WESTMINSTER, California (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật, 29 tháng Năm, chùa A Di Đà, Westminster, đã cử hành Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2560.
Ni Sư Viện Chủ Thích Nữ Như Ngọc (trái) giới thiệu Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm giảng bài Pháp thoại mở đầu Đại Lễ Khánh Đản tại chùa A Di Đà.
Trong lời khai mạc Ni Sư đã nhắc đến ý nghĩa của ngày lễ trọng đại của Phật Giáo. Ni Sư nói: “Một lần nữa, mùa Phật Đản lại về với tất cả chúng ta. Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời. Sự thị hiện của ngài như đóa sen tinh khiết, mang hương thơm giải thoát cho cuộc đời chói chang quay cuồng này. Để nhớ đến công đức vô lượng của Đức Thế Tôn, hôm nay chúng ta cùng có mặt nơi đây để mừng Ngày Khánh Đản.”
Tiếp đó, Ni sư trịnh trọng giới thiệu Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm, đến từ chùa Việt Nam, Los Angeles, gửi đến các Phật tử một bài pháp thoại nhân mùa Đản Sanh.
Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm tốt nghiệp tiến sĩ Phật học trường Đại học Aichi Gukuin, thành phố Nayoga, Nhật.
Thượng tọa cũng là nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm và là nhà văn hóa Nhật, hiện là giảng sư tại chùa Việt Nam, Los Angeles, và đã từng giảng dạy tại các chùa, tu viện Việt Nam trong nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ.
Trong nếp áo vàng rạng rỡ của nhà Phật và với giọng nói rõ ràng, mạnh mẽ, Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm đã thu hút ngay được sự chú ý của hàng Phật tử ngồi kín các phòng trong đại điện.
Mở đầu bài pháp thoại, Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm vui vẻ chào mừng các Phật tử tham dự và nói: “Lễ Khánh Đản có thể tổ chức trước hay sau ngày Đức Phật Đản Sanh. Đây cũng là dịp để chúng ta ngồi lại với nhau, tĩnh tâm, chung vui đón ngày Khánh Đản. Vì thế mà đóa hoa vô ưu đã sẵn nở trong lòng chúng ta, gạt bỏ được mọi ưu phiền trong cuộc sống để hướng về những lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn.”
Tiếp đó, Thượng tọa bắt đầu vào pháp thoại. Điều đầu tiên Thượng tọa nhắc đến là câu niệm mà mọi người thường hằng tụng niệm: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Tại sao lại là Bổn Sư, thầy của tôi? Phật thì có hằng hà sa số trên thế gian này, nhưng nhìn về cội gốc thì chỉ có một Đức Phật là Thích Ca Mâu Ni thôi. Ngài đã thị hiện xuống thế gian để thức tỉnh con người. Sự thức tỉnh ấy đã giúp nhiều người “ngộ” được Chánh pháp và cũng đã thành Phật.
Chính nhờ có gốc đó mà chúng ta có được giáo pháp để noi theo tu dưỡng. Nên sự thị hiện của Đức Thích Ca chúng ta thường gọi là “Đản Sanh”, không như sự ra đời của chúng ta thì được gọi là hạ sanh, là bởi chúng ta vướng tạp quá nhiều khổ não. Đức Phật thị hiện trên thế gian này là để đem lại hạnh phúc cho con người được sống an lạc. Nay mà chúng ta chưa được sống an lạc thì hãy dừng lại, nhìn lại mình, soi rọi lại mình.
Nhóm Phật Tử Hương Từ trong một màn hợp ca cúng dường Phật Đản.
Thượng tọa nhắc: “Giáo lý của Phật Giáo không phải là để bàn suông, mà là để thực hiện vào cuộc sống, chuyển hóa cuộc sống vào nơi tự tại an nhiên mà tìm ra niềm hoan lạc hạnh phúc.”
Ngày nay, giới khoa học thực nghiệm đã tìm thấy trong giáo lý Phật Giáo nhiều điều rất phù hợp với sự tìm kiếm của khoa học. Chẳng hạn như về môi sinh thì trên 5.000 năm trước Đức Phật đã đề cập đến. Hình ảnh những nơi tu tập, chùa chiền, tu viện sau này được lập nên thường chọn nơi u tịch, không phải là để trốn tránh cuộc đời, mà để có một môi sinh trong lành cho sự tu dưỡng. Trong hàng tu sĩ chúng ta đã nghe nói nhiều vị đã tĩnh được tâm trong suy niệm đến độ an nhiên đi vào cõi Niết Bàn mà các vị ấy đã không biết là mình chết theo nghĩa của thế gian.
Người nghiên cứu về giáo pháp của Đức Thế Tôn đề ra, giảng giải, đã thấy nhiều điều kỳ thú, nhiều điều mà khoa học ngày nay cũng đang theo đuổi. Điều lý thú nhất là trong Phật Giáo thì con người là chủ thể. Chỉ có ta mới giải thoát được cho ta, không có một thần linh, phép lạ nào ngoài ta cứu vớt ta ra khỏi bể khổ. Đó là tính chất nhân bản rõ nét của Phật Giáo.
Giáo lý của Phật Giáo khuyên chúng ta tôn trọng sự sống, hướng sự sống ấy vào sự hòa hợp với thiên nhiên, sống an nhiên tự tại để có cái tâm thanh tịnh mà đi vào Đại Định, chết cũng không biết là mình chết nên không sợ hãi, khổ đau.
Khi điều khiển được thân tâm, sống không còn mong cầu gì cả, không ham muốn gì cả, ấy là đạt được sự thanh thản tuyệt đối. Phải chăng đó chính là hạnh phúc trong cuộc sống của con người?
Trước khi chấm dứt bài pháp thoại, Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm nhắc nhở mọi người trong mùa Phật Đản năm nay, hãy tự hỏi mình đã làm được điều gì theo lời Phật dạy hay chưa? Nếu chưa thì hãy quay trở về nội tâm để chuyển hóa tâm thân, thay đổi cho bớt đi những tham sân si trong cuộc sống.
Sau phần pháp thoại, Ni sư Viện chủ cùng chư Phật tử tham dự đã cử hành Lễ Tắm Phật và thọ trai. Sau đó là một chương trình văn nghệ mừng Phật Đản do nhóm Phật Tử Hương Từ và thân hữu cúng dường ngày Khánh Đản.