BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
SO
SÁNH KINH TRUNG A-HÀM VÀ KINH TRUNG-BỘ
Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU
Khoảng một thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, cộïng đồng Tăng lữ phân thành 18 bộ phái hay hơn nữa. Hai bộ phái trong đó là Thượng tọa bộ (Theravàda) và Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda), do khối lượng kinh tạng và ảnh hưởng rộng rãi, đã đẩy lùi vào bóng tối tất cả bộ phái khác.
Nhưng trong khi hầu như toàn vẹn tạng kinh của Thượng tọa bộ (Ther.) được truyền đến chúng ta, ta lại không thể nói như vậy về tạng kinh của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Nguyên bản Sanskrit của tạng kinh này phần lớn đều mất hết, chỉ trừ vài đoạn được tìm thấy ở Trung Á, một ít được mang từ Nepal, và gần đây có những văn liệu Gilgit được khám phá cùng với những bản dịch chữ Hán và chữ Tây-Tạng. Một sự nghiên cứu so sánh về hai tạng kinh này sẽ rọi nhiều ánh sáng vào nguồn gốc của tạng kinh cổ, những tương đồng và biệt dị giữa các lý thuyết của hai bộ phái. Nhiều học giả danh tiếng đã cố làm việc theo chiều hướng này, nhưng phần đông chỉ giới hạn vào tạng luật (Vinayapitaka), như Tiến sĩ W. Pachow trong tác phẩm "Nghiên cứu so sánh về giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràtimoksa)"; và Tiến sĩ A. C. Banerjee trong cuốn "Văn học Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda)", đều nói đến những giới luật mà Tăng Ni phải tuân theo. Tiến sĩ Bapat đã mở ra một chân trời mới trong tác phẩm Arthapadasùtra bằng cách so sánh hai bản kinh chữ Hán và Pàli, nhưng tác phẩm của vị này chỉ giới hạn vào một phần của kinh Suttanipàta. Bởi vậy chúng ta vẫn còn khao khát có được một nghiên cứu so sánh có hệ thống về toàn thể kinh tạng (Sùtrapitaka) của Thượng tọa bộ (Ther.) và Đại chúng bộ (Sarv.). Tác phẩm này "So sánh kinh Trung A-hàm và kinh Trung bộ" là một cố gắng để bù lấp vào khoảng trống ấy.
Trong tác phẩm này, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu một phần quan trọng của tạng kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) là kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) trong hình thức toàn vẹn của nó. Bộ kinh này từ trước đến nay người ta chỉ biết đến qua bản dịch chữ Hán, được nghiên cứu rộng rãi, gồm những phẩm, quyển, ngày tụng và kinh(1) , được chia thành Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Panna) cùng với những vi phân khác(2) . Chúng tôi cũng đề cập đến đời đức Phật(3) , Tăng chúng với đời sống hằng ngày của họ(4) , những ẩn dụ, kệ tụng và kết luận của các kinh(5) . Chúng tôi không bỏ sót một chi tiết nào ngõ hầu đem lại một cái nhìn sáng sủa về những điểm cốt yếu trong kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Trong khi xét đến lý thuyết của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), chúng tôi cũng sưu tập một số bằng chứng nội tại và ngoại tại với mục đích chứng minh rằng kinh Trung A-hàm bằng chữ Hán (CMA) quả thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Điều này chỉ được các học giả trước đây phỏng đoán(6) .
Tỷ lệ cao những điểm tương đồng giữa hai bản kinh chữ Hán và Pàli, sự hiện diện nhiều đoạn văn giống nhau chứng tỏ rằng đã có một nguồn gốc chung cho cả hai bản dịch Pàli và chữ Hán; và căn bản chung ấy không chỉ về lý thuyết mà còn về hình thức văn bản. Ví dụ, trong số 98 kinh tương đương giữa chữ Hán và Pàli, có 45 kinh có nhan đề giống nhau, 15 kinh gần giống, 62 kinh có cùng một địa danh và 15 kinh gần như đồng một địa danh(7) . Sự đề cập những lý thuyết nòng cốt như Niệm xứ (Satipatthàna), Bát chánh đạo, các thiền (Jhàna) thuộc sắc (rùpa) và vô sắc (arùpa) giới, bốn chân lý(8) ... đều gần giống nhau và cách hành văn của một vài đoạn có thể nói là hoàn toàn giống nhau trong cả hai bản dịch. Tất cả điều này chứng tỏ đã hiện hữu một tạng kinh cổ, có lẽ là tạng kinh Magadhi đã mất mà học giả Winternitz đã nói đến trong tác phẩm Lịch sử văn học Ấn độ(9) . Giáo sư André Bareau công nhận có một tạng kinh cổ, đã viết: "Giả thiết này - cho rằng sự giống nhau không phải vì có một tạng kinh cổ, mà vì có sự vay mượn lẫn nhau giữa các bản kinh hậu kỳ - đối với tôi dường như không vững, ít nhất là nói về toàn tạng kinh, vì sự giống nhau ấy có thể được thực hiện trong một vài hoàn cảnh đặc biệt." (L'hypothèse selon laquelle cette identité serait due, non à l'existence de ce Proto Canon, mais à des emprunts mutuels entre Canons tardifs me parait pratiquement insoutenable, due moins pour l'ensemble des textes, car elle a pu se réaliser dans certains cas particuliers).
Toàn thể phần hai, từ chương 1 đến chương 9 sách này, là một nghiên cứu so sánh về các lý thuyết và truyền thống của hai bộ phái Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.) để chứng minh các điểm tương đồng và dị biệt của hai truyền thống.
Chương nói về những đặc tính của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.)(10) có thể xem như là toát yếu của toàn tác phẩm, trong đó những điểm đặc sắc của mỗi bộ phái được tập hợp lại và giải thích. Nó cũng có mục đích giải thích một vài lối hành trì khác nhau mà các xứ Phật giáo hiện đang áp dụng. Tỷ số cao những điểm tương đồng đã chứng minh được thẩm quyền và sự chính xác đáng tin cậy của truyền thống kinh tạng Pàli, như học giả Winternitz đã nói : "Càng mở văn tạng Sanskrit, so sánh với tạng Pàli, ta càng thấy Oldenberg đã đúng khi nói rằng bản Pàli mặc dù không phải hoàn toàn chính xác, vẫn đáng xem là khá toàn hảo."(11) Khi sưu tầm những dị biệt, và nếu xét thật kỹ, ta sẽ thấy những người sưu tập đã tự do thêm những đoạn văn và chi tiết thích hợp cho bộ phái của mình và bớt những chi tiết nào không phù hợp. Ví dụ bản Hoa ngữ ngang nhiên bỏ kinh Kỳ-bà (Jìvakasutta) trong đó đức Phật cho phép Tỳ-kheo ăn ba thứ thịt(12) , còn tạng Pàli thì bỏ đoạn nói về hiện hữu của đau khổ trong quá khứ hiện tại và vị lai(13) . Điều này cho thấy Tiến sĩ N. Dutt đã nhận xét đúng : "Tạng kinh Pàli (Pàli Pitakas) chắc chắn đã trải qua nhiều lần biên tập với nhiều thêm bớt trước khi nó trở thành dạng bản mà chúng ta có hiện nay. Hình thức đơn điệu và giả tạo của mỗi kinh đã làm mất vẻ tươi sáng ban đầu của những lời dạy và rõ ràng để lộ bàn tay cắt xén uốn nắn của những người biên tập ở vào một thời rất xa thời đại đức Đạo sư."(14) Dĩ nhiên ta cũng có thể nói như vậy về tạng kinh của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Tác phẩm này cũng cốt làm sáng tỏ công trình tiên phong vĩ đại của Sanghadeva (Tăng-già-đề-bà) một vị sư Ấn từ Kashmir đã truyền bá đạo Phật tại Trung Quốc. Theo lời đề nghị của Giáo sư André Bareau, tôi đã sưu tập nhiều từ tương đương Pàli Hoa ngữ để làm thành một mục nhỏ về các từ tương đương Pàli-Hoa-Anh; nhưng vì giới hạn của quyển sách này, tôi phải giảm mục này đến mức tối thiểu.
Trong khi làm công cuộc khảo sát so sánh kinh A-hàm (CMA) với kinh Trung bộ (PMN), tôi không khỏi có cảm giác đang dẫm chân lên một vùng đất hầu như mới mẻ, vì cho đến nay có rất ít tác phẩm có hệ thống đề cập đến lãnh vực này của văn học Phật giáo.
Tác giả Chizen Akanuma trong tác phẩm "So sánh mục lục các kinh A- hàm (Àgamas) chữ Hán và kinh bộ Pàli (Pàli Nikàyas)" là người đầu tiên cố khảo sát so sánh hai tạng kinh này. Mặc dù tác phẩm này khá quan trọng, nó cũng chỉ giới hạn trong việc làm mục lục nhan đề của những kinh tương đương chứ không đi sâu vào chi tiết. A. F. Rudolf Hoernle trong quyển "Những di tích bản thảo văn học Phật giáo được tìm thấy ở miền Đông thổ (Eastern Turkestan)" đã làm một cuộc khảo sát có hệ thống về những đoạn kinh bằng Phạn ngữ được tìm thấy ở Trung Á so với những kinh Pàli tương đương. Nhưng riêng về kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama), chỉ có những đoạn thuộc về hai kinh Ưu-ba-ly (Upàlisùtra) và Suka (Sukasùtra) được tìm thấy, mà chúng lại quá ít ỏi không đủ để so sánh và lượng giá. Khi tôi tìm hiểu có học giả Tây phương nào đã làm về đề tài này chưa, Giáo sư André Bareau, một học giả nổi danh của Pháp, đã cho biết có một nhóm học giả Đức dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Waldschmidt ở Bá Linh đang làm việc về những gì còn lại của kinh Trường A-hàm (Dìrgha Àgama) và Tạp A-hàm (Samyukta Àgama), chứ không làm về Trung A-hàm (Madhyama Àgama). Về những học giả người Nhật, tôi được Giáo sư Sakurabe cho biết thỉnh thoảng vài học giả Nhật như Sakurabe, Chizen Akanuma, Mochizuki... viết những mục báo nói về kinh Trung A-hàm, nhưng vì phần lớn bằng tiếng Nhật nên không thể phổ cập đến độc giả; vả lại họ cũng chỉ giới hạn vào một vài khía cạnh của kinh Trung A-hàm (CMA). Bởi thế một tác phẩm khảo sát tỷ giảo về kinh Trung A-hàm (CMA) và kinh Trung bộ (PMN) vẫn là một điều đáng làm.
Trong tác phẩm này, tôi đã chọn bản văn Trung A-hàm (CMA) do Tăng Già Đề Bà dịch để so sánh với kinh Trung bộ (PMN). Tôi buộc lòng phải bỏ qua một số kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) của những dịch giả khác, vì phạm vi tác phẩm này không cho phép tôi để những kinh ấy vào. Tôi chỉ giới hạn vào 98 kinh A-hàm so với những kinh Trung bộ tương đương. Cuộc nghiên cứu so sánh đề cập đến các vấn đề như đề kinh, địa điểm nói kinh, phân loại phẩm (vargas), giới (sìla), định (samàdhi), tuệ (panna)...Nhưng chúng tôi cũng không quên nghiên cứu tỷ giảo từng kinh một, 15 kinh tất cả. Khi so sánh một đoạn kinh văn, chúng tôi cố dịch đoạn văn Hoa ngữ càng trung thực càng hay, trong khi đoạn văn Pàli tương đương thì chỉ nêu lên cái cốt tủy; đồng thời ghi chú những điểm tương đồng và dị biệt với đoạn văn Hoa ngữ. Vì bản kinh Pàli đã được biết đến một cách rộng rãi nên không cần khai triển nhiều. Với mỗi đoạn văn so sánh, chúng tôi ghi rõ số quyển, trang, dòng của cả hai tạng kinh để độc giả dễ tra cứu. Khi cần chúng tôi thêm một vài nhận xét vào những đoạn kinh văn được so sánh. Về việc La tinh hóa những tiếng Hoa ngữ, tôi đã theo phương pháp Wade-Giles trong cuốn Tự điển Hán-Anh của Mathews được nhiều người biết đến. Về bản kinh văn Trung A-hàm (Madhyama) Àgama) bằng Hoa ngữ, tôi đã theo bản in của ngài Huyền Trang (Hsu-ts'ang) có sẵn, và vì bản in của Tai-sho không có tại Nalanda. Về bản kinh Pàli, tôi đã chọn ấn bản Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya) của Hội Pàli Text.
Tác phẩm này chia làm bốn phần chính :
Phần một : Dẫn nhập, gồm có bài dẫn nhập này cùng với một số bằng chứng để chứng minh Trung A-hàm (CMA) thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.); một số đặc tính của hai bộ phái Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Thượng tọa bộ (Ther.), tương quan giữa Trung A-hàm (CMA) và Trung Bộ Kinh (PMN); cùng với bản kê 98 kinh chung ở cả hai tạng được chọn để so sánh.
Phần hai : Đề cập những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai bên trong việc sắp xếp những phẩm và những kinh, những tên kinh, địa điểm thuyết kinh, và vai trò của các nhân vật được nói trong kinh, những giáo lý được phân loại theo Giới (Sìla) - Định (Samàdhi) - Tuệ (Panna), Phật và tăng chúng, những ẩn dụ, kệ tụng và những phần kết của các kinh.
Phần ba : Gồm 15 kinh được chọn từ 98 kinh để khảo sát so sánh. Việc nghiên cứu so sánh toàn bộ 98 chung đã được hoàn tất trong bản thảo của tôi, nhưng chỉ có 15 kinh được in vì thiếu chổ trong luận án này.
