BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập II

-ooOoo-

Sự hiểu sai giáo-pháp và dùng giáo-pháp làm của riêng

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Sự ham muốn ngũ-trần không làm cho con người được đã khát, no lòng đâu. Trái lại, nó chỉ khiến cho tâm tham-muốn càng thêm tăng-trưởng. Ðược vật này rồi, lại muốn thêm vật nọ. Rốt cuộc, chúng-sinh phải chịu khổ đời-đời, kiếp-kiếp, không sao thoát khỏi  mảnh lưới của ma-vương đặng. Sự tham-muốn ngũ-trần là một điều trở-ngại to-tát cho người hành đạo.

Ngũ-trần ví như:

1. Khúc xương khô, mà con chó phải cấu xé với đồng-loại một cách cam go để giựt lấy. Nhưng, rốt cuộc, nó chỉ làm tiêu hao nước miếng vô-ích, chớ chẳng tìm được chút thịt nào để no lòng.

2. Miếng thịt thúi trôi theo giòng rạch, mà bầy quạ đáp xuống, mặc tình thỏa-thích, không xem trước ngó sau. Nhưng khi đã no-nê, ngưỡng cổ lên thì chúng nó thấy mình đang lênh-đênh giữa biển, không biết phương hướng nào đặng bay về ổ và rốt cuộc thảy-thảy đều bị hại.

3. Cây đuốc rơm, mà người cầm đi ngược gió, ắt phải bị phỏng tay.

4. Cái lò lửa đang cháy đỏ, mà kẻ bị xô vào đó phải chịu đau-đớn, khổ-sở vô-ngần.

5. Ðiềm mộng, phải bị tiêu tan khi người vừa tỉnh giấc.

6. Vật quí, mà người mượn phải trả lại cho chủ-nhân sau khi được dùng trong một thời-gian.

7. Trái đắng trên cành cây cao, có thể làm cho người trèo lên hái nó phải thiệt-mạng vì trợt chân, hoặc cây gẫy.

8. Ðầu nhọn của cây lao, làm cho kẻ bị đâm vào mình phải đau-đớn, khổ-sở.

9. Lưỡi bén của cây gươm, hễ đụng đến đâu thì gây thương-tích đến đấy.

10. Nọc con rắn độc, có thể làm cho người bị rắn cắn phải bỏ mình trong chốc lát".

Sau khi nghe xong, thầy tỳ-khưu Arittha không chịu tìm hiểu châu-đáo về những lời giáo-huấn của Ðức Phật. Thầy lại vội công-bố cho những bạn đồng-đạo nghe như vầy: "Theo tôi hiểu, thì những điều mà Ðức Thế Tôn vừa giải-thích đó, không đáng làm trở-ngại cho người hành đạo bao nhiêu".

Nghe được chuyện ấy, Ðức Phật liền cho đòi thầy tỳ-khưu Arittha đến quở trách và thuyết cho các đệ-tử nghe như vầy: "Này các thầy tỳ-khưu, Như Lai thường dùng nhiều phương-pháp để giải cho các ngươi thấy rằng: sự ham muốn về ngũ-trần là một điều trở-ngại to-tát cho kẻ hành đạo. Nó hằng làm cho tâm-trí con người phải bị khổ-não, bối-rối không ngừng nghỉ".

"Tuy nhiên, có nhiều người nghe pháp rồi, không chịu dùng trí-huệ mà xét-đoán nghĩa-lý cao-thâm của huấn ngữ, lại vội giải-thích theo ý riêng của mình. Vì hiểu sai như vậy, nên các người đó không thấy đặng nước tâm. Thiếu trí-huệ, những kẻ ấy chỉ học thoáng qua các kinh luật để khoe-khoang trong những cuộc tranh-biện đó thôi, chứ không sao đạt-đáo chân-lý cao-siêu, không thấu rõ ba tướng của vạn-vật và hằng gặp biết bao nhiêu sự rủi-ro, tai-hại".

"Này các thầy tỳ-khưu, cũng như người kia muốn tìm bắt rắn độc. Nhưng khi gặp được con vật, người lại lấy tay chụp nhằm khúc giữa hoặc khúc đuôi. Con rắn quay đầu lại mổ vào tay và làm cho người ấy phải bỏ mạng. Này các thầy tỳ-khưu, tại sao vậy? Vì người bắt rắn nắm con vật không đúng cách".

"Này các thầy tỳ-khưu, trái lại, có những hạng thanh-niên thuộc về con nhà gia-giáo, bỏ gia-đình đi tìm học hỏi với các bậc thiện-trí-thức. Sau khi học xong, lại biết dùng trí-huệ suy-xét ý-nghĩa cao-thâm của những lời giáo-huấn. Nhờ vậy mà chúng nó thấy được nước tâm của mình.  Những chàng trai ấy cố gắng học hỏi kinh-luật với mục-đích giải-thoát, chớ không phải để khoe-khoang trong những cuộc tranh-biện. Kết quả, chúng nó đạt được chân-lý cao-siêu, thấu rõ ba tướng của vạn-vật và hằng được an vui hạnh-phúc".

"Này các thầy tỳ-khưu, cũng như người kia tìm bắt rắn độc. Nhưng khi gặp được con vật, biết dùng cái chỉa-ba đâm xuống ngay mình con rắn làm cho nó không cựa-quậy đặng. Rồi người mới lấy tay nắm chắc ngay cổ. Lúc ấy, con vật chỉ có thể quấn lấy cườm tay chớ không sao làm hại người bắt rắn được. Này các thầy tỳ-khưu, tại sao vậy? Vì người bắt rắn biết nắm con vật đúng cách".

"Này các thầy tỳ-khưu, vậy nếu có chỗ nào nghi-ngờ, khó hiểu trong kinh-luật, các ngươi nên hỏi lại. Như Lai sẵn lòng chỉ giáo cho các ngươi khỏi lầm-lạc. Này các thầy tỳ-khưu, vậy  các ngươi hãy chăm-chú nghe các lời sau đây: giáo pháp của Như Lai cũng ví cũng như chiếc bè dùng để thoát-nạn, chứ chẳng phải món đồ để cất làm của riêng".

"Ví-dụ có người lữ-khách kia, sau khi hành-trình khó nhọc, đến chỗ nọ gặp phải một con sông lớn ngăn đường. Phía bờ bên này, chỗ người vừa để chân đến, là một vùng rất cam-go nguy-hiểm. Còn bờ bên kia sông thì bình-yên tốt đẹp. Nhưng rủi thay, tại chỗ này không có cầu, hoặc ghe thuyền chi cả. Người bèn nghỉ rằng: "Sông thì rộng mà chỗ ta đang đứng thật muôn phần nguy-hiểm. Vậy ta hãy lấy những nhánh cây kết lại làm thành một cái bè để sang qua bờ kia".  Nghĩ xong, người lữ-khách liền kết bè rồi bơi ngang qua sông. Này các thầy tỳ-khưu, nhưng ví-dụ người ấy, khi lướt qua khỏi giòng nước và sang đến bên bờ kia, lại nghĩ rằng: "Cái bè này rất hữu-ích cho ta. Nhờ nó mà ta qua được chỗ an vui tốt đẹp như vầy. Vậy ta hãy mang nó theo trên vai để dùng trong dịp khác". Này các thầy tỳ-khưu, nếu người lữ-khách, sau khi qua sông rồi, lại định giữ cái bè để làm của riêng. Như vậy, người ấy biết dùng cái bè một cách chánh-đáng không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, người ấy làm như vậy thật không chánh đáng".

