BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật giáo Nguyên thủy
PHÁP TRÍCH LỤC - 2
Huỳnh
Văn Niệm soạn dịch
Phật Bảo Tự tái bản
Pagode Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600 Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34
Tập I
-ooOoo-
Ba cách điều-ngự [1]
Ðức Thế Tôn có thuyết rằng:
"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ðây là ba cách điều-ngự:
Một là điều-ngự cái ta[2],
Hai là điều-ngự tam giới,
Ba là điều-ngự giáo pháp.
1. "Mà thế nào mới gọi
là cách điều-ngự cái ta?
Ví như có một bậc hành-giả[3] nghĩ rằng: "Ðã bị sa vào cái
sanh, cái già, cái đau, cái chết, cái khóc than khổ-não, tức-nhiên ta phải bị
lọt vào cảnh xấu-xa, đau đớn. Nhưng con người cũng có thể tìm được phương-pháp
để diệt-tận các điều thống-khổ ấy. Mà nếu đã lìa bỏ gia-đình để tìm sống trong
cảnh vô gia-đình, đã dứt bỏ sự ham muốn kia rồi, ta lại đi tìm những điều ham
muốn khác, xấu-xa hơn trước bội-phần. Thật ta không xứng-đáng chút nào!".
Nhưng nếu tiếp theo đó, bậc
hành-giả kia lại nghĩ rằng: "Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh-tấn,
quả-quyết, sáng-suốt, biết mình; làm cho thân ta trở nên bình-tĩnh, không cho
nó bôn-chôn, xao-động; làm cho tâm ta được an-định".
Lúc bấy giờ, đã điều-ngự
được thân tâm mình rồi, bậc hành-giả ấy liền vứt bỏ các điều xấu-xa tội-lỗi, và
rán trau-giồi những nết tốt, trong sạch. Bậc hành-giả ấy diệt bỏ những pháp nào
đáng chê trách, cố gắng thực-hành những pháp cao-thượng hơn và hằng giữ
cẩn-thận cho mình được trong sạch tốt đẹp luôn.
Hỡi các thầy tỳ-khưu! Con
người gọi đó là cách điều-ngự cái ta vậy".
2. "Còn thế nào mới
gọi là cách điều ngự tam giới[4]?
Ở vào trường-hợp này, nếu
bậc hành-giả nghĩ rằng: "Ðã bị sa vào cái sanh, cái già, cái đau, cái
chết, cái khóc than khổ-não, tức-nhiên ta phải bị lọt vào cảnh xấu-xa, đau đớn.
Nhưng con người cũng có thể tìm phương-pháp để diệt-tận các điều thống-khổ ấy.
Mà nếu đã lìa bỏ gia-đình đặng tìm sống trong cảnh vô gia-đình, ta lại để tâm
suy-nghĩ đến tình-dục. Nếu ta có tư-tưởng xấu-xa, hoặc có ý hãm-hại kẻ khác,
tất-nhiên trong đám-đông hàng chúng-sinh ở trên thế-gian này có những vị
đạo-sĩ, hoặc Bà la Môn, và những bậc chư-thiên có năng-lực cao-thượng,
sáng-suốt biết rõ tư-tưởng của kẻ khác, tuy ở xa, nhưng có thể trông thấy ta
được và các ngài dùng phép tha-tâm-thông để thấu rõ ý nghĩ của ta. Các vị ấy có
thể xét đoán về ta như vầy: "Những người thuộc về hạng như vậy, đã rời bỏ
gia-đình để tìm sống trong cảnh vô gia-đình, mà vẫn còn ăn ở theo cách xấu-xa,
tội-lỗi". Như vậy sự xuất-gia của ta đây không xứng-đáng chút nào!
Nhưng nếu tiếp theo đó, bậc
hành-giả lại nghĩ rằng: "Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh-tấn,
quả-quyết, sáng-suốt, biết mình, làm cho thân ta trở nên bình-tĩnh, không cho
nó bôn-chôn, xao-động, làm cho tâm ta được an-định". Lúc bấy giờ, đã
điều-ngự được tam-giới rồi, bậc hành-giả ấy liền vất bỏ các điều xấu-xa,
tội-lỗi, ráng trau-giồi những nết tốt, trong sạch. Bậc ấy diệt bỏ những pháp
nào đáng chê trách, ráng thực-hành những pháp nào đứng-đắn, cao-thượng hơn, và
hằng gìn giữ cẩn-thận cho mình được trong sạch, tốt đẹp hơn.
Hỡi các thầy tỳ-khưu! Người
ta gọi đó là cách điều-ngự tam-giới vậy".
3. "Và cách điều-ngự
giáo pháp là thế nào?
Nếu bậc hành-giả nghĩ rằng:
"Ðã bị sa vào cái sanh, cái già, cái đau, cái chết, cái khóc than khổ-não,
tức-nhiên ta phải lọt vào cảnh xấu-xa, đau đớn. Nhưng con người cũng có thể tìm
được phương-pháp để tận-diệt các điều thống-khổ ấy. Giáo pháp đã được Ðức Thế
Tôn diễn-giải đúng-đắn; giáo pháp đang còn hiện bây giờ, không phải một
lý-thuyết nhất-thời mà thiên-hạ vừa thấy đâu; giáo pháp hằng đem tới sự
tấn-triễn thêm; các bậc thiện trí-thức đã thông-thấu rõ-rệt như vậy. Hơn nữa,
ta lại còn có nhiều bạn lữ-đồng đi trên con đường phạm-hạnh, biết thực-hành
theo chánh giáo một cách sáng-suốt và hiểu biết rõ-rệt. Mà nếu trong khi đang
thực-hành theo chánh giáo, tuân giữ kỷ-luật đúng-đắn như vầy, mà ta lại
hờ-hững, ươn-hèn thế này, thì thật ta không xứng-đáng chút nào".
Nhưng nếu tiếp theo đó, bậc
hành-giả kia lại nghĩ rằng: "Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh-tấn,
quả-quyết, sáng-suốt, biết mình; làm cho thân ta trở nên bình-tĩnh, không cho
nó bôn-chôn, xao-động; làm cho tâm ta trở nên an-định trong một cảnh-giới
nào". Lúc bấy giờ, đã điều-ngự được giáo pháp rồi, bậc hành-giả liền vất
bỏ các điều xấu-xa, tội-lỗi, rán trau-giồi những nết hạnh tốt, trong sạch, diệt
bỏ những pháp nào đáng chê trách, và cố gắng thực-hành những pháp đúng-đắn,
cao-thượng hơn. Bậc ấy hằng gìn giữ cẩn-thận cho mình được trong sạch, tốt đẹp
luôn.
Hỡi các thầy tỳ-khưu! Người
ta gọi đó là cách điều-ngự giáo pháp.
Tất cả là ba cách điều-ngự vậy".
-- ANGUTTARA NIKÃYA, I, 147-150
Tư-cách thoát
khỏi thế-gian
Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy: "Hỡi các thầy Bà la Môn! Các người hãy chăm-chỉ nghe rõ những lời của Như Lai sẻ giảng-giải ra đây:
"Các người nên tưởng-tượng rằng có 4 nhân-vật đứng tại 4 hướng của quả đất. Mỗi nhân-vật ấy đều có tốc-lực mau-chóng vô-cùng, có một bước sải dài tột-bực. Họ đi nhanh như mũi tên của một tay thiện-xạ thuần-thục, đại-tài, có thể bắn dễ-dàng dưới bóng cây cung của mình. Các người nên tưởng-tượng rằng cả 4 nhân-vật ấy có tốc-lực mau-chóng như thế, có một bước sải dài bằng khoảng từ biển đông sang biển tây. Ví-dụ rằng, người đứng tại hướng đông thốt ra như vầy: "Nếu ta ráng sức đi, thế nào ta cũng ra khỏi thế-gian này". Nhưng dầu cho kiếp con người là trăm tuổi, và kẻ lữ-hành ấy sống đến trăm tuổi đi nữa, nó cứ đi mãi trong thời-gian một trăm năm, chỉ nhín lại chút ít thời giờ để ăn uống, tiểu-tiện, nghỉ-ngơi thôi, rốt cuộc kẻ lữ-hành ấy cũng phải chết trước khi ra khỏi thế-gian này".
"Các người nên tưởng-tượng rằng cả ba nhân-vật đứng tại hướng tây,
hướng nam, hướng bắc, cũng nói như vậy, và cũng đi mãi trong thời-gian một trăm
năm, chỉ nhín lại chút ít thời giờ để ăn uống, tiểu-tiện, nghỉ-ngơi thôi;
nhưng, rốt cuộc, cả ba nhân-vật ấy cũng phải chết trước khi ra khỏi thế-gian
này. Tại sao vậy?"
