BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode VU Times or CN-Times font |
Đường đến Giác ngộ: 37 phần Bồ đề
Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu
Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times hay CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli. |
Chương VII-b BẢY GIÁC CHI 2- Trạch-pháp giác-chi (Dhammavicaya sambojjhaṅga) Là nhiệt thành suy xét pháp, hay suy ngẫm cao độ về giáo-pháp của đức Phật. Chữ vicaya nghĩa là tìm kiếm, sưu tầm. Trước tiên, hành-giả cần phải có pháp để suy xét, nhưng đó là pháp nào? Là già-bệnh-chết, ba hiện tượng này đã thúc giục Bồ-tát Siddhaṭṭha lên đường, sống đời đạo hạnh giữa chốn rừng sâu và cuối cùng thành-đạt Vô-thượng Chánh-đẳng-giác dưới cội Bồ-đề. Già-bệnh-chết nằm trong thân năm uẩn. Trong quá trình tu-tập, khi quán-xét về ba hiện tượng này, hành-giả sẽ gặp những suy-tư, những gút mắc, những nghi-vấn. Hành-giả tìm trong giáo-pháp của đức Phật những pháp môn nhằm mục-đích giải quyết những băn khoăn, nghi-hoặc ấy. Trong Phật-giáo không có sự cưỡng bức hay áp chế đức-tin, đức Phật không đòi hỏi hàng tứ chúng có một đức-tin mù quáng, cũng không tán thán loại đức tin này. Trái lại, Ngài tán thán loại đức-tin có suy-nghiệm kỹ, có thực chứng rõ ràng. Trong Trường-bộ kinh bài kinh Tự-hoan-hỷ (sampasādaniya suṭṭa). Khi Ngài Sārīpuṭṭa bày tỏ lòng tin của mình đối với đức Phật, đức Phật hỏi vì sao có lòng tin đối với bậc Ðạo-sư như vậy? Ngài Sārīpuṭṭa trình-bày: Truyền-thống chánh-pháp do Ðức Thế-tôn thuyết-giảng, được Ngài nhận biết: như pháp đen pháp trắng đều được đối chiếu. Và pháp thiện (pháp trắng) được Ngài thâm hiểu trọn vẹn Rồi Ngài trình-bày về những pháp đưa đến giác-ngộ như: bốn niệm-xứ, bốn chánh-cần, bốn như-ý-túc, năm quyền, năm lực, bảy giác-chi, thánh-đạo tám chi được Ngài thâm hiểu trọn vẹn, pháp sau thâm thúy hơn pháp trước. Ðó là nhân phát-sinh lòng tin của Ngài đối với đấng Ðạo-sư (idh’ekaccaṃ dhammaṃ dhammesu niṭṭhaṃ ayamaṃ saṭṭhari pasīṭhiṃ...). Chữ thâm hiểu trọn vẹn pháp (dhammaṃ dham-mesu) ý nói chứng-đạt, thành-tựu pháp ấy. Ngài nhận-thức rằng: những pháp ấy nằm trong sự hiểu biết của Ðức Thế-tôn, một sự hiểu biết trọn vẹn, được Ðức Thế-tôn thuyết-giảng trọn vẹn, được phân-tích đến độ không còn gì để phân-tích. Câu nói "không còn gì để hiểu biết hơn nữa" (n’aṭṭhi yad abhijānaṃ), hàm ý rằng: Ngài Sārīpuṭṭa cũng hiểu rõ như thế, đúng như sự thuyết-giảng của Ðức Thế-tôn qua sự chứng nghiệm của Ngài. Tiếp theo, Ngài Sārīpuṭṭa trình-bày những pháp thượng-nhân được Ðức Thế-tôn chứng đạt dễ-dàng, bằng chứng là Ðức Thế-tôn thuyết-giảng rõ ràng minh bạch. Những pháp thượng-nhân này, nếu một ngoại đạo sư nào đó chỉ cần thành tựu một pháp, đã giương cờ, giống trống lên rồi. Trái lại, Ðức Thế-tôn không tự mình tỏ lộ. Ðây là một pháp đáng kính phục, do vậy lòng tin của Ðức Sārīpuṭṭa vào bậc Ðạo-sư vô cùng mãnh-liệt. Trong quá trình suy-ngẫm pháp, hành-giả cần phải phân-tích đến tận cùng từng chi tiết với sự nhiệt thành, để thấu đạt trọn vẹn thực-chất của pháp hữu-vi là sắc và danh. Từ đó hành-giả nhận-thức được sự vật theo đúng chân-tướng: pháp hữu-vi phải trải qua ba giai-đoạn: sanh (upāda), trụ (ṭhiṭi) và diệt (bhaṅga). Ba giai-đoạn này diễn ra cực kỳ nhanh chóng đến nỗi khó có thể hình dung được, chúng liên tục biến đổi nhanh đến nỗi "không thể tắm hai lần trong một dòng sông". Tắm lần thứ nhất, nước dòng sông đã trôi đi, lần thứ hai là những giọt nước mới, những giọt nước cũ đã trôi xuôi lâu rồi. Có thể hiểu đơn giản: trụ -diệt ám chỉ cho già-bệnh-chết và sanh là nguyên-nhân dẫn đến già-bệnh-chết. Có thể khảo sát ngay trên chính thân năm uẩn của hành-giả, để thấy rõ từng uẩn một trong năm uẩn sanh lên từ nhân nào? Diệt đi bởi nhân nào? Sự khảo sát nông cạn, chăm chú hời hợt không chính đáng, đó là tác-ý không đúng, nó sẽ làm tâm nhơ bẩn nên không thể khảo sát được bản chất sự vật qua ba giai-đoạn sanh-trụ-diệt. Ví như người muốn bón phân vào ruộng lúa của mình, nhưng y không biết loại phân nào là cần thiết cho lúa, giá trị loại phân ấy ra sao, y cứ cho bừa vào ruộng, bất kể đó là loại phân gì, kết quả cánh đồng của y có thể chỉ còn là cỏ dại. Nhưng nếu y biết loại phân cần thiết cho loại lúa đang gieo trồng, y tìm thấy được loại phân ấy, nhưng hời hợt chỉ chú ý nhãn hiệu, không để tâm xem xét kỹ đúng loại cần dùng hay là loại phân giả mạo. Nếu là loại giả mạo, y mang về ném vào ruộng, thì kết quả cũng chỉ là cánh đồng trơ cỏ dại. Chỉ khi nào y xem xét kỹ lưỡng, biết rõ thực chất loại phân cần dùng, bây giờ y mới hy-vọng thu hoạch tốt. Cũng vậy, khảo sát pháp là xem xét tận tường về nhân, về duyên của pháp ấy. Trong thực tế, mỗi sự vật được hình thành đều có nhân có duyên (heṭu paccaya) và tạo thành kết quả (phala). Nhân là điều-kiện trực tiếp phát-sanh lên, còn duyên là điều-kiện ủng hộ cho sự phát-sanh. Nhân ví như mầm trong hạt giống, còn duyên ví như nước, đất ... Nói cách khác duyên là điều-kiện gián tiếp để sanh-khởi lên. Nhưng trong nhiều trường-hợp duyên cũng được hiểu như là điều-kiện trực tiếp (nhân), vì không còn điều-kiện nào khác ngoài điều-kiện này, cho dù điều-kiện này thực chất