Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 577 »»

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 577

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.63 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.79 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh này có 600 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 566 | 567 | 568 | 569 | 570 | 571 | 572 | 573 | 574 | 575 | 576 | 577 | 578 | 579 | 580 | 581 | 582 | 583 | 584 | 585 | 586 | 587 | 588 |
Việt dịch: Thích Trí Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

HỘI THỨ 9
PHẦN KIM CƯƠNG NĂNG ĐOẠN

Tôi nghe như vầy:
Một thuở, đức Bạc-già-phạm trụ trong vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ-đa, thành Thất-la-phiệt, cùng chúng đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, vào buổi sớm, đức Bạc-già-phạm chỉnh sửa y phục, đắp y, bưng bát đi vào thành lớn Thất-la-phiệt khất thực. Đi khất thực trong thành xong, đức Bạc-già-phạm trở về lại bổn xứ, dùng cơm, thu dọn y bát, rửa chân; như thường lệ, sau khi ăn xong, Ngài trải tòa, ngồi kiết già, thân thẳng nguyện chánh, trụ niệm trước mặt.
Khi đó, các Bí-sô đi tới chỗ Phật; đến nơi, đảnh lễ chân Ngài, đi nhiễu bên phải ba vòng, lui ngồi một bên. Cụ thọ Thiện Hiện cũng ngồi trong chúng hội ấy.
Trong chúng, cụ thọ Thiện Hiện từ chỗ ngồi đứng dậy, chệch y vai phải, quì gối phải chấm đất, chấp tay cung kính mà bạch Phật:
- Hy hữu thay thưa đức Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo dùng sự nhiếp thọ tối thắng nhiếp thọ các Đại Bồ-tát, cho đến đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đem sự phó chúc tối thắng phó chúc cho các Đại Bồ-tát.
Bạch Thế Tôn! Những ai phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, nên trụ như thế nào? Nên tu hành như thế nào? Nên nhiếp phục tâm như thế nào?
Đức Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:
- Hay thay, hay thay! Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể dùng sự nhiếp thọ tối thắng nhiếp thọ các Đại Bồ-tát, cho đến đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có thể đem sự phó chúc tối thắng phó chúc cho các Đại Bồ-tát. Vậy nên, Thiện Hiện! Ông phải lắng nghe, thật khéo tác ý, Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói. Này Thiện Hiện! Những ai phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa thì nên trụ như thế, tu hành như thế, nhiếp phục tâm như thế!
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con nguyện muốn nghe.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Những ai phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, thì nên phát tâm như vầy: Có bao nhiêu loài hữu tình, hữu tình được độ, bị độ, như sanh bằng trứng, hoặc sanh bằng thai, hoặc sanh từ sự ẩm ướt, hoặc sanh từ sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, cho đến hữu tình giới được tạo tác, bị tạo tác. Tất cả các hữu tình như vậy, ta đều giúp nhập vào cõi Vô dư y Niết-bàn vi diệu. Tuy đã độ vô lượng hữu tình đều được diệt độ như thế, song không có hữu tình nào được diệt độ. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu các Đại Bồ-tát còn tưởng chuyển hữu tình thì không thể gọi là Đại Bồ-tát. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì các Đại Bồ-tát chẳng nên nói có tưởng chuyển hữu tình; như vậy tưởng chuyển mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la (người), ý sanh, thiếu niên, tác giả, thọ giả, phải biết cũng thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì không có một chút pháp nào gọi là người phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát chẳng trụ nơi việc hành bố thí, hoàn toàn vô trụ mà hành bố thí. Chẳng trụ nơi sắc mà hành bố thí; chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà hành bố thí.
Thiện Hiện! Như vậy, Đại Bồ-tát chẳng trụ tướng tưởng mà hành bố thí. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu Đại Bồ-tát hoàn toàn không trụ mà hành bố thí, thì số phước đức kia chẳng thể tính lường.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Hư không phương Đông tính lường được không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không được.
- Này Thiện Hiện! Như vậy phương Nam, Tây, Bắc, trên, dưới, bốn góc, tất cả hư không thế giới khắp mười phương tính lường được không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không được.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy. Nếu Đại Bồ-tát hoàn toàn không trụ mà hành bố thí, thì số phước đức kia cũng không thể tính lường.
Thiện Hiện! Như vậy Bồ-tát chẳng trụ tướng tưởng mà hành bố thí.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy các tướng đầy đủ để quán Như Lai chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng được. Chẳng thể lấy các tướng đầy đủ để quán Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải các tướng đầy đủ.
Phật lại bảo cụ thọ Thiện Hiện:
- Thiện Hiện! Các tướng đầy đủ đều là hư dối, cho đến chẳng phải tướng đầy đủ đều chẳng phải hư dối. Như vậy, nên quán Như Lai bằng tướng chẳng phải tướng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Sau đời đương lai hậu thế, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, thời phần chuyển, có hữu tình nào nghe câu kinh điển nói sắc như thế, mà sanh thật tưởng chăng?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Chớ nói rằng, sau đời đương lai hậu thế, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, có hữu tình nào nghe câu kinh điển nói sắc như thế, mà sanh thật tưởng chăng? Này Thiện Hiện! Sau đời đương lai hậu thế, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, có Đại Bồ-tát đầy đủ giới, đầy đủ đức, đầy đủ tuệ. Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy chẳng phải ở một chỗ Phật vâng thờ cúng dường, chẳng phải ở một chỗ Phật trồng các căn lành. Lại nữa Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy chẳng phải ở chỗ một trăm ngàn Phật vâng thờ cúng dường, chẳng phải ở chỗ một trăm ngàn Phật trồng các căn lành, được nghe câu kinh điển nói sắc như thế nên được một tâm tịnh tín.
Thiện Hiện! Như lai dùng Phật trí biết vị ấy. Như Lai dùng Phật nhãn thấy vị ấy. Thiện Hiện! Như Lai rõ biết vị ấy. Tất cả hữu tình sẽ sanh vô lượng, vô số phước đức, sẽ nắm giữ vô lượng, vô số phước đức. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát ấy không có tưởng chuyển ngã, hữu tình, mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh, thiếu niên, tác giả, thọ giả.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy không có tưởng chuyển pháp, không có tưởng chuyển phi pháp, không có tưởng chuyển cũng không phải không có tưởng chuyển. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu Đại Bồ-tát có tưởng chuyển pháp, thì vị ấy liền có chấp ngã, chấp hữu tình, chấp mạng giả, chấp Bổ-đặc-già-la… Nếu có tưởng chuyển phi pháp thì vị ấy cũng có chấp ngã, chấp hữu tình, chấp mạng giả, chấp Bổ-đặc-già-la… Vì sao?
Thiện Hiện! Vì không thể nắm giữ pháp, cũng không thể nắm giữ phi pháp. Cho nên, Như Lai mật ý nói pháp môn dụ như chiếc bè. Này những người trí, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.
Phật lại bảo cụ thọ Thiện Hiện:
- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chăng? Có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật đã nói ấy, không có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng không có chút pháp nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói ra. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì pháp mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng, đã nói, đã tư duy đều không thể nắm giữ, không thể tuyên thuyết, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì sao? Vì các Hiền Thánh, chúng sanh đều là sự hiển hiện của pháp vô vi.
Phật bảo:
- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào đem bảy báu đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà bố thí, thì thiện nam tử, hoặc thiện nữ này nhờ nhân duyên đây được số phước nhiều chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Nhờ nhân duyên đây nên thiện nam, hoặc thiện nữ này được số phước ấy rất nhiều. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì số phước đức mà Như Lai nói là chẳng phải phước đức, cho nên Như Lai nói là số phước đức.
Phật lại bảo Thiện Hiện:
- Thiện Hiện! Nếu có thiện nam, hoặc thiện nữ đem bảy báu đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí, và nếu có thiện nam, hoặc thiện nữ đối với pháp môn này, cho đến bốn câu kệ mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì do nhân duyên đây số phước được nhiều hơn trước vô lượng, vô số. Vì sao? Vì Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều từ kinh đây mà ra, chư Phật Thế Tôn đều sanh từ kinh đây. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì pháp chư Phật mà Như Lai nói là chẳng phải pháp chư Phật. Cho nên Như Lai nói là pháp chư Phật.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Các vị Dự lưu có nghĩ rằng: Ta chứng được quả Dự lưu không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Các vị Dự lưu không nghĩ rằng, ta chứng được quả Dự lưu. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì các vị Dự lưu không dự một chút pháp gì nên gọi là Dự lưu. Không dự sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi Dự lưu.
Bạch Thế Tôn! Nếu vị Dự lưu nghĩ như vầy: Ta chứng được quả Dự lưu, tức là vị ấy chấp ngã, hữu tình, mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la v.v…
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Các vị Nhất lai có nghĩ rằng: Ta chứng được quả Nhất lai không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Các vị Nhất lai không nghĩ rằng, ta chứng được quả Nhất lai. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì không có chút pháp nào để chứng tánh Nhất lai, nên gọi Nhất lai.
Phật bảo:
- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Các vị Bất hoàn có nghĩ rằng: Ta chứng được quả Bất hoàn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Các vị Bất hoàn chẳng nghĩ rằng, ta chứng được quả Bất hoàn. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì không có chút pháp nào để chứng tánh Bất hoàn, nên gọi là Bất hoàn.
Phật bảo:
- Thiện hiện! Ý ông nghĩ sao? Các vị A-la-hán có nghĩ rằng: Ta chứng được quả A-la-hán không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Các vị A-la-hán chẳng nghĩ rằng, ta chứng được tánh A-la-hán. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì không có chút pháp nào gọi là A-la-hán, do nhân duyên đây nên gọi là A-la-hán.
Bạch Thế Tôn! Nếu A-la-hán khởi nghĩ như vầy: Ta chứng được tánh A-la-hán, tức là chấp ngã, hữu tình, mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la… Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói: Con được trụ Vô tránh tối thượng bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Dù con là A-la-hán lìa hẳn tham dục, song con chưa từng khởi nghĩ như vầy: Ta được A-la-hán lìa hẳn tham dục.
Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ rằng: Ta được A-la-hán lìa hẳn tham dục, thì Như Lai chẳng nên nói với con rằng: Thiện nam tử Thiện Hiện đắc trụ Vô tránh tối thượng bậc nhất. Vì hoàn toàn vô trụ, nên Như Lai nói là Vô tránh trụ.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Thuở xưa, Như Lai ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có nắm giữ chút pháp nào không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Thuở xưa, Như Lai ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hoàn toàn không có chút pháp nào để nắm giữ.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu có Bồ-tát nói lời như vầy: Ta sẽ thành tựu công đức trang nghiêm cõi Phật. Bồ-tát nói như thế là chẳng phải nói lời chơn thật. Vì sao? Thiện Hiện! Vì công đức trang nghiêm cõi Phật ấy, Như Lai nói chẳng phải trang nghiêm. Cho nên Như Lai nói là công đức trang nghiêm cõi Phật.
Vậy nên, Thiện Hiện! Bồ-tát nên sanh tâm hoàn toàn vô trụ như vậy. Nên sanh tâm chẳng trụ sắc, nên sanh tâm chẳng trụ phi sắc. Nên sanh tâm chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp; nên sanh tâm chẳng trụ phi thanh, hương, vị, xúc, pháp. Hoàn toàn sanh tâm vô trụ như thế.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Như có người nam thân thể to lớn, giả sử sắc thân của vị ấy như núi chúa Diệu Cao. Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Thân thể của vị ấy có to lớn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế tôn! Thân thể của vị ấy rất to lớn. Bạch Thiện Thệ! Rất to lớn. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì thân thể của vị ấy, Như Lai nói là chẳng phải thân thể của vị ấy, nên gọi là thân thể. Chẳng vì thân thể ấy mà gọi là thân thể.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Cho đến có bao nhiêu số cát trong sông Hằng, giả sử có số sông Hằng ngang với số cát như thế, thì số cát của các sông Hằng này chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Nhiều lắm. Các con sông Hằng còn nhiều vô số, huống nữa là số cát ấy.
Phật nói:
- Thiện Hiện! Ta nay bảo ông, khai ngộ cho ông. Giả sử có thiện nam, hoặc thiện nữ đem bảy báu đẹp đựng đầy khắp thế giới nhiều như số cát sông Hằng…, dâng cúng cho đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Thiện nam, hoặc thiện nữ này do nhân duyên đây được số phước nhiều chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Nhiều lắm. Thiện nam, hoặc thiện nữ này nhờ nhân duyên đây được số phước ấy rất nhiều.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu đem bảy báu đựng đầy khắp thế giới nhiều như số cát sông Hằng, dâng cúng cho đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, rồi thiện nam, hoặc thiện nữ nào đối với pháp môn đây, cho đến bốn câu kệ mà thọ trì đọc tụng, thông suốt rốt ráo và vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì do nhân duyên đây, được số phước rất nhiều hơn trước vô lượng, vô số.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu địa phương nào đối với pháp môn này, cho đến vì người tuyên thuyết, chỉ bày bốn câu kệ thì địa phương đó còn được thế gian, các trời, người, A-tố-lạc… cúng dường như cúng dường linh miếu thờ Phật, huống nữa là hữu tình nào hay đối với pháp môn này biên chép, thọ trì đọc tụng đầy đủ rốt ráo, thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì hữu tình như thế thành tựu công đức tối thắng hiếm có. Địa phương ấy, chỗ Đại sư ở, mỗi mỗi đều được các đồng phạm hạnh có trí tôn trọng.
Đức Phật nói xong, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Pháp môn này nên gọi tên gì? Con phải phụng trì như thế nào?
Phật bảo Thiện Hiện rằng:
- Cụ thọ! Pháp môn đây gọi là Năng đoạn kim cương Bát-nhã ba-la-mật-đa. Danh tự như thế, ông nên phụng trì. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy, Như Lai nói là chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên Như Lai gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có chút pháp nào Như Lai có thể nói chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng có. Không có chút pháp nào Như Lai có thể nói.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Cho đến vi trần đại địa trong ba ngàn đại thiên thế giới nhiều chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Vi trần đại địa này rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Vi trần đại địa, Như Lai nói chẳng phải vi trần, cho nên Như Lai gọi là vi trần đại địa. Các thế giới, Như Lai nói chẳng phải thế giới, cho nên Như Lai gọi là thế giới.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể quán Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác bằng ba mươi hai tướng Đại sĩ phu không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Chẳng thể quán Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác bằng ba mươi hai tướng Đại sĩ phu. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì ba mươi hai tướng Đại sĩ phu, Như Lai nói là chẳng phải tướng, cho nên Như Lai gọi là ba mươi hai tướng Đại sĩ phu.
Phật lại bảo Thiện Hiện:
- Này Thiện Hiện! Giả sử có thiện nam, hoặc thiện nữ, cứ mỗi ngày là xả thí thân thể mình nhiều như số cát sông Hằng. Xả thí thân mình như vậy trải qua kiếp số nhiều như số cát sông Hằng. Lại có thiện nam, hoặc thiện nữ đối với pháp môn đây, cho đến bốn câu kệ, thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý. Do nhân duyên đây nên được phước rất nhiều hơn trước vô lượng, vô số.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện nghe oai lực của pháp, thương khóc rơi lệ, cúi người lau nước mắt rồi thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật là hiếm có! Bạch Thiện Thệ! Rất là hiếm có! Nay Như Lai đã nói ra pháp môn này, làm các nghĩa lợi cho những kẻ phát tâm hướng tới Tối thượng thừa, làm các nghĩa lợi cho những kẻ phát tâm hướng tới Tối thắng thừa.
Bạch Thế Tôn! Từ khi sanh trí tuệ đến nay, con chưa từng được nghe pháp môn như thế.
Bạch Thế Tôn! Nếu hữu tình nào nghe thuyết kinh điển thâm sâu như thế mà sanh tưởng chơn thật, thì phải biết hữu tình này thành tựu sự tối thắng hiếm có. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì các tưởng chơn thật, kẻ tưởng chơn thật, Như Lai nói là chẳng phải tưởng, cho nên Như Lai gọi là tưởng chơn thật.
Bạch Thế Tôn! Nay con nghe pháp môn như thế, lãnh ngộ tin hiểu, nhưng chưa là hiếm có. Đời đương lai hậu thế, hậu thời, hầu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, nếu hữu tình nào đối với pháp môn thâm sâu như thế mà lãnh ngộ tin hiểu, thọ trì đọc tụng, thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì phải biết hữu tình này thành tựu sự tối thắng hiếm có. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì các hữu tình ấy không có tưởng ngã, hữu tình, mạng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh, thiếu niên, tác giả, thọ giả. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì các tưởng ngã tức là chẳng phải tưởng, các tưởng hữu tình, tưởng mạng giả, tưởng sĩ phu, tưởng Bổ-đặc-già-la, tưởng ý sanh, tưởng thiếu niên, tưởng người làm, tưởng người thọ tức là chẳng phải tưởng. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn lìa tất cả tưởng.
Bấy giờ Thế Tôn bảo cụ thọ Thiện Hiện:
- Đúng vậy, đúng vậy. Thiện Hiện! Nếu các hữu tình nghe kinh điển thâm sâu như thế, mà không kinh, không sợ, không hoảng hốt, thì phải biết hữu tình ấy thành tựu sự tối thắng hiếm có. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Như Lai nói Ba-la-mật-đa tối thắng là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thiện Hiện! Ba-la-mật-đa tối thắng mà Như Lai đã nói, được vô lượng chư Phật Thế Tôn cùng tuyên thuyết, nên gọi là Ba-la-mật-đa tối thắng. Như Lai nói Ba-la-mật-đa tối thắng tức chẳng phải Ba-la-mật-đa, cho nên Như Lai gọi là Ba-la-mật-đa tối thắng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như Lai nói nhẫn nhục Ba-la-mật-đa tức chẳng phải Ba-la-mật-đa, cho nên Như Lai gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật-đa. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì đời quá khứ xưa, Ta từng bị vua Yết-lợi cắt tay chân, xẻo thịt. Khi ấy, Ta hoàn toàn không có tưởng ngã, hoặc tưởng hữu tình, hoặc tưởng mạng giả, hoặc tưởng sĩ phu, hoặc tưởng Bổ-đặc-già-la, hoặc tưởng ý sanh, hoặc tưởng thiếu niên, hoặc tưởng tác giả, hoặc tưởng thọ giả. Ta đều không có tưởng, cũng chẳng phải không có tưởng. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì lúc đó nếu Ta có tưởng ngã tức là có tưởng giận. Nếu Ta có tưởng hữu tình, tưởng mạng giả, tưởng sĩ phu, tưởng Bổ-đặc-già-la, tưởng ý sanh, tưởng thiếu niên, tưởng người làm, tưởng người thọ, tức là có tưởng giận. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì Ta nhớ trong quá khứ năm trăm năm, từng làm tiên nhơn, hiệu là Nhẫn Nhục. Bấy giờ, Ta hoàn toàn không có tưởng ngã, không có tưởng hữu tình, không có tưởng mạng giả, không có tưởng sĩ phu, không có tưởng Bổ-đặc-già-la, không có tưởng ý sanh, không có tưởng thiếu niên, không có tưởng tác giả, không có tưởng thọ giả. Ta đều không có tưởng, cũng chẳng phải không có tưởng.
Thiện Hiện! Đại Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên xa lìa tất cả tưởng, chẳng trụ nơi sắc mà sanh tâm, chẳng trụ phi sắc mà sanh tâm; chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm; chẳng trụ phi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Hoàn toàn vô trụ mà sanh tâm. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì các chỗ trụ chẳng phải là chỗ trụ. Do đó, Như Lai nói các Bồ-tát nên vô trụ mà hành bố thí. Chẳng nên trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà hành bố thí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát vì các hữu tình mà làm nghĩa lợi, nên phải xả bỏ bố thí như thế. Vì sao?
Thiện hiện! Vì các tưởng hữu tình tức là chẳng phải tưởng. Tất cả hữu tình, Như lai nói chẳng phải hữu tình.
Thiện Hiện! Như Lai là người nói lời thật, người nói lời phải, người nói lời đúng, người nói lời chẳng khác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các pháp mà Như Lai hiện tiền đã chứng, hoặc đã nói, hoặc đã nghĩ, thì ở trong ấy chẳng phải chơn thật, cũng chẳng phải hư dối.
Thiện Hiện! Ví như một người vào nơi nhà tối thì không thấy gì hết. Phải biết Bồ-tát nếu rơi vào việc, nghĩa là rơi vào việc mà hành bố thí, cũng lại như vậy.
Thiện Hiện! Ví như người mắt sáng, khi đêm đã tàn, mặt trời chiếu sáng, thì thấy hình sắc mọi vật. Phải biết Bồ-tát chẳng rơi vào việc, nghĩa là chẳng rơi vào việc mà hành bố thí, cũng lại như vậy.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ đối với pháp môn đây mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo và vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì Như Lai dùng Phật trí biết rõ người này, Như Lai dùng Phật nhãn thấy rõ người này, Như lai độ người này. Tất cả hữu tình như thế sẽ được vô lượng phước đức.
Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử thiện nam, hoặc thiện nữ nào, vào phần đầu của ngày, đem thân thể mình nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí; vào phần giữa của ngày, lại đem thân thể mình nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí; vào phần cuối của ngày cũng đem thân thể mình nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí. Bố thí như thế trải qua vô số trăm ngàn kiếp, nếu có hữu tình nào nghe pháp môn như thế mà không phỉ báng, thì do nhân duyên đây sẽ được số phước nhiều hơn trước vô lượng, vô số; huống nữa là hay đối với pháp môn như thế mà biên chép, thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo đầy đủ, và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý.
Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp môn như thế chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể cân lường. Phải nên mong cầu, cảm được quả dị thục không thể nghĩ bàn.
Thiện Hiện! Như Lai tuyên nói pháp môn như thế vì muốn lợi ích các hữu tình hướng tới Tối thượng thừa vậy.
Thiện Hiện! Nếu có ai đối với pháp môn đây mà thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì người này được Như Lai dùng Phật trí biết rõ, được Như lai dùng Phật nhãn thấy rõ, được Như Lai độ người này. Tất cả hữu tình như thế thành tựu vô lượng phước đức, đều sẽ thành tựu vô biên phước đức chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể cân lường.
Thiện Hiện! Tất cả hữu tình như thế, vai họ mang gánh Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Như Lai. Vì sao? Thiện Hiện! Vì pháp môn như thế chẳng phải các hàng hạ liệt có thể tin hiểu. Pháp mà hữu tình nghe hiểu, chẳng phải các ngã kiến, chẳng phải các hữu tình kiến, chẳng phải các mạng giả kiến, chẳng phải các sĩ phu kiến, chẳng phải các Bổ-đặc-già-la kiến, chẳng phải các ý sanh kiến, chẳng phải các thiếu niên kiến, chẳng phải các tác giả kiến, chẳng phải các thọ giả kiến có thể nghe hiểu. Các loại này, nếu có thể thọ trì đọc tụng, thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì không có lẽ ấy!
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu địa phương nào nghe được kinh điển đây, thì địa phương ấy được thế gian các trời, người, A-tố-lạc… cúng dường, kính lễ, đi nhiễu quanh bên phải, như linh miếu thờ Phật.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như có thiện nam, hoặc thiện nữ đối với kinh điển đây, thọ trì, đọc tụng thông suốt rốt ráo, và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, mà bị khinh chê hủy phạm, mắng nhiếc chê bai, thì vì sao? Thiện Hiện! Vì các hữu tình này đời trước đã gây các nghiệp bất tịnh, lẽ ra rơi vào cõi ác, nhưng vì trong hiện pháp bị người khinh chê hủy phạm, nên nghiệp bất tịnh đời trước đã gây thảy đều tiêu diệt, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao?
Thiện Hiện! Ta nhớ thuở quá khứ xa xưa, hơn vô số kiếp, trước thời đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trước thời đó nữa, Ta từng gặp tám mươi bốn ức trăm ngàn chư Phật, Ta đều vâng thờ. Đã vâng thờ rồi đều không trái phạm.
Thiện Hiện! Đối với chư Phật Thế Tôn như thế, Ta đều được vâng thờ. Đã vâng thờ rồi đều không trái phạm. Sau đời đương lai, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, nếu hữu tình nào đối với kinh điển đây, thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì này Thiện Hiện! Số phước đời trước của Ta so với số phước đây thì trăm phần không bằng được, như vậy cho đến ngàn phần, hoặc trăm ngàn phần, hoặc ức trăm ngàn phần, hoặc hơn ức trăm ngàn phần, hoặc số phần, hoặc kế phần, hoặc toán phần, hoặc dụ phần, hoặc cực số phần cũng chẳng bằng được.
Thiên Hiện! Nếu Ta nói đầy đủ, chính ngay khi ấy, số phước mà thiện nam, hoặc thiện nữ này được, cho đến số phước mà thiện nam, hoặc thiện nữ này thọ trì, thì các hữu tình nghe được bèn mê ngất, tâm nghi điên cuồng.
Cho nên, Thiện Hiện! Như Lai tuyên thuyết pháp môn như thế chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính lường. Hãy nên mong cầu, quả đạt được chẳng thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Những người phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa nên an trụ như thế nào? Nên tu hành như thế nào? Nhiếp phục tâm như thế nào?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Những ai phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, phải nên phát tâm như vầy: Nơi cõi Vô dư y diệu Niết bàn, ta đều làm cho tất cả hữu tình vào Niết-bàn. Mặc dù độ tất cả hữu tình đều được diệt độ, song không thấy có hữu tình nào được diệt độ. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì nếu các Đại Bồ-tát còn tưởng hữu tình, thì không gọi là Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát chẳng nên nói rằng chuyển tưởng hữu tình; như vậy, chuyển tưởng mạng giả, tưởng sĩ phu, tưởng Bổ-đặc-già-la, tưởng ý sanh, tưởng thiếu niên, tưởng tác giả, tưởng thọ giả, phải biết cũng vậy. Vì sao? Thiện Hiện! Vì không có một chút pháp nào gọi là người hướng tới Bồ-tát thừa.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Khi xưa, ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có chút pháp nào mà Như Lai chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chăng?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, thì khi xưa ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Như Lai không có chút pháp nào gọi là chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:
- Đúng vậy, đúng vậy. Thiện Hiện! Xưa kia, ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Như Lai không có chút pháp nào chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Thiện Hiện! Vì khi xưa ở chỗ đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nếu Như Lai có chút pháp nào chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chámh Đẳng Giác chẳng nên thọ ký cho Ta rằng: “Thiện nam tử! Vào đời đương lai, ngươi tên là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác”.
Thiện Hiện! Vì Như Lai không có chút pháp nào để chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho nên đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mới thọ ký cho Ta rằng: “Thiện nam tử! Vào đời đương lai, ngươi tên là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác”. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì lời Như Lai tức là khái niệm chơn như chơn thật. Lời Như Lai tức là khái niệm pháp tánh vô sanh. Lời Như Lai tức là khái niệm dứt hẳn đạo lộ. Lời Như Lai tức là bất sanh rốt ráo. Vì sao?
Thiện Hiện! Nếu thật vô sanh tức là nghĩa tối thắng. Thiện Hiện! Nếu ai nói như vầy: “Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề”, thì phải biết lời này không chơn thật. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì người ấy huỷ báng Ta, nên khởi chấp chẳng thật. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì không có chút pháp nào mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Những pháp mà hiện tiền Như Lai đã chứng, hoặc đã nói, hoặc đã nghĩ, ở trong ấy chẳng đúng, chẳng dối. Cho nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp.
Thiện Hiện! Tất cả pháp, tất cả pháp ấy Như Lai nói chẳng phải tất cả pháp. Cho nên Như Lai nói là tất cả pháp.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ví như người nam có thân hình cao lớn.
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như Lai nói người nam có thân hình to lớn, tức là chẳng phải thân, cho nên gọi là thân hình to lớn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy. Nếu các Bồ-tát nói lời như vầy: “Ta phải diệt độ cho vô lượng hữu tình”, thì không gọi là Bồ-tát. Vì sao? Thiện Hiện! Vì có chút pháp nào gọi là Bồ-tát không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế đức Tôn! Không có. Không có chút pháp nào gọi là Bồ-tát.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Hữu tình, hữu tình ấy Như Lai nói chẳng phải hữu tình, nên gọi là hữu tình. Cho nên Như Lai nói tất cả pháp không có hữu tình, không có mạng giả, không có sĩ phu, không có Bổ-đặc-già-la...
Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát nói lời như vầy: “Ta phải thành tựu công đức trang nghiêm cõi Phật”, thì cũng nói như thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì công đức trang nghiêm cõi Phật, công đức trang nghiêm cõi Phật ấy Như Lai nói chẳng phải trang nghiêm. Cho nên Như Lai gọi là công đức trang nghiêm cõi Phật.
Thiện Hiện! Nếu các Bồ-tát đối với pháp vô ngã mà tin hiểu sâu xa thì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác gọi là Bồ-tát.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có nhục nhãn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có thiên nhãn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn không?
Thiện Hiện thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có tuệ nhãn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có pháp nhãn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có. Như Lai có Phật nhãn.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Cát trong sông Hằng, Như Lai nói là cát chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy. Như Lai nói là cát.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Giả sử trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, thì có số sông Hằng bằng với số cát như thế; cho đến trong vô số sông Hằng này có bao nhiêu số cát thì có bấy nhiêu thế giới. Các thế giới này chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Bạch đức Thiện Thệ! Đúng vậy. Các thế giới này rất nhiều.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Cho đến trong các thế giới ấy có vô số hữu tình, tâm loạn động của mỗi mỗi hữu tình ấy Ta đều biết hết. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tâm loạn động, tâm loạn động ấy, Như Lai nói chẳng phải loạn động. Cho nên Như Lai gọi là tâm loạn động. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào dùng bảy báu đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới đây, dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thì thiện nam, hoặc thiện nữ này nhờ nhân duyên đây được số phước chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Nhiều lắm.
Phật nói:
- Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy. Thiện nam tử, hoặc thiện nữ kia nhờ nhân duyên đây mà được lượng phước ấy rất nhiều. Vì sao? Thiện hiện! Vì nếu có phước đức thì Như Lai chẳng nói là phước đức.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể quán Như Lai bằng sắc thân viên thật không?
Thiện hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Chẳng thể quán Như Lai bằng sắc thân viên thật. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì sắc thân viên thật, sắc thân viên thật ấy Như Lai nói chẳng phải viên thật. Cho nên Như Lai gọi sắc thân viên thật.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không. Chẳng thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì các tướng đầy đủ, các tướng đầy đủ ấy Như Lai nói là chẳng phải tướng đầy đủ. Cho nên Như Lai gọi là các tướng đầy đủ.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Lẽ nào Như Lai nghĩ như vầy: Ta có nói pháp? Này Thiện Hiện! Nay ông chớ nên khởi quán như thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nếu nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Ta, vì chẳng thể nắm giữ được. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì việc nói pháp, việc nói pháp ấy không có pháp để đắc, nên gọi là thuyết pháp.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vào đời đương lai, hậu thế, hậu thời, hậu phần năm trăm năm, khi Chánh pháp sắp diệt, lúc thời phần chuyển, có hữu tình nào nghe nói pháp sắc loại như thế mà được thâm tín chăng?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Người đó chẳng phải hữu tình, chẳng phải chẳng hữu tình. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả hữu tình ấy, Như Lai nói chẳng phải hữu tình, nên gọi là tất cả hữu tình.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, thì không có chút pháp nào Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Đúng vậy, đúng vậy. Ở trong một chút pháp, không có không đắc, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Pháp này bình đẳng. Ở trong đó, hoàn toàn bình đẳng, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì không có tánh ngã, không có tánh hữu tình, không có tánh mạng giả, không có tánh sĩ phu, không có tánh Bổ-đặc-già-la…, bình đẳng như vậy, cho nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Tất cả pháp thiện, không có gì mà chẳng hiện chứng; tất cả pháp thiện, không có gì mà chẳng khéo biết. Thiện Hiện! Pháp thiện, pháp thiện ấy, Như Lai nói tất cả là chẳng phải pháp. Cho nên Như Lai gọi là pháp thiện.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào nhóm gom lượng bảy báu ngang bằng với ba ngàn đại thiên thế giới, đem bảy báu trong ấy như núi chúa Diệu Cao mà bố thí; lại có thiện nam, hoặc thiện nữ nào đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, cho đến bốn câu kệ, mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo, rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, như lý tác ý, thì Thiện Hiện! Số phước nói trước so với số phước đây, trăm phần không thể bằng, như vậy ngàn phần, hoặc trăm ngàn phần, hoặc trăm ức trăm ngàn phần, hoặc muôn ức trăm ngàn phần, hoặc số phần, hoặc kế phần, hoặc toán phần, hoặc dụ phần, hoặc cực số phần cũng không thể bằng.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Lẽ nào Như Lai khởi nghĩ như vầy: Ta phải độ thoát các hữu tình? Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì không có chút hữu tình nào được Như Lai độ.
Này Thiện Hiện! Nếu có hữu tình nào được Như Lai độ, thì Như Lai có chấp ngã, có chấp hữu tình, có chấp mạng giả, có chấp sĩ phu, có chấp Bổ-đặc-già-la... Thiện Hiện! Những sự chấp ngã ấy, Như Lai nói là chẳng phải chấp, nên gọi là chấp ngã…, chỉ những kẻ phàm phu ngu si mới cố chấp. Thiện Hiện! Kẻ phàm phu ngu si ấy, Như Lai nói là chẳng phải sanh, nên gọi là phàm phu ngu si.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật vừa nói, thì không thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Hay thay, hay thay! Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như lời ông nói, không thể quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ.
Thiện Hiện! Nếu quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ, thì Chuyển luân thánh vương tức là Như Lai? Cho nên, chẳng nên quán Như Lai bằng các tướng đầy đủ. Như vậy, nên quán Như Lai bằng các tướng chẳng phải tướng.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Ai dùng sắc quán Ta,
Dùng âm thanh tìm Ta,
Kẻ ấy hành tà đạo,
Chẳng thể thấy Ta được.
Nên quán pháp tánh Phật,
Tức Pháp thân Đạo sư.
Pháp tánh chẳng bị biết,
Nên kia chẳng hiểu được.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng các tướng đầy đủ để hiện chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng do các tướng đầy đủ mà hiện chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, Thiện Hiện! Những người phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, có kiến lập chút pháp nào, hoặc hoại hoặc đoạn sao? Thiện Hiện! Nay ông chớ nên quán như vầy: những người phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa quyết chẳng kiến lập chút pháp nào, hoặc hoại hoặc đoạn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào đem bảy báu đầy khắp thế giới như số cát sông Hằng v.v… dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; nếu có Bồ-tát nào đối với các pháp vô ngã, vô sanh mà được kham nhẫn, thì do nhân duyên đây nên Bồ-tát này được lượng phước nhiều hơn trước kia.
Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ-tát chẳng nên nhiếp thọ số phước đức.
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát chẳng nên nhiếp thọ số phước đức?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nhiếp thọ mà chẳng nhiếp thọ, cho nên gọi là nhiếp thọ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu ai nói rằng: Như Lai hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm thì người này chẳng hiểu nghĩa Ta nói. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Như Lai tức là chơn như chơn thật, hoàn toàn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào, đem sắc tượng của vô số thế giới bằng lượng cực vi trần v.v… của đại địa khắp ba ngàn đại thiên thế giới, làm thành mực như lượng cực vi.
Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Lượng cực vi này chắc là nhiều lắm phải không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Lượng cực vi này rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì nếu lượng cực vi là thật có thì Phật chẳng nên nói là lượng cực vi. Vì sao? Vì Như Lai nói lượng cực vi tức là chẳng phải lượng, nên gọi là lượng cực vi. Như Lai nói thế giới ba ngàn đại thiên tức chẳng phải thế giới, nên gọi là thế giới ba ngàn đại thiên. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì nếu thế giới là thật có tức là một hợp chấp (tướng). Như lai nói một hợp chấp tức là chẳng phải chấp, nên gọi một hợp chấp.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Một hợp chấp đây chẳng thể nói, chẳng thể hý luận. Nhưng tất cả phàm phu ngu si kia cố chấp pháp này. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nếu nói như vầy: Như Lai tuyên thuyết ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, sĩ phu kiến, Bổ-đặc-già-la kiến, ý sanh kiến, thiếu niên kiến, tác giả kiến, thọ giả kiến, thì ý ông nghĩ sao, lời nói như thế là đúng chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng đúng. Bạch Thiện Thệ! Chẳng đúng. Nói như thế chẳng phải là lời đúng đắn. Vì sao? Vì Như Lai nói ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, sĩ phu kiến, Bổ-đặc-già-la kiến, ý sanh kiến, thiếu niên kiến, tác giả kiến, thọ giả kiến tức là chẳng phải kiến, nên gọi là ngã kiến… cho đến thọ giả kiến.
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Những người phát tâm hướng tới Bồ-tát thừa, đối với tất cả pháp nên biết như thế, nên thấy như thế, nên tin hiểu như thế, chẳng trụ tưởng pháp như thế. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tưởng pháp, tưởng pháp ấy, Như Lai nói là chẳng phải tưởng, cho nên Như Lai gọi là tưởng pháp.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát dùng bảy báu đầy khắp vô lượng, vô số thế giới, dâng cúng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; nếu thiện nam, hoặc thiện nữ nào đối với kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa này, cho đến bốn câu kệ, mà thọ trì đọc tụng thông suốt rốt ráo, như lý tác ý và rộng vì người khác tuyên thuyết chỉ bày, do nhân duyên đây nên được số phước rất nhiều hơn trước vô lượng, vô số. Thế nào gọi là vì người khác mà tuyên thuyết chỉ bày? Chẳng vì người tuyên thuyết chỉ bày, thì gọi là vì người tuyên thuyết chỉ bày.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:
Những hòa hiệp mà có,
Như sao mù, đèn huyễn,
Sương, bọt, mộng, điện, mây,
Nên khởi quán như thế.
Khi đức Bạc-già-phạm Thế Tôn thuyết kinh này rồi, Tôn giả Thiện Hiện và các Bí sô, Bí-sô-ni, nam cận sự, nữ cận sự và các thế gian trời, người, A-tố-lạc, Kiện-đạt-phược… đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.
Quyển thứ 577
HẾT

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 600 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giọt mồ hôi thanh thản


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Chớ quên mình là nước

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.183.186 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập