BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


SO SÁNH KINH TRUNG A-HÀM VÀ KINH TRUNG-BỘ
Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU


CHƯƠNG VI. TĂNG GIÀ HAY ĐOÀN THỂ TỲ-KHEO

Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu về những điểm đồng dị giữa hai bản kinh khi nói về Tăng già. Trước hết ta đề cập giới Biệt giải thoát quy định đời sống của mỗi Tỳ-kheo và của toàn thể tăng chúng; kế đến là sinh hoạt hằng ngày của chư tăng, cách thức để dàn xếp tranh chấp, an cư mùa mưa và cuối cùng là tọa cụ.

1. GIỚI BẢN PÀTIMOKKHA (Biệt giải thoát)

Mặc dù giới Biệt giải thoát được nói đến trong cả hai bản kinh C và P, nó không đề cập rõ ràng cả 250 giới của Luật bản Hoa ngữ hay 227 giới của Luật bản Pàli. Nhưng trong NC 46, có nói đến một số quy luật về cách hành xử của một Tỳ-kheo ở rừng, có thể xem như một cái nhân cho toàn thể giới Biệt giải thoát thành hình về sau.

Bản Hoa ngữ kể ra 13 giới điều, trong khi bản P có đến 17. Một vài giới điều giống nhau, một vài giới điều hơi khác, và một số giới, bản này có, bản kia không. Những giới điều tương đương như sau:

C1=P1; C2=P5; C3=P6; C5=P8; C6=P9; C7=P11; C8=P12 và P14; C9=P3; C10=P2; C11=P15; C12=P16; C13=P17. C4 không có trong bản P. P4, P7, P10, P13 không có trong bản C.

C1: C26: Một Tỳ-kheo sống nơi vô sự (nhàn tịnh) cần phải có thái độ cung kính và biết tùy thuận. Nếu vị ấy không có thái độ cung kính và không biết tùy thuận, thì những Tỳ-kheo khác sẽ quở trách vị ấy và nói rằng, Tỳ-kheo ở nơi vô sự này nào có ích lợi gì khi sống ở nơi vô sự. Bởi thế một Tỳ-kheo sống nơi vô sự cần phải cung kính và biết tùy thuận.

P1: P69: Gần giống. C: nơi vô sự=P: arannà, A lan nhã hay ở rừng. P thêm: khi vị ấy đến giữa tăng chúng; bỏ: biết tùy thuận; thêm: sappatissena, lễ độ. Những Tỳ-kheo khác sẽ quở trách vị ấy: Nào có ích gì vị Tỳ-kheo ở rừng này chỉ sống ở rừng cho thỏa thích, nhưng không kính trọng, không lễ độ với các đồng phạm hạnh.

C2: Vị ấy nên học hạnh không cười đùa, không tháo động.

P5: Không được giao động (anuddhatena), tâm không ổn định (acapalena).

C3: Không vướng vào chuyện trò nhảm nhí (Nghĩa đen: không nói những chuyện thú vật).

P6: Không được nói nhiều, không được nói tục.

C4: Không được kiêu căng ngã mạn, phải ít nói.

P: Không có.

C5: Vị ấy phải học tập kiểm soát các giác quan.

P8: Vị ấy cần tập kiểm soát các căn môn.

C6: Vị ấy cần tập ăn uống có điều độ.

P9: Cũng vậy.

C7: Vị ấy phải tinh cần tinh tấn, không được lười biếng.

P11: Vị ấy phải tinh cần.

C8: Phải có chánh niệm, chánh trí tuệ.

P12 và 14: Vị ấy phải an lập trong chánh niệm và trí tuệ.

C9: Vị ấy phải biết thời nghi, không vào làng quá sớm để khất thực và không ra khỏi làng quá muộn.

P3: Không vào làng quá sớm, không ra khỏi làng khi chiều tối.

Nhận xét:M.L.S ii, trang 142 dịch: trong ngày, để dịch divà. Ở đây đúng hơn là atidivà, quá muộn trong ngày.

C10: Vị ấy nên biết cách ngồi, thiện xảo trong việc sử dụng chỗ ngồi.

P2: Thiện xảo trong việc dùng chỗ ngồi.

C11: Vị ấy nên bàn về Luật và A-tỳ-đàm.

P15: Vị ấy nên học Luật, Thắng pháp.

C12: Vị ấy nên học thảo luận về tịnh chỉ, về các thiền pháp tịch tịnh giải thoát thuộc vô sắc, vượt quá sắc pháp.

P16: Vị ấy nên tu tập các tịch tịnh giải thoát thuộc vô sắc, siêu quá sắc pháp.

C13: Vị ấy nên học thảo luận về sự đoạn trừ lậu hoặc và chứng đắc tri kiến.

P17: Vị ấy nên tu tập các pháp thượng nhân.

P4: Vị ấy không nên đi đến các gia đình trước và sau bữa ăn.

C : Không có.

P7: Vị ấy phải là người có ái ngữ, một người bạn tốt.

C: Không có.

P10: Vị ấy cần phải tỉnh giác .

C: Không có.

P13: Vị ấy cần phải có định.

C: Không có.

2. ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY CỦA CÁC TỲ-KHEO

Trong NC25, có thuật đời sống hàng ngày của các Tỳ-kheo sống chung, chứng tỏ làm thế nào các Tỳ-kheo nên sống chung để có được sự hòa hợp và hài hòa trong tăng chúng.

C185: Lúc bấy giờ, ở rừng Sừng bò có ba thiện gia nam tử sống chung, là Tôn giả A Na Luật Đà, Nan Đề, Kim Tỳ La. Các thượng tọa này sống chung như sau: Họ đi khất thực, ai về trước sửa soạn chỗ ngồi, múc nước, đặt nước rửa chân, bày ghế đẩu để rửa chân, đặt khăn để lau chân cùng với một bình nước uống và một chậu nước rửa. Nếu vị ấy có thể ăn hết tất cả những đồ ăn khất thực thì ăn, nếu còn dư, thì đặt trong một đồ chứa và đậy lại. Sau khi ăn xong, vị ấy đặt bát lại chỗ cũ, rửa tay chân, lấy tọa cụ đặt lên vai đi vào nhà ngồi thiền. Vị Tỳ-kheo đi khất thực về trễ, nếu ăn hết thức ăn khất thực thì ăn. Nếu không đủ, vị ấy có thể lấy thức ăn còn lại và ăn cho thỏa thích. Nếu có đồ thừa, vị ấy ném trên đất sạch hay trong nước không có trùng. Rồi vị ấy rửa sạch bát của Tỳ-kheo kia, lau khô và dẹp sang một bên, cuốn chiếu để ngồi, dẹp ghế đẩu để ngồi rửa chân, khăn lông để lau chân, dụng cụ để rửa chân, bình nước uống và chậu nước rửa. Vị ấy quét chỗ ăn, dọn sạch tất cả rác rưởi, đặt y bát vào chỗ cũ, rửa tay chân, lấy tọa cụ đặt lên vai đi vào nhà thiền. Vào buổi chiều, vị thượng tọa nào xuất thiền trước, nếu thấy bình nước uống, chậu nước rửa đã hết nước thì đi múc cho đầy. Nếu Tỳ-kheo có thể làm việc ấy một mình, vị ấy làm việc ấy rồi dọn dẹp. Nếu không thể làm một mình, vị ấy vẫy tay cho một Tỳ-kheo khác, rồi cả hai cùng mang những vật dụng ấy và dọn dẹp, không nói, không hỏi. Những vị thượng tọa này cứ mỗi năm ngày lại hội họp để bàn về pháp hay giữ im lặng của bậc thánh.