"Hỡi các thầy Bà la Môn! Như Lai không cho rằng cuộc hành-trình như vậy có thể đem lại điều lợi-ích và dắt dẫn chúng-sinh ra khỏi thế-gian đâu. Hỡi các thầy Bà la Môn! Tuy-nhiên, Như Lai quả-quyết rằng nếu không thoát khỏi thế-gian thì con người chẳng làm cách nào để diệt-tận các điều thống-khổ được".
"Hỡi các thầy Bà la Môn! Trong giới bổn của các bậc phạm-hạnh, người ta
dùng tiếng "thế-gian" để ám-chỉ về ngũ-trần vậy. Mà những trần ấy như thế nào? Chính
là những sắc do mắt trông thấy, làm cho phấn-khởi sự vừa lòng, sự say mê, sự
yêu-mến, sự tham-dục. Chính là những tiếng do tai nghe, những mùi thơm do mũi
ngữi, những hương vị do lưỡi nếm, những sự vừa lòng do thân đụng chạm, làm cho
phấn-khởi sự thoả thích, say mê, yêu-mến, tham-dục".
"Hỡi các thầy Bà la Môn! Các người nên tưởng-tượng rằng có một bậc xuất-gia kia đã xa lánh ngũ-trần, cố công hành đạo và đắc được sơ thiền. Khi ấy, có kẻ cho rằng bậc hành-giả đó đã thoát ra khỏi thế-gian, đã ở tại nơi cùng-tột của thế-gian. Kẻ khác lại nói rằng: "Bậc ấy còn dính mắc trong thế-gian và chưa ra khỏi thế-gian". Như Lai cũng cho rằng: "Hành-giả ấy còn dính mắc trong thế-gian và chưa ra khỏi thế-gian".
"Hỡi các thầy Bà la Môn! Các người nên tưởng-tượng rằng: "Có một bậc xuất-gia khác đắc được nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không-vô-biên thiền, thức-vô-biên thiền, vô-sở-hữu thiền, phi tưởng phi phi tưởng thiền, vân-vân ... và hưởng sự an-lạc trong các cảnh ấy. Trong mỗi bậc thiền, có người cho rằng hành-giả đã thoát ra khỏi thế-gian, đã ở tại nơi cùng-tột của thế-gian. Có người khác lại cho rằng hành-giả vẫn còn dính mắc trong thế-gian. Như Lai cũng cho rằng: "Kẻ ấy còn dính mắc trong thế-gian và chưa thoát ra khỏi thế-gian".
"Hỡi các thầy Bà La Môn! Trái lại, có một bậc xuất-gia đã vượt qua khỏi các bậc thiền ấy để nhập vào bậc "Diệt Thọ Tưởng Ðịnh". Hành-giả ở trong cảnh này với đầy đủ sự sáng-suốt, biết mình. Ấy là bậc có trí-tuệ hoàn-toàn và đã diệt-tận các phiền-não. Này các thầy Bà La Môn, người ta nói rằng bậc xuất-gia ấy đã đi đến nơi cùng-tột của thế-gian, đã ở ngoài vòng thế-gian, đã lướt qua khỏi mảnh lưới của thế-gian vậy".
-- ANGUTTARA NIKÃYA
Lời của soạn-giả:
Một số đông hàng đạo-sĩ
hoặc Bà La Môn, nhờ sự cố công trì-chí trong pháp hành, thâu-thập được nhiều
kết-quả về thiền-định và lắm khi đắc được các phép thần-thông, rồi lầm tưởng
rằng mình đã thoát ra khỏi vòng sanh tử luân-hồi. Nhưng thật ra, chẳng phải vậy
đâu. Thiền-định và trí-huệ là hai pháp cao-thượng trong Phật-Giáo hằng
nương-nhờ lẫn-nhau, ví như người chiến-sĩ với món khí-giới hộ-thân của mình.
Nhờ trí xét-đoán và thực-hành trên con đường trung-đạo của Ðức Phật đã di-huấn,
những bậc xuất-gia, hoặc tại-gia, thường được thành-tựu trong các bậc thiền.
Với thiền-định ấy, hành-giả chân-chánh hằng dùng nó để trau-giồi trí-huệ của
mình cho được tinh-vi, hầu thấy rõ lý "Tứ Diệu Ðế", một khoa
linh-dược duy-nhứt để diệt-tận các điều thống-khổ của thế-gian.
Ðức Thế Tôn thuyết thời
pháp trên đây để thức-tỉnh các thầy tỳ-khưu, không nên quá say mê, thỏa-thích
trong các bậc thiền mà mình đã đắc. Ngài dạy các nhà tu-hành chỉ nên coi pháp
thiền-định như món khí-cụ để dùng vào việc tạo ra con thuyền bát-nhã, đặng đưa
hành-giả qua đến bờ Niết-Bàn an vui tuyệt-đối.
Những cách mà
thiên-hạ có thể nói về Đức Phật đúng theo sự thật
Ðức Thế Tôn có thuyết ra như vầy:
"Này Ðại-Quan[5], vậy chớ với cách nào mà thiên-hạ có thể nói về Như Lai đúng theo sự thật, khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama tuyên-bố cái chi không nên làm; ông ta khuyến-hóa một giáo pháp về cái chi không nên làm và chính theo lối ấy, ông ta hằng dìu-dắt nhóm đệ-tử của mình?"
"Này Ðại-Quan, quả thật vậy. Như Lai hằng tuyên-bố những tật xấu của thân, của khẩu, của ý, là những cái không nên làm; Như Lai hằng tuyên-bố những điều bất-chánh và sai-lầm là những việc không nên làm".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama tuyên-bố cái chi nên làm; ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Như Lai hằng tuyên-bố về cái nết tốt của thân, của khẩu, của ý là những cái nên làm; Như Lai hằng tuyên-bố các đức-tánh cao-thượng là những điều nên làm".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama là một người có tánh ghét bỏ; ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Như Lai hằng ghét bỏ những tật xấu của thân, của khẩu, của ý, và dạy bảo các đệ-tử nên lánh xa các điều tội-lỗi".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama là một người có tánh hay xa-lánh; ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Như Lai hằng khuyến-hóa một giáo pháp về sự xa-lánh các điều xấu-xa, lầm lạc".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama là một người hay phá-hoại ngọn lửa thiêu-đốt, ông ta khuyến-hóa một giáo pháp về sự phá-hoại ngọn lửa thiêu-đốt và chính theo lối ấy, ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Như Lai hằng nói về những điều xấu-xa, lầm-lạc, luôn-luôn thiêu-đốt, nhất là những nết xấu-xa, tội-lỗi của thân, của khẩu, của ý. Này Ðại-Quan, kẻ nào đã diệt-tận các điều ác có tánh-cách thiêu-đốt, không cho chúng nó phát-sinh nữa được, ví cũng như cây thốt-nốt kia bị chặt tận gốc, không sao mọc lên nữa được. Như Lai gọi kẻ ấy là người đã phá-hoại ngọn lửa thiêu-đốt vậy. Này Ðại-Quan, đối với bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác, thì những điều xấu-xa, lầm-lạc, có tánh-cách thiêu-đốt kia đều bị diệt-tận, không sao phát-sinh được nữa".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama là một người không còn có sự biến-triển nào khác nữa; ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Kẻ nào trong buổi tương-lai chẳng còn kết-tụ vào một thai-bào, đã diệt-tận sự biến-triển và không còn sinh-trưởng nữa, cũng như cây thốt-nốt kia bị chặt tận gốc. Như Lai gọi kẻ ấy là người không còn sự biến-triển nào khác nữa. Ðối với bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác, thì trong buổi tương-lai, sự kết-tụ vào một thai-bào, sự biến-triển và nguồn-gốc sinh-trưởng đều bị diệt-tận".
"Này Ðại-Quan, còn với cách nào mà ... khi họ nói rằng: "Ðạo-sĩ Gotama là một người có sự tin chắc; ông ta ...?"
"Quả thật vậy. Như Lai hằng có sự tin chắc cao-thượng về đạo-quả giải-thoát (của các bậc thánh-nhân)".
-- VINÃYA, I. 234-236
Lời của soạn-giả:
Thuở ấy, Phật Pháp rất
thạnh-hành; Tam-Bảo được phần đông tôn-trọng, cúng dường. Một số thiện-nam,
tín-nữ, của Ðức Phật đều thuộc hàng vương-giả, đại-thần, hoặc triệu-phú-gia,
hết tâm trong sạch đem tiền của ra bố-thí một cách rộng-rãi. Tăng-chúng nhờ đó
mà sinh-sống được dễ-dàng, đầy-đủ. Nên chi, các nhóm ngoại-đạo sinh lòng ganh
tị, tuyên-truyền khích-bác Phật-Giáo. Họ dựng ra lời này lẽ nọ để đem kiến-thức
của một nhóm người có đức tin Phật-Giáo ra ngoài vòng chánh-giáo. Ðức Thế Tôn
khuyến-hóa thế này, họ hiểu theo thế khác, vẽ-vời ra đủ chuyện, cốt ý làm cho
Phật Pháp phải suy-bại. Muốn đánh-đổ sự phá-hoại ấy, Ðức Thế Tôn có thuyết cho
vị thống-tướng Siha nghe những điều trên đây, để gỡ mối sai-lầm của một nhóm cư-sĩ
tại-gia đã lỡ tin theo lẽ quấy.
Đức Phật giải
về đạo-quả của người tại-gia cư-sĩ
Ðức Thế Tôn có thuyết ra
như vầy: "Thuở nọ, Ðức Phật đang ngự tại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ),
trong vườn cây da. Khi ấy, có vài vị tỳ-khưu đang lo may một cái y mới dâng cho
Ðức Thế Tôn để Ngài đi truyền đạo sau lúc ra hạ. Ông Mahãnãma, thuộc giòng
Thích-Ca, hay tin Ðức Phật sắp đi ta-bà, liền đến nơi đảnh lễ Ngài rồi ngồi kế
bên và bạch như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài vui lòng chỉ dạy chúng
tôi nên làm thế nào để khuyên-lơn một người tại-gia cư-sĩ đang lâm bệnh
nặng".
Ðức Phật thuyết rằng:
"Này Mahãnãma, khi có người tại-gia cư-sĩ lâm-bệnh nặng, một kẻ khác có
trí phán-đoán nên an-ủi bệnh-nhân như thế này: "Này bạn, xin bạn hãy an
lòng:
1.
Vì bạn là người có sự tin-tưởng trong sạch đối với Ðức Phật, một bậc Thế Tôn,
một bậc Trọn-Lành, một đấng Toàn-Giác thông-suốt tam-giới, một bậc thầy cả
chư-thiên và nhân-loại;
2.
Vì bạn là người có sự tin-tưởng trong sạch đối với Pháp-Bảo do Ðức Thế Tôn đã
khẩu-truyền một cách chánh-đáng, không sai-lạc. Ðức Phật hằng dìu-dắt
chúng-sinh ra khỏi vòng khổ-não, và được các bậc hiền-triết tôn-sùng;
3.
Vì bạn là người có sự tin-tưởng trong sạch đối với đức-tăng. Chư thánh-tăng là
những bậc thinh-văn đệ-tử của Ðức Thế Tôn. Các ngài có hành-vi chân-chánh,
đúng-đắn trong 4 đạo và 4 quả thánh-nhân[6]. Chư-tăng ấy đáng cho nhân-loại
cúng dường, là miếng ruộng báu của tất cả chúng-sinh;
4.
Vì bạn là người có đức-tin trong sạch đối với giới bổn của các bậc
thiện-trí-thức. Giới bổn ấy rất cao-quí, trong sạch, nguyên vẹn, để dẫn-dắt
chúng-sinh đến nơi giải-thoát và hằng được các bậc thánh-nhân khen ngợi".
Ðó là bốn điều an-ủi người
tại-gia cư-sĩ đang lâm-bệnh nặng".
"Tiếp theo đó, nên hỏi
người bệnh như vầy: "Vậy chớ bạn còn mến tiếc cha mẹ không?" Nếu
người trả lời còn, thì nên giải rằng: "Này bạn, thế nào bạn cũng phải
chết. Dầu có thương tiếc cha mẹ đến đâu, hay không thương tiếc, bạn cũng phải
chết. Vậy bạn nên vất bỏ sự thương tiếc ấy đi".
"Rồi cũng theo cách
giải trên đây, kẻ đến an-ủi bệnh-nhân, coi người còn tríu-mến vợ con không và
cũng khuyên-lơn người nên dứt bỏ sự tríu-mến ấy đi".
"Sau khi bệnh-nhân trả
lời rằng chẳng còn thương tiếc vợ con, thì nên hỏi nữa: "Vậy chớ bạn còn
tham muốn ngũ-trần không?" Nếu người bệnh trả lời còn, thì nên giải như
vầy: "Bạn ôi, sự an vui nơi cõi trời rất cao-thượng hơn sự an vui của
ngũ-trần. Vậy bạn nên dứt bỏ sự tham-muốn ngũ-trần và nên chú tâm về sự an vui
nơi cảnh trời 'Tứ Ðại Thiên Vương'". (Rồi lần-lần, từ cõi trời 'Tứ Ðại
Thiên Vương' đến những cõi trời: Ðao Lợi, Dạ Ma, Ðâu Suất, Lạc Biến Hoá, Tha
Hoá Tự Tại, cho tới khi người bệnh được chú-tâm vào cõi trời Phạm Thiên)".
"Tới đây, nếu
bệnh-nhân nói mình đã chú-tâm vào cõi trời Phạm Thiên rồi, thì người đến
khuyên-lơn nên giải nữa rằng: "Này bạn ôi! Cõi trời Phạm Thiên cũng còn
chịu ảnh-hưởng của sự vô-thường, cũng không bền vững và hãy còn ở trong vòng
cá-nhân[7]. Vậy bạn nên cố gắng đem nấc tâm
lên tới bậc 'Diệt Thọ Tưởng Ðịnh'[8]".
Ðức Phật thuyết rằng:
"Này Mahãnãma, nếu bệnh-nhân cho biết rằng tâm mình đã vượt khỏi cõi trời
Phạm Thiên và đã tới bậc 'Diệt Thọ Tưởng Ðịnh', thì người ấy đã được
giải-thoát rồi. Này Mahãnãma, coi đó thì biết rằng, bất-luận là người tại-gia
cư-sĩ hay là bậc xuất-gia, nếu kẻ nào ráng tu tập và trau-giồi tâm-trí để thoát
khỏi vòng phiền-não: Tham - Sân - Si,
hẳn nhiên kẻ ấy sẽ được hoàn-toàn giải-thoát vậy".
-- SAMYUTTA NIKÃYA
Những điều làm cho quốc-gia được
cường-thịnh
Ta[9] có nghe như vầy:
"Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại thành Radjagaha (Vương Xá), trên đỉnh núi Kỳ Xà Quật (núi kên-kên). Lúc ấy, Vua Adjatasattou (A Xà Thế) định đem binh đi đánh nước Vajjis. Ngài phán rằng: "Ta sẽ tấn-công dòng Vajjis ấy; dầu cho chúng nó hùng mạnh thế nào, ta cũng sẽ dẹp yên chúng nó, ta sẽ diệt tận gốc rễ chúng nó".
Kế đó, nhà vua liền dạy vị đại-thần Vassakara như vầy: "Này hiền-khanh, hiền-khanh mau tìm Ðức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, và cung-kính chuyển sang Ngài lời chào mừng của trẫm. Khanh nên ân-cần thăm hỏi dùm trẫm coi Ðức Thế Tôn được mạnh giỏi, an vui, thế nào? Xong rồi, khanh nên bạch lại cho Ngài rõ rằng vua xứ Magadha, là Adjatasattou, trong cơn nóng giận, định đem binh sang đánh xứ Vajjis". Nhà vua đã nhất-quyết như vầy: "Ta sẽ tấn-công dòng Vajjis ấy; dầu cho chúng nó hùng mạnh thế nào, ta cũng sẽ dẹp yên; ta sẽ diệt tận gốc rễ chúng nó". Hiền-khanh nên cẩn-thận, nhớ kỹ lời tiên-đoán của Ðức Thế Tôn để về tâu lại cho trẫm rõ; Chư Phật không khi nào nói đến việc gì sái với sự thật".
Nghe lời phán dạy của nhà vua, vị quan đại-thần Vassakara tâu rằng: "Tâu Ðại-Vương, hạ-thần xin làm y theo lịnh Ngài".Rồi đó ông ta liền bước lên long xa của vua ban cho, cùng một nhóm quân tùy-tùng, rời khỏi thành Vương Xá, nhắm về hướng dãy núi Kỳ Xà Quật mà trực-chỉ. Sau khi trải qua hết khoảng đường mà xe cộ có thể giao-thông được, ông ta xuống xe, đi bộ và tìm lần đến nơi Phật ngự. Lúc đến nơi, vị đại-thần Vassakara đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong rồi ngồi kế bên và bạch cho Ngài rõ mấy điều quyết-định của nhà vua.
Khi ấy, tôn-giả Ananda đang đứng phía sau quạt cho Ðức Phật. Ðức Thế Tôn liền day lại hỏi tôn-giả Ananda như vầy: "Vậy chớ nhà ngươi có nghe các nhân-vật Vajjis biết ăn ở có đoàn-thể, hoà-thuận và thường hay hội-họp cùng nhau để lo việc nước như thế nào không?"
Ðại Ðức Ananda trả lời rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, đệ-tử có nghe như vậy".
Ðức Phật liền thuyết rằng: "Này Ananda, khi nào các nhân-vật Vajjis biết đoàn-kết, ăn ở hoà-hảo cùng nhau, thường hay hội-họp để lo việc nước, thì không mong gì họ sẽ bại-vong. Trái lại, họ sẽ được cường-thịnh và phong-phú thêm lên".
"Này Ananda:
- Khi nào các nhân-vật Vajjis biết ăn ở hoà-thuận, ráng làm cho sự hoà-thuận ấy thêm tấn-triển, và bất cứ trong công việc chi, họ vẫn lấy tư-cách hoà-thuận để thực-hành;
- Khi nào họ không bày vẽ ra những luật-lệ mới, khác với luật-lệ sẳn có, không xoá bỏ những điều cũ và biết ăn ở theo qui-lập của các vị tiền-bối Vajjis thuở xưa;
- Khi nào họ biết tôn-trọng, kính-nể, sùng-bái, cung-phụng các bậc hiền-triết Vajjis và năng cần nghe lời dạy bảo của những bậc ấy;
- Khi nào họ không bắt bớ, hãm hiếp đàn bà, con gái, của những gia-đình lương-thiện;
- Khi nào họ biết quí-trọng, tôn-kính, sùng-bái và tu-bổ các đền-tháp Vajjis đã được dựng lên trong khắp nơi, từ thành-thị đến thôn-quê, và họ không còn chấp những cách tế-lễ hủ-lậu;
- Khi nào họ biết che-chở, bảo-bọc, phụng-sự các bậc thánh-nhân, để cho những bậc ấy - hoặc ở trong xứ, hoặc từ phương xa đến - được tự-do hành đạo".
"Này Ananda, khi nào các nhân-vật Vajjis thực-hành được những điều-kiện
kể trên thì không mong gì họ sẽ bại-vong. Trái lại, họ sẽ được cường-thịnh, phong-phú thêm lên".
Khi ấy, Ðức Thế Tôn day qua
nói với đại-thần Vassakara như vầy: "Này đại-quan, thuở nọ, Như Lai đang
ngụ tại thành Vesali, nơi mộ-địa Sarandada, đã có dịp giải cho các nhân-vật
Vajjis biết rõ những điều-kiện làm cho họ trở nên cường-thịnh. Khi nào các
nhân-vật Vajjis làm tròn mấy điều-kiện ấy, họ sẽ đạt được sự lợi-ích của những
điều ấy, thì không mong gì họ sẽ bại-vong. Trái lại, họ sẽ được cường-thịnh,
phong-phú thêm lên".
Vị quan đại-thần Vassakara
liền bạch với Ðức Phật rằng: "Nếu chỉ làm tròn vài điều-kiện như đã nói
trên, mà các nhân-vật Vajjis tránh khỏi sự bại-vong và được thịnh-vượng thêm lên,
như vậy thì họ sẽ hùng mạnh đến bậc nào, khi làm đủ cả bảy điều-kiện ấy? Bạch
Ðức Gotama, như thế thì nhà vua xứ
Magadha không mong gì đánh bại được dân Vajjis bằng võ-lực, hoạ may phải dùng
lối ngoại-giao hay là chờ dịp họ chia rẽ cùng nhau mới được. Bạch Ðức Gotama,
vậy tôi xin kiếu-từ Ngài, vì tôi còn nhiều công việc phải làm".
Ðức Thế Tôn đáp rằng:
"Ðại-quan cứ việc tùy-tiện". Rồi đó, vị đại-thần Vassakara đứng
dậy ra về, tỏ vẻ rất hài-lòng, thỏa-thích, về những lời diễn-giải của Ðức Thế
Tôn.
Đức Phật thuyết về tư-cách
phồn-thịnh của Tăng-chúng
Sau khi vị đại-thần
Vassakara đi rồi, Ðức Thế Tôn liền dạy tôn-giả Ananda như vầy: "Này
Ananda, ngươi triệu-tập ngay vào phòng nhóm này, với tất cả tăng-chúng đang ngụ
tại thành Vương-Xá".
Ðại-đức Ananda vâng lời,
sau khi xong việc rồi, trở lại bạch với Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn,
các thầy tỳ-khưu đã tề-tựu đông-đủ. Vậy xin Ngài chỉ dạy".
Ðức Phật đứng dậy đi vào
phòng nhóm. Ngồi xong, Ngài nói rằng: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Như Lai
diễn-giải cho các ngươi nghe về bảy pháp làm cho tăng-hội được phồn-thịnh. Vậy
các ngươi nên chăm-chỉ nghe rỏ mấy điều mà Như Lai sẽ thuyết ra đây".
Tăng chúng đồng bạch rằng:
"Bạch Ðức Thế Tôn, chúng tôi xin vâng".
Ðức Phật liền thuyết ra như vầy:
- "Khi nào tăng-chúng biết ăn ở có đoàn-thể, thường hay hội-họp cùng nhau;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu biết ăn ở hoà-nhã, biết hội-họp hoà-nhã và hằng thực-hành tăng sự với tư-cách hoà-nhã;
- Khi nào những thầy tỳ-khưu không sửa đổi những điều học, không hủy bỏ những điều học, đã quyết-định và hằng giữ đúng giới-luật hiện-hành;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu biết quý-trọng, tôn-kính, sùng-bái những bậc trưởng-lão có nhiều kinh-nghiệm, là các bậc cha lành cao-cả trong tăng-hội, có bổn-phận nghe lời dạy-bảo của các ngài;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu không còn để cho lòng ham muốn làm chủ thân tâm, vì đó mà phải bị luân-hồi nhiều kiếp;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu có tâm thoả-thích chốn rừng sâu thanh-vắng;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu biết tự-chủ, biết dìu-dắt các đệ-tử nào có nhiều tài đức và đem lại sự an vui, hạnh-phúc, cho họ.
Ðược vậy thì tăng-hội sẽ tấn-triển thêm, chẳng sợ gì phải bị suy-bại lu-mờ".
"Này các thầy tỳ-khưu, khi nào cả bảy pháp ấy được tăng-chúng thông-hiểu và hành theo, thì tăng-hội sẽ được tấn-triển thêm, không sợ gì phải bị suy-bại lu-lờ".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Các ngươi nên chăm-chỉ nghe rõ bảy pháp khác nữa mà Như Lai sẽ thuyết ra đây:
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không làm nghề buôn bán, không cầu lợi-lộc trong sự buôn bán;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không còn thói quen ưa nói chuyện san-đàng, vô-ích, không thoả-thích và hằng xa
lánh những chuyện ấy;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không còn lơ-là, biếng-nhác, không vui-thích trong sự lười-biếng;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không còn thân-cận với kẻ thế, không vui thích trong thế-sự;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không còn ham muốn tình-dục và chẳng còn làm nô-lệ cho tình-dục;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không còn thân-cận với kẻ dữ;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
không ngưng sự hành-trình của mình khi đi được nửa đường chân-lý và hài-lòng
trong kết-quả của mình đã đạt được.
Chừng ấy, tăng-hội khỏi
phải bị suy-bại lu-mờ, mà được thêm phần tiến-triển".
"Này các thầy tỳ-khưu,
khi nào các pháp ấy được tăng-chúng thông-hiểu và hành theo, thì tăng-hội sẽ
được tấn-triển, chẳng sợ gì phải suy-bại lu-lờ".
Ðức Phật thuyết thêm:
- "Khi nào các thầy
tỳ-khưu có đầy đủ đức-tin, có sự khiêm-nhượng, biết ghê sợ tội-lỗi, hằng niệm
tưởng biết mình, có sự tinh-tấn, có tâm-trí an-trụ, có đầy đủ trí-huệ;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
năng trau-giồi bảy nhân căn-bản làm cho sinh quả bồ-đề (thất bồ-đề phần), có sự
suy-xét chân-chánh, sự vui thích trong pháp, sự an-tịnh, sự chăm chú trong phép
thiền-định, sự bình-đẳng của tâm;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
hằng để-ý hiểu rõ về pháp vô-thường của vạn-vật, về các nết hư-hỏng, sự
dễ-duôi, sự diệt-trừ phiền-não, và tư-cách giải-thoát ra khỏi điều thống-khổ;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
biết chứng tỏ sự tốt lành của mình đối với những bạn đồng-đạo bằng hành-vi,
bằng lời nói, bằng ý-nghĩ, dầu trước mặt hay sau lưng cũng vậy;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
biết chia sớt theo qui-định của tăng-hội cho những bạn tu-hành có đức-hạnh
trang-nghiêm, bốn món vật-dụng, nhiều hay chút ít thực-phẩm mà mình đã được
trong lúc khất-thực;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu
biết gần-gũi những bậc thiện-trí-thức, dầu ở trước mặt hay sau lưng các ngài
cũng vậy, ráng cương-quyết thực-hành những pháp cao-siêu cho được toàn vẹn,
trong sạch, không chút bợn-nhơ, để đi đến nơi giải-thoát, biết trau-giồi những
pháp mà các bậc hiền-triết hằng khen ngợi, biết thực-hành những pháp làm cho
tâm trí được an-tĩnh;
- Khi nào các thầy tỳ-khưu,
dầu ở trước mặt người hay sau lưng người cũng vậy, biết gần-gũi các bậc
thánh-nhân, biết cố gắng đạt đến mục-đích an vui, hầu tận-diệt tất cả các
phiền-não ...
Ðược vậy, thì tăng-hội khỏi
phải suy-bại lu-lờ, mà sẽ được thêm phần tấn-triển".
-- DĨGHA NIKÃYA
Lời của soạn-giả:
Sở dĩ Ðức Thế Tôn có
danh hiệu "hoàn-toàn sáng-suốt" là vì mỗi khi làm điều chi, hay nói
chuyện gì, Ngài luôn-luôn làm và nói đúng theo chân-lý, hợp theo thời và có ích
cho phần đông. Ðức Phật rất công-bình, thương-xót tất cả chúng-sinh như nhau,
chẳng luận kẻ tốt người xấu, kẻ sang người hèn. Ngài chỉ mong sao mỗi lời hoặc
hành-vi của mình sẽ đem lại nhiều điều hạnh-phúc, an vui cho chúng-sinh.
Tích trên đây nói về đức
vua Adjatasattou, là bậc hộ-pháp rất đắc-lực thời-kỳ Ðức Phật còn tại thế. Nhà
vua định đem binh xâm-chiếm nước Vajjis, nhưng không biết thắng bại thế nào.
Hơn nữa, nhà vua lại nghĩ rằng mình là người sang cả, hết lòng hộ-độ Tam-Bảo,
là bậc đã từng làm vừa lòng Ðức Thế Tôn và khắp hàng tăng-chúng, thì thế nào
Phật cũng dạy bảo mình nhiều điều lợi-ích về quốc-sự. Do đó, vua Adjatasattou
mới sai quan đại-thần Vassakara đến lãnh ý Ðức Phật coi có nên xuất-chinh hay
không. Trong trường-hợp đó, Ðức Thế Tôn chẳng trả lời câu hỏi của sứ-giả, nhân
dịp ấy thuyết cho tôn-giả Ananda nghe về những kết-quả tốt đẹp, phồn-thịnh của
một nước, của một nhóm người, của tăng-chúng khi những nhân-vật biết ăn ở
hoà-thuận và đoàn-kết cùng nhau.
Ba điều so-sánh của đức Bồ-tát trước
khi đắc-đạo
Ðức Thế Tôn thuyết cho ông
Aggivessana nghe như vầy:
"Này Aggivessana, khi
ấy bỗng-nhiên phát-khởi trong trí Như Lai ba điều so-sánh mà từ nào đến giờ
không ai biết tới.
"Này Aggivessana, ví
dụ có một khúc cây ướt, dính bùn, bị để dưới nước và có một người kia đem lại
một khúc cây khác cọ vào nó mà nghĩ rằng: "Ta sẽ làm cho nẩy lửa để tìm
ánh-sáng". Này Aggivessana, như vậy có thể được chăng?
- "Bạch Ðức Gotama,
không thể được.
- "Tại sao vậy?
- "Bạch Ngài, vì cây
ấy đã ướt, dính bùn mà lại bị ngâm dưới nước, thì người kia chỉ phí công,
vô-ích đó thôi.
- "Này Aggivessana,
cũng như thế ấy, những bậc đạo-sĩ, hay Bà La Môn, nào hằng làm nô-lệ cho cả xác
thân và tâm-trí, có nhiều tham-dục, vui thích trong tham-dục, sống trong vòng tham
dục, say-đắm vì tham-dục và hằng bị lửa tham-dục luôn-luôn thiêu đốt, thì dù
cho những bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn đó có hành thân hoại thể, chịu đau khổ cách
mấy đi nữa, họ cũng không thể nào đạt được chân-lý cao-siêu. Hoặc-giả các bậc
đạo-sĩ hay Bà La Môn đó hành-động cách nào cho khỏi đau-đớn thống-khổ, thì họ
cũng chẳng đạt được chân-lý cao-siêu, đạt được trí-huệ để đi đến sự hoàn-toàn
giác-ngộ.
"Ðó là điều so-sánh
thứ nhất mà từ nào đến giờ chẳng ai biết tới".
"Này Aggivessana, tiếp
theo đó bỗng-nhiên phát-khởi trong trí Như Lai điều so-sánh thứ nhì, mà từ nào
đến giờ chẳng ai biết tới.
"Ví dụ, có một khúc
cây ướt, dính bùn bị ngâm dưới nước và được vớt lên bỏ trên đất; có một người
kia đem lại một khúc cây khác cọ vào nó mà nghĩ rằng: "Ta sẽ làm cho nẩy
lửa để tìm ánh-sáng". Này Aggivessana, như vậy có thể được chăng?
- "Bạch Ðức Gotama,
không thể được.
- "Tại sao vậy?
- "Bạch Ngài, vì cây
ấy đã ướt, dính bùn mà lại mới vừa được vớt lên khỏi nước, thì người kia chỉ
phí công vô-ích đó thôi.
- "Này Aggivessana,
cũng như thế ấy, những bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn nào đã kềm-chế xác thân, không
cho nó hành-động theo sự tham-dục; nhưng, trái lại tâm-trí của họ còn dính-mắc
trong vòng tham-dục, vui thích trong sự tham-dục, sống với sự tham-dục, say-đắm
vì tham-dục và hằng bị lửa tham-dục luôn-luôn thiêu đốt, thì dầu cho những bậc
đạo-sĩ hay Bà La Môn đó có hành thân hoại thể, chịu đau khổ cách mấy đi nữa,
hoặc-giả họ hành-động cách nào cho khỏi đau đớn, khổ-sở, thì họ cũng chẳng đạt
được chân-lý cao-siêu, đạt được trí-huệ để đi đến sự hoàn-toàn giác-ngộ.
"Ðó là điều so-sánh
thứ nhì mà từ nào đến giờ chẳng ai biết tới".
"Này Aggivessana, kế
tiếp theo đó, bỗng-nhiên phát-khởi trong trí Như Lai điều so-sánh thứ ba mà từ
nào đến giờ chẳng ai biết tới.
"Ví dụ, có một khúc
cây khô, sạch sẽ, bị ngâm dưới nước nhưng được người vớt lên để trên mặt đất
một thời-gian, và có một người kia đem lại một khúc cây khác cọ vào nó mà nghĩ
rằng: "Ta sẽ làm cho nẩy lửa, để tìm ánh-sáng". Này Aggivessana, như
vậy có thể được không?
- "Bạch Ðức Gotama,
hẳn có thể được.
- "Tại sao vậy?
- "Bạch Ngài, vì khúc
cây ấy được vớt lên khỏi nước trong một thời-gian và đem để trên đất nên nó khô
và sạch sẽ.
- "Này Aggivessana,
cũng như thế ấy, những bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn nào không còn làm nô-lệ cho xác
thân và tâm-trí, đã phủi sạch điều tham-dục, không còn vui thích trong sự
tham-dục, không còn sống với sự tham-dục, không bị hư-hỏng say-đắm vì tham-dục,
chẳng còn bị ngọn lửa tham-dục thiêu đốt và đã tìm được sự an-tịnh cho thân
tâm, thì những bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn đó, dầu cho có hành-động đau đớn, khó
nhọc, hoặc không đau đớn, khó-nhọc, đi nữa, thì họ cũng đạt được chân-lý
cao-siêu, đạt được trí-huệ để đi đến sự hoàn-toàn giác-ngộ".
"Này Aggivessana, đó
là điều so-sánh thứ ba mà từ nào đến giờ không ai biết tới, bỗng-nhiên
phát-khởi trong trí Như Lai".
-- MAJJHIMÃ NIKÃYA
Lý-thuyết "tứ diệu đế" và "thập nhị nhân
duyên"
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Một cái đèn kia cháy được là do chất dầu và cái tim của nó. Thỉnh-thoảng, người
nhà lại châm dầu thêm và kéo tim lên. Nhờ vậy mà ngọn đèn cháy được lâu ngày,
như thế nào?"
