BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập III

-ooOoo-

Dòng nước tử sanh

"Hỡi này các tỳ-khưu! Trên thế-gian có bốn hạng người sau đây:

- Người thả mình trôi theo dòng nước;
- Người bơi lội ngược dòng;
- Người chế-ngự được dòng nước lũ;
- Bậc sa-môn vượt qua dòng nước để lên bờ bên kia và đứng vững trên đất liền.

"Vậy người thả mình trôi theo dòng nước là thế nào?".

"Ðó là trường-hợp của người có tánh buông-tuồng, bê-tha theo ngũ-trần; không thấu rõ tội phước".

"Còn kẻ bơi lội ngược dòng?"

"Là người không để mình bị chìm đắm trong ngũ-trần, lục-dục; không hành-động xấu-xa, tội-lỗi; biết ghê sợ các điều thống-khổ, khóc-lóc, than-van; dứt bỏ tất cả để đi tìm sống cuộc đời phạm hạnh; đem hết tâm-lực trau-giồi giới-luật ngày thêm trong sạch, thanh-cao".

"Còn kẻ chế-ngự được dòng nước lũ?"

"Ðó là người đã điều-ngự được nội-tâm; cắt đứt hoàn-toàn năm sợi dây trói mình vào thế-sự nhơ bẩn thấp-hèn. Sau khi từ-giã cõi trần, người được sanh về thiên-giới rồi chứng quả Niết- Bàn, không còn trở lại thế-gian này nữa (A Na Hàm)".

"Hỡi này các tỳ-khưu! Còn bậc sa-môn đã lướt qua khỏi dòng nước lũ, sang đến bờ kia và đứng vững trên đất liền là thế nào?"

"Ðó là nói về bậc xuất-gia biết dùng trí-tuệ siêu-nhân, sắc bén, để chặt đứt cội-rễ cái tâm ái-dục. Người rất an vui tự-tại, chẳng chút bợn nhơ, như ngọc kim-cương trong sáng, và đã làm xong mọi việc phải làm trên cõi thế (A La Hán)".

Sau đây là một chuyện ngụ ngôn:

"Cũng như người kia thấy con sông xuyên qua một vùng cảnh-vật xanh tươi hấp-dẫn, nước chảy êm-đềm, trong-trẻo mát-mẻ, hứng-chí lao mình xuống thả trôi theo dòng nước, không cần suy-nghĩ lợi-hại như thế nào.

Lúc đó, có một kẻ thức-thời đứng trên bờ sông la lên:

"Hỡi người kia! Rất nguy hại đấy. Ngươi chớ khá dễ ngươi. Con sông này có vẻ đẹp đẽ, xuyên qua vùng cây cỏ xanh tươi hấp-dẫn, nước chảy êm-đềm, trong-trẻo mát-mẻ, nhưng nếu ngươi hờ-hững, ham vui, lao mình xuống, khi ra khúc hạ-lưu thì sẽ bị sa vào hố sâu vực thẳm. Tại đó có sóng to gió lớn, nước xoáy bạo-tàn, có nhiều loài thủy quái và cá mập hung-hăng. Chừng đó, sẽ nguy hại đến tính-mệnh và ngươi sẽ gặp khổ-sở trăm bề".

Nghe vậy, người ấy liền dùng hết sức mình, với hai tay, hai chân, cố gắng bơi trở lên ngược dòng để thoát nạn".

"Hỡi này các tỳ-khưu!

- Dòng sông tượng-trưng cho lòng tham-lam khao-khát.
- Phong-cảnh đẹp đẽ, hấp-dẫn, trong vùng là mười giây trói chặt chúng-sinh vào vòng sanh tử.
- Những hố sâu ở hạ-lưu là năm điều chướng-ngại xô đẩy con người sa vào cảnh-giới thấp-hèn.
- Sóng to gió lớn ám-chỉ cái tâm sân-hận, ganh tị, oán-thù.
- Xoáy nước là những dục lạc của sắc trần.
- Cá mập là điều cám-dỗ tai-hại của phụ-nữ.
- Bơi lội ngược dòng là quyết-tâm dứt bỏ việc đời, tìm phương cứu rỗi.
- Ðem hết sức của hai tay, hai chân, bơi lên ngược dòng là tinh-tấn trau-giồi nghị-lực, cố công hành đạo, cho mau dứt khổ".

Lời của soạn-giả:

Trong kinh Tạp A Hàm (Samyutta Nikaya) có câu Phật-Ngôn: "Ðến một thời-gian nào đó, nước biển cả cạn khô và nước không còn nữa. Ðến một thời-gian nào đó, quả địa-cầu bị thiêu-hủy, vỡ tan, và đất không còn nữa. Nhưng các điều thống-khổ vẫn tồn-tại. Chúng-sinh vẫn bị màn vô-minh che lấp, vẫn sa vào cạm bẫy ái-dục và vẫn chen lấn nhau, hối-hả nhảy vào vòng sanh tử".

Ðức Phật cho chúng-sinh thiếu khôn ngoan lại thường có tánh dễ-duôi, gặp nơi nào có trò chơi khoái-lạc thì bươn-bả xông vào, bất chấp hậu-quả sẽ ra sao.

Bốn vật chướng-ngại quan-trọng đánh đổ bậc xuất-gia là: tiền bạc,  lễ vật, lời  ngợi-khen và phụ-nữ.

Trong kinh Sưu Tập Pháp (Pakinnakadhamma) do
Đại đức Hộ Tông soạn dịch, có chép rằng lễ vật và lời ngợi-khen là miếng mồi của ngư-ông móc vào lưỡi câu. Thầy tỳ-khưu nào bám phải lưỡi câu tai-hại đó ví như nuốt mồi của ma-vương rồi bị hại. Cũng như con cá mắc phải lưỡi câu của ngư-ông và mất mạng.

Kinh Sưu Tập Pháp có ghi tiếp: "Chó chóc mang bệnh ghẻ, rụng hết lông, nổi mụt mủ khắp mình, đi kiếm ăn nơi khô ráo cũng không yên, ở dưới bóng cây, nằm nơi khoảng trống và đi đến bất cứ nơi nào cũng đều chịu khổ-sở, chẳng được yên thân".

Thầy tỳ-khưu bị lễ vật và lời ngợi-khen đè nén nội-tâm rồi, dù đi đến nơi thanh-vắng cũng không yên, đến ngụ nơi khoảng trống, dưới bóng cây hay bất cứ nơi nào cũng không yên và rất khổ-sở, gặp nhiều tai-hại. Lễ vật và lời ngợi khen hằng cắt đứt da, đứt xương, rồi đến tủy xương. Thầy tỳ-khưu mắc phải chúng, sau khi chết sẽ bị sa vào bốn đường ác-đạo. Cũng như chó chóc mang bệnh phải chịu khổ-sở trăm bề.

Thảm-họa thứ hai là phụ-nữ mà Ðức Phật ví như loài cá mập háo ăn, nên dạy các đệ-tử ráng ghi nhớ biết mình mỗi khi tiếp-xúc. Khi tâm-tư của thầy tỳ-khưu bị xao-xuyến vì thinh sắc phụ-nữ rồi, tuy thân xác còn ẩn-náu dưới mái thiền-môn, nhưng tâm-địa đã rời xa cửa Phật.

 

Ðức  Phật  giải  về  tư-cách  vô-thường của  những  cảnh-vật  thiên-nhiên

"Hỡi này các tỳ-khưu! Trong thời quá-khứ xa-xăm, hòn núi Vipula này mang tên là Kim Qui. Dân chúng trong vùng gọi là giống người Rohitassa. Họ sống lâu tới ba vạn tuổi, phải mất ba ngày để leo lên núi và hết ba ngày để trở xuống. Khi đó, nhằm thời-kỳ Ðức Phật Konayamana (Cù Lưu Tồn) xuất-thế. Ngài có hai người đệ-tử đặc-sắc nhất, là Bhiyyosa và Uttara. Thời-gian sau đó, cái tên núi Kim Qui không còn nữa và dân chúng Rohitassa đều phân-tán. Ðức Phật Konayamana cũng nhập Niết-Bàn".

"Này các tỳ-khưu, tính-cách giả tạm không bền vững của những vật cấu-tạo là như thế".

"Lâu sau đó, trái núi Vipula này mang tên mới là Thanh Sơn. Dân chúng tại đây thuộc giống người Suppiyas. Họ sống được hai vạn năm, phải mất hai ngày để trèo lên núi và hết hai ngày để trở xuống. Lúc đó, nhằm thời-kỳ Ðức Phật Kassapa (Ca Diếp) ra đời. Ngài cũng có hai trò ưu-tú nhất, là Tissa và Bharadvaja. Rồi sau đó, cái tên núi Thanh Sơn không còn nữa, giống người Suppiyas biến mất và Ðức Phật Kassapa cũng nhập Niết-Bàn".

"Này các tỳ-khưu, tính-cách giả tạm không bền vững của những vật cấu-tạo là như thế".

"Giờ đây, núi này mang tên là Vipula và dân chúng trong vùng thuộc sắc tộc Magadha. Tuổi thọ rất ngắn-ngủi. Người nào sống lâu được 80 tuổi, 100 tuổi hoặc nhiều hơn vài tuổi mà thôi. Họ phí rất ít thời giờ để leo lên và trở xuống núi. Và hiện nay Như Lai giáng-trần với hai đệ tử giỏi giắng nhất, là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên".

"Không bao lâu nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn, rồi thời-gian sau đó hòn núi này chẳng còn mang tên Vipula nữa, giống người Magadha trong vùng cũng bị phân-tán".

"Này các tỳ-khưu, tính-cách giả tạm không bền vững của những vật cấu-tạo là như thế".

"Vậy các ngươi hãy ráng chú-tâm quán xét, chớ nên say mê cố-chấp, miệt-mài với các vật hữu-vi tạm-bợ của thế-gian".

-- SAMYUTTA NIKAYA

Kỳ-thị về giai-cấp

Người Bà La Môn Assalayana đến hỏi Ðức Phật:

"Bạch thầy Gotama, các người Bà La Môn thường nói:

"Chỉ  có những nhân-vật dòng Bà La Môn là cao-quý hơn hết. Tất cả những giai-cấp khác là thấp-hèn. Chỉ có người Bà La Môn mới có nước da trắng-trẻo đẹp đẽ. Còn những người thuộc giai-cấp khác thì có nước da ngâm. Chỉ có người Bà La Môn là trong sạch, thanh-cao. Còn những kẻ khác đều thấp-hèn, đê-tiện. Chỉ có người Bà La Môn là con cháu đích-tông của Trời Phạm Thiên (Brahma), được sanh ra từ cửa miệng Ngài. Họ là đệ-tử của Trời Phạm Thiên và là kẻ thừa-tự Ngài".

Ðức Phật đáp: "Này Assalayana, vậy chớ người nghĩ thế nào? Những phụ-nữ Bà La Môn cũng có kinh kỳ như các phụ-nữ khác. Họ cũng có nghén như các phụ-nữ khác, cũng cho con bú. Tại sao người Bà La Môn cũng từ đàn bà sanh ra, lại khoe-khoang cho mình là cao-quý hơn mấy giai-cấp khác?"

- "Bạch thầy Gotama, Tuy thầy nói vậy nhưng họ vẫn quả-quyết như thế".

Ðức Phật hỏi: "Vậy chớ người có nghe trong vài xứ lân-bang, chỉ có hai hạng người là gia-chủ và tôi-tớ đó sao? Và một đôi khi, người chủ trở thành tôi-tớ và đứa tớ đổi sang địa-vị chủ-gia?".

- "Bạch thầy nói phải đó, nhưng mấy người Bà La Môn vẫn cố-chấp rằng mình là cao-thượng hơn cả".

- "Này Assalayana, người nghĩ sao? Có phải những người Bà La Môn lúc sinh-tiền, phạm-tội sát hại sinh-vật, trộm cướp, tà-dâm nói dối, hung-dữ, tà-kiến ... sau khi chết cũng bị đọa vào bốn đường ác đạo?".

- "Chính phải vậy, bạch thầy Gotama, dù là con người thuộc dòng Bà La Môn, thuộc giai-cấp cao-sang quyền-quý, người thương-gia hay nô-lệ, một khi đã gây ra nghiệp dữ thì sau khi chết sẽ bị sanh vào cảnh-giới khổ đau hoặc bị hành phạt nơi địa-ngục. Bạch thầy nói rất đúng, nhưng các người Bà La Môn vẫn đinh-ninh rằng họ là cao-quý hơn hết, là con cháu đích-tông của Trời Phạm Thiên".

- "Này Assalayana, còn phải chăng chỉ có người Bà La Môn nào biết làm những điều lành, không sát-sinh, trộm cướp, tà-dâm, nói dối, hung-dữ, tà-kiến ... sau khi chết sẽ được thọ sanh vào cảnh an vui, được hưởng phước nơi cõi thiên-đàng, còn những thiện-nhân khác thì không được sao?".

- "Bạch thầy Gotama, tất cả những ai biết làm lành lánh dữ, dù họ thuộc giới Bà La Môn, chiến-sĩ, thương-gia hay lao-động, thì thảy thảy đều được hưởng quả vui, chớ chẳng riêng gì cho giai-cấp Bà La Môn ... Thầy nói rất đúng, nhưng họ cũng vẫn tin rằng mình là cao-quý hơn cả".

- "Này Assalayana, người nghĩ sao? Phải chăng chỉ có hạng Bà La Môn mới biết noi theo đường phạm hạnh, biết tu tập, trau-giồi giới đức, từ-bi, bác-ái, để trở nên an-tịnh, phát-sinh trí-tuệ, diệt trừ phiền-não, còn những giai-cấp khác lại không được?".

- "Bạch Thầy Gotama, bất cứ là người trong giới Bà La Môn, người chiến-sĩ, thương-gia hay nô-lệ, đều cũng có thể tu tập, trau-giồi đức-hạnh, từ-bi, bác-ái, để trở nên an-tịnh, phát-sinh trí-tuệ, diệt trừ phiền-não. Tuy-nhiên, nhóm Bà La Môn cũng nói rằng họ là cao-thượng hơn hết".

- "Này Assalayana, phải chăng chỉ có người Bà La Môn dùng bột xà-phòng xuống sông tắm gội sạch-sẽ, còn những người khác thì không?".

- "Bạch thầy, ai nấy cũng có thể dùng xà-phòng tắm gội sạch-sẽ như nhau, chớ chẳng riêng gì người Bà La Môn. Nhưng họ vẫn cho rằng mình đứng trên các giai-cấp khác".

- "Này Assalayana, ví-dụ có một đức vua cho gọi vào triều 100 người thuộc giai-cấp khác nhau và phán: "Vậy trong số 100 người đó, những ai thuộc dòng Bà La Môn hay cao-quý, hãy lấy một mớ cây Sala, cây trầm hương hay cộng sen khô đem đốt cháy lên cho nóng". Này Assalayana, vậy phải chăng chỉ có hai hạng người đó có thể lấy những thứ kể trên đốt thành lửa nóng cháy đỏ, sáng ngời, lên cao ngọn, còn hai hạng thương-gia và lao-động thì làm không được? Hoặc những kẻ khác nữa, như thợ làm bẫy, thợ đan rổ tre, thợ đóng thùng xe, dân phu rửa thùng phẩn, lấy cây mục của mán cho heo, cho chó ăn, lấy thùng cây nhuộm vải, lấy que cây thẩu dầu đem đốt lên, thì họ không được lửa nóng, cháy đỏ, sáng ngời, cao ngọn hay sao?".

- "Bạch thầy Gotama, bất cứ là hạng người nào, dùng bất cứ cây hay vật dẫn hỏa nào, cũng có thể đốt lên lửa nóng, cháy đỏ, sáng ngời, cao ngọn. Thầy nói phải, nhưng mấy ông Bà La Môn vẫn cho rằng họ là cao-thượng hơn hết".

- "Này Assalayana, thêm một ví-dụ nữa. Có hai anh em ruột dòng Bà La Môn. Một người thì thông-minh lão-luyện, thông-suốt cả ba bộ kinh Phệ Ðà (Véda) rất sành-sỏi trong việc tế-lễ, còn người kia dốt-nát gàn dở. Hỏi vậy mỗi khi có dịp cúng kiến tổ-tiên hoặc tế-lễ thánh-thần, người nào được lễ-vật nhiều và kính-trọng hơn?".

- "Bạch thầy Gotama, chính người học cao hiểu rộng, sành-sỏi trong việc tế-lễ cúng kiến, được kính-nể và thụ-hưởng lễ-vật nhiều hơn".

Phật hỏi: "Nhưng nếu thầy Bà La Môn học-hỏi uyên-thâm, sành nghề cúng tế đó lại vô giới hạnh, có tính-nết xấu-xa tàn-bạo, còn người thất-học kia lại tính-tình hòa-nhã, giới đức thanh-cao, thì người nào sẽ được lễ-vật nhiều và trọng nể hơn?".

- "Bạch thầy Gotama, lẽ tất-nhiên các tín thí sẽ kính-nể và dâng cúng dồi-dào đến thầy Bà La Môn có giới hạnh trong sạch, tính-tình khiêm-tốn dễ thương. Vì kẻ vô giới đức, tính-tình hèn-hạ, không thể đem lại điều lợi-ích nào cả".

- "Này Assalayana, giờ đây người đã bắt đầu lãnh-hội rõ-rệt đấy! Từ sự-kiện về dòng giống, giai-cấp, bước qua giai-đoạn bùa chú thần-quyền, người đã nhận-thức cuối cùng giá-trị quan-trọng về giới hạnh con người là cao-quý hơn cả, bất phân giai-cấp dòng giống.

Ðó là giáo-lý căn-bản của Như Lai vậy".

-- MAJJHIMA NIKAYA II

Thế nào là bậc sa-môn?

Ta [1] có nghe như vầy:

Thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại tỉnh-lỵ Assapura, thuộc về xứ Anga. Ngài có thuyết:

"Hỡi này các tỳ-khưu! Dân chúng gọi các ngươi là sa-môn và nếu có ai hỏi tới, các ngươi cũng đều công-nhận như thế. Vậy các ngươi phải ăn ở cách nào cho xứng-đáng với phẩm-hạnh sa-môn?"

"Này các tỳ-khưu, chúng ta là kẻ xuất-gia đang hành-trình trên đường siêu-việt. Nhờ cố công trau-giồi giới đức, chúng ta được người tín thí dâng cúng và thọ hưởng bốn món vật dụng như: tam y quả bát, vật thực, chỗ ở, thuốc men. Người hành đạo chân-chánh thọ được nhiều quả báu tốt lành như thế. Vậy chẳng phải chúng ta rời bỏ thế-gian trong sự thiếu-thốn, không được lợi-lộc gì, mà tư-cách xuất-gia thật ra rất cao-thượng hữu-ích thế nào? Và nó mang lại biết bao thành quả tốt tươi cao-thượng".

"Này các tỳ-khưu, còn người xuất-gia không thực-hành đứng-đắn đường lối tu tập là thế nào?"

"Ðó là:

- Thầy tỳ-khưu có tánh tham-lam khao-khát, chẳng chịu dứt bỏ lòng tham-dục;
- Thầy tỳ-khưu có tư-tưởng xấu-xa tội-lỗi và không tìm cách diệt trừ nó;
- Thầy tỳ-khưu còn tánh sân-hận, cộc-cằn, thô-lỗ;
- Thầy tỳ-khưu ra vẻ thu-thúc, giả nhân giả nghĩa để gạt gẫm tín-đồ;
- Thầy tỳ-khưu còn tánh thù-hằn, oán giận, uất-ức;
- Thầy tỳ-khưu có tánh ganh tỵ, chẳng muốn ai khác hơn mình;
- Thầy tỳ-khưu keo-kiệt, bỏn-xẻn, ham tom góp vật này vật nọ để làm của riêng;
- Thầy tỳ-khưu có tánh xảo-quyệt, dối-trá, dùng lời không ngay thật, nói ướm để được bố-thí;
- Thầy tỳ-khưu có ác-tâm tham muốn bất chánh;
- Thầy tỳ-khưu thường suy-nghĩ tà-vạy, có tánh tà kiến".

"Như Lai nói các tỳ-khưu đó không chịu chừa bỏ những tánh xấu-xa tội-lỗi. Chúng phải bị đọa vào cảnh khốn-cùng, gánh nhiều đau khổ vì chẳng giữ đúng theo phẩm-hạnh sa-môn. Chúng là những kẻ che giấu con dao bén ngót dưới bộ áo cà-sa. Như Lai đã khuyên hoá rành-mạch những điều đó khi người giới-tử xin thọ cụ-túc giới để bước chân vào đạo".

"Như Lai không cho rằng đời đạo-đức có thể tượng-trưng bằng những kẻ chỉ khoác áo cà-sa cho có lệ, hoặc những đạo-sĩ lõa-lồ, rách-rưới bẩn-thỉu, những kẻ thân-hình phủ đầy cát bụi, những kẻ thường-xuyên xuống sông Hằng tắm gội, những người sống dưới cội cây, những kẻ ráng chịu đựng phong-sương tuyết giá, đứng như trời trồng dưới sức nóng cháy da, những kẻ bày ra cách ăn uống kham-khổ khác thường, những kẻ thông-thạo các thánh-kinh, sành nghề bùa chú, những kẻ mang búi tóc đan trên đỉnh đầu".

"Này các tỳ-khưu, nếu chiếc áo cà-sa có oai-lực diệt trừ được tất cả những tật: Tham-lam, sân-hận, ganh tị, bỏn-xẻn, xảo-quyệt, ác tâm, tà kiến, thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần khoác lên đứa bé bộ áo cà-sa khi nó mới chào đời và căn dặn như vầy: "Ngươi rất hân-hạnh mặc được mảnh áo nhiệm-mầu này, vì nó có đủ năng-lực làm tiêu tan các tật xấu-xa tội-lỗi: tham-lam, sân-hận, ganh tị, bỏn-xẻn, xảo-quyệt, ác tâm, tà kiến ...".

"Có một số tỳ-khưu, tuy vẫn mặc y mang bát, nhưng thân tâm nhơ bẩn thấp-hèn, ngoan-cố, chẳng chịu tẩy trừ nết xấu. Lẽ đó, Như Lai không công-nhận họ là sa-môn chỉ vì mình mặc áo cà-sa, cũng như những đạo-sĩ lõa-lồ, bẩn-thỉu, rách-rưới, những kẻ thân mình phủ đầy cát bụi, những kẻ thường-xuyên xuống sông Hằng tắm gội, những người sống dưới cội cây, những kẻ ráng chịu-đựng phong-sương tuyết giá, đứng như trời trồng dưới sức nóng cháy da, những kẻ bày ra lối ăn uống kham-khổ khác thường, những kẻ thông-thạo các thánh-kinh, sành nghề bùa chú, những người mang búi tóc đan trên đỉnh đầu ...".

"Này các tỳ-khưu, vậy người xuất-gia phải giữ nếp sống như thế nào để xứng-đáng với danh-hiệu sa-môn?".

"Ðó là:

- Khi thầy tỳ-khưu có tánh tham-lam, có tư-tưởng xấu-xa, cộc-cằn, thô-lỗ, thu-thúc giả-dối, hay thù-oán, ganh tị, keo-kiệt, dối-trá, ác tâm, tà kiến, nhưng biết nhận-thức những điều ấy là xấu-xa đê-tiện, rồi để hết nghị-lực trau-giồi phẩm-hạnh ngày thêm trong sạch thanh cao. Như Lai gọi người ấy mới thật xứng-đáng với danh-hiệu sa-môn.

- Thầy tỳ-khưu tự trắc-nghiệm lấy bản-thân, biết rằng mình đã tẩy-trừ được các điều nhơ-nhớp, thoát-ly ra khỏi thế-sự. Mà khi biết mình đã hoàn-toàn trong sạch, người phát tâm vui thích với hạnh-phúc thanh-cao. Tinh-thần thơ thới, thân tâm an-tĩnh, thản-nhiên, người rất vừa lòng, toại-nguyện. Tâm-tư thấm-nhuần tình thương rộng lớn, người rải tủa từ-bi, bác-ái khắp bốn phương tám hướng, rải từ bên trên, bên dưới, bên ngang và khoảng giữa. Người được giải-thoát ra khỏi tham-lam, sân-hận, si-mê, thong-thả ngao-du đây đó, không còn điều chi sợ-hãi lo-âu.

- Lúc này, thầy sa-môn trở nên yên lặng như hồ nước trong-trẻo, mát mẻ, ngọt-ngào, có những bậc thang đưa tới một nơi thắng-cảnh vô-cùng hấp-dẫn. Khi đó, nếu có chàng lữ-khách đang đau khổ vì khát nước dưới cơn nóng buốc, thân-hình uể-oải, từ phương đông đi tới, chàng ta có  thể nhờ hồ nước nhiệm-mầu cứu rỗi, khiến thân tâm được phục-sức, thơ thới nhẹ-nhàng và lướt qua khỏi những nỗi thống-khổ trong cuộc hành-trình diệu-vợi. Nếu có những lữ-khách từ hướng tây, hướng bắc, hướng nam, hoặc bất cứ ở đâu đến, cũng đều nhận được sự hỗ-tương quí-báu của hồ nước nhiệm-mầu.

"Này các tỳ-khưu, khi một con người thuộc hàng vương-giả rời bỏ gia-đình sự-nghiệp đi tìm sống cảnh không nhà, nếu biết nghiêm-trì giới luật của Ðức Như Lai, thì tâm-tư người được tràn-ngập từ-bi, bác-ái. Người trở nên an-tĩnh, chẳng bị thế-sự buộc ràng, lay-chuyển. Người đã thành-đạt mức độ tịnh tâm tuyệt-diệu, đã diệt trừ phiền-não, vì đã thực-hành đúng theo đường lối của bậc sa-môn".

"Những người thuộc dòng Bà La Môn hoặc các giai-cấp khác như thương-gia, lao-động, rời bỏ gia-đình, của cải, đi tìm sống cảnh không nhà, nếu biết nghiêm-trì giới luật của Ðức Như Lai, thì tâm-tư họ cũng được tràn-ngập từ-bi, bác-ái, được an-tĩnh, không bị thế-sự buộc ràng, lay-chuyển. Những người ấy đã thành-đạt mức-độ tịnh tâm tuyệt-diệu, đã diệt trừ phiền-não, vì đã thực-hành đúng theo đường lối của bậc sa-môn".

-- MAJJHIMA NIKAYA

Lời của soạn-giả:

Bài Pháp trên đây rất phù-hợp với thời-đại hiện nay, vì các tôn-giáo đều đang bị một số đông những phần tử bất-hảo nhảy vào gây lũng-đoạn.

Phật-ngôn có câu: "Tài-sản duy-nhứt của loài chim là cái đuôi và cặp cánh. Thầy tỳ-khưu rất vừa lòng với mảnh y để che thân và vắt cơm bố-thí để no lòng. Ði đâu, người chỉ mang theo tam y và quả bát".

Tục-ngữ cũng thường nói: "Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo".

Tuy-nhiên, bất cứ thời-đại nào, bất cứ trong đạo-giáo nào cũng có một số lớn phần-tử chẳng có chút tài-sản gì để vất bỏ, chẳng có nghề-nghiệp nào để sinh-sống, trà-trộn vào khuấy rối bề hành đạo của những bậc chân tu, lợi-dụng lừa-gạt tín-đồ để nuôi mạng và đôi khi cũng tạo nên sự-nghiệp kết xù là khác.

Ðối-diện với các đạo-sĩ, tỳ-khưu, linh-mục, khất-sĩ, phủ thân bằng lớp nâu sòng, hoặc lõa-lồ rách-rưới kham-khổ, hoặc gặp những nhà truyền-giáo học-vấn cao-thâm, ăn nói hoạt-bát, hạng phàm-nhân chúng ta rất khó bề nhận-định ai là bậc tu-hành chân-chánh. Biết bao người lợi-dụng chiếc áo cà-sa, biết chế-ngự kẻ tín thí bằng nhiều lý-luận tráo-trở, xảo-quyệt. Trước mặt công-chúng, họ ra vẻ thu-thúc như con cò đứng yên một cẳng, lim-dim đôi mắt chờ đớp mồi ngon, nhưng ít ai biết được sự sinh-hoạt riêng-tư của họ là thế nào? Cũng có vài hành-giả bày trò tham-thiền nhập-định giữa đám đông trong khi các bậc hiền-triết đều ẩn-dật trong nơi thanh-vắng, xa xóm, xa người. Cũng có hạng nói mình giữ hạnh đầu-đà, ôm bát ra đi từ mờ sáng đến tối mới trở về rồi nói mình đi khất-thực, độ dưới cội cây, nghỉ trưa nơi vắng-vẻ, nhưng khi màn đêm sụp xuống thì sợ mất an-ninh.

Khổ nỗi, số đông tín-đồ lại không dám ngó ông thầy sợ mang tội, cho rằng nằm trên chiếu rách cũng đỡ hơn nằm đất. Vị giáo-sư say sưa bài bạc, nhưng vẫn là thầy của các trò khi vào lớp.

Những thứ giây chùm gởi này đã có từ lâu, nên Ðức Phật mới giải bày rành-mạch như trên, nhằm mục-đích dạy con người biết cách phân-biệt kẻ chánh người tà, để gieo giống lành trên mảnh đất phì-nhiêu, biết rõ thật-sự ai là kẻ "xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo" có nếp sống giản-dị như loài chim, chỉ có cái đuôi và cặp cánh.

 

Kiến-thức của những người mù

"Hỡi này các tỳ-khưu! Các ngươi nói với Như Lai rằng có nhiều nhóm đạo-sĩ, Bà La Môn hay khất-sĩ du-phương, thuộc những chí đạo khác nhau thường ủng-hộ những kiến-thức khác nhau, vui thích với những lý-thuyết khác nhau, hướng về các sự-việc khác nhau, tin-tưởng những lời lẽ khác nhau".

"Này các tỳ-khưu, có nhóm thường hay binh-vực và tin-tưởng như vầy: "Thế gian là trường-tồn vĩnh-cửu. Ðó là chân-lý, còn những chuyện khác là vô-lý, là dốt-nát khờ-khạo".

"Nhóm khác thì nói: "Thế gian là vô-thường, không bền vững. Ðó là chân-lý, còn những chuyện khác là không đúng, là dốt nát dại khờ".

"Có kẻ lại nói: "Thế-gian sẽ có ngày kết-thúc". Kẻ khác cho rằng thế-gian sẽ không chấm dứt".

"Có kẻ nói: "Căn-bản của đời sống là xác thân". Kẻ khác lại nói xác thân là một chuyện, còn sự sống là chuyện khác".

"Có kẻ nói: "Cái Ta sẽ biến-chuyển sau khi chết". Người khác nói rằng không".

"Có kẻ lại nói: "Sau khi chết, cái Ta sẽ biến-chuyển hoặc không biến-chuyển ... Ðó là chân-lý, còn các ý nghĩ khác đều vô-lý, đều là chuyện ngu dốt, dại khờ".

"Vì lẽ đó, các nhóm đạo-sĩ, Bà La Môn hay khất-sĩ du-phương thuộc các đạo-giáo khác, thường hay xung-đột với nhau, ham cãi lẫy, lý-luận, biện-minh, đấu khẩu với nhau, để binh-vực kiến-thức riêng của mình và cho rằng: "Cái này là chánh pháp, còn cái kia không phải. Cái này đúng chân-lý, cái kia không đúng, vân-vân ...".

"Hỡi này các tỳ-khưu! Những nhóm đạo-sĩ, Bà La Môn hay khất-sĩ du-phương đó đều dốt nát, mù-quáng, không biết đâu là mục-đích cứu-cánh, đâu là chẳng phải; không biết cái nào là chánh pháp và cái nào chẳng phải. Vì vậy, họ thường hay xung-đột với nhau, ham cãi lẫy, lý-luận, biện-minh, đấu khẩu với nhau để ủng-hộ lập-trường của mình. Họ tranh-chấp, phỉ-báng nhau vô-ích, vì không thấu rõ đâu là mục-đích giải-thoát và đâu là không phải".

"Các ngươi hãy nghe câu chuyện sau đây:

"Thuở xưa kia, cũng tại thành Savatthi này, có một quốc-vương bày một trò chơi, ra lịnh đưa tất cả những người mù từ lúc sơ-sinh vào triều để nhìn xem một con voi. Tên nài nói với các người đui như vầy: "Ðây là con voi"; rồi cho vài người rờ cái đầu voi, người khác cái tai voi, người khác cái bụng, người khác nữa cái ngà, cái vòi, cái chân, cái lưng, cái đuôi, chòm lông đuôi, và nói với mỗi người mù rằng đó là con voi.

Ðức vua ngự đến hỏi nhóm người đui vậy chớ con voi là thế nào? Những người rờ đầu nói rằng con voi giống như cái chậu. Người mò nhằm tai nói voi giống như cái nia ... ngà voi giống như lưỡi cày, vòi như cái cày, bụng như cái bồ lúa, chân như cây cột nhà, lưng như cái cối xay, cái đuôi như cây chài giã gạo, chòm lông đuôi là cây chổi. Mỗi người mù đều cho mình nói đúng, tranh cãi dữ-dội, la-lối om-sòm: "Phải vậy mà! Không phải đâu! Con voi là thế này chớ chẳng phải thế kia!" Rồi nhóm người mù đi dến xung-đột, đấm đá nhau. Ðức vua rất thích-thú đùa bỡn với trò chơi ấy".

"Này các tỳ-khưu, những đạo-sĩ, Bà La Môn, khất-sĩ du-phương trong các giáo-phái khác cũng mù-quáng như thế, nên không nhìn thấy chi cả. Họ không biết đâu là mục-đích giải-thoát, đâu là không phải; cái nào là chánh pháp và cái nào không phải. Lẽ đó, họ luôn-luôn gây ra tranh-chấp, cãi vả, xung-đột với nhau vì không biết rõ thế nào là mục-đích giải-thoát, thế nào không phải, đâu là chánh pháp và đâu là không phải".

-- UDANA 66-69

Lời của soạn-giả:

Hạng phàm-phu nhận-định những sự-việc với đôi mắt thịt, dùng lý-trí suy đoán các hiện-tượng nên thường hay lầm-lẫn. Chỉ có bậc hiền-triết dùng sự hiểu biết siêu-nhân mới thấu rõ mọi vật đúng theo chân-lý.

Ðức Phật ví những đạo-sĩ, Bà La Môn, khất-sĩ chưa giác-ngộ như những người mù, vì họ không thấu rõ lý Tứ Diệu Ðế và tư-cách sanh diệt của chúng-sinh (Thập Nhị Nhân Duyên), suy-nghĩ vu-vơ, vô căn-cứ, rồi cho rằng kiến-thức của mình là đúng chân-lý và phủ-nhận các lý-thuyết khác.

Ðức Phật dùng danh từ "Mục-đích giải-thoát" để ám-chỉ Niết-Bàn. Người chưa giác-ngộ không sao hiểu rõ Niết-Bàn là thế nào. Cũng như con cá hỏi rùa vậy nơi đất liền có nước sông rạch không? Và muốn biết nó có thể lội trên đó được không? Dù rùa giải-thích thế mấy, nó cũng không nghe.

Còn chánh pháp là nói về Tứ Diệu Ðế, giáo-lý căn-bản của đạo Phật. Con người chỉ hành theo Bát Chánh Ðạo (Ðạo Ðế) thì mới mong thoát khổ. Ngoài Ðạo Bát Chánh, không thể có đạo quả thánh-nhân.

Những người mù mắt, tuy không thấy, nhưng tai vẫn nghe kẻ khác nói, rồi căn-cứ vào đó để suy-tưởng mọi việc một cách sai lầm.

Trong sáu năm tu khổ hạnh, Ðức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta đã gặp hai ông thầy, là Alara và Uddaka. Mỗi ông có đường lối hành đạo khác nhau và tin-tưởng rằng mình đã giải-thoát. Năm thầy Kiều Trần Như cũng cố-chấp lối tu khổ-hạnh của mình là đúng. Sau khi đắc đạo, Ðức Phật đã tận dụng 3.500 phép thần-thông, nhưng vẫn không thuyết phục được Ðại Ðức Kassapa thờ thần lữa, và sau cùng phải dùng tới phép mầu cùng tột gọi là Phép Mầu về Giáo Pháp (uy-lực tuyệt đối của Ðức Chánh Biến Tri) mới xong.

Kinh Majjhima Nikaya có ghi lại một mẫu chuyện lý-thú có liên quan tới bài pháp trên đây.

"Thuở nọ, một ông già Bà La Môn có bà vợ trẻ tuổi mà ông ta rất tưng-tiu, chiều-chuộng. Bà vợ có nghén và lúc gần sanh buộc chồng tìm mua cho được một con khỉ đực để làm bạn với đứa trẻ sắp ra đời. Người chồng già nói: "Xin nàng hãy đợi tới lúc sinh-sản rồi mới biết là gái hay trai. Nếu được con trai thì tôi sẽ mua một con khỉ đực cho nó chơi. Còn sanh gái thì tìm một con khỉ cái". Thầy Bà La Môn năn-nỉ ba lần như vậy, nhưng bà nủng-nịu không nghe, nên đành ra chợ mua con khỉ đực đem về để làm vừa lòng người vợ trẻ. Bà lại sai chồng đem con khỉ đến người thợ Rattapani mướn nhuộm lông nó ra màu cho lạ hơn những con khỉ khác, và dặn chồng bảo anh thợ nhuộm phải dày vò con khỉ cho lông nó dể ăn màu.

Người thợ nhuộm Rattapani nói với lão Bà La Môn rằng anh ta có thể nhuộm lông con khỉ ăn màu tốt được phần nào hay phần nấy, chớ không thể dày vò con khỉ, vì làm vậy nó sẽ chết mất. Chỉ có hàng vải mới có thể dày vò cho dể ăn màu.

Còn cô vợ trẻ của ông Bà La Môn chưa sanh con, không biết nó sẽ là gái hay trai, lại buộc người chồng già phải tìm mua con khỉ đực cho đứa bé chơi, nũng-nịu bảo chồng đem con khỉ đi nhuộm màu và dày vò nó như nhuộm vải".

Bởi vậy, Ðức Thế Tôn, trước giờ nhập-diệt, có thuyết cho đạo-sĩ Subhadha nghe như vầy: "Này Subhadha, ngươi chớ nên hỏi xem các vị giáo-chủ thuộc ngoại-đạo đều đắc quả thánh-nhân, hay chỉ có vài vị đắc và vài vị không đắc? Ngươi nên nhớ rằng bất cứ những ai thuộc chủng-tộc nào, thuộc giai-cấp nào, khi biết hành theo Bát Chánh Ðạo thì đạo quả thánh-nhân (A La Hán) vẫn còn. Ngoài Ðạo Bát Chánh, không có đường lối nào khác có thể đưa người đến giải-thoát hoàn-toàn.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Ðại Ðức Ananda.