Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Căn Bổn Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Bá Nhứt Yết Ma [根本說一切有部百一羯磨] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.56 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh - Thích Tâm Hạnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An - Thích Tâm Nhãn - Thích Đạo Luận
KHI BAO-SÁI-ĐÀ TẤT CẢ TĂNG ĐỀU CÓ TỘI – ĐƠN BẠCH
[469c07] Vào ngày mười lăm làm lễ bao-sái-đà, nếu tất cả Tăng-già đều phạm tội, nhưng không có vị nào có thể đến trú xứ khác đối trước bí-sô thanh tịnh như pháp sám hối (rồi về lại trú xứ của mình) để cho chúng Tăng có thể đối trước vị ấy như pháp sám hối, thì tất cả chúng Tăng phải tác pháp đơn bạch để trưởng tịnh. Sau đó, Tăng đến trú xứ khác sám hối tội của mình. Trình tự tác pháp đơn bạch như sau:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay, ngày mười lăm Tăng-già làm lễ bao-sái-đà. Ngay tại trú xứ này, tất cả Tăng-già đều phạm tội, nhưng không một vị nào có thể đến trú xứ khác đối trước bí-sô thanh tịnh sám trừ tội ấy; để cho chúng Tăng có thể đối trước vị ấy như pháp sám hối trừ tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác yết-ma đơn bạch làm lễ bao-sái-đà. Sau này đến trú xứ khác sẽ như pháp trừ tội. Đây là lời tác bạch.
Sau khi tác pháp như thế rồi mới được làm trưởng tịnh, không được bỏ qua. Nếu không làm như vậy bị tội vượt pháp.
Vào ngày mười lăm làm lễ bao-sái-đà, tất cả Tăng-già có nghi ngờ về tội, nhưng không vị nào có thể đến trú xứ khác gặp bí-sô thông hiểu tam tạng để thỉnh vấn quyết đoán về tội đang nghi ngờ (rồi về lại trú xứ của mình) để cho chư Tăng đối trước vị ấy quyết đoán tội đang nghi ngờ, thì tất cả Tăng-già được phép tác pháp yết-ma đơn bạch để làm lễ bao-sái-đà. Sau đó, đến trú xứ khác, thỉnh vấn chỗ nghi ngờ xong, sẽ như pháp trừ tội. Tác pháp theo trình tự:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay, ngày mười lăm Tăng-già làm lễ bao-sái-đà. Tại trú xứ này, tất cả Tăng-già có nghi ngờ về tội, nhưng không vị nào có thể đến trú xứ khác gặp bí-sô thông hiểu tam tạng thỉnh vấn quyết đoán về tội đang nghi ngờ để Tăng-già có thể đối trước vị ấy quyết trừ tội đang nghi ngờ. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác pháp yết-ma đơn bạch để làm lễ bao-sái-đà. Sau đó sẽ đến trú xứ khác thỉnh vấn giải quyết nghi tội rồi sẽ như pháp sám hối trừ tội. Đây là lời tác bạch.
Tác pháp đơn bạch xong [470a01] mới được làm trưởng tịnh. Nếu không làm như vậy bị tội vượt pháp.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, giả dụ bí-sô phạm tội, lại đối trước người phạm cùng tội để sám hối có được không?
- Không được.
- Bạch Đại đức, như vậy họ phải sám hối với ai?
Phật dạy:
- Họ được sám hối với người phi đồng phần.
- Bạch Đại đức, thế nào là tội đồng phần, thế nào là tội phi đồng phần?
Phật dạy:
- Ba-la-thị-ca đối với ba-la-thị-ca là đồng phần, đối với các giới khác là phi đồng phần. Tăng-già-phạt-thi-sa đối với tăng-già-phạt-thi-sa là đồng phần, đối với các giới khác là phi đồng phần. Ba-dật-để-ca[1] cho đến đột-sắc-ngật-lý-đa,[2] căn cứ theo như trên để biết.
Chú thích:
[1] Ba-dật-để-ca 波逸底迦: Skt. pāyattika, P. pācittiya, dịch đọa, cần phải sám hối...
[2] Đột-sắc-ngật-lý-đa 突色訖里多: Skt. duṣkṛta, P. dukkaṭa, âm khác đột-kiết-la. Có hai loại đột-kiết-la: nếu cố ý, phạm đột-kiết-la cần phải sám hối. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la chỉ tự trách tâm.
BAO-SÁI-ĐÀ – ĐƠN BẠCH
Đến ngày bao-sái-đà, nếu các bí-sô có phạm tội, phải tiến hành tác pháp như trên đã nói, rồi thuyết giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa. Sau khi thuyết bài tựa giới kinh, phải tác yết-ma đơn bạch theo trình tự:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay, ngày mười bốn tháng không trăng, Tăng-già làm lễ bao-sái-đà. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác pháp bao-sái-đà, thuyết giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa. Đây là lời tác bạch.
Sau đó thuyết giới kinh. (Trên đây là trình tự tác pháp của đại Tăng. Bí-sô-ni căn cứ theo đây để thi hành).
KHI LỄ BAO-SÁI-ĐÀ KHÔNG ĐẾN - BẠCH NHỊ
Khi trưởng tịnh, không phải kết cương giới, có bí-sô điên cuồng không chịu gửi sự tùy thuận (dục) và cũng không thể đưa họ vào trong chúng được. Phật dạy:
- Phải tác yết-ma để chúng Tăng không phạm tội. Nên tác pháp theo trình tự sau. Và nếu có những trường hợp khác, bí-sô không thể tập họp thì căn cứ theo đây mà làm:
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… bị bệnh điên cuồng, không thể gửi sự tùy thuận và cũng không thể đưa vào trong chúng. Nay Tăng tác pháp yết-ma bệnh hoạn cho vị ấy để Tăng không phạm lỗi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho bí-sô tên… yết-ma bệnh hoạn. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Yết-ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.
