Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát lúc tu hành Bát Nhã Ba la mật, vì cầu giác huệ rất thanh bạch, nên do pháp minh môn diệu thiện thanh tịnh mà chuyên cần phương tiện chứng nhập đúng lý quan sát câu đúng lý.
Thế nào là chứng nhập đúng lý và những gì là câu đúng lý?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát chứng nhập đúng lý là:
Y xa ma tha chứng nhập. Y tỳ bát xá na chứng nhập. . Chánh hạnh chứng nhập. Như lý chứng nhập. Thân viễn ly chứng nhập. Tâm điều thuận chứng nhập. Phi đoạn chứng nhập. Phi thường chứng nhập. Nhơn duyên chứng nhập. Duyên khởi chứng nhập. Vô ngã, vô nhơn, vô thọ mạng chứng nhập. Chưa đến đã đến hoặc có hoặc không chứng nhập. Không có chuyển dời nhơn quả chẳng hoại chứng nhập. Dầu tu tập không vô tướng, vô nguyện chứng nhập mà chẳng lấy không vô tướng vô nguyện chứng vậy. Dầu ở nơi tam ma địa tam ma bát đề chứng nhập mà chẳng lấy sức lực ấy thọ sanh chứng vậy. Dầu lấy thần thông trí chứng nhập mà chẳng tận các lậu chứng vậy. Dầu quán sát vô sanh chứng nhập mà chẳng chánh xu quyết định chứng vậy. Dầu quán chúng sanh vô ngã chứng nhập mà chẳng bỏ đại bi chứng vậy. Dầu quán tất cả chúng sanh đáng sợ chứng nhập, mà cố ý lấy các cõi chứng vậy. Dầu ở nơi ly dục tịch diệt chứng nhập mà ở nơi pháp ly dục chẳng tác chứng vậy. Dầu bỏ lạc diệu
dục chứng nhập mà chẳng bỏ lạc pháp chứng vậy. Dầu bỏ tất cả các hí luận tự giác chứng nhập mà chẳng bỏ thiện xảo phương tiện chứng vậy. Trên đây gọi là chứng nhập đúng lý . Ðại Bồ Tát muốn được chứng nhập đúng lý như vậy thì phải học Bát Nhã Ba la mật.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc tu hành Bát Nhã Ba la mật, đại Bồ Tát học câu chánh pháp đúng lý thế nào?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát phải như vầy mà biết câu đúng lý, đó là những câu: Xuất sanh, xu lý, pháp môn, diện môn, thị nhơn, tích tập, bất tương vi, vô chứng luận, thị xả, vô chấp thủ, vô khí xả, vô hí luận, vô xả, vô phỉ báng, vô khinh miệt, tùy túc, vô tranh, vô thối chuyển, vô đối trị.
- Nầy Xá Lợi Phất! câu đúng lý là câu thiệt tánh, câu như tánh, câu phi bất như tánh, câu chơn như, câu như lý, câu tam thế bình đẳng, câu ly phân biệt.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Câu đúng lý là câu sắc thức không y trụ, câu thọ thức tưởng thức hành thức và thức thức đều không y trụ, câu nhãn sắc nhãn sắc tánh không y trụ, câu nhĩ thanh nhĩ thức tánh không y trụ, câu tỷ hương tĩ thức tánh không y trụ, câu thiệt vị thiệt thức tánh không y trụ, câu thân xúc thân thức tánh không y trụ, câu ý pháp ý thức tánh không y trụ.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! câu đúng lý là câu y nghĩa, câu y pháp, câu y trí, câu y liễu nghĩa. Vô lượng pháp môn như vậy gọi là câu đúng lý.
Vì thế nên đại BồTát chứng nhập tinh tấn phương tiện đúng lý lúc quan sát như vậy cũng chẳng thấy có người hay quan sát. Tại sao? Vì chẳng phải quan sát chẳng phải chẳng quan sát vậy. Quan sát như đây thì gọi là như lý quán, nếu quan sát khác thì gọi là phi lý quán.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc tu hành Bát Nhã Ba La mật, đại Bồ Tát phải học chánh quán đúng lý thế nào ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát ấy phải chánh quán như vầy:
Vì ta như lý thì quan sát các pháp đều như lý. Vì ta vô ngã thì quán sá t các pháp cũng không có ngã . Vì chúng sanh vô ngã thì quan sát các pháp cũng đều không có ngã.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát quan sát như vậy gọi là như lý quán. Thế nào là đại Bồ Tát tu hành như lý phương tiện?
