Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hiệu chính và chú thích: Thích Nguyên An - Thích Tâm Nhãn - Thích Đạo Luận THỌ GIỚI BÍ-SÔ-NI
1. Thọ tam quy, ngũ giới
[459c13] Bấy giờ, cụ thọ Ô-ba-ly[1] thưa Thế Tôn:
- Bạch Đại đức, như Thế Tôn dạy: Đại thế chủ Kiều-đáp-di[2] vì mến chuộng tám pháp tôn kính[3] nên xuất gia thọ cận viên thành tựu tánh bí-sô-ni. Bạch Đại đức, với các bí-sô-ni khác con phải làm thế nào?
Phật bảo Ô-ba-ly:
- Nếu bí-sô-ni khác trước đây đã xuất gia, nhưng chưa thọ cận viên thì có thể tác pháp tùy theo thứ tự như thường lệ. Còn người nữ nào phát tâm cầu xuất gia, tùy theo ý muốn của mình, đến gặp một bí-sô-ni. Vị ni này phải hỏi các pháp chướng ngại. Nếu họ hoàn toàn thanh tịnh, thì tùy ý thâu nhận. Sau khi đã thâu nhận, truyền cho họ ba quy y và năm học xứ để họ trở thành ô-ba-tư-ca[4] luật nghi hộ. Nên truyền thọ như sau:
Trước hết, dạy người cầu xin xuất gia làm lễ, rồi quỳ xuống đất, chắp tay cúi đầu trước bổn sư và dạy họ thưa thế này:
A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Con tên là…, kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời:
Quy y Phật-đà lưỡng túc trung tôn.
Quy y Đạt-ma ly dục trung tôn.
Quy y Tăng-già chư chúng trung tôn.
(Nói ba lần)
Vị thầy dạy: - Tốt lắm.
Đáp: - Lành thay!
Sau đó truyền năm học xứ, vị thầy dạy họ rằng:
- Con nói theo lời của ta: [460a01] A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Như các vị thánh A-la-hán cho đến trọn đời không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu. Con tên là…, kể từ hôm nay cho đến trọn đời cũng như vậy, không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu. Đây chính là năm chi học xứ của con, cũng là học xứ của các vị La-hán, con phải học tập, phải thực hiện, phải hành trì.
(Nói như vậy ba lần).
Xin A-giá-lợi-da chứng tri cho con. Con là ô-ba-tư-ca quy y tam bảo, thọ trì năm học xứ.
Vị thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Dạ vâng.
2. Thọ sa-di-ni
Thưa đến thỉnh Ô-ba-đà-da:
- A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Con tên là…, nay xin thỉnh A-giá-lợi-da làm Ô-ba-đà-da, nhờ A-giá-lợi-da làm Ô-ba-đà-da con sẽ được xuất gia.
Nói như vậy ba lần. Hai lần sau như lần đầu. Đến lần thứ ba nên nói thêm:
- Nhờ Ô-ba-đà-da làm Ô-ba-đà-da.
Thứ đến, thỉnh một bí-sô-ni làm người tác bạch với chúng. Vị này nên hỏi bổn sư giới tử:
- Các chướng pháp đã được hỏi chưa?
Trả lời: - Đã hỏi.
Có hỏi thì tốt. Nếu không hỏi mà tác bạch thì bị tội vượt pháp. Thứ đến, thưa với chúng, khi chúng Tăng tập họp lại; hay đi từng phòng để thông báo. Sau đó bí-sô-ni tác bạch đưa giới tử đến giữa chúng, bảo họ đảnh lễ, quỳ trước Thượng tọa, cúi đầu chắp tay, người tác bạch thưa như sau:
- Tăng-già bí-sô-ni lắng nghe! Vị giới tử này tên là…, theo bí-sô-ni… cầu xuất gia, còn hình thức bạch y, chưa có cạo tóc. Nay xin được xuất gia thọ cận viên, thành tánh bí-sô-ni trong pháp luật khéo nói. Vị giới tử này nếu được cạo tóc, mặc pháp y rồi, khởi tâm chánh tín, từ bỏ nhà tiến đến nơi chẳng phải nhà, ngài… làm Ô-ba-đà-da. Tăng-già bí-sô-ni cho phép giới tử tên là… xuất gia không? (Ở đây chỉ thưa là đủ, không cần phải tác yết-ma đơn bạch).
Tất cả chúng đều nói:
- Nếu hoàn toàn thanh tịnh thì nên cho họ xuất gia.
Hỏi thì tốt. Nếu không hỏi bị tội vượt pháp. Sau đó thỉnh một bí-sô-ni thực hiện việc cạo tóc.
Trường hợp vị này cạo sạch tóc, giới tử lại hối hận. Phật dạy:
- Nên chừa lại một ít tóc trên đỉnh đầu, hỏi giới tử: “Ngươi đồng ý cạo sạch tóc trên đỉnh đầu không?” Nếu họ trả lời không đồng ý, nên nói với họ: “Ngươi có thể tùy ý ra về.” Nếu họ đồng ý, nên cạo sạch, rồi cho tắm rửa. Nếu trời rét thì cho [460b01] nước nóng hòa vào nước lạnh. Khi họ mặc quần áo nên kiểm soát cẩn thận, e rằng họ là người không căn, hai căn hay căn bất toàn v.v…
Bấy giờ, giới tử bí-sô-ni phải lộ hình để kiểm tra bị xấu hổ.
Phật dạy:
- Không nên lộ hình kiểm tra, khi họ thay đồ có thể khéo tìm hiểu, đừng cho họ biết. Sau đó, trao y man điều. Bảo họ dâng lên đầu rồi mặc vào. Vị bổn sư nên vì họ thỉnh bí-sô-ni trao cầu tịch nữ[5] luật nghi hộ cho họ. Bảo họ làm lễ xong, đến trước hai thầy, quỳ xuống cúi đầu chắp tay, dạy họ thưa như thế này (Hai thầy nên ngồi gần nhau, bảo đệ tử nắm lấy một góc cà-sa. Tôi [Nghĩa Tịnh] thấy ở phương Tây họ hành pháp như vậy):
- A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Con tên là…, kể từ hôm nay cho đến trọn đời, quy y Phật-đà lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-ma ly dục trung tôn, quy y Tăng-già chư chúng trung tôn. Đức Bạt-già-phạm Thích-ca Mâu-ni, Thích-ca Sư Tử, Thích-ca Đại Vương, Như thật tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác đã xuất gia, con cũng nương theo Ngài xuất gia. Con đã từ bỏ hình dáng thế tục, thọ trì hình tướng xuất gia. Vì việc pháp, con phải đề cập đến tên Thân giáo sư. Thân giáo sư tên là… (Nói ba lần).
Thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Lành thay.
Thứ đến là truyền mười học xứ. Dạy giới tử rằng:
- Ngươi nên nói theo lời ta:
A-giá-lợi-da ghi nhận cho! Như các vị thánh A-la-hán, cho đến trọn đời không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không trang sức, thoa ướp hương thơm, không ngồi giường cao rộng lớn, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc. Cũng như vậy, kể từ ngày hôm nay cho đến trọn đời, con tên là… không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói lời dối trá, không uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không trang sức, thoa ướp hương thơm, không ngồi giường cao rộng lớn, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc, cũng như các vị thánh giả ấy. Đây là mười chi học xứ của con, cũng chính là học xứ của các vị A-la-hán, con sẽ học tập, thực hành và thọ trì.
(Nói như vậy ba lần).
Ngưỡng mong A-giá-lợi-da chứng tri cho. Con là cầu tịch nữ, vì việc pháp con phải đề cập đến tên A-giá-lợi-da. A-giá-lợi-da tên là…
Thầy nói: - Tốt.
Đáp: - Lành thay.
Thầy dạy:
- Ngươi đã khéo thọ mười học xứ, phải cúng dường Tam bảo, thân cận hai thầy, học hỏi tụng kinh, siêng năng tu sửa ba nghiệp, chớ nên phóng dật.
3. Thọ thức-xoa-ma-na
Nếu là người nữ đã từng có chồng thì phải đủ mười hai tuổi.[6] Nếu đồng nữ[7] đủ mười tám tuổi [460c01] (Dựa theo đây, sau này có thể tạm thời tùy theo sự việc mà nói) nên cho hai năm học tập sáu pháp,[8] sáu tùy pháp. Nên truyền thọ như thế này: Trước hết trải tòa, đánh kiền chùy thưa với tất cả chúng. Tăng-già bí-sô-ni nên tùy đó mà tập hợp lại hết; ít nhất cũng phải đủ 12 vị. Ngay trong đàn tràng bảo cầu tịch nữ làm lễ chúng Tăng rồi đến ngay trước Thượng tọa quỳ xuống, cúi đầu chắp tay, thưa:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Con là cầu tịch nữ tên… đủ mười tám tuổi. Vì việc pháp con phải gọi đến tên Ô-ba-đà-da. Con theo Ô-ba-đà-da… xin học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Con tên là… nay theo Tăng-già bí-sô-ni xin học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Vì việc pháp con phải gọi đến tên Ô-ba-đà-da. Vị… là Ô-ba-đà-da. Ngưỡng mong Tăng-già bí-sô-ni trao cho con sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Cúi xin quí ngài từ bi tế độ, thương xót dạy dỗ cho con. Ngưỡng mong các ngài thương tưởng, thương tưởng con.
(Thưa như vậy ba lần).
Thứ đến một bí-sô-ni tác bạch nhị yết-ma:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Cầu tịch nữ… này tuổi đủ mười tám, ngài… làm Ô-ba-đà-da, nay theo Tăng-già bí-sô-ni xin học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho cầu tịch nữ… đủ mười tám tuổi được học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm, ngài… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến tác pháp yết-ma:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Cầu tịch nữ… này đủ mười tám tuổi, ngài… làm Ô-ba-đà-da, nay theo Tăng-già bí-sô-ni cầu xin học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu các cụ thọ đồng ý cho cầu tịch nữ… này đủ mười tám tuổi thọ sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm, vị… làm Ô-ba-đà-da thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì nói.
Tăng-già bí-sô-ni đã cho cầu tịch nữ… đủ mười tám tuổi được thọ sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm, ngài… làm Ô-ba-đà-da. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi [461a01] ghi nhận như vậy.
Thứ đến bảo họ rằng:
- Này các chánh học[9] nữ… lắng nghe! Kể từ hôm nay phải học sáu pháp:
1. Không được đi đường một mình.
2. Không được lội qua sông một mình.
3. Không được xúc chạm thân đàn ông.
4. Không được ngủ cùng phòng với đàn ông.
5. Không được làm mai mối.
6. Không được che giấu trọng tội của ni.[10]
Tụng tóm lược:
Không đi đường một mình,
Không qua sông một mình,
Không xúc chạm đàn ông,
Không ngủ cùng phòng nam,
Không được làm mai mối,
Không giấu trọng tội ni.
Lại dạy rằng:
Này các chánh học nữ… lắng nghe! Kể từ hôm nay ngươi phải học sáu tùy pháp:
1. Không cầm giữ vàng bạc làm của mình.
2. Không cạo lông chỗ kín.
3. Không đào bới đất sống.[11]
4. Không cố ý chặt phá cây cỏ sống.
5. Không được ăn thức ăn chưa dâng (không mời).
6. Không ăn thức ăn bị xúc chạm (người khác đã đụng đến).[12]
Tụng tóm lược:
Không cầm giữ vàng bạc,
Không cạo lông chỗ kín,
Không đào bới đất sống,
Không chặt phá cỏ cây,
Không ăn vật chưa dâng,
Không ăn vật xúc chạm.
4. Thọ giới bí-sô-ni
Trong hai năm, nếu tu học hoàn mãn sáu pháp và sáu tùy pháp có thể cho thọ cận viên. Vị thầy nên trang bị cho họ năm y,[13] bát, lược nước, ngoạ cụ. Thỉnh vị ni tác bạch yết-ma, Bình giáo sư[14] cùng vào đàn tràng. Các bí-sô-ni tập trung và hoà hợp xong, ít nhất cũng phải đủ 12 vị. Trước hết phải truyền cho họ bản pháp tịnh hành,[15] bảo họ lạy ba lạy. Lễ kính có hai loại, là năm chỗ tròn[16] sát đất, và hai tay ôm lấy chân thầy. Tùy ý chọn một trong hai cách lễ này. Sau khi lạy xong, nên thỉnh Ô-ba-đà-da. Nếu vị này trước đây đã là Ô-ba-đà-da, hay A-giá-lợi-da của giới tử rồi thì tùy lúc xưng hô. Nếu hai vị này trước đây không phải là hai bậc thầy đó thì nên gọi là Đại đức hay Tôn giả. Thỉnh Quỹ phạm sư căn cứ theo đó mà làm. Chỉnh đốn uy nghi, thưa rằng:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho, con tên là… nay thỉnh Ô-ba-đà-da làm Ô-ba-đà-da, xin Ô-ba-đà-da vì con làm Ô-ba-đà-da, do Ô-ba-đà-da, nhờ [461b01] Ô-ba-đà-da nên con được thọ cận viên. (Đây là trường hợp vị này trước đây là Thân giáo sư truyền mười giới).
(Thưa như vậy ba lần).
Giới tử ở ngay giữa chúng, trước mặt Thân giáo sư, vị này đưa cho giới tử năm y và dạy nói như thế này:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho. Con tên …, tăng-già-chi (y hai lớp) này con xin thọ trì, đã may thành y, là y con thọ dụng.
(Nói ba lần như vậy).
Bốn loại y còn lại nên lần lượt thọ trì và cũng nói như vậy. Ốt-đát-la-tăng-già (y mặc trên), an-đát-sa-bà (y nội), quyết-tô-lạc-ca (quần dưới),[17] tăng-khước-kỳ (y che nách).[18] Nếu chưa đủ y, có thể lấy vải chưa được giặt nhuộm, cắt rọc hoặc lụa hay vải bố tạm thời bổ sung cho đủ số y. Nên thủ trì thế này:
- Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, y này con xin thủ trì, sẽ làm thành y tăng-già-chi chín điều, hai đoạn dài một đoạn ngắn. Nếu không bị trở ngại con sẽ giặt nhuộm cắt may để sử dụng.
(Nói ba lần như vậy).
Các y khác căn cứ theo đây.
(Năm loại y này là y phục cần thiết của ni. Ba y như bên đại Tăng. Hai y còn lại cần giải thích. Quyết-tô-lạc-ca gọi là cái bồ, lấy hình dạng để đặt tên, tức quần dưới của ni. Dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay may dính lại, kéo lên quá rốn, cuộn ngay lưng, cao cách mắt cá hai ngón tay. Đây là cách thức mặc quần của ni chúng Tây Vực. Chỉ có loại quần này, không có y phục nào khác. Vì vùng này nóng nực, khi làm việc, khi đi đường cần phải mặc như vậy. Không giống như ở xứ lạnh, y mặc cần nhiều lớp. Xưa dịch là quyết-tu-la hoặc kỳ-tu-la đều sai. Tăng-khước-kỳ là y che vai phương này [Trung Quốc], dài một khuỷu tay đúng kích cỡ, để che vai và nách. Phật chế y này vì sợ mồ hôi làm bẩn ba y. Trước hết mặc y này che cả hai vai. Sau đó mặc pháp phục lên trên bao quanh cổ cho kín, tra nút ngay trên vai. Nút này như nút áo lót. Y che kín thân, không chừa hai vai ra, hai tay đưa ra bên dưới. Nếp cuốn của y nằm trước ngực như tượng vua A-dục. Các trường hợp ni làm lễ Tam bảo, thọ đại giới, thọ thực không cho phép bày vai ngực ra ngoài. Lúc bấy giờ phép tắc trong chùa của các ni là như vậy, Tăng cũng như vậy. Nhưng khi ăn, khi lễ bái, Tăng được phép bày vai ra. Năm xứ Thiên Trúc[19] đều như vậy. Trong chùa không thấy Tăng, ni mặc y che vai, và cũng không có nút cài; do vải nhẹ, rít vén lên đầu vai không rớt. Ở xứ này do y bằng vải lụa trơn phải làm nút dây trước ngực, tự cho mình là một gia phái. Dung nghi không quan hệ gì đến sự chế định của Phật. đây là do ban đầu Phật giáo mới truyền sang, sự phiên dịch truyền thọ không đúng với thật nghĩa của nó. Nói tăng-kỳ-chi lại tưởng là y phú kiên. Nhưng y phú kiên là dịch từ tăng-khước-kỳ. Gọi là tăng-kỳ-chi là tên gọi không đúng. Hai tên này chỉ là một vật nhưng lại cố ép cho thành hai tên. kỳ-chi cũng có ý nghĩa tợ như đeo mang, nguyên ngữ có nghĩa là che vai. Trong luật không có tên gọi này. Lại nữa, xứ này xưa gọi kỳ-chi cũng không phải như vậy. Hai miếng vải hợp lại là quyết-tô-lạc-ca, nhưng một miếng vải trơn mở một bên để quấn dùng hiện nay cũng là quần dưới. Cho nên những cách gọi đây không phải tên đúng lắm, tạm dùng chứ không chính xác. Đây chỉ trình bày những nét đại cương, muốn hiểu rõ nên xem ở những chỗ khác. Nếu không tự thân không thấy ở các nước phía Tây, thì ai biết được nguồn gốc, giả sử có người thấy như vậy rồi bảo họ sửa, thì cả vạn người chưa được một người sửa. Như trong phạm vi ba y mà đã hiểu và làm sai lạc theo ý của người khác rồi. Cố chấp theo thói cũ sai mà không theo cách mới đúng. Đây thật là biết mà cố ý chống lại, tạo cái lỗi chống trái với giáo pháp, ai chịu tội cho).
Thứ đến đưa bát ra trình với đại chúng, tránh trường hợp quá nhỏ, quá lớn, màu trắng... Nếu là bát tốt đúng pháp, đại chúng nên nói bát tốt. Nếu không nói, bị tội vượt pháp. Sau đó, thọ trì bằng cách để bát trên tay trái, tay phải đặt trên miệng bát. Dạy họ thưa:
[461c01] - Ô-ba-đà-da ghi nhận cho! Con tên là…, Ba-đát-la[20] này là vật dụng của bậc đại tiên, là vật dụng để khất thực. Nay con thủ trì, thường dùng để thọ thực.
(Nói như vậy ba lần).
Sau đó đưa họ đến chỗ thấy nhưng không nghe, bảo họ đứng chắp tay nhất tâm chí thành hướng về đại chúng. Vị ni yết-ma hỏi trong chúng rằng:
- Vị nào trước đây đã được thọ thỉnh nên ra dạy bảo giới tử… tại nơi khuất.
Người thọ thỉnh đáp rằng:
- Tôi là… nhận lời giáo thọ.
Ni yết-ma hỏi:
- Bí-sô ni… có thể đến nơi khuất dạy bảo giới tử… vị … là Ô-ba-đà-da không?
Vị này đáp: - Tôi có thể làm được.
Thứ đến vị ni yết-ma tác pháp đơn bạch:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Bí-sô-ni… này có thể tại chỗ khuất dạy bảo giới tử tên…, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni sai vị bí-sô-ni… làm Bình giáo sư ở tại chỗ khuất giáo thọ giới tử… vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến, Bình giáo sư ni đến chỗ khuất, sau khi bảo giới tử làm lễ xong, pháp thức oai nghi như trước rồi bảo họ:
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Đây chính là lúc ngươi phải chí thành, là lúc ngươi phải nói thật. Nay ta hỏi ngươi một số vấn đề. Ngươi phải bình tĩnh không sợ sệt, có nói có, không nói không, không được nói dối trá.
- Ngươi có phải là nữ nhân không?
- Dạ phải.
- Ngươi đủ hai mươi tuổi chưa?
(Nếu là phụ nữ có chồng thì hỏi đủ mười bốn tuổi chưa?)
- Dạ đủ.
- Ngươi có đủ năm y và bát không?
- Dạ đủ.
- Cha mẹ ngươi còn sống không?
(Nếu họ trả lời cha mẹ họ còn sống thì hỏi tiếp)
- Cha mẹ ngươi có cho phép ngươi xuất gia không?
- Cho phép.
(Nếu giới tử trả lời cha mẹ chết thì không phải hỏi câu này)
- Chồng ngươi còn chứ?
(Tùy trường hợp còn hay mất mà dạy họ trả lời).
Ngươi không phải là nô tỳ phải không?
Ngươi không phải là cung nhân phải không?
(Nếu họ trả lời phải thì hỏi nhà vua cho phép chưa?)
Ngươi không phải người gây hại nhà vua chứ?
Ngươi không phải là giặc chứ?
Ngươi chẳng phải là người tâm trí sầu khổ chứ?
Ngươi chẳng phải là người tiểu đạo, vô đạo, nhị đạo, hợp đạo chứ?[21]
Ngươi chẳng phải là người thường lưu huyết và không lưu huyết[22] chứ?
Ngươi chẳng phải là người hoàng môn chứ?
Ngươi chẳng phải là người làm ô nhiễm bí-sô chứ?
Ngươi chẳng phải là người giết cha chứ?
Ngươi chẳng phải là người giết mẹ chứ?
Ngươi chẳng phải là người giết A-la-hán chứ?
Ngươi chẳng phải là người phá hoà hợp Tăng-già chứ?
Ngươi chẳng phải là người có ác tâm làm thân Phật chảy máu chứ?
Ngươi chẳng phải là ngoại đạo chứ?
(Trường hợp đang là ngoại đạo)
Ngươi chẳng có quy hướng về ngoại đạo chứ?
(Trước đây đã bỏ ngoại đạo, xuất gia theo Phật, rồi trở lại ngoại đạo, nay trở lại Phật giáo).
Ngươi chẳng phải tặc trú chứ?
Ngươi chẳng phải là biệt trú chứ?
Ngươi chẳng phải là bất cộng trú chứ?
(Trước đây phạm giới trọng)
Ngươi chẳng phải là phi nhân chứ?
Ngươi chẳng phải là người đang mắc nợ chứ?
[462a01] (Nếu họ trả lời có thì nên hỏi họ rằng: Ngươi có thể sau khi thọ cận viên, trả nợ cho họ không? Họ trả lời được thì tốt. Nếu họ trả lời không thì bảo họ rằng: Ngươi có thể hỏi chủ nợ, nếu họ đồng ý cho ngươi thì mới được trở lại đây).
Trước đây ngươi có xuất gia không?
(Nếu nói không thì tốt. Nếu họ nói đã từng xuất gia, thì bảo họ đi đi. Không cho phép ni xuất gia trở lại sau khi đã hoàn tục).
Hỏi tiếp: - Ngươi tên gì?
Đáp: - Con tên là...
Hỏi: - Ô-ba-đà-da của ngươi tên gì?
Đáp: - Vì việc pháp, con phải nói đến tên của Ô-ba- đà-da. Tên Ô-ba-đà-da của con là…
- Lại nữa, ngươi phải lắng nghe, trong thân của nữ giới có những bệnh như: bệnh hủi, bứu, ghẻ lỡ, hắc lào, bệnh ngoài da, bì bạch, tê liệt, rụng tóc, lậu, nhọt, phù thũng, hen suyễn, thần kinh, đường huyết, phổi, trĩ, ung thư, kiết lị, đau lưng, thấp khớp…, tóm lại có ba loại bệnh: bệnh nhiệt, bệnh thần kinh; đui điết câm ngọng, quá lùn; tàn tật, khiếm khuyết tứ chi. Ngươi có mắc phải các loại bệnh đó không?
Đáp: - Dạ không.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Giờ đây, tại chỗ khuất này ta hỏi ngươi như vậy. Sau đây các bí-sô-ni trong chúng cũng sẽ hỏi ngươi như vậy. Ngay khi giữa đại chúng, ngươi cũng phải bình tĩnh không sợ sệt. Nếu có nói có, nếu không nói không. Phải trả lời một cách chân thật. Ngươi tạm đứng đây giây lát, nếu chưa được gọi thì không được vào.
Bình giáo sư đi vào trước, đến nửa đường đứng lại hướng về phía đại chúng thưa thế này:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Tại chỗ khuất tôi đã giáo thọ giới tử… hỏi các chướng pháp rồi, vị… làm Ô-ba-đà-da. Quý vị đồng ý cho họ vào không?
Tòan chúng đều nói:
- Nếu họ hoàn toàn thanh tịnh thì gọi họ vào.
Tất cả đều nói thì tốt, nếu không nói thì bị tội vượt pháp. (Pháp thức của đàn tràng ni cùng các uy nghi tới lui đều giống như đại Tăng, nên xem kỹ để áp dụng).
Gọi giới tử vào trong chúng, quỳ trước Thượng tọa làm lễ, rồi chắp tay cúi đầu xin thọ bản pháp tịnh hành. Dạy họ thưa thế này:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Con tên là…, nay vì việc pháp con nêu tên Ô-ba-đà-da. Con theo Ô-ba-đà-da tên… cầu xin thọ cận viên. Con là… nay theo Tăng-già bí-sô-ni cầu xin thọ bản pháp tịnh hành. Con có duyên sự nói đến tên Ô-ba-đà-da. Ô-ba-đà-da là vị…, ngưỡng mong Tăng-già bí-sô-ni truyền cho con bản pháp tịnh hành. Cúi xin quí ngài từ bi tế độ, thương xót dạy dỗ cho con. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng con.
(Thưa như vậy ba lần).
Sau đó, bảo họ đến trước vị Yết-ma sư, [462b01] quỳ trên một tấm nệm nhỏ, đặt trên mặt đất, chí thành cúi đầu chắp tay (Cách ngồi của nữ khác nam, làm đệm nhỏ vuông chừng một thước, dày ba tấc vừa đủ ngồi, ngồi nghiêng xếp hai chân ra sau, cúi đầu chắp tay – pháp thọ giới của phương Tây đều như vậy).
Vị Yết-ma sư tác pháp đơn bạch và hỏi các pháp chướng ngại:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Giới tử… này theo Ô-ba-đà-da… cầu thọ cận viên. Giới tử… này đến cầu xin Tăng-già bí-sô-ni thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Ngay giữa đại chúng, tôi sẽ kiểm vấn giới tử… về các pháp chướng ngại. Vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến hỏi các pháp chướng ngại (như đã trình bày ở trước), tiếp theo là bạch nhị yết-ma.
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Giới tử… theo Ô-ba-đà-da… cầu xin thọ cận viên. Đây là người nữ đủ hai mươi tuổi, đủ năm y và bát, cha mẹ hay chồng đều đồng ý. Tăng-già bí-sô-ni đã cho học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Vị giới tử đã học sáu pháp và sáu tùy pháp trong hai năm. Vị này tự nói mình thanh tịnh, không có các pháp chướng ngại. Nay giới tử… này cầu xin Tăng-già bí-sô-ni cho thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với Tăng-già bí-sô-ni thì Tăng-già bí-sô-ni đồng ý. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho giới tử… thọ bản pháp tịnh hành. Vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến tác yết-ma:
- Đại đức Tăng-già ni lắng nghe! Giới tử… này theo Ô-ba-đà-da… cầu xin thọ cận viên. Đây là người nữ đủ hai mươi tuổi, đủ năm y và bát, cha mẹ hay chồng đều đồng ý cho xuất gia. Tăng-già bí-sô-ni đã cho hai năm học sáu pháp và sáu tùy pháp. Giới tử này đã học sáu pháp và sáu tùy pháp hai năm rồi. Vị này tự nói mình hoàn toàn thanh tịnh, không có các pháp chướng ngại. Vị này nay theo Tăng-già bí-sô-ni cầu thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nay Tăng-già bí-sô-ni cho giới tử… thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu các cụ thọ đồng ý cho giới tử… thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói. Tăng-già bí-sô-ni cho vị giới tử… thọ bản pháp tịnh hành, vị… làm Ô-ba-đà-da. Tăng-già bí-sô-ni đã đồng ý vì im lặng. Nay tôi xin nghi nhận như vậy.
Thứ đến [462c01] thỉnh bí-sô tác yết-ma và thỉnh bí-sô cùng vào đàn tràng. Hai bộ Tăng-già phải tập hợp lại đầy đủ. Bí-sô Tăng ít nhất mười người. Bí-sô-ni ít nhất mười hai người, bảo người thọ cận viên đảnh lễ tòan chúng ba lạy (Lễ có hai cách như đã giải thích). Sau khi đảnh lễ hai bộ Tăng xong, giới tử quỳ trước Thượng tọa và cúi đầu chắp tay. Yết-ma sư dạy giới tử thọ cận viên thưa rằng:
- Hai bộ Tăng-già lắng nghe! Con là giới tử… nay vì việc pháp nói đến tên Ô-ba-đà-da. Con theo Ô-ba-đà-da… cầu thọ cận viên. Con là… theo hai bộ Tăng-già cầu thọ cận viên, con vì việc pháp nói đến tên Ô-ba-đà-da, vị… là Ô-ba-đà-da. Ngưỡng mong hai bộ Tăng-già truyền cho con cận viên, Cúi xin quí ngài từ bi tế độ, thương xót dạy dỗ cho con. Xin các ngài thương tưởng, thương tưởng con.
(Thưa như vậy ba lần).
Thứ đến bảo giới tử đến trước Yết-ma sư, đầy đủ uy nghi như trước. Yết-ma sư tác pháp đơn bạch, hỏi các chướng pháp theo trình tự văn sau:
- Hai bộ Tăng-già lắng nghe! Giới tử… này theo Ô-ba-đà-da… cầu thọ cận viên. Giới tử… này nay theo hai bộ Tăng-già cầu thọ cận viên, vị… là Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với hai bộ Tăng-già thì hai bộ Tăng-già đồng ý. Nay tôi đối trước hai bộ Tăng-già hỏi các chướng pháp, vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
Thứ đến hỏi các chướng pháp (như trình tự ở trước). Và tiếp bạch tứ yết-ma theo văn sau:
- Hai bộ Tăng-già lắng nghe! Giới tử… này theo Ô-ba-đà-da… cầu xin thọ cận viên. Đây là người nữ đủ hai mươi tuổi, đủ năm y và bát, cha mẹ hay chồng đều đồng ý cho xuất gia. Tăng-già bí-sô-ni đã cho hai năm học sáu pháp và sáu tùy pháp, giới tử… này đã học sáu pháp và sáu tùy pháp hai năm rồi.
Tăng-già bí-sô-ni đã tác bản pháp tịnh hành. Người nữ này có thể thừa sự và làm vui lòng ni chúng, phụng hành thanh tịnh. Đối với ni chúng, họ không có lỗi lầm. Vị này nay theo hai bộ Tăng-già cầu thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với hai bộ Tăng-già thì hai bộ Tăng-già đồng ý. Hai bộ Tăng-già nay cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Đây là lời tác bạch.
[463a01] Thứ đến tác yết-ma:
- Hai bộ Tăng-già lắng nghe! Giới tử… này theo Ô-ba-đà-da… cầu xin thọ cận viên. Đây là người nữ đủ hai mươi tuổi, đủ năm y và bát, cha mẹ hay chồng đều đồng ý cho xuất gia. Tăng-già bí-sô-ni đã cho hai năm học sáu pháp và sáu tùy pháp, giới tử… này đã học sáu pháp và sáu tùy pháp hai năm rồi. Tăng-già bí-sô-ni đã tác bản pháp tịnh hành. Người nữ này có thể thừa sự và làm vui lòng ni chúng, phụng hành thanh tịnh. Đối với ni chúng, họ không có lỗi lầm. Giới tử… này nay theo hai bộ Tăng-già cầu thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu thời gian thích hợp với hai bộ Tăng-già thì hai bộ Tăng-già đồng ý. Hai bộ Tăng-già nay cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da. Nếu hai bộ Tăng-già đồng ý cho giới tử… thọ cận viên, vị… là Ô-ba-đà-da thì im lặng. Nếu vị nào không đồng ý thì nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.
(Yết-ma như vậy ba lần).
Hai bộ Tăng-già đã cho giới tử… thọ cận viên, vị… làm Ô-ba-đà-da rồi. Hai bộ Tăng-già đã cho vì im lặng. Nay tôi xin ghi nhận như vậy.
5. Pháp y chỉ
Sau đó, xác định thời gian thọ giới cho tân bí-sô-ni căn cứ theo Tăng. Thứ đến truyền ba pháp y chỉ:
- Này tân bí-sô-ni hãy lắng nghe! Ba pháp nương tựa này là tri kiến của các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô-ni thọ cận viên mà giảng thuyết. Pháp y chỉ này nghĩa là y cứ vào pháp luật khéo nói để xuất gia, thọ cận viên thành tánh bí-sô-ni. Ba pháp này là gì?
Này giới tử… hãy lắng nghe! Thứ nhất là y phấn tảo. Đây là vật thanh tịnh dễ có được. Bí-sô-ni nương vào loại y này, ngay trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô-ni.
Này tân bí-sô-ni… kể từ nay cho đến trọn đời, dùng y phấn tảo để che thân có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ.
- Hoặc giới tử được lợi dưỡng lâu dài như vải lụa, man điều, áo choàng nhỏ, áo choàng lớn, lụa nhẹ, vải gai bố, hoặc các vật khác, hoặc y thanh tịnh, hoặc được do Tăng phân, hoặc do người cúng riêng. Giới tử có thể thọ nhận và sử dụng các loại trên một cách tri túc không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
- Này giới tử… lắng nghe! Thứ hai là thường xuyên khất thực. Đây là thực phẩm thanh tịnh dễ có được. Bí-sô-ni nương vào pháp này, ngay trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô-ni.
Này tân bí-sô-ni… kể từ hôm nay cho đến trọn đời, lấy pháp khất thực [463b01] để tự nuôi sống, giới tử có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ.
- Hoặc giới tử được lợi dưỡng lâu dài như cơm cháo, thức uống… ngon bổ, hoặc thức ăn do Tăng phân chia, hay do biệt thỉnh, hay thực phẩm thường lệ của Tăng, hay thức ăn do biệt thí vào ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, hoặc được thức ăn (đàn-việt cúng) thanh tịnh, hay được phân chia từ chúng Tăng, hay được từ biệt thỉnh. Đối với các loại thực phẩm ấy, ngươi tùy theo khả năng thọ lãnh, sử dụng một cách vừa đủ được không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
- Này tân bí-sô-ni… hãy lắng nghe! Thứ ba là trần khí dược.[23] Đây là vật thanh tịnh dễ có được. Bí-sô-ni nương vào đây, ngay trong pháp luật khéo nói, xuất gia thọ cận viên thành tánh bí-sô-ni.
Này tân bí-sô-ni… kể từ hôm nay cho đến trọn đời, dùng trần khí dược để tự chữa bệnh, giới tử có hoan hỷ không?
Đáp: - Hoan hỷ.
- Nếu giới tử được lợi dưỡng lâu dài các thứ thuốc như thời dược bơ, dầu, đường, mật, gốc, nhánh, cọng, lá, hoa quả v.v…, canh dược, thất nhật dược, tận thọ dược;[24] hoặc được thuốc thanh tịnh, hoặc được chúng Tăng phân phối, hay do thí chủ cúng riêng. Đối với các loại thuốc ấy, giới tử có thể thọ nhận, sử dụng một cách tri túc không?
Đáp: - Thọ dụng tri túc.
Ni không có pháp dưới gốc cây. Chỉ có ba pháp y chỉ.
6. Tám pháp đọa lạc
Thứ đến truyền tám pháp đọa lạc:
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Tám pháp này là tri kiến của các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô-ni thọ cận viên mà thuyết giảng về các pháp đọa lạc. Đối với một trong tám pháp này, bí-sô-ni nào vi phạm thì ngay khi vi phạm không còn là bí-sô-ni, không còn là Sa-môn-ni, không còn là con gái của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô-ni, liền bị đọa lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thể phục hồi. Như cây đa-la bị chặt đầu không thể sống và phát triển được. Bí-sô-ni cũng như vậy. Tám pháp đó là gì?
Này giới tử… hãy lắng nghe! Đây là điều mà các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác thấy biết. Bằng nhiều hình thức, các Ngài chê trách pháp dâm dục, thuyết giảng dục là ô nhiễm, dục là mục nát, dục là ái nhiễm, dục là cư xá, dục là ràng buộc, dục là chìm đắm, là pháp nên đoạn trừ, nên khạc nhổ, nên nhàm chán, diệt tận. Dục là pháp tối tăm.
Này giới tử…, kể từ hôm nay không được nhìn các người nam bằng tâm nhiễm ô; huống chi cùng họ hành hạnh bất tịnh.
Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, nếu có bí-sô-ni cùng các bí-sô-ni khác đồng đắc học xứ, không xả học xứ, học xứ suy kém không tự sám hối, hành động bất tịnh, giao hợp cho đến cùng với bàng sanh. Bí-sô-ni nào đã phạm vào việc như vậy, ngay khi đang làm [463c01] không còn là bí-sô-ni nữa, không còn là Sa-môn-ni, không còn là con gái của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô-ni, liền bị đọa lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thẻ phục hồi. Kể từ hôm nay, đối với pháp dâm dục này, ngươi không được cố ý vi phạm, phải có tâm nhàm chán, xa lánh và phòng hộ nghiêm ngặt, sinh tâm sợ hãi, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với pháp dâm dục này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Đây là điều mà các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác thấy biết. Bằng nhiều hình thức, các Ngài chê trách sự trộm cắp. Lìa bỏ sự trộm cắp là hành động thắng diệu, đáng được xưng dương tán thán.
Này giới tử… kể từ hôm nay, cho đến chỉ là hạt mè, hạt tấm của người, nếu họ không cho, không được lấy với tâm trộm, huống chi vật giá trị đến năm ma-sái[25] hay hơn năm ma-sái.
Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào ở tại tụ lạc, hoặc tại chỗ trống vắng, lấy vật họ không cho với tâm niệm trộm. Khi trộm cắp như vậy, hoặc bị vua hay đại thần bắt được hoặc giết, hoặc trói, hoặc đày đi biệt xứ, hoặc trách mắng rằng: “Này người đàn bà kia, ngươi là giặc, là kẻ ngu si không biết gì nên có hành động trộm như vậy”. Bí-sô-ni nào đã phạm vào việc như vậy, thì ngay khi phạm không còn là bí-sô-ni nữa, không còn là Sa-môn-ni, không còn là con gái của đức Thích-ca, mất tánh bí-sô-ni, liền bị đọa lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thể phục hồi. Kể từ hôm nay, ngươi không được cố ý phạm vào pháp trộm cắp này, nên sinh tâm từ bỏ, xa lánh và phòng hộ nghiêm ngặt, sinh tâm sợ hãi, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với việc này, ngươi không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… lắng nghe! Đây là điều mà các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác thấy biết. Bằng nhiều hình thức, các Ngài chê bai sự giết hại sinh mạng. Từ bỏ giết hại sinh mạng là việc thắng diệu, được đề cao tán thán.
Này giới tử… kể từ hôm nay, cho đến ruồi muỗi cũng không nên cố ý giết hại sinh mạng của chúng, huống chi mạng người hoặc thai nhi.
Này giới tử… như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào đối với người hoặc thai nhi, cố ý ra tay giết hại mạng sống ấy bằng cách đưa dao cho họ, hay tự cầm dao, hoặc nhờ người cầm dao, hay khuyên họ chết, tán thán để họ chết, nói rằng: “Này người kia, ích lợi gì với đời sống xấu xa tội lỗi bất tịnh như vậy, ngươi nên chết đi, chết tốt hơn sống”. Tùy theo tâm niệm của mình, dùng lời lẽ khác nhau khuyến khích cho họ chết. Họ vì lý do ấy mà chết. Bí-sô-ni nào phạm các việc như vậy thì ngay khi hành động không còn là bí-sô-ni nữa, không còn là Sa-môn-ni, không còn là con gái của đức Thích-ca, mất tánh [464a01] bí-sô-ni, liền bị đọa lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thể phục hồi.
Kể từ hôm nay, giới tử đối với pháp sát sinh không được cố ý phạm, nên sinh tâm từ bỏ, xa lánh và phòng hộ nghiêm ngặt, quan sát cẩn thận, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với việc này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Đây là điều mà các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác thấy biết. Bằng nhiều hình thức, các Ngài chê bai sự nói dối. Từ bỏ nói dối là việc thắng diệu, được đề cao tán thán.
Này giới tử… kể từ hôm nay, cả trong khi đùa giỡn cũng không được cố ý nói dối huống là thật, không có chứng pháp thượng nhân lại nói mình chứng đắc pháp ấy.
Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào thật không biết, thật không biết gì cả, tự biết mình không là bậc Thánh tịch tịnh đắc pháp thượng nhân, chứng ngộ thù thắng, trí kiến an lạc trú[26] mà tự nói tôi biết tôi thấy. Vị ấy vào lúc khác, hoặc được hỏi đến hay không được hỏi đến, muốn tự thanh tịnh, tự nói: Tôi thật không biết, không thấy mà nói có biết, có thấy. Nói lời dối trá, trừ tăng thượng mạn; hoặc nói tôi chứng lí tứ đế, hay nói trời rồng, quỷ thần đến nói chuyện với tôi. Tôi chứng các tưởng về vô thường v.v… đắc bốn thiền, bốn không, sáu thần thông, tám giải thoát, chứng bốn quả thánh. Đối với các sự việc như vậy, bí-sô-ni nào phạm, ngay khi nói không còn là bí-sô-ni, không còn là Sa-môn-ni, không còn là con gái đức Thích-ca, mất tánh bí-sô-ni, liền bị đọa lạc luân hồi, là kẻ bại trận, không thể phục hồi.
Kể từ ngày hôm nay, giới tử đối với pháp nói dối không được cố ý phạm, phải từ bỏ, phòng hộ nghiêm ngặt, quan sát kỹ, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với việc này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào có tâm nhiễm ô cùng người đàn ông có tâm nhiễm ô, thân thể xúc chạm nhau từ mắt trở xuống, từ đầu gối trở lên với tâm cảm thọ lạc, cho đến xúc chạm mạnh. Bí-sô-ni nào phạm phải những việc như thế, ngay khi ấy không còn là bí-sô-ni v.v… (như trước), phải quan sát kỹ, siêng năng tu tập, không được phóng dật. Đối với việc như vậy, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào có tâm nhiễm ô cùng với người nam có tâm nhiễm ô hành động như xô đẩy nhau, đùa giỡn, cười cợt, hẹn giờ gặp nhau, cùng nhau ra dấu, cùng qua lại một chỗ, nơi có thể nằm hành dâm[27] với kiểu cách phóng túng. Đối với tám việc trên cùng nhau thích thú, bí-sô-ni nào phạm phải sự việc như vậy thì ngay khi hành động không còn là bí-sô-ni [464b01]… (như trước)…, phải quan sát kỹ, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với việc này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào trước đây đã biết bí-sô-ni khác phạm tội tha thắng, nhưng không nói ra. Sau đó bí-sô-ni phạm tội kia bị chết hay hoàn tục, hoặc bỏ đi. Bí-sô-ni nói rằng: Ni chúng nên biết, trước đây tôi biết vị bí-sô-ni kia phạm tội tha thắng. Bí-sô-ni nào phạm tội như vậy, thì ngay khi đó không còn là bí-sô-ni… (như trước)…, phải quan sát kỹ, siêng năng tu hành, không được phóng dật. Đối với việc này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Như Thế Tôn dạy, bí-sô-ni nào biết bí-sô-ni kia đã bị Tăng-già hòa hợp tác pháp yết-ma xả trí.[28] Tăng-già bí-sô-ni cũng đã tác pháp không lễ kính. Vị bí-sô kia ngay trong trú xứ của Tăng biểu hiện cung kính, mong cầu sự cứu giúp. Ngay trong cương giới, tự mình cầu xin Tăng giải pháp yết-ma xả trí. Bí-sô-ni này nói với bí-sô kia rằng: Thánh giả, ngài không cần phải trong trú xứ của Tăng-già biểu hiện cung kính, mong cầu sự cứu giúp. Ngay trong cương giới, tự mình cầu xin Tăng-già giải pháp yết-ma xả trí. Con sẽ vì thánh giả cung cấp y bát và các tư cụ khác, không để thiếu thốn, ngài có thể an tâm đọc tụng tùy ý.
Khi ấy, các vị bí-sô-ni bảo với vị ni này: Lẽ nào cô không biết rằng bí-sô ấy đã bị Tăng-già tác pháp yết-ma xả trí, Tăng-già bí-sô-ni cũng đã tác pháp không lễ kính. Vị bí-sô kia đã khởi tâm khiêm hạ, ngay trong cương giới, tự mình cầu xin giải pháp xả trí, cô lại tự tiện cung cấp y bát và các vật dụng khác để không thiếu thốn. Nay cô nên từ bỏ việc làm đồng lõa này.
Khi các bí-sô-ni can gián như thế. Vị ấy từ bỏ thì tốt. Nếu không từ bỏ, nên có thể ba lần ân cần can gián, giáo dục khuyên nhủ để vị này từ bỏ hành động ấy. Vị ấy từ bỏ thì tốt. Nếu không từ bỏ thì ngay khi làm việc ấy, bí-sô-ni đó không còn là bí-sô-ni nữa… (như trước). Phải quan sát cẩn thận, siêng năng tu sửa, không được phóng dật. Đối với việc này, giới tử không làm chứ?
Đáp: - Không làm.
Tụng tóm lược:
Ni có tám tha thắng,
Bốn pháp đồng bí-sô,
Thân xúc nhiễm, hẹn nam,
Che tội, theo Tăng đuổi.
7. Tám pháp tôn kính
Thứ đến thuyết minh tám pháp tôn kính.
- Này giới tử… hãy lắng nghe! Tám pháp tôn kính này là tri kiến của các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô-ni, mà các ngài chế ra tám pháp tôn kính (Phạn ngữ là lũ-lỗ-đạt-ma.[29] Lũ-lỗ có nghĩa là tôn trọng, cung kính thầy. Từ ngữ này bao hàm nhiều nghĩa. Thế nên các dịch giả có thể chọn lấy nghĩa nào thích hợp nhất, theo lý vẫn đúng) để hành trì, [464c01] không được trái vượt. Các bí-sô-ni phải trọn đời siêng năng tu học.
Thế nào là tám?
Này giới tử… lắng nghe! Như Thế Tôn dạy:
Thứ nhất, các bí-sô-ni phải đến các bí-sô cầu thọ cận viên để thành tánh bí-sô-ni. Đây là pháp tôn kính thứ nhất mà đức Thế Tôn chế cho bí-sô-ni phải hành trì theo, không được trái vượt. Các bí-sô-ni cần phải tu học trọn đời.
Thứ hai, mỗi nửa tháng, các bí-sô-ni phải đến các bí-sô cầu thỉnh người giáo thọ ni chúng.
Thứ ba, vùng không có bí-sô, bí-sô-ni không được an cư.
Thứ tư, thấy bí-sô phạm lỗi không được chê trách.
Thứ năm, không được giận chửi bí-sô.
Thứ sáu, bí-sô-ni lớn tuổi (tuổi hạ) cũng phải kính lễ bí-sô nhỏ tuổi.[30]
Thứ bảy, phải hành ma-na-tha[31] nửa tháng giữa hai bộ Tăng.
Thứ tám, phải đến trú xứ của bí-sô tiến hành việc tùy ý sự.[32]
Đây là tám pháp phải hành trì theo, không được trái vượt. Các bí-sô-ni phải siêng năng tu học trọn đời.
Tụng tóm lược:
Theo Tăng thọ cận viên,
Nửa tháng thỉnh giáo thọ,
Nương bí-sô an cư,
Không rao lỗi bí-sô,
Không giận trách, kính nhỏ,
Ý hỷ[33] giữa hai chúng,
Tùy ý (tự tứ) nơi bí-sô,
Đây là tám kỉnh pháp.
8. Bốn pháp của Sa-môn-ni
Kế đó, nói đến bốn pháp cần làm của Sa-môn-ni.
- Này giới tử… lắng nghe! Đây là tri kiến mà các đức Thế Tôn như tri, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, vì các bí-sô-ni thọ cận viên mà dạy về bốn pháp phải làm của Sa-môn-ni. Thế nào là bốn?
Này giới tử… từ hôm nay, nếu giới tử bị người khác chửi mắng, không được chửi mắng lại. Bị người khác gây sân hận, không được sân hận lại. Bị người khác nhạo báng, không được nhạo báng lại. Bị người khác đánh không được đánh lại. Khi có các việc não loạn như vậy phát sinh, giới tử có thể điều phục sân giận không trả thù được không?
Đáp: - Không trả thù.
- Này giới tử… lắng nghe! Giới tử trước đây đã phát khởi tâm hy vọng như thế này: “Đến bao giờ ta mới được xuất gia thọ cận viên trong pháp luật khéo nói của đức Thế Tôn, thành tựu tánh bí-sô-ni.” Nay giới tử đã xuất gia được thọ cận viên, được Thân giáo sư, Quỹ phạm sư v.v… như pháp tốt đẹp, Tăng-già hòa hợp tác bạch tứ yết-ma với ngữ văn như pháp, an trú chỗ cực thiện. Như bí-sô ni khác, [465a01] dù trăm tuổi hạ những điều mà các vị ấy học, giới tử cũng được tu học. Pháp mà giới tử học, các vị ấy cũng học như vậy, đồng một học xứ, đồng thuyết giới kinh. Kể từ ngày hôm nay, đối với việc ấy, giới tử phải khởi tâm cung kính phụng hành không được xa lìa. Với Thân giáo sư, phải xem như mẹ, vị ấy đối với giới tử cũng phải xem như con gái. Trọn đời phải hầu hạ, chăm sóc khi bệnh, thăm hỏi nhau, sinh tâm từ mẫn cho đến lúc già, chết. Đối với các vị thượng, trung, hạ tọa đồng phạm hạnh, phải thường có tâm kính trọng tùy thuận giúp đỡ để cùng sống chung đọc tụng, thiền tư, tu các thiện nghiệp. Đối với các pháp uẩn, xứ, giới, mười hai duyên sinh, mười lực v.v… phải tìm hiểu cho thấu triệt. Đừng bỏ đi những qui tắc tốt đẹp, phải xa lìa các việc lười biếng. Chưa đắc cầu cho đắc, chưa hiểu cầu cho hiểu, chưa chứng cầu cho chứng, cho đến phải chứng được quả A-la-hán cứu cánh niết-bàn. Nay ta vì giới tử trình bày một số nét đại cương của những việc thiết yếu cần phải làm. Ngoài ra còn có những việc chưa biết khác, phải khéo thưa hỏi nơi vị thầy và các vị thiện hữu đồng học. Lại nữa, mỗi nửa tháng khi thuyết giới kinh, tự mình cần phải lắng nghe thọ trì, căn cứ giáo pháp để siêng năng tu hành.
Tụng tóm lược:
Ngươi trong pháp tối thắng,
Thọ giới luật đầy đủ.
Nên chí tâm phụng trì,
Không chướng, thân khó được.
Đoan chính là xuất gia,
Thanh tịnh là viên cụ.
Những lời chân thật này,
Là tri kiến của Phật.
- Này giới tử… đã thọ cận viên xong, chớ nên phóng dật, phải cẩn thận phụng hành.
Sau đó bảo họ đi ra trước. Chú thích:
[1] Ô-ba-ly 鄔波離: Skt.=P. Upāli.
[2] Đại thế chủ Kiều-đàm-di 大世主喬答彌: Skt. Mahāprajāpatī-gautamī, P. Mahāpajāpatī gotamī, dịch âm Ma-ha-ba-xà-ba-đề, là nữ họ Cù-đàm tộc Thích-ca.
[3] Hán: bát tôn kính pháp 八尊敬法: P. aṭṭha garu-dhammā, hoặc gọi bát kỉnh pháp 八敬法 (tám kỉnh pháp), bát bất khả vi pháp 八不可違法 (tám pháp không thể vượt quan)...
[4] Ô-ba-tư-ca 鄔波斯迦: Skt. upāsikā, hay gọi ưu-bà-di, dịch là cận sự nữ, tín nữ…
[5] Cầu tịch nữ 求寂女. Cầu tịch 求寂, tức chí cầu sự niết-bàn viên tịch. Cầu tịch: Skt. śrāmaṇera, P. sāmaṇera, dịch âm là sa-di.
[6] Căn bản 18, T23n1443, p1004c1: Sau khi dòng họ Thích bị vua Tỳ-lưu-ly tàn sát, một số người nữ họ Thích xin xuất gia, họ đã có chồng đủ 12 tuổi (Tằng giá nữ niên mãn thập nhị 曾嫁女年滿十二).
[7] Đồng nữ 童女: P. kumārī, thiếu nữ chưa chồng.
[8] Sáu pháp học này của thức-xoa-ma-na 式叉摩那, Skt. śikṣamāṇā, dịch là chánh học, là người nữ đang học tập các học xứ của bí-sô-ni.
[9] Chánh học: xem cht. 3, tr. 59.
[10] Căn bản 18, p. 1005a3.
[11] Đất sống là nơi cây cối có thể mọc được.
[12] ibid., p1005a11.
[13] Bí-sô-ni phải đủ 5 y: ngoài ba y như bí-sô, bí-sô-ni có thêm Tăng-kỳ-chi 僧祇支 (Tăng-khước-kỳ) và phú kiên y覆肩衣. Pāli (Vin. ii. 272): saṅkacchika (Tăng-kỳ-chi hay phú kiên y, hay yếm che ngực), udakasāṭika (quyết-tu-la, thủy dục y, quần hay váy để tắm mưa). Ngũ phần 29 (p187c20): phú kiên y 覆肩衣, thủy dục y 水浴衣. Các cô không trùm phú kiên y, đàn ông thấy vai và cánh tay của các cô bèn chọc ghẹo. Tăng-kỳ 30 (p472b22): phú kiên y, vũ y 雨衣. Thập tụng 46 (p331c05): phú kiên y 覆肩衣 và quyết-tu-la 厥修羅. Phú kiên y, dài 4 khuỷu, rộng 2 khuỷu rưỡi; quyết-tu-la, cũng vậy. Phiên Phạn ngữ 3 (p5a29): “Tăng-kỳ-chi, cựu dịch là thiên đản 偏袒, trì luật gia gọi là trợ thân y 助身衣. Theo các nhà ngữ học, phiên âm đúng phải là tăng-cát-xỉ 僧割侈; dịch là phú kiên y 覆肩衣. Căn bản, 5 y của bí-sô-ni: Tăng-già-chi 僧伽胝 (tức Tăng-già-lê), ốt-đát-la-tăng-già 嗢怛羅僧伽 (tức uất-đa-la-tăng), an-đát-bà-sa 安怛婆娑 (tức an-đà-hội), quyết-tô-lạc-ca 厥蘇洛迦 (tức quyết-tu-la, Skt. kusūlaka, không có Pāli tương đương), và Tăng-khước-kỳ 僧脚崎.
[14] Bình giáo sư: xem cht. 1, tr. 25.
[15] Bản pháp tịnh hành 淨行本法: là bản pháp yết-ma, gồm tám mục: thỉnh Hòa thượng ni, yết-ma sai giáo ni, giáo thọ ni hướng dẫn giới tử về các già nạn, đơn bạch gọi giới tử đến trước Tăng, giới tử bạch Tăng xin giới, đơn bạch chính thức hỏi các già nạn trước Tăng, chính thức hỏi các già nạn, bạch yết-ma trao giới cụ túc.
[16] Năm chỗ tròn: xem cht. 1, tr. 25.
[17] Quyết-tô-lạc-ca: xem cht. 1, tr. 63.
[18] Tăng-khước-kỳ: dịch yểm dịch 掩腋: che nách, cùng nghĩa phú kiên y. (xem cht. 1, tr. 63).
[19] Năm xứ Thiên Trúc: xem cht. 1, tr. 33.
[20] Ba-đát-la: xem cht. 1, tr. 28.
[21] Đường nữ căn nhỏ, không có, hai đường, hay dính nhau.
[22] Kinh nguyệt kéo dài, hay không có, không đều.
[23] Trần khí dược: xem cht. 1, tr. 41.
[24] Thời dược, canh dược, thất nhật dược, tận thọ dược: xem cht. 2, 3, 4, 5, tr. 41.
[25] Ma-sái: xem cht. 1, tr. 44.
[26] Trí kiến an lạc trú 智見安樂住: Căn bản 10, T23n1442, p676c22, Trí là bốn trí: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí và các trí khác. Kiến là thấy bốn Thánh đế. An lạc trú là bốn tĩnh lự.
[27] Hán: phi xứ 非處.
[28] Yết-ma xả trí 捨置羯磨, P. ukkhepanīya-kamma, yết-ma đình chỉ công tác của bí-sô, cũng có nghĩa là bí-sô ấy bị gạt qua một bên vì không chịu nhận tội (P. āpattiyā adassane ukkhipiṃsu). Những hình thức xả trí: không mời, không yết-ma chung, không ngồi chung, không ở chung phòng… Bất kiến phạm 不見犯, bất sám hối 不懺悔, bất xả ác kiến 不捨惡見: đều thuộc yết-ma xả trí.
[29] Lũ-lổ-đạt-ma 窶嚕達磨: Skt. aṣṭau guru-dharmāḥ, xem cht. 3, tr. 53.
[30] Tứ phần 12, p649a2: Tỳ-kheo-ni dù một trăm tuổi hạ, khi thấy tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy đón chào, lễ bái, mời ngồi...
[31] Ma-na-tha 摩那[卑*也]: Skt=P. Mānatta, pháp ý hỷ 意喜, cách dịch khác ma-na-đỏa 摩那埵. PTS Dict. nói, từ nguyên không rõ. Giả thiết do māna “đo lường,” nên có thể có nghĩa “thi hành biện pháp.” Từ nguyên, theo BSK: Mānāpya, “làm cho hài lòng.” Hán dịch thông dụng là ý hỷ. Thiện kiến 12, T22n1462, p760b02: Tỳ-kheo phạm tội này (tăng-già-bà-thi-sa), nếu muốn thanh tịnh thì đến gặp chúng Tăng, Tăng cho pháp ba-lợi-bà-sa, gọi là bắt đầu. Sau đó, hành 6 đêm ma-na-đỏa, đó là khoảng giữa. Giai đoạn cuối cùng là cho pháp a-phù-ha-na.
[32] Tùy ý sự 隨意事: Skt=P. pravāraṇā, Hán dịch tự tứ (tự mình vui), tùy ý sự (sự thỉnh cầu)...
[33] Ý hỷ: là hành ma-na-tha, xem cht. 2 trước (tr. 90).
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.124.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.