SAI NGƯỜI PHÂN NGỌA CỤ - BẠCH NHỊ
Như Thế Tôn dạy, đến ngày mười sáu tháng năm phải an cư mùa hạ. Các bí-sô không biết tác pháp hạ an cư như thế nào?
Phật dạy:
- Sắp đến ngày an cư, phải dự bị phân phòng xá. Các vật sở hữu của Tăng-già như tọa cụ, ngọa cụ… cho đến chậu rửa chân đều phải tập họp lại hết và phân phối.
Các bí-sô [470b01] không biết người nào được phân. Phật dạy:
- Có mười hai hạng người được phân ngọa cụ. Người đầy đủ năm pháp nên đứng ra phân chia. Với người không đủ năm pháp nếu chưa sai thì đừng sai họ, đã sai thì phải hủy bỏ. Thế nào là năm? Nghĩa là có ái, sân, sợ, si, không biết rõ được phân hay không được phân ngọa cụ. Trong mười hai hạng người, nếu người nào có năm pháp trên (ngược lại), chưa sai thì nên sai, đã sai thì không nên hủy bỏ. Nên sai theo trình tự sau: Tác tiền phương tiện, sau đó hỏi:
- Trong mùa Tăng-già an cư kết hạ, vị… có thể làm người phân ngọa cụ cho bí-sô không?
Vị ấy đáp:
- Có thể.
Tăng mời một bí-sô bạch nhị yết-ma để sai:
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này có thể làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai vị bí-sô… làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô này… có thể làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư. Nay Tăng-già sai bí-sô… làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư. Nếu các cụ thọ đồng ý sai bí-sô… này làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư thì im lặng. Nếu ai không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã đồng ý sai bí-sô tên… làm người phân ngọa cụ cho Tăng-già trong mùa hạ an cư. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
SAI NGƯỜI GIỮ Y – BẠCH NHỊ
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này có thể làm người giữ y vật cho Tăng-già. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… này làm người giữ y vật. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Yết-ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.
SAI NGƯỜI GIỮ VẬT DỤNG - BẠCH NHỊ
1. Tác bạch
[470c01] - Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… có thể làm người giữ vật dụng cho Tăng-già. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… làm người giữ vật dụng. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
(Tám loại yết-ma khác căn cứ theo những sự việc này).
Vào ngày mười lăm tháng năm, vị bí-sô tri sự có những việc phải làm. Ta nói rõ: Người tri sự quét dọn phòng xá cho sạch, sau đó báo cáo với mọi người: “Các Đại đức, ngày mai Tăng-già tiến hành an cư mùa hạ.”
Có những việc cần phải cùng nhau ghi nhớ. Vị tri sự phải xem số an cư nhiều ít để làm thẻ. Không được làm thẻ quá thô xấu, cong vẹo, dùng nước thơm rửa sạch, hoặc chùi bằng nước bùn thơm, đặt trên mâm sạch, rắc hoa lên rồi lấy vật sạch đậy lại. Đánh kiền chùy, tập họp đại chúng, đặt mâm đựng thẻ trước Thượng tọa. Sau đó, tuyên cáo về giáo pháp chế định Tăng-già phải an cư mùa hạ theo trong luật đã nói rõ. Thứ đến Thượng tọa tác pháp đơn bạch.
TẤT CẢ TĂNG-GIÀ AN CƯ MÙA HẠ - ĐƠN BẠCH
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay, ngày mười lăm Tăng-già muốn tiến hành an cư mùa hạ. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Hôm nay, Tăng-già nhận thẻ, ngày mai an cư. Đây là lời tác bạch.
Bí-sô tri sự bưng mâm đựng thẻ để phát đi trước. Người thu thẻ bưng mâm không đi theo sau. Người bưng thẻ đến trước đức Đại sư giáo chủ đặt xuống một thẻ. Sau đó đến trước Thượng tọa đứng lại. Thượng tọa rời chỗ ngồi, ngồi xổm chắp tay, nhận lấy thẻ của mình, sau đó đặt thẻ vào mâm không. Lần lượt làm như vậy cho đến người cuối cùng. Nếu có cầu tịch (cùng an cư) thì Quỹ phạm sư hoặc Thân giáo sư của họ thay mặt nhận thẻ cho họ. Cuối cùng là thẻ của thiên thần hộ chùa.
Sau khi gom thẻ lại, đếm bao nhiêu cái và bạch với đại chúng:
- Tại trú xứ này, người hiện diện nhận thẻ gồm có: Bí-sô…(bao nhiêu) vị; cầu tịch…(bao nhiêu) vị.
Lại nữa, người phân phòng xá ngay hôm ấy, trước nửa tháng phải kiểm tra phòng xá để thọ dụng cho đúng phép. Nếu người làm không đúng nghi thức phải trị phạt theo quy định như trong luật đã nói đầy đủ.