- Nầy Xá Lợi Phất! Nên biết rằng Ðại Bồ Tát chẳng quan sát tánh sanh tử như cùng tánh Niết Bàn như lý chung xen tạp nhau, quán như vậy thì gọi là phương tiện như lý.
Ðại Bồ Tát quán tánh sanh tử cùng tánh Niết Bàn đồng một hiệp tướng không sai khác cũng chẳng phân biệt là tương ưng hay vi bội.
Quán như vậy thì gọi là phương tiện như lý, cũng được gọi là chánh quán như lý.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nên biết rằng Ðại Bồ Tát có bao nhiêu phương tiên như lý đều ở chỗ vô lượng chúng sanh mà phát khởi. Nếu chỗ chúng sanh chẳng vứt bỏ, nơi các pháp chẳng phá hoại, thì gọi là Bồ Tát phương tiện như lý.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát phải biết tướng như vậy, văn như vậy, chứng nhập đúng lý như vậy, quan sát đúng lý như vậy, chánh kiến đẳng lưu đúng lý như vậy . Ðây gọi là Bồ Tát chánh huệ.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát phải tu hành chánh hạnh như vậy để thành mãn bát Nhã Ba la mật.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát lúc tu hành Bát Nhã Ba la mật, chỗ có Bát Nhã tự tánh thanh tịnh chẳng chung lộn với tất cả pháp hữu vi. Chẳng chung lộn với những pháp gì?
- Nầy Xá Lợi Phất! Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với vô minh, chẳng chung lộn với hành, nhẫn đến chẳng chung lộn với lão tử
Bát nhã ấy chẳng ấy chẳng chung lộn với thân kiến, nhẫn đến chẳng chung lộn với sáu mươi hai kiến chấp.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với cao mạn, chẳng chung lộn với hạ liệt, chẳng chung lộn với tám pháp thế gian.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với ngũ uẫn thập nhị xứ thập bát giới nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả sở duyên tác ý, chẳng chung lộn với mạn, hạ mạn, tà mạn, nhẫn đến chẳng chung lộn với hai mươi mốt tùy phiền não.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với vi tế hạ trung thượng phẩm tham nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả phiền não.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với ngu tối màn lòa che chướng các triền, nhẫn đến chẳng chung lộn với các pháp tùy thuận thối chuyển phần.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với ma phiền não dục tranh uế trược, chẳng chung lộn với uẩn ma, tử ma, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả ma nghiệp. Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với ma phiền não đuc tranh uế trược, chẳng chung lộn với uẩn ma, tử ma, thiên ma, nhẫn đến chẳnfg chung lộn với tất cả ma nghiệp.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với chấp ngã, chúng sanh, thọ mạng, sát thủ thú, dưỡng dục, ý sanh, trí giả, kiến giả, nhẫn đến chẳng cùng chung lộn với các pháp ở nơi ngã kiến.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, pháp chướng, kiêén chướng, trí chướng, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả tùy tục tập khí Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với tư duy phân biệt, chẳng chung lộn với tướng mạo, sở duyên, kiến, văn, niệm thức, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả kiết phược tăng ích.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với xan xả, trì phạm, nhẫn giận, siêng lười, tán định, ngu huệ, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả Ba la mật, năng trị sở trị các pháp trí tánh.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với viễn ly, chẳng chung lộn với trụ bất viễn ly, tà tánh, chánh tánh, thiện bất thiện, hữu tội vô tội, sanh tử Niết Bàn, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả pháp đối trị
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với các thứ tánh sai biệt, tánh quốc độ sai biệt, tánh chư Phật sai biệt, tánh hữu tình sai biệt, tánh các pháp sai biệt. Tất cả tánh sai biệt đều không chung lộn.
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với vô trí, chẳng chung lộn với trí thức, thế tục, thắng nghĩa, nhẫn đến chẳng chung lộn với tất cả hữu tình tướng mạo tác ý
Bát Nhã ấy chẳng chung lộn với huệ chẳng hiện hành, chẳng chung lộn với vô thân, vô hình vô tướng, vô vi, nhẫn đến chẳng chung lộn với các pháp tư duy, tâm, ý,thức, an trụ v.v…
- Nầy Xá Lợi Phất! Lúc tu hành Bát Nhã Ba la mật, đại Bồ Tát có được Bát nhã rất vi diệu thanh tịnh, chẳng chung lộn với vô lượng vô biên pháp hữu vi như vậy.
Ðây gọi là tu hành Bát Nhã Ba la mật, tướng đại Bồ Tát Bát Nhã. Phải nên học như vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát an trụ Ðại thừa Ðại Bồ Tát tạng lúc tu hành Bát Nhã Ba la mật được Bát Nhã phân biệt thiện xảo. Nên biết Ðại Bồ Tát ấy liền ở trong các pháp dùng Bát Nhã ấy sáng rõ thông đạt được thiện xảo.
Thế nào gọi là Bát Nhã ấy phân biệt thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Thiện xảo ấy có vô lượng vô biên, nay Phật sẽ lược nói mười thứ. Ðó là uẩn pháp thiện xảo, giới pháp thiện xảo, xứ pháp thiện xảo, đế pháp thiện xảo, vô ngại giải thiện xảo, y xu thiện xảo, tư lương thiện xảo, đạo pháp thiện xảo, duyên khởi thiện xảo và nhất thiết pháp thiện xảo. Mười thứ thiện xảo vi diệu ấy có bao nhiêu phân biệt, nếu thông đạt được thì gọi là Bát Nhã phân biệt. Ðại Bồ Tát phải nên học như vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát do tu Bát Nhã Ba la mật nên có thể thông đạt uẩn pháp thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Uẩn pháp thiện xảo là y cứ uẩn pháp mà phát khởi ngôn thuyết. Những ngôn thuyết gì?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ngôn thuyết ấy như ảo, hóa, dương diệm, mộng, ảnh, hưởng. Do đó Ðức Như Lai dùng vô ngại biện vì chúng sanh mà nói pháp ấy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Phật nói sắc ấy như khối bọt nước . Chính khối bọt ấy vốn không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bởi tánh khối bọt là tự tánh sắc. Ðại Bồ Tát ở nơi pháp ấy thiện xảo biết rõ, thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Phật nói thọ ấy như bóng nước. Chính bóng nước ấy vốn không ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bởi tánh bóng nước là thọ tự tánh. Ðại Bồ Tát ở nơi pháp ấy biết rõ thiện xảo thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Phật nói tưởng ấy như dương diệm.Chính dương diệm ấy vốn không ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bởi tánh dương diệm là tự tánh tưởng. Ðại Bồ Tát ở nơi pháp ấy thiện xảo biết rõ thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Phật nói hành ấy như cây chuối. Chính cây chuối ấy vốn không ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bởi tánh cây chuối ấy là tự tánh hành. Ðại Bồ Tát ở nơi pháp ấy thiện xảo biết rõ thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Phật nói thức ấy như sự ảo thuật. Chính sự ảo ấy vốn không ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Bởi tánh sự ảo thuật ấy là tự tánh thức. Ðại Bồ Tát ở nơi pháp ấy thiện xảo biết rõ thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nói là uẩn ấy có tên thế gian. Pháp thế gian tức là tướng bại hoại. Vì thế nên biết tánh thế gian là tự tánh uẩn.
Những gì là tánh thế gian? Ðó là tánh vô thường, tánh khổ, tánh vô ngã. Những tánh ấy là tánh uẩn. Tánh uẩn ấy tức là tánh thế gian. Ðại Bồ Tát ở trong đó nếu thiện xảo biết rõ thì gọi là uẩn pháp thiện xảo vậy. Ðại Bồ Tát tu Bát Nhã Ba la Mật phải nên tu học như vậy.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba la mật mà có thể thông đạt giới pháp thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Giới pháp thiện xảo là nói pháp giới tức là địa giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng cứng rắn vậy.
Lại pháp giới tức là thủy giới, tại sao? vì pháp giới ấy chẳng phải tướng ướt nhuần vậy.
Lại pháp giới tức là hỏa giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng thành thục vậy.
Lại pháp giới tức là phong giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng giao động vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ở trong đây, nếu Ðại Bồ Tát biết rõ như thiệt, thì gọi là giới pháp thiện xảo vậy.
- Lại này Xá Lợi Phất! Nói pháp giới tức là nhãn thức giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng soi sáng vậy.
Lại pháp giới tức là nhĩ thức giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng nghe tiếng vậy.
Lại pháp giới tức là tỷ thức giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng ngửi hương vậy.
Lại pháp giới tức là thiệt thức giới, tại sao ?Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng nếm vị vậy.
Lại pháp giới tức là thân thức giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng giác xúc vậy.
Lại pháp giới tức là ý thức giới, tại sao? Vì pháp giới ấy chẳng phải tướng phân biệt vậy.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu Ðại Bồ Tát ở trong đây biết rõ như thiệt, thì gọi là giới pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ngã giới cùng pháp giới bình đẳng. Hữu tình giới cùng pháp giới bình đẳng. Dục giới sắc giới vô sắc giới cùng pháp giới bình đẳng. Sanh tử giới Niết Bàn giới cùng pháp giới bình đẳng . Nhẫn đến hư không giới cùng pháp giới bình đẳng.
- Nầy Xá Lợi Phất! Do nghĩa gì mà được bình đẳng ?
Nghĩa là do không bình đẳng nên tất cả pháp bình đẳng. Do vô biến dị bình đẳng nên tất cả pháp bình đẳng.
- Nầy Xá Lợi Phật! Nếu tuyên nói hữu vi giới chứng nhập, vô vi giới chứng nhập thì có vô lượng vô biên. Nếu chư Ðại Bồ Tát quan sát chứng nhập pháp giới thì gọi là giới pháp thiện xảo.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát vì muốn tu hành Bát Nhã Ba la mật, phải nên siêng tu giới pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát tu hành Bát Nhã Ba la mật nên thông đạt được xứ pháp thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Nhãn là không, không có ngã ngã sở, đại Bồ Tát biết rõ nhãn tánh như vậy. Nhẫn đến ý là không, không có ngã ngã sở, đại BồTát biết rõ ý tánh như vậy. Ðại Bồ Tát dầu ở nơi các xứ pháp chẳng chứa họp bất thiện mà chứa họp thiện, nhưng ở trong thiện và bất thiện chẳng phát khởi hai tướng. Biết rõ như vậy thì gọi là xứ pháp thiện xảo.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đại Bồ Tát ở nơi nhãn xứ sắc xứ hay thông đạt thiện xảo biết rõ?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát ở nơi nhãn sắc quan sát thấy ly dục, nhưng ở nơi ly dục cũng chẳng tác chứng . Biết rõ như vậy thì gọi là xứ pháp thiện xảo.
Ở nơi nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc và ý pháp, Ðại Bồ Tát quan sát thấy ly dục, nhưng ở nơi ly dục cũng chẳng tác chứng . Biết rõ như vậy thì gọi là xứ pháp thiện xảo.
- Lại này Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai nói pháp vi diệu, hoặc nói thánh xứ, hoặc nói phi thánh xứ.Thánh xứ là kham thọ đạo pháp. Phi thánh xứ là rời xa đạo pháp. Ðại Bồ Tát an trụ nơi đạo, đối với các chúng sanh xa rời đạo, Ðại Bồ Tát được đạo xứ đại bi chẳng bỏ chúng sanh.
Nếu biết rõ khéo thông đạt như vậy thì gọi là đại Bồ Tát xứ pháp thiện xảo.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát vì muốn tu hành Bát Nhã Ba la mật phải nên siêng tu học xứ pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba la mật mà hay thông đạt đế pháp thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Nên biết Ðại Bồ Tát có bốn thứ hạnh nhập vào đế pháp thiện xảo. Ðó là khổ trí, tập trí, diệt trí và đạo trí.
Thế nào là khổ trí đến đạo trí?
Nơi các uẩn vốn vô sanh . Trí ấy gọi là khổ trí.
Nơi nhiễm ái vĩnh viễn đoạn diệt. Trí ấy gọi là tập trí.
Nơi tất cả vô sanh vô diệt. Trí ấy gọi là diệt trí.
Nơi tất cả thời gian đối với các pháp sở duyên không tổn ích. Trí ấy gọi là đạo trí.
Ðại Bồ Tát ở nơi tứ đế ấy dùng các trí huệ như vậy biết rõ như thiệt, dầu thông đạt nhưng chẳng tác chứng. Tại sao? Vì muốn thành thục các chúng sanh vậy.
Ðầy đủ như vậy thì gọi là đế thiện xảo.
Lại có ba thứ đế thiện xảo. Ðó là thế tục đế, thắng nghĩa đế và tướng đế.
Thế gian có bao nhiêu văn tự ngữ ngôn âm thanh giả thuyết v.v…gọi là thế tục đế.
Ở chỗ ấy còn chẳng phải tâm hành huống là văn tự mà có thể trình bày nói lên được. Các pháp như vậy gọi là thắng nghĩa đế.
Các tướng tức là nhứt tướng. Nhứt tướng ấy tức là vô tướng. Ðây gọi là tướng đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát ở nơi thế tục đế,vì chúng sanh nên giảng nói không nhàm mỏi. Ở nơi thắng nghĩa đế tác chứng không lui mất. Nơi tướng đế, sâu đạt bổn tánh biết rõ vô tướng. Ðây gọi là Ðại Bồ Tát đế pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát chuyên cần tu học đế thiện xảo phải biết lại có một đế không có đế thứ hai, đó là điệt đế.
Chư Phật Như Lai ở nơi đế duy nhứt ấy thông đạt rõ ràng không có tăng ích. Thông đạt rồi vì muốn thông ích cho các chúng sanh mà tuyên nói đế duy nhứt ấy khiến họ tu học tỏ ngộ không tăng ích.
Ðại Bồ Tát biết rõ như vậy thì gọi là đế pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðế thiện xảo là khéo thông đạt các thánh đế. Thế nào là thông đạt thánh đế?
- Nầy Xá Lợi Phất! Khổ thánh đế là nói ngũ uẩn tánh nó thiệt khổ nên gọi là khổ đế. Ở trong đế nầy, Ðại Bồ Tát thông đạt năm uẩn đều là tướng khổ. Luận về tướng khổ tức là tướng không, đây gọi là khổ thánh đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Tập thánh đế là nói tùy miên ái kiến làm nhơn cho năm uẩn, đây gọi là tập đế. Ở trong nhơn tập này, hoặc ái hoặc kiến, Ðại Bồ Tát không có tăng ích hoặc lấy hoặc mê mà thông đạt rõ ràng, đây gọi là Tập thánh đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Diệt thánh đế là nói năm uẩn cứu cánh dứt hết, đây gọi là diệt đế. Ðại Bồ Tát quan sát đế ấy, tiền tế chẳng sanh, hậu tế chẳng đến, hiện tại chẳng trụ, thông đạt rõ ràng như vậy thì gọi là diệt thánh đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðạo thánh đế là y cứ đạo ấy mà chứng được khổ trí tập trí và diệt trí không có trí nào khác, đây gọi là đạo đế. Ở nơi đế ấy, Ðại Bồ Tát thông đạt rõ ràng không có phân biệt, đây gọi là Ðạo thánh đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nơi đế này, Ðại Bồ Tát dùng trí quan sát cùng khiến chúng sanh quan sát hiểu rõ. Ðây gọi là Ðại Bồ Tát đế pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðối với đế ấy, đại Bồ Tát lại phải quan sát biết bốn đế như vầy:
Nơi tất cả năng thọ sở thọ đều là khổ đế. Trong ấy phải khéo biết rõ, chính trí tánh khéo biết rõ ấy thông đạt rõ ràng thì gọi là Bồ Tát khổ thánh đế.
Từ nơi nhơn ấy mà các uẩn tập họp phát khởi, đây đều là tập đế. Nơi nhơn ấy biết rõ như thiệt thì gọi là Bồ Tát khổ tập thánh đế.
Các thọ dứt hẳn không chỗ giác thọ, đây gọi là diệt đế. Dầu quan sát thọ diệt mà chẳng tác chứng, thông đạt như vậy thì gọi là Bồ Tát khổ diệt thánh đế.
Khéo tu hành thánh đạo rời lìa thọ, đây gọi là đạo đế. Ví như thuyền bè, chẳng lấy cầu nơi thọ cũng chẳng lấy cầu nơi đạo thì gọi là Bồ Tát khổ diệt đạo thánh đế.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có Ðại Bồ Tát hiện quán như vậy, y cứ chánh định tịch tĩnh phát khởi bốn chánh kiến, mà ở nơi bốn chánh kiến ấy cũng chẳng tác chứng. Thông đạt được pháp ấy thì gọi là Bồ Tát đế pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát thiện xảo thông đạt nơi đế pháp ấy, nếu chúng diệt đế thì khổ chẳng sanh, trí quán vô sanh thì gọi là khổ trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Hữu là sanh duyên. Quan sát hữu ấy chẳng có chẳng không, trí nầy gọi là tập trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Tất cả sanh đều là vô sanh, đã vô sanh thì đều vô diệt. Trí vô diệt ấy gọi là tận diệt trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Thánh đạo ấy không chỗ cân lường, không chỗ lấy tìm, không chỗ quan sát, đây gọi là trí quảng đại. Trí ấy gọi là đạo trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nơi đế pháp ấy đại Bồ Tát khéo kiến lập được, mà ở nơi đế trí không chỗ trụ trước. Ðây gọi là Ðại Bồ Tát đế pháp thiện xảo.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba la mật, nên được vô ngại giải thiện xảo?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát do tu học đầy đủ Bát Nhã Ba la mật nên được bốn thứ vô chướng ngại giải. Ðó là nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải và biện vô ngại giải.
- Nầy Xá Lợi Phất! Những gì là nghĩa vô ngại giải?
Chư đại Bồ Tát y cứ Bát Nhã Ba la mật nên được nghĩa vô ngại giải. Ðó là nhứt thiết pháp thắng nghĩa xứ trí . Quan sát trí ấy tức là nghĩa vô ngại giải. Như là những giác trí, nhơn trí, duyên trí, hòa hiệp trí, biến tùy hành trí, quãng đại duyên sanh trí, pháp tánh vô tạp trí, Như Lai tùy nhập trí, an trụ thiết tế tạp chí.Như Lai tùy nhập trí, an trụ thiệt tế trí ở trong pháp không tùy giác quán trí, ở trong pháp vô tướng như sở quán trí, ở trong pháp vô nguyện khởi nguyện hành trí, ở nơi không gia hạnh khởi gia hành trí, nơi không gia hạnh khởi gia hạnh trí, nơi lý thú nhứt quán nhập chứng trí, nơi không hữu tình quán nhập chứng trí, nơi không ngã pháp quán nhập chứng trí, nơi hông thọ mạng nhứt hướng nhập trí, nơi không sát thủ thú quán thắng nghĩa trí, nơi quá khứ thế quán vô ngại trí, nơi vị lai thế quán vô biên trí, nơi hiện tại thế quán nhứt thiết xứ trí, nơi các uẩn pháp quán như ảo hóa trí, nơi các giới pháp quán đồng độc xà trí, nơi các xứ pháp quán như hư không trí, nơi các nội pháp quán tịch tĩnh trí, nơi các ngoại pháp quán vô sở hành trí, nơi các cảnh giới quán vô sở hữu trí, nơi các niệm trụ quán an trụ trí, nơi các thú đạo quán tùy hành trí, nơi các duyên khởi quán hiện kiến trí, nơi các đế pháp quán thông đạt trí, nơi tất cả khổ quán vô sanh trí, nơi tất cả tập quán không gia hạnh trí, nơi tất cả diệt quán ly tướng trí, nơi tất cả đạo quán cứu tế trí, ở trong tất cả pháp, quán phân tích trí, nơi các căn pháp quán chứng nhập trí, nơi các lực pháp quán không khuất phục trí, nơi xa ma tha quán sở y xứ trí, nơi tỳ bát xá na quán minh chiếu trí, nơi các ảo sự quán hư tập trí, nơi các dương diệm quán mê loạn trí, nơi các mộng sự quán hư kiến trí, nơi tiếng vang quán duyên hiệp trí, nơi bóng sáng quán vô động trí, nơi tướng sai biệt quán nhứt tướng trí, nơi các hệ phược quán ly phược trí, nơi các tương tục quán không tương tục trí, nơi trí Thanh Văn quán tùy thanh nhập trí, nơi trí Ðộc Giác quán duyên sanh rộng lớn nhập nhứt cảnh trí, nơi Phật Ðại thừa quán biết tất cả thiện căn tư lương hay tích tập trí. Tất cả các quán trí như vậy gọi là Ðại Bồ Tát nghĩa vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại bồ Tát còn có nghĩa vô ngại giải. Ðó là nghĩa y thú nơi lý thú, vì là chỗ y thú của các pháp tánh. Tại sao? Vì tất cả pháp đều là không, nghĩa tánh không gọi là nghĩa. Vì tất cả pháp đều vô tướng, nghĩa vô tướng gọi là nghĩa. Vì tất cả pháp đều vô nguyện, nghĩa vô nguyện gọi là nghĩa. Vì tất cả pháp đều viễn ly, nghĩa viễn ly gọi là nghĩa. Vì tất cả pháp không hữu tình không thọ mạng không sát thủ thú, nghĩa không hữu tình thọ mạng sát thủ thú gọI là nghĩa.
Ðại Bồ Tát tùy nhập được nghĩa tướng như vậy thì gọi là nghĩa vô ngại giải.
- Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát nói nghĩa như vậy, nên biết đó là nói pháp vô trụ, nói pháp vô tận, là nói tất cả chỗ được nói rõ, là nói những nghĩa của bực nhứt thiết trí dung vô ngại giải đã biết rõ. Nên biết Bồ Tát được sự ấn khả tùy hỉ của chư Phật Thế Tôn. Nên biết trí ấy là chơn huệ, là thiệt huệ là vô dị huệ, là vô ngại huệ.
Ðại Bồ Tát biết rõ như vậy thì gọi là nghĩa vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát pháp vô ngại giải?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba la mật nên được pháp vô ngại giải . Ðó là ở trong các pháp, tùy chứng nhập trí. Những gì gọi là tùy chứng nhập trí? Ðó là ở trong các pháp có chỗ chứng nhập. Những pháp gì? Ðó là những pháp: thiện bất thiện, hữu tội vô tội, hữu lậu vô lậu, thế gian xuất thế gian, hữu vi vô vi, nhiễm ô thanh tịnh, sanh tử Niết Bàn. Ở trong các pháp ấy theo đó có thể chứng nhập pháp tánh bình đẳng, bồ đề bình đẳng. Trí tánh như vậy gọi là pháp vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Pháp vô ngại giải là: Ðại Bồ Tát dùng pháp vô ngại giải ấy, tâm trí chứng nhập tham hành như vầy; nhập chứng giả lập tham hành, phương tiện tham hành, kiên cố tham hành, vi bạc tham hành, phi xứ tham hành, doanh cầu tham hành, túc thế tham hành, vô biên dị tướng tham hành, hiện tại chúng duyên tham hành. Tất cả tướng tham hành ấy đều chứng nhập.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát rõ biết những tướng tham của các hữu tình: Hoặc có chúng sanh nội tham chẳng phải ngoại tham, hoặc ngoại tham chẳng phải nội tham, hoặc nội ngoại tham.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham sắc chẳng tham thanh, hoặc tham thanh chẳng tham sắc, hoặc tham sắc thanh.
Hoặc có chúng sanh tham sắc chẳng tham hương, hoặc tham hương chẳng tham sắc, hoặc tham sắc hương.
Hoặc có chúng sanh tham sắc chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham sắc, hoặc tham sắc vị.
Hoặc có chúng sanh tham sắc chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham sắc, hoặc tham sắc xúc.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham thanh chẳng tham hương, hoặc tham hương chẳng tham thanh, hoặc tham thanh hương.
Hoặc có chúng sanh tham thanh chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham thanh, hoặc tham thanh vị.
Hoặc có chúng sanh tham thanh chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham thanh, hoặc tham thanh xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham hương chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham hương , hoặc tham hương vị.
Hoặc có chúng sanh tham hương chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham hương, hoặc tham hương xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham vị chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham vị, hoặc tham vị xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham sắc thanh chẳng tham hương, hoặc tham hương chẳng tham sắc thanh, hoặc tham sắc thanh hương.
Hoặc có chúng sanh tham sắc thanh chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham sắc thanh, hoặc tham sắc thanh vị.
Hoặc có chúng sanh tham sắc thanh chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham sắc thanh, hoặc tham sắc thanh xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham thanh hương chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham thanh hương, hoặc tham thanh hương vị.
Hoặc có chúng sanh tham thanh hương chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham thanh hương; hoặc tham thanh hương xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham hương vị chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham hương vị, hoặc tham hương vị xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! hoặc có chúng sanh tham sắc thanh hương chẳng tham vị, hoặc tham vị chẳng tham sắc thanh hương, hoặc tham sắc thanh hương vị.
Hoặc có chúng sanh tham sắc thanh hương chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham sắc thanh hương, hoặc tham sắc thanh hương xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham thanh hương vị chẳng tham xúc, hoặc tham xúc chẳng tham sắc thanh hương vị, hoặc tham thanh hương vị xúc.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh tham sắc thanh hương vị chẳng tham xúc, hoặc xúc chẳng tham sắc thanh hươngvị, hoặc tham sắc thanh hương vị xúc.
- Nầy Xá Lợi Phất! Vô lượng chúng sanh ấy đều riêng phát khởi vô lượng tướng tham nhập vào tham hành, Ðại Bồ Tát do chứng nhập pháp vô ngại giải nên nhập vào hai vạn một ngàn tham hành, hai vạn một ngàn sân hành, hai vạn một ngàn si hành,, hai vạn một ngàn đẳng phần hành phiền não của chúng sanh.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát chứng nhập tám vạn bốn ngàn phiền não hành môn ấy, nên biết Ðại Bồ Tát nầy đầy đủ thành tựu tâm quảng đại trí, tùy hành thuyết trí, bất tăng bất giảm thuyết trí, bất quá thời thuyết trí, căn khí sai biệt trí, lập ngôn bất hư thuyết trí.
- Nầy Xá Lợi Phất! Vì Ðại Bồ Tát có đủ những trí thù thắng như vậy, nên gọi là Ðại Bồ Tát pháp vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Ðại Bồ Tát từ vô ngại giải?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba la mật nên có đủ từ vô ngại giải. Ðó là trí chứng nhập các ngôn từ.
Ðược trí nầy rồi thì hay biết rõ ngôn từ của chư Thiên chư Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La,Khẩn Na La, Ma Hầu La già, Nhơn và ngôn từ của các Phi nhơn, nhẫn đến tất cả hữu tình trong ngũ đạo có bao nhiêu ngôn từ âm thanh nói bàn, Ðại Bồ Tát đều dùng trí ấy chứng nhập, lại có thể dùng các ngôn từ âm thanh ấy tùy theo các hữu tình mà nói pháp. Ðây gọi là Bồ Tát từ vô ngại giải
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Chư Ðại Bồ Tát khéo biết rõ ngôn từ ấy chỉ nên hiển bày pháp ấy, ngôn từ ấy chỉ nên tùy biện pháp ấy, ngôn từ ấy nên dùng chữ ấy ẩn chứa pháp ấy.
Ðại Bồ Tát dùng trí ấy biết rõ là một danh ngôn, là hai danh ngôn, là nhiều danh ngôn. lại biết rõ là danh ngôn nữ danh ngôn nam, danh ngôn phi nam phi nữ. Lại biết rõ là danh ngôn lược danh ngôn rộng, danh ngôn tốt danh ngôn xấu. Lại biết rõ là danh ngôn quá khứ danh ngôn vị lai, danh ngôn hiện tại. Lại biết rõ các tướng như vậy một chữ tăng ích.
Biết rõ như vậy thì gọi là Ðại Bồ Tát từ vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Chư Ðại Bồ Tát phát ra ngôn từ, đó là do vô lượng công đức họp lại thành. Tại sao? Vì ngôn từ được Ðại Bồ Tát phát ra không nhỏ yếu, chính ngôn từ ấy rất khéo sắp đặt, không phiền trọng, không gấp mau, lời rất rõ ràng, văn nghĩa tròn đủ, thuận đẹp lòng đại chúng, các thứ mỹ diệu bày rõ thâm áo, trang nghiêm với những thế tục và thắng nghĩa, tự tâm trí kiến thông đạt vô ngại, chư Phật ấn khả, làm vui đẹp chúng sanh.
Ðầy đủ như vậy thì gọi là Ðại Bồ Tát từ vô ngại giải.
- Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là đại Bồ Tát biện vô ngại giải?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát do tu hành Bát Nhã Ba La mật nên được ngôn từ vô ngại biện, biện nói ký biệt không trệ, biện nói tuyên dương không dứt, biện nhanh biện mau biện nhanh chóng, biện chẳng ai động được, biện chẳng vấp chậm, biện đáp theo lời hỏi, biện chẳng khiếp lui, biện chẳng tương vi, biện chẳng tranh luận, biện pháp đáng thích, biện an trụ sức nhẫn, biện vi diệu rất sâu, biện các thứ sai biệt, biện các thứ vi diệu, biện thế tục thắng nghĩa, biện nói xây dựng tất cả công hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tĩnh lự Bát Nhã, biện nói xây dựng tất cả niệm trụ chánh cần thần túc căn lực giác phần chánh đạo xa ma tha và tỳ bát xá na, biện nói xây dựng tất cả tĩnh lự giải thoát tam ma địa tam ma bát để, biện quảng đại trí, biện sở thừa của tất cả thánh nhơn, biện tâm hành của tất cả chúng sanh, biện nói không ngọng nghịu, biện nói không cứng nghẹn, biện nói không liến thoắng, biện nói không thô cộc, biện nói giọng nhuần mến, biện nói giọng trong sạch, biện nói giọng bàng bạc, biện nói không chấp dính, biện nói dạy bảo, biện nói đại tự tại, biện nói diệu tương ưng, biện nói không khóa chặt, biện nói giọng mỹ diệu, biện nói giọng mềm trơn, biện nói không gây ra sự quở trách, biện nói được chư thánh khen ngợi.
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát dùng bao nhiêu ngôn biện như vậy tuyên cáo khắp vô lượng vô biên quốc độ chư Phật mười phương. Ngôn âm được Ðại Bồ Tát phát ra vượt hơn tất cả ngôn từ phạm âm. Ngôn âm ấy sáng tỏ trong sạch được sự ấn khả của chư Phật. Ðại Bồ Tát có đủ tài biện, thương các hữu tình nên dùng ngôn âm ấy tuyên nói rộng chánh pháp vi diệu khiến họ xuất ly sanh tử hết hẳn các sự khổ. Ðây gọi là đại Bồ Tát vô ngại biện.
- Nầy Xá Lợi Phất! Như trên ấy gọi là vô ngại giải thiện xảo. Do vô ngại giảI thiện xảo ấy mà Ðại Bồ Tát tu hành Bát Nhã Ba La mật chuyên cần tu tập vô ngại giải thiện xảo vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.79.165 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.