Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, Tenzin Gyatso, có thể nói là một trong những
tên tuổi lớn trên thế giới mà gần đây luôn được rất nhiều người tôn
kính. Sự tôn kính này không hẳn chỉ vì ngài là người đã nhận được giải
Nobel Hòa bình do những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tìm kiếm một
tiếng nói chung cho nền hòa bình thế giới, mà còn là vì những bài thuyết
giảng rộng rãi của ngài luôn đề cập đến những chủ đề mà hầu hết mọi con
người của thế giới hiện đại đều phải quan tâm đến.
Trong số những người ngưỡng mộ ngài qua các bài thuyết giảng, không chỉ
giới hạn có những tín đồ Phật giáo, mà còn có sự hiện diện của hầu hết
những tôn giáo khác, bởi những gì ngài giảng dạy không đơn thuần là
những trích dẫn từ kinh điển mà thực sự là những kinh nghiệm tu chứng mà
bản thân ngài đã có được ngay trong cuộc sống của thời hiện đại này. Vì
thế, bất cứ ai cũng đều có thể nhận được lợi ích lớn lao từ những bài
giảng của ngài.
Mặt khác, không chỉ những ai quan tâm đến các vấn đề về tinh thần hoặc
tâm linh mới cần đến lời dạy của ngài. Điều thú vị đã xảy ra trong hơn
một thập kỷ qua là có rất nhiều nhà khoa học phương Tây đã nghiên cứu và
phát hiện những điểm tương đồng giữa tri thức khoa học của phương Tây
với trí tuệ trực giác của phương Đông mà ngài là một trong những điển
hình rõ nét nhất. Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi những kết
quả nghiên cứu của họ cho thấy việc tu tập thiền định chẳng hạn, không
chỉ mang ý nghĩa rèn luyện tâm linh, mà thực sự luôn mang lại những lợi
ích lớn lao hết sức cụ thể cho sự phát triển thể chất, duy trì sức khỏe
của con người. Họ cũng hết sức bất ngờ khi nhận ra rằng những chỉ dẫn
cho sự tu tập của một tu sĩ không chỉ hoàn toàn dựa vào đức tin, mà thực
sự là dựa trên những cơ sở khoa học vô cùng chính xác và hợp lý, nhờ đó
luôn tạo ra được những điều kiện tối ưu để sự hành trì có thể đạt đến
kết quả khả quan nhất!
Lạ thay, tất cả những điều kỳ diệu đó lại không có được nhờ vào những
kết quả nghiên cứu, phân tích luôn cần đến sự hỗ trợ bởi máy móc, thiết
bị tối tân của phương Tây, mà chỉ là hoàn toàn dựa vào năng lực trí tuệ
trực giác, vào sự thực chứng qua kinh nghiệm cá nhân, đã được đức Phật
khám phá và chỉ bày cho nhân loại từ hơn 25 thế kỷ trước đây, và cho đến
nay thì đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 chính là một trong những người tiếp
nối được truyền thống cực kỳ quý giá đó. Những bài thuyết giảng của ngài
trong nhiều năm qua đã thực sự mang lại những hiểu biết chân chánh và
thiết thực về Phật giáo cho nhân loại thời hiện đại, đặc biệt là trong
đó có rất nhiều người phương Tây trước đây chỉ quen tiếp nhận mọi tri
thức thông qua cánh cửa khoa học.
Mặc dù là người Tây Tạng, nhưng hầu hết những bài thuyết giảng của ngài
đều được thực hiện bằng tiếng Anh, bởi lẽ đơn giản đây là ngôn ngữ hiện
đang phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tiếng Anh mà ngài sử
dụng lại không hoàn toàn giống với thứ tiếng Anh mà ta thường gặp ở các
học giả phương Tây, mà là một thứ tiếng Anh rất đặc biệt, rất dễ hiểu
nhưng vẫn không kém phần sâu sắc. Những đặc điểm nổi bật trong ngôn ngữ
mà ngài thường dùng khi thuyết giảng là đơn giản, gãy gọn, trong sáng
nhưng lại rất hàm súc và phong phú. Chính nhờ có những đặc điểm này,
những vấn đề mà ngài đề cập đến luôn dễ dàng được đông đảo thính giả
tiếp nhận, và người nghe luôn có một cảm giác gần gũi, cảm thông và chia
sẻ như thể đang được trao đổi về những vấn đề của chính bản thân mình!
Đại đức Thích Nhuận Châu là người đã từng chuyển dịch khá nhiều bài
giảng của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tập
sách mỏng này nằm trong số những công trình phiên dịch gần đây nhất của
thầy, với nội dung đề cập đến những vấn đề nhạy cảm và có khoảng cách
khá lớn giữa hai nền văn hóa Đông Tây. Mặc dù vậy, điều hết sức thú vị
là chính qua những đối thoại được ghi lại trong tập sách này giữa đức
Đạt-lai Lạt-ma và một học giả phương Tây, Mike Austin, độc giả có thể dễ
dàng nhận ra là những khoảng cách lớn ấy đã được thu hẹp đến mức gần như
tương đồng và bổ sung cho nhau.
Tôi rất vui mừng được giới thiệu cùng quý vị độc giả tập sách này -
được trình bày song ngữ Anh-Việt - như một cầu nối giữa tri thức khoa
học phương Tây và trí tuệ trực giác phương Đông, điều mà tôi vẫn luôn
cho là một trong những thành tựu đáng kể nhất của nhân loại vào đầu
thiên niên kỷ này.
Trong nguyên tác, đây là những ghi nhận từ một cuộc phỏng vấn mà đức
Đạt-lai Lạt-ma đã dành cho học giả Mike Austin. Nhan đề tiếng Việt của
sách và tiêu đề của một số chương là do chúng tôi tự đặt để giúp độc giả
tiện theo dõi nội dung từng phần. Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận, chúng
tôi đã không đặt thêm các tiêu đề tiếng Anh tương ứng.
Mặc dù nội dung tập sách có phần hơi nặng về lý luận, có lẽ vì người chủ
động đặt vấn đề là một học giả phương Tây, nhưng tôi tin là những ai
quan tâm đến sự rèn luyện tinh thần và một đời sống tâm linh vẫn có thể
tìm thấy trong tập sách này rất nhiều chỉ dẫn vô cùng hữu ích. Mặt khác,
hy vọng là cách trình bày đối chiếu song ngữ Anh-Việt ở đây sẽ rất có
lợi cho những ai đang muốn làm quen với cách diễn đạt những khái niệm
Phật giáo bằng Anh ngữ.
Trong suốt quá trình hình thành tập sách, chúng tôi đã cố gắng hết sức
để có thể hạn chế tối đa mọi sai sót. Tuy nhiên, do sự giới hạn về năng
lực và trình độ, có lẽ cũng không sao tránh được ít nhiều khiếm khuyết.
Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý từ quý vị độc giả gần xa, cũng như
luôn hy vọng sẽ được các bậc cao minh trưởng thượng mở lòng chỉ giáo.
Trân trọng,
NGUYỄN MINH TIẾN