BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, 1996


  

[04]

Sau khi đắc quả

Trúc Lâm tịnh xá về đêm thật là yên lặng. sao sáng đầy trời, không gian mát lạnh. Một vài cánh chim đêm vỗ cánh nhẹ nhàng, thoảng xa, những khóm tre đong đưa xào xạc...

Một hội chúng đông đúc dường ấy mà giờ đã yên lặng như tờ. Ðức Xá-Lợi-Phất bây giờ mới ngồi nhớ lại...

Trong canh một, đứng hầu sau lưng Ðức Ðạo Sư, Ðức Xá-Lợi-Phất theo dõi thời Pháp mà Ðức Thế Tôn giáo giới chư tỳ-khưu ở phương xa mới đến. Ngài không bỏ sót một lời, một chữ. Thỉnh thoảng Ngài để tâm rỗng lặng như chỉ để lắng nghe tiếng hải triều âm từ biển Pháp mênh mông vọng lại. Ngài nắm bắt cái cốt lõi, cái tinh thần; rồi lấy Tuệ Phân Tích rọi đến, Ngài lại càng hiểu hơn nữa những chân trời, những ngỏ ngách chi li của Giáo Pháp.

" - Ôi! Mênh mông và vô lượng thay là căn nhà Pháp Bảo của Ðức Tôn Sư."

Nhóm tỳ-khưu này rời đi, nhóm tỳ-khưu khác lại đến. Ðức Phật chợt đứng dậy, quay qua Ðức Xá-Lợi-Phất :

- Như Lai đi kinh hành một lát, này Xá-Lợi-Phất! Ông hãy thay mặt Như Lai thuyết lại bài pháp vừa rồi. Ông cần ghi nhận rằng, có những bài pháp giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng chúng cũng phải được lặp đi lặp lại mãi. Ðiều ấy rất có lợi cho những thầy tỳ-khưu sơ cơ vừa chân ướt, chân ráo bước vào Giáo Hội.

Phụng mệnh Ðức Tôn Sư, Ðức Xá-Lợi-Phất ngồi lên một pháp tọa thấp hơn, bắt đầu bài pháp đầu tiên trong đời của một vị đại đệ tử.

Sau thời pháp, cả hội trường vang lên tiếng "Sàdhu" (lành thay), tán thán Ðức Xá-Lợi-Phất không tiếc lời.

Ðức Phật, lúc ấy, cũng đã ngồi trên bảo tọa, Ngài tán thán Ðức Xá-Lợi-Phất như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Pháp mà Như Lai vừa thuyết, Xá-Lợi-Phất thuyết lại, không những trọn lời, trọn ý, minh xác, mãn túc mà còn làm cho nó minh bạch, rõ ràng hơn, còn làm cho nó khúc chiết, tỉ mỉ, mạch lạc hơn; làm cho mọi người dễ nắm, dễ lãnh hội; làm cho nó sống động và lôi cuốn hơn.

Này các thầy tỳ-khưu! Xá-Lợi-Phất trước đây là một trưởng giáo Bà la môn lỗi lạc lúc vừa mười tám tuổi, là một học giả Vệ-Ðà hữu danh, đa văn, bác học, quảng kiến. Ông thông hiểu rành rẽ, uyên bác, tất cả mọi loại triết học trong và ngoài truyền thống. Ông cũng là nhà ngôn ngữ siêu việt hai loại diễn ngôn: bác học và bình dân, thường ngữ và pháp ngữ! Lại nữa, Xá-Lợi-Phất còn là một nhà thông thiên văn, địa lý, thuật số, vật lý, tự nhiên học... Với kho tàng kiến thức mênh mông ấy, nhưng không bao giờ ông ấy thuyết ra một câu thừa, một chữ thừa. Tất cả chỉ cần vừa đủ, trọn ý; vừa văn chương quý tộc, vừa giản dị bình dân, lúc nghiêm túc, lúc dí dỏm. Ai mà đã từng được nghe Xá-Lợi-Phất thuyết pháp một lần rồi thì dường như, đối với họ, trên đời này, không có một Pháp sư, một giảng sư nào nữa cả.

Này các thầy tỳ-khưu! tiếng sóng của trăm con sông, ngàn con sông đổ dồn về biển nhưng không bao giờ bằng tiếng sóng của biển! Cũng vậy, Giáo Pháp Như Lai thuyết là hải triều âm. Giáo Pháp mà Xá-Lợi-Phất thuyết lại, cũng là hải triều âm, không hai, không khác.

Ðầu canh hai, Ðức Thế Tôn lui gót vào hương phòng, Ðức Xá-Lợi-Phất biết rằng, đã đến giờ Ðức Bổn Sư giáo giới đến cho Chư Thiên nên Ngài cùng Chư Tăng trở về liêu xá.

Ðức Xá-Lợi-Phất đi quanh một vòng thăm nơi chốn mới mà Ngài biết phải ở lại đây với Ðức Tôn Sư trong ba mùa an cư. Thật lạ lùng thay là uy lực của Giáo Pháp. Cả hơn ngàn tỳ-khưu mà đâu đâu cũng yên lặng. Giữa rừng trúc, bên bờ suối, trên những con đường kinh hành, trong liêu thất... nơi nào cũng tịch mịch: đây đó thấp thoáng vài ngọn đèn dầu lạc le lói, dường như chỉ vừa đủ sáng cho hai ba bóng người đàm luận nho nhỏ. Rất nhiều vị tỳ-khưu hành thiền rải rác ở ngoài trời, dưới cội cây, ven suối, trên những tấm thạch bàn, trên những đám cỏ bằng.

Tất cả họ đều tôn trọng Ðức Phật, tôn trọng Pháp Bảo, tôn trọng Tăng Bảo. Ngoài ra, ai cũng nổ lực tiến tu để khỏi hổ thẹn là một đấng trượng phu ở trên đời, nhất là các vị tỳ-khưu chưa hưởng được hương vị của Pháp.

Ðức Xá-Lợi-Phất nghĩ tiếp:

" - Còn mình? Buổi sáng vừa thấy trọn vẹn Ðạo Bất Tử, buổi chiều đã về đây dự cuộc lễ nhận vai trò làm đại đệ tử, buổi tối thì nghe Pháp và thuyết Pháp - quả thật ta chưa có thì giờ, một khoảng trống nào để tự mình chiêm nghiệm, liễu tri trạng thái vô hành của tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Bây giờ là phải thời để làm điều ấy."

Nghĩ thế xong, Ðức Xá-Lợi-Phất chánh niệm, điều hòa hơi thở một lát, chú mục vào hơi thở, an trú vào hơi thở.

Không lâu sau, tâm trú được kiên định, hơi thở nhẹ nhàng, nhỏ nhiệm; phỉ phát sanh, lạc phát sanh rồi luồng nhất tâm trôi chảy trong suốt, không một vết bợn; Ðức Xá-Lợi-Phất đi vào định sơ thiền. Ðây là các tầng định mà Ngài đã thuần thục vào thuở còn trẻ, nên Ngài dễ dàng, xuất sơ thiền, không tầm, không tứ thọ hưởng hỷ lạc của định nhị thiền; rời nhị thiền, ly hỷ trú xả, Ngài đi vào đệ tam thiền; xả niệm thanh tịnh, nội tâm thuần tĩnh nhất như, Ngài nhập vào tứ thiền, thân bất động, tâm bất động, an nhiên, tự tại.

Ðến khoảng giữa canh ba, Ðức Xá-Lợi-Phất xuất tứ thiền, khởi lên tưởng không là vô biên, Ngài trú vào định không vô biên xứ thiền. Lặng yên một lát, xuất định không vô biên, khởi tưởng thức là vô biên, Ngài tức khắc trú định thức vô biên xứ thiền. Rồi cứ thế, vô sở hữu xứ thiền, phi tưởng phi phi tưởng thiền. Ngài xuất và nhập rất dễ dàng, từ bỏ phi phi tưởng, Ngài xuống vô sở hữu. Xuất vô sở hữu xuống thức vô biên. Lìa thức vô biên vào không vô biên. Bỏ không vô biên, Ngài trở lại tứ thiền. Rõ ràng là từ định tứ thiền không còn phiền não nào dấy khởi, tất cả đều lặng yên - như một mặt biển mênh mông không hề dợn sóng.

Cuối canh ba, Ðức Xá-Lợi-Phất trả thức, thọ, tưởng lại cho thức, thọ, tưởng - Ngài dùng tuệ quán nhìn ngắm sự vận hành lai khứ của các pháp. Bây giờ Ngài bắt đầu sử dụng Thất Giác Chi, tức là bảy pháp có sẵn trong tâm của Bậc Giác Ngộ - để lắng nghe muôn pháp. Khi dùng chánh niệm để ghi nhận hiện tượng gì khởi sanh nơi thân tâm. Khi dùng thử trạch pháp để phân tích một tư tưởng rất nhỏ nhiệm. Lúc thử dùng tấn để đẩy một thiện tâm cho đến viên mãn. Khi thử trú hỷ, thử trú an, thử trú định, thử trú xả v.v...

Ôi! Quả thật là dễ dàng. Tâm Ngài giờ là cả kho tàng, muốn sử dụng gì cũng được cả. Một chút nhất tâm hướng vào pháp gì là có pháp ấy...

* * *

Ðức Xá-Lợi-Phất xả thiền lúc sao mai vừa mọc, cảm thán, Ngài thốt lên:

"- Thật vi diệu thay là Pháp Mầu Bất Tử! Hạnh phúc tối thượng thay là cõi an trú của Bậc Vô Sanh. Sự thành tựu này quả là đích điểm không mé bờ, không ở chỗ ấy thì không có ngôn ngữ nào có thể nói được. Quả thật là chỉ để cho kẻ trí tự mình giác hiểu.

Ta đang thanh thoát, tự do, sáng trong không hề còn một mảy bụi, trí óc ta rỗng rang không còn dính một chấp thủ tế vi nào! Tâm giải thoát là vậy, Tuệ giải thoát là vậy!

Ôi! Ta đã lầm lẫn bao năm đi theo giáo lý truyền thống, và cũng đã mòn trán, lỏng gót đi tìm kiếm chân sư ở trên đời. Rồi chẳng hoạch đắc điều gì cả. Ðã chẳng tìm kiếm được cái gì mới mẻ cả.

Ôi! Thật là đáng thương hại cho cả thế gian nầy. Tất cả mọi tôn giáo, tín ngưỡng đều lẫm lẫn một cách đáng thương xót! Hạnh phúc là ở ngay đây thôi, tìm kiếm đâu xa! Nó ở chính trong khoảnh khắc sinh diệt nầy, nơi tấm thân một trượng nầy! Chỉ một niệm nầy thôi là đầy đủ giới, định, tuệ, đầy đủ ba bảy trợ đạo phẩm, đầy đủ khổ đế và diệt đế, đầy đủ ba mươi pháp Ba-La-Mật. Nếu không thấy thì triệu kiếp tu tập cũng không thấy, khi đã thấy rồi thì nó là cái thấy bất diệt ở ngoài thời gian. Không còn cái thấy nào khác nữa.

Ôi! Chỉ có một Ðấng Toàn Giác mới cho ta uống được giọt nước Pháp Bảo trong mát tận đầu nguồn!"

- Phải chăng một đêm Trúc Lâm tịnh xá êm đềm, yên tĩnh - hiền huynh đã chứng nghiệm trạng thái hạnh phúc giải thoát của chính mình?

Ðại Mục-Kiền-Liên không biết đã đến bên cạnh từ lúc nào, thần sắc tươi mát, rạng rỡ như lộc biếc ngày xuân.

Ðức Xá-Lợi-Phất mỉm cười:

- Quả thật vậy, hiền đệ ạ! Rừng tre mát mẻ, không khí trong lành, đêm qua, ngu huynh có nếm được chút ít hương vị an lạc. Còn hiền đệ? Chắc cũng vừa trải qua một đêm chứng nghiệm Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát phải không?

- Không dám đâu! Chút ít an lạc thì có, nhưng sau đó, tâm trí của đệ hướng về sự so sánh giữa Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư với mọi loại triết học trên đời này.

Ðức Xá-Lợi-Phất vỗ nhẹ vai bạn:

- Hay lắm! Vậy Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư và triết học của chúng ngoại đạo - qua ngọn đèn soi rọi đầy minh triết của hiền đệ - khác nhau như thế nào?

- Giáo lý của họ, dẫu ở trong hay ngoài truyền thống đều nói đến chân lý, cứu cánh, mục đích. Sau đó, họ xiển dương, rao giảng, quảng bá, viết thành kinh điển hay dùng tâm truyền tâm, hoặc bất thành văn như truyền khẩu, đọc tụng v.v...; được chúng thực hành, y chỉ, tôn trọng, tôn thờ, kế thừa v.v...

- Ðúng vậy! Nói đại lược thì hiền đệ thấy những chân lý ấy, cứu cánh ấy ra sao?

- Nó quá viễn vông, mơ hồ, xa xôi, phất phưởng như hình sương bóng khói! Nó bất thực, trừu tượng, không tưởng... hoặc muôn đời vẫn chỉ là lý tưởng!

Ðức Xá-Lợi-Phất tán thán:

- Kỳ diệu thay là hiền đệ! Chính ngu huynh cũng mang máng thấy như vậy! Còn Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư như thế nào?

- Rõ thôi! Hiền huynh biết rồi. Giáo Pháp mà Ðức Tôn Sư chứng nghiệm và khai thị: nó thiết thực, hiện tại, cái cụ thể, cái luôn luôn để mà hiện quán, cái đương xứ này đây, cái hiện tiền trôi chảy trước mắt, cái như chân như thật chưa được khúc xạ bởi một ý niệm nào!

- Thật kỳ diệu thay! Quả đúng như vậy.

Yên lặng một lát, Ðức Xá-Lợi-Phất hỏi tiếp:

- Ðấy là điều khác biệt tối thượng, vượt bậc như ánh sáng mặt trời và ánh sáng của con đom đóm. Vậy còn khác biệt nào nữa chăng, hở hiền đệ?

- Còn nữa, thưa hiền huynh! Từ cái chân lý viễn vông, bất thực ở trên, chúng đẻ ra rất nhiều cảnh giới vọng tưởng khác nữa!

- Hiền đệ cứ tiếp tục!

- Vâng! Ðại Mục-Kiền-Liên ngập ngừng - Vì đệ không có được Tuệ Phân Tích sắc bén như hiền huynh, nên đệ chỉ có khả năng trình bày một cách tổng quát thôi! Hy vọng hiền huynh sẽ nắm được cốt lõi từ cái mớ "hổ lốn" sau đây.

Ðức Xá-Lợi-Phất mỉm cười:

- Trí tổng hợp là cái trí đa dạng, sở trường của hiền đệ. Hãy nói đi!

- Khi đệ đưa mắt một vòng nhìn qua cả hàng trăm loại triết học xung quanh thung lung sông Hằng thì thấy chúng ngoại đạo đã vẽ ra muôn vàn cảnh giới đầy hứa hẹn. Những cảnh giới ấy không ở đây mà nó ở kia, ở một tương lai gần, ở một tương lai xa! Cảnh giới ấy là trường sanh bất lão. Cảnh giới ấy là tối thượng lạc. Cảnh giới ấy là chân ngã, chân phúc v.v... Như vậy, phải chăng, nhằm để thỏa mãn khát vọng cho chúng sanh mà ngoại đạo đã vẽ ra những chiếc bánh sai khác; thêm bột, thêm đường, thêm gia vị, thêm hương liệu, thêm màu sắc... để phô phang và câu nhử ở đằng trước? Và chúng bảo đấy là chỗ ngụ cư của chư vị cổ Phật, chư vị Thánh Triết, Thánh Nhân A-La-Hán!

Ðức Xá-Lợi-Phất gật đầu:

- Ðiều ấy ngu huynh cũng có thấy! Nói cho ngắn gọn, dễ nắm bắt là: tâm niệm vẽ vời cảnh giới tùy theo khát vọng của nó - rồi nó sẽ chụp bắt đúng cái chiếc bóng của tâm niệm ấy!

- Chính thị! Tâm niệm là tiểu ngã, cái mà tiểu ngã kiếm tìm chính là chiếc bóng của tiểu ngã! Hiền huynh chỉ cần một câu là diễn tả trọn ý, chân xác, cô đọng điều mà đệ đã trình bày rất dài dòng.

Ðức Xá-Lợi-Phất giọng trầm xuống:

- Hiền đệ ạ! Trước đây đệ huynh ta cũng đã từng lầm lẫn. Chúng ta cũng đã từng ngồi hàng giờ để thể nhập tiểu ngã vào các đấng linh thần. Và chúng ta cũng đã từng khởi lên những cái tưởng để " thể nhập" vào pháp giới bao la - mà chúng ta đâu có biết rằng "pháp giới bao la ấy", dầu là đại ngã vũ trụ, dầu là bản thể vũ trụ - cũng chỉ là cái khuếch đại của tiểu ngã ấy thôi! Chúng ta cũng đã từng ngồi miên man để thể nhập vào một áng mây trôi, vào dòng sông xanh lặng lẽ, vào một khóm hoa tươi đẹp đang phô thắm dưới ánh nắng mặt trời, vào một tiếng chim hót, vào một chiếc lá, vào một hạt sương v.v...

Ôi! Sự sai lầm của chúng ta và của họ về phương pháp, về cứu cánh - tất cả bởi do chưa thấy được "sự vận hành vô ngã của chư Pháp"

- Ðúng vậy! Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư, bởi từ vô ngã, vô thường mà nói ra - nên Giáo Pháp ấy vượt không gian, thời gian, không bị quy định bởi không-thời gian, không trụ vào một cảnh giới nào, không dính một sát na nào. Nó vĩnh cửu và vô biên giới!

-Thôi đủ rồi, hiền đệ! Nói ra từng ấy là vừa đủ. Hãy dừng lại nơi vĩnh cửu và vô biên giới ấy! Chúng ta đàm đạo với nhau, chúng ta nắm lấy cái ý mà quên cái lời. Còn chúng sanh thì khác, với chúng sanh thì khi nói vĩnh cửu, chúng sẽ chấp vĩnh cửu là cái thường hằng, thường còn! Nói vô biên giới - chúng sẽ chấp vào vô biên giới của không, của thức, của tưởng; không chấp vào đấy thì chúng lại chấp vào cái bao la của vũ trụ, bao la của pháp giới, bao la của bản thể, bao la của đại ngã v.v...

Ðại Mục-Kiền-Liên mỉm cười ý nhị nắm bàn tay của Ðức Xá-Lợi-Phất lặng lẽ gật đầu. Cả hai đều hiểu nhau, biết nhau từ trong tim, trong ruột. Ngài Xá-Lợi-Phất chợt đứng lên:

- Giáo Pháp Ðức Tôn Sư có điểm nào độc đáo, đặc biệt, đặc thù nữa không hở hiền đệ?

Ðại Mục-Kiền-Liên bỗng đứng thẳng dậy:

- Nó đây! Là toàn bộ cái quán tự tại nầy!

- Hay lắm! Không sai được! Hãy trở lại đây với trọn vẹn cái hiện sinh, hiện tính, hiện thể này... với đầy đủ tánh, tướng, thể, dụng, nhân, quả, duyên, báo... nầy! Và bổn phận mỗi hành giả minh triết nhất, sáng suốt nhất là hãy chụp bắt cho được nó bằng con mắt thứ ba! Con Mắt Tuệ Nhãn!

Ðại Mục-Kiền-Liên nhè nhẹ thở dài, nói như hơi gió thoảng:

- Cũng khó thay cho chúng sanh, hiền huynh nhỉ? May ra chỉ có kẻ trang bị bằng Con-Mắt-Không-Ý-Niệm mới liễu ngộ được, thấy rõ được Pháp Mầu Bất Tử, Vô Sanh!

Hạnh tri ân

Lệ thường, vào mỗi buổi sáng trước khi đi khất thực, Ðức Xá-Lợi-Phất đều rảo quanh một vòng khắp Trúc Lâm tịnh xá. Nơi nào mà chỗ ở, chỗ nghỉ, chỗ ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm v.v... chưa được sạch sẽ, chưa được cất đặt gọn gàng; Ngài bỏ công ra để dọn dẹp, quét tước. Ngài còn để ý những rác rưởi chỗ này, chỗ kia; để ý những y áo phơi phóng chưa được ngay ngắn, để ý cả những dấu tích nấu nướng bừa bãi trên những đám cỏ xanh...

Xong công việc, bao giờ cũng đã khá trưa Ngài mới ôm bát rời tịnh xá. Ðôi khi với mồ hôi còn nhễ nhại, Ngài vẫn chậm rãi, tự tại từng bước. Tuy thế, Ngài thường đi bát không lâu, chỉ đứng năm, bảy nhà là đã đầy vật thực. Chỉ mấy hôm mà cả kinh thành Vương-Xá, không ai là không biết đến Ngài. Họ kỉnh mộ và tôn sùng vị Ðại Ðệ Tử ấy.

Theo thông lệ, sau khi nhận vật thực, bao giờ Ngài cũng đọc một bài kinh phúc chúc ngắn gọn, nói vài ý Pháp gieo duyên rồi bước chân sang nhà khác. Ngài để tâm bình đẳng, không kể người giàu kẻ nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ. Ai cúng dường vật thực đến Ngài cũng cảm thấy tâm mình hoan hỷ, vui tươi trọn ngày.

Ðức Xá-Lợi-Phất đi bát sau mà thường về sớm. Bổn phận đầu tiên của Ngài là tìm dâng một ít vật thực lên Ðức Thế Tôn, Ðại Ðức Assaji - tức là vị thầy dẫn dắt Ngài vào Ðạo Bất Tử, sau đó Ngài mới tìm đến một cội cây để dùng ngọ, rồi đi kinh hành.

Sau buổi trưa, Ðức Phật thường có một thời Pháp ngắn gọn. Ðôi khi Ðức Phật truyền Tam Quy, Ngũ Giới cho người mới nhập đạo. Thỉnh thoảng Ngài cũng ban lễ xuất gia nếu được thỉnh nguyện. Riêng Chư Tăng thì dịp này có vị đến xin Ðức Thế Tôn đề mục phù hợp tâm tánh mình. Có vị Ðức Phật lại nói thêm Pháp khi thấy tinh thần họ đạt đến trình độ có thể bước lên thành quả cao hơn v.v... Những lúc như vậy, bao giờ Ðức Xá-Lợi-Phất cũng im lặng hầu sau lưng Ðức Phật, Ngài không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào về tất cả cách thức giáo giới, về trường hợp của tất cả tỳ-khưu.

Buổi chiều, nếu Ðức Phật thuyết pháp đến cho hàng cư sĩ tại gia thì Ðức Xá-Lợi-Phất cũng phải có phận sự lắng nghe tất cả, ghi nhận tất cả. Một là để học hỏi phương pháp giáo huấn của Ðức Phật, hai là nắm bắt những chi tiết cao và thấp, rộng và sâu của Giáo Pháp. Ðôi khi Ðức Phật bảo Ngài thuyết lại cho hội chúng đông đúc cư sĩ tại gia nghe, và lần nào Ngài cũng trọn hảo chức năng của mình.

Hôm kia, thì giờ rảnh rỗi, Ngài liền tìm cội cây khuất vắng, tự nghĩ:

"- Ta và hiền đệ Mục-Kiền-Liên xuất gia chưa được bao lâu mà đã được Ðức Tôn Sư tấn phong Ðại Ðệ Tử. Ðiều ấy dẫu là đặt đúng ngôi vị với lời đại nguyện xưa, mọi người đa phần hoan hỷ nhưng làm sao tránh khỏi những dị nghị này kia trong tâm những kẻ phàm phu? Nếu họ ganh ghét, đố kỵ thì ta không thể cảm hóa họ được. Vậy việc trước nhất phải làm, ngoài việc xuất nhập dễ dàng chín bậc thiền, ta phải còn làm cho sung mãn Tứ Vô Lượng Tâm, phát triển toàn hảo ba mươi Ba-La-Mật. Mong nhờ uy lực Ba-La-Mật, bóng mát Tứ Vô Lượng Tâm mà tất cả các vị tỳ-khưu còn phàm phu sẽ được an lành, dễ nghe lời dạy bảo."

Nghĩ thế xong là Ðức Xá-Lợi-Phất nhập thiền. Sau khi xuất nhập thuần thục chín bậc thiền Ngài nhập Ðại Bi Ðịnh, làm cho vững chắc Ðại Bi Ðịnh, làm cho Tâm Ðại Bi tẩm mát no đầy cả châu thân cho đến tận lỗ chân lông - rồi Ðại Bi Tâm tràn đầy mát mẻ cả không gian xung quanh... Ðến đây Ðức Xá-Lợi-Phất chợt hiểu tại làm sao mà Ðức Thế Tôn cảm hóa được Dìghanakha nơi động Heo ngày nọ. Quả thật, Ðại Bi Tâm nếu được an trú sung mãn thì nó dễ dàng chuyển dịch Từ, Hỷ và Xả. Tướng của nó là bốn mà tánh chỉ một. Tánh là trú tâm mà tướng là hướng đến đại dụng. Pháp nào cũng từ nguyên tắc này mà ra cả! Ðức Xá-Lợi-Phất không chỉ tu tập từng ấy. Thỉnh thoảng Ngài trú "không định", càng ngày càng kiên cố; và đây thường là chỗ cư ngụ, chỗ nghỉ ngơi, an dưỡng của Ngài. Trong sinh hoạt thường nhật, Ngài dùng Tuệ quán từng giây khắc một, cho nên những thọ, tưởng, ý, thức, trí dầu có nhỏ nhiệm, vi tế cách mấy cũng hiển hiện trước Ngài một cách rõ ràng và trong sáng. Như một tấm gương trong suốt, không một mảy bụi; những ảo giác, ảo cảnh, ảo tưởng vừa chỉ mới lóe hiện đã được nhìn thấu suốt, toàn vẹn; không gì đánh lừa được Ngài...

Buổi tối, vào canh một, Ðức Phật thường để dành thì giờ cho vị tỳ-khưu nào tự do thỉnh cầu rọi sáng những mối nghi hoặc của mình, những điểm khó hiểu, phức tạp trong Giáo Pháp. Ðôi khi Ðức Thế Tôn thuyết pháp những đề tài do Ngài tự chọn. Nếu sau đó có những nhóm tỳ-khưu từ phương xa đến thì Ðức Phật bảo Ðức Xá-Lợi-Phất thuyết lại. Và lúc nào Ngài cũng được Ðức Phật và đại chúng tán thán, ca ngợi.

Khoảng giữa canh hai, khi Ðức Thế Tôn giáo giới cho Chư Thiên và Phạm Thiên, cũng là lúc Ðức Xá-Lợi-Phất tìm chỗ vắng lặng của mình để thiền tọa hoặc đi kinh hành. Trước lúc đi nghỉ - nghiêng lưng một lát thôi - Ðức Xá-Lợi-Phất luôn luôn nhớ đến chỗ của Ðại Ðức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào để quay đầu về hướng đó. Cho chí sau này, trên đường hoằng pháp, theo chân Ðức Bổn Sư; đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu, nghĩa địa..., chỗ có mái che hay không có mái che, Ðức Xá-Lợi-Phất vẫn giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị thầy đầu tiên của mình đang cư ngụ.

Có một số tỳ-khưu còn phàm phu, xấu bụng, xấu miệng, biết chuyện ấy, họ dè bỉu, bàn tán như sau:

- Cái ông Xá-Lợi-Phất đã là Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật, là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, là Bậc Thượng Thủ của Giáo Hội... mà đêm đêm vẫn lễ bái các phương trời! Thế ra, đã là một bậc A-La-Hán rồi mà vẫn chưa bỏ được những tà kiến ăn sâu, mọc rễ về tập quán tôn sùng những vị Phạm Thiên của ngoại đạo ư?

Ðức Phật biết rõ trí tuệ và đức hạnh của đệ tử mình, nên vào dịp thuận tiện nhất, Ngài tuyên bố minh bạch trước Tăng chúng rằng:

- Xá-Lợi-Phất, Trưởng tử của Như Lai không bao giờ lễ bái các phương! Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tôn kính và đừng mạo phạm đến việc làm của những bậc vô nhiễm, không còn bụi cát. Xá-Lợi-Phất, đệ tử của Như Lai chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó, ông ta tìm thấy Pháp Bảo Bất Tử. Người mà ông ta đảnh lễ chính là Ðại Ðức Assaji trong nhóm năm ông Kiều Trần Như. Xá-Lợi-Phất rất biết ơn thầy, rất biết ơn người dẫn đạo đầu tiên cho mình.

Này các thầy tỳ-khưu! Hạnh tri ân là một phẩm chất tốt đẹp, cao quí - các thầy nên lấy Xá-Lợi-Phất mà soi gương!

Thường những lúc như vậy là cơ hội tốt để Ðức Phật dạy dỗ Chư Tăng, giáo giới Chư Tăng. Ðức Phật thuyết một số câu chuyện của đời Ngài trong nhiều kiếp quá khứ liên hệ với chủ đề. Ðức Phật kể về một kiếp nọ, chính Ngài mang ân một người, chỉ vì người đó cho Ngài một cắc bạc thôi, mà Ngài đã làm nên sự nghiệp. Một kiếp khác, chỉ vì muốn nghe một câu kệ chỉ đường về thiên giới mà Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Rồi Ðức Phật tóm tắt như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Chỉ một cắc bạc mà Như Lai đã nhớ ơn trọn đời! Chỉ nghe một câu kệ mà Như Lai đã đem đổi mạng sống. Vậy thì sao chúng ta không biết ơn, không lễ bái ông thầy, vì nhờ ông ấy, ta có được cơ hội đi vào căn nhà Pháp Bảo? ân đức của người cho ta Pháp mầu giải thoát tối thượng hơn tất cả mọi loại ân đức trên đời này.

* * *

Thuở ấy có một người Bà la môn già thường chăm lo những công việc lặt vặt tại một tịnh xá trong thành Xá-Vệ (Sàvatthi), Chư Tăng có bố thí vật thực cho ông để sống, nhưng khi xin Chư Tăng để được xuất gia thì không ai chấp nhận. Ðức Phật quan sát căn duyên biết ông lão Bà la môn kia có khả năng đắc được quả vị cao nhất, bèn hỏi Chư Tăng xem ai có duyên độ được ông ta. Chư Tăng không ai thấy mình có duyên cả. Bỗng nhiên Ðức Xá-Lợi-Phất đứng lên đảnh lễ Phật rồi tâu:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Có một lần đệ tử đi khất thực trong Vương-Xá thành, người Bà la môn nghèo khổ này đã dâng một vá cơm đầy mà ông ta vừa xin được để sống. Khi dâng cúng như vậy là ông ta đã dâng hết phần ăn của mình. Ðấy là sự cúng dường với tâm cao thượng. Ðệ tử thấy rằng, ông lão Bà la môn có duyên với đệ tử, xin Ðức Thế Tôn cho phép đệ tử thực hành trách nhiệm và bổn phận của mình.

Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ðức Xá-Lợi-Phất thâu nhận lão Bà la môn và làm lễ xuất gia cho ông ta. Từ đó, Ngài hết lòng chăm lo cho người học trò; cặn kẽ chỉ bày từng học giới, từng pháp học một; hướng dẫn cách đi đứng, thu thúc; hướng dẫn đề mục thiền định và tuệ quán không kể là giờ khắc nào, ngày hay đêm. Khi người đệ tử già này cần sự giúp đỡ gì, tinh thần hay vật chất Ngài đều sẵn lòng hỗ trợ, chỉ bày với tâm hoan hỷ và đầy tràn bi mẫn.

Việc làm tốt đẹp, đáng trân trọng ấy của Ðức Xá-Lợi-Phất vẫn bị chúng phàm phu tìm cách nói móc:

- Cũng phải thôi! Ðã lỡ chỉ dạy cho học trò của mình những pháp cao siêu thì ông thầy cũng phải tận tâm mẫu mực biểu lộ những tâm đức cao thượng hơn mới xứng đáng chứ!

Ðể xóa tan những ác kiến ấy, Ðức Phật lại phải giải thích:

- Này các thầy tỳ-khưu! Ðừng hiểu lầm Xá-Lợi-Phất! Ðừng lấy tâm địa ô nhiễm của mình mà đánh giá trình độ tâm, trình độ trí "con của Như Lai"! Sở dĩ Xá-Lợi-Phất lao tâm khổ trí dạy bảo những Pháp hành cao thượng cho học trò là vì ông ta muốn đền ơn một cách cao thượng cho người, mà trước đây, đã có một hành động rất cao thượng đối với mình!

Rồi nhân tiện đó, Ðức Phật kể chuyện về quá khứ, tiền thân của Ngài Xá-Lợi-Phất, làm một "con voi chúa biết đền ơn trả nghĩa" như sau:

"- Thuở xa xưa kia, dưới chân Hy mã lạp sơn, trong khu rừng trù mật có một con voi chúa cai quản bầy voi mấy trăm con. Voi chúa mẫn tuệ, thông minh, tháo vác... đã chỉ huy, thống lĩnh đàn voi như một vương quốc của hòa bình và an lạc. Khi thấy mình đã già, voi chúa tự nghĩ: "cái già và cái chết sắp đến rồi, ta hãy bàn giao mọi công việc lại cho các voi trẻ thanh xuân thay ta đôn đốc, bảo ban hướng dẫn đàn. Tuổi của ta không còn thích hợp với chỗ bầy đàn, ồn ào, đông đúc nữa. Nay phải là thời ta tìm nơi khuất tịch, vắng vẻ, độc cư nhàn tĩnh để di dưỡng tâm hồn". Nghĩ thế xong, sau khi bàn giao công việc lại cho các voi trẻ, voi chúa lên đường vào rừng sâu tìm chỗ ẩn cư. Rủi thay trên đường, voi chúa đạp nhằm dăm gỗ nhọn hoắt đâm sâu vào chân, nhức buốt tận xương. Mấy ngày nằm nguyên ở đấy, chịu đựng cơn đau, cơn đói, cơn khát - chứ voi không thể nhấc chân được nửa bước.

Dưới chân núi có ngôi làng thợ rừng, họ sinh sống bằng nghề lấy gỗ. Hôm kia, một toán đi ngang chỗ voi chúa nằm. Voi chúa đưa mắt nhìn họ thiết tha, cầu khẩn. Người lớn tuổi nhất đọc được ý nghĩ của voi, bước lại, thấy vết thương. Họ cùng nhau phụ lực kéo dăm gỗ nhọn ra, sau đó tìm dược thảo quanh vùng, nhai nhỏ, đắp vào vết thương và băng bó lại cho voi. Họ còn lấy tất cả cơm và nước cọng lại của cả đoàn người, bỏ vào miệng cho voi ăn. Suốt bảy ngày như vậy, họ cử người gánh vật thực từ làng lên cho voi ăn để mau hồi sức. Voi lành mạnh, khỏe khoắn, đứng dậy đi được, tự nghĩ: "Bây giờ là không phải thời để ta ẩn cư nữa, đây là thời mà ta phải biết đền ơn trả nghĩa cho những con người nhân hậu tốt bụng này". Thế là voi chúa bắt đầu ra sức kéo gỗ. Năm trăm người thợ rừng sung sướng thấy công sức làm việc mấy tháng của họ chỉ bằng voi làm trong vòng mấy ngày. Ðến bữa ăn, họ chung phần năm trăm gói cơm lại thành một đống, voi chúa lấy vòi cuốn ăn hết chẳng khách sáo gì.

Làng thợ rừng ấy nhờ voi chúa mà mỗi lúc một giàu lên. Hôm kia, khi làm việc, voi đổ mồ hôi, mệt lả . Voi chúa nghĩ: "Bình thường với khúc gỗ to bằng mười nó, ta vẫn kéo phăng phăng; nay ta đã không kéo nổi một khúc gỗ nhỏ, ta già yếu rồi, đã cạn kiệt sức lực rồi." Nghĩ thế, voi chúa bỏ đi, ba ngày sau, mang lại một voi thanh niên, thuần chủng, trắng như tuyết đến, cho ra mắt đám thợ rừng, gật đầu như chào tất cả mọi người rồi lầm lũi, chậm rãi hướng vào rừng sâu.

Voi chúa đã để lại voi con, thay nó, từ đây đáp đền ân nghĩa. Sức của voi con làm việc gấp chục lần voi cha, làm cho cả làng thợ rừng được hạnh phúc, giàu có... Voi con được mọi người kính mến, quý trọng, thương yêu. Là hộ pháp, là tình thương, là thần tài, là thần hoan hỷ cho cả ngôi làng."

Kể chuyện xong, Ðức Phật dạy:

- Biết ơn người khác, trả ơn người khác gấp trăm, gấp ngàn lần cái mà mình thọ ơn là việc làm quen thuộc của Xá-Lợi-Phất trong rất nhiều đời kiếp. Xá-Lợi-Phất đã cùng với Như Lai trong nhiều kiếp sống luôn sát cánh bên nhau, nhân duyên luôn gặp gỡ nhau, hỗ trợ nhau, nhắc nhở nhau trên con đường mưu cầu hạnh phúc cho phần đông, vừa bồi bổ, tấn tu Ba-La-Mật cho chính mình.

Này các thầy tỳ-khưu! Nghĩ sai lầm về Xá-Lợi-Phất, đã sai lầm mà còn ác tri, ác kiến với Xá-Lợi-Phất, là một trọng tội, nghiệp báo rất nặng, các ngươi nên nhớ lấy!

* * *

Lão Bà la môn, học trò của Ðức Xá-Lợi-Phất do sự chỉ bày chí tình, chí thiết, cặn kẽ, tận tâm ấy đã không phụ lòng thầy, một thời gian sau, quả nhiên, ông ta đắc được đạo quả A-La-Hán. Hạnh tri ân của Ðức Xá-Lợi-Phất bắt dầu tỏa sáng dịu dàng trong Giáo Hội của Ðức Tôn Sư. 

Ðôi bạn

Ðức Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên đã có tình bạn thâm thiết tự thuở ấu thơ, lớn khôn, trưởng thành, lang thang tìm Ðạo cho đến khi tao ngộ Giáo Pháp của Ðức Bổn Sư. Lúc này cả hai đều là Ðại Ðệ Tử, là hai cánh tay trợ thủ của Ðức Phật thì tình bạn xưa càng thiêng liêng hơn nữa.

Từ khi đắc quả, họ thường gặp gỡ nhau để trao đổi về Giáo Pháp. Họ đều thấy rằng cái gia tài mà họ được thọ hưởng quá bao la, mênh mông, bát ngát. Dùng trí tuệ mà đi vào kho tàng ấy thật không có chỗ tận cùng, do vậy, những lần đàm đạo giúp họ soi rọi cho nhau thấy thêm những vi tế khác, ngõ ngách khác, bề rộng và bề sâu khác.

Hôm nọ, Ðại Mục-Kiền-Liên từ xa đến tìm Ðức Xá-Lợi-Phất để bàn về giáo lý Vô Ngã.

- Hiền huynh! Có thể lập ngôn: "Vô Ngã là Niết Bàn chăng?"

- Không thể lập!

- Có thể lập ngôn ngược lại: "Niết Bàn là Vô ngã được chăng?"

- Không thể lập!

Ðại Mục-Kiền-Liên gật đầu rồi nói:

- Không phải là ngoại đạo, mà chính là những giảng sư, luận sư, pháp sư trong chính Giáo Hội của Ðức Tôn Sư, họ là những kẻ chưa chứng quả cao nhất, đã thuyết giảng giữa thành phố và làng mạc những luận điểm như vậy, kiến giải như vậy. Một nhóm tỳ-khưu đâu từ Vesalì đến, đang thảo luận với nhau ở đằng kia cũng ồn ào, tranh cãi về điều ấy.

Vậy hiền huynh có thể nào, bởi trí tuệ phân tích của mình, cho đệ thấy từ gốc đến ngọn của vấn đề, cuối cùng, cách lập ngôn nào tương đối chính xác nhất để khỏi kẹt vào có, không, vừa có vừa không, không có không không?

Ðức Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên lúc ấy đang trú tại Kapotakandarà, ở đây có một khu rừng lớn, những ngọn đồi xanh tươi đẹp mắt và những đồng ruộng phì nhiêu. Sau những câu hỏi, họ dẫn nhau ra một ngọn đồi, buổi chiều, khí hậu mát mẻ, khung cảnh yên lặng.

Ðức Xá-Lợi-Phất nói:

- Câu hỏi của hiền đệ thú vị lắm! Nhưng bây giờ hiền đệ một nơi, ngu huynh một nơi - Ngài đưa mắt chỉ một ngọn đồi rất xa - chúng ta hãy tọa thiền, nghỉ ngơi một lát đã nhé. Chiều tối, khi vào làng, chúng ta hãy tiếp tục trao đổi.

Ðại Mục-Kiền-Liên cười nhẹ:

- Ðúng vậy! Nên để lúc vào làng, có đủ các nhóm tỳ-khưu, đ? sẽ hỏi lại!

Khi đã an vị trên chỗ ngồi, chuẩn bị tọa thiền, Ðức Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Trí tuệ của Ðại Mục-Kiền-Liên rất thâm sâu! Ðiều gì ta thấy thì Ðại Mục-Kiền-Liên cũng thấy. Với câu hỏi vừa rồi, chẳng phải là Mục-Kiền-Liên không hiểu mà chắc là có lý do của nó. Ai cũng tưởng Ðại Mục-Kiền-Liên chỉ sở đắc Ðệ Nhất Thần Thông không thôi là lầm to đấy. Trí tuệ của Ðại Mục-Kiền-Liên cũng bất khả tư nghì."

Ðức Xá-Lợi-Phất với tâm trí thanh thoát, một lát, khí an tĩnh tỏa ra, Ngài nhập "không định", là nơi nghỉ ngơi, an cư của bậc Thánh.

Thời gian trôi qua, buổi chiều chầm chậm trôi qua, Ðức Xá-Lợi-Phất đi sâu vào đại định, không còn biết gì ngoại cảnh bên ngoài. Tình cờ, một hung thần đi ngang, nó vốn có ác cảm với Sa môn nên đã dùng tất cả thần lực đánh xuống đầu Ðức Xá-Lợi-Phất, mạnh như sấm sét, rồi bỏ đi.

Tuy nhiên, Ðức Xá-Lợi-Phất không hay biết, Ngài vẫn an nhiên tự tại, bất động như địa đại trong thế giới tĩnh cư của mình.

Lúc ấy, Ðại Mục-Kiền-Liên ở một ngọn đồi xa, Ngài không nhập định như Ðức Xá-Lợi-Phất mà Ngài đang dùng "thiên nhãn" để nhìn xem nhiều ngàn thế giới... Khi vừa đem "thiên nhãn" về, Ðại Mục-Kiền-Liên trông thấy hung thần đánh xuống đầu Ðức Xá-Lợi-Phất rồi bay đi. Cũng dùng thần thông, Ngài có mặt bên cạnh Ðức Xá-Lợi-Phất ngay tức khắc. Ðức Xá-Lợi-Phất lúc ấy cũng vừa xả thiền.

- Này hiền huynh! hiền huynh được an lạc chứ? Hiền huynh có cảm thấy có gì bất ổn không?

Ðức Xá-Lợi-Phất đưa tay sờ đầu mình:

- Hiền đệ ạ! Ngu huynh vẫn an lạc như bình thường. Nhưng không biết có cái gì, ở đây - Ngài xoa xoa chỗ trên đỉnh đầu - nó ê ẩm một ít thôi!

Ðại Mục-Kiền-Liên bỗng chấp tay, thốt lên:

- Ôi, thật là kỳ diệu thay! thật là hy hữu! thật là một chuyện lạ lùng chưa từng thấy! Này hiền huynh! Sức mạnh thể chất và năng lực tinh thần của hiền huynh thật là vĩ đại và cao siêu, ngàn lần vô địch trên thế gian này!

Này hiền huynh quí trọng! Vừa rồi có một hung thần, chính thị một Aùc Dạ-Xoa, không biết lý do sao, đã đánh xuống đầu hiền huynh một cú đánh mạnh tợ sấm sét, mạnh tợ thiên lôi giáng! Hiền huynh có biết chăng, với sức mạnh, trọng lượng của cú đánh ấy thì một con voi to bảy, tám do-tuần cũng phải bị tan xác, một ngọn đồi cao, một tảng đá lớn tức khắc sẽ bị xẻ đôi!

Kỳ lạ thế đấy! Với sức mạnh của cú đánh như vậy, mà hiền huynh chỉ nói: "không sao, này hiền đệ, huynh vẫn an lạc như thường, nhưng không biết có gì ở đây - trên đỉnh đầu - nó ê ẩm một tí thôi!"

Ðức Xá-Lợi-Phất cũng chấp tay, thốt lên:

- Ôi! thật kỳ diệu thay! thật là hy hữu! thật là một chuyện lạ lùng chưa từng thấy! Này hiền đệ! Năng lực tinh thần, năng lực thần thông của hiền đệ mới kỳ vĩ và siêu tuyệt làm sao! Làm thế nào với khoảng cách giữa hai ngọn đồi xa như thế mà hiền đệ có thể thấy tức khắc một Aùc Dạ-Xoa đến và bay đi? Rõ ràng là đôi mắt của hiền đệ quả là siêu tốc, chẳng lấy gì so sánh nổi!

Cả hai vị Thánh tán thán, ca ngợi nhau mà ai cũng khiêm tốn, trung thực tận đáy lòng.

* * *

Buổi chiều, khi vào trong làng, bên nhóm những vị tỳ-khưu, Ðại Ðức Mục-Kiền-Liên kể lại câu chuyện về hung thần và khả năng đại định kỳ lạ của Ðức Xá-Lợi-Phất cho mọi người nghe; rồi Ðại Mục-Kiền-Liên hỏi Ngài Xá-Lợi-Phất:

- Bạch Ðại Ðức! Chỗ bị đánh trên đầu của Ðại Ðức giờ còn ê ẩm chăng?

Biết là người hiền đệ của mình muốn trở lại đề tài Vô Ngã, nên Ngài trả lời:

- Không sao! ấy chỉ là một cảm thọ thôi. Thọ ấy có sinh thì thọ ấy có diệt. Sinh và diệt là bản chất, là tính chất của các cảm thọ - cũng như của tưởng, của hành, của thức! Chẳng có cái ngã nào ở đấy để gánh chịu cả. Hiền đệ sao không nói về sự vận hành vô ngã của ngũ uẩn cho huynh đệ ở đây nghe?

Ðại Mục-Kiền-Liên tự nghĩ:

"- Ðây là phải thời để hiền huynh ta giáo giới cho một số tỳ-khưu tà kiến, ngu si này."

Bèn tự lấy tọa cụ đặt trên một chỗ cao ráo, bằng phẳng, sạch sẽ; cung thỉnh Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất ngồi lên đấy, rồi nói:

- Xin Ðại Ðức bi mẫn chỉ giáo! Ðại Ðức vừa nói đến sự vận hành vô ngã của ngũ uẩn, vậy xin Ðại Ðức giảng rộng thêm. Ðã từ lâu có rất nhiều giáo phái quan niệm có một "cái ta", có một Atman, một linh hồn trường cửu. Linh hồn ấy gây nhân, linh hồn ấy gặt quả. Quan niệm ấy có đúng không? Chủ thuyết ấy có sai lầm chăng? Trong Giáo Hội của Ðức Tôn Sư, có người vẫn chưa thông hiểu rốt ráo về ngũ uẩn, về cái ta, về Atman! Do đó, những khởi nghi tồn tại ở đâu đó, như những cái rác vô hình vướng trong mắt; nên những chấp kiến, những dị kiến mơ hồ, xao xác đã từng có mặt ở đây, giữa chư huynh đệ này, rằng là "Niết Bàn là Vô Ngã", rằng là "Vô Ngã là Niết Bàn"! Vậy cúi xin Ðại Ðức lấy Ðại Trí Tuệ của mình soi rọi những chỗ tối tăm để cho đại chúng thảy đều lợi lạc.

Ðức Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Hiền đệ ta khổ tâm vậy thay! Hiền đệ ta đã cung kỉnh ta như vậy cũng vì lợi ích cho phần đông. Vậy ta cũng nên giải nghi cho họ - và ta sẽ tạo duyên - thành một buổi thuyết pháp vấn đáp thú vị".

Bèn bước xuống pháp tòa, tự tay bỏ thêm bên cạnh một tọa cụ nữa, thỉnh Ðại Ðức Mục-Kiền-Liên lên ngồi. Khi cả hai cùng đã an tọa, Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất hướng về đại chúng đang đoanh vây, nói rằng:

- Chúng tôi, cả hai cùng thuyết, chư huynh đệ hãy lắng nghe.

Nhóm tỳ-khưu từ Vesalì và rất nhiều nhóm tỳ-khưu khác nữa, nhân duyên gặp hai vị Tôn giả ở đây, quả là hy hữu. Từ lâu, họ đã nức tiếng nghe danh hai vị Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật: một vị Ðệ Nhất Ðại Trí Tuệ, một vị Ðệ Nhất Ðại Thần Thông! Bây giờ đang cùng có mặt ở đây, thân tướng trang nghiêm, giọng nói với những âm thanh tuyệt hảo. Thật có phúc cho họ lắm. Kẻ âm thầm chiêm ngưỡng. Kẻ tán thán ca ngợi thì thào. Kẻ chấp tay kỉnh mộ. Gặp hai vị Ðại Ðệ Tử thì chẳng khác gì gặp Ðức Phật vậy. Cả hội chúng bắt đầu im lặng, một con muỗi bay vo ve cũng nghe được âm thanh.

Giọng Ðức Xá-Lợi-Phất gióng lên như tiếng chuông ngân:

- Ðại Mục-Kiền-Liên cho bần đạo được hỏi: tất cả các Sắc thô hay tế, thù thắng hay hạ liệt, trong hay ngoài, gần hay xa, quá khứ, hiện tại hay vị lai - tất cả các Sắc ấy, Ðức Tôn Sư đã thuyết rồi, nó là hữu ngã hay vô ngã?

- Bạch, là vô ngã.

Ðại đức Xá-Lợi-Phất đưa một cánh tay lên:

- Ðây có phải là sắc không?

- Thưa, phải.

Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất đưa một que củi lên:

- Ðây có được gọi là sắc không? là vô ngã không?

- Bạch, cũng là sắc, cũng là vô ngã!

Ðức Xá-Lợi-Phất chăm chú nhìn que củi, nói rất lớn mà như nói cho chính mình nghe:

- Lạ nhỉ! que củi này là vô ngã, vô ngã là tính chất của que củi này; tính chất của que củi này là vô ngã. Nếu ai đó bảo rằng Vô Ngã là Niết Bàn thì té ra người ta cần cầu tu tập để đạt cho được tính chất của que củi này!

Cả đại chúng lạnh ngắt, ngỡ ngàng. Họ chăm chú nghe Bậc Tướng Quân Chánh Pháp nói, chăm chú nhìn que củi! Rồi cả hội chúng nổ ra một trận cười! Một trận cười ứa nước mắt. Một trận cười hỷ lạc! Một trận cười rõ ràng là họ đã thấu suốt vấn đề. Té ra điều mà họ sôi nổi tranh luận chưa biết ai đúng, ai sai chỉ là que củi, trò cười trên tay Bậc Ðại Trí Tuệ!

- Lành thay! Chúng đệ tử đã hiểu.

Ðể cho hội chúng xôn xao lắng xuống, Ðức Xá-Lợi-Phất tiếp tục thuyết giảng:

- Này chư huynh đệ! Hãy nhìn lại tấm thân một trượng này; cái tấm thân có bì da đựng thịt, đựng xương, biết mặc áo, ăn cơm, biết đi đứng, nói năng - nó là cái tiến trình vận hành, tiếp nối, liên tục, sinh diệt từng giây khắc của ngũ uẩn ấy thôi. Một cảm thọ khởi lên, ghi nhận cảm thọ là tưởng, tham sân si tác động là hành, nhận biết toàn bộ tiến trình ấy là thức. Thức nhận biết, kinh nghiệm toàn bộ tiến trình ấy... rồi sanh khởi ngũ uẩn mới, thức tiếp xúc với sắc mới tạo ra thọ mới, tưởng mới, hành mới rồi thức mới... cứ như thế cho đến vô tận tử sanh, vô tận trầm luân không bao giờ ra khỏi. Là thường nhân, là phàm phu, vì không có tu tập, không có tuệ giác, vì không thấy, không biết nên cứ tưởng là có một Atman, một linh hồn trường cửu. Vậy hãy như chân như thật thấy rằng: ngũ uẩn ấy là không, ngũ uẩn ấy là vô ngã!

- Lành thay! Chúng đệ tử đã hiểu.

Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất quay qua Ðại Mục-Kiền-Liên:

- Bạch Ðại Ðức : ngũ uẩn là vô ngã, vậy vô ngã của ngũ uẩn có phải là Niết Bàn không?

- Thưa, không phải!

Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất quay lại nhìn đại chúng:

- Nầy chư huynh đệ! Vậy ở đây "Vô Ngã là Niết bàn" rõ ràng là tà kiến, là kiến hoang vu, kiến rừng rậm, kiến kiết phược, kiến hý luận, kiến điên đảo,...! Vô ngã là sinh diệt, không có tự tính, không có thực thể, vậy nếu chấp Vô Ngã là Niết Bàn thì Niết Bàn ấy cũng sinh diệt, không có tự tính, không có thực thể hay sao?

Nghỉ hơi một lát, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại hỏi Ðại Mục-Kiền-Liên:

- Bạch Ðại Ðức! Các pháp hữu vi có vô ngã không?

- Bạch, các pháp hữu vi cấu tạo, do duyên sinh, kết hợp - lớn như vũ trụ trăng sao, nhỏ như một mảnh lân hư trần - tất cả chúng đều là vô ngã.

- Bạch Ðại Ðức! Còn các tâm niệm của chúng ta thì sao?

- Bạch, những tâm niệm tạo tác lăng xăng, tạo tác thiên đường, địa ngục, khởi nghĩ chuyện này sinh chuyện kia, chính là hữu vi, điều mà Ðức Tôn Sư đặt nặng trọng tâm, nó chính là hành, hữu vi ấy là hành. Hành chính là tạo tác ấy.

- Nó có vô ngã không?

- Thưa, nó chính là vô ngã!

Ðể cho hội chúng suy nghĩ một lát, Tôn giả Xá-Lợi-Phất hỏi tiếp:

- Ðại Ðức đã cho biết về tất cả pháp hữu vi, bên trong và bên ngoài - tất cả chúng đều là vô ngã. Vậy còn những pháp vô vi, pháp không tạo tác, pháp trong tâm của Chư Phật, chư vị A-La-Hán, pháp ấy như thế nào?

- Pháp ấy cũng vô ngã.

- Quý hóa thay! lành thay! Tất cả các pháp đều là Vô Ngã. Tất cả Pháp là gồm pháp hữu vi và vô vi! Vậy có lý chăng khi bảo rằng: "Vô ngã của hữu vi và vô vi ấy là Niết Bàn?"

- Không thể được!

- Nầy chư huynh đệ! Vô ngã là tính chất, là trạng thái của tất cả các Pháp dầu là hữu vi hay vô vi! Vậy thì có thể lập ngôn: "Vô Ngã là Niết Bàn" chăng?

Cả đại chúng đồng thanh nhất loạt:

- Không thể được!

Các vị tỳ-khưu phát biểu rất lớn:

- Bạch Ngài! Chúng đệ tử hiểu rồi, chúng đệ tử đã rõ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng đệ tử vô cùng tri ân nhị vị Thượng Thủ của Giáo Hội đã trăm phương nghìn cách, vì lòng bi mẫn đã vận dụng tâm trí, đã khổ công khai sáng cho chúng đệ tử!

Một vị tỳ-khưu khác lại tán thán:

- Kỳ diệu thay Trí Tuệ của Bậc Tướng Quân Chánh Pháp! Kỳ diệu thay Trí Tuệ của Bậc Vô Thượng Thần Thông! Chỉ vài đoạn đối thoại của quý Ngài là những tà kiến ngu si bị vỡ tan như những bọt nước.

Một vị tỳ-khưu nào đó, đứng ở phía sau, cười ha hả một hồi rồi thốt lên:

- Ha, ha!... Cái đống phân dơi này là vô ngã, té ra đống phân dơi này cũng Niết Bàn... Ha, ha!

Ðức Xá-Lợi-Phất vẫn trang nghiêm, phất tay cho đại chúng im lặng rồi hỏi tiếp Ðại Mục-Kiền-Liên:

- Bạch Ðại Ðức! Niết Bàn là gì?

- Bạch, là gì... thì không nói được!

- Tại sao không nói được?

- Ðức Tôn Sư thường im lặng mỗi khi ai hỏi Niết Bàn là gì.

- Vậy tại sao ở đây, giữa hội chúng nầy, có người đã phát ngôn thành lời: "Niết Bàn là Vô Ngã"?

- Ðức Tôn Sư không nói mà ở đây có người nói được là vì họ chưa nghe được lời dạy bảo của Ðức Tôn Sư.

- Xin vì lòng bi mẫn, Ðại Ðức hãy cho hội chúng rõ, Ðức Thế Tôn đã chỉ dạy ra sao về điều ấy?

- Ðức Thế Tôn dạy rằng Niết Bàn ở ngoài bốn phạm trù sau đây: ở ngoài cái "có", ở ngoài cái "không", ở ngoài cái "vừa có vừa không", ở ngoài cái "không có không không".

Ðến đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói cho đại chúng nghe:

- Nầy chư huynh đệ! Huynh đệ đã nghe rõ ràng lời dạy của Ðức Tôn Sư được Trí Tuệ của Ðại Mục-Kiền-Liên lập lại. Vậy có lý chăng khi chúng ta còn ôm ấp luận kiến: "Niết Bàn là Vô ngã"?

Cả hội chúng đồng thanh:

- Không có lý chút nào!

Vị tỳ-khưu ở lẫn phía sau lại nói to:

- Bạch quý Ngài! Nói không có lý chút nào cũng chưa đúng lắm. Phải nói là lý ngu si, lý tối tăm, lý ngốc nghếch, lý phẩn dơi, lý phẩn chim, lý que củi ạ!

Một giọng khác át đi:

- Huynh đệ, hãy từ tốn cái miệng. Chúng ta là tỳ-khưu, đều là chúng đệ tử của Giáo Hội Ðức Tôn Sư; ở đây lại còn có hai bậc Thượng Thủ, hai bậc Ðại Trưởng lão đạo cao đức trọng. Chúng ta phải biết lựa lời cho dễ nghe một chút. Nhị vị Trưởng lão sẽ không chấp nhất chúng ta, nhưng chúng ta cũng phải biết tự hổ thẹn chứ!

Một giọng khác:

- Ðại Ðức nói đúng đấy! Phải biết nghe lời nói đúng! Phát ngôn của vị tỳ-khưu nào đó không phải sai, không phải ác khẩu, không phải vọng ngữ... nhưng dường như chưa được là mỹ ngữ, thanh tịnh ngữ cho lắm!

- Hoàn toàn đúng!

Ðức Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên đều mỉm cười. Lòng của hai vị rất vui, rất hoan hỷ. Họ đều nghĩ rằng, trong không khí vừa nghiêm túc, vừa đứng đắn, vừa cởi mở này thì nên giải tan luôn cho đại chúng những mối nghi, những tà kiến, những loạn kiến còn tồn tại xung quanh các tranh luận về Niết Bàn. Chuyện ấy không những chỉ xảy ra ở đây, mà có thể ở khắp mọi nơi, bất cứ chỗ nào "khổ đế" chưa được liễu tri và rốt ráo Phạm hạnh chưa được thấy rõ.

Ðại Mục-Kiền-Liên nói với đại chúng:

- Chư hiền! Thế là những câu trả lời sắc bén và thực luận đanh thép của Tôn giả Xá-Lợi-Phất về hai vấn đề : " Vô Ngã là Niết bàn, Niết Bàn là Vô Ngã" đã bị rã tan như nắm tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Trong chư hiền có ai nghi ngờ gì về điều ấy nữa không?

- Bạch Ngài, hoàn toàn không, hoàn toàn thấu suốt.

Một tỳ-khưu cất giọng rổn rảng:

- Một ngụ ngôn rất xưa về con cá và con rùa trong chiếc ao nọ, không ai là không biết, nhưng đây là vì chúng đệ tử không chịu tu tập, không chịu kham nhẫn, khổ công ngày đêm hiện quán; cứ tưởng là trí năng, luận lý có thể với tới bến miền bên kia mà sinh ra đa ngôn, đại vọng, ngã mạn. Rõ chúng đệ tử là những con cá ngu si, tự mãn, kênh kiệu trong cái ao tù đọng của đời mình. Xin nhị vị Tôn giả xá tội cho.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất hoan hỷ:

- Lành thay! Chư hiền không có tội gì!

Im lặng nhìn quanh một lát, Tôn giả nói tiếp:

- Còn những tri kiến liên hệ đến Niết Bàn sau đây, chúng ta cũng nên đem ra thảo luận, hy vọng chư hiền sẽ đi đến chỗ "kiến hòa".

- Xin Tôn giả giáo giới.

- Này chư hiền! Nếu ở đây có người bảo: " Niết Bàn là thường còn" - Chư hiền nghĩ thế nào?

Ðại chúng đồng thanh đáp:

- Là thường kiến, tà kiến.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất hỏi tiếp:

- Niết Bàn là thường lạc?

- Là thường kiến, tà kiến!

- Cũng vậy, họ còn quan niệm là "thường ngã", "thường tịnh"?

- Là thường kiến, tà kiến!

- Niết Bàn là gồm cả "thường, lạc, ngã, tịnh"?

- Là thường kiến, tà kiến!

Ðại Mục-Kiền-Liên chợt nói:

- Chư hiền! Chư hiền có biết tại sao các luận sư ngoại đạo đem "thường, lạc, ngã, tịnh" gán cho Niết Bàn chăng?

Ðại chúng im lặng, có vẻ đang suy nghĩ thì có một người đáp:

- Thưa Tôn giả! Có lẽ đấy là cái bánh bằng " bột ngoại", trộn nhiều đường và chiên nhiều mỡ, ngon lắm đấy!

Cả hội chúng cười.

- Tại sao? Có người hỏi.

- Sao nữa! Vẫn giọng người kia - nhưng đấy là cái bánh vẽ, huynh đệ ạ! Tưởng là ngon nhưng không ăn được đâu.

- Ðứng có xa đề. Liệu hồn cái miệng, có nhị vị Tôn Túc Trưởng lão ở đây.

- Sao lại xa đề! Tôi biết hai vị Tôn giả không chấp ngôn, chấp ngữ; và tôi cũng biết là hai vị Tôn giả đáng kính biết tôi nói gì.

Một vị tỳ-khưu nói to:

- Tôi hiểu.

- Giải thích đi! Mọi người giục.

- Thưa chư Tôn giả - vị tỳ-khưu kia đáp - Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư dạy rằng: "Các pháp hữu vi là vô thường, thay đổi, biến hoại!" Nghe vậy, chúng sanh chạy tới, chạy lui hớt hải, bất an. Bọn luận sư ngoại đạo bèn kêu lại: "Ðến đây, đừng sợ! Hãy đến đây mà tu theo giáo pháp của ta! Giáo pháp của ta là chiếc tàu to lớn, bằng sắt, ngang rộng cả hàng trăm do tuần, kiên cố, vững bền, thường hằng, bất hoại - có thể chở hết tất cả chúng sanh không phân ngu trí, trẻ già, tôm tép, lươn chạch... đi đến thế giới trường xuân, miên viễn!" Vậy thì, thưa chư Tôn giả! Ðấy không là chiếc bánh nhiều mỡ, nhiều đường là gì?

- Hay lắm,! Ðúng lắm! Nói tiếp đi!

- Giáo Pháp của Bậc Vô Thượng Giác dạy rằng: " Các pháp hữu vi, tạo tác, kết hợp... là khổ!" Nhưng cái bọn lắm miệng, xảo trí kia bèn đem ra cái bánh khác, chúng nói: "Lại đây các bạn! Hãy lại đây mà tu theo giáo pháp này! Tu theo giáo pháp này sẽ được 'thường lạc, thường vui', sung sướng lắm! Cực lạc lắm! Sung sướng cực kỳ!

- Tuyệt vời thay là huynh đệ! Cho nghe tiếp!

- Giáo Pháp của Ðức Thế Tôn dạy rằng: " Tất cả các pháp, dẫu hữu vi, dẫu vô vi đều là vô ngã, không có tự tính, không có thực tính". Chúng sanh bơ vơ quá không biết bám víu vào đâu. Bọn luận sư ngoại đạo bảo rằng, không phải vậy, tu theo các ông đây thì chân ngã cũng có, hữu ngã cũng có, đại ngã cũng có! Thưa chư Tôn giả! Vậy là chúng lại đưa thêm những cái bánh khác, thơm nức!

Hội chúng cười ồ thú vị.

Chợt một người hỏi:

- Còn "thường tịnh" thì sao hở huynh đệ?

- Hả! Thường tịnh hả! Thì cũng vậy thôi! Chư Tôn giả đã từng ta-bà khắp các thành phố lớn ở Châu Diêm Phù Ðề này, chắc chư Tôn giả đã thấy rõ điều ấy rồi!

- Thấy sao ạ?

- Thấy người ta đâm chém nhau để kiếm tiền, thấy người ta dùng đủ tất cả mọi thủ đoạn gian manh quỉ quyệt để làm giàu. Làm giàu để làm gì vậy? Một là lấp cho đầy cái túi tham không đáy. Hai là để được vinh cái thân, phì cái da. Cho cái thân ấy được đú đởn, ăn ngon mặc đẹp, trang điểm hoa hòe, hoa sói, lên ngựa xuống xe, nhà cao cửa rộng... Nghĩa là chúng sanh chỉ vì muốn cho cái thân được sung sướng, cực lạc mà không từ nan bất cứ ác nghiệp nào! Ðức Vô Thượng Chí Tôn vì thấy chúng sanh bám víu, đeo luyến, chìm đắm, mê chấp vào cái thân mà đi vào con đường đọa đày, thống khổ... nên Ngài phải chỉ cái "như thực" của cái thân ấy cho chúng sanh thấy. Cái thân ấy à - thấy mà ghê! Nào đờm, dãi, phân, nước tiểu, phổi phèo, tim cật... Nào là bệnh lác, bệnh hủi, ghẻ, mụt nhọt v.v... Ôi! Tất cả đều gớm ghiết! Quán thân "b?t tịnh" là vậy. Thân như gốm sứ mỏng manh, là cái bao da đựng thịt xương, máu mủ, là một đống thịt thối, một ổ bệnh tật, một cái hòm tội lỗi, đớn đau và phiền não. Ðấy là cái như thực. Như thực bất tịnh là cái thân này. Thế mà chúng ngoại đạo đưa ra cái chủ trương "thường tịnh" là sao hở? Chúng có âm mưu gì? Có phải nối dài con đường đau khổ để chúng sanh mê đắm, đú đỡn nơi cái thân? Hay là quả thật chúng thấy đờm dãi, phân, nước tiểu... kia là thanh tịnh, thường trong sạch, thường ngon thơm hả?

Hội chúng lại cười.

Thấy họ đã đi quá xa trong sự luận bác thiên về chỉ trích chứ không thiên về trình bày, kiến giải, xây dựng nên Tôn giả Xá-Lợi-Phất ngăn lại:

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, chư hiền! Chúng ta đừng nên đi quá xa. Ðức Tôn Sư có nói rằng: "Thế gian luận tranh với Như Lai - Như Lai không luận tranh với thế gian". Vậy thì vấn đề Niết bàn, hy vọng rằng từ rày về sau chúng ta đừng rơi vào những luận kiến ấy nữa. Từ rày về sau chúng ta đừng nên đoán mò, giải thích, lý luận Niết Bàn là như thế nào. Không đúng đâu. Niết Bàn không có thể nói bằng ngôn ngữ, ý niệm. Niết Bàn là cái thực, cái chân đế, cái siêu thế. Nó ở ngoài mọi nắm bắt của lý trí, kiến thức, tri thức; Niết Bàn là cái mà chúng ta phải tu chứng, hiện quán, kiến chiếu để thấy rõ, để thể nhập chứ không phải ở đầu môi, chót lưỡi. Thấy Niết Bàn là phải thấy bằng Tuệ nhãn, bằng Trí Tuệ Bên Kia Bờ, Trí Tuệ của Ðệ Nhất Nghĩa Ðế. Dùng các khái niệm, ý niệm của bờ bên này, của tục đế mà diễn đạt, nói năng, lập ngôn để kiến giải về bờ bên kia thì chẳng khác gì con cá ở trong ao hồ mà kể chuyện trên mặt đất cho mọi người nghe! Có phải vậy không, chư hiền?

- Ðúng vậy! Tri ân nhị vị Trưởng lão!

Có tiếng một người:

- Vậy vô ngã là gì nhỉ?

Một người đáp:

- Câu hỏi ấy đã là hữu ngã rồi đấy, huynh đệ!

- Một niệm khởi, không chấp vào niệm ấy là vô ngã; chấp nào niệm ấy là hữu ngã, huynh đệ!

Chợt Ðại Mục-Kiền-Liên cao giọng:

- Chư hiền hãy nghe đây! Những giải đáp của chư hiền là đúng, tuy nhiên chưa nói ra được cái lý do cốt yếu mà chúng ngoại đạo gán ghép "thường, lạc, ngã, tịnh" cho Niết Bàn. Thứ nhất, ở đây, có kẻ vô văn phàm phu không học pháp của bậc Thánh, không tu tập pháp của bậc Thánh, không thấy rõ, không chứng đắc pháp của bậc Thánh - nên chúng bảo rằng Niết Bàn của ông Cồ Ðàm là hư vô còn Niết Bàn của chúng là đầy đủ thường, lạc, ngã, tịnh. Thứ hai, khi mà lý tưởng về một đấng Phạm Thể, đấng sáng tạo chủ, đấng hóa sanh chủ, đấng thượng đế hằng sinh, đại ngã thần hóa truyền đời của đạo Bà la môn đã bị Ðức Tôn Sư đập vỡ, hạ bệ, lôi tuột xuống mặt đất - chúng bèn đưa ra một luận điểm khác, chủ trương khác: thường, lạc, ngã, tịnh - là nội dung, là tính chất của Niết Bàn! Chư hiền có biết sao không? Thường, lạc, ngã, tịnh chỉ là trạng thái tâm, là cảnh giới của vị Ðại Phạm Thiên, bất cứ ai trong chư hiền ở đây đắc định sơ thiền vững chắc đều có thể hóa sanh ở đấy và sống đầy đủ với bốn ảo tưởng thường, lạc, ngã, tịnh nầy!

Ồ! Thật không có gì rõ ràng hơn thế nữa!

Kỳ diệu thay! Sau buổi vấn đáp, trao đổi, thảo luận ấy có rất nhiều vị tỳ-khưu chứng được Tu-Ðà-Huờn, nhập vào dòng Thánh.

Khi mọi người từ giã nhau, tản mát trong rừng cây, vườn nhà, trong làng để tạm trú qua đêm - Ðức Ðại Mục-Kiền-Liên nói với Tôn giả Xá-Lợi-Phất:

- Thù thắng sao là buổi thiền đàm này! Thù thắng sao là trí tuệ của hiền huynh! Những tỳ-khưu trẻ này, từ đây đã hoàn toàn giải được những mối nghi. Mau hay chậm họ cũng thấy rõ Niết Bàn thôi.

- Vâng, đúng vậy! Trí tuệ đoạn tận lậu hoặc sẽ đến với họ, mau hoặc chậm thôi!

Ðại Mục-Kiền-Liên chợt hỏi:

- Còn hành trình trí tuệ của hiền huynh như thế nào? Nghĩa là hành trình trí tuệ để đoạn lìa phiền não nội tâm, đoạn lìa vi tế sở tri chướng của hiền huynh nó mau hay chậm để thấy đạo, thấy quả?

- Có bốn hạng người thành tựu trực giác giống nhau nhưng căn cơ nhanh, chậm khác nhau đấy hiền đệ ạ!

- Xin hiền huynh giảng rộng ra.

- Vâng! Hạng tiến hóa vừa khó khăn vừa chậm chạp. Hạng tiến hóa khó khăn nhưng nhanh chóng. Hạng tiến hóa dễ dàng nhưng chậm chạp. Hạng tiến hóa vừa dễ dàng vừa nhanh chóng!

-Hiền huynh chắc phải là căn cơ bậc thượng!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất hỏi:

- Còn đệ thì như thế nào?

Ðại Mục-Kiền-Liên mỉm cười đáp:

- Dĩ nhiên là không thể bằng Bậc Ðại Trí Tuệ rồi!

Cả hai vị Ðại Ðệ Tử này dường như là cố ý san sẻ, bổ túc cho nhau để ai cũng có thể đi đến chỗ toàn bích. Hơn ai hết, họ biết rằng, kiến thức, trí tuệ của một vị A-La-Hán không thể so sánh với kiến thức, trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác. Chính Ðức Phật Thích Ca thuở còn là đạo sĩ Sumedha, Ngài có thể chứng đắc đạo quả A-La-Hán vào thời Ðức Phật Nhiên Ðăng (Dìpankara) nhưng Ngài đã không an trú ở đấy. Ngài đã bổ túc công hạnh, trí tuệ trải qua hai mươi bốn vị Phật Tổ - từ Phật Nhiên Ðăng cho đến Phật Ca-Diếp - là bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để hành Ba-La-Mật. Vậy một vị A-La-Hán tuy đoạn tận vô minh, ái dục, phiền não, được vô sanh và giải thoát nhưng còn biết bao nhiêu kinh nghiệm. phương tiện trí cần phải được học hỏi; biết bao nhiêu loại trí tuệ, công hạnh khác cần phải được bổ túc cho tròn đủ vì lợi ích cho phần đông.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |11| Mục lục


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 02-07-2001