BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế
Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn


Phần II - TỨ DIỆU ĐẾ (tiếp theo)

-ooOoo-

II-4a

CHÁNH KIẾN (Samma Ditthi)
HIỂU RÕ BỐN CHÂN LÝ CAO SIÊU

D.22 - "Thế nào là Chánh kiến? - Là:

Hiểu rõ sự Khổ.
Hiểu rõ nguyên nhân sự Khổ.
Hiểu rõ sự diệt Khổ.
Hiểu rõ con đường đưa tới dứt Khổ.

"Ðó gọi là Chánh kiến (hiểu biết chơn chánh)

HIỂU RÕ TỘI PHƯỚC.

M.9 - "Giới tử hiểu rõ tội lỗi và nguồn gốc của nó là thế nào, và hiểu rõ phước báu và nguồn gốc của nó ra sao."

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Ðiều được xem như tội lỗi (Akusala) là những hành động do thân, khẩu, ý, làm cho đời sống bị nhơ bẩn và đem lại hậu quả khổ đau trong kiếp hiện tại và các kiếp tương lai.

M.9 - "Thế nào là tội lỗi? (Akusala)

(thuộc ác thân nghiệp - kàya kamma)

Sát hại sanh vật
Trộm cắp
Tà dâm.

(thuộc ác khẩu nghiệp - vacà kamma)

Nói dối
Nói lời đâm thọc
Nói lời hung dữ
Nói chuyện vô ích

(thuộc ác ý nghiệp - mano kamma)

Tham muốn xấu xa
Có ác tâm
Ý nghĩa lầm lạc

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Tư cách chú tâm hay cố ý (cetana) được gọi là "nghiệp" (kamma). Nghiệp xem thấy được đều phát sanh do thân hay khẩu. Còn những suy tưởng không biểu lộ ra ngoài đều do hành vi của ý (ý nghiệp).

M.9 - "Đâu là nguồn gốc tội lỗi?

"Tham lam (lobha) là nguồn gốc của tội lỗi. Sân hận (dosa) là nguồn gốc của tội lỗi. Si mê (Moha) là nguồn gốc của tội lỗi."

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Những hành động tham lam và sân hận đều do si mê và mù quáng mà ra. Lẽ đó si mê là cội rễ của cả tội lỗi.

AX. 147 - "Như Lai chia tội lỗi ra 3 loại: Tội do tánh tham lam gây ra; Tội do tánh sân hận gây ra; Tội do tánh si mê gây ra".

M.9 - "Còn thế nào là phước báu của thiện nghiệp (kusala kamma)? Là:

(thiện thân nghiệp)

Tránh việc sát sanh hại vật.
Tránh sự trộm cắp
Tránh sự tà dâm

(thiện khẩu nghiệp)

Tránh sự nói dối
Tránh lời nói đâm thọc
Tránh lời nói hung dữ
Tránh lời nói vô ích

(thiện ý nghiệp)

Tránh sự tham lam xấu xa
Tránh có ác tâm
Tránh có ý nghĩ bất chánh

Sau đây là những phước báu:

Không tham lam (Alobha) làm cho phát tâm rộng lượng.
Không sân hận (Adosa) làm cho phát tâm từ bi.
Không si mê (Amoha) làm phát sanh trí tuệ"

HIỂU RÕ BA TƯỚNG

S.21 - "Kẻ nào thấu rõ tánh cách giả tạm (vô thường), khốn quẩn (khổ não) và chẳng có thực ngã (vô ngã) của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, kẻ đó đã có Chánh kiến rồi vậy."

NHỮNG VẤN ÐỀ KHÔNG LỢI ÍCH

M.63 - "Nếu có kẻ nói rằng chỉ bằng lòng tu theo Phật giáo chỉ khi nào đức Như Lai chịu giải thích cho biết những điều sau đây:

Thế gian là trường tồn hay giả tạm?
Thế gia hữu biên hay vô biên?
Sự sống và xác thân là một hay khác nhau?
Ðức Phật Toàn Giác còn hay mất sau khi tịch diệt?

Thì kẻ ấy phải chết trước khi được Ngài ứng đáp. Cũng như người kia mang phải mũi tên có tẩm thuốc độc, được thân bằng quyến thuộc lương y đến cứu chữa nhưng lại biện lẽ rằng: 'Tôi không thể nào chịu cho rút mũi tên ra trước khi được biết ai đã bắn đã gây thương tích cho tôi. Tôi muốn biết thủ phạm thuộc giai cấp nào? Thuộc hạng cao sang hay giai cấp nô lệ? Người đó tên gì? Con nhà ai, hình vóc, lớn, nhỏ hay trung bình?... Chắc chắn kẻ đó phải chết trước khi biết được những điều như thế".

SUP.592 - "Như vậy, kẻ nào muốn tìm sự an vui cho chính bản thân phải mau rút mũi tên ra ... mũi tên đau đớn than van sầu khổ".

M.36 - "Dù cho thế gian là trường cửu hay tạm bợ, có giới hạn hay vô biên, một sự việc hiển nhiên là những trạng thái: sanh trưởng, già nua, bệnh tật, khóc than, thất vọng, vẫn luôn luôn tồn tại. Nhưng người đời có thể huỷ diệt các thảm hoạ đó trong kiếp hiện tại nếu hành theo lời chỉ dạy của Như Lai".

NĂM SỢI DÂY TRÓI BUỘC (THẰNG THÚC).

M.2-54 - "Ví dụ có người thế, vì si mê mù quáng, không biết trọng nể các bậc thánh nhân, chẳng chịu nghe lời dạy bảo của các Ngài , không thông suốt Giáo lý cao thâm.... Tâm trí người đó bị vô minh che lấp, thường có tâm ngã chấp, hay hoang mang ngờ vực, lại vui thích với những tục lệ cúng kiến lễ bái, say mê tình dục, có tư tưởng bất hảo, nhưng không biết làm cách nào để thoát ly ra khỏi các điều xấu xa ấy."

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Ảo tuởng về "bản ngã" (Sakkàya-ditthi) có thể thuyết minh như sau:

- Lý thuyết về tâm linh (Sassata-ditthi) căn cứ nơi đức tin về tư cách "Trường tồn" cho rằng cái "Ta" là một linh hồn có tánh cách thiêng liêng không tuỳ thuộc xác thân vật chất và linh hồn đó tiếp tục tồn tại sau khi chết (Thường kiến)

- Lý thuyết "duy vật" (Uccheda ditthi) là tin tưởng tánh cách huỷ diệt hoàn toàn, cho rằng Ta của kiếp sống hiện tại sẽ biến tan cùng lúc với cái chết của xác thân vật chất (Ðoạn Kiến).

NHẬN ÐỊNH SAI LẦM

M.2 - "Hạng thường nhân không nhận rõ những gì đang chú trọng và không nên chú trọng. Họ để tâm luyến ái các điều vô ích và bỏ rơi những việc hữu ích. Vì thiếu sáng suốt nên họ nảy ra ý nghĩ như vầy:

Trước kia ta đã có sanh ra làm người không?
Nếu có, vậy thưở đó ta là thế nào?
Và đã có những biết chuyển gì?
Rồi sau này ta sẽ tái sanh nữa chăng?
Chừng đó ta sẽ ra thế nào? Số phận ra sao và sẽ có thay đổi gì không?

Về kiếp hiện tại, họ cũng hoài nghi:

Ðây có phải thiệt là ta không?
Hiện nay ta là thế nào?
Con người từ đâu đến, rồi nó sẽ đi về đâu?"

SÁU CÁI HẦM TÀ KIẾN

"Bị chìm đắm trong sự nhận định thiếu trí tuệ, hạng thường nhơn phải sa vào một trong sáu tà kiến. Họ quả quyết như vậy và tin tưởng vào đó:

1) Hoặc ta có cái ngã (Ta)?
2) Hoặc ta không có cái ngã?
3) Phải chăng, nhờ cái ngã mà ta tự biết mình?
4) Nhờ cái Ngã mà tự biết được trạng thái "Vô Ngã"?
5) Ðây là cái Ngã của ta, vì nó biết suy nghĩ, biết cảm xúc, biết thọ lãnh quả báo của những nghiệp lành hay dữ.
6) Ðây là cái "Bản Ngã", nó thật trường cữu, bền bĩ vĩnh viễn, không thay đổi và mãi mãi như vậy thôi".