chỉ là hỗ-trợ. Như nói Ðạo-đế (magga sacca) là nhân, Diệt-đế (nirodha sacca) là quả. Ðạo-đế là bát chánh-đạo còn Diệt-đế là Níp-bàn. Níp-bàn là vô nhân vô quả (neva vipāka na vipāka-dhamma dhammā), nghĩa là pháp không phải là quả của nhân nào, đồng thời cũng chẳng có nhân nào trong đó để cho quả sau này. Như thế, câu nói Ðạo-đế là nhân, Diệt-đế là quả, xét ra không hợp lý. Nhưng ngoài bát chánh-đạo ra không còn con đường nào để chứng đạt Níp-bàn cả, mặc dù bát-chi đạo chỉ là điều-kiện hỗ-trợ cho sự chứng đạt Níp-bàn, nhưng lại là điều-kiện duy nhất. Ðức Phật dạy rằng: - Này Subhadda! Trong pháp-luật nào không có bát chánh-đạo không có đệ nhất sa-môn (ám chỉ bậc Dự-lưu), đệ nhị sa-môn (ám chỉ bậc Nhất-lai), đệ tam sa-môn (ám chỉ bậc Bất-lai), đệ tứ sa-môn (ám chỉ bậc A-la-hán). Này Subhadda! Trong pháp-luật nào có bát chánh-đạo thời có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn, đệ tứ sa-môn. Này Subhadda! Chính trong pháp-luật này có Bát Chánh đạo. (Mahāparinibbāna suṭṭa) Bát chánh-đạo ví như con đường dẫn đến thành phố, nhưng lại là con đường duy nhất, dĩ nhiên thành phố không phải được sanh ra từ con đường, nhưng nếu không có con đường này thì không thể đến thành phố. Do đó, ở khía cạnh này có thể (chỉ có thể thôi) nói "Ðạo-đế là nhân, Diệt-đế là quả". Chính vì suy xét ở cao độ nên những chi tiết dù là nhỏ hành-giả cũng không nên bỏ qua. Lẽ thường, chúng-sanh do hời hợt, dể-duôi nên cho rằng: "những chi tiết nhỏ nhặt, là không đáng kể, chẳng đáng quan tâm", điều này ảnh hưởng đến trí suy xét pháp. Có vị tỳ-khưu suy ngẫm về học-giới được Ðấng Ðạo-sư chế-định cho chư tỳ-khưu, trình-bày với trưởng-lão Mahā kassapa rằng: "Bạch Ngài! Học-giới được Ðức Thế-tôn chế-định, quả thật chi-li. - Này Hiền-giả! Chính sự chi-li ấy là Nhất-thiết-trí (sappaññuṭaññāṇa) của Ðức Thế-tôn". Trong bộ chú giải về Luật, Samanṭapasādikā có ghi nhận rằng: "Các vị Thánh Hữu-học xem những lỗi nhỏ nhặt nhất như làm quấy (dukkaṭāya), là một trọng tội (ṭhullaccayāya). Trong Pháp-cú kinh đức Phật cũng dạy rằng: Māvamaññeṭha pāpassa "Không nên khinh thường ác nhỏ, cho rằng "nó không đến gần ta". Māvamaññeṭha puññassa "Không nên xem thường phước nhỏ, cho rằng "nó không đến gần ta". Chữ āganissaṭi, "không đến gần", nghĩa là không mang tai hại hay hạnh-phúc đến được, ý nói không có kết quả. Ðức Phật cũng dạy bốn điều không nên khinh thường là: "- Ðóm lửa nhỏ, con rắn nhỏ, vị Hoàng-tử trẻ và vị sa-môn trẻ." Nhưng suy xét từng chi tiết nhỏ nhặt trên phương diện nào? Trên phương diện dẫn đến tác hại hay lợi-ích: tức là suy xét đến hậu quả (phala) của nó. Chính sự suy xét như thế, làm phát-sanh trí nhạy bén trong nhân phát-sanh, nhân đoạn-diệt của pháp (nào đó). Như vậy, giáo-lý có tính phân-tích (vibhajjavāda) mà đức Phật hướng dẫn cho chư đệ tử, giáo-lý ấy không xây-dựng trên nền-tảng đức-tin mù quáng, giáo-lý này được xây-dựng trên nền-tảng suy-nghiệm và thực chứng. Ðó là giáo-lý hình thành qua trí-tuệ thực tiển. Hành-giả thực tập điều này, gọi là tu-tập trạch-pháp giác-chi, nhưng phải dựa vào tác-ý đúng. Tác-ý đúng, hướng vào đâu để làm nền cho sự tu-tập Trạch-pháp giác-chi? -Hướng vào năm uẩn. Gia công chuyên cần quán-xét, suy-nghiệm để nhận ra sự sanh-diệt (udaya -vaya) của năm uẩn, cùng với sự hổ-tương liên kết của chúng qua duyên (paccaya), thấy được tác-dụng năng-lực của pháp hữu-vi (suddha saṅkhāra puñja), qua sự diễn tiến liên tục của danh-sắc. Chỉ khi nào hành-giả nhận-thức đầy đủ bản chất vô-thường, khổ, vô-ngã, bấy giờ ảo tưởng về ta, của ta không còn, sự nắm giữ năm uẩn không có. Khi ấy, hành-giả sẽ chứng nghiệm được hạnh-phúc của sự buông bỏ. Yaṭo yaṭo sammasaṭi "Mỗi khi suy niệm về sanh -diệt của các uẩn, Và: Dhammapīṭi sukkam seṭi "Người thấm nhuần giáo-pháp, Sự thấu triệt, chứng ngộ ba đặc-tướng vô-thường, khổ, vô-ngã được xem là tuệ minh-sát. Và sự chứng đạt này, ví như lưỡi dao bén, gột sạch tất cả những khuynh-hướng ngủ-ngầm trong tâm, đồng thời gột sạch những mầm móng tạo ra khổ luân-hồi. Trạch-pháp giác-chi là pháp giúp hành-giả có cái nhìn rõ ràng, nhận-thức được những gì đang bị che lấp bên trong, không còn quan điểm mù mờ về các hiện tượng của danh -sắc. Và hành-giả sẽ vượt lên trên mọi lầm-lạc nhờ có tuệ minh-sát sắc bén. Chỉ có tuệ minh-sát sâu sắc mới có thể mang lại quan kiến đúng đắn toàn hảo, không bị rơi vào lầm-lạc. Nhân sanh-khởi của Trạch-pháp giác-chi có bảy điều là:
