BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, 1996


  

[03]

Ánh nắng siêu thoát

Vua Bình Sa Vương (Bimbisàra - Tần-Ba-Sa) trị vì quốc độ Ma-Kiệt-Ðà (Magadha) - một đế quốc hùng mạnh, đóng đô tại kinh thành Vương-Xá (Ràjagaha) - là vị thí chủ đầu tiên của Ðức Phật trong hàng vua chúa.

Khi thái tử Sĩ-Ðạt-Ta thoát ly đời sống vương giả, trên đường lang thang tìm đạo, có ghé qua Vương-Xá thành. Và một hôm, nhà vua trông thấy Ngài, một đạo sĩ khiêm tốn đang đi khất thực trên đường phố. Vua lấy làm kính cảm khi thấy tướng mạo uy nghi, tư cách trang nghiêm, thanh tịnh của Ngài nên sai người đi dò thăm. Khi được biết rằng, thường bữa, sau khi độ ngọ thì vị đạo sĩ cao quý ấy ngụ tại Pandavapabbata, vua cùng đám tùy tùng đến viếng Ngài và trao đổi chuyện.

- Thưa Ðạo Sĩ! Vua Bình Sa chấp tay cung kỉnh hỏi - Trẫm thấy Ðạo Sĩ có cốt cách và dung mạo khác thường, chắc hẳn không phải là hạng dân dã mà xuất thân phải thuộc dòng tộc cao quý nhất, hùng mạnh nhất. Trẫm tò mò muốn biết, có khi không phải, mong Ðạo Sĩ hỷ xả bỏ qua cho. Rằng, lý do làm sao, Ðạo Sĩ tuổi đang còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh, lại chấp nhận đời sống nghèo hèn của hạnh khước từ? Hiện tại đời sống ấy ra sao? Và tương lai, cứu cánh ấy như thế nào?

Ðạo Sĩ Cồ-Ðàm trả lời:

- Chẳng có gì, tâu Ðại vương! Phía trước đây, không xa lắm, dưới chân Hy mã lạp sơn, trong châu thành Kosala của những gia tộc cổ kính, một bộ tộc cường thịnh và phú túc: tôi xuất thân ở đấy, triều đại Thái Dương, dòng dõi Thích Ca (Sàkya).

Vì nhận thức được mối hiểm nguy, tệ hại của thú vui vật chất nên tôi đã rũ bỏ vương bào, khoác mảnh y hoại sắc của người khất sĩ. Hiện tại tôi không còn muốn bám víu vào ngũ dục, tôi xuất ly chúng và cần cầu cái gì cao thượng hơn. Giờ đây tôi cảm thấy được thoải mái trong đời sống xuất gia. Tôi được an lạc, cảm ơn Ðại Vương đã quan tâm!

Vua Bình Sa nghe vậy rất hoan hỷ, kính thỉnh Ðạo Sĩ Cồ-Ðàm, sau khi chứng ngộ đạo quả, hãy trở về viếng thăm vương quốc Ma-Kiệt-Ðà. Ðạo Sĩ Cồ-Ðàm cũng hứa khả với đức vua như vậy.

Mấy năm sau, đắc đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ðức Phật từ giã cội Bồ Ðề bên sông Ni Liên, lên đường chuyển bánh xe Pháp, gióng lên tiếng trống Bất Tử.

Ðầu tiên, Ngài đến vườn Lộc Giả, độ cho năm anh em Kiều Trần Như - là những kẻ cùng tu khổ hạnh năm nào. Tại Ba-la-nại, Ðức Phật độ cho Yasa và bằng hữu của ông, cả thảy năm lăm người. Cùng với nhóm Kiều Trần Như là sáu mươi vị A-La-Hán, từ đó, Ngài thành lập Giáo Hội Tăng Già đầu tiên, gồm những người thuộc giai cấp lãnh đạo, có học thức, cao sang nhất trong xã hội thời bấy giờ.

Ðức Phật quyết định gởi sáu mươi vị A-La-Hán di khắp các nơi truyền bá Giáo Pháp mới mẻ này. Ngài nói với các đệ tử:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai đã thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, dầu ở cảnh người hay ở cảnh trời. Các con cũng vậy, hỡi các thầy tỳ-khưu! Các con cũng đã thoát khỏi mọi sự trói buộc, dầu ở cảnh người hay ở cảnh trời.

Hãy ra đi! Nầy các thầy tỳ-khưu! Ðem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại sự hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại lợi ích, an lạc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi mỗi ngã. Hãy hoằng dương Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối; toàn hảo trong cả hai: tinh thần và ngôn ngữ. Hãy công bố đời sống thiêng liêng và cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch. Có chúng sanh vướng ít bụi cát ở trong mắt sẽ am hiểu Giáo Pháp, hiện quán Giáo Pháp và thân chứng Giáo Pháp. Có chúng sanh dẫu ít bụi cát ở trong mắt, nhưng nếu không nghe được Giáo Pháp, liễu tri Giáo Pháp, chúng sẽ sa đọa.

Các thầy hãy ra đi vì lòng bi mẫn, vì lòng thương tưởng đối với chúng sanh đang khổ nạn; đang bị bít bùng, đoanh vây bởi phiền não chướng, sở tri chướng. Chính Như Lai cũng phải ra đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Sanànigàma. Như Lai sẽ đi qua vùng Chư-Thiên-Ðọa-Xứ (Isipatana), đến Vương-Xá thành hoằng dương Giáo Pháp, cứu độ cho nhiều người hữu duyên.

Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy gióng lên tiếng trống của Chân Phúc và Bất Tử. Hãy truyền dạy Giáo Pháp giản dị, thiết thực và cao siêu chưa từng được nghe. Hãy mang lại niềm hy vọng an bình cho nhân thế. Ðược vậy là các thầy đã làm xong việc phải làm trên đời này!

Sau khi Ðức Phật tuyên bố như vậy, sáu mươi vị thánh A-La-Hán chia nhau đi các phương.

Ðức Phật ghé vùng Chư-Thiên-Ðọa-Xứ, độ cho ba mươi người xuất gia theo phạm hạnh. Ngài đến vùng Uruvela độ cho anh em ông Ca-Diếp cùng một ngàn đệ tử của họ. Trong một bài thuyết pháp về lửa ở Gàya Ngài đã độ cho không biết bao nhiêu người đắc quả, trong đó ba anh em ông Ca-Diếp đắc quả A-La-Hán.

Khi Ngài đến Vương-Xá thành, ở trong rừng kè thì chung quanh đã có hơn một ngàn thầy tỳ-khưu. Ðức Phật trở lại đây, kinh đô nước Ma-Kiệt-Ðà là thể theo lời thỉnh cầu trước đây của Bình Sa Vương.

Tin lành đến tai vua, vì danh tiếng của vị giáo chủ vô song này đã bay khắp vương quốc, chấn động cả kinh đô tín ngưỡng, rung động những con tim tôn giáo. Ðức vua bèn hối hả cùng tùy tùng và thân quyến đến đảnh lễ và thăm viếng Ðạo Sĩ năm xưa.

Một vùng hào quang xán lạn và yên tĩnh từ kim thân Ðức Phật tỏa ra, vua Bình Sa cúi đầu rồi thành kính chiêm ngưỡng, và biết chắc, đây là một bậc Ðại Giác Ngộ đích thực đã ra đời. Sau thời pháp, ánh sáng chân lý đến với mọi người. Bình Sa Vương đắc quả Tu-Ðà-Hườn, xin quy y Tam Bảo; sau đó, Ðức vua xin thỉnh Ðức Phật và Tăng Chúng về cung điện thọ trai ngày hôm sau.

Trong dịp này, Bình Sa Vương xin làm bổn phận của một đệ tử cư sĩ, ngõ ý cúng dường khu Trúc Lâm của mình - là nơi không xa cũng không gần thành phố - để cho Chư Tăng dễ dàng hành đạo; và để cho những ai, có thể đến thính pháp rất tiện lợi. Ðây là khu rừng tre mát mẻ, ban ngày không ồn ào, ban đêm yên tĩnh, kín đáo mà khoảng khoát, trong lành.

Trúc Lâm còn được gọi là nơi trú ẩn của loài sóc, tại đây, Ðức Phật đợi chờ cho nhân duyên chín muồi để độ cho hai nhân cách siêu việt, hai vị đại đệ tử, hai ngôi sao của Giáo Hội. Ấy là Upatissa (Xá-Lợi-Phất ) và Kolita (Mục-Kiền-Liên) vậy.

* * *

Khi Ðức Thê Tôn đang ở Trúc Lâm thì Ðại Ðức Assaji, một trong năm vị đệ tử A-La-Hán đầu tiên thuộc nhóm Kiều Trần Như, theo lời dạy của Ðức Phật, lên đường chuyển bánh xe Pháp, cùng đi về một phương với Ðức Phật, theo hướng Vương-Xá thành.

Nhân duyên của Upatissa đã đến.

Hôm đó, chàng cũng ở tại Vương-Xá thành, đang trên đường đi thăm đạo sĩ Sanjaya, thì chợt nhiên nhìn thấy một tu sĩ y bát trang nghiêm, dung nghi từ tốn; mắt nhìn xuống, tĩnh lặng, khiêm hòa; gương mặt trầm tĩnh, buông xả và tự tại. Tất cả đấy biểu lộ một sự vắng lặng, an tịnh, ổn định sâu xa ở bên trong; nó còn nói lên một sự dừng lặng, ngưng nghỉ, tĩnh tại - cái không còn xôn xao, lăng xăng tìm kiếm! Vị Ðại Ðức khả kính nọ khoan thai, chừng mực đi từ nhà này sang nhà khác, nhận lãnh ít vật thực khiêm tốn từ tấm lòng của mọi người. Cốt cách siêu phàm và bình dị của bậc chân tu khiến Upatissa tò mò để ý. Chưa bao giờ chàng được gặp một Bà la môn, Sa môn, một đạo sĩ, một tu sĩ, một nhân cách, một con người bình thường và vĩ đại như vậy. Chắc chắn Ngài là một trong những vị đã đắc quả A-La-Hán (lý tưởng phổ thông thời bấy giờ) hay ít ra là một trong những vị đang đi trên con đường dẫn đến đạo quả A-La-Hán.