P31: Bản P rất đơn giản và bỏ nhiều chi tiết. Tỳ-kheo nào về trước chỉ sửa soạn chỗ ngồi, đặt nước uống nước rửa và bát đựng đồ thừa. Vị Tỳ-kheo nào về sau, nếu muốn, có thể ăn thực phẩm còn thừa ấy. Nếu không muốn, vị ấy có thể bỏ nó tại một nơi không có cỏ xanh, hay bỏ trong nước không có trùng. Rồi vị ấy dẹp chỗ ngồi, nước uống, nước rửa, bát đựng đồ thừa và quét sạch phòng ăn. Trong khi bản C nói các thượng tọa ngồi thiền, bản P chỉ nói rằng vị Tỳ-kheo nào thấy bình nước uống, bình nước rửa..... đã trống rỗng thì đổ đầy. Bản P cũng nói ba thượng tọa gặp nhau mỗi năm ngày, nhưng không nói giữ im lặng bậc thánh. Ba vị Tỳ-kheo ở đây là A Na Luật, Nan Đề và Kim Tỳ La.

3. BẢY CÁCH DÀN XẾP TRANH CHẤP (Thất diệt tránh pháp)

Trong NC66, bảy pháp diệt tránh được đề cập:

Cách thứ 1:

C: Bằng cách hiện diện =P: Sammukhàvinayo (Hiện tiền tỳ ni)

C196: Có bảy cách dàn xếp tranh chấp là : bằng hiện diện(ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật), bằng sự nhớ lại (ưng dữ ức chỉ tránh luật), bằng không cuồng si (ưng dữ bất si chỉ tránh luật), bằng tự thú nhận (ưng dữ tự phát lộ chỉ tránh luật), bằng hình phạt cho ngươi (ưng dữ quân chỉ tránh luật), bằng tuần tự (ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật), như quét phân (ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật). Thế nào là luật dàn xếp tranh chấp bằng cách hiện diện? Hoặc một người (quở trách) đối với một người (phạm) mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Một người đối với hai người (phạm), một người đối với nhiều người (phạm), một người đối với tăng chúng (phạm) mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người (quở trách) đối với hai người (phạm), mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với nhiều người, hai người đối với tăng chúng, hai người đối với một người mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người (quở trách) đối với nhiều người (phạm), mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với tăng chúng, nhiều người đối với một người, nhiều người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Tăng chúng đối với tăng chúng mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Tăng chúng đối với một người, Tăng chúng đối với hai người, Tăng chúng đối với nhiều người, mà khuyến giáo, khiển trách, để hộ trì pháp luật, thuận theo giáo huấn của bậc đạo sư, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ.

 P104: Không giống hẳn. Bảy cách ở trong bản P là: 1)Sammukhà- vinayo dàtabbo, 2) Sativinayo dàtabbo, 3) Amùlhavinayo dàtabbo, 4)Patinnàya kàretabbam, 5)Yebhuyyassikà, 6)Tassapàpiyyasikà, 7)Tinavatthàrako. Ở đây sự giải thích bản cáo trạng phải đưa ra hiện tiền không giống nhau. Bản P giải thích rằng khi có sự tranh chấp về pháp và phi pháp, luật và phi luật, thì tất cả chư tăng phải hội họp toàn chúng, và những gì đúng pháp cần phải được thảo luận và chấp hành. Khi ấy cuộc tranh chấp cần được dàn xếp tùy theo đó.

Cách thứ 2:

Ức niệm tỳ ni, cáo trạng bằng cách nhớ lại=P: Sativinayo dàtabbo

C: Nếu có một người phạm giới nhưng không nhớ, khi ấy các Tỳ-kheo nên bảo vị ấy rằng, vị ấy đã phạm tội mà không nhớ. Vị ấy nên đến giữa đại chúng xin luật ức niệm. Và đại chúng nên chấp thuận yêu cầu ấy. Nếu có một tăng chúng sống hòa hợp, thì Tỳ-kheo nên đắp thượng y chừa một bên vai, bỏ dép, đảnh lễ một vị thượng tọa, quỳ thẳng chắp tay mà nói: "Bạch chư Tôn giả, con đã phạm một lỗi lầm nhưng không nhớ. Nay con xin đại chúng cho con luật ức niệm." Đại chúng nên đồng thanh cho Tỳ-kheo ấy luật ức niệm, phù hợp với pháp luật, giáo lý của đấng đạo sư, với sự hiện diện của Tỳ-kheo ấy, làm cho ông hoan hỷ.

P: Mặc dù nội dung giống nhau, giải thích hoàn toàn khác. Ở đây các Tỳ-kheo quở trách một vị đã phạm một tội nặng hay một tội hơi nặng. Nhưng Tỳ-kheo ấy trả lời rằng: "Tôi không nhớ đã phạm một tội như thế." Khi ấy đại chúng nên cho Tỳ-kheo ấy ức niệm tỳ ni.

Cách thứ 3:

Bất si tỳ ni=P: Amùlhavinayo dàtabbo

C: Có một người phát cuồng. Vì điên, vị ấy nói mình đã phạm nhiều giới tội bất tịnh, không xứng Sa-môn, không phù hợp với pháp và luật. Về sau vị ấy trở lại bình thường. Các Tỳ-kheo khác kể cho vị ấy nghe những gì đã xảy ra và khuyên vị ấy nên xin đại chúng ban cho luật bất si. Khi ấy đại chúng nên cho vị ấy luật bất si. Phần còn lại cũng như ức niệm tỳ ni.

P: Ở đây giải thích hơi khác. Các Tỳ-kheo quở trách một vị đã phạm một tội ba la di hay gần như ba la di. Nhưng Tỳ-kheo ấy trả lời rằng ông không nhớ đã phạm một tội như thế. Khi bị các Tỳ-kheo khác gạn hỏi nhiều lần, vị ấy trả lời ông đã phát cuồng, mất quân bình tâm trí, và trong thời gian ấy đã làm và nói nhiều điều không xứng hạnh Sa-môn, nhưng ông không nhớ gì hết. Với một Tỳ-kheo như vậy, đại chúng nên cho vị ấy luật bất si.

Cách thứ 4:

Tự phát lồ chỉ tránh luật=P: Patinnaya karetabbam

C: Khi một Tỳ-kheo phạm giới, dù có người bảo hay không ai bảo, có người nhắc hay không ai nhắc, nếu có một tăng chúng hòa hợp, Tỳ-kheo ấy nên đắp thượng y bày một bên vai, bỏ dép đến giữa chúng, cúi đầu dưới chân một vị trưởng lão Tỳ-kheo, quỳ thẳng chắp tay nói: "Thưa các trưởng lão, con đã phạm một tội lỗi, với lòng thành con xin bày tỏ trước trưởng lão. Con xin phát lộ không dám che dấu. Từ nay con sẽ tự chế ngự mình, không còn tái phạm." Khi ấy tăng chúng nên hỏi đương sự : "Chư hiền có thấy rõ tội lỗi không?" Tỳ-kheo ấy nên trả lời: "Thật sự con đã thấy rõ lỗi lầm." Khi ấy tăng chúng nên bảo đương sự: "Chư hiền khéo tự chế, chớ để tái phạm."

P: Cũng vậy, với những dị biệt sau đây:

C: được bảo hay không được bảo, có người nhắc hay không người nhắc=P: dù một Tỳ-kheo có quở trách hay không quở trách, nhớ và phát lộ một lỗi lầm. Bản P bỏ: nếu có một tăng chúng sống hòa hợp, bỏ dép đi vào trong tăng chúng ấy. C: quỳ gối= P: ngồi xếp gối. P bỏ: "Xin đại đức lắng nghe, nay ở trước đại đức, với lòng thành, con xin phát lộ không dám che giấu. Con sẽ tự chế và sẽ không tái phạm lỗi lầm." Trong khi bản C nói tăng chúng hãy bảo đương sự làm, bản P chỉ nói thượng tọa Tỳ-kheo nên nói như vậy.

Cách thứ 5:

C: Hình phạt cho người phạm tội = P: Tassapàpiyyasikà

C: Nếu có một người không biết tàm quý, không hối hận những tội bị thấy, bị nghe và bị nghi là có ác dục. Sau khi phạm một lỗi lầm, vị ấy nói mình thấy tại một nơi, nghe tại một nơi; sau khi nói mình biết tại một nơi, vị ấy nói mình thấy tại một nơi; sau khi nói mình thấy tại một nơi, lại nói mình biết tại một nơi. Giữa đại chúng, vị ấy nói mình biết tại một nơi. Giữa đại chúng, vị ấy nói mình thấy tại một nơi. Giữa đại chúng, vị ấy nói mình thấy tại một nơi rồi lại nói mình biết tại một nơi, nói mình biết tại một nơi rồi lại nói mình thấy tại một nơi. Với Tỳ-kheo ấy, đại chúng nên nhóm họp thi hành luật hình phạt cho đương sự. Nên bảo: "Ngươi không có đạo đức, không hiểu biết. Ngươi ác, bất thiện, vì đã phạm giới rồi lại nói tôi biết tại một nơi, thấy tại một nơi... (như trên)."

P: Không giống, ở đây các Tỳ-kheo quở trách một Tỳ-kheo đã phạm tội ba la di hay gần như ba la di. Nhưng Tỳ-kheo ấy trả lời rằng mình không nhớ đã rơi vào một tội lỗi như thế. Khi các Tỳ-kheo khác thúc bách phải nhớ lại, vị ấy đáp rằng mình chỉ nhớ phạm một lỗi nhẹ này nọ chứ không phạm tội nặng. Khi bị thúc ép thêm nữa, vị ấy trả lời rằng trước đây mặc dù không ai bảo, vị ấy đã thú nhận có phạm một lỗi nhẹ, vậy thì sao bây giờ khi được hỏi lại không nhận mình đã phạm một tội ba la di hay gần như ba la di. Khi bị bức bách thêm, vị ấy mới thú nhận rằng đã phạm tội ba la di hay gần như ba la di. Những gì vị ấy đã nói trước đấy chỉ là nói đùa. Đây là sự trừng phạt cho người phạm giới.

Cách thứ 6 để giàn xếp tranh chấp:

C: Triển chuyển chỉ tránh luật=P: Yebhuyyassikà, quyết định của đa số (đa nhân mích tội)

C: Một số tranh chấp khởi lên giữa hai Tỳ-kheo : "Đây là pháp, đây không phải pháp; đây là luật, đây không phải là luật; đây là phạm tội, đây không phải phạm tội; tội này nhẹ, tội này nặng; điều này cần được nói lên, điều này không cần được nói lên; điều này đáng chế ngự, điều này không đáng chế ngự; điều này có dư tàn, điều này không có dư tàn; điều này đáng phát lộ, điều này không nên phát lộ". Khi ấy những tranh chấp này cần được dàn xếp ngay tại chỗ. Nếu cuộc tranh cãi được giải quyết ngay tại chỗ, thì khi ấy cuộc tranh chấp được gọi là đã giải quyết. Nếu không thì cuộc tranh chấp ấy nên đưa ra giữa tăng. Nếu nó được dàn xếp giữa các thành viên của tăng đoàn, thì cuộc tranh chấp được xem như đã giải quyết. Nếu không, thì khi gần đấy có những Tỳ-kheo thông kinh, luật luận, vị Tỳ-kheo này nên đi đến đấy thuật lại cuộc tranh chấp, nếu giữa đường cuộc tranh chấp được giải quyết, như vậy được xem là đã xong. Nếu không, cuộc tranh chấp nên được đưa ra giữa tăng. Nếu nó được giải quyết giữa tăng, thì cuộc tranh chấp được xem là đã được dàn xếp. Nếu không, và khi có nhiều bằng hữu và ngoại hộ thông kinh, luật, luận, những Tỳ-kheo nên đi đến đấy thuật lại cuộc tranh chấp để nhờ họ giải quyết. Những Tỳ-kheo này nên dàn xếp cuộc tranh chấp phù hợp với pháp, với luật, với lời Phật dạy và làm cho họ hoan hỷ ngay.

P: Ở đây cách này được đặt vào hàng thứ hai tiếp theo cách đầu là hiện tiền tỳ ni, nghĩa là khi cách đầu không giải quyết được tranh chấp tại chỗ, thì các Tỳ-kheo nên đi đến một nơi khác ở đấy có nhiều Tỳ-kheo hơn, và tại đấy các Tỳ-kheo nên họp toàn chúng và đưa tất cả vấn đề ra để giải quyết tranh chấp theo phán quyết của đa số.

Cách thứ 7:

C: Như khí phấn tảo chỉ tránh luật (như quyét phân)=P: Tinavatthàrako, như thảo phú địa (trải cỏ che lấp)

C: Một tăng đoàn sống thường gây gổ tranh chấp, tăng chúng chia thành hai phe nhóm. Trong một nhóm, vị thượng tọa lớn nhất hay vị kế tiếp nên bảo với Tỳ-kheo trong nhóm như sau: "Thưa chư hiền, xin nghe. Chúng ta sống không có đạo đức, không hiểu biết, chúng ta thật là bất thiện. Bởi vì trong pháp và luật rất tốt đẹp này, chúng ta vì lòng tin đã xuất gia học đạo, nhưng lại sống tranh chấp, gây gổ nhau. Do sự tranh chấp gây gổ này, chúng ta đã phạm nhiều lỗi lầm, trừ những tội thâu lan giá và trừ những lỗi liên hệ đến cư sĩ. Vì an lạc cho tôi và cả cho chư hiền, nay tôi tha thiết sám hối trước chư hiền, xin phát lộ không dám che giấu. Tôi sẽ tự chế và không phạm những lỗi lầm ấy nữa." Nếu trong nhóm này không có Tỳ-kheo nào thích hợp, thì chính vị Tỳ-kheo ấy nên đi qua nhóm Tỳ-kheo bên kia, cúi đầu dưới chân một vị Tỳ-kheo trưởng thượng, quỳ gối chắp tay nói như sau: "...( như trên)." Khi ấy vị Tỳ-kheo kia nên nói : "Thượng tọa nên tự chế và đừng tái phạm." Rồi nhóm thứ hai cũng làm như vậy.

P: Không giống hẳn, mặc dù ý nghĩa không khác. Ở đây giản dị hơn. Nó nói rằng một Tỳ-kheo thiện xảo của một bên nên đứng dậy đắp y chừa một vai, chắp tay thưa đại chúng như sau: "Thưa chư hiền, xin lắng nghe. Chúng ta sống tranh chấp cãi cọ, đã làm đã nói nhiều điều không xứng hạnh Sa-môn. Nếu tăng nghĩ là phải, tôi xin sám hối bất cứ lỗi lầm nào do tôi cũng như chư hiền đã phạm, để cho tôi và chư hiền cùng được an lạc, trải cỏ phủ lấp chúng. Ngoại trừ những tội nặng và những lỗi lầm liên hệ đến cư sĩ." Một Tỳ-kheo có kinh nghiệm ở phe bên kia cũng làm như thế.

4. AN CƯ HÀNG NĂM

Những Tỳ-kheo theo luật phải an cư mỗi năm ba tháng. Nhưng bản C nói đến an cư mùa hạ còn bản P nói đến an cư mùa mưa.

Trong NC20, an cư được đề cập như sau:

C9: Một thời đức Phật du hành ở Vương Xá, trú tại tu viện Trúc Lâm, và trải qua mùa hạ an cư tại đấy cùng với một chúng đông Tỳ-kheo. Tôn giả Mãn Từ Tử đang trải qua hạ an cư của ngài tại quê nhà. Lúc ấy, những Tỳ-kheo tại địa phương sau khi trải qua ba tháng hạ an cư, sau khi may y, mang y đi về thành Vương Xá, đến nơi ở lại trong tu viện Trúc Lâm.

P24: Bản P đề cập ngay đức Phật trú tại Vương Xá trong rừng Trúc, chỗ nuôi dưỡng những con sóc. Khi ấy nhiều Tỳ-kheo tại trú xứ sau khi đã qua ba tháng an cư mùa mưa, đi đến đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi qua một phía.

Lại nữa trong NC43, có nói đến an cư hàng năm của các Tỳ-kheo như sau:

C194: Phật đang an cư mùa hạ cùng với một chúng đông Tỳ-kheo, Ngài khuyên họ nên giữ tập tục ăn ngày một lần như chính Ngài đã thực hành và tự thấy mình ly dục, không còn khao khát, ít bệnh, thân thể nhẹ nhàng, có sức khỏe, an ổn và hạnh phúc... Trong ba tháng hạ an cư, Tôn giả Bạt Đà Hòa Lợi không thể yết kiến đức Phật. Cuối mùa an cư, Tôn giả đi đến Phật và phát lộ lỗi lầm.

P65: Cũng vậy, nhưng ở đây nói đến an cư mùa mưa chứ không phải mùa hạ.

Sự khác nhau về luật an cư hàng năm đã được nêu lên trong đoạn nói về những đặc điểm của Nhất thiết hữu bộ và Thượng tọa bộ.

5. NI SƯ ĐÀN HAY TỌA CỤ

Một dị biệt khác nữa mà chúng ta thấy trong cả hai bản dịch chứng tỏ truyền thống khác nhau của mỗi bộ phái, đó là sự tuân giữ tọa cụ được nói trong bản C nhưng phần lớn bị các bản P bỏ qua.

Như trong NC20, về tọa cụ được nói như sau:

C9: Tôn giả Mãn Từ Tử khi đêm đã tàn, và buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Xá Vệ khất thực. Sau bữa ăn ngọ, sau khi dẹp y bát, rửa tay chân, ngài đặt tọa cụ lên vai đi đến nơi kinh hành trong rừng Anda. Tôn giả Xá-lợi-tử cũng thế, sau khi đêm đã tàn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Xá Vệ khất thực. Sau bữa ăn ngọ, sau khi dẹp y bát, rửa tay chân, ngài đặt tọa cụ lên vai đi đến nơi kinh hành trong rừng Anda. Vào lúc ấy Tôn giả Mãn Từ Tử đi đến rừng Anda, trải tọa cụ dưới gốc cây, ngồi kiết già. Tôn giả Xá-lợi-tử cũng đi đến rừng Anda, trải tọa cụ ngồi kiết già không xa nơi Tôn giả Mãn Từ Tử ngồi.

P24: Không giống hẳn. Bản P bỏ tất cả đoạn nói về hai Tôn giả đi khất thực vào rừng Anda trải tọa cụ. Nó chỉ nói rằng, Tôn giả Mãn Từ Tử hoan hỷ với pháp thoại của Phật, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi vào rừng Anda để nghỉ ban ngày. Khi ấy một Tỳ-kheo thuật lại cho Tôn giả Xá Lợi Phất và ngài vội vàng cầm tọa cụ đi theo Tôn giả Mãn Từ Tử.

Nhận xét: Đây là đoạn văn độc nhất trong bản P nói đến ni sư đàn hay tọa cụ.

Điểm khác nhau này về sự tuân giữ ni sư đàn hay tọa cụ đã được đề cập trong chương nói về Một vài đặc điểm của Nhất thiết hữu bộ và Thượng tọa bộ.

Nhận xét chung:

Trong chương này, ta thấy có nhiều dị biệt giữa hai bản C và P, chứng tỏ hai bản tiêu biểu những truyền thống khác nhau. Do vậy một vài học giới về lối hành xử của một người ở rừng, bảy cách dàn xếp tranh chấp không hoàn toàn giống nhau trong hai bản kinh.


CHƯƠNG VII: KỆ TỤNG

Bây giờ chúng ta đi đến phần khảo sát tỷ giảo những bài kệ trong 98 kinh tương đương để tìm ra những điểm đồng dị giữa hai bản C và P.

Mới nhìn qua ta thấy rằng bản C dồi dào bài kệ hơn bản P. Trong NC 40, 55, 89, có ba kinh C chứa nhiều bài kệ trong khi những bản P tương đương không có.

Trong NC 40, có thêm hai bài kệ đều do đức Phật nói, khi giáo giới La Vân.

Bài kệ thứ nhất: C14, Kinh La Vân :

"Một người phạm lỗi gọi là nói láo,
Thì không sợ đời sau, không có điều ác gì nó không thể làm.
Thà nuốt viên sắt nóng như lửa,
Còn hơn phạm giới này mà nhận bố thí của thế gian.
Nếu biết sợ khổ, không thích nghĩ đến khổ,
Thì không nên làm điều ác bí mật hay công khai.
Nếu những bất thiện hành đã được làm, đang được làm,
Cuối cùng người ta không thể thoát khỏi chúng,
Cũng không có chỗ trú ẩn nào để thoát."

Bài kệ 2:

"Này La Vân, thân hành, ngữ hành và ý hành,
Có công đức hay không công đức,
Ngươi nên tư duy về chúng.
Này La Vân, ngươi không được cố ý nói dối.
Nói dối đem lại nguy hiểm, thì sao ngươi nói dối?
Che đậy pháp của Sa-môn,
Lời trống rỗng không thật, gọi là nói dối.
Do không hộ trì miệng lưỡi,
Mà người ta nói điều sai quấy.
Hỡi con đấng Giác ngộ, đây là pháp của bậc Sa-môn.
Này La Vân ngươi nên học; ở đâu ngươi cũng sẽ được hạnh phúc an lạc, an ổn và vô úy.
Này La Vân, muốn được tất cả điều này ngươi không được hại người khác."

 

Trong NC 55 , bản C có hai bài kệ nhưng không có trong bản P.

C67: Kinh Đại thiên nại lâm:

Vua Đại Điển cầm những sợi tóc bạc này và nói:

"Đầu tôi đã có tóc hoa râm, cuộc đời tôi càng ngày càng già và yếu,
Thiên sứ đã đến. Đã đến lúc tôi nên học pháp"

C: Vua Nemi bảo chư thiên cõi trời 33:

"Nó giống như cỗ xe mượn để cưỡi một thời gian.
Nơi này là như thế, nghĩa là nó thuộc về kẻ khác.
Ta sẽ trở về Mi-sa-lo và thực hành vô số pháp lành ở đấy.
Nhờ vậy ta sẽ được sinh lên trời.
Ta chứa nghiệp lành như lương thực trên đường lên thiên giới."

Trong NC89, có một bài kệ trong bản C, không có trong bản P:

C170: Kinh Anh vũ:

"Những người Bà-la-môn do quá kiêu căng,
Sau khi chết tại thế giới này, sẽ tái sinh trong sáu cảnh giới:
Làm gà mái, chó, heo, chồn,
Lừa và địa ngục là thứ sáu."

Có 15 kinh trong đó cả hai bản C và P đều có kệ, như trong NC6, 22,35,36, 39, 48,54,60,83, 85, 86,87,88,96,97.

Một vài bài kệ gần giống nhau trong cả hai bản. Như trong NC35, cả hai bài kệ như sau:

C78: Phạm thiên thỉnh Phật:

"Thấy nguy hiểm trong hữu, không sợ phi hữu,
Như vậy không thích thú trong hữu,
Thì có hữu nào không thể bị đoạn tận?"

P49: Phạm thiên cầu thỉnh:

"Sau khi thấy nguy hiểm của hữu,
Đang hiện hữu, ta tìm cái phi hữu.
Ta không thích thú hiện hữu,
Ta không chấp thủ một lạc thú nào."

Trong NC48, chúng ta có hai bài kệ sau:

C153: Kinh Man nhàn đề:

"Không bệnh là lợi tối thắng.
Niết-bàn là lạc tối thắng.
Trong các con đường, đường tám chánh,
Trú trong an ổn và bất tử.

P75: Kinh Màgandiya:

"Không bệnh lợi tối thắng,
Niết-bàn lạc tối thắng.
Trong các đường, bát chánh,
Đưa đến an ổn và bất tử."

Trong vài trường hợp, kinh C có đến ba bài kệ, trong khi P chỉ có một bài, như được thấy trong NC36, và bài kệ duy nhất trong bản P chỉ có 96 dòng trong khi bài kệ tương đương trong bản C có đến 122 dòng. Tương tự về NC39, trong đó C có dư hai bài kệ, một bài sáu dòng và một bài bốn dòng. Trong khi bài kệ có chung với P, thì C hơn P tám dòng. Trong NC66, bài kệ trong C chứa 32 dòng, bản P chỉ chứa 22 dòng. Trong NC60, kinh C có bốn bài kệ, trong khi P chỉ có ba bài. Trong bài kệ một, bản P có bốn dòng hơn C; trong bài kệ hai, hai bản có số dòng giống nhau là 12 dòng, trong khi bài kệ thứ ba thì bản C có 10 dòng nhiều hơn bản P. Bài kệ thứ tư chỉ được tìm thấy trong C, chứa 10 dòng như sau:

C161: Phạm Ma:

"Trong các tế đàn, lửa là tối thượng.
Âm thanh là nền tảng của tất cả mọi âm.
Trong loài người, vua là tối thượng.
Biển lớn hơn các dòng sông.
Mặt trăng sáng hơn những vì sao,
Nhưng không ánh sáng nào quá hơn mặt trời.
Phương trên phương dưới,
Bốn phương chính và bốn hướng phu,ï
Cùng với tất cả thế gian,
Từ nhân loại cho đến chư thiên,
Chỉ có Phật là tối thượng."

Về bài kệ này, những nhận xét sau đây của tiến sĩ Anesaki (JRAS, 1901, p.898) đáng chú ý:

"Trong các kinh A-hàm bản Hoa ngữ, bài kệ sau đây được lặp đi lặp lại ít nhất 12 lần: Trong các tế đàn lửa là tối thượng, trong các chandas, sàvittì là tối thượng, trong loài người vua...., trong tất cả chúng sinh, nhân loại và chư thiên, chỉ có Phật là trên hết. Tôi không thể tìm thấy những bài kệ này trong các kinh Trung bộ P. Tất cả kinh P, dù đồng nhất với C về mọi mặt khác, đều không có bài kệ này, trong khi bản C tương đương thì có. Tôi tìm thấy chúng, trừ phần cuối, trong kinh Sela của Tiểu bộ Suttanipàta. Có phải chúng đã được thêm vào về sau trong các kinh A-hàm và kinh Tiểu bộ, hay chúng đã bị bỏ bớt khỏi kinh Trung bộ P?"

Cũng vậy trong NC96, chỉ có một bài kệ, bài kệ bản C có 24 dòng, bản P chỉ có 20 dòng. Trong NC97, bản C có thêm hai bài kệ, một bài 16 dòng, một bài tám dòng, trong khi bản P có một bài kệ thừa ra 16 dòng. Sự khác biệt này có lẽ là do sự khác biệt về nội dung của hai kinh này. Trong kinh C, trong khi kể lại cơn bệnh của Cấp-cô-độc, bản C thêm một câu truyện do Cấp-cô-độc kể về lần đầu tiên ông gặp Phật, và hai bài kệ thuộc về câu truyện này. Bài kệ đầu được nói bởi một vị trời vốn là bạn cũ của Cấp-cô-độc đến giục ông đi gặp Phật. Bài kệ thứ hai được nói bởi chính Cấp-cô-độc để chào đức Phật. Và bài kệ P không có trong bản C thì được nói bởi vị trời Cấp-cô-độc để ca tụng Phật, Pháp, và Tôn giả Xá Lợi Phất. Cấp-cô-độc sau khi chết đã được tái sinh thành một vị trời, xuất hiện trước đức Phật và đọc bài kệ này ca tụng đức Thế Tôn. Nhưng vì bản kinh C kể lại một giai thoại khác trong đời Cấp-cô-độc, dĩ nhiên không phải là đã chết, nên bài kệ này không có.

Nhưng có những trường hợp trong đó P có nhiều kệ hơn C, và những bài kệ trong bản P dài hơn. Như trong NC22, bản P có dư ba bài kệ: tám dòng, 14 dòng, bốn dòng. Bài kệ một nói về sự do dự của đức Phật không muốn thuyết pháp. Bài kệ hai tả Phạm thiên thỉnh cầu thuyết pháp; và đức Phật theo lời thỉnh của Phạm thiên trong bài kệ ba. Tất cả ba bài kệ đều không có trong bản C, vì bản C bỏ nguyên cả đoạn này. Trong NC54, trong bài kệ thứ nhất, bài kệ bản C có 22 dòng, ít hơn bài kệ bản P hai dòng; trong khi bài kệ thứ hai trong bản P có nhiều hơn bài kệ bản C bốn dòng, (bài kệ bản C có 48 dòng).

Để nêu rõ những điểm đồng dị giữa hai bài kệ tương đương trong bản C và P, chúng tôi sẽ phân tích từng dòng các bài kệ để so sánh, trong NC6, 39 và 96.

Trong NC6, Phật trả lời Bà-la-môn Thủy Tịnh, khi Bà-la-môn bảo Ngài đi tắm nước thiêng:

C93: Thủy Tịnh Phạm chí:

"Diệu hảo thủ phạm chí,
Nếu vào sông Đa Thủy,
Là trò chơi kẻ ngu,
Không thể sạch nghiệp dữ.
Hảo thủ, đến sông chi?
Sông ấy có nghĩa gì,
Người tạo nghiệp bất thiện,
Nước trong nào ích chi.
Người tịnh, không cấu uế,
Người tịnh, thường thuyết giới,
Người tịnh, nghiệp trắng trong,
Thường hành hạnh thanh tịnh.
Nếu ông không sát sinh,
Cũng không hay trộm cắp,
Chân thật, không nói dối,
Thường chánh niệm, chánh trí,
Phạm chí học như vậy,
Tất cả chúng sinh an.
Phạm chí về nhà chi,
Nước nhà đâu trong sạch.
Phạm chí, ông nên học,
Dùng thiện pháp tẩy sạch.
Cần gì nước bẩn kia,
Chỉ trừ dơ thân thể?"

P7: Gần giống. Bản P nói tên của bảy con sông: Bàhukà, Adhikakkà, Gayà, Sundarikà, Sarassatì, Payàgo Bàhumatì là vô ích vì chúng không thể rửa sạch những hành vi đen tối. Đối với người trong sạch, ngày nào cũng là ngày lành (Phaggu); ngày nào cũng là ngày trai giới (Uposatha), vì người ấy luôn luôn tuân theo quy luật. Bản C thêm: luôn luôn có chánh niệm, chánh kiến đối với lời giáo huấn của đức Phật. Bản P bỏ hai từ này nhưng thêm : có lòng tin saddahanà, và không hà tiện, amaccharì. Trong dòng cuối, bản P nói đến đức Phật dạy: "Bạn cần gì phải đến sông, khi bất cứ giếng nào cũng là sông Hằng của bạn?"

Trong khi bản P chấm dứt bài kệ ở đây và trở lại thể thức văn xuôi, bản C vẫn tiếp tục hình thức kệ:

"Phạm chí bạch Phật rằng:
'Tôi cũng nghĩ như vậy,
Dùng thiện pháp tẩy sạch,
Cần gì nước dơ kia.
Phạm chí nghe Phật dạy,
Trong lòng rất hoan hỷ,
Liền đảnh lễ chân Phật,
Quy y Phật, Pháp, Tăng.' "

Trong NC39, chính bài kệ của Ưu Ba Ly là bài mà người ta tìm thấy được tàn dư của nguyên bản Sanskrit ở Trung Á (xem phần phụ lục).

C133:

Khi ấy Kiền Tử hỏi Ưu Ba Ly rằng, tất cả mọi người trong thành Na Lan Đà đều biết Ưu Ba Ly là đệ tử của Ni Kiền; nhưng bây giờ, ông là đồ đệ của ai. Ưu Ba Ly trả lời Kiền Tử bằng một bài kệ dài, trong lúc quỳ gối chạm đất, chắp tay hướng về đức Thế Tôn mà nói:

1/

a. Trong số những người can đảm thoát khỏi vô minh, đã đoạn dứt lỗi lầm và chân chính vượt qua chúng, P1a.

b. Vô tỷ, suy tư tinh tế, được điều phục về giới, định, tuệ, P1b.

c. Bảo đảm không cấu uế, của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử, P1c.

2/

a. Về đức Thế Tôn vĩ đại với sự tự chế hoàn toàn; đã đạt đến sự thánh thiện, đã làm chủ ngữ nghiệp. P7a.

b. Với chánh niệm, quán sát chân chính và tế nhị, không cao cũng không thấp, P7b.

c. Bất động, luôn luôn tự chủ.
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử. P7c.

3/

a. Về người không có sự cong quẹo, luôn luôn hài lòng,
Đã tẩy sạch sự nhỏ nhen, khéo hỷ túc, P2a.

b. Sau khi trở thành Sa-môn, vị ấy đạt giác ngộ,
Với thân hiện tại là thân cuối cùng, đức Thế Tôn. P2b.

c. Vô tỷ và không bụi bặm,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử. P2c.

4/

a. Về con người không có ganh tị, vô lượng,
Sâu xa khôn dò, đạt đến hiền trí, P4a.

b. Luôn luôn an ổn và đầy nghị lực,
Trú pháp, tư tưởng tế nhị, P4b.

c. Được điều phục, luôn luôn không đùa,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử. P5c.

5/

a. Về Ngài, một đại long tượng, thích ở cao, đã dập tắt kiết sử, đã đạt giải thoát. P5a.

b. Thiện xảo về đàm luận, thanh tịnh,
Trí sanh, sầu ưu tẩy sạch, P5b.

c. Không trở lại hữu, đấng Thích Ca,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử. P6c.

6/

a. Về Ngài, người đã đi một cách chân chính, với tư tưởng tập trung, không tán loạn, thanh tịnh. P8a.

b. Luôn luôn mỉm cười, không sân hận,
Thích độc cư, đã đạt đến cái tối thượng. P8b.

c. Vô úy, luôn luôn nhiệt tâm và tinh cần,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử.

7/

a. Về Ngài, bậc Đại tiên thứ bảy vô tỷ,
Với ba sự chứng đắc, đã đạt đến Phạm thể, P6a.

b. Không tỳ vết và thuần tịnh như một ngọn đèn sáng,
Đạt đến an tịnh, chấm dứt sân hận,

c. Tinh cần và hết sức thanh tịnh,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử.

8/

a. Về Người đã đạt đến sự tịch tịnh, có trí tuệ như đại địa,
có đại tuệ, đã tẩy sạch sự chấp thủ thế gian, P9a.

b. Sau khi khéo tư duy với con mắt tối thượng,
Một siêu nhân vô tỷ, P10b.

c. Một bậc thầy của chính mình, không sân hận,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử.

9/

a. Về Người đã đoạn tận hy vọng, thiện tối thắng,
Người lãnh đạo tốt, có sự làm chủ vô song, P3a.

b. Tối thượng và luôn luôn an lạc,
Không còn hoài nghi, với ánh sáng chói, P3b

c. Với kiêu mạn đã được tẩy trừ, giác ngộ tối cao,
Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử. P3c.

10/

 a. Về con người mà khát ái đã đoạn tận, với sự giác ngộ vô song, không có khói, không có lửa ngọn, P10a.

b. Đức Như lai là đấng Thiện thệ,
Vô song, vô tỷ,

c. Có danh tiếng lớn, đã đạt đến sự chánh trực,
Của đức Phật, Ưu ba ly là đệ tử. P10c

11/

a. Như vậy với 100 lời, ông ta tán thán Phật,
Những lời ấy chưa từng được suy tính trước.

b. Ưu Ba Ly đã nói lên chúng,
Chư thiên đã đến nơi ông ta,

c. Khéo giúp ông ta trong cuộc thảo luận,
Phù hợp với pháp, thích hợp với một người như vậy.
Kiền Tử đã hỏi,
Đồ đệ của đức Phật, đấng mười lực.

P56: Bài kệ của Ưu Ba Ly gồm có 11 đoạn trong C và mười đoạn trong P. Bản P bỏ đoạn thứ 11. Mỗi đoạn kệ chấm dứt với cùng một điệp khúc : C: Của đức Phật, Ưu Ba Ly là đệ tử =P: Của Ngài, đức Thế Tôn, tôi là đệ tử. Mặc dù cả hai bài kệ giống nhau phần chính, chúng có nhiều điểm khác nhau về thứ tự liên tiếp giữa các bài kệ, về vị trí của những bài kệ làm thành toàn thể.

C1=P1; C2=P7; C3=P2; C4a=P4a; C4b=P4b; C4c=P5c; C5a=P5a; C5b=P5b= C5c=P6c; C6a=P8a; C6b=P8b; C6c=P không có; C7a=P6a; C7b=P không có; C7c=Pkhông có; C8a=P9a; C8b=P10b, C8c=Pkhông có; C9a=P3a, C9b=P3b; C9c=P3c; C10a=P10a; C10b=P không có; C10b=P 10c; C11=P không có.

Như vậy C6c, C7b, C7c, C8c, C10b, C11 không có trong bản P và P4c, P6b, P8c, P9c không có trong bản C.

Ngay cả trong những bài kệ tương đương, bản C và P cũng có nhiều khác nhau đáng kể. Như trong C1b, C: vô song=P: anighassa (không khổ). Trong C1c, C: an ổn, bảo đảm (secure)=P: vessantarassa (điềm tĩnh). Trong C2a, C: đạt đến sự thánh thiện =P: pattipattassa, đã đạt được cái gì có thể đạt. Trong C2b, C: không cao không thấp=P: anabhinatassa (không thiên về dục, không sân). Trong C3a, C: về Người không có sự cong quẹo(crookedness)=P: akathankathissa (không hoài nghi); C: đã trừ khử tính hà tiện=P: vantalokàmisassa (từ bỏ tài sản thế gian). Trong C3b, C: Ngài đạt đến giác ngộ=P manujassa (của một con người); C: đức Thế Tôn=P: narassa (về con người). Trong C4a, C: về Người không ganh tị=P: nisabhassa (về con người tốt nhất, bò đực tối thượng). Trong C4b, C: có nghị lực=P vedassa (người hiểu biết); C: có suy nghĩ tế nhị=P: samvutattassa (tự chế). Trong C4c, C: luôn luôn không đùa (always without sporting) = P : nippapancassa (không chướng ngại). Trong C5a, C: về ngài, một con rồng lớn = P: nagassa (về một con voi); C: ưa thích ở chỗ cao=P: pantasenassa (sống xa chỗ con người). Trong C5b, C: thiện xảo về thảo luận=P: patimantakassa (người nói hòa nhã); C: sinh từ trí tuệ = P: pannadhajassa (đã hạ cây cờ xuống); C: tẩy trừ sầu ưu = P: vìtaràgassa (lìa tham dục). Trong C5c, C: người không trở lại cõi hữu=P: purindadassa (người bố thí tối thượng). Trong C6a, C: về người đã đi một cách chân chính=P: sammaggatassa. Trong C6b, C: luôn luôn mỉm cười=P: asitassa (không trói buộc), C: không sân=P: appahìnassa (không thiên về bất cứ gì?). Trong C7a, C: về vị trời thứ bảy=P: isisattamassa (bậc hiền thứ bảy); C: không thể so sánh=P: akuhassa (không giả dối). Trong C8a, C: với trí tuệ như đại địa=P: Bhùripannassa (có trí tuệ quảng đại). Trong C8b, C: sau khi khéo tư duy=P: àhuneyyassa (đáng cúng dường); C: có con mắt tối thượng=P: yakkhassa (của dạ xoa). Trong C9a, C: về Người đã đoạn trừ hi vọng=P: asamsayassa, of Him who is sure(?); C: lãnh đạo tốt=P: venayikassa (lãnh đạo). Trong C9c, C: có giác ngộ tối thượng=P: virassa (anh hùng, người có nghị lực). Trong C10c, C: có đại danh=P: mahato (người vĩ đại); C: đã đạt đến sự chính trực = P: yasaggapattassa (đã đạt đến danh tiếng tối cao).

Trong những bài kệ tương đương, những bài còn lại gần giống nhau.

Nhận xét: Sự hiện hữu của từ thuộc dạ xoa trong câu kệ 10b của bản P thật khó hiểu. Không thể nào gọi Phật là một dạ xoa, nhất là trong một bài kệ ca tụng Ngài. Bản C dịch người có mắt sáng nhất đã đưa ra giải đáp. Nguyên bản Sanskrit có lẽ là danh từ Aksasya, có nghĩa là con mắt. Tiếng Pàli yakkhassa rõ ràng đã thêm chữ "y" ở trước cho dễ đọc như ta thường thấy trong các câu na yimassa, yaci yeva, kinci, yittham, v.v..

Trong NC96, bài kệ bản C và bài kệ tương đương trong bản P được nói như sau:

C180: =P143:

Đức Phật đọc một bài kệ sáu câu trong bản C và năm câu trong bản P:

1) C: Người tinh cần bố thí cho người bất cẩn một món quà có được phù hợp với chánh pháp, với một tâm hoan hỷ. Vị ấy tin vào nghiệp và quả báo của nghiệp, nên sự cúng dường này được thanh tịnh bởi người cho.

P: Gần giống. C: tinh cần=P: có thiện giới. C:bất cẩn=P: có ác giới. C: vị ấy tin vào nghiệp và quả báo của nghiệp=P: vị ấy tin chắc vào quả báo dồi dào của nghiệp.

2) C: Người bất cẩn bố thí cho người tinh cần một món quà có được không phù hợp với chánh pháp và cũng không bố thí với tâm hân hoan, vị ấy không tin vào nghiệp và quả báo của nghiệp, như vậy sự cúng dường này được thanh tịnh bởi người nhận.

P: Gần giống, với những dị biệt như trên.

3) C: Người biếng nhác bố thí cho người bất cẩn một món quà có được không hợp pháp và cũng không với tâm hoan hỷ; vị ấy không tin vào hành động và quả báo của hành động, như vậy sự cúng dường này không có quả báo lớn lao.

P: Gần giống, với những dị biệt như trên. C: không có quả báo lớn=P: không được thanh tịnh bởi cả hai bên, người cho và người nhận.

4) C: Người tinh cần bố thí cho người tinh cần một món quà có được hợp pháp nhưng không với tâm vui vẻ, vị ấy tin vào nghiệp và quả báo của nghiệp; như vậy sự cúng dường này có quả báo lớn.

P: Như trên, với những dị biệt như đã thấy.

5) C: Những tôi tớ và người nghèo, những người vui vẻ, san sẻ phần mình để góp vào việc bố thí, họ tin vào nghiệp và quả báo của nghiệp, như vậy một vật thí được bậc trí tán dương.

P: không có.

6) C: Với thân và lời khéo hộ trì một cách chân chính; đưa tay ra xin hợp pháp, một người thiểu dục bố thí cho một người thiểu dục, quà tặng này là tối thượng.

P: Không giống hẳn: Một người không chấp thủ bố thí cho một người không chấp thủ một món quà có được hợp pháp với một tâm hoan hỷ, tin chắc vào quả báo giàu có của hành vi, ta nói quà tặng này có lợi ích lớn.

Như vậy, một tổng quan về nghiên cứu tỷ giảo các bài kệ trong hai bản kinh C và P cho ta thấy, bản C có nhiều kệ hơn bản P, và những bài kệ trong C thường dài hơn P. Chúng ta cũng nhận thấy rằng nền tảng chung giữa hai bản khá lớn. Và điều này nói lên một nguồn chung từ đấy cả hai bản rút tài liệu. Khi nghiên cứu kỹ những bài kệ tương đương trong hai bản, ta thấy có nhiều điểm đồng và dị, và điều này cho thấy thái độ độc lập của các nhà biên tập hai bản kinh, về phương diện sưu tầm và sắp xếp các tài liệu.



Đầu trang | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 2.6 | 2.7
| 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | Mục lục

[Trở về Thư Mục]
02-09-2001