Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
11. PHẨM TỊNH HẠNH THỨ MƯỜI MỘT
(Hán Bộ Phần Ðầu Quyển 14)
Lúc bấy giờ Trí Thủ Bồ Tát hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: "Phật tử! Bồ Tát làm thế nào thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không lỗi lầm? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng tổn hại ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được không thể bị hủy hoại? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được chẳng dao động? Thân, ngữ, ý ba nghiệp được thù thắng ? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được vô nhiễm? Thân, ngữ, ý, ba nghiệp được trí dẫn đạo?
Bồ Tát làm thế nào được sanh xứ đầy đủ? Chủng tộc đầy đủ? Gia thế đầy đủ? Sắc thân đầy đủ? Tướng mạo đầy đủ? Niệm đầy đủ? Huệ đầy đủ? Hạnh đầy đủ? Vô úy đầy đủ? Giác ngộ đầy đủ?
Bồ Tát làm thế nào được thắng huệ? Ðược đệ nhứt huệ? Ðược tối thượng huệ? Ðược tối thắng huệ? Ðược vô lượng huệ? Ðược vô số huệ? Ðược bất tư nghì huệ, Ðược vô giữ đẳng huệ? Ðược bất khả lượng huệ? Ðược bất khả thuyết huệ?
Bồ Tát làm thế nào được: nhơn lực, duyên lực, dục lực, phương tiện lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa ma tha lực, tỳ bát xá na lực, tư duy lực?
Bồ Tát làm thế nào được: uẩn thiện xảo, xứ thiện xảo, giới thiện xảo, duyên khởi thiện xảo, dục giới thiện xảo, sắc giới thiện xảo, vô sắc giới thiện xảo, quá khứ thiện xảo, vị lai thiện xảo, hiện tại thiện xảo?
Bồ Tát làm thế nào khéo tu tập: niệm giác phần, trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỉ giác phần, xả giác phần, không giác phần, vô tướng giác phần, vô nguyện giác phần?
Bồ Tát làm thế nào được viên mãn: đàn ba la mật, thi ba la mật, sằn đề ba la mật, tỳ lê gia ba la mật, thiền na ba la mật, tỳ lê gia ba la mật, thiền na ba la mật, bát nhã ba la mật, từ, bi, hỉ, xả?
Bồ Tát làm thế nào được thập lực: xứ phi xứ trí lực, quả vị hiện tại nghiệp báo trí lực, căn thắng liệt trí lực, chủng chủng giới trí lực, chủng chủng giải trí lực, nhứt thiết chí xứ đạo trí lực, thiền giải thoát tam muội nhiễm tịnh trí lực, túc trụ niệm trí lực, vô chướng ngại thiên nhãn trí lực, đoạn chư tập trí lực?
Bồ Tát làm thế nào thường được sự thủ hộ cung kính cúng dường của: Thiên Vương, Long Vương, Dạ Xoa Vương, Càn thát bà Vương, A tu la Vương, Ca lâu la Vương, Khẩn na la Vương, Ma hầu la già Vương, Nhơn Vương, Phạm Vương?
Bồ Tát làm thế nào được mình là những chỗ: y tựa, cứu độ, chỗ về, chỗ đến, là đuốc, là sáng, là soi, là dẫn đạo, thắng đạo, phổ đạo cho tất cả chúng sanh?
Ðối với tất cả chúng sanh, Bồ Tát làm thế nào là: đệ nhứt, là lớn, là thắng, là tối thắng, là diệu, là cực diệu, là thượng, là vô thượng, là vô đẳng, là vô đẳng đẳng?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Trí Thủ Bồ Tát: "Lành thay Phật tử! nay ngài vì muốn nhiều lợi ích, nhiều an ổn, thương xót thế gian, lợi lạc thiên nhơn mà hỏi những nghĩa như vậy.
Phật tử! Nếu Bồ Tát khéo dụng tâm thời được tất cả công đức thắng diệu, nơi Phật pháp được tâm vô ngại, được trụ nơi đạo của tam thế chư Phật, trụ theo chúng sanh hằng không bỏ rời, đều có thể thông đạt đúng các pháp tướng, dứt tất cả điều ác, đầy đủ tất cả điều lành, sẽ được hình sắc đệ nhứt như Phổ Hiền, đầy đủ tất cả hạnh nguyện, với tất cả pháp đều được tự tại, sẽ là đạo sư thứ hai của chúng sanh.
Phật tử! Bồ Tát dụng tâm thế nào mà có thể được tất cả thắng diệu công đức?
Phật tử lóng nghe đây:
Bồ Tát ở nhà, nên nguyện chúng sanh, biết nhà tánh không, khỏi sự bức ngặt.
Hiếu thờ cha mẹ, nên nguyện chúng sanh, kính thờ chư Phật, hộ dưỡng tất cả.
Vợ con hội họp, nên nguyện chúng sanh, oán thân bình đẳng, lìa hẳn tham trước.
Nếu được ngũ dục, nên nguyện chúng sanh, nhổ mũi tên dục, rốt ráo an ổn.
Kỹ nhạc tụ hội, nên nguyện chúng sanh, vui nơi chánh pháp, rõ nhạc chẳng thật.
Nếu ở cung thất, nên nguyện chúng sanh, vào nơi thánh địa, trừ hẳn uế dục.
Lúc đeo trang sức, nên nguyện chúng sanh, bỏ tư trang giả, đến chỗ chơn thật.
Lên trên lâu các, nên nguyện chúng sanh, lên lầu chánh pháp, thấy suốt tất cả.
Nếu có bố thí, nên nguyện chúng sanh, bỏ được tất cả, lòng không ái trước.
Chúng hội tu tập, nên nguyện chúng sanh, xả những tụ pháp, thành nhứt thiết trí.
Nếu ở ách nạn, nên nguyện chúng sanh, tùy ý tự tại, chỗ làm vô ngại.
Lúc bỏ cư gia, nên nguyện chúng sanh, xuất gia vô ngại, tâm được giải thoát.
Vào tăng già lam, nên nguyện chúng sanh, diễn thuyết các thứ pháp không tranh cãi.
Ðến đại, tiểu sư, nên nguyện chúng sanh, khéo thờ sư trưởng, tập làm điều lành.
Cầu xin xuất gia, nên nguyện chúng sanh, được pháp bất thối,lòng không chướng ngại.
Thoát bỏ tục nhãn, nên nguyện chúng sanh, siêng tu căn lành, bỏ những tội ách.
Cạo bỏ râu tóc, nên nguyện chúng sanh, lìa hẳn phiền não, rốt ráo tịch diệt.
Ðắp y ca sa, nên nguyện chúng sanh, lòng không nhiễm trước, đủ đạo đại tiên.
Lúc chánh xuất gia, nên nguyện chúng sanh, đồng Phật xuất gia, cứu hộ tất cả.
Tự quy y Phật, nên nguyện chúng sanh, nối thạnh Phật chủng, phát tâm vô thượng.
Tự quy y Pháp, nên nguyện chúng sanh, sâu vào kinh tạng, trí huệ như biển.
Tự quy y Tăng, nên nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả vô ngại.
Lục thọ học giới, nên nguyện chúng sanh, khéo học nơi giới, chẳng làm điều ác.
Thọ Xà Lê dạy, nên nguyện chúng sanh, đầy đủ oai nghi, chỗ làm chơn thật.
Thọ Hòa Thượng dạy, nên nguyện chúng sanh, vào trí vô sanh, đến chỗ vô y.
Thọ giới cụ túc, nên nguyện chúng sanh, đủ các phương tiện, được pháp tối thắng.
Nếu vào nhà cửa, nên nguyện chúng sanh, lên nhà vô thượng, an trụ bất động.
Nếu trải giường tòa, nên nguyện chúng sanh, trải mở pháp lành, thấy tướng chơn thật.
Chánh thân đoan tọa, nên nguyện chúng sanh, ngồi bồ đề toà, tâm không tham trước.
Lúc ngồi kiết già, nên nguyện chúng sanh, căn lành kiên cố, được bực bất động.
Tu hành nơi định, nên nguyện chúng sanh, dùng định phục tâm, rốt ráo không thừa.
Nếu tu pháp quán, nên nguyện chúng sanh, thấy lý như thật, trọn không tranh cãi.
Xả ngồi kiết già, nên nguyện chúng sanh, quan sát hành pháp, đều quy tan mất.
Lúc để chân đứng, nên nguyện chúng sanh, tâm được giải thoát, an trụ bất động.
Nếu cất chân lên, nên nguyện chúng sanh, khỏi biển sanh tử, đủ các pháp lành.
Lúc mặc quần dưới, nên nguyện chúng sanh, mặc những căn lành, đầy đủ hổ thẹn.
Chỉnh áo cột giải, nên nguyện chúng sanh, kiểm thúc căn lành, chẳng để tan mất.
Nếu mặc áo trên, nên nguyện chúng sanh, được căn lành lớn, đến bờ pháp kia.
Ðấp tăng già lê, nên nguyện chúng sanh, vào ngôi đệ nhứt, được pháp bất động.
Tay cầm nhành dương, nên nguyện chúng sanh, đều được diệu pháp,rốt ráo thanh tịnh.
Lúc nhăn nhành dương, nên nguyện chúng sanh, tâm ý điều tịnh, nhai các phiền não.
Lúc đại tiểu tiện, nên nguyện chúng sanh, bỏ tham sân si, dẹp trừ điều tội.
Việc rồi đến nước, nên nguyện chúng sanh, trong pháp xuất thế, qua đến mau chóng.
Rửa ráy thân nhơ, nên nguyện chúng sanh, thanh tịnh điều nhu, rốt ráo không nhơ.
Xối nước trên tay, nên nguyện chúng sanh, được tay thanh tịnh, thọ trì Phật pháp.
Dùng nước rửa mặt, nên nguyện chúng sanh, được tịnh pháp môn, trọn không nhơ bợn.
Tay cầm tích trượng, nên nguyện chúng sanh, lập hội bố thí, bày đạo như Phật.
Tay cầm ứng khí, nên nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí, thọ trời người cúng.
Bước chân lên đường, nên nguyện chúng sanh, đến chỗ Phật đi, vào nơi vô y.
Nếu ở nơi đường, nên nguyện chúng sanh, hay đi đường Phật, hướng pháp vô dư.
Theo đường mà đi, nên nguyện chúng sanh, noi tịnh pháp giới,tâm không chướng ngại.
Thấy lên đường cao, nên nguyện chúng sanh, khỏi hẳn ba cõi, tâm không khiếp nhược.
Thấy xuống đường thấp, nên nguyện chúng sanh, tâm ý khiêm hạ lớn căn lành Phật.
Thấy đường quanh co, nên nguyện chúng sanh, bỏ đạo bất chánh, trừ hẳn ác kiến.
Nếu thấy đường thẳng, nên nguyện chúng sanh,tâm ý chánh trực,không dua không dối.
Thấy đường nhiều bụi, nên nguyện chúng sanh, xa lìa bụi bặm, được pháp thanh tịnh.
Thấy đường không bụi, nên nguyện chúng sanh, thường tu đại bi, tâm ý nhuần thấm.
Nếu thấy đường hiểm, nên nguyện chúng sanh, trụ chánh pháp giới, lìa những tội nạn.
Nếu thấy chúng hội, nên nguyện chúng sanh, nói pháp thậm thâm, tất cả hòa hiệp.
Nếu thấy trụ lớn, nên nguyện chúng sanh, lìa tâm chấp ngã, không có phẩn hận.
Nếu thấy tòng lâm, nên nguyện chúng sanh, chư thiên và nhơn, chỗ nên kính lễ.
Nếu thấy núi cao, nên nguyện chúng sanh, căn lành siêu thoát, không thể tột đảnh.
Lúc thấy cây gai, nên nguyện chúng sanh, chóng được cắt bỏ, những gai tam độc.
Thấy cây lá rậm, nên nguyện chúng sanh, dùng định giải thoát, để làm che chói.
Nếu thấy hoa nở, nên nguyện chúng sanh, các pháp thần thông, như hoa đua nở.
Nếu thấy cây hoa, nên nguyện chúng sanh, tướng tốt như hoa, đủ ba mươi hai.
Nếu thấy trái hột, nên nguyện chúng sanh, được pháp tối thắng, chứng đạo bồ đề.
Nếu thấy sông lớn, nên nguyện chúng sanh, được dự pháp lưu, vào Phật trí hải.
Nếu thấy bờ đầm, nên nguyện chúng sanh, chóng ngộ diệu pháp, nhứt vị của Phật.
Nếu thấy ao hồ, nên nguyện chúng sanh, ngữ nghiệp hoàn toàn, hay khéo diễn thuyết.
Nếu thấy giếng nước, nên nguyện chúng sanh, đầy đủ biện tài, diễn tất cả pháp.
Nếu thấy suối chảy, nên nguyện chúng sanh, thêm lớn phương tiện, thiện căn vô tận.
Nếu thấy kiều lộ, nên nguyện chúng sanh, rộng độ tất cả, dường như cầu đò.
Nếu thấy nước chảy, nên nguyện chúng sanh, được ý nguyện lành, rửa nhơ phiền não.
Thấy dọn vườn tược, nên nguyện chúng sanh, trong vườn ngũ dục, dọn sạch cỏ ái.
Thấy rừng vô ưu, nên nguyện chúng sanh, lìa hẳn tham ái, chẳng còn lo sợ.
Nếu thấy công viên, nên nguyện chúng sanh, siêng tu hạnh lành, đến Phật bồ đề.
Thấy người nghiêm sức, nên nguyện chúng sanh, trang nghiêm thân đẹp, ba mươi hai tướng.
Thấy không nghiêm sức, nên nguyện chúng sanh, bỏ những trang sức, đủ hạnh đầu đà.
Thấy người ham vui, nên nguyện chúng sanh, vui nơi chánh pháp, ưa thích chẳng bỏ.
Thấy không ham vui, nên nguyện chúng sanh, trong sự hữu vi, lòng không ưa thích.
Thấy người vui sướng, nên nguyện chúng sanh, thường được an vui, thích cúng dường Phật.
Thấy người khổ não, nên nguyện chúng sanh, được căn bổn trí, dứt trừ sự khổ.
Thấy người mạnh khỏe, nên nguyện chúng sanh, vào chơn thật huệ, trọn không bịnh Khổ.
Thấy người tật bịnh, nên nguyện chúng sanh, biết thân không tịch, lìa sự tranh cãi.
Thấy người xinh đẹp, nên nguyện chúng sanh, với Phật Bồ Tát, thường kính thường tin.
Thấy người xấu xí, nên nguyện chúng sanh, với điều bất thiện, chẳng ưa chẳng thích.
Thấy người báo ơn, nên nguyện chúng sanh, với Phật Bồ Tát, hay biết ơn đức.
Thấy người bội ơn, nên nguyện chúng sanh, với kẻ làm ác, chẳng trả thù oán.
Nếu thấy Sa Môn, nên nguyện chúng sanh, điều nhu tịch tịnh, rốt ráo đệ nhứt.
Thấy Bà La Môn, nên nguyện chúng sanh, giữ trọn phạm hạnh, lìa tất cả ác.
Thấy người khổ hạnh, nên nguyện chúng sanh, y nơi khổ hạnh, đến bực rốt ráo.
Thấy người hạnh tốt, nên nguyện chúng sanh, giữ bền chí hạnh, chẳng bỏ Phật đạo.
Thấy mặc giáp trụ, nên nguyện chúng sanh, thường mặc giáp lành, đến pháp vô sư.
Thấy không võ trang, nên nguyện chúng sanh, lìa hẳn tất cả, những nghiệp bất thiện.
Thấy người luận nghị, nên nguyện chúng sanh, đều dẹp phá được, tất cả dị luận.
Thấy người chánh mạng, nên nguyện chúng sanh, được mạng thanh tịnh, không dốg iả dạng.
Nếu thấy Quốc vương, nên nguyện chúng sanh, được làm pháp vương, thường chuyển chánh pháp.
Nếu thấy vương tử, nên nguyện chúng sanh, từ pháp hóa sanh, mà làm Phật tử.
Nếu thấy trưởng giả, nên nguyện chúng sanh, xét đoán sáng suốt, chẳng làm điều ác.
Nếu thấy đại thần, nên nguyện chúng sanh, hằng giữ chánh niệm, tập làm điều thiện.
Nếu thấy thành quách, nên nguyện chúng sanh, được thân kiên cố,tâm không hèn nhát.
Nếu thấy kinh đô, nên nguyện chúng sanh, công đức đồng nhóm, lòng luôn vui vẻ.
Thấy ở rừng vắng, nên nguyện chúng sanh, đáng được trời người, ca ngợi kính ngưỡng.
Vào xóm khất thực, nên nguyện chúng sanh, nhập thâm pháp giới, tâm không chướng ngại.
Ðến cửa nhà người, nên nguyện chúng sanh, vào trong tất cả, cửa nhà Phật pháp.
Vào nhà người rồi, nên nguyện chúng sanh, được vào Phật thừa, ba thời bình đẳng.
Thấy không thí xả, nên nguyện chúng sanh, thường chẳng bỏ rời, pháp công đức lớn.
Thấy người thí xả, nên nguyện chúng sanh, được bỏ lìa hẳn, khổ ba ác đạo.
Nếu thấy bát không, nên nguyện chúng sanh, tâm ý thanh tịnh, trống sạch phiền não.
Nếu thấy bát đầy, nên nguyện chúng sanh, đầy đủ trọn vẹn, tất cả thiện pháp.
Nếu được cung kính, nên nguyện chúng sanh, cung kính tu hành, tất cả Phật pháp.
Chẳng được cung kính, nên nguyện chúng sanh, chẳng làm tất cả,những điều bất thiện.
Thấy người hổ thẹn, nên nguyện chúng sanh, đủ hạnh hổ thẹn, che giữ căn thân.
Thấy không hổ thẹn, nên nguyện chúng sanh, lìa bỏ không thẹn, trụ đạo đại từ.
Ðược thực phẩm ngon, nên nguyện chúng sanh, đều được mãn nguyện, không lòng tham muốn.
Ðược thực phẩm dở, nên nguyện chúng sanh, ai cũng đều được, pháp vị tam muội.
Ðược vật thực mềm, nên nguyện chúng sanh, huân tập đại bi, tâm ý nhu nhuyến.
Ðược vật thực cứng, nên nguyện chúng sanh, tâm không nhiễm trước, dứt hết tham ái.
Nếu lúc ăn cơm, nên nguyện chúng sanh, ăn món thiền duyệt, pháp hỉ no đủ.
Lúc thọ mùi vị, nên nguyện chúng sanh, được Phật hương vị, cam lộ đầy đủ.
Lúc ăn cơm xong, nên nguyện chúng sanh, việc làm đều xong, đủ những Phật pháp.
Nếu lúc thuyết pháp, nên nguyện chúng sanh, biện luận vô tận, tuyên rộng pháp yếu.
Lúc ra khỏi nhà, nên nguyện chúng sanh, thâm nhập Phật trí, khỏi hẳn ba cõi.
Nếu lúc xuống nước, nên nguyện chúng sanh, vào nhứt thiết trí, rõ ba thời đồng.
Tắm rửa thân thể, nên nguyện chúng sanh, thân tâm không nhơ, trong ngoài sáng sạch.
Mùa nắng nóng độc, nên nguyện chúng sanh, bỏ lìa khổ não, tất cả đều hết.
Hết nắng vừa mát, nên nguyện chúng sanh, chứng pháp vô thượng, rốt ráo mát mẻ.
Lúc đọc tụng kinh, nên nguyện chúng sanh, thuận lời Phật dạy, tổng trì chẳng quên.
Nếu được thấy Phật, nên nguyện chúng sanh, được vô ngại nhãn, thấy tất cả Phật.
Lúc ngắm kỹ Phật, nên nguyện chúng sanh, đều như Phổ Hiền, xinh đẹp nghiêm tốt.
Lúc thấy tháp Phật, nên nguyện chúng sanh, tôn trọng như tháp, thọ trời người cúng.
Cung kính xem tháp, nên nguyện chúng sanh, chư thiên và người, cùng nhau chiêm ngưỡng.
Ðảnh lễ tháp Phật, nên nguyện chúng sanh, tất cả trời người, chẳng thấy đảnh được.
Ði nhiễu tháp Phật, nên nguyện chúng sanh, tu hành không trái, thành nhứt thiết trí.
Nhiễu tháp ba vòng, nên nguyện chúng sanh, siêng cầu Phật đạo, lòng không biếng trễ.
Khen công Ðức Phật, nên nguyện chúng sanh, đều đủ công đức, ca ngợi vô tận.
Khen tướng hảo Phật, nên nguyện chúng sanh, thành tựu Phật thân, chứng pháp vô tướng.
Nếu lúc rửa chân, nên nguyện chúng sanh, đủ sức thần túc, chỗ đi vô ngại.
Ngủ nghỉ phải thời, nên nguyện chúng sanh, thân được an ổn, lòng không động loạn.
Ngủ vừa tỉnh giấc, nên nguyện chúng sanh, tất cả trí giác, ngó khắp mười phương.
Phật tử! Nếu chư Bồ Tát dụng tâm như vậy thời được tất cả công đức thắng diệu. Tất cả thế gian: chư thiên, ma, phạm, sa môn, bà la môn, càn thát bà, a tu la v.v... nhẫn đến tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm lay động được. 12. PHẨM HIỀN THỦ THỨ MƯỜI HAI
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói hạnh thanh tịnh không trược loạn đại công đức rồi, vì muốn hiển thị công đức của bồ đề tâm, nên nói kệ hỏi Hiền Thủ Bồ Tát:
Nay tôi đã vì chư Bồ Tát
Nói hạnh thanh tịnh Phật đã tu
Ngài cũng nên ở trong hội này
Diễn đạt tu hành công đức lớn.
Lúc đó Hiền Thủ Bồ Tát nói kệ đáp:
Lành thay xin ngài lóng nghe đây
Những công đức đó chẳng lường được
Nay tôi tùy sức, nói ít phần
Như một giọt nước trong biển lớn.
Nếu có Bồ Tát sơ phát tâm
Thệ cầu sẽ chứng Phật bồ đề
Công đức của kia không ngằn mé
Không thể cân lường, chẳng gì sánh.
Huống là vô lượng vô biên kiếp
Tu đủ địa, độ, các công đức
Mười phương tất cả chư Như Lai
Đều cùng ngợi khen chẳng hết được.
Vô biên công đức lớn như vậy
Nay tôi trong đây nói ít phần
Ví như chân chim vạch không gian
Và như hạt bụi trên đại địa.
Bồ Tát phát tâm cầu bồ đề
Chẳng phải không nhơn, không có duyên
Với Phật, Pháp, Tăng khởi lòng tin
Do đây mà sanh tâm rộng lớn.
Chẳng cầu ngũ dục và ngôi vua
Chẳng mong giàu, vui, danh tiếng lớn
Chỉ vì dứt hẳn khổ chúng sanh
Lợi ích thế gian mà phát ý.
Thường muốn lợi lạc các chúng sanh
Trang nghiêm cõi nước, cúng dường Phật
Thọ trì chánh pháp, tu trí huệ
Vì chứng bồ đề mà phát tâm.
Thâm tâm, tin, hiểu thường thanh tịnh
Cung kính, tôn trọng tất cả Phật
Nơi Pháp và Tăng cũng như vậy
Chí thành cúng dường mà phát tâm.
Thâm tín nơi Phật và Phật pháp
Cũng tin Phật tử đạo tu hành
Và tin vô thượng đại bồ đề
Do đây Bồ Tát phát tâm nguyện.
Tin là đạo nguồn, mẹ công đức
Nuôi lớn tất cả những pháp lành
Dứt trừ lưới nghi, khỏi vòng ái
Khai thị Niết Bàn, đạo vô thượng.
Tin không nhơ bợn, lòng thanh tịnh
Là cội cung kính, trừ kiêu mạn
Cũng là pháp tạng đệ nhứt tài
Là tay thanh tịnh thọ thiện hạnh.
Tin hay ban cho, không bỏn sẻn
Tin hay hoan hỉ vào Phật pháp
Tin hay thêm lớn trí, công đức
Tin quyết định được bực Như Lai.
Tin khiến lục căn sạch, sáng, lẹ
Tin sức kiên cố không bị hư
Tin hay dứt hẳn cội phiền não
Tin hay chuyển hướng Phật công đức.
Tin nơi cảnh giới không chấp trước
Xa lìa các nạn, được vô nạn
Tin hay vượt khỏi các đường ma
Thị hiện đạo giải thoát vô thượng.
Tin là giống công đức không hư
Tin hay sanh trưởng cây bồ đề
Tin hay thêm lớn trí tối thắng
Tin hay thị hiện tất cả Phật.
Cứ theo công hạnh nói thứ đệ
Tin là hơn hết, rất khó được
Ví như trong tất cả thế gian
Mà có như ý diệu bửu châu.
Nếu thường tin thờ nơi chư Phật
Thời hay trì giới và tu học;
Nếu thường trì giới và tu học
Thời hay đầy đủ các công đức.
Giới hay khai phát gốc bồ đề
Học là siêng tu bực công đức,
Nơi giới và học thường thuận làm
Thời được chư Phật luôn khen ngợi.
Nếu thường tin phụng nơi chư Phật
Thời hay trần thiết cúng dường lớn
Nếu hay trần thiết cúng dường lớn
Người này tin Phật bất tư nghì.
Nếu thường tin phụng nơi tôn pháp
Thời nghe Phật pháp không nhàm đủ
Nếu nghe Phật pháp không nhàm đủ
Người này tin pháp bất tư nghì.
Nếu thường tin phụng thanh tịnh tăng
Thời được tín tâm bất thối chuyển
Nếu được tín tâm bất thối chuyển
Người này tín lực không dao động.
Nếu được tín lực không dao động
Thời được lục căn sạch sáng lẹ
Nếu được lục căn sạch sáng lẹ
Thời hay xa lìa ác tri thức.
Nếu hay xa lìa ác tri thức
Thời được gần gũi thiện tri thức
Nếu được gần gũi thiện tri thức
Thời hay tu tập quảng đại thiện.
Nếu hay tu tập quảng đại thiện
Người này được thành nhơn lực lớn
Nếu người được thành nhơn lực lớn
Thời được thù thắng quyết định giải.
Nếu được thù thắng quyết định giải
Thời được chư Phật thường hộ niệm
Nếu được chư Phật thường hộ niệm
Thời hay phát khởi bồ đề tâm
Nếu hay phát khởi bồ đề tâm
Thời hay siêng tu Phật công đức
Nếu hay siêng tu Phật công đức
Thời được sanh vào nhà của Phật.
Nếu được sanh ở nhà chư Phật
Thời khéo tu hành phương tiện lớn
Nếu khéo tu hành phương tiện lớn
Thời tâm tin ưa được thanh tịnh.
Nếu được tâm tin ưa thanh tịnh
Thời được tâm tăng thượng tối thắng
Nếu được tâm tăng thượng tối thắng
Thời thường tu tập ba la mật
Nếu thường tu tập ba la mật
Thời được trọn đủ pháp đại thừa
Nếu được trọn đủ pháp đại thừa
Thời hay đúng pháp cúng dường Phật.
Nếu hay đúng pháp cúng dường Phật
Thời được tâm niệm Phật bất động
Nếu được tâm niệm Phật bất động
Thời thường thấy được vô lượng Phật.
Nếu thường thấy được vô lượng Phật
Thời thấy Như Lai thể thường trụ
Nếu thấy Như Lai thể thường trụ
Thời biết được pháp trọn bất diệt.
Nếu biết được pháp trọn bất diệt
Thời được biện tài vô chướng ngại
Nếu được biện tài vô chướng ngại
Thời hay khai diễn vô biên pháp.
Nếu hay khai diễn vô biên pháp
Thời hay từ mẫn độ chúng sanh
Nếu hay từ mẫn độ chúng sanh
Thời được tâm đại bi kiên cố.
Nếu được tâm đại bi kiên cố
Thời hay mến ưa pháp thâm diệu
Nếu hay mến ưa pháp thâm diệu
Thời hay xa lìa lỗi hữu vi.
Nếu hay xa lìa lỗi hữu vi
Thời lìa kiêu mạn và phóng dật
Nếu lìa kiêu mạn và phóng dật
Thời hay kiêm lợi tất cả chúng.
Nếu hay kiêm lợi tất cả chúng
Thời ở sanh tử không mỏi nhàm
Nếu ở sanh tử không mỏi nhàm
Thời được dũng kiện không ai hơn.
Nếu được dũng kiện không ai hơn
Thời hay phát khởi đại thần thông
Nếu hay phát khởi đại thần thông
Thởi biết hạnh tất cả chúng sanh.
Nếu biết hạnh tất cả chúng sanh
Thời hay thành tựu các quần sanh
Nếu hay thành tựu các quần sanh
Thời được trí khéo nhiếp chúng sanh.
Nếu được trí khéo nhiếp chúng sanh
Thời hay thành tựu pháp tứ nhiếp
Nếu hay thành tựu pháp tứ nhiếp
Thời cho chúng sanh lợi vô hạn
Nếu cho chúng sanh lợi vô hạn
Thời đủ phương tiện trí tối thắng
Nếu đủ phương tiện trí tối thắng
Thời trụ đạo dũng mãnh vô thượng.
Nếu trụ đạo dũng mãnh vô thượng
Thời hay xô dẹp những ma lực
Nếu hay xô dẹp những ma lực
Thời hay vượt khỏi cảnh tứ ma.
Nếu hay vượt khỏi cảnh tứ ma
Thời được đến nơi bực bất thối
Nếu được đến nơi bực bất thối
Thời được pháp nhẫn vô sanh lớn.
Nếu được pháp nhẫn vô sanh lớn
Thời được chư Phật thọ ký cho
Nếu được chư Phật thọ ký cho
Thời tất cả Phật hiện ra trước.
Nếu được chư Phật hiện ra trước
Thời rõ mật dụng thần thông lớn
Nếu rõ mật dụng thần thông lớn
Thời được chư Phật thường nhớ tưởng.
Nếu được chư Phật thường nhớ tưởng
Thời dùng Phật đức tự trang nghiêm
Nếu dùng Phật đức tự trang nghiêm
Thời được thân đoan nghiêm diệu phước.
Nếu được thân đoan nghiêm diệu phước
Thời thân chói sáng dường núi vàng
Nếu thân chói sáng dường núi vàng
Thời đủ ba mươi hai tướng hảo.
Nếu đủ ba mươi hai tướng hảo
Tám mươi tùy hảo đồng nghiêm sức
Nếu đủ tùy hảo đồng nghiêm sức
Thời thân sáng chói vô hạn lượng.
Nếu thân sáng chói vô hạn lượng
Thời được quang minh bất tư nghị
Nếu được quang minh bất tư nghị
Quang minh này hiện những liên hoa.
Những quang minh từ liên hoa hiện
Có vô lượng Phật ngự trên liên hoa
Thị hiện mười phương đều khắp cả
Đều hay điều phục các chúng sanh.
Nếu hay điều phục các chúng sanh
Thời hiện vô lượng thần thông lực.
Nếu hiện vô lượng thần thông lực
Thời trụ bất tư nghị cõi nước,
Thời diễn thuyết bất tư nghị pháp
Khiến bất tư nghị chúng hoan hỉ.
Thời dùng sức trí huệ, biện tài
Tùy tâm chúng sanh mà giáo hóa.
Nếu dùng sức trí huệ, biện tài
Tùy tâm chúng sanh mà giáo hóa
Thời dùng trí huệ làm tiên đạo
Thân, ngữ, ý, thường không lầm lỗi.
Nếu dùng trí huệ làm tiên đạo
Thân ngữ ý thường không lầm lỗi
Thời nguyện lực tất được tự tại
Tùy theo các loài mà hiện thân.
Nếu nguyện lực ấy được tự tại
Tùy theo các loài mà hiện thân
Thời lúc tùy chúng, mà thuyết pháp
Ấm thinh tùy loại, khó nghĩ bàn
Thời với tâm tất cả chúng sanh
Một niệm biết cả không thừa sót.
Nếu với tâm tất cả chúng sanh
Một niệm biết cả không thừa sót.
Thời biết phiền não không từ đâu
Trọn không còn chìm trong sanh tử.
Nếu biết phiền não không từ đâu
Trọn không còn chìm trong sanh tử
Thời được thân công đức pháp tánh
Dùng pháp oai lực hiện thế gian.
Nếu được thân pháp tánh công đức
Dùng pháp oai lực hiện thế gian
Thời được thập địa, mười tự tại
Tu hành các độ, thắng giải thoát
Thời được quán đảnh đại thần thông
Trụ nơi tối thắng các tam muội.
Nếu được quán đảnh đại thần thông
Trụ nơi tối thắng các tam muộI
Thời khắp mười phương chỗ chư Phật
Đáng thọ quán đảnh được thắng vị
Thời được tất cả Phật mười phương
Tay lấy cam lộ rưới trên đảnh
Thời thân đầy khắp như hư không
An trụ bất động khắp mười phương.
Nếu thân đầy khắp như hư không
An trụ bất động khắp mười phương
Thời chỗ sở hành không ai bằng
Chư thiên, người đời chẳng biết được.
Bồ Tát siêng tự tại hạnh đại bi
Nguyện độ tất cả đều trọn vẹn
Nếu ai nghe thấy mà cúng dường
Đều làm cho họ được an lạc.
Thần lực của chư Bồ Tát kia
Pháp nhãn toàn vẹn không thuyết giảm
Những đạo diệu hạnh thập thiện thảy
Thắng bửu vô lượng đều khiến hiện.
Như báu kim cang trong đại hải
Do oai lực này sanh các báu;
Không tăng, không giảm, cũng vô tận
Công đức của Bồ Tát cũng vậy.
Hoặc có quốc độ không có Phật
Bồ Tát nơi đó hiện thành Phật,
Nếu có quốc độ chẳng biết Pháp
Nơi đó Bồ Tát thuyết diệu pháp.
Không có phân biệt, không công dụng
Trong khoảng một niệm khắp mười phương
Như mặt nguyệt sáng chiếu khắp nơi
Vô lượng phương tiện độ quần sanh.
Ở trong mười phương các thế giới
Niệm niệm thị hiện thành Phật đạo
Chuyển chánh pháp luân vào tịch diệt
Nhẫn đến xá lợi phân bố rộng.
Hoặc hiện Thanh Văn cùng Độc Giác
Hoặc hiện thành Phật khắp trang nghiêm
Như vậy khai diễn pháp ba thừa
Rộng độ chúng sanh vô lượng kiếp.
Hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ
Trời rồng nhẫn đến a tu la,
Cùng với ma hầu la già thảy
Tùy chúng sở thích đều khiến thấy.
Chúng sanh hình tướng đều chẳng đồng
Hành nghiệp, âm thinh cũng vô lượng
Tất cả như vậy đều hiện được
Hải ấn tam muội oai thần lực.
Nghiêm tịnh bất tư nghị quốc độ
Cúng dường tất cả chư Như Lai
Phóng đại quang minh vô lượng biên
Độ thoát chúng sanh cũng vô hạn.
Trí huệ tự tại, bất tư nghị
Ngôn từ thuyết pháp không chướng ngại
Thí, giới, nhẫn, tấn và thiền định
Trí huệ, phương tiện, thần thông thảy.
Tất cả như vậy đều tự tại
Do Phật hoa nghiêm tam muội lực.
Trong một vi trần nhập tam muộI
Thành tựu vi trần tất cả định,
Mà vi trần kia cũng không thêm
Nơi một hiện khắp vô biên cõi.
Trong một trần kia, nhiều quốc độ
Hoặc là có Phật, hoặc không Phật,
Hoặc là tạp nhiễm, hoặc thanh tịnh
Hoặc cõi rộng lớn, hoặc hẹp nhỏ
Hoặc có cõi thành, hoặc là hoại
Hoặc cõi chánh trụ, hoặc bàng trụ,
Hoặc như ánh nắng giữa đồng trống
Hoặc như lưới Thiên Đế trên trời.
Như chỗ thị hiện trong một trần
Tất cả vi trần đều như vậy,
Đây là những thánh nhơn cao cả
Tam muội, giải thoát thần thông lực.
Nếu muốn cúng dường tất cả Phật
Nhập nơi tam muội khởi thần thông
Hay dùng một tay khắp đại thiên
Cúng khắp tất cả vô số Phật.
Bao nhiêu hoa đẹp ở mười phương
Hương thoa, hương bột, báu vô giá
Đều từ trong tay xuất hiện ra
Cúng dường chư Phật ngự đạo thọ.
Bửu y vô giá, xen hương diệu
Bửu tràng phan, lọng đều xinh đẹp
Vàng rồng làm hoa, ngọc làm màn
Tất cả đều từ trong tay hiện.
Bao nhiêu vật tốt ở mười phương
Đáng đem phụng hiến đấng vô thượng
Trong tay tất cả đều hiện đủ
Trước cây bồ đề cúng chư Phật.
Tất cả kỹ nhạc ở mười phương
Chung, cổ, cầm, sắc đủ các loại
Đồng tấu hòa nhã âm thinh diệu
Đều từ bàn tay xuất hiện ra.
Bao nhiêu tán tụng ở mười phương
Ca ngợi thiệt đức của chư Phật
Như vậy các thứ diệu ngôn từ
Đều từ bàn tay mà khai diễn.
Bồ Tát tay mặt phóng tịnh quang
Trong quang rưới ra nước thơm sạch
Rưới khắp mười phương các quốc độ
Cúng dường tất cả Chiếu Thế Đăng.
Lại phóng quang minh diệu trang nghiêm
Xuất sanh vô lượng hoa sen báu
Hoa này hình sắc đều rất đẹp
Dùng đây cúng dường lên chư Phật.
Lại phóng quang minh hoa trang nghiêm
Các thứ diệu hoa họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang minh hương trang nghiêm
Các thứ diệu hương họp làm trướng,
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang minh mạt hương tốt
Các thứ mạt hương họp làm trướng
Rải khăp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang minh y trang nghiêm
Các thứ y phục họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang minh bửu trang nghiêm
Các thứ diệu bửu họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang liên hoa trang nghiêm
Các thứ liên hoa họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang anh lạc trang nghiêm
Các thứ chuỗi ngọc họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười phương
Cúng dường tất cả đấng Đại Đức.
Lại phóng quang minh tràng trang nghiêm
Bửu tràng rực rỡ đủ màu đẹp
Các loại vô lượng đều rất tốt
Dùng dây trang nghiêm các Phật độ.
Các thứ báu đẹp lọng trang nghiêm
Những phan lụa đẹp treo rủ xuống
Lạc báu ma ni, diễn Phật âm
Đem đến kính dâng cúng chư Phật.
Tay hiện đồ cúng bất tư nghị
Như vậy cúng dường một Đạo Sư
Nơi tất cả Phật đều như vậy
Đây là thần lực của Đại Sĩ.
Bồ Tát trụ trong môn tam muội
Các thứ tự tại nhiếp chúng sanh
Đều đem pháp công đức đã làm
Vô lượng phương tiện để chỉ dạy.
Hoặc dùng môn cúng dường Như Lai
Hoặc dùng môn nhẫn nhục bất động
Hoặc dùng môn khổ hạnh tinh tấn
Hoặc dùng môn thiền định tịch tịnh,
Hoặc dùng môn trí huệ quyết rõ
Hoặc dùng môn phương tiện tu hành
Hoặc dùng môn phạm trụ, thần thông
Hoặc dùng môn tứ nhiếp lợi ích,
Hoặc dùng môn phước trí trang nghiêm
Hoặc dùng môn nhơn duyên, giải thoát
Hoặc dùng môn căn, lực, chánh đạo
Hoặc dùng môn Thinh Văn giải thoát,
Hoặc dùng môn Độc Giác Thanh tịnh
Hoặc dùng môn Đại Thừa tự tại
Hoặc dùng môn Vô Thường những khổ
Hoặc dùng môn vô ngã vô thọ,
Hoặc dùng môn bất tịnh, ly dục
Hoặc dùng môn diệt tận tam muội.
Tùy theo chúng sanh bịnh chẳng đồng
Đều dùng pháp dược để đối trị.
Tùy theo chúng sanh tâm sở thích
Đều dùng phương tiện khiến đầy đủ.
Tùy theo chúng sanh hạnh sai biệt
Đều dùng chước khéo khiến thành tựu.
những tướng tam muội thần thông ấy
Tất cả trời người chẳng lường được.
Có diệu tam muội tên tùy lạc
Bồ Tát trụ đây, khắp quan sát
Tùy nghi thị hiện độ chúng sanh
Đều khiến vui lòng theo chánh pháp.
Trong thời gian, nạn cơ cẩn, tai
Ban cho thế gian đồ cần thiết
Tùy chỗ họ muốn đều khiến đủ
Khắp vì chúng sanh làm lợi ích:
Hoặc cho những vật uống, ăn ngon
Y phục, tư trang, những vật tốt
Cả đến ngôi vua, đều xả được
Khiến kẻ ưa thí theo chánh pháp.
Hoặc dùng tướng hảo trang nghiêm thân
Y phục thượng diệu, chuỗi ngọc báu
Tràng hoa nghiêm sức, hương thoa thân
Oai nghi đầy đủ, độ hàm thức.
Tất cả thế gian chỗ ưa chuộng
Sắc tướng, dung nhan, và y phục
Tùy nghi hiện đủ, vui lòng họ
Khiến kẻ ưa sắc theo chánh pháp.
Tiếng ca lăng tần già mỹ diệu
Ấm thinh diệu Câu chỉ la thảy
Những thứ phạm âm đều đầy đủ
Tùy lòng họ thích vì thuyết pháp.
Tám vạn bốn ngàn các pháp môn
Chư Phật dùng đây độ chúng sanh
Bồ Tát cũng theo pháp sai biệt
Tùy nghi theo đời mà hóa độ.
Chúng sanh khổ, lạc, lợi, suy thảy
Những việc thật hành của thế gian
Đều hay ứng hiện đồng với họ
Dùng đây phổ độ các chúng sanh.
Tất cả thế gian những khổ hoạn
Sâu rộng không bờ như đại hải
Đồng sự với họ đều chịu được
Khiến họ lợi ích được an vui.
Có người chẳng biết pháp xuất ly
Chẳng cầu giải thoát lìa ồn náo
Vì họ Bồ Tát hiện thí xả
Thường ưa xuất gia tâm tịch tịnh.
Nhà là chốn tham ái, ràng buộc
Muốn khiến chúng sanh, đều khỏi lìa
Nên hiện xuất gia được giải thoát
Với các dục lạc không ưa thích.
Bồ Tát hiện làm mười công hạnh
Cũng làm tất cả pháp đại nhơn
Làm hạnh chư Tiên đều không sót
Vì muốn chúng sanh được lợi ích.
Nếu có chúng sanh thọ vô lượng
Phiền não vi tế thích đầy đủ
Trong đó Bồ Tát được tự tại
Hiện thọ các khổ: già, bịnh, chết.
Hoặc kẻ tham dục, sân, ngu si
Lửa mạnh phiền não luôn hừng cháy
Bồ Tát thị hiện già, bịnh, chết
Khiến chúng sanh đó đều điều phục.
Như Lai thập lực, vô sở úy
Cùng với mười tám pháp bất cộng
Tất cả vô lượng các công đức
Đều đem thị hiện độ chúng sanh.
Thọ ký, giáo hóa và thần túc
Đều là sức tự tại của Phật
Chư Đại Sĩ kia đều thị hiện
Hay khiến chúng sanh đều điều phục.
Bồ Tát đem các môn phương tiện
Tùy thuận thế pháp độ chúng sanh
Ví như liên hoa chẳng dính nước
Tại thế như vậy, khiến người tin.
Là vua văn tài, học uyên bác
Ca vũ, luận bàn, người đều thích
Tất cả kỹ thuật trong thế gian
Như nhà ảo thuật đều hiện đủ.
Hoặc làm trưởng giả, chủ trong ấp
Hoặc làm thương mãi, người buôn bán
Hoặc làm quốc vương cùng quan lớn
Hoặc làm lương y, nhà hùng biện.
Hoặc làm cây to giữa cánh đồng
Hoặc làm thuốc hay, những kho báu
Hoặc làm bửu châu như ý vương
Hoặc đem chánh đạo dạy chúng sanh.
Nếu thấy thế giới mới thành lập
Chúng sanh chưa có vật cần dùng
Bấy giờ Bồ Tát làm công thợ
Vì họ bầy ra các nghề nghiệp.
Chẳng làm vật bức não chúng sanh
Chỉ nói chuyện thế gian lợi ích
Các luận: chú thuật, dược thảo thảy
Tất cả như vậy đều nói rành.
Thắng hạnh của tất cả tiên nhơn
Trời người, mọi loài đều tín ngưỡng
Những pháp khổ hạnh khó làm đó
Bồ Tát tùy nghi đều làm được.
Hoặc làm ngoại đạo người xuất gia
Hoặc ở núi rừng tự cần khổ
Hoặc để mình trần, không y phục
Mà làm sư trưởng của chúng kia.
Hoặc hiện những hạnh tà mạng thảy
Tập làm phi pháp cho là thắng
Hoặc hiện oai nghi, làm phạm chí
Ở trong chúng kia làm thượng thủ.
Hoặc chịu ngũ nhiệt, phơi dưới nắng
Hoặc giữ giới bò, chó và nai
Hoặc mặc áo rách, phụng thờ lửa
Vì độ chúng kia, làm sư trưởng.
Hoặc hiện yết kiến các thiên miếu
Hoặc lại hiện vào nước sông Hằng
Ắn củ, trái thảy, đều hiện làm
Nơi đó thường suy pháp tối thắng.
Hoặc hiện ngồi xổm, hoặc co chơn
Hoặc nằm cỏ gai, hoặc trên tro
Hoặc nằm trên chày, cầu xuất ly
Mà ở chúng kia làm sư thủ.
Như vậy các phái, các ngoại đạo
Quan sát ý giải cùng đồng sự
Hiện làm: khổ hạnh đời chẳng kham
Khiến họ xem thấy đều điều phục.
Chúng sanh mê lầm bẩm tà giáo
Trụ nơi ác kiến, thọ những khổ
Vì họ, phương tiện, nói diệu pháp
Đều khiến được hiểu lý chơn thật.
Hoặc theo chú ngữ nói tứ đế
Hoặc giỏi mật ngữ nói tứ đế
Hoặc dùng tiếng người nói tứ đế
Hoặc Trời mật ngữ nói tứ đế.
Phân biệt văn tự, nói tứ đế
Quyết định nghĩa lý, nói tứ đế
Khéo phá nơi người, nói tứ đế
Chẳng bị dao động, nói tứ đế,
Hoặc tiếng bát bộ, nói tứ đế
Hoặc tất cả lời, nói tứ đế
Tùy ngôn âm thế gian hiểu được
Diễn thuyết tứ đế, khiến giải thoát.
Tất cả bao nhiêu các Phật tử
Đều nói như vậy đủ tất cả
Biết cảnh giới lời bất tư nghị
Đây là thuyết pháp tam muội lực.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.124.123 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.