M.22 - "Nếu cái Ngã (Ta) là thật tế, tất nhiên phải có vật gì tuỳ thuộc vào nó., nhưng chẳng tìm đâu ra được cái Ngã mà cũng không tìm được cái gì (có một thực thể) tuỳ thuộc vào nó. Như vậy chẳng có chi phi lý bằng khi nói: "Ðây là thế gian. Ðây là Ta. Sau khi chết ta sẽ tồn tại mãi mãi. Ta là trường tồn vĩnh cữu".

Ðó là những ý kiến thô sơ, là một đám rừng ý kiến, một bả nhơ ý kiến, một trò hề ý kiến, một cái bẫy ý kiến. Và khi bị sa vào cạm bẫy "Si Mê" thì con người thiếu khôn ngoan không sao thoát ly ra khỏi những thảm hoạ: sanh, già, đau, chết, khỏi sầu não khổ đau, khỏi thất vọng. Như Lai cho rằng người đó sẽ không thoát khỏi những điều thống khổ."

LÝ LUẬN THÔNG MINH

M.2 - "Người giới tử nào có học thức, thuộc gia đình cao quý, biết kính trọng các bậc hiền triết, biết nghe lời dạy bảo của các Ngài là đã thuần thục trong Giáo lý cao siêu rồi vậy. giới tử đó biết phân biệt những gì đáng chú trọng và những gì không nên chú trọng, biết vật nào có giá trị và vật nào vô giá trị. Người nhận xét sáng suốt thế nào là đường lối đưa tới dập tắt nguồn đau khổ".

BƯỚC VÀO VÒNG THÁNH VỨC "SOTAPANNA" (Tu Ðà Hườn)

"Khi biết nhận định đúng theo chân lý như thế, người giới tử vất bỏ được ba sợi dây trói chặc là: ảo tưởng về cái Ta (Ngã Chấp), nghi ngờ về chánh giáo (Hoài Nghi), tin tưởng dị đoan cúng kiến lễ bái, tế lễ (Giới Cấm Thủ)".

M.2 - "Lúc gạt bỏ được 3 sợi dây trói buộc đó, giới tử đã bước vào dòng nước (Nhập Lưu - Tu Ðà Hườn) thoát khỏi tình trạng khốn quẩn và chắc chắn sẽ được Giác Ngộ".

DHP.178 - "Hơn cả việc thống trị thế gian. Hơn cả các thú vui nơi cõi thiên đàng. Hơn cả nắm quyền hành trên toàn vũ trụ, chẳng có chi an vui hạnh phúc bằng được nhập lưu Niết Bàn".

A.X - "Thật ra những kẻ nào có đức tin không gì lay chuyển nỗi đối với Như Lai , những kẻ đó đã nhập lưu rồi vậy (bước vào lãnh vực Thánh Nhơn)".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Có mười sợi dây trói chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi (Sannojana):

1) Ảo tưởng về cái "Ta" (Sakkayà-ditthi - ngã chấp)
2) Ngờ vực về chánh pháp (Vicikicchà - hoài nghi).
3) Ưa thích lễ bái cúng kiến (Silabbata Paràmàsa - Giới cấm thủ)

4) Ham muốn tình dục (Kàmaràga)
5) Ác tâm (Vyàpàda)

6) Muốn được sanh về cõi Sắc giới (Rùpa Ràga)
7) Muốn được sanh về cõi trời Vô Sắc giới (Arùpa Ràga)
8) Cống cao ngã mạn (Màna)
9) Phóng tâm (Uddhacca)
10) Vô Minh (Avijjà)

Theo nghĩa Phạn ngữ Pali "Sotàpanna - Tu Ðà Hườn" là "Người bước vào dòng nước ". Nghĩa là nhập vào lượng thuỷ triều đưa tới Niết Bàn, người ấy đã thoát ra khỏi 3 sợi dây trói chặt thứ nhất.

