Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
HỘI THỨ 8
PHẦN NA-GIÀ-THẤT-LỢI
Tôi nghe như vầy:
Một thuở, đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ-đa, thành Thất-la-phiệt, vì các đại chúng mà tuyên dương chánh pháp.
Bấy giờ, trời vừa hừng sáng, Đại Bồ-tát Diệu Cát Tường (Mạn-thù-thất-lợi) đắp y mang bát, sắp vào thành Thất-la-phiệt, thì gặp Bồ-tát Long Cát Tường (Na-già-thất-lợi) hỏi:
- Tôn giả đi đâu thế?
Diệu Cát Tường đáp:
- Tôi muốn vào thành Thất-la-phiệt để tuần hành khất thực, vì muốn làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh, vì thương xót khắp chúng sanh ở thế gian, vì lợi ích an vui cho trời, người.
Long Cát Tường hỏi:
- Vậy à! Nhưng Tôn giả với tưởng ăn vẫn chưa phá được sao?
Diệu Cát Tường đáp:
- Đối với tưởng ăn, tôi còn chẳng thấy có, thì biết phá cái gì? Vì sao? Vì bản tánh các pháp đều Không, vắng lặng, giống như hư không, không hoại không dứt, thì tôi phá được sao! Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn… cũng chẳng phá được. Vì sao vậy? Vì tự tánh của các pháp đồng với hư không, rốt ráo Không, chẳng ai có thể làm cho dao động, không thể phá được.
Lại nữa, tất cả pháp như hư không, không có trời, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn… loài hữu tình nào có thể nhiếp thọ được. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp viễn li, nên chẳng thể nhiếp thọ.
Long Cát Tường hỏi:
- Nếu đúng như lời Tôn giả nói, thì tại sao Bồ-tát cùng ma đấu tranh?
Diệu Cát Tường đáp:
- Bồ-tát chưa từng đánh trống lớn chiến tranh với ma quân. Lúc ấy, Bồ-tát cũng chẳng thấy có một chút pháp chơn thật để nương vào định. Vì sao? Vì Bồ-tát thấy ma tuy đánh trống… nhưng không sợ hãi. Ví như nhà huyễn thuật, huyễn tạo ra kẻ oán địch, dù làm chuyện rối loạn não hại, song chẳng ai kinh sợ. Cũng vậy, Bồ-tát biết tánh của các pháp là Không, đều như huyễn… nên không sợ hãi.
Nếu Bồ-tát nào có sợ hãi thì không có trời, người…. cúng dường. Nhưng các Bồ-tát hiểu rõ Không, nên không có sợ hãi, chịu làm ruộng phước chơn tịnh cho tất cả.
Long Cát Tường hỏi:
- Có ai chứng được Bồ-đề chăng?
Diệu Cát Tường đáp:
- Cũng có.
Long Cát Tường hỏi:
- Ai là người chứng được?
Diệu Cát Tường đáp:
- Nếu thiết lập ngôn ngữ mà không chấp danh tánh thì đó là người chứng được.
Long Cát Tường hỏi:
- Vậy người kia chứng như thế nào?
Diệu Cát Tường đáp:
- Vị ấy tâm không sanh, chẳng niệm Bồ-đề và tòa Bồ-đề, cũng chẳng thương nhớ tất cả hữu tình, dùng tâm vô biểu, tâm vô kiến… mà chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Long Cát Tường hỏi:
- Nếu vậy, Tôn giả dùng những tâm nào để được Bồ-đề?
Diệu Cát Tường đáp:
- Tôi không thấy mình hướng đến, cũng chẳng thấy có chỗ hướng đến, đều không nơi học; chẳng có tôi đời sau tới cội Bồ-đề ngồi tòa Kim cương, chứng đại Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp cứu vớt sanh tử. Vì sao? Vì các pháp không động, không thể phá hoại, không thể thu nhiếp, rốt ráo Không, vắng lặng. Tôi đem những tâm chẳng hướng tới như thế để được Bồ-đề.
Long Cát Tường nói:
- Những điều Tôn giả đã nói đều nương vào thắng nghĩa, khiến cho các hữu tình tin hiểu pháp này, giải thoát phiền não. Nếu các hữu tình được giải thoát phiền não, thì phá được hết thảy võng lưới ma.
Diệu Cát Tường nói:
- Võng lưới của ma chẳng thể phá hoại. Vì sao? Vì khái niệm ma chẳng khác Bồ-đề. Vì sao? Vì tánh của ma và ma quân đều chẳng có, đều bất khả đắc. Cho nên, tôi nói khái niệm ma ấy chẳng khác Bồ-đề.
Long Cát Tường hỏi:
- Sao gọi là Bồ-đề?
Diệu Cát Tường đáp:
- Bồ-đề ấy biến khắp trong tất cả các pháp, thời, xứ. Ví như hư không, không có gì ngăn ngại đối với pháp, thời, xứ, không có chỗ nào mà không trụ. Bồ-đề cũng thế, vì không ngăn ngại nên biến khắp ở trong tất cả pháp, thời, xứ. Bồ-đề như thế rất là Vô thượng. Nay ngài muốn chứng Bồ-đề bậc nào?
Long Cát Tường nói:
- Muốn chứng Vô thượng.
Diệu Cát Tường nói:
- Nay ngài chứng pháp Vô thượng Bồ-đề là chẳng thể chứng. Ngài muốn chứng pháp ấy tức là hành hý luận. Vì sao? Vì Vô thượng Bồ-đề lìa tướng, tịch diệt. Vậy ngài muốn trở thành người giữ lấy sự hý luận?! Ví như có người nói như vầy: “Tôi khiến huyễn sĩ ngồi tòa Bồ-đề, chứng huyễn Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Lời nói như thế quá ư thành hý luận. Vì các huyễn sĩ còn bất khả đắc, huống nữa là khiến cho chứng được huyễn đại Bồ-đề!
Huyễn đối với pháp huyễn chẳng hợp chẳng tan, không lấy không bỏ, tự tánh đều Không. Chư Phật Thế Tôn nói tất cả pháp chẳng thể phân biệt, đều như huyễn mộng. Nay ngài muốn chứng Vô thượng Bồ-đề, há chẳng phải thành người phân biệt huyễn pháp! Nhưng tất cả pháp đều chẳng thể lấy, cũng chẳng thể bỏ, không thành không hoại, chẳng phải pháp đối với pháp có tạo tác và có diệt hoại. Không có pháp nào đối với pháp nào mà có hòa hiệp, có chia lìa. Vì sao? Vì tất cả pháp chẳng hợp chẳng tan, tự tánh đều Không, lìa ngã, ngã sở, đồng cõi hư không, không nói, không chỉ, không khen, không chê, không cao, không thấp, không tổn, không ích, chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể hý luận, bản tánh hư tịch, đều rốt ráo Không, như huyễn như mộng, vô đối, vô tỉ, sao có thể khởi tâm phân biệt nó được.
Long Cát Tường nói:
- Hay thay! Thưa Tôn giả! Nay do đây, nhất định tôi được Bồ-đề. Vì sao? Vì nhờ ngài đã nói pháp sâu xa cho tôi.
Diệu Cát Tường nói:
- Nay tôi chưa từng vì ngài mà tuyên nói pháp gì hoặc hiển, hoặc mật, hoặc sâu, hoặc cạn, thì làm sao khiến ngài được Bồ-đề! Vì sao? Vì tự tánh các pháp đều chẳng thể nói. Ngài bảo tôi nói pháp thậm thâm ấy tức là hành hý luận. Nhưng tôi thật chẳng phải kẻ thường nói pháp, tự tánh các pháp cũng chẳng thể nói.
Như có người cho rằng, ta có khả năng biện thuyết về tướng thức của huyễn sĩ; nghĩa là nói các tướng thức của huyễn sĩ sai khác như thế như thế. Do nói như vậy, mà người ấy hại lời nói chơn thật của mình. Vì sao? Vì kẻ huyễn sĩ ấy còn chẳng có thức, huống nữa là có tướng thức! Nay ngài cho rằng tôi nói pháp sâu xa, khiến cho ngài chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng lại như thế. Vì tất cả pháp đều như việc huyễn, tánh rốt ráo Không, còn chẳng thể biết, huống nữa là có tuyên thuyết.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Vô Năng Thắng đi đến chỗ ấy, nghe rồi khen rằng:
- Hay thay! Hay thay! Chánh sĩ, Đại sĩ khéo cùng biện thuyết pháp môn sâu xa.
Diệu Cát Tường gạn hỏi Vô NăngThắng:
- Chánh sĩ, Đại sĩ nói pháp gì? Bởi vì Bồ-tát chẳng nghĩ rằng: Ta là Bồ-tát Chánh sĩ, Đại sĩ, có thể vì hữu tình nói pháp sâu xa. Nếu kẻ nào khởi nghĩ như thế tức là hành hý luận.
Lại nữa,Vô Năng Thắng! Tự tánh của tiếng vang trong hang núi thật có thể phát ra lời nói, làm cho người nghe nhận biết, luận nói các pháp chăng?
Vô Năng Thắng đáp:
- Không.
Diệu Cát Tường nói:
- Đúng vậy, tất cả các pháp đều chẳng thật, đều như tiếng vang, không danh, không tướng, không thể nắm giữ. Đối với pháp đây mà chấp trước, tức là hành hý luận. Nếu hành hý luận thì trôi lăn trong sanh tử. Đối với tất cả pháp như tiếng vang, chúng sanh chẳng như thật biết, khởi lên các sự tranh đấu. Vì khởi sự tranh đấu, nên tâm bị dao động. Khi tâm dao động, thì tạo ra nhiều sự mê lầm. Sự mê lầm tăng nên luân hồi trong các nẻo.
Do vậy, ngày đêm đức Thế Tôn đích thân dạy bảo các Bí-sô rằng: “Này các Bí-sô! Các ông chớ hành hý luận. Đối với pháp tịch diệt mà Ta đã dạy, các ông thường nên suy gẫm, quán sát, thẩm xét cho đúng, tinh cần tu tập Vô đắc pháp nhẫn.
Như vậy, đức Năng Tịch Đại Thánh Pháp Vương nói bản tánh Không của các pháp tịch tĩnh, không nhiễm, không đắc, không chỗ nương trụ; ai khéo như thật biết thì giải thoát sanh tử, nhất định sẽ chứng được Bồ-đề, Niết-bàn.
Sau khi nghe lời ấy, Long Cát Tường liền hỏi lại Diệu Cát Tường:
- Tôn giả giải thoát từ sanh tử nào?
Diệu Cát Tường đáp:
- Ngài bảo Như Lai từ sanh tử nào mà được giải thoát? Đức Thế Tôn Thập Lực thuờng nói, quá khứ, vị lai, hiện tại là pháp sanh tử.
Long Cát Tường nói:
- Đức Thế Tôn há chẳng nói tất cả pháp đều như huyễn hóa sao? Như thế, lẽ nào có hữu tình vốn đã chứng Vô thượng Bồ-đề lại có sanh tử? Vì sao? Vì Tôn giả cũng nói các pháp chẳng thật, đều như huyễn hoá.
Diệu Cát Tường nói:
- Từ xưa đến nay, tôi đối với tánh tướng của pháp, chưa từng tuyên thuyết, cũng chẳng phân biệt, nắm giữ hay tạo tác. Vì sao? Vì tánh tướng của các pháp chẳng thể nêu bày, chẳng thể phân biệt, chẳng thể nắm giữ, chẳng thể tạo tác. Tất cả hữu tình nếu như thật thấu rõ các pháp đều như huyễn hóa, thì lẽ ra đã chứng Vô thượng Bồ-đề. Nhưng bởi hữu tình chẳng thông suốt tất cả pháp đều như huyễn hóa, nên trôi lăn sanh tử trong các cõi. Như nhà huyễn thuật, nương vào bất cứ vật nào cũng làm ra được các vật huyễn hóa, đó là thế gian, trời, Ma vương, Phạm thiên, Đế thích, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, các rồng, Dược-xoa, A-tố-lạc… chúng người chẳng phải người. Các loài ngu si, mê chấp cho là thật có. Huyễn sư, bậc trí đều biết không có thật tánh, chỉ có các thứ tướng hư dối biến hiện.
Các pháp như vậy, tuy như huyễn như hóa, nhưng các loài hữu tình ngu si chẳng biết rõ, nên phi hữu cho là hữu, vô thường chấp là thường; ở trong các pháp phân biệt đủ loại: như phân biệt sắc, hoặc phân biệt tâm, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu v.v... Phân biệt đủ thứ như vậy. Do sự phân biệt đây, nên đối với các pháp chẳng như thật biết đều như huyễn hóa. Bởi chẳng biết nên luân hồi sanh tử.
Nếu các hữu tình đối với tất cả pháp như thật biết rõ đều như huyễn hóa, thì đối với Phật pháp lại chẳng tăng trưởng. Vì sao? Vì các loài hữu tình bản lai đều có diệu pháp của chư Phật, tất cả đã có như vậy nên không thối lui Phật trí. Do đó, các hữu tình đều có thể an lập nơi diệu pháp của Phật, tuệ giác không động, biết pháp tánh Không, không danh, không tướng, không nương, không trụ, không lấy, không chấp, không ngăn ngại, không dính mắc, giống như hư không, không tàng chứa, không nắm giữ, vô thượng vắng lặng, cùng cực vắng lặng, không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh, không thành không hoại, chẳng có chẳng không. Do đó, ở trong thành nhẫn sâu xa, thường chẳng xa lìa diệu pháp của chư Phật. Vì sao? Vì diệu pháp của chư Phật lìa tánh, lìa tướng, không thể thiết lập, không thể tuyên thuyết, không thể nêu bày, khắp các loài hữu tình đều như hư không.
Khi Long Cát Tường nghe pháp sâu xa này vui mừng hớn hở, khen Diệu Cát Tường:
- Hay thay, hay thay! Tôn giả đã nói pháp sâu xa mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Nói các hữu tình thường chẳng xa lìa diệu pháp của chư Phật, ai tin hiểu được?
Diệu Cát Tường đáp:
- Các đệ tử chơn thật của Phật đều tin hiểu được. Đó là những vị tùy tín hành, hoặc tùy pháp hành, hoặc Đệ bát, hoặc Dự lưu, hoặc Nhất lai, hoặc Bất hoàn, hoặc A-la-hán, hoặc các Độc giác, hoặc các Bồ-tát đã được Bất thối chuyển, không động, không chuyển đối với các bạch pháp, đã khéo an trụ pháp rốt ráo Không, pháp vô sở đắc. Những người này có khả năng tin hiểu đuợc. Vì sao? Vì tòa Bồ-đề vi diệu của các Bồ-tát này đã hiện ra trước mặt, có thể đối trước thế gian, Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Đế thích, Sa-môn, Phạm chí, A-tố-lạc, người chẳng phải người v.v… rống lớn tiếng sư tử: “Ta ngồi kiết già nơi toà này cho đến khi được Vô thượng Bồ-đề, nếu chưa chứng được thì quyết chẳng rời toà này.” Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã khéo an trụ pháp rốt ráo Không, pháp vô sở đắc, không thể động vậy. Ví như cái cọc được đóng rất vững chắc, các trâu chúa… bị buộc chẳng lay động được. Cũng vậy, Bồ-tát đã khéo an trụ pháp rốt ráo Không, pháp vô sở đắc, tất cả hữu tình chẳng thể làm khuynh động, chẳng thể làm xa lìa năng giác, sở giác và tòa Bồ-đề.
Long Cát Tường hỏi:
- Năng giác, sở giác, và tòa Bồ-đề có chỗ nói được sao?
Diệu Cát Tường hỏi gạn lại rằng:
- Thế nào gọi là Như Lai biến hóa? Thế nào gọi là chỗ Như Lai biến hóa? Thế nào là chỗ Như Lai nương biến hóa? Thế nào là pháp chứng Như Lai biến hoá, do đây nói là Như Lai biến hóa thuyết pháp, chỉ dẫn?
Long Cát Tường đáp:
- Tôi còn chẳng thấy có thật Như Lai, huống nữa là thấy có Như Lai biến hóa, chỗ biến hóa, chỗ nương biến hóa, pháp chứng biến hoá. Do đây có thể nói Như Lai biến hóa, thuyết pháp, chỉ dẫn.
Diệu Cát Tường bảo:
- Hay thay, hay thay! Chỗ ngài nói, chỗ ngài biết rất là đúng lý. Ngài đã chứng được tất cả pháp vô sở đắc nhẫn, nên mới có thể nói được như thế. Năng giác, sở giác… nên biết cũng thế.
Long Cát Tường nói:
- Chẳng phải tất cả pháp vô sở đắc nhẫn có khởi có hoại. Vì sao? Vì tất cả pháp là Không, không có tự tánh, tự tướng cũng Không. Các pháp như thế không tướng, không đối, không sắc, không thấy, ngang cùng hư không, thì làm sao khởi được nơi tất cả pháp vô sở đắc nhẫn?
Nếu tất cả pháp vô sở đắc nhẫn có nghĩa khởi được, thì nhẫn tiếng vang trong hang, hoặc nhẫn ánh sáng, hoặc nhẫn nước bọt, hoặc nhẫn bong bóng nước, hoặc nhẫn quáng nắng, hoặc nhẫn cây chuối, hoặc nhẫn việc huyễn, hoặc nhẫn cảnh mộng, hoặc nhẫn biến hóa, hoặc nhẫn ảnh trong gương, hoặc nhẫn thành Tầm hương (ảnh ảo), hoặc nhẫn cõi hư không đều phải có nghĩa khởi. Vì sao? Vì nhẫn hư không v.v… có nghĩa khởi thì điều này nhất định không có.
Nếu Đại Bồ-tát nghe pháp như thế mà chẳng kinh, chẳng sợ, không mê hoặc, không nghi ngờ, tâm chẳng mờ mịt, tức là Bồ-tát Vô thượng pháp nhẫn .
Diệu Cát Tường hỏi:
- Các chúng Bồ-tát không đắc pháp nhẫn chẳng lẽ không sai khác?
Long Cát Tường đáp:
- Nếu chúng Bồ-tát đối với pháp mà có chút phần chấp trước, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Đối với pháp nhẫn sâu xa, ta đều hiểu rõ thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta là kẻ thành tựu nhẫn sâu xa, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Đối với pháp sâu xa, ta đều có thể tín thọ thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Đối với các nghĩa, ta đều có thể hiểu rõ thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Đối với các pháp, ta đều có thể thấu triệt thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể hiểu rõ bản tánh các pháp, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể tu hành các đạo Bồ-tát, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể nghiêm tịnh nhiều cõi Phật, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể thành thục các loài hữu tình, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Đối với Bồ-đề, ta quyết định sẽ chứng được, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta nhất định chuyển được bánh xe pháp Vô thượng, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể cứu vớt các loài hữu tình, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có hành, ta có chứng, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể tu hành bốn niệm trụ…, ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể tu hành tĩnh lự, vô lượng, đẳng trì, đẳng chí, môn Đà-la-ni, thì gọi là hành có sở đắc.
Nếu các Bồ-tát nghĩ rằng: Ta có thể chứng đắc vô lượng, vô biên diệu pháp của chư Phật, như mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và mười tám pháp Phật bất cộng... thì gọi là hành có sở đắc. Nếu Bồ-tát không hành có sở đắc, thì không đắc pháp nhẫn chẳng có sai khác.
Diệu Cát Tường hỏi:
- Nếu vậy, Bồ-tát làm sao tu học hướng tới hạnh Bồ-đề?
Long Cát Tường đáp:
- Nếu chúng Bồ-tát đối với các pháp, không nắm giữ thì đó là tu học hạnh hướng tới Bồ-đề. Nếu chúng Bồ-tát đối với các pháp, không nương tựa cậy nhờ thì đó là tu học hạnh hướng tới Bồ-đề. Nếu chúng Bồ-tát hiện quán các pháp, nương gá các duyên Không, không có tự tánh, lìa ngã, ngã sở, thì đó là tu học hạnh hướng tới Bồ-đề. Nếu chúng Bồ-tát dù có sở hành nhưng không tưởng hành, thì đó là tu học hạnh hướng tới Bồ-đề.
Diệu Cát Tường nói:
- Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ngài đã nói. Như người trong mộng, tuy nói là đến đi, dừng nghỉ ở khắp nơi, nhưng thật không có đi đứng ngồi nằm, cũng không thật có chỗ để đến đi. Bồ-tát cũng thế, tuy trong lúc tỉnh, có tu hành mà không tưởng hành. Quán hạnh sở hành bản tánh đều Không. Đối với các pháp không có nắm giữ. Thông đạt tất cả pháp đều không có tướng trạng, không tàng chứa, không thủ giữ, đồng với hư không v.v… bản tánh Không, vắng lặng. Nếu các Bồ-tát hành được như thế, không có nắm giữ, lìa các hý luận, thì đó là ruộng phước chơn tịnh cho trời, người…, xứng đáng nhận sự cúng dường, cung kính của thế gian.
Đại Bồ-tát Long Cát Tường nghe vậy, vui mừng hớn hở nói:
- Kính thưa Tôn giả! Tôi nay muốn đến thành Thất-la-phiệt, vì hữu tình mà tuần hành khất thực.
Diệu Cát Tường nói:
- Ngài đi tuỳ ý. Nhưng khi đi chớ được cất chân, chớ được hạ chân, chớ co chớ duỗi, chớ khởi tâm ta, chớ dấy hý luận, chớ sanh tưởng đường sá, chớ sanh tưởng thành ấp xóm làng, chớ sanh tưởng nam nữ lớn nhỏ, chớ sanh tưởng đường lớn, ngõ hẻm, vườn rừng, nhà cửa v.v... Vì sao? Vì Bồ-đề xa lìa các tưởng sở hữu, không cao không thấp, không nắm không buông, tâm dứt dao động, lời mất hý luận, không có số lượng. Đó là chỗ hướng tới Bồ-đề của Bồ-tát. Nếu ngài có thể đi được như thế, thì tùy ý đi mà hành khất thực.
Long Cát Tường nương vào uy lực dạy bảo ấy, nhập định Hải dụ. Ví như biển cả, nước rộng sâu, lặng yên, có nhiều ngọc báu, đầy đủ sinh mạng các loài thủy tộc. Định đây cũng thế, uy lực rộng sâu, thần dụng khó nghĩ, ba nghiệp an tĩnh, đủ các báu công đức, nhiếp dưỡng hàm thức.
Bấy giờ, có Bồ-tát tên là Thiện Tư, vì muốn làm cho Long Cát Tường mau ra khỏi định nên khởi lập đại gia hạnh, để gây xúc chạm dao động thân ngài. Thiện Tư làm các núi, đại địa trong Tam thiên đại thiên thế giới biến động sáu cách, nhưng thân tâm Long Cát Tường vẫn an tĩnh, vững chãi chẳng động, như núi Diệu Cao. Vì sao? Vì do định ấy, nên thân ngữ ý của ngài an trụ không động. Sau khi xuất định, mưa xuống các hương hoa, Long Cát Tường hướng về rừng Thệ-đa, cúi mình chấp tay, chí thành cung kính, nói như vầy:
- Kính lạy đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Ngài đã chứng, đã nói pháp tuyệt diệu sâu thẳm, tự tánh đều Không, không nhiễm, không đắc, khiến cho người nghe được thắng định này.
Bồ-tát Thiện Tư bèn hỏi:
- Ngài ở trong định có cảm biết động đất chăng?
Long Cát Tường đáp:
- Thiện Tư phải biết! Nếu những ai thân tâm dao động thì thấy đại địa… cũng dao động. Chư Phật Thế Tôn, Bồ-tát Bất thối chuyển, đại Độc giác và đại A-la-hán thân tâm an tĩnh, xa lìa sự dao động; ở trong các pháp không thấy, không biết có động, có chuyển, có nghiêng có lay. Vì sao? Vì các ngài thường an trụ pháp không động, không chuyển, không nghiêng, không lay; nghĩa là chứng tướng Không, vô tướng, vô nguyện, vắng lặng, pháp xa lìa, bản tánh Không. Do trụ pháp này nên thân tâm không động.
Diệu Cát Tường thấy nghe vậy, vui mừng khen ngợi Long Cát Tường:
- Lành thay, lành thay! Ngài thành tựu được việc này, nay tùy ý vào thành khất thực.
Long Cát Tường đáp:
- Tôi nay đã chứng pháp thực vô thượng thắng định Hải dụ, nên chẳng còn mong cầu các loại đoạn thực. Tôi nay chỉ cầu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba-la-mật-đa và vô biên hạnh thù thắng khác của Bồ-tát, để mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp, cứu vớt các loài hữu tình thoát khổ lớn sanh tử, khiến cho trụ Niết-bàn thanh tịnh rốt ráo. Tôi nay chỉ muốn xả bỏ các hành, chẳng muốn nuôi dưỡng thân tâm tạp uế. Nay nhờ Tôn giả, người bạn lành chơn tịnh, thương xót trợ lực tôi chứng được định thù thắng, tôi xin đảnh lễ: Thù Diệu Cát Tường, Vô Biên Cát Tường, Dũng Mãnh Cát Tường, Quảng Đại Cát Tường, Diệu Pháp Cát Tường, Thắng Huệ Cát Tường, Nan Tư Cát Tường, là bạn lành Đại tiên, bạn lành chơn tịnh.
Diệu Cát Tường nói:
- Lành thay, lành thay! Ngài đạt được thắng định Hải dụ như thế, thấy rõ các pháp như tiếng vang, như ảnh tượng, như mộng, như huyễn, như quáng nắng, như ánh sáng, như việc biến hóa, như thành Tầm hương. Nay ngài nên cầu vô lượng, vô biên các pháp thực vô thượng là mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và mười tám pháp Phật bất cộng v.v… để tự nuôi thêm Pháp thân giải thoát. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác đều do pháp thực đây mà an trụ, trải qua vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp chẳng thể nghĩ bàn như số cát sông Hằng. Vì sao? Vì pháp thực như thế vô lậu, không ràng buộc, giải thoát hẳn sự chìm đắm mà pháp thế gian không thể xa lìa, cũng làm cho dứt hẳn tất cả kiêu mạn, không tàng chứa, không thủ giữ, không các hý luận, bản tánh Không, vắng lặng. Tất cả chúng Đại Bồ-tát đều mong cầu pháp thực đây, ngài cũng nên mong cầu, chớ cầu pháp thực thế gian thấp kém!
Long Cát Tường nói:
- Nay nghe ngài tán thán pháp thực vô thượng như vậy, tôi đã muốn no đủ, huống nữa là thọ dụng! Nếu đời sau, tôi ăn được pháp thực đó thì dùng vô thực mà làm phương tiện, khi mình no đủ rồi, cũng giúp cho tất cả hữu tình được no đủ.
Diệu Cát Tường hỏi:
- Ngài làm cho cõi hư không no đủ được chăng?
Long Cát Tường đáp:
- Chẳng được.
Diệu Cát Tường hỏi:
- Ngài làm cho tiếng vang, ảnh tượng, mộng, huyễn, quáng nắng, ánh sáng, các việc biến hóa, thành Tầm hương no đủ được chăng?
Long Cát Tường đáp:
- Chẳng được.
Diệu Cát Tường hỏi:
- Ngài có thể dẫn các dòng sông chảy về đầy các biển cả được chăng?
Long Cát Tường đáp:
- Chẳng được.
Diệu Cát Tường nói:
- Các pháp cũng vậy, ngài muốn no đủ tất cả được sao? Ngài muốn tất cả đều no đủ, tức là muốn no đủ cõi hư không, cũng muốn no đủ tiếng vang, ảnh tượng, mộng….; cũng muốn no đủ tất cả biển lớn; cũng muốn no đủ tất cả pháp Không, vô tướng, vô nguyện, vô tạo, vô tác, vô sanh, vô diệt; cũng muốn no đủ tất cả sự xa lìa, vắng lặng, lìa nhiễm, Niết-bàn, giải thoát rốt ráo; cũng muốn no đủ vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng đồng với hư không, chẳng thể thủ chấp chơn như pháp giới.
Long Cát Tường nói:
- Như lời ngài nói, thức ăn và người ăn hoàn toàn đều Không. Vậy thì các hữu tình chẳng nên nhờ vào vật thực.
Diệu Cát Tường nói:
- Đúng vậy, đúng vậy! Tất cả hữu tình đều chẳng nhờ vào vật thực. Giả sử Phật hóa làm các loài hữu tình nhiều như số cát sông Hằng v.v… cần vật thực thì Ngài khiến ai tạo ra vật thực ấy?
Long Cát Tường nói:
- Chúng sanh được biến hóa không ăn, thì đâu cần tạo ra vật thực!
Diệu Cát Tường nói:
- Pháp và hữu tình đều như huyễn hóa, cho nên tất cả đều không cần ăn. Nếu các hữu tình đều chẳng như thật thông đạt các pháp như huyễn hóa, thì sẽ luân hồi sanh tử trong các cõi. Hư dối mà cho là có thể nương nhờ, song chỗ nương nhờ ấy đều chẳng thể được. Nếu như thật quán sát pháp và hữu tình, tự tánh đều Không, không chút chơn thật thì không cần nương nhờ các vật thực.
Long Cát Tường nói:
- Tôi nay muốn dứt hẳn sự đói khát.
Diệu Cát Tường nói:
- Sự đói khát còn không có, huống nữa là có đoạn dứt. Ví như huyễn sĩ nói như vầy: “Tôi muốn tìm nước trong quáng nắng để dứt trừ sự đói khát.” Ngài cũng thế. Vì sao? Vì tất cả pháp đều như quáng nắng, tất cả hữu tình đều như huyễn sĩ, làm sao muốn dứt trừ đói khát. Trong pháp đã tạo hư dối phân biệt, người đoạn và cái để đoạn đều bất khả đắc. Đã không có đói khát thì ai trừ đoạn cái gì? Các pháp xưa nay, tự tánh no đủ, đều không đói khát thì trừ dứt cái chi?
Kẻ ngu đối với pháp đây chẳng như thật biết, cho rằng ta đói khát, nên tìm cách trừ dứt sự đói khát ấy. Còn những người có trí, thì như thật biết đói khát vốn không, chẳng cầu trừ dứt. Đã thấu rõ được tánh Không của các pháp, nên chẳng còn luân hồi sanh tử trong các nẻo nữa, xa lìa hý luận, không có phân biệt. Đối với tất cả pháp, trụ chỗ vô trụ, không nương, không nhiễm, không vào không ra, giải thoát rốt ráo, hết hẳn phân biệt.
Long Cát Tường nói:
- Như các pháp yếu mà Tôn giả nói, đúng vậy, đúng vậy! Pháp giới như vậy đã hiện ra!
Diệu Cát Tường nói:
- Chẳng phải chơn pháp giới có hiện có mất, có co có giãn. Vì sao? Vì chơn pháp giới lìa tướng, vắng lặng, không hiện không mất, không thể phân biệt, không thể hý luận, không nương không trụ, không lấy không bỏ, không động không chuyển, không nhiễm không tịnh. Như cõi hư không không động không chuyển, không lấy không bỏ, không nương không trụ, không thể hý luận, không thể phân biệt, không hiện không mất. Các pháp cũng thế, tự tướng vốn Không, tánh ấy cũng chẳng có tướng, bất khả đắc. Nếu tướng của các pháp có thể đắc thì Phật vào Niết-bàn cũng có thể đắc.
Tất cả pháp không có táng chứa, không có thủ giữ, không sắc, không thấy, không đối, không tướng, bản lai vắng lặng. Cho nên hằng hà sa số chư Phật mặc dù đã vào Niết-bàn nhưng không có một pháp nào diệt. Nghĩa là không có sắc uẩn diệt và thọ, tưởng, hành, thức uẩn diệt. Cũng không có nhãn xứ diệt và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ diệt. Cũng không có sắc xứ diệt và thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ diệt. Cũng không có nhãn giới diệt và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới diệt. Cũng không có sắc giới diệt và thanh, hương, vị, xúc, pháp giới diệt. Cũng không có nhãn thức giới diệt và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới diệt. Cũng không có nhãn xúc diệt và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc diệt. Cũng không có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ diệt và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra các thọ diệt. Cũng không có địa giới diệt và thủy, hỏa, phong, không, thức giới diệt. Như vậy, chư Phật tuy vào Niết-bàn nhưng không có một pháp nào vào Niết-bàn.
Có những kẻ muốn khiến cho Niết-bàn có pháp diệt, tức là muốn làm cho cõi hư không kia cũng diệt. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh, bản lai tịch diệt, tự tánh vắng lặng, cực vắng lặng, nên không thể diệt.
Những kẻ ngu si chẳng như thật biết, khi vào Niết-bàn mới khởi tưởng diệt, cho rằng ngã và ngã sở nay mới diệt. Do những kẻ ấy chấp trước ngã và hữu tình, cho đến tri giả, đạo giả và do chấp tự tánh pháp có không, tất cả diệt hẳn khi vào Niết-bàn. Ta nói những hạng ấy không thể giải thoát được sanh, già, bệnh, chết, sầu, than, khổ, ưu, não. Vì sao? Vì những kẻ ngu si kia chẳng biết, chẳng ngộ bản tánh các pháp. Do chẳng hiểu biết bản tánh các pháp, nên cùng Phật Thế Tôn và các đại đệ tử Bồ-tát Bất thối chuyển đối với pháp sâu xa, hết lòng tin hiểu, thường ưa hạnh thọ hành vô sở đắc; ở chỗ chư Phật quá khứ, trồng nhiều căn lành, có thần thông lớn, đủ thế lực lớn. Thương chủ chơn tịnh, Tiên thiên vô thượng, thường chống trái tranh cãi. Vì tranh đấu nhau nên những kẻ ngu kia chìm đắm mãi trong hôi uế bất tịnh. Tất cả Hiền thánh đều xa tránh việc ấy. Bậc trí đồng quở trách sanh tử tệ ác. Như đống phân uế gần thành phố xóm làng, ngày đêm người vật tới lui, như thế ngày càng thêm bất tịnh, đáng ghét, hôi thối, tiện lợi cho loài vật dơ. Cũng vậy, kẻ ngu đối với bản tánh của pháp chẳng thể hiểu biết, nên việc ác càng thêm tăng trưởng, sanh ra điều sanh tử thối tha bất tịnh; Hiền thánh quở trách, kẻ trí xa lìa. Ta nói những kẻ ấy chẳng thể nào giải thoát được các thứ tội lỗi sanh già bệnh chết v.v…
Long Cát Tường hỏi:
- Thưa Tôn giả! Đối với pháp, làm sao có thể như thật biết?
Diệu Cát Tường đáp:
- Với những kẻ có khả năng dùng tâm không phân biệt, tùy thuận xa lìa, hướng tới xa lìa, vào hẳn xa lìa, đối với pháp mới có khả năng như thật biết.
Long Cát Tường hỏi:
- Đối với việc huyễn, ai có thể xa lìa được?
Diệu Cát Tường đáp:
- Đối với việc huyễn, những người đó có thể xa lìa.
Bấy giờ, Thiện Hiện đi đến chỗ ấy hỏi:
- Hai Đại sĩ luận việc gì vậy?
Diệu Cát Tường hỏi vặn lại:
- Đại đức! Nay nói pháp nào gọi là Đại sĩ? Chúng tôi chẳng thấy có một chút pháp nào có thể gọi là Đại sĩ mà cùng luận nói. Đại Thánh Pháp Vương cũng chưa từng nói có chút thật pháp gọi là Đại sĩ. Các pháp như tiếng vang, đều chẳng chơn thật. Tiếng vang ấy nào có đàm luận gì!
Sau khi nghe lời ấy, cụ thọ Thiện Hiện nhập vào môn Tam-ma-địa vô sở đắc, chừng giây lát, rồi từ định xuất, chấp tay cung kính hướng về rừng Thệ-đa nói như vầy:
- Con nay quy y những điều mà Phật đã chứng, đã thuyết, pháp ấy rất sâu xa, vi diệu, vắng lặng, khó thấy khó biết, chẳng thể nghĩ bàn, vượt cảnh giới tư duy, trừ hẳn chấp thủ, dứt các ràng buộc. Diệu pháp như thế chẳng thể nghĩ bàn, khiến các hữu tình nghe được lợi ích an vui. Như các Bồ-tát đã được bất thối chuyển, Mạn-thù-thất-lợi làm thượng thủ, cho đến hoặc có các chúng Bồ-tát mới phát tâm hướng tới đại Bồ-đề, đều cùng ở trong pháp sâu xa đây, lần hồi cùng nhau đàm luận việc ấy.
Diệu Cát Tường nói:
- Đại đức! Phải biết trong đây không có kẻ thân, không phải không có kẻ thân, cũng không có mê lầm, chẳng có kẻ mê lầm. Lại không có việc lần hồi cùng nhau đàm luận. Vì sao? Vì không có một chút pháp nào cùng với một chút pháp nào làm thân hay oán... Vì sao? Vì tất cả pháp vô sở hữu.
Cụ thọ Thiện Hiện lại hỏi:
- Khi nãy thấy hai Đại sĩ cùng luận pháp sâu xa, vì sao nói không có việc đàm luận?
Diệu Cát Tường hỏi lại:
- Đại đức có nghe nói huyễn sĩ, cảnh mộng, tiếng vang, ảnh tượng, quáng nắng, ánh sáng, biến hóa và thành Tầm hương lần hồi cùng luận nghĩa pháp sâu xa chăng?
- Chẳng nghe.
Diệu Cát Tường nói:
- Các pháp như huyễn, như cảnh mộng, như tiếng vang…, sao có thể nói thấy đàm luận cùng nhau? Lẽ nào có việc huyễn sĩ nghe Phật biến hóa nói pháp nghĩa sâu xa, mà tin hiểu thọ trì, nắm giữ tướng, suy nghĩ danh thân…?
Nghe nói vậy, ngay chỗ đó Thiện Hiện nhập Diệt định.
Lúc đó, Xá-lợi Tử đến hỏi Diệu Cát Tường:
- Thưa Đại sĩ! Đại sĩ có biết Thiện Hiện đã vào những định nào không?
Diệu Cát Tường đáp:
- Thưa Xá-lợi Tử! Đại đức Thiện Hiện chẳng trái một chút với pháp, do đó thường vào những định chẳng trái với pháp: định Vô sở trụ, định Vô y pháp, định Vô chấp tạng, định Hại chấp tạng. Trong đây chẳng trụ có lời có nói, có đến có đi, có đứng có nằm. Vì sao? Vì Đại đức Thiện Hiện tin hiểu tự tánh các pháp đều Không, bất khả đắc vậy.
Xá-lợi Tử lại hỏi:
- Các pháp lấy gì làm tánh?
Diệu Cát Tường đáp:
- Các pháp đều lấy vô tánh làm tánh. Vô tánh như thế cũng bất khả đắc.
Ngay lúc ấy Thiện Hiện xuất định. Diệu Cát Tường thúc:
- Giờ ăn sắp đến, nên mau vào thành, kinh hành khất thực!
Thiện Hiện nói:
- Đại sĩ nên biết! Tôi nay chẳng vào thành khất thực nữa. Vì sao? Vì tôi đã xa lìa tất cả tưởng thành ấp, xóm làng; cũng đã xa lìa tưởng các sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Diệu Cát Tường hỏi:
- Đại đức Thiện Hiện! Nếu đã xa lìa tất cả tưởng, thì vì sao nay còn có đến, đi, qua, lại?
Thiện Hiện gạn lại:
- Như Lai biến hóa, sao nay lại có các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức…? Vì sao nay có đến đi, qua lại, co dũi, ngó xem?
Diệu Cát Tường đáp:
- Hay thay, hay thay! Đại đức Thiện Hiện! Đại đức là chơn tử của Phật! Cho nên, Như Lai thường nói Thiện Hiện là người được trụ Vô tránh tối thượng đệ nhất.
Lại nói:
- Đại đức! Thôi, gác qua việc này, tôi muốn vào thành tuần hành khất thực. Sau khi dùng cơm xong, đến chỗ Như Lai, tôi sẽ phụng thỉnh, đãi các Đại đức một bữa ăn đặc biệt hiếm có, khiến được thiện lợi!
Xá-lợi Tử hỏi:
- Nay vì chúng tôi, Đại sĩ đãi những thức ăn gì?
Diệu Cát Tường đáp:
- Đại đức! Tôi đãi thức ăn chẳng thể cắt khúc chia cục, chẳng thể nếm ngậm nhai nuốt, chẳng phải hương vị xúc, chẳng nhiếp thuộc ba cõi, cũng chẳng phải không ràng buộc. Đại đức nên biết, thức ăn mầu nhiệm như thế là thức ăn của Như Lai, chứ chẳng phải thức ăn khác.
Xá-lợi Tử nói:
- Nay chúng tôi nghe Đại sĩ nói tên thức ăn hiếm có này đều đã no đủ, huống nữa là được ăn thật.
Diệu Cát Tường nói:
- Thức ăn của tôi nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn đều không thể thấy.
Bấy giờ, Thiện Hiện và Xá-lợi Tử nghe lời thành thật như thế liền nhập vào Diệt định.
Bồ-tát Thiện Tư hỏi Diệu Cát Tường:
- Hai thượng nhân đây nay ăn những thức ăn gì? Vào những định gì?
Diệu Cát Tường đáp:
- Hai Tôn giả này ăn thức ăn vô lậu, vào định vô sở y, vô tạp nhiễm. Những ai ăn thức ăn này, trụ định này thì hoàn toàn không còn ăn thức ăn của ba cõi nữa.
Thiện Hiện và Xá-lợi Tử lại xuất định, cùng Diệu Cát Tường và các chúng Bồ-tát, Thanh văn… vui mừng thăm hỏi lẫn nhau, rồi đồng đi vào thành, tùy ý tuần hành khất thực.
Cụ thọ Thiện Hiện đi đến một nhà trống vắng, đứng lặng lẽ. Có người nữ cận sự thấy hỏi:
- Đại đức đứng đây muốn điều gì?
Thiện Hiện đáp:
- Cô phải biết, vì khất thực nên tôi đến đứng đây.
Nữ cận sự hỏi:
- Thánh giả Thiện Hiện! Nay đối với tưởng ăn, ngài chưa biết khắp sao?
Thiện Hiện đáp:
- Từ xưa đến nay, có bao nhiêu tưởng ăn, tôi đều đã biết khắp. Vì sao? Vì tất cả tưởng ăn trước giữa sau đều tự nhiên, Không.
Nữ cận sự nói:
- Dạ phải! Thánh giả nên đưa tay ra, con sẽ dâng cơm.
Cụ thọ Thiện Hiện bèn đưa tay ra.
Nữ cận sự hỏi:
- Thánh giả Thiện Hiện! Tay A-la-hán thế này ư?
Thiện Hiện đáp:
- Tay A-la-hán chẳng phải thấy được, cũng chẳng thể đưa ra. Ví như huyễn sĩ hỏi huyễn sĩ kia rằng: “Cái gì gọi là tay huyễn sĩ? Tôi nay muốn thấy, xin đưa ra cho.” Cô phải biết! Tay của huyễn sĩ kia có thể thấy và có thể đưa ra được sao?
Nữ cận sự nói:
- Thưa Đại đức! Chẳng thể thấy được.
Thiện Hiện nói:
- Đúng vậy. Này cô! Đức Phật nói tất cả đều như huyễn, đều Không, nên chẳng thể nói tay A-la-hán là thật, có thể thấy và có thể đưa ra được.
Khi nghe nói như thế, người nữ kia liền chẳng thấy tay Thiện Hiện, bàn tay biến mất thật lâu làm cho người nữ kia cúng vật thực không được, muốn để vào bát, bát cũng không hiện. Nữ cận sự kia xem quanh thân Thiện Hiện, tìm khắp chẳng thấy tay đâu. Trong chớp mắt thân biến mất luôn. Nữ cận sự cung kính khen Thiện Hiện:
- Hay thay, hay thay! Quả là bậc Thánh mới làm được như thế! Thân chẳng trụ, tướng cũng chẳng hiện, thật là hiếm có. Vậy nên, Như Lai thường nói: “Thiện Hiện được trụ Vô tránh tối thượng đệ nhất.”
Ngay khi ấy, nữ cận sự liền dứt hẳn ngã kiến, được quả Dự lưu.
Cụ thọ Thiện Hiện bèn hiện thân ra, khen rằng:
- Hay thay, hay thay! Cô đã thành nghiệp trượng phu như thế.
Bấy giờ, người nữ vui mừng hớn hở, đem thức ăn dâng cho Thiện Hiện. Thiện Hiện nhận rồi, trở về dùng bữa.
Diệu Cát Tường cùng các chúng Bồ-tát, Thanh văn v.v… dùng cơm xong, đồng đến chỗ Phật đảnh lễ chân Ngài, đi nhiễu bên phải ba vòng, lui ngồi một bên, đem việc vừa rồi trình bày đầy đủ lên Thế Tôn.
Như Lai nghe những vị ấy thuật lại, bèn khen rằng:
- Hay thay, hay thay! Các ông mới thành tựu việc thù thắng đó, phải biết đều là thần lực của Phật.
Cụ thọ Thiện Hiện cũng đem sự việc vừa mới giáo hóa nữ cận sự được sơ quả, thưa lên Phật. Thế Tôn cũng khen ngợi Thiện Hiện phương tiện khéo giỏi.
Diệu Cát Tường bảo Thiện Hiện:
- Nữ cận sự kia đã dứt ngã kiến, tức phi ngã kiến, cho nên Như Lai gọi là ngã kiến. Như vậy, Đại đức! Những ai phát tâm hướng đến Bồ-tát thừa, đối với tất cả pháp, nên biết, nên thấy, nên tin hiểu sâu.
Tin hiểu thế nào? Nghĩa là tin hiểu đúng như pháp chẳng trụ nơi tưởng. Vì sao vậy? Đại đức Thiện Hiện! Vì kẻ tưởng pháp tức chẳng tưởng pháp, nên Như Lai gọi là tưởng pháp.
Đại đức nên biết! Giả sử Đại Bồ-tát đem bảy báu đầy ắp trong vô số thế giới mà bố thí; lại có thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa đây, cho đến chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, vì người khác chỉ dạy, mà không có tưởng chỉ dạy, thì thiện nam, thiện nữ v.v… này được phước báo nhiều hơn phước trước.
Bấy giờ, Thế tôn nói kệ rằng:
Tất cả pháp hữu vi
Như sao nhòa, đèn huyễn,
Sương, bọt, mộng, chớp, mây,
Nên quán sát như thế.
Khi đức Bạc-già-phạm thuyết kinh này rồi, tất cả chúng hội Bồ-tát và các Bí-sô, thế gian, trời, người, A-tố-lạc… nghe Phật nói đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành. Quyển thứ 576
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.108.99 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.