Giải: Ðiều 1: Học hỏi về những pháp có ý-nghĩa thâm sâu như uẩn, xứ, giới (dhāṭu), quyền, lực, giác-chi, đạo, các chi-thiền Chỉ-tịnh, Minh-quán. Ðiều 2: Sạch sẽ trong các vật-dụng cùng thân thể. Nếu những vật-dụng hay thân thể không sạch sẽ, dù trí có sanh lên cũng bị ô-nhiễm, ví như ánh sáng ngọn đèn sanh-khởi lên do dầu, tim đèn, cây đèn, nếu cả ba không sạch thì ánh sáng cũng không trong sáng. Trái lại, ánh sáng sẽ rực rỡ do ba vật đều sạch. Cũng vậy, nếu vật-dụng, thân thể sạch sẽ, trí sanh lên được tốt đẹp. Ðiều 3: Năm quyền được quân-bình. Khi có một quyền già mạnh thì bốn quyền kia non kém, không thể làm phận-sự của mình được. Do vậy, khi hành-giả quán-xét thấy một quyền nào đó trong năm quyền già mạnh, hãy tìm xem do nhân nào khiến quyền ấy già mạnh, rồi làm giảm nhẹ quyền ấy. Như khi thấy tín-quyền già mạnh, biết được nhân khiến tín-quyền sung-mãn, làm giảm sức mạnh của tín-quyền bằng cách: - Không Tác-ý đến nhân làm tăng-trưởng tín-quyền. Như thấy tấn-quyền già mạnh, làm giảm nhẹ bằng cách nghỉ ngơi cho lắng dịu lại... Các quyền khác cũng nên hiểu theo lý này. Trong năm quyền cần phải quân-bình, trong đó tín-quyền và tuệ-quyền đi chung, tấn-quyền và định-quyền đi chung. Người có tín-quyền mạnh hơn tuệ-quyền, sẽ tin vào điều không đáng tin, nếu tuệ-quyền mạnh hơn sẽ phát-sinh nghi-hoặc, dẫn đến tà-kiến, để rồi chấp cứng vào tà-kiến ấy, rất khó chữa trị giống như người bị thuốc phản ứng. Người có trí nhiều thường có sự thiên chấp về tâm, cho rằng: "sự làm phước quan trọng ở tâm, chỉ cần tâm mà thôi, không liên-hệ gì đến thân, ngữ". Do vậy, khi mệnh-chung thường rơi vào khổ-cảnh địa-ngục. Khi tín, tuệ ngang nhau sẽ tin vào điều đáng tin và thấu triệt đúng đắn về điều được tin tưởng ấy. Nếu định-quyền mạnh, tấn-quyền yếu sẽ phát-sinh lười-biếng, rơi vào thụ-động vì định thiên về bất động, nếu tấn-quyền mạnh, định-quyền yếu, dễ phát-sinh tâm tán-loạn vì tấn thuộc về phần náo-động, năng động. Tín và tuệ-quyền là thành-phần căn-bản cho đắc đạo (pháp-nhãn), cần phải quân-bình hai quyền này mới có tuệ-quán. Tấn và định-quyền là thành-phần căn-bản cho đắc thiền, hai quyền này phải quân-bình mới nhập-định được, tín-quyền và tấn-quyền cũng dễ-dàng làm cho nhập-định. Nếu chuyên về thiền Chỉ, khi niệm già mạnh (tức là chú tâm vào một cảnh) có thể an-trú tâm vào định (là nhập-định) với thời gian dài. Nếu chuyên về thiền Quán, tuệ-quyền là cần thiết vì sẽ làm cho thông suốt thể tướng pháp. Nhưng chỉ bao giờ định tuệ quân-bình, khi ấy sự an-trú trong định mới thật toàn hảo, các pháp hoà nhập vào nhau không dư sót. Giống như người đầu bếp thiện xảo, dọn lên cho đức-vua món vật-thực hoàn hảo là: các gia vị vừa đủ, không vị nào dư thừa, vật-thực vừa chín (không quá chín, cũng không chưa được chín). Trong năm quyền, niệm-quyền cần nên già mạnh trong mọi lúc mọi nơi để canh phòng tâm, không cho tâm phóng túng theo tấn-quyền, không cho rơi vào lười-biếng bởi ảnh hưởng của định-quyền, không cho tâm phóng theo sự sai lạc của tín-quyền, ngăn chặn trí quyền vượt qua giới hạn làm nghi-hoặc sanh-khởi. Nói chung, niệm-quyền cần đi chung với mỗi quyền, nếu quyền nào già mạnh, nó nâng đỡ quyền thân-cận với quyền ấy lên ngang bằng. Như tín-quyền mạnh, nó nâng đỡ tuệ-quyền lên ngang bằng tín quyền, tấn-quyền mạnh, nó nâng đỡ định-quyền lên ngang bằng. Niệm-quyền ví như muối thường được nêm với tất cả món ăn. Hay ví như vị tướng quốc thường xử lý mọi việc trong nước. Do nhân này, Ðức Thế-tôn dạy rằng: - "Vì sao tâm phải nương vào niệm, phải có niệm phòng-hộ cho tâm? Vì rằng: khi có niệm, tâm không quá lừng lẫy, cũng không quá lui sụt". (Tăng-chi kinh) Có thể có nghi-hoặc đối với hành-giả tu-tập thiền Quán, thiền Quán chú trọng về trí, nghiêng về trí. Trí quyền già mạnh là điều tốt, vì sao lại có tác hại như khi mệnh-chung rơi vào khổ-cảnh? Ðúng vậy, trí là một pháp thiện, trí là điều cần thiết quan trọng nhất trong lãnh-vực thiền Quán. Thật ra, trí cũng cần thiết trong mọi lãnh-vực, công-năng của trí là soi rọi để tâm thấy được đúng -sai của sự-kiện. Trong lãnh-vực ngoại thân, nó soi rọi để tâm thấy tác hại dẫn dắt chúng-sanh rơi vào khổ-cảnh qua sự vi-phạm giới-hạnh do năm trần-cảnh tác-động, khi an-trú vào giới-hạnh đưa đến tốt đẹp, an lạc. Trong lãnh-vực ý, nó soi rọi để tâm thấy những nguy-hiểm do đắm-nhiễm vào tịnh-tướng. Thấy được sự an lạc khi từ bỏ năm trần-cảnh, đoạn tận tham-ái. Trong lãnh-vực tùy-miên, chính nó là kẻ quét sạch nền-tảng si-mê, căn cứ địa của mọi nổi khổ luân-hồi. Nhưng tác-dụng tốt đẹp của trí chỉ có được khi các pháp đồng sanh với nó nhất là các quyền, có sự quân-bình hoặc thua kém chút ít. Nếu trí quá già mạnh, trong khi các quyền khác quá yếu thì tác-dụng của trí không có, thậm chí có thể gây tai hại là khác. Ví như một đoàn có năm người, trong đó có một người cầm vật phát sáng để soi đường cho cả nhóm, nhưng y chạy quá nhanh, ánh sáng theo y vượt xa phía trước, bốn người còn lại không theo kịp. Thế là cả bốn rơi vào tăm tối và lạc mất nhau. Hoặc ví như ánh sáng quá mạnh có thể làm mù mắt yếu kém. Mặc khác, trí quá già mạnh trong khi bốn quyền kia yếu ớt, có thể đưa chúng-sanh rơi vào khổ-cảnh là vì: - Nương theo trí: tà-kiến, hoài-nghi sanh lên. Lấy pháp bố-thí ra để minh họa: Ðức Phật có dạy rằng: ba điều khiến bố-thí được hoàn hảo là: tâm thí, đối-tượng thí và vật thí. Nếu một người chỉ có tâm thí mà đối-tượng thí cùng với vật thí lại không có, thì y bố-thí cho ai? Bố-thí bởi vật gì? Không có, như thế tâm thí ấy không có tác-dụng, không mang đến kết quả lợi-ích nào cả. Hoặc lấy một pháp khác trong 10 điều sanh phước là Trì-giới. Người thiên về trí biết được rằng: Sự giữ giới quan trọng là do có cố ý vi-phạm hay không (veramanī đồng nghĩa với ceṭanā = cố ý). Do đó, y chỉ "cố ý không sát-sanh", nhưng thân lại vi-phạm, "cố ý không nói dối" nhưng ngữ vi-phạm... Thế là giới của y bị ô-nhiễm, bị