Phần bốn : là những phụ lục, gồm có tiểu sử của Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva), vài nhận xét về bản dịch của ngài, vài nhận xét về bản dịch Trung Bộ Kinh của cô Horner, bản liệt kê 222 kinh Trung A-hàm (CMA) chia theo phẩm, quyển, ngày tụng đọc, nhan đề tương đương và vị trí xảy ra của những kinh Hán-Pàli tương đương, bản kê những thuật ngữ tương đương Pàli-Hoa-Anh ngữ, những đoạn còn lại của hai kinh Phạn ngữ (Sanskrit) thuộc Trung A-hàm (Madhyama Àgama) ...
Ước mong rằng việc nghiên cứu so sánh giữa Trung A-hàm (CMA) và Trung bộ kinh (PMN) này sẽ được xem như một đóng góp mới mẻ và khiêm tốn vào lĩnh vực kiến thức và văn học Phật giáo.
Các học giả ngày nay đều đồng ý có hiện hữu một tạng kinh Sanskrit song song với tạng Pàli nếu không muốn nói là phong phú hơn. Họ còn công nhận những kinh bản Sanskrit này là thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.). Giáo sư Winternitz(15) viết trong H.I.L: "Các kinh Nikàya của tạng Pàli có tương đương trong tạng Sanskrit là những kinh A-hàm (Àgamas): Trường A-hàm (Dìrghàgama) tương đương với Trường bộ kinh (Dìgha-nikàya), Trung A-hàm (Madhyama Àgama) với Trung bộ (Majjhima Nikàya), Tạp A-hàm (Samyuktàgama) với Tương ưng bộ (Samyutta Nikàya) và Tăng nhất A-hàm (Ekottaràgama) với Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya)". Ông còn viết rằng Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) có riêng một tạng kinh Sanskrit, và mặc dù không còn lại đầy đủ đến ngày nay, chúng ta được biết đến nó là nhờ khám phá được nhiều phân đoạn lớn có nhỏ có, ở miền Đông Thổ (Eastern Turkestan), thứ đến là nhờ những trích dẫn trong các tác phẩm Sanskrit khác về Phật giáo như các bộ Màha-vastu, Divyàvadàna và Lalita-Vistara, và cuối cùng nhờ những bản dịch Hoa ngữ và Tạng ngữ(16) . Tiến sĩ N. Dutt cũng đồng ý kiến khi ông xếp loại bốn bộ A-hàm (Àgamas) vào văn học Nhất thiết hữu bộ (Sarv.).(17) Ông lại viết: "Các truyền thống Tây Tạng, được hỗ trợ bởi những khám phá gần đây, những cảo bản tại Đông Thổ (Eastern Turkestan), làm cho ta không còn nghi ngờ gì nữa rằng, Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) đã dùng văn pháp Sanskrit (thuần túy) để biên tập văn học Phật giáo, và bộ phái này đã có một tạng kinh toàn vẹn gồm ba phần kinh (sùtra), luật (vinaya), luận (abhidharma)"(18) . Tiến sĩ A.C Banerjee trong tác phẩm "Văn học Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivàda)" đã viết : "Thư mục Nanjio dưới tiêu đề kinh Tiểu thừa (Hìnayàna), đã nói đến một số tác phẩm khác gồm 56 quyển, ngoài bốn bộ A-hàm (Àgamas), mà dường như là những bản dịch các kinh khác nhau thuộc vào các bộ A-hàm (Àgama) khác nhau. Tuy nhiên cần chú ý rằng bốn bộ A-hàm (Àgamas) và các kinh sách Hoa ngữ khác bao gồm trong thư mục kinh Tiểu thừa (Hìnayàna), hầu hết đều thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) hay Tỳ-bà-sa (Vaibhàsika)."(19) Chúng ta không lạc quan đến độ xác nhận rằng tất cả các kinh A-hàm (Àgama) đều thuộc về Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), nhưng sự nghiên cứu so sánh này giữa kinh Trung A-hàm (CMA) và kinh Trung bộ (PMN), nhờ một loạt bằng chứng nội tại và ngoại tại, sẽ giúp ta tuyên bố một cách chính xác rằng kinh Trung A-hàm (CMA) tiêu biểu cho quan điểm của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.).
Hoa ngữ dùng danh từ Trung A-hàm (Chung-a-han), Trung (Chung) để chỉ ở giữa (Madhyama), còn A-hàm (A-han) là phiên âm của Àgama. Tạng Pàli thì chọn danh từ Majjhima Nikàya. Về các danh từ này, theo tự điển Phạn-Anh của Monier Williams(20) , Trung A-hàm có nghĩa là "sưu tập kinh văn thiêng liêng", danh từ này có vẻ rất phù hợp với giáo lý Phật; còn Trung bộ kinh có nghĩa là "giáo lý truyền thống, sự sưu tập những giáo lý ấy, những tác phẩm thiêng liêng", ám chỉ những tác phẩm đã ra đời nhiều thế kỷ trước khi có đạo Phật. Một điều hiển nhiên là cả hai danh từ ấy gần như đồng nghĩa, và tạng Pàli sử dụng danh từ Nikàya để chỉ sự sưu tập kinh điển, trong khi những tạng kinh khác bằng Sanskrit và Pràkrit đã xử dụng danh từ Àgama cho những bản kinh của mình. Một bia ký ở Nàgàrjunikonda (trụ đá C 2) ghi rằng bộ phái Aparamahàvina-seliya (có lẽ là một với Aparasaila, Andhraka) có các kinh Trường bộ (Dìgha), Trung bộ (Majjhima) và Tương ưng bộ (Samyutta Nikàya) chứ không phải là A-hàm (Àgama) (21). Bộ phái này có kinh điển viết bằng thứ tiếng địa phương ngữ (Prakrit) với một vài điểm giống nhưng rõ ràng là khác biệt với ngôn ngữ Pali. Dường như có sự phân chia lại theo vùng về hai danh từ này, danh từ Àgama được dùng ở miền Bắc và miền Trung Ấn còn danh từ Nikàya được dùng ở Deccan và ở Tích Lan?(22) . Nhưng chúng ta có quá ít bằng chứng để kết luận về điểm này. Chúng ta cũng tìm thấy danh từ Àgama được dùng trong kinh tạng Pàli. Ví dụ trong từ điển Pàli-Anh(23) có nói đến việc xử dụng danh từ Svàgamo "uyên thâm về giáo lý" và Àgatàgamo "một người đã được truyền trao kinh A-hàm (Àgama) hay các bộ kinh A-hàm (Àgamas)". Như vậy, sự khác nhau giữa hai danh từ này hoàn toàn không rõ rệt. Vì Thượng tọa bộ (Ther.) dùng danh từ Nikàya để chỉ tạng kinh của mình, còn danh từ Àgama được Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và các bộ phái khác dùng, nên chúng ta có thể tin rằng danh từ Àgama được dùng để chỉ tạng kinh của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), bởi vì cho đến nay người ta không khám phá được tạng kinh nào khác trừ một vài phân đoạn bằng Sanskrit của tạng kinh Nhất thiết hữu bộ (Sarv.).
