BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


SO SÁNH KINH TRUNG A-HÀM VÀ KINH TRUNG-BỘ
Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU


 

C. TUỆ

Bàn về tuệ uẩn trước hết chúng ta đề cập nền tảng của tuệ, kế đến là bảy thanh tịnh, hai giải thoát và cuối cùng là bốn đạo bốn quả, bao hàm lậu tận.

1. Nền tảng của tuệ

a) Uẩn:

Những pháp này được nói trong NC19, 24, 31,70, 77, 95, 98.

Trong NC31, năm uẩn được đề cập như sau:

C210: (vii, 83b, 11-13): "Đức Thế Tôn nói đến năm thạnh uẩn trong thân, sắc thạnh uẩn, thọ, tưởng, hành và thức thạnh uẩn."

P44: Tương tự.

C: năm thạnh uẩn = P: năm thủ uẩn. Ở đây bản C dùng chữ "thạnh" có nghĩa là tăng trưởng, thay cho chữ thủ ở bản P. Những dịch giả hậu kỳ thích dùng chữ thủ nghĩa là bám víu, và như vậy dịch đúng nghĩa danh từ Pàli upàdàna.

Trong NC24, tính lệ thuộc lẫn nhau (duyên khởi) của năm uẩn được bàn chi tiết như sau:

C30: (v,41a, 20): "Này chư hiền, cũng như do gỗ, đòn tay, bùn, đất, nước, cỏ, vây quanh và che phủ mà trong khoảng trống xuất hiện một cái được biết là nhà. Chư hiền nên biết thân này cũng vậy. Do gân, xương, da, thịt, máu vây quanh và che phủ mà trong khoảng trống xuất hiện cái được gọi là một thân xác. Này chư hiền, nếu con mắt bị hoại, nếu sắc không được ánh sáng phản chiếu và nếu không có ý tưởng, thì nhãn thức không sanh. Này chư hiền, nếu nội nhãn căn không bị hoại, nếu ngoại sắc được phản chiếu nhờ ánh sáng và nếu có ý tưởng, khi ấy nhãn thức sanh. Này chư hiền, nội nhãn, ngoại sắc, tất cả những thứ này thuộc về sắc uẩn. Nếu có cảm thọ, chúng thuộc về thọ uẩn. Nếu có nhận thức, chúng thuộc về tưởng uẩn. Nếu có tư duy hay ý hành, chúng thuộc về hành uẩn. Nếu có ý thức, chúng thuộc về thức uẩn. Như vậy, chư hiền, hãy tư duy về sự tập hợp, sự nhóm lại cùng nhau của các uẩn. Này chư hiền, đức Thế Tôn cũng đã dạy điều ấy. Khi chư hiền thấy được duyên sinh, là chư hiền thấy pháp; khi chư hiền thấy pháp, là chư hiền thấy lý duyên sinh. Vì sao, này chư hiền, đức Thế Tôn đã dạy rằng năm thạnh uẩn được sinh ra do các điều kiện: sắc thạnh uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thạnh uẩn." (Cũng vậy với các giác quan khác).

P28:(i, 190, 15-37;191, 1-34) : Tương tự, nhưng nhiều chi tiết hơn.

C: do gỗ, đòn tay, bùn, đất, cỏ = P : do gỗ, dây leo, cỏ và đất sét. Khi nói về thân thể, bản P bỏ: do máu. Trong khi bản C chỉ để hai trường hợp - một trường hợp trong đó nhãn thức không khởi lên do thiếu điều kiện thích hợp; và một trường hợp trong đó nhãn thức khởi lên do sự hiện hữu một số điều kiện thích hợp, bản P kể đến ba trường hợp. Trường hợp sau đây thiếu trong bản C: "nếu nội nhãn căn không bị hoại, nếu ngoại sắc đi vào chú ý, nhưng không có sự đáp ứng một cách thích hợp thì không có thức tương ứng."

C: Nếu nội nhãn căn bị hoại, nếu ngoại sắc không được ánh sáng phản chiếu và không có tưởng, thì nhãn thức không sanh khởi = P: Nếu nội nhãn căn không bị hoại, nếu ngoại sắc không đi vào chú ý, không có sự ráp lại thích hợp, thì không có sự xuất hiện của thức tương ứng. Ở đây bản P đề cập tất cả năm uẩn với độ dài bằng nhau, trong khi bản C bỏ qua ba uẩn giữa. Bản C dùng chữ thay cho hành.

Trong NC19, năm uẩn là đề mục thiền quán.

C200: (vii, 65b,13-19): "Lại nữa có sáu kiến căn bản. Gì là sáu? 1) Bất cứ sắc pháp nào thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, tinh hay thô, đẹp hay xấu, xa hay gần, chúng phải được chân chính quán sát với trí tuệ rằng: 'Đây không phải là trí tuệ của tôi, tôi không là cái này, cái này không là tự ngã'; 2) Bất cứ thọ nào; 3) Bất cứ tưởng nào; 4) Bất cứ quan điểm nào rằng: 'Chúng không thuộc về tôi, tôi không sở hữu chúng, chúng sẽ không hiện hữu và tôi cũng sẽ không hiện hữu', tất cả đều phải được quán sát như thật với trí tuệ : 'Đây không phải là tôi, tôi không phải là cái này, cái này không phải là tự ngã'; 5) Tất cả những gì được thấy, được nghe, được nhận thức, được biết, bất cứ cái gì được tư duy, được ý biết đến, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này, tất cả đều phải được chân chánh quán sát với trí tuệ rằng chúng không phải là của tôi, tôi không phải thuộc về chúng, chúng không phải là tự ngã; 6) Bất cứ gì thuộc kiến chấp này 'đây là ngã, đây là thế giới, đây là tự ngã, ta sẽ trở thành trong đời sau, trường tồn, không biến đổi, thường hằng, không bị hủy hoại', tất cả đều phải được chân chánh quán sát với trí tuệ như sau: "Chúng không phải của tôi, tôi không thuộc về chúng, chúng không phải là tự ngã' ".

P22:(i, 138, 36-37; 139, 1-10): Không giống; bản P không nói đến sáu quan điểm mà nói năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả những pháp này cần phải quán sát là: "không phải của tôi, tôi không thuộc về chúng, chúng không phải là tự ngã của tôi." Ở đây chúng ta để ý rằng bản C dịch từ ngữ Àtman là linh hồn, trong khi bản P nói là tự ngã.

b) 12 xứ hay phạm vi của giác quan:

12 xứ được đề cập trong NC 72,87,91, 98.

Trong NC72, chúng được đề cập như sau:

C181: (vii, 32a, 5-7): "Này A Nan, nếu một Tỳ-kheo thấy như thật 12 xứ, nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. Này A Nan, khi thấy như thật 12 xứ, ấy là vị Tỳ-kheo biết rõ 12 xứ."

P115: (iii, 63, 18-23): Tương tự, cũng đề cập đến 12 xứ.

C: người biết như thật = P: khi vị ấy biết và thấy 12 xứ này.

C: vị Tỳ-kheo như vậy biết được 12 xứ = P: khi ấy đủ để gọi rằng vị ấy thiện xảo về xứ.

c) Giới hay các yếu tố:

Giới được đề cập dài trong NC72, trong đó nhiều giới được phân tích và giải thích. Trong bản NC này, bản C nói đến 13 cách phân chia giới:

- 18 giới: 1 cách phân chia,
- 6 giới : 3 cách phân chia,
- 4 giới : 1 cách phân chia ,
- 3 giới : 6 cách phân chia,
- 2 giới : 2 cách phân chia.

Bản P chỉ nói 6 cách phân chia về giới:

- 18 giới: 1 cách phân chia,
- 6 giới: 3 cách phân chia,
- 3 giới : 1 cách phân chia,
- 2 giới: 1 cách phân chia.

Như vậy bản C nói đến tất cả 62 giới trong khi bản P chỉ nói 41 giới.

i) 18 giới: C1 = P1:

C181: (vii,31b, 15-17) : "Có vị Tỳ-kheo thấy được 18 giới đúng như thật. 18 giới là: mắt, sắc, nhãn thức, tai, tiếng, nhĩ thức, mũi, mùi, tỷ thức, lưỡi, vị, thiệt thức, thân, xúc, thân thức, ý, pháp, ý thức.

P115: (iii, 62, 10-18): Gần giống. 18 giới cũng vậy.

C: Người biết đúng như sự thật = P : Khi vị ấy biết và thấy 18 giới này, thì đủ để gọi rằng vị ấy thiện xảo về giới. Sự khác nhau này cũng được thấy ở các nhóm giới kia.

ii) 6 giới: C2 = P2:

C: (31b, 17): 6 giới là địa, thủy, hỏa, phong, không và thức.       

P: (62,21-25): Cũng vậy.

iii) 6 giới: C3=P4:

C: (31b, 17-18): 6 giới là dục, sân, hại, vô dục, vô sân, vô hại.

P: (62, 63): Cũng vậy, nhưng thứ tự hơi khác: dục giới, ly dục giới, sân giới, vô sân giới, hại giới, vô hại giới.

iv) 6 giới: C4 = P3:

C: (31b, 18-19): 6 giới là lạc, khổ, hỷ, ưu, xả và vô minh.

P: (62, 28-32): Cũng vậy.

v) 4 giới: C5 = P: không có.

C: (31b, 19): 4 giới là thọ, tưởng, hành và thức.

P : không có.

vi) 3 giới: C6 = P5:

C: (31b, 19-20): 3giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

P: (63, 6-9): Cũng vậy.

vii) 3 giới : C7 = P: không có.

C: (31b, 20): 3 giới là sắc giới, vô sắc giới và diệt định.

viii, ix, x, xi) 3 giới:

C 8,9,10,11 = P: không có.

C: (32a,1-3): 3 giới là (thứ 8) quá khứ, vị lai và hiện tại; (thứ 9) thù thắng, không thù thắng và trung bình; (thứ 10) phước giới, phi phước giới, vô ký giới; (thứ 11) thuộc hữu học, thuộc vô học, không thuộc hữu học hay vô học.

xii) 2 giới:

C12 = P: không có.

C: (32a, 3-4): Hữu lậu giới và vô lậu giới.

xiii) 2 giới: C13 = P6:

C: (32a, 4): Hữu vi giới và vô vi giới.

P: (63, 12-15) : Cũng vậy.

Trong NC 94, có một đoạn dài đề cập thiền định về sáu giới như sau:

i) Về địa giới:

C162: (vii,5b, 7-10): "Có vị Tỳ-kheo phân tích thân giới, nói rằng thân này có nội địa giới, nhận lấy mạng sống. Nội địa giới này như sau: tóc, lông, móng, răng, da ngoài, da mỏng, thịt, xương, gân, thận, tim, gan, phổi, lá lách, ruột già, bao tử, phân; và các nội sắc khác tương tự với chúng, cứng, thuộc bên trong và có sự sống. Đây gọi là nội địa giới. Bất cứ gì thuộc nội địa giới và ngoại địa giới đều gọi là địa giới. Vi ấy quán địa giới "cái này không phải là của tôi, tôi không phải cái này, cái này không phải là tự ngã". Vị ấy quán địa giới với trí tuệ và biết nó như thật, do vậy tâm vị ấy không bị mê lầm vì địa giới, không chấp thủ địa giới."

P140: (iii, 240, 14-33): Cũng vậy. Về địa giới cũng tương tự, nhưng định nghĩa hơi khác: Gì là địa giới? Có nội địa giới và ngoại địa giới. Gì là nội địa giới? Bất cứ gì cứng, thô, thuộc bên trong, thuộc cá nhân, liên hệ đến cá nhân, và xuất phát từ đó. Kể về các nội giới cũng giống như vậy. Bản P thêm: tủy xương, kilomakam antagunam. Trong khi bản C kể da ngoài, da trong, P chỉ nói taco.

C: Như vậy tâm vị ấy không bị mê lầm vì địa giới, không chấp thủ địa giới = P: Như vậy vị ấy yểm ly địa giới, tâm lọc sạch khỏi địa giới. Bản C phân loại tủy xương thuộc về thủy giới.

ii) Về thủy giới:

C: (5b, 10-13) : Được đề cập giống như cách đề cập địa giới, thay đổi "bất cứ cái gì cứng" bằng "bất cứ gì thuộc chất lỏng". Về những chất được phân loại thuộc thủy giới như sau: não, nước mắt, mồ hôi, chất nhầy, đàm, mủ, máu, mỡ, tủy xương, nước bọt, mật, nước tiểu.

P: (240, 34): Nhận xét như trên. Ở đây danh từ àpogatam thay thế danh từ kakkhalam kharigatam. Bản P khi kể thủy giới, bỏ: não, tủy xương (được để vào địa giới); thêm: vasà, lasikà.

iii) Về hỏa giới :

C: (5b, 13-16): Được đề cập giống như ở phần điạ giới, thay thế "cái gì cứng" bằng "cái gì nóng và ấm". Về những chất được liệt vào hỏa giới là: thân nhiệt, hơi ấm của cơ thể, cảm giác bốc cháy của cơ thể, cái gì nuôi duỡng cơ thể, cái tiêu hóa thức ăn uống.

P: (241, 12-22): Nhận xét như trên. Ở đây danh từ tejogatam thay thế danh từ kakkhalam kharigatam. Những chất được liệt vào hỏa đại là: cái gì được đốt cháy, hao mòn, được tiêu thụ, cái gì qua đó người ta tiêu hóa được những gì đã ăn, uống, nhai, nuốt.

iv) Về phong giới:

C: (5b, 16-19): Cũng giống như ở địa giới, thay "cái gì cứng" bằng "cái gì động". Về những chất được liệt vào phong giới: gió trên, gió dưới, gió đi ngang, gió xé, gió đá, gió không đường (vô đạo phong?), gió nơi chân tay, hơi thở vô thở ra.

P: (241, 23-32): Nhận xét như trên. Vàyogapam thay cho kakkhalam kharigatan. Về bản liệt kê các chất được gọi là phong giới, bản P bỏ : gió bên hông, gió xé, gió đá, gió vô đạo; nhưng thêm: gió lưng, gió ở bụng. C: gió ở tay chân = P: gió xuyên qua tay chân.

v) Về không giới:

C: (5b, 19-20): Ở đây "bất cứ cái gì cứng" được thay bằng "bất cứ khoảng không nào ở trong thân, không bị ngăn bởi thịt, da, xương, gân". Về các chất được liệt vào không giới, gồm có: lỗ mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lỗ miệng, lỗ họng, qua đó thức ăn được nuốt, được tiêu hóa, ở đó chúng lưu lại và đi xuống dưới.

P: (241, 33-34): Nhận xét như trên. Ở đây danh từ àkàsagatam thay cho danh từ kakkhalam kharigatan. Về các chất được liệt vào không giới, bản P bỏ: lỗ mắt, lỗ họng. Bản này không những nói đến thức ăn, mà còn những gì được nhai, uống, ăn, nếm.

vi) Về thức giới:

 Biết về thọ:

C: (6a, 3-13): "Khi vị Tỳ-kheo biết như thật năm giới, vị ấy không bị chúng làm ô nhiễm, nhưng cái được giải thoát là thức. Và vị ấy nhận biết cái gì? Vị ấy nhận biết lạc thọ, khổ thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả. Do hưởng thụ lạc thọ, vị ấy cảm nhận lạc thọ; khi cảm thọ lạc thọ vị ấy biết mình đang cảm thọ một lạc thọ, rồi vị Tỳ-kheo phá hủy sự hưởng lạc mạnh mẽ ấy; khi sự hưởng lạc mạnh mẽ ấy bị phá hủy, lạc thọ khởi lên từ sự hưởng lạc mạnh mẽ ấy cũng bị phá hủy, chấm dứt; khi ấy vị ấy biết rằng mình lắng dịu. Cũng vậy đối với bốn cảm thọ khác. Bất cứ sự hưởng thụ mạnh mẽ nào vị ấy cảm nghiệm, vị ấy tiếp nhận cảm thọ tương đương. Với sự phá hủy hưởng thụ mãnh liệt, cảm thọ tương đương cũng được hủy diệt, vị ấy biết rằng cảm thọ này tùy thuộc vào sự hưởng thụ mãnh liệt, có sự hưởng thọ mãnh liệt là gốc rễ, có sự hưởng thọ mãnh liệt là nguồn gốc, từ hưởng thọ mãnh liệt mà đến, có sự hưởng thọ mãnh liệt là cái đầu, tùy thuộc vào hưởng thọ mãnh liệt để vận hành. Cũng như do sự cọ xát hai thanh củi mà lửa phát xuất, và từ lửa một người cảm thọ hơi nóng; nhưng khi hai thanh củi được dang ra thì lửa tắt, và với sự dập tắt của ngọn lửa, hơi nóng cũng diệt và thanh củi trở lại mát mẻ."

P: (242, 13-14): Gần giống. Ở đây, bản P nói thức còn lại là thuần tịnh và vị ấy biết được một điều gì là nhờ thức này. Bản P chỉ nói đến ba tho,ï lạc, khổ và trung tính. Sự đề cập các cảm thọ giống nhau trong hai bản, nhưng bản P bỏ câu cuối cùng: "khi ấy vị ấy biết mình lắng dịu". Bản P cũng bỏ: "bất cứ sự hưởng thụ mãnh liệt nào vị ấy cảm nghiệm.... vận hành". Về ví dụ, bản P chỉ nói hơi ấm và ánh sáng có được do xúc chạm và cọ xát hai thanh củi; khi hai thanh củi được tách ra thì hơi nóng chấm dứt, lắng dịu.

Về xả thọ:

C: (6a, 13-20): "Khi vị Tỳ-kheo không bị ba cảm thọ làm ô nhiễm, thì vị ấy được giải thoát, và chỉ có xả thọ rất thanh tịnh. Rồi vị Tỳ-kheo ấy nghĩ đến việc dùng xả thọ thuần tịnh này tập trung vào Không vô biên xứ, và như vậy vị ấy phát triển một tâm như vậy, y cứ vào đó, an trú trên nó, đứng vững trên nó, ràng buộc với nó. Vị ấy nghĩ đến việc tập trung xả thọ thuần tịnh này trên Thức vô biên xứ, trên Vô sở hữu xứ và trên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và như vậy vị ấy phát triển một tâm tùy thuộc vào đó, an trú trên đó, đứng vững trên đó, ràng buộc vào đó, như một người thợ vàng thiện xảo, dùng lửa để nấu vàng và tinh luyện nó, làm cho vàng thật mỏng, đốt nó trong một cái lò, làm cho nó thuần tịnh, dễ sử dụng, sáng chói, rồi với thứ vàng thuần tịnh, dễ sử dụng và sáng chói ấy, người thợ vàng có thể làm thành bất cứ đồ trang sức gì mình muốn, như dải lụa vàng để trang sức y phục mới, hay chiếc nhẫn, chiếc vòng, chiếc kiềng đeo cổ, chuỗi ngọc. Khi ấy vị Tỳ-kheo nghĩ rằng, xả thọ thuần tịnh này vì lệ thuộc vào Không vô biên xứ, nên là một pháp hữu vi. Vì là một pháp hữu vi, nó phải chịu vô thường và do đó, khổ. Với điều này, vị ấy biết khổ, sau khi biết khổ, vị ấy không tập trung xả thọ này vào Không vô biên xứ. Cũng vậy với ba xứ kia. Sau khi biết cả bốn xứ này như thật với trí tuệ, sau khi không tập trung vào đó, khi ấy vị Tỳ-kheo biết rằng, xả ấy không còn là một pháp hữu vi, vị ấy không còn nghĩ đến việc trở thành hữu hay phi hữu. Khi cảm thọ một cảm thọ được giới hạn bởi thân, vị ấy biết rằng mình đang cảm thọ một cảm thọ giới hạn bởi thân, khi cảm thọ một cảm thọ giới hạn bởi thọ mạng (nguyên lý sống), vị ấy biết mình đang cảm thọ một cảm thọ giới hạn bởi thọ mạng. Vị ấy biết rằng, khi thân hoại mạng chung, tất cả những cảm thọ của vị ấy đi đến chấm dứt, diệt. Vị ấy biết chúng trở nên rất mát mẻ, như một ngọn đèn cháy nhờ vào bấc và dầu, nếu không ai cung cấp thêm dầu, không ai nối thêm bấc, thì với sự tiêu hủy nhiên liệu dầu và bấc cũ, ngọn đèn sẽ tự tắt."

P: (243, 11-32): Ở đây bản P đặt ví dụ về người thợ vàng trước với nhiều chi tiết hơn, mô tả người thợ vàng hay đệ tử ông ta sửa soạn lò, đốt bệ, thỉnh thoảng thụt bệ, rưới nước, canh chừng cẩn thận, và do đó vàng trở thành thuần tịnh, dễ sử dụng, không còn quặng, sáng chói, sẵn sàng để làm nhẫn, đồ đeo tai, đeo cổ, hay tràng hoa bằng vàng. Như vậy xả này được so sánh với một thứ vàng như thế. Ở đây cũng thế, vị Tỳ-kheo nghĩ đến việc tập trung xả này vào bốn vô sắc giới, xét xem xả này được nâng đỡ, được nuôi dưỡng bằng sự tập trung vào bốn vô sắc giới này có trú nơi ông lâu dài không. Vị ấy hiểu rằng khi làm như vậy, xả này sẽ là một pháp hữu vi. Bởi thế vị ấy không xây dựng, không nghĩ đến việc trở thành hay không trở thành, không bám víu bất cứ gì trên đời, vì không chấp thủ, vị ấy không bị dao động; do không dao động, vị ấy chứng đạt sự an tịnh. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong; không còn hiện hữu trở lại. Khi vị ấy cảm thọ một lạc thọ hay bất lạc thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết rằng nó vô thường, không nên bám víu, không phải là một đối tượng để hưởng thụ; như vậy vị ấy cảm nghiệm ba loại thọ này với xả. Khi vị ấy cảm thọ về thân, vị ấy biết mình đang cảm thọ một cảm thọ về thân, khi cảm thọ một cảm thọ về mạng, vị ấy biết mình đang cảm thọ một cảm thọ về mạng. Vị ấy biết rằng sau khi thân hoại mạng chung, tất cả những cảm thọ sẽ thành tịnh chỉ. Ví dụ về ngọn đèn cũng gần giống. Ở đây bản C đặt sự chứng quả A-la-hán vào đoạn sau.

d) Bốn thánh đế:

Bốn thánh đế được đề cập trong NC 16, 22, 24, 28, 30, 38, 95, 98.

 Trong NC48, bốn chân lý được định nghĩa như sau:

C153:(vi, 91b, 16-19): "Gì là trí biết như thật về khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, kết hợp với người mà ta ghét là khổ, ly tán với người mà ta thương là khổ, không được những gì ta mong cầu là khổ; nói tóm lại năm thạnh uẩn là khổ. Đây gọi là trí biết như thật về khổ. Gì là trí biết về tập, thói quen đau khổ? Khát ái đưa đến tái sinh tương lai, câu hữu với hỷ và tham, mong muốn có được hữu này hữu kia, đây gọi là trí biết như thật về tập, về thói quen của đau khổ. Gì là trí biết như thật về diệt khổ? Sự chấm dứt không dư tàn tham ái dẫn đến tái sanh này, câu hữu với hỷ và tham, mong muốn có được hữu này hữu kia, sự đoạn tận, hoàn toàn từ bỏ, không chấp thủ, sự dừng lại, sự chấm dứt, đây gọi là trí biết như thật về diệt khổ. Gì là trí biết như thật về con đường diệt khổ? Đây là Tám thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định, đây gọi là con đường đưa đến khổ diệt."

Ở đây bản P tương đương không nói đến bốn chân lý cao cả, nhưng ta có thể so sánh đoạn C này với đoạn P trong các kinh khác.

P141: (iii, 294, 9-13): Gần giống. Kinh bỏ: "bịnh là khổ, kết hợp với người mà ta ghét là khổ, ly tán với người mà ta thương là khổ". Kinh thêm "sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ".

C: 5 thạnh uẩn = P: 5 thủ uẩn.

P: (250, 32-34): Về nguyên nhân của khổ, cũng vậy.

C: Sự thực hành, thói quen khổ = P: khổ tập. Ở đây bản C dùng chữ "tập" với nghĩa tu tập, thói quen, để dịch danh từ samudayo; nhưng những dịch giả về sau chọn danh từ "tập" với nghĩa là tụ họp, nhóm lại để dịch samudayo.

C: mong có được hữu này, có được hữu kia = P: tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, nghĩa là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

P: (251,3-6): Về sự chấm dứt khổ, cũng gần giống.

C: Sự diệt tận không dư tàn khát ái này đưa đến hữu tương lai, câu hữu với hỷ và tham, mong có được hữu này, có được hữu kia = P: Cũng gần giống nhưng bỏ các tĩnh từ định tính cho chữ ái.

C: Sự đoạn tận, từ bỏ hoàn toàn, không chấp thủ, dừng lại, chấm dứt= P: patinissaggo mutti anàlayo.

P: (251, 7-11): Về con đường đưa đến diệt khổ, C bỏ "đưa đến", và nói vắn tắt tám thành phần của bát chánh đạo, trong khi bản P kể đầy đủ cả tám.

Trong NC95, có một nghiên cứu tỷ mỷ về tứ diệu đế đáng được phân tích chi tiết.

Thánh đế về khổ:

i) Sinh là khổ:

C31: (v,41b,20): Chân lý về khổ được định nghĩa như sau: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, kết hợp với người mà ta ghét là khổ, biệt ly với người mà ta ưa là khổ, không được điều ta mong cầu là khổ, nói tóm lại năm thạnh uẩn là khổ. Do đâu mà nói rằng sinh là khổ? Những hữu tình thuộc các loại chúng sinh được sinh ra, xuất hiện, thành hình, có năm uẩn, có mạng, đây gọi là sinh. Sinh là khổ như thế nào? Khi hữu tình sinh ra, thì thân thể và trái tim nhận hơi nóng lan rộng, nhận cảm giác, nhận cảm giác lan rộng; thân thể, trái tim, thân thể và trái tim, nhận sự tăng trưởng, hơi nóng, sự xáo trộn, sầu, ưu, nhận sự tăng trưởng lan rộn, hơi nóng... sầu, ưu lan rộng, nhận cảm thọ, cảm thọ lan rộng.

P141: (iii, 249, 9-17): Tương tự nhưng giản dị hơn nhiều. Bản này bỏ: "bệnh là khổ, kết hợp với những gì ta ghét là khổ, biệt ly với những gì ta ưa là khổ". Nó thêm: "sầu, bi, khổ, ưu, não". Về định nghĩa sinh, cũng gần giống. Bản P nói đến sự thụ thai, sự sinh ra, sự tái sinh, sự xuất hiện các uẩn, và sự có ra các nội xứ. Bản P bỏ định nghĩa về "sinh là khổ như thế nào".

ii) Già là khổ:

C:(42b, 6-10): Những hữu tình thuộc đủ loại chúng sinh đều già, với tóc bạc, răng rụng, năng lực ngày một yếu bớt, giảm sút, lưng còng, hai chân cong quẹo, thân thể nặng nề, hơi thở đi lên, đi phải chống gậy, da nhăn như hột mè, các căn lụn bại và vô dụng, da và dáng vẻ xấu xí. Đây là tuổi già. Tuổi già khổ như thế nào? Cũng định nghĩa như ở sinh là khổ, đây nói đến già.

P: (249,18-21): Gần giống nhưng giản dị hơn. Bản P nói, tuổi già, lụn bại, răng rụng, tóc hoa râm, da nhăn, thọ mạng giảm, các căn hư hoại. Ở đây cũng bỏ định nghĩa về sự đau khổ của tuổi già.

iii) Bịnh là khổ:

Bản P không có.

C: (42a, 10-14): Nhiều thứ bệnh khác nhau được kể như sau: đau đầu, đau mắt, đau tai, đau mũi, đau mặt, đau môi, đau răng, đau lưỡi, đau nóc họng, đau hầu, nấc cụt, phong suyễn, ho, mửa, kiết lÿ, kích ngất, ung thư, bướu, kinh ôn, xích đởm, sốt, mệt lả, ......., nhọt, đau ruột. Về sự bịnh là khổ, cũng giống như đoạn trước.

iv) Chết là khổ:

C: (42a, 18-20): Chết là sự chấm dứt của mạng căn, sự vô thường, sự chết, rã rời, chấm dứt, diệt tận, hủy hoại của thọ mạng, sự đóng lại mạng căn của những hữu tình thuộc đủ loại chúng sinh, đây gọi là chết. Về sự chết là khổ, cũng như trong đoạn trước.

P: (249, 22-26): Cũng vậy. Đấy là sự diệt mất, rơi rụng, tan vỡ, biến mất, chết chóc, quá vãng, công việc của thời gian, sự tan rã của các uẩn, sự vứt bỏ thân xác. Ở đây bản P bỏ định nghĩa về chết là khổ.

v) Kết với với những gì ta ghét là khổ:

Bản P không có.

C: (42a, 18-20): Đây là sự kết hợp, sự nhóm tụ lại sáu nội xứ mà ta không thích như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cũng thế với sáu ngoại xứ mà ta không ưa nhưng ta vẫn phải tiếp xúc như cảm, nghĩ về, cảm nhận; cũng thế với sáu giới mà ta không thích như địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Về sự kết hợp với những gì ta ghét là khổ, cũng giống như những đoạn trước, nhưng ở đây có nói đến cái khổ khi kết hợp với những gì ta ghét.

vi) Ly tán với những gì ta thích là khổ: P: không có.

C: (42b, 1-5): Cũng được đề cập như trong đoạn cuối, nhưng ở đây những gì ta thích chính là sáu nội ngoại xứ, sáu giới, nhưng ta phải chia ly với chúng, không thể kết hợp, không thể tụ hội với chúng.

vii) Không được những gì ta mong muốn là khổ:

C:(42b, 5-11): Hữu tình phải bị sinh, không thể thoát khỏi sinh, và người ta mong cầu đừng bị sinh ra, nhưng một mong cầu như thế không thể đạt được. Cũng tương tự, khi người ta mong khỏi bị già, khỏi bị chết, khỏi phải sầu, bi, than khóc, khi người ta chạm mặt khổ đau mà mong chuyển nó thành hạnh phúc thì vô hiệu; khi người ta được hạnh phúc mà muốn kéo dài hạnh phúc ấy mãi mãi cũng không được; cũng thế, khi người ta gặp những ý tưởng bất hạnh và mong mỏi chuyển chúng thành những ý nghĩ vui; khi người ta gặp những ý nghĩ hạnh phúc và mong chúng kéo dài mãi mãi cũng không được. Tất cả những điều này không thể cầu mong được.

P: (250, 13-25): Gần giống. Những mong cầu đừng bị sanh ra, bị già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cũng được lập ngôn như thế ở đây. Những mong cầu khác bị loại bỏ.

viii) Tóm lại năm thạnh uẩn là khổ:

C: (42b, 11-13): Có các thạnh uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thạnh uẩn; tóm lại năm thạnh uẩn này là khổ. Vậy thánh đế về khổ này đã hiện hữu trong quá khứ, đang hiện hữu trong hiện tại và sẽ hiện hữu trong tương lai; đây là sự thật như chân, không phải sự thật dối trá, không rời xa thực tại, mà các bậc thánh đã đạt đến, đã thấy, biết, liễu tri, chứng đạt, hoàn toàn chứng ngộ và chân chính chứng ngộ, cho nên được gọi là thánh đế về khổ.

P: (250, 26-31): Gần giống, nhưng bỏ phần cuối: Như vậy thánh đế về khổ này đã hiện hữu trong quá khứ ... vì thế đây gọi là khổ thánh đế.

Nhận xét: Sự nhấn mạnh hiện hữu của thánh đế về khổ trong quá khứ, hiện tại, vị lai trong bản C rất quan trọng. Nó dùng để giải thích lý thuyết "tất cả đều có" của bộ phái Nhất thiết hữu, chủ trương hiện hữu của năm pháp trong hình thái vi tế nhất vào tất cả các thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Sự loại bỏ đoạn này trong bản P có ý nghĩa, vì nó hiển thị rằng Thượng tọa bộ phủ nhận một hiện hữu như thế.

ix) Sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ:

(Bản C không có).

P: (249, 27-30): Soko, sầu: Khi người ta gặp một loại tai biến này hay khác, vài nỗi khổ này hay khác, người ta buồn sầu, ở trong trạng thái sầu khổ, bị sầu khổ ở nội tâm, bên trong bị đau đớn mãnh liệt.

P: (249,31-33): Paridevo, bi : Khi gặp một tai biến này hay khác, một loại khổ đau này hay khác, người ta rên rỉ, khóc lóc, ở trong tình trạng rên rỉ, khóc lóc, bị rơi vào rên rỉ khóc lóc.

P: (250, 3-5): Dukkham, khổ: Đây là nỗi khổ về vật lý, nỗi đau đớn thể xác, đau đớn, khổ vật lý và đau thể xác do sự xúc chạm bằng thân thể.

P: (250, 6-8): Domanassam, ưu: Cũng như trên, nhưng ở đây là nỗi khổ về tinh thần, nỗi đau tinh thần chứ không phải nỗi đau khổ về vật lý, thân xác.

P: (250, 9-12): Upàyàso, não: Khi gặp một vài loại tai biến nào đó, một vài loại khổ đau nào đó, người ta thất vọng, rầu rỉ, ở trong tình trạng tuyệt vọng, trong tình trạng rầu rỉ.

Thánh đế về nguồn gốc khổ:

C:(42b, 13-20): Gì là thánh đế về sự luyện tập khổ? Hữu tình thật sự có nỗi khao khát đối với các nội xứ, khao khác chúng, bám víu chúng, bị chúng làm ô nhiễm, chấp thủ chúng, đây gọi là sự luyện tập, thực hành đau khổ. Vì đệ tử đa văn biết về tri kiến ấy, nhận thức một cái thấy như vậy, hiểu và chứng ngộ một pháp như vậy, đấy là thánh đế về sự thực hành khổ. Vị ấy biết về cái gì? Vị ấy biết rằng, nếu có sự tham cầu vợ con, tôi tớ, nô lệ, quyến thuộc, ruộng, đất, nhà, cửa hàng, các tài sản bán buôn, thương mại mậu dịch, nếu vị ấy có sự tham đắm, ràng buộc với chúng, thì vị ấy sẽ bị chúng làm ô nhiễm, chấp thủ chúng, đây gọi là sự tập tành, và vị ấy biết thánh đế về tham ái, sự tập tành khổ. Cũng vậy với các ngoại xứ mà người ta tiếp xúc, cảm giác, thọ nhận, suy tư, tham ái; cũng vậy với sáu giới địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Về định nghĩa của đế và thánh, cũng như trong trường hợp đầu.

P: (250, 32-34): Không hẳn giống. Bản P nhắc đến cùng một định nghĩa như đã thấy ở trên: "Bất cứ khát ái nào đưa đến tái sanh, liên hệ đến hỷ và tham, tìm cầu khoái lạc chỗ này chỗ kia, nghĩa là dục ái, hữu ái, phi hữu ái". Ở đây cũng thế, bản P bỏ định nghĩa về đế và thánh.

Thánh đế về sự diệt khổ:

C: (43a,19): Gì là thánh đế về sự diệt khổ? Hữu tình thật sự khát ái đối với sáu nội xứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu họ thoát khỏi chúng, không bị chúng làm ô nhiễm, không chấp thủ chúng, diệt tận chúng, từ bỏ chúng, vứt chúng đi, không ham muốn, ngừng lại, chấm dứt, không cần chúng, thì đây gọi là sự diệt khổ. Vị thánh đệ tử đa văn biết về một tri kiến như vậy, nhận thức một quan điểm như vậy, hiểu và thực chứng một pháp như vậy, đấy là thánh đế về sự diệt ái, sự chấm dứt khổ đau. Vị ấy biết về gì? Vị ấy biết rằng nếu không có tham ái vợ con, tôi tớ, nô lệ, quyến thuộc, ruộng đồng, đất đai, nhà cửa, hàng quán, tài sản bán mua, không có tham kinh doanh công việc, nếu vị ấy thoát khỏi chúng, không bị chúng làm ô nhiễm, không chấp thủ chúng, đoạn tận, từ bỏ, vứt chúng đi, không ham muốn, chấm dứt, dừng lại, không có chúng, đây gọi là sự chấm dứt khổ, và vị ấy biết thánh đế về sự chấm dứt khổ. Cũng vậy với ngoại xứ, mà người ta tiếp xúc, cảm nhận, thấy, nghĩ đến, khao khát sáu giới địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Ở đây bản C cũng lặp lại định nghĩa về đế và thánh.

P: (251, 3-6): Không giống hẳn. Định nghĩa như sau: Bất cứ sự chấm dứt nào về khát ái chấp thủ còn lại, sự từ bỏ nó, xua đuổi nó, giải thoát khỏi nó, độc lập với nó, đây gọi là sự chấm dứt khổ.

Thánh đế về con đường đưa đến diệt khổ:

Ở đây nói đến thánh đạo tám ngành như đã nói ở trên.

e) Duyên sinh:

Pháp này được đề cập trong NC 9, 24, 27, 72, 98. Trong NC98, duyên sinh được đề cập như sau:

C86: (vi, 2b, 17-20): "Này A Nan, trước đây tôi đã nói cho ông về duyên khởi và các pháp khởi lên do duyên. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không sinh thì cái kia không sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Tùy thuộc vào vô minh là các hành, tùy thuộc vào hành là thức; tùy thuộc vào thức là danh sắc, tùy thuộc vào danh sắc là sáu xứ, tùy thuộc vào sáu xứ là sáu hưởng thụ mạnh mẽ, tùy thuộc vào sáu hưởng thụ mạnh mẽ là thọ, tùy thuộc vào thọ là ái, tùy thuộc vào ái là thủ, tùy thuộc vào thủ là hữu, tùy thuộc vào hữu là sinh, tùy thuộc vào sinh là già chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì già chết diệt."

P115:(iii, 63,24-32): Gần giống. C: nếu cái này có ... thì cái kia diệt = P: imasmim sati, idam hoti; imass uppàdà idamuppajjati; imasmim asati, idam na hoti; imassa nirodhà idam nirujjhati. (Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh; cái này không thì kia không, cái này diệt thì kia diệt). Cũng gần giống như bản C nhưng thứ tự hơi khác, và bỏ bớt: nếu cái này không sinh thì cái kia không sinh.

C: hưởng thụ mạnh mẽ = P: xúc - phasso; sparsa có nghĩa là hưởng thụ, sờ chạm, cho nên ở đây bản C dịch là hưởng thụ mạnh mẽ.

C: thọ (nhận) = P: upàdàna, các nhà phiên dịch về sau dịch thành thủ nghĩa là cầm nắm, bám víu.

C: tùy thuộc vào sanh là già chết = P: do duyên sinh, có già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Bản P thêm : Như vậy là tập khởi của đống khổ này.

C: nếu vô minh diệt thì hành diệt = P: avijjàya tveva asesaviràganirodhà sankhàranirodho. Bản P thêm : Như vậy là sự đoạn diệt của đống khổ này.

Trong NC27, lý duyên khởi được đề cập nhưng khởi sự bằng bốn loại thức ăn có ái làm nguyên nhân rồi đến thọ, hưởng thụ mạnh mẽ, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh. Rồi nó nói : tùy thuộc vào vô minh là hành ... cho đến tùy thuộc vào sinh là già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy đây là sự sanh khởi của đống khổ lớn. Ở đây chúng ta nhận thấy rằng, bản C201:(vii, 67b, 2-9) không quên nói đến sầu, bi, khổ, ưu, não như được thấy trong đoạn trước.

Về bản chất tương quan lẫn nhau giữa năm uẩn được đề cập trong NC24, thì đã nói trong chương trước, về năm uẩn.

 Như vậy chúng ta có thể nói về pháp duyên khởi, giữa hai bản C và P không có dị biệt nào quan trọng.

f) Bốn loại thức ăn:

Bốn loại thức ăn được đề cập trong NC 27 và 70. Trong NC27, chúng được nói đến như sau:

C201:(vii, 67b): Một là đoàn thực, nghĩa là thức ăn từng miếng, thô và tế, kế đó là canh lạc, nghĩa là thức ăn do hưởng thụ mạnh mẽ, rồi ý niệm thực, nghĩa là thức ăn bằng ý chí và cuối cùng là thức thực, là thức ăn bằng ý thức.

P38: (i, 261, 5-8): Gần giống. C: đoàn thực thô và tế = P: kabalinkàro àhàro olàriko, và sukhumo và.

C: thức ăn hưởng thụ mạnh mẽ = P: xúc thực, phasso àhàro.

C: ý niệm thực = P: tư niệm thực, manosancetanà àhàra.

C: thức thực = P: vinnànam àhàro.

g) Nghiệp và nghiệp dị thục hay hành động và quả báo của hành động:

Những pháp này được đề cập trong NC 39, 40, 65, 84, 85, 89, 90.

* Trong NC89, chúng được đề cập như sau:

C170: (vii,16b, 12-18): Lúc bấy giờ Anh Vũ Ma Nạp đi đến đức Phật, chào Ngài và xin phép được hỏi. Khi được cho phép, anh hỏi đức Thế Tôn vì lý do gì, vì nguyên nhân gì mà trong số các hữu tình, mặc dù đều có thân người, một số lại thấp lùn, một số thì cao lớn, một số bần tiện, một số cao sang. Anh nói, anh thấy một số người chết yểu, một số sống lâu, một số mắc nhiều bệnh, một số ít bệnh, một số xấu xí, một số đẹp đẽ, một số không có uy quyền, không có ảnh hưởng, một số lại có uy quyền, ảnh hưởng. Có người thuộc dòng họ thấp kém, có người thuộc dòng họ cao quý, một số người nghèo, một số người giàu, một số người liệt tuệ, một số người có trí tuệ. Khi ấy đức Thế Tôn trả lời : hữu tình làm nên nghiệp của chúng, nhận lấy quả báo của những việc đã làm. Hữu tình tùy thuộc vào nghiệp, nương tựa vào nghiệp, nghiệp là trọng tài của chúng. Lối giải thích vắn tắt này không làm thỏa mãn thanh niên Anh Vũ. Và anh xin đức Thế Tôn giải thích chi tiết mọi thứ.

Đức Thế Tôn chấp nhận yêu cầu của Anh vũ ma nạp.

P135:(iii, 202, 12-24): Gần. giống C: Anh Vũ Ma Nạp Đô Đề Tử = P: Subha-mànava Todeyyaputta. Câu hỏi của Subha cũng vậy, nhưng đặt câu hỏi về người nghèo và giàu trước câu hỏi về dòng họ hạ liệt và cao sang. Câu trả lời của đức Phật hơi khác: "Kammassakà sattà, kammadàyàdà kammayonì kammabandhù kammapatisaranà." (Hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là bào thai của nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp, có nghiệp làm chỗ nương tựa). Còn lại giống nhau.

i) Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?

C: (16b, 18-20): Có những người giết hại sinh vật, tàn ác, xấu xa, khát máu, có những tư tưỏng tác hại, không thương xót hữu tình, cho đến loài sâu bọ, sau khi đã hoàn tất những nghiệp này, khi chúng chết, chúng sẽ tái sinh vào địa ngục, khi được tái sinh làm người, chúng sẽ chết yểu, bởi vì đường lối như trên đưa đến chết yểu, những hành nghiệp như trên cho hậu quả như vậy. Có những người từ bỏ sát sinh, không sát sinh, bỏ dao, bỏ gậy, có tàm quý, có thương xót tất cả hữu tình cho đến loài sâu bọ. Sau khi nhận những nghiệp này một cách trọn vẹn, khi chết họ được tái sinh vào cảnh giới sung sướng, ở cõi trời. Khi tái sinh làm người, họ sẽ sống lâu. Vì con đường như trên đưa đến sống lâu, những nghiệp như trên đem lại hậu quả ấy.

P: (203, 16-34): Cũng vậy với vài dị biệt nhỏ về cách sử dụng từ ngữ. C: hết sức xấu xa, có tư tưởng tác hại = P: hatapahate nivittho (cố ý đả thương và giết hại).

C: sau khi nhận những hành vi ấy một cách toàn vẹn = P : so tena kammena evam samattena evam samàdinnena (vì nghiệp ấy đã được làm và hoàn tất một cách quyết định). C: họ sẽ được sinh vào địa ngục = P: họ sẽ được tái sinh vào cõi dữ , ác thú, đọa xứ, địa ngục.

ii) Tại sao có người nhiều bịnh có người ít bịnh?

C: (17a, 3-7): Cách giải thích cũng như vậy, chỉ khác về các hành động. Ở đây, những người làm hại hữu tình bằng tay, hoặc bằng que củi, bằng đá, dao hay gậy; những hành động ấy sẽ đưa đến nhiều bệnh. Trường hợp ít bệnh là ngược lại.

P: (204, 3-17): Cũng vậy, với những chỗ khác nhau như đã nói ở trên. C: bằng dao= P: với gươm; C: bằng đá= P: với hòn đất.

iii) Tại sao người xấu kẻ đẹp?

C: (17a, 7-12): Có những người nóng nảy, mau nổi giận, dù bị nói một chút cũng hết sức phẫn nộ, họ đầy sự sân hận, dễ buồn sầu, luôn luôn sẵn sàng làm lớn chuyện và tranh chấp. Những nghiệp này sẽ đưa con người đến chỗ tái sinh làm người xấu. Người đẹp là ngược lại.

P: (204, 18-31): Cũng vậy, nhưng bỏ : luôn luôn sẵn sàng để làm to chuyện và tranh cãi. Nó thêm: kuppati byàpajjati patitthìyati (giận dữ, bất đồng, chống đối).

iv) Tại sao có kẻ không quyền hành, ảnh hưởng, người lại có quyền hành, ảnh hưởng?

C: (17a, 12-16): Có những người ôm lòng ganh tị ghen ghét khi thấy người khác được cúng dường, tôn trọng. Họ muốn được những gì người khác được. Những nghiệp này sẽ khiến chúng tái sanh làm người không có quyền hành thế lực. Trường hợp kia là ngược lại.

P: (204-32-37): Cũng vậy. C: không quyền hành, không ảnh hưỏng = P: appesakkho (ít ảnh hưởng). Nó bỏ : chúng muốn được những gì người khác đã được.

C: người khác được cúng dường tôn trọng = P: paralàbhasakhàragarukàra-mànanavandanapujà ( người khác được lợi dưỡng, danh dự, cung kính, tôn trọng). Còn lại giống nhau.

v) Tại sao người thì sinh vào nhà thấp hèn, người thì sinh vào giòng họ cao quý?

C: (17a, 16-20) : Có những người lớn lối kiêu căng, không kính trọng những người đáng được kính trọng, không nể vì những người đáng được nể vì, không tôn kính những người đáng được tôn kính, không cúng dường những người đáng được cúng dường, không nhường đường đi cho những người đáng được nhường lối, không mời ngồi những người đáng được mời ngồi, không chắp tay chào và kính lễ người đáng chắp tay chào và kính lễ. Những nghiệp này sẽ đưa họ đến sự sinh vào gia đình hèn hạ. Trường hợp kia ngược lại.

P: (205, 16-26): Giống nhau với một vài khác biệt nhỏ về cách diễn đạt.

vi) Tại sao người sinh ra kẻ giàu người nghèo?

C: (17b, 2-8): Có những người không phải là người cho, không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người nghèo, trẻ mồ côi và người ăn xin từ xa đến. Họ không bố thí đồ ăn, thức uống, y phục, mền, tràng hoa, hương thoa, nhà, giường, nệm và đèn. Những nghiệp này sẽ khiến họ sanh ra nghèo nàn. Trường hợp kia thì ngược lại.

P: (205, 6-15): Gần giống. Bản này chỉ nói bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, bỏ người nghèo, trẻ mồ côi, hành khất từ xa đến. Về những quà tặng, nó bỏ y phục, mền, nhưng thêm áo quần, xe cộ.

vii) Tại sao có người sinh ra liệt tuệ, có người có trí tuệ?

C: (17b, 8-15): Có những người không thường xuyên đi đến những Sa-môn, Bà-la-môn danh tiếng để hỏi về phước và phi phước, có tội, không tội, thù thắng, không thù thắng, cái gì trắng, cái gì đen, đen và trắng từ đâu ra, gì là quả báo thiết thực hiện tại, gì là quả báo về sau . Nghiệp này đưa họ đến tái sinh làm người liệt tuệ. Trường hợp kia thì ngược lại.

P: (205, 27-34): Cũng vậy. Nó bỏ các câu hỏi: cái gì là thù thắng, không thù thắng, cái gì là trắng, cái gì đen, đen trắng từ đâu đến, gì là quả báo thiết thực hiện tại, gì là quả báo về sau. Nó thêm: cái gì nên tu tập, cái gì không nên tu tập. Cái gì do tôi làm đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài, cái gì do tôi làm sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Trong NC90, đức Thế Tôn đưa ra những lý do sau đây về sự bất đồng rõ rệt giữa nhân và quả:

C171:(vii,19b, 7-20): Trong trường hợp những người không từ bỏ ác nghiệp nhưng lại được sinh vào hoàn cảnh tốt, ở cõi trời, đây là vì:

a) Họ đã hoàn toàn chịu quả báo các ác nghiệp của họ trong đời này, nên được tái sinh vào thiện thú, cõi trời;

b) Hoặc vì họ phải chịu quả báo ác nghiệp không phải ngay bây giờ, không phải ở đời sắp đến, mà ở trong đời sau nữa;

c) Hoặc trước kia họ đã làm những thiện nghiệp và những quả báo tốt lành chưa hết, nên sau khi chết họ được sinh vào thiện thú, cõi trời;

d) Hoặc là vào lúc chết, họ có những tâm và tâm sở hiền thiện, phù hợp với chánh kiến.

Những lý do còn lại, trường hợp những người từ bỏ ác nghiệp nhưng lại sinh vào ác thú, địa ngục, trường hợp người không từ bỏ ác nghiệp và những người sau khi chết sinh vào ác thú, địa ngục, và trường hợp những người từ bỏ ác nghiệp, sau khi chết được sinh vào thiện thú, cõi trời, ba trường hợp này cũng được giải thích như trường hợp đầu, với những thay đổi thích hợp về từ ngữ và cách diễn đạt.

P136: (iii,214,6-34): Không giống hẳn. Ở đây bản P kể ra bốn lý do: a. Vị ấy có lẽ trước kia đã làm những việc lành đưa đến quả báo an vui; b. Có lẽ vị ấy về sau này đã làm những việc lành đưa đến quả báo an vui; c. Vào lúc chết vị ấy có thể đã có chánh kiến vững chắc; d. Còn về những ác nghiệp hiện tại của y, có thể nhận quả báo xấu bây giờ hoặc vào một đời khác. Ba trường hợp kia cũng được giải thích tương tự, với những thay đổi thích hợp.

Như vậy chúng ta thấy rằng không có khác nhau nhiều về cách giải thích nghiệp và quả báo như đã thấy trên. Nhưng trong NC40, trong đó đức Thế Tôn khuyên Tôn giả La Vân làm thế nào để thực hành các nghiệp thì có vài khác nhau rõ rệt.

C14:(v,17a, 5-13): Đức Thế Tôn khuyên La Vân rằng, trước khi làm một thân nghiệp, nếu ông tư duy và thấy rằng thân nghiệp này được phép (nghĩa là trong sạch), nhưng sẽ đưa lại quả báo xấu và đau khổ cho chính mình và người khác, thì nên từ bỏ thân nghiệp ấy. Nếu trước khi làm một thân nghiệp, mà tư duy và thấy rằng thân nghiệp này không được phép, nhưng nó sẽ đem lại phước báo và hạnh phúc cho mình và cho người khác, thì nên làm một thân nghiệp như vậy. Cũng vậy với thân nghiệp đang làm. Đối với thân nghiệp đã làm, vị ấy cũng cần phải tư duy. Nếu thấy rằng thân nghiệp đã làm là được phép, nhưng sẽ đem lại quả báo xấu và đau khổ cho mình và người khác thì nên đến gần những Tỳ-kheo đa văn, phát lộ và sám hối chúng, không che dấu và phòng hộ trong tương lai. Nếu sau khi tư duy, thấy rằng thân nghiệp mình đã làm là không được phép, nhưng đem lại phước báo và hạnh phúc cho nình và người khác, thì cả ngày đêm vị ấy nên vui mừng và an trú trong chánh niệm và chánh trí.

P61:(i,415, 25-36): Sự tư duy ở đây không giống như trên. Tôn giả Ràhula được đức Phật khuyên hãy tư duy thân nghiệp mình sắp làm có đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, đó là một ác nghiệp đưa đến đau khổ, có quả báo đau khổ, thì vị ấy chắc chắn không nên làm việc ấy. Nếu thấy rằng thân nghiệp sắp làm sẽ không đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, mà là một việc phước đưa đến hạnh phúc, có quả báo an lạc, thì vị ấy nên làm một hành vi như vậy. (Cũng thế, với một thân nghiệp đang làm). Đối với thân nghiệp đã làm, nếu sau khi suy nghĩ thấy rằng nó đưa đến tự hại.... thì nên đi đến bậc thầy hay Tỳ-kheo đa văn để phát lộ sám hối, bộc bạch, và trong tương lai chừa bỏ làm một hành vi như vậy. Nếu sau khi tư duy thấy rằng thân nghiệp đã làm này không đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thì vị ấy nên an trú hoan hỷ ngày đêm tu tập một hành vi như vậy.

Về ngữ nghiệp và ý nghiệp cũng được đề cập theo cách ấy trong cả hai bản C và P.

Nhận xét:Sự giải thích của bản C cho các Tỳ-kheo một phạm vi rộng lớn về ý nghĩa hành vi công đức và về giới luật xuất gia. Nhưng bản P bỏ danh từ "được phép" và không cho phép một lối giải thích rộng rãi nào về định nghĩa hành vi công đức và về giới luật Tỳ-kheo.

Trong NC84, nghiệp và quả báo được đề cập rất nhiều.

* Ba loại sầu khổ hiện tại cho kẻ ngu:

i) Loại sầu khổ thứ nhất:

C149: (vii, 60b, 10-14): Kẻ ngu hiện tại phải chịu bao thứ đau khổ về thân và tâm. Bất cứ hành vi nào của kẻ ngu sẽ bị người ta nói đến một cách thích đáng, dù khi vị ấy đang ngồi trong hội chúng hay ở trên đường, giữa chợ, tại ngã tư. Khi một người ngu giết hại sinh vật, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc, nói dối cho đến có tà kiến và có vô số ác bất thiện pháp, người ta sẽ phê bình sự xấu xa của tùy theo đó. Người ngu đâm ra lo lắng bất an khi nghĩ rằng mình đã làm tà hạnh như vậy và người ta sẽ bình phẩm sự xấu xa của mình như vậy. Đây là loại sầu khổ thứ nhất người ngu phải chịu ngay trong hiện tại

P129: (iii, 163, 14-25): Gần giống, nhưng bỏ: "giữa chợ" cho đến "có tà kiến, có vô số ác bất thiện pháp". Nó thêm: "uống rượu". Ở đây bản C nói đến mười bất thiện nghiệp đạo. Còn lại cũng giống nhau.

ii) Loại sầu khổ thứ hai:

C: (60b, 14-19): Người ngu trông thấy một tội nhân bị lính của vua bắt, phải chịu đủ cực hình như: 1. Chặt tay. 2. Chặt chân. 3. Chặt cả tay và chân. 4. Xẻo tai. 5. Xẻo mũi. 6. Cả tai mũi đều bị xẻo. 7. Bị xẻo thịt. 8. Bị nhổ râu. 9. Bị nhổ tóc.10. Râu tóc đều bị nhổ. 11. Nhốt vào cũi sắt. 12. Bị bọc vải rồi đem đốt. 13. Cửu khiếu bị đổ cát vào. 14. Bị vặn bằng cỏ. 15. Bị nướng trên lửa. 16. Bị đặt vào bụng một con lừa sắt và nướng trên lửa. 17. Bị bỏ vào miệng một con heo sắt để nướng trên lửa. 18. Bị bỏ vào miệng một con cọp sắt để nướng trên lửa. 19. Bị luộc trong một nồi đồng. 20. Bị luộc trong một nồi sắt. 21. Thân thể bị cắt ra từng mảnh. 22. Bị đâm bằng một chĩa ba nhọn. 23. Bị móc bằng một móc sắt. 24. Bị đặt nằm trên một giường sắt và bị rưới dầu sôi lên. 25. Bị đặt ngồi trong một cái cối sắt và giã bằng chày sắt. 26. Bị con rồng cắn. 27. Bị rắn cắn. 28. Bị quất bằng roi. 29. Bị đánh bằng gậy. 30. Bị đánh bằng ba toong. 31. Bị treo sống tên một cái sào. 32. Bị chặt đầu bêu giữa công chúng. Khi người ngu trông thấy cảnh này thì nghĩ mình cũng phạm tội như vậy, nếu vua biết, mình cũng sẽ bị bắt và chịu những cực hình như vậy, đây là loại sầu khổ thứ hai của người ngu.

P: (163, 26-27): Gần giống với những điểm khác nhau như trên. Trong khi bản C nói về một tội nhân, bản P nói về một kẻ trộm. Về các hình phạt khác nhau mà vua gia hình, bản P theo thứ tự sau: 1. Quất bằng roi, 2. Quất bằng gậy, 3. Đánh bằng roi, 4. Bị chặt hai tay, 5. Bị chặt 2 chân, 6. Tay chân đều bị chặt, 7. Bị xẻo tai, 8. Bị xẻo mũi. 9. Tai, mũi đều bị xẻo, 10. Hình phạt nồi cháo, 11. Cạo đầu như con sò, 12. Miệng như rahu, 13. Vòng lửa, 14. Đốt đuốc bằng bàn tay, 15. Vặn bằng cỏ, 16. Mặc áo vỏ cây, 17. Hình phạt con sơn dương, 18. Móc thịt, 19. Bị cắt từng lát như đồng tiền, 20. Bị ngâm giấm, 21. Bị quay bằng thanh sắt, 22. Hình phạt đệm rơm, 23. Rưới dầu sôi trên thân, 24. Cho chó xé thịt, 25. Bị đâm sống trên những cọc sắt, 26. đầu bị chặt đứt bằng gươm.

Nhận xét: Bản C kể 32 loại khổ hình trong lúc bản P chỉ kể 26. 14 hình phạt sau đây được tìm thấy trong cả hai bản: C1=P4, C2=P5, C3=P6, C4=P7, C5=P8, C6=P9, C7=P19, C8 và 9,10=P20, C14=P15, C23=P18, C24=P23, C28=P1, C29=P3, C30=P1. Ở đây, P20= C8,9,10 là nhổ râu, nhổ tóc, nhổ cả râu tóc.

Có 16 hình phạt trong bản C không có trong bản P. C11: bỏ vào trong cũi sắt; C12: bị gói trong vải mà đốt; C13: cửu khiếu bị đổ cát; C15: bị nướng trên lửa; C16: bị đặt vào bụng con lừa sắt và nướng trên lửa; C17: đặt vào miệng con heo sắt nướng trên lửa; C18: đặt vào miệng con cọp sắt nướng trên lửa; C19: luộc trong nồi đồng; C20: luộc trong nồi sắt; C21: thân thể bị cắt thành từng mảnh; C22: bị đâm bằng cọc nhọn; C25: bị đặt ngồi trong cối sắt và giã bằng chày sắt; C26: bị rồng cắn: C27: bị rắn cắn; C31: bị treo sống trên một sào cao; C32: bị treo ngược đầu.

12 hình phạt trong bản P sau đây không có trong bản C: P10: hình phạt nồi cháo; P11: đầu cạo như con sò; P12: miệng rahu; P13: vòng lửa, P14: đốt đuốc bằng bàn tay; P21: hình phạt vỏ cây; P22: hình phạt đệm rơm; P24: hình phạt cho chó xé xác; P25: bị đâm sống bằng những cọc nhọn, P26: bị chặt đầu bằng cây gươm.

iii) Loại sầu khổ thứ ba:

C: (60b,19): Khi một người ngu làm thân ác hành, ngữ ác hành và ý ác hành, khi vị ấy bị ốm và chịu những đau đớn, hoặc ngồi hoặc nằm trên một cái giường, trên một chỗ nằm hay trên đất, vị ấy chịu những đau khổ khốc liệt gần như chết và tất cả những thân ác hành, khẩu và ý ác hành bay lượn trên người ấy, đậu lại trên người ấy, như vào lúc hoàng hôn, cái bóng của một ngọn núi lớn lượn trên đất, đậu trên mặt đất. Vị ấy nghĩ rằng xưa kia mình đã không làm thiện hành, và đã làm nhiều việc bất thiện. Có chỗ nào cho những người ác, những kẻ bạo động, làm những việc điên rồ, những kẻ không làm thiện hành và các việc công đức, những kẻ không có chỗ trú ẩn chống lại những hậu quả đáng sợ, thì vị ấy chắc chắn sau này sẽ đi đến nơi ấy. Bởi thế, vị ấy hối hận những hành vi trước kia và do vậy, vị ấy không chết như một người thánh thiện, không chết như một người có công đức.

P: (164,24-32): Gần giống. P bỏ: vị ấy bị ốm và đau những nỗi đau khốc liệt gần như chết. P thêm: vị ấy chết nằm trên một cái ghế, một cái giường hay trên đất. Bỏ: bởi thế vị ấy hối hận những hành vi về trước của mình và do vậy vị ấy không chết như một bậc thánh, một người có công đức. Thêm: vị ấy than khóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh.

* Sau khi chết vị ấy sẽ tái sinh vào địa ngục:

i) Tái sinh vào địa ngục

C: (61a,4-6): Rồi kẻ ngu ấy do thân ác hành, ngữ và ý ác hành, sau khi chết sẽ bị sanh vào các cõi xấu, vào địa ngục. Khi ấy vị ấy chịu những ác báo, hoàn toàn khó chịu, không vui, không đáng muốn, vì địa ngục là một nơi hoàn toàn khó chịu, không vui, không đáng muốn.

P: (165,12-20): Gần giống, nhưng thêm: thật khó mà cho một ví dụ về sự khổ ở địa ngục.

ii) Ví dụ để tả thống khổ ở địa ngục:

C: (61a, 6-20): Khi ấy một Tỳ-kheo hỏi về nỗi khổ ở địa ngục, mà đức Thế Tôn mô tả là không thể nói, và Ngài đã đưa một ví dụ để làm sáng tỏ nỗi khổ trong địa ngục. Giả sử một kẻ cướp bị vua phạt phải bị đâm mỗi sáng bằng 100 cọc nhọn. Hình phạt được tái diễn vào buổi trưa và chiều, vì tội nhân vẫn còn sống; nhưng thân thể ông ta đã hoàn toàn bị đâm thủng bằng cọc nhọn như cái lỗ nơi một đồng tiền. Một lần đâm đã đau đớn vô cùng, nói gì đến 300 lần đâm trong một ngày. Rồi đức Phật nhặt lên một hòn đá nhỏ như hạt đậu mà bảo Tỳ-kheo so sánh nó với ngọn núi Tuyết. Vị Tỳ-kheo phải nhận rằng ngọn núi Tuyết là trăm ngàn triệu lần lớn hơn hòn đá. Khi ấy đức Phật dạy, nỗi khổ trong địa ngục là trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn lần, triệu lần đau đớn hơn nỗi khổ mà một tội nhân phải chịu trong một ngày bị đâm thủng bằng 300 cọc nhọn.

P: (165, 21-26): Gần giống, nhưng bỏ bớt "như lỗ một đồng tiền".

C: một hòn đá nhỏ như hạt đậu = P: hòn đá kích thước bằng bàn tay của Ngài.

iii) Khổ trong địa ngục:

C: (61b,20): Ở đây bản C kể ra 11 loại khổ hình trong địa ngục: 1. Khi một người sinh vào địa ngục, ngục tốt nắm lấy nó và dùng cưa nung đỏ chỏm đầu, làm cho nó thành một hình bát giác, hình vuông hay hình tròn, hoặc dài, hoặc ngắn, hoặc đẹp, hoặc xấu. Như vậy nó phải chịu cực hình đau đớn, cho đến 100 năm, 1000 năm mà vẫn không chết, cái chết chỉ đến khi các nghiệp ác bất thiện đã đoạn tận; 2. Cũng như trên, thay cưa nung đỏ bằng búa sắt nung đỏ; 3. Ngục tốt dùng một cọc sắt nung đỏ bắt nó ngồi lên trên, dùng những kềm sắt vặn mở miệng nó để rót những hoàn sắt nóng vào, đốt cháy môi lưỡi, họng, hầu, tim, bao tử, hoàn sắt đi ra phía dưới thân thể; còn lại cũng như trong trường hợp trước; 4. Cũng như ở trường hợp ba, thay cọc sắt nung đỏ bằng chuông sắt nung đỏ (?) và thay hoàn sắt nung đỏ bằng nước đồng sôi; 5. Ngục tốt bắt nó nằm trên một nền bằng sắt nóng, trói tay chân nó lại, bắt duỗi ra và dùng bù-lon sắt xoáy vào hai bàn tay, hai bàn chân và bụng; 6. Ngục tốt bắt nó quỳ trên đất, kéo lưỡi nó ra, để đóng lên 100 cái đinh cho nó nhả ra không được thụt vào, như một cái da bò bị căng ra bởi 100 cái đinh không co rút lại; 7. Ngục tốt lột da nó từ đầu đến chân, từ chân đến đầu và trói nó vào một xe sắt đỏ kéo đi qua lại trên nền đất sắt đỏ; 8. Ngục tốt nấu nước đồng sôi và bắt tội nhân rưới nước đồng sôi lên thân thể; 9. Ngục tốt dựng một ngọn lửa cao như núi, dìm tội nhân xuống dưới rồi kéo lên. Khi bị dìm xuống da thịt và máu của tội nhân cháy tiêu. Khi kéo lên, da thịt và máu lành lại như cũ; 10. Ngục tốt bỏ tội nhân chúc ngược đầu vào trong nồi đồng đầy nước sôi để luộc, thân thể tội nhân bị tung lên nhồi xuống khắp bốn hướng chính và bốn hướng phụ, bọt tuôn ra từ thân thể nó trở lại luộc chín thân thể nó; như những hạt đậu nhỏ đậu lớn, đậu trắng, đậu đen, đậu nâu và hột mù tạt, tất cả bỏ trong một nồi đồng đầy nước sôi mà luộc, thì những hạt đậu bên trong bị tung lên nhồi xuống khắp bốn hướng chính và bốn hướng phụ, những bọt tuôn ra lại luộc thân thể của chúng; 11. Địa ngục ấy có một ngục gọi là bốn sự hưởng thụ mãnh liệt; chúng sinh được sinh ra trong đó; khi mắt chúng thấy sắc, chúng không vui, nhưng chúng không thể không bằng lòng; tâm của chúng không tham ái nhưng cũng không thể không tham ái; tâm chúng không được thỏa mãn nhưng không thể không thỏa mãn; cũng vậy với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý nghĩ các pháp. Đức Thế Tôn dùng nhiều cách khác nhau để nói về ngục ấy, nhưng cái khổ trong ngục ấy không thể nào mô tả đầy đủ, địa ngục ấy chỉ có toàn là khổ.

P: (166, 18-32): Ở đây bản P chỉ kể bảy loại khổ trong địa ngục: C5=P1; C7=P4; C9=P5; C10=P6; C11=P7. Bản P bỏ : C1, C2, C3, C4, C6, C8. Bản C bỏ P2, P3.

C5=P1: Bản P bỏ: bắt nó nằm dài trên một nền sắt nóng. C: vặn một cái đinh sắt vào trong bụng = P: vặn một cái cọc sắt vào giữa ngực.

C7=P4: Bản P bỏ : ngục tốt lột da nó từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Nó chỉ nói chiếc xe, mà không nói xe đỏ rực, chỉ nói đất đỏ rực chứ không nói nền đất bằng sắt đỏ rực.

C9=P5: Bản P bỏ: khi nó bị dìm xuống, thì da thịt máu của nó bị đốt cháy và khi nó được kéo lên da thịt máu nó lại lành lại như cũ.

C10=P6: Bản P chỉ nói rằng, nó bị luộc và nổi lên trên mặt cùng với bọt, không giống bản C nói rằng, bọt thoát ra từ thân thể nó lại luộc thân nó. Bản P bỏ ví dụ đậu lớn đậu nhỏ luộc sôi.

C11=P7: Hoàn toàn khác. Ở đây bản C nói rằng, nó bị ngục tốt ở địa ngục ném vào trong địa ngục lớn, được mô tả là có bốn góc, bốn cổng, chia làm bốn phần bằng nhau, vây quanh bằng tường sắt, có mái sắt; nền của địa ngục này đỏ rực cùng khắp vuông vức 100 do tuần.

P2 và P3 không có trong bản C. P2: ngục tốt đặt nó nằm xuống và chặt nó ra bằng một cái rìu. P3: ngục tốt đặt nó chúc ngược đầu và cắt nó bằng những dao cạo.

iv) Nỗi khổ trong súc sinh:

C: (62a, 8-20): Người ngu có thể từ địa ngục tái sinh vào cõi súc sinh và ở đây nó cũng chịu những nỗi khổ khốc liệt. năm loại khổ được tìm thấy trong cảnh giới súc sinh: 1. Nó có thể được sinh vào cõi súc sinh, sinh ra lớn lên và chết trong bóng tối, nghĩa là làm côn trùng dưới đất. Vì kẻ ngu trước kia tham ăn và làm những hành vi xấu ác về thân, lời và ý, nên bây giờ bị sinh làm sâu bọ ở trong đất; 2. Nó có thể được sinh trong cõi súc sinh, sinh ra, lớn lên và chết trong thân thể như là những con vi trùng ký sinh nhỏ. Còn lại như trên; 3. Những con vật sinh ra lớn lên và chết ở trong nước, như cá, ma kiệt ngư (có lẽ là cá ở xứ Ma Kiệt Đà), rùa, cá sấu, bà lưu ni, đề tỷû (3 loại cá thần thoại có tầm cỡ khổng lồ); 4. Sinh làm loài nhai lại, loài ăn cỏ, ăn cây nhỏ và cây lớn, làm loài voi, ngựa, lạc đà, bò, cừu, nai, trâu nước, heo; 5. Sinh làm loài vật mà mỗi khi ngửi thấy mùi phân tiểu liền chạy đến ăn, cũng như những con trai, con gái nhỏ khi ngửi thấy mùi đồ ăn. Những con vật này là gà mái, heo, chó, dã can, quạ, câu lâu la, câu lân giàø (?). Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để nói về những con vật này, vì nỗi khổ trong cõi súc sinh không thể nói hết. Trong cõi súc sinh không có gì ngoại trừ khổ.

P: (167, 21-34): Cũng vậy, nó nói đến năm loại súc sinh nhưng không theo thứ tự như trên, những đoạn tương đương như sau: C1=P3; C2=P không có; C3=P4; C4=P1; C5=P2; P5=C không có.

C1=P3: Cũng vậy. C: côn trùng ở trong đất = P: kìtà pulave ganduppàdà (bọ hung, ốc sên, giun đất) và bất cứ con vật nào sinh ra, sống và chết trong bóng tối. C: do lòng tham ăn của chúng=P: do sự hưởng thụ vị ngon của chúng ở đây (trong cõi này).

C3=P4: Gần giống. Bản P chỉ kể ba loại thú vật: cá, rùa và cá sấu, và bất cứ con vật gì sinh ra, sống và chết trong nước.

C4=P1: Gần giống. Bản P nói chúng ăn rêu mốc và cỏ khô nhai bằng răng. Nó nói đến lừa, cừu, nai, và bất cứ con vật nào ăn cỏ.

C5=P2: Gần giống, nhưng chỉ nói đến phân mà không nói nước tiểu. Trong lúc bản C dẫn ví dụ những đứa bé trai gái chạy đến khi nghe mùi thức ăn, bản C nói đến những người Bà-la-môn chạy đến khi nghe mùi đồ cúng ném vào lửa. Bản P bỏ qua, câu lâu la và câu lân già.

P5=C: không có: Có những con vật sinh ra lớn lên và chết trong đống rác, như là những vật sinh ra lớn lên và chết trong cá thối, thây rữa nát, gạo thối, hoặc trong vũng nước ở đầu làng, hay bên cạnh làng.

v) Sự khó khăn để được trở lại thân người:

C: (62b, 1-8): Thật rất khó cho người ngu để có được thân người trở lại, khi đã bị sinh vào súc sinh, vì trong cõi súc sinh không có hành vi công đức, không có cử chỉ cung kính, không có điều thiện thù thắng. Súc sinh ăn lẫn nhau, con mạnh cắn xé con yếu, lớn nuốt nhỏ. Thật vô cùng khó cho một con ruồi mù, cứ một trăm, một ngàn năm mới chui đầu vào trong một cái lỗ của một cây gậy bằng gỗ nhẹ, cứ mỗi trăm năm nó lại nổi đầu lên một lần; khi nó nổi lên ở phương đông thì một ngọn gió đông thổi tốc cây gậy về phía nam; nó nổi lên từ phương nam thì một ngọn gió nam thổi tốc cây gậy về phía tây; nó nổi lên từ phía tây thì một ngọn gió tây thổi cây gậy về phía bắc; nếu nó nổi lên từ phía bắc, một ngọn gió bắc sẽ tung cây gậy về một hướng khác. Con rùa vẫn không thể nào đặt đầu nó vào trong lỗ dù trải qua một thời gian hết sức dài. Người ngu cũng gặp một khó khăn như vậy, một thời gian dài như vậy, để có thể sinh trở lại vào thế giới loài người sau khi đã sinh vào thế giới súc vật.

P: (169, 9-25): Cũng gần giống. C: rùa mù= P: rùa chột mắt. Bản P chỉ nói đến ngọn gió đông thổi tạt cây gậy về phía tây, ngọn gió tây tạt cây gậy về phía đông, gió bắc tạt cây gậy về phía nam, và gió nam tạt cây gậy về phía bắc.

C: người ngu cũng gặp một khó khăn như vậy, một thời gian dài như vậy, để được sinh vào cõi người trở lại từ cõi súc sinh = P: thực còn khó khăn hơn cho người ngu để...

vi) Sinh vào gia đình thấp kém:

C(62b,8-15): Người ngu từ cõi súc sinh được sinh vào các gia đình hèn hạ, bị nghèo, thiếu ăn, như gia đình những người cai ngục, thợ thuyền, những người thợ thủ công, thợ gốm. Tại đấy nó được sinh làm người mù, người què, tay ngắn, người gù lưng, sử dụng tay trái, da xấu, mặt cừu, xấu xí, thọ mạng ngắn ngủi, làm nô lệ cho kẻ khác, tại đấy nó làm những thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp xấu ác, và do vậy khi chết, nó lại sinh vào những cõi ác trở lại.Cũng như thể hai người chơi bài bạc với nhau. Một người vì bài bạc mà mất tôi tớ, vợ con, cho đến bị treo ngược trong nhà tối, sự mất mát này của y trong cờ bạc cũng không thể so sánh với nỗi mất mát mà y phải chịu khi làm những nghiệp ác về thân, lời và ý.

P: (169, 25-32): Gần giống. Ở đây những gia đình được kể hoàn toàn khác: thợ săn, đan giỏ tre, đánh xe bò, hốt rác. Nó sẽ xấu xí, lùn, bệnh hoạn, chột mắt, dị dạng, què quặt. C: không có đủ thức ăn = P: không thể kiếm được đồ ăn uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương liệu, đồ nằm, nhà ở, ánh sáng. Ví dụ cũng gần giống nhau. Bản P thêm sự mất mát tài sản, nhưng bỏ tôi tớ. C: bị treo ngược đầu trong nhà tối = P: bị bỏ tù.

* Trong NC85, có một mô tả chi tiết hơn về các địa ngục. Có sáu loại địa ngục, những địa ngục tương đương giữa hai bản như sau:

C1=P1, C2=P không có, C3=P2, C4=P5, C5=P4, C6=P6, P3= C không có.

i ) Đại địa ngục bốn cổng: C1= P1:

C64:(72a, 18-20): Sau khi tra vấn, huấn dụ, khiển trách người ấy về thiên sứ thứ năm, Diêm vương giao nó cho ngục tốt, người bỏ nó vào đại địa ngục bốn cổng, địa ngục này được mô tả trong bài kệ:

a) Bốn cột trụ có bốn cổng, tường vuông 12 góc; những bức tường được làm bằng sắt, trên lợp bằng mái sắt.

b) Nền sắt trong địa ngục cháy đỏ và sáng rực, sâu cho đến vô số dặm, nó được đặt dưới đáy nền.

c) Ngục ấy kinh khủng đến nỗi không chịu được và ngọn lửa thì thật khó mà nhìn đến; nhìn là rởn ốc, và nỗi sợ hãi đau đớn khốc liệt tấn công nó.

d) Khi nó rơi vào địa ngục, chân chổng lên đầu chúc xuống. Phỉ báng các bậc thánh và bậc điều ngự, những bậc thuần thiện. (Ở đây bài kệ dứt ngang).

Sau một thời gian dài thật dài, vì những chúng sinh này, cổng địa ngục phía đông mở ra và những chúng sinh kia ùa vào tìm sự an ổn, tìm sự trú ẩn. Khi chúng đã tụ tập đến số nhiều trăm ngàn, cổng phía đông ấy đóng lại, và những người kia ở bên trong chịu đau đớn khốc liệt rên la than khóc, tâm tư sầu khổ nằm dài trên đất. Chúng không thể chết, khi những nghiệp ác bất thiện của chúng trước kia chưa hết. Điều tương tự xảy ra ở ba cổng kia. Sau một thời gian dài thật dài, chúng ra khỏi đại địa ngục bốn cổng.

P130:(182,31-34): Không giống. Ở đây Diêm vương im lặng sau khi tra hỏi nó về thiên sứ thứ năm. Bản P thêm một đoạn trong đó ngục tốt cột nó vào một bánh xe răng cưa và bắt nó chịu một loạt các tra tấn như đã nói ở trước. Sự mô tả đại địa ngục bốn cổng không giống nhau. Trong một bài kệ chỉ bốn dòng, nó nói đơn giản rằng, địa ngục ấy có bốn góc và bốn cổng được chia đều, vây quanh bằng một bức tường sắt, trên có mái sắt, nền bằng sắt của nó đỏ rực và nóng cháy cả bốn phía, vuông vức một trăm do tuần. Ở đây bản P thêm một chi tiết trong sự mô tả đại địa ngục, ấy là những ngọn lửa đến từ bức tường đông, dội vào bức tường tây; những ngọn lửa từ bức tường tây dội vào bức tường đông. Cũng vậy với hai hướng kia và trên dưới. Nó cũng nói đến cánh cổng mở ra cho tội nhân ùa vào nhưng không nói chúng sinh tụ tập đến một trăm, một ngàn để tìm chỗ, trú.

C: những người bên trong chịu thống khổ khốc liệt rên la than khóc, tâm tư buồn thảm nằm dài trên đất = P: da mỏng, da dày, thịt, gân của nó bị đốt cháy và xương của nó đang cháy ngún. Mặc dù nó đến rất gần (cửa, hoặc nó đã chịu khổ như vậy rất lâu) mà cánh cửa vẫn đóng.

ii) Đại địa ngục núi cao: C2=P không có:

C: (72b,7-8): Rồi nó được sinh vào đại địa ngục núi cao, trong đó lửa liên tục cháy, không có khói, không có ngọn, và nó buộc phải đi trên đấy và quanh đấy. Khi nó đặt chân xuống thì da thịt máu của nó cháy tiêu. Khi nó giở chân lên thì da thịt nó lành lại như cũ. Như vậy nó chịu đau khổ mãnh liệt cho đến vô lượng trăm ngàn năm. Còn lại cũng như trên.

iii. Đại địa ngục phân uế: C3=P2:

C: (72b, 8-12): Sau một thời gian dài rất dài, nó ra khỏi đại địa ngục đỉnh núi cao và sinh vào đại địa ngục phân uế. Nơi đây phân và nước tiểu tích tụ lại sâu vô số trượng. Trong địa ngục ấy, có những chúng sinh giống như những con sâu tên là Lăng Cù có thân trắng, đầu đen, miệng như kim, những sinh vật này gậm khới chân của những chúng sinh ấy, rồi đến xương hậu môn, rồi đến xương mông, xương khoan cốt, xương sống, xương vai, xương cổ, xương đầu. Sau khi phá hủy xương đầu, những con sâu ấy ăn hết tất cả não ở bên trong. Còn lại cũng như trên.

P: (184, 31): Không giống. Nó nói rằng sát với đại địa ngục bốn cổng là đại địa ngục dơ uế và người ta rơi vào đấy, nhưng nó không nói loại dơ uế nào. Nó cũng nói đến sinh vật có miệng như chim cắt hết thịt và da thịt, gân xương của tội nhân, rồi ngốn ngấu tủy xương.

iv) Đại địa ngục rừng lá sắt: C4 = P5:

C: (72b, 12-18): Sau một thời gian dài rất dài, những người ấy ra khỏi đại địa ngục dơ uế và sinh vào đại địa ngục rừng lá sắt. Khi trông thấy địa ngục này, chúng tưởng nó mát mẻ và ùa vào để tìm an ổn, tìm chỗ trú. Chúng tụ tập đến vô số trăm ngàn và vào trong ngục này.Ở đấy một ngọn gió thiêu đốt thổi mạnh từ bốn phía đến và những ngọn lá bằng sắt rụng xuống cắt tay, chân chúng, cắt cả tay lẫn chân, cắt tai, cắt mũi, cắt cả tai lẫn mũi, và những thân phần khác của chúng tuôn ra máu cho đến vô số trăm ngàn năm. Trong ngục này có những con chó vô cùng lớn với những cái răng rất dài xé những chúng sinh ấy ra từng mảnh, lột da từ chân lên đầu, từ đầu đến chân rồi ăn. Trong địa ngục ấy, có những con quạ lớn có hai đầu và một chiếc mỏ sắt. Chúng đứng trên trán của những người ấy, móc mắt họ ra mà ăn, chẻ đầu họ ra mà ăn tủy bên trong.

P: (185, 20-26): Không giống hẳn. Ở đây địa ngục được gọi là rừng lá gươm. Nó chỉ nói rằng lá ở đây khi gió lay động thì cắt đứt tay, chân, cả tay lẫn chân, cắt tai, mũi, cả tai lẫn mũi.

v) Đại địa ngục rừng cây bằng gươm sắt: C5=P4:

C: (72b, 19-20): Sau một thời gian dài rất dài, những chúng sinh ấy ra khỏi đại địa ngục rừng lá sắt và được sinh vào đại địa ngục rừng gươm sắt, và những cây lớn bằng gươm này cao một dặm, những lá nhọn dài đến sáu mét. Chúng được lệnh phải leo lên xuống những cây ấy. Khi chúng leo lên, thì những lá nhọn đâm xuống, khi chúng leo xuống thì những lá nhọn đâm lên. Những lá nhọn này đâm xuyên qua những người ấy, đâm thủng tay chân, cả tay lẫn chân, đâm thủng tai, mũi, cả tai lẫn mũi, đâm thủng những thân phần khác cho máu đổ ra.

P: (185, 14-19): Không giống hẳn. Ở đây đại địa ngục được gọi là rừng cây bông vải. C: cao một dặm với những lá nhọn dài sáu thước = P: cao một do tuần với những lá nhọn dài 16 ngón tay. Nó chỉ nói rằng những lá nhọn này cháy đỏ rực, và người ta bị bắt phải leo lên leo xuống.

vi) Đại địa ngục sông tro:C6 = P6:

C: (73a, 1-14): Sau một thời gian dài thật dài, những chúng sinh ấy ra khỏi đại địa ngục rừng gươm sắt, và sinh vào đại địa ngục sông tro. Cả hai bờ rất cao, được vây quanh bằng những cọc nhọn; bên trong rất đen tối và nước tro đang sôi sục. Những chúng sinh này, khi trông thấy, tưởng là nước mát lạnh, ùa vào để tắm và uống cho thỏa thích. Khi chúng tụ tập đến vô số trăm ngàn, chúng rơi vào sông ấy và tại đấy chúng bị cuốn đi xuôi dòng, ngược dòng, xuôi rồi ngược dòng, da thịt chúng bị bỏng và lột ra chỉ còn lại bộ xương. Hai bên bờ những ngục tốt võ trang bằng dao, gươm, gậy, gậy bọc sắt, đẩy chúng lại vào giữa dòng, nếu chúng cố leo lên bờ. Lại nữa trên hai bờ sông, có những ngục tốt trang bị bằng móc câu và lưới, móc những chúng sinh này lên, đặt trên những nền sắt nung đỏ, ném trên đất, làm chúng bò khắp chỗ này chỗ kia và hỏi chúng từ đâu đến. Chúng đáp rằng, không biết từ đâu đến, nhưng hiện tại hết sức đói. Rồi những ngục tốt ấy đặt chúng trên những giường sắt đỏ, đốt cháy chúng, buộc chúng ngồi lên trên. Khi ấy ngục tốt lấy một cây kềm bằng sắt nóng đỏ, vặn cho miệng chúng mở ra mà đổ những hoàn sắt nóng vào. Hoàn sắt đỏ này đốt cháy môi, lưỡi, hầu, họng, tim, ruột non, ruột già, bao tử của chúng rồi đi ra đầu kia của thân thể. Những ngục tốt hỏi chúng sẽ đi đâu. Chúng đáp rằng không biết đi đâu, nhưng đang khát nước lắm. Cũng hình phạt như trên được đặt ra, nhưng bây giờ ngục tốt lại đổ nước đồng sôi vào miệng chúng. Rồi những chúng sinh ấy lại rơi vào trong địa ngục sông tro, trong đại địa ngục rừng gươm sắt, trong đại địa ngục rừng lá sắt, trong đại địa ngục dơ uế, đỉnh cao, trong đại địa ngục bốn cổng.

P: (185, 27-33): Không hẳn giống. C: sông tro = P: khàrodakà. Bản P không tả sông này, chỉ nói nó rơi vào thứ nước ăn mòn này, bị mang đi ngược dòng, xuôi dòng, ngược và xuôi dòng, và nó chịu sự đau đớn khốc liệt không thể nói. Mọi chi tiết khác đều không có.

Bản P cũng nói hai trường hợp ngục tốt vớt nó ra bằng móc câu và hỏi nó muốn gì. Khi nó trả lời lần đầu rằng nó đói và lần hai rằng nó khát, thì chúng mở miệng nó ra bằng một cọc sắt nung đỏ và đẩy vào miệng nó lần đầu một hoàn sắt nóng đỏ và lần hai nước đồng sôi. Hoàn sắt đỏ và nước đồng sôi đốt cháy môi, miệng, cuống họng, ngực, và đi xuống dưới, mang theo ruột non, ruột già của nó. Rồi ngục tốt đặt nó lại trong đại địa ngục.

P3: Bản P thêm một địa ngục khác gọi là địa ngục than nóng, nó rơi vào đấy, chịu đựng những thống khổ khốc liệt.

* Trong NC75, đức Phật giải thích rằng những nơi sinh tùy thuộc vào nguyện vọng của tâm mình. Nhưng đoạn này trong hai bản khác nhau quá xa đến nỗi không thể nào nghiên cứu tỷ giảo từng phần. Bởi thế ở đây hai bản được đề cập riêng rẻ.

i) Sơ thiền thuộc sắc giới:

C168: (13a,19-20): Có Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với giác, quán, với hỷ và lạc do ly dục sinh, rồi vị ấy thích hưởng thụ và trú trong thiền ấy. Do thích thú như vậy, vị ấy an hưởng và trú trong thiền này. Khi chết vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời Phạm thiên. Chư thiên cõi này sinh ra và trú trong cõi Phạm thiên. Cảm thọ hỷ lạc do ly dục sinh; hỷ lạc này tương tự với hỷ lạc của vị Tỳ-kheo chứng sơ thiền, bởi vì do tu tập thiền này mà vị ấy sinh lên Phạm thiên giới.

ii) Nhị thiền cho đến tứ thiền:

C: (13b, 2-11): Với sự tu tập thiền thứ hai, vị ấy sẽ tái sinh vào Quan âm thiên; do tu tập thiền thứ ba, vị ấy sẽ sinh vào Biến tịnh thiên; do tu tập thiền thứ tư, vị ấy sẽ sinh vào Quảng quả thiên.

iii) Bốn thiền Vô sắc giới:

C: (13b,11-20): Do tu tập sơ thiền, vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời Không vô biên; do tu tập nhị thiền, vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời Thức vô biên; do tu tập tam thiền, vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời Vô sở hữu; do tu tập tứ thiền, vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng.

iv) Tối thượng thiền:

C:(14a, 4-6): Khi ấy vị Tỳ-kheo vượt trên thiền Phi tưởng phi phi tưởng, với trí tuệ biết được sự diệt tận của thân xúc, vị ấy biết sự đoạn tận tất cả lậu hoặc. Như vậy thiền này là tối thượng trong tất cả thiền, thù thắng nhất, vi diệu nhất. Trú trong thiền này, vị Tỳ-kheo không còn tái sinh trở lại, chấm dứt sinh già, bệnh, chết; đây gọi là sự chấm dứt của khổ.

* Bản P kể đến 34 trường hợp để làm sáng tỏ sự giải thích của đức Phật:

i) Trường hợp thứ nhất:

P120: (99, 22-27): Vị Tỳ-kheo có tín, giới, văn, ưa bố thí, có trí tuệ. Vị ấy mong rằng sau khi chết, sẽ sinh cộng trú với những bậc thánh và những người giàu (khattiyamahàsàlà). Vị ấy chuyên chú tâm vào điều này, tu tập tâm theo điều này. Những hành (sankhàrà) này và những trú (vihàrà) này được khai triển, phóng đại, sẽ đưa vị ấy tái sinh tại đấy.

ii) Trường hợp thứ hai cho đến 33:

P: (100, 4-33): Những trường hợp này cũng giống như trường hợp đầu, chỉ khác ở chỗ những người mà Tỳ-kheo thích sinh cộng trú. Chúng như sau: Bà-la-môn giàu có, gia chủ giàu, trời Tứ thiên vương, Tam thập tam, Dạ ma, Đâu suất đà, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, Phạm thiên Sahasso, Phạm thiên Devisahasso, Phạm thiên Tisahasso, Phạm thiên Catusahasso, 5 sahasso, 10 sahasso, 100 sahasso, Abhà devà, Parittabhà devà, appamànàbhà devà, Quang âm thiên (Abhassarà devà), Subhà devà, parittasubhàdevà, Appamànasubhà devà, Subhakinnàdevà, Quảng quả thiên (Vehapphalà devà), Vô phiền thiên (Avihà devà), Vô nhiệt thiên (Atappa devà), Thiện kiến thiên (Sudassi devà), Sắc cứu cánh thiên (Akanitthà devà), Không vô biên xứ thiên (Àkàsànancàyatanùpagà devà), Thức vô biên xứ thiên (Vinnànancàyatanùpagà devà), Vô sở hữu xứ thiên (Àkincannàyatanùpagà devà), Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên (Nevasannànàsannàyatananùpagà devà).

iii) Trường hợp thứ 34:

P: (103, 15-22): Ở đây vị Tỳ-kheo sau khi đoạn tận lậu hoặc, với thắng trí chứng được, ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc, mong an trú tâm đó. Như vậy vị Tỳ-kheo sẽ không sinh lại bất cứ ở đâu.

2. Bảy thanh tịnh:

Bảy thanh tịnh được đề cập trong NC20 như sau:

C9: (12a,38): Tôn giả Xá-lợi-tử vào buổi chiều ra khỏi thiền định đi đến nơi Tôn giả Mãn Từ Tử, chào hỏi rồi ngồi xuống một bên và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử : Này hiền giả, có phải hiền giả đang sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm? - Thưa vâng. Hiền giả, có phải hiền giả sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm để được giới thanh tịnh? - Không. Có phải vì tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì dĩ đạo tích đoạn trí tịnh (sự thanh tịnh khởi lên do trí tuệ đoạn trừ lậu hoặc để đi sâu vào đạo) mà hiền giả sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm? - Không. Hiền giả, tôi đã hỏi, có phải hiền giả sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm, hiền giả trả lời phải. Khi tôi hỏi có phải vì giới thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh..... mà hiền giả sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm, hiền giả đều trả lời không. Vậy hiền giả vì mục đích gì sống đời phạm hạnh dưới Sa-môn Cù Đàm? - Thưa hiền giả, vì mục đích Vô dư Niết-bàn.

P24: (147, 11-37): Gần giống, với vài dị biệt nhỏ.