rách "te tua". Ví như một sợi dây được se lại bằng bốn hay năm sợi nhỏ. Nhưng ba hay bốn sợi bị đứt, chỉ còn lại sợi dây "cố ý không vi-phạm" thì sợi dây ấy cũng không dùng được gì. Hay lấy một điều khác trong mười điều sanh phước là Cung-kỉnh. Một người chỉ có tâm cung-kỉnh, thân -ngữ không có, thì cái cung-kỉnh ấy chỉ còn là cách đối đãi bình thường giữa người và người mà thôi. Có còn chăng, chỉ là vài giọt nước cung-kỉnh ở bên trong, chẳng có tác-dụng gì lớn cả. Phục vụ chẳng hạn: Nếu chỉ có tâm phục vụ, thân -ngữ không có, thì sự phục vụ kia không mang lại lợi-ích thiết-thực nào cả ... Do đó, nói rằng: trí quá già mạnh, trong khi các quyền kia yếu-đuối, sẽ mang đến tác hại, khi lâm-chung dễ-dàng rơi vào khổ-cảnh nhất là địa-ngục. Ví như gió thổi nhè nhẹ mang lại sự mát-mẽ cho mọi người, nhưng gió lớn mạnh lại trở thành giông bảo mang lại tai-họa. Ðiều 4: Là không gần gũi, giao du với người đam mê dục-lạc, đắm-nhiễm trong ngũ trần, hay là người không hiểu biết về những pháp thâm sâu như uẩn, xứ ... Ðiều 5: Thân-cận người có trí là gần gũi, học hỏi nơi người có trí hiểu biết rành mạch về sự sanh diệt của pháp hữu-vi. Ðiều 6: Quán-xét đúng đắn các pháp thâm sâu, là nhận xét bản chất của uẩn, xứ, giới ... bằng sự bén nhọn sắc sảo của trí minh-sát. Ðiều 7: Chú tâm về trạch-pháp là hướng tâm quán-xét rõ ràng về nhân sanh -diệt của mỗi một oai-nghi, mỗi diễn tiến của tâm-thức. 3- Tấn giác-chi (Viriya sambojjhaṅga) Chi pháp bản thể của tấn là sở-hữu tinh-tấn, nhưng khi tấn hoạt động trong lãnh-vực nào, nó có tên gọi theo lãnh-vực ấy, như: - Khi kiên-trì nỗ-lực ngăn chặn mọi ác pháp đang sanh hay chưa sanh, ủng hộ các thiện-pháp đang sanh, làm sanh-khởi những thiện-pháp chưa sanh, có tên gọi là Chánh-cần. - Khi nỗ-lực nhiệt-tâm để thành-tựu những pháp cao-thượng, được mang tên Tấn như-ý túc. - Trong lãnh-vực cai quản, kiểm-soát các pháp đồng sanh với nó, thì gọi là Tấn-quyền. Còn có sức mạnh, không rung động trước sự biếng nhác, gọi là Tấn-lực. - Trong phương diện đưa đến giác-ngộ, thoát ra khổ luân-hồi gọi là Tấn giác-chi. Hành-giả lúc thối chí, biếng nhác trong công việc tu-tập, hành-giả nên nhớ lại đời sống của Ðấng Ðạo-sư. Ðời sống của đức Phật cho thấy rằng: Ngài không bao giờ có sự mệt mõi tinh-thần hay đạo-đức. Từ lúc thành-đạo Vô-thượng Chánh-giác cho đến phút cuối, trải qua nhiều năm mang lợi-ích đến chúng-sanh, thuyết-giảng những pháp nhằm mục-đích nâng cao phẩm hạnh con người, Ngài không bao giờ có sự dã-dượi biếng nhác tinh-thần, cho dù thân xác Ngài lắm khi phải mệt mõi vì ốm đau, đồng thời phải trải qua những sự chống đối, phỉ báng, ám hại của thế-gian, phải trải qua những nghịch-cảnh của đời sống. Cho dù không ai ép buộc (thật ra, chẳng một ai có thể ép buộc được Ngài) Ngài vẫn tuân thủ năm phận-sự suốt 45 năm trường không hề ngừng nghỉ. Ðó là: 1- Pubbaṇhe piṇḍapāṭaṃ: buổi sáng trì bình khất thực. Năm phận-sự này không hề gián đoạn suốt 45 năm hoằng pháp của Ngài. Hành-giả suy nghĩ rằng: "Vì hạnh-phúc của chúng-sanh (chẳng phải vì lợi-ích của Ngài), Ðức Ðạo-sư không ngừng cố-gắng, không phải bao giờ Ngài cũng khoẻ mạnh nhưng Ngài không hề giảm sút nỗ-lực về mặt tinh-thần. Ta là môn đệ của Ngài, vì lợi-ích cho chính mình, tại sao ta lại biếng nhác chứ? Người có trí sẽ chê trách ta, không tán thán ta". Ðó là động cơ thúc giục sự tinh-tấn trỗi dậy trước sự biếng nhác đang ngự-trị tâm hành-giả. Có những vần thơ mô tả về Ðức Thế-tôn như sau: "Bậc toàn thắng thật tuyệt vời, Giáo-pháp của đức Phật là giáo-lý dành riêng cho những người có trí và có nhiệt-tâm, dũng-mãnh. Quyết tâm thành-đạt mục tiêu cứu cánh, giáo-pháp này không dành cho người biếng nhác thiếu suy-tư. Araddhaviriyassayaṃ dhammo neyaṃ dham-mo kusiṭassa. (Tăng-chi kinh). Ðức Phật không bao giờ tự xưng mình là người có khả-năng ban thưởng đạo-quả Níp-bàn cho mọi người theo tùy thích. Trái lại, Ngài dạy rằng: Mỗi người phải mang hậu quả của hành động bất-thiện do mình tạo ra, muốn thoát ra những ác quả tai hại đó, người ấy phải tự mình giải quyết lấy. Và theo đúng lời dạy của đức Phật: người muốn giải thoát khổ, phải tự mình nỗ-lực bằng tất cả nhiệt-tâm cần thiết để tự mình thăng tiến trên đường giải-thoát. Ðức Phật chỉ là người khám phá ra "con đường", Ngài chỉ rõ, soi sáng "con đường" ấy, cho những ai muốn đi, còn đi hay không là do quyết định của người ấy, Ngài không cưỡng chế tư-tưởng của bất kỳ ai. Ðức Phật chỉ gián tiếp giải-thoát khổ cho chúng-sanh, chứ không trực tiếp làm điều ấy được. Có phải Ngài bất lực không? -Ðúng vậy, vì Ngài không phải là bậc toàn năng, đơn giản Ngài chỉ là bậc Ðại Giác-ngộ, Ðại Ðạo-sư, có thế thôi. Vị thầy chỉ gián tiếp giúp học trò giải một bài toán khó, bằng cách chỉ ra phương-pháp giải và người trò phải tự mình giải lấy. Nếu người thầy trực tiếp giải bài toán thì kết quả ấy là của người thầy chứ không phải của người trò, người trò chẳng có lợi-ích chi. Ðức Phật có dạy rằng: Aṭṭā hi aṭṭano nāṭho, "Chính ta là cứu tinh của ta. Hay là: Yo ca pubbe pamajjiṭvā "Người trước kia phóng-dật, Bất cứ trường-hợp nào, người theo chân Ðấng Giác-ngộ, không nên mất niềm hy-vọng giải-thoát khổ và không