Trong số những kinh A-hàm (Àgamas) được tìm thấy tại Đông Thổ (Eastern Turkestan), người ta tìm được hai bản kinh thuộc Trung a-hàm (Màdhyama Àgama): kinh Upàli và kinh Suka.(24)
Nếu so sánh những đoạn kinh Upàli với những đoạn tương ứng bằng chữ Hán, ta thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa những kinh chữ Hán và kinh chữ Phạn (Sanskrit), mặc dù không thể nói là hoàn toàn giống nhau.
Những đoạn kinh sau đây bằng chữ Hán và chữ Phạn (Sanskrit) được trích từ C số 133, Ưu ba ly kinh (Yu-p'o-li-ching) (vi, 58b, 20; 59a, 19), và từ M.R.E.T.(25), chứng tỏ có sự giống nhau rõ rệt:
C 2a: Đức Thế tôn, với sự tự chế toàn vẹn
với sự thánh thiện đạt được, với sự khéo nói.
Sk 2a : Àryasya bhàvitâtmana prâpatipraptasya vyàkaranesu/
C 2b: Với chánh niệm thiện xảo, với chánh quán vi tế/ Không cao cũng không thấp/
Sk 2b: Smrtimato vipasyasya anabhinatasya no apanatasya/
C 2c: Bất động, luôn luôn tự chủ,
Ưu ba ly (Yu-p'o-li), đệ tử Phật//
Sk 2c: Aninjyasya yasiprâptasya Bhagavatas tasya sràvaka Upàli//
C 5a: Ngài, bậc đại tượng(26) , thích ở chỗ cao, đã dập tắt những kiết sử, đã đạt giải thoát/
Sk 5a: Nàgasya prântasayànasya ksìnasamyojnasya muktasya/
C 5b: Thiện xảo về luận nghị, thanh tịnh,
Trí tuệ sinh, sầu ưu đã được đoạn trừ/
Sk 5b: Pratimantrakasya dhantasya prajnà-dhvajasya vìtaràgasya/
C 5c: Không trở lại cõi hữu, người Sakya,
Ưu ba ly (Yu-p'o-li), đệ tử Phật//
Sk 5c: Anàvrttakasya Sakrasya Bhagavatas tasya sràvaka Upàli//(27)
Tiến sĩ Bapat có quan điểm rằng bản C gần với bản P hơn gần bản Sanskrit, và nó có thể có nguồn gốc từ một kinh bằng tiếng Prakrit . Như vậy, trong kinh Upàli, bản C 5c(28) nói đến Sakya như ở bản P, còn bản Sanskrit lại nói đến Sakrasya. Trong kinh Suka (kinh tương đương là C số 170, Ying-wu-ching = P số 135, Cùlakammavibhangasutta) bản C gần Pali hơn. Giữa bản Sanskrit và bản C có rất ít điểm chung, và bản C không nói đến 10 pháp mà bản Sanskrit đề cập rất chi tiết(29). Do đó Bapat quả quyết rằng bản gốc chữ Hán có lẽ là một loại tiếng Prakrit xưa hơn bản Sanskrit. Tuy nhiên, trong kinh này, thứ tự các bài kệ bằng chữ Hán lại giống với thứ tự trong bản Sanskrit chứ không giống thứ tự bản P(30) . Có vài dị biệt giữa những đoạn văn C và Sanskrit có lẽ do in sai hoặc hiểu lầm; như:
C:
thích ở chỗ cao = S: Pràntasayanasya;
C: sầu ưu đã được đoạn trừ = S: Vìtaràgasya.
Trong đồ biểu ở trang 18 của quyển sách nhan đề "Đại thừa (Mahàyàna) và sự liên hệ với Tiểu thừa (Hìnayàna)", Ma Ha Ca Diếp được xem là sơ tổ (àcariya) của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), Xá Lợi Phất Sàriputta được xem là sơ tổ (àcariya) của Thượng tọa bộ (Ther.). Dữ kiện này thêm vững chắc khi hai nhà Phật học Buston và Tàranàtha(31) cho chúng ta biết Ma Ha Ca Diếp (Mahàkassapa) giao phó sự lãnh đạo tăng già cho A Nan (Ànanda), trong khi Buddhaghosa(32) đưa ra một bản kê những luận sư (àcariyas) A tỳ đàm (Abhidhamma) khởi từ Xá Lợi Phất (Sàriputta). Chúng ta thấy trong kinh tạng chữ Hán (C. S.) số 26 rằng Xá Lợi Phất (C: Shê-li-tzu, P: Sàriputta) gọi Đại Ca Diếp (C: Ta-chia-yeh, P: Mahàkassapa) là Tôn giả (C: Tsun-che, P: Bhante), còn Đại Ca Diếp gọi Xá Lợi Phất là hiền giả (C: Hsien-che, P: Àvuso) (C số 184, vii, 35a, 10-11). Nhưng trong bản Pali, Xá Lợi Phất (Sàriputta) gọi Ma Ha Ca Diếp (Mahàkassapa) là hiền giả (Àøvuso) và Ma Ha Ca Diếp cũng gọi Xá Lợi Phất với danh xưng ấy (Àvuso). Sự khác nhau về danh từ xưng hô này, chứng tỏ kinh Trung a-hàm chữ Hàn (CMA) thuộc truyền thống Nhất thiết hữu bộ (Sarv.), một truyền thống tôn Ma Ha Ca Diếp (Mahàkassapa) làm sơ tổ, trong khi Trung bộ kinh Pali (PMN) thuộc truyền thống Thượng tọa bộ (Ther.) vốn xem Xá Lợi Phất là bậc thầy cao hơn cả Ma Ha Ca Diếp. Sự kiện này càng rõ rệt hơn khi ta thấy bản kinh Pali số 111, Anupadasutta, hoàn toàn bị gạt bỏ trong tất cả kinh A-hàm (Àgama),(33) vì trong kinh ấy đức Phật đã tán dương Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta) như sau:
(iii, 29, 10-15) : "Sàriputtam eva tam sammà vadamàno vadeyya: Bha-gavato putto oraso mukhato jàto dhammajo dhammanimmito dhamma-dàyàdo no àmisadàyàdo ti. Sàriputto, Bhikkhave, Tathàgatena anuttaram dhammacakkam pavattitam sammad eva anuppavattetìti."
(Về Xá Lợi Phất, có thể nói một cách chân chính như sau: Vị ấy là con trai của đức Thế tôn, sinh ra từ miệng của Ngài, sinh ra từ Pháp, được uốn nắn bởi Pháp, một vị thừa tự Pháp, không phải một vị thừa tự tài vật. Này các Tỳ-kheo, Xá Lợi Phất chân chính chuyển bánh xe pháp tối thượng mà đức Như lai đã chuyển.)
Với lời Phật khen ngợi Tôn giả Xá Lợi Phất một cách nồng nhiệt như thế nên sự thiếu mất kinh này trong bộ kinh A-hàm có thể được hiểu theo hai cách: hoặc Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) đã loại bỏ kinh này ra khỏi tạng kinh của mình, hoặc Thượng tọa bộ (Theravàdins) thêm kinh này vào tạng của mình. Điểm dị biệt này về vị trí của Ma Ha Ca Diếp và Xá Lợi Phất trong hệ truyền thừa (àcariyaparamparaø) giữa Thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ cũng có thể giải thích sự kiện ngay cả ngày nay, sự tôn thờ xá lợi của Xá Lợi Phất (Sàriputta) và Mục-kiền-liên (Moggallàna) rất phổ thông trong các nước theo Thượng tọa bộ, trong khi tại các chùa ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, tượng Phật thường được hầu hai bên bởi các tượng Ma Ha Ca Diếp và A Nan (Ànanda) chứ không phải Xá Lợi Phất và Mục-kiền-liên.
Một điểm khác nhau rõ rệt nữa giữa hai bản dịch C và P là bản C chia kinh điển thành 12 phần (anga), trong khi bản P nói có 9 phần.
Trong C.S. số 19, bản chữ Hán (C No. 200, vii, 64b, 4-5) dùng cách phân chia và thứ tự như sau: 1. Chánh kinh (Chêng-ching: ); 2. Ca vịnh (Ko-yung: ); 3. Ký thuyết (Chi-shuo: ): tiên đoán; 4. Kệ tha (Chieh-t'a: ): kệ tụng; 5. Nhân duyên (Yin-yuan: ): phần dẫn nhập; 6. Tuyển lục (Hsuan-lu: ): trích dẫn; 7. Bản khởi (Pên-ch'i: ): chuyện quá khứ; 8. Thử thuyết (Tz'u-shuo: . ): điều này được nói; 9. Sinh xứ (Shêng-ch'u: ):nơi sinh; 10. Quảng giải (Kuang-chieh: ): giải thích chi tiết; 11. Vị tằng hữu pháp (Wei-ts'êng-yu-fa: ): những việc nhiệm mầu; 12. Thuyết nghĩa (Shuo-i: ): giải thích ý nghĩa.
Bản Pali (P No. 22, i, 133, 24-25) theo một bản kê và thứ tự khác: 1.Suttam; 2. Geyyam; 3. Veyyàkaranam; 4. Gàthà; 5. Udànam; 6. itivutta-kam; 7.Jàtakam; 8. Abbhutadhammam; 9. Vedallam.
Trước hết, nếu so sánh danh mục Pali với danh mục Niết-bàn kinh (Nieh-p'an-ching)(34) chúng ta sẽ thấy cả hai bản gần giống nhau, chỉ trừ kinh Niết-bàn thay đổi thứ tự của hai loại cuối cùng. Chúng ta cũng nhận thấy rằng trong danh sách của bản kinh Niết-bàn, pháp thứ ba, Ký thuyết (C: Chi-shuo, S: Vyàkarana) có nghĩa là những lời tiên đoán, trong khi P Veyyàkarana có nghĩa là trả lời, giải thích, trình bày. Nếu chúng ta so sánh danh mục kinh C với danh mục kinh P ta có thể thấy những từ tương đương như sau:
C1=P1; C2=P2; C3=P3 (không cùng nghĩa); C4=P4; C8=P6; C9=P7; C10=P9; C11=P8.
Còn lại P5 udànam có thể sánh với C6 Tuyển lục (Hsuan-lu); nhưng không tương đương lắm vì Hoa ngữ thường dịch udànam là Vô vấn tự thuyết (Wu-wên-tzu-shuo: ), nghĩa là Phật tự nói không ai hỏi, trong khi ở đây tuyển lục nghĩa là trích dẫn chọn lọc. Bây giờ còn lại ba từ Trung Hoa không có trong Pàli là C5: Nhân duyên (C: Yin-Yuan; P: Nidàna): đề tài dẫn nhập; C7: Bản khởi (C: Pên-ch'i; S: Avadàna): chuyện quá khứ; và C12: Thuyết nghĩa (C: Shuo-i, S: Upadesa):giải thích ý nghĩa. Tiến sĩ Dutt nhận xét rất đúng:
"Nhưng sự phân chia kinh điển thành 12 phần này không phải là công của những nhà Đại thừa (Mahàyànists), mà của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) và Đại chúng bộ (Mahasanghikas), và nhiều bộ phái Tiểu thừa (Hìnayànic) khác cũng theo cách ấy. Ba bộ (angas) thêm vào là nidàna, avadàna và upadesa."(35)
Đoạn này rất quan trọng vì nó cho thấy CMA thuộc Nhất thiết hữu bộ. Tiến sĩ Anesaki cho rằng sự phân chia trong luận Trí độ (Prajnapàramità sàstra) thành 12 bộ (pravacanas) loại mà Long Thụ cho là cách chia của Đại thừa, trái với Tiểu thừa chỉ có 9 bộ loại, kỳ thực không phải chỉ riêng của Đại thừa, vì bốn kinh A-hàm thuộc về Tiểu thừa.(36)
Trong bản nghiên cứu so sánh (NC) số 95 có một đoạn nói về năm uẩn, chứng tỏ một điểm đặc sắc của Nhất thiết hữu bộ mà tạng kinh Trung a-hàm (CMA) tiêu biểu, như sau:
C số 31: (V,42b,11-13): "Có các uẩn tăng trưởng là sắc, tho,ï tưởng, hành, thức. Nói tóm lại, năm uẩn tăng trưởng là đau khổ. Như vậy diệu đế về khổ này đã hiện hữu trong quá khứ, đang hiện hữu trong hiện tại, và sẽ hiện hữu trong tương lai. Đây là chân lý đích thực, không sai lầm, không lạc xa sự thật, mà các bậc thánh đã đạt được, đã biết đến, đã thấy, đã hiểu, đã hoàn toàn đạt đến và chân chính giác ngộ, cho nên gọi là thánh đế về khổ."
P số 141 : (iii, 250, 26-31) : "Katame c'àvuso, sankhittena pancupadàna-kkhandhà dukkhà? - Seyyathìdam: rùpùpàdànakkhandho vedanùpàdàna-kkhandho sannùpàdànakkhandho sankhàrùpàdànakkhandho vinnànùpà-dànakkhandho; ime vuccant', àvuso, sankhittena pancupàdàna-kkhandhà dukkhà. Idam vuccat', àvuso, dukkham ariyasaccam."
(Và này chư hiền, thế nào là tóm lại năm thủ uẩn là khổ? Như sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này chư hiền, như vậy tóm lại năm thủ uẩn là khổ.)
Như vậy bản P hoàn toàn loại bỏ sự nhấn mạnh về hiện hữu của khổ trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Đoạn này cốt giải thích lý thuyết "tất cả đều hiện hữu" (Sabbam atthi) của Nhất thiết hữu bộ chủ trương hiện hữu của năm pháp vốn có thực chất (dravyasàt) vào mọi thời gian, dù quá khứ, hiện tại hay vị lai. Lý thuyết của Nhất thiết hữu bộ (Sarv.) được giải thích như sau: "Tất cả (sarvam) đều hiện hữu (asti)". Quá khứ (atìta) và vị lai (anàgata) thực sự đều hiện hữu một cách như thật. Đây là giáo điều căn bản của họ. Đức Thế tôn đã nói trong một bản kinh (sùtra): "Này các Tỳ-kheo, nếu các sắc (rùpas) quá khứ đã không hiện hữu, thì vị đệ tử đa văn không nói đến các sắc quá khứ... Nếu các sắc tương lai không hiện hữu, thì đệ tử đa văn sẽ không thích thú trong các sắc vị lai..." Lại nữa, thức (vijnàna) hiện hữu do hai nguyên nhân đó là nhãn căn (caksu-rindriya) và sắc (rùpa), ý (manas) và các pháp (dharmas). Thật không thể có chuyện trong cùng một con người (pudgala) lại có một lúc hai tâm (cittas), đặc biệt là tâm sở tri - đối tượng (àlambana) được biết, và tâm năng tri. Bởi thế một tâm phải ở về quá khứ khi tâm kia xuất hiện, và tâm sau còn ở vị lai khi tâm trước xuất hiện. Nếu các pháp quá khứ và vị lai không hiện hữu, thì sẽ không có sự gặp gỡ giữa năng tri và sở tri, và như vậy mọi tri thức sẽ trở thành bất khả, nghĩa là không thể xảy đến. Nhưng sự thực là vẫn có sự hiểu biết về các pháp quá khứ, vị lai, như ký ức và sự đoán trước. Nếu các pháp quá khứ và vị lai không hiện hữu thì tri thức không thể có, vì nó sẽ không có đối tượng; vì mỗi cái biết phải có một đối tượng thực hữu. Hơn nữa cùng một con người không thể đồng thời tạo nghiệp (karma) và thọ quả dị thục (vipàkaphala) của nghiệp ấy. Khi nghiệp đã hoàn tất thì quả báo của nó còn là một pháp vị lai; và khi người làm thọ quả báo, thì hành vi đã gây nên quả báo ấy đã là một pháp thuộc về quá khứ. Nếu các pháp quá khứ và vị lai không hiện hữu, thì những nghiệp quá khứ sẽ không thể đem lại quả báo, bởi vì nghiệp ấy không hiện hữu."(37)
Bản P loại bỏ bất cứ đề cập nào về thực hữu của khổ trong quá khứ, hiện tại, vị lai, đấy là một điều rất ý nghĩa, vì nó chứng tỏ Thượng tọa bộ phủ nhận một sự hiện hữu như vậy. Giáo sư Stcherbatsky khi tham khảo đoạn văn: " Tất cả đều hiện hữu, có nghĩa là 12 xứ (àyatanas) hiện hữu"(38) mà tạng P không có, đã nói rằng rõ ràng Thượng tọa bộ (Ther.) đã bỏ đoạn ấy vì không phù hợp với giáo điều đặc biệt của họ(39) . Sự hiện hữu đoạn văn trên đây trong bản C nhưng lại không có trong P là một bằng chứng nữa chứng tỏ kinh Trung a-hàm thuộc về Nhất thiết hữu bộ.
Tác phẩm của giáo sư Sakurabe đã nói trên, là một bằng chứng nữa cho thấy kinh Trung A-hàm (CMA) thuộc về Nhất thiết hữu bộ. Samathadeva có viết một luận giải về tác phẩm A-tỳ-đạt-ma Cu-xá luận (Abhidharma-kosa) của luận sư Thế Thân (Vasubandhu) tên là Abhidharmakosopàyika-Nàma-Tïìkà. Bản luận này chỉ được gìn giữ dưới dạng bản Tây Tạng và có trích dẫn một số đoạn trong kinh A-hàm. Nhà học giả uyên bác ấy đã đi đến kết luận rằng những đoạn này giống với bản CMA hơn là với bản PMN. Vì tác phẩm này là một luận giải về tác phẩm của ngài Thế Thân đề cập chính yếu về lý thuyết Nhất thiết hữu bộ, nên nó thuộc về phái Nhất thiết hữu bộ và lẽ tự nhiên nó trích dẫn các tác phẩm của bộ phái này.
Những lý do sau đây giúp ta chứng minh được rằng những đoạn kinh Trung a-hàm được trích dẫn trong tác phẩm Abhidharmakosopàyika-Nàma-Tïìkà là gần với Trung a-hàm (CMA) hơn là với Trung bộ kinh (PMN) :
a) Phần lớn các đề kinh trong Trung a-hàm (Ms) mà Samathadeva trích dẫn đều trùng hợp với những kinh Trung a-hàm C mặc dầu đôi khi chúng không giống với những kinh trong Trung bộ P:
Ms : Kinh Tỳ-kheo ni Dharmadinnà (Bhiksunìdharmadinnà)= CMA số 210, Pháp lạc Tỳ-kheo nikinh (C: Fa-lo-pi-ch'iu-ni-ching; S: Bhiksunì-dharmadinnà Sùtra), không giống với Trung bộ P số 44, Tiểu kinh phương quảng (Cùlavedalla-sutta).
Ghi chú: Dhammadinnà đôi khi được viết thành Dhammanandì, nên dịch thành Pháp lạc.
Ms: Kinh Avarabhàgìya = CMA số 205, Ngũ hạ phần kết kinh (C: Wu-hsia-fên-chieh-ching; S: Panca avarabhàgìya); không giống với PMN số 64, Kinh Mahà-Malunkya (Mahà-Malunkyasutta).
b) Sự xếp đặt các kinh trong Trung a-hàm S (Ms) rất giống với Trung a-hàm C (CMA) mà lại hoàn toàn khác với Trung bộ kinh P (PMN). Như kinh MS, Mahànidànapariyàya sùtra, và kinh CMA số 97, Đại nhân kinh (C: Ta-yin-ching), cả hai đều bao gồm trong Trung a-hàm, trong khi kinh Pali tương đương số 15,Đại nhân duyên kinh (Mahànidànasutta), thì lại nằm trong Trường bộ kinh (Dìghanikàya). Kinh MS, Sùryasaptakasùtra, và kinh CMA số 8, Thất nhật kinh (Ch'ih-jih-ching), cả hai đều nằm trong Trung a-hàm, nhưng kinh Pali tương đương số 62 thì lại nằm trong Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya), vii, 63. Kinh MS nhan đề Sapta-satpurusagati và kinh CMA số 6,Thiện nhân vãng kinh (C: Shan-jên-wang-ching), cả hai đều nằm trong Trung a-hàm, nhưng kinh Pali tương đương thuộc về Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya), vii, 52.
Một bằng chứng khác chứng minh CMA thuộc về Nhất thiết hữu bộ là, những lời dạy trong kinh CMA được khai triển trong các bộ luận của Nhất thiết hữu bộ (Sarv. Abhidharma Sàstras).
Kinh chữ Hán, Úc già trưởng giả (Yu-ch'ieh-chang-che-ching), (số 39, v, 54a, 6-7) có đoạn sau đây: "Người này là một vị A-la-hán hướng (C: A-la-han-hsiang; S: Pratipannaka arhat), người này là A-la-hán; người này là A-na-hàm hướng (C: A-na-han-hsiang; S: Pratipannaka anàgànì), người này là A-na-hàm; người này là Tư-đà-hàm hướng (C: Ssu-t'o-han-hsiang; S: Pratipannaka sakrdàgàmì), người này là Tư-đà-hàm; người này là Tu-đà-hoàn hướng (C: Hsu-t'o-yuan-hsiang; S: Pratipannaka srota-àpanna), người này là Tu-đà-hoàn." Sự phân chia làm hai hạng A-la-hán, hai hạng A-na-hàm, hai hạng Tư-đà-hàm, hai hạng Tu-đà-hoàn được khai triển rộng rãi và được luận giải trong tác phẩm A tỳ đạt ma câu xá luận (Abhidharmakosa) của Thế Thân (Vasubandhu), chương 6 nhan đề Các thánh đạo (Aryamàrganirdesa)(41) . Chúng tôi trích dẫn đoạn sau đây mô tả sự tu hành và chứng đắc Dự lưu hướng (Pratipannaka Srota-àpanna) và dự lưu quả (Srota-àpanna):
Laukikebhyo' gradharmebhyo dharmaksàntir anàsrava// 25//
Kàmaduhkhe; tato' traiva dharmajnànam tathà punah/
Sesaduhkhe' nvayaksànti jnàne; satyatraye tathà//26//
Evam sodasacitto' yam satyàbhisamayah;/
Đoạn văn này trình bày sự tu hành và chứng đắc Dự lưu hướng và Dự lưu quả. Khi một người đạt đến 15 sát na sau đây thì được gọi là một vị Dự lưu hướng 1. Khổ pháp trí nhẫn (duhïkhe dharma-jnàna-ksànti), 2. Khổ pháp trí (duhïkhe dharma-jnàna), 3. Khổ loại trí nhẫn (duhïkhe anvayajn-ànaksànti), 4. Khổ loại trí (duhïkhe anvayajnàna), 5. Tập pháp trí nhẫn (samudaye dharma-jnàna-ksànti), 6. Tập pháp trí (samudaye dharma-jnàna), 7. Tập loại trí nhẫn (samudaye anvayajnàønaksànti), 8. Tập loại trí (samudaye anvayajnàna), 9. Diệt pháp trí nhẫn (nirodhe dharma-jnàna-ksànti), 10. Diệt pháp trí (nirodhe dharma-jnàna), 11. Diệt loại trí nhẫn (nirodhe anvayajnàønaksànti), 12. Diệt loại trí (nirodhe anvayajnàøna), 13. Đạo pháp trí nhẫn (màrge dharma-jnàna-ksànti), 14. Đạo pháp trí (màrge dharma-jnàna), 15. Đạo loại trí nhẫn (màrge anvayajnàønaksànti). Khi sát na thứ 16 cuối cùng, gọi là Đạo loại trí (màrge anvayajnàøna) được đạt đến, thì hành giả được gọi là một vị Dự lưu (Srota àpanna). Ba quả kia được đề cập trong những trang kế tiếp. Trích dẫn trên đây rút từ A-tỳ-đạt-ma Cu-xá, một bộ luận của Nhất thiết hữu bộ, cốt chứng minh rằng CMA trong đó có kinh trên đây là thuộc về bộ phái Nhất thiết hữu.
Trong NC số 72, bản chữ Hán (số 181, vii. 31b, 15-20; 32a, 1-4) kể ra tất cả 62 giới, trong khi bản Pali chỉ có 41 giới. Tác phẩm A-tỳ-đạt-ma Cu-xá của Thế Thân, trong phần luận giải bài kệ (kàrika) số 27 nói về cách phân loại các pháp thành uẩn (skandhas), xứ (àyatanas), giới (dhàtus), đã mượn cách phân chia 62 giới này từ kinh CMA chứ không phải cách phân chia 41 giới của bản Pali như được thấy dưới đây:
Evam Bahudhàtuké pi dvàsastirdhàtavo desitàh.
Đoạn này trong quyển "Abhidharmakosa de Vasubandhu"(42) được dịch ra Pháp ngữ như sau:
"De même les 62 dhàtus énumérés dans le Bahudhàtuka doivent être rangés dans les 18 dhàtus en tenant compte de leur nature"
(Cũng thế, 62 giới được kể trong Bahudhàtuka nên được xếp thành 18 giới tùy theo tính chất của chúng.)
Trong kinh CMA C số 127, Kinh Phước Điền (C: Fu-tien-ching) (vi, 46a, 7-9), hai loại phước điền được kể là 18 bậc hữu học (saiksas) và 9 bậc vô học (asaiksas). 18 hữu học là: 1. Tín hành(C: Hsin-hsing; S: Sraddhà-nusàrin), 2. Pháp hành (C: Fa-hsing; S: Dharmànusàrin), 3. Tín giải thoát (C: Hsin-chieh-t'o; S: Sraddhàdhimukta), 4. Kiến đáo (C: Chien-tao; S: Drstipràpta), 5. Thân chứng (C: Shên-chêng; S: Kàyasàksin), 6. Gia gia (C: Chia-chia; S: Kulamkula), 7. Nhất chủng (C: I-chung; S: Ekavìjika), 8. Hướng Tu-đà-hoàn (C: Hsiang-hsu-t'o-yuan; S: Pratipannaka Srota-àpan-na), 9. Đắc Tu-đà-hoàn (C: Tê-hsu-t'o-yuan; S: Srota àpanna phala), 10. Hướng Tư-đà-hàm (C: Hsiang-ssu-t'o- han; S : Pratipannaka Sakrdàgàmì), 11. Đắc Tư-đà-hàm (C: Tê-ssu-t'o-han; S: Sakrdàgàmì phala), 12. Hướng A-na-hàm (C: Hsiang-a-na-han; S: Pratipannaka anàgàmì), 13. Đắc A-na-hàm (C: Tê-a-na-han; S: Anàgàmì phala), 14. Trung bát Niết-bàn (C: Chung-pan-nieh-p'an; S: Antaràparinirvàyin), 15. Sinh bát Niết-bàn (C: Shêng-pan-nieh-p'an; S: Upapadyaparinirvàyin), 16. Hành bát Niết-bàn (C: Hsing-pan-nieh-p'an; S: Sàbhisamskàrapari-nirvàyin) , 17. Vô hành bát Niết-bàn (C: Wu-hsing-pan-nieh-p'an; S: Anabhisamskàraparinirvà-yin), 18. Thượng lưu sắc cứu cánh (C: Shang-liu-sê-chiu-ching; Ùrdhva-srota - rùpantimàt).
A-tỳ-đạt-ma Cu-xá(43) viết:
"Đức Thế tôn dạy Cấp Cô Độc (C: Kei-ku-tu; P: Anàthapindika): 'Này cư sĩ, ngươi nên biết có hai loại phước điền, hữu học và vô học. Hữu học có 18: 1. Tu-đà-hoàn hướng, 2. Tu-đà-hoàn quả, 3. Tư-đà-hàm hướng, 4. Tư đàm quả, 5. A-na-hàm hướng, 6. A-na-hàm quả, 7. A-la-hán hướng, 8. Tùy tín (S: Sraddhànusàrin), 9. Tùy pháp (S: Dharmànusàrin), 10. Tín giải thoát (S: Sraddhàdhimukta), 11. Kiến đáo (Drstipàpta), 12. Gia gia, (S:Kulamkula), 13.Nhất sinh (S: Ekavìjika), 14.Trung gian Niết-bàn (S: Antaràpanrinirvàyin), 15. Sinh bát Niết-bàn, 16. Hữu hành bát Niết-bàn , 17. Vô hành bát Niết-bàn, 18. Thượng lưu sắc cứu cánh' ".
Như vậy luận A-tỳ-đạt-ma Cu-xá cũng trích dẫn 18 bậc hữu học nhưng không theo cùng một thứ tự, bỏ vị thân chứng (kàyasàksin) và thêm vào A-la-hán hướng. Một điều khá lạ lùng là A-tỳ-đạt-ma Cu-xá dường như cũng trích dẫn chính bản kinh mà Trung a-hàm C đề cập. Đáng tiếc là tác phẩm Phật học đại tự điển (Fu-hsueh-ta-tzu-tien) không nói đến nguồn gốc của kinh này.
Cũng trong kinh Hoa ngữ số 127 nhan đề Phật điển kinh (Fu-tien-ching), có 9 bậc vô học được kể ra như sau: 1. Tư pháp (C: Ssu-fa; S: Cetanàdharman), 2. Thăng tấn pháp (C: Shêng-chin-fa; S: Prativedhanà-dharman), 3. Bất động pháp (C: Pu-tung-fa; S: Akopyadharman)ï, 4. Thối pháp (C: T'ui-fa; S: Parihànadharman), 5) Bất thối pháp (C: Pu-t'ui-fa; S: Aparihànadharman), 6. Hộ pháp (C: Hu-fa; S: Anuraksanà-dharman), 7. Thật trụ pháp (C: Chu-fa; S: Sthitàkampya), 8. Tuệ giải thoát (C: Hui-chieh-t'o; S: Prajnàvimukta), 9. Câu phần giải thoát (C: Chu-chieh-t'o; S: Ubhayatobhàgavimukta).
Nhưng, tác phẩm "A-tỳ-đạt-ma Cu-xá củ Thế Thân"(44) trích dẫn: "Có 6 loại A-la-hán: Arhantahï san matàhï". Kinh (Trung a-hàm 30,4: Tạp a-hàm 33,10) nói rằng có 6 loại A-la-hán là: 1. Parihànadharman 2. Cetanà-dharman, 3. Anuraksanàdharman, 4. Sthitàkampya, 5. Prativedhanà-dharman, 6. Akopyadharman.
Ngược lại Phật học đại tự điển(45) trích dẫn A-tỳ-đạt-ma Cu-xá q.xxv nói có 6 hạng A-la-hán như trên, rồi lại kể 7 hạng A-la-hán như trên thêm Aparihàna arahà; lại kể 9 loại A-la-hán, thêm Tuệ giải thoát và Câu phần giải thoát. Như vậy ta không thể bảo rằng những trích dẫn trong hai tác phẩm Trung a-hàm C và A-tỳ-đạt-ma Cu-xá đều giống nhau. Nhưng các pháp được trích dẫn thì hầu như đồng nhất trong luận Nhất thiết hữu bộ và trong Trung a-hàm C, và khác với Trung bộ kinh P.
Trong cách phân chia chín hạng vô học như đã thấy trên, bản C nói đến một hạng A-la-hán gọi là Thối pháp (C: T'ui-fa; S: Parihàna-dharman), và như vậy công nhận rằng có một loại A-la-hán có thể mất địa vị ấy. Đây là một bằng chứng nữa chứng minh Trung a-hàm C thuộc về Nhất thiết hữu bộ, như được chứng minh bằng đoạn văn sau đây:(46)
"Trong bộ luận của Vasumitra cũng như trong Kathàvatthu ( Biện thuyết), đều nói bộ phái Nhất thiết hữu tin rằng A-la-hán có thể thối đọa. Về điểm này Thượng tọa bộ phái có quan điểm khác. Họ tin rằng các vị A-la-hán cũng như Phật, hoàn toàn thanh tịnh, không thể thối đọa khỏi địa vị ấy. Phái Đại chúng bộ (Mahasanghikas) cũng không đồng ý với Nhất thiết hữu bộ về điểm này(47) . Tất cả những bằng cứ nội tại ngoại tại trên đây đã cho ta nhiều lý do để tin rằng kinh Trung a-hàm CMA thuộc về Nhất thiết hữu bộ.
Đầu
trang | 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3
| 2.4 | 2.5 | 2.6
| 2.7
| 3.1 | 3.2 | 3.3
| 3.4 | 3.5 | 3.6
| 4.1 | 4.2 | Mục
lục
[Trở
về Thư Mục]
02-09-2001
(1) Xem phần sau.
(2) ntr.
(3) ntr.
(4) ntr.
(5) Xem phần sau.
(6) ntr.
(7) ntr.
(8) ntr.
(9) H.I.L., ii, pp. 232-233.
(10) Xem sau.
(11) H.I.L. ii. 19-20.
(12) Xem sau.
(13) Xem sau.
(14) E.M.B. I, Preface.
(15) Vol. ii, p.234.
(16) Vol. ii, p.231-232.
(17) E.M.B. ii, p.125.
(18) E.M.B. ii, p.124.
(19) S.L., P.23.
(20) tr.129 và 544.
(21) H. Sastri, Epigraphia Indica Vol. XX, 1929-30, Delhi, p.20.
(22) Do Gs. Andre Bareau cung cấp tài liệu
(23) P.E.D. p.95.
(24) Xem Phụ lục 9.
(25) P.30 - 31.
(26) Nàga, cần được dịch là voi.
(27) R. Hoernle.
(28) Xem Sk 5c.
(29) Xem M.R.E.T. p.48-50.
(30) Xem sau.
(31) BUSTON ii, p.108.
(32) ATTHASALINI, p.32.
(33) Phụ lục No 6, p.533.
(34) Fu-hsueh-ta-tzu-tien, vol.ii, p. 64c
(35) A.M.R.H. p.9.
(36) JRAS 1902, p.897.
(37) Dịch từ: "Les sectes bouddhiques du Petit vehicule" của Andre Bareau, p.137.
(38) Samyukta xiii, p.16, Mc Govern.
(39) The Central conception of Buddhism, p.4, footnote No 13
(40) Do Gs. Sakurabe cung cấp.
(41) L'Abhidharmakosa de Vasubandhu, iv, p. 119-302.
(42) i, p. 49.
(43) Fu-hsueh-ta-tzu-tien, vii, p. 1020.
(44) iv, p.251.
(45) xvi, p. 2844.
(46) A.M.R.H. p.25, note 3.
(47) Masuda, Origin etc., p.27; Kathàvatthu, i,2.