BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Một cuộc
đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)
Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, 1996
[06] Xế trưa hôm ấy, tại Kỳ Viên tịnh xá, Chư Tăng bàn tán không ngớt về một thiếu phụ xinh đẹp để tóc - không phải là tỳ-khưu ni - mà tự động đắp y vàng chói, mang cái bát bằng vàng ròng, đến ngồi giữa vườn cây, chỗ Chư Tăng thường độ thực. Nghe chuyện lạ, Tôn giả Xá-Lợi-Phất bước ra. - Có phải Ngài là Ðại Ðệ Tử của Ðức Thế Tôn? - Phải, nàng là ai? Tại sao lại mặc y, mang bát? Tại sao lại ngồi ở đây? Thiếu phụ xinh đẹp thành kính đảnh lễ Tôn giả: - Con không hiểu sao, bạch Ngài! Từ khi con có thai đứa bé ở trong bụng, con chỉ thích ăn những vật gì tinh khiết, sạch sẽ; tâm hồn con rất trong sáng, chỉ thích hướng đến cái gì cao cả. Hiện giờ con có hai sở thích, thưa Tôn giả. - Nàng cứ nói, ta nghe đây! - Thưa Tôn giả, thứ nhất là con thích mặc y, mang bát; nhưng y bát phải đẹp, vàng sáng, vàng ròng. Và con thích Chư Tăng sau khi độ thực xong, vị nào còn thừa cháo xin hoan hỷ sớt vào trong cái bát xinh đẹp của con đây. Con thật rất sung sướng và thỏa thích được ăn bát cháo thừa ấy! Nghe chuyện kỳ dị, Tôn giả Xá-Lợi-Phất hướng tâm một lát, rồi Ngài nói: - Việc ấy dễ dàng thôi, Chư Tăng sẽ rất hoan hỷ làm cho nàng được hài lòng! Còn việc thứ hai? - Ngay ngày mai, con muốn cung thỉnh năm trăm thầy tỳ-khưu, đệ tử của Tôn giả - cùng với Tôn giả là vị cầm đầu - đến nhà của con, để con được cúng dường món cháo sữa đặc biệt, cùng với mật ong, đề hồ và cơm nữa! Vị thiếu phụ ấy không những một lần thích ăn cháo thừa của Chư Tăng mà đã nhiều lần như thế. Không phải chỉ một lần nàng mời Tôn giả Xá-Lợi-Phất cùng năm trăm tỳ-khưu đệ tử của Ngài về nhà để đặt cháo, sữa, mật ong, cơm mà đã nhiều lần như thế. Ðến ngày mãn nhụy khai hoa, buổi lễ trai tăng lại càng đặc biệt trân trọng. Ðứa bé kháu khỉnh, xinh như con trời được tắm bằng nước thơm, mặc y phục bằng lụa thơm, đặt trên một cái giường vương giả lộng lẫy, được phủ bằng một tấm mền gấm nhẹ như bông trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng. Họ bồng trẻ ra mắt Tôn giả. Ðứa bé ngước mắt lên nhìn Tôn giả, mỉm cười hân hoan và nghĩ thầm trong tâm: "Ðây là vị thầy cao quý của ta, cũng nhờ cúng dường thầy ta mà ta được quả phước hôm nay. Bây giờ ta lại muốn cúng dường thầy ta cái gì đó nữa." Tôn giả đặt bàn tay lên đầu đứa bé đọc một bài kinh chúc phúc ngắn rồi cầu nguyện cho đứa bé sau này trở về nương tựa nơi Ba Ngôi Báu. Khi Tôn giả đang đọc kinh, đứa bé quấn tay trong chiếc mền gấm và làm cho chiếc mền gấm rơi xuống đất, phủ lên chân của Tôn Giả. Người mẹ dường như tâm ý linh thông với con, nên bạch với Tôn giả: - Xin Ngài hoan hỷ thọ nhận chiếc mền gấm mà con của con đã cúng dường. Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã hiểu mọi sự nhưng Ngài chỉ im lặng. Thiếu phụ xinh đẹp, mẹ của đứa bé lại thưa tiếp: - Bạch Ngài, xin Ngài đặt tên cho trẻ. - Sẽ đặt tên như thế nào nhỉ? Việc này ta chưa từng làm qua! Thiếu phụ lại nói: - Bạch Ngài, con muốn Ngài trao cho nó cái tên thuở Ngài mới sinh ra. - Ồ! Vậy à? Vậy thì tên nó là Upatissa! Người thiếu phụ hoan hỷ: - Lành thay! Con của con đã là Upatissa! Vậy con của con mai sau sẽ nối gót Ngài, học được chút ít gì từ Trí Tuệ của Ngài là quý báu lắm rồi. Thế rồi, không những là lễ đặt tên, mà còn lễ xâu lỗ tai, lễ nhận tấm vải thánh, lễ tắm rửa cạo đầu, thiếu phụ và con trai đều cung thỉnh trai tăng đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất và năm trăm tỳ-khưu đệ tử. Chư Tăng trẻ thấy chuyện lạ lùng vây quanh Tôn giả Xá-Lợi-Phất để hỏi. Ngài chỉ tay sang Ðại Mục-Kiền-Liên: - Khi có bậc Ðệ Nhất Ðại Thần Thông ở đây thì ta nào dám nói chuyện quá khứ, vị lai? nào dám múa rìu qua mắt thợ? Các ngươi hãy đảnh lễ Tôn giả rồi Tôn giả sẽ nói cho mà nghe. Ðại Mục-Kiền-Liên , chẳng khách sáo gì, kể cho Chư Tăng trẻ nghe, chuyện cách đây mấy năm thôi, tại Vương-Xá thành. "- Ở một góc phố tối tăm, tồi tàn tại Vương-Xá thành, có một gia đình Bà la môn rất nghèo khổ - tên là Mahàsena - ông ta vốn là bạn thân của thân sinh Bậc Tướng Quân Chánh Pháp. Hôm kia, vị Ðệ Nhất Ðại Ðệ Tử vào sáng sớm, sau khi xuất định, hướng tâm đến người Bà la môn nên đã đắp y, mang bát ra đi. Thấy Tôn giả đi đến từ xa, người Bà la môn tự nghĩ: "Con trai của bạn ta sẽ đến đây để khất thực, thật xấu hổ khi ta không còn bất cứ một vật gì." Thế là ông Mahàsena lẻn ra ngã sau trốn mất. Lần thứ hai, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp kiên nhẫn đến nữa, ông ta cũng trốn như vậy. Hôm kia nhờ một đám cúng tụng, lễ vật có được là một bát cháo đầy ngon thơm và một mảnh vải quý, không dám ăn, không dám mặc, người Bà la môn tội nghiệp này mong ngóng bước chân khất thực của con trai bạn mình. Không phụ lòng trân quý ấy, hướng tâm là biết, Tôn giả đắp y, mang bát đến ngay. Người Bà la môn đã đợi sẵn, sớt cháo vào bát của Ngài. Ðược một nửa số cháo, Tôn giả đưa tay ngăn lại: - Ðược rồi, đủ rồi, thí chủ! Cả chiều và đêm hôm qua thí chủ đã nhịn đói. Cả ngày hôm nay thí chủ cũng nhịn đói nữa sao? - Chẳng sao cả, thưa Ngài Sa môn! Ðói một tuần là chuyện bình thường của tôi. Ðược để bát một cách trọn vẹn cho người mà tôi yêu kính là chuyện hiếm có trên đời này. Tôi chọn cái lợi to lớn hơn vậy. Sau khi nhận đầy bát, muốn để người Bà la môn hoan hỷ, Tôn giả Xá-Lợi-Phất ngồi xuống và độ thực ngay tại chỗ. Ngài dùng xong, người Bà la môn dâng cúng luôn tấm vải quý, mặc dù ông ta đang mặc áo rách. Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ: "- Cúng dường một cách trọn vẹn, không để dành lại, thà mình nhịn đói, sẽ mang đ?n quả phước vật thực một cách trọn vẹn và thù thắng. Cúng dường vải vóc quý giá, dù mình mặc áo rách, sẽ mang đến quả phước về y phục một cách viên mãn và thù thắng." Rồi Ngài hỏi: - Thí chủ có ước nguyện gì? - Xin cho tôi được xuất gia trong Giáo Pháp chơn chánh của Ðức Thế Tôn! - Thí chủ sẽ được như nguyện! - Y áo, vật thực tôi hằng có đủ, ngoài ra sẽ được dư dật để san sẻ cho bạn đồng tu! - Thí chủ sẽ được như nguyện! Từ đó, tâm ông Bà la môn thanh thản, mãn nguyện... Khi thân hoại mạng chung, từ Vương-Xá thành ông sinh vào bào thai một thiếu phụ xinh đẹp, trong một gia đình hào phú ở Xá-Vệ. Khi còn trong bụng mẹ, đứa bé đã thích cho mẹ mình mặc y, mang bát và ăn cháo thừa của Chư Tăng. Ðứa bé lại có hảo cảm đặc biệt với Ngài Xá-Lợi-Phất, là thầy tế độ cho mình trong quá khứ nên xúi mẹ tổ chức nhiều buổi trai tăng, cúng dường cháo. Bây giờ nó lại muốn dâng chiếc mền gấm cho Tôn giả Xá-Lợi-Phất nữa. Trong tương lai, đứa bé này sẽ xuất gia và thầy của nó chính là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp đây chứ không thể là ai khác!" Chư Tăng trẻ nghe xong, cảm thán thốt lên: - Thật là kỳ diệu! Quả đúng như tiên tri của Ðại Mục-Kiền-Liên, đúng bảy tuổi, bé Upatissa nói với mẹ: - Thưa mẹ! Con muốn xuất gia sống đời Sa môn dưới chân Trưởng lão của con! - Tốt lắm con ạ, mẹ rất hoan hỷ về điều đó. Rồi người mẹ thỉnh Tôn giả Xá-Lợi-Phất đến, dâng cúng vật thực và trình bày ý nguyện của con. Buổi chiều, cả hai mẹ con đến Kỳ Viên tịnh xá quỳ xuống chân Trưởng lão. Tôn giả nói với Upatissa: - Con này, đời sống xuất gia rất cam khổ, rất khó khăn, con có biết vậy không? - Dạ con biết! - Người xuất gia khi muốn ấm thì phải chấp nhận cái lạnh, khi muốn mát phải chấp nhận cái nóng! Con có chịu đựng được điều đó không? - Con chịu đựng được! - Một Sa môn thường phải sống đời không nhà không cửa, đầu không có nón che, chân không có dép đỡ, lại còn phải ôm bát đi xin ăn, người ta cho gì ăn nấy, chẳng dễ dàng lựa chọn miếng ngon ngọt béo bùi. Con có kham nhẫn được đời sống ấy không? -Bạch Tôn giả của con! Con sẽ kham nhẫn được hết. Con sẽ thực hành bất kỳ những gì mà Ngài chỉ dạy. - Tốt lắm! Thế rồi Tôn giả truyền cho chú bé Upatissa mười giới, tập sự làm sa-di, dạy thêm phép quán năm chi tiết trong ba mươi hai thể trượt tức là tóc, lông, móng, răng, da. Ðể tôn vinh cho việc xuất gia của con, cha mẹ Upatissa cúng dường cháo thập cẩm ngon bổ cho Chư Tăng ở tịnh xá Kỳ Viên có Ðức Phật dẫn đầu, suốt cả bảy ngày. Ngày thứ tám, sa-di Upatissa ôm bát đi cuối cùng đoàn tỳ-khưu do Tôn giả Xá-Lợi-Phất dẫn đầu vào thành Xá-Vệ để khất thực. Dân chúng ở Xá-Vệ mấy ngày nay đã nghe chú bé bảy tuổi xuất gia. Cả hàng chục, hàng trăm gia đình thân quyến, bạn bè của cha mẹ Upatissa hân hoan chuẩn bị vật thực để bát cúng dường cho chú sa-di tí hon. Khi đoàn Sa môn đi qua, người ta cung kính cúng dường vật thực đầy đủ; đến chú sa-di cuối cùng, đẹp đẽ và dễ thương như một thiên thần, thiên hạ đổ xô lại, vây quanh. Không những chỉ để đầy một bát mà họ còn sắm sẵn bát mới, có cả lưới bát, đế bát và chứa vật thực đầy ở bên trong đúng năm trăm bát như thế, cùng với năm trăm bộ y để cúng dường cho sa-di Upatissa . Ðoàn tỳ-khưu đã đi về hết mà sa-di Upatissa còn loay hoay không biết làm sao với sự cúng dường ấy. Một cụ già bên đường góp ý: - Chú sa-di hãy về đi kẻo thầy và Chư Tăng mong. Lát nữa thôi, vật thực và y áo này sẽ được đưa đến Kỳ Viên tịnh xá với năm chiếc xe và mười con bò kéo! Hôm sau, những người chưa được cúng dường trong thành phố, họ tự động thuê bò kéo đến chùa, cúng dường thêm cho sa-di Upatissa năm trăm bát thực phẩm và năm trăm bộ y nữa. Upatissa vòng tay bạch với Tôn giả Xá-Lợi-Phất: - Y và bát hôm qua và hôm nay con đã cúng dường tất cả cho một ngàn vị Ðại Ðức. Con làm như vậy có đúng chăng? - Tốt lắm con ạ! Tâm nguyện xưa của con ra sao thì quả hôm nay là vậy. Sáng sớm hôm kia trời trở lạnh, sa-di Upatissa theo gương thầy, dậy thật sớm đi một vòng quanh tịnh xá để quét rác và thu dọn chỗ này chỗ kia cho sạch sẽ. Chú thấy Chư Tăng lớn tuổi đang ngồi tụm năm tụm ba bên những đống lửa, sa-di Upatissa hỏi: - Bạch chư Ðại Ðức! Tại sao chư Ðại Ðức lại hơ lửa? - Chúng ta già rồi, chú bé Sa môn! Tuổi già thì xương cốt rã rời, khí huyết khô cạn thường không chịu được lạnh chú bé ạ! - Bạch chư Ðại Ðức! Ðêm xuống thì trời sẽ lạnh hơn. Vậy khi ngủ nghỉ, chư Ðại Ðức nhớ đắp mền ấm cho dày để ngăn lạnh. - Chú sa-di có nhiều phước nên có mền ấm còn chúng tôi thiếu phước, đào đâu ra tấm chăn đây? - Vậy thì ngày mai, thưa chư Ðại Ðức, vị nào cần mền đắp thì đi với con vào thành Xá-Vệ. Thế là ngày hôm sau, Upatissa đi quyên được cả một ngàn cái chăn ấm để dâng cho một ngàn vị tỳ-khưu. Chuyện kể rằng hễ ai gặp mặt được Upatissa là phát tâm hoan hỷ, thích làm phước. Cho chí một thương gia nọ, nghe người ta đồn đãi, bèn dấu mấy cái mền quý đi - nhưng khi Upatissa đến, ông ta lại hoan hỷ biếu tặng tất cả. Mấy ngày hôm sau, những cậu bé bạn cũ rủ nhau đến thăm Upatissa, rồi những ngày sau nữa chú phải bận rộn tiếp đón nên không có thì giờ để tham thiền. Thế là chú đi xin Ðức Phật đề mục thiền định rồi rút vào rừng sâu tu tập. Dân làng quanh vùng yêu mến chú vô cùng, họ cúng dường vật thực hết lòng. Nhưng chú bé sa-di chưa biết Pháp, khi nhận vật thực, bất cứ ai, ngày này qua tháng nọ chỉ có một câu duy nhất: "- Mong thí chủ được an vui, hạnh phúc. Mong thí chủ thoát khỏi mọi đau khổ". Chỉ ở rừng hai tháng, với quyết tâm tu tập thiền quán, Upatissa đã đắc quả A-La-Hán. Hướng tâm đến, Tôn giả Xá-Lợi-Phất biết điều ấy bèn vào đảnh lễ Ðức Phật xin được đi thăm sa-di Upatissa. Ðức Thế Tôn y lời, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại qua rủ thêm Tôn giả Mục-Kiền-Liên. Rồi chốc sau lại có thêm các đại Trưởng lão khác là Ngài Ca-Diếp, Ngài A-Nậu-Lâu-Ðà, Ngài Ưu-Ðà-Di, Ngài Phú-Lâu-Na cùng những vị khác nữa. Các vị Trưởng lão này lại còn dẫn thêm đệ tử tùy tùng, người năm trăm đệ tử tỳ-khưu, người ba trăm đệ tử tỳ-khưu... nên tổng số người đi thăm sa-di Upatissa lên đến mấy ngàn vị. Dân chúng trong làng thấy cả đoàn Thánh chúng Trưởng lão và cả mấy ngàn vị tỳ-khưu đến nơi xa xôi hẻo lánh này, họ vô cùng ngạc nhiên, tiếp đón nồng nhiệt, quỳ lạy bên chân Tôn giả Xá-Lợi-Phất vang danh thiên hạ, và xin Ngài ban cho một thời Pháp. - Ta và phái đoàn hôm nay đến thăm sa-di Upatissa! Nghe nói vậy họ càng ngạc nhiên hơn nữa: "Chú bé tí hon mà chúng ta hộ độ bấy lâu nay quan trọng như vậy sao?" Ðược tin, Upatissa từ rừng đi xuống làng, đảnh lễ thầy là Ngài Xá-Lợi-Phất rồi sau đó làm bổn phận của một đệ tử đối với các bậc trưởng thượng đầy uy đức của mình. Chỗ nghỉ ngơi đã được dân cư lo chu đáo. Ðèn đuốc đây đó cũng được đốt lên. Mấy khi mà được dịp hy hữu như thế này, dân chúng tha thiết thỉnh cầu được nghe Pháp. Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói: - Vậy thì hãy thông báo cho mọi người gần xa đến nghe. Khi đâu đó đã sẵn sàng, Tôn giả nói với Upatissa : - Này con! Các thí chủ của con ở trong ngôi làng này họ muốn nghe Pháp, vậy con hãy thuyết cho họ nghe đi! Dân làng đồng thanh thưa: - Thưa Tôn giả! Vị Ðại Ðức của chúng con không biết gì ráo! Vị Ðại Ðức của chúng con ngày này qua tháng nọ chỉ thuộc một câu duy nhất: "Mong thí chủ được an vui hạnh phúc, mong thí chủ thoát khỏi mọi đau khổ." Vậy xin Tôn giả đề cử cho một vị Cao Tăng Trưởng lão! Tôn giả mỉm cười, quay sang hỏi Upatissa: - Này Upatissa! Cầu mong cho thí chủ được an vui hạnh phúc, nhưng làm sao để được an vui hạnh phúc? Con cầu mong cho thí chủ thoát khỏi đau khổ thì phương cách để giải thoát khỏi đau khổ ấy ra làm sao? Con hãy giải thích rộng hai câu ấy là thành một đề tài thuyết pháp trọn hảo! Upatissa chăm chú lắng nghe, suy nghĩ một lát rồi nói: - Thưa vâng, con sẽ làm như vậy. Thế rồi Upatissa thăng tòa, giảng như nước chảy mây trôi về khổ đế, về nguyên nhân khổ, về Niết Bàn và về con đường Bát Thánh đưa đến nơi tịch diệt... Rồi Upatissa kết luận: - Thưa chư đạo hữu! Chúng sanh bị những khổ ách nên lê tấm thân trôi dạt giữa biển đời sanh tử, vậy muốn thoát khỏi mọi khổ ách phải biết tu theo Tứ Diệu Ðế. Ðắc được quả vị A-La-Hán chúng ta sẽ được hạnh phúc, an vui vĩnh viễn! Tôn giả Xá-Lợi-Phất tán thán: - Lành thay, này sa-di! Con đã khéo giảng, khéo thuyết về Con Ðường Diệt Khổ vậy! Nghe xong thời Pháp, dân chúng thảy đều ngạc nhiên. Một nhóm thì hân hoan vui mừng vì lâu nay đã được cúng dường cho một bậc Trí Tuệ. Riêng có một nhóm thì khởi tâm bất bình: "- Té ra lâu nay vị Ðại Ðức này khinh thường chúng ta. Vị Ðại Ðức đã biết rành rẽ về Giáo Pháp mà lại giả bộ ngây ngô, miệng câm như hến, chẳng thèm dạy bảo cho chúng ta một lời, một chữ!" Tại Kỳ Viên tịnh xá, vào sáng sớm, Ðức Thế Tôn biết rõ chuyện ấy, sợ rằng nhóm người bất bình với vị Thánh A-La-Hán sẽ đắc tội, nên Ngài đắp y, mang bát, với thời gian duỗi cánh tay, Ngài đã có mặt tại ngôi làng với hào quang chói rạng. - Ðức Chánh Ðẳng Chánh Giác đã đến! Từ đầu làng đến cuối làng hớn hở, xôn xao. Thật là một sự kiên trọng đại. Có bao giờ mà một bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, lại luôn cả tám mươi vị Ðại Trưởng lão đồng xuất hiện và đi thăm một sa-di nhỏ bé như thế này? Dân chúng vui mừng tổ chức buổi lễ trai tăng thịnh soạn cúng dường Ðức Phật và Tăng chúng. Sau khi dùng xong, Ðức Thế Tôn nói với dân làng: - Này hai hàng cận sự nam nữ! Thật là hạnh phúc thay cho các ngươi là nhờ vị sa-di này mà các ngươi được diễm phúc trông thấy Như Lai, trông thấy hai vị Ðại Ðệ Tử, trông thấy Ca-Diếp cùng tám mươi Ðại Trưởng lão. Quả thật, chỉ vì một vị sa-di này mà hôm nay Như Lai đến đây, các ngươi nên hiểu như vậy để lợi ích lâu dài cho mình về sau." Khi biết rằng nội tâm của những người bất bình đã trở nên yên lặng, họ đã biết tầm quan trọng của vị Ðại Ðức tí hon, Ðức Phật quay qua Upatissa: - Này con trai! Hãy dẫn Như Lai đi thăm một vòng quanh trú xứ này! Nói xong, Ðức Phật nắm tay Upatissa, từ giã mọi người, khuất cuối con đường rồi đi lên một ngọn núi cao. Ðức Phật còn vài lời giáo giới đến vị A-La-Hán sa-di ấy. Tôn giả Xá-Lợi-Phất trông theo, hài lòng, Ngài tự nghĩ: "- Thế là ta đã tế độ trọn vẹn một người bạn của cha ta vậy." Sáng hôm ấy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại nhận thêm một chú sa-di bảy tuổi vào hàng ngũ Tăng chúng, tên là Thông Trí (Pandita). Cái tên này có được là vì khi đứa trẻ mới ở trong bào thai thì mọi người trong gia đình, có ai là dốt nát, điếc câm đều trở nên sáng suốt. Vì là gia đình một lòng mộ đạo, thường ngày để bát cho Tôn giả Xá-Lợi-Phất, nên Ngài đã đến dự lễ đặt tên, cầu nguyện hồng ân Tam Bảo, đọc tụng kinh phúc chúc v.v... Từ khi sinh ra cho đến bảy tuổi, lúc xuất gia, gia đình trai tăng làm phước rất nhiều lần đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất cùng năm trăm vị đệ tử, mà đặc biệt, bao giờ vật thực cũng là những món thượng vị, nước thịt luộc, và món cá hồng! Cũng như trường hợp sa-di Upatissa, ngày thứ tám, sa-di Thông Trí muốn theo thầy ôm bát vào thành phố để khất thực. Thấy dáng dấp vụng về, cách mang y bát còn xộc xệch, chưa được tề chỉnh, trang nghiêm, Tôn giả Xá-Lợi-Phất kêu lại: - Này con! Con cần phải học hỏi, tập sự về cách đi, đứng, nằm, ngồi; cách mang y bát đi khất thực v.v... Sáng nay, con hãy ở lại tịnh xá với ta làm một số công việc. Sau đó ta sẽ chỉ dạy cho con trước khi vào thành phố. Như thường lệ mỗi buổi sáng, Tôn giả Xá-Lợi-Phất có phụ tá là một số sa-di, hôm nay có thêm Thông Trí, cùng nhau đi quét rác trong khuôn viên tịnh xá; dọn những cầu tiêu, hầm xí; châm nước đầy vào những lu nước uống; sắp xếp lại những giường ghế ở những nhà ngang, nhà khách; thu lượm những vật dụng đây đó quăng liệng bừa bãi; dập tắt những đống than đang còn âm ỉ khói... - Có một số các vị sao lại để lung tung, bừa bãi, lộn xộn vậy hở thầy? - Hãy từ bi, thương xót đến họ, này con! Khi tâm của một chúng sanh chưa được thu xếp, dọn dẹp, chưa được chăm sóc một cách chu đáo - nó cũng như vậy đó con! Thông Trí chợt quỳ xuống bên chân Tôn giả: - Con đã hiểu điều này. Do vậy con sẽ biết cách thu xếp, điều chỉnh y bát, cách đi, cách đứng của con. Thế là đã khá trưa, hai thầy trò mới dời chân khỏi Kỳ Viên tịnh xá. Lần đầu tiên được đi theo thầy khất thực, lòng Thông Trí rộn ràng sung sướng. Biết tâm của chú sa-di này muốn học hỏi nhiều điều, Tôn giả gợi ý: - Này con! Một kẻ vô văn phàm phu khi không học hỏi Giáo Pháp thì đối với nó cái gì cũng phi pháp. Còn một người ham hiểu biết, có tâm cầu học... thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là Giáo Pháp; cái gì mắt thấy, tai nghe, trí suy nghĩ thảy đều liên hệ đến Giáo Pháp! - Thưa vâng! Ði ngang ven lộ thấy một cái mương dẫn nước, Thông Trí tự nghĩ: "- Cái gì mắt thấy,... đều liên hệ đến Giáo Pháp." Bèn hỏi: - Bạch thầy cái mương dẫn nước kia có lợi ích gì? - Nước dâng tràn, lũ lụt có thể làm hại mùa màng, nhưng khi đã có con mương dẫn nó, điều chỉnh nó thì nó lại trở nên lợi ích cho ruộng vườn. - Nước có hiểu biết gì không? - Nó vô tri vô giác chớ có hiểu biết gì đâu! - Vậy thì người ta có thể dẫn một vật vô tri vô giác đem đến lợi ích cho con người sao thầy? - Ðúng thế! Nếu biết làm những con mương cho khéo, người ta có thể dẫn nước đi đâu tùy ý, tùy nghi mà sử dụng. Thông Trí tự nghĩ: "- Thật là kỳ diệu! Một vật vô tri vô giác mà con người có thể hướng dẫn được nó, sử dụng nó như ý muốn. Vậy tại sao ta lại không thể hướng dẫn, nhiếp phục tâm ý mình đi theo con đường đến quả vị A-La-Hán?" Ðến một quãng đường nữa, thấy những người thợ đang hơ tên trên lửa, nheo mắt nhắm để uốn tên cho thẳng; Thông Trí hỏi: - Bạch thầy, họ đang làm gì vậy? - Họ đang nhắm uốn những cây tên trên lửa cho thật thẳng. - Mũi tên kia có lý trí chăng? - Nó cũng là vật vô tình, vô giác, vô tri! Thông Trí lại nghĩ: "- Thật là kỳ diệu! Vật vô tri kia mà người ta còn biết cách uốn cho thẳng. Còn ta, ta cũng có chút ít hiểu biết, sao không biết uốn nắn tâm ý mình cho ngay thẳng, chính trực?" Sau đó hai thầy trò gặp một người thợ mộc đang đẽo bánh xe. - Họ làm gì vậy hở thầy? - Thợ mộc đẽo bánh xe. - Gỗ không có chút hiểu biết nào chứ? - Cũng như tên, như nước vậy! Gỗ vô tri mà người ta vẫn đẽo ra được bánh xe hữu dụng. Thông Trí tự nghĩ: "- Thật là kỳ diệu! Gỗ vô tri cũng đẽo thành bánh xe hữu dụng cho con người. Vậy sao ta không tự đẽo, gọt những cái xấu xa, tà vạy cho tâm ta được hữu dụng như cái bánh xe?" Nghĩ đến đây, tự dưng Thông Trí chợt trao bát cho Tôn giả Xá-Lợi-Phất: - Bạch thầy, thầy hãy đi bát giúp con. - Sao vậy? - Con muốn trở về! Biết được tâm ý của đệ tử mình, Tôn giả cầm lấy bát trên tay của Thông Trí. Thông Trí chào lạy Tôn giả xong, quay lưng bước đi, còn quay lại dặn dò: - Khi thầy đem thức ăn về cho con, xin thầy nhớ là con chỉ thích ăn những món thượng vị làm bằng cá hồng ngon nhất mà thôi! - Ở đâu ta có thể kiếm được thứ ấy cho con? - Nếu thầy không thể kiếm được do phước báu của thầy thì thầy có thể kiếm được do phước báu của con. Tôn giả trao chìa khóa phòng rồi khẽ xoa đầu Thông Trí, bảo: - Hãy đi vào phòng của ta mà hành thiền, không được ở ngoài các khe suối, các cội cây đâu nhé! Sa-di Thông Trí vâng lời, rảo nhanh về liêu thất, đóng phòng lại, chú bắt đầu thiền quán, cương quyết phải đạt cho được quả vị A-La-Hán trong ngày hôm nay. Tại cung trời Ba Mươi Ba, Ðế Thích Thiên Vương tự nhiên cảm thấy ngai vàng rung động và nóng rực, Ngài đoán chắc rằng ở dưới trần gian có tâm ý hướng thượng của ai đó cực kỳ uy mãnh, làm cho phước đức thiên cung chao đảo. Khi dùng thần nhãn xem, Ðế Thích biết rõ nguyện lực của chú sa-di nhỏ tuổi. Ðể hỗ trợ cho Thánh hạnh của chú mau thành tựu, Ðế Thích bảo Thần Mặt Trời đi chậm lại; lệnh cho Tứ Thiên Vương tức khắc xuống trần đứng canh gác bốn góc ở tịnh xá Kỳ Viên, và phải đuổi muông thú, chim chóc đi nơi khác đừng gây một tiếng động nhỏ... Do vậy, buổi sáng hôm ấy tịnh xá Kỳ Viên yên tĩnh một cách lạ thường... Tâm của sa-di Thông Trí nhờ chuyên nhất, nhờ an tịnh hỗ trợ, mới thời gian chưa đến buổi trưa, chú lần lượt chứng Nhập Lưu, Nhị Quả, Tam Quả... Trong khi ấy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đi vào thành phố, ghé lại một thí chủ thân tín đã từ lâu chưa đến khất thực. Lạ lùng làm sao, khi họ mang ra dâng cúng thì đầy cả một bát món ăn thượng vị làm bằng cá hồng! Tôn giả muốn để dành cho chú sa-di, hợp với sở thích của chú; nhưng gia chủ cứ khẩn khoản mong Ngài độ thực cho hết và sẽ có một bát thứ hai cũng đầy đủ thượng vị cá hồng như thế. Khi dùng xong, Tôn giả nghĩ: "- Buổi sáng, chú đã làm việc nhiều, chắc giờ đã đói bụng rồi!" Bèn đứng dậy, nói lời chúc phúc với gia đình rồi ôm bát vật thực trở về. * * * Bậc Ðạo Sư, khi ấy ở tại hương phòng, nghe trong không gian có điều khác lạ; hướng tâm đến, Ngài thấy Ðế Thích như ông thần đứng canh cửa, Tứ Ðại Thiên Vương như bốn ông tướng đứng gác bốn phương; và trong phòng của Xá-Lợi-Phất, sa-di Thông Trí đã đắc Tam Quả đang cương quyết đắc quả A-La-Hán. Rồi Ðức Thế Tôn hướng tâm đến Xá-Lợi-Phất, biết ông thầy nầy thương đệ tử, đang trên đường trở về, ôm bát vật thực thượng vị bằng cá hồng mà không biết trời đã ngã chiều. Ðức Phật nghĩ: "- Vì không hướng tâm đến nên Xá-Lợi-Phất không biết học trò của mình sắp đắc quả A-La-Hán. Nếu vì Xá-Lợi-Phất không biết, trong lúc này mà về gõ cửa thì sẽ trở ngại tiến trình đạo quả của chú sa-di. Vậy ta hãy đón đường Xá-Lợi-Phất ngay từ ngoài xa, hỏi vài câu về Tạng Luận." Tôn giả Xá-Lợi-Phất đang trên ngã rẽ về liêu thất thì gặp Ðức Thế Tôn, Ngài liền dừng lại đảnh lễ. Ðức Ðạo Sư hỏi: - Ông mang cái gì về đấy? - Bạch Ðức Thế Tôn, "Sức nóng" - "Sức nóng" sinh cái gì? - Bạch Ðức Thế Tôn! "Sức nóng" sinh "Sắc" - "Sắc" sinh cái gì? - Bạch Ðức Thế Tôn! "Sắc" lại duyên "Xúc" - "Xúc" sinh cái gì? - Bạch Ðức Thế Tôn! "Xúc" sinh "Thọ". (*)
Ngang đây, biết là Thông Trí đã đắc quả A-La-Hán, Ðức Phật liền bảo: - Này Xá-Lợi-Phất! Vậy thì ông hãy mang "Sức nóng" ấy vào cho chú sa-di của ông đi! Tôn giả vâng lời, đi vào và gõ cửa. Sa-di Thông Trí bước ra, đôi mắt như tỏa hào quang, trân trọng đỡ lấy bát vật thực trên tay Tôn giả rồi để qua một bên. Chú lấy chiếc quạt thốt nốt, quỳ xuống và quạt mát cho Ngài. Ðức Xá-Lợi-Phất nói: - Hãy ăn đi con! Ðúng là một bát thượng vị bằng món cá hồng mà con ưa thích đấy! Thông Trí hỏi: - Bạch thầy, còn thầy thì sao? - Ta đã dùng xong rồi. Sa-di Thông Trí sửa lại y áo cho ngay ngắn, ngồi xuống quán tưởng năm điều rồi thọ thực. Thấy chú cẩn trọng nhai nuốt một cách biết mình, chẳng tỏ vẻ gì là say đắm món cá hồng yêu thích; Tôn giả hướng tâm đến, biết quả vị tối cao mà học trò mình đã đạt, Ngài âu yếm nói: - Giỏi lắm! Con quả thật xứng đáng là một thiện gia nam tử ở trên đời! Sa-di Thông Trí nhìn thầy, đôi mắt tỏa sáng, biểu hiện sự tri ân cao cả. Khi đã ăn xong, rửa bát dọn dẹp, cất đặt đâu đó xong xuôi, Thông Trí đưa mắt nhìn ra ngoài trời. Mọi người ngạc nhiên làm sao, khi ấy mặt trời bắt đầu lặn, mặt trăng từ từ nhô lên! Ai có thần nhãn lúc ấy sẽ thấy giữa hư không, Tứ Thiên Vương rời bốn hướng canh gác, muôn chim trở về Kỳ Viên ca hát líu lo, Ðế Thích Thiên Vương rời vị trí canh cửa, hóa vầng ánh sáng bay lên cõi trời Ðao-Lợi. Cả tịnh xá, chư phàm Tăng huyên náo hỏi han nhau: - Hôm nay sao lạ vậy? Buổi sáng thì dài cả ngày còn buổi chiều thì trôi qua trong chớp mắt? Chú sa-di Thông Trí sao chỉ thích xơi món cá hồng? Rồi Bậc Tướng Quân Chánh Pháp - thầy của chú - sao lại mang về đúng một bát cá hồng thượng vị? Mà sao khi chú ấy đang dùng trưa thì đúng ngọ? Dùng xong thì trăng đã lên? Thiệt là kỳ quái! Một số tỳ-khưu và sa-di quây quần quanh Tôn giả Xá-Lợi-Phất mong được biết lý do. Ngài nói: - Này chư hiền! Ðừng nôn nóng, đừng vội vã! Chỉ có Ðức Thế Tôn là biết lúc nào phải thời để vén bức màn quá khứ ấy! - Thưa vâng - một vị nói - nhưng Ngài chỉ cần cho chúng con vài lời tóm tắt cũng đủ. Chẳng đừng được, Tôn giả Xá-Lợi-Phất bèn kẻ chuyện quá khứ cho họ nghe. "- Vào thời Ðức Phật Ca-Diếp, tại thành Ba-La-Nại có hai vợ chồng thật nghèo khổ, nghèo hết chỗ nói. Ðược một người bạn lành khuyến hóa, cả hai vợ chồng đồng tâm hợp lực làm công, mong kiếm được ít tiền để làm vật thực cúng dường cho một vị tỳ-khưu. Người chủ trì đi kêu gọi cổ phần quên bẵng hai vợ chồng nên hai mươi ngàn vị tỳ-khưu đã được phân phối hết. Người nghèo khổ khóc lóc, đấm ngực, bức tóc, xin cho bằng được một vị tỳ-khưu để cúng dường. Ðức Thế Tôn Ca-Diếp biết tâm trong sạch, cao thượng của người nghèo khổ, nên phút cuối, Ngài trao bát cho anh ta. Thế rồi phước báu ấy được trổ quả hiện tiền do nhờ sự tiếp sức, bắt tay của Trời Ðế Thích: người nghèo khổ được nhà vua cho làm chức Ðại Thủ quỹ, đầy đủ danh vọng và phú quý. Vị Ðại Thủ quỹ cúng dường những món ăn thượng vị bằng loại cá hồng đến Ðức Phật và hai mươi ngàn vị tỳ-khưu trong suốt bảy ngày. Mệnh chung kiếp ấy, y được hạnh phúc qua các cõi trời. Kiếp này y chính là Sa-di Thông Trí vậy. Tôn giả Xá-Lợi-Phất chấm dứt câu chuyện ngang đây, nhưng có vị hỏi tiếp: - Bạch Ngài! Xin Ngài giải thích cho rõ hơn về nhân duyên món cá hồng? - Ðúng vậy! Không có gì là không có nhân duyên! Người nghèo khổ kia suốt đời ăn mắm mút giòi... ngay món cá hồng mà y nghĩ, may ra có phép lạ mới gặm được chút xương của nó. Trước khi cúng dường, người nghèo khổ gặp một người bán cá bên sông. Thấy tâm địa tốt lành của người nghèo khổ, người bán cá tặng cho y cả một xâu cá hồng. Mặc dầu đấy là món cá cả đời mơ ước, y đã không dành lại cho mình chút gì, mà đem làm nhiều món ăn với tâm niệm sẽ dâng cúng hết. - Thật là cao thượng - một vị tỳ-khưu thốt lên. Nghĩ là phải thời để giáo giới vài điều đến Tăng chúng, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói: - Này chư hiền! Nhân quả xưa nay là vậy. Ngay một thói quen nhỏ nhặt, một sở thích riêng tư hiện tại nơi chư hiền cũng không phải là điều ngẫu nhiên, nhất thời! Nó tồn tại, tương duyên, liên tục từ kiếp này sang kiếp khác; nó len sâu, ẩn kín trong dòng nghiệp, tưởng như vô hình nhưng nó tích cực tác động thân hành, khẩu hành, ý hành một cách rất vi tế và rất cụ thể. Như sở thích, mơ ước món cá hồng, qua hằng triệu năm sau mà dường như vẫn còn nguyên vẹn sở thích, đeo níu ấy! Ngoài ra, một chút gieo duyên với Phật Ðạo, với Ðức Thế Tôn, bao giờ cũng là cơ may ngàn đời hy hữu: trước sau gì cũng nếm được Ðạo Quả Vô Sanh Bất Diệt! Tăng chúng tán thán: - Quả thật là hy hữu! Quả thật là kỳ diệu! Thấy Tăng chúng còn một vài thắc mắc về những hiện tượng xảy ra trong ngày, Tôn giả Xá-Lợi-Phất bèn kể cho họ nghe. Vì phước báu của chú sa-di Thông Trí đã khiến cho thí chủ cúng dường món cá hồng. Vì quyết tâm chứng đạo quả cao nhất trong ngày của sa-di Thông Trí mà Ðế Thích phải nóng nực, phải hiện xuống trần để giúp đỡ. Rồi Ðức Phật cũng phải đích thân rời hương phòng đến hỗ trợ cho sa-di Thông Trí ra sao, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhất nhất thuật lại. Một số tỳ-khưu sau câu chuyện và sau lời giáo giới ấy, họ thấy biết như sau: "A! Thân này được tập khởi như vậy, bởi thói quen, kinh nghiệm, tâm niệm như vậy mà tạo nên những cá tính riêng, mẫu người riêng biệt. Những giới cấm của Ðức Ðạo Sư là nhằm ngăn chặn những vọng động như vậy. Nhân như vậy thì đưa đến quả như vậy. Thấy rõ vọng động, làm yên lắng những vọng động thì giải thoát, an vui tối thượng chắc chắn sẽ đến như vậy..." Nhờ tư duy đúng, họ không còn hoài nghi về con đường và cứu cánh. Một vài vị chứng quả Tư-Ðà-Hàm, A-Na-Hàm, rất đông vị khác chứng quả Thất Lai! Kỳ Viên tịnh xá lúc này đã đến năm ngàn thầy tỳ-khưu. Tất cả mọi liêu thất đã chật chỗ. Các vị Ðại Trưởng lão và môn đệ đều phải tuần tự thay nhau tản mác quanh các khu rừng và làng mạc kế cận, vừa giảm được nhân số vừa gần gủi Ðức Thế Tôn để hằng ngày thính pháp. Riêng hai vị Ðại Thượng Thủ thì rất bận rộn công việc. Vừa thay mặt Ðức Ðạo Sư thuyết pháp, vừa giải quyết vấn đề Tăng sự đây đó, vừa cắt đặt các công việc trong ngoài liên quan đến Giáo Hội, cận sự nam nữ. Chuyện thường xuyên bức xúc nhất là trật tự, kỹ cương trong đời sống, sinh hoạt tịnh xá. Dẫu quan tâm bao nhiêu vẫn không tránh khỏi những đáng tiếc xảy ra, giữa một tập thể, mà sự ràng buộc với nhau chỉ có tình thương và tinh thần kỹ luật tự giác! Tăng chúng quá đông, thế là phượng hoàng ở lẫn với gà, ngọc vàng lẫn lộn giữa bụi cát. Cả hàng ngàn tỳ-khưu và sa-di còn quá nhiều phàm tính, chưa được thuần thục trong Giáo Pháp, chính họ là thủ phạm làm xáo trộn nếp sống yên ả, thanh bình. Có nhiều nhóm đôi khi vì một gốc cây, một chỗ nghỉ mà sinh ra tranh giành, ẩu đả, chửi mắng nhau. Nhiều vị do ích kỷ, biếng nhác, ăn và chơi, không chịu sờ mó công việc, không chịu tu tập mà chỉ mong chiếm tiện nghi, thủ lợi riêng cho mình, ai sống chết mặc ai! Có nhiều vị Thánh Tăng khiêm tốn, vô tranh, từ hòa đã phải lặng lẽ bỏ vào rừng sâu... Ngay ở đây, tại bệnh xá trung tâm này mà vẫn còn nhiều thầy tỳ-khưu khai láo bệnh để được ăn vật thực của người bệnh; thu dấu sữa, mật ong, tích trữ thuốc v.v... Nhiều thầy tỳ-khưu hiền lành, khiêm tốn, ít nói, thiếu thốn mọi thứ mà chẳng ai biết để san sẻ. Ðã có trường hợp đáng tiếc là một thầy tỳ-khưu bị bệnh mụn nhọt, lở loét, hôi hám, dơ dáy... đã bị ai đó quẳng vào bìa rừng một đêm. Sáng ngày, chính Ðức Ðạo Sư đã sai mang vào phòng giữ lửa, chính Ngài đích thân nấu nước sôi, tẩm khăn ấm lau sạch thân thể cho người bệnh. Sai người giặc y ngoại phơi khô, lấy y ngoại đắp, giặt y nội phơi khô... Vị tỳ-khưu bất hạnh này cuối cùng lại được diễm phúc: Ðức Thế Tôn đã thuyết một thời Pháp, vị ấy đắc quả A-La-Hán và Niết Bàn ngay tại chỗ. Những sơ sót ấy là do hai vị Ðại Ðệ Tử đi vắng và các vị Ðại Trưởng lão bận Phật sự ở bên ngoài. Người có khả năng nắm rõ tất cả mọi tình hình, tình huống trong tịnh xá là sa-di La-Hầu-La - con trai yêu quý của Ðức Thế Tôn. La-Hầu-La có đời sống kỷ luật tự giác, nghiêm túc nhất mà Tôn giả Xá-Lợi-Phất được biết. Ngoại trừ những lúc đi vào làng, vào thành phố, vào rừng để trì bình khất thực và thiền định, còn những khi ở tịnh xá, La-Hầu-La là cánh tay phải đắc lực nhất cho Tôn giả. Ðức Tôn Sư bảo Tôn giả Xá-Lợi-Phất làm lễ xuất gia sa-di cho La-Hầu-La lúc bảy tuổi. Từ bấy đến nay, La-Hầu-La được mọi người kính trọng, yêu mến vì hạnh kiểm, vì tư cách cùng những phẩm chất cao quý khác. Sa-di La-Hầu-La học hành rất quyết tâm, thiền định rất tinh tấn, chăm lo mọi việc trong tịnh xá rất chu đáo, quán xuyến...; và chưa bao giờ ỷ thế mình là con Phật! Thời gian đầu, nhiều vị tỳ-khưu muốn thử La-Hầu-La bằng cách quăng rác, xả rác bừa bộn chỗ nào La-Hầu-La đi qua rồi đổ lỗi cho chú. Không nói không rằng, lặng lẽ mười lần như một, La-Hầu-La đều thu dọn, quét tước sạch sẽ. Từ đấy họ kính trọng La-Hầu-La và không dám làm thế nữa. * * * Sáng hôm ấy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất bị cảm nhẹ, tuy thế, sửa lại y áo, Ngài định bước đi thì La-Hầu-La cũng vừa tới. La-Hầu-La cung kính đảnh lễ. Tôn giả thân ái nắm tay chú bước vào phòng. - Bạch thầy! Thầy có được khỏe không? - Dường như ta bị cảm nhẹ. - Tay thầy nóng, có lẽ bị sốt đấy. - Nó chỉ như gió thoảng, không sao đâu. Thấy La-Hầu-La cứ chấp tay, ngần ngừ, Ngài hỏi: - Con có gì cứ trình bày, đừng ngại! - Bạch thầy! Con đã không quán niệm hơi thở theo lời thầy dạy mà con đã quán niệm sự vận hành vô ngã của ngũ uẩn! - Chắc có lý do chính đáng chứ? - Thưa vâng! Hôm đó con đi khất thực theo chân Ðức Thế Tôn, ở sau, con chiêm ngưỡng Ngài và ý nghĩ sau đây phát sinh: "Cha ta, Ðức Thế Tôn, có phong độ oai nghiêm đáng quý trọng xiết bao! Coi kìa! Dáng dấp của Ngài như thớt tượng chúa uy nghi, đĩnh đạc... như một chúa thiên nga bơi lội trên mặt hồ cung điện cõi trời! Cha ta, Ðức Thế Tôn, thuộc giòng dõi quý tộc, vương giả cao sang, từ ngai vàng, điện ngọc mà bước ra! Ôi! Cha ta, Ðức Thế Tôn, có thân hình đẹp đẽ, thế gian này không ai bằng được!" Nghĩ thế xong, ngắm lại mình, con cũng hãnh diện vô cùng: "Ta cũng đẹp đẽ như Ðức Thế Tôn, cha ta. Thân hình Ðức Thế Tôn đẹp đẽ và thân hình ta cũng vậy." La-Hầu-La nói tiếp: - Bạch thầy! Ðức Thế Tôn đọc được ý nghĩ trong tâm của con nên Ngài dạy: "Này La-Hầu-La! Bất luận thân hình đẹp đẽ hay xấu xa, cũng phải được quán xét như vầy: cái này không phải là ta, cái này không phải của ta, cái này không phải là tự ngã của ta!" Lúc ấy con hỏi: "Bạch Ðức Thế Tôn! Chỉ có hình thể này, sắc thân này được quán xét như vậy hay còn gì khác nữa?" Ðức Thế Tôn đáp: "Không những sắc, mà thọ, tưởng, hành, thức cũng đều phải được quán xét như vậy." Con liền nghĩ: " Ai có thể, hôm nay, được Ðức Ðạo Sư trực tiếp giảng dạy như vậy mà lại có thể ôm bát đi trì bình?" Thế rồi con lui về tịnh xá, tìm một cội cây, ngồi kiết già và bắt đầu thiền quán. Chính lúc ấy là lúc thầy đi ngang, thầy dạy con về pháp Quán Niệm Hơi Thở! - Giỏi lắm! Ðấy không phải là lỗi ở con mà lỗi ở ta. Ta vui mừng với con mới phải! Tôn giả Xá-Lợi-Phất đứng dậy, choáng váng mặt mày, phải vịn vai La-Hầu-La. - Thầy định đi đâu? - Ta định đi một vòng quanh tịnh xá, xem thử đây đó ra sao. La-Hầu-La cười: - Thầy yên tâm! Lúc nầy, tất cả mọi nơi đều sạch sẽ, ngăn nắp, tươm tất. - Là do con phải không? Con lo công việc nhiều quá sẽ bỏ bê sự học đấy! La-Hầu-La dìu Tôn giả ngồi xuống trở lại, nói rằng: - Lúc trước, cứ mỗi buổi sáng, con nắm một nắm cát và nguyện rằng, ngày hôm nay phải học nhiều như nắm cát này. Bây giờ thì không thể như vậy nữa. Chư Tăng ngày càng đông, Giáo Hội Tỳ-khưu Ni cũng vậy. Các quan đại thần, Ðức Vua Pasenadi, các tướng quân Licchavi, các đại thí chủ lui tới nườm nượp hỏi đạo Ðức Tôn Sư. Thế là công việc ở tịnh xá càng lúc càng bề bộn và phức tạp. Vả chăng, không học được lý nghĩa nơi Kinh, Luật, Luận thì con học sự nhẫn nại, siêng năng, chịu khó, lòng bao dung, tâm từ ái, hỷ xả... trong các công việc chân tay. Buổi sáng, trước và sau giờ đi khất thực, con và các sa-di khác họp bàn nhau để làm tất cả mọi công việc. Có một số sa-di được các Trưởng lão mang từ đâu đó về, thả xuống đây, họ còn lóc chóc, phá phách, hoang nghịch lắm. May mắn làm sao, mấy lúc này, có mấy Tôn giả sa-di xuất hiện, cáng đáng, giúp đỡ chúng con rất nhiều việc. - Các Tôn giả sa-di? - Ngài Xá-Lợi-Phất ngạc nhiên nói - Thật là ta mới nghe lần đầu! Ý con muốn nói những vị sa-di A-La-Hán đã được Ðức Thế Tôn tuyên dương trước đại chúng? - Không phải các Tôn giả ấy! Tôn giả sa-di Thông Trí từ hôm đắc quả Thánh tối cao đến giờ Ngài thường đi hóa độ phương xa. Tôn giả sa-di Upatissa lại thích sống mãi ở khu rừng sâu ấy. Hai vị Tôn giả mà con muốn nói đây là hai Tôn giả một mắt: vị bị cái quạt đâm, vị bị cái que đâm từ lúc mới sanh! - Ta biết chứ! Nhưng hai vị ấy hiện giờ đâu có rảnh rỗi gì! Vị nào cũng có một số đệ tử cần phải giáo giới! - Ðúng thế! Có lẽ các Ngài ấy bận việc lắm, tuy nhiên, các Ngài đã xuất hiện rất lạ lùng. Cứ hễ lúc nào công việc bề bộn nhất, các Ngài lại có mặt, giúp đỡ chúng con rất chu đáo, chóng vánh, xong xuôi họ đi đâu con cũng không rõ. - Là những nhân cách tối thượng đấy con ạ! Họ tu đã rất nhiều đời kiếp. Cả hai vị ấy đều xuất gia lúc bảy tuổi. Và kỳ lạ thay! Họ đều chứng quả A-La-Hán cùng với những thắng trí khi dao cạo tóc vừa mới chạm đầu! - Thật lạ lùng làm sao! Chúng con ngưỡng mộ hai Tôn giả ấy! Khi có hai cái đầu và bốn cánh tay của hai Ngài thì Kỳ Viên tịnh xá ngăn nắp, gọn gàng đâu ra đó như một phép lạ. À, thầy có thể kể đầy đủ nhân quả tu tập của hai vị cho con nghe được không? - Ðược chứ! Nhưng những công việc sáng nay thì sao? - Thưa, các người phụ trách chỗ này chỗ kia đã được cắt đặt, phân công xong xuôi. Tôn giả Xá-Lợi-Phất ngạc nhiên nói: - Lạ nhỉ! Ta mới đi xa có năm, bảy hôm, mà ở đây, con và chúng sa-di đã thay ta làm tốt các công việc hơn cả ta nữa đấy! À, coi nào! con cắt đặt, phân công như thế nào , nói thử cho ta nghe xem. - Thưa vâng! La-Hầu-La vui vẻ mau mắn đáp - Nơi bệnh xá lúc này có một số tỳ-khưu ở Komsabi, Vesàli về, đường xa nên ngã bệnh. Họ bị sốt rét, tả lỵ hoặc thương hàn hạ. Hôm kia, Ðại Ðức Mục-Kiền-Liên đến thăm viếng, ủy lạo, an ủi và sách tấn tinh thần. Khi đi, Ngài khuyến khích năm thầy tỳ-khưu trẻ ở lại, nhiệt tình chăm sóc cho người bệnh. Còn chuyện cơm nước, thuốc men, ông Cấp Cô Ðộc vẫn thường cho người cung cấp rất chu đáo. Nhưng mà việc quét bệnh xá, khử trùng, phơi giặt y áo, đổ các ống bô... cùng nhiều việc tạp dịch linh tinh khác nhóm sa-di chúng con tình nguyện thêm năm người phụ việc. - Lành thay! Các con tốt quá! Ta rất cảm động! Ta rất cảm ơn các con! - Nơi Tăng xá, nơi chỗ Chư Tăng ở và đi thì thật là lộn xộn. Biết bao nhiêu là việc về giường hư, gối bẩn, mùng mền rách và dơ. Chúng con ba, bốn người làm không xuể. Ngài Ðại Ca-Diếp thấy tội nghiệp nên đã cắt đặt thêm cho bốn vị tỳ-khưu trẻ nữa! - Hay lắm! - Còn Ðại Giảng Ðường mênh mông thì công việc cũng mênh mông. Ngay chỗ thuyết pháp của Ðức Tôn Sư, bao giờ cũng có cả rừng hoa tươi, hoa héo lẫn lộn nhau, lại có cả một số hoa đã mũn ra. Nơi mấy chỗ lò trầm lúc nào cũng vấy bẩn tàn tro, cái cháy, cái không cháy rơi rớt xung quanh. Hàng ngàn tọa cụ, hàng trăm chiếc chiếu đủ loại, đủ cở bừa bộn, lỉnh kỉnh nằm một đống chỗ này, nằm một đống chỗ kia, xâm chiếm cả các hành lang. Ngay việc sắp xếp, quét dọn vào mỗi buổi sáng thôi, mười người cũng không lo xuể. Tội nghiệp cho Tôn giả Ànanda đầu tắt mặt tối ở đây cùng với bảy, tám đệ tử của Ngài nữa. Cách đây hai hôm, chúng con có thêm mười sa-di tình nguyện vào phụ giúp công việc hàng ngày ở Ðại giảng đường. - Rất tốt. - Ngoài hương phòng của Ðức Tôn Sư, Ngài Ànanda thường cử một vị tỳ-khưu lanh lẹ, có ý tứ nhưng chúng con vẫn phụ thêm một sa-di quét dọn cho sạch sẽ đường đi kinh hành và phạm vi khu rừng xung quanh. - Ðúng rồi! - Nơi phòng tắm công cọng, nhà tiêu công cộng, phòng giữ lửa... bao giờ cũng có túc trực sẵn một số sa-di. - Chu đáo lắm! - Nơi phòng tiếp tân cũng rất bề bộn công việc. Cứ phái đoàn này đi thì phái đoàn khác đến. Tôn giả Ànanda thường trực cho mấy vị tỳ-khưu nói năng văn vẻ, khiêm cung, lịch thiệp để tiếp khách. Dầu là vua chúa, các quan đại thần, tướng quân, đại triệu phú, giáo chủ các tôn giáo bạn, du sĩ, đạo sĩ hành cước v.v... bất cứ ai muốn gặp Ðức Thế Tôn hoặc vị nào đều phải sang đấy trước đã. Ở đấy, sa-di chúng con tình nguyện thêm bốn người thay nhau làm vệ sinh, dẫn khách, tiếp nước... -Tốt! - Còn nữa! Nơi chỗ ngoài và trong khuôn viên tịnh xá, bao giờ cũng có mấy trăm kẻ tàn thực, họ làm vấy bẩn, phức tạp, ô uế đủ mọi thứ. Trước dây thầy có cắt cử một số các vị tỳ-khưu và sa-di ở đấy nhưng lần lượt họ bỏ đi hết, chỉ còn vài sa-di làm không hết việc. Bọn tàn thực họ đi lung tung, xả uế lung tung, nhưng nay thì chúng con đã ngăn giữ họ lại, quy định họ vào một chỗ. Các thầy tỳ-khưu dùng ngọ xong ở đâu đó, đi ngang có thể cho họ vật thực thừa. - Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đã mấy lần quy họ về trại tế bần, trại chẩn bần... - Bạch thầy, họ kiếm chác cả hai nơi. Họ trốn ra ngoài mọi chỗ ở. - Thật đáng xót thương cho tâm địa của họ! - Bạch thầy! Xót thương thì cũng đáng xót thương nhưng rõ ràng tâm sao thì cảnh vậy. Ðịa ngục và ngạ quỷ có sẵn trong tâm họ, cả A-tu-la nữa, nên họ đi đâu thì mang cảnh giới ấy đến đó. án no rồi thì sinh chứng trộm cắp, đánh đập, chửi mắng nhau... kéo ra sông, ra rừng mà đú đởn, rửng mỡ, cười cợt, khóc lóc, nhảy nhót, luôn luôn than khổ, luôn luôn than đói... Rõ ràng là chúng không bao giờ biết đủ! Tôn giả Xá-Lợi-Phất hiền từ nói: - Chúng mà biết đủ thì làm sao có bốn con đường khổ hở con? - Thưa vâng! Thật phải kham nhẫn, đại từ mới tiếp xúc được với họ. Cho họ ăn uống, y phục, thuốc men... mà họ vẫn cứ chửi mắng, vẫn nói xấu, vẫn ganh ghét, vẫn chứng nào tật nấy... - Thôi con! Hãy chịu khó! À, còn những người phụ trách công việc, vật thực buổi trưa, ai lo? Phương cách của ta: "người đi hai bát nuôi một người làm việc" còn được áp dụng không? - Thưa vâng, vẫn còn áp dụng. Các Tôn giả Ðại Ca-Diếp, Ðại Mục-Kiền-Liên, Ànanda ... cũng dạy đệ tử các Ngài phương cách ấy. - Rất tốt, tốt lắm! - Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói tiếp - Không những chúng ta bận rộn nhiều công việc mà các Ngài Trưởng lão khác cũng thế. Con biết sao không? Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư đã phát triển ra rất nhiều quốc độ. Cả hàng ngàn, hàng ngàn am thất của tỳ-khưu và tỳ-khưu ni mọc lên như nấm khắp các thành phố, thị trấn, làng mạc... khi mà Giáo Hội lớn mạnh chừng nào, phát triển chừng nào thì những tệ trạng, phức tạp, xấu xa càng phát sanh chừng đó. ất hôm nữa, ta lại phải đi xa để giải quyết một vài việc bất hòa giữa Tăng chúng. Lặng lẽ nhìn thầy với lòng thương xót vô hạn, La-Hầu-La nói: - Bạch thầy, thầy còn đang ốm. - Không sao! - Trưa nay thầy đừng đi khất thực nữa. Chúng đệ tử xin được cúng dường. - Không sao đâu con, ta dự định nhịn ăn vài bữa, khỏe hẳn rồi sẽ lên đường. La-Hầu-La nói: - Thầy thường làm vậy nên con không dám cản. Nhưng khi nào khỏe, thầy hãy kể cho chúng con nghe về hai vị Tôn giả sa-di. Tăng chúng truyền miệng với nhau, chắp đầu này, vá đầu kia, chúng con không biết đâu là sự thực. - Bây giờ vẫn còn sớm, con hãy đi một vòng, ai xong việc thì con quy tụ về đây, ngoài rừng cây, ta sẽ kể chuyện cho chúng sa-di cùng nghe. La-Hầu-La vâng mệnh, đảnh lễ Tôn giả rồi bước đi. Ngài cũng muốn dạo một vòng, xem thử công việc đây đó thực tế nó hoàn mãn đến mức nào. Giờ ấy là giờ Chư Tăng lác đác rời am thất đi trì bình. Trông những bóng vàng thấp thoáng giữa rừng cây thật là đẹp, thật là thanh bình, thật là thiền vị. Ngài đưa mắt nhìn: đâu đó đều sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Rác khô, lá khô được tấp lại thành đống, đốt lên, khói lan tỏa, nhẹ nhàng rồi trộn lẫn trong sương mù. Cốc liêu nửa ẩn, nửa hiện giữa màu xanh điệp trùng, nối nhau vắt qua sườn đồi thoai thoải, qua các triền đá, xuống suối - đúng là dáng dấp một con Rồng nằm lấp ló trong mây! Ðến một khúc đường quanh, thấy có một nhóm sa-di, sau công việc, đang còn nắm trên tay những cây chổi bằng lá chà là: họ đang tụ tập và tranh luận nhau về một đề tài nào đó, Tôn giả ngồi xuống nơi một tảng đá, khuất sau cội cây cổ thụ, lắng nghe. Một tiếng nói: - Quét rác cũng tu tập! Thầy tôi, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp dạy như vậy. - Bạn đưa Bậc Tướng Quân Chánh Pháp ra mà dọa thì ai chịu thấu? Nhưng "nghe nhiều, học rộng" không phải là tu tập sao? - Ai cũng không biết bạn là học trò cưng của Tôn giả Ànanda mà lại đánh trống thổi kèn lên như thế! - Sống đời trì bình khất thực, thực hành một đến mười ba pháp Ðầu Ðà là tu tập một cách đại cao thượng chứ? - Ai mà không biết thế, ông bạn tiểu Ðại Ca-Diếp! Vậy bạn tu được mấy pháp Ðầu Ðà nào? - Vì tôi còn nhỏ, ngày nào cũng "đuổi quạ", gánh nước, quét rác miết - biết làm sao được! - Thế là tu đấy, mà lại tu giỏi nữa, đừng lo, ông bạn tiểu Ðầu Ðà ạ! - Phải thông thuộc Tạng Luận, các bạn nên nhớ như vậy! Tạng Luận mới "siêu" chứ! - Tôn giả Ðại Mục-Kiền-Liên vừa thông suốt Tạng Luận, vừa có cả Ðại Thần Thông, là đệ tử của Ngài, bạn có được mấy Tạng, mấy thông hử? - Anh em đừng có nhạo nhau nghe, nhạo nhau là không tốt đâu đấy. Ðừng bắt chước bọn sa-di vừa mới tới mà hư hỏng đó nghe! - Thôi, xin lỗi, thành thật xin lỗi! - Xin lỗi không được đâu, phải sám hối kia! - Sám hối thì sám hối, có sao đâu! Sa-di huynh trưởng của tôi, La-Hầu-La, còn thực hành những hạnh khó làm hơn vậy nữa kìa! - Phải thông luật nữa, các bạn! Không biết luật thì làm sao gọi là tu? Giới mới sinh Ðịnh, Ðịnh mới sinh Tuệ mà! - Không sai! Ngài Ưu-Bà-Li con! Có một giọng lớn tiếng, át tất cả: - Này các bạn! Các bạn nói đúng cả đấy. Về phương diện tu tập nào, nếu dược thực hành tốt thì Ðức Thế Tôn, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, Ðại Mục-Kiền-Liên đều tán thán, sách tấn, ca ngợi cả! Nhưng các bạn nói chưa hay! Làm sao các bạn nói về cách tu của mình một cách có hình ảnh cụ thể, sống động, nó mới tuyệt cú mèo! - Thế nào là hình ảnh cụ thể hả? - Thế nào là sống động, tuyệt cú mèo hả? - Ví như tôi nói đây nhá! Tu là như nhảy xuống sông mà bơi, thế rồi hai tay cứ quẫy miết, hai chân cứ đạp miết, thế là có ngày sang được Bờ Bên Kia! Bờ bên kia là cái gì nhỉ - cái gì mà Bậc Tướng Quân Chánh Pháp hay nói đấy? Cái gì hở ông bạn Tạng Luận? - Pàramì (đến bờ kia) - Cao hơn nữa kìa! - Upapàramì (đến bờ trên) - Hơn chút nữa! - Paramatthapàramì (đến bờ rốt ráo, cao thượng) - Ðúng đấy! Ðúng cái chữ ấy đấy! Một tiếng cười ha hả: - Cứ quẫy miết, cứ bơi miết; nếu bạn không chết chìm thì có lẽ bạn sẽ sang được bên kia sông Hằng, nhưng đến được cái Paramatthapàramì thì còn lâu! Mọi người thảy đều im lặng. Cái ví dụ có hình ảnh sống động bơi qua bờ thì rất hay - nhưng người hỏi ngược lại - thì cũng chẳng có ai cãi được! - Vậy bạn thì sao nào? Ðừng đứng đó mà cười người ta! Người kia vẫn còn cười, đáp: - Tôi ấy à? Tôi có cách tu của tôi! Cũng có hình ảnh lắm, cụ thể lắm, chẳng thua gì bạn đâu! - Nói đi, ông bạn thân yêu! - Thì nói, này nhé! Tôi tu như kiểu bắn chim vậy! - Cũng kỳ đấy, nói nghe coi! - Tu như bắn chim nghĩa là cái cung cho tốt, mũi tên cho tốt, mắt nhắm cho trúng, thế là chim rơi! - Gì là cung tên? gì là mắt nhắm? gì là con chim? Phải giải thích cho rành rõi chứ? - Con chim là Niết Bàn, thưa chư hiền! Cung tên là Giới Ðịnh, nhắm mắt cho trúng là Trí Tuệ, thưa chư hiền! Muốn đến Niết Bàn mà không đi theo lộ trình Giới, Ðịnh, Tuệ thì đi bằng gì? Các bạn cứ cãi đi nào? - Chịu, nói vậy thì đủ cả Tam Tạng, chẳng ai mà cãi nổi! Chợt một giọng cười hề hề cất lên: - Rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe ra như thể một tay học mờ! - Ngon nhỉ! Nhưng tại sao bạn bảo tôi là học mờ? - Có gì đâu! Học mờ là học chưa sáng, chưa thông! Nếu bạn bảo bạn sáng, bạn thông thì thử giảng về Giới Ðịnh Tuệ một cách nghiêm túc, thấu đáo, rốt ráo nghe coi nào? Im lặng một lát, vị kia chợt xuống giọng: - Ðúng vậy! Bạn nói đúng! Tôi nói cái lỗ miệng chơi thôi! Không giảng nổi đâu! Tôi rất "gà mờ" là khác! - Thế anh bạn kia! Bạn bác bẻ người ta thì hay; còn bạn, bạn tu ra sao? - Tôi ấy à? Tôi có một phương pháp siêu tuyệt mà lại rất đơn giản: tôi tu theo kiểu bắt dế đấy các bạn! - Bắt dế? - Phải, như bắt dế vậy thôi! Mọi người chầu quanh, trố mắt ngạc nhiên. Vị sa-di kia nói: - Hãy lại đây xem, các bạn! Nói xong, vị sa-di kia dẫn mọi người đến bên một mô đất. Họ lom khom nhìn vào các hang lỗ. Vị sa-di nhanh tay lấy đất bít chặt mấy lỗ, còn chừa sáu lỗ, rồi nói: - Trong sáu lỗ này, không biết cơ man nào là dế. Các bạn muốn bắt chúng thì phải làm sao nào? - Dễ ợt, lấy lửa mà đốt! - Bạn nói vậy là sai rồi, là sát sanh rồi! - Vậy lấy nước được không? Ngộp nước là chúng bò ra ngay! - Sẽ có con chết ngộp, ông bạn! - Chịu thôi! - Vậy xem đây! Vị sa-di lấy đất bịt chặt năm lỗ, chỉ chừa một lỗ, rồi chú lấy tay vỗ mạnh lên đất xung quanh hang dế. Mọi người thấy vui bèn vỗ theo. Một lát có một con thập thò, ló ra, nhúc nhích mấy sợi râu rồi bỏ chạy. Các con khác từ từ chạy ra theo. Vị sa-di vừa reo cười vừa đếm: Một con, hai con, ba con... Chú nâu, chú xám, chú đỏ, chú to, chủ nhỏ, chú vừa... Tất cả đều được thấy rõ, ghi nhận rõ... - Bạn nói gì vậy? Tại sao không bắt mà lại ghi nhận? - Hãy nghe đây, thưa chư hiền! Bắt dế chính là phép Tu Tuệ Quán mà thầy tôi, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp thường dạy. Sáu lỗ dế tượng trưng cho sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bịt chặt năm căn, chỉ còn chừa lại một căn ý mà thôi! Ý căn cũng là nhận thức, nó quan sát luôn cả ý căn. Khi hành Tuệ Quán, quan sát như thê, ỷ thì những tâm niệm của chúng ta tựa như những con dế... tham, sân, si, mạn, nghi,... gì đó đi ngang qua ý căn đều phải được nhìn ngắm, đều phải được thấy rõ. Thấy rõ, nhận biết thôi... chứ không được chụp bắt con dế nào cả! Thưa chư hiền! Chụp bắt chính là chấp thủ. Vậy hãy tha thứ cho nó, buông xả chúng đi. Khi ấy thì cả bọn, cả lũ họ hàng nhà dế lâu đời lâu kiếp ở trong tâm chúng ta... đều phải ra ngoài mà đi chơi chỗ khác hết! Vậy là hết dế, vậy là giải thoát! Có phải thế không? Các chú sa-di ngơ ngác, trố mắt nhìn ông Pháp sư tí hon. Rõ ràng là trò bắt dế này hay quá, ấn tượng quá. Họ không biết là có chỗ nào sai trong lối diễn giảng ấy không nhưng ai cũng lãnh hội được ý nghĩa. Chợt một sa-di đưa ra một câu hỏi cắc cớ: - Vậy thì cái vỗ, cái đập ấy là gì? Mọi người chăm chăm nhìn vào vị Pháp sư chờ câu trả lời, nhưng vị sa-di nhăn nhó đưa tay gãi gãi đầu, không đáp được! Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ: "- Thật là may mắn cho Giáo Pháp! Thật là triển vọng thay cho Giáo Pháp! Ðây là thế hệ kế thừa rất trẻ trung, rất sáng tạo về ngữ nghĩa, về ví dụ, về ẩn dụ. Chính nhờ thế hệ này mà sau này Giáo Pháp sẽ phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Qua câu chuyện này, ta càng xác tín được một điều, là có nhiều căn cơ rất dễ nhạy bén về trí tuệ chứ không phải chỉ có một vài trường hợp biệt lệ. Lại nữa, tâm hồn họ rất trong sáng, chưa bị bụi đời vấy nhiễm, chưa bị dính mắc bởi những kinh nghiệm, thói quen, tập quán thế tục. Vậy đối với thế hệ đồng chân xuất gia này, người thầy phải biết hướng dẫn, phải biết tôn quý, cẩn trọng, sáng suốt, cảm thông và thương yêu! Họ sẽ là những đóa hoa sen tinh khiết tô thắm cho tượng đài Tam Bảo trong mai hậu." Tôn giả từ từ bước ra. Các chú sa-di thấy Ngài, hoảng sợ quá, đồng quỳ lạy. Tôn giả mỉm cười, đến xoa đầu vài chú sa-di rồi vui vẻ ngồi xuống bên cạnh mấy hang dế. - Câu chuyện giữa các con với nhau thật là tuyệt vời - Ngài chậm rãi nói - Từ chuyện quét rác, kinh luật đến chuyện bơi qua sông, bắn chim, bắt dế... tất cả đều tuyệt vời! Ta đã học được nơi các con rất nhiều điều đấy! Ôi! Các con của ta thật ngoan ngoãn, thông minh, dí dỏm, thực tu, thực học - thật là tuyệt vời! Các chú sa-di tưởng là sẽ bị la rầy, không ngờ lại được khen ngợi hết mình; mà người khen ngợi họ lại là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, bậc lãnh đạo uy nghiêm, bậc vua chúa chưa chắc đã dám gần, bậc mà chính các vị Thượng Tọa niên cao, lạp lớn thấy Ngài cũng run sợ, bậc mà ngay các giáo chủ ngoại đạo gặp mặt đã bị khớp tinh thần, cho nên họ vô cùng sung sướng, trố mắt, hễnh mũi ra! Ngài âu yếm nói: - Cái trò bắt dế này hay lắm đấy! Hồi nãy, ai trong các con đưa ra câu hỏi hóc búa là: "cái vỗ, cái đập - ấy là gì?" làm cho ta cũng phải suy nghĩ đến nát cả óc! Các chú đồng cười reo: - Bậc Tướng Quân Chánh Pháp mà cũng nát cả óc à? Hay quá nhỉ! Ngài cười xòa: - Phải nát óc chứ! Nát óc một hồi mới nghĩ ra được chứ dễ đâu! - Tuyệt vời, bộ óc của Ngài mới tuyệt vời làm sao! - Ngài hãy giảng cho chúng con nghe! - Này nhé, các con! - Ngài cất giọng lớn hơn một tí - Tu Tuệ Quán là như vậy đấy. Hãy bịt chặt năm căn, chừa lại một căn là ý căn để quan sát. Hãy quan sát các tâm niệm như người đứng canh cửa vậy, cứ ngồi nhìn và điểm mặt: à đây là dế lửa, dế mèn, dế choai choai, dế lóc nhóc... Tất cả họ hàng nhà dế đều phải được ghi nhận một cách rõ ràng. Một chú chợt hỏi: - Vậy cái vỗ, cái đập là gì, bạch thầy? - À, vỗ, đập là những động tác kích thích. Bất kỳ một pháp nào mang năng lực tác động, hỗ trợ, kích động, lay động... làm cho các thiện pháp tăng trưởng, làm cho tâm càng ngày càng được trong sáng, vắng lặng... thì nó chính là cái vỗ, cái đập ấy! - Hay quá! Ðúng quá! Một chú có vẻ nghĩ ngợi rồi vòng tay nói: - Bạch thầy! Biết sợ hãi những ý nghĩ xấu ác thì đấy có phải là cái vỗ, cái đập ấy không? - Ðúng lắm! Ngài tán thán - con thật là giỏi, đã thấy rõ cái năng lực hỗ trợ ấy! Vị sa-di khác cũng không chịu thua: - Bạch thầy! Phải siêng năng công việc, đừng ăn no quá, đừng ngủ nhiều quá, đừng gây gổ tranh hơn tranh thua với chúng bạn thì có phải là cái vỗ, cái đập ấy không? - Lại đúng quá nữa! Các con thật tuyệt vời! - Bạch thầy! Phải biết kính trên, nhường dưới, siêng năng nghe pháp, học hỏi Giáo Pháp, mở rộng lòng từ, biết yêu thương huynh đệ! - Rất đúng, rất giỏi! - Bạch thầy! Ði, đứng, ngồi, nằm đều phải Chánh Niệm, Tỉnh Thức... để xóa bỏ dễ duôi, hôn trầm, giải đãi cũng là cái vỗ, cái đập nữa chứ? - Ðúng thế, không sai được! Ðược khen ngợi liên tục, chúng sa-di hoan hỷ quá, có lẽ suốt ngày hôm nay, chúng không cần ăn mà vẫn no! Riêng Ngài Xá-Lợi-Phất lại tự nghĩ: "- Như rừng cây của ông Kỳ-Ðà này: cây nào lá nấy, hoa nào hương sắc nấy, loại nào cũng có cái đặc thù riêng của nó, thì chúng sa-di này cũng vậy, chúng đều có sở thích riêng, cá tính riêng, thói quen riêng... nhờ vậy khu rừng Giáo Pháp mai hậu mới phong phú, đa dạng. Ðừng tạo nên những khuôn mẫu giống nhau; tạo khuôn mẫu hoặc quy định khuôn mẫu sẽ thui chột thiên tài, thiêu hủy năng lực sáng tạo tự do và hồn nhiên của chúng." * * * Họ tụ họp giữa rừng cây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhìn quanh hội chúng sa-di trẻ trung, mỉm cười nói: - Các con ngày mai sẽ là rường cột cho Giáo Hội nên phải sống sao cho thật tốt, thật đẹp; phải biết nghe lời các bậc huynh trưởng, các bậc Trưởng lão để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người khác. Các con có làm được thế không? Cả hội chúng reo lên vui vẻ: - Làm được, chúng con làm được. - Chúng con mong ước trở thành như Bậc Tướng Quân Chánh Pháp kia! - Mong được thần thông như Ngài Ðại Mục-Kiền-Liên kia! Tôn giả nói tiếp với giọng đầy thương yêu trìu mến: - Vậy là tốt. Nhưng đôi khi các con chỉ cần noi gương các huynh đệ của các con thì đã là một đại hạnh cho Giáo Hội rồi. Như noi gương các Tôn giả sa-di Upatissa, Thông Trí, sa-di của Trưởng lão Tissa, sa-di Samkicca. Bây giờ thầy sẽ kể cho các con nghe về sa-di của Trưởng lão Tissa. Rồi Ngài kể: "- Có một chàng thanh niên ở Kosambi sau khi nghe Pháp từ Bậc Ðạo Sư, anh ta từ bỏ thế gian và xuất gia. Do nhờ giới hạnh tinh nghiêm nên được đồng đạo kính trọng gọi là Trưởng lão Kosambivasi Tissa. Năm kia, Trưởng lão Tissa sau khi mãn hạ, thí chủ đem đến dâng cúng y áo, mùng mền, và lỉnh kỉnh rất nhiều món tứ vật dụng khác. Trưởng lão Tissa nói: "Vậy là ta đã thọ nhận rồi, nhưng cái đống ấy các ngươi mang về đi nhé!" Thí chủ thưa: "Ngài nói vậy là Ngài không có lòng từ với chúng con." Trưởng lão Tissa đáp: "Còn nhận thì ta không có lòng từ với ta!" Thấy họ không hiểu, Ngài nói: "Các ngươi thử nghĩ coi, một thầy tỳ-khưu sống ta bà vô trú, sau mùa an cư là như con chim thênh thang giữa trời cao bể rộng. Bây giờ các ngươi bắt vị tỳ-khưu ấy mang theo cả đống tứ vật dụng thế kia thì biết làm sao hử? Sao không sắm thêm cho ta một chiếc đòn gánh để ta làm gã đàn ông gánh hàng ra chợ bán?" Cả chúng sa-di cười ồ thú vị. Tôn giả Xá-Lợi-Phất kể tiếp: "- Thế rồi sau đó họ gởi đến một chú nhỏ với hảo ý là chú nhỏ kia sẽ phụ giúp công việc lặt vặt cho Trưởng lão. Ai ngờ chú nhỏ chỉ bảy tuổi và họ còn muốn Trưởng lão Tissa làm lễ xuất gia cho chú ấy vào hàng Tăng chúng nữa! Nhìn chú nhỏ mặt mày sáng sủa, tinh anh, dễ thương Trưởng lão bằng lòng , dạy cho chú quán tưởng năm thể trược ở nơi thân rồi cho tẩm ướt tóc và chuẩn bị cạo đầu. Khi lưỡi dao cạo vừa chạm vào làn da đầu thì chú nhỏ... bỗng trở thành Tôn giả sa-di!" Cả hội chúng ngơ ngác. Riêng La-Hầu-La thì hiểu, La-Hầu-La nói lớn: - Vậy là chú ấy chứng đắc quả A-La-Hán cùng với thắng trí của bậc thượng nhân khi dao cạo tóc vừa mới chạm đầu, phải vậy không bạch thầy? Tôn giả Xá-Lợi-Phất gật đầu: - Ðúng vậy! Hội chúng sa-di lại reo lên: - Thiệt là cực kỳ! - Sướng nhỉ! Chẳng cần tu một ngày nào cả! - Người ta đã tu mấy a-tăng-kỳ kiếp rồi đấy, ông bạn! Tôn giả Xá-Lợi-Phất xua tay tiếp tục câu chuyện: "- Chú bé bảy tuổi đắc quả A-La-Hán chỉ một mình mình biết, một mình mình hay, còn Trưởng lão Tissa chưa chứng cái gì cả nên mù tịt. Trong thời gian ở tịnh xá, Trưởng lão đem tâm yêu mến chú bé thật sự vì chú ngoan ngoãn, lanh lợi, chăm chuyên mọi việc trong ngoài thật chu đáo. Lại nữa, sắc mặt chú bé lúc nào cũng tươi vui, mát mẻ; ăn nói thì lễ độ, khiêm cung; ngồi nằm thì cẩn trọng, tỉnh thức, đêm cũng như ngày. Hôm kia, Trưởng lão Tissa quyết định lên đường, về Kỳ Viên tịnh xá này thăm Ðức Ðạo Sư, bèn nói với chú sa-di: "Này con, đường sá xa xôi, sức vóc con thì không bao lăm, chỉ mang theo cái gì cần thiết thôi, tất cả những vật cồng kềnh, nặng nê, hãy để lại tịnh xá cho các vị đến sau." Chú sa-di y lời, nhưng chú cũng mang theo cái đãy quá to, rõ là như nhái tha cóc, chú còn cười: "Nhẹ lắm, không sao đâu bạch thầy! Con chỉ mang cái gì cần thiết cho bộ hành đường xa." Suốt dọc đường, Trưởng lão Tissa rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi Trưởng lão ngồi nghỉ dưới gốc cây là chú nhỏ dâng tọa cụ. Khi Trưởng lão dừng chân giữa rừng là chú nhỏ dâng võng. Ðêm ngủ là có đầy đủ mùng, mền, gối. Khi nóng có quạt. Mới chớm ho hen nhức đầu là có liền thuốc v.v... Trưởng lão Tissa thốt lên: "Thật tuyệt vời thay cái chú sa-di này! cái đãy của chú dường như là có thần thông í!" Chú sa-di cười cười: "Do phước báu tu hành của thầy mà có tất cả những thứ ấy." Họ dừng chân bên một con sông mưa lũ, xung quanh không có làng mạc, chẳng thấy một bóng người. Họ bèn tá túc tại chiếc am nhỏ bỏ hoang, trong đó có một chiếc giường nhỏ. Chú sa-di nhanh tay quét dọn và thỉnh Trưởng lão vào nghỉ. Trời mưa tầm tả, chẳng có nhà nào mà khất thực, Trưởng lão Tissa nghĩ rằng thế là hôm nay hai thầy trò sẽ nhịn đói. Sau khi xả thiền, xế trưa, ngạc nhiên làm sao, Trưởng lão Tissa thấy chú sa-di y áo chỉnh tề, dâng cúng vật thực nóng sốt ngon lành. Trưởng lão hỏi: "Con làm sao có được những thứ này?" Chú sa-di cung kỉnh đáp: "Bạch thầy, đi đường xa, con đã đề phòng sẵn trong cái đãy của con mà!" Trưởng lão Tissa hoan hỷ thọ thực, lòng thầm cảm ơn đã có được một chú sa-di chu đáo nhất Châu Diêm Phù Ðề. Trời vẫn mưa và nước sông vẫn dâng cao. Họ đã ở lại đấy hai đêm. Qua đêm thứ ba, chú sa-di tự nghĩ: "Ðêm nay nếu ta ngủ chung phòng thì Trưởng lão sẽ phạm giới. Vậy ta đừng nên ngủ, hãy ngăn oai nghi nằm!" Vị Trưởng lão cũng biết vậy nhưng vì ngủ quên, gần sáng mới sực nhớ, sẵn cái quạt thốt nốt, Trưởng lão quay cán đập nhẹ vào chỗ chú sa-di thường nằm: "Dậy đi con, hãy ra ngoài kia cho đến khi mặt trời mọc." Vì trời tối đen, Trưởng lão Tissa không biết chú sa-di đang ngồi kiết già trọn đêm cạnh chân giường, nên khi huơ quạt ra, đầu nhọn cán quạt đâm vào mắt chú sa-di, tròng mắt lòi ra, máu chảy dầm dề. Dùng thiền định trấn giữ cơn đau, lấy tay bịt mắt, chú nói: "Bạch thầy! Con hiểu chứ, con sẽ ra ngay!" Thế mà Trưởng lão Tissa chẳng hay biết gì hết, quay lưng lại, nằm ngủ cho đến sáng. Chú sa-di một tay bịt mắt, nhưng còn một tay, chú vẫn làm mọi việc, chu toàn phận sự hằng ngày... Trưởng lão thức dậy, chú sa-di dâng nước ấm rửa mặt, sau đó dâng một món cháo nhẹ; chú dâng bằng một tay, tay kia bịt mắt, sợ Trưởng lão thấy. "Sao vậy? - Trưởng lão hỏi - sao hôm nay con lại trở chứng vậy? Ai đời dâng vật thực cho tỳ-khưu mà lại dâng bằng một tay?" Chú sa-di đáp: "Bạch thầy, con biết chứ! Con biết cái gì đúng phép và cái gì không đúng phép, nhưng quả thật cái tay bên này của con không được rảnh rang!" Nghe nói vậy, Trưởng lão mới chợt để ý tay kia chú đang ôm mắt và có máu chảy giữa hai kẻ tay: "Mắt con sao vậy? Hãy đưa ta xem?" Chú sa-di trấn an: "Chẳng có gì quan trọng đâu, bạch thầy, một vết thương nhẹ thôi! Mong thầy an tâm và đừng chấp nhất chuyện con dâng một tay là được!" Trưởng lão nhổm người dậy: "Không được, yên tâm sao được khi con đã lo mọi việc cho ta, khi con là chú sa-di tốt đẹp, hiền thiện nhất trên đời này." Nói xong, Trưởng lão cầm tay xem mới thấy rõ một tròng mắt lồi ra, bèn hốt hoảng: "Sao vậy? Chuyện gì xảy ra với con đây?" Chú sa-di thở dài: "Chuyện này thầy không biết thì hay hơn. Nếu thầy bỏ qua được chuyện này thì tốt biết bao nhiêu!" Chú sa-di đã nói hết lòng như vậy nhưng Trưởng lão Tissa vẫn không chịu bỏ qua, nên chú phải kể lại tự sự đầu đuôi. Nghe xong, Trưởng lão vô cùng xúc động, tự nghĩ: "Ôi! Lỗi lầm của ta thật trầm trọng xiết bao! Ta làm sao mà tha thứ cho ta được hở trời?" Rồi Trưởng lão chấp hai tay lại, với thái độ đảnh lễ đầy tôn kính, Ngài nằm trên đất, dưới chân vị sa-di, nói rằng: "Hãy tha lỗi cho ta, hỡi chàng trai tối thắng! Ta đã không biết điều này. Hãy làm nơi cho ta nương tựa, hỡi tâm hồn cao cả!" Chú sa-di cung kính nâng tay và người của vị Trưởng lão, nói rằng: "Con đã ngại thầy có hành động như thế này nên con đã không nói ra - mà khi nói ra - con chỉ mong thầy dứt bỏ mọi ngờ vực, nghi nan. Bây giờ, sự việc thế rồi, thầy không có lỗi, thầy chẳng có gì đáng chê trách, mà con cũng vậy. Chỉ riêng vòng luân hồi, nhân quả trả vay trong các kiếp sống mới có lỗi, mới đáng chê trách thôi!" Sau đó, chú sa-di tìm cách an ủi, Trưởng lão cũng không bớt ăn năn, hối hận. Vị Trưởng lão không còn an tâm được nữa, khi cơn mưa tạnh, dòng sông đã lặng, có thuyền bè, Trưởng lão lầm lũi, không nói không rằng, vác cái đãy của chú sa-di lên đường, tìm đến Ðức Ðạo Sư." Kể đến ngang đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất im lặng, hội chúng sa-di cũng im lặng vì cảm động - Câu chuyện chú sa-di của Trưởng lão Tissa là như vậy đấy, các con thấy có điểm nào noi gương? Một chú nói: - Học được tấm lòng nhẫn nhục, từ bi của một vị Thánh tí hon. - Học được đức thầm lặng, khiêm tốn mà rất cao cả! - Vị Trưởng lão kia cũng rất tốt, nhang ham ăn, ham ngủ quá! - Cái câu hay nhất, đáng chiêm nghiệm nhất ở đây là câu: "Thầy chẳng có gì đáng bị chê trách mà con cũng vậy. Chỉ riêng có vòng luân hồi, nhân quả trả vay mới là có lỗi, mới đáng bị chê trách thôi!" - Câu ấy đúng là nói được cái ý: "Chẳng có tác giả, chẳng có thọ giả mà chỉ có dòng nhân quả, nghiệp báo nó diễn tiến, nó vận hành." Nghe chúng sa-di bàn luận, phát biểu rất chính xác, Tôn giả Xá-Lợi-Phất rất vừa lòng: - Các con hiểu hết cái tinh túy của câu chuyện thì ta biết nói làm sao nữa? Hội chúng cùng cười. La-Hầu-La chợt nói: - Vị Tôn giả sa-di ấy ít nói lắm, lúc nào cũng cười cười, rất là hiền lành. Tất cả chúng sa-di ở đây đều cảm mến và kính trọng. - Ðúng vậy! Chính khi Trưởng lão Tissa về gặp Ðức Ðạo Sư, kể lại mọi chuyện, nói rằng vị Sa-di ấy trong tâm bao giờ cũng mát mẻ, lòng vị ấy quãng đại, vượt trội, khó tìm thấy trên thế gian nầy. Ðức Ðạo Sư xác nhận rằng, con của Như Lai đã chấm dứt lậu hoặc nên lục căn bao giờ cũng vắng lặng, thanh bình. * * * Sớm hôm sau, mặc dù đang bị cảm, lại phải nhịn ăn, nhưng vì giữ lời hứa với La-Hầu-La, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại kể câu chuyện một Tôn giả sa-di khác trước hội chúng sa-di đang quây quần giữa rừng cây. - Này các con -Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói - gia đình của sa-di Samkicca có lòng tin bất thối đối với Giáo Pháp Ðức Tôn Sư, lại thường xuyên để bát cho ta. Họ là gia đình thương gia rất giàu có. Khi người mẹ mang thai thì bị một cơn bạo bệnh, chết một cách đột ngột. Theo tập tục, họ hỏa táng thi hài trên một giàn thiêu ở nghĩa địa. Muốn cho xác được cháy mau hơn, người ta dùng cây nhọn đâm thủng bụng, tim, ruột của tử thi. Một hài nhi ló ra. Người ta khều đứa bé rồi cũng đâm một vài nơi trên cơ thể, và que nhọn đã đâm thủng một mắt của đứa bé. Ðể cho xác chết mau biến thành tro than, người ta bỏ than cục, than hòn lên trên rồi bỏ đi... Ngày hôm sau, ra chỗ thiêu xác, mọi người ngạc nhiên xiết bao khi thấy trên đống than hồng còn âm ỉ cháy, một hài nhi bé nhỏ an tịnh như một pho tượng vàng ngồi trên đài sen. Sau một hồi ngơ ngác lẫn kinh sợ, họ bế trẻ về nhà, cho vời các trưởng lão Bà la môn uyên thâm tướng pháp và điềm triệu đến tham vấn. Họ tiên tri rằng: - Nếu đứa bé này sống đời của một gia chủ thì phước báu của nó sẽ đem lại lợi ích áo cơm cho gia đình, quyến thuộc trong bảy thế hệ. Nếu xuất gia làm Sa môn thì nó sẽ đắc quả Thánh và có một nhóm đồ chúng năm trăm người. Vì mắt của trẻ bị đâm thủng bởi cây que nên gia đình đặt tên cho đứa trẻ là Samkicca! Ðến bảy tuổi, đích thân trẻ xin xuất gia, cả gia đình đều hoan hỷ: - Vậy thì chúng ta hãy đặt đứa bé này dưới chân vị Trưởng lão cao quý và xin cho nó làm Sa môn. Hôm kia, gia đình thương gia nọ thỉnh ta đến, sau khi dâng cúng vật thực, họ nói lên ý nguyện, ta bèn hoan hỷ nhận lời. Dẫn về tịnh xá, sau khi dạy nó quán tưởng năm điều, ta tẩm ướt tóc và chuẩn bị cạo đầu. Cũng như trường hợp sa-di của Trưởng lão Tissa vậy, khi lưỡi dao cạo vừa chạm vào làn da đầu là Samkicca đắc quả A-La-Hán và đắc luôn các Thắng trí của bậc thượng nhân!" Kể đến ngang đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nghỉ hơi vì cảm thấy mệt. Chúng sa-di lại được dịp bàn tán: - Thật là cực kỳ! - Thiệt là sướng! - Ðủ tháng, đủ ngày - chỉ cần một đụng chạm nhẹ, thế là con gà chui ra khỏi vỏ trứng tức khắc! - Rõ ràng là Samkicca đã tự đầy đủ trong chính mình cả rồi! Tôn giả Xá-Lợi-Phất khẽ ho nhẹ, nói: - Các con bàn luận đúng cả đấy, giỏi lắm! Một người hỏi: - Tại sao than hồng như vậy, đâm thủng như vậy mà trẻ lại không chết, bạch thầy? - Các con - Tôn giả nói - Kiếp cuối cùng của một vị A-La-Hán, không có năng lực nào có thể làm vị ấy chết được. Dẫu quả núi Suneru đổ ập xuống, đè lên mình, vị ấy vẫn sống như thường! - Chúng con đã hiểu. - Tôn giả sa-di Samkicca sau đó ra sao hở thầy? Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhìn quanh hội chúng: - Chuyện sau đó các con biết rồi mà! Hôm nọ, tại đây, các con đã chứng kiến việc năm trăm tên cướp đã cải tà quy chánh, làm môn hạ của sa-di Samkicca về đảnh lễ Ðức Tôn Sư đ?y. - Chúng con có nghe, có thấy, nhưng chưa rõ Tôn giả Samkicca dùng thần thông gì mà thâu phục lũ cướp hung bạo ấy? Tôn giả đáp: - Chẳng sử dụng thần thông nào cả. Hôm đó sa-di Samkicca trú sâu vào định tứ thiền, dao kiếm của bọn cướp chém vào liền bị tét, bị gẫy cả. Chúng sợ và xin quy y làm Sa môn, thế thôi! Năng lực của định tứ thiền, dao kiếm bất khả xâm phạm các con ạ! Câu chuyện đến ngang đây thì có hai sa-di từ đâu đó, đột ngột xuất hiện, đến quỳ và đảnh lễ dưới chân Tôn giả Xá-Lợi-Phất, cả hai đều bị hư mắt! Tôn giả Xá-Lợi-Phất ân cần nắm tay hai người, quay qua chúng sa-di giới thiệu: - Này các con! Thật là hạnh phúc thay cho các con! Câu chuyện mà ta đã kể cho các con nghe từ hôm qua đến giờ là nói về hai Tôn giả sa-di này: đây là sa-di của Trưởng lão Tissa, người hư mắt trái; đây là sa-di Samkicca, người hư mắt phải. Cả hai vị đều là những sa-di tối thượng, là hai ngôi sao sáng giữa hội chúng sa-di, các con hãy lấy đó mà noi gương cho phẩm hạnh tu tập của mình! Hội chúng sa-di đều hớn hở bao quanh lại. Người thì đảnh lễ. Người thì chấp tay. Người thì đứng ngẩn ngơ chiêm ngưỡng! Người thì nhè nhẹ bước đến sờ tay, sờ y áo với vô vàn cảm tình thương mến và quý trọng. Tôn giả Xá-Lợi-Phất nghe trong tâm tràn đầy hoan hỷ. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |11| Mục lục |
Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 07-2001)
updated: 02-07-2001