Ngày mười lăm, khi chúng Tăng tập họp, người tri sự nên thưa với chúng:
- Các cụ thọ, nay tại trú xứ này có khoảng… người. Ngày mai, chúng ta sẽ dựa vào thí chủ tên là…, dựa vào thôn phường… để khất thực, người tên… làm người phục vụ, người tên… làm người khám bệnh trong mùa hạ an cư. Các bí-sô phải đi kiểm tra lại những nơi khóm phường lân cận để khất thực. Sau khi đã xem xét nghĩ: Ta có thể an cư tại trú xứ này cùng các vị đồng phạm hạnh để [471a01] phiền não không sinh. Nếu chúng phát sinh, làm cho chúng mau trừ diệt. Nếu có pháp lạc chưa sinh làm cho sinh, đã sinh khiến tăng trưởng. Ta nên ở chỗ có đường đi và gần bên khóm phường để khất thực, không bị khổ nhọc. Nếu ta bị bệnh có người trông nom, giúp đỡ ta thuốc trị bệnh. Những thứ cần dùng đều được đầy đủ.
Sau khi tâm niệm như vậy phải đến chỗ yên vắng đối trước một bí-sô, ngồi xổm chắp tay thưa:
- Cụ thọ ghi nhận cho! Hôm nay, ngày mười sáu tháng năm, Tăng-già tác pháp an cư mùa hạ. Tôi, bí-sô… cũng vào ngày mười sáu tháng năm tác pháp an cư mùa hạ. Tôi, bí-sô tên… ở trong cương giới của trú xứ này tiền an cư ba tháng, lấy vị… làm thí chủ, vị… làm người doanh sự, vị… làm người xem bệnh. Nay tại trú xứ này, nếu có hư sụp, dột nát, tôi sẽ tu sửa lại. Tôi an cư ở đây trong mùa hạ này.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
Vị bí-sô kia nói: - Được.
Bí-sô đang thưa đáp: - Lành thay.
Bí-sô và cầu tịch thưa với bí-sô. Bí-sô-ni, chánh học (thức-xoa-ma-na), cầu tịch nữ thưa với bí-sô-ni.
SAI NGƯỜI XEM XÉT PHÒNG XÁ - BẠCH NHỊ
Bấy giờ đang giữa mùa an cư của các bí-sô. Nơi hành lang, phòng nhà của chùa có nhiều chim. Chúng ấp trứng nuôi con rất ồn ào. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Nên sai người cầm sào, theo bí-sô đi kiểm tra trong chùa, tổ chim nào không có trứng hay chim non thì phá bỏ. Nếu có chim non hay trứng thì phải chờ chúng bỏ đi hết mới được phá tổ.
Lại có nhiều tổ ong. Phật dạy:
- Xem xét nếu không có ong con thì khua động cho nó bỏ đi. Nếu có ong con thì dùng dây tơ buộc vào để tổ không phát triển. Nên sai người làm như vầy: Đánh kiền chuỳ, tập họp Tăng xong. Trước tiên hỏi:
- Vị… có thể vì Tăng làm người kiểm soát phòng không?
Vị kia nói: - Được.
Rồi sai một vị bí-sô bạch nhị yết-ma:
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô này tên… có thể làm người xem xét phòng cho Tăng-già. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… này làm người xem xét phòng. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Yết-ma chuẩn theo văn bạch.
Sau khi đã thọ sai, vị bí-sô này mỗi nửa tháng phải đi kiểm tra xem xét phòng xá, kiểm tra các ngoạ cụ. Nếu bí-sô nào đem các vật mỏng, bẩn thỉu, hư nát [471b01] để thay đổi ngoạ cụ, nệm ngồi của Tăng, nếu là người già cả thì bạch cho Tăng biết rồi thu ngoạ cụ của Tăng lại. Nếu là người trẻ thì thưa với hai thầy của họ, rồi lấy ngoạ cụ lại. Nếu người tri sự không làm đúng như Ta dạy sẽ bị tội vượt pháp. Việc này nên chia nhau luân phiên làm.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy, các chúng bí-sô phải an cư. Vậy ai an cư hợp cách?
Phật dạy:
- Năm chúng xuất gia đều an cư. Năm chúng là bí-sô, bí-sô-ni, chánh học nữ, cầu tịch nam, cầu tịch nữ. Năm chúng xuất gia đều an cư, ai không tuân hành bị tội ác tác.[1]
Chú thích:
[1] Ác tác: tức đột-kiết-la. Xem cht. 2, tr. 20; cht. 2, tr. 137.
THỌ NHẬN NGÀY KHI RA NGOÀI CƯƠNG GIỚI - BẠCH NHỊ
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Phật:
- Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy, trong khi an cư mùa hạ, các bí-sô không được ngủ đêm ngoài cương giới. Các chúng bí-sô có việc của Tam bảo và các việc khác ở ngoài cương giới, cần phải ra ngoài giới, nhưng không dám đi, bạch Phật. Phật dạy:
- Nay Ta cho phép các bí-sô có nhân duyên cần thiết được thủ trì pháp bảy ngày để đi ra ngoài cương giới.
Các bí-sô không biết đó là việc gì? Phật dạy:
- Đó là việc Tam bảo, việc ô-ba-sách-ca, việc ô-ba-tư-ca, việc bí-sô, việc bí-sô-ni, việc thức-xoa-ma-na, cầu tịch nam, cầu tịch nữ, hoặc có nhân duyên do thân quyến mời, hoặc vì trừ ác kiến cho ngoại đạo, hoặc đối với tam tạng có chỗ nghi ngờ phải hỏi vị khác; hoặc trong việc tu hành của mình chưa đắc cầu đắc, chưa chứng cầu chứng, chưa giải thoát cầu giải thoát. Tất cả các duyên sự này đều được phép thủ trì đi ra ngoài cương giới bảy ngày.
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, theo Thế Tôn đã dạy, được thủ trì bảy ngày ra ngoài cương giới, vậy xin thủ trì với ai?
Phật dạy:
- Tùy trường hợp, đối trước một bí-sô, ngồi xổm chắp tay thưa rằng:
Cụ thọ ghi nhận cho! Tôi, bí-sô tên… ở tại trú xứ này, thọ tiền hay hậu an cư ba tháng. Tôi, bí-sô… vì duyên sự… nên xin thủ trì bảy ngày ra ngoài cương giới. Nếu không bị nạn duyên, tôi sẽ trở lại cương giới này. Mùa hạ này tôi an cư ở đây.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Người kia nói: - Tốt.
Bí-sô xin phép đáp: - Vâng.
[471c01] Bấy giờ, vua Thắng Quang[1] ở nước Kiều-tát-la[2] cùng trưởng giả Cấp Cô Độc ở tại biên thuỳ chống giặc lâu ngày. Khi ấy, trưởng giả nhớ đến các Thánh chúng tâu lên vua biết. Vua sai sứ ra lệnh quan thủ thành:
- Khanh đến gặp các Thánh chúng, chớ ra lệnh cho các ngài, mà phải phương tiện thỉnh cầu đưa các vị ấy đến gặp ta.
Vị đại thần nghĩ ra một kế để các Thánh chúng tự đến trại vua. Vị đại thần đến rừng Thệ-đa căng dây ra đo. Các Thánh chúng hỏi:
- Này hiền thủ, người làm gì vậy?
Đáp:
- Thưa Thánh giả, đại vương có lệnh đào một mương lấy nước đi ngang qua đây (Sự việc này có nói đầy đủ trong [luật Hữu bộ] Mục-đắc-ca, quyển 5).[3]
Các bí-sô bảo họ:
- Tạm thời hiền thủ dừng lại, tôi sẽ đi gặp vua cùng nhau thương lượng.
Các bí-sô lại hỏi:
- Nếu hôm nay đi thì trở về trong ngày được không?
- Không được.
- Vậy thì hai, ba cho đến bảy ngày có thể trở về được không?
- Không được.
Các bí-sô mới đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
- Nếu có duyên sự lớn, Ta cho phép các bí-sô thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới.
Như Thế Tôn dạy, được phép thủ trì bốn mươi đêm ra ngoài cương giới. Các bí-sô không biết thủ trì như thế nào. Phật dạy:
- Trước tiên trải tòa đánh kiền chùy. Khi chúng tập họp xong, nên hỏi người có khả năng đi: người tên … có thể vì Tăng-già thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới không?
Vị kia đáp:
- Tôi có thể đi.
Nếu hai, hay nhiều người cùng đi cũng hỏi như vậy. Thứ đến, một bí-sô tác bạch rồi yết-ma:
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô tên… này ở trong cương giới của trú xứ này, tiền hay hậu an cư ba tháng. Bí-sô tên… nay vì việc Tăng-già muốn thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới. Hạ này, vị này an cư ở đây. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cho phép bí-sô… vì việc Tăng-già thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới. Hạ này, vị này an cư ở đây. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này ở cương giới của trú xứ này, tiền hay hậu an cư ba tháng. Nay bí-sô tên… này vì việc Tăng-già muốn thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới. Hạ này, vị này an cư ở đây. Nay Tăng-già cho bí-sô… này vì việc Tăng-già muốn thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới. Người này, hạ an cư ở đây. Nếu các cụ thọ đồng ý [472a01] cho bí-sô tên… hạ an cư ở đây, vì việc Tăng-già được thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới thì im lặng. Người nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã cho bí-sô tên… vì việc Tăng-già thủ trì bốn mươi đêm đi ra ngoài cương giới. Hạ này, người này an cư ở đây. Tăng đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Thế Tôn:
- Như tác pháp yết-ma cho hai hay ba người, phải tác như thế nào?
Phật dạy:
- Phải nêu tên từng người.
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, có thể thủ trì một ngày một đêm không?
Phật dạy:
- Được phép.
- Bạch Đại đức, như vậy có thể thủ trì hai đêm, ba đêm cho đến bốn mươi đêm không?
Phật dạy:
- Được phép.
- Bạch Đại đức có thể thủ trì hơn bốn mươi đêm không?
Phật dạy:
- Không được.
- Bạch Đại đức, như vậy có gì sai trái.
Phật dạy:
- Trong một mùa hạ, ở trong cương giới phải nhiều hơn ở ngoài cương giới.
- Bạch Đại đức, thủ trì một đêm, hai đêm, ba đêm, cho đến bảy đêm, đối trước ai để tác pháp?
Phật dạy:
- Đối trước một người.
- Bạch Đại đức, trên bảy đêm phải tác pháp thế nào?
Phật dạy:
- Nếu quá bảy đêm cho đến bốn mươi đêm đều phải xin Tăng-già tác pháp. Tùy theo duyên sự xảy ra để tính toán thời gian thọ nhận ngày nhiều hay ít.
- Như Thế Tôn dạy, nếu nơi khất thực, thuốc trị bệnh và người xem bệnh bị thiếu xót, có thể tùy ý đến nơi khác. Nếu có nam, nữ, bán-trạch-ca[4] gây nhân duyên trở ngại cũng không được ở. Nếu có tám việc nạn[5] phát sinh, hoặc có duyên sự đi ra ngoài cương giới mà gặp phải các nạn này nên không trở về trú xứ được. Việc này không gọi là mất hạ vì có chướng duyên. Những việc này, trong An cư sự[6] nói đầy đủ.
Chú thích:
[1] Vua Thắng Quang 勝光王: vua Ba-tư-nặc 波斯匿王, Skt. Prasenajit, P. Pasenadi.
[2] Nước Kiều-tát-la 憍薩羅國: Bắc Kiều-tát-la (Skt. Uttara-Kośalā), kinh đô là thành Xá-vệ, vị trí hiện nay nằm phía nam bang Uttar Pradesh.
[3] Ni-đà-na mục-đắc-ca 5, (10 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch thời Đường) T24n1452, 432a01.
[4] Bán-trạch-ca: xem cht. 1, tr. 30.
[5] Hán: bát nạn sự 八難事: 1. Nguy hiểm phạm hạnh; 2. Nguy hiểm vì kho tàng (Sau khi kết hạ an cư, các bí-sô biết ở trú xứ đó có kho tàng, nếu sống ở đây có nhiều nguy hiểm xảy ra); 3. Quỷ phá hoại; 4. Rắn độc; 5. Thú dữ; 6. Giặc cướp; 7. Thiếu thốn các nhu cầu; 8. Phá Tăng (Tăng tại trú xứ bị chia rẽ, không hòa hợp).
[6] Tỳ-nại-da an cư sự, 1 quyển, ngài Nghĩa Tịnh dịch thời Đường, T23n1445, p1041a24.
SAI NGƯỜI LÀM TÙY Ý SỰ - BẠCH NHỊ
1. Tác pháp
Như Thế Tôn dạy, sau khi an cư mùa hạ, các bí-sô phải đến giữa Tăng, đem ba việc thấy, nghe, nghi ra làm tùy ý sự.[1] Các bí-sô không biết tác pháp tùy ý sự như thế nào. Phật dạy:
- Này các bí-sô, khi làm pháp tùy ý trước bảy, tám ngày phải thông báo bằng cách như trình bày bằng lời, hay văn thư, hoặc viết treo trên nhà công cộng, trên xe v.v…, hoặc đọc to tại các thôn phường lân cận, để mọi người gần xa đều biết:
“Này các vị bí-sô, bí-sô-ni, cầu tịch, các vị thí chủ già trẻ nên lắng nghe! Tăng-già ở chùa… sẽ tác pháp tùy ý. [472b01] Đã đến lúc quý vị cùng nhau sửa soạn cho việc cúng dường này.”
Các bí-sô trẻ tuổi phải cùng nhau quét dọn chỗ ở và chùa tháp, dùng phân bò[2] mới trát láng tháp,[3] chỗ thờ cho trang nghiêm. Những người cựu trú có thể làm các món ăn ngon bổ để tùy lúc cung cấp. Những bí-sô thông hiểu tam tạng và những vị trì kinh vào ngày và đêm mười bốn nên tụng kinh suốt đêm. Đến ngày mười lăm, vào lúc thích hợp nên tiến hành tùy ý sự, đừng để trời quá sáng. Sau khi Tăng đã đồng ý, nên sai bí-sô tùy ý, hoặc một, hai cho đến nhiều người thọ sai.
Bí-sô tùy ý phải có đủ năm đức: không ái, không ghét, không sợ, không ngu si, thông hiểu các nguyên tắc về tùy ý sự. Với vị hiểu biết khéo léo, đầy đủ năm đức này, nếu chưa sai thì nên sai, đã sai thì không nên thu hồi lại. Ngược lại, nếu vị nào không đủ năm đức trên, chưa sai thì đừng sai, đã sai phải thu hồi lại. Nếu người thiếu năm đức, chưa sai thì không nên sai; đã sai thì phải bỏ.
Thọ sai theo trình tự sau: Tác tiền phương tiện, khi Tăng đã tập họp xong, trước hết hỏi người có khả năng: Vị tên… có thể làm tùy ý sự cho Tăng-già xuất hạ bằng ba việc thấy nghe nghi không?
Đáp: - Tôi có thể làm.
Sau đó một bí-sô tiến hành tác bạch, rồi yết-ma:
a. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay bí-sô tên… vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai vị tên… vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý. Đây là lời tác bạch.
b. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Nay bí-sô tên… vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý.[4] Nay Tăng-già sai bí-sô tên… sẽ vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý. Nếu các cụ thọ đồng ý cho bí-sô tên… vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã đồng ý cho vị tên… vì Tăng-già an cư mùa hạ làm bí-sô tùy ý. Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
Như Thế Tôn dạy: Nay Ta sẽ nói những cách thức mà bí-sô tùy ý cần phải làm:
Bí-sô thọ tùy ý nên lấy cỏ tươi làm tòa cho Tăng-già. Nếu một người làm người thọ tùy ý, nên tác pháp từ Thượng tọa cho đến hạ tọa. Nếu hai người, thì mỗi người thọ tùy ý với Thượng tọa. Sau đó, mỗi người làm người thọ tùy ý cho một nửa số người còn lại và cho đến hết. Nếu sai ba người thì làm theo ba chỗ. Căn cứ ý nghĩa này có thể biết được. Các bí-sô đều ngồi xổm trên tòa cỏ. Sau đó, Thượng tọa tác pháp [472c01] đơn bạch:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay ngày mười lăm, Tăng-già tác pháp tùy ý. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già tác pháp tùy ý. Đây là lời tác bạch.
Bí-sô thọ tùy ý ngồi xổm hướng về trước Thượng tọa. Thượng tọa ngồi xổm trên tòa cỏ, chắp tay thưa:
- Cụ thọ ghi nhận cho! Hôm nay ngày mười lăm, Tăng-già tiến hành tùy ý sự. Tôi, bí-sô… ngày mười lăm cũng tiến hành tùy ý sự. Tôi, bí-sô… ở trước Tăng-già, hướng về Đại đức, đem ba việc thấy nghe nghi để tiến hành tùy ý sự. Đại đức Tăng nhiếp thọ huấn thị cho. Tôi thật đáng thương, xin Đại đức thương tôi, thương tưởng tôi. Nếu thấy biết tội, tôi sẽ như pháp, như luật sám hối.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Bí-sô tùy ý đáp: - Tốt.
Đương sự: - Vâng.
Lần lượt làm như vậy cho đến hết. Nếu hai hay ba người có thể cùng nhau tiến hành tùy ý sự, tác pháp như trên.
(Hết phần tác pháp).
Sau đó, gọi chúng bí-sô-ni vào trong đại Tăng. Bí-sô tùy ý ngồi ở một bên. Ni chúng vào nơi đã bố trí như tác pháp tùy ý bí-sô. Thứ đến gọi thức-xoa-ma-na, cầu tịch, cầu tịch nữ, từng người từng người đối trước vị thọ tùy ý, tác pháp như trước. (Trường hợp họ không thuộc câu bạch, thì ghi lên giấy để họ đọc cũng được).
Vị bí-sô thọ tùy ý đứng hướng về Thượng tọa thưa:
- Các Đại đức cùng các tỷ muội của hai bộ Tăng đã làm tùy ý xong.
Hai bộ Tăng cùng xướng:
- Lành thay! Đã tác pháp tùy ý mỹ mãn.
Nếu không xướng bị tội ác tác.
Đến lúc này, năm chúng xuất gia, hoặc cả những người thế tục đem dao nhỏ, kim, chỉ, khăn… cùng nhau cúng dường hiện tiền Tăng trong lễ giải hạ. Bí-sô thọ tùy ý cầm dao nhỏ, kim chỉ, các tạp vật, tư cụ khác của Sa-môn, đứng trước Thượng tọa thưa như thế này:
- Đại đức, những vật này được cúng dường cho an cư rồi. Vậy người làm tùy ý được phép thí không? Nếu tại trú xứ này được thêm các lợi vật khác, Tăng-già hòa hợp được phép phân không?
Đại chúng đáp: - Được phép.
Nếu không làm như vậy, thì bí-sô tùy ý [473a01] và đại chúng bị tội vượt pháp.
2. Gửi dục
Cụ thọ Ô-ba-ly thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, đến ngày tùy ý, bí-sô bị bệnh không thể tham dự, phải như thế nào?
Phật dạy:
- Vào ngày mười lăm, khi bao-sái-đà phải gửi sự tùy thuận thanh tịnh (dục tịnh). Khi tùy ý sự, căn cứ pháp trưởng tịnh để gửi sự tùy thuận thanh tịnh. Thưa như thế này:
Cụ thọ ghi nhận cho! Hôm nay, ngày mười lăm, Tăng-già tiến hành tùy ý sự. Tôi, bí-sô tên… cũng ngày mười lăm tác pháp tùy ý. Tôi, bí-sô tên… thanh tịnh không có các chướng pháp. Vì nhân duyên có bệnh nên đối với việc Tăng-già như pháp kia, nay tôi thanh tịnh gửi dục tùy ý. Nếu có việc gì xảy ra xin nói cho tôi biết.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Ngoài ra, về thân biểu nghiệp, ngữ biểu nghiệp căn cứ pháp trưởng tịnh nên biết rằng, nếu khi trưởng tịnh, bí-sô nhớ đến tội đã phạm, hay nghi về tội đã phạm; hoặc trong Tăng nhớ đến tội đã phạm, hay nghi về tội đã phạm; hoặc tất cả Tăng-già đều có tội, cho đến nghi về tội đã phạm, thì phải tác đơn bạch thủ trì. Nhưng ngay khi tiến hành tùy ý sự, các trường hợp có tội hay nghi có tội, vị ấy phải biết sự khác nhau trong đó. Bí-sô tùy ý ở trong chúng nhớ đến tội đã phạm, hay nghi về tội đã phạm, phải tùy thời phát lồ sám hối.
Chú thích:
[1] Tùy ý sự: xem cht. 3, tr. 90.
[2] Phân bò: xem cht. 1, tr. 129.
[3] Hán: chế-để 制底, hay gọi chi-đề 支提, Skt. caitya, P. cetiya, chỉ chung cho lăng mộ, tháp miếu, bia kỷ niệm… Tăng-kỳ 33, T22n1425, p498b20: Nơi nào có thờ xá-lợi gọi là tháp, nơi nào không có xá-lợi gọi là chi-đề.
[4] Hán: Tùy ý bí-sô 隨意苾芻. Tứ phần 37, p836b19, Ngũ phần 19, p131c01… tự tứ nhân 自恣人.
KHI TIẾN HÀNH TÙY Ý, TRONG CHÚNG TRANH CÃI VỀ TỘI - ĐƠN BẠCH
Khi tiến hành tùy ý sự, nếu vì lý do luận thuyết về sự khinh trọng của tội, đại chúng tranh tụng phân vân. Tăng-già tác pháp đơn bạch, cùng nhau quyết đoán về tội này, theo trình tự:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay ngày mười lăm, Tăng-già tiến hành tùy ý sự. Trong Tăng-già có phát sinh sự tranh tụng, luận thuyết về tội khinh trọng. Để đề phòng sự trở ngại cho pháp sự, nay Tăng-già muốn cầu giải quyết về tội này. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng nhau quyết đoán về tội này. Đây là lời tác bạch.
KHI TÁC TÙY Ý TRONG CHÚNG QUYẾT ĐỊNH TỘI - ĐƠN BẠCH
Sau khi tác bạch xong, phải đến hỏi vị thông tam tạng có khả năng quyết đoán, y pháp y luật quyết định về tội này. Khi đã quyết định rồi, phải cáo bạch với đại chúng biết rằng tội ấy thuộc khinh hay trọng. Sau đó, không được đem việc này ra nói nữa. Trình tự tiến hành:
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Hôm nay, ngày mười lăm Tăng-già tiến hành tùy ý sự. Nhân vì đại chúng bàn luận về tội kinh trọng, làm trở ngại cho pháp sự. Nay Tăng-già đối với tội đã quyết định như pháp. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già [473b01] đã cùng nhau quyết định xong, không được nói lại sự việc này. Đây là lời tác bạch.
Theo như trường hợp một, hai, ba người tác pháp trưởng tịnh thế nào thì tác pháp tùy ý sự cũng như vậy. Chỉ có một, hai, ba, bốn người thì phải tác pháp đối thủ. Đủ năm người phải tác bạch tiến hành tùy ý sự. Nên sai người có khả năng để làm người tác pháp tùy ý. Nếu có người bệnh phải đưa vào trong chúng. Nếu có sáu người trở lên đều phải tác đơn bạch để làm tùy ý sự. Khi tiến hành tùy ý sự, nếu có người bệnh phải lấy sự tùy thuận thanh tịnh (dục tịnh) của họ. Khi gửi sự tùy thuận (dục), không được gửi cho người thế tục, cầu tịch, bán-trạch-ca. Chúng Tăng phải thanh tịnh và tập họp lại một chỗ để cùng nhau tiến hành tùy ý sự. Nếu không làm như vậy, Ta không cho phép tiến hành tùy ý sự.
Bấy giờ, có các bí-sô trước đây vì tranh luận nên sinh ra cãi cọ, ôm lòng oán hận, nhưng họ vẫn tập họp lại một nơi để tiến hành tùy ý sự.
Phật dạy:
- Lòng oán hận chưa trừ thì không nên cùng nhau tác tùy ý sự. Trước hết phải phát lồ sám hối, sau đó mới tác pháp.
Lại có bí-sô kia vào giữa đại chúng cầu xin sám hối. Bí-sô tranh tụng không chịu dung thứ.
Phật dạy:
- Cách thời gian tùy ý sự chừng bảy tám ngày, nên cùng nhau phát lồ sám hối rồi mới tùy ý sự.
Khi ấy, Tăng chúng đều tàm quý tạ lỗi với nhau. Bà-la-môn và người thế tục chê cười các bí-sô có hiềm khích nhau.
Phật dạy:
- Những người có hiềm khích nhau phải cầu xin tạ lỗi. Sau khi tha thứ nhau rồi tùy theo tuổi hạ mà làm lễ nhau, đưa đến sự hoan hỷ rồi mới tùy ý. Nếu không có hiềm khích thì không cần tạ lỗi.
Vào ngày ấy các bí-sô đã tác pháp tùy ý rồi, còn tiến hành trưởng tịnh nữa. Phật dạy:
- Tùy ý sự thì đã thanh tịnh, không cần thuyết giới nữa.
PHÂN Y VẬT ĐỂ LÀM Y KIẾT-SỈ-NA - BẠCH NHỊ
Sau khi an cư mùa hạ, có nhiều bí-sô tùy ý sự xong, đến rừng Thệ-đa để lễ bái Thế Tôn. Trên đường đi, gặp mưa, ba y đều ướt, mang đi rất mệt nhọc. Sau khi đến rừng Thệ-đa, họ thu xếp y bát, rửa chân rồi làm lễ Thế Tôn. Phật hỏi:
- Các thầy sống an lạc không? khất thực dễ dàng không?
Các bí-sô thưa:
- Bạch Đại đức, chúng con đến đây rất mệt nhọc.
Phật nghĩ: “Ta phải làm thế nào để các bí-sô sinh hoạt được an lạc và các thí chủ được Tăng trưởng phúc lợi, vậy nên cho phép các bí-sô sau khi tùy ý sự, đến ngày mười sáu, trương y[1] kiết-sỉ-na.”[2] Phật bảo:
- Khi trương y này, được mười điều lợi ích[3] trong năm tháng. Trú xứ nào được những thứ cúng dường, lấy ra một tấm vải tốt làm y kiết-sỉ-na. Đến ngày mười bốn tháng tám, bạch cho đại chúng biết. Sau đó [473c01] trải tòa, tiến hành tiền phương tiện theo trình tự ở trước. Mời một bí-sô tác bạch yết-ma:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Y đây là lời vật của Tăng-già nhận được ở trú xứ hạ an cư này. Nay Tăng-già cùng nhau đem y này làm y kiết-sỉ-na. Y này sẽ vì Tăng-già trương làm y kiết-sỉ-na. Khi trương y xong, tuy ra khỏi cương giới, nếu ai không mang theo đủ ba y vẫn không bị lỗi, huống chi y dư. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già đem y này trương làm y kiết-sỉ-na. Nếu trương y xong, tuy ra ngoài cương giới vẫn không có lỗi lìa y, huống chi y dư. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Yết-ma chuẩn theo văn bạch.
Chú thích:
[1] Trương y: người trương y kiết-sỉ-na là người căng vải để làm y kiết-sỉ-na, tức người giữ vai trò thợ cả (chính Phật nhận vai trò này), còn những người khác chỉ là phụ giúp.
Yết-ma nghi thức 1, X60n1135, p765a1-3: “Trương, nghĩa là trưng bày ra. ... Sau khi chúng Tăng yết-ma trao y xong, người giữa y hai tay nắm y trưng giở bày ra để cho đại chúng đều biết y này mấy điều mấy điều.’’
[2] Y kiết-sỉ-na 羯恥那: Skt.=P. kaṭhina, âm khác ca-thi(hi)-na 迦絺那; có năm nghĩa dịch: 1. kiên thật 堅實(cứng chắc), vì sắm nhiều y, y không bại hoại (cất chứa y dư không phạm xả đọa); 2. nan hoạt 難活, vì người nghèo kiếm sống gian nan, nhưng bỏ một ít vào y này thì công đức thù thắng; 3. kiên cố 堅固, như nghĩa kiên thật; 4. ấm phú 廕覆, che mát vì nó bao trùm năm điều lợi, hay dịch thưởng thiện phạt ác; 5. công đức y 功德衣.
[3] Kiết-sỉ-na y sự 1, T24n1449, p97b22: có hai nhóm lợi, nhóm một, 5 điều lợi: 1. chứa y quá 10 ngày; 2. chứa y quá 1 tháng; 3. không phạm lìa y ngủ qua đêm; 4. du hành nhân gian chỉ cần hai y; 5. tùy ý chứa y dư nhiều ít. Nhóm hai, 5 điều: 1. biệt chúng thực; 2. lần lượt ăn; 3. tục gia không mời vẫn có thể đến thọ thực; 4. được phép tùy ý xin y nhiều ít; 5. từ khi thọ, trong vòng năm tháng mọi tài vật có được đều thuộc lợi dưỡng kiết-sỉ-na.
SAI NGƯỜI TRƯƠNG Y KIẾT-SỈ-NA - BẠCH NHỊ
Bấy giờ, các bí-sô đã tác pháp xong, đem vải để làm y, may thành y kiết-sỉ-na, bạch Phật. Phật dạy:
- Mời một bí-sô đủ năm đức làm người trương y. Đánh kiền chùy, tác tiền phương tiện. Khi đại chúng đã tập họp, trước tiên hỏi:
- Bí-sô… có thể làm người trương y cho Tăng-già không?
Vị kia đáp: - Được.
Mời một bí-sô tác bạch yết-ma:
1. Tác bạch
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này hoan hỷ làm người trương y kiết-sỉ-na. Nay vì Tăng-già trương y kiết-sỉ-na. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già sai bí-sô… làm người trương y kiết-sỉ-na. Vị… này sẽ trương y kiết-sỉ-na cho Tăng-già. Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Bí-sô… này đã hoan hỷ làm người trương y kiết-sỉ-na. Nay vì Tăng-già trương y kiết-sỉ-na. Nay Tăng-già sai bí-sô… làm người trương y kiết-sỉ-na. Vị… sẽ vì Tăng-già trương y kiết-sỉ-na. Nếu các cụ thọ đồng ý sai vị… làm người trương y kiết-sỉ-na thì im lặng, vị… sẽ vì Tăng trương y kiết-sỉ-na. Vị nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã đồng ý vị… làm người trương y kiết-sỉ-na, vị… sẽ làm người trương y kiết-sỉ-na cho Tăng-già. Tăng-già đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
[474A01] GIAO PHÓ TRƯƠNG Y KIẾT-SỈ-NA - BẠCH NHỊ
Thứ đến bạch nhị yết-ma rồi cầm y giao cho người trương y. Tác pháp theo trình tự:
1. Tác bạch
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Y này sẽ vì Tăng-già làm y kiết-sỉ-na. Tăng-già đã sai bí-sô tên… làm người trương y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Tăng-già dùng y này làm kiết-sỉ-na, giao cho bí-sô tên... Đây là lời tác bạch.
2. Yết-ma
Đại đức Tăng-già lắng nghe! Y này sẽ vì Tăng-già làm y kiết-sỉ-na. Tăng-già sai bí-sô tên… làm người trương y. Nay Tăng-già dùng y này làm kiết-sỉ-na, giao cho bí-sô tên…, nếu các cụ thọ đồng ý đem y này vì Tăng-già làm y kiết-sỉ-na. Nay Tăng-già dùng y này làm kiết-sỉ-na, giao cho bí-sô tên… thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già đã đồng ý đem y này vì Tăng-già làm y kiết-sỉ-na giao cho bí-sô… rồi, Tăng-già đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
XUẤT Y KIẾT-SỈ-NA - ĐƠN BẠCH
Sau khi thọ y, bí-sô này đem cho bí-sô khác, hoặc giặt, nhuộm, may… các pháp thức khác trong phần y kiết-sỉ-na có nói đầy đủ.
Bấy giờ các bí-sô cùng thọ y kiết-sỉ-na đã đến lúc hết năm tháng. Họ không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy:
- Đến ngày mười lăm tháng giêng. Vị bí-sô trương y bạch với Tăng-già: “Các Đại đức, ngày mai sẽ xuất y kiết-sỉ-na. Các vị nên thủ trì y của mình.”
Sáng hôm sau, Tăng-già phải tập họp, tác tiền phương tiện xong, mời một bí-sô tác yết-ma đơn bạch:
- Đại đức Tăng-già lắng nghe! Ngay tại trú xứ này, Tăng-già đã hòa hợp cùng nhau trương y kiết-sỉ-na. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già thì Tăng-già đồng ý. Nay Tăng-già cùng nhau xuất y kiết-sỉ-na. Đây là lời tác bạch.
Khi các bí-sô đã xuất y xong, không biết phải làm thế nào. Họ bạch Phật. Phật dạy:
- Này các bí-sô, khi trương y, nhờ y được mười điều lợi ích, sau khi xuất y, không còn áp dụng mười điều lợi ích này nữa. Ai làm ngược lại thì bị tội.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.45.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập