Cuộc sống của mỗi chúng ta đều tồn tại nhờ vào sự kết hợp của hai giá
trị vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, có một khuynh hướng sai lầm rất
phổ biến là không thấy được sự gắn bó và tương quan giữa hai giá trị
này. Chính vì thế, đôi khi chúng ta quá xem trọng yếu tố vật chất, lại
có đôi khi quá đặt nặng về mặt tinh thần. Nhưng sự kết hợp hài hòa giữa
hai yếu tố này lại chính là nền tảng thiết yếu nhất để có được một cuộc
sống an vui, hạnh phúc.
Khuynh hướng sai lầm này thật ra đã có mặt cùng với loài người từ rất xa
xưa. Nhiều nhà hiền triết thời cổ đại được kể lại là đã chọn cách sống
khắc khổ, xa rời mọi tiện nghi đời sống và không bao giờ thỏa mãn những
nhu cầu vật chất của bản thân mình. Họ làm như thế vì tin rằng nhờ đó mà
sẽ có được một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn. Chính đức Phật Thích-ca
trước khi thành đạo cũng đã từng trải qua 6 năm đi theo con đường khổ
hạnh, hạn chế tối đa mọi nhu cầu vật chất. Nhưng sau đó ngài đã nhận ra
sự sai lầm này và tìm ra hướng đi đúng đắn để đạt được sự giác ngộ. Và
vì thế, con đường do ngài chỉ dạy là con đường duy nhất dẫn đến một đời
sống thực sự an vui và hạnh phúc.
Mặt khác, quanh ta luôn có rất nhiều những con người chạy theo các giá
trị vật chất. Đôi khi, nhìn vào cách sống của họ ta có cảm giác rằng
chính những giá trị vật chất là tất cả những gì họ có. Họ tích lũy tiền
bạc, của cải để trở nên giàu có, sung túc. Họ lao vào hưởng thụ những
khoái lạc của đời sống, bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức, luân lý. Họ sử
dụng những giá trị vật chất có được để cố đổi lấy niềm vui trong cuộc
sống, vì họ tin rằng đó là cách duy nhất để họ có thể làm được điều đó.
Nhưng hầu hết những người như thế sớm muộn gì rồi cũng sẽ nhận ra sai
lầm của mình. Bởi vì họ không bao giờ có thể thực sự có được niềm vui
sống. Cái mà họ có được chỉ là những khoảnh khắc thỏa mãn thoáng qua,
tạo cảm giác hài lòng trong phút chốc, nhưng kèm theo đó bao giờ cũng là
vô số những hệ lụy khổ đau.
Sự thật là những giá trị vật chất và tinh thần vốn dĩ không bao giờ có
thể tách rời nhau như hai phạm trù riêng biệt. Vật chất có được giá trị
của nó phụ thuộc vào tinh thần, và các giá trị tinh thần bao giờ cũng
chỉ tồn tại trên cơ sở những biểu hiện vật chất nhất định. Cái đẹp của
một bức tranh không chỉ hoàn toàn do nơi những đường nét, màu sắc trong
tự thân nó, mà còn tùy thuộc vào nhận thức, năng lực thẩm mỹ và thậm chí
cả trạng thái tinh thần của người ngắm tranh.
Những niềm vui, nỗi buồn, sự thương yêu hay oán ghét, kính trọng hay
khinh miệt... nảy sinh trong lòng ta là do nơi phản ứng của ta trước
những biểu hiện vật chất mà ta tiếp xúc. Ngay cả tâm trạng của ta trong
một lúc nào đó cũng luôn có sự phụ thuộc nhất định vào các yếu tố vật
chất của môi trường bao quanh. Ngược lại, khi lòng ta đang tràn ngập một
cảm xúc mạnh mẽ nào đó thì toàn bộ thế giới vật chất chung quanh đều sẽ
thay đổi trong nhận thức của ta, như thi hào Nguyễn Du đã từng viết:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Vì thế, việc tách rời hoặc đối lập các giá trị vật chất và tinh thần là
một nhận thức sai lầm, không đúng thật. Và vì đó là một nhận thức sai
lầm nên chúng ta chẳng bao giờ có thể dựa vào đó để có được một thái độ
sống đúng đắn dẫn đến niềm vui và hạnh phúc.
Thái độ của chúng ta trong cuộc sống phụ thuộc vào nhận thức, nên khi
nhận thức sai lầm phân biệt giữa các giá trị tinh thần và vật chất thì
đồng thời chúng ta cũng nảy sinh thái độ chọn lựa, thiên lệch. Sự phán
đoán của ta về những giá trị được, mất trong cuộc đời cũng dựa trên thái
độ chọn lựa, thiên lệch đó. Khi tài sản tích lũy của ta gia tăng, ta cho
rằng đó là được, nhưng thường không cân nhắc đến những giá trị tinh thần
có thể đã suy giảm đi vì những hành động không chính đáng khi ta cố
giành lấy những giá trị vật chất ấy từ người khác.
Lịch sử Trung Hoa ghi lại việc vua Đường Thái Tông là Lý Thế Dân ngay
khi vừa lên ngôi đã giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát để
củng cố ngôi vua của mình. Hẳn nhiên ông ta cho rằng việc ngồi vững trên
ngôi vua là một cái được, nhưng lại không biết rằng việc ra tay giết hại
cả hai người anh ruột để đạt mục đích ấy là một cái mất quá lớn lao!
Lịch sử Việt Nam ghi nhận một trường hợp ứng xử hoàn toàn ngược lại. Khi
vua Lý Thái Tổ vừa băng hà vào năm 1028, thái tử Phật Mã (tức vua Lý
Thái Tông sau này) còn chưa kịp lên ngôi thì ba vị hoàng tử là Đông
Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương cùng nhau làm phản, muốn
giết thái tử. Nhờ sự giúp sức của dũng tướng Lê Phụng Hiểu cùng sự tận
trung của triều thần và tướng sĩ, cuộc nổi loạn được dẹp yên. Vũ Đức
Vương bị Lê Phụng Hiểu chém chết ngay giữa trận, Đông Chinh Vương và Dực
Thánh Vương đều bị bắt giam. Dù vậy, ngay sau khi lên ngôi, vua Lý Thái
Tông đã ban lệnh đại xá cho tội nhân khắp nước, và tha thứ cả tội phản
loạn của hai người em, lại cho phục hồi chức tước như cũ. Bằng cách ứng
xử này, rõ ràng là vua Lý Thái Tông đã có một nhận thức hoàn toàn khác
biệt so với vua Đường Thái Tông. Và điều này cũng tiếp tục được thể hiện
trong suốt những năm trị vì của ông vua nhân ái này.
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều việc mà sự chọn lựa ứng xử của
chúng ta luôn phụ thuộc vào khái niệm được hay mất. Khi buông bỏ một giá
trị vật chất, chúng ta thường cho là mất, nhưng kỳ thật còn phải cân
nhắc mục đích của sự buông bỏ ấy như thế nào mới có thể xác định đó là
được hay mất. Khi có thêm một phần giá trị vật chất, chúng ta thường cho
là được, nhưng kỳ thật cũng cần xét đến những giá trị tinh thần tương
quan mới có thể xác định đó là được hay mất. Và chỉ khi nhận thức đúng
về sự được, mất trong cuộc sống thì chúng ta mới có thể có một cuộc sống
an vui và thực sự có ý nghĩa.
Người xưa nói: “Làm người giàu sang thì đánh mất nhân nghĩa.” (Vi phú
bất nhân.) Thật ra, câu nói ấy chỉ đúng khi sự giàu có được tạo ra bằng
những thủ đoạn gian trá và sự áp bức, bóc lột người khác. Ngày nay, có
rất nhiều người làm giàu một cách chính đáng bằng tài năng và công sức
của chính họ, những người ấy không hề đánh mất nhân nghĩa.
Vì vậy, câu nói trên cũng có thể xem là đã phản ánh phần nào thái độ cực
đoan trong sự lựa chọn giữa các giá trị vật chất và tinh thần. Ở đây,
chúng ta thấy rõ sự đối nghịch và loại trừ nhau giữa hai giá trị, trong
khi thực tế là chúng cần phải được nhìn nhận trong mối tương quan gắn bó
không tách rời. Vì thế, có thể nói rằng sự nhận biết và thay đổi quan
điểm sai lầm này là một điều rất quan trọng và cũng không phải dễ dàng.
Thật ra, với bản năng yêu thương sẵn có, mỗi người chúng ta đều muốn làm
những điều tốt đẹp cho người khác, đều muốn giúp đỡ những người khốn
khó. Nhưng chính ý tưởng không muốn mất đi các giá trị vật chất nhiều
khi đã ngăn cản chúng ta làm những việc tốt đẹp như thế. Nếu thấy được
mối tương quan giữa vật chất và tinh thần, chúng ta sẽ thấy rằng việc sử
dụng đúng đắn một phần giá trị vật chất nào đó để làm được những điều
tốt đẹp không bao giờ là mất đi, vì nó luôn mang lại cho chúng ta những
giá trị tinh thần nhiều lần hơn thế nữa.
Điều này không hề mang tính triết lý suông, mà là một thực tế, nhưng cần
đến sự sáng suốt, tinh tế mới có thể nhận ra được. Khi bạn có thể làm
được những điều tốt đẹp thuận theo bản năng yêu thương của mình, bạn sẽ
có được nhiều niềm vui và nghị lực trong cuộc sống. Vì thế, điều chắc
chắn là bạn sẽ có được sự sáng suốt và nguồn cảm hứng tốt hơn trong mọi
công việc. Và điều này sẽ mang lại cho bạn những kết quả tốt đẹp hơn,
những giá trị vật chất lớn lao hơn. Như vậy, kết thúc chu kỳ tương quan
này, bạn không những chẳng hề mất đi mà còn thường là có được nhiều hơn
bạn tưởng.
Người đang giữ danh hiệu giàu có nhất thế giới, ông Bill Gates, đã từng
có cách nói rất hay khi diễn đạt mối tương quan này. Khi được hỏi về
những khoản tiền kếch sù hàng tỷ đô-la mà ông đã bỏ ra cho các quỹ từ
thiện xã hội, ông nói: “Tôi chỉ trả lại cho thế giới những gì mà thế
giới này đã cho tôi.” Con đường đi của các giá trị vật chất là như thế.
Chúng không hề mất đi khi được sử dụng vào những công việc tốt đẹp, chỉ
có điều là sự trở lại của chúng thường không được ta nhận biết một cách
rõ ràng mà thôi.
Sự thật là nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ chặt lấy những giá trị vật
chất mà mình đang có, thì chính điều đó sẽ làm cho tâm hồn ta trở nên
hẹp hòi, ích kỷ. Chính sự hẹp hòi đó sẽ ngăn không cho ta có được sự
sáng suốt và cảm hứng sáng tạo trong công việc, cũng như khiến cho ta
phải mất dần đi những mối quan hệ tốt đẹp trong công việc. Kết quả là ta
sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Như vậy là, thay vì có thể
tạo ra được những giá trị vật chất lớn hơn, ta lại đang lãng phí thời
gian trong việc cố giữ lấy phần vật chất nhỏ nhoi đang có được.
Vì thế, nếu bạn có thể nhận biết được mối tương quan giữa các giá trị
tinh thần và vật chất, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên đơn giản hơn và có
rất nhiều sự tính toán so đo của chúng ta trong cuộc sống thật ra là sai
lầm và hoàn toàn không cần thiết!