BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật giáo Nguyên thủy
PHÁP TRÍCH LỤC - 2
Huỳnh
Văn Niệm soạn dịch
Phật Bảo Tự tái bản
Pagode Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600 Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34
Tập II
-ooOoo-
"Chẳng có sự thắng-trận nào cao-thượng bằng sự thắng-trận của Chánh
Pháp".
"Chẳng có sự bại-trận nào đê-hèn hơn sự bại-trận giặc lòng". --
Hoàng-Ðế A-Dục
"Bậc nào biết thành-thật phụng-sự chánh pháp, để tẩy-trừ điều
xấu-xa, tội-lỗi hằng khuấy-rối tâm-trí con người, bậc ấy đáng là một ân-nhân
cao cả trên đời".
Lời soạn giả:
Thuở Ðức Thế Tôn còn tại
thế, có một vị Bà La Môn đến hỏi Ngài, tại sao những Pháp của Ngài thuyết ra
cho các bậc thánh-tăng, phàm-tăng, tại-gia cư-sĩ và những người ngoại-đạo nghe,
mỗi-mỗi đều khác nhau. Có lẽ Ngài thương chúng-sinh không đồng nhau chăng?
Ðức Phật trả lời rằng:
"Những người đến nghe giáo đạo ví như những miếng ruộng tốt xấu khác nhau". Muốn có ích-lợi, Ngài phải
đem thứ giống hảo-hạng gieo vào miếng ruộng phì-nhiêu nhứt. Rồi Ngài đem thứ
giống bậc trung gieo vào miếng ruộng ít phân hơn. Ngài đem thứ giống bậc hạ
gieo vào miếng ruộng tầm thường, ít sinh-sản hơn hết. Ðó là Ðức Thế Tôn có ý
nói rằng những Pháp của Ngài thuyết ra (hột giống), cao thấp khác nhau là tùy
theo căn-cơ của mỗi chúng-sinh (ruộng tốt hay xấu).
Mà hiện nay, phần lớn
chúng-sinh kém trí-tuệ, nghiệp dầy duyên mỏng, thì làm sao thấu-triệt được
những Pháp thậm-thâm vi-diệu mà chư thánh-tăng ngày trước đã lãnh-hội.
Những bài Pháp đó, nếu
chúng ta có đọc đi nữa, thì cũng chỉ hiểu suông trên danh-từ, còn phần uyên-áo
hàm-súc bên trong làm sao chúng ta thấu-triệt được. Do đó, càng ngày đạo quả và
chứng-ngộ chân-lý càng mai-một.
Chúng tôi cho dịch lại
những bài Pháp quan-trọng về sự giáo-đạo của Ðức Phật khi xưa, để chư Phật-tử
cố gắng tìm hiểu và tùy duyên lành mà mỗi người trong chúng ta có thể tìm ra
phần nào chân-lý giác-ngộ.
Cuốn Pháp Trích Lục II này
chia làm hai phần:
- Phần thứ nhứt gồm những
bài do Ðức Phật hoặc Chư Thinh Văn La Hán đã thuyết ra, để dạy người hành đạo, và bài Pháp Cuộc Tranh-Luận giữa
Ðức Phật và nhóm ngoại-đạo Nigantha chứng tỏ rằng Ðức Thế Tôn chẳng phải chỉ có
đức đại-bi nhẫn-nại mà thôi, Ngài lại là một Bậc Ðại-Trí có nhiều kinh-nghiệm
và rất hoà-nhã trong khi tranh-biện về đạo-đức với những phái khác. Nhờ vậy mà Ngài cảm-hoá được nhiều người.
- Phần thứ nhì có ghi chép
sử tích của Hoàng-Ðế A-Dục, là một bậc đại hộ-pháp trong Phật-Giáo, trị-vì tại
xứ Ấn Ðộ lối 200 năm sau khi Ðức Phật nhập Niết-Bàn. Nhờ ngài mà những thánh
tích, kinh luật và xá-lợi của Ðức Thế Tôn được lưu-truyền cho đến ngày nay.
Chúng tôi rất đa-tạ được
các bậc Tiền-Bối chỉ giáo thêm cho.
Mong thay!
Soạn-giả
-ooOoo-
Pháp Trích Lục
Kẻ mất ngủ cho rằng đêm rất dài, người lữ-khách mệt-mỏi cho rằng đường
hãy còn xa.
Cũng vậy, kẻ nào chưa tìm được chân-lý, hằng phải bị sanh tử luân-hồi trong
thời-gian vô-tận.
-- DHAMMAPADA
BÁC-ÁI KINH
(Paritta)
Thuở nọ, có một thầy
tỳ-khưu vào rừng bị rắn cắn chết. Tin này được thấu đến Ðức Phật. Ngài dạy
rằng: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Nếu vị tỳ-khưu kia biết rải lòng từ-bi đến
bốn loài rắn chúa, là: Virupakkha, Erapatha, Chabyaputta và Kanhagotamaka, thì
người đã tránh khỏi sự chết vì nọc rắn rồi. Hỡi các thầy tỳ-khưu! Vậy từ nay
trở đi, Như Lai khuyên các ngươi nên rải lòng từ-bi đến các loài rắn độc ấy, và
đến tất cả chúng-sinh như vầy:
"Tôi có lòng từ-ái đối
với những loài rắn: Virupakkha, Erapatha, Chabyaputta và Kanhagotamaka. Xin cho
tất cả loài rắn ấy hằng được an vui, không có điều chi thống-khổ.
"Tôi cũng xin rải lòng
từ-bi đến những loài thú không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân, đến
những chúng-sinh nào có thân-hình dài hay ngắn, lớn hay nhỏ, gầy hay béo, đã
sanh ra rồi hoặc còn đang thọ-sinh. Xin cho tất cả chúng-sinh ấy được an vui và
chẳng làm hại lẫn nhau vì sự nóng giận hoặc bất-bình. Ngôi Tam-Bảo là quí-trọng
thường-tồn, còn mạng sống của chúng-sinh thật không bền vững. Người mẹ thương
yêu người con một như thế nào? Cũng như thế ấy, tôi xin rải lòng từ-bi trong
khắp thế-gian, và cầu cho tất cả chúng-sinh đều được an vui hạnh-phúc".
"Làm vậy, chính các
ngươi biết cách che chở lấy mình để tránh khỏi những điều rủi-ro, tai-hại có
thể xảy đến cho các ngươi".
-- CULLAVAGGA
Lời của soạn-giả:
Ðức Phật là bậc Ðại-Từ Ðại-Bi. Mỗi hành-vi hay lời nói của Ngài đều đem
lại sự an vui mát mẻ cho tất cả chúng-sinh.
Pháp của Ðức Phật là một phương thuốc mát, gồm toàn những điều đúng theo
chân-lý và có lợi-ích.