C: vì để thanh tịnh chướng ngại hoài nghi = P: kankhàvitaranavisuddhattham, đoạn nghi thanh tịnh.

C: vì thanh tịnh khởi lên do tri kiến đoạn tận đi sâu vào đạo = P: nànadassanavisuddhattham, vì sự thanh tịnh tri kiến.

C: vì Vô dư Niết-bàn = P: anupàdà parinibbànattham, vì Niết-bàn vô thủ trước.

Như vậy bảy thanh tịnh giống nhau trong hai bản, chỉ hơi khác nhau về danh từ.

3. Cetovimutti, Pannàvimutti : Tâm giải thoát, tuệ giải thoát

Hai pháp này được đề cập trong NC 25, 30, 47, 69, 74, 75 và 82.

Trong NC 74, hai pháp này được đề cập như sau:

C81:(v, 114b, 15-17): Khi ấy vị Tỳ-kheo có thể đắc các thần thông, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng trí, sinh tử trí. Rồi với sự đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy chứng trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc, vị ấy đắc quả A-la-hán.

P119: (iii,98, 2-28): Gần giống. Ở đây bản P nói dông dài như thường lệ về các thần thông thiên nhãn cho đến sinh tử trí. Hai giải thoát cũng giống nhau. Ở đây bản P, bỏ không nói rõ sự chứng đắc quả A-la-hán.

NC30 hiển thị làm thế nào để đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát:

C211: (vii, 85b, 19-20). Hỏi: Có bao nhiêu pháp tương ưng với chính kiến để đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát, để có được công đức về tâm giải thoát, tuệ giải thoát? Đáp: Có năm yếu tố tương ưng với chánh trí để có được tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Gì là năm? a. Tương ứng với sự thật; b. Tương ưng với giới; c. Tương ưng với đa văn; d. Tương ưng với tịnh chỉ; e. Tương ưng với tuệ quán.

P43: (I,294, 4-15): Câu hỏi như trên, nhưng câu trả lời hơi khác. C: quả và công đức = P: quả và lợi ích. Trong bản P, năm pháp là: giới, đa văn, thảo luận, chỉ và quán.

NC82 chỉ bàn về tâm giải thoát :

C79: (v,108b, 13-20): Tôn giả A Na Luật Đà giải thích đầu tiên đại tâm giải thoát. Có một Sa-môn hay Bà-la-môn đến nơi một khu rừng hay dưới gốc cây, hay một nơi yên tĩnh. Tại đấy vị ấy chọn một cây làm giới hạn và biến mãn đại tâm giải thoát cho đến giới hạn ấy và trú trong đó, không ra khỏi giới hạn này. Rồi vị ấy bỏ một cây làm giới hạn, chọn hai, ba cây làm giới hạn, rồi từ từ đến một khu rừng, hai, ba khu rừng, một ngôi làng, hai, ba ngôi làng, một xứ sở, hai, ba xứ sở rồi đến đại địa này, cho đến đại dương. Đây gọi là đại tâm giải thoát. Còn về vô lượng tâm giải thoát, một Tỳ-kheo trú sau khi biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, bốn phương trung gian, trên, dưới, trải ra khắp nơi với tâm từ, không hận, không sân, không giận dữ, không tranh chấp, vô cùng lớn, vô cùng rộng, xa đến khắp thế giới và an trú trong đó. Cũng vậy với một tâm câu hữu với bi, hỷ, và xả. Đây gọi là vô lượng tâm giải thoát.

P127: (iii,146, 8-30): Gần giống. Bản P giải thích vô lượng tâm giải thoát trước, rồi đến đại tâm giải thoát. Về đại tâm giải thoát, cũng gần giống như vậy, nhưng những giới hạn được đặt ra hơi khác, trước hết là một gốc cây, rồi đến hai, ba gốc cây, phạm vi một khu làng, hai, ba khu làng, một vương quốc, hai, ba vương quốc và quả đất vây quanh đại dương. Về vô lượng tâm giải thoát cũng gần giống nhau.

Nhưng trong NC30, có một loạt những hỏi đáp liên hệ đến tâm giải thoát không có trong bản C.

P43: (296, 24-31): Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện để đạt tâm giải thoát không vui không khổ? Đáp: Có bốn điều kiện để đạt tâm giải thoát không vui không khổ. Một Tỳ-kheo sau khi đã từ bỏ lạc thọ, khổ thọ, sau khi đã giảm bớt hỷ và ưu từ trước, chứng và trú thiền thứ tư với xả và niệm.

P: (296, 24-31): Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện để đạt đến tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để đạt tâm giải thoát vô tướng. Đó là không tác ý tất cả tướng, và tác ý vô tướng giới.

P: (296, 36-37): Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện để trú trong tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có ba điều kiện để trú trong tâm giải thoát vô tướng, đó là không tác ý tất cả tướng, tác ý đến vô tướng giới, và một sự chuẩn bị trước.

Hỏi: Gì là những điều kiện để xuất khỏi tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để ra khỏi tâm giải thoát vô tướng, đó là tác ý tất cả tướng và không nghĩ đến vô tướng giới.

P: (297, 9-37): Bản P khởi sự bằng cách giải thích rằng, nhờ thực hành bốn phạm trú, vị Tỳ-kheo đạt đến tâm giải thoát vô lượng, nhờ thực hành tu tập vượt qua thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ, mà vị Tỳ-kheo đạt được tâm giải thoát vô sở hữu; bằng cách đi đến một chỗ trống và suy tư về sự trống rỗng của tự ngã và những gì thuộc về tự ngã, vị Tỳ-kheo được không tâm giải thoát, và nhờ không nghĩ đến tất cả tướng bằng cách nhập định vô tướng, vị ấy đạt tâm giải thoát vô tướng. Như vậy đây là phương pháp theo đó những tâm giải thoát này khác nhau về nghĩa cũng như về văn. Lại nữa bản P giải thích rằng nhờ tận trừ tham, sân, si, những yếu tố dễ sản sinh ra cái gì hạn lượng, chướng ngại, có tướng, mà vị Tỳ-kheo có được tâm giải thoát vô lượng, vô sở hữu, không, vô tướng. Như vậy do phương pháp này, bốn tâm giải thoát đồng nghĩa nhưng khác văn.

Trong NC69, có nhắc đến ba loại giải thoát nhưng chỉ trong bản C:

C145: (vi,78a 15-10): Chu Nê Mục-liền-liên hỏi: Có gì khác nhau giữa sự giải thoát của Như lai không chấp thủ, hoàn toàn và chân chính giác ngộ, với tuệ giải thoát, và sự giải thoát của A-la-hán? Giải thoát nào cao hơn. Tôn giả A Nan trả lời : Không có khác nhau giữa ba thứ giải thoát này, không cái nào cao hơn cái nào.

4. Đạo, quả và lậu tận trí (Magga, phaala, àsavakhayanànam):

Trong NC19, ba đạo và ba quả đầu tiên được đề cập.

a) Dự lưu:

C200:(vii, 66a, 18-20): Nếu ba kiết sử được đoạn tận, vị ấy đắc quả Tu đà hoàn không còn rơi lại vào ác pháp và chắc chắn được toàn giác; vị ấy sẽ tái sinh nhiều nhất là bảy lần trong cõi trời và người, sau đó sẽ chấm dứt đau khổ.

P22: (i, 141, 35-47) Gần giống. C: ba kiết sử được đoạn tận = P: tìni samyojanàni pahìnàni. C: không còn rơi lại vào các ác pháp = P: avinipàtadhammà (không phải đọa vào địa ngục). C: chắc chắn đạt được toàn giác = P: niyatà sambodhiparàyanà. Bản P bỏ : nhiều nhất vị ấy sẽ tái sinh vào cõi trời và người; sau khi sanh lại bảy lần, vị ấy sẽ chấm dứt khổ.

b) Nhất lai:

C: (66a, 17-18): Nếu ba kiết sử được đoạn tận, tham, sân, si bị muội lược (mỏng bớt), vị ấy đạt quả vị Nhất lai, trở về thế giới chư thiên và nhân loại một lần nữa rồi chấm dứt khổ.

P:(144,31-35): Gần giống, nhưng bỏ "chư thiên và nhân loại".

c) Bất hoàn:

C: (66a, 15-17): Nếu năm hạ phần kiết sử được từ bỏ, khi chết, vị ấy sẽ được tái sinh tại chỗ ấy và từ đấy đạt Niết-bàn, chứng quả Bất hoàn, không trở lui đời này nữa.

P:(141, 26-30): Gần giống. C: nếu năm hạ phần kiết sự được đoạn tận = P: panc' orambhàgiyàni samyojanàni pahìnàni. Bản P thêm: opapàtikà (tự nhiên hóa sinh).

d) A-la-hán và lậu tận:

Trong NC16, sự đắc A-la-hán quả và lậu tận trí được đề cập dông dài như sau:

C102 (vi, 24b,6-9): Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng, với tâm khéo tập trung và bất động, vị ấy hướng tâm về chứng ngộ, chứng đạt lậu tận trí. Khi ấy vị ấy như thật biết khổ, tập khởi của khổ, đoạn diệt của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ. Vị ấy cũng biết như thật các lậu hoặc, sự sinh khởi lậu hoặc, sự chấm dứt lậu hoặc, như thật biết con đường đưa đến chấm dứt lậu hoặc. Vị ấy đạt đến trí như vậy, kiến như vậy, với tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Khi đã giải thoát vị ấy biết mình đã giải thoát, sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì đáng làm đã làm xong; sẽ không còn hiện hữu. Đây là tri kiến chân thật của vị ấy.

P19:(i, 23, 11-26): Gần giống. C: với tâm định tĩnh như vậy, thuần tịnh, không lỗi lầm, không cấu nhiễm, nhu nhuyến, dễ sử dụng, với tâm khéo tập trung và bất động = P: evam samàhite citte parisuddhe pariyodàte anangane vigatùpakkilese mudubhùte kammaniye thiteànejjappatte. C: tri kiến của vị ấy chân thật = P: abhhannàsim (tôi biết như vậy).

Trong NC67, quả A-la-hán được đề cập cách khác :

C75: (v,103a, 17-20): Tôn giả A Nan nói rằng đức Thế Tôn đã nói đến con đường hoàn toàn bất động, con đường thuần tịnh không vô biên xứ, con đường thuần tịnh vô tưởng, Niết-bàn vô dư y. Rồi Tôn giả hỏi Phật, xin Ngài giải thích gì là sự giải thoát của bậc thánh. Phật giải thích rằng, vị thánh đệ tử đa văn tư duy như sau: Nếu có những dục lạc nào hiện thời ở đây và mai sau, có sắc pháp nào hiện thời ở đây và mai sau, có tưởng về dục nào hiện thời ở đây và mai sau, có tưởng về sắc và bất động nào hiện thời ở đây và mai sau, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tất cả những tưởng này đều vô thường, khổ và phải hoại diệt. Cái này được gọi là thuộc về tự ngã. (Vị ấy quán sát rằng) nếu có cái gì thuộc về tự ngã thì sẽ có sanh, già, bệnh, chết. Nếu có pháp nào trong đó tất cả những thứ này đều được đoạn tận, không dư tàn, không còn hữu nào khác, thì sẽ không còn tái sinh, không còn già, bệnh và chết. Nếu vị thánh tư duy như vậy, nếu có dư tàn thì đấy là pháp giải thoát; nếu có Niết-bàn không dư y, thì đấy gọi là bất tử (ambrosia). Nếu vị ấy tư duy như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Khi được giải thoát vị ấy biết mình đã giải thoát. Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì đáng làm đã được làm xong, sẽ không còn hiện hữu. Chân thật là trí của vị ấy.

P106:(ii, 265, 21-31): Ở đây Tôn giả A Nan tán thán là kỳ diệu, hy hữu, và nói rằng, bằng cách này cách kia, đức Phật đã giảng dạy sự vượt qua bộc lưu. Rồi Tôn giả hỏi về thánh giải thoát. Bản P cũng nói cùng những pháp ấy để quán tưởng, nhưng với thứ tự khác. Trong bản P, sự quán sát của vị Tỳ-kheo rất đơn giản: "Esa sakkàyo yàvatà sakkàyo etam amatam yadidam anupàdà cittassa vimokho" (Bất cứ gì thuộc thân thể là thân thể. Nhưng xa hơn thì chính bất tử này là tâm giải thoát không chấp thủ).

Chúng ta đã thấy ở trên, sự chứng đắc A-la-hán quả nhờ quán bản chất của các uẩn, quán xả, quán bốn phạm trú hay bốn vô lượng.

Nhận xét: Như vậy nhìn chung, ta có thể nói đoạn nói về tuệ không có nhiều dị biệt giữa bản C và bản P. Nhưng có ba điểm khác nhau quan trọng cần chú ý: bản C nói có 62 giới trong khi P chỉ có 41 giới; bản C nhấn mạnh hiện hữu của khổ trong quá khứ, hiện tại, và vị lai và định nghĩa các hành vi được cho phép. Lại nữa, về mô tả các loại tra tấn hay hình phạt khác nhau, các loại địa ngục, hai bản không giống nhau. Tất cả những điều này chứng tỏ hai bản dịch có ít nhiều biệt lập trong sự chọn lựa tài liệu, và mỗi bên phản ảnh giáo điều của bộ phái mình tiêu biểu.



Đầu trang | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 2.6 | 2.7
| 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | Mục lục

[Trở về Thư Mục]
02-09-2001