[10] Y KINH GIẢI NGHĨA, TAM THẾ PHẬT OAN Khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, hàng đệ tử Thanh văn rất lo lắng, rằng sau khi đức Phật nhập diệt rồi thì sẽ không có bậc đạo sư để nương tựa. Đức Thế Tôn biết và Ngài đã an ủi họ: "Này các Tỷ-kheo, thế gian vô thường, có sanh phải diệt, các ngươi hãy tinh tấn để giải thoát mình. Pháp và Luật [*] Như lai đã dạy cho các ngươi lâu nay, chính đó là đức Thầy cao cả của các ngươi, nếu Ta có ở đời lâu hơn nữa cũng không khác." [*] Pháp là những lời dạy về giáo lý, về chân lý của sự vật như Vô thường, Vô ngã, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, lục căn lục trần, thập bát giới... Pháp sau này được kiết tập thành Kinh tạng. Luật là những điều răn cấm, những điều giới, sau này kiết tập thành Luật tạng. Pháp và Luật như vậy đã trở thành một nền giáo lý mà đức Phật đã truyền lại cho đến nay. Mặc dầu đức Phật đã căn dặn như thế, nhưng khi Ngài nhập diệt chưa bao lâu thì đã có nhiều người không hiểu, thậm chí còn hiểu sai lầm về Pháp mà Ngài đã truyền dạy, ngay cả một vị sư già thời ấy cũng nằm trong số đó. Một sáng kia, Tôn giả A-nan-đa đắp y cầm bình bát đi khất thực, khi đi ngang qua một tịnh xá thì gặp chú tiểu đang ngâm nga câu kệ: "Nhơn sanh bách tuế, bất kiến thủy lão hạc, bất như sanh nhất nhật, đắc kiến thủy", nghĩa là: "Người sống trăm năm, không thấy con hạc già, chẳng bằng sống một ngày, mà thấy được con hạc già". Tôn giả A-nan-đa lấy làm thắc mắc, liền quay lại hỏi chú tiểu: - Này Sa-di, ai dạy chú câu đó? - Thưa trưởng lão, Thầy con dạy như thế. Thầy con còn nói đó là lời dạy của đức Phật nên bắt con phải học thuộc lòng câu ấy. Tôn gỉa A-nan-đa phân vân quá, lại nghĩ: Mình là vị cao tăng hầu cận bên đức Thế Tôn, Ngài dạy điều gì mình đều ghi nhớ rất kỹ nhưng chưa hề nghe câu này! Tại sao Thầy kia lại dạy cho đệ tử câu đó? Ngài cố suy nghĩ và chợt nhớ ra trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy như thế này: "Nhược nhơn thọ bách tuế, bất kiến sanh diệt pháp, bất như sanh nhất nhật, đắc kiến sanh diệt pháp". Nghĩa là: "Nếu người sống trăm tuổi mà không thấy pháp vô thường sanh diệt [*]. Chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy được pháp sanh diệt vô thường". [*] Năm uẩn sanh diệt tức là các pháp do nhân duyên hòa hợp. không thường trú. Nghiên cứu giáo lý của đức Phật, chúng ta đều biết rằng Luật biến chuyển vô thường của vũ trụ là một chân lý, là một sự thật. Đạo Phật gọi đó là Chân như, là bản thể của sự vật. Nếu ai không hiểu đúng sự vô thường của vạn vật thì họ sẽ chấp trước cái tướng, rồi sinh ra đắm đuối say mê cái ngã nên mới sinh triền phược gây khổ đau. Ngược lại, nếu hiểu được luật vô thường của sự vật thì trí mới sáng, tâm mới trong, khi ấy mới mong trừ được nhũng điều vô minh để sống cuộc đời tự tại. Lời đức Phật dạy có ý nghĩa sâu xa như thế, nhưng vị sư già đã dạy cho đệ tử như vậy. Tôn giả A-nan-đa nhân nghe chú tiểu đọc đã hiểu rằng: Sự hiểu lầm nguy hại đã tồn tại qua bao nhiêu năm tháng như thế này thật đáng tiếc. Đức Phật dạy:
Nghĩa là:
Tôn giả A-nan-đa đã sửa lại và biểu chú tiểu học thuộc lòng câu Pháp Cú này đúng như lời đức Phật dạy: "Nhược nhơn thọ bạch tuế, bất kiến sanh diệt pháp, bất như sanh nhất nhật, đắc kiến sanh diệt pháp" [*]. Chú tiểu đã học theo lời Tôn giả A-nan-đa chỉ. [*] Pháp cú câu 113 do ngài Liễu Tham dịch từ Pàli ra Hán văn. Hòa thượng Thiện Siêu chuyển dịch từ Hán văn sang Việt văn. Đến khi về tinh xá, vị Bổn sư nghe chú tiểu đọc câu kinh mà Tôn giả A-nan-đa đã sửa lại cho, vị Bổn sư của chú nghe lạ tai quá bèn hỏi chú tiểu: - Này con, ai chỉ cho con đọc như thế? Ta đã chỉ cho con đọc như thế này tại sao con đọc như thế kia? Chú tiểu trả lời: - Thưa Thầy, đó là Trưởng lão A-nan-đa dạy con đọc như vậy. Vị Bổn sư của chú tiểu thốt lên rằng: - Ôi chao, Trưởng lão A-nan-đa bây giờ già quá và lú lẫn rồi, chớ biết chi nữa mà con nghe ổng, khổ chưa! Chúng ta biết rằng Tôn giả A-nan-đa có tiếng là đa văn đệ nhất. Bao nhiêu lời dạy của đức Thế Tôn, Tôn giả đều ghi nhớ hết. Tôn giả được ví như là biển cả chứa đựng tất cả lời dạy của đức Thế Tôn, thế mà bây giờ vị sư già đó cho rằng: Tôn giả già rồi lú lẫn! Than ôi, thật là đại hoạ cho Phật pháp! Cách đức Phật nhập diệt không bao lâu năm tháng mà vị sư già kia đã diễn đạt sai ý của Phật thì chắc trên thế gian này cho đến nay đã có không biết bao nhiêu người hiểu sai lời dạy của đức Thế Tôn. Tôi đoán chắc là nhiều lắm. Giáo lý của đức Phật trong 49 năm thuyết pháp truyền lại cho chúng sinh thật vô cùng thậm thâm vi diệu. Ngày nay các nhà khoa học và xã hội học khi nghiên cứu kinh Phật chừng nào họ càng thán phục chừng ấy, thế mà thật đáng tiếc, trong hàng ngũ chúng ta đã có người không hiểu đúng lời Phật dạy! Khi đã không hiểu đúng như sự vật là vô thường, vô ngã thì chính lòng họ đã hướng dẫn đời sống họ trở nên mê mờ tối tăm, không những không đem lại lợi ích cho mình mà còn không đem đến lợi ích cho bao nhiêu chúng sinh khác. * Tóm lại, nếu chúng ta hiểu đúng giáo lý của đức Phật thì sẽ đem đến lợi ích, không hiểu đúng giáo lý của đức Phật thì sẽ không lợi ích mà lại còn làm tổn thương hoài bão lớn lao của chư Phật, rằng chư Phật ra đời là vì lợi ích cho chúng sinh. Vì vậy những ai, dù xuất gia hay tại gia, đã là đệ tử của Phật thì phải cố gắng học và hiểu cho đúng giáo lý của đức Phật hầu lấy đó làm một phương thuốc hay, hầu đối trị căn bịnh tham, sân, si, ngã mạn và vô minh tối tăm, để cuộc đời mình được thăng hoa, như hoa sen vượt lên khỏi bùn, toả hương thơm cho đời Đức Phật dạy: "Giáo lý của Ta ví như chiếc bè qua sông, khi qua thì không được vác bè đi theo". Qua sông ở đây là chỉ cho giải thoát và giác ngộ. Giải thoát cho bản thân mình và giác ngộ cho mọi loài. Đừng theo vết sai của vị sư già khiến cho hàng hậu học hiểu sai lời Phật dạy, nên chư Tổ đã bằng đủ mọi cách dạy dỗ kinh luật luận cho lớp lớp Tăng Ni và Phật tử từ đời này qua đời khác để khỏi bị thất truyền. Chính vì thế, mà đạo Phật khi truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ I, bắt đầu từ đó, đời sống của các nhà sư đã hòa nhập với toàn dân nên có nhà viết sử đã nói: "Những lúc bị Bắc thuộc đô hộ, có khi chủ quyền quốc gia bị lung lay, nhưng các nhà sư biết đoàn kết toàn dân lại nơi ngôi chùa. Nhờ sự đoàn kết ấy mà sau này dân tộc ta đã đánh tan giặc phương Bắc và giành lại độc lập cho đất nước. Đó cũng nhờ một phần các vị Thiền sư yêu nước đã đem sự giác ngộ của mình góp sức xây dựng đất nước để bảo vệ độc lập tự do".Chúng ta cũng biết rằng người có công lập ra triều đại nhà Lý là Lý Công Uẩn - mà Lý Công Uẩn lại được đào tạo trong chốn Thiền môn. Cho nên, triều đại Lý Công Uẩn được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói là một triều đại thịnh trị nhất, kéo dài hơn 200 năm. Sau khi đánh đuổi được Bắc thuộc thì triều đại đó là triều đại độc lập dài nhất trong lịch sử Việt Nam, mặc dầu có khoảng chúng ta bị đô hộ nhưng sự độc lập của các triều đại Lý, Trần, Lê là một sự độc lập vững vàng. Sau này, mặc dầu dân tộc ta có lúc bị thực dân đô hộ nhưng chúng ta vẫn giữ được độc lập toàn vẹn cho đến ngày hôm nay, để sánh vai cùng năm châu thế giới. Trước đây, người ngoài biết dân tộc ta là nước Đông Dương chứ không biết tên Việt Nam, thì ngày nay họ đã biết dân tộc ta là Việt Nam, trong đó có công lao của các vị Thiền sư và cư sĩ theo đạo Phật. Vì vậy, để tiếp tục sự nghiệp của các vị thiền sư xưa của chúng ta, các ngài vừa truyền đạo đồng thời cùng chung với dân tộc lo xây dựng đất nước, cho nên Đạo pháp và Dân tộc gắn liền nhau là vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng hễ Phật giáo thịnh thì dân tộc thịnh, Phật giáo suy thì dân tộc suy, nó luôn luôn đi song song với nhau. Để kết luận, tôi xin kể câu chuyện Thiền như sau: Các Tổ ngày xưa dạy rằng: Học đạo như người tìm trâu. Trâu ví như tâm mình. Trâu ấy đem là chỉ cho phiền não. Người học đạo là người tìm lại cho tâm mình, thấy lại tâm mình để khỏi bị tha hóa. Nếu không nhìn lại mình tất nhiên sẽ bị tha hóa. Tha hóa vì danh lợi và cảnh sắc bên ngoài. Hình ảnh trâu trắng là biểu thị tâm trong sáng, thanh tịnh. Còn trâu đen là tâm còn vẩn đục, còn vị tha hóa. Nếu bị tha hóa chừng nào thì tâm bất an chừng đó. Đức Phật dạy nguyên nhân của khổ chính là bất an. Muốn có hạnh phúc thì trước hết phải an tâm. Ai không an tâm thì người đó không có hạnh phúc. Đó là sự khác nhau giữa ngoại đạo và giáo lý của đức Phật. Có một lần ngoại đạo Dona thấy đức Phật ngồi một mình, bèn đến hỏi: - Sa-môn Cồ-đàm có gì sầu muộn không mà ngồi một mình như thế? - Ta mất gì mà Ta sầu muộn? Đức Phật trả lời. - Ngài không sầu muộn thì chắc Ngài đang hoan hỷ? - Ta được gì mà Ta hoan hỷ? Ngài trả lời. Ngoại đạo Dona rất ngạc nhiên. Ở đời không hoan hỷ thì sầu muộn, không sầu muộn thì hoan hỷ. Ông ta phân vân quá. Ngài liền nói tiếp: "Sầu muộn chỉ đến đối với người có tâm hoan hỷ, hoan hỷ chỉ đến với người có tâm sầu muộn. Ta đã vượt ra khỏi sầu muộn và hoan hỷ, nên Ta không còn vướng bận gì đến sầu muộn hay hoan hỷ. Do đó, Ta là Phật, Thế Tôn". Tâm Phật chính là an tâm tự tại vô ngại vậy. Người học Phật phải biết như thế. -ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục |
01 |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 |
09 | 10 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã giúp bố trí đánh máy vi tính (Bình Anson, 07-2003).
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 05-07-2003