Người soạn Pháp của Ðức Phật hằng có mục-đích đem chia sớt sự mát mẻ an
vui cho phần đông.
Người xem kinh sách đạo-đức cũng mong tìm sự mát mẻ cho thân tâm.
Vậy các bạn đọc, trước khi xem qua những bài Pháp phía sau, xin bỏ sự
chấp-nê và nhín chút thì-giờ để chiêm-nghiệm về sự lợi-ích của bài kinh BÁC-ÁI
trên đây.
Rắn là loài thú dữ, rất khó cho người diệt trừ, mà nó còn phải thối lui
trước oai-lực của kinh BÁC-ÁI.
Các bậc hành-giả ngụ nơi rừng vắng, nhờ rải tâm từ-bi cho tất cả
chúng-sinh, mà các ngài chẳng sợ gì cọp, beo, voi, gấu, rắn, rết ...
Có Phật ngôn rằng: "Kẻ nào biết nuôi dưỡng tâm mình bằng pháp
từ-bi', kẻ ấy khi thức cũng được an vui, ngủ cũng an vui, sống được an vui mà
đến khi chết cũng được an vui".
Chúng ta thường nên niệm tưởng: "Xin cho tất cả chúng-sinh được an vui, thoát khỏi những điều thống-khổ".
Phương-pháp giáo-đạo của đức Phật
Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại thành Savatthi (Xá Vệ), trong một khu vườn nằm về phía tây đền vua Ba Tư Nặc. Khi ấy, có người Bà La Môn tên là Ganaka-Moggallãna xin vào viếng Ngài. Sau khi đảnh lễ và ngồi nơi phải lẽ, ông ta liền hỏi Ðức Thế Tôn rằng: "Bạch Ðức Gotama (Cồ Ðàm), những đền-đài cung-điện lộng-lẫy của nhà vua biểu-trưng sự kiến-trúc tinh-xảo, giỏi-giắng của người thợ biết áp-dụng công-trình tạo-tác đúng theo thứ-tự và phương-pháp, bắt đầu từ mặt nền cho đến từng cao vọi như thế".
"Bạch Ðức Gotama, cũng như thế ấy, sự hành đạo theo phái Bà La Môn Giáo chỉ cho chúng ta thấy rằng các tín-đồ của đạo ấy biết áp-dụng tài-lực của mình một cách giỏi-giắng, có thứ-tự và đúng theo phương-pháp để tấn-hoá từ chỗ thấp đến chỗ cao trong việc học hỏi các Thánh Kinh[1]. Họ giỏi-giắng như những tay thiện-xạ trong khi bắn, biết giương ná, lắp tên và nhắm thế nào cho trúng đích. Hoặc giả, cũng như người bút-toán rành việc, biết gìn-giữ sổ sách và tính-toán cách nào cho khỏi trật số. Bạch Ðức Gotama, cũng như mỗi khi chúng ta dạy học trò, thì trước hết chúng ta bắt nó đếm: một, một lần; hai, hai lần; ba, ba lần ...; mười, mười lần, cho tới trăm, và lần-lần bắt nó đếm tới những số nhiều hơn".
"Bạch Ðức Gotama, vậy chớ Pháp-Luật của Ngài có thể nào chỉ cho thấy rằng những bậc tu-sĩ trong Phật-Giáo biết trau-giồi đạo-đức một cách giỏi-giắng, có thứ-tự và đúng theo phương-pháp để tấn-hoá từ bậc thấp cho đến bậc cao hay chăng?"
Ðức Thế Tôn đáp rằng: "Này người Bà La Môn, chính phải vậy. Pháp-luật của Như Lai đã được sắp đặt đúng theo phương-pháp và thứ-tự. Cũng như tên giữ ngựa sành nghề, khi được người dắt đến một con tuấn mã để điều-khiển, thì nó bắt đầu tập cho ngựa quen với sợi giây cương, rồi lần hồi nó tập những việc khó hơn. Trong Phật-Giáo, đối với những kẻ vừa mới xuất-gia, thì Như Lai bắt đầu dạy thầy tỳ-khưu về sự trì-giới. Thầy tỳ-khưu phải xem xét mỗi hành-vi của mình cho đúng theo lẽ chánh, phải cố tránh những tội-lỗi, dầu là nhỏ-nhen chút ít, và phải sống theo giới bổn. Kế đó, Như Lai dạy thầy tỳ-khưu nên thu-thúc lục-căn, không cho bôn-chôn xao-động trong khi tiếp-xúc với lục-trần. Nhờ kiểm-soát được lục-căn mà con người mới mong tránh khỏi những điều xấu-xa, tai-hại do lòng tham muốn gây nên".
"Khi thầy tỳ-khưu biết giữ gìn lục-căn thanh-tịnh rồi, Như Lai liền dạy người lên một bậc trên nữa, là nên có sự tri-túc trong vật thực. Thầy tỳ-khưu phải biết phân-biệt xét đoán và quán tưởng rằng: "Ta thọ thực đây không phải vì tham ăn, vì vui thích trong món ngon vật lạ, mà chỉ để bảo-tồn thân-thể cho tráng-kiện, khỏi bịnh-hoạn để dễ bề hành đạo cao-thượng hơn". Nhờ biết tri-túc mà lần hồi hành-giả tẩy-trừ những cảm-giác xấu-xa, tội-lỗi khi xưa, không cho chúng nó phát-sinh nữa, và được trở nên an vui trong sạch".
"Khi thầy tỳ-khưu có đức tri-túc trong vật thực rồi, Như Lai liền dạy người lên một bậc cao hơn nữa, là phải luôn-luôn sáng-suốt và ráng giữ gìn tâm-trí cho trong sạch, mỗi khi có những ác pháp phát-sinh. Dầu là giữa ban ngày, trong đêm tối hay lúc thức giấc cũng vậy, thầy tỳ-khưu cần phải nhớ cho rõ những hành-vi và tư-tưởng của mình".
"Khi thầy tỳ-khưu được sáng-suốt rồi, Như Lai liền dạy lên một bậc cao hơn, bảo người nên tìm một nơi thanh-vắng để tham-thiền nhập-định. Nhờ tu tập đúng theo phương-pháp và thứ-tự, thầy tỳ-khưu diệt được năm điều chướng ngại, là: tham-dục, thù-oán, hôn-trầm, hoài-nghi và phóng-tâm. Diệt xong các trở-ngại ấy, thầy tỳ-khưu thấy thân tâm mình trở nên thơ-thới nhẹ-nhàng. Rồi lần-lượt, người được thành-tựu trong sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền ..."
"Này người Bà La Môn, phương-pháp giáo-đạo của Như Lai rất đáng cho kẻ nào chưa được giải-thoát học hỏi để tìm được sự an vui cao-thượng. Còn những bậc nào đã đắc đạo-quả A La Hán, đã làm tròn nhiệm-vụ của một đấng giác-ngộ, đã chặt đứt những sợi giây chướng-ngại, không còn phiền-não và liên-hệ gì tới sự tái-sinh nữa, những bậc ấy đã được giải-thoát và hưởng quả vui trong kiếp hiện-tại, vì các ngài biết cách điều-ngự thân tâm của mình".
Tới đây người Bà La Môn Ganaka-Moggallana lại hỏi Ðức Phật nữa rằng: "Bạch Ðức Gotama, vậy chớ hết thẩy các đệ-tử của Ngài đều được đắc quả Niết-Bàn, hay chỉ có một vài vị được đắc quả mà thôi?"
- "Này người Bà La Môn, trong số đó có những hạng đắc được quả Niết-Bàn, mà cũng có hạng không đắc".
- "Bạch Ðức Gotama, như thế thì Niết-Bàn có thật, con đường đi tới Niết-Bàn cũng có thật và chính Ngài đã vạch rõ đường ấy, mà tại duyên-cớ nào trong nhóm môn-đệ của Ngài chỉ có một số được đắc đạo, còn những vị khác không đắc?"
- "Này người Bà La Môn, Như Lai xin hỏi lại, vậy chớ ngươi nghĩ thế nào nếu có một kẻ kia đi về thành Radjagaha (Vương-Xá) đến xin ngươi chỉ đường dùm và ngươi dạy nó nên theo lối này. Ði được một đỗi, nó sẽ gặp một cái làng nhỏ, kế đó là một cái quận có đông người hơn. Rồi nó đi cho thật xa nữa, thì sẽ tới thành Radjagaha - một đô-thị huyên-náo - có nhiều thắng-cảnh như: những cung-điện nguy-nga của nhà vua, những vườn bông đẹp đẽ, cây cối xanh tươi, cỏ hoa rực-rỡ, những hồ nước trong-trẻo".
"Này người Bà La Môn, ví-dụ rằng kẻ ấy, sau khi dọ hỏi xong, liền lên đường để sang thành Radjagaha. Nhưng khi hành-trình được một đỗi, nó lại tẽ qua ngỏ khác và quay trở lại".
"Này người Bà La Môn, trái lại, có một kẻ thứ hai nữa, sau khi được người chỉ lối đi về thánh Radjagaha, liền cố-công trì-chí, đi theo con đường suông-sẻ thuận-tiện và ráng tránh những khoảng chông gai hiểm-hóc. Nhờ vậy mà nó đi đến nơi, đến chốn an vui, toại-nguyện".
"Này người Bà La Môn, xem đó thì biết rằng: Thành Radjagaha có thật, con đường đi về thành ấy có thật, và chính ngươi là kẻ chỉ lối cho hai gã kia, mà tại duyên-cớ nào một gã đi đến nơi, còn một gã thì không đến?"
- "Bạch Ðức Gotama, cái đó không phải lỗi nơi tôi. Vì tôi vốn là người chỉ đường mà thôi".
- "Này người Bà La Môn, thì cũng như thế ấy, Niết-Bàn có thật, con
đường đi Niết-Bàn cũng có thật, mà chính Như Lai đã chỉ rõ đường ấy. Tuy-nhiên,
có một số đệ-tử của Như Lai được thành-tựu trong đạo quả, còn một số khác phải
bị thất-bại. Nhưng cái đó
không do lỗi ở nơi Như Lai. Vì người tìm được chân-lý chỉ biết vạch đường cho
kẻ khác mà thôi".
Người Bà La Môn Ganaka liền
bạch với Ðức Thế Tôn rằng: "Như vậy thì Ðức Gotama không công-nhận:
- Những kẻ nào không có đức
tin chân-chánh mà rời bỏ gia-đình, tìm cách lợi-dụng sắc-phục tỳ-khưu để nuôi
mạng sống;
- Những kẻ nào xảo-trá, nói
nhảm, lười-biếng, cống-cao, ngã-mạn, không biết thu-thúc lục-căn, không lễ-độ, không sáng-suốt biết mình,
chẳng nghiêm-trì giới luật, tâm-trí tích-trữ đầy tham muốn cao-vọng và chỉ chờ
dịp để phản-bội Tôn-giáo của mình đó thôi;
Những kẻ ấy ví như con
thuyền bị gẫy lái, phải linh-đinh giữa biển, để mặc tình cho sóng đập gió dồi,
chẳng biết trôi lạc vào đâu".
"Ðức Gotama chỉ
công-nhận những kẻ nào có nhiều dũng-cảm và hạnh-kiểm, thân tâm chẳng còn bị
các tật xấu-xa ràng buộc, hăng-hái rời bỏ gia-đình, quyến-thuộc, để đi tìm sống
trong cảnh vô gia-đình, mang sắc-phục sa-môn, hầu mong đạt sự lợi-ích
cao-thượng".
"Cũng như trong các
loại cây thơm, chẳng có thứ nào thơm hơn cây Anusari, trong các loại cây
đàn-hương, chẳng có thứ nào thơm hơn cây đàn-hương đó, trong các loại hoa thơm,
chẳng có hoa nào thơm hơn hoa lài, và trong các Giáo Pháp, chỉ có Giáo Pháp của
Ðức Gotama là cao-siêu hơn hết".
Sau khi ca-tụng Ðức Thế Tôn
và tỏ lòng tin-tưởng đối với Phật Pháp, thầy Bà La Môn Ganaka liền bạch rằng:
"Bạch Ðức Thế Tôn, tôi nguyện nương nhờ nơi Ngài và xin Ðức Thế Tôn
vui-lòng nhận tôi làm đệ-tử kể từ ngày nay cho đến trọn đời".
-- MAJJHIMÃ NIKÃYA
Lời của soạn-giả:
Những điểm chánh trong
bài pháp trên đây chứng tỏ rằng: dầu về đời hay về đạo cũng vậy, mỗi việc gì,
nếu muốn cho có kết-quả tốt đẹp, thì kẻ làm việc ấy phải noi đúng theo qui-tắc
mới được. Trong các chi đạo, vị giáo-chủ thường áp-dụng một phương-pháp nào để
dạy tín-đồ. Về Phật-giáo, Ðức Thế Tôn đã có sắp đặt những phương-pháp tu tập riêng
cho hai hạng:
- Tại-gia, thì tu theo
phương-pháp: bố-thí, trì-giới, tham-thiền;
- Xuất-gia, thì hành
theo phương-pháp: Giới[2], Ðịnh, Huệ.
