Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn ở trong rừng Song Thọ, Phật nhãn thấy vua A Xà Thế ngất xỉu xuống đất, liền bảo đại chúng : “ Nay Phật sẽ vì vua nầy ở lại đời đến vô lượng kiếp chẳng nhập Niết Bàn.”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : Thế Tôn ! Đức Như Lai nên vì vô lượng chúng sanh chẳng nhập Niết Bàn. Cớ sao riêng vì vua A Xà Thế ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Trong đại chúng đây không có một người nào cho rằng Phật quyết định sẽ nhập Niết Bàn. Vua A Xà Thế cho rằng Phật quyết định sẽ nhập Niết Bàn hẳn nên ngất xỉu.
Nầy Thiện nam tử ! Như Phật nói vì A Xà Thế chẳng nhập Niết Bàn ý nghĩa ấy rất sâu kín ông chưa hiểu được. Ta nói “vì” là vì tất cả phàm phu, A Xà Thế là khắp đến tất cả người tạo tội ngũ nghịch. Lại :”vì’ chính là tất cả chúng sanh hữu vi. Ta trọn chẳng vì vô vi chúng sanh mà ở lại đời. Luận về vô vi thời chẳng phải là chúng sanh. “ A Xà Thế” chính là người đầy đủ phiền não. Lại “vì” chính là chúng sanh chẳng thấy Phật tánh. Nếu đã thấy Phật tánh thời Phật trọn chẳng vì họ mà ở lâu nơi đời. Vì người thấy Phật tánh thời chẳng phải là chúng sanh. “A Xà Thế” chính là tất cả người chưa phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Lại “vì’ là vì hai chúng Đại Ca Diếp và A Nan. “A Xà Thế” chính là Phi hậu của nhà vua và tất cả phụ nữ trong thành Vương Xá. Lại “vì” là nói Phật tánh, “A Xà” là chẳng sanh “Thế” là oán. Bởi chẳng sanh Phật tánh thời sanh phiền não oán thù. Vì sanh phiền não oán thù nên chẳng thấy Phật tánh. Bởi chẳng sanh phiền não thời thấy được Phật tánh. Do thấy Phật tánh thời được an trụ Đại Niết Bàn. Đây gọi là bất sanh, đây gọi là “vì A Xà Thế”.
Nầy Thiện nam tử ! “A Xà” là chẳng sanh, chẳng sanh gọi là Niết Bàn. “Thế” là nói thế pháp. “Vì” nói là chẳng nhiễm ô. Bởi tám pháp trong đời chẳng ô nhiễm được, vô lượng vô biên vô số kiếp chẳng nhập Niết Bàn. Do đây nên Phật nói vì A Xà Thế vô lượng kiếp chẳng nhập Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Lời nói sâu kín của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng, Bồ Tát Ma Ha Tát đều chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Đại Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Bây giờ đức Thế Tôn vì vua A Xà Thế mà nhập nguyệt ái tam muội, phóng ánh sáng lớn . Ánh sáng nầy mát mẻ chiếu đến thân vua. Ghẻ lở trên thân liền lành, hết nóng hết nhức.
Vua bảo Kỳ Bà : “Ta từng nghe : Lúc sắp tận kiếp ba mặt trăng đồng hiện lên, do đó những khổ hoạn của chúng sanh đều trừ. Nay chưa đến thời kỳ ấy, do đâu có ánh sáng mát mẻ chiếu đến thân ta làm cho thân ta được an ổn ghẻ lở đều lành ?
Kỳ Bà tâu : Đây không phải là tận kiếp, không phải ánh sáng của ba mặt trăng, cũng chẳng phải ánh sáng mặt trời, tinh tú bảo châu, dược thảo cũng chẳng phải ánh sáng chư thiên.
Vua lại hỏi như vậy thời là ánh sáng của ai ?
_ Tâu Đại vương ! Đây là ánh sáng của đấng Thiên Trung Thiên. Ánh sang nầy chẳng có ngằn mé, chẳng nóng, chẳng lạnh, chẳng thường, chẳng diệt, chẳng phải sắc cùng vô sắc, chẳng phải tướng cùng vô tướng, chẳng phải xanh , vàng, đỏ, trắng. Vì độ chúng sanh nên hiện ra có tướng có thể thấy. Dầu thấy được nhưng thiệt ra ánh sáng nầy vốn không tướng.
Vua nói : Nầy Kỳ Bà ! Đấng Thiên Trung Thiên do nhơn duyên gì mà phóng ánh sáng nầy ?
_ Tâu Đại Vương ! Nay tướng lành nầy chính là vì Đại Vương. Bởi vừa rồi Đại Vương nói trong đời không có lương y trị được thân bịnh, tâm bịnh của Đại Vương, nên đức Thế Tôn phóng ánh sáng nầy, trước chữa lành bịnh nơi thân của Đại Vương, rồi sau sẽ trị bịnh nơi tâm.
_ Nầy Kỳ Bà đức Như Lai cũng nghĩ tưởng đến ta ư ?
_ Tâu Đại Vương ! Ví như một người mà có bảy đứa con, một đứa bị bịnh, lòng cha mẹ săn sóc đứa con bịnh tật nhiều hơn. Cũng vậy, đức Như Lai chẳng phải là không bình đẳng đối với chúng sanh, nhưng với người có tội thời lòng Phật thiên trọng. Với kẻ phóng dật lòng Phật thương tưởng, người chẳng phóng dật thời Phật phóng xả. Người chẳng phóng dật là bực đệ lục trụ Bồ Tát. Chư Phật đối với chúng sanh, chẳng nhìn ngó đến dòng họ, già trẻ, giàu nghèo, năm tháng ngày giờ, nghề nghiệp khéo vụng, tôi tớ hèn hạ, chỉ ngó đến chúng sanh có tâm lành. Nếu người có tâm lành thời Phật thương tưởng.
Tâu Đại Vương ! Đây chính là đức Như Lai nhập nguyệt ái tam muội phóng ra ánh sáng ấy.
Nhà vua hỏi : Sao gọi là nguyệt ái tam muội ?
Kỳ Bà tâu : “ Ví như ánh sáng mặt trăng có thể làm cho tất cả hoa sen sanh nở xòe, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho tâm lành chúng sanh nở xòe.
Ví như ánh sáng mặt trăng có thể làm cho tất cả người đi đêm vui mừng, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho người tu tập đạo Niết Bàn vui mừng.
Ví như ánh sáng mặt trăng từ đêm mùng một đến rằm, hình sắc ánh sáng lần lần thêm đầy đủ, cũng vậy, nguyệt ái tam muội làm cho người mới phát tâm những căn lành lần lần thêm lớn đầy đủ Đại Niết Bàn.
Ví như ánh sáng mặt trăng từ đêm mười sáu đến đêm ba mươi hình sắc ánh sáng lần lần giảm bớt, cũng vậy, nguyệt ái tam muội có thể làm cho phiền não lần lần tiêu diệt.
Ví như đang lúc nắng nóng, tất cả chúng sanh thường nghĩ đến ánh sáng mặt trăng, lúc trăng sáng đã soi thời liền hết nóng bức, cũng vậy nguyệt ái tam muội có thể làm cho chúng sanh trừ được phiền não nóng bức.
Ví như mặt trăng tròn là vua trong các tinh tú, là cam lộ vị, tất cả chúng sanh đều ưa thích, cũng vậy, nguyệt ái tam muội là vua trong các pháp lành, là cam lộ vị chúng sanh đều ưa thích.
Vua nói :Ta nghe đức Như Lai chẳng cùng người ác ở chung đàm luận. Như biển lớn chẳng chứa tử thi. Như chim Oan Ương chẳng đậu nhà xí. Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn chẳng ở chung với quỷ. Chim Cưu Súy La chẳng đậu cây khô. Cũng vậy, ta đâu có thể gần được đức Như Lai. Theo ta xét đức Như Lai thà gần voi say, sư tử, cọp, sói, lửa hừng, trọn chẳng gần gũi nơi người tạo tội ác quá nặng. Vì vậy nên ta không lòng nào dám đến gặp Phật.
Kỳ Bà tâu : Ví như người khát nước thời gấp đến suối trong, người đói cầu vật thực, người kinh sợ cầu cứu, người bịnh tìm lương y, người nóng bức tìm bóng mát, người lạnh tìm lửa. Nay Đại Vương cũng nên cầu Phật như vậy. Đức Như Lai còn vì hạng Nhứt Xiển Đề mà thuyết pháp huống là Đại Vương chẳng phải Nhứt Xiển Đề.
Vua nói : Nầy Kỳ Bà ! Ta từng nghe Nhứt Xiển Đề là kẻ chẳng tin, chẳng nghe, chẳng thể quán sát, chẳng hiểu đặng nghĩa lý, tại sao đức Như Lai lại thuyết pháp cho họ ?
Kỳ Bà tâu : “ Như có người mang bịnh nặng, đêm ngủ mơ thấy lên trên điện một cột, uống chất tợ dầu mỡ và lấy thoa nơi thân, nằm trên tro ăn tro, leo lên cây khô hoặc thấy cùng khỉ vượn làm bạn, chìm dưới nước, lún trong bùn, té rơi xuống điện lầu, hoặc thấy núi cao, rừng rậm, voi, ngựa, trâu, dê, thân mặc y phục xanh, vàng, đỏ, đen, vui cười ca múa, hoặc thấy kên kên, chồn, cáo, rụng răng, rụng tóc, trần truồng, gối đầu trên mình chó, nằm trên phẩn nhơ, hoặc thấy cùng người đã chết đi đứng nằm ngồi dắt tay ăn uống, đi trong đường đầy rắn độc, hoặc mơ thấy ôm ẵm người nữ trùm tóc, y phục bằng lá Đa La, ngồi xe lừa hư gãy qua hướng chánh Nam.
Người nầy tỉnh dậy lòng buồn rầu bịnh nơi thân càng thêm. Vì bịnh thêm nên thân thuộc sai người mời y sĩ. Người đi mời nầy lùn thấp tàn tật, đầu đầy bụi bặm, y phục rách nát, ngồi xe hư cũ, đến nói với y sĩ : Xin mau qua thăm bịnh.
Y sĩ tự nghĩ : Người đến mời nầy tướng mạo chẳng lành, bịnh chắc khó trị. Lại coi ngày, thấy nhằm ngày bịnh khó trị tức là ngày mùng bốn, mùng sáu, mùng tám, mười hai, mười bốn. Lại coi sao cũng nhằm sao khó trị, tức là hỏa tinh, khuê tinh, mão tinh, Diêm La Tinh, thấp tinh, mãn tinh. Lại coi nhằm mùa thu, mùa đông, giờ mặt trời lặn nửa đêm, giờ mặt trăng lặn, nhằm những giờ nầy bịnh cũng khó trị. Y Sĩ lại nghĩ rằng : Dầu tất cả đều chẳng lành, nhưng xem người bịnh nếu có phước đức thời trị được, bằng không phước đức dầu lành tốt có ích gì !
Y Sĩ liền cùng đi với người đến mời, giữa đường nghĩ rằng : Nếu người bịnh có tướng trường thọ thời trị được, nếu là tướng đoản thọ thời chẳng thể trị.
Dọc đường thấy hai đứa trẻ đánh lộn, thấy người cầm lửa tự nhiên tắt, thấy có người đốn cây, lại thấy người kéo tấm da đi trên đường, lại thấy trên đường có vật bỏ rơi, hoặc thấy người xách thùng không, hoặc thấy Sa Môn đi một mình, lại thấy cọp, sói, chồn, kên kên. Y Sĩ suy nghĩ từ người mời nầy đến ngày giờ thời tiết cùng những việc dọc đường đều là điềm bất tường, người bịnh chắc khó trị, nhưng nếu ta không đến thời chẳng phải Y Sĩ. Dọc đường lại nghe có tiếng khóc than người chết, tiếng sụp, bể, gãy, tiếng té ngã. Lại nghe phương Nam có tiếng kên kên, có tiếng chim Xá Lợi, tiếng chó, tiếng chuột, tiếng chồn, tiếng thỏ, tiếng heo. Y Sĩ tự nghĩ : Toàn là những điềm bịnh khó trị.
Sau khi đến nhà, thấy người bịnh lúc lạnh lúc nóng, gân xương nhức, mắt đỏ lưu lệ, tiếng lỗ tai nghe đến ngoài, cổ họng nghẹn đau, trên lưỡi nức nở, sắc mặt đen tối, cất đầu không nổi, mình khô không mồ hôi, đại tiện tiểu tiện bế tắc, cả thân sưng phù đỏ hồng dị thường, giọng nói chẳng đều, bụng đầy, nói không rõ.
Y Sĩ xem xong hỏi người khán bịnh : Từ qua đến nay ý chí người bịnh thế nào ?
Người khán bịnh nói : “ Thưa Y Sĩ ! Người nầy trước kia vốn kính tin Tam Bảo, và chư Thiên, nay bỗng đổi khác không còn tin. Trước kia ưa bố thí nay thời bỏn xẻn, trước kia ăn ít nay thời quá nhiều, tánh vốn hào tốt nay thời tệ ác. Tánh vốn nhơn từ hiếu thuận, nay thời không cung kính cha mẹ”. Y Sĩ nghe xong đến ngửi người bịnh và rờ bóp trên thân, biết người bịnh quyết định sẽ chết, nhưng chẳng nói ra, bảo người khán bịnh rằng : :” Nay tôi có việc gấp ngày mai tôi sẽ trở lại, người bịnh cần dùng thứ gì cứ tha hồ chớ ngăn cản”. Dặn xong Y Sĩ trở về nhà.
Rạng ngày người bịnh đến rước, Y Sĩ bảo rằng : “ Việc tôi chưa xong thuốc cũng chế chưa rồi”.
Nếu là người trí, thấy cử chỉ của Y Sĩ thời biết rằng : Người bịnh ấy chắc chết.
Tâu Đại Vương ! Đức Thế Tôn cũng như vậy, dầu biết rõ căn tánh hàng Nhứt Xiển Đề, nhưng đức Phật cũng vì họ mà thuyết pháp vì nếu không thuyết pháp cho họ, tất cả phàm phu sẽ cho rằng Như Lai không tâm đại từ bi, đâu nên gọi là bậc nhứt thiết trí. Vì có tâm đại từ bi mới gọi là bậc nhứt thiết trí, do đây nên Như Lai thuyết pháp cho hạng Nhứt Xiển Đề.
Đức Như Lai gặp những người bịnh thời liền ban bố pháp dược, người bịnh nếu chẳng chịu uống đó chẳng phải là lỗi của Như Lai.
Hạng Nhứt Xiển Đề chia ra làm hai : Một là hạng đặng căn lành hiện tại, hai là hạng đặng căn lành đời sau.
Đức Như Lai biết rõ hạng Nhứt Xiển Đề những kẻ hiện tại có thể đặng thiện căn thời thuyết pháp cho. Những kẻ đời sau đặng thiện căn đức Phật cũng thuyết pháp cho họ, nay dầu vô ích nhưng để làm nhơn cho đời sau. Do đây nên đức Như Lai vì hạng Nhứt Xiển Đề mà giảng thuyết pháp yếu.
Lại có hai hạng Nhứt Xiển Đề : Một là hạng lợi căn, hai là hạng trung căn. Hạng lợi căn nơi đời hiện tại có thể đặng thiện căn, hạng trung căn thời đời sau sẽ đặng.
Chư Phật không bao giờ thuyết pháp mà không lợi ích.
Ví như người sạch sẽ té trong hầm tiêu, có thiện tri thức thấy vậy xót thương liền nắm tóc kéo ra khỏi hầm. Cũng vậy, chư Phật thấy chúng sanh đọa trong ba đường ác nên phương tiện cứu tế làm cho đặng thoát khỏi. Do đây nên đức Như Lai vì hạng Nhứt Xiển Đề mà thuyết pháp.
Vua bảo Kỳ Bà : :” Nếu đức Như Lai thật có những điều như vậy, rạng ngày sẽ chọn ngày lành giờ tốt rồi chúng ta sẽ đến gặp Phật.
Kỳ Bà tâu : Trong giáo pháp của đức Như Lai không có chọn lựa ngày lành giờ tốt. Tâu Đại vương như người bịnh nặng đâu nên chọn ngày giờ tốt xấu, chỉ nên gấp cầu lương y. Nay Đại Vương bịnh nặng phải gấp cầu Phật, chẳng nên chờ chọn ngày lành giờ tốt.
Tâu Đại Vương ! Như lửa chiên đàn cùng lửa y lan, tướng lửa cháy hai thứ không khác nhau. Cũng vậy, ngày tốt, ngày xấu, nếu đến chỗ Phật đều được diệt tội. Mong Đại Vương giờ đây nên gấp qua gặp Phật.”
Vua A Xà Thế liền bảo cận thần Kiết Tường : “ Nay ta muốn đến chỗ đức Phật, khanh mau sắm sửa đồ cúng dàng”.
Vua A Xà Thế cùng Phu nhơn xa giá một muôn hai ngàn cỗ, voi lớn năm ngàn thớt, trên mỗi thớt voi đều chở ba người mang cầm phan lọng, hoa hương , kỹ nhạc, nhiều thứ đồ cúng dàng, dắt theo mười tám muôn kỵ mã. Nhơn dân trong nước Ma Dà Đà năm mươi tám muôn người đồng đi theo vua.
Lúc bấy giờ nơi thành Câu Thi Na, đại chúng tựu hội tất cả mười hai do tuần, mọi người đều thấy vua A Xà Thế cùng quân dân từ xa đi đến.
Đức Phật bảo đại chúng : “ Nhơn duyên gần với vô thượng Bồ Đề của tất cả chúng sanh không gì trước hơn bạn lành. Vì vua A Xà Thế nếu chẳng nghe lời Kỳ Bà, ngày mùng bảy tháng tới quyết định phải chết đọa địa ngục A tỳ.
Vua A Xà Thế lúc đi dọc đường được biết tin vua Tỳ Lưu Ly ngồi thuyền vào biển bị lửa cháy mà chết. Tỳ Kheo Cù Ca Ly, đất nứt, thân sống sa vào địa ngục A Tỳ. Còn Tu Na Sát Đa gây tạo những tội ác đến ra mắt Phật các tội đều đặng tiêu trừ. Vua nghe những tin nầy nói với Kỳ Bà rằng : “ Nay ta dầu được nghe những tin ấy nhưng còn chưa chắc. Khanh đến ngồi chung một thớt voi với ta. Giả sử ta bị đọa địa ngục trông mong khanh nắm giữ ta chớ để ta bị đọa. Vì ngày trước ta từng nghe những người đắc đạo chẳng vào địa ngục.”
Phật bảo đại chúng : “ Vua A Xà Thế còn lòng nghi, nay Phật sẽ làm cho vua được tâm quyết định.”
Trong Pháp hội có một vị Bồ Tát hiệu là Trì Nhứt Thiết bạch Phật rằng : Trước kia Phật nói tất cả pháp đều không có tướng nhứt định, sắc không tướng nhứt định, nhẫn đến Niết Bàn cũng không tướng nhứt định. Tại sao hôm nay nói rằng vì vua A Xà Thế
Làm cho được tâm quyết định ?
Phật nói : Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện nam tử ! Nay Phật sẽ làm cho vua A Xà Thế có tâm quyết định, vì nếu tâm nghi ngờ của vua có thể phá hoại được, nên biết rằng tâm nầy là không quyết định. Nếu tâm của vua là quyết định, thời tội nghịch của vua làm sao tiêu tan được. Vì không quyết định nên có thể tiêu trừ tội nghiệp.
Vua A Xà Thế đến rừng Ta La Song Thọ ngước lên thấy đức Như Lai đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, dường như tòa núi vàng ròng.
Đức Thế Tôn cất tiếng phạm âm chào vua : “ Đại Vương !”
Lúc đó vua A Xà Thế nhìn ngó hai bên tự nghĩ rằng : Không rõ ai là Đại Vương trong đại chúng nầy. Ta là người nhiều tội lại không phước đức, đức Như Lai chẳng lẽ gọi ta là Đại Vương !
Đức Như Lai lại lên tiếng gọi : “Đại Vương A Xà Thế !”
Vua nghe dứt lời trong lòng rất vui mừng nghĩ rằng : Nay đức Như Lai chiếu cố đến ta rõ là đức Như Lai có lòng đại bi bình đẳng đối với tất cả chúng sanh.
Vua bạch Phật rằng : “ Thế Tôn nay lòng tôi không còn nghi ngờ quyết định biết rằng đức Như Lai bậc Đại Sư Vô Thượng của tất cả chúng sanh.
Ca Diếp Bồ Tát nói với Trì Nhất Thiết Bồ Tát : “ Đức Như Lai đã làm cho vua A Xà Thế được tâm quyết định.
Vua A Xà Thế bạch Phật : Thế Tôn ! Giả sử hôm nay tôi được ngồi chung ăn uống với Phạm Vương, Đế Thích cũng chẳng vui mừng bằng một lời kêu gọi của đức Như Lai.
Vua liền đem những phan lọng hoa hương kỹ nhạc dâng lên Phật, đảnh lễ chân Phật đi nhiễu bên hữu ba vòng, rồi ngồi qua một phía. Phật nói : “ Nầy Đại Vương : Nay Phật sẽ vì nhà vua mà nói pháp yếu. Nhà vua nên hết lòng lóng nghe !
Hạng phàm phu cần phải chuyên tâm quán sát nơi thân có hai mươi việc : Một là trong thân của ta đây không có công đức vô lậu, hai là không căn lành, ba là chưa đặng điều thuận, bốn là sa rớt hầm sâu không chỗ nào chẳng đáng sợ, năm là dùng phương tiện gì để thấy Phật tánh, sáu là tu thiền định thế nào để được thấy Phật tánh, bảy là sanh tử khổ luôn không có thường không ngã không tịnh, tám là khó thoát khỏi tám nạn, chín là thường bị oan gia theo dỏi, mười là không có một pháp gì ngăn được những hữu lậu, mười một là chưa thoát khỏi ba đường ác, mười hai là đầy đủ những ác kiến, mười ba là chưa qua khỏi bờ ngũ nghịch, mười bốn là chưa qua khỏi dòng sanh tử không bờ, mười lăm là chẳng tạo nghiệp lành chẳng được quả báo lành , mười sáu là không có ta làm mà người khác chịu quả, mười bảy là chẳng gây nhơn vui thời trọn không quả vui, mười tám là đã tạo nghiệp thời quả báo trọn chẳng mất, mười chín là do vô minh mà sanh cũng do vô minh mà chết, hai mươi là quá khứ vị lai và hiện tại thường buông lung phóng dật. Nầy Đại Vương ! Người phàm phu nên quán sát thân nầy có hai mươi điều như vậy. Do quán sát nầy nên chẳng ưa thích sanh tử. Nếu chẳng ưa thích sanh tử thời được chỉ quán. Theo thứ tự quán tướng sanh, trụ, diệt nơi tâm. Quán định, huệ, tinh tấn, trì giới cũng như vậy. Quán tướng sanh trụ diệt rồi biết rõ tâm tướng nhẫn đến giới tướng thời trọn chẳng làm ác, không có sợ chết cũng không sợ ba ác đạo. Nếu chẳng chuyên tâm quán sát hai mươi điều như vậy thời tâm buông lung phóng dật không việc ác nào chẳng làm.
Vua thưa : “ Thế Tôn ! Như tôi hiểu nghĩa nơi lời Phật dạy : Từ trước tôi chưa từng quán sát hai mươi điều ấy, nên gây tạo những tội ác. Do đó nên sợ chết và sợ ba ác đạo.
Bạch Thế Tôn ! Tôi tự chuốc họa tạo tội ác lớn : Vua cha vô tội, tôi lại làm hại. Đối với hai mươi điều nầy tôi dầu có quán sát hay không quán sát quyết định sẽ bị đọa địa ngục A Tỳ.
Phật nói : “ Nầy Đại Vương ! Tất cả pháp, tánh tướng của nó đều vô thường không có quyết định. Sao nhà vua lại nói quyết định sẽ đọa địa ngục A Tỳ ?
Vua thưa : “Thế Tôn ! Nếu tất cả pháp không tướng nhất định, thời tội giết cha của tôi cũng sẽ không nhất định. Nếu tội giết hại là nhứt định thời tất cả pháp chẳng phải là nhứt định.
Phật nói : “ Nầy Đại Vương ! Lành thay ! Lành thay ! Chư Phật nói tất cả pháp đều không tướng nhứt định. Nhà vua lại có thể rõ biết tội giết hại cũng chẳng nhứt định.
Nầy Đại Vương ! Như lời nhà vua nói : Vua cha vô tội lại làm hại. Gì là cha ? Chỉ ở nơi danh từ giả, năm ấm chúng sanh mà vọng tưởng là cha. Trong thập nhị nhập cùng thập bát giới, cái gì là cha ? Nếu sắc ấm là cha thời bốn ấm kia lẽ ra không phải. Nếu bốn ấm là cha thời sắc ấm cũng lẽ ra không phải. Nếu sắc ấm cùng phi sắc hiệp lại làm cha thời không đúng lý, vì tánh của sắc cùng phi sắc vốn không hiệp.
Nầy Đại Vương ! Chúng sanh phàm phu đối với sắc ấm nầy vọng tưởng là cha. Sắc ấm như vậy cũng không thể hại được. Vì sắc ấm có mười thứ, trong mười thứ nầy riêng sắc là có thể thấy có thể nắm lấy, có thể cân, có thể lường, có thể trói, có thể kéo. Dầu có thế thấy có thể trói, nhưng tánh của sắc vẫn chẳng trụ. Vì chẳng trụ nên không thể thấy được, cũng không thể nắm cầm cân lường kéo dắt cột trói. Sắc tướng đã như vậy thời thế nào giết hại được. Nếu sắc là cha có thể giết hại mắc phải tội báo, thời chín thứ kia lẽ ra không phải là cha. Nếu chín thứ chẳng phải là cha thời lẽ ra không mắc tội.
Nầy Đại Vương ! Sắc có ba thứ : Quá khứ vị lai và hiện tại. Quá khứ và hiện tại thời không thể giết hại. Vì quá khứ đã qua rồi, hiện tại lại niệm niệm diệt. Chỉ vì ngăn vị lai không sanh nên gọi là giết. Một thứ sắc như vậy, hoặc có giết được, hoặc chẳng giết được. Chẳng giết thời sắc chẳng nhất định. Nếu sắc chẳng nhất định thời giết cũng chẳng nhất định. Vì giết chẳng nhất định nên quả báo cũng chẳng nhất định. Sao nhà vua lại nói quyết định đọa địa ngục ? Nầy Đại Vương ! Tội nghiệp của tất cả chúng sanh tạo ra có hai thứ : Một là tội khinh, hai là tội trọng. Nếu tâm và khẩu gây tạo thời gọi là tội khinh, thân khẩu và tâm gây tạo thời gọi là tội trọng. Tâm nghĩ miệng nói mà thân chẳng làm thời mắc quả báo nhẹ. Ngày trước Đại Vương chẳng bảo giết, chỉ nói chặt chân. Đại Vương nếu truyền lệnh lập tức chém đầu vua cha, thị thần liền chém, còn chẳng mắc tội, huống là Đại Vương chẳng truyền lệnh. Nếu Đại Vương mắc tội thời chư Phật lẽ ra cũng mắc tội. Vì Tiên Vương Tần Bà Ta La thường vun trồng những căn lành nơi chư Phật, do đó nên ngày nay được làm vua. Nếu chư Phật chẳng thọ sự cúng dường thời Tiên Vương chẳng có phước làm vua. Nếu Tiên Vương chẳng làm vua thời Đại Vương đâu có vì nước mà giết hại. Nếu Đại vương giết cha mà có tội, thời chư Phật chúng ta lẽ ra cũng có tội. Còn nếu chư Phật không mắc tội sao Đại Vương lại riêng mắc tội ư.
Nầy Đại Vương ! Tiên Vương Tần Bà Ta La ngày trước có tâm ác. Đi săn nơi núi Tỳ Phú La, tìm muông thú khắp nơi không đặng chỉ gặp một Tiên nhơn chứng ngũ thông, Tiên Vương giận nói bị người nầy nên hôm nay ta đi săn không gặp muông thú. Tiên Vương đuổi đi rồi sai quan hầu theo giết. Lúc sắp chết Tiên nhơn sanh lòng oán giận, mất thần thông, thệ rằng : Ta thật vô tội, người dùng tâm khẩu giết hại ta, đời sau ta cũng dùng tâm khẩu mà hại ngươi.
Tiên Vương nghe lời ấy trong lòng ăn năn bèn cúng dàng chôn cất tử thi.
Ngày trước Tiên Vương như vậy còn được thọ báo nhẹ chẳng đọa địa ngục, huống là Đại Vương chẳng như vậy, Tiên Vương tự làm ra trở lại tự thọ lấy, sao nhà vua lại mắc phải tội giết hại.
Như nhàvua nói : Vua cha không tội. Nầy Đại Vương sao lại nói rằng không tội ? Luận về người không nghiệp ác thời không tội báo, người có tội thời có tội báo. Tiên Vương kia nếu vô tội thời đâu có thọ báo. Tiên Vương Tần Bà Ta La trong hiện đời cũng đặng quả lành cùng quả ác. Do đây nên Tiên Vương cũng là chẳng nhất định. Do vì chẳng nhất định nên giết hại cũng chẳng nhất định, giết hại đã chẳng nhất định sao nhà vua lại nói rằng quyết định đọa địa ngục.
Nầy Đại vương ! Chúng sanh điên cuồng có bốn hạng : Một là tham vọng mà điên cuồng, hai là bị thuốc mà điên cuồng, ba là bị bùa chú mà điên cuồng, bốn là do nghiệp duyên đời trước mà điên cuồng.
Trong hàng đệ tử Phật nếu mắc phải bốn chứng điên cuồng nầy, dầu tạo nhiều tội ác, ta trọn chẳng nhận người nầy là phạm giới. Người nầy tạo tội chẳng đọa ba đường ác. Lúc tâm tỉnh trở lại ta cũng chẳng gọi là phạm.
Đại Vương vì tham ngôi Quốc Vương mà nghịch hại vua cha, do tham cuồng gây tạo sao gọi mắc tội. Như người say rượu giết hại thân mẫu, lúc đã tỉnh say sanh lòng hối hận, nghiệp giết mẹ nầy cũng chẳng tội báo.
Đại Vương nay tham say nơi ngôi vua, chẳng phải bổn tâm làm tội nghịch đó, sao lại bảo là mắc tội.
Ví như nhà ảo thuật, nơi ngã tư đường dùng chú thuật hóa ra những thứ trai, gái, voi, ngựa, chuỗi ngọc, y phục. Người ngu cho đó là thật, người trí biết chẳng phải thật.
Cũng vậy, sự giết hại, phàm phu cho là thật, chư Phật biết là chẳng phải thật.
Ví như tiếng vang trong khe núi, người ngu cho là tiếng thật, người trí biết là chẳng phải thật, giết hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật, chư Phật biết là chẳng phải thật.
Như có kẻ oán thù giả đến gần gũi, người ngu si nhận là thật thân thuộc, người trí rõ biết là giả trá. Giết hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật, chư Phật biết là chẳng phải thật.
Như người soi gương tự thấy bóng mặt, người ngu cho là mặt thật, người trí rõ biết chẳng phải thật. Giết hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật, chư Phật biết là chẳng phải thật.
Như ánh nắng gợn lúc trời nắng gắt, người ngu đứng xa thấy cho là nước, người trí rõ biết chẳng phải nước. Giết hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật, chư Phật biết chẳng phải thật.
Như thành Càn Thát Bà, người ngu cho là thật, người trí rõ biết chẳng phải thật. Sát hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật, chư Phật biết chẳng phải thật.
Như người ngủ mơ, thấy hưởng vui ngũ dục, người ngu cho là thật, người trí rõ biết chẳng phải thật. Giết hại cũng như vậy, phàm phu cho là thật chư Phật biết chẳng phải thật.
Nầy Đại Vương ! Cách thức giết, nghiệp giết, ngườigiết, quả giết, nhẫn đến giải thoát, ta dầu rõ thấu tất cả, ta vẫn không có tội. Đại Vương dầu biết giết hại, nhưng sao lại có tội ?
Ví như có người cai quản hãng rượu người nầy nếu không uống thời cũng chẳng say. Lại như người biết lửa cũng chẳng bị đốt cháy. Đại Vương cũng như vậy, dầu biết giết hại nhưng sao lại có tội ?
Nầy Đại Vương ! Có những chúng sanh lúc mặt trời mọc tạo nhiều tội, lúc mặt trăng mọc lại đi trộm cướp, lúc mặt trời mặt trăng chẳng mọc thời chẳng làm việc ác, dầu nhân mặt trời mặt trăng khiến người đó làm ác, nhưng mặt trời mặt trăng thật không mắc tội. Sát hại cũng như vậy, dầu nhân nơi Đại Vương nhưng Đại Vương thật không mắc tội.
Như trong cung vua, thường truyền lệnh làm thịt dê, lòng vua vốn không nghi sợ , tại sao ở nơi vua cha riêng sanh lòng sợ, dầu là người cùng cầm súc có tôn ty sai khác, nhưng qúi sanh mạng cũng sợ chết không khác nhau. Cớ sao đối với loài dê lòng khinh không sợ, còn nói vua cha lòng trọng lo khổ.
Người đời là tôi tớ của tham ái, bị tham ái sai khiến mà làm việc giết hại, giả sử có quả báo thời là tội của tham ái, Đại Vương bị sai sử thời có tội gì.
Như Niết Bàn chẳng phải có chẳng phải không mà cũng là có. Sát hại cũng như vậy, dầu chẳng phải có chẳng phải không mà cũng là có. Người tàm quý thời là chẳng phải có, người không tàm quý thời là chẳng phảikhông, người thọ quả báo thời gọi là có. Người chấp không thời là chẳng phải có, người chấp có thời là chẳng phải không, người có chấp cũng gọi là có. Vì người có chấp có thời mắc quả báo, người không chấp có thời không mắc quả báo. Người chấp thường thời là chẳng phải có, người không chấp thường thời là chẳng phải không, người có thường kiến thời chẳng đặng gọi là không, vì người có thường kiến thời có nghiệp quả ác. Nên nghĩa nầy dầu chẳng phải có chẳng phải không, mà cũng là có.
Nầy Đại Vương ! Xét về chúng sanh gọi là hơi thở ra vào, vì làm dứt hơi thở ra vào cho nên gọi là giết hại. Chư Phật thuận theo thế tục cho nên cũng nói là giết hại !
Nầy Đại Vương ! Sắc uẩn là vô thường, nhân duyên của sắc cũng là vô thường, đã từ nhơn vô thường mà sanh, thời sắc uẩn sao lại là thường, nhẫn đến thức ấm cũng như vậy. Do vô thường nên khổ, do khổ nên không, do không nên vô ngã. Nếu khổ là vô thường, khổ, không vô ngã thời món nào giết hại ? Giết hại vô thường đặng Niết Bàn thường, giết hại khổ đặng lạc, giết hại không đặng chân thật, giết hại vô ngã đặng chân ngã.
Nầy Đại Vương ! Nếu giết vô thường, khổ, không, vô ngã thời cùng với Phật đồng. Phật cũng giết vô thường, khổ , không, vô ngã chẳng bị đọa vào địa ngục, Đại Vương sao lại bị đọa ?
Lúc đó vua A Xà Thế đúng theo lời Phật dạy quán sát sắc ấm nhẫn đến quán sát thức ấm. Vua quán sát như vậy rồi liền bạch Phật : “ Thế Tôn ! Nay tôi mới biết sắc là vô thường nhẫn đến thức là vô thường. Trước kia nếu tôi biết được như vậy thời chẳng gây tạo tội nghịch.
Bạch Thế Tôn ! Tôi từng nghe chư Phật là cha mẹ của chúng sanh. Dầu nghe như vậy nhưng chưa có lòng tin chắc. Nay tôi mới tin quyết định.
Bạch Thế Tôn ! Tôi cũng từng nghe núi Tu Di do bốn chất báu hiệp thành, là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Nếu có loài chim đậu chỗ nào trên núi, màu chim liền đồng với màu núi, dầu nghe như vậy tôi cũng chẳng tin chắc. Nay tôi đến trong pháp hội của Phật liền được đồng màu sắc, nghĩa là tôi rõ biết các pháp vô thường , khổ, không, vô ngã.
Bạch Thế Tôn ! Tôi thấy từ hột y lan mọc lên cây y lan chẳng thấy hột y lan mọc lên cây chiên đàn. Nay tôi mới được thấy từ hộy y lan mọc lên cây chiên đàn. Hột y lan chính là thân tôi, cây chiên đàn chính là tâm vô căn tín của tôi. Vô căn chính là từ trước tôi chẳng biết cung kính Như Lai, chẳng tin chánh pháp cùng tăng chúng, đây gọi là vô căn.
Bạch Thế Tôn ! Nếu tôi chẳng gặp đức Như Lai sẽ phải thọ vô lượng khổ nơi đại địa ngục trong vô lượng vô số kiếp. Nay tôi được gặp Phật trọn nên công đức, phá hoại tâm ác phiền não của chúng sanh.
Phật nói : Lành thay ! Lành thay ! Nầy Đại Vương ! Nay Phật biết nhà vua chắc chắn có thể phá hoại tâm ác của chúng sanh.”
Bạch Thế Tôn : Nếu tôi thật có thể phá hoại tâm ác của chúng sanh, thời tôi thường ở A Tỳ địa ngục trong vô lượng kiếp vì chúng sanh chịu mọi sự khổ não tôi cũng chẳng lấy làm khổ.
Lúc đó vô lượng nhân dân nước Ma Dà Đà đều phát tâm vô thượng Bồ Đề. Nhờ sự phát tâm của nhân dân, tội nặng của vua A Xà Thế liền nhẹ bớt.
Nhà vua cùng phu nhân các thể nữ đồng phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Vua A Xà Thế bảo Kỳ Bà rằng : “ Nay ta chưa chết đã đặng thân trời, bỏ mạng ngắn đặng mạng trường thọ, bỏ thân vô thường đặng thân chân thường. Làm cho các chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Đề chính là thân trời, mạng trường thọ, thân chân thường, cũng chính là đệ tử của tất cả chư Phật.
Nói xong, nhà vua bèn đem các thứ tràng báu, phan lọng báu, hương hoa, chuỗingọc, kỹ nhạc cúng dường đức Phật.
Cúng dường xong nhà vua lại nói kệ tán thán :
Lời chân thật rất vi diệu, Khéo léo nơi câu cùng nghĩa. Tạng pháp rất sâu bí mật, Vì chúng sanh nên hiển bày. Bao nhiêu lời dạy rộng rãi, Vì chúng sanh nên nói lược, Đầy đủ những lời như vậy. Khéo chữa được bệnh chúng sanh. Nếu có các hàng chúng sanh, Đặng nghe lời dạy của Phật. Có lòng tin hoặc chẳng tin. Quyết định biết là lời Phật. Lời chư Phật thường dịu dàng. Vì chúng sanh nên nói thô. Lời thô cùng lời dịu dàng, Đều về đến đệ nhất nghĩa. Do cớ nầy nên hôm nay, Tôi quy y đức Thế Tôn. Như lời bình đẳng nhất vị. Dường như nước trong biển cả, Đây gọi là đệ nhất nghĩa, Nên không có lời vô nghĩa. Hôm nay đức Như Lai nói, Vô lượng vô số pháp yếu. Nam nữ già trẻ được nghe. Đồng thấy đặng đệ nhất nghĩa. Không có nhân cũng không quả, Không có sanh và không diệt, Đây gọi là Đại Niết Bàn, Người nghe phá kiết sử. Đức Như Lai vì tất ca,û Thường làm cha cùng mẹ lành, Nên biết các hàng chúng sanh, Đều là con của Như Lai. Đức Thế Tôn đại từ bi, Vì chúng sanh nên khổ hạnh, Như người bị ma quỷ dựa, Cuồng loạn tạo nhiều tội ác. Nay tôi đặng thấy Như Lai, Ba nghiệp đều được lành tốt, Nguyện đem những công đức nầy, Hồi hướng Phật đạo vô thượng.
Hôm nay chỗ tôi cúng dường, Đức Phật pháp và chúng Tăng. Nguyện đem những công đức nầy, Tam Bảo thường ở thế gian. Ngày nay chỗ tôi sẽ đặng, Tất cả vô lượng công đức, Nguyện dùng đây đễ phá hoại, Bốn thứ ma của chúng sanh. Ngày trước tôi gặp bạn ác, Gây tạo tội nghiệp ba đời, Nay đối trước Phật sám hối, Nguyện sau nầy chẳng lại phạm. Cầu cho tất cả chúng sanh, Đều phát tâm đại Bồ Đề, Chuyên tâm thường siêng nghĩ nhớ, Tất cả chư Phật mười phương. Lại nguyện tất cả chúng sanh. Phá hẳn những giặc phiền não, Được thấy Phật tánh rõ ràng. Như Ngài Văn Thù Bồ Tát.
Đức Thế Tôn khen vua A Xà Thế : “ Lành thay ! Lành thay ! Nếu có người phát được tâm vô thượng Bồ Đề, phải biết người nầy trang nghiêm chư Phật cùng đại chúng.
Nầy Đại Vương ! Thuở xưa nhà vua ở trước Đức Phật Tỳ Bà Thi đã phát tâm vô thượng Bồ Đề, từ đó đến ngày nay chưa từng bị đọa địa ngục, nên biết tâm Bồ Đề có vô lượng quả báo lành như thế.
Nầy Đại Vương ! Từ nay về sau nhà vua phải thường siêng tu tâm Bồ Đề. Vì tu tâm Bồ Đề sẽ tiêu diệt được vô lượng tội ác.”
Vua A Xà Thế cùng nhân dân nước Ma Dà Đà đi nhiễu Phật ba vòng, lễ từ trở về cung.
Phẩm Thiên Hạnh như trong kinh Tạp Hoa đã nói. PHẨM ANH NHI HẠNH THỨ HAI MƯƠI MỐT
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát : “ Thế nào gọi là Anh Nhi Hạnh ?
Nầy Thiện nam tử ! Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là Anh Nhi. Cũng vậy đức Như Lai chẳng thể khởi dậy, vì Như Lai trọn chẳng khởi các pháp tướng. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng chấp trước tất cả pháp. Chẳng thể đến vì thân hình của Như Lai không có lay động. Cũng chẳng thể đi vì Như Lai đã đến Đại Niết Bàn. Chẳng thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói. Bởi có chỗ nói thời gọi là pháp hữu vi, do đây nên không chỗ nói. Lại không ngôn ngữ, như Anh Nhi ngôn ngữ chưa rõ, dầu có ngôn ngữ thật ra không ngôn ngữ. Cũng vậy, ngôn ngữ chưa rõ chính là lời bí mật của chư Phật, dầu có nói, chúng sanh cũng chẳng hiểu nên gọi là không ngôn ngữ. Lại như Anh Nhi gọi tên những đồ vật chẳng duy nhất, vì chưa biết rõ tên chánh, dầu gọi tên đồ vật chẳng duy nhất rõ tên chánh chưa biết nhưng chẳng phải chẳng nhân nơi đây mà đặng biết đồ vật. Cũng vậy, tất cả chúng sanh, giống loại, nơi chỗ, ngôn ngữ chẳng đồng. Như Lai phương tiện thuận theo tiếng của họ mà nói, cũng làm cho tất cả loài, nhân nơi đó đặng hiểu biết.
Lại Anh Nhi có thể nói được chữ cái.Cũng vậy, đức Như Lai nói chữ cái, như nói “Bà” “Hòa”. “Hòa” là hữu vi, “Bà” là vô vi, đây gọi là Anh Nhi. “Hòa” là vô thường, “Bà’ là thường. Như Lai nói thường, chúng sanh nghe rồi vì cầu pháp thường mà dứt vô thường, đây gọi là Anh Nhi Hạnh. Lại Anh Nhi chẳng biết khổ, vui, ngày, đêm, cha mẹ. Cũng vậy, Đại Bồ Tát vì chúng sanh nên chẳng biết khổ vui, không tướng ngày đêm, tâm bình đẳng đối với chúng sanh nên không có cha mẹ thân sơ sai khác.
Lại Anh Nhi chẳng thể tạo tác những việc lớn việc nhỏ. Cũng vậy, Bồ Tát chẳng tạo nghiệp sanh tử, đây gọi là chẳng làm việc lớn, việc lớn tức là tội ngũ nghịch. Việc nhỏ tức là tâm Thanh Văn Duyên Giác. Bồ Tát trọn chẳng thối tâm Bồ Đề mà tu hạnh Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Lại như Anh Nhi lúc keu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng : Nín đi đừng khóc ! Vàng đây ta cho con. Anh Nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương chẳng phải là vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh Nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu, ngựa v.v… mà tưởng là thật trâu, ngựa v.v… nên gọi là Anh Nhi.
Đức Như Lai cũng như vậy. Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao Lợi Thiên là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy, sanh lòng ưa thích bèn thôi chẳng tạo tội ác, mà siêng thật hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi trời Đao Lợi là sanh tử chẳng phải thật là an vui tự tại.
Lại như có chúng sanh nhàm khổ sanh tử, đức Như Lai vì họ nói hạnh quả nhị thừa, nhưng thật ra quả nhị thừa chẳng phải rốt ráo chân thật, vì hàng nhị thừa biết lỗi sanh tử, thấy vui Niết Bàn bèn có thể tự biết có dứt cùng chẳng dứt, có chân thật cùng chẳng chân thật, có tu cùng chẳng tu, có chứng đặng cùng chẳng chứng đặng. Như Anh Nhi kia đối với vật chẳng phải vàng mà tưởng là vàng thật.
Đức Như Lai ở trong chỗ bất tịnh mà nói là tịnh, vì đã chứng được đệ nhất nghĩa đế nên Như lai không có hư vọng.
Như Anh Nhi kia đối với những vật không phải trâu ngựa mà tưởng là trâu ngựa thật. Nếu có chúng sanh ở nơi phi đạo mà tưởng là chân đạo, Như Lai cũng nói phi đạo là đạo, nơi phi đạo thật không có đạo, vì có thể làm chút ít nhân duyên sanh ra đạo nên nói phi đạo là đạo.
Như Anh Nhi kia đối với người gỗ mà tưởng là người thật. Cũng vậy, Như Lai biết chẳng phải chúng sanh mà nói tướng chúng sanh, nhưng thật ra không có tướng chúng sanh. Nếu Như Lai nói không chúng sanh thời tất cả chúng sanh sẽ đọa tàkiến. Do đây nên Như Lai nói có chúng sanh, những người đối với chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, thời không thể phá tướng chúng sanh. Nếu ở nơi chúng sanh phá được tướng chúng sanh, người nầy có thể đặng Đại Niết bàn. Do đặng Đại Niết Bàn như vậy nên chẳng còn kêu khóc nữa. Đây gọi là Anh Nhi Hạnh.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu có người thọ trì đọc tụng thơ tả giải thuyết năm hạnh nầy, nên biết rằng người nầy quyết định sẽ được năm hạnh như vậy.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng : “ Thế Tôn ! Theo như chỗ tôi hiểu, y cứ theo lời của Phật dạy, thời tôi cũng quyết định sẽ đặng năm hạnh nầy.”
Phật nói : “ Nầy Thiện nam tử ! Chẳng riêng gì ông đặng năm hạnh như vậy, nay trong hội nầy có chín mươi ba muôn người cũng đồng được năm hạnh như ông.” HẾT TẬP I
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.187.232 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.