"Skadàgàmi - Tư Ðà Hàm" là "Người còn trở lại một lần" (trên cõi thế) đã diệt thêm 2 sợi dây trói buộc thứ 4 và thứ 5 một cách tương đối thô thiển.

"Anàgàmin - A Na Hàm" là "Người không còn trở lại nữa". Nghĩa là cắt đứt hoàn toàn 5 dây trói chặt đầu tiên thuộc phạm vi cõi Dục giớ i(Kàma-Loka). Sau khi chết, người được sanh về cõi trời Sắc giới (Rùpa-Loka) rồi đắc quả Niết Bàn luôn.

"Arahat - A La Hán" hay là "Thinh Văn Giác" là người đã hoàn toàn cắt đứt mười dây trói chặt kể trên.

M.117 - "Như Lai cho biết Chánh kiến có hai:

1) Chánh kiến thế gian (hiểu biết chơn chánh của người tại gia)
2) Chánh kiến siêu thế gian (hiểu biết chơn chánh của bậc Sa Môn)

CHÁNH KIẾN THẾ GIAN

Hiểu biết rằng bố thí và cúng dường đến những bậc có giới đức không phải là vô ích. Biết rằng nghiệp lành hay nghiệp dữ sẽ đem lại quả vui hay quả Khổ chẳng sai.

Biết rằng kiếp hiện tại và kiếp vị lai có thật. Cha mẹ và chúng sanh khác hằng được thụ hưởng phước báu nơi cõi trời. Biết rằng trên thế gian có những bậc Sa Môn hay bậc đại hiền giới đức trong sạch có thể giải thích đời sống hiện tại và những kiếp vị lai.

Ðó là Chánh kiến thế gian (Lokiya Sammà ditthi).

CHÁNH KIẾN SIÊU THẾ GIAN

"Tuy cũng đạt được Chánh kiến về đạo đức, các bậc thánh: Tu Ðà Hườn, Tu Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán không hướng sự hiểu biết của các Ngài về phương diện thế gian mà chỉ chú trọng đến con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo).

Đó là "Chánh kiến siêu thế gian" (Lokutta-ra Sammà ditthi) không còn nằm trong lãnh vực thế gian, ở ngoài thế gian và đã hợp nhất với con đường siêu việt."

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Bát Chánh Ðạo cũng có 2:

- Bát Chánh Ðạo thế gian do hàng tại cư sĩ thực hành (Puthujjana).
- Bát Chánh Ðạo siêu thế gian được dành riêng cho những bậc Sa Môn cao quí (Ariya pugala).

M.47 - "Và khi biết rõ thế nào là "Tà Kiến" Cũng như thế nào là "Chánh kiến" (bước một) hành giả cố gắng trau dồi sự hiểu biết thêm đúng đắn, cố vượt khỏi những điều tà vạy bằng "Chánh tinh tấn" (bước thứ 6) chú tâm quan sát về sự hiểu biết chơn chánh bằng "Chánh niệm" (bước thứ 7).

Như thế ba yếu tố có liên quan mật thiết với nhau về "Chánh kiến" là: Hiểu biết chơn chánh, tinh tấn chơn chánh và niệm tưởng chơn chánh".

ÐỨNG NGOÀI VÒNG LÝ LUẬN

M.72 - "Ðấng Toàn Giác không còn dính mắc trong phạm vi của các lý thuyết.

Vì Ðấng trọn lành đã thấu rõ sắc tướng ("sắc uẩn") là gì, nó sanh và diệt như thế nào.
Ngài biết rõ sự cảm giác và tư cách sanh diệt của "thọ uẩn" ,
Ngài biết rõ sự chấp nhận tình cảm và tư cách sanh diệt của "tưởng uẩn",
Ngài biết rõ phối hợp tư tưởng và tư cách sanh diệt của "hành uẩn",
Ngài biết rõ sự hoạt động của tư tưởng và tư cách sanh diệt của "thức uẩn".

Lẽ đó Ðấng Giác Ngộ đã dập tắt, đã lánh xa, đã huỷ diệt, đã vứt bỏ và đứng ngoài vòng lý luận, thoát ly ra khỏi sự ước đoán, sự khuynh tà ... chẳng còn tham danh vọng hảo huyền cho cái "Ngã" và cái "Bản Ngã".

BA TRẠNG THÁI TUYỆT ÐỐI

A.III (134) - "Dù cho các Ðấng Toàn Giác có xuất hiện trên thế gian hay không, một sự kiện tuyệt đối bất di bất dịch, một quy luật cố định vẫn luôn luôn tồn tại là: "Tất cả những vật cấu tạo do các nguyên nhân là giả tạm (Vô thường), là khốn quẩn (Khổ não) và không có thực ngã (Vô ngã)".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Danh từ "Sankhàra" ám chỉ những gì có một khởi điểm và một dứt điểm (sanh, diệt) mà chúng ta thường gọi là vật phối hợp hay cấu tạo (hữu vi).

"Pháp Hành" (Sankhàra Dhamma) được áp dụng trong tư cách phối hợp hay cấu tạo trên cả 2 phương diện vật chất và tâm lý của đời sống (tạm bợ trên thế gian).

Tiếng "Dhamma" (Pháp) lại mang một ý nghĩa sâu rộng bao quát hơn. Vì nó ám chỉ những gì không có khởi điểm và dứt điểm (Vô sanh bất diệt), không phối hợp hay cấu tạo (Vô vi pháp), "Asankhara dhamma". Chẳng hạn như không gian vũ trụ (Àkasa) và Niết Bàn (Nibbàna).

Bởi thế, rất sai lầm khi cho rằng tất cả các Pháp (Dhamma) đều là vô thường, biến đổi, vì "Niết Bàn pháp" (Nibbàna dhamma) và không gian vũ trụ (Àkasa) đều trường tồn vĩnh cữu không hề thay đổi. Cũng vì lẽ đó, phải nhìn nhận chẳng những các "Pháp hành" (Sankhara dhamma) mà luôn cả những "Pháp vô sắc tướng" (thuộc về tâm lý) cũng đều là vô ngã (không có thực thể).

S.X.VI (10) - "Trên thế gian này, các bậc thánh nhân, kể luôn có Như Lai , chẳng có một ai công nhận rằng: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là trường tồn bền bĩ mà không thay đổi, không sao có những trạng thái như vậy".

A.I (15) - "Người có Chánh kiến chẳng thể nào công nhận một vật gì là cái Ngã được".

BIỆN LUẬN VỀ CÁI "NGÃ"

D.15 - "Nếu có kẻ quả quyết rằng "Cảm giác" (Thọ) là cái "Bản ngã" thì nên trả lời như vầy:

Thọ có 3 loại: thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ. Hỏi vậy người đó thọ cái nào là bản ngã?

Khi trắc nghiệm một trong 3 cái thọ đó thì 2 cái kia biến tan (ví dụ khi đang cảm giác vui thì 2 cái thọ: Khổ và không vui không khổ chẳng xuất hiện). Như vậy, cả 3 cái thọ đó đều là vô thường và tuỳ thuộc các nguyên nhân. Chúng cũng bị huỷ diệt, hao mòn và dập tắt.

Bất cứ ai nghĩ rằng một trong ba cái thọ đó là bản ngã đều bị lầm lạc, rồi sau cũng phải nhìn nhận rằng cái mà họ gọi là bản ngã của kiếp hiện tại là vô thường, có vui khổ lẫn lộn và cũng bị sanh diệt không sao tránh khỏi.

Nếu có kẻ khác nói "thọ" không phải là cái ngã nhưng cái ngã của tôi (bản ngã) là thiêng liêng cao tột mà thọ không thể nào tiếp xúc đặng, thì nên hỏi lại: "Vậy chớ tại nơi nào không có thọ thì gọi là bản ngã được chăng?"

Nếu có ai khác nữa nói: "Thọ không phải là bản ngã mà thật ra nó cũng không phải là cái ngã thiêng liêng cao tột mà thọ không sao tiếp xúc được, mà chính cái ngã riêng của tôi mời biết cảm giác. Với người này thì nên trả lời: "Nếu thọ bị hoàn toàn huỷ diệt và chẳng có cảm giác nào cả, như vậy có thể nào chấp nhận trạng thái "vô cảm giác" là cái ngã được không?

Nói rằng tâm và đối tượng của tâm là tư tưởng tạo ra cái ngã là không căn cứ vào đâu cả. Chỉ cần nhận định 2 trạng thái "sanh" và "diệt" của mọi vật cũng đủ chứng minh rằng cái ngã cũng sanh ra rồi bị diệt'.

S.21 (7) - "Người kém học thức còn có thể quan niệm cho rằng xác thân do 4 nguyên tố (Tứ Ðại) cấu tạo là bản ngã. Vì dù sao xác thân đó cũng tồn tại được một năm, hai năm hoặc ba, bốn năm hoặc lâu hơn nữa là trăm năm. Còn cái mà chúng ta gọi là "tâm trí" thì luôn cả ngày lẫn đêm phát hiện rồi biến tan dưới hình thức này hay dưới hình thức khác".

S.21 (5) - "Như thế, tuy có: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong mỗi cá nhân và ở bên ngoài, dù là có tinh vi hay thô thiển, thanh cao hay hèn hạ, ở xa hay ở gần, (người ta) cũng phải dùng trí tuệ để nhận định đúng theo chân lý "Ðây không phải là của ta, không phải là ta và cũng không phải là bản ngã".

QUÁ KHỨ-HIỆN TẠI-VỊ LAI.

D.9 - "Nếu có người hỏi: "Trong quá khứ anh có sanh ra hay không? Về tương lai anh có còn tái sanh nữa không? Giờ đây phải thật anh đang hiện diện hay chẳng phải?"

Và nên trả lời như vầy: "Quả thật tôi đã có sanh ra rồi. Không thể phủ nhận điều đó. Trong tương lai tôi sẽ còn tái sanh nữa, không ai chối cãi đặng và giờ đây chính tôi đang hiện diện tại chỗ này, chắc như vậy".

Về quá khứ, chỉ có kiếp sống khi đó là thực tế còn kiếp vị lai và hiện tại thì không thực tế. Trong tương lai, chỉ có kiếp đó là thực tế còn những kiếp quá khứ và hiện tại thì không. giờ đây, kiếp hiện tại là thực tế còn những kiếp quá khứ và vị lai thì không.

Thực ra kẻ nào thấu rõ sự liên quan của các Nhân và Duyên (Patticca-Samuppàda), kẻ đó đã thấy rõ chơn lý. Cũng như người ta vắt sữa con bò cái, sữa để lâu trở thành kem, thành bơ, thành mỡ. Rồi đem đun sôi nó ra thành bọt mỡ. Nói về kiếp quá khứ cũng vậy. Nó chỉ thực tế hồi thời kỳ đó và không thực đối với hiện tại và vị lai.kiếp vị lai cũng thực tế sau này nhưng không thật đối với quá khứ và hiện tại. Kiếp hiện tại chỉ thực tế lúc này nhưng đối với quá khứ và vị lai thì không.

Ðó là những chuyện nhân gian mà thôi, là một cách lý luận, một lề lối giải thích. Theo sự phỏng đoán, là những sự việc tầm thường. Ðấng Toàn Giác cũng dùng những danh từ (trong các trường hợp) nhưng không khi nào Ngài để bị sa vào cái bẫy ngôn ngữ".

S.42 - "Như thế, khi nào chưa thấu rõ năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chưa thấu rõ tư cách sanh diệt của chúng, người có thể nghĩ rằng: "Ðức Chánh Biến Tri sẽ còn tiếp tục (tồn tại) sau khi nhập diệt. Hoặc giả Ngài sẽ không tiếp tục (mất luôn), v.v..."

HAI QUAN NIỆM CỰC ÐOAN

A III (61) - "Ðối với kẻ nào tin tưởng rằng căn bản của đời sống (cái ngã) và xác thân là một, kẻ đó không sao thành đạt được đạo quả thánh nhân. Trái lại kẻ nào cho rằng cái ngã khác biệt vơí xác thân, kẻ đó cũng không đi đến đạo quả bao giờ.

Ðấng Toàn Giác đã chánh hai lối cực đoan đó và trọn con đường đi giữa (Trung đạo)". Và Ngài tuyên bố:

NHÂN QUẢ LIÊN QUAN (Paticca-Samupàda)

"Từ chỗ tối mê "Vô Minh" (Avijjà) sanh ra sự hành vi tạo tác vô ý thức, "Hành" (Sankhàrà). Từ "Hành" sanh ra sự biết mình nằm trong bụng mẹ, "Thức" (Vinnàna). "Thức" gây ra sự phối hợp tinh thần và vật chất, "danh sắc" (nama rùpa). Danh sắc tạo ra 6 căn, "Lục căn" (Chalàyatana). Lục căn làm cho biết cảm giác khi đụng chạm (về thân xác hoặc tâm lý), "Xúc" (Phasso). Xúc sanh ra cảm đặng, "Thọ" (Vedanà). "Thọ" làm phát sanh ra sự khao khát, "Ái" (Tanhà). "Ái" sanh ra sự quyết luyết bám giữ đời sống, "Thủ" (upàdàna). "Thủ" phát động những diễn tiến về những hành vi tạo nghiệp, "Hữu" (Kamma Bhava). Do "Hữu", có cái thai bào đi "tái sanh" (Jàti). Và vì có "tái sanh" nên phải gánh lấy những thảm hoạ: già nua, tử liệt (Jaràmarana) và sầu khổ, khóc than, đau đớn, thất vọng.

Đó là chân lý cao siêu về nguồn gốc sự Khổ"

S.12 (6) - "Tuy nhiên, giới tử nào không còn mù quáng (vô minh) và đạt Giác Ngộ, thì giới tử đó chẳng tạo nghiệp nữa, bất cứ là tốt hay xấu, hoặc nghiệp đưa đến thế lực bất bải miễn (không ai bị bải chức được như vua chúa hay trời Phạm Thiên)".

A.III (61) - "Vì lẽ đó, khi vô minh bị dập tắt thì hành biến tan. Không có hành thì thức cũng chẳng phát sanh. Không có thức thì danh sắc cũng không có. Danh sắc bị diệt thì không có lục căn. Không lục căn thì chẳng có xúc. Xúc không có thọ cũng không phát sanh. Không thọ thì cũng chẳng có ái. Ái không có thì không có thủ. Thủ không có thì chẳng có hữu và nếu hữu không có thì cũng chẳng có tái sanh."

Và khi trường hợp tái sanh bị dập tắt, thì những thảm hoạ già nua, tử biệt, sầu khổ, khóc than, đau đớn, thất vọng cũng tiêu tan. Tư cách diệt tận nguồn đau khổ là thế ấy. Ðây là chân lý cao siêu về sự diệt Khổ"

HIỆU LỰC CỦA NGHIỆP

M. 43 - "Thực ra vì chúng sanh bị vô minh che lấp, bị sa vào bẫy Ái dục, đi tìm kiếm nơi nầy đến nơi khác, nên mới phải bị tái sanh trong nhiều kiếp mới"

A. III - "Cái nghiệp phát sanh do lòng tham lam, sân hận, si mê, cái nghiệp xuất hiện từ đó và nguồn gốc cội rễ của nghiệp do đó mà ra.

Bất cứ chúng sanh xuất hiện tại đâu, cái nghiệp sẽ chín mùi tại đó. Nơi nào nghiệp chín mùi thì chúng sanh phải gặt hái quả báo, hoặc trong kiếp hiện tại, hoặc về cái kiếp sau".

NGHIỆP KHÔNG SANH QUẢ

M.43 - "Tuy nhiên, khi màn vô minh bị vẹt, trí tuệ bừng sáng phá tan lòng tham dục, thì trường hợp tái sanh không còn xảy ra nữa"

A.III (33) - "Những hành động không do lòng tham lam, sân hận, si mê thúc đẩy, những hành động như vậy, ví như cây thốt nốt bị nhỗ tận rễ lên khỏi đất không sao mọc lại được nữa".

A.III - "Trong chiều hướng đó, có người Chánh ngữ rằng Như Lai bày ra một lý thuyết về sự "Tiêu Diệt", Như Lai truyền bá một Giáo lý có tánh cách tiêu diệt và dạy hàng môn đệ học tập như thế"

Mà thật đúng như vậy! Như Lai hằng khuyến hoá về cách tiêu diệt. Nghĩa là tiêu diệt tham lam, sân hận, si mê, tiêu diệt những điều dữ và hành động xấu xa tội lỗi".

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Lý thuyết "nhân quả liên quan" (Paticca Samuppàda) là một giáo huấn theo định luật về mỗi vật phát sanh do sự phối hợp của tinh thần và vật chất (danh-sắc). Sự việc đã chứng minh rằng tất cả những hiện tượng tâm lý và vật chất trên thế gian huyền ảo này đều tuỳ thuộc vào sự hoạt động của các giác quan (Lục căn) gây ra muôn ngàn thống khổ, chớ không phải những tình trạng may rủi vu vơ mù quáng, mà là cuộc sống luôn luôn tuỳ thuộc vào những nguyên tố "Nhân và Duyên". Ðây là điểm cốt yếu về Giáo lý của Ðức Phật Thích Ca Gotama (mà không có một Tôn Giáo nào khác trên thế giới khám phá ra được).

Như thế gạt bỏ các yếu tố đó (mười hai nhân Duyên) thì những vật có liên quan tuỳ thuộc lẫn nhau chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Kết luận, lý thuyết "Paticca Samuppàda - Duyên Sinh" rất cần thiết để làm sáng tỏ trong "Tứ Diệu Ðế, chân lý thứ hai là nguyên nhân sự Khổ và chân lý thứ 3 là tư cách diệt Khổ". Thuyết đó giải thích từ nền móng hạ tầng lên tận điểm cao tột bằng hình thức của một triết lý nhận định sáng suốt. (Ðức Phật khi còn là đức Bồ Tát phải mất 6 năm khổ hạnh để tìm ra manh mối của sợi chuỗi 12 cái khoen Nhân Duyên đó). Nhìn vào bản lược đồ sau đây, chúng ta có thể nhận định về sự liên quan tuỳ thuộc với nhau giữa từng kiếp sống quá khứ, hiện tại và vị lai.

BẢN LƯỢC ÐỒ

Kiếp quá khứ

1. Vô Minh (nguồn gốc của Tham, Sân, Si)

Kàma Bhava (
Diễn tiến của Nghiệp)

2. Hành (hành động tạo ra sự sống)

Kiếp hiện tại

3. Thức (Sự biết mình)

Uppatti Bhava
(Diễn tiến đưa đến tái sanh)

4. Danh-Sắc (Sự phối hợp tinh thần và vật chất)

5. Lục Căn

6. Xúc (Ðụng chạm với sắc trần)

7. Thọ (Nhận lãnh tình cảm)

8. Ái (Tham dục)

Kamma Bhava
(Diễn tiến của Nghiệp)

9. Thủ (bám chặt đời sống)

10. Hữu (Diễn tiến của hành động)

Kiếp vị lai

11. Sanh

Uppatti Bhava
(Diễn tiến đưa tới tái sanh)

12. Tử

(những chi tiết trên đây mô tả cái vòng lẩn quẩn: Sanh tử, Tử sanh kéo dài triền miên vô cùng tận của chúng sanh)

-ooOoo-

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 08-2001).


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 01-08-2001