nên ngừng tinh-tấn. Cần phải kiên-trì nỗ-lực để thành-đạt mục tiêu ấy. Khi đức Phật còn là Bồ-tát, trong nhiều kiếp Ngài luôn luôn tinh-tấn dũng-mãnh để đạt thành quả vị Vô Thượng Chánh-giác, phương châm của Ngài là: "Mā nivaṭṭa abhikkama: Không chùn bước, luôn thẳng tiến". Phận-sự tinh-tấn có bốn là: - Tinh-tấn ngăn chặn điều ác không cho sanh-khởi. Chánh-cần và tấn giác-chi có điểm này là giống nhau, nhưng có điểm khác biệt là: Chánh-cần có mục-đích "lánh xa ác bất-thiện pháp, tích lũy thiện-pháp; trái lại, tấn giác-chi có khuynh-hướng "dẫn xuất ra khỏi luân-hồi". Ðây là điểm đặc biệt, hành-giả cần lưu ý trong khi tu-tập tấn giác-chi, tức là không thể đồng hóa chánh-cần là tấn giác-chi, nếu đồng hóa chánh-cần là tấn giác-chi sẽ làm khiếm khuyết tuệ-quán. Hành-giả cần phải hiểu rằng: chánh-cần là thiện, là điềm báo hiệu cho tấn giác-chi sanh-khởi. Như đức Phật dạy rằng: "Này chư tỳ-khưu! Ví như điềm báo trước mặt trời sắp mọc là rạng đông, cũng vậy, này các tỳ-khưu! điềm báo trước bảy giác-chi sanh-khởi là làm bạn với thiện ...". Và: "Này các tỳ-khưu! Ví như điềm báo trước mặt trời sắp mọc là rạng đông, cũng vậy, này các tỳ-khưu! điềm báo trước bảy giác-chi sanh-khởi là tác-ý đúng...". (Tương-ưng kinh) Qua hai đoạn kinh trên, chúng ta thấy: Tác-ý đúng và làm bạn với thiện làm sanh-khởi bảy giác-chi. Ở đây, bốn chánh-cần là thiện, là nhân sanh-khởi tấn giác-chi, nhưng mục-đích của chánh-cần là tích lũy thiện, không cho thiện bể vụn, hư hoại do ác pháp sanh-khởi, còn mục-đích của tấn giác-chi là đoạn tận nghiệp, dẫn đến đoạn tận khổ. "Này các tỳ-khưu! Con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn tận khát ái. Hãy tu-tập con đường ấy. Này các tỳ-khưu! Con đường, đạo lộ đưa đến đoạn tận khát ái, đó là bảy giác-chi ... Này Udāyi! Như vậy, do khát ái đoạn tận, nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận". (Tương-ưng kinh) Ðể nhận định rõ ràng hơn vấn đề này, chúng ta xét qua kết quả của chánh-cần và tấn giác-chi. Chánh-cần tích lũy thiện, gìn-giữ thiện không cho hư hoại, bể vụn nên kết quả của chánh-cần là quả an lạc, quả trắng, còn Tấn giác-chi có kết quả như thế nào? Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: "Này chư tỳ-khưu! Có bốn nghiệp này được Như-lai chứng ngộ với thắng-trí và thuyết-giảng. Thế nào là bốn? Này chư tỳ-khưu! Có nghiệp đen (có) quả đen, nghiệp trắng (có) quả trắng, nghiệp đen trắng có quả đen trắng, nghiệp không đen không trắng có quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn-diệt ... Này chư tỳ-khưu! Thế nào là nghiệp không đen không trắng có quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn-diệt? Niệm giác-chi, trạch-pháp giác-chi,... xả giác-chi, gọi là nghiệp không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn-diệt. Này chư tỳ-khưu! Bốn nghiệp này được Như-lai chứng ngộ với thắng-trí và tuyên thuyết". (Aṅguṭṭara-nikāya) Do đó, trong sự tu-tập bảy giác-chi, hành-giả nên nhận-định rõ ràng về ý-nghĩa cùng mục-đích của giác-chi. Chánh-cần được tu-tập đồng nghĩa là bảo tồn thiện-pháp, gần gũi thiện, làm bạn với thiện. Ðó là nhân để sanh-khởi tấn giác-chi. Vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào để bảo tồn thiện luôn luôn được tinh sạch? Chính là sự suy-tư đến thiện liên-hệ với thiện, nhờ đó các suy-tư liên-hệ đến dục, sân, si, ác bất-thiện pháp không thể sanh-khởi, đang sanh-khởi bị đoạn trừ. Tức là, hành-giả nỗ-lực trong sự suy-tư về thiện-pháp, khi có một tư-tưởng ác xấu sanh-khởi, nó sẽ bị tiêu diệt ngay. "Ví như người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ, đánh bật ra, đánh tung ra cái nêm khác...". (Kinh Đình chỉ tư duy, Trung bộ kinh) Ðối với người lười-biếng, không tinh-tấn, con đường trong sạch xem như bị khóa chặt. Hành-giả là người có nguyện vọng thành-đạt giác-ngộ, phải tự nung đúc mình một ý chí dũng-mãnh với đức-tin không thối chuyển. Và sự giác-ngộ, giải-thoát khổ không nằm ở ngoài ta, nằm ở chính trong thân ngũ-uẩn. "Này Rohiṭassa! Như-lai tuyên bố, chính trong thân ngũ-uẩn có sự khổ và sự diệt khổ". (Aṅguṭṭara-nikāya) Hành-giả nên lập tâm rằng: "Bổn phận của ta là phải nỗ-lực đạt cho được sự giải-thoát, cửa giải-thoát không hề đóng khóa chặt, chìa khóa mở cửa giác-ngộ không nằm trong tay ai cả, nên ta không cần phải van vái nguyện cầu để được ban bố. Cánh cửa giải-thoát của ta không bao giờ cài khóa chắc, chỉ có ta là người cài khóa chắc bằng sự biếng nhác". Ðức Phật có dạy rằng: Uṭṭhānakālamhi anuṭṭhāno "Người sống tiêu cực, uể-oải, không tinh-cần trong thời cần phải
