Chúng tôi say sưa kể về Sơn Thắng, lòng len nhẹ chút tự hào. Vâng! Một chút tự hào mà không tự mãn, một chút hãnh diện mà không kiêu căng. Đó là điều mà chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình.
Sơn Thắng! Hai tiếng thân thương chứa chan bao ân tình thâm trọng đã cùng chúng tôi đi đến khắp mọi miền. Dẫu thời gian có qua mau, trăng nước có vơi đầy, chúng tôi cũng xin mãi được giữ gìn và nâng niu những tháng ngày xưa cũ đó như một báu vật tinh thần thiêng liêng mà cuộc đời ban tặng.
Ồ, lẽ thường thôi! Chúng tôi xuất thân từ Sơn Thắng mà!
Sơn Thắng! Nơi chúng tôi bắt đầu đời sống tăng sinh trong nền nếp của một Thiền sinh. Nơi chúng tôi được trao truyền nguồn tri thức của pháp học và được tưới tẩm mảnh đất tâm của pháp hành. Nơi chúng tôi có chút duyên lành thừa hưởng đầy đủ cả hai phương diện: lý thuyết và thực hành, vật chất và tinh thần.
Âu cũng là điều tất yếu đối với một tăng sĩ Phật giáo, một tu sĩ học trò! Huống chi, trường Trung cấp Phật học Vĩnh Long lại nằm trong khuôn viên Thiền viện Sơn Thắng, mà phần nhiều những học Tăng của trường đều là chúng nội trú của thiền viện. Vừa học vừa tu, đương nhiên vậy!
Sơn Thắng! Một mái trường quá đổi hiền hòa như sông nước Cửu Long êm đềm bồi đắp phù sa cho vườn cây xanh trái ngọt. Một mái trường mà sự dạy và học quá ư thầm lặng như chính những người đã tạo ra nó, và cũng chẳng khác gì những hoạt động Phật sự của Giáo Hội tỉnh này.
Không ồn ào, không khoa trương, đã đành rồi, mà ngay cả những phong trào trường lớp cũng không. Không một tiếng động viên, không một lời khen thưởng cho những cá nhân đạt kết quả tốt trong học tập và thi cử. Ồ! Không tất cả mà có tất cả: một Sơn Thắng vững chãi, một Sơn Thắng thong dong, một Sơn Thắng đầy ấp những thâm tình thầy bạn.
Lạ! Sinh khí học đường không thiếu. Tăng sinh không xao lãng học hành. Trường học chính quy, nghiêm túc mà âm thầm, gần gũi như một lớp học gia giáo vậy.
Sơn Thắng! Nơi có bản thanh quy nghiêm ngặt dung hòa cả hai mặt: học đường và thiền viện. Thời khóa tu học tuy chặt chẽ sít sao nhưng không vì thế mà Sơn Thắng “khô khan” lão hóa. Sơn Thắng có đủ những tiếng nói tiếng cười tươi vui của tuổi học trò, của tu sĩ trẻ. Nghĩa là ngoài giờ học, tu, và chấp tác, chúng tôi vẫn có thời gian cho những buổi thể dục thể thao, vui chơi giải trí... Nhưng mà... phải theo cách của Sơn Thắng.
Tức là thỉnh thoảng chúng tôi cũng được chơi đánh banh (nhưng không được đá banh) cho khỏe. Chơi để rèn luyện thân thể chứ không được tranh thắng bại hơn thua. Chơi mà hô hào lớn tiếng là bị quở liền.
Chuyện đi đứng đàng hoàng, nói năng từ tốn lúc nào cũng phải ý tứ giữ gìn. Đừng ỷ rằng giờ nghỉ giải lao, rảnh rỗi, rồi tụm lại rôm rả nói cười, ca hát vô tư hay muốn làm gì thì làm. Lạng quạng là bị “quỳ” không cần nhang mọi chỗ mọi nơi đấy!
Hồi khóa chúng tôi học cũng có dăm ba lần được xem ti vi, xem phim về đề tài Phật giáo. Nhưng phải xem trong im lặng, không được bàn tán, lao xao. Dầu là vui chơi theo kiểu nhà chùa cũng phải trong giới hạn cho phép. Hầu như, chưa có trò tiêu khiển nào là trọn vẹn cả. Vì chơi chưa hết bàn thì đã có lệnh “thôi, nghỉ, giải tán”. Đang xem phim ngon trớn, chưa xong tập, chưa hết bộ thì có lệnh “ngưng, coi bấy nhiêu đủ rồi”...
Và cứ thế, theo năm tháng, riết rồi cũng quen. Chúng tôi vào nếp tự lúc nào không hay nữa. Ấy vậy mà mãi tới sau này, khi ra trường rồi, có dịp tham học nhiều nơi, chúng tôi mới hiểu hết được tấm lòng Sơn Thắng và nhận ra giá trị của những ngày tháng sống ở nơi đây. Ồ, thì ra các Ngài đã tập cho chúng tôi bớt đam mê, thôi dính mắc!
Cho nên, hễ khi gặp gỡ, liên lạc với nhau chúng tôi hay nhắc về Sơn Thắng thuở của mình. Nhắc để đừng quên mình lớn lên từ Sơn Thắng. Nhắc để luôn tự giữ mình xứng đáng là những người con của Sơn Thắng. Nhắc để luôn ghi lòng tạc dạ “ơn giáo dưỡng” của chư Tôn đức nơi này.
Sơn Thắng! Nơi chúng tôi được học từ lời dạy thì ít mà bằng thân giáo lại quá nhiều. Nơi mà ngày tháng êm trôi thấm vào từng thớ thịt, lưu thông trong huyết quản, hòa tan vào tâm trí để hình thành trong chúng tôi một Sơn Thắng dung dị, nhẹ nhàng. Để rồi giờ đây bên dòng xuôi ngược, Sơn Thắng mãi là nơi chúng tôi hướng về.
Và cũng trên lối về quê cũ ấy, Sơn Thắng đã nghiễm nhiên trở thành người bạn đồng hành thân thiết, nung đúc tinh thần, nâng đỡ bước chân non trẻ của chúng tôi. Để trong đôi lần nhìn lại, dường như Sơn Thắng không còn là nỗi nhớ đơn phương của những chiều mưa hạ hay thoáng bâng quơ bắt gặp cánh chim bằng. Cũng không phải là nỗi nhớ miên man trên dặm đường viễn xứ hay phút nao lòng rời rạc những khi có ai hỏi han, gợi nhắc một thời…
Ôi! Một thời Sơn Thắng trong tôi, giờ đây sao mà yên bình quá! Không bóng dáng xưa, không hình ảnh cũ, không đối cảnh sanh tình, không tìm cầu trông ngóng… Sơn Thắng như nhiên mang kỷ niệm êm đềm, thảnh thơi ra vào vùng ký ức. Bàng bạc. Trong veo. Sơn Thắng rong chơi khắp nẻo đường trần, giữa miền xa dĩ vãng. Không đượm buồn, không da diết, không ủy mị, không bâng khuâng… Sơn Thắng lắng yên như thể đã quên rồi. Dẫu rằng quên mà biết quên thì tức là đang nhớ.
Mà không! Nếu hiểu “quên” theo cái nghĩa của sự hòa tan, tính chất đồng hóa như những thức ăn đã được chuyển hóa thành máu thịt thì quả thật là chúng tôi đã quên Sơn Thắng. Dù thực tế, chúng tôi chưa từng quên Sơn Thắng bao giờ!
Sơn Thắng luôn có trong chúng tôi!...