Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Phẩm Thứ Bảy: Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất
1/ Khuyên Tu Thánh Ðạo.
Lúc đó Ngài Ðịa Tạng đại Bồ tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sinh trong cõi Diêm Phù sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội.
Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn: Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.
Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả, vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chơn lên.
Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.
Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sinh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.
Ðến khi những chúng sinh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.
Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bổn thức nghe biết.
Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhơn duyên Thánh đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc sanh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.
Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v... mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái.
Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.
Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành.
Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo.
Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!
Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.
Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét những chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề, ở nơi trong giáo pháp của Phật, nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sinh đó đều tự mình được lợi ích cả.
2/ Trưởng giả Bạch Hỏi.
Khi Ngài Ðịa Tạng nói lời như thế xong, trong pháp hội có một vị Trưởng giả tên là tên là Ðại Biện.
Ông Trưởng giả từ lâu đã chứng quả vô sanh hiện thân Trưởng giả để hóa độ chúng sinh trong mười phương, ông chắp tay cung kính mà thưa hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rằng:
“Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sinh nào sau khi mạng chung, mà hàng quyến thuộc hoặc kẻ lớn người nhỏ, vì người chết đó mà tu các công đức, cho đến thiết trai cúng dường, làm những phước lành, thời người chết đó, có đặng lợi ích lớn cùng đặng giải thoát chăng?”
3/ Kẻ Còn, Người Mất Ðều Ðược Lợi.
Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đáp rằng: “Này ông Trưởng giả! Nay tôi vì tất cả chúng sinh trong hiện tại này cùng thuở vị lai sau, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó.
Này ông Trưởng giả! Những chúng sinh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật, thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.
Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.
Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.
Con quỉ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.
Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.
Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.
Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.
Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.
Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp.
Lại vầy nữa, này ông Trưởng giả! Sau khi những chúng sinh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung, hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó.
Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v... đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dưng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước.
Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả.
Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dưng cúng cho Phật cùng Tăng, thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần.
Này ông Trưởng giả! Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả.”
Lúc Ngài Ðịa Tạng nói lời này, tại cung trời Ðao Lợi có số nghìn muôn ức na do tha Quỉ Thần cõi Diêm Phù Ðề, đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.
Ông Trưởng giả Ðại Biện vui mừng vâng lời dạy, làm lễ mà lui ra. Phẩm Thứ Tám: Các Vua Diêm La Khen Ngợi
1/ Diêm La Vương Cùng Quỉ Vương Vân Tập.
Lúc đó trong dãy núi Thiết Vi có vô lượng Quỉ vương cùng với Vua Diêm La đồng lên cung trời Ðao Lợi đến chỗ của Ðức Phật.
Các vị Quỉ vương đó tên là: Ác Ðộc Quỉ vương, Ða Ác Quỉ vương, Ðại Tránh Quỉ vương, Bạch Hổ Quỉ vương, Huyết Hổ Quỉ vương, Xích Hổ Quỉ vương, Tán Ương Quỉ vương, Phi Thân Quỉ vương, Ðiển Quang Quỉ vương, Lang Nha Quỉ vương, Ðạm Thú Quỉ vương, Phụ Thạch Quỉ vương, Chủ Hao Quỉ vương, Chủ Họa Quỉ vương, Chủ Phước Quỉ vương, Chủ Thực Quỉ vương, Chủ Tài Quỉ vương, Chủ Súc Quỉ vương, Chủ Cầm Quỉ vương, Chủ Thú Quỉ vương, Chủ Mị Quỉ vương, Chủ Sản Quỉ vương, Chủ Mạng Quỉ vương, Chủ Tật Quỉ vương, Chủ Hiểm Quỉ vương, Tam Mục Quỉ vương, Tứ Mục Quỉ vương, Ngũ Mục Quỉ vương, Kỳ Lợi Thất Vương, Ðại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Ðại Kỳ Lợi Xoa Vương, A Na Tra Vương, Ðại A Na Tra Vương.
Những vị Ðại Quỉ Vương như thế v.v... mỗi vị cùng với trăm nghìn Tiểu Quỉ Vương, cả thảy ở trong cõi Diêm Phù Ðề, đều có chức trách, đều có phần chủ trị.
Các vị Quỉ Vương đó cùng với Vua Diêm La nương sức oai thần của Ðức Phật và oai lực của Ngài Ðịa Tạng Bồ tát, đồng lên đến cung trời Ðao Lợi đứng qua một phía.
2/ Vua Diêm La Bạch Phật.
Bấy giờ Vua Diêm La quì gối chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Nay chúng con cùng các vị Quỉ Vương nương sức oai thần của Ðức Phật và oai lực của Ngài Ðịa Tạng Bồ tát mới được lên đến đại hội nơi cung trời Ðao Lợi này, mà cũng là vì chúng con đặng phước lành vậy. Nay chúng con có chút việc nghi ngờ, dám bạch hỏi đức Thế Tôn, cúi xin đức Thế Tôn từ bi vì chúng con mà chỉ dạy cho.”
Ðức Phật bảo Vua Diêm La rằng: “Cho phép ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà dạy rõ.”
Bấy giờ, Vua Diêm La chiêm ngưỡng đảnh lễ đức Thế Tôn và ngó ngoái lại Ngài Ðịa Tạng Bồ tát, rồi bạch cùng Ðức Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét Ngài Ðịa Tạng Bồ tát ở trong sáu đường dùng trăm nghìn phương chước để cứu độ những chúng sinh mắc phải tội khổ, Ngài không từ mệt nhọc.
Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đây có những sự thần thông không thể nghĩ bàn được như thế, nhưng sao hàng chúng sinh vừa đặng thoát khỏi tội báo, không bao lâu lại phải bị đọa vào ác đạo nữa?
Bạch đức Thế Tôn! Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đã có thần lực chẳng thể nghĩ bàn như thế, nhưng tại vì cớ sao hàng chúng sinh chẳng chịu nương về đường lành để được giải thoát mãi mãi? Cúi xin đức Thế Tôn dạy rõ việc đó cho chúng con”.
3/ Phật Giảng Sở Nhơn.
Ðức Phật bảo Vua Diêm La rằng: “Chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Ðề tánh tình cứng cỏi khó dạy khó sửa. Ngài Ðịa Tạng đại Bồ tát đây trong trăm nghìn kiếp đã từng cứu vớt những chúng sinh đó làm cho sớm được giải thoát”.
Những người bị tội báo cho đến bị đọa vào đường ác lớn, Ngài Ðịa Tạng Bồ tát dùng sức phương tiện nhổ sạch cội gốc nghiệp duyên, mà làm cho chúng sinh đó nhớ biết những công việc ở đời trước.
Tại vì chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề kết nghiệp dữ, phạm tội nặng, nên vừa ra khỏi ác đạo, rồi trở vào lại, làm nhọc cho Ngài Ðịa Tạng Bồ tát phả trải qua nhiều số kiếp lo lắng để cứu độ chúng nó.
Ví như có người quên mất nhà mình, đi lạc vào con đường hiểm, trong con đường hiểm đó có rất nhiều thứ Quỉ Dạ Xoa, cùng hùm sói, Sư tử, rắn độc, bò cạp.
Người quên đường đó ở trong đường hiểm chừng giây lát nữa sẽ bị hại.
Có một vị tri thức hiểu nhiều Pháp thuật lạ, có thể trừ sự độc hại đó, cho đến có thể trừ quỉ Dạ Xoa, các loài rắn độc v.v... chợt gặp người quên lạc đường kia đương muốn đi thẳng vào con đường hiểm nạn, bèn vội bảo rằng:
“Ô hay! Này ông kia! Có duyên sự gì mà vào con đường hiểm nạn này? Ông có pháp thuật lạ gì có thể ngăn trừ các sự độc hại chăng?”
Người lạc đường đó, bỗng nghe lời hỏi trên mới rõ là đường hiểm nạn, bèn liền lui trở lại muốn ra khỏi đường hiểm nạn đó.
Vị thiện tri thức ấy nắm tay dìu dắt, dẫn người lạc lối đó ra ngoài đường hiểm nạn, khỏi các sự độc hại đến nơi con đường tốt, làm cho được an ổn rồi bảo rằng:
“Này người lạc đường! Từ nay về sau chớ có đi vào con đường hiểm nạn đó nữa, ai mà vào con đường hiểm đó, ắt khó ra khỏi đặng, lại còn phải bị tổn tánh mạng”.
Người lạc đường đó cũng sanh lòng cảm trọng. Lúc từ biệt nhau, vị tri thức lại dặn thêm:
“Nếu ông có gặp kẻ quen người thân cùng những người đi đường hoặc trai gái, thời ông bảo cho họ biết con đường đó có rất nhiều sự độc hại, vào đó ắt phải tổn tánh mạng, chớ để cho những người ấy tự vào chỗ chết!”
Vì thế nên Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sinh mắc tội khổ muốn cho chúng nó sanh lên cõi trời cõi người để hưởng lấy sự vui sướng tốt đẹp.
Những chúng sinh tội khổ đó rõ biết sự khốn khổ trong con đường ác nghiệp rồi, khi đã được ra khỏi, chẳng còn trở vào nữa.
Như người quên đường kia lạc vào đường hiểm, gặp vị tri thức dẫn dắt cho ra khỏi không bao giờ còn lạc vào nữa.
Gặp gỡ người khác lại bảo chớ vào đường ấy, tự nói rằng mình là quên đường nên đi lạc vào đó, nay đặng thoát khỏi rồi, trọn hẳn không còn trở vào đường đó nữa.
Nếu còn đi vào đường ấy nữa, thời là còn mê lầm không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi, hoặc đến nỗi phải mất mạng.
Như chúng sinh bị đọa vào chốn ác đạo, Ngài Ðịa Tạng Bồ tát dùng sức phương tiện cứu vớt cho được thoát khỏi, sanh vào cõi trời, rồi cũng vẫn trở vào ác đạo nữa.
Nếu chúng sinh đó kết nghiệp quá nặng, thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi.
4/ Quỉ Vương Bày Thiện Nguyện.
Bấy giờ Ác độc Quỷ vương chấp tay cung kính bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Chúng con là hàng Quỉ Vương số đông vô lượng, ở trong cõi Diêm Phù Ðề, hoặc có vị làm lợi ích cho người, hoặc có vị làm tổn hại cho người mỗi mỗi đều không đồng nhau. Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi qua thế giới ác nhiều lành ít. Ði qua sân nhà người, hoặc thành ấp, xóm làng, trại vườn, buồng nhà, trong đó như có người trai, kẻ gái nào tu được chút phước lành bằng mảy lông sợi tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, chút hương, chút hoa cúng dường tượng Phật cùng tượng Bồ tát, hoặc đọc, tụng Tôn ki