"Thì cũng như thế ấy,
kẻ nào cố tâm suy xét về những sự vui thích của ngũ-trần, tất-nhiên lòng tham
muốn của kẻ ấy sẻ tấn-triển thêm".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Trái lại, kẻ nào hằng chú-tâm suy xét về nỗi thống-khổ của vạn-vật, thì lòng
tham muốn của kẻ ấy phải tiêu tan. Mà khi nào sự tham muốn bị tẫy-trừ, thì tất
cả các điều thống-khổ cũng dứt hẳn".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Cũng như một cái đèn kia cháy được là do chất dầu và cái tim của nó. Nếu thỉnh-thoảng
không có ai đến châm dầu và kéo tim
lên, thì ngọn đèn phải tắt vì hết dầu".
-- SAMYUTTA NIKÃYA
Lời của soạn-giả:
Những ai muốn hấp-thụ
Phật-Giáo một cách chân-chánh và khỏi sai-lạc vào nẻo thần-quyền, dị-đoan, cần
phải tìm hiểu rõ-rệt hai lý-thuyết: tứ diệu đế (Ariyaccadhamma) và thập nhị
nhân duyên (Patica-Samuppada) của Ðức Phật đã tìm ra. Nhờ cố công suy xét đúng
theo phương-pháp, Ðức Thế Tôn thấy rằng tất cả sự thay-đổi của vạn-vật trên
thế-gian đều do những nhân và duyên gây ra: cái này tạo ra cái khác, cái kia có
để sanh ra cái nọ; nhân tạo ra duyên, rồi duyên trở lại thành nhân. Cũng như
nhờ có đất nên cây mới mọc. Người ta lấy cây đem về làm củi, củi đốt ra lửa,
lửa dùng để nấu vật thực, vật thực để nuôi sinh mạng, vân-vân ... Ngoài ra,
chẳng có vị Chúa cứu thế hay tạo-hoá nào cả.
Muốn cho phần đông dễ
hiểu, chúng ta nên đem hai lý-thuyết ấy ra so-sánh với y-khoa hiện-thời. Một vị
lương-y, trước khi điều-trị, cần phải dò xét coi bệnh-nhân đau chứng gì và bệnh
ấy bởi tự đâu mà phát-sinh. Thầy thuốc Á-đông thì chẩn mạch coi có điều chi
trắc-trở trong ngũ-tạng, y-sĩ người Âu Mỹ thì hay thử: phân, nước tiểu, máu,
đàm ... để tìm các loại vi-trùng phá-hoại cơ-thể. Khi biết rõ bệnh và
nguyên-nhân của chứng bệnh, vị lương-y lại cần phải biết chọn lựa những vị
thuốc nào cho phù-hợp, thì sự điều-trị mới công-hiệu.
Về Phật-Giáo, chính Ðức
Thế Tôn là vị lương-y đã được thấu-đáo bệnh khổ của chúng-sinh. Gia-công suy
xét, Ngài tìm ra được nguyên-nhân của các điều thống-khổ là lòng tham muốn: muốn
được sinh sống, muốn chấp giữ, muốn ưa mến, muốn thọ lãnh tình-cảm, muốn
tiếp-xúc với ngũ-trần, vân-vân ... Mà lòng tham muốn được phấn-khởi là do sự
không biết phân-biện (vô-minh) gây ra. Nếu diệt được vô-minh, thì tâm tham muốn
không còn. Mà khi nào hết tham muốn, thì con người mới mong thoát ra khỏi bánh
xe sanh tử luân-hồi được. Nhưng muốn diệt-tận vô-minh, dứt lòng tham muốn để
khỏi khổ, nhà hành đạo sáng-suốt cần phải noi theo con đường ềBát Chánh"
(Atthangikamagga) của Ðức Thế Tôn đã vạch ra, thì mới mong thành-tựu đạo-quả.
Tứ diệu đế
Ðức Thế Tôn có thuyết ra như vầy:
"Này các thầy tỳ-khưu, có hai điều thái-quá mà các bậc xuất-gia cần
phải xa lánh. Hai điều ấy như
thế nào?
- Một là đời sống
buông-tuồng theo ngũ-dục, say mê trong ngũ-dục, rất là xấu-xa, thô-bỉ, thấp-hèn
và vô-ích.
- Hai là ăn ở theo lối
khổ-hạnh, hành thân hoại thể, đau đớn khổ-não, không thanh-cao mà cũng chẳng
bổ-ích vào đâu.
"Này các thầy tỳ-khưu,
nhờ tránh xa hai cách tu thái-quá ấy, mà Như Lai tìm được con đường trung đạo,
con đường để mở mắt, mở trí con người, khiến cho tâm được an-tĩnh, được
thông-suốt, hoàn-toàn giác-ngộ, được chứng-quả Niết-Bàn.
"Này các thầy tỳ-khưu,
vậy chớ con đường TRUNG ĐẠO mà Như Lai đã tìm ra đó như thế nào? (Ðức Phật lập
lại những lời như đoạn trên): ấy là con đường Bát chánh vậy.
- Khổ đế:
Này các thầy tỳ-khưu, đây
là chân-lý cao-siêu về sự khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ, chết
là khổ, phải gần cái gì không thích là khổ, phải xa cái gì vừa lòng là khổ,
mong cầu cái gì chẳng được là khổ. Nói tóm lại, sự chấp và quyến-luyến xác thân
ngũ-uẩn là khổ.
- Tập đế:
Này các thầy tỳ-khưu, đây
là chân-lý cao-siêu về nguyên-nhân của sự khổ, chính là tâm tham muốn cho được
sống còn. Vì đó mà phải sanh tử luân-hồi, hết kiếp này qua kiếp khác. Mỗi kiếp
sự vui thích về sắc-dục càng thêm dồn-dập; khi chỗ này, lúc chỗ khác, được vui
rồi lại muốn vui thêm. Tham ngũ-trần, tham sống, tham quyền-thế, lợi-danh.
- Diệt đế:
Này các thầy tỳ-khưu, đây là chân-lý cao-siêu về sự diệt khổ. Thật ra, muốn diệt khổ thì phải dứt lòng tham-dục, phải dứt tâm tham sống, phải giải-thoát ra ngoài vòng tham muốn.
- Đạo đế:
Này các thầy tỳ-khưu, đây là chân-lý cao-siêu về đạo diệt khổ. Chính là con đường Trung Ðạo, con đường "Bát chánh": Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, mà Như Lai đã tìm ra.
"Này các thầy tỳ-khưu, đây là chân-lý cao-siêu về sự khổ, nguyên-nhân của sự khổ, về sự diệt khổ và đạo diệt khổ. Những điều mà từ nào đến giờ chưa ai biết đến, mắt ta đã thấy rõ, trí ta đã suốt-thông. Ta đã được sự trực-giác, đạt được trí-tuệ. Này các thầy tỳ-khưu, coi đó thì biết rằng, ngoài ta ra, từ nào đến giờ chưa ai được biết những điều ấy".
"Này các thầy tỳ-khưu, khi ta chưa đạt được sự trực-giác, chưa được thông-hiểu rõ-rệt về bốn Diệu Ðế ấy, mỗi đế có ba phần, bốn đế gồm lại mười hai khoản, thì ta biết rằng trong khắp các cảnh-giới: người, trời, ma-vương, phạm-thiên, trong vòng nhất-thiết chúng-sinh, cho đến các bậc sa-môn, Bà La Môn, chư-thiên và nhân-loại, ta chưa phải bậc Ðại-Giác (Phật)".
"Này các thầy tỳ-khưu, nhưng đến khi ta đã đạt được sự trực-giác, đã thông-hiểu rõ-rệt về bốn Diệu Ðế ấy, mỗi đế có ba phần, bốn đế gồm lại có mười hai khoản, thì ta biết rằng trong khắp các cảnh-giới: người, trời, ma-vương, phạm-thiên, trong vòng nhất-thiết chúng-sinh, cho đến các bậc sa-môn, Bà La Môn, chư-thiên và nhân-loại, ta đã là một bậc Ðại-Giác (Phật) vậy".
"Sự thông-hiểu và trực-giác ấy phát-sinh đến khiến cho ta biết rằng: "Tâm ta đã được hoàn-toàn giải-thoát. Ðây là kiếp chót của ta. Ta sẻ không còn sinh lại nữa".
-- MAHAVAGGA
Thập-nhị nhân-duyên
Ðức Thế Tôn có thuyết như vầy:
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Trước khi đắc đạo, lúc chưa được giác-ngộ và hãy còn là một vị Bồ-Tát, ta có
suy-nghĩ như vầy: "Than ôi! Thế-gian này khổ thật! Chúng-sinh được sanh ra
rồi phải già, phải chết, phải bị tiêu-diệt, rồi lại tái-sinh. Mà nào đâu có ai
tìm ra được phương-cách để thoát khỏi những sự: đau đớn, già nua, tử-biệt và
chẳng biết đến lúc nào con người mới tránh khỏi những khổ-nạn ấy".
"Này các thầy tỳ-khưu,
lúc bấy giờ ta lại nghĩ rằng: "Vậy chớ đến chừng nào mà một chúng-sinh mới
già, mới chết, và cái chi là nguyên-nhân làm cho phát-sinh sự già, sự chết ấy?
Trong khi ta đang quán tưởng đúng theo phương-pháp, sự thông-hiểu rõ-rệt bỗng-nhiên
phát-khởi, khiến ta được biết rằng: chính vì có sự tái-sinh nên phải già, phải
chết và sự tái-sinh là nguyên-nhân của nạn già và chết vậy".
"Này các thầy tỳ-khưu,
chừng ấy ta lại nghĩ rằng: "Vậy chớ đến lúc nào một chúng-sinh mới
tái-sinh, và cái chi là nguyên-nhân làm cho tái-sinh? Trong khi ta đang quán
tưởng đúng theo phương-pháp, sự thông-hiểu rõ-rệt bỗng-nhiên phát-khởi, ta được
biết rằng:
- Hữu: Chính vì sự muốn có
thân sau nên mới tái-sinh, và thân sau là nguyên-nhân của tái-sinh vậy;
(Rồi cũng theo cách-thức kể
trên, Ðức Thế Tôn giải tiếp rằng: )
- Thủ: Vì có sự chấp giữ
nên mới có thân sau, và tâm chấp giữ là nguyên-nhân của thân sau;
- Ái: Vì có sự ưa mến nên
mới chấp giữ, và tâm ưa mến là nguyên-nhân của sự chấp giữ;
- Thọ: Vì có sự nhận lãnh
các cảm-giác nên mới ưa mến, và sự nhận lãnh các cảm-giác là nguyên-nhân của
tâm ưa mến;
- Xúc: Vì có sự đụng chạm
sắc-trần nên mới có sự nhận lãnh các cảm-giác, và đụng chạm sắc trần là
nguyên-nhân của sự nhận lãnh các cảm-giác;
- Lục nhập: Vì có giác-quan
nên mới đụng chạm sắc trần, và giác-quan là nguyên-nhân của sự đụng chạm sắc
trần;
- Danh sắc: Vì có tâm thần
và hình sắc nên các giác-quan mới được sanh ra, và danh sắc là nguyên-nhân sanh
ra giác-quan;
- Thức: Vì có thức-tính để
phân-biện nên mới có danh sắc, và thức là nguyên-nhân sanh ra danh sắc;
- Hành: Vì có hành-vi
tạo-tác nên mới có thức-tính và chính hành-vi tạo-tác là nguyên-nhân sanh ra
thức-tính;
- Vô-minh: Vì có sự
tối-tăm, chẳng biết phân-biện nên mới có hành-vi tạo-tác, và chính sự tối-tăm
là nguyên-nhân của hành-vi tạo-tác.
"Này các thầy tỳ-khưu,
như thế chính Vô-minh sanh ra Hành, Hành sanh ra Thức, Thức sanh ra Danh Sắc,
Danh Sắc sanh ra Lục-Nhập, Lục-Nhập sanh ra Xúc, Xúc sanh ra Thọ, Thọ sanh ra
Ái, Ái sanh ra Thủ, Thủ sanh ra Hữu, Hữu là nguyên-nhân của sự tái-sinh, và
tái-sinh là nguyên-nhân của sự Già, sự Chết. Ðó là nguyên-nhân của các điều
thống-khổ vậy".
"Trong khi ta đang
quán tưởng đúng theo phương-pháp về những điều lạ-lùng ấy, bỗng-nhiên sự
sáng-suốt, sự thông-hiểu, sự giác-ngộ hoàn-toàn phát-sinh đến cho ta".
"Này các thầy tỳ-khưu,
lúc bấy giờ ta nghĩ rằng: "Vậy chớ cần phải không có cái chi để chẳng có
sự già, sự chết, và phải diệt bỏ cái chi để khỏi già, khỏi chết?"
"Trong khi đang quán
tưởng đúng theo phương-pháp, bỗng-nhiên sự thông-hiểu rõ-rệt phát-sinh đến, ta
được biết rằng chính khi nào chẳng có sự tái-sinh thì mới khỏi già, khỏi chết,
và lúc nào sự tái-sinh không còn thì sự già, sự chết cũng dứt hẳn".
"Này các thầy tỳ-khưu,
lúc bấy giờ ta lại suy-nghĩ nữa rằng: "Vậy chớ phải diệt bỏ cái chi mới
khỏi tái-sinh?"
"Trong lúc đang quán
tưởng đúng theo phương-pháp, bỗng-nhiên sự thông-hiểu rõ-rệt phát-sinh đến, ta
được biết rằng chính khi nào chẳng còn muốn có thân sau (Hữu) thì mới khỏi
tái-sinh, và lúc nào tâm muốn có thân sau không còn thì sự tái-sinh cũng dứt
hẳn".
(Rồi cũng theo cách-thức kể
trên, lần lượt Ðức Thế Tôn giải rằng: )
* Khi nào chẳng có sự chấp
giữ (Thủ) thì mới không có thân sau, và chừng nào tâm chấp giữ chẳng còn thì
thân sau cũng không có;
* Khi nào chẳng có sự ưa
mến (Ái) thì mới không chấp giữ, và chừng nào tâm ưa mến chẳng còn thì sự chấp
giữ cũng dứt hẳn;
* Khi nào chẳng có sự nhận
lãnh các cảm-giác (Thọ) thì mới không ưa mến, và chừng nào sự nhận lãnh các
cảm-giác chẳng còn thì tâm ưa mến cũng dứt hẳn;
* Khi nào chẳng có sự đụng
chạm với các sắc trần (Xúc) thì mới không nhận lãnh các cảm-giác, và chừng nào
sự đụng chạm với sắc trần chẳng còn thì sự nhận lãnh cảm-giác cũng dứt hẳn;
* Khi nào chẳng có
giác-quan (Lục Nhập) thì mới không có sự đụng chạm với sắc trần, và chừng nào
giác-quan chẳng còn thì sự đụng chạm sắc trần cũng dứt hẳn;
* Khi nào chẳng có tâm-thần
và hình-sắc (Danh Sắc) thì mới không có giác-quan, và chừng nào Danh Sắc chẳng
còn thì các giác-quan cũng bị diệt-tận;
* Khi nào chẳng có thức-tính
để phân-biện (Thức) thì mới không có Danh Sắc, và chừng nào thức-tính không còn
thì Danh Sắc cũng bị diệt-tận;
* Khi nào chẳng có hành-vi
tạo-tác (Hành) thì mới không có thức-tính, và lúc nào các hành-vi tạo-tác không
còn thì thức-tính cũng bị diệt-tận;
* Khi nào chẳng có sự
tối-tăm, không biết phân-biện (Vô-minh) thì mới không hành-vi tạo-tác, và lúc
nào sự tối-tăm không còn thì hành-vi tạo-tác cũng dứt hẳn".
"Như thế, khi nào:
Vô-minh không còn thì Hành cũng bị diệt, Hành không còn thì Thức cũng bị diệt,
Thức không còn thì Danh Sắc cũng bị diệt, Danh Sắc không còn thì Lục-Nhập cũng
bị diệt, Lục-Nhập không còn thì Xúc cũng bị diệt, Xúc không còn thì Thọ cũng
chẳng có,Thọ không còn thì Ái cũng chẳng có, Ái không còn thì Thủ cũng chẳng
có, Thủ không còn thì Hữu cũng chẳng có, Hữu không còn thì sự Tái-Sinh cũng bị
diệt, sự Tái-Sinh không còn thì những nạn Già, nạn Chết cũng dứt hẳn. Cũng như
thế, tất cả các sự thống-khổ đều dứt tuyệt".
"Trong khi đang quán
tưởng đúng theo phương-pháp về những điều lạ-lùng ấy, bỗng-nhiên sự sáng-suốt,
sự thông-hiểu, sự giác-ngộ hoàn-toàn phát-sinh đến cho ta".
-- SAMYUTTA NIKÃYA, II, 10
Đức Phật tiên-đoán về sự suy-đồi của Phật giáo
Ðức Thế Tôn có thuyết như
vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Thuở trước kia, các nhóm người Dasaraha có một
cái trống mà họ đặt tên là "Trống Chiêu Tập". Khi trống bắt đầu muốn
lủng, họ liền đóng thêm nhiều cái móc (để căng da cho thẳng); một thời gian
sau, cái trống ấy bị hỏng cả, chỉ còn lại có cái thân bằng cây và những móc sắt
mà thôi".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Cũng như thế ấy, hàng tăng-chúng trong buổi vị-lai sẽ có các hành-vi, cử-chỉ
tương-tợ như vậy. Những lời giáo-huấn của Ðức Chánh Biến Tri rất cao-thâm,
huyền-diệu, đầy ý-nghĩa, họ chẳng cần nghe, hoặc tìm hiểu đến. Họ không màng gì
đến sự học hỏi cho thông-suốt chân-lý, và chẳng hết lòng ủng-hộ giáo pháp chánh
đáng, cao-siêu này. Trái lại, họ lại ưa thích, chăm-chú tìm nghe, tìm hiểu
những lý-thuyết không thuộc về chánh-giáo như những áng-văn thi-phú do các nhà
thi-sĩ thốt ra, có nhiều danh-từ, ngôn-ngữ trôi-chảy, hoạt-bát. Họ sẽ hết lòng
ủng-hộ và cho rằng những lý-thuyết ấy là chân-chánh, đáng học hỏi, đáng
hấp-thụ. Vì lẽ đó, cho nên những lời giáo-huấn do Ðức Chánh Biến Tri đã giải
ra, rất cao-thâm, huyền-diệu, đầy ý-nghĩa, sẻ phải lu-lờ".
-- SAMYUTTA NIKÃYA, II, 266-267
Lời của soạn-giả:
Trong tích trên đây, Ðức
Thế Tôn đem phẩm-hạnh của hàng tăng-chúng hồi Ngài chưa nhập Niết-Bàn ra
so-sánh với cái trống còn nguyên vẹn tốt lành. Tiếng trống vang-dội khắp nơi,
xa gần đều nghe biết. Cũng như chân-pháp do Ngài, hoặc các bậc Thinh Văn,
thuyết ra rất đúng-đắn, cao-thâm, từ đầu chí cuối, được phần đông các thầy
tỳ-khưu chăm-chú tìm nghe, tìm hiểu, để hành theo cho được lợi-ích.
Về thời-kỳ xa
chánh-pháp, Ðức Phật so-sánh hàng tăng-chúng với cái thân và những móc sắt của
cái trống hư còn sót lại. Cũng như hiện nay trong khắp nơi, có biết bao nhiêu
người bỏ gia-đình quyến-thuộc, đi tìm sự sống xa thế-sự, mà chẳng nghiêm-trì
giới-luật, không biết áp-dụng Phật pháp một cách chính-đáng. Mang lấy danh-hiệu
là bậc "xuất-gia", họ chẳng chịu làm theo phận-sự mình, chẳng chịu
sống thành-thật bên cạnh Tam-Bảo, mà chỉ thích nghe và làm theo những lý-thuyết
sai-lầm do các nhà tu-hành không chân-chánh thốt ra. Rốt cuộc, vì những thuyết
ấy mà Phật pháp phải lu-lờ.
Trước khi nhập Niết-Bàn, đức Phật
giải về cách cúng dường cao-thượng
Khi ấy, Ðức Phật nói với
tôn-giả Ananda: "Này Ananda, chúng ta hãy đi về phía huê-viên Upavattana,
thuộc xứ Kusinara (của quốc-vương Malla) ở, về phía bên kia giòng rạch
Hirayavati".
- "Bạch Ðức Thế Tôn,
tôi xin vâng".
Rồi đó, Ðức Phật với một số
đông thầy tỳ-khưu đồng thân-hành vào vườn bông Upavattana, ở phía bên kia vòng
rạch Hirayavati. Lúc tới nơi, Ðức Phật nói với Ðức Ananda: "Này Ananda,
ngươi nên sắp đặt tại khoảng giữa hai cây song-long-thọ (cây Sala) một chỗ nằm
trở đầu về hướng bắc. Như Lai hiện đang có bệnh và muốn nằm để nghỉ ngơi".
- "Bạch Ðức Thế Tôn,
tôi xin vâng".
Rồi đó, tôn-giả Ananda bèn
sắp đặt giữa hai cây song-long-thọ một chỗ nằm quay đầu về hướng bắc. Ðức Thế Tôn
nằm xuống, nghiêng mình về phía tay mặt, để chân trái nằm trên chân phải. Ngài
tỏ vẻ bình-tĩnh và nhẫn-nại trong lúc ấy.
Hai cây song-long-thọ
bỗng-nhiên trổ bông sum-sê, dầu rằng không phải đúng thời-tiết. Những bông ấy
rụng xuống, rải-rác khắp thân-hình Ðức Như Lai để tỏ ý cúng dường đấng
kế-nghiệp của các vị Phật quá-khứ; những nhánh bông Mandarava (Hoa tiên) và
phấn-chiên-đàn hương từ cõi trời rơi xuống, bao-phủ khắp thân-hình Ðức Như Lai;
tiếng nhạc-thiều trổi dậy khắp hư-không; tiếng ca-xang, lãnh-lót, ai-bi, tự các
cõi chư-thiên đưa xuống, tỏ ý cúng dường đấng kế-nghiệp của các vị Phật
quá-khứ.
Ðức Phật nói với Ðức Ananda
rằng: "Này Ananda, nhưng đó chẳng phải là cách mà nhân-loại tôn-kính,
thờ-phụng, sùng-bái, cúng dường Như Lai bằng cách cao-thượng đâu. Mà chính các
tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện-nam, tín-nữ nào, luôn-luôn làm tròn phận-sự, biết ăn
ở theo chánh-giáo, biết noi theo đường chân-lý, mới đáng gọi là những người
biết tôn-kính, thờ-phụng, sùng-bái, cúng dường Như Lai bằng cách cao-thượng vậy.
Này Ananda, bởi cớ ấy, ngươi nên làm tròn bổn-phận, phải biết ăn ở theo
Chánh-Giáo và phải luôn-luôn noi theo chân-lý. Ðó là những việc nên làm".
Lúc ấy, có thầy tỳ-khưu
Upavana đang đứng phía trước để quạt cho Ðức Phật. Ðức Thế Tôn nói với vị ấy
rằng: "Này Upavana, ngươi chẳng nên đứng trước mặt Như Lai".
Tôn-giả Ananda bèn phát tâm
suy-nghĩ như vầy: "Thầy Upavana là bậc hầu-cận Ðức Thế Tôn tự bấy lâu nay.
Nhưng không hiểu tại duyên-cớ chi, trong lúc cuối cùng, Ðức Thế Tôn lại nói
vậy!".
Ðức Ananda liền hỏi Ðức
Phật những điều nghĩ trên.
Ðức Phật trả lời rằng:
"Này Ananda, có vô-số chư-thiên trong khắp mười ngàn thế-giới đang tề-tựu
đông-đủ nơi đây để yết-kiến Như Lai. Chung quanh khắp huê-viên Upavattana, đi
xa tới 12 dặm, chẳng có một khoảng trống nào, dầu cho nhỏ bằng sợi tóc, mà
không có các bậc chư-thiên cao-cả đang đứng. Này Ananda, những vị chư-thiên ấy
nói xầm-xì với nhau rằng: "Chúng ta ở xa-xôi, cùng nhau tới đây để
yết-kiến Ðức Như Lai. Vì trải qua một thời-gian dài dặn, rất ít khi được có các
Ðấng Như Lai, các Ðức Phật toàn-giác xuất-hiện trong thế-gian này; hơn nữa, vào
lúc canh năm nội đêm nay, Ðức Như Lai sẽ nhập Niết-Bàn, mà ông Upavana kia lại
đứng án phía trước, làm cho chúng ta không thấy được mặt Ngài trong những giờ
cuối cùng". Này Ananda, các chư-thiên họ nói thầm-thì với nhau như
vậy".
-- MAHA-PARINIBBANA SUTTANTA
Lời của soạn-giả:
Ðể ngăn-ngừa sự hiểu
biết sai-lầm về Phật-giáo, Ðức Thế Tôn, trước khi nhập Niết-Bàn, lấy tư-cách
thành-kính cúng dường của chư-thiên và nhân-loại trong buổi Ngài gần lâm-chung
mà giải-thích cho Ðức Ananda nghe. Ngài không cho những cách cúng dường đó là
cao-thượng, mà chỉ những người nào biết ăn ở theo Phật-ngôn để mau được
giải-thoát mới đáng gọi là những người cúng dường cao-thượng vậy.
-ooOoo-
Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35
updated: 19-04-2002
[1] Làm chủ điều-khiển được.
[2] Tự chủ điều-khiển mình.
[3] Bậc xuất-gia tu-hành.
[4] Ám chỉ tất cả chúng-sinh còn mắc trong vòng sinh tử luân-hồi.
[5] Ám-chỉ ông Siha, một vị thống-soái của vua xứ Licchavis.
[6] Ðạo-quả của 4 bậc thánh: Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm và A La Hán.
[7] Còn chấp ta.
[8] Diệt được sự chấp ta.
[9] Ðức A Nan.