Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bồ Tát Bổn Duyên Kinh [菩薩本緣經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Bồ Tát Bổn Duyên Kinh [菩薩本緣經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.7 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.83 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Bồ Tát Bản Duyên

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

QUYỂN THƯỢNG
1/ Phẩm Tỳ-la-ma:

Người tâm niệm hẹp hòi
Tuy thường làm bố thí
Người nhận không thanh tịnh
Khiến đạt quả báo nhỏ.
Nếu khi hành bố thí
Phước điền tuy bất tịnh
Nhưng sinh tâm rộng lớn
Quả báo không thể lường.
Tôi đã từng nghe, thời quá khứ có vị vua tên Địa Tự Tại, bản “tánh bạo ác, hiếu chiến.
Bấy giờ, có tám vạn vị vua nước nhỏ, đầu đội mão báu quan, thường đến triều kiến, phục vụ.
Nhà vua thường nói những lời hung dữ, làm việc bất thiện, xâm lăng nước khác một cách phi pháp. Vua có một vị Bà-la-môn làm phụ tướng, tu hạnh thanh tịnh, trí tuệ vang xa, nói lời nhu hòa, không thô ác, làm việc gì cũng mau hoàn tất, diện mạo nghiêm trang, ai cũng kính trọng, tìm hiểu am tường hết bốn bộ Vi-đà, thông tỏ tất cả các kinh luận của Bà-la-môn.
Khi ấy, phụ tướng tuổi đã già, bị bệnh chưa lâu, đột ngột qua đời. Vua và dân chúng nghe tin này đều buồn bã, thương tiếc không nguôi. Nhà vua lúc nào cũng nhớ nghĩ, nói kệ với thần dân:
Làm sao cõi lớn này
Một ngày không người trị
Như thuyền không người lái
Theo gió trôi đó đây
Bậc mà ta tôn kính
Xuất gia đã thành tựu
Miệng nói lời ôn hòa
Thường làm lợi ích đời
Vì sao lại qua đời
Làm tâm ta sầu muộn
Cũng như không đèn sáng
Mà đi vào phòng tối.
Lúc ấy, các quan thưa với vua:
-Xin đại vương chớ quá sầu não, đừng cho rằng trong nước không còn người làm được phụ tướng. Vị Bà-la-môn đó tuy đã qua đời, con ông ta tuy nhỏ nhưng là hạng thông minh sáng suốt, diện mạo tươi đẹp vô song, lời nói nhu hòa vừa lòng mọi người, tu hạnh nhẫn nhục, tâm thường tịch tĩnh, không hề kiêu mạn tự đại, nghe nhiều học rộng, sách nào cũng thông suốt, luôn đem lại lợi ích cho mọi người cũng như Phạm thiên, tên là Tỳ-la-ma. Mong đại vương ra lệnh cho người ấy giữ chức phụ tướng.
Vua đáp:
-Nếu ông ta có con theo như các ngươi nói, vậy sao lâu nay ta chưa nghe bao giờ?
Các quan tâu:
-Đại vương, người con trai của vị Bà-la-môn ấy thường cầu chánh pháp, xa lìa tà pháp, mến giữ pháp của mình, chưa thi thố cho ai biết cả.
Vua nói:
-Nếu người ấy có tài, làm sao dám nghịch lại gia pháp của tiền nhân. Ai không nói theo nghiệp cũ thì không được gọi là người cầu chánh pháp. Tiên phụ người này trước đây thường đem chánh pháp giúp ta trị nước, làm cho chúng ta xa lìa các việc ác. Tuy xử lý việc trị nước như vậy, nhưng không vi phạm pháp Bà-la-môn. Nếu người ấy đúng như các ngươi nói hãy mau triệu đến đây.
Quần thần tuân lệnh sai sứ giả triệu Tỳ-la-ma đến gặp nhà vua.
Đến nơi, Tỳ-la-ma khép nép quỳ tâu:
-Đại vương, hôm nay vì sao thần được bệ kiến?
Vua đáp:
-Ngươi không biết sao? Ta bạc phước, quan phụ tướng là cha ngươi chẳng may qua đời, cả nước nghiêng ngửa, muôn dân xao động. Ta vì việc này nên ưu tư sầu muộn.
Tỳ-la-ma tâu vua:
-Yêu thương thì phải xa lìa, không phải chỉ riêng vua mới bị như vậy, đều là tướng trạng của pháp hữu vi. Đại vương chưa từng nghe hay sao? Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A-tu-la, Càn-thát-bà, Ca-lâu- l la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Sa-môn, Bà-la-môn, từ già đến trẻ, không ai thoát chết cả. Đại vương, tất cả chúng sinh chắc chắn bị như vậy. Thưa đại vương, như tánh của lửa là thiêu đốt tất cả vật chất. Pháp vô thường cũng như thế, luôn tiêu diệt tất cả chúng sinh. Ngài biết không, già bệnh chết giết hại chúng sinh, như cây hoa trái ở ngả tư đường, thường bị mọi người hái phá. Đại vương như sông mạnh thường chảy không ngừng, mạng sống của chúng sinh cũng như vậy. Đại vương, như Kim sí điểu bay xuống Long cung bắt rồng ăn thịt, như sư tử tung hoành giữa bầy nai, tất cả chúng sinh lưu chuyển trong ba cõi, đốivới sự chết cũng như vậy. Đại vương, như thế thì đối với sự chết không thể dùng sự thân cận, tài vật, cầu xin , biếu tặng, lời dịu dàng dụ dỗ mà thoát khỏi, cũng không thể dùng thế lực của bốn loại binh để áp bức, chế ngự làm cho thoái lui tan rã. Như vậy sự chết luôn hiện hữu, là pháp thường của chúng sinh. Vì thế mà, đại vương đối với việc này không nên buồn rầu.
Khi nghe như vậy, vua vui vẻ, nói với quần thần:
-Thật hiếm có! Đồng tử này tuy tuổi còn nhỏ, mà nói những lời của các bậc tiền bối kỳ cựu.
Vua nói với Tỳ-la-ma:
-Người biết không, cha người luôn yêu mến, ủng hộ ta, xem như con đỏ. Thế nên, ta nhớ tới ân sâu ấy mà ưu sầu không nguôi. Nay ta nhu nhược, vô trì, theo như người nói, ta thật không biết gì. Nếu ngươi thấy như vậy, xin thương xót xem xét, mong ngươi thừa kế sự nghiệp của cha, ta xin thành tâm trọn đời quy y.
Tỳ-la-ma suy nghĩ: ‘Hôm nay tại sao ta gặp phải việc khó khăn quá, nghe thế này không biết phải làm những gì! Cũng như người yếu phải đi bộ qua núi cao... Nay nếu ta kế tục sự nghiệp của cha làm việc nước, tuy có nhiều lợi ích cho muôn dân, nhưng những pháp thuần thiện của ta tu tập tất bị tổn giảm. Vua trị nước phải hợp với tâm ý của dân chúng, lại có vô số những việc lỗi lầm, đó là hình phạt, cướp đoạt tài sản của người, xâm lăng thiên hạ, hoặc đuổi hoặc rượt ta, sẽ tuân lệnh vua làm những việc như vậy. Nếu làm theo pháp đúng, thì ta bị tổn hại. Nay, nếu ta muốn tu tập pháp thiện, thì không đáp ứng được lòng hoài vọng của vua. Nếu theo đúng pháp của vua, thì pháp thiện ngày càng suy giảm.”