tinh-cần, Ðó là động cơ thúc giục sự nỗ-lực tinh-cần khởi lên trong tâm của hành-giả với ý chí mãnh-liệt. Có mười một nhân sanh và làm tăng-trưởng Tấn giác-chi là: 1- Suy-gẫm hiểm-họa trong bốn đường ác. Giải rằng. 1- Suy-gẫm hiểm-họa trong bốn đường ác: Là nghĩ đến bốn khổ-cảnh: địa-ngục, bàng-sanh, ngạ-quỉ, A-tu-la. Suy-nghiệm rằng: sanh vào những hạng chúng-sanh như thế, không thể hành thiện-pháp được. Trong hiện-tại, nếu ta bỏ lỡ cơ hội, không tạo nghiệp thiện chắc chắn ta phải rơi vào những hạng người ấy trong vị-lai. Khổ do tinh-cần sanh lên chỉ là tương đối thôi, còn khổ trong ác đạo-quả thật đáng kinh-sợ. Như người đang bị ngọn lửa đuổi theo phía sau, người ấy gắng sức chạy đến nơi an-toàn như thế nào. Cũng vậy, ta cần phải nỗ-lực tinh-cần đạt cho được sự thoát khỏi bốn ác đạo bằng thánh quả Dự-lưu. 2- Quán-xét về ân-đức của tinh-tấn: Là quán thấy rằng: Người biếng nhác không thể thành-tựu pháp siêu-thế là bốn đạo, bốn quả và Níp-bàn. Chỉ có người có sự tinh-cần mới đạt được pháp siêu-thế, vậy ta nên tinh-cần để đạt được pháp cao-thượng ấy. 3- Quán-xét về cách tu tiến: Là quán thấy rằng: người biếng nhác không thể đi trên con đường mà chư Phật, chư thánh đi qua, tinh-tấn là một yếu tố của con đường ấy. Sự tu tiến của ta nếu có sự biếng nhác, xem như đứng lại trên con đường mà ta cần phải trải qua để trở thành những bậc Thánh Thinh-văn. 4- Quán ân-đức của Ðấng Như-lai: Bậc Ðạo-sư là tối thượng-nhân, cả mười ngàn thế giới rung động khi Ngài (còn là Bồ-tát) nhập thai bào, khi đản sanh, khi giác-ngộ Phật-quả, Ngài chuyển Pháp-luân, thị hiện Song-thông, Ngài ngự về cõi nhân-loại sau khi tế độ thiên tử Māyā (mẫu thân của Ngài khi còn là Bồ-tát), Ngài từ bỏ thọ hành và lúc Ngài tịch diệt. Tất cả những thời ấy toàn thế giới đều rúng động. Ta là người có phước lớn, được xuất-gia, được nương theo Ngài, trú trong pháp-luật này. Thật đáng chê trách nếu ta biếng nhác, giãi đãi. 5- Quán-xét đến sanh chủng cao quí: Ta là người có sanh chủng cao quí, vì là người thọ-trì tam quy, được xuất-gia trong pháp-luật này, được kể là sanh vào giòng họ của đức-vua Okkāka, tổ tiên của đức-vua Tịnh-phạn giòng Sakya. Nói đúng hơn, ta là cháu của đức-vua Tịnh-phạn và hoàng hậu Māyā. Do vậy, ta được kể là em của Ngài Rāhula, con của bậc tối thắng, thật không tương xứng với giòng giống anh hùng Sakya nếu ta chỉ là tên lười-biếng. 6- Thực-hành tinh-tấn bằng pháp khất thực: Những tín thí cúng dâng vật-thực là những người không phải thân quyến, bạn hữu gì của ta cả. Sở dĩ, họ cúng dường đến ta vì mong cầu quả phước, ta không nên dễ-duôi trong sự thọ dụng với sự biếng nhác hành-đạo cao-thượng. Nhưng bậc Ðạo-sư có dạy nên nuôi mạng bằng pháp khất thực, nhằm mục-đích tránh cho vị tỳ-khưu phát-sanh lười-biếng, hưởng-thụ. Ðức Thế-tôn chỉ tán thán vị tỳ-khưu tinh-cần hành-trì sa-môn hạnh để thoát ra khổ. Ðức Thế-tôn có dạy sự thọ-dụng bốn món vật-dụng có ba loại: thọ-dụng như mang nợ, thọ-dụng như người thừa tự, thọ-dụng như người chủ. Vị Thánh Hữu-học là người thọ-dụng như người thừa tự, vị Thánh Vô-lậu là người thọ-dụng như người chủ. Còn ta là phàm-nhân, thọ-dụng tứ sự mà không tinh-tấn hành pháp là người thọ-dụng như kẻ mang nợ. Giờ đây, nếu ta thọ-dụng mà biếng nhác, tai-họa sự khổ sẽ có cho ta. 7- Quán-xét đến di-sản lớn: Bảy tài-sản của bậc Thánh là tài-sản to lớn, đó là tài-sản của đức Ðạo-sư truyền lại cho con Ngài, cho những người có sự tinh-cần hành pháp, theo sự giáo giới của Ngài. Ví như cha mẹ trao lại tài-sản lớn cho những đứa con ngoan ngoãn, làm theo lời dạy bảo của mình. Nếu ta là kẻ biếng nhác sẽ không thể nhận lãnh di-sản quí báu ấy được. Bảy thánh sản ấy (là: tín, giới, tàm, quí, văn, thí, tuệ) dù là một loại, ta cũng không nhận được nếu lười-biếng. 8- Quán-xét đến phạm-hạnh bậc Thánh: Các bậc phạm-hạnh như trưởng-lão Sārīpuṭṭa, Moggallāna, Mahā kassapa ... các Ngài đã hoàn toàn chứng-đắc pháp siêu-thế bằng sự nỗ-lực tinh-tấn. Ta có nên theo gương các bậc ấy chăng? Liệu ta có tài giỏi hơn các bậc ấy không?, mà không cần nỗ-lực tinh-tấn cũng đắc đạo-quả?. Các điều 9 -10 -11 cũng dễ hiểu, nên không cần giải thích rộng. 4- Hỷ giác-chi (Pīṭi bojjhaṅga) Thực-tính pháp của hỷ giác-chi là sở-hữu hỷ. Sở-hữu hỷ khác với thọ-hỷ, sở-hữu hỷ là trạng-thái vui thích đối với cảnh, còn thọ-hỷ là thọ lãnh sự vui thích. Một người đi đường xe mệt mỏi, khát nước, y thấy hồ nước trong mát nên vui mừng, đến nơi y uống nước một cách thích-thú. Trạng-thái vui thích trước khi uống nước là Sở-hữu hỷ, còn uống nước một cách thích-thú là Thọ-hỷ. Hỷ giác-chi ở đây là nói đến trạng-thái thích-thú, hân-hoan, không đắm-nhiễm trong đối-tượng, có mục-đích dẫn ra khỏi khổ. Hỷ là một đức-tính có ảnh hưởng sâu rộng, bao gồm cả thân tâm. Khi hỷ được tu-tập phát-triển, thân hành-giả có cảm giác nhẹ nhàng hay cảm thấy thân tràn đầy sinh lực, sẵn-sàng làm bất kỳ việc gì, không hề e-ngại khó khăn, mệt nhọc. Người thiếu sự hân-hoan, không thể vượt qua con đường giác-ngộ để thành-đạt cứu cánh giải-thoát, vì không hân-hoan, nên không thể kham-nhẫn, chịu-đựng trước những chướng-ngại, khó khăn. Ví như người đi lạc trong rừng đầy hiểm-họa, chợt nhìn thấy con đường dẫn ra khỏi rừng, nếu y hân-hoan, sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi rừng trước khi hiểm-họa xảy đến. Trái lại, nếu y không hân-hoan, sẽ uể-oải lê bước, y khó có thể ra khỏi rừng trước khi hiểm-họa xảy đến. Một nỗi buồn man mác, một trạng-thái lãnh-đạm thờ ơ, một sự không hân-hoan thích-thú trước pháp thiền Chỉ hay thiền Quán sẽ dẫn đến một sự bất-mãn, không toại-nguyện. Ðó là hiển tướng của trạng-thái thiếu hay không có pháp hỷ. Như vậy, pháp hỷ là một điều rất cần thiết để bước vào một cuộc hành-trình chinh phục đau-khổ, thoát ra khổ luân-hồi. Hành-giả là người có nguyện vọng thành-đạt sự giác-ngộ, giải-thoát khỏi những ràng buộc vào cuộc lăn trôi vô định của luân-hồi, cần phải cố-gắng trau dồi pháp hỷ này. Không ai có thể ban hạnh-phúc cho ai cả, mỗi người tự xây hạnh-phúc bằng sự cố-gắng của chính mình, tích cực suy-niệm làm cho tâm an-trụ, chính sự an-trụ tâm, hỷ-lạc mới sanh lên. Có hai loại hỷ: hỷ hướng về bên ngoài, hỷ hướng về bên trong. Hỷ hướng về bên ngoài là trạng-thái thích-thú trước năm trần-cảnh, đây là loại hỷ cần nên từ bỏ. Hỷ hướng về bên trong là trạng-thái thích-thú trước những pháp đáng hài lòng, đáng thích ý. Loại hỷ này cũng có hai loại: - Loại hỷ thích-thú trước pháp đáng thích-thú, liên-hệ đến dục, liên-hệ đến bất-thiện pháp, loại hỷ này cần xa lánh, cần từ bỏ, cần đoạn-trừ. - Loại hỷ thích-thú trước pháp đáng thích-thú, liên-hệ đến thiện-pháp, loại hỷ này nên thân-cận, nên tu-tập, nên làm cho sung-mãn. Và loại hỷ thân-cận với thiện-pháp, là điềm báo cho hỷ giác-chi sanh-khởi. Do đó, không nên tìm sự thích-thú, hân-hoan ở bên ngoài, cho dù chỉ chút ít nhỏ nhoi, cảnh vật bên ngoài cũng ảnh hưởng không ít đến tâm. Biện-pháp nào có thể giúp hành-giả xa lánh sự thích-thú hướng ra ngoài? Trước hết, phải đề cập đến tác-ý xa lánh năm trần-cảnh đáng hài lòng, kế đến là hạnh tri-túc (biết vừa đủ). Tri-túc là một đặc điểm của hạnh-phúc, người thường trong thế-gian dường như có ý nghĩ rằng: "hạnh-phúc rất khó phát-triển trong tri-túc, hạnh-phúc chỉ có được khi phát-triển vật-chất sung-mãn". Nhưng chính hài lòng với sự vừa đủ, người ấy không tầm cầu những dục-lạc thế-gian, đồng nghĩa xa lánh tham-ái. Ðó là một hạnh-phúc thù-thắng. Trong Tăng-chi kinh có đoạn kinh ghi lại những lời đối thoại giữa Ðức Thế-tôn cùng Hoàng-tử Haṭṭhaka người Ālïavī, khi Ngài ngự trong rừng Siṃsapā ở xứ Gomagga, tóm lược như sau: Hoàng-tử Haṭṭhaka cho rằng: "Sự an lạc là do thụ-hưởng những vật-dụng tốt đẹp". Ðức Thế-tôn hỏi Hoàng-tử Haṭṭhaka: - "Khi thân tâm bị nung nấu bởi những nhiệt não do tham-ái sanh. Người ấy có đau-khổ không?. - Thưa có! Bạch Thế-tôn. - Khi thân tâm không bị nung nấu bởi những nhiệt não do tham-ái sanh, người ấy có đau-khổ không?. - Bạch Thế-tôn! không. - Như-lai tận diệt được tham-ái, cắt đứt gốc rễ tham-ái, như cây Tālā bị đứt rễ không thể sanh-khởi trong tương-lai. Do đó, Như-lai cảm thấy an lạc". Ý đức Phật dạy rằng: "Tuy thọ hưởng dục-lạc đầy đủ, nhưng thân tâm bị tham ái ngự-trị, người ấy vẫn đau-khổ. Trái lại, tuy không thọ hưởng vật-dụng tốt đẹp, nhưng thân tâm thoát ra tham-ái, người ấy không đau-khổ " Trong thế-gian, người có ý nghĩ như Hoàng-tử Haṭṭhaka nhiều vô số, họ cho rằng: "Hạnh-phúc là được thọ hưởng những vật-dụng trong thế-gian". Rất ít người nghĩ rằng: "Sự hạnh-phúc, an lạc có được là do không bị nô-lệ của tham-ái, do không đắm-nhiễm trong tham-ái". Do đó, người thường trong thế-gian hình như có ý nghĩ: "rất khó trau dồi, phát-triển hạnh tri-túc". Tuy nhiên, nếu hành-giả quyết-tâm kiên-trì dũng-mãnh, chú-ý và suy-tư chân-chánh về những gì thường gặp hằng ngày. Ðồng thời, kiểm-soát những khuynh-hướng bất-thiện, ngăn-chặn, kìm-chế những tầm-cầu trong những quyến-rũ của vật-chất, không riu ríu phục-tùng một cách hồn-nhiên thơ-dại trước dục-lạc, khi ấy hành-giả cảm nhận an-lạc của hạnh tri-túc. Trong Pháp-cú kinh, đức Phật có dạy: Maṭṭā sukhapariccāgā "Nếu từ bỏ hạnh-phúc nhỏ nhoi mà có thể thành-đạt hạnh-phúc lớn. Hạnh-phúc nhỏ và lớn là sự so sánh tương-đối với nhau. Ðức Phật có dạy rằng: Lạc trong vật-chất là nhỏ so với lạc sơ-thiền, lạc sơ-thiền là nhỏ so với lạc nhị-thiền ... lạc của thiền-định là nhỏ so với lạc sơ đạo ... Và tối thắng là Níp-bàn lạc. "Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Níp-bàn là lạc tối-thượng". Hạnh-phúc thật sự không phải bám víu hay nắm chặc lấy những vật-chất vô-tri, luôn cả những gì thuộc hữu-giác như thân-bằng, hội-chúng, đệ-tử, con cái, tôi tớ... hạnh-phúc thật sự là hạnh-phúc không bị trói-buộc vào những điều trên, không bị đắm-nhiễm bởi danh-sắc của thế-gian. Hỷ giác-chi là sự thích-thú trước đối-tượng vô-nhiễm, trước những hạnh-phúc không bị vướng-lụy. Và tri-túc là điều-kiện trợ giúp cho hỷ giác-chi sanh-khởi trước đối-tượng không có sự khao-khát dục-vọng. Susukhaṃ vaṭa jīvāma "Hạnh-phúc thay! ta sống không khao-khát (dục-vọng). Trong tâm chúng-sanh, thường xảy ra những xung đột đủ loại, chúng chống báng lẫn nhau, những ý thiện chống đối ý bất-thiện và ngược lại. Ðó cũng là điều-kiện khiến hỷ giác-chi không có mặt, vì có chống đối là có khó chịu, có triệt hạ. Nếu ý bất-thiện mạnh thì ý thiện không thể sanh-khởi, thế là hỷ giác-chi không có mặt, còn nếu ý thiện mạnh, ý bất-thiện bị đẩy lùi, bị áp chế, ở trong trạng-thái này hỷ giác-chi cũng chưa thể xuất hiện vì thiện chưa sung-mãn. Do đó, hành-giả cần có sự kiểm-soát tâm để những tư-tưởng thụ-hưởng dục-lạc không còn cơ hội sanh lên, lập nền móng cho hỷ giác-chi xuất hiện. Mặc dù ta chưa đủ năng-lực trừ diệt dục-ái, nhưng khả-năng giữ mình, không buông lỏng tâm phóng túng theo khuynh-hướng dục-vọng xấu xa, điều ấy có thể làm được. Nói cách khác, hạnh tri-túc là sự giữ tâm không cho phóng theo khuynh-hướng tầm cầu dục-lạc. Ðức Phật dạy rằng: "Dục-lạc không bao giờ được thoả mãn hoàn toàn". Hạnh-phúc vật-chất chỉ là sự thoả mãn một vài ước vọng, nhưng khi vừa đạt được, nó đã vội lìa bỏ ta và ta không bao giờ cho là đủ. Na kahapaṇavassena "Trận mưa vàng không làm cho hạnh tri-túc phát-sanh đến người dục-lạc. Chính sự kiểm-soát tâm qua pháp tri-túc, là cách rèn-luyện tâm trường kỳ trong sự từ bỏ, xa lánh những vị khách xấu xa: tham-dục, sân-hận, lười-biếng ... Ðó là những vị khách lắm chuyện, cứ thuyết-phục, quyến-rũ ta hướng về khoái-lạc, khi ta rơi vào vòng, trở thành nô-lệ của dục-vọng, những người khách này sẽ tàn hại, đày đọa ta không thương tiếc. Giờ đây, ta chưa đủ năng-lực trục xuất những người khách "ngồi dai như đĩa" ra khỏi căn nhà của tâm. Ta sẽ ẩn trú vào chiếc áo giáp được đức Phật ban cho, chiếc áo giáp ấy sẽ vô-hiệu hoá những vũ khí dục-lạc mà những người khách này dùng tấn công. Ðó là áo giáp "tri-túc". Bao giờ những vị khách này muội-lược, ta mạnh-mẽ, ta sẽ nắm cổ từng người, ném quăng về thế giới ảo ảnh phù-du của họ. Và tâm hành-giả hân-hoan, thích-thú khi không còn những ông khách xấu xa. Ðó chính là hỷ giác-chi. Sự từ bỏ ấy chính là sự từ bỏ đúng đắn, từ bỏ suông ở bên ngoài như nhịn đói, gội rửa dưới sông Hằng hay hơ mình cạnh đống lửa lớn ... không thể thanh-lọc tâm, không thể mang lại hạnh-phúc vô-nhiễm dục-lạc, đó chỉ là hình-thức khổ-hạnh mà thôi. Hỷ liên-hệ với thiện-pháp, được tu-tập sẽ mang lại hạnh-phúc vô-nhiễm, hạnh-phúc vô-nhiễm làm tâm hân-hoan thích-thú. Ðây là tác-dụng hổ-tương giữa hỷ và hạnh-phúc vô-nhiễm. Một người thợ thiện xảo, y hân-hoan thích-thú trước một công trình sắp thực-hiện, sau khi hoàn tất, thấy công trình mình tạo ra hoàn hảo tốt đẹp, y lại hân-hoan thích-thú ngắm nhìn. Công trình hoàn hảo ví như hạnh-phúc vô-nhiễm. Hân-hoan thích-thú trước khi thực-hiện là hỷ liên-hệ với thiện, sau khi hoàn thành-công trình là hỷ giác-chi. Hành-giả cần nhận-định rõ sự khác biệt giữa: thích-thú và hạnh-phúc vô-nhiễm. Thích-thú là trạng-thái vui của pīṭi, trạng-thái này có tính tạm bợ nhất thời, thoáng qua rồi mất. Còn hạnh-phúc vô-nhiễm có chỉ thật sự khi hành-giả chứng đạt quả Vô-lậu, ngoài ra nó cũng chỉ là tạm bợ, thoáng chốc đã mất. Nhưng so với những hạnh-phúc tạm bợ khác thì chẳng có gì tốt hơn loại hạnh-phúc vô-nhiễm này. Ðã thấu hiểu bản chất giả tạm của loại hạnh-phúc vô-nhiễm này, khi nó mất đi, hành-giả cũng chẳng nên phiền-muộn, vì chẳng có lợi-ích chi cả. Trái lại, còn gây chướng-ngại cho hỷ giác-chi sanh-khởi, tốt nhất, nên tìm lại nó, rồi cố-gắng duy trì bằng sự tinh-tấn. Có lần đức Phật đi vào xóm khất thực, do sự quấy phá của Ma-vương (Māra). Hôm ấy, Ngài chẳng được ai cúng dường chi cả. Ma-vương bạch hỏi Ngài có khó chịu vì đói bụng không? Ngài giải thích thái độ an-tịnh tâm của người thoát ra mọi chướng-ngại (kañcana) của tinh-thần, trạng-thái của người thoát ra mọi trói-buộc của tham-sân-si. Rồi Ngài thuyết lên kệ-ngôn: Susukhaṃ vaṭa jīvāma "Hạnh-phúc thay! Như-lai sống không chướng-ngại. Nhân sanh hỷ giác-chi Ngoại-trừ tác-ý đúng, hỷ giác-chi được sanh-khởi và tăng-trưởng do mười một nhân khác là: 1- Tùy-niệm ân-đức Phật (buddhānussaṭi): là suy-gẫm về ân-đức Phật. 2- Tùy-niệm ân-đức Pháp (dhammānussaṭi): là suy quán về ân-đức Pháp. 3- Tùy-niệm ân-đức Tăng (saṅghānussaṭi): là quán-xét về ân-đức Tăng, tức là quán-xét về ân-đức bốn quả siêu-thế. 4- Tùy-niệm ân-đức Giới (sīlānussaṭi): là quán-xét về giới-hạnh mà mình đang thọ-trì, giới thọ-trì được thanh-tịnh, làm phát-sanh sự hoan-hỷ đối với giới, đồng thời nâng cao sự tự-tin, không kinh-sợ trong tâm của người hành-trì-giới thanh-nghiêm. 5- Tùy-niệm ân-đức Thí (cāgānussaṭi): là quán-xét hạnh bố-thí mà mình đã tạo, tức là sự hoan-hỷ phát-sanh từ hạnh bố-thí liên-hệ đến thí Thánh-tài (một trong bảy tài-sản của bậc Thánh), thí-sự ấy có ân-đức là cho an-tâm, không lo sợ nghèo khổ trong tương-lai. 6- Tùy-niệm ân-đức Thiên (devānussaṭi): là quán-xét đến pháp làm cho người trở thành chư-thiên, những pháp ấy đang có ở ta không? Những pháp ta đang có, những pháp ấy có phải chính là những pháp giúp chúng-sanh tốt đẹp trong nhàn-cảnh không? Tâm hành-giả sẽ hoan-hỷ khi thấy những pháp đưa về nhàn-cảnh đang có với mình. 7- Tùy-niệm Tịch-tịnh (upasamānusaṭi): là quán-xét về sự bất động của những ô-nhiễm, những ô-nhiễm đã yên-lặng do năng-lực thiền-định. Nghĩa là xác-chứng được sự an-tịnh tự-tại, có giá trị vượt qua năm trần-cảnh, không cần đến năm dục tăng-trưởng (pañca kāmaguṇā), cũng được an-vui. 8- Không thân-cận với người vô-tín. Người vô-tín là người không có đức-tin nơi Tam-bảo, thường có thái độ không cung-kỉnh trước những bảo-tháp thờ Xá-lợi, cội Bồ-đề, hay kim-thân Phật được tạo thờ. 9- Thân-cận bậc trí, nhất là bậc có đức-tin nơi Tam-bảo. 10- Suy-gẫm pháp-học, phân-tích rộng về những điều-học nơi kinh-sách, phát-sinh trí và đức-tin cùng sự hoan-hỷ với pháp. 11- Thiên về hỷ giác-chi trong mọi oai-nghi. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02.a | 02.b | 02.c | 02.d | 03 | 04 | 05 | 06 | 07.a | 07.b | 07.c | 08.a | 08.b |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 24-08-2003