- "Này các thầy tỳ-khưu, trái lại nếu người nghĩ rằng: "Cái bè này rất hữu-ích cho ta. Nhờ nó mà ta đến được chốn an vui tốt đẹp như vầy. Vậy ta hãy bỏ nó lại trên bờ hoặc nhận chìm xuống nước, rồi ta thong-thả tiếp-tục cuộc hành-trình cho đến nơi nhất-định". Này các thầy tỳ-khưu, người lữ-khách làm như vậy phải lẽ không?".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, rất phải lẽ".

- "Này các thầy tỳ-khưu, cũng như chuyện cái bè kia, giáo pháp của Như Lai dùng để đưa chúng-sinh qua đến bờ giác-ngộ, chớ không phải để cho người cất làm của riêng, hoặc làm nô-lệ cho giáo pháp ấy. Vậy các ngươi nên nhớ kỹ chuyện cái bè nói trên, mà hãy dẹp bỏ lại đằng sau tất cả những sự hiểu biết, bất cứ là chính-đáng hay không chính-đáng[1]".

"Này các thầy tỳ-khưu, đây là sự hiểu biết không chính-đáng. Cũng như một kẻ thấp-hèn vô học kia, ít khi gần-gũi bậc thiện-trí-thức, không suốt-thông chân-lý và chẳng năng trau-giồi các phạm hạnh pháp. Kẻ ấy luôn-luôn chăm-chú đến xác thân và nghĩ rằng: "Thân này là ta và chính cái ta ở trong thân này". Rồi lần-lượt, người lại cho rằng: "Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là cái ta và chính cái ta ở trong các uẩn ấy". Vì hiểu sai như vậy, nên mỗi khi thấy ngũ-uẩn bị luật vô-thường chi-phối, thì kẻ ấy phát lên sợ-hãi bấn-loạn".

"Này các thầy tỳ-khưu, còn đây là sự hiểu biết chính-đáng. Ví-dụ như một người kia thông-minh, giỏi-giắng, hay gần-gũi bậc thiện-trí-thức, suốt-thông chân-lý và năng trau-giồi các phạm hạnh pháp. Người không chấp rằng: "Sắc, thọ, tưởng, hành thức là cái ta và chính cái ta ở trong các uẩn ấy". Nhờ hiểu biết chính-đáng như vậy nên người ấy, mỗi khi thấy ngũ-uẩn bị luật vô-thường chi-phối, thì vẫn thản-nhiên bình-tĩnh, không sợ-hãi bấn-loạn".

Tới đây, có một thầy tỳ-khưu hỏi Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, chẳng hay những điều sợ-hãi bấn-loạn ấy có thể do nguyên-nhân bên ngoài làm cho phát-sinh không?"

- "Có thể được. Này các thầy tỳ-khưu, ví-dụ có một người kia nghĩ rằng: "Than ôi! Vật này trước kia thuộc về của ta, mà nay ta phải mất nó. Phải chi ta còn vật ấy. Nhưng rủi thay! Ta không sao tìm nó lại được". Vì nghĩ quấy như vậy, nên người ấy hằng bực-tức, than-van, hối tiếc. Này các thầy tỳ-khưu, đó là những sự bấn-loạn, sợ-hãi do nguyên-nhân bên ngoài làm cho phát khởi".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, còn sự thản-nhiên, bình-tĩnh có thể do những nguyên-nhân bên ngoài làm cho phát-sinh không?"

- "Có thể được. Này các thầy tỳ-khưu, ví-dụ có người kia không nghĩ rằng vật này, hay vật nọ, là của mình và khi chúng nó bị hư mất cũng không màng đến. Nhờ nghĩ phải như vậy nên người ấy không bực-tức, than-van, hối tiếc. Này các thầy tỳ-khưu, đó là sự thản-nhiên, bình-tĩnh do nguyên-nhân bên ngoài làm cho phát khởi".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ những sự bấn-loạn, sợ-hãi có thể do nguyên-nhân bên trong (trong tâm) làm cho phát-sinh không?"

- "Có thể được. Này các thầy tỳ-khưu, ví-dụ một kẻ kia nghĩ rằng: "Thế-gian và bản-ngã vẫn trường-tồn, bền-bỉ. Ta đây cũng vậy, trong kiếp sau ta sẽ được sinh-trưởng nữa và sẽ được trường-tồn vĩnh-viễn". Vì hiểu quấy như vậy, nên mỗi khi được nghe giáo pháp do Ðức Chánh Biến Tri, hoặc do một vị đại-đệ-tử hoặc đệ-tử của Ngài thuyết ra, nói về sự vô-thường của thế-gian và bản-ngã, về cách trừ tuyệt lòng tham-lam, sân-hận, si-mê, về cách diệt-tận nguồn sanh tử luân-hồi để đi đến Niết-Bàn, thì người ấy phát lên sợ-hãi, bấn-loạn và than rằng: "Nếu thật vậy thì thế-gian và bản-ngã đều là vô-thường. Rồi đây ta cũng sẽ bị diệt-tận và chẳng còn sanh-trưởng nửa". Này các thầy tỳ-khưu, đó là những điều sợ-hãi, bấn-loạn, do nguyên-nhân bên trong làm cho phát-khởi".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, vậy chớ sự bình-tĩnh, thản-nhiên, có thể do nguyên-nhân bên trong làm cho phát-sinh ra không?"

- "Có thể được. Này các thầy tỳ-khưu, ví-dụ người kia không nghĩ rằng thế-gian và bản-ngã là thường-tồn, bền-bỉ, và không mong rằng trong kiếp sau mình sẽ được tái-sinh và được thường-tồn vĩnh-viễn, thì mỗi khi được nghe pháp do Ðức Chánh Biến Tri, hoặc do một vị đại-đệ-tử hoặc đệ-tử nào của Ngài thuyết ra, nói về sự vô-thường của thế-gian và bản-ngã, về cách diệt trừ tam-độc: tham - sân - si, để diệt nguồn sanh tử luân-hồi, hầu đi đến Niết-Bàn, thì người ấy không sợ-hãi, bấn-loạn. Này các thầy tỳ-khưu, đó là sự bình-tĩnh, thản-nhiên, do những nguyên-nhân bên trong làm cho phát khởi".

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Mặt trời rọi sáng ban ngày, trăng chiếu tỏ ban đêm, thiền-định đem lại sự sáng-lạng cho bậc sa-môn, một vầng hào-quang rực-rỡ luôn-luôn bao-phủ khắp thân-hình Ðức Như Lai.

Trong thế-gian này, chỉ có sự thương yêu lẫn-nhau mới có thể diệt được sự thù-hận, ganh tị, ghét bỏ.

Có kẻ được thọ sinh lại làm người, có kẻ dữ phải chịu khổ trong cảnh địa-ngục, có kẻ lành được hưởng quả vui nơi cõi thiên-đàng. Niết-Bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt được lòng ái-dục.

Ai ai cũng khủng-khiếp trước sự sát hại, ai ai cũng sợ chết? Vậy con người chẳng nên sát hại mà cũng không nên xúi biểu ai sát hại.

Sự đói khát là một chứng bệnh rất thảm-khốc. Ngũ-uẩn là nguyên-nhân của các điều thống-khổ. Kẻ nào thấu rõ những nỗi tai-hại ấy, mới ráng tìm sự an vui tuyệt-đối của Niết-Bàn.

Quyến-luyến sanh ra thương, thương sanh ra sợ. Nếu không còn luyến-ái, thì sợ cũng chẳng do đâu mà phát-sinh được.

Nói lời chân-thật, không oán giận, bố-thí chút ít cho kẻ khó, con người có thể cho rằng mình sắp về cõi chư-thiên. 

Kẻ nào không còn để ý những việc tốt xấu của thế-gian, biết sống một đời thanh-bạch, biết suy-nghĩ trước khi làm, kẻ ấy mới đáng gọi là bậc sa-môn.

Biết bao nhiêu kẻ lợi-dụng bộ áo cà-sa để che lấp các điều tội-lỗi. Cửa địa-ngục đã mở sẵn để chờ những kẻ đó.

-- DHAMMAPADA (Pháp cú kinh)

Cuộc tranh-luận giữa đức Phật và nhóm ngoại-đạo Nigantha

Lời của soạn-giả:

Pháp này được trích trong bộ kinh Majjhimã Nikãya. Muốn tìm hiểu dễ-dàng những trường-hợp được ghi chép nơi phía sau, trước hết chúng ta nên biết qua đạo Nigantha là thế nào và tôn-chỉ của đạo ấy ra sao?

Ðạo Nigantha bây giờ còn thịnh-hành tại xứ Ấn Ðộ và lấy tên mới là Jainisme. Thánh Gandhi lúc ban-đầu cũng thuộc về đạo ấy, nhưng sau lại theo đạo Hindouisme (Ấn Ðộ Giáo)[2]. Trong những đền tháp lộng-lẫy của đạo Jainisme hiện nay đều có thờ Ðức Thích-Ca. Nhưng kim-thân Ngài nhỏ hơn của vị giáo-chủ Natãputta[3] và các tín-đồ Jains bịa ra rằng thuở trước Ðức Thích-Ca là học trò của giáo-chủ Natãputta[4].

Về cách sắp đặt trong giáo-hội xuất-gia và tại-gia, đạo Nigantha cũng có nhiều chỗ tương-tợ như Phật-Giáo. Bên Phật-Giáo có Bhikkhu (tỳ-khưu), Bhikkhuni (tỳ-khưu-ni), thì bên Nigantha có Nigantha (đạo-sĩ nam) và Niganthi (đạo-sĩ nữ), vân-vân ...

Nói về giới-luật, thì phái Nigantha tu theo khổ hạnh và bành-trướng sự bác-ái đến cực-điểm. Như tại xứ Ấn Ðộ hiện nay, họ cố tạo ra nhiều chỗ chữa bệnh cho những loài: chim, rùa, sấu, khỉ, nai, hươu, vân-vân ... Các đạo-sĩ Nigantha thường che phía trước mũi bằng một miếng vải thưa để ngăn không cho vi-trùng theo hơi thở mà vào ngũ-tạng và phải bị hại.

Còn về nguyên-tắc, thì đạo Nigantha cho cái tội[5] của thân nặng hơn hết. Các tín-đồ Nigantha viện-lẽ rằng các việc dữ (như trộm cướp, sát hại ...) đều do thân gây ra chớ chẳng phải do lời nói hay ý-nghĩ. Vì đó mà họ bày ra nhiều cách tu khổ hạnh, hành hạ xác thân cho kiệt-quệ, không còn sức-lực để làm quấy, như: khoét mắt, đốt tai, ngồi trên gai, đứng giữa trời dơ tay lên, phơi nắng hằng năm hằng tháng, ngâm mình dưới nước khi trời rét, vân-vân ...

Trái lại, đạo Phật thì dạy rằng muôn việc tại tâm, nên cho cái nghiệp[6] của ý là quan-trọng hơn hết. Muốn được giải-thoát, người tu cần phải sửa-trị cái tâm của mình cho đến khi chẳng còn ngã-chấp mới đặng.

Trong bài pháp sau đây, Ðức Phật dùng nhiều lý-lẽ để giải cho nhóm Nigantha thấy rằng chỉ có cái nghiệp của ý là quan-trọng hơn hết.

* * *

I- Ðạo-sĩ Dĩgha đến viếng Ðức Thế Tôn

Thuở nọ, Ðức Phật đang ngự tại xứ Nãlandã, trong vườn xoài của một đại thương-gia tên là Pãvarika[7].

Trong khi ấy, vị giáo-chủ của nhóm ngoại-đạo Nigantha, tên là Nãtaputta, với một số đông đệ-tử cũng đang ở tại một khóm rừng gần bên. Muốn biết rõ nguyên-tắc của Phật-Giáo, ông ta sai người học trò giỏi nhất của mình, là đạo-sĩ Dĩgha, đến vấn đạo Ðức Thế Tôn.

Khi đạo-sĩ Dĩgha chào hỏi Ðức Thế Tôn và ngồi xong, Ngài liền hỏi ông ta rằng: "Này đạo-sĩ, vậy chớ trong đạo Nigantha, vị giáo-chủ Nãtaputta cho biết theo giáo pháp của Ngài có mấy cái nghiệp không?"

- "Bạch Ðức Gotama (Cồ Ðàm)[8], trong đạo của chúng tôi, vị giáo-chủ Nãtaputta không hề nói đến cái nghiệp, nhưng chỉ dạy về cái tội mà thôi".  

- "Mà tội ấy có mấy thứ?"

- "Bạch Ngài, tội ấy có ba: tội của thân, tội của khẩu và tội của ý".

- "Trong ba tội ấy, tội nào nặng hơn hết?"

- "Chính tội của thân là nặng hơn hết".

(Ðức Phật hỏi ba lần, đạo-sĩ Dĩgha đều trả lời như vậy).  Rồi ông ta lại hỏi Ðức Thế Tôn rằng: "Bạch Ðức Gotama, còn theo giáo-lý của Ngài, có mấy thứ tội?"

- "Này đạo-sĩ, trong giáo pháp của Như Lai, không hề nói đến cái tội, nhưng chỉ dạy về cái nghiệp mà thôi".

- "Bạch Ngài, mà nghiệp có mấy thứ?"

- "Nghiệp cũng có ba, là: nghiệp của thân, nghiệp của khẩu và nghiệp của ý".

- "Bạch Ngài, vậy chớ trong ba thứ nghiệp, thứ nào quan-trọng nhất?"

- "Chính cái nghiệp của ý quan-trọng nhất".

(Ðạo-sĩ Dĩgha cũng hỏi đủ ba lần, Ðức Phật đều trả lời như vậy). Xong việc, ông ta đứng dậy cáo-từ Ðức Thế Tôn.

