đại-bi, vì cầu vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề, đem thê-tử mình bố-thí cho người khác, tâm không sẻn tiếc; thân, thịt, tay, chân, đầu, mắt, tủy, não, cho đến thân-mệnh, đem bố-thí cho người lại xin nhưng, bố-thí như thế mới chỉ gọi là Thân-cận Ba-la-mật-đa, chứ chưa được gọi là Chân-thực Ba-la-mật-đa. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào phát-khởi tâm vô-thượng Đại-bồ-đề, trụ nơi “vô-sở-đắc”, khuyên các chúng-sinh đồng phát tâm ấy, đem pháp chân-thực bằng một bài kệ bốn câu, bố-thí cho một chúng-sinh làm cho họ hướng về đạo vô-thượng chính-đẳng Bồ-đề, thế mới gọi là Chân-thực Ba-la-mật-đa. Hai bậc bố-thí trước chưa gọi là báo-ân được, nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào tu bậc thứ ba: Chân-thực Ba-la-mật-đa như thế, mới gọi là chân-thực báo-đáp bốn ân. Sở-dĩ thế là sao? – Hai bậc bố-thí trước còn có tâm “sở-đắc”, bậc bố-thí thứ ba tâm “vô-sở-đắc”, đem chân-pháp bố-thí hết thảy chúng-sinh, khiến họ phát tâm vô-thượng Đại-bồ-đề, sau này khi người ấy chứng được Bồ-đề, rộng độ chúng-sinh vô cùng tận, nối tiếp hạt giống Tam-bảo không đoạn-tuyệt, bởi nhân-duyên ấy nên gọi là báo-ân”.
Năm trăm ông Trưởng-giả theo Phật nghe được pháp báo-ân từ xưa tới nay chưa được nghe bao giờ ấy, tâm sinh hớn-hở, cho là được sự chưa từng có, các ông liền phát tâm cầu tới vô-thượng Bồ-đề, được Nhẫn-nhục tam-muội65, chứng-nhập trí-tuệ bất-tư-nghị, mãi mãi không thoái-chuyển.
Lúc đó, tám vạn bốn nghìn chúng-sinh trong pháp hội phát tâm Bồ-đề, được lòng tin kiên-cố và cũng được Tam-muội ấy; đại-chúng trong hải-hội đều được Kim-cương nhẫn-nhục tam-muội, ngộ Vô-sinh-nhẫn và Nhu-thuận-nhẫn, hoặc chứng Sơ-địa được Bất-khởi-nhẫn. Vô-lượng chúng-sinh phát tâm Bồ-đề ở ngôi Bất-thoái.66
Đức Phật bảo năm trăm ông Trưởng-giả: “Hết thảy chúng-sinh trong đời vị-lai nếu nghe được phẩm Tâm-địa-quán báo tứ-ân này, thụ-trì, đọc tập, giải-thuyết, viết chép, lưu-bá xa rộng, những người ấy phúc-đức, trí-tuệ tăng thêm, chư Thiên vệ-hộ, hiện-thân không đau yếu, thọ-mệnh lâu dài; khi mệnh mất, được sinh lên nội-cung của đức Di-Lặc, trông thấy tướng bạch-hào của Ngài liền siêu-việt sinh-tử, trong ba hội Long-Hoa 67 sẽ được giải-thoát và tùy ý vãng-sinh trong mười phương Tịnh-độ, thấy Phật, nghe pháp, nhập chính-định-tụ 68 chóng thành trí-tuệ vô-thượng chính-đẳng chính-giác của Như-Lai 69.


Chú thích:
1 Báo-ân: Những người có ơn đức với mình, mình tận-tâm, chí-lực đền đáp lại.
2 Di-Lặc: Tiếng Phạm gọi là “Mai-đê-lê” (Maitrya) Tàu dịch nghĩa là “Từ-Thị”. “Di-Lặc” là tên họ, chính tên là “A-dật-đa” (Adjita), Tàu dịch nghĩa là “Vô-năng-thắng”. Ngài sinh trong họ Bà-la-môn, thuộc Nam-Ấn-độ. Ngài là vị Bổ-xứ Bồ-tát, nối Phật Thích-Ca làm Giáo-chủ cõi Sa-bà sau này.