Trong khi Tỳ-la-ma suy nghĩ như thế thì nhà vua hỏi:
-Đại sư đang suy nghĩ về điều gì?
Tỳ-la-ma tâu:
-Thần đang nghĩ nên dùng phương pháp gì để làm cho đại vương và đất nước đều được lợi ích, không bị suy tàn và cũng suy nghĩ về phước đức cùng lỗi lầm của vua và dân chúng trong nước. Ai trước làm thiện sau lại làm ác, không gọi là người. Đại vương, thà nói thật mà bị oán ghét, không nên dua nịnh để làm thân thiết. Thà nói chánh pháp mà bị đọa địa ngục, không nói dua nịnh để sinh lên trời. Đại vương, thần đang tư duy trù tính việc này, người nào nghĩ được ý nghĩa này, phải biết người ấy có thể đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Vua nghe nói, vui mừng lên tiếng:
-Đại sư, nếu chúng ta có thể thi hành pháp ấy, thì sự tu tập theo pháp thiện tu tập không bị suy giảm.
Bấy giờ, Tỳ-la-ma phụng mệnh vua kế thừa sự nghiệp của tiên phụ làm phụ tướng, sau đó dần dần khuyến hóa nhà vua cùng tám vạn bốn ngàn tiểu vương đều tu trì theo chánh pháp và làm cho dân chúng trong nước tránh xa việc ác, không tham chuộng năm dục.
Khi ấy, nhà vua tu tập vô lượng pháp thiện cũng như Tỳ-la-ma không khác.
Tỳ-la-ma thấy nhà vua tiến bộ như vậy, rất vui mừng, nghĩ: “Ta đã tham gia việc trị nước, nhưng pháp thiện của ta không bị suy giảm... Ta cần phải dùng những cách gì để khuyến khích chúng sinh, làm cho họ sinh chánh tín đối với đạo Phật. Nhưng chúng sinh căn tánh không đồng, hoặc thích nghe pháp, hoặc tham tài sản, hoặc đắm năm đục, hoặc ưa lời trìu mến, hoặc hiếu động thân cận nhiều người, hoặc muốn làm theo hạnh người thiện, hoặc ham hưởng thụ ý không biết chán. Ta may mắn có trí tuệ, với những phương tiện nhiếp phục tất cả chúng sinh, đưa họ đến an trú nơi đạo Vô thượng Chánh giác. Ta cũng phải có các phương tiện khác. Ví như mặt trời mọc chiếu sáng khắp nơi, nhưng không thể làm cho người mà mắt thấy được. Ta cũng vậy, có thể thuyết về đạo Vô thượng cho tất cả chúng sinh, nhưng không thể đem lại lợi ích cho người không có mắt trí tuệ. Ta cần phải cung cấp đầy đủ y phục thức ăn theo nhu cầu của họ. Sau khi tâm họ hoan hỷ, ta sẽ thuyết pháp làm cho họ tin nhận.’’
Sau khi suy nghĩ việc này, Tỳ-la-ma đến gặp vua, tâu:
-Thần đã làm vô số pháp thiện cho chúng sinh rồi. Gồm có ba pháp: tu tập chánh pháp, thu nhập tiền tài theo ý nguyện, làm cho cả nước an lạc không có oán thù, chánh pháp phát triển như ánh trăng hiện ra tỏa sáng, tiếng tốt vang khắp mười phương, cầu xin đại vương cho phép hạ thần tu hành theo chánh pháp vô thượng.
Khi nhà vua nghe nói, sợ mừng lẫn lộn, dựng tóc gáy, thưa:
-Đại sư, ngài muốn làm gì, xin dạy bảo.
Tỳ-la-ma nói:
-Nay, thần muốn tổ chức các lễ bố thí lớn, xin ngài cung cấp vật cần dùng trong cuộc lễ và chọn một nơi rộng ngoài thành dựng hội trường bố thí. Cầu xin đại vương khéo nói lời khuyên dụ khiến những người phục vụ không được sân hận với thần.
Nhà vua và những người phục vụ đều hoan hỷ cung kính chuẩn bị đầy đủ những thức ăn uổng cần dùng, đánh trông tuyên lệnh khắp bốn phương, người nào cần y phục, thức ăn, vật để nằm, dược phẩm, voi ngựa, xe cộ, hương hoa, chuỗi ngọc, hương bột, J hương xoa, nhà cửa, đèn sáng, thì tập hợp đến đây, sẽ được cung cấp. Có bài kệ:
Ta vì lợi ích
Thế gian cho nên
Tùy theo chúng sinh
Cần dùng vật gì
Cho đến thân thể
Tay chân thịt máu
Khi xả bỏ ra
Xem như cỏ rác
Các ngươi nếu nhận
Trong lúc cúng dường
Thì phải tất cả
Tư duy pháp thiện
Nhận cúng dường xong
Không nên tham lam
Nên dùng pháp thiện
Làm lợi tất cả
Nếu theo sức ta
Mau đến Niết-bàn
Nhưng vì chúng sinh
Lưu chuyển sinh tử
Thế nên ở mãi
Không nhập Niết-bàn
Vô lượng chúng sinh
Trong ngục già chết
Ta muốn cứu họ
Vĩnh viễn thoát ly.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Tỳ-la-ma tổ chức lễ cung cấp bố thí làm cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh tùy ý thụ hưởng đầy đủ theo nhu cầu, nhân đó nói pháp:
-Các đại đức, nay tôi quên thân mình để phục vụ quý vị. Các vị nay đã thọ nhận mọi sự cúng dường, muốn tự đạt được lợi ích, nên quán sát chánh pháp. Nếu khi sắp qua đời, tuy có cha mẹ vợ con thân tộc, vô số tài sản, nhưng không thể làm cho sống thêm được một giây phút nào. Khi mạng chung, một mình đơn độc qua thế giới khác. Cha mẹ vợ con thân quyến tài sản không thể đi theo mình. Chỉ có hạnh nghiệp là không hề rời mình.
Tỳ-la-ma nói kệ cho đại chúng:
Vì cha mẹ thân tộc
Làm những việc xấu ác
Khi chết đọa ba đường
Không có ai theo cả
Trong đời sống hiện tại
Nếu khi bị khổ não
Tuy có cha mẹ anh
Không giúp được chút nào
Huống chỉ đời vị lai
Làm sao thay thế được
Thế nên phải nhất tâm
Không vì người, làm ác.
Các Đại đức, hiện nay các vị an ổn không bệnh. Đó là chưa bị các bệnh già suy, bệnh phổi, hen suyễn, đau đầu, phải nên tinh tấn tu tập các pháp thiện.
Đấy là Đại Bồ-tát Tỳ-la-ma dùng hai nhiếp pháp để hướng dẫn chúng sinh, là tài và pháp. Đủ chín mươi ngày, qua hết mùa hạ bốthí theo ý nguyện là tám vạn mâm vàng đựng lúa bạc, tám vạn bò nhỏ, tám vạn bò sữa kèm con bê, mỗi con bò này mỗi ngày cho một đấu sữa, dùng toàn vải trắng che trên thân, trang sức với sừng bọc vàng, móng bọc bạc. Tám vạn đồng nữ xinh đẹp, trang sức với vàng, vật báu, chuỗi ngọc. Mỗi cô kèm theo một cô hầu để sai khiến làm cho thêm phần trang trọng. Mỗi cô gái có một cái giường hoặc bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ngà voi, gỗ thơm; ở trên trải các loại nệm mềm mại. Tám vạn chiếc xe bò, tám vạn voi ngựa và các kho lúa thóc, tiền tài châu báu, không thể kể xiết. Sau khi bố trí với tất cả những vật như vậy rồi, Tỳ-la-ma suy nghĩ: “Những vật bố thí này còn thiếu gìkhông?”
Bồ-tát nói với các Bà-la-môn:
-Quý vị biết cho, tôi tập trung các loại vàng bạc, nữ nhân, xe cộ, voi ngựa, kho lúa thóc, châu báu, chính vì quý vị. Mong quý vị im lặng, không nói chuyện trong vài phút để nghe ý nguyện của tôi, sau đó tùy ý cùng nhận phần rồi về.
Khi tất cả các Bà-la-môn đều im lặng, Bồ-tát vì các chúng sinh tự răn tâm mình: “Này tâm! Hành động của ngươi thường mong cầu quả báo, như khỉ vào rừng rậm”. Bồ-tát nói kệ.
Nay, bố thí của tôi
Khắp vì các chúng sinh
Tôi bố thí thế này
Thật không mong quả báo
Thí, chỉ mong chúng sinh
Đều thọ nhận an lạc.
Vì ngươi ham điều thiện
Thì ở mãi trên trời
Ngươi tham làm việc ác
Bị đọa mãi địa ngục,
Lại cũng vì tham đắm
Làm đại thí chủ này
Hoặc làm người bần cùng
Mà bố thí rộng lớn.
Có khi nhiều tiền của
Nhưng tham lam keo kiệt
Chánh vì giàu có ấy
Tự đọa vào bần khổ.
Lại kẻ sống phóng túng
Ở mãi trong sinh tử
Bị luân hồi vô cùng
Như xe lăn trên đất.
Ta từ lâu đến nay
Kính thuận phục vụ ngươi
Tuy làm việc như vậy
Không phải để ngươi vui.
Nay, ngươi phải an trú
Trong bất động tịch tĩnh
Việc bố thí của ta
Vì tất cả chúng sinh.
Bồ-tát Tỳ-la-ma với tay phải cầm bồn nước rửa, với tâm Đại từ bi thương tưởng đến tất cả các loài chúng sinh, sụt sùi rơi lệ tự nghĩ: “Ta bố thí không vì cầu làm Phạm vương, Ma-hê-thủ-la, Thích Đề-hoàn Nhân. Giả sử có bậc nào hơn ba vị ấy, ta cũng không mong cầu. Chỉ cầu thành Phật, vì đem lại lợi ích cho chúng sinh, đoạn trừ các phiền não. Nay ta nên xả bỏ thân mình, vợ con, nô tỳ, người hầu, châu báu, nhà cửa, chỉ cầu giải thoát, không cầu sinh tử. Ta bố thí nữ nhân dịu dàng vì nguyện cho chúng sinh trong đời vị lai đoạn trừ hết tham dục. Ta bố thí năm loại thức ăn làm từ sữa bò, nguyện cho chúng sinh trong đời vị lai thường ban cho người khác các pháp vị. Ta bố thí vật dụng để nằm như vậy, nguyện cho tất cả chúng sinh trong đời vị lai chắc chấn được ngồi nơi tòa Kim cang của Như Lai. Ta bố thí các loại châu báu, nguyện cho tất cả chúng sinh trong đời vị lai chắc chắn được bảy phần Bồ-đề quý báu của Như Lai.”
Sau khi nghĩ như vậy, từ chỗ ngồi cao nhất Bồ-tát tuần tự rót nước rửa nhưng nước không chảy, cũng như người tiếc của không chịu bố thí.
Bồ-tát suy nghĩ: “Vì sao nước rửa này không chảy xuống? Phải chăng nguyện của ta trong đời vị lai sẽ không thành tựu? Cái gì đã ngăn lại làm cho nước không chảy, chẳng lẽ trong hội này không có bậc Đại đức? Chẳng có ai xứng thọ cúng dường của ta chăng? Hay là sự bố thí của ta không khắp hết? Hay là người phục vụ của ta không hoan hỷ? Chả lẽ trong hội này có sự sát sinh? Ta biết chắc là không có gì hại tới chúng sinh. Sự bố thí của ta hiện nay là đúng lúc, cũng không xét chọn người đáng nhận hay không đáng nhận, vậy tại sao rót nước không chảy xuổng?”.
Khi ấy, Bồ-tát thấy các Bà-la-môn vì những người nữ nên sinh tâm tham lam, ganh ghét, phát sinh giận dữ, tranh nhau nói: “Cô gái xinh đẹp kia hãy để cho ta, ngươi không được lấy.” Con bò kia mập mạnh hãy để cho ta, ngươi không được lấy. Vàng bạc, mâm lúa, cho đến các thứ châu báu cũng đều như vậy cả.
Thấy các Bà-la-môn tham lam tranh giành các vật, sân hận với nhau, Bồ-tát thầm nghĩ: “Những người thọ nhận này do tham lam, sân hận, ngu si nên tâm cuồng loạn, thật không nên nhận. Cúng dường như thế này khác nào xe bị gẫy trục, căm vành bị hư không thể chuyên chở được. Ta cũng như vậy, hạt giống thật tốt mà ruộng thì cằn xấu. Vì những người thọ nhận này tâm bất thiện, nên khiến cho nước rót xuống không chịu chảy. Nay, tuy ta tổ chức bố thí thế này, cũng không có người dạy ta phát tâm cầu Chánh giác, mà ta tự phát tâm vì tất cả chúng sinh. Nay, nên thí nghiệm, nếu ta thật lòng thương đối với tất cả chứng sinh thì nước chảy xuống.” Nghĩ xong, Bồ-tát dùng tay trái cầm bồn rưới xuống thì nước liền chảy xuống tay phải Bồ-tát.
Các Bà-la-môn thấy vậy, đều sinh hổ thẹn, bỏ vật được bố thí, tu hành phạm hạnh. Họ cùng nhau đảnh lễ, cầu thỉnh Bồ-tát làm Hòa thượng. Bồ-tát thương xót họ nên nhận lời, dạy họ tu học bốn tâm vô lượng, nhờ nhân duyên ấy nên sau khi qua đời đều được sinh cõi trời Phạm thiên, khiến cho vô lượng chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Chánh giác vô thượng.
Khi Đại Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật, không thấy đây là phước điền, đây là phi phước điền, cũng không phân biệt thân sơ. Thế nên Bồ-tát khi bố thí, dù nhiều ít tốt xấu, nên với một tâm thanh tịnh dâng lên, không được có tâm xem thường người nhận.
2/ Phẩm Nhất Thiết Thí:
Tất cả các Bồ-tát
Vì lợi ích chúng sinh
Nên xả bỏ mạng mình
Xem như cỏ, phân uế.
Tôi từng nghe:
-Thời quá khứ có một vị vua tên Nhất Thiết Thí. Khi vua mới sinh, hướng đến cha mẹ nói lời thế này: “Con đối với tất cả vô lượng chúng sinh, còn có thể xả bỏ cả thân mạng quý trọng, huống chi là các vật châu báu khác của con”.
Vì vậy, cha mẹ rất quý trọng người con, đặt tên là Nhất Thiết Thí. Từ khi sinh ra, thân thể lớn dần theo hạnh bố thí, như mặt trăng đầu tháng lớn dần đến ngày mười lăm. Sau đó không bao lâu, phụ vương băng hà, hoàng tử nối nghiệp lớn của cha, trị nước đúng theo pháp, giáo hóa, không ức hiếp muôn dân, giữ gìn tự thân không can dự việc người, không xâm lăng nước khác. Nếu họ đến quấy nhiễu thì trị phạt nhưng không bắt giữ. Cứu giúp dân nghèo, trợ cấp tài sản. Cung kính các hàng Sa-môn, Bà-la-môn... Thường bố thí thức ăn cho chúng sinh với tự tay thanh tịnh, chính miệng thường tuyên bố: “Cho người này thức ăn, cho người này quần áo, cho người này tài sản vật báu, thương yêu người này, săn sóc người này.”
Bấy giờ, Bồ-tát thường làm việc bố thí hoàn toàn như vậy, khiến dân chúng nước láng giềng nghe công đức của vua như thế nên thường quy phục, do đó đất nước vua càng thêm đông đúc hầu như không còn chỗ trống. Như nước lũ trên đỉnh núi chảy xuống làm đầy tràn khắp các chốn khe suối, hang hố vực sâu. Cũng như cứ nửa tháng, nước thủy triều dâng, dân chúng nước khác đến quy phục trong nước ấy đông đảo cũng như vậy. Nước khác bị giảm thiểu dần dân số, nên sinh phẫn nộ, cùng nhau bàn luận việc chinh phạt. Sau khi thương nghị, họ tập họp bốn loại binh cùng kéo đến nước của Bồ-tát. Khi ấy, quan trấn thủ biên giới, từ xa về tâu vua:
-Nước oán tặc bên cạnh đã xâm lăng giống như cuồng phong, gió đen, mưa dữ.
Nhà vua bảo:
-Các khanh không nên làm loạn tâm ta.
Vua nói kệ:
Nước bên sở dĩ
Đến đánh nước ta
Chính vì muốn dân
Kho tàng châu báu
Vui thay! Rất hay
Nên thí cho họ
Ta nên xả bỏ
Xuất gia học đạo
Có nhiều quốc vương
Vì năm dục nên
Xâm chiếm của dân
Chứa cất không chán
Nên biết vua ấy
Sau khi qua đời
Bị đọa địa ngục
Súc sinh, ngạ quỷ.
Vì thế, nay ta không nên vì thân mình mà làm hại chúng sinh, đoạt tài sản của họ, vậy ta sẽ tự bỏ đi.
Các quan lớn cùng dân chúng cùng tâu:
-Cầu xin đại vương đừng bỏ đi, tự chúng tôi có thể chống cự kẻ địch này. Ngài hãy xem, hôm nay chúng tôi sẽ dùng năm loại binh, trang bị gươm giáo đầy đủ tất sẽ dẹp tan sạch hết lũ giặc, như gió bão thổi bay hết mây mưa.
Vua đáp:
-Than ôi! Này các khanh, từ lâu ta đã biết các khanh có lòng yêu mến, tôn trọng, hộ vệ ta, cũng biết các khanh hùng dũng hơn người, vũ lược mưu kế bậc nhất, nhưng vua bên địch gây ra việc này, đều không phải vì các khanh mà chính là vì ta. Giả sử họ đến không làm hại các khanh, thế sao lại sinh tâm ác như vậy. Ta từ lâu đã biết việc này, thân năm ấm là đích của các mũi tên. Các khanh biết không, ta từ lâu đã nói cho các khanh biết chư Bồ-tát đối với chúng sinh luôn thương tưởng như đối với con một. Các khanh không nên có tâm sân hại đối với chúng sinh khác vì biết chắc sân hại sẽ làm cho mình bị đọa địa ngục. Vậy nên các khanh phải nhất tâm tu thiện.
Trong khi Bồ-tát giảng dạy như vậy, thì quân giặc từ xa kéo đến, reo hò vang dậy. Nhà vua nghe tiếng reo, hỏi quần thần:
-Đây là tiếng gì?
Quần thần đều buồn khổ, khóc than tức tưởi, tâu vua:
-Giặc ác không bị ngăn, đã giết hại nhiều người, cũng như mưa đá dữ làm hại năm thứ lúa thóc, như lửa dữ thiêu rụi cỏ khô, như bão dữ xô ngã cây lớn, như sư tử sát hại các loài cầm thú, bọn oán tặc sát hại dân chúng cũng như vậy.
Bấy giờ, quần thần không nghe theo lời dạy của vua, tự phân tán trang bị cho bốn loại binh để chiến đấu chống lại quân địch. Nhưng quân binh không có chủ tướng nên bị đánh lui, tan rã. Binh lính bị chết nhiều không kể xiết.
Khi ấy, vua lên lầu nói:
-Nhân vì ác dục làm cho con người hành động ác. Như thế thì các dục cũng như thây chết, nhà xí, phân uế, tại sao chỉ vì dục mà làm ác? Người ngu vì tham đắm nơi quốc gia nên sinh tâm cạnh tranh, cũng như bầy chim tranh giành nhau miếng thịt. Những chúng sinh ấy luôn có kẻ oán ghét là già bệnh chết. Tại sao không tự mình quán sát kỹ về kẻ oán này, ngược lại chỉ đi cạnh tranh với kẻ khác.
Lúc vua Nhất Thiết Thí suy nghĩ về việc này, thì vua nước địch đã vào trong cung. Nhà vua bèn đi theo ống nước chạy vào rừng sâu, đến khu rừng rậm thì thoát được giặc. Nơi ấy thanh tịnh, cây cối với các loại hoa quả nhiều vô số. Nước trong mát dịu ngọt, đủ tám mùi vị. Các loại chim phù, chim nhạn, cùng các loài cầm thú cũng rất nhiều. Nhà vua thấy vậy nên rất vui mừng, nói:
-Nay, ta đã thật thoát khỏi ngôi nhà lỗi lầm, khổ não. Vô số chúng sinh thường bị bao mối già, bệnh, chết khống chế làm cho khổ não. Nay ta đã tới được nơi chốn thanh tịnh, an lạc này thật khoan khoái không thể tả hết. Rừng này là trú xứ của Bồ-tát tu tập từ bi, cũng là thành trì vững chắc cho người phá trừ bốn loại ma. Ta đã được thân tâm thanh tịnh, tẩy sạch các cáu bẩn, cùng làm bạn với những con nai, thân tâm càng thêm an lạc, thọ nhận mọi khoan khoái cùng cực.
Khi vua oán địch chiếm được nước kia rồi, liền rao lệnh tìm kiếm vua cũ. Người nào tìm được vua Nhất Thiết Thí, hoặc giết hoặc trói đem về đây, thì sẽ trọng thưởng cung cấp tất cả mọi thứ vật dụng tùy theo yêu cầu. Bởi vì trước đây vua ấy thường tự xưng tụng mình tu tập chánh pháp, chê bai chúng là bạo ngược làm ác. Thế nên, nay vua mới này muốn gặp ông ta để chỉ cho thấy kết quả của việc tu thiện kia.
Tại địa phương xa khác, có một Bà-la-môn nghèo cùng, tiều tụy, xin ăn để sống, qua ngày gặp phải việc quan không nơi nhờ cậy, nghe tên họ vua thích làm việc bố thí, liền từ nước mình đi về nước của vua để cầu xin, giữa đường đói khát, mệt nhọc, tạm nghỉ trong rừng, tự than thở:
-Nơi này tịch tĩnh là trú xứ của Thánh nhân, hoặc là nơi ở của bậc Thần tiên ly dục, của các hạng người cầu giải thoát, đoạn tuyệt ăn uống, không giữ nô tỳ, không đi xe ngựa, ít muốn biết đủ, ăn trái khô, củ rễ, dược thảo. Chỗ ở của người có tâm Đại bi cũng là nơi tất cả các loài chim bay thú chạy không hề sợ hãi. Tự tại Thiên vương, vì muôn khiến cho chúng sinh thấy rõ gia đình là chốn lỗi lầm, khổ hoạn nên hóa ra nơi này.
Vua Nhất Thiết Thí nghe nói vậy, rất vui mừng, liền đi đến gặp vị kia, chào hỏi, mời ghé chỗ mình.
Sau khi ông Bà-la-môn an tọa, vua Nhất Thiết Thí bèn đem các loại trái cây ngon ngọt mời ông ta.Ăn xong, nhà vua hỏi:
-Đại Bà-la-môn, nơi này đáng sợ, không có dân chúng, ở đây chỉ có người tu đạo nhàn tịnh sống riêng lẻ, vì sao ông lại tìm tới?
Bà-la-môn nói:
-Người không nên hỏi tôi về việc này. Người là bậc phước đức thanh tịnh, xa lìa sự trói buộc của lao ngục gia đình, vì sao hỏi tôi về sự việc ấy. Người không nên nghe lời nói ác trược: Nếu ai xâm phạm ta, ta sẽ xâm phạm lại. Nếu ai đoạt của ta, ta sẽ đoạt lại của họ, làm cho tài sản tiêu tán, thân tộc chia lìa, vì sống tại gia nên phải chấp nhận như vậy. Đại đức, nay ngài đã đoạn trừ tất cả mọi thứ ràng buộc, an trú trong núi rừng, như loài voi mạnh quý giá, luôn tự tại vô ngại.
Bồ-tát Nhất Thiết Thí nói:
-Người nói ra những lời thanh tịnh, dịu dàng, vì sao không cùng ta trú ở nơi này?
Bà-la-môn đáp:
-Nếu muốn nghe, tôi sẽ trình bày rõ cho ngài. Quê hương của tôi cách đây rất xa, bạc phước nên gặp phải vua bạo ngược, cũng như sư tử ở giữa bầy nai, không bao giờ có một chút tâm niệm từ thiện. Vua nước tôi bạo ngược cũng giống như loài thú dữ ấy, không có tâm từ mẫn với muôn dân, có tội, không tội chỉ tiền bạc là xong. Tôi từ khi sinh ra đến nay luôn đề phòng cẩn thận, chưa từng phạm một chút nhỏ luật lệ của vua. Vô cớ vua bắt cả gia đình tôi giam giữ, bắt tôi phải nộp năm mươi tiền vàng, nộp đủ thì sẽ tha tội gia đình tôi, nếu không thì không thả ra, phải bị nhốt mãi nơi chốn tối tăm và còn bị đánh đập. sắp đến kỳ hạn phải nộp tiền vàng, nhưng gia cảnh nghèo cùng không sao có đủ. Tôi nghe nước này có vua Nhất Thiết Thí, Ưa làm việc bố thí, giúp đỡ người nghèo. Sự bố thí bất tuyệt, như cây trong mùa xuân hạ, hoa quả liên tục, như nước trong mát nơi đồng rộng ruộng vắng, người khát qua đó tùy ý uống, như hội lớn thực hiện việc bố thí không ai ngăn chận. Nay tôi lược nói, giả sử có người có ngàn cái đầu, mỗi đầu có ngàn miệng, miệng có ngàn lưỡi, mỗi lưỡi giải ngàn nghĩa, muôn tán thán đủ công đức của vị vua này cũng không thể hết được. Vua ấy đã thành tựu danh đức như vậy. Nay gia đình tôi gặp phải vua bạo ác, vô cớ mắc phải tội, lại không biết dựa vào đâu, thế nên tôi muốn đến chỗ nhà vua kia trình bày cầu xin theo chỗ mình cần. Nhưng trong tâm tôi thường suy nghĩ: “Bao giờ thì mới đến được nơi tùy ý cầu xin! Nếu vị đại vương kia biết được hoàn cảnh của tôi, thương xót, cung cấp ít nhiều, thì gia đình tôi có thể nhà đấy mà bảo toàn sinh mạng. Nếu xin không đủ số, tôi sẽ không sống nổi.”
Khi Bồ-tát nghe việc này, tâm bị xúc động mạnh nên ngất xỉu, ngã lăn ra đất, cũng như gió bão dữ làm ngã cây đại thọ.
Bà-la-môn liền lấy nước rưới lên mình nhà vua, khiến cho tỉnh lại và hỏi:
-Đại tiên, ngài nghe gia đình tôi bị khổ não như thế nên tâm ý ngài sầu muộn phải không? Ở đây thanh tịnh làm ngài yêu thích, thường sinh tâm Bi. Nay tôi gặp phải hoàn cảnh như vậy còn không sầu khổ, ngài vì sao mà quá khổ não đến thế?
Vua đáp:
-Ông có ý muốn gặp được vua kia. Ông thật không may vì người chánh trực đã không còn. Ông có đến nơi chắc chắn cũng không gặp, nên tôi buồn khổ.
Bà-la-môn hỏi:
-Nhà vua ấy bỏ đi đâu?
Vua Nhất Thiết Thí đáp:
-Có vua nước thù địch đến chiếm đoạt vương vị của vua ấy. Hiện nay vua ấy chạy trốn trong rừng vắng, chỉ làm bạn với cầm thú.
Bà-la-môn nghe nói vậy liền ngất xỉu. Vua Nhất Thiết Thí bèn rưới nước lạnh, làm cho ông ta tỉnh lại, rồi an ủi:
-Ông hãy ngồi dậy, đừng sầu khổ nữa.
Bà-la-môn nói:
-Hôm nay chắc tôi phải chết! Vì sao? Là vì điều mong muốn của tôi đã tan nát, tôi làm sao gượng dậy nổi, chắc chắn là không sao sống được.
Bấy giờ, vua Nhất Thiết Thí phát sinh tâm Từ bi, suy nghĩ: ‘Thật thương cho bậc đạo sĩ này, vì ý nguyện không được kết quả. Như hàng ngạ quỷ từ xa mong có nước trong, đến nơi thì lại không uống được, tâm quá sầu khổ nên ngã lăn ra đất. Bà-la-môn này cũng như vậy!”
Nhà vua bèn gọi:
-Bà-la-môn ơi! Ông hãy ngồi dậy! Ông hãy ngồi dậy! Vua Nhất Thiết Thí chính là ta. Trước đây ông muốn thấy, nay đã được gặp, vì sao còn sầu khổ?
Bà-la-môn hỏi vua:
-Dùng lời thiện để an ủi tôi, vậy ngài có tiền của không?
Vua đáp:
-Ta không có tiền của nhưng có cách làm cho ông được nhiều châu báu.
Bà-la-môn nói:
-Cách ấy là gì?
Vua đáp:
-Trước đây ta nghe vua oan gia của ông đang ở nước ta và tuyên bố giữa mọi người: “Ai bắt được vua Nhất Thiết Thí, giết chết hoặc giải về đây, thì sẽ được ta trọng thưởng theo yêu cầu”. Ta từ xưa đến nay chưa bao giờ dạy người khác làm việc ác, thế nên không bảo ông phải lấy đầu ta, chỉ nên trói ta giải đến vua kia. Vì sao? Vì ta ngoài thân này ra, thì chẳng có tiền của gì cả. Nhưng thân này của ta đã được tự tại, may mắn đem đổi lấy tài sản vật dụng để cứu giúp ông. Lành thay! Lành thay! Này Bà-la-môn, nay ta có được lợi ích là dùng thân vô thường này đổi lấy thân kiên cố. Đạo sĩ hãy xem, giả sử thân ta bị chết ở đây, thì bỏ thây nơi hoang vắng thì khác nào cây cỏ. Tuy có cầm thú đến ăn, nhưng nào có lợi gì! Nay dùng thân tro đất này đổi lấy vàng ròng vật báu, ta vì ý gì mà còn luyến tiếc nó.
Khi Ông Bà-la-môn nghe vua nói thế thì buồn khóc, thưa:
-Sao có thể có lý như thế được. Vì sao? Ngài hiện nay là bậc Vô thượng Điều ngự, cha mẹ của chúng sinh, giỏi làm việc hộ trì, là nơi chốn quy ngưỡng lớn lao, diệt trừ tất cả sự sợ hãi của vô lượng chúng sinh, hành động quảng đại, không mong báo đáp, thường thương xót muôn loài, là ánh lửa sáng lớn soi đường đối với bao cảnh đời tối tăm. Tôi làm sao lại phá diệt chánh pháp, trói ngài đem đến giao cho vua thù oán được? Giả sử đem ngài đến giao vua thù oán mà được vàng bạc châu báu vô kể thì tôi với tâm địa nào để đưa tay ra nhận? Giả như nhận lấy, thì tay ắt sẽ bị gãy xuống đất. Ví như người con trai vì để nuôi sống lấy thân mình mà phải ăn thịt cha mẹ, người này tuy được bảo tồn tánh mạng, nhưng khác nào kẻ đã chết rồi. Tôi cũng như vậy, nếu trói vua đem đến cho kẻ ác kia, tuy được nhiều tiền để chuộc gia đình, nhưng là việc tôi không thể ham chuộng.
Nhà vua đáp:
-Lời nói như vậy, sao gọi là tính toán chu đáo? Nếu ông thương xót ta, thì ta sẽ tự trói mình đi theo sau ông đến chỗ kẻ oán thù kia. Ông không bị tội lỗi gì, còn ta thì lại được phúc.
Bà-la-môn nói:
-Kính vâng lệnh vua, xin làm theo ý ngài.
Nói xong những lời ấy, nhà vua bèn tự trói cùng với ông Bà- la-môn đưa nhau đến thành.
Cựu thần của nhà vua cùng dân chúng khi trông thấy vua, đều tỏ ra kinh ngạc hết sức:
-Than ôi! Bà-la-môn! Ngươi chính là loài La-sát chứ chẳng phải Bà-la-môn! Ngươi đích thực là La-sát, chẳng phải Bà-la-môn! Ngươi vốn là quỷ thần bạo ác, trá ngụy hình tướng Bà-la-môn, không có tâm từ bi, chính là tử quỷ thường mong giết hại người. Nay ngươi làm cho thân vua bị tiêu diệt, cũng như nguyệt thực, bảy mặt trời cùng chiếu làm cho biển lớn khô cạn. Đèn sáng của pháp vô thượng hôm nay bị tất hết. Này kẻ Chiên-đà-la, tại sao tay ngươi không bị rụng xuống đất. Vì sao thân ngươi không bị chôn sâu vào lòng đất. Như vua sư tử, sau khi chết rồi, ai không hại được! Vua Nhất Thiết Thí này từ lâu đã rời bỏ ngôi vị, đất nước,
Vợ con, kho tàng châu báu cùng tất cả mọi sự tranh giành, lui vào rừng sâu, tu hạnh tịch tĩnh, đối với ngươi có thù oán gì mà nỡ đưa ngài lại đây.
Dân cả thành đồng thanh nguyện:
-Chư đại Tiên thánh, Tứ đại Thiên vương hộ thế! Xin dùng uy thần hộ trì nhà vua được bảo toàn mạng sống.
Lúc ấy, vị Bà-la-môn nghe như vậy, rất kinh sợ, vội vàng dẫn vua Nhất Thiết Thí vào gặp vua kia, tâu lên:
-Đại vương biết cho, thần đã bắt được vua Nhất Thiết Thí. Vua thù oán thấy vậy liền suy nghĩ: “Vị vua này đang độ tráng niên, thân tướng đẹp đẽ, hình dung tuấn tú, sức lực khó khuất phục. Còn ông Bà-la-mốn này thì tuổi già sức yếu, hình dung khô héo, diện mạo xấu xí, không sức lực mưu kế, vậy thì làm sao bắt được vua ấy đem đến đây? Hay ông ta là Phạm vương, Tự tại thiên vương, Na-la-diên vương, Thích Đề-hoàn Nhân, Tứ đại Thiên vương?”
Vua thù oán hỏi:
-Ai trói cho ngươi?
Bà-la-môn tâu:
-Chính thần trói ông ta.
Vua thù oán liền mắng:
-Hãy đi xa đi, kẻ ngu si!
Vua lại hỏi:
-Hay là ngươi đã dùng sức của chú thuật để trói lại phải không? Vì thân ngươi ốm yếu, còn thân vua kia thì đoan nghiêm, cũng như Đế Thích, làm sao ngươi trói được? Giả sử có người nói là có thể thổi núi Tu-di tan ra như bột, thì có thể tin không?
Oán vương bảo các đại thần:
-Các ngươi nên biết, đây là việc lạ, là trong mộng hay là huyễn hóa? Chẳng lẽ tâm ta mê muội nên nhìn thấy sai lầm hay sao? Con khỉ già ốm này làm sao trói được thân Đế Thích? Các quan nên biết, làm sao dùng tơ trong ngó sen để treo núi Tu-di? Làm sao với thân con thỏ mà vượt qua biển lớn? Làm sao với vòi con muỗi lại châm tới tận đáy biển?
Khi Bà-la-môn nghe Oán vương nói vậy, liền nói kệ:
Nay đại vương nên biết
Tôi thật không thể trói
Chính vua này từ bi
Vì tôi nên tự đến.
Như dùng lưới trói gió
Việc này thật là khó
Chính như Thiên đế Thích
Cũng không thể làm được.
Khi ấy, Oán vương hướng về vua Nhất Thiết Thí nói:
-Ngươi vì sợ ta nên trốn vào chốn núi sâu, khe suối, rừng rậm đồng vắng, chỉ biết vui với cỏ cây, cầm thú, ít muốn, biết đủ, uống nước suối, ăn trái cây, lấy cỏ làm nệm, không tranh với ta. Nhưng tâm thù oán của ta thì chưa thể tiêu trừ được. Ta lại có quyền sát hại ngươi, vì sao ngươi lại tìm đến đây?
Vua Nhất Thiết Thí thản nhiên mỉm cười, không lộ chút sợ hãi, thân tâm ung dung như Sư tử vương, lên tiếng:
-Ngươi không biết hay sao, ta tên là vua Nhất Thiết Thí. Ta muốn thành tựu thệ nguyện của mình, nay đến đây là vì ba việc:
Một, vì ông Bà-la-môn này dốc cầu xin tiền tài. Hai, trước đây ngươi đã công bố ai bắt được ta đem tới cung vua thì sẽ trọng thưởng cho họ. Ba, trước đây ta có thệ nguyện là sẽ bố thí tất cả, thế nên ta tìm đến là muôn xả bỏ thân mạng. Nay người hãy ý thức rằng, nếu thân ta bị chết, chôn vào đất, nào có ích gì! Sở dĩ trước đây ta chạy vào rừng núi, không phải vì sợ hãi, mà chỉ vì yêu thương muốn hộ trì tánh mạng cho các chúng sinh. Nay ngươi có quyền lực mà chưa diệt được tâm thù oán, nên ta đến đây tùy ý ngươi chém giết để hết tâm oán hận, được an ổn. Vậy nay người hãy mau thực hiện đi.
Vua Nhất Thiết Thí nói kệ:
Với oán sình sân hận
Tự khô héo tâm mình
Như đóm lửa dưới tro
Có thể đốt vạn vật.
Nhân vì tâm phẫn nộ
Khi chết đọa địa ngục
Như bị mũi tên độc
Trúng thân chắc phải chết.
Ai sân hận kẻ thù
Thì tâm không yên tĩnh
Như người bị đau mắt
Không thấy đúng sắc màu
Thân này bằng máu thịt
Xương, tủy, mỡ và não
Phẩn uế và đờm dãi
Da mỏng bọc bên ngoài,
Thân này như nhà xí
Không chủ, không có ngã
Có oán thù gì vua
Mà phát sinh phẫn nộ.
Giặc sinh lão bệnh tử
Thường xâm chiếm thân vua
Tại sao đối với chúng
Ngược lại tưởng bạn thân?
Thân ta là bốn đại
Thân vua cũng như vậy
Ai thấy mà nổi sân
Là tự sân với mình.
Thế nên đại vương không nên nổi sân hận! Nếu ngươi vẫn còn sân hận thì với quyền lực hiện nay, hãy tùy ý chém giết ta cho mau, hãy thưởng cho người đầu tiên tìm kiếm ta. Ta nhất quyết bỏ thân mạng không chút luyến tiếc. Với nhân duyên này, ta nguyện cho tất cả chúng sinh có thể thực hiện sự bố thí tất cả và cũng đạt được việc xả bỏ mọi thứ tiếng tăm.
Khi Oán vương nghe nói như vậy, từ ngự tọa đứng dậy, chắp tay cung kính lạy vua Nhất Thiết Thí và thưa:
-Cầu xin đại vương ngồi trở lại tòa của mình. Ngài chính là bậc Pháp vương, là bậc chúa giáo hóa chân chánh. Tôi chỉ là kẻ La- sát bạo ác. Ngài là ngọn đèn sáng trong đời, là cha mẹ của thế gian. Tôi chỉ là kẻ giặc lớn bạo ác ở đời, chuyên làm pháp ác, cướp đoạt tài sản người khác. Ngài thật xứng hợp với pháp, là gương sáng của chánh pháp. Tôi không xứng với pháp vì thường dối trá người khác. Cũng như người mù không thấy vết nhơ của mình, chúng tôi tội lỗi sâu nặng cũng giống như thế. Thân này từ lâu đáng bị vùi vào đất, sở dĩ còn sống đến ngày hôm nay, thật ra là nhờ Tôn giả đã hộ trì cho. Nay, tôi xin bỏ đất nước này và dâng thân tôi lên cho ngài.
Vua Nhất Thiết Thí nhân đấy bèn giảng giải giáo pháp cho Oán vương nghe, khiến cho nhà vua an trú trong giáo pháp, đem nhiều của báu ban cho người Bà-la-môn giúp ông ấy trở về quê cũ.
Khi Đại Bồ-tát tu tập hạnh Bốthí ba-la-mật, còn xả bỏ cả thân mạng quý trọng như vậy, huống chi đối với tài sản bên ngoài.
3/ Phẩm vương Tử Nhất Thiết Trì:
Bồ-tát Ma-ha-tát
Vì các chúng sinh nên
Đem tất cả vật quý
Bố thí cho tất cả.
Trước đây, tôi từng nghe:
Thời quá khứ có một vị vua, con của nhà vua là thái tử Nhất Thiết Trì, tuổi còn nhỏ, dung mạo tuấn tú, cũng như mặt trăng tròn sáng giữa muôn sao, mọi người ngắm nhìn không hề chán, uy nghi đĩnh đạc như núi Tu-di, trí tuệ sâu xa như biển lớn, thành tựu nhẫn nhục cũng như mặt đất, tâm không thay đổi như vàng ròng, thường được tất cả trời người yêu mến, như nước trong sạch gồm đủ tám vị, tâm luôn bình đẳng đối với thế gian, như mặt trăng mặt trời chiếu khắp vạn vật luôn làm mãn nguyện chúng sinh, như người cầu xin gặp ngọc Như ý, tâm sinh hoan hỷ, cũng như mẹ hiền trông thấy con yêu.
Vào lúc ấy, vương tử nói kệ:
Ta tự do sử dụng
Với vô lượng tài sản
Cho chúng sinh cùng hưởng
Như mặt trời chiếu khắp
Thấy người đến cầu xin
Không lúc nào nói không
Với người không mong cầu
Cũng bố thí cho họ.
Bồ-tát vương tử các căn luôn tịch tĩnh cũng như Phạm thiên. Tài sản đầy đủ như Tỳ-sa-môn. Vua cung cấp các phương tiện để phục vụ cho mọi người, như đệ tử phục vụ Hòa thượng. Tâm thường yêu mến tất cả chúng sinh như cha mẹ nhớ đến con ruột, giáo hóa chúng sinh theo phép tắc lễ nghi như bậc Đại hiền. Bồ-tát vương tử thành tựu được các công đức lớn lao như vậy. Tâm luôn vui vẻ bố thí cho tất cả chúng sinh. Vật như thế này bố thí cho người này. Vật như thế nọ, bố thí cho người kia. Người này sợ hãi, ta sẽ an ủi họ giúp tu tập chánh pháp, không có bỏ phế. Vật bố thí là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, cùng các loại dụng cụ, y phục, giường nằm, chăn nệm, xe cộ, nhà cửa, đất đai ruộng lúa, lương thực, nô tỳ, người phục vụ, voi ngựa, bò dê. Bố thí đầy đủ tùy theo nhu cầu, cũng như trời mưa làm cho trăm loại cây lương thực phát triển. Bồ-tát bố thí tài vật cho người với năm ngón tay của mình, như năm con rồng phun trận mưa lớnẽ Bồ-tát vương tử cũng luôn bố thí không ngừng như thế. Nếu hôm nào không có người đến xin, thì dung nhan Bồ-tát tiều tụy, trong lòng buồn rầu, cũng như mặt trăng vừa mới xuất hiện đã bị mây mù che phủ, không còn phát ra ánh sáng. Bấy giờ quần thần đều sinh ý hiềm hận đốì với vương tử.
Than ôi Vua ta ngu si vô trí
Có tiền không ăn, vị lai ra sao
Hiện tại không dùng, cũng không trách con
Phân tán kho tàng cho kẻ ở không
Kho tàng cạn rồi dân chúng ly tán
Dân chúng ly tán, giặc đến ai chống?
Giả như không giữ mạng sẽ chẳng toàn
Mạng đã chẳng còn, nước còn ai sống?
Các đại thần và dân chúng đều suy nghĩ về việc này.
Khi ấy vua cha có một con voi trắng có thể đi lại trên hoa sen, sức lực có thể hàng phục các nước thù địch. Vì có voi quý ấy nên các nước khác không dám xâm lăng.
Vua oán địch ở nước bên cạnh thường nghĩ: “Ta phải bày mưu chước gì để có được voi trắng quý giá kia”.
Vua liền sai người giả dạng một vị Bà-la-môn khổ hạnh, đi đến chỗ vương tử cầu xin voi trắng nọ.
Vì vương tử thấy các đại thần sinh tâm phẫn nộ, nên cỡi voi trắng ra ngoài thành du ngoạn, muốn đến một khu rừng, thì ngay trên đường đi đã thấy người Bà-la-môn. Sau khi gặp vương tử, Bà- la-môn rất vui mừng, chú nguyện: “Nguyện cho vương tử kế tục ngôi vị cao cả của đại vương, sống lâu vô cùng, các nước khác đều quy phục, thiên hạ được thái bình”. Rồi nói:
-Thưa vương tử, chúng tôi đều là Bà-la--môn sống ở phương xa, thường nghe vương tử thích làm việc bố thí, nên từ nơi ấy đến đây, trên đường bị đói khát, chịu nhiều thống khổ. Thưa vương tử, nên biết chúng tôi thọ trì giới cấm thanh tịnh, đọc tụng rất nhiều, thông suốt tất cả. Công đức của vương tử trải khắp mười phương, nghe xứ nọ tán về đức độ của ngài, ai cũng yêu mến. Ngài luôn cho chứng sinh thỏa mãn ý nguyện, chẳng một ai đến xin mà trở về tay không. Xin ngài bố thí cho chúng tôi con voi trắng đang cỡi.
Nghe vậy, vương tử suy nghĩ: “Nay nếu không cho thì trái với lời nguyện, còn nếu như đem cho thì voi chẳng phải là của ta, mà là vật vua cha rất yêu quý.” Suy nghĩ như thế nên bảo người Bà-la-môn:
-Các vị nếu cần vàng, bạc, lưu ly, châu báu, các loại xe cộ, nô tỳ của ta, thì ta sẽ cho hết. Còn voi trắng này vốn không phải là của ta nên ta không có quyền cho. Vả lại, đây là voi của vua cha ta cỡi, làm sao ta tự tiện đem cho được. Tính ra xem voi trắng này giá trị bao nhiêu, ta sẽ cho bằng với giá ấy, không khiến cho các vị nghèo cùng, cần gì chỉ muốn có được voi ấy. Bà-la-môn quý vị luôn thương xót chúng sinh nên xuất gia thọ giới, đã xa lìa tất cả vật chất thì dùng voi này làm gì? Nếu các vị được nó, có khi lại thêm khổ sở là khác.
Các Bà-la-môn nói:
-Chúng tôi không dùng tiền tài châu báu, chỉ cần voi này để cỡi vào núi tìm kiếm hoa đẹp cúng dường chư Thiên, sẽ làm cho chúng sinh được sinh lên cõi trời hoặc nhập Niết-bàn. Bản nguyện của vương tử là muốn đem lại lợi ích cho người khác, tôi cũng vậy, chỉ vì muốn đem lại lợi ích cho mọi người.
Vương tử nghe nói vậy, bèn phát sinh tâm Bi, liền từ lưng voi nhảy xuống, lại nghĩ: “Voi này là sở hữu của vua cha, nay ta đem bố thí, tất quần thần và dân chung thấy sẽ tức giận, nghi ngờ. Ta muốn đem lại lợi ích cho mọi người tại sao lại phải tính toán như vậy, vì sự bố thí của ta là không cầu danh tiếng hay cầu sinh lên cõi trời, chỉ nhờ vào việc này giúp cho chúng sinh đoạn trừ các khổ não.”
Sau khi phát nguyện, Bồ-tát liền bố thí voi trắng quý cho Bà- la-môn, rồi tự mình cỡi một con ngựa trở về thành.
Được voi quý xong, các Bà-la-môn cùng nhau cỡi voi trở về, trong thời gian rất ngắn, họ đã trở về nước cũ.
Các đại thần cùng nhau tập họp, vội vàng đến gặp nhà vua tâu lên:
-Đại vương, hôm nay xin quyết đoán cho khéo vì vương tử đã đem voi trắng quý cho các Bà-la-môn và họ đã cỡi đi, lúc này chắc đã về tới nước thù địch. Vì trước đây đại vương thấy vương tử bố thí vàng bạc châu báu lại không khiển trách, đến nỗi ngày nay đem cả voi trắng quý giá cho kẻ oán thù. Đại vương, người con xấu trong thế gian có nhiều tội lỗi vì uống rượu, cờ bạc, tham sắc, hoang phí. Chúng thần mạo muội tâu bày, xin đại vương đừng bắt tội, từ đây về sau nếu vương tử không còn đem tài vật bố thí cho người thì cho phép ở lại triều đình, còn nếu không ngưng bố thí nên thì đuổi vào rừng sâu.
Nhà vua ra lệnh triệu vương tử đến và suy nghĩ: “Lạ thay! Tại sao tự dưng ta lại vì các đại thần mà không cho phép con ta bố thí tùy ý. Ta thật xấu hổ, khác nào nàng dâu sợ cha mẹ chồng.” Nhài vua bèn nói với con mình:
-Từ nay, con không được tham lam thực hành tất cả các công đức nữa, hãy từ bỏ tâm xả đi. Người hành theo chánh pháp nên mặc y phục bằng cỏ, uống nước lạnh, ăn trái cây, ở xa trong núi sâu. Con không thể móc mắt trái để trị mắt phải. Hôm nay vì sao bỗng dưng con làm phiền muộn tâm ta cùng đám quần thần. Người sống theo pháp phải làm cho hàng thân thuộc được an vui trước, sau đó mới đem lại an vui cho người khác. Nay, vì sao con lại đem voi trắng quý giá cho kẻ oan gia?

« Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gọi nắng xuân về


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Cẩm nang phóng sinh


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.34.78 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập