Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Quyển Trung
Văn Thù Sư Lợi! Như vua chuyển luân có những công đức nhỏ gom thành nhiều đức lớn. Có tham có sân có si có thân có kết có sử. Vì vua chuyển luân nầy! Tất cả đều không làm nên oán trách. Vì sao vậy? Nầy Văn Thù Sư Lợi! Vị chuyển luân vương nầy không có sầu não. Văn Thù Sư Lợi! Như Lai từ khi chuyển bánh xe pháp dùng vô lượng trí tuệ công đức trang nghiêm đầy đủ, chứng được tâm từ bi không dứt, làm những việc bình đẳng thấu suốt như bảy phần Bồ Đề được thành tựu, vì pháp không quên mà chuyển pháp luân. Bên ngoài có nhiều sự tranh tụng phiền não, không nơi nào là không có. Văn Thù Sư Lợi nên biết! Nếu thấy nơi quốc độ của Phật có ngoại đạo xuất gia thì thiện nam tử nên biết rằng tất cả đều ở yên một nơi! đây là nơi Phật.. Văn Thù Sư Lợi! Cũng giống như những con thú yếu đuối đứng trước con sư tử. Cũng như thế ấy Văn Thù Sư Lợi, các ngoại đạo xuất gia không thể vào nơi cảnh giới của Như Lai được. Cũng chẳng có thể cùng với Như Lai để tranh luận nữa. Sư Tử lớn kia luôn có 10 lực được vô úy, phía trước rống lên, cũng không sao cả. Chỉ trừ khi có sức gia trì của Như Lai. Nầy Văn Thù Sư Lợi! Giống như mặt trời phóng ra nhiều lưới ánh sáng, tất cả những đám lửa đều yên ổn, tất cả những trân bảo nhờ ánh sáng chiếu cũng như chiếu vào chỗ tối tăm. Như vậy đó Văn Thù Sư Lợi! Khi Đức Như Lai chiếu ra ánh sáng, phóng đại quang minh trí tuệ làm cho những ngoại đạo xuất gia cũng được yên ổn, không có nơi nào là không chiếu sáng.
Văn Thù Sư Lợi! Dụ như Thắng Thiết Vương tùy nơi đất mà xuất hiện, tất cả các loại sắt đều không tồn tại, vì sắt hòa nhập vào vậy. Như vậy đó Văn Thù Sư Lợi. Nếu có nước Phật nào có Phật xuất thế, phải biết rằng dẫu cho các ngoại đạo có xuất gia đi chăng nữa thì cũng không sao. Vì sao vậy? Vì tướng của họ không giống tướng của Phật ở nơi đời. Nầy Văn Thù Sư Lợi! Giống như Ý Bảo Vương tùy nơi mà xuất hiện, không sanh tất cả những Ma Ni Bảo giả. Như vậy đó Văn Thù Sư Lợi! Như Lai có đại trí tuệ quý giá xuất hiện thì phải biết rằng nơi đó không có sinh ra ngoại đạo.
Nầy Văn Thù Sư Lợi! Dụ như Bảo Tánh có xuất hiện vàng nơi Diêm Phù đàn thì nơi ấy không xuất hiện đồ đồng thấp giá v.v... Như vậy đó Văn Thù Sư Lợi! Nếu thế giới nào có Phật xuất hiện thì xứ đó tất nhiên không có ngoại đạo xuất hiện.
Nầy Văn Thù Sư Lợi! Hãy biết rằng tùy theo phương tiện mà Phật xuất hiện, không muốn cho các ngoại đạo xuất gia. Văn Thù Sư Lợi! Nay ngươi nên biết Như Lai đã gìn giữ bất khả tư nghì phương tiện cảnh giới. Đây là nhân duyên vậy. Ở trong những quốc độ Phật nầy hiện ra ngoại đạo để xuất gia. Vì sao làm vậy? Vì tất cả ngoại đạo mà làm cho giải thoát bất khả tư nghì, từ nơi Bát Nhã Ba La Mật Đa mà sanh ra, du hí phương tiện, lại cũng chẳng xa rời niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng, giáo hóa chúng sanh đến bờ giải thoát. Như Lai giữ nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh vậy. Cho nên lúc nói pháp có 8 ngàn thiên tử nương vào Thanh Văn thừa nghe nói một thừa, phát tâm vô thượng chánh đạo. 500 vị Tỳ Kheo được nhứt thừa, chứng được Tam Muội; 1.200 Bồ Tát chứng được vô sanh pháp nhẫn, làm cho 3 ngàn đại thiên thế giới 6 loài chấn động. Từ cõi trời chư thiên rải hoa sen xanh vàng đỏ trắng, lại cũng có mưa bột chiên đàn. Trước nơi Phật có trăm ngàn thiên tử từ trên không trung phát lời tán thán. Áo chư thiên xoay vần trên hư không, tự tại qua lại - chư thiên trổi nhạc nói lời rằng: Xưa nay chưa từng nghe kinh như thế xuất hiện nơi đời. Thế Tôn! Nên làm cho kinh nầy lưu hành nơi Diêm Phù Đề, 800 Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni rời khỏi chỗ ngồi đến trước Phật. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa nầy một lần nữa, nên nói kệ rằng:
Phương tiện cảnh giới bất tư nghì
Văn Thù Sư Lợi đang biết ta
Ta chuyên luyện trì sự giác ngộ
Ta cũng thị hiện như lúc nầy
Thời tiết thay đổi ta chẳng ngại
Thường hay nhớ đến pháp hay nầy
Chúng sanh nghe pháp ta qua khỏi
Chúng sanh hết khổ ta chẳng có
Siêng năng luyện tập công đức ấy
Cũng luyện phước điền không bợn nhơ
Ta siêng năng nên chứng bồ đề
Cho nên biết rằng ta chẳng động
Ta từ vô lượng kiếp đến nay
Thành tựu vô lượng trí huệ Phật
Như ta đắc độ, mạng cũng thế
Ở giữa khoảng nầy chẳng mất đi
Ta phương tiện hiện ra diệt độ
Có thường tưởng vậy như vô thường
Ta nay thị hiện để bỏ đi
Thọ mệnh của ta ở vị lai
Ta chỉ một thừa mà diệt độ
Ta chẳng chứng được sai biệt thừa
Làm như ba thuyết lại ba thừa
Phải biết rằng đây là phương tiện
Có tâm giải đãi và tâm nhỏ
Nghe rồi sanh ra chẳng sợ hãi
Làm thế cho nên chỉ ba thừa
Chỉ có một thừa không có hai
Ta vì chúng sanh mà thuyết pháp
Nhắm vào Phật đạo là cốt yếu
Chỉ có một thừa nhưng nói ba
Từ nơi thừa nầy chẳng mất mát
Như giả làm cho qua bờ kia
Đây là trí thị hiện nơi đời
Thế Tôn lại cũng hơn các pháp
Đây chỉ một thừa nói thành ba
Tâm Phật cùng với tâm chúng sanh
Ta lại cũng hay nghĩ sai khác
Ta có ý tốt nơi thừa thấp
Ta lại có các sự kiên định
Trong lưu ly có nhiều chất quý
Tùy theo lúc mà ở yên đó
Tất cả đều cùng một màu sắc
Đó là sắc vàng không phân biệt
Đức Phật trí tốt cũng như thế
Tất cả nước Phật đều chiếu sáng
Tất cả chúng sanh đều một màu
Màu của giác ngộ chẳng khác nhau
Giống như lửa nhỏ khi bị đốt
Dần dần lớn lên thành lửa lớn
Trí tuệ Thanh Văn cũng như thế
Cũng nhờ chư Phật chiếu công đức
Núi Tu Di cũng lại quay về
Giống với uy đức cùng một màu
Trở về mười lực cũng như thế
Kẻ nhẫn nại sẽ được giác ngộ
Giống như tất cả các cửa ngõ
Thâu thập nhiều loại vật khác nhau
Tất cả các vật đều hòa hợp
Tất cả đều làm một tướng ngọt
Biết đời hiểu đời cũng như vậy
Thị hiện trải qua ba thừa rồi
Tất cả các loại hòa hợp xong
Thành giác ngộ chẳng có tướng khác
Chuyển luân trời người không sầu muộn
Chẳng có nơi nào riêng hờn dỗi
Ta vì pháp giới mà khuyên bảo
Vì sao lại có cảnh ngoại đạo
Giống như mặt trời mới mọc lên
Làm yên tất cả ánh sáng sao
Trí huệ phát sanh cũng như vậy
Bởi vì ngoại đạo chẳng chiếu sáng
Tùy theo chỗ mạnh mà nương vào
Tất cả ngoài có chẳng làm được
Nếu có nơi nào Như Lai đến
Nơi ấy chẳng có ngoại đạo làm
Tùy theo chỗ ấy vàng bạc hiện
Chỗ ấy chẳng sanh thêm đồng nữa
Nếu cả đất nước thành giác ngộ
Xứ ấy chẳng có người ngoại đạo
Châu tốt châu xấu không hòa lẫn
Quá khứ vị lai chẳng hòa chung
Phật và ngoại đạo cũng như thế
Ở cùng một nơi chẳng hòa hợp
Thẩm định thần thông cùng tự tại
Tất cả cửa vào trí ngoại đạo
Làm phương tiện kẻ ấy trí huệ
Thị hiện các loại cùng biến hóa
Nghe các phương tiện cảnh giới rồi
Lúc ấy Phật Tử rất hoan hỉ
Sanh ra vui mừng không kể hết
Rải hoa cúng dường nơi Đức Phật
Đất nầy sáu điệu đều rung động
Trên không trổi nhạc tiếng vang lên
Vạn người cõi trên đều chắp tay
Khen rằng lành thay Đức Phật nói.
Khi nói kệ nầy xong Tát Giá Ni Kiền Tử cùng với 80 ức đồ đệ của Ni Kiền từ Nam Phương lần lượt tiến đến các thế giới khác, hướng về Ưu Thiền Ni thành bốn và cùng với trăm ngàn đại chúng vây quanh trang nghiêm xướng lên rằng: Lúc bấy giờ vua Chiên Trà Bát Thọ Đề thấy được Tát Giá Ni Kiền Tử đến. Tát Giá sinh tâm vui mừng thanh tịnh, cùng với các Đại Thần trong cung và quyến thuộc, quốc vương, thứ dân với bốn loại lính. Đại vương uy đức, Đại vương thần lực. Trăm ngàn cảnh đẹp làm trang nghiêm, tiếng trống và trăm ngàn kỷ nhạc cùng với tràng phan bảo cái trang nghiêm, tất cả đều đến để nghinh tiếp Tát Giá Ni Kiền. Lúc bấy giờ Tát Giá Ni Kiền Tử đưa mắt nhìn Đại Vương Chiên Trà Bát Thụ Đề, nói lời nhỏ nhẹ. Đại Vương cao quý! Ở nơi nước Ngài chẳng có tướng của sự sợ hãi, không có bịnh hoạn, khổ não, sầu bi. Nước nầy chư thần và âm nhạc rất tốt. Người ác chẳng có, giữ cho đẹp đẽ, như vậy nước nầy chẳng loạn ly. Thưa Đại Vương! Nơi nước nầy chư vị Sa Môn, Bà La Môn có an lạc chăng ?
Đại Vương - Có dùng luật pháp mà trị nước không ? Đại Vương có làm hại các chúng sanh như chim cá hay không ? Vì sao vậy ? Đại Vương nên biết! Tất cả chúng sanh đều yêu mạng sống của chúng. Cho nên Đại Vương! Nên giữ giới không sát sanh và đừng nên trộm cắp thì đời sống tại đó sẽ được sung túc. Không tà dâm, tự biết đủ với nhan sắc của vợ nhà. Cuối cùng là không vọng ngữ mà nói lời chơn thật. Cũng chẳng nói lưỡi đôi chiều. Không nói ác khẩu mà nói lời nhu hòa. Không nói lời trau chuốt mà nói lời thành thật. Hãy vì kẻ khác mà bố thí thì ít sanh tâm tham lam.
Nầy Đại Vương! Hãy nên lìa xa sự sân hận. Hãy lấy lòng từ để trang nghiêm thân, khẩu, ý. Nầy Đại Vương! Không nên sanh tà kiến, mà phải thực hành chánh kiến. Nầy Đại Vương! Cũng không nên sống hạnh buông lung. Hay quán sát về sự vô thường. Đại Vương nên biết! Đời sống ngắn ngủi và kế tiếp đời khác. Cho nên Đại Vương phải nên lo cho đời sau và hãy tin vào nghiệp báo. Nên nói kệ như vầy :
Con người thường đừng buông lung
Hộ trì chỗ ở đừng thay đổi
Kẻ nào buông lung vào đường dữ
Nếu không buônglung sanh đường lành
Lại chẳng thâu ngắn mạng chúng sanh
Tất cả chúng sanh yêu mạng sống
Kẻ trí chẳng nên hại mạng chúng
Thương giúp chúng sanh như thân mình
Hãy nên xa lìa sự trộm cắp
Cũng đừng nên nói lời chẳng thật
Thường hay giúp đỡ nói lời ngay
Đại Vương ngày sau sanh chỗ tốt
Nên dùng ngôn ngữ dễ vui nghe
Chẳng nên nói lời thô bạo quá
Thường nói lời hay và diệu hiền
Đại Vương chẳng nên nói hai lưỡi
Ngài cũng chẳng nên nói ỷ ngữ
Mà phải tùy thuận để nói ra
Lìa các sân hận và lời ác
Như voi lớn kia sanh đường lành
Ngài cũng chẳng làm việc tà dâm
Được vậy vợ Ngài chẳng móng tâm
Hãy nên biết đủ nơi vợ mình
Sẽ được sanh vào nơi đường tốt
Đại Vương chớ nên thấy không đúng
Hãy nên thấy nghe chỗ chơn chính
Mà nên thực hành các thuận pháp
Đại Vương sanh thêm nhiều niềm vui
Bậc Sa Môn Bà La Môn thảy
Cũng lại hiếu thuận nơi cha mẹ
Xa rời đường ác qua đi rồi
Sẽ nhận niềm vui nơi cõi trời.
Đây là lời của Tát Giá Ni Kiều Tử nói pháp không phóng dật cho Đại Vương, khuyên Bát Thọ Đề Vương rồi, lúc bấy giờ Chiên Trà Bát Thọ Đề Vương hướng đến Tát Giá Ni Kiền Tử nói những lời tốt đẹp an lạc. Tự nói rằng: Nếu không làm những việc như thế thì như Bà La Môn đã đến nhà ta. Vì sao vậy ? Ta nay khuyến thỉnh chư vị cùng quyến thuộc và muốn thiết đãi cơm nước. Ni Kiền Tử nói rằng: Hay thay! Hay thay! Hãy cứ thế mà làm! Vì sao vậy ? Này Đại Vương! Ta đạt đến đạo và đã xa rời sự đói khát. Đại Vương cứ như vậy, theo lời mà thỉnh.
Lúc bấy giờ Đại Vương đi sau quyến thuộc của Tát Giá Ni Kiền Tử, trước đó vào cung vua. Khi vào rồi Tát Giá Ni Kiền Tử ngồi xuống và các Ni Kiền khác tùy theo thứ lớp mà ngồi. Lúc bấy giờ Đức Vua với lòng từ tâm cung kính tự tay mình lấy đồ ăn cho Tát Giá Ni Kiền và các quyến thuộc. Sau khi ăn no rồi, lúc bấy giờ Đức Vua mới suy nghĩ như thế nầy: Ta nay nên hỏi một ít nơi Tát Giá Ni Kiền Tử rằng ông ta có kính trọng Đức Như Lai chăng ? Sau khi vua nghĩ như thế rồi, lấy gối ngồi quỳ phía trước Ni Kiền Tử và nói lời như thế nầy:
Nầy Bà La Môn, ta có một ít luận tranh. Nếu nghe mà hứa thì ta sẽ hỏi, vì ta mà nói.
Tát Giá Ni Kiền Tử bảo Đại Vương rằng: Tùy theo ý của vua muốn hỏi cái gì thì cứ hỏi, ta sẽ trả lời theo sự hiểu của ta.
Vua nghe lời ấy rồi liền hỏi: Nầy Bà La Môn! Trong thế giới nầy có nhiều chúng sanh có trí tuệ hiểu được rõ ràng, tâm không loạn động có nhiều chăng ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có vậy Đại Vương.
Nhà vua lại hỏi: Đây là ai vậy ?
Tát Giá đáp rằng: Bạt Sa Bà La Môn vậy.
Đại Vương lại hỏi: Bạt Sa Bà La Môn có cái gì đặc biệt ?
Tát Giá đáp rằng: Bạt Sa Bà La Môn biết được chiêm tinh, biết được thời tiết, biết được ca hát, biết được ánh trăng, biết được động đất, biết được sự hiểm nguy, hiểu rõ thế tục, hiểu biết tướng trạng, thực hành tà dâm cùng với những người nữ khác.
Đại Vương nói rằng: Người trí huệ không làm việc tà dâm.
Tại sao vậy ?
Đại Vương nói: Kẻ làm việc tà dâm cả đời nầy lẫn đời sau bị khổ nạn. Cho đến Thiên nhơn cũng bị khinh khi và nói kệ như vầy :
Ham muốn người nữ khác
Chẳng xa cảnh giới ác
Không đủ nơi vợ mình
Đời đời bị chê cười.
Nhà vua nói: Nầy Bà La Môn! Trong thế giới chúng sanh lại có chúng sanh trí huệ sáng suốt, không loạn tâm, có trí hiểu biết như vậy không ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có vậy thưa Đại Vương.
Vua hỏi ai vậy ?
Tát Giá đáp rằng: Đó là Ba La Đọa Bà La Môn, là kẻ trí tuệ, kẻ sáng suốt, biết đúng lúc hoặc không đúng lúc. Ông ta không lo buồn.
Đại Vương lại hỏi: Cái gì qua được ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Vì Bà La Môn nầy ngủ nhiều.
Đại Vương: Người trí huệ không cần ngủ nhiều. Vì sao vậy ? Đại Vương nói rằng kẻ ngủ nhiều hay mất mát, khi ra đời trí tuệ có lúc có lúc không ? Sau đó nói kệ như vầy :
Nếu ngủ nghỉ nhiều quá
Lười biếng lại thêm lên
Ngủ nghỉ cũng buông lung
Phàm phu mất lợi ích.
Nhà vua lại hỏi thêm rằng: Nầy Bà La Môn! Xuất hiện trong đời giữa chúng sanh lại có những chúng sanh thành tựu các pháp môn như vậy có phải không ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua bảo rằng: Ai vậy ?
Thưa Đại Vương: Đó là Hắc Vương Tử.
Vua lại hỏi rằng: Hắc Vương Tử cũng có khả năng như vậy sao ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Có nhiều ghen ghét.
Đại Vương bảo rằng: Kẻ trí tuệ không bao giờ có nhiều ghen ghét.
Vì sao vậy ?
Đại Vương bảo: Nếu có thành tựu nơi làng xóm mà có tâm ghen ghét thì kẻ đó đối với làng xóm chẳng phải là kẻ hiền. Tay không mà chết. Chết rồi liền đọa vào thế giới ngạ quỷ và nói kệ rằng :
Ghen ghét chứa tâm hẹp
Người kia thành kẻ chủ
Khi chết chỉ tay không
Đọa vào nơi ngạ quỷ.
Đại Vương lại hỏi: Lại có chúng sanh nào mà thành tựu những công đức của pháp có được qua khỏi chăng ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Đại Vương nói: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đó là Kiết Quân Vương Tử vậy.
Đại Vương lại hỏi: Kiết Quân Vương Tử có thể qua được chăng ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Kiết Quân Vương Tử rất thích sát sanh.
Đại Vương nói: Kẻ có trí tuệ thật chẳng ưa sát sanh.
Vì sao vậy?
Đại Vương bảo rằng: Sát sanh sẽ chết yểu, phải chết vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Sau đó nói kệ rằng:
Người ấy mà sát sanh
Sức ít và chết yểu
Chết rồi vào địa ngục
Cho nên đừng hại mạng.
Nhà vua lại hỏi rằng: Nầy Bà La Môn! Lại có chúng sanh có trí tuệ sáng suốt, không loạn tâm, hiểu biết, không lo buồn sao ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua nói: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đây là Vô Úy Vương Tử vậy.
Vua lại hỏi rằng: Vô Úy Vương Tử được qua những gì ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Có nhiều lòng thương hại kẻ khác.
Đại Vương bảo: Kẻ có trí tuệ không nên có lòng thương hại kẻ khác. Vì sao vậy? Đại Vương bảo - Có lòng thương hại kẻ khác là kẻ hay tự tại, khi nước có giặc, khó có thể hàng phục vì gặp nhiều việc khó khăn. Cho nên nói kệ rằng:
Nhiều thương hại kẻ khác
Nếu người kia tự tại
Chẳng thể hàng phục vậy
Chẳng nên chấp vào đó.
Nhà vua lại hỏi rằng: Trong chúng sanh kia lại có những chúng sanh trí tuệ và tán thán việc quá hoạn sao ?
Tát Giá trả lời: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua nói: Ai vậy ?
Đáp rằng: Đó là Thiên Lực Vương Tử vậy. Có trí tuệ, tán thán trí tuệ và qua được vậy.
Vua nói: Nầy Bà La Môn! Thiên Lực Vương Tử qua được cái gì ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Thiên Lực Vương Tử uống rượu buông lung.
Đại Vương bảo: Kẻ trí thì không uống rượu.
Vì sao vậy?
Đại Vương bảo rằng: Rượu làm cho mất chánh niệm sinh ra chướng ngại, hay nghi ngờ. Ở trong đời lại mất ý nghĩa. Sau đó nói kệ rằng:
Hay lấy buông lung
Tất cả việc vua
Rượu hư tất cả
Lìa đời mất ý
Đại Vương lại bảo rằng: Nầy Bà La Môn! Lại có chúng sanh có trí huệ, tán thán trí huệ, qua được khỏi hoạn chăng ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua hỏi: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đó là Thiên Hắc Vương Tử vậy. Người có trí tuệ, tán thán trí tuệ nên qua khỏi hoạn nạn.
Vua bảo: Nầy Bà La Môn! Thiên Hắc Vương Tử qua được cái gì ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Thiên Hắc Vương Tử thường hay suy nghĩ lâu.
Đại Vương bảo: Kẻ trí huệ thương không nên suy nghĩ lâu.
Vì sao vậy ?
Đại Vương bảo: Kẻ mà hay suy nghĩ thường hay mất đi cuộc sống vốn nó vẫn yên tĩnh. Cho nên Đại Vương nói: Tất cả những kẻ có trí tuệ thì không nên suy nghĩ lâu. Sau đó có kệ rằng:
Nếu có suy nghĩ lâu
Việc mất ít an ổn
Đây là điều trang nghiêm
Đề phòng tâm chướng ngại.
Vua lại hỏi rằng: Tát Giá! Lại có chúng sanh trí tuệ, tán thán trí tuệ mà qua khỏi hoạn nạn ư ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua hỏi: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đó là Đại Quân Vương Tử vậy. Kẻ có trí tuệ, kẻ hay tán thán trí tuệ nên qua khỏi hoạn nạn.
Nhà Vua lại hỏi: Đại Quân Vương Tử qua khỏi được nạn gì ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Qua được khỏi những sự hiềm ác, kiếp mất tài sản còn.
Đại Vương bảo: Kẻ có trí tuệ thường chẳng phải làm thế; nên có nói kệ như vầy :
Nếu người chủ keo kiệt
Được gọi chẳng biết đủ
Do đây mà chứa của
Đến đời khác sầu lo.
Vua lại hỏi rằng: Nầy Tát Giá! Lại có kẻ có trí tuệ, tán thán trí tuệ, tất nhiên qua khỏi được hoạn nạn không ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có như vậy Đại Vương.
Vua hỏi: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đó là Vua Ba Tư Nặc, người có trí tuệ, kẻ tán thán trí tuệ; nên tự nhiên sẽ qua khỏi khổ nạn.
Vua bảo: Nầy Bà La Môn! Ba Tư Nặc Vương có gì là qua khỏi khổ nạn ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Vua Ba Tư Nặc có nhiều việc ăn uống.
Nhà Vua bảo: Phàm kẻ có trí tuệ thì chẳng nên ăn nhiều.
Vì sao vậy ?
Đại Vương bảo: Nếu ăn uống nhiều thì thân thể nặng nề, khó tiêu. Sau đó nói kệ rằng:
Người chủ dùng nhiều
Lười biếng thân nặng
Lại hại trí tuệ
Sắc diện không tốt.
Đại Vương lại hỏi rằng: Nầy Bà La Môn! Trong đời nầy có kẻ trí tuệ, ca ngợi trí tuệ có tự nhiên qua khỏi hoạn nạn chăng ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có vậy Đại Vương.
Vua bảo: Ai vậy ?
Đáp rằng: Chính Đại Vương vậy. Trong thế gian là kẻ trí, kẻ tán thán trí tuệ cho nên cũng qua khỏi.
Vua nói: Nầy Bà La Môn! Ta qua được gì ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Ngài không có nhiều tính ác nên chẳng gặp thú hung dữ.
Đại Vương nói: Phàm là kẻ có trí không nhất thiết phải như vậy. Người chẳng có được bao nhiêu; cho đến cha mẹ cũng chẳng thích nghi, hà huống là chúng sanh.
Đại Vương bảo: Nếu nghe người có trí tuệ, kẻ đó chẳng có niệm ác thì phải biết rằng người có trí tuệ kia suy nghĩ sâu xa và nói kệ rằng:
Nếu có lòng ác
Chẳng biết suy nghĩ
Tất có ý đồ
Chẳng ai gần gũi.
Lúc bấy giờ vua Bàn Trà Bát Thọ Đề thấy nghe qua rồi sân hận phẫn nộ, chẳng giữ ý tứ, chẳng thể nhẫn nại nói với Tát Giá Ni Kiền Tử rằng: Ngươi ở trong đại chúng mà hủy nhục ta sao? Do sân si mà ra lệnh sát hại.
Lúc bấy giờ Tát Giá sợ hãi hướng về phía Vua mà nói rằng: Tâu Đại Vương! Không nên làm việc như thế. Cho tôi đừng sợ hãi và hãy nghe tôi nói.
Vua bảo: Ngươi nay không sợ, muốn nói cái gì ?
Thưa Đại Vương! Tôi cũng đã qua rồi! Tôi trước mặt vua, thấy vua quá ác, lời nói hung hăng, tánh ác hiện ra, không từ bi như loài thú. Đúng thật mà nói như vậy.
Nầy Đại Vương! Kẻ có trí tuệ không nên lúc nào cũng nói ra sự thật! Đại Vương là người có trí thì nên nói lúc nào và không nên nói lúc nào.
Vì sao vậy ?
Thưa Đại Vương! Nếu như thật mà nói thì chẳng qua mất lòng; người không gần gũi là kẻ không có trí tuệ vậy. Sau đó lại nói kệ rằng:
Như thật vị vua nói
Người phàm cũng như vậy
Đó là người có trí
Suy nghĩ sau nầy nói.
Lúc bấy giờ đức Vua dùng lời tán thán và hỏi vị Bà La Môn kia một lần nữa:
Nầy Bà La Môn! Trong đời nầy có chúng sanh nào có trí huệ sáng suốt, tâm trí không loạn động, có thể trải qua chăng ?
Tát Giá đáp rằng: Thật có vậy thưa Đại Vương.
Vua hỏi: Ai vậy ?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương! Đó chính là Sa Môn Cồ Đàm vậy. Sinh ra từ dòng chúa họ Thích và từ đó xuất gia. Như tôi đã biết rằng ông ta có thể trải qua nhiều việc khác nhau không chướng ngại. Sanh ra đã rơi vào nơi chuyển luân vương. Điều ấy chẳng chướng ngại. Không sanh vào nơi dòng dõi hạ tiện; nên cũng không chướng ngại. Sanh từ dòng họ Thích, là dòng họ cao cả. Sắc diện uy đức trang nghiêm đẹp đẽ; nên chẳng chướng ngại. Lại nếu Thích Cồ Đàm nếu chẳng xuất gia cũng đương nhiên sẽ làm một vị Chuyển Luân Vương, có bảy của báu thành tựu, đó là: có xe quý, voi quý, ngựa quý, vàng bạc quý, gái đẹp, của quý, người chủ tớ quý. Thiên Tử đầy đủ dũng kiện đoan chánh, có thể hơn nhiều người khác, lại thành tựu tướng Chuyển Luân Thánh Vương. Vì bốn thiên hạ mà thống lãnh tự tại, cũng là vua của chánh pháp nữa; không dùng binh để chinh phạt, mà dùng chánh pháp để trị nước. Sau khi xuất gia rồi, tu sáu năm khổ hạnh, ngày ngày chỉ ăn một hạt mè và một hạt gạo. Ngồi dưới gốc cây Bồ Đề hàng phục ma chúng. Sau khi hàng phục rồi, mỗi sự nhớ nghĩ, trí tuệ sáng suốt. Biết như vậy, được như vậy, xúc như vậy, giác như vậy, chứng như vậy... tất cả đều hiểu biết. Không có chúng sanh nào có thể so sánh được, hà huống có người hơn ông ta. Đó là Sa Môn Cồ Đàm, không ai có thể bằng được. Cho nên gọi là không có gì ngăn cản vậy.
Vì sao thế ?
Đại Vương! Vì Sa Môn Cồ Đàm ngay cả gia tộc cũng không ai sánh được. Sự đoan chánh uy đức cũng không ai sánh bằng. Trí huệ uy đức cũng chẳng có ai như vậy cả. Cho nên gọi là không có chướng ngại. Vì vậy nói lời kệ rằng:
Giữ lại ba mươi hai tướng tốt
Sanh ra nơi dòng Thích, sư tử
Là Thái Tử của Tịnh Phạn Vương
Thế Tôn có trí không sai biệt.
Sau khi Tát Giá Ni Kiền Tử nói lời ấy rồi. Bát Thụ Đề Vương nói:
Đại Bà La Môn! Nghe ta nói đây. Có ai so sánh được với 32 tướng đại trượng phu của Như Lai chăng ?
Bà La Môn nói: Ta đang nói đây.
Vua nói: Nghĩa gì vậy?
Đại Vương! Đây là Sa Môn Cồ Đàm có tướng tốt đầy đủ, khi đứng như chân tròn đầy có dấu pháp luân, tay chân mềm mại, ngón tay thon dài, tay chân đẹp đẽ. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Chân ngay ngắn, xương chân đầy đủ. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Tướng hiện ra đẹp. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Toàn thân đoan chánh. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Âm tàng che kín. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Lông xoáy về phía phải. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Lông dựng đứng. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Tóc có màu xanh dịu. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Da ánh lên sắc vàng vi diệu. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Bảy nơi đầy đủ. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Thân thể tròn đầy. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Tất cả đều đẹp. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Thân không ủy mị. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Thân cao lớn. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Thân thể tròn trịa như cây Ni Câu Đà. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Thân như Sư Tử Vương. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Đủ 40 cái răng. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Răng nầy kín đáo. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Răng nhỏ và đều: Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Răng nầy rất trắng. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Được mùi thơm sạch. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Lưỡi dài mà rộng. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Tiếng nói phạm âm. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Ngực đầy đủ. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Mắt ánh màu xanh. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Tướng trắng đẹp đẽ. Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Trên đầu có nhục kế. Thưa Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm có đủ 32 tướng Đại Trượng Phu vậy. Vì nghĩa nầy nên chẳng có ai qua được. Sau đó nói lời kệ rằng :
Sanh từ họ Thích có nhục kế
Tóc ấy màu xanh xoay bên mặt
Mắt như sen xanh, đuôi trâu chúa
Như vậy Như Lai có đầy đủ
Ca Lăng Tần Già tiếng Phạm Thiên
Lưỡi ấy dài rộng thơm tho nhẹ
Không ai có răng như Thế Tôn
Hợp lại bốn mươi răng trắng toát
Tất cả loài người và chư thiên
Khi nhìn đều sanh tâm hoan hỷ
Lưỡi của Phật trùm khắp như thế
Cho nên chúng sanh khó sánh bằng
Tất cả chúng sanh đều hợp lại
Từ nơi tướng lưỡi của Thế Tôn
Làm cho chúng sanh thành một vị
Cho nên Thế Tôn chẳng ai bằng
Thân như sư tử trái Tần Bà
Bả vai trang nghiêm no đầy ắp
Thế Tôn thân như cây Ni Câu
Chung quanh đầy đủ ở an lành
Thế Tôn trang nghiêm thân đoan chánh
Thân như sư tử lớn mạnh dài
Bảy nơi đầy đủ khó sánh bằng
Trên tỏa ánh vàng thật vi diệu
Lông như sư tử nhỏ mà mịn
Thân da mịn màn thật đẹp đẽ
Tất cả tốt đẹp tạo nên thành
Cho nên chúng sanh khó sánh bằng
Lại như sư tử lúc ngủ nghỉ
Căn âm nằm sâu như ngựa chúa
Hông vai đầy đủ như nai chúa
Ai thấy lại chẳng sanh hoan hỷ
Tay chân Thế Tôn có vân quý
Các ngón bằng nhau cho đến móng
Chân bằng đầy đủ chẳng chỗ lõm
Bàn chân bằng thẳng chẳng cao thấp
Tay chân Thế Tôn thật mềm mại
Chỉ tay chỉ chân có luân xa
Thế Tôn lúc đi thật an tịnh
Đi trên mặt đất chẳng rung động
Chẳng ai có thể sánh tướng ấy
Trong đời đèn tuệ thật trang nghiêm
Ở trong đại chúng được tôn quý
Giống như mặt trăng giữa ngôi sao
Trong chốn phàm phu ánh sáng ấy
Thế Tôn vì đời làm ánh sáng.
Nầy Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Ánh sáng ấy rất vi diệu. Tất cả chúng sanh đều khó sánh bằng. Vì ý nghĩa nầy nên không có gì hơn được. Nầy Đại Vương! Sa Môn Cồ Đàm do lực của Từ Bi mà thành tựu. Vì tất cả chúng sanh mà dùng tâm nầy để hóa độ không quái ngại. Thường hay dùng đại từ cho nên không gặp những chướng ngại. Tự nhiên việc ấy phổ cập đến tất cả chúng sanh trong thế giới nầy cũng như những thế giới khác. Nầy Đại Vương! Như Ma Ni bảo châu hay thanh lọc nước đục trở thành trong. Vì tánh thanh tịnh vậy. Với tánh ấy hay làm cho nước thanh tịnh trong sạch. Nầy Đại Vương! Sa Môn Cồ Đàm cũng lại như thế ấy. Bên trong lại cũng trong sáng, cho nên làm thanh tịnh tất cả chúng sanh để khử trừ những kiết sử đóng lâu như bùn và ô nhiễm như thế; cho nên gọi là không trên. Sau đó nói lời kệ rằng :
Tâm từ khắp thế gian
Ba đời các thế giới
Tất cả tâm chúng sanh
Một lòng biết tâm từ
Không đâu không phổ cập
Từ nầy khó sánh bằng
Phổ cập khắp hư không
Tất cả biết như thế
Sạch như Ma Ni bảo
Làm sạch nước đục trong
Thế Tôn vốn thanh tịnh
Làm sạch chúng sanh nhiễm.
Nầy Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm vậy. Thành tựu 32 đại bi tâm. Thế nào là 32?
Vì thấy chúng sanh chìm đắm trong ngu muội; cho nên Sa Môn Cồ Đàm mới vì chúng sanh mà dùng tâm đại bi.
Vì thấy chúng sanh bị đọa vào nơi luân hồi sanh tử cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh mà thực hành tâm đại bi.
Hay thấy chúng sanh siêng làm các việc không lành cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì những chúng sanh nầy mà thể hiện lòng từ bi.
Vì thấy chúng sanh trôi lăn trong sanh tử, cho nên Sa Môn Cồ Đàm mới vì chúng sanh mà khởi Đại Bi tâm.
Vì thấy chúng sanh đọa vào nơi khổ sở cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi đại bi tâm.
Vì thấy chúng sanh lìa xa con đường giác ngộ rơi vào tà đạo; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi đại bi tâm.
Vì thấy chúng sanh tự dẫn mình vào trong lao ngục; nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi đại bi tâm.
Vì thấy chúng sanh tham đắm sắc, thanh, lương, vị, xúc không biết đủ; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi đại bi tâm.
Vì thấy chúng sanh thích nô lệ kẻ khác; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh, già, chết làm cho bức thiết khốn cùng; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh bị bệnh khổ ngặt nghèo; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi Đại Bi tâm.
Vì thấy chúng sanh trong 3 cõi bị thiêu đốt; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh mà khởi Đại Bi tâm.
Vì thấy chúng sanh bị ràng buộc bởi sự sanh tử; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh trong đời thường hay bị khủng bố; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh bị tham đắm vị lạ, không thấy lỗi lầm hay lo lắng buông lung; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh buông lung lười biếng; cho nên Sa Môn Cồ Đàm thường vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh đọa vào nơi đói khổ, thường hay hại nhau; cho nên Sa Môn Cồ Đàm hay vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh thường hay tranh đoạt tổn hoại với nhau; cho nên Sa Môn Cồ Đàm khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh vô minh mờ mịt như kẻ mù lòa; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh cùng nhau đấu tranh não loạn không dừng nghỉ; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh như cỏ, đậu; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh ưa nơi bất tịnh; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh rơi vào chỗ khó ra; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh có nhiều nghi ngờ, chấp trước vào tà kiến; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh như hoa Đâu La nương vào nhiễu loại; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh suy nghĩ sai trái như vô thường cho là thường, khổ cho là vui, không thanh tịnh cho là thanh tịnh. Không có ngã mà cho là có cái ta; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì chúng sanh ấy mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh thường hay bị khổ chồng chất lên nhau; cho nên Sa Môn Cồ Đàm vì những chúng sanh ấy mà khởi Đại Bi tâm.
Vì thấy chúng sanh nương vào nơi u tối; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh hay bị nhiễm ô; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi. Vì thấy chúng sanh bị tâm tham đắm cột chặt; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh tâm ưa lợi dưỡng; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi tâm Đại Bi.
Vì thấy chúng sanh sa vào nhiều bịnh khổ lo luồn, ho hăng não hại càng lớn; cho nên Sa Môn Cồ Đàm đã vì chúng sanh mà khởi Đại Bi tâm.
Nầy Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm thành tựu 32 tâm Đại Bi như vậy. Cho nên chẳng có ai trên được. Sau đó nói kệ rằng:
Vô minh ngu si ám muội lớn
Thấy vô minh nhiễu hại chúng sanh
Thấy chúng sanh vui ngục sinh tử
Vì vậy Thế Tôn sinh Đại Bi
Thường hay khuyên răn làm việc lành
Phật thấy chúng sanh trôi nổi mãi
Cho nên tùy thuận mà hóa độ
Mười lực hay sanh tâm Đại Bi
Tội lỗi chất chồng như núi lớn
Thấy chúng sanh rơi vào đường tà
Muốn cho chúng sanh nơi Thánh Đạo
An tịnh thanh tịnh không phiền não
Những tà kiến ấy trói buộc lại
Thương ghét cảnh giới chưa đầy đủ
Vì sanh già chết chìm nơi ấy
Vì thế Thế Tôn khởi Đại Bi
Gặp nhiều loại khổ rất khác nhau
Thấy đời ba cõi đang thiêu đốt
Sợ hãi như kẻ bị lột da
Vì lẽ ấy mà Thế Tôn thương
Chúng sanh tham đắm nơi vị ngọt
Buông lung tham trước là cảnh giới
Cho nên đọa vào nơi đói khổ
Điều Ngự hay cứu sự hại nầy
Thấy các chúng sanh hại lẫn nhau
Vì màn vô minh che đậy kín
Giống như cây cỏ bị che khuất
Vì lẽ ấy mà Thế Tôn thương
Dâm dục sanh ra nhiều ràng buộc
Thấy các chúng sanh khó thực hành
Rơi vào tà kiến như rừng rậm
Vì lẽ ấy mà Thế Tôn thương
Ở trong chỗ dơ tâm thanh tịnh
Vô thường, có thường, ngã và không
Cho nên chúng sanh phạm lỗi lầm
Vì thế Thế Tôn sinh lòng thương
Thấy vác nhiều việc càng thêm nặng
Phàm phu hay nương không dừng nghỉ
Thường vì trói buộc bị nhiễm ô
Vì vậy Thế Tôn có lòng thương
Hay thấy lợi dưỡng nên che khuất
Sanh vào cảnh giới không đầy đủ
Đọa vào tham dục như biển lớn
Cho nên Thập Lực khởi tâm từ
Thường hay có nhiều bệnh tật sinh
Thấy xong sự khổ của chúng sanh
Vì trừ tất cả khổ sở ấy
Cho nên Thập Lực sinh tình thương
Hãy biết chẳng có cũng chẳng không
Do đây mà sinh Đại Bi tâm
Tất cả chúng sanh đầy khắp cả
Vì vậy Thế Tôn chẳng ai bằng.
Nầy Đại Vương! Nay lại nói thêm rằng: Đó là việc Sa Môn Cồ Đàm thành tựu 4 niệm xứ; 4 chánh cần, 4 như ý túc, 4 thiền, 5 căn, 5 lực, bảy pháp trợ đạo, bát chánh đạo thành tựu đầy đủ; cho nên Đại Vương! Đức Cồ Đàm nầy chẳng ai có thể sánh kịp. Sau đó nói kệ rằng:
Thường khuyên tinh tấn tu niệm xứ
Đại Giác hay biết việc nào nên
Đức Phật thiền định được tự tại
Hơn cả chúng sanh không gì trên
Điều Ngự trong đời chứng thần thông
Biện luận tự tại đến bờ kia
Như Lai hay biết phép giải thoát
Đại Giác thần thông đến rốt ráo
Từ nơi Phạm hạnh chứng tự tại
Tu các từ bi và hỷ xả
Thường hay an trụ nơi định huệ
Cho nên vượt khỏi thường không thường
Đức Phật hay giúp việc giác ngộ
Như Lai rõ biết tám đường Thánh
Thấy được chúng sanh đang khổ sở
Dẫn dắt chúng sanh đến an lạc
Tất cả thế giới chẳng còn ai
Đều được chứng thành vô thượng đạo
Tất cả đều thành nhiều công đức
Thường hay chẳng dứt giống lành nầy.
Nầy Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm. Ngài thành tựu mười lực.
Vua hỏi: Nầy Bà La Môn, thế nào là mười lực của Như Lai ?
Nầy Đại Vương! Đó là: Phật Như Lai, là xứ Như Thật Tri, là Xứ Phi Xứ Như Thật Tri, là Phi Xứ khứ lai, hiện tại, tác nghiệp thọ nghiệp, trụ xứ nhơn báo như thật tri, là vô lượng thế giới, chẳng chẳng thế giới như thật tri. Là loài người, chúng sanh sở giải như thật tri. Là loài người, chúng sanh có căn, không căn như thật tri. Là tất cả con đường như thật tri. Là chúng sanh, loài người đầy đủ các căn lực. Là trợ đạo, các Thiền, giải thoát, định, thứ đệ định. Là tất cả kiết sử nhiễm ô được trong sạch. Tùy nơi nơi như thật liễu tri. Nhớ nghĩ vô lượng chẳng chẳng túc mệnh. Nếu có chúng sanh, sanh ra trong vô lượng kiếp có việc làm như thế, có đời sống như thế như thật tri. Thiên nhãn thanh tịnh vượt qua mắt thường của người, thắng tất cả chúng sanh có nhiều đoạn đường sanh tử khác nhau. Cho đến sanh vào nơi đường lành, đường dữ như thế mà biết. Các lậu hết và không hết, tâm giải thoát và huệ giải thoát như thật tri. Nầy Đại Vương! Đó gọi là 10 lực của Như Lai thành tựu, đầy đủ lực vậy; tên gọi là giữ 10 lực. Tên gọi là không chịu hàng phục; cho nên không có ai trên. Như thế mà nói kệ rằng:
Là xứ chẳng là
Như thật mà biết
Nói thật đại nhơn
Chẳng ai sánh bằng
Biết chẳng mất đi
Hiểu rằng nghiệp báo
Biết có nhân duyên
Như thật chẳng sai
Điều Ngự biết vậy
Biết rất nhiều điều
Thế giới khác nhau
Biết rõ nơi ấy
Người đời khó sánh
Hiểu rõ từng loại
Giải rõ rất nhiều
Chiếu sáng thế gian
Như thật không đổi
Biết rõ căn lành
Lại biết căn vừa
Cũng biết căn thuần
Đến căn bờ kia
Tất cả đến đạo
Như thật mà biết
Căn ấy giúp đạo
Thần thông giải thoát
Nhiễm ô trong sạch
Các các rõ bày
Không có chướng ngại
Thấy nghe vô ngại
Nhớ nghĩ bình đẳng
Vô lượng xứng thật
Chính mình và người
Như thật chẳng khác
Thiên nhãn thanh tịnh
Vượt khỏi mắt người
Sanh tử chúng sanh
Điều Ngự thấy rõ
Biết chỗ lậu tận
Cũng biết giải thoát
Vô lậu có đổi
Lại cũng biết luôn
Đây người cao cả
Hiểu rành tự tại
Đấy chỉ một tâm
Tâm không phân biệt
Động tịnh chẳng động
Tự nhiên mà có
Từ khi chuyển pháp
Chẳng phân biệt vậy
Một lòng mà biết
Các ân chúng sanh
Và tâm chúng sanh
Chẳng có hai tướng
Cho nên chẳng qua
Phật chứng tự tại
Tất cả pháp lành
Sanh ra công đức.
Nầy Đại Vương! Đó là Sa Môn Cồ Đàm, thành tựu bốn vô úy.
Đại Vương lại hỏi: Nầy Bà La Môn! Những gì là 4 vô úy của Như Lai vậy ?
Nầy Đại Vương! Sa Môn Cồ Đàm tự nói rằng:
Ta chứng được Chánh Biến Tri. Nếu có Sa Môn, Bà La Môn, Ma Phạm và trời người mà không biết được các pháp chẳng chánh biến thì ta chẳng thấy tướng vậy. Chẳng thấy tướng ấy nên được an ổn tự tại. Chứng được hành vô úy. Lại nói rằng: Ta đã chứng được tối thắng hành. Từ nơi Đại Chúng, Chánh Sư Tử hống, hay chuyển xe pháp, Sa Môn, Bà La Môn cho đến trong đời, chẳng có gì là không chuyển được. Đó là Chánh Pháp vậy. Phật lại tự thệ nguyện rằng:
Các lậu tận đối với ta, nếu dùng ngôn từ để mà nói thì cái lậu không có cái cuối cùng. Phật chẳng thấy tướng nầy, lại cũng chẳng thấy; cho nên Như Lai chứng được an lạc; chứng được hành vô úy; đắc được thắng xứ hành. Tại nơi Đại Chúng, Chánh Sư Tử hống, hay chuyển Phạm âm. Sa Môn, Bà La Môn và tất cả trong đời chẳng có gì không chuyển được; nên gọi là Chánh Pháp vậy.
Phật nói pháp chứng đạo. Nếu có kẻ nói rằng thân cận là pháp chẳng có chướng ngại, thì Phật chẳng thấy tướng ấy; vì chẳng thấy tướng ấy cho nên được hành an lạc; chứng được vô úy hành. Được thắng xứ hành. Từ nơi Đại Chúng, Chánh Sư Tử hống, chuyển thành âm thanh. Sa Môn, Bà La Môn và người trong đời chẳng gì là không chuyển; nên gọi là Chánh Pháp. Ta cũng đã nói về đạo xuất thế. Nếu có kẻ nói rằng: Kẻ thân cận chẳng thể xuất thế; mà Phật thì chẳng thấy tướng ấy; vì chẳng thấy tướng ấy; nên gọi là an lạc hạnh. Đắc vô úy hạnh. Đắc thắng xứ hạnh. Từ nơi Đại Chúng, Chánh Sư Tử hống hay chuyển Phạm âm. sa Môn, Bà La Môn và người đời chẳng có thể chuyển được Chánh Pháp. Nầy Đại Vương! Đây là những điều gọi là Như Lai tứ vô sở úy vậy. Như Lai thành tựu nơi 4 việc không sợ nầy. Từ nơi Đại Chúng, Chánh Sư Tử hống, chẳng có gì hơn. Bèn nói kệ rằng:
Trong chúng tiếng Sư Tử
Điều Ngự chẳng sợ hãi
Ta cũng chẳng thể sánh
Huống nữa các chúng sanh
Nếu ta biết việc ấy
Là chơn thật chẳng hư
Đức Chánh Biến đã thấy
Nai chúa tiếng Sư Tử
Nếu có kẻ sai trái
Chẳng thấy tướng đó kia
Lại chẳng thấy tướng ấy
Lại được chẳng sợ hãi
Ta tất cả các lậu
Thân ta là vô lậu
Có không cũng giống nhau
Chư thiên và người đời
Có các pháp chướng ngại
Cho nên Phật dạy cho
Đó là điều chơn thật
Chẳng có thể biến đổi
Ta nói ra chánh đạo
Tự biết đã giải bày
Người tu hành pháp nầy
Chẳng có sanh chướng ngại
Hiểu rõ biết làm rồi
Như Lai được an lạc
Chứng được vui vô úy
Trên cả các pháp hành
Chuyển nói tiếng phạm thiên
Ngoài những việc khó chuyển
Thế gian nơi chẳng chuyển
Duy trừ lưỡng Túc Tôn (Phật nói Bồ Tát Hành Phương Tiện Kinh - Hết quyển trung)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.10.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.