3 Như-như-lý, như-như trí: “Như-như”: lý-thể của pháp-tính bình-đẳng không hai, nên gọi là “như” và các pháp này, nọ đều “như”, nên gọi là “như-như”, là chính-trí hợp với lý-thể. Đại-thừa Nghĩa-chương nói: “Như-như là chính-trí hợp với lý-thể: thể của các pháp đồng, nên gọi là “như”. Trong “nhất-như”, thể của nó đầy-đủ trong pháp-giới Hằng-sa Phật-pháp, tùy pháp phân-biệt “như”, thời nghĩa “như” chẳng phải một, mà này, nọ đều “như”, nên gọi là “như-như”. “Như” không hư-vọng, nên trong kinh cũng gọi là “Chân-như”. “Như-như-lý” là lý thể như-như. “Như-như-trí” là trí-tuệ hợp lý-thể như-như.
4 Tương-ứng: Có nghĩa là khế-hợp với nhau.
5 Bất-cộng : Công-đức của Phật không cộng đồng với các hàng Nhị-thừa, Bồ-tát nên gọi là “bất-cộng”. Theo trong kinh thời đức bất-cộng của Phật có 18 pháp: 1/ Thân không lầm. 2/ Miệng không lầm. 3/ Niệm không lầm. 4/ Không có tưởng khác. 5/ Không có cái gì là không định tâm. 6/ Không có cái gì là không biết xả. 7/ Lòng mong muốn độ-sinh không diệt (chữ “diệt” có chỗ lại in là chữ “giảm”). 8/ Tinh-tiến không diệt. 9/ Niệm không diệt. 10/ Tuệ không diệt. 11/ Giải-thoát không diệt. 12/ Giải-thoát tri-kiến không diệt. 13/ Hết thảy nghiệp thân làm theo trí-tuệ. 14/ Hết thảy nghiệp khẩu làm theo trí-tuệ. 15/ Hết thảy nghiệp ý làm theo trí-tuệ. 16/ Trí-tuệ biết được đời quá-khứ không bị chướng-ngại. 17/ Trí-tuệ biết được đời vị-lai không bị chướng-ngại. 18/ Trí-tuệ biết được đời hiện-tại không bị chướng-ngại.
6 Đoạn trên từ câu “Bấy giờ, đức Thế-Tôn…” đến chỗ “chính-giác” là đức Phật khen các Bồ-tát tới nghe pháp và Ngài nói Ngài sẽ thuyết về diệu-pháp Tâm-địa. Ngài than chúng-sinh không biết hướng về Đại-thừa. Song, nếu ai biết, nghe qua diệu-pháp này sau sẽ thành Phật.
7 Tư-lương: “Tư” là tư-trợ (giúp-đỡ), “lương” là lương-thực. Như người đi xa phải nhờ lương-thực giúp đỡ thân mình. Người tu-hành muốn chứng quả Tam-thừa, cần phải lấy công-đức thiện-căn làm lương-thực, để giúp-đỡ thân mình.
8 Đoạn trên , từ chỗ “Khi ấy…” đến chỗ “báo-ân” là nói về các ông Trưởng-giả nghe Phật nói về pháp-môn Tâm-địa của Đại-thừa khó quá không muốn, chỉ muốn tu về Nhị-thừa chóng và mới là báo-ân.
9 Đoạn trên từ chỗ “Đức Phật…” đến chỗ “gánh chịu”, đức Phật khen các ông Trưởng-giả và Ngài nói: thế-gian, xuất-thế-gian có 4 ơn.
10 Chiên-đàn (Candana): Tên một thứ gỗ thơm ở núi Ma-la-da, Nam Ấn-độ. Núi này hình đầu. trâu nên gọi là Ngưu-đầu. Có chỗ gọi là Ngưu-đầu chiên-đàn, Tàu dịch là “dữ-lạc” (cho vui), vì nó chữa được bệnh.
11 Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử ! Ơn cha mẹ…” cho đến chỗ “báo ơn phụ mẫu như thế!” đức Phật giải-thuyết rõ về ơn cha mẹ; nhất là ơn mẹ đối với con phải báo đáp lại.
12 Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử ! Ơn chúng-sinh…” cho đến đây, đức Phật nói rõ về chúng-sinh trong 3 đời đều là thân-thích với nhau, cần phải làm lợi-ích cho nhau.
13 Tám-nạn: Thấy Phật, nghe pháp có 8 chỗ chướng-nạn: 1/ Địa-ngục. 2/ Ngã-quỉ. 3/ Súc-sinh. 4/ Bắc Câu-lô-châu được hưởng quả-báo vui sướng thù-thắng, cho là không có khổ. 5/ Ở các cõi trời trường-thọ, an-ổn, cho là không có khổ. 6/ Điếc, mù, câm, ngọng. 7/ Trí đời biện-thông. 8/ Sinh trong khoảng giữa đức Phật trước, đức Phật sau.
14 Ngũ-cốc: 5 giống thóc: lúa nếp, kê, đậu, lúa mì, lúa sạ.
15 Đoạn trên từ chỗ “Ơn quốc-vương….” “đến chỗ như thế!” đức Phật nói rõ phúc-đức và ảnh-hưởng sự cai trị của vị Nguyên-thủ chân-chính trong một nước rất lớn lao, cùng ảnh-hưởng về hành-động của người dân đối với quốc-gia cũng rất hệ-trọng.
16 Đoạn trên, nêu chung chỗ tu nhân và công-đức Tam-bảo đối với chúng-sinh.
17 Ba-thân: Chư Phật có 3 thân: 1/ Tự-tính-thân: thể-tính chân-như pháp-giới thanh-tịnh, bình-đẳng trong hết thảy pháp. Còn gọi là “Pháp-thân” là chân-thân của Phật đầy-đủ vô-lượng pháp-công-đức. 2/ Thụ-dụng-thân hay là “báo-thân”: Do tu nhiều công-đức được quả-báo sắc-thân thanh-tịnh, trang-nghiêm và được hưởng pháp-lạc rộng lớn nhiệm-mầu. 3/ Biến-hóa-thân: Do Phật-trí biến hóa nhiều thân, tùy theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ.
18 Đại-đoạn-đức: Đoạn-trừ hoàn-toàn hết thảy phiền-não; đầy-đủ vô-thượng Niết-bàn.
19Nhị không : Hai thứ “không”, chia làm 5 loại:
A.- 1/ Nhân không (còn gọi là ngã-không, sinh-không): người và ta là không. 2/ Pháp-không: các pháp là không.
B.- 1/ Tính-không: pháp không có thực-tính. 2/ Tướng-không: pháp không có thực-tính chỉ có giả-tướng, tướng ấy chẳng phải thực.
C.- 1/ Đản-không: Tiểu-thừa chỉ cần thấy không. 2/ Bất đản không: Đại-thừa không những thấy không, mà cả cái thấy không cũng không.
D.- 1/ Nội không: Nội-thân là không. 2/ Ngoại-không: Khí-vật bên ngoài là không.
E.- 1/ Như-thực-không: thể chân-như, trong không có các vọng-nhiễm. 2/ Như-thực bất không: thể chân-như trong đủ hết thảy công-đức vô-lậu.
20 Toàn câu “Phật thân thứ nhất…” này nói: về tự-tính-thân, thể khắp pháp-giới, bình-đẳng thanh-tịnh, đoạn diệt hết thảy, nhân-không, pháp-không hiển-lộ, nên chư Phật chứng tự-tính-thân, là thể-nhập bình-đẳng.
21 Đại-trí-đức: Phá hoàn-toàn hết thảy sự mê-lầm không biết ; đầy-đủ vô-thượng-giác.
22 Toàn câu “Phật thân thứ hai…” này nói: Báo-thân do trí-tuệ thành, thành với lẽ chân-thực, thường hằng, không dò-rỉ, không biến-đổi. Không biến-đổi, là thường-hằng, chân-thực, tức là không còn sự suy-lường về ngã-tính, mà đồng một ý trong chung cùng và bình-đẳng tất cả; nghĩa là Phật, Phật đều đồng.
23 Đại-ân-đức: Đầy-đủ hoàn-toàn tâm đại-bi, cứu giúp hết thảy chúng-sinh.
24 Toàn câu “Phật thân thứ ba…” này nói: chư Phật đồng một tâm đại-bi, đồng một sự độ-sinh, nên tùy cơ nhập-định, hiện thần-thông và thị-hiện thân-hình.
25 Hí-luận : Bàn đùa. Là ngôn-luận phi-lý, vô-nghĩa, là giả-danh không thực.
26 Toàn câu “tự-tính-thân…” này đại-ý nói : pháp-thể của nó không còn sinh-diệt, tạo-tác, không còn danh-ngôn giả đặt, không còn cục-hạn, mà nó là như-như và cùng khắp.
27 Tự-thụ-dụng thân: Thân do tu phúc-đức, trí-tuệ thành, tự được hưởng-thụ sự vui của pháp-vị trong cõi thực-báo trang-nghiêm.
28 Tha-thụ-dụng-thân: Đem tính-đức do quả-báo mình được, hiện ra 10 thân, làm cho các Bồ-tát Thập-địa được hưởng-thụ sự vui của pháp-vị.
29 Thập-địa-mãn-tâm: Thập-địa là: 1/ Hoan-hỷ-địa 2/ Ly-khổ-địa. 3/ Phát-quang-địa. 4/ Diệm-tuệ-địa. 5/ Nan-thắng-địa. 6/ Hiện-tiền-địa. 7/ Viễn-hành-địa. 8/ Bất-động-địa. 9/ Thiện-tuệ-địa. 10/ Pháp-vân-địa. Mười bậc này đều gọi là “địa”, vì thâu tóm các công-đức hữu-vi và vô-vi, dùng làm tự-tính, cùng làm chỗ nương tựa chắc-chắn hơn cả cho sự tu-hành, khiến hay sinh-trưởng, cho nên gọi là “địa”. Thập-địa mãn-tâm tức là ngôi Đẳng-giác.
30 Sắc-cứu-cánh-thiên: Tiếng Phạm gọi là A-ca-ni-tra thiên (Akanistha). Tên một cõi trời cao nhất trong 18 cõi của Sắc-giới.
31 Câu này ví-dụ cho địa-vị tối-cao của Bồ-tát.
32 Hậu-báo: Đây là nói quả-báo tối-hậu của Bồ-tát.
33 Sở-tri-chướng, phiền-não-chướng: Đây là hai chướng: 1/ Phiền-não-chướng: Nghiệp buộc chúng-sinh trong sinh-tử, do đó, làm chướng-ngại lý Niết-bàn tịch-tĩnh. 2/ Sở-tri-chướng: tham, sân, si… làm mê-ám, không hiểu biết được sự-tướng và thực-tính của các pháp, tức là làm chướng-ngại diệu-trí bồ-đề.
34 Đoạn trên, từ chỗ “chân-báo-thân…” đến chỗ “pháp-giới” là nói: do diệt-trừ hết phiền-não, thành diệu-quả, là được chân-báo-thân (tự-thụ-dụng-thân). Được chân báo-thân thời kể từ đó là đầu, nên gọi là “hữu thủy” nhưng, “vô chung”, nghĩa là sự sống lâu không cùng-tận. Và, từ khi được chân-báo-thân, chính-báo trang-nghiêm cùng khắp.
35 Pháp-lạc : Lấy pháp-vị làm vui tâm-thần gọi là “pháp-lạc”. Làm thiện, tích-đức, để tự vui cũng là “pháp-lạc”.
36 Dị-thục (Vipaka): Xưa dịch là “quả-báo”, nay dịch là “dị-thục”. Dị-thục là tên chung của quả-báo do y vào thiện, ác quá-khứ mà được. Và, nó có tính-chất quả khác nhân mà thành-thục, như thiện-nghiệp cảm lạc-quả, ác-nghiệp cảm ác-quả v.v…Theo Duy-thức thuật-ký thời “Dị-thục hoặc khác thời mà chín (dị thời nhi thục), biến khác mà chín (biến dị nhi thục), khác loại mà chín (dị loại nhi thục). Di-thục-thức là tên riêng của thức thứ 8.
37 Chân-đế, tục-đế: “Chân-đế”: thực-nghĩa của chân-lý, là thực-nghĩa mà các bậc Thánh nhận thấy. Còn gọi là “không-đế” hay “thắng-nghĩa-đế”. “Tục-đế”: thực-nghĩa của việc thế-tục. Còn gọi là “giả-đế” hay “thế-đế”.
38 Đoạn trên từ chỗ “Một là”… đến chỗ “công-đức” là nói: do chuyển thức thứ 8 mà thành Đại-viên-kính trí. Nơi đây bao gồm bi, trí, chân, tục-đế, duy-trì căn-thân vô-lậu và làm chỗ y-chỉ cho hết thảy công-đức.
39 Ngã-kiến-thức: “Ngã-kiến” là “chấp-ngã”: thân tâm này do 5 uẩn giả-hợp, lại coi là “thường hằng”, đối với cái “phi-ngã-chấp”, chấp càn là “ngã” (ta), nên gọi là “ngã-kiến”. Ngã-kiến-thức tức là thức Mạt-na thứ 7. Thức này phân-biệt, chấp thức thứ 8 làm “ngã”. Thức này luôn luôn tương-ứng với si, kiến, mạn, ái nên gọi là “ngã-kiến-thức”. Chuyển thức này, nghĩa là trừ bỏ được chấp-ngã, thành “Bình-đẳng tính-trí”.
40 Phân-biệt-thức: Tức là Ý-thức thứ 6. Đối với 6 trần, các cảnh, thức này hay khởi ra sự phân biệt, gọi là “Phân-biệt-thức”. Chuyển thức này, nghĩa là bỏ được sự phân biệt, thành “Diệu-quán-sát-trí”.
41 Tự-tướng, cộng-tướng: Các pháp có hai tướng: Tướng riêng là “tự-tướng”, tướng chung là “cộng-tướng”. Tướng cục-hạn nơi tự-thể là “tự-tướng”; tướng thông cả với người gọi là “cộng-tướng”.
42 Đoạn trên, từ chỗ “Hai là…” đến chỗ “Như-Lai” là nói về chuyển thức thứ 7, thức 6 cùng 5 thức trước thành trí-tuệ; do 4 trí này thành 84.000 trí. Và, kết-thành cho rằng tự-thụ-dụng-thân có hết thảy các công-đức.
43 Nhất-thừa: Giáo-pháp duy-nhất để thành Phật. “Thừa” là cỗ xe, lấy ví-dụ cho giáo-pháp của Phật. Giáo-pháp hay chở người, đi đến bờ Niết-bàn, nên gọi là “Thừa”.
44 Ba mươi hai tướng: 1/ Lòng bàn chân bằng. 2/ Lòng bàn chân có nghìn vòng xoáy. 3/ Ngón tay thon dài. 4/ Tay chân mềm-mại. 5/ Tay, chân có màng lưới giao-tiếp. 6/ Gót chân đầy-đặn. 7/ Mu chân cao đẹp. 8/ Vế tròn lăm như con hươu. 9/ Tay dài quá gối. 10/ Dương-vật ẩn-tàng như dương-vật con ngựa. 11/Mình cao lớn, từ chân đến đầu cao bao nhiêu, 2 tay duỗi ra cũng bằng ấy. 12/ Lỗ chân lông sinh sắc xanh. 13/ Lông trên mình chia xoáy hướng đều. 14/ Thân sắc vàng. 15/ Luôn luôn có hào-quang phóng xa một trượng. 16/ Da-dẻ mịn bóng. 17/Bảy nơi: 2 lòng bàn chân, 2 lòng bàn tay, 2 vai và đỉnh đầu đều đầy, bằng. 18/ Hai nách đầy-đặn. 19/ Thân uy-nghiêm như sư-tử. 20/ Thân hình đoan-chính. 21/ Vai tròn , đầy. 22/ Có 40 cái răng. 23/ Răng trắng, bằng và khít. 24/ Bốn răng nanh trắng sạch. 25/ Má đầy như má sư-tử. 26/ Nước tân-dịch trong cổ họng có thượng-vị. 27/ Lưỡi dài, rộng. 28/ Tiếng phạm-âm (thanh-tịnh) vang xa và sâu nhiệm. 29/ Con ngươi mắt xanh-biếc. 30/ Lông mi mắt cong dài, đẹp như lông mi mắt trâu. 31/ Khoảng giữa hai lông mày có tia hào-quang trắng. 32/ Đầu có nhục-kế (thịt nổi lên như búi tóc).
45 Tám mươi thứ tốt: 80 thứ (giống) tốt này y theo 32 tướng mà phân-biệt tỷ-mỷ ra: 1/ Vô-kiến-đỉnh (tướng nhục-kế cao không trông thấy được). 2/ Mũi cao không thấy lỗ. 3/ Lông mày như mặt trăng đầu tháng mới mọc. 4/ Vành tai rủ xuống. 5/ Mình dắn chắc như lực-sĩ. 6/ Chỗ đầu xương giao nhau như vòng câu. 7/ Khi quay lại, nhất thời thân quay lại như voi quay lại. 8/ Khi đi, chân cách đất 4 tấc, mà đất vẫn có vằn in xuống. 9/ Móng tay, chân mỏng, bóng và đỏ như đồng đỏ. 10/ Xương đầu gối dắn, tròn và đẹp. 11/ Thân thanh-khiết. 12/ Thân mềm-mại. 13/ Thân không nghiêng-vẹo. 14/ Ngón tay tròn, thon, nhỏ. 15/ Vằn ngón tay lặn khuất. 16/ Mạch sâu không nổi. 17/ Mắt cá chân không nổi. 18/ Thân bóng đẹp. 19/ Thân tự giữ được không xiên-xẹo. 20/ Thân đầy-đủ. 21/ Dung-nghi bị-túc. 22/ Dung-nghi đầy-đủ. 23/ Trụ-xứ yên không động. 24/ Uy-đức chấn-động hết thảy. 25/ Hết thảy chúng-sinh thấy đều vui. 26/ Mặt không dài, lớn. 27/ Dung-mạo nghiêm-chỉnh, sắc không biến-đổi. 28/ Mặt tròn đầy. 29/ Môi sắc đỏ như quả Tần-bà. 30/ Tiếng nói vang xa, sâu-nhiệm. 31/ Rốn sâu, tròn, đẹp. 32/ Lông xoáy về bên hữu. 33/ Tay, chân đầy-đặn. 34/ Tay, chân như ý. 35/ Vằn tay thẳng, rõ. 36/ Vằn tay dài. 37/ Vằn tay không đứt. 38/ Hết thảy chúng-sinh có ác-tâm trông thấy đều vui-mừng. 39/ Mặt rộng đẹp lạ. 40/ Mặt đầy-đặn, trong-trẻo như mặt trăng. 41/ Theo ý hòa-duyệt của chúng-sinh mà nói. 42/ Từ nơi lỗ chân lông tỏa ra hơi hương. 43/ Từ miệng tỏa ra mùi hương vô-thượng. 44/ Nghi-dung như sư-tử. 45/ Đi, ở như voi đầu đàn. 46/ Tướng đi như con ngan đầu đàn. 47/ Đầu như quả Ma-đà-na. 48/ Đầy-đủ hết thảy tiếng. 49/ Bốn răng nanh trắng nhọn. 50/ Lưỡi màu đỏ. 51/ Lưỡi mỏng. 52/ Lông màu đỏ. 53/ Lông mềm sạch. 54/ Mắt dài rộng. 55/ Đủ tướng tử-môn. 56/ Tay, chân trắng hồng như màu hoa sen. 57/ Rốn không lồi ra. 58/ Bụng không phình. 59/ Bụng nhỏ. 60/ Thân không rung-động, nghiêng-ngả. 61/ Thân trì-trọng. 62/ Thân to lớn. 63/ Thân cao. 64/ Tay chân mềm, sạch, trơn bóng. 65/ Hào-quang bốn bên phóng ra xa một trượng. 66/ Ánh sáng soi cho thân đi. 67/ Coi chúng-sinh bình-đẳng. 68/ Không khinh chúng-sinh. 69/ Theo giọng tiếng chúng-sinh, không thêm, không bớt. 70/ Thuyết-pháp không chấp trước. 71/ Thuyết-pháp theo tiếng nói của chúng-sinh. 72/ Cất giọng nói hợp tiếng chúng-sinh. 73/ Theo nhân-duyên thuyết-pháp lần-lượt. 74/ Hết thảy chúng-sinh xem dung-tướng mãi không hết. 75/ Xem không thấy chán và đủ. 76/ Tóc dài đẹp. 77/ Tóc không rối. 78/ Tóc cuộn đẹp. 79/ Màu tóc như ngọc xanh. 80/ Tay, chân coi dáng có đức.
46 Hàng-Tư-lương: Tức Tư-lương-vị là: Thập- trụ. Thập-hành và nửa phần trong Thập Hồi-hướng.
47 Tứ-thiện-căn: 4 thiện-căn (tức Gia hành-vị), là 4 môn thiền-định và là mãn-vị của Thập hồi-hướng: 1/ Noãn: hơi nóng, ví cho lửa trí-tuệ sắp phát-khởi. 2/ Đỉnh: ví như đỉnh núi có thể lên xuống. 3/ Nhẫn: nhẫn-tiến. 4/ Thế-đệ-nhất: pháp tối-thắng hơn đời.
48 Saú Ba-la-mật: 1/ Đàn-na (bố-thí) Ba-la-mật-đa (Dànapàramità). 2/ Thi-la (trì-giới) Ba-la-mật-đa (Silapàramità). 3/ Sàn-đề (nhẫn-nhục) Ba-la-mật-đa (Ksantipàramità). 4/ Tì-lê-gia (tinh-tiến) Ba-la-mật-đa (Viryapàramità). 5/ Thiền-na (thiền-định) Ba-la-mật-đa (Dhyànapàramità). 6/ Bát-nhã (tuệ) Ba-la-mật-đa (Prajnàpà-ramità).
49 Mười hai nhân duyên: 1/ Vô-minh. 2/ Hành. 3/ Thức. 4/ Danh-sắc. 5/ Lục-nhập. 6/ Xúc. 7/ Thụ. 8/ Ái. 9/ Thủ. 10/ Hữu. 11/ Sinh. 12/ Lão tử.
50 Tứ-đế: Khổ, tập, diệt, đạo.
51 Đây là mười hiệu của Phật :
1/ Như-Lai: (Đa đà a già đà: Tathàgata): Noi theo đạo như thực, thành ngôi chính-giác,
2/ Ứng-cúng (A-la-ha: Arhat): Ứng-thụ sự cúng-dàng của Nhân, Thiên.
3/ Chính-biến-tri (Tam miệu tam Phật-đà: Samya Ksambuddha): Chính thực biết khắp hết thảy mọi pháp.
4/ Minh-hành-túc (Bệ đa thứ la na tam bát na: Vidyàcaranampanna): Thực-hành đầy-đủ ba phép minh: a.- Túc-mệnh-minh: Biết tướng sinh-tử đời trước của thân mình và thân người. b.- Thiên-nhãn-minh: Biết tướng sinh-tử đời vị-lai của thân mình và thân người. c.- Lậu-tận-minh: Trí-tuệ biết khổ-tướng hiện-tại, dứt hết thảy phiền-não.
5/ Thiện-thệ (Tu-già-đà: Sugata): Nghĩa là “đi tốt”. Ý nói: dùng Nhất-thiết-trí làm xe, đi trên đường bát chính, rảo tới Niết-bàn.
6/ Thế-gian-giải (Lộ-già-bị: Lokavid): Hiểu rõ những sự thuộc hữu-tình và phi-tình ở thế-gian.
7/ Vô-thượng-sĩ (A-nốc-đa-la: Anuttara): Trong các pháp, Niết-bàn là hơn cả và, trong hết thảy chúng-sinh, Phật là vô-thượng.
8/ Điều-ngự trượng-phu: (Phú lâu sa nẵng miệu bà la đề: Puru-sa-dnmya-sàrathi): Phật tùy thời dùng lời hòa-dịu, tùy thời dùng lời khổ thiết…trông nom, điều-trị chúng-sinh, làm cho họ không trái đạo, mà đi vào thiện-đạo.
9/ Thiên-nhân-sư: (Xá đa đề bà ma nâu sa nẫm: Sastà-deavama-nusyànàm): Phật là bậc Đạo-sư cõi Nhân, cõi Thiên, thường hay dạy bảo những sự nên làm.
10/ Phật, Thế-tôn (Phật-đà, Lô-ca-na-tha: Buddha-Locanatha): Phật nghĩa là người giác-ngộ, Thế-Tôn có nghĩa là được thế-gian tôn-trọng. Thế-Tôn còn có chỗ gọi là Bạc-già-phạm (Bhagavàn).
52 Đoạn trên , từ chỗ “Thiện-nam-tử!” (trang 38) đến chỗ “chứng Bồ-đề” là nói về Tha-thụ-dụng-thân của Phật-bảo. Phật-bảo biến-hóa nhiều thân độ cho các Bồ-tát Thập-địa, Nhị-thừa, Nhân, Thiên chóng được cứu-cánh Niết-bàn. Vì vậy, Phật-bảo có 10 hiệu, 6 công-đức vi-diệu. Và, sở-dĩ chúng-sinh không được thấy Phật-bảo, vì chúng-sinh tạo nhiều ác-nghiệp.
53 Thanh, danh, cú, văn: Là tiếng nói của Phật nói ra những giáo-pháp cao-siêu (vô-lậu) nhưng, phải dùng đến tên gọi, đặt thành từng câu và văn-tự để làm cửa hiển-lộ.
54 Bốn loại ma: 1/ Phiền-não ma (tham, sân, si ). 2/ Ngũ-ấm-ma (sắc, thụ, tưởng, hành, thức ). 3/ Tử-ma (sự chết). Tha-hóa-tự-tại-thiên-ma.
55 Bảo-sở: Nơi có những ngọc báu. Đây ám-chỉ cho Nhất-thừa, Bồ-đề, Niết-bàn.
56 Đoạn trên, từ chỗ “Các thiện-nam-tử!….” (trang 41) cho đến chỗ “không thể nghĩ, bàn được” là nói về Pháp-bảo. Pháp-bảo có: giáo, lý, hành, quả. Pháp-bảo là thầy chư Phật, là tất cả những cái đem lại lợi-ích an-vui cho chúng-sinh và tới chỗ giải-thoát.
57 Biệt-giải-thoát-giới: Là một trong ba thứ luật-nghi. Trong Dục-giới, y vào sự tác-pháp thụ các giới-pháp, giới-pháp ấy phát-sinh giới-thể, làm cho thân, khẩu ác-nghiệp được giải-thoát riêng-biệt.
58 Xá-lỵ (Sarira): Có chỗ gọi là “Thất-lỵ-la” hay “Thiết-lỵ-la”. Có nghĩa là thân cốt của Phật. Xá-lỵ do vô-lượng công-đức lục-độ họp thành, là do sự huân-tu của Giới, Định, Tuệ mà thành. Xá-lỵ có 3 hình sắc: sắc trắng là xá-lỵ bằng xương; sắc đen là xá-lỵ bằng tóc; sắc đỏ là xá-lỵ bằng thịt. Và, có 2 loại xá-lỵ: 1/ Toàn thân xá-lỵ: Như xá-lỵ Phật Đa-bảo (trong kinh Pháp-hoa). 2/ Toái-thân-xá-lỵ: Thân đốt vụn ra như thân đức Phật Thích-Ca. Lại có hai thứ nữa: 1/ Sinh-thân-xá-lỵ: Thân do tu Giới, Định, Tuệ mà thành, Như-Lai sau khi nhập-diệt lưu lại thân cốt, làm cho Nhân, Thiên được phúc-đức cúng-dàng mãi-mãi. 2/ Pháp thân-xá-lỵ: Tức là hết thảy kinh sách Đại, Tiểu-thừa.
59 Đoạn trên, từ chỗ “Thiện-nam-tử! Thế-gian…” (trang 42) đến chỗ “không thể nghĩ-bàn được”, đức Phật nói rõ về giới-đức của 3 hạng Chân-phúc-điền-tăng và một hạng Phúc-điền-tăng. Ai cúng-dàng 4 hạng Tăng ấy đều được phúc-đức vô-lượng.
60 Bể bất-tư-nghị: “Bất-tư-nghị”: hoặc là lý sâu-sa, huyền-diệu, hoặc là sự hiếm có lạ-lùng, không thể dùng tâm suy-nghĩ và không thể dùng lời bàn-bạc được. Đây nói Tam-bảo có nhiều sự, lý bất tư-nghị ấy nên gọi là “bể bất-tư-nghị”.
61 Bình Thiên đức: Cái bình hiện ra tất cả những thứ theo như tâm mong muốn, như ngọc Như-ý vậy. Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Tâm bồ-đề là bình Thiên-đức, cho đầy-đủ hết thảy sự mong muốn.”
62 Tám thứ gió: Còn gọi là 8 pháp. Có 8 pháp là chỗ yêu, ghét của thế-gian, nó hay thổi động tâm người, nên gọi là “tám thứ gió”: 1.- Lợi. 2.- Suy (kém, sút). 3.- Hủy (nói xấu). 4.- Dự (khen-ngợi). 5.- Xưng (tâng bốc). 6.- Cơ (quở-trách). 7.- Khổ. 8.- Lạc (vui).
63 Đoạn trên, từ chỗ “Bấy giờ….” ( trang 43) đến chỗ “như thế”, đức Phật nói: Phật, Pháp, Tăng có 10 nghĩa cao-quý, nên được gọi là “Bảo”. Vậy nên cần báo ân.
64 Ba bậc: Tức là danh-tự, thân-cận và chân-thực.
65 Nhẫn-nhục tam-muội: “Tam-muội” là chính-định; “Nhẫn” là nhẫn-khả (an-trụ), tức là y vào pháp-nghĩa của Như-Lai nói ra, nhẫn-khả nơi tâm được an-lạc. “Nhẫn-nhục tam-muội” là do sức định an-trụ nơi đạo-lý, tâm không rung-động mà được yên-vui.
Theo các kinh nói thì : Đẳng-giác Bồ-tát được Kim-cương-nhẫn (an-trụ kiên-cố như kim-cương). Bát-địa Bồ-tát được Vô-sinh-nhẫn (an-trụ nơi không-lý không sinh, diệt bất động). Địa-tiền Bồ-tát được Nhu-thuận-nhẫn (tâm nhu, trí thuận, không trái với thực-tướng). Sơ-địa Bồ-tát được Bất-khởi-nhẫn (an-trụ nơi không-lý không sinh, không khởi).
66 Bất thoái: Tiếng Phạm là A-tỳ-bát-chí (Aviniv-artan hay Avaivartika), có nghĩa là công-đức, thiện-căn càng tăng-tiến mà không lui mất, lui chuyển vậy. Bất-thoái có 3 bậc: Vị-bất-thoái, hành-bất-thoái, niệm-bất-thoái.
67 Hội Long-hoa: Đức Di-Lặc sau đây thành Phật ở dưới cây Long-hoa trong vườn Hoa-Lâm, Ngài mở 3 pháp-hội độ hết chúng-sinh thượng, trung, hạ căn. Cây này cành hoa như đầu rồng nên gọi là “Long-Hoa”.
68 Chính-định-tụ: Có nghĩa là tu tập chính-định, quyết định chứng-ngộ.
69 Đoạn trên, từ chỗ “Khi ấy, năm trăm ông Trưởng-gỉa…” đến chỗ “Như-Lai”. Đức Phật bảo các ông Trưởng-giả muốn báo tứ-ân cần tu 3 bậc của 10 Ba-la-mật. Đại chúng nghe pháp chứng-ngộ. Và , ngài khuyên: Ai thụ-trì, tuyên-bá phẩm báo-ân này thời đời này, đời sau được nhiều lợi-ích.
Đến đây hết quyển thứ hai.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.42.137 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập