Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lúc bấy giờ thành Vương Xá, vua A Xà Thế tánh tình tệ ác, thích chém giết, miệng đủ bốn điều ác, tham, sân, si đầy nơi tâm, chỉ thấy hiện tại chẳng thấy vị lai, thuần dùng người ác để làm quyến thuộc, vì tham ngũ dục hiện đời mà giết vua cha vô tội. Hại cha xong lòng ăn năn bức rức, khắp mình sanh ghẻ lở tanh hôi chẳng ai dám gần. Vua A Xà Thế liền tự nghĩ rằng : Nay ta đã phải thọ lấy quả báo, không bao lâu chắc phải bị quả báo nơi địa ngục.
Thân mẫu của nhà vua là bà Vi Đề Hy lấy các thứ thuốc để thoa xức, nhưng ghẻ càng lở nặng thêm.
Vua A Xà Thế thưa với mẹ : Ghẻ lở nầy do nơi tâm mà sanh chẳng phải do tứ đại, không thể dùng y dược trong đời mà điều trị được.
Vua bảo các vị đại thần : Nay thân tâm của ta đều đau khổ. Cha ta vô tội, ta lại giết hại. Từng nghe người trí bảo rằng người phạm tội ngũ nghịch quyết định chẳng thoát khỏi địa ngục. Nay ta đã phạm tội nghịch thân tâm đau khổ, không có lương y nào chữa trị được.
Đại thần Nguyệt Xưng liền thưa với nhà vua : Như người thích ngủ nghỉ, ngủ nghỉ càng thêm nhiều, như người mê dâm dục, dâm dục càng thêm nhiều, như người ưa uống rượu, càng lúc càng uống nhiều. Nếu thường sầu khổ nhiều, thêm sầu cũng như vậy.
Như Đại Vương vừa nói người phạm tội ngũ nghịch quyết định chẳng thoát khỏi địa ngục. Có ai đến ngục thấy việc ấy trở về thưa với Đại Vương chăng ? Lời nói địa ngục chính là người trí ở thế gian nói. Nay có đại y sĩ hiệu là Phu Lan Na đặng sức định tự tại thấy biết tất cả, tu tập hạnh thanh tịnh thường vì mọi người mà diễn thuyết đạo Niết Bàn vô thượng, dạy hàng đệ tử rằng không có nghiệp ác, không có báo ác. Không có nghiệp lành không có báo lành. Không có nghiệp lành ác, không có báo lành ác. Không có thượng nghiệp cũng không có hạ nghiệp. Đại sư nầy hiện nay ở trong thànhVương Xá. Xin Đại Vương giá lâm, để nhờ đại sư ấy điều trị. Vua nói : “Nếu ông ấy có thể diệt trừ tội lỗi của ta, thời ta sẽ quy y”.
Lại có một vị đại thần tên Tạng Đức thưa với nhà vua, mong Đại Vương chớ lo rầu sợ sệt. Có hai thứ pháp luật : Một là xuất gia, hai là vương pháp. Hại cha mình để lên ngôi trị nước, dầu là nghịch nhưng đối với vương pháp thật không có tội. Như trùng Ca La La phải cắn lủng bụng mẹ mới sanh được. Dầu cắn lủng bụng mẹ thật ra hàng trùng cũng không có tội. Con la nghén chửa cũng như vậy. Phương pháp trị nước theo phép phải như vậy, dầu giết hại cha anh cũng không có tội. Còn pháp luật xuất gia thời nhẫn đến giết muỗi kiến cũng đều có tội cả. Xin Đại Vương chớ lo rầu, vì càng sầu khổ thời càng thêm sầu khổ. Như người ưa ngủ, thích rượu, tham dâm thời sự ngủ v.v… càng thêm.
Nay có vị đại sư tên Mạt Già Lê Câu Xá Ly Tử thương xót chúng sanh như con đỏ, thấy biết tất cả, đã lìa phiền não có thể cứu vớt chúng sanh khỏi ba mũi tên độc bén nhọn. Đại sư nầy thường dạy đệ tử rằng : Tất cả chúng sanh thân có bảy nguyên tố : Địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và thọ mạng. Bảy thứ ấy chẳng phải hoá, chẳng thể làm chẳng thể hủy hại, như cỏ Y Sư Ca, an trụ chẳng động như núi Tu Di. Chẳng bỏ chẳng làm dường như sữa, như chất lạc. Chẳng cãi lẻ nhau : Hoặc khổ hoặc vui, là lành hay chẳng lành. Lấy dao bén chặt không chỗ bị thương bị hại, vì trong bảy nguyên tố ấy trống rỗng không ngăn ngại. Mạng cũng không bị hại vì không có người hại và người chết, không làm không thọ, không nói không nghe không có ai nhớ cũng như không người dạy bảo. Đại sư ấy thường thuyết pháp như vậy làm cho chúng sanh dứt trừ tất cả trọng tội. Nay đại sư ấy hiện ở trong thành Vương Xá. Xin Đại Vương đến đó. Nếu Đại vương gặp được Đại sư ấy thời các tội sẽ tiêu trừ.
Vua A Xà Thế bảo đại thần Tạng Đức : “ Nếu thật được như vậy ta sẽ quy y”.
Lại có một đại thần tên là Thiệt Đức tâu cùng vua rằng : “ Xin Đại Vương chớ sầu khổ. Nếu Tiên Vương tu đạo giải thoát, giết hại thời có tội. Nếu theo phép trị nước thời không có tội. Tất cả chúng sanh đều có nghiệp thừa, do nghiệp nầy nên thường bị sanh tử. Nếu như Tiên Vương có nghiệp thừa Đại Vương giết hại thời có tội gì. Mong Đại Vương yên lòng chớ sầu khổ vì người thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.
Hiện nay trong thành Vương Xá có vị đại sư hiệu là San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử thấy biết tất cả, trí sâu rộng như biển cả, có oai đức, có thần thông, có thể làm cho chúng sanh lìa các lưới nghi. Ngài dạy hàng đệ tử rằng : Trong quần chúng nếu là bậc vua chúa, thời tự tại tùy ý làm việc lành việc ác, trọn không có tội, như lửa đốt cháy đồ vật không luận là sạch cùng chẳng sạch. Như mặt đất chứa chở cả sạch cùng nhơ. Như nước, sạch dơ đều rửa. Như gió, sạch dơ đều thổi. Dầu có các việc như vậy mà đất nước v.v… trọn không giận, không mừng, phép của vua chúa cũng đồng như vậy. Như cây mùa thu trụi lá, mùa xuân thời đâm chồi, dầu chặt cây trụi nhưng không có tội. Cũng vậy chúng sanh ở chỗ nầy chết trở lại sanh chỗ nầy, vì sanh trở lại nên không có tội. Những quả báo khổ vui của tất cả chúng sanh đều chẳng phải do nghiệp đời hiện tại chính là do nghiệp nhơn đời quá khứ. Hiện tại không nghiệp nhơn thì vị lai không quả báo. Do quả hiện tại nên chúng sanh trì giới tinh tấn tu hành để ngăn quả ác hiện tại. Do trì giới thời đặng vô lậu, vì đặng vô lậu thời hết nghiệp hữu lậu, vì hết nghiệp nên đặng hết khổ, vì hết khổ nên đặng giải thoát.
Xin Đại Vương mau đến đó. Nếu Đại Vương được thấy Đại Sư ấy thời tất cả tội đều trừ.
Vua đáp rằng : “ Nếu thật như vậy thời ta sẽ quy y”.
Lại có một đại thần tên Tất Tri Nghĩa tâu cùng vua rằng : “ Xin Đại Vương thư tâm chớ sầu khổ. Ngày xưa có vua La Ma giết cha để lên ngôi. Vua Mạc Đề, vua Tỳ Lâu Chơn, vua Na Hầu Sa, vua Ca Đế Ca, vua Tỳ Xá Khư, vua Nguyệt Quang Minh, vua Nhật Quang Minh, vua Ái Vương, vua Tỳ Đa Nhơn, đều giết hại cha mình mà lên ngôi, nhưng không có một vua nào bị đọa địa ngục. Đời nay có vua Tỳ Lưu Ly, vua Ưu Đa Dạ, vua Ác Tánh, vua Thử Vương, vua Liên Hoa, đều giết hại cha mình, mà không một vua nào sanh lòng sầu não. Dầu nói rằng địa ngục, ngã quỉ, trên trời, nhưng ai thấy được đó.
Tâu Đại vương chỉ có hai loài : Một là người hai là súc sanh. Dầu có hai lòai nhưng chẳng phải do nhơn duyên sanh, cũng chẳng phải do nhơn duyên chết. Đã chẳng phải do nhơn duyên thời có gì là thiện là ác. Mong Đại Vương chớ buồn rầu sợ sệt. Vì người thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.
Nay gần thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là A Kỳ Đa Xúy Xá Khâm Bà La thấy biết tất cả, xem vàng cùng đất đồng nhau. Đối với người lấy dao chém vào hông bên mặt cùng người lấy chiên đàn thoa vào hông bên trái, tâm của ngài bình đẳng không sai khác, không oán, không thân, thật là bậc lương y trong đời. Đại sư dạy hàng đệ tử rằng : “ Hoặc tự làm, hoặc bảo người làm, hoặc tự chém, hoặc bảo người chém, hoặc tự đốt, hoặc bảo người đốt, hoặc tự hại, hoặc bảo người hại, hoặc tự trộm, hoặc bảo người trộm, hoặc tự dâm, hoặc bảo người dâm, hoặc tự vọng ngữ, hoặc bảo người vọng ngữ, hoặc tự uống rượu, hoặc bảo người uống rượu, hoặc giết một thôn, một thành, một nước, hoặc dùng đao luân giết tất cả chúng sanh, hoặc phía nam sông Hằng Bố Thí chúng sanh, phía Bắc sông Hằng giết hại chúng sanh, tất cả đều không tội không phước, không thí, không giới, không định. Nếu Đại Vương gặp được Đại Sư ấy thời những tội lỗi sẽ dứt trừ.”
Vua bảo Đại thần Tất Tri Nghĩa : “ Nếu thật được như vậy ta sẽ quy y.”
Lại có Đại thần tên là Kiết Đắc tâu cùng vua rằng : “ Ai đến phỉnh gạt Đại Vương mà nói rằng là có địa ngục ? Như đầu gai nhọn ai làm ra ? Loài chim khác màu ai làm ra? Tánh nước nhuần ướt, tánh đá cứng rắn, tánh lửa thời nóng, tánh gió thời động, tất cả muôn vật tự sanh tự chết ai làm ra ? Thuyết địa ngục chính là văn tự của người trí. Hạ thần nầy xin trình bày nghĩa địa ngục : Chữ địa là đất, chữ ngục nghĩa là phá, phá địa ngục không có tội báo, đây gọi là địa ngục. Lại chữ địa là người, chữ ngục là trời, bởi hại cha mình nên đến trong người trên trời. Do nghĩa nầy nên Bà Tẩu Tiên Nhơn nói rằng : Giết dê đặng quả vui cõi trời cõi người, đây gọi là địa ngục. Lại chữ địa là mạng, chữ ngục là dài, do sát sanh nên đặng thọ mạng dài, đây gọi là địa ngục. Tâu Đại Vương do đây nên biết thật không có địa ngục. Như gieo bắp đặng bắp, gieo lúa đặng lúa, giết địa ngục mắc phải địa ngục, giết hại người lẽ ra phải đặng báo người. Đại Vương nên nghe lời hạ thần trình bày, thật không có sự giết hại, vì nếu có ngã thời không hại, nếu không ngãlại không chỗ hại. Vì có ngã thời thường còn không biến đổi, vì thường còn nên chẳng thể giết hại, chẳng phá, chẳng hoại, chẳng trói, chẳng buộc, không giận, không mừng, dường như hư không, sao lại có tội giết hại. Nếu không ngã thời các pháp đều vô thường, vì vô thường nên niệm niệm hoại diệt, vì niệm niệm hoại diệt nên người giết, người chết đều niệm niệm diệt, nếu đã niệm niệm diệt thời ai sẽ có tội. Tâu Đại Vương như lửa đốt cây, lửa không có tội, như búa chặt cây, búa cũng không tội, như liềm cắt cỏ liềm thật không tội, như dao giết người, dao chẳng phải người dao đã không tội, sao người lại có tội ? Như thuốc độc giết người, thuốc độc chẳng phải người, thuốc độc đã không tội, sao người lại có tội ? Tất cả muôn vật cũng đều như vậy, thật không giết hại, sao lại có tội. Mong Đại vương chớ nên sầu khổ, vì thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm.
Nay gần thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên thấy biết tất cả, rõ suốt ba đời, trong khoảng một niệm có thể thấy vô lượng vô biên thế giới, nghe tiếng cũng vậy, Đại Sư ấy có thể làm cho chúng sanh xa lìa tội lỗi, như sông Hằng bao nhiêu đồ nhơ uế, đều làm cho sạch sẽ. Đại sư ấy dạy đệ tử rằng : Nếu người giết hại tất cả chúng sanh mà lòng không ăn năn hổ thẹn thời trọn chẳng đọa ác thú, như hư không chẳng dính bụi dính nước, nếu lòng ăn năn hổ thẹn liền đọa địa ngục, như nước thấm ướt đất. Tất cả chúng sanh đều do Tự Tại Thiên tạo ra. Tự Tại Thiên mừng thời chúng sanh an vui, Tự Tại Thiên sân thời chúng sanh khổ não. Tất cả tội phước của chúng sanh đều do Tự Tại Thiên làm ra, sao lại nói rằng loài người có tội có phước. Ví như thợ máy chế ra người máy, cũng đi đứng ngồi nằm, chúng sanh cũng như vậy. Tự Tại thiên dụ như máy, thân chúng sanh dụ như người máy. Tạo hoá như vậy thời ai là người có tội.
Nếu Đại vương gặp được Đại Sư ấy thời tội chướng sẽ tiêu trừ.
Vua bảo Đại Thần Kiết Đắc : “ Nếu thật được như vậy thời ta sẽ quy y”.
Lại có Đại Thần tên Vô Sơ Úy tâu cùng vua A Xà Thế rằng : “Xin Đại Vương chớ sầu khổ. Xét về dòng Sát Đế Lợi là dòng vua chúa, nếu vì nước, vì Sa Môn và Bà La Môn, vì vấn đề an ổn nhân dân, dầu có giết hại nhưng không tội.
Tiên Vương dầu cung kính Sa Môn mà chẳng phụng thờ các Bà La Môn, tâm không bìng đẳng chẳng phải thật dòng Sát Đế Lợi
Nay Đại Vương muốn cúng dường các Bà La Môn mà giết hại Tiên Vương thời có tội gì ?
Tâu Đại vương ! Thật ra không có giết hại. Xét về sự giết hại là giết hại mạng sống. Mạng là hơi gió, tánh hơi gió không thể giết hại được, sao lại nói rằng hại mạng thời sẽ có tội. Mong Đại vương chớ sầu khổ, vì thường sầu khổ thời sầu khổ càng thêm. Nay trong thành Vương Xá có vị Đại Sư hiệu là Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử thấy biết tất cả, thương xót chúng sanh, rõ biết căn tánh lợi độn, tám pháp thế gian không làm ô nhiễm được ngài, tu tập phạm hạnh thanh tịnh, Đại Sư ấy dạy hàng đệ tử rằng : Không Bố Thí, không nghiệp lành, không cha, không mẹ, không đời nay, không đời sau, không A La Hán, không đạo hạnh, không tu hành. Tất cả chúng sanh trải qua bốn muôn kiếp, tự nhiên sẽ thoát khỏi dòng sanh tử, không luận là người có tội hay vô tội, như bốn con sông lớn đều chảy vào biển cả, tất cả chúng sanh lúc đặng giải thoát đều đồng nhau không khác. Nếu Đại vương gặp được Đại sư ấy thời các tội chướng sẽ tiêu trừ.”
Vua bảo Đại Thần Vô Sở Úy : “ Nếu thật như vậy ta sẽ quy y”.
Mặc dầu các Đại thần khuyên lơn giảng dạy đủ điều như vậy, nhưng vua A Xà Thế vẫn sầu khổ.
Lúc đó Đại Y Sĩ Kỳ Bà tâu cùng vua rằng : “ Đại Vương ngủ nghỉ có đặng yên
chăng ?”
Vua A Xà Thế liền nói kệ rằng :
Nếu có người dứt hẳn được, Tất cả những phiền não hoặc, Chẳng tham nhiễm trong ba cõi. Mới ngủ nghỉ được an ổn. Nếu người chứng Đại Niết Bàn, Diễn thuyết nghĩa lý rất sâu. Gọi là thiệt Bà La Môn. Mới ngủ nghỉ được an ổn, Thân không tạo nghiệp ác, Miệng xa lìa bốn điều lỗi, Tâm không có những lưới nghi, Mới ngủ nghĩ đặng an ổn. Thân tâm đều không nhiệt não, An trụ nơi chỗ tịch tịnh, Đặng đến cảnh vui vô thượng, Mới ngủ nghỉ được an ổn. Trong lòng không có chấp lấy, xa lìa những niệm oán thù, Thường hòa thuận không tránh tụng, Mới ngủ nghỉ được an ổn. Nếu chẳng tạo những nghiệp ác, Thường có tâm niệm hổ thẹn, Tin làm ác có quả báo, Mới ngủ nghỉ được an ổn. Cung kính phụng dưỡng cha mẹ, Chẳng giết hại một sanh mạng. Chẳng trộm cướp tài vật người, Mới ngủ nghỉ được an ổn. Điều phục sửa trị sáu căn.
Gần gũi bậc thiện tri thức, Phá hoại tất cả bốn ma, Mới ngủ nghỉ được an ổn. Chẳng thấy lành cùng chẳng lành, Với những sự khổ sự vui, Vì cứu độ những chúng sanh, Nên luân chuyển trong sanh tử, Nếu người có thể như vậy, Mớ ngủ nghỉ được an ổn. Ai đặng ngủ nghỉ yên ổn ? Đáp rằng : Chính là Chư Phật. Quán sâu nơi tam muội. Thân cùng tâm an chẳng động. Ai ngủ nghỉ được an ổn ? Đáp rằng : Là đấng Từ Bi. Thường siêng tu chẳng phóng dật, Xem chúng sanh như con một. Chúng sanh bị tội vô minh, Chẳng thấy quả khổ phiền não, Thường gây tạo những nghiệp ác, Nên ngủ nghỉ chẳng được yên, Hoặc vì lợi chính thân mình, và đến thân những người khác, mà gây tạo mười nghiệp ác, Thời ngủ nghỉ chẳng được yên. Nếu nói vì lên ngôi vua, Hại cha vẫn không tội lỗi, Thuận theo ác tri thức nầy, Thời ngủ nghỉ chẳng được yên. Nếu ăn uống không tiết độ, Uống chất lạnh mà quá nhiều, Do đây phải mang bịnh khổ, Thời ngủ nghỉ chẳng được yên. Nếu đối với vua có lỗi, Tà niệm với vợ con người, Cùng đi trên đường xa vắng, Thời ngủ nghỉ chẳng được yên. Trì giới chưa được quả lành. Thái tử chưa được nối ngôi, Kẻ trộm chưa lấy được của, Thời ngủ nghỉ chẳng được yên.
Nầy Kỳ Bà ! Nay ta mang bịng nặng nầy chính vì ta nghịch lại vua cha. Cha ta trị nước đúng pháp thật không tội lỗi mà ta lại giết hại. Vì thế nên tất cả lương y diệu dược chú thuật đều không thể trị lành bịnh ta. Lòng ta khổ sở như cá mắc cạn, như nai mắc bẩy v.v… Ta từng nghe người trí bảo rằng người phạm tội nghịch ắt đọa địa ngục. Ta làm sao ngủ yên ổn được. Lại không bậc vô thượng đại y sĩ dùng pháp dược để dứt trừ bịnh khổ cho ta.
Kỳ Bà tâu cùng vua : “ Lành thay ! Lành thay ! Vua dầu tạo tội nhưng có lòng ăn năn hổ thẹn. Tâu Đại Vương ! Chư Phật thường nói rằng có hai pháp lành có thể cứu chúng sanh. Một là tàm, hai là quí. Tàm là tự chẳng phạm tội. Quí là chẳng bảo người phạm. Tàm là trong lòng tự hổ thẹn. Quí là đối người phát lồ. Tàm là hổ cùng người. Quí là thẹn với trời. Kẻ không tàm, quí thời chẳng gọi là người, nên gọi là súc sanh. Vì có tàm quí thời có thể cung kính cha mẹ sư trưởng. Người có tàm quí thời gọi là có cha mẹ anh em chị em.
Lành thay ! Đại Vương có lòng tàm quí. Xin Đại Vương nghe hạ thần trình bày.
Hạ thần từng nghe đức Phật nói : Có hai hạng người trí : Một là người chẳng tạo điều ác, hai là tạo điều ác rồi biết sám hối. Cùng có hai hạng nguời ngu : Một là người tạo tội, hai là người tạo tội rồi che giấu.
Dầu trước tạo tội lúc sau phát lồ ăn năn hổ thẹn chẳng dám tái phạm, như đem minh châu để trong nước đục, do thế lực của minh châu nước liền trong. Như khói mây tan thời mặt trăng chói sáng. Người tạo tội ác có thể sám hối cũng như vậy.
Đại Vương nếu sám hối có lòng tàm quí thời tội chướng sẽ trừ diệt, trong sạch như xưa.
Tâu Đại Vương ! Giàu có hai hạng : Một là nhiều voi ngựa, lục súc,. Hai là nhiều vàng bạc các thứ châu báu. Voi ngựa nhiều chẳng sánh được một hột châu. Cũng vậy, chúng sanh có hai hạng giàu : Một là giàu điều ác, hai là giàu điều lành. Tạo nhiều điều ác chẳng bằng một điều lành. Hạ thần nghe Phật nói tu một tâm lành phá tâm điều ác. Như chút kim cang có thể hoại núi Tu Di. Cũng như chút lửa có thể đốt cháy tất cả. Như chút thuốc độc có thể hại chúng sanh. Cũng vậy, chút ít điều lành có thể phá nghiệp ác lớn. Dầu gọi là chút lành nhưng kỳ thật là lớn, vì phá được nghiệp ác lớn.
Tâu Đại vương ! Như lời Phật nói che dấu là hữu lậu, chẳng che dấu là vô lậu. Phát lồ sám hối tội lỗi thời là vô lậu. Nếu tạo tội mà chẳng che chẳng dấu thời tội mỏng ít. Nếu có lòng tàm quí thời tội tiêu diệt. Giọt nước dầu nhỏ nhưng lần đầy lu lớn. Cũng vậy, mỗi mỗi tâm lành có thể phá điều ác lớn. Nếu người che dấu tội lỗi thời tội lỗi thêm lớn, còn phát lồ hổ thẹn thời tội lỗi tiêu diệt. Vì thế nên chư Phật nói người có trí chẳng che dấu tội lỗi.
Lành thay ! Đại Vương có thể tin nhân quả tin nghiệp báo. Xin Đại Vương chớ ôm lòng sầu khổ sợ sệt.
Nếu có chúng sanh tạo các tội ác rồi che dấu chẳng sám hối, không lòng hổ thẹn, chẳng thấy nhơn quả cùng nghiệp báo, chẳng thể học hỏi nơi người trí, chẳng gần bạn lành, tất cả lương y không thể trị lành bịnh người nầy, như bịnh Ca Ma La, y sĩ trong đời đều khoanh tay. Người tội nầy gọi là nhứt xiển đề chẳng tin nhơn quả, không biết hổ thẹn, chẳng tin nghiệp báo, chẳng thấy hiện tại cùng vị lai, chẳng gần bạn lành, chẳng thuận theo lời dạy của Phật, chư Phật Thế Tôn không thể chữa trị bịnh nầy.
Như tử thi, y sĩ chẳng chữa được.
Nay Đại vương chẳng phải hạng nhứt xiển đề, sao lại nói rằng không thể cứu lành.
Như lời Đại vương nói không người nào chữa trị được. Xin Đại vương nên biết rằng : Con vua Tịnh Phan ở thành Ca Tỳ La họ Cù Đàm tên Tất Đạt Đa, tự giác ngộ thành bậc vô thượng chánh giác, thân trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, thấy tất cả, đại từ đại bi thương xót chúng sanh như La Hầu La, tùy thuận chúng sanh như nghé theo trâu mẹ, thuyết pháp đúng thời, lời Phật chơn thiệt, thanh tịnh, vi diệu, đúng nghĩa đúng pháp, duy nhứt, có thể làm cho chúng sanh lìa hẳn phiền não khéo biết căn tánh của chúng sanh, tùy nghi phương tiện không gì chẳng thông đạt. Trí của Phật cao lớn như núi Tu Di, thâm thúy rộng xa như biển cả. Đức Phật có trí kim cang phá tất cả tội ác của chúng sanh. Đức Phật cách đây mười hai do tuần trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, đương vì vô lượng vô số Bồ Tát đại chúng mà thuyết pháp. Nếu Đại Vương được nghe Phật dạy về nghĩa vô tác, vô thọ thời bao nhiêu trọng tội sẽ được tiêu trừ.
Xưa kia Thích Đề Hòan Nhơn lúc sắp chết có năm tướng hiện : Một là áo xiêm nhơ nhớp, hai là hoa trên đầu héo, ba là thân thể hôi dơ, bốn là dưới nách ra mồ hôi, năm là chẳng thích chỗ mình ở. Lúc đó Thiên Đế Thích, hoặc nơi chỗ vắng vẻ thấy Sa Môn, hoặc thấy Bà La Môn, liền đi đến kính ngưỡng như Phật. Các Sa Môn cùng Bà La Môn thấy Thiên Đế Thích đến rất vui mừng nói rằng : Thưa Thiên Chúa ! Nay tôi quy y với ngài.
Thiên Đế biết chẳng phải Phật, nghĩ rằng : Người đó nếu không phải là Phật thời không thể chửa trị năm tướng suy của ta.
Thiên tử theo hầu tên Bát Giá Thi tâu cùng Thiên Đế : Vua Càn Thát Bà tên Đôn Phù Lâu có công chúa hiệu là Tu Bạt Đà, Thiên Vương nếu ban công chúa nầy cho hạ thần, hạ thần sẽ chỉ người có thể trừ tướng suy cho Thiên Vương.
Thiên Đế đáp rằng : Nầy Thiên Tử ! Nếu được như lời khanh vừa tâu, công chúa Xá Chỉ, con gái của vua A Tu La Tỳ Ma Chất Đa hiện ta đương kính ái, nếu khanh muốn ta cũng sẽ ban cho, huống là công chúa Tu Bạt Đà.
_ Tâu Thiên Vương, hiện tại có đức Phật Thế Tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni đương ở thành Vương Xá, Thiên Vương nếu đến cầu pháp nơi Phật thời tướng suy chắc chắn sẽ trừ diệt.
Thiên Đế liền khiến xa giá đến núi Kỳ Xà Quật. Thiên Đế đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch cùng Phật rằng : “ Thế Tôn ! trong hàng Thiên Nhơn những gì là trói buộc ?”
Phật nói : “ Nầy Kiều Thi Ca ! Chính là xan tham và tật đố.”
Bạch Thế Tôn ! Xan tham tật đố nhơn đâu mà sanh ?
_ Do vô minh mà sanh.
_ Bạch Thế Tôn ! Vô minh lại do đâu mà sanh ?
_ Do phóng dật mà sanh.
_ Bạch Thế Tôn ! Phóng dật lại do đâu mà sanh ?
_ Do điên đảo mà sanh.
_ Bạch Thế Tôn ! Điên đảo lại do đâu mà sanh ?
_ Do lòng nghi mà sanh.
_ Bạch Thế Tôn ! Đúng như lời Phật dạy, vì tâm tôi nghi nên sanh điên đảo, đối với người chẳng phải Phật mà tưởng là Phật. Giờ đây tôi được thấy Thế Tôn, lưới nghi của tôi liền trừ. Vì lưới nghi trừ nên điên đảo cũng hết. Vì điên đảo hết nên không có tâm xan tham tâm tật đố.
Phật nói : “ Ông nói rằng không có tâm xan tham tật đố, thời ông đã đặng quả A Na Hàm chăng ? Bậc A Na Hàm không có tâm tham. Nếu không tâm tham sao lại vì mạng sống mà tìm đến ta. Mà bậc A Na Hàm thật chẳng cầu sống.
_ Bạch Thế Tôn ! Người có điên đảo thời có cầu mạng sống, người không điên đảo thời chẳng cầu mạng sống. Nay tôi thật chẳng cầu mạng sống, tôi chỉ cầu pháp thân cùng trí huệ của Phật.
_ Nầy Kiều Thi Ca ! Người cầu pháp thân cùng trí huệ của Phật, thời tương lai quyết định sẽ được.
Nghe lời Phật nói xong năm tướng suy của Thiên Đế liền tiêu diệt.
Thiên Đế đứng dậy đảnh lễ rồi đi nhiễu Phật ba vòng chắp tay cung kính bạch Phật :
“ Thế Tôn ! Nay tôi sắp chết được sống, sắp mất mạng được mạng, lại được Phật thọ ký sẽ thành vô thượng chánh giác. Bạch Thế Tôn ! Tất cả nhơn thiên thế nào được tăng ích ? Lại do nhơn duyên gì mà phải tổn giảm ?
_ Nầy Kiều Thi Ca do đấu tránh nên nhơn duyên tổn giảm. Khéo tu hòa kính thời đặng tăng ích.
_Bạch Thế Tôn! Nếu do đấu tránh mà tổn giảm, từ nay trở đi tôi chẳng cùng A Tu La đánh nhau nữa.
_ Lành thay ! lành thay ! Nầy Kiều Thi Ca chư Phật Thế Tôn đều nói hạnh nhẫn nhục là nhơn vô thượng Bồ Đề.
Thích Đề Hoàn Nhơn lễ tạ Phật trở về Thiên cung.
Tâu Đại Vương vì đức Như Lai có thể trừ những tướng ác , nên gọi Phật là chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Đại vương ra mắt Phật chắc chắn sẽ trừ được trọng tội.
Ngày trước thanh niên dòng Bà La Môn, tên là Bất Hại, vì giết hại nhiều người nên hiệu là Ương Quật Ma La. Thanh niên nầy lại muốn hại mẹ, lúc tâm ác nổi lên cầm gươm tìm mẹ, vì thân tâm ác nên thành nhân tội nghịch, tất phải đọa địa ngục. Lát sau thấy Phật thân tâm khởi ác muốn hại Phật, đây cũng là nhân tội nghịch sẽ đọa địa ngục. Thanh niên nầy được đức Như Lai giáo hoá, tâm ác liền trừ, nghiệp nhân địa ngục tiêu diệt, phát tâm vô thượng Bồ Đề. Vì thế nên đức Phật hiệu là Y Vương vô thượng, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo kia.
Tâu Đại Vương lại có Vương Tử Tu Tỳ La, vua cha giận chặt cả tay chân xô xuống giếng sâu. Vương mẫu thấy xót thương sai người đem Vương Tử đến trước Phật. Lúc Vương Tử thấy Phật, tay chân đầy đủ lại như cũ, liền phát tâm vô thượng Bồ Đề. Vì Vương Tử được thấy Phật nên đặng quả báo hiện tại. Do đây nên đức Phật hiệu là Y Vương vô thượng, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.
Tâu Đại vương ngày trước trên bờ sông Hằng có năm trăm ngạ quỷ đã nhiều năm chẳng thấy nước, chẳng được uống, dầu họ đến bên sông nhưng họ thấy thuần là lửa, vì quá đói khát nên họ kêu la than khóc. Lúc đó đức Như Lai ngồi dưới bóng cây ở rừng Uất Đàm Bát cạnh bờ sông. Các ngạ quỷ đến bạch Phật : “Thế Tốn ! Chúng tôi đói khát sắp chết đến nơi.
Phật nói : “ Sao các người chẳng uống nước sông Hằng ?”
Các ngạ quỷ thưa : “ Đức Như Lai thấy nước còn chúng tôi thấy là lửa “.
Phật nói : “ Trong sông hằng tòan nước trong mát thật chẳng phải lửa. Vì nghiệp ác nên các người sanh tâm điên đảo cho là lửa. Phật sẽ trừ tâm điên đảo cho các người, để các người thấy được nước.
Như Lai liền vì các ngạ quỷ giảng nói tội lỗi của tâm xan tham.
Các ngạ quỷ thưa : “ Nay chúng tôi đang đói khát, dầu nghe lời thuyết pháp nhưng đều chẳng nhập tâm”.
Phật nói : “ Các người nếu đói khát có thể vào sông Hằng tha hồ uống đó”.
Nhờ công đức của Phật các ngạ quỷ uống đặng nước. Uống nước xong họ trở về chỗ Phật ngồi. Đức như Lai vì họ thuyết pháp, tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề. Lúc đó năm trăm ngạ quỷ đều đặng sanh lên cõi trời.
Do cớ đây nên đức Phật hiệu là Y Vương vô thượng, chẳng như hàng lục sư ngoại đạo.
Tâu Đại Vương ! Nước Xá Bà Đề có đảng cướp năm trăm người, bi vua Ba Tư Nặc bắt được khoét cả đôi mắt bỏ trong rừng sâu. Đảng cướp khổ sở khóc than tưởng niệm đến Phật. Đức Phật xót thương hiện thân trước đảng cướp khuyên bảo rằng : Các người phải khéo giữ gìn nhân khẩu, chớ gây tạo nghiệp ác nữa. Đảng cướp nghe tiếng Phật dịu dàng trong trẻo , đôi mắt sáng trở lại. Đồng chắp tay đảnh lễ Phật bạch rằng : Thế Tôn ! Nay chúng tôi biết rõ Phật có lòng đại từ che chở tất cả chúng sanh, chẳng phải riêng là nhơn thiên.
Đức Như Lai vì họ thuyết pháp tất cả đều được phát tâm vô thượng Bồ Đề. Do đây nên đức Như Lai thật là lương y vô thượng trong thế gian, chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.
Tâu Đại vương ! Nước Xá Bà Đề có ngườiChiên Đà la tên là Khí Hứ giết hại nhiều mạng người, gặp được đệ tử của Phật là ngài Ma Ha Mục Kiền Liên, liền phá được nhân địa ngục sanh lên cõi trời Đao Lợi. Vì có hàng thánh đệ tử như vậy nên đức Như Lai hiệu là Y Vương vô thượng chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.
Tâu Đại Vương thành Ba La Nại có trưởng giả tử tên là A Dật Đa, dâm bà mẹ, giết chết ông cha. Bà mẹ lại tư thông với người khác, Trưởng gỉa tử bèn lại giết mẹ. Có vị A La Hán là thân hữu của nhà nầy. Vì hổ thẹn nên Trưởng giả tử lại giết A La Hán. Sau đó Trưởng giả tử đến Kỳ Hoàn Tinh Xá cầu xuất gia. Các Tỳ kheo rõ biết người nầy phạm ba tội nghịch, nên không vị nào dám nhận. Trưởng giả tử oán gận, giữa đêm phóng lửa đốt phòng của chư tăng, giết hại nhiều người vô tội. Lúc sau đó Trưởng giả tử qua thành Vương Xá cầu xin đức Như Lai cho xuất gia. Đức Như Lai liền nhận lời rồi giảng nói pháp yếu khiến tội nghịch nặng lần lần giảm nhẹ, Tưởng giả tử phát tâm vô thượng Bồ đề. Do đây nên đưc Phật hiệu là Y Vương vô thượng.
Đại Vương bổn tánh bạo ác nghe lời người ác là Đề Bà Đạt Đa, thả voi say để chà Phật, voi thấy Phật liền tỉnh ngộ, Phật lấy tay xoa đầu voi, nói pháp yếu voi phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Tâu Đại Vương! Súc sanh thấy Phật còn phá được nghiệp quả súc sanh, huống là loài người ư !
Đại Vương nếu gặp được Phật, bao nhiêu trọng tội tất sẽ tiêu trừ.
Đưc Thế Tôn lúc chưa thành vô thượng Bồ Đề, Ma Vương dẫn vô lượng quyến thuộc đến chỗ Bồ Tát ngồi, Bồ Tát dùng sức nhẫn nhục phá tan ác tâm của ma, làm cho ma thọ pháp phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Tâu Đại Vương có Khoáng Dã quỷ giết hại nhiều người. Vì cứu Thiện Hiền trưởng giả, đức Như Lai đến thôn Khoáng Dã hiện thân thuyết pháp, Khoáng Dã quỷ nghe pháp vui mừng, bèn đem Thiện Hiền Trưởng giả trao cho Như Lai, rồi sau bèn phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Tâu Đại Vương Nước Ba La Nại có người hàng thịt tên là Quảng Ngạch, mỗi ngày giết hại cả trăm ngàn con dê, gặp ngài Xá Lợi Phất liền thọ bát quan trai một ngày một đêm. Nhờ công đưc nầy, sau khi chết Quảng Ngạch sanh là con trai của Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Đệ tử của đức Như Lai còn có công đức lớn như vậy huống là Phật.
Tâu Đại Vương Thành Tế Thạch ở bắc Thiên Trúc, có vua Long ẩn vì tham ngôi vua mà giết hại vua cha, về sau sanh lòng ăn năn bỏ nước đến xin đức Phật xuất gia, làm Tỳ Kheo, tội nặng tiêu diệt phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Đức Phật có vô lượng vô biên công đức như vậy.
Tâu Đại Vương ! Phật có một người em họ là Đề Bà Đạt Đa, ông nầy phá tăng, làm thân Phật chảy máu, giết chết A La Hán Liên Hoa Tỳ Kheo Ni, phạm cả ba tội nghịch, đưc Như Lai vì ông giảng nói pháp yếu làm cho tội nghịch nặng của ông được giảm nhẹ, nên đức Như Lai là Y Vương vô thượng chẳng phải như hàng lục sư ngoại đạo.
Đại Vương nếu có thể tin lời của hạ thần xin Đại Vương mau đến đức Như Lai. Nếu Đại Vương chưa tin, hạ thần cũng mong Đại Vương suy nghĩ kỹ lại.
Tâu Đại Vương ! Chư Phật có lòng Đại Bi che chở tất cả, chẳng hạn cuộc nơi một người. Chánh pháp của Phật rộng rãi, bao gồm chẳng sót với kẻ oán người thân Phật xem bình đẳng lòng không ghét không yêu.
Đức Như Lai chẳng phải là thầy riêng của bốn bộ chúng, mà là thầy của tất cả trời, người rồng, thần, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tất cả chúng sanh cũng nên xem Phật như cha mẹ. Đức Như Lai chẳng riêng vì người sang giàu như vua Bạt Đề Ca mà thuyết pháp, cũng thuyết pháp cho cả người hạ tiện như U Ba Ly. Chẳng riêng thọ xứ cúng dàng của Trưởng Giả Tu Đạt Đa, Trưởng Giả A Na Bân Kỳ mà cũng nhận lấy đồ ăn của người nghèo. Đức Phật chẳng riêng vì hạng trí huệ như ngài Xá Lợi Phất mà thuyết pháp, cũng giáo hóa cả người ngu tối như Châu Lợi Bàn đặc. Đức Như Lai chẳng riêng cho người tánh không tham như ngài Ca Diếp xuất gia mà cũng cho cả người rất tham như Bàn Đà xuất gia, đức Phật chẳng riêng cho người ít phiền não như Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp xuất gia mà cũng cho người phiền não sâu nặng tạo trọng tội như ông Tu Đà Da em vua Ba Tư Nặc xuất gia. Đức Phật chẳng vì ông Tá Thảo cung kính cúng dàng mà nhổ từ gốc sân hận cho ông ấy cũng độ cả kẻ ác tâm muốn làm hại là Ương Quật Ma La. Chẳng riêng độ người xuất gia làm cho chứng đặng bốn thánh quả, cũng làm cho hàng tại gia chứng đặng ba thánh quả, đức Như Lai chẳng riêng vì người nhàn tịch như ông Phú Đa La mà thuyết pháp, cũng giảng thuyết cho vua Tần Bà Ta La bận rộn việc nước. Người nghiền rượu như ông Út Già Trưởng Giả Phật cũng giáo hóa chớ chẳng phải riêng vì những người kiêng rượu. Đức Phật cũng giáo hóa nàng Bà Tư Tra là người mẹ cuồng tâm vì con chết, chớ chẳng phải riêng thuyết pháp cho bậc nhập thiền định như Ly Bà Đa. Đức Phật chẳng riêng vì đệ tử của mình mà cũng thuyết pháp cho hàng ngoại đạo Ni Kiền Tử. Phật cũng giáo hóa cho người già suy tám mươi tuổi, cũng như với hạng trai trẻ hai mươi lăm. Người căn lành chưa thuần thục, cũng được Phật giáo hóa như người đã thuần thục, Phật thuyết pháp cho người dâm nữ Liên Hoa cũng như vì Mạt Lợi phu nhân. Phật nhận món ăn độc của Trưởng Giả Thi Lợi Cúc Đa như lãnh thực phẩm thượng soạn của vua Ba Tư Nặc.
Tâu Đại Vương Trưởng Giả Thi Lợi Cúc Đa trước kia cũng tạo tội nghịch, nhờ đến Phật nghe thuyết pháp bèn phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Giả sử trong một tháng thường đem y phục vật thực cung kính cúng dường cho tất cả chúng sanh, chẳng bằng người niệm Phật khoảng một niệm.
Giả sử đúc vàng làm người, xe ngựa chở đầy châu báu đến số trăm dùng để bố thí, chẳng bằng người phát tâm muốn đến Phật dở chân bước một bước.
Giả sử dùng trăm xe voi chở các thứ trân bảo của nước Đại Tần, cùng trăm người nữ nước ấy thân đeo đầy chuỗi ngọc dùng để bố thí, vẫn không bằng bước một bước hướng đến Phật.
Cho đến giả sử Đại Vương cung kính cúng dường hàng hà sa vô lượng chúng sanh, chẳng bằng một lần đến rừng Long Thọ thành tâm nghe đức Như Lai thuyết pháp.
Vua A Xà Thế bảo rằng: “Nầy Kỳ Bà đức Như Lai tâm tánh đã điều nhu, thời quyến thuộc phải là người điều nhu, như rừng Chiên Đàn thời thuần cây chiên đàn, đức Như Lai thanh tịnh quyến thuộc của ngài cũng thanh tịnh, như rồng thời thuần dùng rồng làm quyến thuộc. Đức Như Lai tịch tịnh không tham không phiền não, quyến thuộc của ngài cũng không phiền não . Nay ta là người cực ác, thân thể hôi nhơ, thuộc hạng địa ngục, đâu đáng là người đến chỗ đức Như Lai. Giả sử ta có qua, e rằng đức Như Lai chẳng đoái tới. Khanh dầu khuyên ta, nhưng ta xấu hổ sợ sệt không có lòng muốn đi.
Vua A Xà Thế nói vừa dứt, trên không bỗng có tiếng rằng : Phật pháp vô thượng sắp suy mất, dòng sông pháp rộng sâu sắp cạn, đèn sáng đại pháp sắp tắt, núi pháp sắp lở, thuyền pháp sắp chìm, cầu pháp sắp hư, điện pháp sắp đổ, tràng pháp sắp ngã, cây pháp sắp gãy, bạn lành sắp đi, sự khủng bố sắp đến, chúng sanh sắp đói khát, bịnh dịch phiến não sắp lưu hành, sự tối tăm sắp đến, ma vương vui mừng cởi mở giáp trụ, mặt trời Phật sắp lặn nơi núi Đại Niết Bàn. Phật nếu diệt độ tội nghịch trọng của Đại Vương không còn ai trị được.
_ Nay Đại Vương đã tạo tội nghiệp A Tỳ địa ngục, đã có tội nghiệp tất phải thọ báo. Sao gọi là A Tỳ địa ngục ? A là không , Tỳ là xen hở, tức là Vô Gián. Người đọa trong đó luôn bị khổ không hở, một người tội thân lớn đầy khắp cả ngục tám muôn do tuần, nhiều người tội, thân mỗi người cũng đầy khắp cả ngục không chướng ngại nhau, do đây nên gọi là ngục Vô Gián.
Trong địa ngục lạnh tạm thời có gió ấm nóng, trong địa ngục ấm nóng tạm thời có gió mát lạnh, địa ngục A Tỳ toàn không có việc nầy. Ngục A Tỳ bốn phía có cửa, ngoài mỗi cửa đều có ngọn lửa rất mạnh cháy suốt cả bốn phương tám muôn do tuần, vách ngục bằng sắt, nền cũng bằng sắt, lưới phủ trùm ở trên lửa, dưới nền cháy suốt đến nóc ngục, lửa trên nóc cháy suốt đến nền ngục. Người tội trong đó bị đốt cháy đau khổ như cá bị chiên trong chảo. Phạm một tội nghịch bị trọn sự khổ như vậy, nếu tạo hai tội nghịch, thời sự khổ gấp hai, nếu tạo đủ ngũ nghịch thời sự khổ gấp năm lần. Tôi biết chắc ác nghiệp của Đại Vương không thể thoát khỏi. Mong Đại Vương mau đến gặp Phật, ngoài Phật ra không ai cứu Đại Vương được. Vì xót thương nên tôi có mấy lời khuyên Đại Vương.
Vua A Xà Thế trong lòng quá sợ, toàn thân run rẩy, ngước mặt lên hỏi rằng : Ngài là ai ? Sao chỉ nghe tiếng mà chẳng hiện thân ?
Trên hư không có tiếng đáp : “ Tôi là Tần Bà Ta La, cha đẻ của Đại Vương.
Nay Đại Vương phảinghe lời Kỳ Bà, chớ nghe lời tà kiến của sáu đại thần.”
Nghe xong vua A Xà Thế ngất xỉu trên đất, ghẻ nhọt thêm nhiều càng hôi nhơ hơn trước. Dầu ngự y đem thuốc đến thoa, nhưng ghẻ độc càng thêm nóng nhức.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.198.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.