Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
19. PHẨM DẠ MA THIÊN CUNG THỨ MƯỜI CHÍN
(Hán Bộ Phần Ðầu Quyển 19)
Lúc bấy giờ do thần lực của Ðức Phật, khắp thập phương thế giới, trong Diêm Phù Ðề và trên đảnh Tu Di đều thấy Như Lai ngự giữa chúng hội. Chư Bồ Tát thừa oai thần của Phật mà diễn thuyết diệu pháp. Tất cả chúng đều cho rằng Ðức Phật luôn ở trước.
Lúc đó, Ðức Thế Tôn không rời cội Bồ đề và đảnh núi Tu Di mà hướng đến điện Bửu Trang Nghiêm nơi Dạ Ma Thiên Cung.
Dạ Ma Thiên Vương vọng thấy Ðức Phật đến, liền dùng thần lực, nơi giữa điện, hóa ra tòa sư tử bửu liên hoa tạng trăm vạn từng cấp, trăm vạn lưới vàng, trăm vạn màn hoa, trăm vạn màn tràng hoa, trăm vạn màn hương, trăm vạn màn báu che giăng trên bửu tòa. Lọng hoa, lọng tràng, lọng hương, lọng báu đều số trăm vạn bố liệt bốn phía, chiếusáng với trăm vạn quang minh.
Trăm vạn Dạ Ma Thiên Vương cung kính đảnh lễ, trăm vạn Phạm Vương vui mừng hớn hở, trăm vạn Bồ Tát xưng dương ca ngợi, trăm vạn kỹ nhạc hòa tấu, trăm vạn pháp âm không dứt tiếng.
Trăm vạn thứ mây hoa, trăm vạn thứ mây tràng, trăm vạn đồ trang nghiêm, trăm vạn thứ mây y phục giăng giáp vòng, trăm vạn thứ mây ma ni chói sáng, từ trăm vạn thiện căn sanh ra, được trăm vạn Phật hộ trì, trăm vạn thứ phước đức làm tăng trưởng, trăm vạn thâm tâm và trăm vạn thệ nguyện làm trang nghiêm thanh tịnh, trăm vạn công hạnh làm sanh khởi, trăm vạn pháp kiến lập, trăm vạn thần thông biến hiện, luôn vang ra trăm vạn ngôn âm hiển thị các pháp.
Sắp đặt bửu tòa xong, Dạ Ma Thiên Vương nghinh tiếp Ðức Thế Tôn, chấp tay cung kính bạch Ðức Phật rằng: "Lành thay đức Thiện Thệ! Lành thay Ðức Như Lai Ứng Cúng Ðảnh Chánh Giác! xin từ mẫn ngự trong cung điện này."
Ðức Phật thọ thỉnh, liền ngự lên bửu tòa. Thập phương Thế giới, tất cả Dạ Ma Thiên Cung đều như thế cả.
Lúc đó Thiên Vương liền tự nhớ thiện căn đã vun trồng nơi chư Phật thời quá khứ, thừa oai lực của Ðức Phật mà nói kệ rằng:
Danh Xưng Như Lai khắp mười phương
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện Ma ni này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Bửu Vương Như Lai đèn thế gian
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện thanh tịnh này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Hỷ Mục Như Lai thấy vô ngại
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện trang nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Nhiên Ðăng Như Lai chiếu thế gian
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện vô cấu này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Thiện Giác Như Lai không có thầy
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện bửu hương này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Thắng Thiên Như Lai đèn trong đời
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện diệu hương này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Vô Khứ Như Lai hùng biện nhứt
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện phổ nhãn này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Vô Thắng Như Lai đủ công đức
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện thiện nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Khổ Hạnh Như Lai lợi thế gian
Trong những cát tường vô thượng nhứt
Phật từng vào điện phổ nghiêm này
Vì thế chỗ này rất cát tường.
Khắp thập phương thế giới, tất cả Dạ Ma Thiên Vương đều ca ngợi công đức của Phật như vậy cả.
Lúc Ðức Thế Tôn vào điện Ma Ni ngồi kiết già trên bửu tòa sư tử, điện này bỗng rộng rãi bao la bằng tất cả chỗ ở của thiên chúng. Thập phương thế giới cũng như vậy. 20. PHẨM DẠ MA CUNG KỆ TÁN THỨ HAI MƯƠI
(Hán Bộ Phần Giữa Quyển 19)
Lúc đó do thần lực của Ðức Phật, mười phương đều có một đại Bồ Tát, mỗi vị đều cùng Phật sát vi trần số Bồ Tát câu hộI, từ những thế giới ngoài mười vạn Phật sát vi trần số quốc độ mà đến.
Tên của mười vị Bồ Tát đó là:
Công Ðức Lâm Bồ Tát, Huệ Lâm Bồ Tát, Thắng Lâm Bồ Tát, Vô Úy Lâm Bồ Tát, Tàm Quý Lâm Bồ Tát, Tinh Tấn Lâm Bồ Tát, Lực Lâm Bồ Tát, Hạnh Lâm Bồ Tát, Giác Lâm Bồ Tát, Trí Lâm Bồ Tát.
Quốc độ của các Ngài từ đó mà đến theo thứ tự là:
Thân Huệ thế giới, Tràng Huệ thế giới, Bửu Huệ thế giới, Thắng Huệ thế giới, Ðăng Huệ thế giới, Kim Cang Huệ thế giới, An Lạc Huệ thế giới, Nhựt Huệ thế giới, Tịnh Huệ thế giới, Phạm Huệ thế giới.
Chư Phật Thế Tôn nơi thế giới đó theo thứ tự là:
Thường Trụ Nhãn Phật, Vô Thắng Nhãn Phật, Võ Trụ Nhãn Phật, Bất Ðộng Nhãn Phật, Thiên Nhãn Phật, Giải Thoát Nhãn Phật, Thẩm Ðế Nhãn Phật, Minh Tướng Nhãn Phật, Tói Thượng Nhãn Phật, Cám Thanh Nhãn Phật.
Chư Bồ Tát này đến dưới bửu tòa đảnh lễ Phật, rồi theo phương của mình đến đều riêng hóa hiện tòa sư tử liên hoa tạng mà ngồi kiết già trên đó.
Tất cả Dạ Ma thiên ở thập phương thế giới đều như thế cả. Bồ Tát, quốc độ và Như Lai cũng đồng danh, đồng hiệu như trên.
Lúc đó Ðức Thế Tôn, từ trên hai bàn chưn, phóng ra trăm ngàn ức quang minh màu đẹp chiếu khắp thập phương thế giới. Tất cả đạo tràng, Phật và Bồ Tát đều hiển hiện cả.
Bấy giờ, Công Ðức Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Phật phóng đại quang minh
Chiếu khắp nơi mười phương
Ðều thấy Thiên Nhơn Tôn
Thông đạt không chướng ngại.
Phật ngồi cung Dạ Ma
Khắp cùng mười phương cõi
Việc này rất lạ lùng
Thế gian rất hi hữu.
Trời Dạ Ma Thiên Vương
Ca ngợi mười Như Lai
Như hội này đã thấy
Tất cả hội cũng vậy.
Những chúng Bồ Tát kia
Ðồng hiệu với chúng tôi
Thập phương tất cả chỗ
Diễn thuyết pháp vô thượng.
Bổn quốc của các ngài
Danh hiệu cũng không khác
Ðều riêng nơi bổn Phật
Tịnh tu các phạm hạnh.
Các Ðức Như Lai kia
Danh hiệu cũng đều đồng
Quốc độ đều giàu vui
Thần lực đều tự tại.
Tất cả chúng mười phương
Ðều thấy Phật ở đây
Hoặc thấy ở nhơn gian
Hoặc thấy ở Thiên cung.
Như Lai an trụ khắp
Tất cả các quốc độ
Nay chúng tôi thấy Phật
Ở tại Thiên cung này.
Xưa phát nguyện bồ đề
Khắp đến mười phương cõi
Nên oai lực của Phật
Cùng khắp khó nghĩ bàn.
Lìa sự tham thế gian
AÐầy đủ vô biên đức
Nên được sức thần thông
Chúng sanh đều thấy cả.
Du hành mười phương cõi
Như hư không vô ngại
Một thân vô lượng thân
Thân tướng bất khả đắc.
Phật công đức vô biên
Thế nào lường biết được
Không dừng cũng không đi
Vào khắp trong pháp giới.
Huệ Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Ðấng đạo sư thế gian
Ðấng ly cấu vô thượng
bất khả tư nghị kiếp
Khó được gặp gỡ Phật.
Phật phóng đại quang minh
Thế gian đều khắp thấy
Vì chúng rộng diễn bày
Lợi ích những quần sanh.
Như Lai xuất thế gian
Vì đời trừ si tối
Là đèn sáng thế gian
Hi hữu khó thấy được.
Ðã tu thí, giới, nhẫn
Tinh tấn và thiền định
Bát nhã ba la mật
Dùng đây chiếu thế gian.
Như Lai không ai bằng
Muốn sánh chẳng thể được
Chẳng rõ pháp chơn thiệt
Thời không thể thấy Phật.
Thân Phật và thần thông
Tự tại khó nghĩ bàn
Không đi cũng không đến
Thuyết pháp độ chúng sanh.
Nếu ai được thấy nghe
Ðấng đạo sư thanh tịnh
Thoát hẳn các ác đạo
Xa lìa tất cả khổ.
Vô lượng vô số kiếp
Tu tập hạnh bồ đề
Chẳng thể biết nghĩa này
Chẳng thể được thành Phật.
Bất khả tư nghị kiếp
Cúng dường vô lượng Phật
Nếu biết được nghĩa này
Công đức hơn công kia.
Cúng Phật với trân bửu
Ðầy cả vô lượng cõi
chẳng biết được nghĩa này
Trọn chẳng thành bồ đề.
Lúc đó Thắng Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Phật,quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Ví như tháng mạnh hạ
Không tịnh không mây mù
Mặt trời phóng quang huy
Thập phương đều sáng chói.
Quang minh không hạn lượng
Không ai lường biết được
Người mắt sáng còn vậy
Huống là kẻ mù lòa.
Chư Phật cũng như vậy
Công đức vô biên tế
Bất khả tư nghị kiếp
Chẳng thể phân biệt biết.
Các pháp không lai xứ
Cũng không từ đâu sanh
Chẳng thể phân biệt được.
Tất cả pháp không đến
Vì thế nên không sanh
Vì đã không có sanh
Nên cũng không có diệt.
Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu biết được như vậy
Người này thấy được Phật.
Vì các pháp vô sanh
Nên không có tự tánh
Phân biệt biết như vậy
Người này đạt thâm nghĩa.
Do vì pháp vô tánh
Không thể rõ biết được
Nơi pháp hiểu như vậy
Rốt ráo không chỗ hiểu.
Nói rằng có sanh đó
Bởi hiện các quốc độ
Biết được tánh quốc độ
Thời tâm không mê hoặc.
Tánh quốc độ thế gian
Quan sát đều như thật
Nếu nơi đây biết được
Khéo nói tất cả nghĩa.
Vô Úy Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Thân Như Lai rộng lớn
Rốt ráo nơi pháp giới
Chẳng rời bửu tòa này
Mà khắp tất cả chỗ.
Nếu ai nghe pháp này
Mà cung kính tin ưa
Rời hẳn ba ác đạo
Tất cả những khổ nạn.
Giả sử như có người
Qua vô lượng thế giới
Chuyên tâm muốn được nghe
Sức tự tại của Phật,
Những Phật pháp như vậy
Là vô thượng bồ đề
Giả sử muốn tạm nghe
Không ai có thể được.
Nếu ai thời quá khứ
Tin Phật pháp như vậy
Ðã thành Lưỡng Túc Tôn
Làm đèn sáng thế gian.
Nếu ai sẽ được nghe
Sức tự tại của Phật
Nghe rồi có lòng tin
Người này sẽ thành Phật.
Nếu có người hiện tại
Tin được Phật pháp này
Cũng sẽ thành chánh giác
Thuyết pháp vô sở úy.
Vô lượng vô số kiếp
Pháp này rất khó gặp
Nếu có người được nghe
Là do bổn nguyện lực.
Nếu ai thọ trì được
Những Phật pháp như vậy
Trì xong rộng tuyên thuyết
Người này sẽ thành Phật.
Huống là siêng tinh tấn
Lòng kiên cố chẳng bỏ
Nên biết người như vậy
Quyết định thành bồ đề.
Lúc đó Tàm Quý Lâm Bồ Tát, thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Nếu ai được nghe pháp
Hi hữu tự tại này
Sanh được lòng hoan hỷ
Chóng trừ lưới si lầm.
Bực thấy biết tất cả
Tự nói lời như vầy
Phật không gì chẳng biết
Vì thế khó nghĩ bàn.
Không có từ vô trí
Mà sanh ra trí huệ,
Thế gian thường tối tăm
Nên không thể sanh được.
Như sắc và phi sắc
Hai đây chẳng là một
Trí vô trí cũng vậy
Thể nó đều sai biệt.
Như tướng cùng vô tướng
Sanh tử với Niết Bàn
Phân biệt đều chẳng đồng
Trí, vô trí cũng vậy.
Thế giới mới thành lập
Không có tướng bại hoại
Trí, vô trí cũng vậy
Hai thứ chẳng đồng thời.
Như Bồ Tát sơ tâm
Chẳng chung với hậu tâm
Trí, vô trí cũng vậy
Hai tâm chẳng đồng thời.
Ví như những thức thân
Ðều riêng không hòa hiệp
Trí, vô trí cũng vậy
Rốt ráo không hòa hiệp.
Như thuốc a già đà
Hay diệt tất cả độc
Có trí cũng như vậy
Hay diệt sự vô trí.
Như Lai không ai trên
Cũng không ai sánh bằng
Tất cả không so được
Thế nên khó gặp gỡ.
Tinh Tấn Lâm Bồ Tát,thừa oai lực của Ðức Phật,quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Các pháp vô sai biệt
Không ai biết được đó
Chỉ Phật cùng Phật biết
Vì trí huệ rốt ráo.
Như vàng và màu vàng
Tánh nó vô sai biệt
Pháp phi pháp cũng vậy
Chúng sanh phi chúng sanh
Hai đều không chơn thật
Như vậy các pháp tánh
Thật nghĩa đều chẳng có.
Ví như thời vị lai
Không có tất cả tướng.
Ví như tướng sanh diệt
Các thứ đều chẳng thiệt
Các pháp đều cũng vậy
Tự tánh vốn không có.
Niết Bàn bất khả thủ
Thời gian nói có hai
Các pháp cũng như vậy
Phân biệt có sai khác.
Như nương vật bị đếm
Mà có cái hay đếm
Tánh kia vốn không có
Nên rõ pháp như vậy.
Ví như pháp toán số
Thêm một đến vô lượng
Phép đếm không thể tánh
Vì trí nên sai khác.
Ví như các thế gian
Kiếp hỏa có hư diệt
Hư không chẳng tổn hư
Phật trí cũng như vậy.
Như thập phương chúng sanh
Ðều lấy tướng hư không,
Chư Phật cũng như vậy
Thế gian vọng phân biệt.
Lúc đó Lực Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Phật quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Tất cả chúng sanh giới
Ðều ở trong ba thời,
Những chúng sanh ba thời
Ðều ở trong ngũ uẩn.
Nghiệp là gốc của uẩn
Tâm là gốc các nghiệp
Tâm đó dường như huyễn
Thế gian cũng như vậy.
Thế gian chẳng tự làm
Chẳng phải cái khác làm
Mà nó được có thành
Cũng lại được có hoại.
Thế gian dầu có thành
Thế gian dầu có hoại
Người rõ thấu thế gian
Chẳng nên nói hai việc.
Thế nào là thế gian
Thế nào phi thế gian
Thế gian phi thế gian
Chỉ là tên sai khác!
Tam thế và ngũ uẩn
Nói gọi là thế gian
Nói diệt là phi thế
Như vậy chỉ giả danh.
Sao gọi là các uẩn
Các uẩn có tánh gì
Tánh uẩn chẳng diệt được
Vì vậy nói vô sanh.
Phân biệt các uẩn này
Tánh nó vốn không tịch
Vì không, nên chẳng diệt
Ðây là nghĩa vô sanh.
Chúng sanh đã như vậy
Chư Phật cũng như vậy
Phật và các Phật pháp
Tự tánh vốn không có.
Biết được các pháp này
Như thật không điên đảo.
Người thấy biết tất cả
Thường thấy ở nơi trước.
Hạnh Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Ví như mười phương cõi
Tất cả những địa chủng
Tự tánh vốn không có
Không chỗ nào chẳng khắp.
Thân Phật cũng như vậy
Cùng khắp các thế giới
Những sắc tướng sai khác
Không dừng, không chỗ đến.
Chỉ do vì các nghiệp
Nói tên là chúng sanh
Cũng chẳng lìa chúng sanh
Mà có được các nghiệp.
Nghiệp tánh vốn không tịch
Chúng sanh chỗ y chỉ
Khắp làm các hình sắc
Cũng lại không chỗ đến.
Những hình sắc như vậy
Nghiệp lực khó nghĩ bàn
Liễu đạt căn bổn kia
Nơi trong, không chỗ thấy.
Thân Phật cũng như vậy
Chẳng thể nghĩ bàn được
Những sắc tướng sai khác
Hiện khắp mười phương cõi
Thân chẳng phải là Phật
Phật cũng chẳng phải thân
Chỉ lấy pháp làm thân
Thông đạt tất cả pháp.
Nếu thấy được thân Phật
Thanh tịnh như pháp tánh
Với tất cả Phật pháp
Người này không nghi lầm.
Nếu thấy tất cả pháp
Bổn tánh như Niết Bàn
Ðây thời thấy Như Lai
Rốt ráo vô sở trụ.
Nếu tu tập chánh niệm
Sáng tỏ thấy chánh giác
Vô tướng, vô phân biệt
Ðây gọi Pháp Vương Tử.
Lúc đó Giác Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Ví như họa sư kia
Phân bố những màu sắc
Hư vọng lấy dị tướng
Ðại chủng không sai khác.
Trong đại chủng không sắc
Trong sắc không đại chủng
Cũng chẳng ngoài đại chủng
Mà có được màu sắc.
Trong tâm, không màu vẽ
Trong màu vẽ, không tâm
Nhưng chẳng rời nơi tâm
Mà có được màu vẽ.
Tâm đó luôn chẳng trụ
Vô lượng khó nghĩ bàn
Thị hiện tất cả sắc
Ðều riêng chẳng biết nhau.
Ví như nhà họa sư
Chẳng biết được tự tâm
Mà do tâm nên vẽ
Các pháp tánh như vậy.
Tâm như nhà họa sư
Hay vẽ những thế gian
Ngũ uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo.
Như tâm, Phật cũng như vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Phải biết Phật cùng tâm
Thể tánh đều vô tận.
Nếu người biết tâm hành
Bảo khắp các thế gian
Người này thời thấy Phật
Rõ Phật chơn thật tánh.
Tâm chẳng trụ nơi thân
Thân chẳng trụ nơi tâm
Mà làm được Phật sự
Tự tại chưa từng có.
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả duy tâm tạo.
Trí Lâm Bồ Tát thừa oai lực của Ðức Phật, quan sát mười phương rồi nói kệ rằng:
Sở thủ chẳng thể lấy
Sở kiến chẳng thể thấy
Sở văn chẳng thể nghe
Nhứt tâm bất tư nghị.
Hữu lượng và vô lượng
Cả hai chẳng thể lấy
Nếu có ai muốn lấy
Rốt ráo chẳng thể được.
Chẳng nên nói mà nói
Ðây là tự khi dối
Việc mình chẳng thành tựu
Chẳng khiến chúng vui mừng.
Có người muốn khen Phật
Vô biên diệu sắc thân
Tận cả vô số kiếp
Không kể thuật hết được.
Vì như châu như ý
Hay hiện tất cả màu
Không màu mà hiện màu
Chư Phật cũng như vậy.
Lại như hư không sạch
Phi sắc, chẳng thấy được
Dầu hiện tất cả sắc
Không ai thấy hư không.
Chư Phật cũng như vậy
Hiện khắp vô lượng sắc
Chẳng phải cảnh của tâm
Tất cả chẳng thấy được.
Dầu nghe tiếng Như Lai
Âm thinh chẳng phải Phật
Cũng chẳng ngoài âm thinh
Biết được đấng Chánh Giác.
Bồ đề không lai khứ
Lìa tất cả phân biệt
Thế nào ở trong đó
Tự nói là thấy được.
Chư Phật không có pháp
Phật chỗ nào có nói,
Chỉ theo tự tâm chúng
Cho rằng Phật nói pháp. 21. PHẨM THẬP HẠNH THỨ HAI MƯƠI MỐT
(Hán Bộ Phần Sau Quyển 19 Ðến Hết Quyển 20)
Lúc bấy giờ, thừa thần-lực của đức Phật, Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát nhập Bồ-Tát thiện-tư-duy tam-muội. Nhập tam-muội này rồi, mười phương đều quá ngoài vạn phật-sát vi-trần-số thế-giới, có vạn phật-sát vi-trần-số chư Phật đều hiện Công-Ðức-Lâm hiện ra nơi trước mà bảo Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát rằng :
Lành thay Phật-tử ! Ông có thể nhập thiện-tư-duy tam-muội này ! Ðây mười phương đều vạn phật-sát vi-trần-số Như-Lai cùng một danh-hiệu đồng gia-hộ ông. Và cũng là nguyện-lực thần-lực của Phật Tỳ-Lô-Giá-Na và thiện-căn-lực của chúng Bồ-Tát khiến ông nhập tam-muội này để diễn thuyết pháp : Vì tăng-trưởng phật-trí, vì thâm-nhập pháp-giới, vì rõ chúng-sanh-giới, vì sở-nhập vô-ngại, vì sở-hành vô-chướng, vì được vô-lượng phương-tiện, vì nhiếp-thủ nhứt-thiết-trí tánh, vì giác-ngộ tất cả pháp, vì biết tất cả căn-tánh, vì có thể thọ-trì giảng-thuyết tất cả pháp. Nghĩa là phát khởi mười hạnh của Bồ-Tát.
Này Phật-tử ! Ông nên thừa oai-lực của Phật mà diễn thuyết pháp thập hạnh này.
Chư Phật khuyên cáo xong, liền ban cho Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát vô-ngại-trí, vô-trước-trí, vô-đoạn-trí, vô-sư-trí, vô-si-trí, vô-dị-trí, vô-thất-trí, vô-lượng-trí, vô-thắng-trí, vô-giải-đãi-trí, vô-đoạt-trí.
Tại sao vậy ? Vì công-lực của tam-muội này là như vậy.
Chư Phật đều đưa tay hữu xoa đảnh của Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát.
Lúc đó Công-Ðức-Lâm Bồ-Tát xuất định nói với chư Bồ-Tát rằng :
Thưa Phật-tử ! Hạnh của Bồ-Tát chẳng thể nghĩ bàn được. Hạnh đó đồng với pháp-giới hư-không-giới. Vì Bồ-Tát học theo tam-thế chư Phật mà tu hành vậy.
Những gì là hạnh của Bồ-Tát ?
Thưa chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười hạnh sau đây, mà tam-thế chư Phật đều tuyên nói :
Một là Hoan-hỷ-hạnh; hai là Nhiêu-ích-hạnh; ba là Vô-vi-hạnh, bốn là Vô-khuất-nhiễu-hạnh; năm là Vô-si-loạn-hạnh; sáu là Thiện-hiện-hạnh; bảy là Vô-trước-hạnh; tám là Nan-đắc-hạnh; chín là Thiện-pháp-hạnh; mười là Chơn-thiệt-hạnh.
Thế nào là Bồ-Tát hoan-hỷ-hạnh ?
Bồ-Tát này làm đại-thí-chủ, phàm có vật gì đều bố-thí được cả, lòng bình-đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi-tức, chỉ vì cứu-hộ tất cả chúng-sanh, vì nhiếp-thọ chúng-sanh, vì lợi-ích chúng-sanh, vì học tập bổn-hạnh của chư Phật, vì nhớ đến bổn-hạnh của chư Phật, vì thích mến bổn-hạnh của chư Phật, vì thanh-tịnh bổn-hạnh của chư Phật, vì tăng-trưởng bổn-hạnh của chư Phật, vì trụ-trì bổn-hạnh của chư Phật, vì hiển-hiện bổn-hạnh của chư Phật, vì diễn thuyết bổn-hạnh của chư Phật, vì khiến chúng-sanh thoát khổ được vui.
Lúc đại Bồ-Tát tu hạnh này, khiến tất cả chúng-sanh hoan-hỷ mến thích. Chốn nào, cõi nào nghèo thiếu, Bồ-Tát dùng nguyện-lực sanh nơi đó, làm nhà hào quý giàu có vô-tận; Giả-sử trong mỗi niệm có vô-lượng chúng-sanh đến chỗ Bồ-Tát, vì đói khát mà xin thịt nơi thân Bồ-Tát để ăn, Bồ-Tát liền móc thịt nơi thân mình để dưng cho họ, khiến lòng họ thỏa mãn vui mừng, không hề khiếp sợ từ chối, chỉ càng tăng-trưởng tâm từ-bình-đẳng. Vì thế nên chúng-sanh đều đến để xin cầu. Bồ-Tát thấy họ đến xin, lòng thêm hoan-hỷ, vì nghĩ rằng tôi được lợi lớn, các chúng-sanh này là phước-điền của tôi, là thiện-hữu của tôi. Tôi chẳng cầu chẳng thỉnh mà họ đến dạy tôi vào trong phật-pháp. Tôi phải tu học thật-hành như vậy không để trái ý chúng-sanh.
Bồ-Tát lại nghĩ rằng : nguyện những căn lành mà tôi đã, sẽ, hay đương thật hành là cho tôi thọ thân hình to lớn trong tất cả thế-giới để được đem thịt nơi thân cung cấp cho tất cả chúng-sanh bị đói khổ, thịt còn mãi cắt lấy vô-tận, nhẫn đến còn một chúng-sanh nhỏ chư no đủ thời tôi nguyện không xả mạng. Do thiện-căn này nguyện được vô-thượng bồ-đề, chứng đại-niết-bàn. Nguyện cho những chúng-sanh đã ăn thịt tôi, cũng đều được vô-thượng bồ-đề, được trí bình-đẳng, đủ những phật-pháp, rộng làm phật-sự, nhẫn đến nhập vô-dư niết-bàn. Nếu còn một chúng-sanh lòng chưa thỏa-mãn, tôi trọn chẳng chứng vô-thượng bồ-đề. Bồ-đề lợi-ích chúng-sanh như vậy mà không ngã-tưởng, chúng-sanh-tưởng, hữu-tưởng, mạng-tưởng, các thứ tưởng, bổ-đặc-già-la-tưởng, nhơn-tưởng, ma-nạp-bà-tưởng, tác-giả-tưởng, thọ-giả-tưởng. Chỉ quán pháp-giới chúng-sanh-giới vô-biên-tế, quán không-pháp, vô-sở-hữu pháp, vô-tướng-pháp, vô-thể-pháp, vô-xứ-pháp, vô-y-pháp, vô-tác-pháp.
Lúc quán như vậy, chẳng thấy tự thân, chẳng thấy vật-bố-thí, chẳng thấy người thọ, chẳng thấy phước-điền, chẳng thấy nghiệp, chẳng thấy báo, chẳng thấy quả, chẳng thấy đại-quả, chẳng thấy tiểu-quả.
Lúc bấy giờ Bồ-Tát quán thân của tất cả tam-thế chúng-sanh đều liền hoại-diệt, mà nghĩ rằng : lạ thay cho chúng-sanh ngu-si, vô-trí, ở trong sanh tử, thọ vô-số thân mỏng manh chẳng tạm dừng, mau về nơi hoại diệt, hoặc đã, hoặc hiện, hoặc sẽ hoại-diệt, mà họ chẳng thể đem thân chẳng bền để cầu thân kiên-cố.
Tôi phải học tập những điều mà chư Phật đã học tập, để được chứng nhứt-thiết-trí, biết nhứt-thiết-pháp, rồi vì chúng-sanh diễn thuyết tam-thế bình-đẳng tùy thuận pháp-tánh tịch-tịnh bất-hoại, khiến họ được vĩnh-viễn an-ổn khoái-lạc.
Ðây gọI là Bồ-Tát Hoan-Hỷ-Hạnh thứ nhứt.
Chư Phật-tử ! Những gì là Bồ-Tát Nhiêu-Ích-Hạnh ?
Bồ-Tát này hộ-trì tịnh-giới, lòng không nhiễm trước sắc thinh hương vị xúc. Cũng đem sự vô-trước ấy nói với chúng-sanh, chẳng cầu oai-thế, chẳng cầu chủng-tộc, chẳng cầu giàu có, chẳng cầu sắc-tướng, chẳng cầu ngôi vua, tất cả đều không nhiễm trước. Chỉ bền giữ tịnh-giới. Tự nghĩ : tôi trì tịnh-giới, quyết sẽ bỏ lìa tất cả triền phược, tham cầu, nhiệt não các nạn bức ngặt, hủy báng loạn trược, mà được chánh-pháp bình-đẳng của Phật khen ngợi.
Lúc Bồ-Tát trì tịnh-giới như vậy, trong một ngày, giả-sử có vô-số đại ác-ma đem vô-số thiên-nữ tuyệt đẹp trang-sức lộng lẫy vũ nhạc đờn cát-tường đến muốn làm mê loạn đạo-tâm của Bồ-Tát này. Bồ-Tát này liền suy nghĩ rằng : cảnh ngũ-dục này là thứ chướng đạo, nhẫn đến chướng vô-thượng bồ-đề. Do đây nên Bồ-Tát chẳng có mộ niệm dục-tưởng, lòng thanh-tịnh như Phật. Chỉ trừ phương-tiện giáo-hóa chúng-sanh, nhưn vẫn không rời tâm nhứt-thiết-trí.
Bồ-Tát không vì nhơn-duyên ngũ-dục mà làm não hại một chúng-sanh, thà bỏ thân mạng chớ trọn không làm sự não chúng-sanh.
Bồ-Tát từ khi được thấy Phật đến nay, chưa từng có một niệm dục-tưởng, huống là làm theo.
Bồ-Tát thường nghĩ : các chúng-sanh mãi tưởng nhớ ngũ-dục, xu hướng ngũ-dục, tham trước ngũ-dục, lòng họ quyết phải say mê chìm đắm, rồi theo đó mà lưu-chuyển không được tự-tại.
Nay tôi phải nên khiến bọn ma này cùng các thiên-nữ trụ nơi tịnh-giới, không thối-chuyển nơi nhứt-thiết-trí, được vô-thượng bồ-đề nhẫn đến vào vô-dư-niết-bàn. Vì đây là việc mà tôi phải thật hành. Tôi phải học tập theo Phật, phải rời bỏ ác-hạnh, chấp-ngã, si-mê. Dùng trí-huệ vào tất cả phật-pháp. Giảng thuyết cho chúng-sanh khiến họ trừ điên-đảo. Nhưng biết không ngoài chúng-sanh có điên-đảo, không ngoài điên-đảo có chúng-sanh, chẳng ở trong điên-đảo có chúng-sanh, chẳng ở trong chúng-sanh có điên-đảo. Cũng chẳng phải điên-đảo là chúng-sanh, chẳng phải chúng-sanh là điên-đảo. Ðiên-đảo chẳng phải nội- pháp ngoại-pháp, chúng-sanh cũng chẳng phải nội-pháp ngoại-pháp. Tất cả các pháp đều hư-vọng chẳng thiệt, chóng sanh chóng diệt không kiên-cố như mộng, như huyễn, như bóng, như vang, nói dối phỉnh kẻ ngu.
Hiểu được như vậy liền giác-ngộ được tất cả hành-pháp, thông đạt sanh tử và niết-bàn, chứng Phật bồ-đề, tự được độ và khến người được độ, tự được độ và khiến người được độ, tự giải-thoát và khiến người giải-thoát, tự điều-phục và khiến người điều-phục, được tịch-tịnh và khiến người tịch-tịnh, tự an-ổn và khiến người an-ổn, tự ly-cấu và khiến người ly-cấu, tự thanh-tịnh và khiến người thanh-tịnh, tự niết-bàn và khiến người niết-bàn, tự khoái-lạc và khiến người khoái-lạc.
Bồ-Tát này lại tự nghĩ rằng : tôi phải tùy thuận tất cả Như-Lai, rời tất cả hành-vi thế-gian, trọn nên tất cả phật-pháp, trụ nơi vô-thượng bình-đẳng, xem chúng-sanh bình-đẳng, rõ suốt cảnh-giới lìa lỗi, dứt phân biệt, bỏ chấp-trước, khéo xuất-ly, tâm luôn an-trụ nơi thậm-thâm trí-huệ vô-thượng vô-thuyết vô-y vô-động vô-lượng vô-biên vô-tận vô-sắc.
Ðây gọi là Bồ-Tát Nhiêu-Ích-Hạnh thứ hai.
Những gì là Bồ-Tát Vô-Vi-Nghịch-Hạnh ?
Bồ-Tát này thường tu nhẫn pháp : khiêm hạ cung-kính, chẳng tự hại, chẳng hại người, chẳng hại mình người, chẳng tự thủ-trước, chẳng thủ-trước người, chẳng thủ-trước cả hai, cũng chẳng tham cầu danh tiếng lợi lộc.
Chỉ nghĩ rằng : tôi phải luôn thuyết-pháp cho chúng-sanh, khiến họ lìa tất cả sự ác, dứt phiền-não, khiến họ luôn nhẫn-nhục nhu hòa.
Bồ-Tát thành-tựu nhẫn-pháp như vậy, giả-sử có vô-số chúng-sanh ác, đến chỗ Bồ-Tát, đem vô-số lời ác mắng nhiếc trêu chọc nguyền rủa, đồng thời cầm dao gậy đập chém trải qua vô-số kiếp không thôi. Bồ-Tát bị sự bức khổ vô cùng này, sắp phải chết, tự nghĩ rằng : tôi nhơn sự khổ nhục này, nếu lòng động loạn thời là tự chẳng điều-phục, tự chẳng giữ-gìn, tự chẳng sáng suốt, tự chẳng tu-tập, tự chẳng chánh-định, tự chẳng tịch-tịnh, tự chẳng ái-tích, tự sanh chấp-trước, thời đâu có thể làm cho người khác lòng được thanh-tịnh.
Lúc đó Bồ-Tát lại nghĩ : tôi từ vô-thỉ kiếp trụ nơi sanh-tử chịu nhiều khổ não.
Suy nghĩ như vậy rồi càng tự khích lệ thêm, khiến lòng thanh-tịnh mà được vui mừng, khéo tự điều-nhiếp, tự có thể tự an-trụ nơi trong phật-pháp, cũng khiến chúng-sanh đồng được pháp này. Lại suy nghĩ : thân này không tịch, không ngã, ngã-sở, không thiệt, tánh trống rỗng không hai, đều không có hoặc khổ hoặc vui, vì tất cả pháp đều trống không vậy. Tôi phải hiểu rõ để nói rộng cho người, khiến các chúng-sanh diệt trừ kiến-chấp này. Vì thế nên dầu nay tôi bị khổ nhục, tôi phải nhẫn thọ, vì thương xót chúng-sanh, vì lợi-ích chúng-sanh, vì an vui chúng-sanh, vì nhiếp-thọ chúng-sanh, vì chẳng bỏ chúng-sanh, vì để tự giác-ngộ và khiến người giác-ngộ, vì lòng không thối-chuyển xu-hướng phật-đạo.
Ðây là Bồ-Tát Vô-Vi-Nghịch-Hạnh thứ ba.
Chư Phật-tử ! Những gì là Bồ-Tát Vô-Khuất-Nhiễu-Hạnh ?
Bồ-Tát này tu hạnh tinh-tấn : đệ nhứt tinh-tấn, đại tinh-tấn, thắng tinh-tấn, thù-thắng tinh-tấn, tối-thắng tinh-tấn, tối-diệu tinh-tấn, thượng tinh-tấn, vô-thượng tinh-tấn, vô-đẳng tinh-tấn, phổ-biến tinh-tấn.
Tánh không tham sân si, tánh không kiêu-mạn, phú-tàng, xan-tật, siểm-cuống, tánh tự tàm-quý. Trọn chẳng vì não chúng-sanh mà tinh-tấn, chỉ vì dứt tất cả phiền-não mà tinh-tấn, chỉ vì nhổ gốc phiền-não mà tinh-tấn, chỉ vì biết tất cả chúng-sanh-giới mà tinh-tấn, chỉ vì biết tất cả chúng-sanh chết đây sanh kia mà tinh-tấn, chỉ vì biết phiền-não của tất cả chúng-sanh mà tinh-tấn, chỉ vì biết cảnh-giới của tất cả chúng-sanh mà tinh-tấn, chỉ vì biết căn-cơ thắng liệt của tất cả chúng-sanh mà tinh-tấn, chỉ vì biết tâm hành của tất cả chúng-sanh mà tinh-tấn, chỉ vì biết tất cả pháp-giới mà tinh-tấn, chỉ vì biết tánh căn-bổn của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì biết tánh bình-đẳng của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì biết tánh tam-thế bình-đẳng mà tinh-tấn, chỉ vì được trí quang-minh của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì chứng trí của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì biết nhứt thiệt-tướng của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì biết tất cả phật-pháp vô-biên-tế mà tinh-tấn, chỉ vì được trí thiện-xảo quyết-định quảng-đại của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn, chỉ vì được trí diễn thuyết cú nghĩa của tất cả phật-pháp mà tinh-tấn.
Bồ-Tát trọn nên hạnh tinh-tấn như vậy rồi, có thể vì mỗi mỗi chúng-sanh trong vô-số thế-giới mà chịu khỗ ở vô-gián địa-ngục trọn vô-số kiếp, để những chúng-sanh đó được gặp Phật, được hưởng vui, nhẫn đến được vô-dư niết-bàn, rồi mình sẽ chứng vô-thượng bồ-đề.
Giả-sử có người bảo : có vô-lượng vô-số đại-hải, ông sẽ lấy đầu sợi lông chấm từ giọt đến khô cạn, và nghiền vô-lượng vô-số thế-giới làm bụi, đếm biết rõ số giọt số bụi ấy, ông vì chúng-sanh trải qua kiếp số bằng số giọt số bụi ấy mà chịu khổ chẳng dứt.
Bồ-Tát dầu nghe lời trên đây, nhưng không hề có một niệm thối khiếp. Chỉ càng thêm hớn hở vui mừng : tôi may mắn được lợi lành lớn. Vì do sức của tôi mà vô-lượng chúng-sanh kia thoát khổ hẳn.
Bồ-Tát này đem phương-tiện thật hành trong tất cả thế-giới, làm cho tất cả chúng-sanh được rốt ráo vô-dư niết-bàn.
Ðây gọi là Bồ-Tát Vô-Khuất-Nhiễu-Hạnh thứ tư.
Những gì là Bồ-Tát Ly-Si-Loạn-Hạnh.
Chư Phật-tử ! Bồ-Tát này thành-tựu chánh-niệm, tâm không tán loạn kiên-cố bất-động tối-thượng thanh-tịnh rộng lớn vô-lượng không có mê-hoặc.
Vì do chánh-niệm này nên khéo hiểu tất cả ngôn ngữ thế-gian, hay trì ngôn thuyết của các pháp xuất-thế, như là hay trì ngôn thuyết sắc-pháp phi-sắc-pháp, hay trì ngôn thuyết kiến lập sắc-tự-tánh, nhẫn đến hay trì ngôn thuyết thọ-tưởng-hành-thức tự-tánh mà tâm không si-loạn.
Ở trong thế-gian, chết đây sanh kia tâm không si-loạn. Nhập thai xuất thai tâm không si-loạn. Phát tâm bồ-đề tâm không si-loạn. Thờ thiện-tri-thức tâm không si-loạn, siêng tu phật-pháp tâm không si-loạn. Rõ biết ma-sự tâm không si-loạn. Lìa những ma-nghiệp tâm không si-loạn. Trong bất-khả-thuyết kiếp tu bồ-tát-hạnh tâm không si-loạn.
Bồ-Tát này thành-tựu vô-lượng chánh-niệm như vậy. Trong vô-lượng vô-số-kiếp được nghe chánh-pháp nơi chư Phật, Bồ-Tát, thiện-tri-thức. Như là thậm-thâm pháp, quảng-đại pháp, trang-nghiêm pháp, những thứ trang-nghiêm pháp, pháp diễn thuyết các loại danh cú văn thân, pháp Bồ-Tát trang-nghiêm, pháp Phật thần-lực quang-minh vô-thượng, pháp chánh-thắng-giải thanh-tịnh, pháp chẳng nhiễm-trước tất cả thế-gian, pháp phân-biệt tất cả thế-gian, pháp rất quảng-đại, pháp rời mê-si chiếu rõ tất cả cả chúng-sanh, pháp cùng đồng với tất cả thế-gian, pháp chẳng cùng đồng với tất cả thế-gian, pháp Bồ-Tát trí vô-thượng, pháp nhứt-thiết-trí tự-tại.
Bồ-Tát được nghe những pháp như vậy rồi trải qua vô-số kiếp chẳng quên chẳng mất, tâm thường ghi nhớ không gián-đoạn.
Tại sao vậy ? Vì trong vô-lượng kiếp, lúc tu hành, Bồ-Tát trọn chẳng làm não loạn một chúng-sanh khiến họ mất chánh-niệm, chẳng hoại chánh-pháp, chẳng đọan thiện-căn, tâm luôn tăng-trưởng trí-huệ rộng-lớn.
Lại với Bồ-Tát này, những thứ âm-thinh không làm hoặc loạn được. Như là tiếng cao thần-thông, tiếng thô trược, tiếng khiến người cả sợ, tiếng đẹp lòng, tiếng chẳng đẹp lòng, tiếng huyên-loạn nhĩ-thức, tiếng trở hoại nhĩ-căn.
Bồ-Tát này dầu nghe vô-lượng vô-số âm thinh hay dở như vậy, nhưng chưa từng có một niệm tán-loạn. Nghĩa là chánh-niệm chẳng loạn, cảnh-giới chẳng loạn, tam-muội chẳng loạn, vào pháp thậm-thâm chẳng loạn, hành bồ-đề-hạnh chẳng loạn, phát bồ-đề-tâm chẳng loạn, nhớ niệm chư Phật chẳng loạn, quán pháp chơn thật chẳng loạn, trí hóa độ chúng-sanh chẳng loạn, trí thanh-tịnh chúng-sanh chẳng loạn, quyết rõ nghĩa thậm-thâm chẳng loạn. Vì chẳng làm nghiệp ác nên không ác-nghiệp-chướng, vì chẳng khởi phiền-não nên không phiền-não-chướng, vì chẳng khinh mạn pháp nên không pháp-chướng, vì chẳng hủy báng chánh-pháp nên không có báo-chướng.
Bồ-Tát này nhập chánh-định trụ nơi thành-pháp, tư-duy quan-sát tất cả âm-thinh, khéo biết tướng sanh-trụ-dị-diệt của âm-thinh, khéo biết tánh sanh-trụ-dị-diệt của âm-thinh. Nghe âm-thinh Bồ-Tát này không sanh lòng tham, sân, không mất chánh-niệm, khéo lấy tướng mà kh6ng nhiễm trước, biết tất cả âm-thinh đều là không chỗ có, thiệt chẳng thể được, không có tác-giả, cũng không bổn-tế, đồng với pháp-giới không sai khác.
Bồ-Tát này thành-tựu hạnh thân ngữ ý tịch-tịnh như vậy thẳng đến nhứt-thiết-trí không thối-chuyển, khéo vào tất cả môn thiền-định, biết các tam-muội đồng một thể-tánh, rõ tất cả pháp không có biên-tế, được tất cả pháp chơn-thiệt trí-huệ, được thậm-thâm tam-muội ly âm-thinh, được vô-số môn tam-muội, thêm lớn vô-lượng tâm đại-bình-đẳng.
Bấy giờ trong khoảng một niệm, Bồ-Tát này được vô-số trăm ngàn tam-muội. Nghe những tiếng như vậy tâm chẳng hoặc loạn, khiến tam-muội lần lần càng thêm rộng.
Bồ-Tát này nghĩ rằng : tôi phải làm cho tất cả chúng-sanh an-trụ trong niệm thanh-tịnh vô-thượng, nơi nhứt-thiết-trí được bất-thối-chuyển rốt ráo thành-tựu vô-dư niết-bàn.
Ðây gọi là Bồ-Tát Ly-Si-Loạn-Hạnh thứ năm.
Những gì là Bồ-Tát Thiện-Hiện-Hạnh ?
Bồ-Tát này ba nghiệp thân-ngữ-ý đều thanh-tịnh, trụ và thị-hiện đều vô-sở-đắc. Biết được ba nghiệp đều vô-sở-hữu. Vì không hư-vọng nên không hệ-phược. Phàm chỗ thị-hiện đều vô-tánh vô-y. Trụ tâm như-thiệt, biết vô-lượng-tâm tự-tánh, biết tất cả pháp tự-tánh, vô-đắc vô-tướng rất sâu khó vào, trụ nơi chánh-vị chơn-như pháp-tánh. Phương-tiện xuất-sanh mà không nghiệp-báo, bất-sanh bất-diệt, trụ niết-bàn-giới, trụ tánh tịch-tịnh, trụ nơi tánh chơn-thiệt vô-tánh, đường ngữ ngôn dứt, siêu các thế-gian không sở-y, nhập pháp ly phân-biệt không phược-trước, nhập pháp trí tối-thắng chơn thật, nhập pháp chẳng phải thế-gian có thể rõ biết xuất-thế-gian.
Ðây là phương-tiện thiện-xảo thị-hiện sanh-tướng của Bồ-Tát này.
Bồ-Tát này nghĩ rằng : tất cả chúng-sanh vô-tánh làm tánh, tất cả các pháp vô-vi làm tánh, tất cả quốc-độ vô-tướng làm tánh, tất cả tam-thế chỉ có ngôn thuyết, tất cả ngôn thuyết ở trong các pháp không có y-xứ, tất cả các pháp ở trong ngôn-thuyết cũng không y-xứ.
Như vậy, Bồ-Tát này hiểu tất cả pháp thảy đều rất sâu, tất cả thế-gian thảy đều tịch-tịnh, tất cả phật-pháp không chỗ thêm, phật-pháp không khác pháp thế-gian, pháp thế-gian không khác phật-pháp. Phật-pháp và thế-gian-pháp không có tạp loạn, cũng không sai khác. Rõ biết pháp-giới thể-tánh bình-đẳng. Vào khắp tam-thế, vĩnh-viễn chẳng bỏ lìa tâm đại-bồ-đề. Luôn chẳng thối-chuyển tâm giáo-hóa chúng-sanh, càng thêm tăng-trưởng tâm đại từ-bình-đẳng, làm chỗ sở-y cho tất cả chúng-sanh.
Bấy giờ Bồ-Tát lại nghĩ rằng : tôi không thành-thục chúng-sanh thời ai sẽ thành-thục ? Tôi chẳng điều-phục chúng-sanh thời ai sẽ điều-phục ? Tôi chẳng giáo-hóa chúng-sanh thời ai sẽ giáo-hóa ? Tôi chẳng giác ngộ chúng-sanh thời ai sẽ giác-ngộ ? Tôi chẳng thanh-tịnh chúng-sanh thời ai sẽ thanh-tịnh ? Ðây là những điều đáng cho tôi phải thật hành.
Bồ-Tát này lại nghĩ rằng : nếu tôi tự hiểu pháp thậm-thâm này, thời chỉ một tôi riêng được giải-thoát chứng vô-thượng bồ-đề, mà các chúng-sanh mù tối sa vào đường hiểm lớn bị những phiền-não triền-phược, như người bệnh nặng luôn thọ khổ thống, ở trong ngũc tham-ái không tự ra khỏi, chẳng rời địa-ngục, ngạ-quỷ, sús-sanh, cõi vua Diêm-La, chẳng diệt được khổ, chẳng bỏ nghiệp ác, thường ở si-ám chẳng thấy chơn-thiệt, luân-hồi sanh-tử không ra khỏi được, trụ nơi bát-nạn, những cấu nhiễm vấy nhơ, những phiền-não che chướng tâm họ, tà-kiến làm chẳng thật hành chánh-đạo.
Bồ-Tát này quán-sát những chúng-sanh rồi nghĩ rằng : nếu những chúng-sanh này chưa thành-thục, chưa điều-phục, tôi bỏ họ mà chứng vô-thượng bồ-đề thời không nên. Tôi sẽ trước giáo hóa chúng-sanh trong bất-khả-thuyết bất-khả-thuyết kiếp thật hành hạnh Bồ-Tát. Kẻ chưa thành-thục trước làm cho được thành-thục, kẻ chưa điều-phục trước làm cho được điều-phục.
Bồ-Tát này lúc trụ hạnh trên đây, hàng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế-gian, Càn-thát-bà, A-tu-la v.v... Nếu có ai được thấy và tạm thời đồng ở chung với Bồ-Tát này, rồi kính trọng cúng-dường, và tạm nghe qua tai một phen để tâm, đều không luốn uổng, tất định sẽ thành vô-thượng bồ-đề.
Ðây gọi là Bồ-Tát Thiện-Hiện-Hạnh thứ sáu.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.108.224 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.