II- Vị trưởng-lão Upãli xin giáo-chủ Nãtaputta cho phép mình đi tranh-luận với Ðức Phật. [9]

Nghe đạo-sĩ Dĩgha thuật lại mọi việc, giáo-chủ Nãtaputta rất bực-tức, nhưng chẳng biết làm thế nào gặp  Ðức Thế Tôn để binh-vực lý-thuyết của mình. Khi ấy, có ông trưởng-lão Upãli đứng gần đó thốt lên rằng: "Bạch Ðức Giáo-Chủ, lý-thuyết của thầy Gotama không đúng chân-lý chút nào cả. Có lẽ nào cái tội của ý lại lớn hơn cái tội của thân bao giờ? Ai ai đều thấy rõ rằng mỗi hành-động dữ đều do thân gây ra chớ nào phải do ý. Vậy xin Ðức Giáo-Chủ cho phép đệ-tử sang tận vườn xoài để tranh-luận cùng thầy Gotama về điểm đó".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, như người lực-lưỡng kia nắm bờm một con dê rừng, kéo tới, lôi lui, xô qua, đẩy lại, làm cho con vật phải đuối sức thế nào? Thì cũng như thế ấy, đệ-tử sẽ làm cho thầy Gotama phải điên-đảo vì những lời cật-vấn xảo-diệu của đệ-tử".

"Như người thợ nhuộm lực-lưỡng kia ngâm một chiếc chiếu vào nước màu đỏ, rồi nắm lấy chéo chiếu nhúng lên, nhúng xuống thật mạnh, làm cho dễ ăn màu, thế nào? Thì cũng như thế ấy, đệ-tử sẽ làm cho thầy Gotama khâm-phục lý-đạo của chúng ta bằng các luận-điệu thích-đáng của đệ-tử".

"Như con voi già kia lội xuống ao sen quậy bùn lên làm cho nước xáo động và các loài thủy-tộc sợ-hãi thế nào? Thì cũng như thế ấy, đệ-tử sẽ làm cho thầy Gotama phải lung-lạc và bối-rối vì những câu hỏi uyên-thâm của đệ-tử".

Thấy trưởng-lão Upãli hăng-hái và quyền-biến, hoạt-bát như thế, giáo-chủ Nãtaputta liền cho phép ông ta đi gặp Ðức Thế Tôn.

Khi ấy, đạo-sĩ Dĩgha sợ ông Upãli[10] bị Ðức Phật thuyết-phục, nên ngăn cản rằng: "Bạch Ðức Giáo-Chủ, xin Ngài chớ cho trưởng-lão Upãli sang gặp thầy Gotama làm gì. Thầy Gotama là một nhà ảo-thuật đại-tài, có phép cám-dỗ rất linh-nghiệm. Nhờ vậy mà thầy ta quyến-dụ được nhiều đệ-tử và có vô-số tín-đồ của các đạo khác đã cải giáo để xin vào đạo của Thầy".

Giáo-chủ Nãtaputta đáp rằng: "Này Dĩgha, nhà ngươi nghĩ sai rồi. Một người thông-minh, giỏi-giắng như Trưởng-Lão Upãli, không dễ gì bị thầy Gotama cám-dỗ và chẳng thế nào chịu tu theo giáo pháp của thầy ta bao giờ".

Ðạo-sĩ Dĩgha ngăn-cản đến ba lượt cũng không được. Giáo-chủ Nãtaputta liền day qua nói với ông Upãli như vầy: "Này Upãli, ngươi hãy lên đường qua tận vườn xoài để thách thầy Gotama giải-thích cho xong vấn-đề: Tội và nghiệp của ý".

III- Upãli đến tranh-luận với Ðức Thế Tôn

Khi đến nơi chào hỏi Ðức Phật và ngồi kế bên xong rồi, trưởng-lão Upãli liền hỏi Ðức Thế Tôn rằng: "Bạch  Ðức Gotama, có phải đạo-sĩ Dĩgha vừa mới đến vấn đạo Ngài chăng?"

- "Chính phải vậy".

- "Bạch Ngài, có phải Ngài đã nói với đạo-sĩ Dĩgha rằng cái nghiệp của ý là quan-trọng hơn của thân và của khẩu không?"

- "Phải như vậy".

- "Bạch Ðức Gotama, lý-thuyết của Ngài chẳng đúng chân-lý chút nào cả. Có lẽ nào cái tội của ý lại lớn hơn cái tội của thân bao giờ. Ai-ai đều thấy rõ rằng mỗi sự hành-động dữ đều do thân gây ra, chớ nào phải do ý".

- "Này Upãli, nếu ngươi muốn tranh-luận đúng theo chân-lý thì Như Lai sẵn lòng nói chuyện với ngươi về điều ấy. Vậy ngươi có bằng lòng chăng?"

- "Bạch Ðức Gotama, tôi xin vui lòng hầu chuyện cùng Ngài".

Lý lẽ thứ nhất:

Ðức Phật hỏi ông Upãli như vầy: "Này Upãli, theo sự hiểu biết của ngươi, thì cái tội của thân nặng hơn hết, vậy chớ ngươi nghĩ thế nào? Ví-dụ có một người đạo-sĩ trong phái Nigantha lâm-bệnh nặng và phải cần đến nước lạnh[11] thì mới khỏi bệnh. Nhưng người ấy chỉ chịu dùng nước nóng mà thôi. Rốt cuộc, vị đạo-sĩ ấy phải bỏ mình. Này Upãli, vậy chớ giáo-chủ Nãtaputta có dạy các đệ-tử rằng sau khi thác, người đạo-sĩ ấy được tái-sinh lại vào nơi nào không?"

- "Bạch Ðức Gotama, thầy của chúng tôi có dạy rằng sau khi thác, người ấy sẽ được thọ-sinh vào cõi chư-thiên gọi là Manosattã[12]".

- "Tại sao vậy?"

- "Bạch Ðức Gotama, vì người ấy, lúc gần chết, có ý chấp-trước rằng mình sẽ được sanh về cõi đó".

- "Này Upãli, ngươi nên suy xét kỹ-lưỡng trước khi mở lời, để tránh sự mâu-thuẫn giữa những điều của ngươi nói khi nãy và hiện bây giờ. Có phải lúc nãy nhà ngươi đã bằng lòng luận đạo với Như Lai đúng theo chân-lý không?"

- "Bạch Ðức Gotama, chính tôi đã bằng lòng như vậy".

- "Này Upãli, có phải nhà ngươi vừa mới nói rằng người đạo-sĩ ấy, khi gần chết, có ý chấp-trước rằng sẽ được tái-sinh về cõi chư-thiên Manosattã không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, phải vậy".

Lý lẽ thứ nhì:

- "Này Upãli, theo sự hiểu biết của ngươi, thì cái tội của thân là nặng hơn hết, vậy chớ ngươi nghĩ thế nào? Ví-dụ có một người đạo-sĩ trong phái Nigantha bị rơi xuống sông. Người ấy phải chống chỏi với giòng nước để thoát thân, phải lặn hụp, bơi lội, vẫy-vùng, làm cho nhiều sinh-vật nhỏ phải bị sát hại. Này Upãli, vậy chớ trong đạo của ngươi, người ấy có phạm tội không?"

- "Bạch Ðức Gotama, nếu có phạm, thì tội ấy cũng nhỏ, vì người ấy vô ý".

- "Mà nếu người ấy cố ý sát hại, thì sẽ ra sao?"

- "Bạch Ðức Gotama, nếu vị đạo-sĩ ấy cố ý, thì sẽ mang tội nặng".

- "Vậy chớ giáo-chủ Nãtaputta liệt tội ấy vào chỗ nào?"

- "Bạch Ðức Gotama, vào tội của ý".

- "Này Upãli, ngươi nên suy xét kỹ-lưỡng trước khi mở lời, để tránh sự mâu-thuẫn giữa những điều của ngươi nói khi nãy và hiện bây giờ. Có phải lúc nãy nhà ngươi đã bằng lòng luận đạo với Như Lai đúng theo chân-lý và ngươi vừa mới nói rằng nếu vị đạo-sĩ kia cố ý thì phạm phải tội nặng không?"

- "Bạch Ðức Gotama, phải như vậy".

Lý lẽ thứ ba:

- "Này Upãli, theo sự hiểu biết của ngươi, thì cái tội của thân là nặng hơn hết, vậy chớ ngươi nghĩ thế nào? Ví-dụ có một người kia múa đao xông vào một đô-thị to lớn, dân-cư đông-đảo, như thành Nãlanda này, mà hô lên rằng: "Trong chốc-lát, ta có thể giết hết nhân-dân trong thành Nãlanda, không để sót một người nào, ta có thể làm cho chúng nó phải chết, thây nằm chất đống". Này Upãli, vậy chớ người ấy có thể nào sát hại hết dân-chúng trong thành Nãlanda được không?"

- "Bạch Ðức Gotama, không nói chi một người, dầu cho 20, 30, 40 hay 50 người như vậy cũng không sao sát hại hết dân-cư trong thành này đặng".

- "Này Upãli, còn ví-dụ một bậc sa-môn hay Bà La Môn kia đã đắc thần-thông do phép định-tâm, đi vào thành Nãlanda mà nói rằng: "Nếu ta cố-ý phá-hoại, thì chỉ trong chốc-lát, ta có thể làm cho đô-thị này tan ra tro bụi". Này Upãli, vậy chớ bậc sa-môn hay bậc Bà La Môn ấy có thể nào, với một ý-nghĩ phá-hoại, làm cho thành Nàlanda này tan ra tro bụi trong chốc-lát không?"

- "Bạch Ðức Gotama, đối với bậc có phép thần-thông do mãnh-lực của thiền-định thì không những là một cái thành Nàlanda này thôi, mà cho đến 10 cái, 20 cái, 30 cái hoặc 50 cái như vậy cũng phải bị tan rã".

- "Này Upãli, ngươi nên suy xét kỹ-lưỡng trước khi mở lời, để tránh sự mâu-thuẫn giữa những điều của ngươi nói khi nãy và hiện bây giờ. Có phải lúc nãy nhà ngươi đã bằng lòng luận đạo với ta đúng theo chân-lý và ngươi vừa nói rằng với ý-nghĩ phá-hoại, một bậc đạo-sĩ hay Bà La Môn đã đắc thần-thông có thể làm tan rã không những là một cái thành Nãlanda này thôi, mà cho đến 10, 20, 30, 40 hoặc 50 cái như vậy cũng được?"

- "Bạch Ðức Gotama, phải như vậy".

Lý lẽ thứ tư:

- "Này Upãli, theo sự hiểu biết của ngươi, thì cái tội của thân là nặng hơn hết, vậy chớ ngươi có nghe người ta nói tại duyên-cớ chi mà những quốc-độ: Dandaki, Kalinga, Mejjha và Mãtanga, phải bị tiêu-diệt?"

- "Bạch Ðức Gotama, chính do tư-tưởng xấu-xa, lầm-lạc của những vị quốc-vương và dân bổn-xứ đối với các bậc thánh-nhân, mà mấy nước ấy phải bị tiêu-diệt".

- "Này Upãli, ngươi nên suy xét kỹ-lưỡng trước khi mở lời để tránh sự mâu-thuẫn giữa những điều của ngươi nói ra khi nãy và hiện bây giờ. Có phải lúc nãy nhà ngươi đã bằng lòng luận đạo với ta đúng theo chân-lý và ngươi vừa nói rằng do tư-tưởng xấu-xa của những vị quốc-vương và dân bổn-xứ đối với các bậc thánh-nhân mà mấy nước ấy phải bị tiêu-diệt không?"

Tới đây, trưởng-lão Upãli liền bái phục Ðức Thế Tôn và bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn[13], tôi rất khâm-phục về những lý lẽ của Ngài đã trưng ra cho tôi thấy rằng cái tội của ý là nặng hơn hết. Ðó là chân-lý cao-siêu, không ai chối cãi đặng và tôi đây không có đủ tài để tranh luận cùng Ngài. Bạch Ðức Thế Tôn, như người ta đỡ đứng dậy những vật chi đã bị ngã, tìm được vật gì bị giấu kỹ, chỉ nẻo cho người lạc lối, đem ngọn đuốc vào chỗ tối-tăm cho người có mắt thấy rõ mọi vật thế nào? Bạch Ðức Thế Tôn, thì cũng như thế ấy, Ngài đã giải cho tôi nghe rõ chánh pháp bằng nhiều cách khác nhau. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy tôi nguyện quy-y nương Tam-Bảo và xin Ngài nhận tôi là thiện-nam kể từ nay cho đến trọn đời".

- "Này Upãli, nếu muốn vào tu trong giáo pháp của Như Lai, một người có tên tuổi, đúng-đắn như ngươi cần phải suy xét kỹ-càng mới đặng".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, những lời dạy ấy làm cho tôi khâm-phục Ngài hơn nữa. Mấy vị giáo-chủ khác, khi được một người như tôi xin nhập môn, thì họ rất tự-đắc và chẳng hề khuyên tôi nên suy-nghĩ chi cả. Họ lại dạy người rao to cho ai nấy đều biết như vầy: "Trưởng-lão Upãli đã xin vào tu theo phái của chúng tôi rồi". Bạch Ðức Thế Tôn, vậy một lần thứ nhì nữa, tôi nguyện quy-y nương theo Tam-Bảo và xin Ngài nhận tôi là thiện-nam kể từ nay cho đến trọn đời".

- "Này Upãli, từ bấy lâu nay, ngươi là một đại thí-chủ trong nhóm Nigantha, vậy bây giờ trở đi, ngươi cũng nên tiếp-tục bố-thí cho họ như thường".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, những lời khoan-hồng cao-cả của Ngài làm cho tôi càng thêm kính phục. Vậy mà lúc trước tôi có nghe họ đồn như vầy: "Thầy sa-môn Gotama chỉ khuyên người nên bố-thí cho mình và cho các đệ-tử thôi, chớ chẳng nên bố-thí cho ai khác. Sự cúng dường đến ông ta và chư-tăng sẽ đem lại phước báo cao-thượng hơn sự cúng dường đến kẻ khác". Hôm nay tôi mới rõ sự thật. Bạch Ðức Thế Tôn, vậy một lần thứ ba nữa, tôi nguyện quy-y Tam-Bảo và xin Ngài nhận tôi là thiện-nam kể từ nay cho đến trọn đời".

Rồi đó, Ðức Phật liền thuyết cho trưởng-lão Upãli nghe đúng theo thứ-tự về những pháp: bố-thí, trì-giới, những quả vui nơi cõi trời, những nỗi thống-khổ do lòng tham-muốn gây nên và về lợi-ích của tư-cách xuất-gia. Khi thấy Upãli có đức tin chân-chánh và hiểu rành đạo-lý, Ngài liền thuyết cho ông ta nghe đến những pháp đặc-sắc trong Phật-Giáo, là: sự khổ, nguyên-nhân của sự khổ, tư-cách diệt khổ và con đường để đi đến nơi đứt khổ[14]. Cũng như thửa vải sạch ăn màu một cách dễ-dàng, đạo-quả mở sáng khiến cho trưởng-lảo Upãli thấy rõ chân-lý và biết rằng hễ có sanh thì tất phải có diệt. Nhờ đó mà ông được thấm-nhuần chân-lý, say-đắm trong chân-lý, diệt những sự ngã-chấp, hoài-nghi và tin chắc Phật Pháp là cao-thượng hơn cả. Ông đắc quả Tu Ðà Huờn.

Với thân tâm mát-mẻ nhẹ-nhàng, trưởng-lão Upãli cung-kính đảnh-lễ Ðức Thế Tôn rồi lui gót.

IV- Ðạo-sĩ Dĩgha đến nhà trưởng-lão Upãli

Khi về tới nhà, ông Upãli dặn tên giữ cửa như vầy: "Bắt đầu từ bữa nay, ta không còn giao-thiệp với nhóm Nigantha nữa. Ta chỉ tiếp rước Ðức Thế Tôn và các hàng Tứ Chúng trong Phật-Giáo thôi. Nếu có những ông đạo-sĩ Nigantha nào đến đây, ngươi nên thưa với họ như vầy: "Bạch các Ngài, Trưởng-Lão Upãli hiện nay đã tu theo giáo pháp của Ðức Sa-Môn Gotama rồi và không còn giao-thiệp với các tín-đồ Nigantha nữa. Như các Ngài muốn được bố-thí vật chi, thì xin chờ ngoài ngõ, chúng tôi sẽ dâng cho".

Ðược tin Upãli đã quy-y theo Phật-Giáo, đạo-sĩ Dĩgha liền bạch cho giáo-chủ Nãtaputta rõ. Ông này đáp rằng: "Này Dĩgha, những lời đồn ấy sai rồi. Một người thông-minh, giỏi-giắng như Upãli, chẳng dễ gì bị thầy Gotama cám-dỗ và không khi nào chịu tu theo giáo pháp của thầy bao giờ".

(Ðạo-sĩ Dĩgha nói đến ba lần, nhưng giáo-chủ Nigantha cũng đáp như vậy)

Rốt cuộc, đạo-sĩ Dĩgha được thầy cho phép đến nhà Upãli để biết rõ tự-sự. Khi tới nơi, tên giữ cửa nói với ông ta rằng: "Bạch Ngài, chủ tôi hiện nay đã tu theo giáo pháp của Ðức Sa-Môn Gotama rồi và không còn giao-thiệp với các tín-đồ Nigantha nữa. Như Ngài muốn được bố-thí, xin nán chờ ngoài ngõ, chúng tôi sẽ dâng cho". Ðạo-sĩ Dĩgha nói với tên giữ cửa rằng mình chẳng cố ý đến tìm sự bố-thí đâu, rồi trở ra.

Về đến chùa, ông ta bạch với thầy rằng: "Bạch Ðức Giáo-Chủ, quả thật vậy, trưởng-lão Upãli đã xin quy-y thọ giáo với thầy Sa-Môn Gotama rồi. Lúc trước, tôi có bạch cùng Ngài rằng thầy Gotama là một nhà ảo-thuật đại-tài, có phép cám-dỗ rất linh-nghiệm. Nhưng Ngài chẳng nghe lời, nên hôm nay mới ra nông-nỗi".

Giáo-chủ Nãtaputta cũng chẳng chịu tin những lời của đạo-sĩ Dĩgha thuật lại, rồi ông ta đích-thân sang tận nhà Upãli.

V- Cuộc gặp-gỡ giữa hai thầy trò cũ

Giáo-chủ Nãtaputta thân-hành đến nhà vị trưởng-lão Upãli, có dắt theo một số đông đệ-tử.  Ông ta cũng bị tên giữ cửa khước-từ không cho vô và phải kèo nài nhiều lượt mới được Upãli mời vào trong (lúc trước, đích-thân Upãli phải ra ngõ rước ông ta). Khi tới phòng khách, trưởng-lão Upãli liền mời ông ta ngồi xuống cái ghế cao và đẹp hơn hết, còn mình thì ngồi trên một cái ghế thấp hơn.

Mới bắt đầu vào chuyện, giáo-chủ Nãtaputta liền trách-cứ Upãli rằng: "Này Upãli, tài hùng-biện của ngươi đâu nào? Lúc trước, ngươi hăng-hái lãnh trách-nhiệm đi đánh đổ lý-thuyết sai-lầm của thầy Gotama. Rốt cuộc, ngươi lại để cho thầy ta quyến-dụ và bị những lý-luận của thầy ta trói buộc. Không khác một kẻ kia định đi móc mắt người địch-thủ, nhưng kết-quả là mắt của nó bị móc. Cũng như nhà ngươi định đi thuyết-phục thầy Gotama, rốt cuộc ngươi bị thầy ta cám-dỗ và xin làm đệ-tử của thầy. Này Upãli, ngươi đã mắc phải phép cám-dỗ[15] của thầy Gotama rồi".

Trưởng-lão Upãli trả lời rằng: "Phép cám-dỗ của Ðức Phật là quí-báu. Phép ấy đã làm cho tôi được an vui, mát mẻ. Tôi ước sao cha mẹ và tất cả quyến-thuộc của tôi đều được Ngài cám-dỗ như thế".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, nếu cả bốn hạng người: vua, chúa, thầy tu, thương-gia và lao-động, đều được thọ lãnh phép cám-dỗ của Ðức Thế Tôn, thì thảy-thảy sẽ được nhiều điều hạnh-phúc chẳng sai".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, nếu tất cả những bậc: chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên, sa-môn, Bà La Môn, và khắp hằng nhân-loại đều được Ngài cám-dỗ bằng cách đó, thì thảy-thảy sẽ được nhiều điều hạnh-phúc chẳng sai".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, vậy xin Ngài vui lòng nghe tôi kể lại câu chuyện dưới đây:

"Thuở nọ, một ông già Bà La Môn kia, có một bà vợ còn trẻ tuổi mà ông ta rất quý-mến. Bà vợ ấy có thai và khi gần sanh, buộc ông ta phải kiếm một con khỉ đực để dành làm bạn với đứa con trai của bà sắp ra đời. Người chồng già nói với vợ rằng: "Xin nàng hãy đợi đến lúc sinh-sản rồi mới biết rõ là trai hay gái. Nếu nàng sanh con trai, thì tôi sẽ mua một con khỉ đực cho nó chơi, còn như sanh con gái thì tôi sẽ mua một con khỉ cái".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, ông già Bà La Môn năn-nỉ đến ba lượt như vậy, song vô hiệu-quả, nên phải đành ra chợ mua một con khỉ đực đem về, để làm vừa lòng bà vợ trẻ trung. Muốn cho con khỉ trở nên lạ-thường hơn những con khỉ khác, bà ta lại buộc chồng đi mướn người thợ tên là Rattapãni nhuộm nó bằng một thứ màu gọi là Pitãvalepana[16]. Bà lại dặn chồng nên biểu người thợ phải chà-xát, dày-vò con khỉ, làm cho lông nó dễ ăn màu".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, lão Bà La Môn, vì thương vợ quá đỗi, chẳng biết tính sao, nên phải đành làm theo những lời dặn điên-rồ ấy. Ông ta tìm đến người thợ Rattapãni, mướn nhuộm con khỉ và dặn phải chà-xát, dày-vò cho lông nó dễ ăn màu. Người thợ nói rằng: "Tôi có thể nhuộm lông con khỉ ấy tốt chừng nào hay chừng đó, chớ con thú không sao chịu nỗi sự chà-xát, dày-vò theo ý ông muốn đặng".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, thì cũng như thế ấy, giáo pháp của phái Nigantha là một giáo pháp điên-rồ và chỉ hạp với trình-độ hiểu biết của những kẻ điên-rồ mà thôi[17]. Chớ nó không sao chịu-đựng nỗi các sự thí-nghiệm dày-vò của bậc thiện-trí-thức đặng".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, nhưng một thời-gian sau, ông Bà La Môn ấy lại đem một cặp áo mới đến mướn người thợ Rattapãni nhuộm và cũng dặn nên chà-xát, dày-vò cho hàng dể ăn màu. Lần này, ông ta được toại-nguyện".

"Bạch Ðức Giáo-Chủ, thì cũng như thế ấy, giáo pháp của Ðức Phật là một giáo pháp cao-siêu, đúng theo chân-lý, nên có thể chịu-đựng nỗi những sự thí-nghiệm dày-vò của các bậc thiện-trí-thức".

Khi nghe tới đây, giáo-chủ Nãtaputta hỏi Upãli rằng: "Này Upãli, từ nào đến giờ tất cả vua chúa và ai nấy cũng biết rõ rằng ngươi là người tín-đồ trong đạo Nigantha. Vậy chớ bắt đầu từ đây trở về sau, nên gọi ngươi là đệ-tử của ai?"

Nghe hỏi như vậy, trưởng-lão Upãli liền đứng dậy, thoát y lên vai, nghiêng mình chắp tay hướng về phía có Ðức Thế Tôn đang ngự và nói với giáo-chủ Nãtaputta rằng: "Bạch Ðức Giáo-Chủ, xin Ngài hãy lóng tai nghe rõ mấy lời sau đây thì sẽ biết tôi là đệ-tử của ai". Nói xong, ông ta liền đọc cho thầy cũ của mình nghe mười ơn-đức của Ðức Phật như vầy:

1. Ðức Thế Tôn là bậc toàn-thắng tất cả tội-lỗi, có tâm-trí an-định, giới hạnh thanh-cao, có sự thông-hiểu nhiệm-mầu, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

2. Ðức Thế Tôn là bậc chẳng còn hoài-nghi, đã lánh xa trần-tục, đã hành đạo cao-siêu và chẳng còn phiền-não, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

3. Ðức Thế Tôn là bậc dũng-cảm, có nhiều đức-tính đáng làm gương mẫu cho tất cả chúng-sinh, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

4. Ðức Thế Tôn là bậc thanh-tịnh, đã đại ngộ các pháp yên lặng là Niết-Bàn, chẳng còn quyến-luyến các vật hữu-vi, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

5. Ðức Thế Tôn là bậc đã tẩy-trừ được lòng tham-dục và chẳng còn chịu ảnh-hưởng của các pháp thế-gian, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

6. Ðức Thế Tôn là bậc thánh-nhân cao cả, học hỏi uyên-thâm và đã rửa sạch những điều dơ-bẩn trong tâm, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

7. Ðức Thế Tôn là bậc suốt-thông mọi việc trong tam-thế, đã tìm được chân-lý nhiệm-mầu và đem ra dạy-bảo chúng-sinh, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

8. Ðức Thế Tôn là bậc đã bẻ gẫy bánh xe luân-hồi, đã qua đến bờ kia và hằng dìu-dắt chúng-sinh đi đến nơi giác-ngộ, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

9. Ðức Thế Tôn là bậc giáng-trần để làm tròn nhiệm-vụ của một đấng Như Lai, là đấng kế-nghiệp của các Ðại-Hiền thuở trước, chính tôi là đệ-tử của Ngài;

10. Ðức Thế Tôn là bậc Ðại-Hùng Ðại-Lực đã trừ-tuyệt gốc rể tội-lỗi, oai-đức tỏa khắp bốn phương và rất đáng cho chúng-sinh lễ-bái, chính tôi là đệ-tử của Ngài.

Khi trưởng-lão Upãli vừa dứt lời, giáo-chủ Nãtaputta liền hỏi vậy chớ ông ta đã sắp đặt những lời ca-tụng Ðức Gotama tự bao giờ? Trưởng-lão Upãli trả lời rằng: "Bạch Ðức Giáo-Chủ, với một đống hoa thơm có đủ màu, được người thợ khéo kết lại thành một tràng hoa đẹp đẽ, thơm-tho như thế nào? Thì Ðức Thế Tôn có nhiều hạnh-kiểm đẹp đẽ, thanh-cao, rất đáng cho chư-thiên và nhân-loại ngợi-khen, thán-phục cũng như thế ấy".

Nghe học trò cũ của mình ca-tụng ơn-đức của Ðức Phật một cách hết sức nhiệt-thành, giáo-chủ Nãtaputta căm-tức quá đỗi, hộc máu và phải bỏ mình trong mấy hôm sau.

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA

Sự diệt vong của quốc-độ Dandaki

Lời của soạn-giả:

Trong lý lẽ thứ tư, Ðức Phật có nói cho trưởng-lão Upãli nghe rằng: "Do tư-tưởng khinh rẽ của bậc thánh-nhân mà tất cả nhân-vật trong bốn quốc-độ: Dandaki, Kalinga, Mejjha và Mãtanga, đều phải bị tiêu-diệt". Nhưng vì khuôn-khổ nhất-định của quyển sách, chúng tôi xin rút ngắn và sơ-lược trong bộ kinh Chú-Giải, một cái tích thứ nhất để cho quí độc-giả thấy rằng vì ý nghĩ xấu-xa mà con người gây ra biết bao nhiêu tội-lỗi và phải bị trả quả rất nặng.

* * *

Thuở trước kia, có một vị đạo-sĩ tên là Kisa-Vaccha vào ngồi tham-thiền trên cái ghế đá ở trong vườn bông của đức vua xứ Dandaki. Thường bữa, ngài được một vị thống-soái có đức tin đem vật-thực đến dâng cúng.

Một buổi nọ, có một bà thứ-phi, vì duyên cớ nào không rõ, bị đức vua đuổi ra khỏi hoàng-cung. Ði ngang qua vườn thượng-uyển, bà ta thấy vị đạo-sĩ thân-hình gầy-gò, bẩn-thỉu, trên đầu có một búi tóc, đang ngồi trầm-tư mặc-tưởng. Theo phong-tục Bà La Môn, thì sự gặp gỡ một kẻ bẩn-thỉu, thấp-hèn, như vậy là một chuyện rất xui-xẻo. Muốn tẩy-trừ sự xui-xẻo ấy, người Bà La Môn cần phải xuống sông tắm gội[18], hoặc giả họ lấy một chậu nước để trước bàn thờ thần, đọc kinh rồi dùng nước ấy mà tắm, hay một lẽ nữa là họ tìm cách làm nhục kẻ đê-hèn đã gặp.

Bà thứ-phi bèn tín rằng: "Vậy ta thử làm nhục lão già bẩn-thỉu này coi có hết xui chăng". Nghĩ xong, bà liền lấy một thau nước để rửa mặt đánh răng, rồi đem nước dơ đổ túa lên đầu vị đạo-sĩ. Trước khi bỏ đi, bà lại còn liệng bàn chải và nhổ nước miếng vào mình ngài. Một thời-gian sau, do sự tình-cờ, bà được nhà vua kêu trở vào cung phụng-sự cho ngài.

Lúc ấy, có một thầy Bà La Môn cũng bị vua sa-thải và đến nhờ bà thứ-phi chỉ cách nào cho Ðức Vua trọng-dụng mình trở lại. Bà thứ-phi liền dạy ông ta đến làm nhục vị đạo-sĩ thì sẽ được toại-nguyện. Người Bà La Môn làm theo lời ấy và chẳng bao lâu, cũng do một sự tình-cờ, ông được vua cho làm việc lại như trước.

Sự tình-cờ trong hai trường-hợp kể trên khiến cho bà thứ-phi và thầy Bà La Môn kia có ý-nghĩ sai-lầm rằng chính nhờ làm nhục vị đạo-sĩ có búi tóc trong vườn thượng-uyển, mà họ được tốt phước như vậy.

Một thời-gian sau nữa, ngoài biên-thùy có giặc. Thầy Bà La Môn ấy đến yêu-cầu đức vua nên làm nhục vị đạo-sĩ, thì sẽ được thắng trận dễ-dàng. Ðức vua liền thân-hành đến chỗ vị đạo-sĩ đang ngồi tham-thiền. Ngài rửa mặt, đánh răng, rồi cũng tạt nước dơ và nhổ nước miếng vào đầu vị đạo-sĩ đang ngồi tham-thiền. Không những thế thôi, nhà vua lại còn ra lịnh cho tất cả triều-thần, văn-võ, cung-phi, mỹ-nữ và dân-gian trong khắp xứ Dandaki nên làm nhục vị đạo-sĩ như ngài, để cho nước nhà được phong-phú và chiến-thắng ngoại quân. Trước khi xuất-chinh, mỗi tên quân đều phải đổ đồ dơ và nhổ vào mình vị đạo-sĩ, thì mới được nhà vua cho ra trận-mạc.

Hay chuyện ấy, vị thống-soái hết sức đau đớn, tìm đến tắm gội và thoa nước thơm khắp mình ngài. Vị đạo-sĩ nói với ông thống-soái rằng có nhiều hạng chư-thiên[19] định làm cho quốc-độ Dandaki phải tiêu-diệt vì tội lớn-lao ấy. Nhưng nếu nhà vua biết ăn-năn thì sự hành-phạt có thể nhẹ bớt đặng. Ðến yêu cầu đức vua nên sám-hối tội-lỗi đã qua, nhưng ngài chẳng chịu làm theo, vị thống-soái liền xin từ-chức và lập-tức trở về dinh, dắt gia-quyến cùng những người lương-thiện chạy ra khỏi xứ Dandaki mà lánh nạn.

Sau khi đức vua thắng-trận, rần-rộ kéo binh trở về thành, dân-chúng trong xứ lại còn hăng-hái tin-tưởng rằng nhờ sự làm nhục vị đạo-sĩ mà trong nước gặp được nhiều điều may-mắn hơn xưa. Nào dè đâu, một tai-nạn rùng-rợn đang chờ đón nhà vua và tất cả dân bổn-xứ. Những trận mưa gươm, mưa đao, mưa đá, hòn nào hòn nấy to bằng cái nhà, xối-xả tuôn xuống làm cho tất cả người và vật trong xứ Dandaki phải bị diệt-vong. Chỉ có vị đạo-sĩ, ông thống-soái với 83 người khác chạy được ra khỏi xứ Dandaki và được thoát-nạn mà thôi.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Thuyết trung-đạo. Bậc đã thấy đạo rồi không còn chấp phải quấy, tốt xấu.

[2] Hay Bà La Môn cải-cách, gồm có nhiều điểm của Ðạo Phật và Bà La Môn Giáo nguyên-thủy. Những điểm có liên-quan đến giới-hạnh, chân-lý và sự khổ đều là mượn của Phật-Giáo. Còn những điểm của Bà La Môn Giáo nguyên-thủy là mấy lý-thuyết về linh-hồn, Thượng Ðế, vân-vân ... Ấn Ðộ Giáo bỏ hẳn tục-lệ sát hại sinh-vật để lấy máu tế thần của đạo Bà La Môn cũ.

[3] Các tín-đồ Jains tặng cho giáo-chủ Natãputta một tên khác nữa, là Mahavira.

[4] Những chùa Bà La Môn cũng có thờ Ðức Thích-Ca, nhưng các tín-đồ của họ cho rằng: Ngài là hậu-thân của thần Vichnou (đây là ông Chuẩn Ðề mà chúng ta thường thấy trong các chùa Việt-Nam). Ngoài những thánh-tích và các bia đá của Hoàng Ðế A-Dục, sự thờ-phụng Ðức Thích-Ca trong những chùa-chiền, thuộc về đạo Jainisme và Bà La Môn (dầu là với sự thiếu cung-kính), cũng đủ chứng tỏ rằng ngài đã có sanh ra làm người và đã thành Phật.

[5] Ðạo Nigantha dùng tiếng tội, chớ không dùng tiếng nghiệp như bên Phật-Giáo.

[6] Tiếng nghiệp gồm lại có nghiệp lành và nghiệp dữ, chớ không đồng nghĩa với tiếng Tội của phái Nigantha.

[7] Trong kinh để gộp lại là Pãvãrikambavana. Pãvãrika là tên người chủ, còn ambavana là vườn xoài.

[8] Người ngoại-đạo gọi tên chánh của Ðức Phật, chớ chẳng chịu gọi Ngài là Thế Tôn.

[9] Ðây là một người buôn muối giàu có và cũng có nhiều trí-huệ, thuộc về hàng cư-sĩ trong phái Nigantha, chớ không phải đức thánh-tăng Upãli.

[10] Ông Upãli là bậc đại hộ-pháp, cũng như ông Cấp Cô Ðộc bên Phật-Giáo. Nếu ông ta xin làm đệ-tử Phật thì nhóm Nigantha phải bị thiếu-thốn về vật dụng.

[11] Nhóm Nigantha cho rằng trong nước lạnh có vi-trùng nên không dùng.

[12] Sattã là chấp-trước. Manosattã nghĩa là chư-thiên có sự chấp-trước.

[13] Lúc này, Upãli mới chịu gọi Ðức Phật là Thế Tôn.

[14] Tứ Diệu Ðế.

[15] Ðức Phật hằng rải lòng từ-bi cho những người đến nghe pháp, nên ai nấy đều thích nghe lời dạy-bảo của Ngài. Kẻ ngoại-đạo cho rằng Ngài cám-dỗ.

[16] Không biết màu gì.

[17] Như vợ ông Bà La Môn chưa sanh con trai, mà dặn chồng mua khỉ đực và bảo đem con thú cho người thợ nhuộm chà-xát, dày-vò. Còn nhóm Nigantha thì hành đạo không có căn-bản chắc-chắn.

[18] Theo đạo Bà La Môn thì nước sông Gange (Hằng-Hà) là linh-nghiệm hơn hết.

[19] Trên cõi trời, cũng có nhiều hạng chư-thiên ác chờ dịp để hành-phạt kẻ dữ ở trần gian.