Upatissa tự nhủ: "- Ta hãy đến gần và hỏi Ngài: Vì sao Ngài thoát ly thế tục? Thầy của Ngài là ai? Ngài truyền bá giáo lý gì?"

Tuy nhiên, thấy Ðại Ðức Assaji đang yên lặng đi trì bình, Upatissa không dám làm rộn Ngài.

Khi Ðại Ðức Assaji đi bát xong, hướng mắt đến một khu rừng xa cất bước, Upatissa cung kính đi theo sau, tự nghĩ:

"- Chắc chắn Ngài đang tìm đến một nơi an tịnh phải lẽ để độ thực. Ta sẽ đi theo Ngài, tìm cách hầu hạ Ngài như một người đệ tử. Rồi ta sẽ hỏi đạo từ nơi Ngài."

Ðại Ðức Assaji biết có người đi theo sau, nghĩ rằng:

"- Mấy ông du sĩ ngoại đạo này thường cống cao, ngã mạn. Chúng không biết rằng, khi Ðức Thế Tôn xuất hiện ở trên đời thì tất cả các giáo phái chủ, giáo phái sư của chúng chỉ còn là những ngọn đèn le lói, những con đom đóm lập lòe! Thế mà chúng cứ muốn đem so ánh sáng của mình với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng! Tuy thế, ta cứ để cho chúng muốn làm gì thì làm với cái lập lòe, le lói ấy! Không ai có thể phá rối được sự an tĩnh của những đệ tử Ðức Tôn Sư - dẫu là uy lực của Chư Thiên, Phạm Thiên, ma quân hay loài người!"

Ðến một lùm cây cao, có bóng mát, Ðại Ðức Assaji đưa mắt nhìn bao quát một vòng rồi dừng chân lại.

Upatissa hiểu ý Ngài đã tìm ra được chỗ nghỉ, nên nhanh nhẹn lấy chiếc tọa cụ của mình mang theo, trải ra trên đám cỏ bằng phẳng, sạch sẽ rồi thưa rằng:

- Bạch Ngài, xin Ngài hãy an tọa trên tấm tọa cụ này. Xin Ngài hoan hỷ tiếp thọ tấm lòng thành kính của con.

Ðại Ðức Assaji gật đầu đáp trả, mỉm cười bình lặng, ngồi xuống rồi mang bình bát ra, để bên chân rồi thong thả độ thực. Ngài dùng chậm rãi, từ tốn, an trú chánh niệm trước mặt, rốt ráo hiện quán, rốt ráo tỉnh thức.

Upatissa đứng một bên, vòng tay cung kính, nét mặt trang nghiêm, bình lặng.

Một ý nghĩ khởi sanh trong tâm Ngài Assaji:

"- Người này, vị du sĩ trẻ tuổi này; tuấn mỹ, trang nghiêm và rất mực cung kỉnh này - biểu lộ một sự chân thực hiếm có! Ta chưa từng thấy ai, biết ai trong hàng ngoại đạo lại toát ra cái vẻ tri thức đích thực, đạo hạnh và khiêm tốn hy hữu như vậy. Phải chăng, đây sẽ là một đóa kỳ hoa khi được ánh nắng siêu thoát của Ðức Tôn Sư dọi đến?"

Ðại Ðức Assaji vừa rời tay khỏi bình bát sau khi thọ thực xong, Upatissa đã nhanh nhẹn và cẩn trọng dâng đến Ngài nước rửa, nước uống, tăm xỉa răng mà những du sĩ hành cước luôn luôn mang sẵn bên mình.

Ðại Ðức Assaji im lặng thọ nhận, tự nghĩ:

"- Không phải không duyên cớ mà y đến bên ta, cung kính và hầu hạ ta với tư cách một người đệ tử thuần hậu, ngoan ngoãn. Ta hãy tìm một chỗ phải lẽ để nghỉ ngơi, sau đó, thì giờ ta sẽ dành cho thiền định, an trú tâm giải thoát rồi ta sẽ xem thái độ của y ra sao."

Ðại Ðức Assaji đứng đậy. Upatissa nhanh chóng thu dọn, cất đặt mọi thứ rồi thưa rằng:

- Bạch Ngài! Chẳng hay Ngài có ý định tìm một gốc cây khác, một khu rừng khác để tỉnh chỉ vào buổi trưa? Ðệ tử xin được đi theo hầu hạ, có việc gì xin Ngài cứ tùy nghi sai bảo.

Ðại Ðức Assaji đáp:

- Bần đạo đã hoan hỷ thọ nhận tất cả mỹ ý của ngài rồi, vị du sĩ trẻ tuổi ạ! Nay đến thời tỉnh chỉ của bần đạo, khỏi phiền đến ngài nữa. Không rõ bần đạo có thể giúp ích được gì cho ngài đây?

Upatissa thỉnh Ðại Ðức Assaji ngồi xuống trở lại trên tấm tọa cụ của mình, cung kỉnh đảnh lễ sát đất, ôm chân bụi của Ngài rồi bạch:

- Ðệ tử lang thang tìm Ðạo đã nhiều. Ðệ tử đã lê gót ta bà khổ hạnh khắp mọi quốc độ, nghe nơi nào có vị đạo sư lỗi lạc đệ tử đều tìm đến chiêm ngưỡng, cúng dường, học hỏi giáo pháp. Ðệ tử ở trong truyền thống Bà la môn đã học hết kinh điển Bà la môn, tu tập hết mọi con đường dẫn đến Phạm Thể, nhưng cuối cùng vẫn bế tắc và khổ đau. Bao năm nay đệ tử khẳng khái phất tay từ bỏ chúng, bước ra ngoài chúng; đã học hỏi với rất nhiều giáo phái, rất nhiều chân sư hiện đại nhưng Chân Phúc và Bất Tử vẫn không tìm thấy!

Bạch Ngài, vị Sa môn khả kính! Ðệ tử chưa từng thấy ai có được ngũ quan trong sáng, bình thản và an tịnh như Ngài. Phong thái của Ngài mới tươi mát, tịch tịnh và siêu thoát làm sao! Bạch Ngài! Con chiêm ngưỡng Ngài như thế rồi tự nghĩ: "Ðây đúng là nhân cách của bậc vĩ nhân A-La-Hán hay ít ra là cũng đang trên đường đi đến đạo quả A-La-Hán".

Vậy xin Ngài hãy dạy cho con biết, vì mục đích nào mà Ngài thoát ly thế tục? Có ai làm Tôn Sư của Ngài trên đời này không? Ngài thọ giáo với ai? Và Giáo Pháp Ngài thọ giáo ấy nó như thế nào?

Vị A-La-Hán chăm chú lắng nghe, tự nghĩ:

"- Ðúng là y đã nói tận đáy lòng. Ðúng là một du sĩ có học thức, có lễ độ, có hạnh kiểm. Ðúng là y đã từng nỗ lực cần cầu sự an ổn, vượt thoát mọi khổ ách ở trên đời."

Ngài bèn khiêm tốn trả lời - thái độ khiêm tốn, chừng mực là đặc điểm của bậc Thánh nhân.

- Này vị du sĩ trẻ tuổi chân thật! Bần đạo chỉ là một tu sĩ sơ cơ. Bần đạo chỉ mới tập tành bước chân vào Giáo Pháp này. Bần đạo ít học, ít ngôn ngữ, ít khả năng nên thật không đủ sức giảng giải Giáo Pháp một cách rành rẽ được.

Upatissa thành kính nói:

- Kính bạch Ngài! Con là Upatissa, xin Ngài cứ chỉ giáo cho con ít nhiều. Dẫu chỉ một ít nhưng con sẽ cố gắng tự tìm hiểu Giáo Pháp bằng trăm ngàn cách.

Và chàng lại đảnh lễ một lần nữa:

- Con là người khao khát Giáo Pháp như hạn hán trông mưa, nhất là thứ Giáo Pháp mà Ngài đã uống vào lòng rồi tỏa sáng, chói ngời nơi tứ oai nghi, nơi cung cách và nơi tác phong của Ngài. Xin Ngài hãy ban cho con một ít về Giáo Pháp ấy. Ngài chỉ cần một vài lời tóm tắt. Dẫu một vài lời nhưng là cái căn bản, cốt lõi và thiết yếu nhất.

Biết lòng khẩn, thiết tha của chàng thanh niên, Ðại Ðức Assaji nói:

- Vậy này hỡi người du sĩ đáng mến! Bần đạo sẽ tóm tắt gọn ghẽ triết lý cao siêu của Ðấng Tôn Sư. Hãy lắng tai để nghe, hãy lấy trí để thấy:

"Các Pháp phát sanh do bởi một nhân,
Nhân ấy, Ðức Như Lai đã chỉ rõ.
Và Ngài cũng dạy phương pháp để,
diệt tắt nhân ấy.
Chính đó là giáo huấn của vị Ðại Sa môn!"

Bốn câu kệ tóm tắt toàn bộ Giáo Pháp thật giản dị mà cũng vô cùng cao siêu. Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ có lẽ đã thuần thục để thấu triệt chân lý ấy. Như một ánh nắng, một tia sáng... Chỉ cần một gợi ý, một mở phơi... là Upatissa thấy hé lộ một con đường đi đến Chân Phúc và Bất tử! Còn kỳ diệu hơn thế nữa, là không đợi đến lúc Ðại Ðức Assaji đọc xong bốn câu, mà chỉ mới hai câu đầu tiên thôi - Upatissa đã chứng quả Tu-Ðà-Huờn (Sotapati), đã đi vào dòng Thánh.

Upatissa đứng lặng hồi lâu, toàn thân chàng chấn động mạnh: một trạng thái siêu thoát đã đến với tâm trí chàng!

Xúc động, cảm kích, tri ân bàng hoàng lẫn lộn - Upatissa quỳ xuống ôm chân Ðại Ðức Assaji, nghĩ rằng:

" Ý nghĩa của sự giải thoát, Chân Phúc và Bất Tử ta đã tìm thấy ở đây rồi."

Bèn nói:

- Bạch Ngài! Ðệ tử đã tìm thấy rồi. Thật là siêu thoát và vĩ đại là Giáo Pháp vô thượng này. Xin Ngài đừng giải rộng thêm nữa. Ðối với đệ tử, vậy là quá đủ rồi, quá đủ cho mục đích của một thiện gia nam tử xuất ly cần cầu an ổn mọi ách phược trên trần thế.

Ðại Ðức Assaji biết vị du sĩ trẻ tuổi đã đắc pháp nhãn, đã thấy ánh-sáng-của-con-đường, bèn tiếp:

- Hãy đi đến bên chân Ðức Tôn Sư, Bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác - Ngài còn có cả một kho tàng Pháp Bảo, chỉ để dành cho những ai có trí.

- Bạch Ngài! Hiện Ðấng Vô Thượng Giác giờ ở đâu?

- Này kẻ tầm Ðạo! Cũng gần đây thôi. Ðức Tôn Sư hiện đang ở rừng Tre, chỗ trú ẩn của loài sóc.

- Bạch Ngài! Rồi đệ tử sẽ đến đó. Hiện giờ, đệ tử có một người bạn thân, cũng cần cầu Giáo Pháp như đệ tử vậy, trước khi chia tay, có lời hẹn ước như sau: "Nếu ai tìm được Ðạo Bất Tử trước tiên, phải chỉ lại cho người kia." Nay đệ tử phải thông báo cho bạn niềm vui bất tử này. ất hôm nữa thôi, chúng đệ tử sẽ đến quỳ bên chân Ðức Giáo Chủ vô song.

Upatissa cung kính quỳ mọp đảnh lễ Ngài Assaji, từ giã, sau đó, đi tìm Kolita.

Thấy bạn với dáng đi, với nét mặt tỏa sáng rạng rỡ kỳ lạ chưa từng được thấy, Kolita ngạc nhiên hỏi:

- Này hiền huynh! Phải chăng hôm nay hiền huynh đã tìm ra Ðạo Bất Tử?

-Phải, hiền đệ ạ! Thật là hạnh phúc thay cho chúng ta, cho tất cả chúng sanh, vì Ðạo Bất Tử đã thật sự có mặt trên đời này. Một Ðức Thế Tôn, một nhân cách vô song, một bậc A-La-Hán vĩ đại - đã tuyên bố một Giáo Pháp vô song và vĩ đại chưa từng được nghe! Huynh đã nếm được hương vị đầu tiên của Giáo Pháp ấy qua đệ tử của Ðức Vô Thượng ấy. Bây giờ, hiền đệ hãy lắng tai để nghe, lấy trí để thấy... đây là bốn câu kệ tóm tắt Giáo Pháp bất diệt ấy...

Nói thế xong, Upatissa đọc lên. Khi bốn câu kệ ngôn vừa chấm dứt, cũng như Upatissa, Kolita chấn động cả châu thân, ánh sáng Bất Tử lóe hiện: Kolita nhập vào giòng Thánh, đắc quả Tu-Ðà-Huờn.

Cũng im lặng giây lâu, cũng bàng hoàng xúc động như Upatissa, Kolita chấp tay cung kính:

- Quả thật là Giáo Pháp tối thượng, vĩ đại đã xuất hiện ở trên đời do một Ðấng Ðại Giác - vì lợi ích cho chúng sanh. Con xin cung kính đảnh lễ Giáo Pháp ấy. Con xin cung kính tri ân Giáo Pháp, đã cho con thấy bến, thấy bờ, thấy được ánh sáng vinh quang và bất tử.

Kolita run run nắm tay bạn:

- Này hiền huynh! Vậy Ðức Thế Tôn giờ ở đâu?

- Thầy của huynh cho biết rằng, Ðấng Ðại Giác hiện ở Trúc Lâm, tức là rừng Tre của vua Bình Sa.

- Chúng ta hãy mau mau đến chiêm bái Ngài.

Upatissa suy nghĩ một lát:

- Vâng, rồi chúng ta sẽ đến chiêm ngưỡng Ngài, sẽ quy y với Ðấng Ðại Giác ấy. Nhưng hiền đệ nghĩ như thế nào, có nên thông báo sự kiện hy hữu này cho thầy cũ của chúng ta, đạo sĩ Sanjaya hay biết chăng? Có nên thức tỉnh thầy của chúng ta từ bỏ mớ giáo lý hời hợt, nông cạn, ởm ờ đánh lận con đen bằng cái triết học "bất khả tri", với cái cõi "bình an hằng cửu" giả tạo ấy hay không? Khi mặt trời chân lý đã có mặt - thì tất cả ngọn đèn của các triết thuyết trên thế gian sẽ không còn rọi sáng cho ai được nữa!

Kolita gật đầu:

- Phải lắm! Tất cả các con suối, con sông cuối cùng phải đổ vào con sông Ðại Hằng, cùng thế ấy, hãy thuyết phục thầy cũ của chúng ta đi theo ánh đạo Quang Vinh Bất Tử.

Người thầy cũ

Trên đường đến tu viện của đạo sĩ Sanjaya, đôi bạn thấy thấp thoáng khá nhiều tu sĩ áo vàng. Ngạc nhiên làm sao, họ mới chú tâm để ý. Cũng là áo vàng, cũng là màu hoại sắc, nhưng trông những tu sĩ này hoàn toàn khác xa với những tu sĩ khác nhan nhãn khắp nhiều quốc độ. Trông họ có vẻ gọn gàng, sạch sẽ và tươm tất làm sao! Những vị này đều đồng loạt cạo bỏ râu tóc; và cách đi đứng, phong thái, nét mặt của họ đều toát ra vẻ an nhiên, tĩnh lặng - thật khác xa với những tu sĩ ngoại đạo, lúc nào cũng nhuốm vẻ âu sầu, vàng võ, hốc hác, đăm chiêu, lơ đễnh, hời hợt, hấp tấp, kỳ bí, tóc tai rối bù, kỳ hình dị dạng, diêm dúa, dơ bẩn v.v...

Chỉ chừng ấy thôi, đôi bạn đã xác tín được đâu là thiện mỹ! Giáo Pháp ấy có một uy lực, một năng lực cảm hóa con người và cuộc đời. Giáo Pháp ấy không ru ngủ, huyễn hoặc con người trong lời kinh tiếng kệ trầm buồn chỉ có tác dụng của liều thuốc an thần và hứa hẹn những thiên đường cực lạc xa xăm. Giáo Pháp ấy đã lôi dục vọng con người từ bỏ lý tưởng đại ngã, chân ngã rỗng tuếch, phù phiếm trở về trực diện với hiện tại bằng sự tỉnh thức, chánh niệm nơi mỗi bước đi, hơi thở. Họ đấy, những đệ tử của Ðức Vô Thượng, có lẽ là bạn của thầy ta, đang chậm rãi, thong dong, hiện quán trong từng cử chỉ, từng tâm niệm. Và rõ ràng, an lạc, hạnh phúc như tỏa sáng dịu dàng trên từng khuôn mặt, phơi phới, tươi đẹp làm sao! Ôi! Giáo Pháp và Giáo Hội của Ðức Tôn Sư, quả thật, đã thổi một luồng sinh khí, mới mẻ, trẻ trung, trang nghiêm và trong lành - xua tan hương khói âm u của đền miếu, hang động, bùa chú, phù phép... đã tù đọng ngầy ngật mấy ngàn năm trong sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của đất nước này. Và còn hơn thế nữa, đã lôi được tinh thần con người ra khỏi những triết lý một chiều, phiến diện; đám sương mù chia chẻ của lý luận; những học thuyết xa rời thực tế cuộc sống; những cầu nguyện cuồng tín về những thế giới "bất khả tri"!

- Vậy thì chúng ta phải cương quyết lôi kéo thầy của chúng ta từ bỏ nơi mê lộ mà tìm về với chánh đạo.

- Ðúng thế! Upatissa đáp lời Kolita - một tín ngưỡng trong sáng và lành mạnh, một Giáo Pháp trong sáng và lành mạnh, một Giáo hội trong sáng và lành mạnh của những tu sĩ trong sáng và lành mạnh đang có mặt ở thế gian này - dĩ nhiên là phải để dành cho những căn cơ thượng trí!

Thầy của chúng ta lẽ nào không có tai để nghe, không có mắt để thấy, không có trí để tìm hiểu?

Gặp lại hai người học trò ưu tú, đạo sĩ Sanjaya rất mừng vui. Sau một hồi đưa đẩy xã giao, Sanjaya hối thúc đôi bạn kể cho nghe những việc xảy ra trên bước đường lang thang tìm đạo bấy nay. Ông hy vọng là họ đã trở về lại với ông nên tỏ ra thông cảm sâu sắc:

- Ta hiểu lắm! Cuộc lang thang tầm đạo dĩ nhiên là nhiêu khê, vất vả lắm! Ði một ngày đàng, học một sàng khôn - thế gian còn bảo thế, huống chi đây là tháng ngày đi tìm chân lý. Vậy trí khôn của các người giờ như thế nào? Có vị chân sư, giáo chủ nào bước qua được thế giới "bất khả tri" của ta chăng?

Không trả lời câu hỏi của đạo sĩ Sanjaya vội, Upatissa chậm rãi thuật lại một cách tóm tắt công việc tầm đạo của hai chàng cho đạo sĩ Sanjaya nghe. Upatissa thừa khôn khéo để nói rằng, quả thật đi khắp mọi phương trời cũng không tìm đâu ra một chân lý siêu việt, cuối cùng, mệt mỏi, bất lực - hai chàng trở lại Vương-Xá thành...

Mới nghe nói đến đây, Sanjaya cười ha hả, cướp lời:

- Ðấy! Ta nói có sai đâu! Tất cả triết gia, giáo phái chủ, giáo phái sư trên đời này... đều là những con đom đóm, sao sánh được ngọn đèn minh triết của ta?

Upatissa đoán biết là sẽ có câu nói ấy từ cửa miệng của đạo sĩ Sanjaya, nên chàng gật đầu:

- Bạch thầy! Thầy đã nói đúng! Quả thật tất cả giáo phái chủ, giáo phái sư trên đời này chỉ là ánh sáng đom đóm và giáo pháp của thầy là ngọn đèn...

Ðạo sĩ Sanjaya gật đầu hoan hỷ:

- Các ngươi biết thế là hay! Biết thế là hay!

Kolita nhẹ nhàng nói:

- Nhưng mà thầy ạ! Chúng đệ tử vừa gặp một Giáo Pháp, mà Giáo Pháp ấy lại sáng rỡ như mặt trời mặt trăng kia!

- Cái gì? Cái gì? Các ngươi vừa nói cái gì?

Sanjaya nhổm dậy, đã mất hẳn bình tĩnh.

Upatissa bèn kể lại, rằng, ngày hôm qua, tại đây, tại Vương-Xá thành này, chàng đã gặp được đệ tử của Ðức Thế Tôn ra sao, cả hai chàng đều thấy rõ ràng Giáo Pháp ấy tỏa sáng tự trời cao, soi rọi mọi ngõ ngách tối tăm của phiền não và sở tri, đã thật sự đem đến an lạc tối thượng cho con người như thế nào...

Rồi Upatissa thỉnh nguyện:

- Bạch Thầy! Vì trọng thầy, mến thầy, và để đáp đền ơn nghĩa cũ - chúng đệ tử tha thiết mong thầy từ bỏ giáo pháp này, cùng đi với chúng đệ tử đến quy y với Ðức Tôn Sư Vô Thượng.

Nghe xong, đạo sĩ Sanjaya ngạc nhiên la lên:

- Cái gì? Các ngươi nói cái gì vậy? Ðến làm đệ tử ông Thế Tôn ấy; người có Giáo Pháp vĩ đại như mặt trời, mặt trăng? Xem nào, các ngươi có lầm lẫn không đấy! Ta đây đã là tôn sư của nhiều người - bây giờ theo ý các ngươi là phải từ bỏ tất cả, đừng làm tôn sư nữa, mà hãy đi làm đệ tử? Có xuẩn ngốc không chứ?

Sanjaya giận dữ, phất y đứng dậy, cất giọng rổn rảng:

- Ðừng có thuyết phục ta những việc vô lý như thế! Danh dự và địa vị của ta không thể trong một lúc mà đem thả trôi sông. Ta đã nhất tâm khổ hạnh tu chứng, đạt được thiền định bậc cao. Ta lại cố công giáo huấn môn đồ, gầy dựng cơ sở vật chất, tổ chức đời sống tu học cho người xuất gia và tại gia. Tất cả đều thịnh mãn, trù phú và tốt đẹp. Thành quả này không dễ gì một sớm một chiều mà có được, không dễ gì ai cũng làm được. Phải đầy đủ trí tuệ, dõng lực, bản lãnh, nghị lực, phước báu cùng từ bi tâm. Ðáng lý ra, các ngươi là hai đệ tử ưu tú của ta, phải ở bên ta, tiếp sức với ta, làm cho danh dự, tiếng tăm và địa vị của ta mỗi ngày mỗi to lớn, lan rộng, lan xa ra mới phải. Danh dự, tiếng tăm và địa vị của ta cũng là của các ngươi. Ở bên ta, ta có cái gì là các ngươi có cái ấy... thử hỏi các ngươi còn đòi hỏi cái gì nữa mới được chứ?

Upatissa và Kolita thất vọng vô cùng. Trước đây, Sanjaya bao giờ cũng có vẻ trầm tĩnh, độ lượng, nghị luận sắc bén; thường chứng tỏ một nội lực, một sức học thâm sâu. Bây giờ, ông đã lộ trần truồng bản chất một con người nóng nảy, cạn cợt, ham danh, ham lợi một cách quá thô thiển.

Sanjaya vẫn không dừng lại ở đó:

- Hả? Tại sao các ngươi lại im lặng? Trên đời này, có ai dại khờ đánh đổi một thành quả to lớn như vậy để chỉ lấy cái bát xin ăn, làm một đệ tử với hai bàn tay trắng, không tiếng tăm, không danh vọng?

Upatissa và Kolita vẫn im lặng.

Bất đồ, Sanjaya nắm bình hoa trên bàn ném xuống đất vỡ toang: những mảnh sành nhỏ va nhau loảng xoảng. Ông chậm rãi cúi xuống, lựa chọn, rồi cầm lên tay một mảnh nhỏ, nhìn hai người, cất tiếng:

- Nói đi, nói đi! Theo ý các ngươi thì mảnh sành này hứng được bao nhiêu giọt nước?

Vì nể thầy Kolita đáp:

- Ít thôi, chỉ vài giọt là cùng.

- So với chiếc bình to chưa vỡ kia?

- Bạch thầy, chẳng thể đo lường được!

Ðắc ý, Sanjaya cười to lên:

- Thấy chưa! Tự các ngươi nói đấy! Các ngươi muốn ta tự đập vỡ cái bình to của mình ra, để nhận lại cái mảnh sành chút xíu mà đựng nước! Chỉ có kẻ ngu mới làm vậy phải không?

Trí tuệ Upatissa chợt máy động. Dùng lý luận của đối phương để đập vỡ lý luận của đối phương là chuyện mà chàng thường làm. Nếu muốn, chàng chưa bao giờ hạ phong trước một ai cả. Ở đây, tuy nhiên, không phải là vậy, chàng chỉ muốn sử dụng sự sắc sảo của lý luận để thức tỉnh đạo sĩ Sanjaya mà thôi. Cho nên, để từ từ đưa Sanjaya vào lưới bủa của chính ông ta, chàng hỏi:

- Bạch thầy! Có thể nào, cùng một câu chuyện cái bình và mảnh sành mà đệ tử lại hiểu một cách khác không?

- Làm sao lại khác được!

- Ví như đệ tử hiểu ngược lại rằng: cái bình kia nếu thầy khẳng khái đánh vỡ thì tốt đẹp cho thầy biết bao!

- Làm gì có chuyện đó! Cái chuyện bình vỡ mà tốt đẹp là điều lạ thật đấy, đáng phục thật đấy!

Kolita chăm chú lắng nghe, không hiểu được trí tuệ của vị sư huynh mình sẽ dẫn câu chuyện đến đâu! Một trực giác xẹt đến. Ồ! Chàng đã hiểu. Bất giác chàng mỉm cười.

Upatissa thấy Sanjaya đã rơi vào tròng; nghiêm trang và cứng rắn, chàng cất giọng trầm hùng, đanh thép, không khoan nhượng:

- Bạch thầy! Theo giáo lý truyền thống Bà la môn thì mỗi chúng sanh là một tiểu ngã. Gọi là tiểu ngã nhưng trải qua bao kiếp luân hồi, từ vô thủy đến nay, nó tích lũy không biết bao nhiêu là ác nghiệp, hận thù, oan trái; nó thu góp không biết bao nhiêu là tham muốn xấu xa, độc ác. Thế mà đã đủ đâu, cái tiểu ngã ấy chất chứa vô lượng dục vọng rồi mà nó vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn - nó còn muốn phồng cho to lên bằng đại ngã kia!

Thưa thầy! Dục vọng trong mỗi chúng sanh chính là những cái bình chứa ấy. Cái bình chứa ấy ở nơi thầy, hiện giờ nó đựng được nhiều thứ lắm. Nó đựng đầy trong lòng nó nào là kiêu căng, ngã mạn, tối tăm, tham vọng cùng sân si giận dữ!

Ngoài ra, cái bình tiểu ngã rất to của thầy còn có công năng diệu dụng khác; có thể cắm lên đấy những cành hoa lộng lẫy, diêm dúa như trương lên những bảng hiệu quảng cáo mạ bạc thếp vàng lóng la lóng lánh: hoa này là vì giáo phái, hoa này là vì đệ tử, hoa này là vì lợi lạc cho quần sanh, hoa này là vì chân lý tối thượng, hoa này là vì xả kỷ vị tha v.v...

Ôi! May mắn làm sao! Ðáng mừng làm sao! Cái bình to ấy, hôm nay, thầy của chúng ta đã đập vỡ đi rồi!

Sanjaya nín lặng, nghẹn họng, tự nghĩ:

"- Chúng đã dùng lý luận khôn khéo để bẻ gãy lý luận của ta dễ dàng như thò tay lấy đồ vật ở trong túi. Chúng đã dùng chính cái gậy của ta để đập lên cái sọ của ta, thế nhưng, ta đã không đở nổi. Chúng đã dùng chính cái lưới của ta để bủa vây ta, thế nhưng ta đã không thoát ra khỏi."

Upatissa bắn tiếp mũi tên thứ hai:

- Bạch thầy! Chúng đệ tử không nghĩ rằng, danh vọng, tiếng tăm, địa vị,... cho chí lâu đài, vương tước, bảy báu, gia sản vật chất đầy dẫy Châu Diêm Phù Ðề... lại quý trọng đến vậy. Khi đã đập vỡ cái bình rồi, thầy sẽ thấy như thế. Chỉ có một vương quốc thật sự đáng quý trọng, đó là những lời Pháp chơn chánh. Chỉ có một vương quốc thật sự đáng ngưỡng mộ, hướng về - đó là ánh sáng của Ðạo Bất Tử!

Bạch thầy! Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư, Bậc Ðại Giác đã thuyết có công năng đập vỡ những chiếc bình bản ngã to lớn, đoạn hoặc vô minh và phiền não cho chúng sanh, bẻ gãy bánh xe sinh tử và trầm luân vạn kiếp. Sau rốt, nó lại có công năng đem lại chân phúc, trí tuệ siêu đẳng và đức từ ái phi phàm. Giáo Pháp chỉ để dành cho những ai có tai để nghe, có mắt để thấy, có trí để tự mình giác hiểu. Giáo Pháp như nụ đàm hoa, hằng vạn năm mới nở một lần; nó có mùi hương vi diệu tỏa ngát trên trần thế, đem lại sự mát mẻ, trong lành cho chúng sanh giữa cõi nhiễm ô, tục khí.

Vậy thì bạch thầy! Những gia tài sinh diệt, những hoạch đắc thống khổ mê lầm của bản ngã kia làm sao lại dám đem so sánh với ánh sáng Giáo Pháp của Ðạo Bất Tử? Nếu thầy biết nghe theo lời của chúng đệ tử - thì nên bỏ cái nhỏ mà tìm về cái lớn, phất tay cái hữu hạn mà nắm lấy cái vô cùng, xa lìa cái hạnh phúc phù du để chụp bắt cái an lạc như chân như thật, tung hê cái buộc ràng sinh tử để di vào chân trời giải thoát và tự do.

Bạch thầy! Ðấy là điều đáng làm. Và thầy nên làm như vậy, bởi thầy là bậc trí trên đời này. Ðạo sĩ Sanjaya bị thuyết phục một hồi, đâm ra lúng túng, tự nghĩ:

"- Họ hiểu biết nhiều quá. Họ rào trước, đón sau chằng chịt, ta không có một kẽ hở nào để đặt chân vào đấy mà tranh luận. Tuy nhiên, ta không thể đứng vào vị thế bị bao vây, nhu nhược, yếu hèn, phải cất lên tiếng rống của con mãnh sư."

Bèn hét:

- Thật là lý luận rỡm, khua môi múa mép! Thôi! Ta tha thứ cho đó! Các ngươi hãy đi đi! Ði đâu thì đi! Hãy đi cho khuất mắt ta!

Upatissa hiểu tâm sự lẫn bản ngã của thầy, nên cố nhẫn nại:

- Thầy cùng đi với chúng đệ tử chứ?

Ðạo sĩ Sanjaya la gắt lên:

- Sao nói gì kỳ lạ vậy? Làm sao ta lại phải đi!

- Sao lại không đi được hở thầy? Upatissa cương quyết không bỏ cuộc - nếu thầy thấy quan điểm của đệ tử là đúng, thầy phải chấp nhận nó, và đi theo đệ tử; nếu thầy thấy quan điểm của đệ tử là sai, thầy hãy bác bỏ nó, và đệ tử sẽ ở lại bên thầy. Dứt khoát là vậy. Chẳng hay, quan điểm của đệ tử đúng hay sai?

Ðạo sĩ Sanjaya như bị đẩy đến đường cùng, im lặng một lát rồi thở dài nói:

- Các ngươi không sai điểm nào cả.

Ðến lượt Kolita ngạc nhiên:

- Không sai, nhưng thầy vẫn không theo? Nó đúng, nhưng thầy vẫn không chấp nhận?

- Phải!

- Tại sao? Kolita vặn hỏi - Một việc phải mà thầy vẫn không theo? Thế ra, thầy vẫn khư khư sống với cái sai của mình?

Ðạo sĩ Sanjaya nghe nản quá, tự nghĩ:

"- Ðối với những kẻ trí tuệ, chân thực và đầy nhiệt huyết này, nếu như không được trả lời một cách rõ ràng, dứt khoát, chúng sẽ căn vặn cho đến tận cùng, ta sẽ không còn chỗ nào mà lách, mà trốn được nữa. Ta đã mệt quá rồi, thôi, thà rằng cứ nói thật một lần cho xong."

Bèn nói:

"- Ðất đã không chịu trời thì trời xin chịu đất vậy!" Các ngươi hãy nghe đây! Các ngươi đều là kẻ có trí tuệ, có thể hơn cả ta, lại là người chân thật nữa. Ðiều mà các ngươi bảo rằng đúng, Giáo Pháp mà các ngươi cho là Vô Thượng, Chân Phúc và Bất Tử - thì hẳn nhiên ta không một mảy may dám nghi ngờ. Nhưng đây mới là sự thật ta muốn nói - giọng Sanjaya đến đây như chùng hẳn xuống - ta thật sự đã già rồi, không thể thay đổi những thói quen đã ăn sâu quá lâu; ta thật sự chỉ quen làm đạo sư thiên hạ, không thể thay đổi thành đời sống của một đệ tử được nữa!

Rồi ông nói to lên:

- Các ngươi nghe rõ rồi đấy chứ! Thôi, hãy đi đi! Hãy để cho ta được yên!

Nghe lời thành thật, Upatissa cảm thấy thương xót cho vị thầy già, biết là không có cách chi thuyết phục được nữa, vẫn vớt một câu cuối cùng:

- Khi Ðức Thế Tôn xuất hiện ở trên đời, thì đấy là phúc duyên ngàn vạn năm ít có, thầy mà không theo về, thầy sẽ hối hận .

Ðạo sĩ Sanjaya nói nhỏ, như chỉ vừa đủ cho tự mình nghe:

- Phải rồi! Ðúng là vậy thật. Ðúng là phúc duyên, là đại duyên thật. Ðấng Ðại Giác kia là Tôn Sư mà ta đây cũng là Tôn Sư. Nhưng bao giờ, trên trời nầy, kẻ ngu muội cũng nhiều hơn, mà kẻ có trí thì ít lắm.

- Ý thầy nói gì, chúng đệ tử chưa nghe rõ?

Sanjaya lại la lên:

- Ta đã nói quá rõ rồi đấy chứ! Ta đã nói rằng, xin cho tất cả những kẻ khôn ngoan, có trí thì hãy đến với Ðức Thế Tôn, Ðấng Ðại Giác của các ngươi! Còn những kẻ ngu si, dốt nát, ngu muội thì hãy đến với ta! Ha ha ha! Xem thử ai nhiều hơn! Hà hà! Xem thử đệ tử Ðức Tôn Sư của các ngươi và đệ tử của ta, ai đông hơn! Hà hà!

Nói vậy là hết sách vở. Upatissa và Kolita bèn xá lễ, cáo từ.

- Vậy chúng đệ tử xin bái biệt. Rồi thầy sẽ hối hận.

- Ta, Sanjaya, đầu đội trời, chân đạp đất, không bao giờ hối hận!

Mặc dầu nói cứng vậy, nhưng khi Upatissa và Kolita đi rồi, ông thẩn thờ dạo quanh tu viện, thấy tất cả đều vắng tanh, trống trải, ông vô cùng cáu giận. Bây giờ ông mới hiểu sự thật: ảnh hưởng tinh thần của Upatissa và Kolita quá lớn trong đám môn đồ của ông; và khi hai người ra đi, không những mang theo hai trăm năm mươi đồ chúng của họ trước đây mà còn lôi cuốn tất cả đồ chúng của ông nữa.

Càng nghĩ, Sanjaya càng buồn nản, tức bực; ông uất đến hộc máu tươi. Tuy nhiên, điều mà chẳng ai ngờ đến là ông không mảy may oán hận Upatissa và Kolita, không mảy may oán hận đám môn đồ bất nghĩa, mà ông hận chính ông vậy. Ôi! cao cả thay mà cũng bi đát thay!

Xế chiều, hai trăm rưỡi đệ tử của Sanjaya không đành lòng bỏ thầy tuổi già cô độc một mình, họ bèn trở lại.

Upatissa và Kolita cũng cám cảnh, khuyến khích họ trở về, rồi cùng với môn đệ nhắm hướng Trúc Lâm lên đường.

Hai vị đại đệ tử

Sau khi Ðức Phật nhận lời khu rừng Tre của vua Bình Sa dâng cúng; Ngài cùng với môn đệ bộ hành đến tận nơi chiêm quan thắng cảnh Trúc Lâm nổi tiếng. Ðức Phật đứng trên đồi cao nhìn lướt qua một vòng. Kia là những dãy núi xanh xanh bao quanh, nọ là những con suối trắng xóa vắt ngang, vắt dọc như giải lụa. Từng đám cây xanh đậm nhạt ẩn trong nhau, xen kẽ nhau; điểm giữa là những vùng lá vàng, lá đỏ đậm sắc, nổi bật như bức tranh vẽ của con người.

Ðến gần hơn, đi luồng vào trong rừng, thì trúc không phải là loài cây duy nhất. Cả một rừng nhiệt đới phô bày dáng cây, dáng lá, màu vỏ cây, màu hoa phong phú trông thật ngoạn mục. Những con đường không biết tự bao đời ẩn hiện thấp thoáng, bò men bờ suối, chìm khuất đâu đó lại tiếp nối dưới chân đồi xa... Suối chảy róc rách, uốn lượn đó đây, tạo thành vũng, thành hồ rồi bình yên lặng lẽ đi qua đám cỏ lục xanh rì... Chim đua hót vang rân. Nai hồn nhiên gặm cỏ. Thỏ sợ hãi nhảy vút qua nấp trong bụi rậm ... Và ô kìa! Thiên hô vạn hát là sóc! Sóc tía, sóc đen, sóc vàng, sóc nâu, sóc rằn ri, sóc ngũ sắc... với những cái đuôi phồng lên, với những đôi mắt tho lỏ, rụt rè... nhìn Ðức Phật và Tăng chúng đi qua.

Ngồi lại trên một phiến thạch bàn, Ðức Thế Tôn nói với môn đệ:

- Này các thầy tỳ-khưu! Giáo Pháp của Như Lai vừa xuất hiện ở trên đời như một luồng gió mới, như tiếng sấm gióng lên trong trời mưa, nhưng đã từ lâu lắm rồi, giáo lý truyền thống Bà la môn đã bưng tai, bịt mắt mọi người trong phúng tụng, đàn tế và cầu nguyện nên không dễ gì ai cũng nghe được Pháp Mầu Bất Tử. Những tu sĩ Bà la môn đã kết hợp với nhau thành một giai cấp đầy thế lực, nắm giữ độc quyền liên hệ với thần linh; nắm giữ độc quyền đám ma, nghi lễ, cúng tế; thao túng mọi sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng; đã dìm con người trong mọi thứ buộc ràng, nô lệ nên thật khó xiển dương một Giáo Pháp tôn trọng tự do, giải thoát cho con người.

Này các thầy tỳ-khưu! Những cây cối, chim chóc, nai, thỏ, sóc, trong khu rừng Trúc Lâm này quả thật là trù phú và thạnh mậu. Ðất, nước, không khí trong lành này đã nuôi dưỡng nó, đã làm cho nó được tự do phát triển và lớn mạnh. Cũng vậy, muốn đem đến an vui và hạnh phúc cho chúng sanh thì Giáo Pháp phải có nơi làm cơ sở! Giáo Pháp ấy phải có đất, nước, không khí trong lành làm nhân, làm duyên hỗ trợ để nuôi nó lớn lên, nuôi nó trưởng thành vậy.

Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai tuyên bố rằng: mảnh đất nầy là cơ sở đầu tiên ấy. Tại đây, Như Lai sẽ đợi chờ nhân duyên cho Giáo Pháp được trọn vẹn, toàn hảo. Một Giáo Pháp được gọi là trọn vẹn, toàn hảo không phải chỉ có một mình Như Lai và hơn một ngàn thầy tỳ-khưu như vậy.

Lời tuyên bố của Ðức Phật, hôm ấy, Chư Tăng không hiểu hết ý nghĩa. Qua ngày hôm sau, vua Bình Sa, thân quyến và tùy tùng tìm đến vấn an, đảnh lễ dưới chân Ðức Phật rồi ngõ ý thỉnh Ðức Thế Tôn và Tăng chúng an cư mùa mưa ở đây. Ðức Phật im lặng nhận lời.

Vua Bình Sa hoan hỷ phát tâm làm công đức, như bổn phận của vị Thánh đệ tử, xin được kiến thiết, xây dựng toàn bộ Trúc Lâm để Ðức Phật và Tăng chúng có chỗ để an cư.

Một vị quan đại thần lão niên, bên cạnh vua Bình Sa kính cẩn thốt lên:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử là quan coi về thiên văn, địa lý, phong thủy. Từ lâu, đệ tử biết rằng, đây là mảnh đất có khí tượng siêu phàm, phi Ðức Thế Tôn và Tăng chúng - không ai ở được. Ở đây, núi long, núi hổ, thiên tinh, đế tinh, kim tinh... tất cả đều chầu về, qui phục. Giáo Pháp của Ðức Tôn Sư, lấy đây làm căn cứ địa, thì Phạm Thiên, Chư Thiên, Ma vương, Dạ-Xoa, La-Sát, Vua loài người, giáo phái chủ, giáo phái sư, khắp nơi trong toàn cõi Châu Diêm Phù Ðề... phải qui chầu hết thảy! Lành thay! Ðệ tử cung kỉnh chúc mừng Giáo Pháp Vô Thượng.

Chư Tăng có vị mỉm cười, có vị gật đầu lặng lẽ. Vua Bình Sa hỷ lạc dâng lên bừng bừng, quát yêu người bề tôi trung tín:

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi! Ðức Thế Tôn và Tăng chúng bác học, đa văn còn biết nhiều hơn - hơn cả vô lượng cái đầu óc nhỏ nhoi , bé tí của tất cả ông thầy địa lý như ngươi cọng lại! Ðừng có bép xép, múa môi cái tài phong thủy không đáng nửa đồng xu! Mau mau cùng với đám thuộc hạ đi đo đạc, thiết kế... chọn chỗ thích đáng để xây dựng tịnh xá cho Ðức Thế Tôn! Rồi nơi nào là nhà giảng, nhà hội, trai phòng, tịnh phòng, liêu thất, nhà tắm, nhà vệ sinh, rừng hoa, rừng cảnh, đường kinh hành, rừng cây thiền duyệt... mỗi mỗi phải hoàn bị, đầy đủ, tươm tất, tiện nghi, khang trang, thoáng mát, ấm cúng, trang nhã! Nhưng hãy lưu ý đây: có nghệ thuật nhưng nghệ thuật ấy phải giản dị, có công phu nhưng công phu ấy không được rườm rà, quá tỉ mỉ. Tinh thần chỉ đạo của toàn bộ nghệ thuật kiến trúc ở đây là: phải mới mẻ, không được lặp lại, bắt chước từ nghệ thuật truyền thống, cũng không được lai căng! Cao hơn nữa, đây là tài sáng tạo của các ngươi: tinh thần nghệ thuật ấy phải toát ra được sự êm đềm, tĩnh lặng, thanh thoát, giải thoát và cao nhã... như chính Giáo Pháp, như là đời sống Thánh hạnh của Ðức Thế Tôn và Tăng chúng vậy.

Và hãy nghe cho kỹ đây: tất cả công trình xây dựng ấy phải hoàn thành trong vòng hai tháng, trước mùa mưa! Nếu không xong, Trẫm sẽ lột mũ, gõ đầu, đuổi về quê mà làm nghề kiến trúc và địa lý!

Quả thật là kiến thức của một ông vua tài trí và hùng mạnh, lại là một bậc Thánh đệ tử có bụng dạ nhân từ; nên lệnh ban ra, vị kiến trúc sư kiêm nhà thiên văn, địa lý kia hoàn toàn vâng phục chấp y, chẳng dám đưa ra được nửa lời góp ý.

* * *

Trúc Lâm tịnh xá đúng là căn cứ địa đầu tiên của Phật Giáo, là nơi tiền trạm, để từ đó, phát triển Giáo Pháp khắp các quốc độ. Ðức Phật nhận lời an cư ba mùa mưa ở đây, ngoài ra còn cố ý chờ đợi... hai người! Có hai người này như cánh tay phải, cánh tay trái của Ngài, bánh xe Pháp mới được chuyển luân xa rộng và viên mãn.

Hôm ấy Ðức Thế Tôn đang ngồi trên bảo tọa, tam chúng (*) đoanh vây, thời Pháp chấm dứt, Ngài nói với mọi người:

- Này các thầy tỳ-khưu! Này hai hàng cận sự nam nữ! Như Lai đến Ma-Kiệt-Ðà không những chỉ có nhân duyên với vua Bình Sa, là một hộ pháp đắc lực khuông phò Giáo Hội, mà còn có ý chờ đợi một nhân duyên khác nữa. Vậy thì hôm nay, ở đây, Như Lai sẽ tiếp nhận thêm hai đóa hoa kỳ tuyệt, hai ngôi sao sáng, hai nhân cách ưu tú nhất của Giáo Pháp. Nhân duyên ấy đã chín muồi, đã tròn đủ. Các ngươi hãy nhìn xem! Hai thanh niên đạo sĩ Upatissa và Kolita cùng hai trăm năm mươi đồ chúng đang đến trước cửa của khu rừng.

[Ghi chú: (*) tam chúng: lúc ấy chưa có tỳ-khưu ni]

Quả nhiên, khi Ðức Thế Tôn vừa nói xong, Upatissa và Kolita đã vào đến tịnh xá Trúc Lâm, theo sau là môn đệ bước đi thứ tự, trang nghiêm, lặng lẽ.

Cả hai cung kính đến đảnh lễ dưới chân Ðức Ðạo Sư rồi ngồi xuống một bên. Các đệ tử đi sau cũng làm như thế, và ngồi rải rác khắp đó đây.

Upatissa và Kolita đồng thưa:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng đệ tử lang thang đã lâu nay mới về được quê nhà. Xin Ðức Thế Tôn cho chúng đệ tử thụ giáo, quy y Tam Bảo, ở trong hàng Tăng chúng để cùng được hạnh phúc đi trên con đường Chánh Giáo.

Ðức Phật đáp:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Etha Bhikkhave! ( Hãy lại đây, tỳ-khưu!). Như Lai cũng đang đợi chờ các ngươi. Khi Pháp Bảo đã thấy rồi, thì đời sống còn lại của một Sa môn Thánh đệ tử là những tháng ngày thiêng liêng và đạo hạnh trong sạch để lợi ích cho mình, cho Chư Thiên và loài người.

Khi Ðức Thế Tôn vừa gọi: "Etha Bhikkhave!" thì Upatissa và Kolita đã đầy đủ y bát, tướng hảo quang minh, đúng phong độ là hai bậc thượng thủ của Giáo Hội, và sau khi Ðức Thế Tôn nói vài lời tóm tắt, ngắn gọn về Con Ðường, cả hai liền nắm vững căn bản Pháp Bảo, tâm trí thông suốt.

Lại một lần nữa, cả hai quỳ bên chân Ðức Ðạo sư với vô vàn sự tri ân cao cả. Từ đây Upatissa được gọi tên là Xá-Lợi-Phất (Sàriputta) và Kolita được gọi tên là Ðại Mục-Kiền-Liên (Mahà Moggallàna).

* * *

Ngay vào buổi chiều hôm đó, Ðức Phật cho gọi Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên đến bên rồi bảo:

- Trúc Lâm tịnh xá cho đến hôm nay đã rất đông tỳ-khưu và cũng đã rất nhiều người đắc được quả cao nhất, như vậy, Giáo Hội tạm thời vững mạnh. Nói tạm thời vững mạnh vì Như Lai vẫn chưa có được người trợ thủ khả dĩ thay mặt Như Lai để lo Phật sự, Tăng sự cùng thuyết pháp, giáo giới đến chư tỳ-khưu cùng các hàng cận sự nam nữ!

Hiểu ý Ðức Phật, cả hai cùng quỳ xuống. Ðại Mục-Kiền-Liên thưa:

- Xin Ðức Thế Tôn cho đệ tử đến ngụ cư nơi một ngôi làng vắng vẻ, tịch mịch, cũng gần đây thôi. Ðệ tử biết là phải làm gì cho tròn bổn phận.

Ðức Phật im lặng nhận lời rồi nói với Xá-Lợi-Phất :

- Còn ông, hãy cùng đi với Như Lai đến một chỗ khuất tịch nhất. Cũng như Ðại Mục-Kiền-Liên vậy, ông cũng còn một phận sự phải làm và phải hoàn thành. Cả hai ông phải đặt bàn chân cuối cùng lên mảnh đất Bất Tử. Ðấy cũng là ước nguyện của Như Lai!

Ðức Phật lại nói với Ðại Mục-Kiền-Liên :

- Ông cương quyết hành trì cho đắc đạo quả A-La-Hán, điều ấy là phải lẽ, là xứng đáng , là việc đầu tiên cần phải làm. Tuy nhiên, sẽ có những trở ngại trên lộ trình ấy. Khi nào khó khăn nhất, cơ hồ không vượt qua nổi, lúc ấy Như Lai sẽ có mặt ở một bên.

Dặn dò thế xong, Ðức Phật dẫn Ngài Xá-Lợi-Phất ra đi. Ngài bộ hành đến một hang động tịch liêu tên là Sakarakhatalena - tức là Ðộng Heo, và thường ngày cùng với Ðức Xá-Lợi-Phất vào Vương-Xá thành để khất thực. Có phải Ðức Phật muốn chỉ dạy riêng về những điểm thâm sâu, tế nhị cho Bậc Tướng Quân Chánh Pháp trong tương lai chăng?

Ðại Mục-Kiền-Liên sau khi từ giã Ðức Ðạo Sư và Xá-Lợi-Phất, Ngài đến ngụ tại ngôi làng Kallavàta, cách Vương-Xá thành không bao xa. Ngày ngày ngoài việc khất thực, hầu hết thì giờ Ngài để dành cho thiền định, tuệ quán, là phận sự duy nhất còn lại.

Ðúng một tuần sau, lười biếng, hôn trầm và dễ duôi đồng loạt kéo đến, Ngài phải ra sức kiên trì để chống chỏi. Ðức Phật biết rõ tình trạng nầy, đã xuất hiện kịp thời để dẫn giải cho Ðại Mục-Kiền-Liên các tầng bậc của thiền định, những pháp che lấp cần phải vượt qua, phải chiến thắng. Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ, còn có những cảm thọ vi tế của hỷ và lạc, của xả, của thuần tĩnh nhất tâm, của không, của thức, của tưởng... Tất cả đấy lại phải dùng đến tuệ quán để thấy rõ. Tuyệt đối không được an trú một pháp nào và cũng không được bỏ quên một pháp nào. Tất cả đều phải được nhìn ngắm trong suốt, trọn vẹn, trạm nhiên và hư tĩnh.

Do nhờ trí tuệ và tinh tấn, không bao lâu sau, chỉ vào buổi chiều ấy thôi, Ngài đã dễ dàng chứng quả cao nhất: A-La-Hán quả. Ðồng thời chứng đạt luôn năm thắng trí, năm thần thông, là pháp của bậc thượng nhân.

Từ đây, Ðại Mục-Kiền-Liên đã đủ điều kiện để làm một vị Ðại Ðệ Tử.

Còn Ngài Xá-Lợi-Phất thì thường ngày hầu cận Ðức Tôn Sư mà chẳng được Ðức Tôn Sư nhắc nhở, khuyến khích gì về đạo quả tối thượng ấy. Trên đường đi khất thực, hoặc những khi ở trong hang động, Ðức Ðạo Sư thường lặng lẽ, tỉnh giác, chánh niệm, bao giờ cũng tự tại, định tĩnh như Tu-Di sơn. Thỉnh thoảng, Ðức Phật nhập đại định rất sâu, khí an tĩnh và hào quang tỏa sáng, dịu một vùng. Thế đấy, Ngài dường như đang thuyết pháp vô ngôn, hiện tiền, giản dị và sống động nhất. Năm bảy lần gì đó, Ðức Phật có nói chuyện, nhưng nói về những điều không cao siêu gì lắm!

- Nầy Xá-Lợi-Phất! Giáo Pháp mà Như Lai thuyết, Giáo Pháp ấy gốc nó ở đâu?

- Bạch Ðức Thế Tôn! Nó ở Tâm!

- Nói gần hơn một chút.

- Nơi hơi thở!

- Gần hơn nữa!

- Sát-na Tâm!

Ðức Phật chẳng nói những kiến giải đó đúng hay sai, Ngài chỉ im lặng và dường như Ngài có mỉm cười rất nhẹ, thế thôi.

Một lần khác, trên đường khất thực trở về, Ðức Phật nghỉ chân dưới cội cây, nhìn ra xa với cây cảnh, đồi núi, suối khe... trước mặt, Ngài nói:

- Này Xá-Lợi-Phất! Hãy hướng tầm mắt ra ngoài xa kia, nơi vạn vật đang dàn trải ra đó - ở đấy có Giáo Pháp không?

- Vâng, có bạch Ðức Thế Tôn.

- Nó là gốc hay là ngọn?

- Chưa thấy thì nó là ngọn, thấy rồi nó cũng không khác gốc!

- Thấy rồi, gốc ngọn ấy nó giống nhau ư? Nó hòa làm một ư?

- Cái nào ra cái ấy, cái nào tính chất ấy!

Cũng như lần trước, Ðức Phật lại im lặng, bước đi. Chốc sau, Ngài lại hỏi:

- Này Xá-Lợi-Phất! Bước chân của Như Lai đi có Giáo Pháp, vậy bước nhảy của con chim trên tảng đá kia có Giáo Pháp không?

- Bạch, có ạ!

- Có vì con chim tự biết ư?

- Không! Bạch Ðức Thế Tôn! Có, khi chính đệ tử nhìn bước nhảy ấy.

- Vậy Giáo Pháp của ngươi thấy ấy với Giáo Pháp của Như Lai thuyết - cũng là một ư?

- Bạch, nó không hai!

Bây giờ Ðức Phật mới quay lại nhìn Xá-Lợi-Phất, mỉm cười nhẹ:

- Ông có biết không? Trong nhiều kiếp quá khứ, Như Lai đã từng chất vấn ông, và ông cũng đã từng chất vấn Như Lai. Nhưng nay thì Như Lai chỉ chất vấn ông, mà ông lại không chất vấn Như Lai!

- Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử còn tối tăm, ngu muội; quá khứ đã bị che lấp, đệ tử không hiểu gì. Mong Ðức Thế Tôn đại bi giáo hóa!

Im lặng giây lát, Ðức Phật nói:

- Hãy kham nhẫn, này Xá-Lợi-Phất! Ông là người có trí, chỉ cần vài nét đại cương là ông sẽ hiểu ra toàn bộ. Nhưng nay chưa phải thời. Hãy kham nhẫn!

Vậy là đúng một tuần sau khi Ðại Mục-Kiền-Liên chứng ngộ, chợt nhiên Ðức Phật nói với Xá-Lợi-Phất:

- Hôm nay, ông có một người cháu, đã lớn tuổi, vượt đường xa đến thăm ông - y là một du sĩ ngoại đạo!

- Bạch Ðức Thế Tôn! Có lẽ đấy là đạo sĩ Dìghanakha chăng?

- Nghe nói y học vấn uyên thâm, luận bác, tranh biện vào hàng trứ danh trong ngoại đạo?

- Bạch, quả đệ tử có nghe như vậy! Nhưng trước đây, lúc tranh luận với y, may mắn là đệ tử chưa từng thua cuộc!

Nói đến đây, Xá-Lợi-Phất quỳ xuống ôm chân Ðức Ðạo Sư:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Y cũng là người có trí, chỉ còn rất ít bụi cát trong mắt thôi. Xin Ðức Thế Tôn vì bi mẫn, thuyết cho y nghe một thời Pháp về Ðạo Bất Tử!

Ðức Phật im lặng nhận lời.

Quả nhiên, không lâu sau, một đạo sĩ du phưong tìm đến, ân cần thăm hỏi Ðức Xá-Lợi-Phất một cách chân tình, lễ độ.

Thấy tướng hảo quang minh, cùng nét mặt bình an, thanh thoát của Ðức Xá-Lợi-Phất, đạo sĩ Dìghanakha đâm ra tò mò:

-Thưa chú! Trước đây chú khác mà bây giờ chú khác. Trước đây mỗi lần chú cháu ta tranh luận với nhau, nơi vầng trán cao của chú dường như cau lại, nơi đôi mắt sắc bén, đầy khí lực của chú dường như có gợn một thoáng mờ như hơi sương! Bây giờ thì không vậy, nó sáng rỡ, mênh mông, và tỏa hào quang nữa!

Ðức Xá-Lợi-Phất mỉm cười, nhìn người cháu lớn tuổi, học thức cao rộng mà tính khí hồn nhiên, cởi mở và chân thực, lòng Ngài tràn đầy thương mến.

Ðạo sĩ Dìghanakha đi lui đi tới, hít thở, lắng nghe rồi nói:

- Thật là kỳ lạ! Không phải chỉ ở nơi chú, mà xung quanh đây cũng vậy, dường như toát ra sự bình an, mát mẽ và thanh khiết. Cái ấy không chỉ cảm nhận mà còn sờ được, ngửi được, nghe được! Tại sao kỳ lạ vậy chứ!

Ðức Xá-Lợi-Phất tự nghĩ: "Cái ấy có được - có lẽ nhờ năng lực của Ðức Tôn Sư!"

Chợt nhiên đạo sĩ Dìghanakha quay lại:

- Thưa chú! Chẳng hay chú đang sống trong một Giáo Pháp như thế nào mà sớm được thành tựu pháp mầu như vậy?

Ðức Xá-Lợi-Phất ân cần nắm tay đạo sĩ :

- Này cháu! Khi Ðức Tôn Sư đã có mặt trên đời, nhất là khi Ðấng Vô Thượng lại đang ở đây; thì cho dầu ít lời, ít chữ, ít câu của Ngài thôi cũng sẽ đem đến cho cháu Niềm Vui Bất Tử! Ta là gì mà dám nói Pháp Bảo trước Ðức Tôn Sư!

Ðức Phật xuất hiện từ cửa động phía sau bước lại. Dìghanakha nhìn sững. Tất cả từ nơi Ngài toát ra, cho dù vua của đỉnh Hy mã lạp sơn kia cũng phải cúi đầu xuống thấp. Dìghanakha cung kỉnh đảnh lễ dưới chân Ðức Thế Tôn. Sau đó Ðức Phật thuyết kinh Vedanà Parigaha - tức là bài kinh nói về các trạng thái của Tâm cho đạo sĩ Dìghanakha nghe. Xong thời Pháp, đạo sĩ đắc quả Tu-Ðà-Hườn.

Ðức Xá-Lợi-Phất hầu sau lưng Ðức Phật, nhờ để tâm chuyên chú vào thời Pháp nên đắc quả A-La-Hán với bốn Tuệ Phân Tích.

Như vậy, với sự thành tựu tri thức tối thượng, tuệ tối thượng, Ðức Xá-Lợi-Phất từ đây cũng đã đầy đủ điều kiện để làm một Ðại Ðệ Tử nữa.

Biết người đệ tử của mình đã làm xong xuôi bổn phận cuối cùng - cũng như Ðại Mục-Kiền-Liên đã xong xuôi quả vị cách đây một tuần lễ, Ðức Phật, ngay lúc

ấy, chợt đứng lên:

- Này Xá-Lợi-Phất! Bây giờ hãy cùng Như Lai lên đường trở về Trúc Lâm tịnh xá. Chúng ta còn nhiều việc phải làm!

Ðến đây thì Ðức Xá-Lợi-Phất chợt hiểu: "Ðúng là cái thấy biết vi diệu của Bậc Toàn Tri Diệu Giác. Là phàm nhân, cho dầu một vị Thánh A-La-Hán cao nhất cũng khó hiểu được những diễn biến, những ý nghĩ, những tri kiến, những dự định trong tâm của một vị Phật.

Té ra, Ðức Thế Tôn đột ngột rời Trúc Lâm tịnh xá đến hang động này cũng chỉ để thành tựu cho mình quả vị cuối cùng. Té ra, Ðức Thế Tôn chỉ nói vắn gọn vài lời gợi ý cho Ðại Mục-Kiền-Liên cũng là để thành tựu cho Ðại Mục-Kiền-Liên quả vị A-La-Hán nơi ngôi làng tịch mịch , thanh vắng nọ. Quả thật, các vị Phật xuất hiện ở đời, một biểu hiện nhỏ của các Ngài, qua thân, qua khẩu, qua ý, bao giờ cũng toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ; lúc nào cũng lợi lạc cho quần sanh."

Ngay chiều hôm đó, tại Trúc Lâm tịnh xá, Ðức Thế Tôn bố cáo một cuộc họp rộng rãi, đầy đủ hơn một ngàn thầy tỳ-khưu cùng những cư sĩ tại gia, rồi Ngài nói rằng:

- Trước đầy đủ Chư Tăng, đầy đủ hai hàng cư sĩ áo trắng, Như Lai muốn tuyên bố một tin quan trọng cho Giáo Pháp, để từ đó Giáo Pháp mới có thể phát triển vững mạnh, lan xa nhiều quốc độ: là từ đây, Như Lai đã có hai vị Ðại Ðệ Tử, là Trưởng tử của Như Lai , là con được sinh ra từ miệng của Như Lai - đó là Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên. Xá-Lợi-Phất là Ðệ Nhất Ðại Ðệ Tử, Mục-Kiền-Liên là Ðệ Nhị Ðại Ðệ Tử. Họ sẽ là hai cánh tay trợ thủ đắc lực cho Như Lai , được quyền thay mặt Như Lai giải quyết tất cả mọi lĩnh vực thuộc về Phật sự hay Tăng sự. Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên quả thật xứng đáng là Thượng Thủ của Giáo Hội. Như Lai trân trọng tuyên bố như vậy.

Ðức Phật vừa nói xong, đại chúng xôn xao bàn tán. Có nhiều tranh luận nho nhỏ đã xảy ra. Người ta không hiểu tại sao Ðức Thế Tôn không dành danh dự tối cao này cho các vị tỳ-khưu Trưởng lão, cao hạ như nhóm năm Ngài Kiều Trần Như, như nhóm Ngài Yasa? Hoặc như nhóm ba mươi vị tỳ-khưu ở Chư-Thiên-Ðọa-Xứ? Thảng hoặc là nhóm ba anh em Ngài Ca-Diếp, có cả ngàn đồ chúng, tuổi cao, đức trọng - có thể là xứng đáng nhất bước vào hàng thượng thủ của Giáo Hội?

Còn Ðức Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên - mặc dầu được Ðức Thế Tôn tuyên bố là "con của Như Lai", tức là đã chứng quả A-La-Hán - nhưng họ đều là người trẻ tuổi, lại chỉ gia nhập Giáo Hội vừa đúng nửa tháng!

Vậy có thể nào, Ðức Thế Tôn, bậc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác lại có tâm thiên vị?

Ðức Phật hướng tâm đến, biết tâm của đại chúng, Ngài nói rằng:

- Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai không hề thiên vị. Như Lai làm như vậy là hoàn toàn do sự thấy, sự biết của Như Lai .

Hãy nghe đây, các thầy tỳ-khưu! Quả thật năm ông Kiều Trần Như tuổi tác cao trọng, là những bậc trí thức, trí tuệ, hạ lạp cao nhất, rất xứng đáng vào hàng thượng thủ. Tuy nhiên, ở một kiếp trước, khi họ bố thí vật thực chín lần trong mùa gặt, họ không có nguyện vọng trở thành đại đệ tử. Họ chỉ phát nguyện bước vào Giáo Pháp của Như Lai đầu tiên và chứng được phẩm hạnh cao nhất. Giờ đây họ đã mãn nguyện. Ðiều đó có đúng sự thật không, hỡi nhóm ông Kiều Trần Như?

Nhóm các Ngài Kiều Trần Như đồng bước ra, quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Ðức Phật, bạch rằng:

- Quả đúng như vậy, Bạch Ðức Tôn Sư! Phẩm hạnh cao nhất và đầu tiên chính là phát nguyện của chúng đệ tử.

Ðức Phật im lặng một lát rồi tiếp:

- Còn rất nhiều vị A-La-Hán khác xứng đáng vào hàng thượng thủ nữa, như nhóm ông Yasa, nhóm các ông ở Chư-Thiên-Ðọa-Xứ, nhóm các ông Ca-Diếp. Nhưng họ cũng vậy, trong họ, không ai đã từng phát nguyện làm đại đệ tử cả, có phải thế không?

Dường như có một số vị Thánh im lặng nhắm mắt, hướng tâm về quá khứ, sau đó, Ngài Ca-Diếp, thay mặt mọi người, bạch:

- Quả đúng như vậy! Thưa Ðức Tôn Sư!

Khi việc quá khứ không còn bị che lấp bởi sự tiết lộ của chư Thánh Tăng, nhất là sự xác nhận của Ngài Ca-Diếp, bậc đạo cao đức trọng, đại chúng đều hoan hỷ.

Ðức Phật lại tiếp:

- Còn hai ông Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên, trong vô lượng quá khứ, vào thời Ðức Phật Anomadassi, họ sinh ra làm một người Bà la môn có tên là Sàrada, và một người làm điền chủ có tên là Sirivaddhaka - nguyện vọng của họ là trở thành đại đệ tử khi gặp Ðức Phật trong kiếp cuối cùng.

Vậy này các thầy tỳ-khưu! Như Lai không hề thiên vị! Như Lai vì thấy, vì biết, nguyện vọng của mỗi người - nên bây giờ, chỉ trả lại phẩm vị cho họ, đúng với nguyện vọng của họ mà thôi!

Ðại chúng thở phào, nhẹ nhõm.

Một Ðức Thế Tôn, một Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác khi tuyên bố một lời nào là đều có nhân, có quả, đều vì lý do chánh đáng, đều vì lợi ích lâu dài, hạnh phúc cho nhiều người.

Từ đây, Ðức Xá-Lợi-Phất và Ðức Ðại Mục-Kiền-Liên nhận lãnh vai trò và trách nhiệm mới trong việc phục vụ Giáo Hội, làm Ðại Ðệ Tử đã được Ðức Tôn Sư tấn phong với tất cả uy tín và danh dự cao trọng trước đại chúng môn đồ.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |11| Mục lục


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 02-07-2001