Vì biết tâm-tánh của
chúng-sinh mỗi-mỗi đều khác nhau và để tránh cho người mộ đạo khỏi phí công
vô-ích trên đường tu tập, nên Ðức Thế Tôn dạy chúng ta phải hành đạo đúng theo
phương-pháp và thứ-tự thì mới mau thành-tựu. Nhưng than ôi! Ở đời, ai nấy đều
muốn làm việc nhẹ mà có lợi nhiều, cũng như làm vua, quan, làm bá-hộ, vân-vân
... Biết bao nhiêu bậc xuất-gia và tại-gia tu theo Phật-giáo, vì muốn được mau
giải-thoát, nên thường bám lấy gương của Ðức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta hay ngài Lục Tổ
Huệ-Năng: Vì nghĩ rằng giác-ngộ do huệ, muôn việc do tâm, nên chi có hạng mới
vừa biết thì đã tìm cách tu huệ, mà không cần giữ giới luật. Lại có hạng khác
nữa không hề bước chân đến chùa hay bố-thí ai một đồng nào, mà vẫn tự-hào ở nhà
tu tâm còn quí hơn.
Ðó là không nói đến
nhiều hạng xuất-gia, muốn lợi-dụng Phật pháp để nuôi mạng sống, bày vẽ, chỉ dạy
cho các tín-đồ nên tu tắt đặng mau đến Niết-Bàn. Và hay lấy câu "Tu
nhất kiếp, ngộ nhất thời" để ủng-hộ lý-thuyết ấy.
Có người nói rằng Thái-tử Siddhattha không tu tập mà biết nhập-định hồi lúc mới lên bảy tuổi, Ðức Thích-Ca chẳng bố-thí vật chi mà đặng thành Phật, và nhiều vị khác dốt đặc mà vẫn đắc quả thánh-nhân. Thật ra, trong vô-số tiền-thân, Ðức Phật đã thực-hiện hạnh bố-thí, tham-thiền, và các bậc thánh-nhân kia đã học hỏi nhiều từ kiếp này qua kiếp kia rồi, huống chi trong kiếp chót Ðức Bổn Sư đã xuất-gia tu tập lặn lội từ rừng này qua rừng khác, từ vị thầy này đến vị thầy khác, tu tập không ngừng trong sáu năm, và sau đó bố-thí cho tất cả chúng-sinh một món bảo-vật vô-thượng: là đạo Giải-Thoát.
Vì đem mình, là hạng chúng-sinh tội nhiều phước ít, ra so-sánh một cách
sai-lầm với các bậc Ðại-căn, nên biết bao nhiêu nhà tu Phật không chịu noi theo
phương-pháp tu tập của Ðức Phật Tổ Thích-Ca, mà lắm lúc lại dám bịa-đặt ra rằng
phương-pháp ấy chẳng còn hạp thời. Ðức Thế Tôn liệt những kẻ xuất-gia có
thành-kiến sai-lầm kể trên vào hạng đệ-tử của Ngài đã để chân trên đường đi
Niết-Bàn, nhưng khi đi được một lúc thì họ lại tách qua ngã khác để quay trở
lại.
Đức Phật thuyết về ngũ đại: Ðất, Nước,
Lữa, Gió, Không-khí
Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại vườn Jeta (Kỳ Ðà)[3], gần thành Savatthi (Xá Vệ). Ngài có thuyết cho thầy tỳ-khưu Rahula nghe như vầy:
"Này Rahula, những chất nào có tánh cứng, hiện ở trong thân con người như: tóc, lông, móng, răng, da, gân, thịt, xương, tủy, thận, tim, gan, màng, lá lách, phổi, bao tử, ruột già, ruột non, vật thực mới, vật thực cũ ... và tất cả những chất khác, cũng có tánh-cách cứng như vậy, đều gọi là đất ở bên trong. Ðem chất đất bên trong ra so-sánh với chất đất bên ngoài, chúng ta thấy rằng thảy-thảy đều là đất, chớ không có chi khác nhau. Sự nhận thức chân-chánh về thể-chất của đất khiến cho chúng ta biết rằng: "Ðó không phải là của ta, mà cũng chẳng phải là ta[4]". Hiểu rõ như vậy, con người phát tâm chán-ngán và không còn chú-trọng về những phần gì thuộc về đất ở trong người nữa".
"Này Rahula, những chất nào có tánh-cách mỏng và ướt, hiện ở trong thân con người như: mật, mủ, máu, mồ-hôi, nước nhờn ở da, nước dải, nước mũi, mỡ, nước tiểu ..., tất cả những chất khác có tánh-cách lỏng và ướt như vậy, đều gọi là nước ở bên trong. Ðem chất nước ở bên trong ra so-sánh với chất nước bên ngoài, chúng ta thấy rằng thảy-thảy đều là nước chớ không có chi khác nhau. Sự nhận-thức chân-chánh về thể-chất của nước khiến cho chúng ta biết rằng: "Ðó không phải là của ta, mà cũng chẳng là ta". Hiểu rõ như vậy, con người phát tâm chán-ngán và không còn chú-trọng về những phần gì thuộc về nước ở trong người nữa".
"Này Rahula, những chất nào có tánh-cách nóng để thiêu đốt vật thực và làm cho sự tiêu-hoá được dễ-dàng hiện ở trong thân người, đều gọi là lửa. Ðem chất lửa bên trong ra so-sánh với chất lửa bên ngoài, chúng ta thấy rằng thảy-thảy đều là lửa, chớ không có chi khác nhau. Sự nhận-thức chân-chánh về thể chất của lửa, khiến cho chúng ta biết rằng: "Ðó không phải là của ta, mà cũng chẳng phải là ta". Hiểu rõ như vậy, con người phát tâm chán-ngán và không còn chú-trọng về những phần gì thuộc về chất lửa ở trong người nữa".
"Này Rahula, những chất nào có tánh-cách co dãn, mát mẻ để quạt cơ-thể hiện có ở bên trong thân người như: chất gió từ trên châu-thân quạt xuống và từ dưới chân quạt lên, chất gió ở trong bụng, trong bao tử, trong ruột, chất gió chạy khắp tứ-chi, chất gió hít vô thở ra ... , và tất cả những chất khác có tánh-cách co dản, quạt cho mát mẻ, đều gọi là gió ở bên trong. Ðem chất gió bên trong ra so-sánh với chất gió bên ngoài, chúng ta thấy rằng thảy-thảy đều là gió, chớ không có gì khác nhau. Sự nhận-thức chân-chánh về thể-chất của gió, khiến cho chúng ta biết rằng: "Ðó không phải là của ta, mà cũng chẳng phải là ta". Hiểu rõ như vậy, con người phát tâm chán-ngán và không còn chú-trọng về những gì thuộc về chất gió ở trong người nữa".
"Này Rahula, những chất nào có tánh-cách rỗng không, đang ẩn trong cửu-khiếu của con người như: mắt, lỗ mũi, lỗ tai, miệng, lỗ rún, hậu-môn ..., và tất cả những chất nào có tánh-cách tương-tợ như vậy, đều gọi là không-khí bên trong. Ðem chất không-khí bên trong ra so-sánh với không-khí bên ngoài chúng ta thấy rằng thảy-thảy đều là không-khí, chớ chẳng có chi khác nhau. Sự nhận-thức chân-chánh về thể-chất của không khí khiến cho chúng ta biết rằng: "Ðó không phải là của ta, mà cũng chẳng phải là ta". Hiểu rõ như vậy, con người phát tâm chán-ngán mà không còn chú-trọng về những gì thuộc về chất không-khí trong người nữa".
"Này Rahula, vậy ngươi hãy làm như chất đất, thì tâm-trí khỏi bị khổ-sở vì những cảm-giác vui hay buồn thường phát-khởi đến cho ngươi. Như người ta đem đổ các vật sạch hay dơ như: mũ, máu, nước tiểu, phẩn ... trên mặt đất, mặt đất vẫn thản-nhiên không hề biết xao-động, nhờm chán chi cả. Này Rahula, thì cũng như thế ấy, ngươi nên làm như đất, thì những cảm-giác vui hay khổ, không thế nào làm cho tâm-trí ngươi bị lung-lạc và khổ-sở đặng".
"Này Rahula, vậy ngươi hãy làm như chất nước, thì tâm-trí khỏi bị khổ-sở vì những cảm giác vui hay buồn thường phát-sinh đến cho ngươi. Như người ta đem đổ vật sạch hay dơ vào trong nước, hoặc-giả người ta dùng nước để rửa những vật thơm-tho hay nhơ bẩn mà nước vẫn thản-nhiên, không biết xao-động, nhờm chán chi cả. Này Rahula, thì cũng như thế ấy, ngươi nên làm như nước, thì những cảm-giác vui hay khổ không thế nào cho tâm-trí ngươi phải bị lung-lạc và khổ-sở đặng".
"Này Rahula, vậy ngươi hãy làm như chất lửa, thì tâm-trí khỏi bị khổ-sở vì những cảm-giác vui hay buồn thường phát-sinh đến cho ngươi. Như người ta dùng lửa để tế thần, để nấu vật thực, hoặc để đốt những đồ dơ bẩn, thối-tha, mà lửa vẫn thản-nhiên, không hề biết xao-động, nhờm chán chi cả. Này Rahula, thì cũng như thế ấy, ngươi nên làm như chất lửa, thì những cảm-giác vui hay khổ không thế nào làm cho tâm-trí ngươi phải bị lung-lạc và khổ-sở đặng".
"Này Rahula, vậy ngươi hãy làm như chất gió, thì tâm-trí khỏi bị khổ-sở vì những cảm-giác vui hay buồn thường phát-sinh đến cho ngươi. Như gió thổi tan tất cả những vật dơ hay sạch, những mùi thơm hay thúi, mà vẫn thản-nhiên, không hề biết xao-động, nhờm chán chi cả. Này Rahula, thì cũng như thế ấy, ngươi nên làm như chất gió, thì những cảm-giác vui hay khổ không thế nào làm cho tâm-trí ngươi phải bị lung-lạc và khổ-sở đặng".
"Này Rahula, vậy ngươi hãy làm như chất không-khí, thì tâm-trí khỏi bị khổ-sở vì những cảm-giác vui hay buồn thường phát-sinh đến cho ngươi. Như không-khí hằng có khắp nơi, nhưng chẳng hề ở mãi một chỗ nào. Này Rahula, thì cũng như thế ấy, ngươi nên làm như chất không-khí, nghĩa là có lòng dạ bao la, rộng-rãi, không còn ngã-chấp và chẳng để cho những cảm-giác vui hay khổ không thế nào làm cho tâm-trí ngươi phải bị lung-lạc và khổ-sở đặng".
"Này Rahula, vậy ngươi
nên cố-gắng trau-giồi:
- Cái tâm từ-bi, để tẩy-trừ những nết xấu-xa, hiểm độc,
- Cái tâm bác-ái, để tẩy-trừ những sầu khổ, hiềm-thù,
- Cái tâm hoan-hỷ về sự hạnh-phúc của kẻ khác, để tẩy-trừ sự ganh tị và ích-kỷ,
- Cái tâm bình-đẳng (xả), để đem lại sự an-định cho tinh-thần và tẩy-trừ những tật xấu-xa, hư-hỏng,
- Những pháp niệm tưởng về các vật ô-trược ở trong thân-thể, để khỏi si-mê, quyến-luyến,
- Những pháp quán tưởng về tư-cách vô-thường của vạn-vật, để diệt sự ngã chấp cống-cao,
- Những pháp luyện tập về hơi thở có thể đem lại cho người hành đạo nhiều quả báu và nghị-lực".
"Này Rahula, ngươi hãy tưởng-tượng rằng có một thầy tỳ-khưu kia đi vào đồng trống tìm ngụ dưới cội cây, hoặc trong một nơi nào thanh-vắng. Thầy tỳ-khưu bán-già, thân-hình ngay thẳng, tâm-trí bình-tĩnh".
"Khi biết rõ rằng mình sắp thở vô, mới thở vô, và biết rõ rằng mình sắp thở ra, mới thở ra, khi hít vô dài, người biết rõ rằng mình hít vô dài, và khi thở ra dài, cũng biết rõ rằng mình thở ra dài. Khi hít vô vắn, người biết rằng mình hít vô vắn, và khi thở ra vắn, cũng biết thở ra vắn. Mỗi-mỗi người đều biết rõ".
"Nhờ chăm-chú về những chuyển biến vô ra của hơi thở, lần-lần thầy tỳ-khưu biết rõ các pháp hành trong khắp châu-thân và làm cho xác thân trở nên thơ thới, an lạc, thỏa-thích trong phép thiền-định".
"Rồi đó, thầy tỳ-khưu bước qua tư-cách trau-giồi tâm-trí: Người làm cho tâm-trí trở nên nhẹ-nhàng; người xem xét về sự hành-trình của tâm, người đem lại sự phỉ-lạc cho tâm; người làm cho tâm an-trụ một chỗ, và cho tâm thoát khỏi các điều phiền-não".
"Sau khi xả đề-mục hơi thở, thầy tỳ-khưu hằng quán tưởng về sự vô-thường của vạn-vật, về cách trừ tuyệt các điều si-mê tham-dục, và về cách diệt-tận các pháp hành".
"Này Rahula, ngươi coi đó thì đủ hiểu rằng: kẻ nào biết cách rèn tập hơi thở cho thuần-thục, ắt sẽ được nhiều quả phước và nghị-lực chẳng sai. Nhờ biết rõ hơi thở mà con người, khi sắp lâm-chung, có tâm-trí tươi tỉnh, không tán-loạn".
Nghe Ðức Thế Tôn thuyết xong, Ðại-Ðức Rahula liền phát tâm thỏa-thích trong chánh-pháp (tức đắc quả thánh-nhơn).
-- MAJJHIMÃ NIKÃYA
Lời của soạn-giả:
Trong những lời giáo đạo trên đây, trước hết Ðức Phật vạch cho chúng ta
thấy rằng xác thân này không phải quí-báu, đẹp đẽ đâu. Nó chỉ là một cái kho
tích-trữ các vật ô-trược thuộc về những chất: đất, nước, lửa, gió, đó thôi.
Hiểu rõ như vậy, con người không còn tạo ra nghiệp dữ, để bồi-bổ bên trong xác
thân ấy bằng các món ngon vật lạ, bên ngoài bằng sắc-phục cao sang, lên xe
xuống ngựa, tranh danh, đoạt lợi, cấu xé lẫn nhau.
Về đoạn thứ nhì, Ðức Thế Tôn dạy người tu Phật nên có sự nhẫn-nại như
đất, nước, lửa, gió, và có sự tinh-tấn như gió, không-khí. Nếu tất cả hàng
xuất-gia và tại-gia đều biết ăn ở một cách bình-đẳng, thản-nhiên, như những
chất ấy, thì Phật Pháp được mau thịnh-hành, quảng-bá sâu rộng trên thế-gian
này.
Nhưng than ôi! Hiện nay,
về phần các bậc tại-gia cư-sĩ, giới hạnh thô-sơ thì chẳng nói làm gì, cho đến
một số đông các hàng xuất-gia xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, suốt thông kinh
luật, biết rõ sự nhẫn-nại là quí-báu, là pháp thiêu-hủy các điều phiền-não, mà
vẫn còn tranh đua đố-kỵ lẫn nhau chẳng chịu sống theo pháp "lục
hoà". Vì đó mà Chánh Pháp rất khó bề tấn-triển được.
Trong phần chót, Ðức
Phật dạy hành-giả về cách rèn tập hơi thở cho đều hoà, không hấp-tấp, mà cũng
chẳng huỡn-đãi quá. Sự hô-hấp đều hoà đem lại điều an-tĩnh, thơ thới cho cơ-thể
và tâm-trí. Nhờ vậy mà hành-giả mới có thể thành-tựu trong phép thiền-định, và
đến lúc lâm-chung, khỏi bị hôn-mê, tán-loạn.
Đức
Xá-lợi-phất thuyết về sự vô-thường của bốn chất: Ðất, Nước, Lửa, Gió
"Hỡi này các đạo-hữu!
Ðến một ngày kia, chất nước bên ngoài ùn-ùn tràn ngập, bao-phủ tất cả trái đất
này. Những lượn sóng nổi dậy khắp nơi, tuôn đến đâu phá-hại đến đấy, làm cho
chất đất bên ngoài phải bị tiêu-diệt. Chừng ấy, chúng ta sẽ nhận-thức rằng chất
đất cũng bị luật vô-thường chi-phối và phải bị rã tan, hư hoại như các vật
khác. Ðem trường-hợp tiêu hoại của chất đất bên ngoài so-sánh với xác thân
ô-trược dẩy đầy tội-lỗi này, chúng ta không sao tìm được một vật gì trong
cơ-thể gọi là ta hay là của ta cả. Nhưng, nếu thầy tỳ-khưu nào có đức tin
chân-chánh đối với ngôi Tam-Bảo, hằng chú-tâm quán tưởng cho thấu rõ tính-cách
vô-thường của chất đất, thì tâm-trí người vẫn an vui, bình-tĩnh, và khỏi bị
lung-lạc vì những hoàn-cảnh vui khổ bên ngoài. Thầy tỳ-khưu nào đi tới trình-độ
cao-thượng này, mới đáng gọi là bậc đã làm xong nhiều việc trên cõi thế
này".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Ðến một ngày kia, chất nước bên ngoài cuồn-cuộn tràn ngập tất cả thành-thị,
thôn-quê lớn nhỏ. Có lúc, nước trong biển cả sâu từ một trăm cho đến mấy trăm
do-tuần. Lúc khác, nước biển lại hạ xuống còn sâu bằng bề cao của bảy cây
thốt-nốt hiệp lại, rồi lần sụt xuống còn sáu cây, năm cây, bốn cây, ba cây, hai
cây, cho tới chỉ còn sâu bằng bề cao của một cây thốt-nốt mà thôi. Một lúc sau
nữa, mặt nước trong biển cả chỉ còn lên cao bằng bảy bề đứng của con người, rối
lần-lần hạ xuống, còn bằng sáu, bằng năm, bằng bốn, bằng ba, bằng hai, cho tới
bằng bề đứng của một người thôi. Một lúc sau nữa, nước chỉ còn lên tới ngang hông, rồi hạ xuống tới đầu gối
và mắt cá. Một lúc sau nữa, nước trong biển cạn gần hết, chỉ còn cao bằng một
lóng tay thôi. Chừng ấy, chúng ta sẽ nhận-thức rằng chất nước cũng vẫn bị luật vô-thường
chi-phối và phải bị tiêu-diệt như các vật khác. Ðem trường-hợp tiêu-diệt của
chất nước bên ngoài so-sánh với xác thân ô-trược dẫy đầy tội-lỗi này, chúng ta
không sao tìm được trong cơ-thể một vật chi có thể gọi là ta hay là của ta cả.
Nhưng, nếu thầy tỳ-khưu nào có đức tin chân-chánh đối với ngôi Tam-Bảo, hằng
chú-tâm quán tưởng cho thấu rõ tính-cách vô-thường của chất nước, thì tâm-trí
người vẫn an vui, bình-tĩnh, và khỏi bị lung-lạc vì những hoàn-cảnh vui khổ bên
ngoài. Thầy tỳ-khưu nào đi đến trình-độ cao-thượng này, mới đáng gọi là bậc đã
làm xong nhiều việc trên cõi thế".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Ðến một ngày kia, chất lửa bên ngoài bồng-bột thiêu-đốt tất cả thành-thị,
thôn-quê lớn nhỏ, ruộng vườn, rừng núi, cỏ cây, cho đến khi nào chẳng còn vật
chi để thiêu hủy nữa, thì ngọn lửa mới chịu dừng lại. Ðến lúc ấy, con người rất
khó bề tìm đặng vật gì, dầu là nhỏ như một cái cánh chim, hoặc bằng mảnh da
thú, để đốt lên một lò lửa. Chừng ấy, chúng ta sẽ nhận-thức rằng chất lửa cũng
vẫn bị luật vô-thường chi-phối và phải bị tiêu-diệt như các vật khác. Ðem
trường-hợp tiêu-diệt của chất lửa bên ngoài so-sánh với xác thân ô-trược dẫy
đầy tội-lỗi này, chúng ta không sao tìm được trong cơ-thể một vật chi có thể
gọi là ta hay là của ta cả. Nhưng nếu thầy tỳ-khưu nào có đức tin chân-chánh
đối với ngôi Tam-Bảo, hằng chú-tâm quán tưởng cho thấu rõ tính-cách vô-thường
của chất lửa, thì tâm-trí người vẫn an vui, bình-tĩnh, và khỏi bị lung-lạc vì
những hoàn-cảnh vui khổ bên ngoài. Thầy tỳ-khưu nào đi đến trình-độ cao-thượng
này, mới đáng gọi là bậc đã làm xong nhiều việc trên cõi thế".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Ðến một ngày kia, chất gió bên ngoài vùn-vụt thổi hết tốc-lực, rồi trở thành
những trận cuồng-phong làm cho tất cả thành-thị, thôn-quê lớn nhỏ, đều phải sụp
đổ rã-rời. Nhưng đến một lúc khác nữa, nhằm cuối mùa hè, trời nóng như đốt, mà
chẳng có một chút gió, cho tới những ngọn cỏ cũng không lay động. Chừng ấy,
chúng ta nhận-thức rằng chất gió cũng bị luật vô-thường chi-phối và phải bị
tiêu-diệt như các vật khác. Ðem trường-hợp tiêu-diệt của chất gió bên ngoài
so-sánh với xác thân ô-trược đầy tội-lỗi này, chúng ta không sao tìm được trong
cơ-thể một vật chi có thể gọi là ta hay là của ta cả. Nhưng, nếu thầy tỳ-khưu
nào có đức tin chân-chánh đối với ngôi Tam-Bảo, hằng chú-tâm quán tưởng cho
thấu rõ tính-cách vô-thường của chất gió thì tâm-trí người vẫn an vui,
bình-tĩnh, và khỏi bị lung-lạc vì những hoàn-cảnh vui khổ bên ngoài. Thầy
tỳ-khưu nào đi đến trình-độ cao-thượng này, mới đáng gọi là bậc đã làm xong
nhiều việc trên cõi thế".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Vậy mỗi khi bị người hành-hạ, đánh đập, thầy tỳ-khưu phải quán tưởng như vầy:
"Quả thật vậy, vì mang lấy xác thân vô-thường này nên ta phải bị người
hành-hạ, đánh đập". Ðức Phật có dạy rằng: "Dầu cho bị kẻ cướp bắt đem
đi cưa tay, cưa chân ra từng khúc đi nữa, thầy tỳ-khưu cũng phải tha-thứ
tội-lỗi cho kẻ dữ và không nên để tâm cố oán; làm như thế, thầy tỳ-khưu ấy đã vâng đúng theo lời dạy của Như Lai
vậy". Bởi cớ ấy, ta hãy nỗ-lực chăm-chú vào đề-mục thiền-định, để giữ sự
bình-tĩnh cho thân tâm. Rồi đó, kẻ dữ muốn hành-hạ, đánh đập ta cách nào tùy-ý.
Miễn là ta làm y theo lời dạy của Ðức Thế Tôn càng tốt. Nhờ giữ được vẽ
thiên-nhiên, bình-tĩnh ấy, mà thầy tỳ-khưu thấy mình đở khổ trong những
hoàn-cảnh đau đớn kia".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Còn thầy tỳ-khưu nào ghi nhớ đến ngôi Tam-Bảo, nhưng không có ý-chí
cương-quyết, lúc lâm vào cảnh khó như thế, hằng than-van kể-lể như vầy:
"Những sự đánh đập hành-hạ như thế này thật là khổ, ta không sao chịu nổi.
Tuy ta vẫn nhớ luôn đến ngôi Tam-Bảo, nhưng ta không thể giữ sự an-tịnh cho
tâm-trí đặng".
"Hỡi này các đạo-hữu!
Như nàng dâu phải bôn-chôn, sợ-hãi, khi đứng trước cha mẹ chồng như thế nào?
Thì cũng như thế ấy, thầy tỳ-khưu kia, tuy nhớ đến ngôi Tam-Bảo, nhưng chẳng có
ý-chí cương-quyết để giữ sự an-tịnh cho thân tâm, thì hằng phải tán-loạn,
sợ-hãi, trong lúc lâm nguy. Còn trái lại, thầy tỳ-khưu nào có đức tin
chân-chánh đối với ngôi Tam-Bảo, cương-quyết gìn giữ sự an-tịnh cho thân tâm
trong lúc lâm nguy, thầy tỳ-khưu ấy mới đáng gọi là bậc đã làm xong nhiều việc
trên cõi thế".
-- MAJJHIMÃ NIKÃYA
Đức Phật dạy
con người phải làm thế nào cho tâm-trí trở nên trong sạch
Thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang
ngự tại thành Savatthi (Xá Vệ), trong chùa Jetavana (Kỳ Viên) của trưởng-giả
Anathapindika (Cấp Cô Ðộc) dâng cúng.
Ngài có thuyết cho các thầy
tỳ-khưu nghe như vầy: "Hỡi các thầy tỳ-khưu! Ví như người ta đem một thửa
vải bẩn thỉu, lem-ố kia nhúng vào nước nhuộm màu xanh, màu đỏ, màu vàng, hay
màu đen, thì thửa vải ấy không sao ăn màu cho tươi được, vì những chất dơ-bẩn
dính theo nó".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Cũng như những kẻ nào có tâm-trí dơ-bẩn thì phải chịu nhiều điều thống-khổ
chẳng sai. Trái lại, một thửa vải sạch-sẽ trắng-trẻo, ăn màu dễ dàng, tươi đẹp
thế nào? Thì cũng như kẻ có tâm-trí trong sạch hằng được an vui, hạnh-phúc luôn-luôn.
Mà những chất dơ-bẩn thường bám dính vào tâm ấy như thế nào?"
"Ðó là những sự:
bỏn-xẻn, tham-lam, hiểm-độc, nóng-giận, cố oán, hung-dữ, tranh-tài, ganh tị,
ham muốn một cách xấu-xa, giả-dối, xảo-quyệt, khó dạy, tự-phụ, ngạo-mạn,
cao-vọng và hững-hờ[5]".
"Khi biết rõ đó là
những ác pháp hằng làm cho tâm-trí phải lem-luốc, thầy tỳ-khưu liền tìm cách
xua đuổi chúng nó".
"Chừng nào tẩy-trừ
được những nếp xấu-xa tội-lỗi ấy rồi, thầy tỳ-khưu liền phát tâm tin-tưởng Ðức
Như Lai một cách dũng-mãnh, và nhận rõ rằng Ngài là một bậc Thế Tôn, một bậc
hoàn-toàn giác-ngộ, có sự thông-hiểu nhiệm-mầu, thấu rõ tam-giới, một bậc
Thiên-Nhân-Sư".
"Thầy tỳ-khưu liền
phát tâm tin-tưởng Ðức Pháp một cách dũng-mãnh, và nhận rằng Chánh Pháp đã được
Ðức Thế Tôn diễn-giải đúng-đắn, không sai lạc, rất phù-hợp, và hằng đem lại sự
giải-thoát cho tất cả mọi người. Ðức Pháp là món báu-vật duy-nhất mà các bậc
thiện-trí-thức cần phải học hỏi".
"Thầy tỳ-khưu liền
phát tâm tin-tưởng Ðức Tăng một cách dũng-mãnh, và nhận rõ rằng Tăng-Hội vẫn
luôn-luôn thọ-trì chính-chắn những điều học của Ðức Phật đã di-huấn, biết làm
tròn bổn-phận đúng theo khuôn-khổ giới-luật. Chư-Tăng rất xứng-đáng là miếng
ruộng báu để cho chúng-sinh đem hột giống lành để gieo trồng".
"Sau khi diệt trừ được
những tánh ngã-chấp, ích-kỷ, và biết chắc rằng mình đã có một đức tin dũng-mãnh
đối với: Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, thầy tỳ-khưu thấy mình trở nên thơ thới,
phỉ-lạc và rất thỏa-thích trong phước-báu. Lần-lần, sự vui thích tinh-thần này
làm cho thân tâm thầy tỳ-khưu trở nên an-tĩnh, nhẹ-nhàng".
"Lúc nào giới hạnh,
nghị-lực và sự thông-hiểu của mình đã tới trình-độ cao-thượng này rồi, thầy
tỳ-khưu có thể thọ-lãnh một cách xứng-đáng những vật thực ngon lành của thí-chủ
dân cúng, khỏi sợ điều chi tai-hại cả[6]".
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Như một thửa vải lem ố, dơ bẩn kia trở nên sạch-sẽ sau khi được giặt bằng nước
trong; như nén bạc kia trở nên sáng ánh, chẳng chút bợn nhơ sau khi được người
thợ phân kim đem ra khỏi lửa thế nào? Thì cũng như thế ấy, thầy tỳ-khưu, khi đã
tới trình-độ trong sạch cao-thượng này rồi, có thể thọ lãnh một cách xứng-đáng
những vật thực do thí-chủ dâng cúng, không có điều chi tai-hại cả".
"Chẳng còn bất-bình,
thù-oán, thầy tỳ-khưu rải tủa lòng từ-bi hỷ-xả trong khắp thế-gian. Người rải
tâm sáng-lạng mát-mẻ của mình trong bốn phương tám hướng, rải bên trên, bên
dưới, bên ngang, nơi trung-tâm của thế-giới, và bất cứ đâu-đâu cũng được
thấm-nhuần trong cái tâm từ-bi bác-ái của bậc chân-tu quang-minh mát-mẻ".
"Lúc bấy giờ, thầy
tỳ-khưu bèn tự nghĩ rằng: "Tất cả sự-vật đều có hai trạng-thái: thấp và
cao. Sự giải-thoát là một trạng-thái cao-thâm ở ngoài trình-độ hiểu biết của
chúng-sinh".
"Khi thấy rõ như thế
rồi, thầy tỳ-khưu được giải-thoát ra khỏi sự tham-dục, ra khỏi bức màn vô-minh.
Người biết rằng mình đã được giải-thoát, đã đi đến địa-vị thánh-nhân, đã làm
tròn phận-sự trên cõi thế và chẳng còn sinh-trưởng nữa. Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Người ta cho rằng thầy tỳ-khưu ấy đã rửa được tâm mình trong sạch vậy".
Tới đây, thầy Bà La Môn
Sundarika Bharadvadja liền hỏi Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Gotama, vậy chớ
Ngài có thường xuống rạch Bahuka để tắm gội chăng?"
Ðức Thế Tôn hỏi thầy ta lại
rằng: "Này người Bà La Môn, vậy
chớ nước trong rạch Bahuka có tánh-chất đặc-biệt gì, có sự lợi-ích chi cho
ngươi xuống đó tắm gội?"
- "Bạch Ðức Gotama,
nước trong rạch ấy có thể rửa sạch tội-lỗi, tẩy-trừ những điều thống-khổ, và
đem lại phước-báu cho kẻ nào năng xuống đó tắm gội".
Ðức Phật liền ngâm kệ cho
thầy Bà La Môn nghe như vầy:
Tại xứ Gaya, dưới chân
núi Adhikakka,
Giòng rạch Bahuka
từ-từ chảy,
Kẻ dại-dột hằng xuống đây tắm gội.
Tắm gội hoài,
nhưng chẳng rửa được tinh-thần,
Nước non kia nào có bổ-ích vào đâu.
Chúng nó không sao rửa đặng tâm người,
Mà cũng chẳng rửa sạch bàn tay của kẻ xấu-xa, tội-lỗi.
Ðối với người có nước tâm trong sạch,
Ngày nào cũng là tốt tươi, hạnh-phúc,
Ngày nào cũng là vui-vẻ thiêng-liêng.
Này người Bà La Môn,
Vậy ngươi năng tắm gội
như ta.
Nghĩa là rửa tâm mình bằng những cách:
Thương xót các loài sinh-vật,
Nói những lời chân-thật, không sát hại, không gian-tham,
Không bỏn-xẻn và có đức tin dũng-mãnh về chân-lý.
Ngươi chẳng nên cần phí-công vô-ích,
Tìm đến xứ Gaya để làm gì"
Khi nghe xong, thầy Bà La
Môn Sundarika liền xin Ðức Thế Tôn cho phép mình xuất-gia tu theo Phật-Giáo.
-- MAJJHIMÃ NIKÃYA
-ooOoo-
Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35
updated: 19-04-2002
[1] Nói về ba bộ kinh VEDA của đạo Bà La Môn.
[2] Giới của bậc xuất-gia rất nhiều và cao-thượng hơn giới của kẻ tại-gia.
[3] Cảnh vườn này sau được ông Cấp Cô Ðộc mua rồi dựng lên ngôi chùa Kỳ-Viên.
[4] Vô-ngã.
[5] Xin xem 16 tùy phiền-não trong quyển Sưu Tập Pháp của ngài Hộ Tông.
[6] Ăn khỏi bị phạm giới vì tu chân-chánh.