BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, 1996


  

[01]

Giòng tộc

Ven con sông nhỏ, lặng lẽ, xanh trong bốn mùa, mọc lên một ngôi làng cổ kính, tên là Upatissa. Nằm ẩn sau những lũy tre xanh, núp mình dưới những hàng cau cao vút là những căn nhà gạch vòm cong, mái tròn xưa cũ; đột ngột vươn lên cao là những đền tháp đỏ chói trang nghiêm, màu sắc rực rỡ huy hoàng. Nơi đây có những tượng thần Nàgà hình rồng khổng lồ, tượng thần Hanuman hình khỉ đen đúa, tượng thần Nandì hình bò mộng to tướng. Ngoài ra, khắp các đền miếu, am động, cội cây to thì thật là vô số vị thần. Như thần Brahma bốn mặt; thần Sudra có ngàn mắt và bốn cánh tay; nữ thần Kàlì đen thui thủi, có bốn tay, mặt mũi kỳ hình dị dạng, trang sức bên ngoài thường là máu và đầu người vừa mới chặt v.v...

Không biết đã tự bao giờ, có lẽ đã tự nghìn thu sương khói, khi giống giòng Aryan cao quý, một dân tộc thượng đẳng - theo suy nghĩ của họ - từ phương Bắc tràn qua xứ này; sự pha tạp huyết thống và văn hóa đã mấy thiên niên kỷ, do tự nhiên hoặc ngẫu nhiên, tự do hoặc tất định, đã để lại dấu ấn miên tồn trên cơ thể phì nhiêu và bao dung của dân tộc Ấn. Bây giờ, bước viễn chinh đã tàn phai theo trí nhớ, thế nhưng trong những đêm trăng mờ trên những ngọn đồi thấp lau cỏ đẫm sương, ai đó còn giật mình lắng nghe tiếng xào xạc của gió, tiếng reo của những cành trúc mềm, những lời thì thào mơ hồ từ hư không vẳng lại. Trong ký ức di truyền của giòng giống pha tạp còn tồn tại những hình ảnh xa xăm của những toán binh ma rầm rập qua đồi; tiếng vũ khí sàn sạt, hờn sôi, tóe lửa của những lần xáp trận. Không! Tất cả đã lụi tàn, đã phai bóng theo thời gian. Và lịch sử của dân Trung Ấn cũng dễ dàng quên đi những bạo tàn kinh khiếp của con người - vì họ sẵn tấm lòng đức độ bao dung và niềm tin tôn giáo.

Do vậy, nơi đây đã thật sự yên nghỉ!

Suối nguồn kinh điển Vệ-Ðà đã thẩm thấu và trang bị cho tâm linh xứ này một sức sống nội tâm âm thầm và mãnh liệt. Sự hận thù và tranh chấp trần gian kia có nghĩa gì! "Ôi! Sự huyễn hóa của MÀYÀ, của Ngươi, đã chưng bày ra đó biết bao nhiêu tấn tuồng ảo vọng?"

"- Thuở ấy, không có gì, này con! Kể cả vòm trời mênh mông, ngày và đêm. Không có cái chết và không có cả cái bất tử. Chỉ có cái 'độc nhất' và ý chí của Người. Một cái mầm nứt ra, và khi ấy, tình thương xuất hiện."

Phải! Chỉ có tình thương và lòng từ ái xuất hiện.

Có những tượng thần nói lời từ ái bằng tay, bằng mắt. Có những tượng thần gợi thức thâm sâu cái bản ngã ngu muội đang ẩn tàng trong bao da đựng thịt, đựng xương. Có những tượng thần cuồng nộ, trợn trừng như xuyên suốt tim gan của ma quỷ. Có những tượng thần đen đúa, dữ dằn, giơ cao chiếc búa của thần Indra sẵn sàng bủa xuống những chiếc đầu tri kiến, kiêu căng và đa dục... Những ngày lễ hội, đàn tế, những ngày sóc vọng, khói hương bàng bạc khắp nơi như sương mù. Nơi các gốc cây cổ thụ ngàn đời, nơi những hang động tịch liêu, nơi những nghĩa địa xương trắng, nơi những đền miếu to nhỏ đủ loại... những tiếng "aum, aum" không ngớt vang lên, ùn ùn xao động cả không gian. Lửa lập lòe từng đám như đuốc, như ma trơi... Bóng người xỏa tóc nhảy múa, quỳ mọp, khấn vái, thiền định, nằm ôm đất, mâm trái cây, đầu súc vật, máu cháy lèo xèo; tiếng hát, lời ca man rợ của âm binh, lẫn lộn xen nhịp vào đấy là những bài kinh cao cả, rơi đều đặn, len thấm, từ từ... Nó! Chính Nó. Chính những lời kinh cao cả chưa pha tạp kia đã duy trì Chánh Khí, là sợi chỉ vàng xuyên suốt từ ngàn xưa đến ngàn sau, làm tồn tại một tâm linh độc đáo, làm xán lạn một nền văn minh tinh thần dẫn đầu loài người: Tự do tín ngưỡng và tâm linh đạo học!

Upatissa là một ngôi làng được thừa kế trọn vẹn và tiêu biểu cho sức sống tâm linh ấy. Ở đây, cả hàng trăm vị thần cùng ngồi hòa bình trước sự chiêm ngưỡng và thờ cúng của mọi người. Người ta có thể đến đây để kích bác nhau, tranh luận nhau đến nẩy lửa nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng của nhau lẫn những tư tưởng dị biệt, bất đồng.

Ngài Xá-Lợi-Phất (Sàriputta) được sinh ra và lớn lên trong ngôi làng này. Thật không ngạc nhiên gì khi linh địa, giống giòng, văn hóa giáo dục ngàn đời, túc duyên vạn kiếp - đã làm nên cốt lõi cho một nhân cách siêu việt, một trí tuệ vượt bực - chờ đến khi chỉ cần một lời pháp chơn chánh, một ánh nắng siêu thoát dọi đến, đóa hoa kia sẽ nở khai viên mãn.

Ðứa con thánh thai

Sau giờ thiền định, Bà la môn Vaganta ra đứng tựa cửa sổ nhìn lên đỉnh núi xa xăm. Trời nhàn nhạt ửng sắc hồng. Ngọn Hy mã lạp sơn phủ tuyết trắng, đứng cô đơn như không có bạn tri âm, lẻ loi và tịch mịch giữa hư không vô biên! Nhìn núi, lão Bà la môn Vaganta chạnh nghĩ đến mình, rồi cũng lẻ loi và cô đơn như thế!

Ông cúi xuống, mái tóc đã chớm bạc, dấu một tiếng thở dài rất khẽ rồi chậm chạp bước ra khung cửa Ðông. Vườn cây ăn quả chạy dài xa hút trong tầm mắt. Bức tường bằng gạch nung rêu phủ, uốn lượn thoai thoải như con rắn khổng lồ nằm ngủ yên trong sương sớm. Bà la môn Vaganta dạo quanh một vòng trên sân gạch rộng thênh thang, bước chân cô liêu dẫm lên lớp rêu xanh xám từ lâu không có người qua lại. Chiếc lưng như còng xuống: một sức nặng đau khổ nào đó làm cho ông cơ hồ không chịu nổi. Xung quanh đìu hiu, tịch mịch không một tiếng người!

Ðến gốc cau có viên đá chạm sư tử hai đầu, ông Vaganta lừ đừ ngồi xuống. Từ trong điện thờ khói trầm tỏa ra, làn hương nhạt xanh, thoang thoảng thơm, mơ hồ, dễ chịu. Nắng sớm đã lên rồi. Ông Vaganta ngững đầu lên, lướt qua vòm mái tròn to rộng của Căn Nhà Hội, rồi dừng lại trên đỉnh tháp xa tít. Một cánh chim chao qua ánh nắng hồng. Bức tượng Ðức thần Brahma tia ra sáu luồng ngọc xanh đầy uy lực, thân Ngài phủ lớp men ngũ sắc sáng loáng, rực rỡ, vừng tráng tỏa hào quang biếc trắng.

Ông Vaganta cúi đầu thấp xuống, đọc lâm râm một bài chú, bắt ấn quyết rồi cầu nguyện:

"- Kính lạy Ðức Phạm Thiên cao cả! Là Ðức Cha sinh của muôn loài. Bởi Ngài mà chúng sanh có trí tuệ, lạc phúc, vinh quang cùng Bất tử. Bởi Ngài mà chúng sanh có thực phẩm, trái cây cùng những nghề nghiệp nuôi mạng..."

"- Kính lạy Ðức Brahman tối thượng tôn! Là linh hồn ngu si, nhỏ bé đầy đau khổ do Ngài Sáng Tạo ra, con kính ngưỡng Ngài ban phát cho con niềm vui trần tục để thế hệ cháu con tiếp nối tuân phục Ngài, thờ kính Ngài, phủ phục dưới chân Ngài bằng Ðức Tin thanh khiết và tuyệt đối..."

" Kính lạy Ðức Brahman vô năng thắng! Là linh hồn ti tiểu đầy nhiễm ô và bụi bặm do Ngài Sáng Tạo ra, con đã dọn sạch bản ngã bằng nước thiêng Soma, bởi Trầm Tư và Thiền Ðịnh. Con lắng dịu mọi vọng tưởng, chỉ còn lại một khát khao nối truyền tông hệ. Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ. Con là linh hồn lạc lỏng bơ vơ không còn đâu làm điểm tựa trên cuộc đời này. Vậy, khát khao ấy là duy nhất và chơn chánh. Kẻ nô lệ của Ngài sẽ mừng vui tri ân Ngài mà làm một Ngôi Bảo Tháp, uy nghi tạc tượng Ngài, trầm hương, trái cây, mâm súc vật, tế lễ quanh năm... để bảo truyền linh khí đầy ơn phúc của Ngài lan rộng ra bốn châu thiên hạ...

"- Kính lạy Ðức Brahman tối thượng tôn, Hóa Sanh chủ, Vô Năng thắng! Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ!"

Lời cầu nguyện của ông Bà la môn Vaganta đều đều tuôn ra không ngớt, như trận mưa lòng phiền não đổ tràn không gian yên tĩnh. Ðức Brahman có nghe chăng? Và các thượng đẳng thần Brahma, Vishnou và Shiva có nghe chăng? Hay vợ chồng Bà la môn Vaganta bạc phước, hoặc vô ý phạm tội với Ngài nên đã hai phần đời người rồi mà vẫn không con nối dõi? Từ đền thiêng này sang đền thiêng khác, không biết bao nhiêu là phẩm vật cúng tế: gia súc, trái cây, ngũ cốc, hương trầm... mà vẫn không linh nghiệm. Rồi nào là chẩn bần, bố thí, trai đàn..., ghép mình trong bảo điện âm u mấy tháng trường ròng rả để cầu nguyện; rồi biết bao nhiêu là bạn hữu Bà la môn uyên thâm về chiêm tinh, thuật số, đã đoán từ điềm lành này sang điềm lành khác; nhưng rốt lại, hai vợ chồng vẫn không có tin vui!

Nỗi buồn ấy đè nặng lên nếp sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt gia đình.

Ông Vaganta vốn là Trưởng giáo Bà la môn tinh thông kinh điển Vệ-Ðà và các chú thuật. Môn sinh của ông có đến mấy trăm người, ngày ngày đến thọ giáo. Tại nhà giảng, nhà Hội to lớn trong trang viện, bao giờ cũng tấp nập, đông đúc. Lớp học này kế tục lớp học khác. Toán môn sinh này rời đi, toán môn sinh khác tìm đến. Nơi cái sân gạch rộng thênh thang này đã có những buổi sinh hoạt tập thể, lớp học ngoài trời; nơi đã từng nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi đầy hào hứng. Nơi bảo điện trang nghiêm cổ kính kia đã có những lớp cầu nguyện kéo dài cả tuần lễ. Tiếng "aum, aum" đều đều vang vọng lên cao, lên cao mãi.

Bà Sàrì là vợ của ông, về với ông lúc mười tuổi. Tục lệ tảo hôn của người Ấn, do luật Manou chi phối, được dân làng này tuân phục một cách tuyệt đối. Bà là một người mẫu mực của tôn giáo, dựa vào đức tin không gì lay chuyển nổi với Ðức Phạm Thiên. Bà quán xuyến giúp chồng trong nhiều lãnh vực. Vừa điều khiển m?t trang viện to lớn với hàng trăm gia nô coi việc đồng áng, vườn tược; vừa tổ chức, sắp xếp chu đáo, hoàn hảo các buổi lễ cúng, cầu nguyện. Bà còn rất trẻ, có cá tính và hoạt động sôi nổi. Bà cầu nguyện tinh tấn không mệt mỏi. Nhưng suốt cả mười năm ròng rã như thế, tất cả tinh lực dường như đã suy kiệt. Niềm hy vọng có đứa con để nối dõi tông đường chỉ còn lắt lay như ngọn đèn sắp lụn bấc.

Lão Bà la môn Vaganta dẫu chỉ mới năm mươi nhưng trông đã già đi rõ rệt. Còn bà Sàrì thì đã lộ liễu nỗi buồn phiền làm bạc trắng những sợi tóc mai! Nghĩ đến cơ đồ do suốt bao đời tâm huyết của tổ tiên, nếu mai nầy không con, thì trước mắt họ chợt trống không và khô cháy như một bãi sa mạc. Gia đình ông là gia đình trưởng làng, nếu có con trai thì họ có quyền lấy tên làng đặt cho con trai. Và đương nhiên là sẽ thừa kế cái di sản tinh thần quý báu làm kim chỉ nam sinh hoạt cho ngôi làng Upatissa cổ kính.

Một lần Bà la môn Vaganta nói với bà Sàrì:

- Này! Kẻ-nô-lệ-kiều-diễm của ta! Hãy kiểm soát xem thử chúng ta đã có một lần nào sơ suất, khiếm khuyết trong các cuộc tế lễ không?

- Chẳng có đâu, Ðấng-thần-linh-chí-tôn của em! Kẻ nô lệ đã đích thân xem xét đến nước trắng tinh khiết, cỏ thơm cho bò cái, dao tế lễ và cả que chà răng! Không có gì là thiếu sót, thưa phu quân!

Ông Vaganta gật đầu. Ông biết bà nói đúng. Bà là người cẩn thận và chu đáo từng li, từng tí.

Ông nhớ có lần những người hầu hạ vì bất cẩn thế nào đó làm cho những cây đèn thờ phực cháy, nám xám cả một khoảng trần. Ðấy là hiện tượng "thần linh nổi giận" bởi do một bất cẩn hay một thiếu sót nào đó của gia chủ. Bà Sàrì đã tra xét gắt gao đám nữ tỳ lo việc hầu cúng. Bà tìm không ra tội, nên đã dùng phép "thử tội". Bà cho người quấy phân bò cái vào thùng dầu sôi, người bị buộc tội hay bị nghi ngờ là kẻ có tội phải nhúng tay vào đó cho tới tận khuỷu tay. Ông Vaganta đã từng giải thích cho bà hay rằng:

"- Những kẻ tình nghi có tội, luật Manou bảo thế này: nếu sau khi rút tay ra khỏi thùng dầu sôi mà không bị bỏng, kẻ ấy vô tội vì được thần linh che chở."

Rốt cuộc, tám người nữ tỳ, sau lần thử tội ấy đều bị phỏng tay. Thế là cả tám người đều có tội! Giết những kẻ nô lệ, cả luật Manou và luật Dharma Shautras đều coi là "không phạm tội giết người"- vì chỉ có tập cấp cao quý Bà la môn mới là người! Tám người nữ tỳ sau đó đều phải bị hy sinh khi "thần linh nổi giận"!

Ông Vaganta khẽ nhíu mày ưu tư rồi hỏi tiếp:

- Vậy thì lòng chí thành, chí kính? Này Kẻ-nô-lệ-kiều-diễm của ta, chúng ta có thành khẩn đúng mực chưa?

Bà Sàrì bất chợt quỳ xuống, ôm hôn chân ông Vaganta rồi nói:

- Hỡi Ðấng-thần-linh-yêu-quý của em! Ðối với phu quân mà thiếp đã tôn thờ như thế này, thì làm sao kẻ nô lệ lại dám thiếu lòng chí thành chí kính với Ngài!

Ông Vaganta gật đầu hài lòng. Ông biết bà lại nói đúng nữa. Theo luật Manou, bà đã tự gọi mình là kẻ "nô lệ" và gọi ông là "thần linh", đôi khi còn gọi ông là "chúa của lòng em"; thỉnh thoảng gọi là "thầy", là "phu quân" nữa. Bà không bao giờ trái lời ông, dù là một việc nhỏ. Luật Manou nói rằng: "người vợ nào trái lời chồng thì kiếp sau phải đầu thai thành chó rừng chuyên ăn thịt xác thú chết". Bà Sàrì luôn là kẻ nói thật và tuân phục chồng như tuân phục đấng thần linh.

Ông âu yếm khe khẽ nâng bà dậy. Nếu ông không cho phép hoặc không nâng bà dậy thì bà sẽ quỳ mãi như vậy cho đến khi gục luôn. Luật Manou bảo rằng, đấy là mẫu người đàn bà trung thành tuyệt đối với chồng, sẽ được thần linh khen ngợi.

Hôm nọ, sau buổi cầu nguyện, bà Sàrì nói với ông bằng khuôn mặt lóe sang niềm vui cao cả:

- Này thần-linh-của-em! Kẻ nô lệ đã trải qua những khoảnh khắc xuất thần. Một vài linh điển ân triệu từ Ðấng Cao Cả đã ban xuống, rung động 32 đốt xương sống rồi tụ sức nóng ở đốt xương cuối cùng. Chẳng hay, điều đó là thế nào hở thần-linh-của-em?

- Hy vọng đó là điềm đại phúc! Con-mèo-diễm-lệ của ta!

Nói thế nhưng Bà la môn Vaganta lại nghĩ khác: "Dầu sao, nàng cũng là đàn bà ngu muội, làm ô nhiễm sự thanh khiết của thần linh! Luật Manou không cho phép nữ nhân biết đến kinh điển Vệ-Ðà, ngữ ngôn, chú thuật hoặc bất kỳ một kiến thức nào về các nguyên tắc lẫn trình tự tu chứng của Yoga. Bà đâu biết rằng đấy chỉ là hiện tượng tự nhiên do sự tưởng tượng cao độ. Năng lực tưởng tượng có thể làm phát sanh nhiều hiện tượng bội lý ở ngoài thường nghiệm của trí năng lẫn cảm giác. Ồ! Nhưng lạy Ðức Brahman! Biết đâu đấy lại là ân triệu đại phúc mà Ngài đã ban cho chúng con?" Ðột ngột Bà la môn Vaganta đứng dậy, rời khỏi tảng đá con sư tử hai đầu.

Chuyện đó xảy ra bao lâu rồi? Dường như đã là lâu lắm? Từ đó đến nay, bà Sàrì đóng cửa cầu nguyện. Bà không tiếp xúc với ai cả. Chỉ vài nữ gia nhân lui tới như chiếc bóng để phục dịch cơm nước cùng những nhu cầu cần thiết khác. Chính ông cũng không được phép gặp mặt.

Mỗi ngày đi qua rất chậm, mặc đầu thì giờ của ông hoàn toàn để chìm lắng vào thế giới cao cả của Yoga và cầu nguyện. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, vào đầu canh ba, ông máy móc thực hành những nghi thức cần thiết mà luật Manou đã qui định cho một người Bà la môn - vì nó biểu thị tư cách cao quí của một tập cấp đứng đầu xã hội, là người trung gian duy nhất giữa xã hội loài người và Ðấng Thần Linh. Dầu trời nóng hay lạnh, ông cũng phải tắm rửa rất kỹ càng, chà răng ba lần bằng một thứ vỏ cây cho sạch tất cả những uế khí, bợn nhơ được tiết ra từ nội tạng. Rồi ông cẩn trọng trang điểm cho mình: đeo vòng hoa tươi, vòng vàng, vòng bạc hoặc đánh phấn, lựa tấm áo mới giặt thật thơm tho vắt qua vai, cột sợi dây nịt bằng lụa Kàsì có viền kim tuyến, vấn đầu bằng chiếc khăn to dài chừng bốn, năm sãi tay, rỏ một loại thuốc vào mắt cho sáng. Sau đó ông đến bảo điện ngồi công phu, tọa thiền, đọc kinh hay cầu nguyện. Rời bảo điện thì phương Ðông, sao mai đã nhạt mờ.

Ở nhà điểm tâm, gia nô đã chầu sẵn bằng những chiếc khăn trắng tinh, nước mưa tinh khiết trong cái chậu bạc lóng lánh. Ông Vaganta chậm rãi bước xuống. Cũng theo luật Manou, ông rửa tay, rửa chân và rửa miệng. Thức ăn bao giờ cũng cầu kỳ, sang trọng nhưng được đặt trong những tấm lá chuối, lá vả giản dị. Ông Vaganta thò tay bốc ăn từng chút một. Dẫu là thượng vị nhưng ông không thấy ngon miệng.

Nhà điểm tâm lặng ngắt không nghe cả một tiếng muỗi kêu: gia nô hầu hạ đứng yên như đã hóa đá. Họ thường không được phép nói gì khi chủ nhân chưa hỏi.

Cái điều định hỏi, ông lại ngại ngần: đấy là bà Sàrì! À không, chỉ cần đưa mắt một vòng là ông biết bà Sàrì chưa xả giờ cầu nguyện. Ngày này qua ngày khác, cứ lập đi lập lại mãi, ông Vaganta càng lúc càng thêm chán nãn, buồn phiền. Ông không muốn bước xuống ngôi nhà điểm tâm như mọi bữa, mà thơ thẩn mãi trong sân gạch rộng thênh thang. Khi thì nhìn những hàng cây thốt nốt với những đàn chim trắng bay xa xa. Khi thì lặng lẽ nhìn những bụi chà là trái vàng nặng trĩu. Khi thì nhìn những chùm bông ca ri đỏ thắm ẩn hiện ở ngôi vườn sau. Khi thì nhìn nhà cửa dãy ngang, dãy dọc với kho đụn, với tài sản mà thở dài! Rồi để làm gì? Rồi để cho ai?

Bỗng, mắt trái ông máy động liên hồi, linh tính như có chuyện gì vui. Ông quay lại. Ðầu sân con chim gì cất tiếng hót líu lo, lảnh lót một tràng dài. Phía xa bà Sàrì bước ra từ khung cửa điện. Ông đứng sững. Bước đi của bà hôm nay có gì khác lạ. Ðến gần, ông thấy mặt bà như thoáng ửng hồng.

- Thần linh của thiếp! - Giọng bà thì thầm, xoắn xít như cố nén niềm vui - Thiếp đã có tin mừng, phu quân ạ!

Ông Vaganta đứng lặng. Ông run cả toàn thân, môi lắp bắp hoài nói không được.

Bà Sàrì nắm tay ông:

- Thầy của em! Hãy trấn tỉnh tâm hồn - Bà nói tiếp, cũng dồn dập trong hơi thở - Ðúng là Ngài đã ban phúc cho chúng ta, từ cái hôm mà kẻ nô lệ tiếp nhận được linh điển... Bà dìu ông đi từng bước một, giọng nói đã bắt đầu điềm tĩnh - nhưng kẻ nô lệ còn ngờ. Mười hôm nay, thiếp cầu nguyện, lắng nghe, theo dõi, thì quả thật đúng như vậy. Có một vài biến chuyển trong cơ thể mà thiếp không tiện nói ra với phu quân. Hãy tạ ơn Ngài đi, thầy ạ!

Ông Vaganta sung sướng quá. Người ông như bay bổng chín tầng mây. Lâu lắm... lâu lắm mà ông chỉ biết lắp bắp:

- Tạ... tạ ơn chứ! Phải tạ ơn chứ!

Một ngôi sao chào đời

Mấy ngày sau, trang viện của Bà la môn Vaganta đã đổi khác. Một sinh khí mới như bừng lên. Sân trước, sân sau, nhà trong, nhà ngoài gia nhân lui tới tấp nập. Bảo điện trước đây âm u hương khói lạnh lùng, bây giờ sáng rực lên bởi hàng trăm ngọn đèn chóa đồng, chóa vàng, chóa bạc lấp lóa. Những hình người, hình vật, hình chim muông hoa lá, linh thần, tiên nữ trên những bức phù điêu chạm nổi, khảm bạc, khảm xà cừ, khảm hổ phách, khảm ngà đã được đánh bóng, sáng lung linh, huyền ảo, sống động.

Các môn sinh, môn đệ trong làng nghe tin vui của bậc trưởng giáo - nên cùng đến chung tâm cầu nguyện để tỏ lòng tri ân Ðức Brahman cao cả. Bà la môn Vaganta đã lấy lại dáng dấp tươi trẻ, hoạt bát năm xưa. Bằng h?u cố tri khắp mấy thôn làng kế cận lục tục tìm đến. Tất cả đều là người cùng một tập cấp cao qúy Bà la môn. Có người ăn bận diêm dúa với đủ loại trang sức, chân đi giày vải đắt tiền. Có người chỉ quấn hờ hững một tấm khăn quanh mình không bao che hết tấm lưng sạm nâu. Có rất nhiều người cao lớn, lực lưỡng, mắt xanh biếc, mũi cao lộ, râu mọc dữ dằn, vầng trán phẳng và rộng. Có người thấp, mập, tròn quay, bước đi lệt đệt. Nhưng tất cả mọi người cử chỉ đều phong nhã, lịch sự, toát ra một căn bản kiến thức lẫn tu chứng đạo học! Có người mắt luôn nhìn xuống, trầm lặng, bước đi chậm rãi, hai tay buông thả. Có người đôi mắt xa xăm, chìm lắng trong suy tư, dường như đang sống trong cảnh giới nào.

Họ đều là những Bà la môn hữu danh, vì trọng đức, mến tài trưởng giáo Vaganta mà tìm đến. Trong bọn có những người là thuần túy tu sĩ, có người có gia đình. Họ gồm những nhà bác học, nhà giáo dục, đạo sĩ yogi, các thầy Bà la môn tư tế ở các đền miếu - là thành phần ưu tú, tinh ba của xã hội.

Ông Vaganta đứng ở cổng, chấp tay lên ngực, vái chào, nghiêng mình, mỉm cười hay bắt dấu ấn tùy theo mỗi vị khách. Cứ nhìn dấu vẽ bằng thổ hoàng trên trán là biết Bà la môn này tôn thờ Thần Vichnou. Cứ nhìn vạch ngang bằng than phân bò cái trên lông mày là biết Bà la môn kia tôn thờ Ðức Shiva. Hoặc các ngẫu tượng đeo ở cổ, ở tay là biết Bà la môn theo tín ngưỡng nào, tôn thờ vị thần nào. Dấu hiệu thì thiên hình vạn trạng, nhưng đa phần họ thờ thượng đẳng thần: tức Brahma, Vichnou, Shiva.

Bà la môn Vaganta đang vui niềm vui to lớn thì tiếp nhận thêm một tin vui khác: một gia đình ở làng Kolita kế cận, giao hảo thâm thiết với nhau đã bảy đời, cũng có "tin vui". Hai gia đình cố tri kỳ cựu này cùng đi thông báo cho nhau lại gặp nhau giữa đường! Như vậy, khi tính lại thì bà Moggallì ở Kolita cũng được thọ nhận linh điển cùng một ngày với bà Sàrì! Nếu như phân thân được, Bà la môn Vaganta và vợ đã tức tốc qua nhà bạn.

Có niềm vui, nỗi buồn nào mà hai gia đình này không san sẻ cho nhau? Họ thân thiết với nhau còn hơn là ruột thịt. Họ gặp gỡ nhau không những ở tập cấp, giòng trưởng, trình độ, kiến thức mà cùng với cả các thú vui du sơn, ngoạn thủy nữa. Ðiều kỳ lạ là tuổi tác họ cũng bằng nhau và sự hiếm muộn con cái cũng y như thế. Cũng đã mười năm ròng rã, họ cầu nguyện, cúng tế đền thấp, miếu cao, đầu súc vật, mâm trái cây, bông hoa và trầm hương. Họ sẵn sàng bỏ ra cả mấy trăm ngàn đồng tiền vàng - để nhận một tin vui - là sẽ có một người con trai nối dõi tông đường, thừa kế di sản tinh thần và cả di sản vật chất nguy nga, đồ sộ.

Họ đều là bậc đại phú, đại quý đứng đầu làng và có quyền lấy tên làng đặt tên cho con trai họ. Vốn là trưởng giáo tại ngôi làng Kolita nên môn sinh và bằng hữu đến thăm nhân ngày vui này, cũng rất đông. Bà Moggallì ở Kolita thế là cũng bắt đầu hoài thai một nhân cách siêu việt, một ngôi sao thật sự: đấy là Ngài Mục-Kiền-Liên, mà sau này đã cùng với Ngài Xá-Lợi-Phất, làm hai vị Ðại Ðệ Tử lỗi lạc, hai cánh tay phải và trái của Ðức Bổn Sư để lăn bánh xe Pháp, hoằng truyền Chánh Giáo, phổ độ sinh linh.

Làng Upatissa không lo nhiều về cái ăn, cái mặc. Con sông Ðại Hằng trước khi nhập vào biển cả, đã để lại ngôi làng này một nhánh nhỏ, yên tĩnh, đủ cung cấp nước bốn mùa cho ruộng đồng và vườn tược. Họ tự do canh tác, hưởng lợi tức mà khỏi đóng thuế cho nhà nước. Mỗi năm, họ chỉ nộp một ít lệ phí cho trưởng giáo Bà la môn để nhớ đến ân đức tổ tiên, dòng họ đã khai phá ra đất đai này. Ngoài phí tổn sinh hoạt gia đình, họ để dành hầu hết cho tín ngưỡng và sự thờ cúng.

Vườn nào cũng trồng cau, trồng xoài, chà là và thốt nốt. Thỉnh thoảng một vài nơi, họ trồng bông vải để dệt làm áo mặc. Kỹ thuật đan dệt ở xứ này đã có trước đó mấy ngàn năm, có thể là từ nên văn minh Mohenjodoro, hai nghìn chín trăm năm trước Công Nguyên. Như mọi xứ khác, họ trồng thêm ca ri, đậu, kê, lúa mạch, nếp, rau, các loại cây ăn trái miền nhiệt đới và chăn nuôi đủ loại gia súc. Bò cái là giống vật linh thiêng, được tự do ăn ở, đi lại nghênh ngang bất cứ nơi nào.

Ðặc biệt tập cấp Bà la môn chỉ ăn rau trái và ngũ cốc, còn cá, thịt, gà, vịt... chỉ để dành cho hạng tiện dân, tôi tớ và kẻ giàu có ở ngoài tập cấp. Bù lại, họ dùng rất nhiều ca ri, gừng, đinh hương, hồi hương, hồ tiêu, ớt, quế cùng các thứ gia vị, hương liệu khác. Do vậy không ngạc nhiên gì, trong cuộc lễ mừng vui bà Sàrì thọ thai, người dân làng, môn sinh, bằng hữu mang đến tặng gia đình này cả một núi lương thực, thực phẩm, rau trái, hoa quả đủ loại.

Ông Vaganta cho mười người nữ gia nô tín cẩn, kinh nghiệm lão thành để săn sóc cho bà Sàrì từ cái ăn, cái uống, đi đứng, ngủ nghỉ. Bao giờ cũng có hai thầy Bà la môn tinh thông y dược, luôn luôn theo dõi các biến chứng trên cơ thể bà để lo lắng thang thuốc kịp thời.

Bằng hữu thông thái khuyên ông tạo điều kiện cho bà được thanh tĩnh và thanh cao tâm hồn bằng cách nghiêm trì những giới luật mà tập cấp cho phép. Ấy là một vài cách điều tức, điều tâm phổ thông, một số kỹ luật về tri thức và cảm xúc được biểu hiện qua thân, khẩu, ý, ăn nói, đi đứng v.v...Người Bà la môn ngàn xưa đã hiểu rằng: sự thanh lọc mọi ô nhiễm ở tâm hồn người mẹ là yếu tố quan trọng quyết đ?nh cho trí tuệ và nhân cách của con cái sau này. Do vậy, ngày này qua ngày nọ, tai bà Sàrì không hề nghe một lời nói vô ích, phù phiếm. Mắt bà không hề thấy một cảnh chướng mắt, khó chịu. Xung quanh bà tràn đầy mùi hương của hoa, của trầm, cùng những hương liệu tuyệt hảo làm thư thái và dịu mát tâm hồn. Ông Vaganta còn cho người lặn lội đi khắp các miền mua những giống chim có màu sắc rực rỡ, có giọng hót thật hay, du dương, êm đềm làm phấn khởi và hoan hỷ lòng người.

Mỗi buổi sáng trước khi vào nhà nguyện, bà Sàrì đi dạo một vòng quanh hoa viên, bao giờ cũng thắm tươi các kỳ hoa dị thảo. Tiếng chim điểm nhịp líu lo, chan hòa, vui tươi như lạc vào một khu rừng thanh bình, u tĩnh. Lời ra từ cửa miệng mọi người, bao giờ cũng là lời kinh, lời chú, lời kệ; lời của những hiền triết uyên thâm có tính khuyến thiện; lời của những thần linh hay gợi nhắc đến những tư tưởng cao thượng, thoát trần.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, nhờ sự chăm sóc chu đáo như thế, bà Sàrì sanh hạ một trai tuấn tú, phi phàm, không dính một tí huyết dơ; nằm an tĩnh trong chiếc bao hồng ngọc, sáng rỡ và tinh khiết. Sắc diện, dung mạo của trẻ như một chúa sư tử lông vàng bước ra từ động báu. Tất cả đều tinh anh - như kết tụ ở đó Ánh Sáng và sự Cao Cả từ muôn ngàn kiếp trước. Tên làng, thế là được phúc hạnh đặt tên cho trẻ: Upatissa!

Ngôi làng kế cận, bà Moggallì cũng sanh hạ cùng một ngày, một giờ, một viên ngọc quý, cũng lấy tên làng đặt tên cho con: Kolita!

Upatissa (Xá-Lợi-Phất) và Kolita (Mục-Kiền-Liên) là hai vì sao đồng xuất hiện giữa bầu trời quang sắc diễm kiều, chầu quanh một vừng nguyệt bạch tinh khôi, mới mẻ: "Một bình minh chân lý đang có mặt giữa loài người."

Thời thơ ấu

Thật là không nói hết sự nuôi nấng, chăm sóc chu đáo của gia đình. Trẻ lớn lên như chiếc bóng của thiên thần với ngày tháng hạnh phúc, hoa mộng. Phước báu tiền kiếp sáng rực rỡ nơi dung sắc, nơi tiếng cười, giọng nói hồn nhiên của trẻ.

Ông bà Vaganta cảm thấy tuổi già của mình đã được Thượng Ðế ban cho một ân sủng quá lớn. Hôm kia, ông nói với bà rằng:

- Phu nhân ạ! Kể cả những trò giải trí, ta cũng nên cho con ta hưởng những niềm vui thanh cao của cõi trời. Hãy bỏ đi những trò chơi vô ích, rỗng không, phù phiếm. Quân bình khẩu, ý; trong sáng, lành mạnh và hướng thượng tâm hồn: ấy là mục đích trò chơi của giòng giống cao thượng.

Lên sáu tuổi, Upatissa đã đến tuổi học vỡ lòng. Ông Vaganta cho mời ba thầy Bà la môn uyên bác từ thành Vương-Xá, đảm trách dạy cho trẻ ba môn học khác nhau. Ðó là ngữ pháp, luận lý và triết học! Riêng ông Vaganta dạy cho con về đạo đức học, luân lý học và các môn thường thức khác... Ðấy là những cái thiện, cái ác, cái phải, cái trái... ở đời; phép ngoại giao, cách cư xử đối với kẻ trên, người dưới, trong và ngoài đẳng cấp; bổn phận đối với thần linh, quốc vương, vợ chồng, con cái v.v... ; cách giữ gìn thân thể cho lành mạnh cùng một số kỷ luật về cảm xúc, về tinh thần...

Quả là một tham vọng quá lớn của ông Vaganta, khi muốn nhồi nhét từng ấy môn học cho một đứa trẻ sáu tuổi, một chúng hữu tình nhỏ nhoi được giáng sinh do ân sủng của Thượng Ðế! Nhưng thật đáng ngạc nhiên làm sao, Upatissa không tỏ vẻ lúng túng trước môn học nào. Chỉ non nửa năm sau, Bà la môn Vaganta đã dám hãnh diện để nói với bằng hữu rằng: chỉ cần ít năm thôi là các thầy A-đồ-lê bác học kia sẽ không còn bao lăm chữ nghĩa!

Sự thực có lẽ còn hơn thế nữa - vì Upatissa không phải chỉ có học bấy nhiêu! Vừa mới canh ba, khi đang còn trong giấc ngủ say nồng, ông Vaganta đã đánh thức con dậy để tập cho trẻ về Hathayoga - tức là những động tác thể dục để giữ gìn sức khỏe! Bà Sàrì còn đề nghị ông dạy đức tin với thần linh bằng cách để thêm một số giờ cho trẻ đọc kinh, đọc chú và cầu nguyện.

Dường như Upatissa đã có sẵn ý chí, tinh tấn, nhẫn nại, căn tu lẫn trí tuệ lâu đời nên không một lời, một chữ, một môn học nào mà trẻ tỏ vẻ lơ là hoặc không thực hành, học và hiểu đúng mức.

Tám tuổi, Upatissa đã nổi tiếng khắp làng về sức học. Và kỳ lạ thay! Trẻ Kolita ở làng bên cạnh cũng như thế. Hai trẻ là hai ngôi sao sáng, là hai tiêu chuẩn mẫu mực cho hàng trăm trẻ con cùng lứa tuổi noi gương.

Hai gia đình thường tạo cơ hội cho hai trẻ gặp nhau. Và thật lạ lùng làm sao, những trò chơi của chúng bày ra lại nghiêm túc ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Một trẻ đóng vai đạo sĩ khổ hạnh, một trẻ đóng vai du sĩ hành cước, chúng hỏi đạo nhau hoặc giả làm trò bố thí, cúng dường... Thỉnh thoảng trong những lời đối thoại, các bậc thầy cũng phải ngỡ ngàng về cái tầm mắc mỏ, có chiều sâu, chiều rộng của vấn đề. Tuy nhiên, trẻ con vẫn là tuổi vô tư vô lự. Chúng thích đi tắm sông, suối, thích chạy nhảy reo hò, thích ngoạn du đây đó. Giữa thiên nhiên, chúng thả sức nô đùa, rượt đuổi chim thú, hái trái cây, hái hoa xâu thành tràng... Thi thoảng chúng cũng vật lộn, đóng vai anh hùng, hiệp sĩ...

Có điều đặc biệt là chúng vẫn gọi nhau là huynh đệ. Upatissa là anh, Kolita là em. Cả hai không chịu kết bạn với trẻ trong làng mặc dầu là cùng tập cấp. Chúng tỏ thái độ đàn anh. Ðôi khi lại dạy bảo, khuyên răn, vẽ vời điều này, điều nọ một cách nghiêm trang đứng đắn.

Giữa đàn gà chỉ có hai con phượng hoàng. Cả hai gia đình thấy rõ như vậy và họ hãnh diện về điều đó.

Năm lên mười tuổi, sức học của Upatissa đã bằng sức học của một thanh niên Bà la môn hai mươi tuổi thông minh và ham học nhất. Trẻ đã bắt đầu bỏ hẳn các trò chơi và hoàn toàn chú tâm vào sự học. Nhờ sự nuôi nấng và bảo dưỡng đúng mức, Upatissa lớn như thổi, khuôn mặt thanh tú, phi phàm và đôi mắt tinh anh, ngời sáng như ánh sao mai. Ngoài các môn học của thầy mà trẻ theo đuổi dễ dàng, không phải cố gắng lắm; trẻ còn nghiên cứu số học, đo lường, tự nhiên học, địa lý, chiêm tinh, thuật số v.v... Cái trí của trẻ quả là một đại dương thăm thẳm, dung chứa hàng trăm con sông kiến thức, hiểu biết và trí khôn của cổ nhân từ ngàn xưa mà vẫn không thấy đầy tràn.

Thế là vừa mới mười hai tuổi, Upatissa và Kolita đã nổi tiếng là thần đồng bác học. Trẻ trong làng vây quanh thần tượng của họ. Và Upatissa bắt đầu đóng vai bậc thầy về đủ loại môn học một cách thông tuệ và ưu việt.

Cái cây đã đủ sức lớn. Bây giờ chỉ cần môi trường thuận lợi; các điều kiện về thời gian, ánh sáng, không khí, nước v.v... là nó tự đủ sức vươn lên vòm trời xanh cao rộng. Ông bà Vaganta không còn một mảy may lo âu nào nữa về đạo đức, sở học cũng như trí tuệ của con. Tính tình và những phẩm chất cao thượng càng lúc càng hiện rõ như một đóa kỳ hoa từ từ mãn khai. Từ đây, ông giao phó trọn vẹn sự giáo dục cho ba thầy Bà la môn uyên bác. Vả chăng, ông bà còn nhiều việc phải làm; đó là liên tiếp mấy năm sau, bà lại được "linh điển ơn phúc" thêm ba trai và ba gái nữa! Quả thật, ông bà Vaganta đã được đấng Rama "quá thương"!

Upatissa lúc mười lăm tuổi đã có xung quanh hơn một trăm đồ chúng. Ba thầy Bà la môn hôm kia đến gặp ông bà Vaganta và nói rằng:

- Thưa Ngài trưởng giáo! Sở học của chúng tôi có hạn, chữ nghĩa của chúng tôi có hạn mà trí thông minh, lòng ham hiểu biết của đức công tử thì vô hạn. Chúng tôi không còn gì để dạy nữa.

Một vị lại nói:

- Chúng tôi, mỗi người, chỉ làm thầy đức công tử một môn học . Ðức công tử hiện giờ có khả năng làm thầy chúng tôi rất nhiều môn học khác.

Tất cả họ đều xin rút lui.

Thật ra, bản thân Upatissa, chàng thấy cái sở học của mình còn nhiều thiếu sót, nông cạn. Cái gì cũng biết nhưng chưa có gì là đi chuyên sâu. Thế là chàng bắt đầu lựa chọn một môn học hợp với sở thích cần phải theo đuổi suốt đời: đó là Triết đạo học.

Mười sáu tuổi, chàng đi sâu vào kinh điển Vệ-Ðà. Ðấy là kinh điển truyền thống mà dòng họ chàng đang thừa kế. Chàng nghiên cứu đến tận chân tơ kẻ tóc. Tuy nhiên, ở đó tổng hợp nhiều tri thức phức tạp, phong phú, đa dạng và đôi khi lại như mâu thuẫn nhau. Chàng đã không tìm ra sợi chỉ vàng xuyên suốt, và nhất quán. Sau khi ba thầy Bà la môn ra đi, họ đã để lại cho chàng những kiến thức không suy luận, những mặc khải không được phép hoài nghi! Chẳng lẽ nào lại thừa nhận, đặt đức tin tuyệt đối trước những tri thức mà ta không biết gì về nó? Chẳng lẽ nào lại đem rao giảng những điều mà ta chưa kinh nghiệm và thực hành?

Những thắc mắc, băn khoăn của Upatissa không phải là hợm hĩnh, cao đại mà là do lòng trung thực. Nơi vừng trán thanh mãnh, dịu dàng của chàng trai mới lớn, đã chập chờn suy tư của một lòng biển rộng. Chàng đã có những giờ khắc ngồi yên lặng, xuất thần giữa đêm khuya u tĩnh để nhìn lên bầu trời cao, xa xăm, diệu vợi. Một linh hồn nho nhỏ đang cựa quậy, thao thức, nhìn ngắm và lắng nghe? Nhưng nó là gì với vô biên - cái thân phận này, cái thận phận con người muôn nơi, muôn thuở? Nó có mặt giữa cuộc đời để chịu định luật sinh thành và hủy diệt? Ðể nhận chịu nước mắt, niềm vui? Vinh quang và tủi nhục là để làm gì? Cứu cánh của những sinh hoạt lăng xăng: xu?ng lên, ra đi, sở đắc, yên nghỉ - của thiên thu và thời đại - là cái gì? Rồi nơi đám cỏ xanh lại có nắm cỏ vàng? Rồi bên xác chết tanh hôi ruồi nhặng lại có trầm hương thanh khiết? Rồi nơi tối tăm hắc ám lại có những nhân cách đâu đó chợt nhiên bừng sáng lên như đốm sao mai? Ngày và đêm, mưa và nắng, nóng và lạnh, thiện và ác - là để làm gì? Chàng không hiểu? Có những luật tắc chi phối nhịp nhàng như bởi bàn tay vạn năng - và đó là Thượng Ðế? Thật ra, nếu có những câu trả lời - thì những câu trả lời ấy cũng là những tri thức có sẵn từ Vệ-Ðà! Ôi! mà ở đó là kết tinh cả hằng vạn tri thức, hằng vạn trí khôn của cổ nhân - lẽ nào ta lại dám hoài nghi? Bổn phận của ngươi là trở về với Ngài, với siêu việt tính, với Phạm Thể tối cao, hằng hữu, đấng vô tạo tác mà hằng sinh, đấng vô nguyên nhân mà làm ra thế giới! Những tri thức về thánh ca, tán tụng, cầu khấn, tế lễ, thần chú... là con đường để đạt tới Ngài, để siêu thể hóa?

Con đường ấy không phải một sớm một chiều - Upatissa không thể nôn nóng. Chàng đi từng bước chậm mà chắc. Chàng thu lượm những tri thức ở tận những chiều sâu của kinh điển Vệ-Ðà. Chàng dường như mê man, đắm say, trong thế giới lý giải và ý nghĩa. Ngay cả anh hùng ca Mahabharata, trường ca Bhagavadgita, trường ca Ramanaya, chàng cũng thuộc lòng và cố tìm cho ra những mật ngữ uyên áo. Mười bảy tuổi, vầng trán chàng dường như cao hơn, rộng hơn. Ðôi mắt chàng dường như xanh hơn, sâu thẳm hơn. Một đôi mắt ngời ngời xuyên thủng hư vô! Nhưng tri thức tuyệt đối, vô tận, cuối cùng - vẫn không tìm thấy!

Mười tám tuổi, chàng đã có phong độ và tư cách của một đạo sư lỗi lạc nhất. Chàng nghiễm nhiên thay thế cha dạy dỗ môn sinh và lấy lại sinh khí các lớp học thuở nào. Kolita cũng thành tựu tương đương như Upatissa. Hiện giờ mỗi người có hơn một trăm môn sinh ở trong làng cùng các làng kế cận. Danh tiếng của hai huynh đệ hy hữu này đã vượt qua những lũy tre xanh , vượt qua dòng sông lặng lẽ, vượt qua phạm vi các thôn làng nhỏ bé để bay đến Vương-Xá thành - tức là kinh đô của văn hóa, kinh tế, tín ngưỡng và tâm linh đạo học.

Tuổi thơ của Upatissa không còn nữa, chàng đã làm đạo sư khi tuổi vừa thành niên.

Bóng tối hoài nghi

Như lời cầu nguyện trước Ðức Brahman và các thượng đẳng thần, ông Vaganta cho xây dựng một công trình bảo tháp nguy nga đồ sộ.

Suốt hai năm ròng rã, tiền của đổ ra như nước của con sông Indus để hoàn thành công trình tạ ơn thiêng liêng này! Ông Vaganta cho mời những tay thợ tài ba, tinh xảo nhất từ thành Vương-Xá. Vật liệu quý giá, chắc bền và đẹp đẽ. Những phù điêu, những hoa văn chạm trổ có giá trị nghệ thuật cao được đặt mua khắp nơi trong nước. Những mặt hàng đá chạm nổi người, hoa lá, linh thú, linh điểu, linh thần là những tác phẩm tuyệt vời của những điêu khắc gia hữu danh, vô danh cặm cụi từ tháng này sang tháng nọ. Những tấm gỗ chiên đàn, dạ hương ghép làm tường trong, làm trần cũng là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Những đồ thờ, khí dụng bằng đồng, bằng vàng, bằng bạc được đặt mua từ Trung Hoa, Ba-Tư, Ả-Rập hoặc tại những danh gia cổ kính còn lưu giữ được.

Ông Vaganta muốn để lại cho hậu thế, giòng tộc và cháu con một bài học vô ngôn về đức tin và lòng tri ân nên ông chẳng ngại tốn kém. Tất cả các thầy thợ được trả công hậu hỉ và hằng trăm người phụ việc mỗi ngày luôn luôn rộn lên những tiếng ca, nụ cười, niềm vui bay phơi phới.

Công trình hoàn thành là ngày vui lớn nhất của ông, của giòng họ, thôn làng và môn đệ. Lễ lạc thành khánh hỷ diễn ra trong bảy ngày, tiệc tùng ăn uống linh đình. Hàng ngàn người được mời đến hoặc không mời, đều được đãi đằng tươm tất, trọng hậu. Ðây cũng là dịp để ông chứng tỏ uy tín, địa vị, danh vọng cùng khí độ của một bậc trưởng giáo đạo cao, đức trọng.

Suốt mấy ngày liên tục, đêm nào cũng có biểu diễn văn nghệ. Những hí khúc, vũ khúc do một gánh hát nổi danh đảm nhận được mời đến từ Vương-Xá thành. Các tuồng hát - mà nội dung được rút ra từ kinh Vệ-Ðà, các Anh Hùng trường ca - đã được diễn một cách sống động, có đệm nhạc mang âm hưởng huyền bí. Những nhạc công sử dụng trống Mridanga, kèn hình rắn, đàn Tanbura, đàn Vina... đều là những nghệ nhân kỳ tuyệt, đã phối hợp một cách thiên tài các vi âm để tạo nên các khúc Raga, những chuỗi Raga, thành kính dâng lên Thượng Ðế làm xúc động lòng người.

Upatissa đã mất cả ý chí, quên cả bản ngã khi lắng nghe. Vật thể, không gian và cả thời gian như hòa làm một. Tâm thần như chìm ngập vào cõi miền bí ẩn, vô danh và an tĩnh... Chàng nhớ mãi khoảnh khắc đó - tương tự những khoảng khắc chàng nhập định, xuất thần - mà cái tiểu ngã ti tiểu, bé mọn đầy những ưu tư, phiền não... được hòa tan vào đại ngã! Còn tất cả, chàng đều muốn quên. Quên tòa bảo tháp, quên những câu chuyện có vẻ uyên bác, thâm thúy của các hàng cha chú, các danh sĩ Bà la môn. Quên những lời chúc tụng sáo rỗng dường như là các hoa ngôn, xảo ngữ... chỉ còn dính ở đầu môi, chót lưỡi. Ðiều làm chàng xúc động nhất, muốn quên nhất là tiếng rống, tiếng la của hàng trăm súc vật bị hy sinh để tế thần. Chàng muốn bịt tai lại, nhắm mắt đi trước những hình ảnh máu me, những đôi mắt ứa lệ, thống khổ... của những sinh linh vô tội.

" - Ôi! Nếu Thượng đế, nếu Ðấng ấy là Vô Ngã, là Thần Hóa, là Ðại Ngã, là Nhất Nguyên, là Bản Thể Vũ Trụ hay Tuyệt Ðối Vô Nhân... mà còn cần những máu me, xác chết sinh linh kia để cúng tế cho mình; cần những khổ đau thống thiết kia mới có niềm vui - thì trách gì cháu con Ngài đang sống trong nhầy nhụa, tanh hôi của chém giết và hận thù? Một thời đại kế tiếp một thời đại, một trang sử khép lại một trang sử, một vinh quang kế tục một tủi nhục, một văn minh nối tiếp một suy tàn - là nơi diễn ra những đấu trường đẫm máu, những tàn sát khủng khiếp, những bạo hành vô nhân tính, những âm mưu ác độc, tàn tệ - thì đấy cũng nằm trong định luật của Ngài? tất yếu của Ngài? tự do tối thượng của Ngài?"

Upatissa đứng lên, chàng lặng lẽ đi vào rừng. Một nỗi buồn mênh mông làm chàng cơ hồ không chịu nổi. Chàng gặp Kolita ở đó. Cả hai lặng lẽ nhìn nhau. Ðôi mắt họ cùng ứa lệ. Họ hiểu nhau. Họ biết nhau. Không ai cần thiết phải nói năng.

Khu rừng buổi chiều im mát, gió lồng lộng thổi. Họ nằm dài trên cỏ, vắt tay lên trán và không muốn suy nghĩ gì. Nhưng trí óc họ không yên. Từng đợt sóng xao động, chìm sâu rồi xao động trở lại... Tiếng ca đâu đó của những kẻ du mục vọng lại rất buồn, man mác hư vô. Dường như trong tiếng ca đó có bóng dáng của những kẻ lữ hành lầm lũi giữa sa mạc, lầm lũi phong trần giữa cuộc đi, cuộc về, cuộc đến? Họ và chàng đều giống nhau: một thân phận lưu đày tại thế, lạc lõng, bơ vơ... trên miền đất hoang vu, bất toàn của Thượng Ðế.

- Ðệ nghĩ gì hở Kolita?

Upatissa thẩn thờ cất tiếng hỏi.

Kolita lắng nghe tiếng ca của kẻ du mục đã loãng xa trong gió, đưa mắt nhìn lên vòm trời sau những kẻ lá; lâu lắm mới đáp:

- Ðức Brahman không toàn thiện. Thượng Ðế không toàn thiện. Ở đấy cũng trống không, hoang vu và đau khổ. Ngài còn tìm kiếm niềm vui và còn cầu mong sự ngưỡng mộ, cúng tế máu súc vật của cháu con Ngài! Sự toàn năng, đại bi và siêu việt của Ngài cần phải xét lại!

Upatissa cười khẽ:

- Vậy từ lâu chúng ta đi tìm một đấng không toàn thiện ư?

- Phải! Không những chúng ta mà cả tổ tiên, giòng họ chúng ta từ đời này sang kiếp nọ, người mù dẫn theo người mù. Và cứ thế, nối dài đến vô tận. Ði, mà chẳng biết đi về đâu... Hư vô và vực thẳm đang chờ đợi chúng ta ở phía trước!

Upatissa nghe nhói đau ở lồng ngực. Phải! Ðiều mà chàng không muốn nghĩ đến, muốn khỏa lấp đi thì Kolita đã nói ra. Cõi trần này sinh tử quyện lẫn vào nhau. Vui buồn, thiện ác, vinh nhục, xấu tốt nương dựa nhau mà tồn tại. Vậy thì toàn thiện nằm ở đâu giữa những tương tranh nhị nguyên, lưỡng giá bất toàn?

"- Ôi! thế giới Màyà huyễn hóa! Giữa cái điêu tàn Ngươi cho mọc lên một nụ xanh. Giữa bàn tay hủy diệt của Ðức Mẹ Kàlì, một sơ sinh nhú ra từ nụ cười của đấng sáng tạo Brahma! Thế nghĩa là gì, hỡi Ngươi, hỡi Màya kinh khiếp?"

Upatissa đau xót nhìn bạn, thở dài. Sự có mặt của chàng trên đời này cũng vậy, cũng do sự bất toàn của Ngài! Chàng không hiểu gì cả. Phải chăng các thượng đẳng thần cảm thấy mình được tôn trọng, được cúng tế hậu hỉ - nên đã làm sớ tâu lên Ðấng Brahman - và Ngài đã bằng lòng rứt ra từ cái Ðại Ngã của mình một cái Tiểu Ngã để quẳng cho gia đình chàng theo với mong cầu, sở nguyện của họ? Rồi sau chàng, các tiểu ngã khác, các em chàng đã lần lượt ra đời: Cunda, Upasena, Revata, Càlà, Upacàlà, Sìsupacàlà. Ðức Brahman đã ban cho gia đình chàng quá nhiều ân huệ!

* * *

Những khi không tìm ra lý giải cho những câu hỏi xoắn xít, trùng trùng; khi mà các ưu tư, hoài nghi và buồn nản làm cho bấn loạn tâm hồn, Upatissa bèn rủ Kolita du sơn ngoạn thưởng. Họ muốn quên chúng đi.

Upatissa với hơn một trăm chiếc võng và hơn một trăm môn sinh. Kolita với hơn một trăm cổ mã xa và hơn một trăm môn đệ. Họ mang thức ăn cho nhiều ngày và đi khắp các nơi danh lam thắng cảnh trong vùng.

Giữa thiên nhiên, đất trời hùng vĩ, cỏ cây và sông núi hữu tình - họ thấy tinh thần được xoa dịu, mát mẻ. Nhưng nhu cầu hiểu biết không cho phép họ được nghỉ ngơi lâu dài. Họ lại học những bài học ngoài trời, thực nghiệm một số hiểu biết từ sách vở. Các môn học về địa lý, phong thủy, tự nhiên học làm cho họ mê say không khác gì những môn học về tâm linh. Dịp này, cả mấy trăm môn đệ được hai vị đạo sư trẻ tuổi khả kính của họ giảng dạy một cách cụ thể, thực tiễn, phong phú và sống động vô cùng.

Tuy nhiên, không bao lâu, nỗi buồn lại đến. Bỏ đám môn đệ, họ bách bộ bên nhau, đi ra xa. Ở đâu đó vẫn còn tồn tại một cái gì chưa giải quyết được. Truyền thống ngàn đời kinh viện, từ chương, cúng tế, cầu nguyện... lẫn những môn học thâm sâu uyên bác này... cũng không thỏa mãn được chàng.

- Hiền đệ yêu mến! Rỗng không làm sao là cuộc đời này. Sở học của chúng ta không mảy may đem lại một ổn định tâm hồn. Càng học hỏi, hiểu biết, dầu các môn học thuộc về tâm linh đạo học hay thế học... trí óc chúng ta như rơi vào những đám tơ vò, các màng nhện chằng chịt xoắn rối, mâu thuẫn và không tìm ra đầu dây mối nhợ. Vẫn sừng sững tồn tại những bất khả tri, những bóng tối bất khả kiến giải. Nơi chân trời của Ðại Ngã, của Brahman dường như vẫn hiện hữu hư vô, bất toàn và phi nhân tính. Vệ-Ðà có nghĩa là tri (biết), nhưng lại đầy đặc cái bất khả tri! Còn những cái tri ấy - những tri thức về thánh ca, tri thức về giáo điều Samadeva, tri th?c về cầu khấn, tri thức về thần chú, những Mantra, những Brahmana, những Aranyaka... thì chẳng nên đáng "tri" một chút nào. Những cái tri ấy giúp ích gì cho chúng ta? Hay càng học, càng tri chừng nào chúng ta càng ngu dốt, cuồng tín, bản ngã, kênh kiệu, đa văn... để hình thành một tập cấp lãnh đạo tinh thần, bá chủ tinh thần, nắm độc quyền sứ giả của thần linh để vinh thân phì da, để thao túng và bóc lột xã hội? Ôi! Ta không còn hiểu gì nữa, không còn biết "tri" cái gì nữa! Ta đã quá rối loạn, bất lực trước Thượng Ðế vô tri, mù mênh phi lý và khói sương độc hại!

Thanh niên Kolita cúi đầu, mắt đỏ lệ, mờ sương. Những ưu tư, băn khoăn của Upatissa cũng là những ưu tư, băn khoăn của chàng. Kolita nhìn lên bầu trời trong xanh có những đám mây trắng trôi bàng bạc. Tiếng cười đùa hồn nhiên của môn sinh bên kia suối vẳng lại. Một con bò đủng đỉnh, yên lặng gặm cỏ dưới chân đồi. Một cô gái chăn dê cất tiếng hát ví von bên kia triền thung lũng. Một đám hoa dại bé bỏng phô những nụ hoa li ti, khiêm nhường, rực rỡ sau cụm đá bạc đầu...

Ôi! Cảnh vật xung quanh yên lặng, thanh bình, đại toàn và tuyệt bích như thế - mà tâm trí chàng thì cứ để đâu, có nhìn thấy mà cũng như không, bởi chàng đang rối loạn vì tư tưởng lợn cợn, đục vẩn ở trong đầu.

- Hiền huynh yêu quí! Kolita nói mà đôi mắt như chìm đắm ở một khoảng vô danh, xa mờ - Ðấy cũng chính là những điều mà đệ hằng suy nghĩ. Tất cả đều vô ích, vô vọng và phù phiếm thế nào. Tất cả đều rỗng không, bất lực và bất toàn. Chúng ta đã học, đã đọc, đã biết hết rồi tất cả trí khôn, sự mẫn tuệ, thông bác của tiền nhân, của loài người. Nhưng sự hiện hữu của một hạt bụi cũng không giải thích được, cũng là bất khả tri! Chỉ là những giáo điều mặc khải, những thánh thi vớ vẩn, tối tăm, ngu ngốc và xuẩn động. Hiền huynh hãy nghe đây!

Và Kolita đã ca lên, đã hát lên giữa bầu trời cao xanh lồng lộng:

"- Thuở ấy...

Vị đó không vui, không buồn
Chẳng biết vô tình hay cố ý
Cái Ðộc Nhất sinh ra
trải ra thăm thẳm
Vô biên,
hư vô và mềm mại
tấm lụa xanh trên nền trời
bỗng làm nên hiện hữu
Pati và Patnie ôm hôn nhau
tình yêu xuất hiện
đau khổ có mặt
tinh tú và nhật nguyệt
ngày và đêm
thảng thốt bàng hoàng!
Hỡi các đấng Thần Linh Yên Tĩnh
Mẹ của Thiên Ðạo
Mẹ của Bất Diệt
Thần Lửa, Thần Rạng Ðông
Luống cày,
và Thần Indra giông tố
sự chết và hy vọng
mầm cây và hủy diệt
không ai sáng tạo ra ngươi!
cái Ðộc Nhất hiện hữu
cái Vô Nhị hiện hữu
bỗng làm nên tất cả
bởi ý chí hỗn mang
tối tăm và sáng láng
và đấy là Màyà
Aum, Aum, Aum!"

Hát xong, Kolita thốt lên:

- Cái gì vậy? Cái thánh ca vớ vẩn kia là gì vậy? Ngu xuẩn!

Trong khi Kolita hát, Upatissa đăm đăm nhìn bạn. Trong đôi mắt ấy có hai ngôi sao bừng cháy, sâu thẳm, xa vời vợi. Upatissa không nghe lời ca mà chàng chỉ nghe âm hưởng, tiết điệu; sự tuôn trào những cảm thức, cảm tính bơ vơ, nóng hổi! Chúng như là những thực thể trần truồng, đam mê, thống hận - kêu gào nhảy múa bên bờ vực thẳm của thần Ràgu!

Ôi! Nhưng đấy cũng chính là những cảm thức, cảm tính của chàng! Chúng cũng bơ vơ, nóng hổi và thác loạn như thế. Nhưng, sự phẩn nộ ấy cũng là những gọi kêu vô vọng, chỉ chứng tỏ sự bạc nhược, ủy mị của tâm hồn. Phải tỉnh táo, uy dũng mà đứng lên. Phải có niềm tin. Không còn niềm tin nơi Thượng Ðế thì phải có niềm tin nơi chính mình. "Bất hạnh thay là những kẻ đã mất hết niềm tin trên cuộc đời này!"

- Này, hiền đệ Kolita! Hãy nhẫn nại! Hãy tỉnh táo! Upatissa nắm tay bạn, ân cần nói - Tại chúng ta ngu si và bất lực chăng? "Tat Tvam Asi" . Ngươi là cái ấy, ngươi là Ðấng ấy , Ngươi là Chân Như! Vậy thì Thượng-Ðế-tính, đại-ngã-tính, siêu-việt-tính ấy có sẵn trong ta. Nó ở trong ta, nhưng Cái Ấy không phải là xác và hồn, không phải là thân thể vô tri hoặc tư tưởng và tinh thần ranh ma quỷ quyệt! Vì hỗn mang, vì tối tăm, vì si mê dục vọng mà chúng ta đã không thấy Ngài chăng? Chúng ta đã tự xa Ngài chăng? Sự phẩn nộ và bất tín có lý chăng khi chúng ta chưa tra xét bản thân cho đến tận cùng? Tồn Tại, An Tĩnh, Tri Thức, Chân Phúc là Một. Có tri thức mà chưa có An Tĩnh - nghĩa là còn rối loạn - thì ta chưa thể hội nhập được với Ngài. Vệ-Ðà cũng đã từng dạy như vậy và đệ cũng đã từng hiểu như vậy mà! Cái thuần nhất, cái độc nhất, cái vô nhị ấy - cái ở ngoài hồn và xác ấy, cái ở ngoài thân thể và tư tưởng ấy - là ẩn số mà ta cương quyết phải tìm, phải bỏ hết cả cuộc đời để săn đuổi chúng. Chúng ta chưa đi thật sự bằng hai chân của mình - nghĩa là bằng kinh nghiệm, khổ đau trần trụi và tim huyết nóng hổi! Chúng ta chỉ mới đi bằng đầu óc, bằng lý luận, thẩm sát, bằng chữ nghĩa vô hồn và bằng mớ tri thức luận nhạt nhẽo! Chúng ta cũng chớ vội khinh bỉ thánh ca, thánh thư và thánh triết. Vì chúng chỉ là sự gợi ý, là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc chìa khóa vô hình để chúng ta tự mở cánh cửa huyền mật của tâm linh. Bao giờ chưa mở được, chúng ta còn ra đi. Phải cũng cố lại niềm tin, dầu là niềm tin le lói!

Kolita đứng dậy, đôi mắt như phủ một làn sương mỏng long lanh. Chàng đã khóc. Sự chân thành và trung thực của lòng mình đã đẩy chàng đi quá xa. Upatissa cũng không khác nhưng chàng đã trấn tỉnh được!

Không ai dám thú nhận sự bất lực của mình trước đám môn sinh bởi cả hai vốn là bậc thầy ưu tú, cao cả, minh triết trước mọi người và trước xã hội.

Có một tiếng gọi, một thúc bách, một kêu réo ở phía bên trong: "Hãy thật sự lên đường đi thôi!"

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |11| Mục lục


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 02-07-2001