I.
Buổi chiều cuối năm qua đi lúc nào không hay. Phố xá dần lên đèn. Ngoài đường người và xe cộ xuôi ngược như dòng nước chảy, rộn rịp tất bật bao nhiêu thì xóm nhà trong ngõ hẻm ngược lại im lìm, vắng lặng bấy nhiêu. Có vẻ như con ngõ đang lắng nghe mùa xuân nhích về gần. Những âm thanh như tiếng gió chuyển mùa rì rào qua hàng dừa lá phe phẩy, tiếng nhạc mừng Tết phát rỉ rả từ máy thu thanh của mỗi nhà... và bao trùm lên tất cả là tiếng trống múa lân cắc tùng chinh từ ngoài phố vọng về. Những âm thanh làm nao nao lòng người. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, năm cũ sẽ qua đi. Năm mới mang bao điều tốt đẹp, an lạc và tươi sáng đến.
Bất ngờ, từ trong một mái lá lụp xụp nghe vang lên tiếng gọi:
- Thằng Thanh đâu, chạy đi mua hai ngàn đồng dầu lửa về châm đèn, châm bếp dầu nấu nước cúng ông bà, cúng Phật coi.
Một tiếng dạ khẽ cũng từ trong mái lá rồi chìm lỉm trong những tiếng động mùa xuân.
Mãi gần đến giờ giao thừa mới mua dầu, mà hai ngàn thì mua được bao nhiêu? Thằng bé xăng xái xách chai chạy vụt đi... Rồi có lẽ nó gặp đám múa lân nên mê mải chen chân vào coi, hay là ghé vô sòng bầu cua ở ngoài đầu xóm... Chỉ biết thật lâu mới thấy thằng bé chạy về, rụt rè: “Ngoại ơi, con làm rớt mất tiền rồi.”
Trong nhà lặng im không có tiếng trả lời. Tình cờ chứng kiến sự việc, tôi ngẩn ngơ đứng lặng yên bên vách lá. Hóa ra năm nào chính quyền đoàn thể cũng đều có quà cho đồng bào nghèo vui xuân nhưng vì người đông nên không khỏi bỏ sót nhiều trường hợp. Nhất là ở mái tranh nghèo này, mấy bà cháu dưới quê lên không có hộ khẩu, anh con trai đi lưới cá biển chưa về kịp...
Tôi bùi ngùi chợt nhớ lại một câu chuyện trong kinh Phật. Vào một ngày hội lớn, người ta dâng lên cúng dường đức Phật vô số những ngọn đèn rực rỡ, lẫn trong đó có một ngọn đèn bé nhỏ của bà già nghèo khổ đã vét hết cả những đồng xu cuối cùng để mua dầu cúng Phật. Một trận gió từ cõi trời lãnh thiền lướt qua, những ngọn đèn thi nhau tắt sạch, chỉ còn lại ngọn đèn bé nhỏ của bà già ấy. Lạ thay, khi gió ấy thổi tới vẫn không tắt mà lại càng sáng rực lên...
Tôi chợt nghĩ ra một điều, dường như ý nghĩa của mùa xuân không chỉ nằm trong của cải vật chất, mà còn nằm ở phần tinh thần. Xuân về, không thể nói nhà giàu vui hơn, nhà nghèo kém vui hơn. Người đời có lúc nghèo, lúc giàu, cũng như hoa có lúc nở, lúc tàn; nhưng niềm vui chẳng phân biệt giàu nghèo kia mới chính là tâm xuân không bao giờ mất. Nhờ có tâm xuân, cuộc sống con người mới tồn tại, xã hội mới duy trì được mãi bao niềm hy vọng.
Câu chuyện xảy ra cách đây đã mấy năm. Khi ấy, tôi chẳng mang theo tiền nên liền chạy ngay về nhà nói với vợ mua cho bà lão một gói quà với chút ít tiền. Chỉ là một chút tấm lòng, có lẽ cũng không giúp được gì nhiều. Nhưng đôi khi tôi chợt nghĩ, đức Phật từ bi chắc cũng không ngồi yên khi cuộc đời còn biết bao cảnh khổ. Vậy những người học Phật như chúng ta lẽ nào lại không biết góp chút phần nhỏ nhoi của chính mình để làm vơi bớt đi những nỗi khổ đang đè nặng lên bao cảnh đời nghèo khó?
II.
Người giàu và người nghèo luôn có những cảnh sống rất khác biệt nhau. Vì vậy, nếu không có sự suy ngẫm thì rất dễ rơi vào chỗ không cảm thông được nhau. Có người nói rằng cảnh nghèo cũng có chỗ sướng, không phải lo lắng ôm giữ của cải, trong khi người giàu lo nhiều khổ thân rồi chết đi cũng chẳng mang theo gì... Có người lại cho rằng nghèo hay giàu cũng đều có những nỗi khổ riêng, chẳng có ai là sung sướng giữa cuộc đời này. Thật ra, sự khác biệt giữa người giàu, người nghèo vẫn là có thật, còn việc ai sướng ai khổ thì cũng còn tùy theo cách sống, cách nghĩ của mỗi người...
Nếu như người giàu biết sống tốt, họ sẽ thường suy ngẫm để thấy rằng mình thuộc phần thiểu số trong cộng đồng nhưng lại may mắn được hưởng phần bánh của xã hội lớn hơn, trong khi người nghèo chiếm phần đa số nhưng chỉ nhận được phần chia còm cõi, những bữa ăn thiếu dinh dưỡng, con cái không được giáo dục tốt... Những suy nghĩ ấy sẽ giúp họ có được sự cảm thông và nhích lại gần hơn với những người nghèo. Và tất nhiên là họ sẽ biết làm một điều gì đó để giảm bớt khoảng cách giữa hai bên.
Người nghèo quá dễ sinh ra hèn hạ, không có đức tin, phỉ báng tất cả. Nghèo khó dễ đưa đẩy con người vào đường xấu, vì sự thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu. Người học Phật biết rằng tất cả đều là do duyên nghiệp, gieo nhân phải gặt quả. Nhưng trong nghiệp báo không chỉ có những điều riêng mỗi người gánh chịu (biệt nghiệp) mà còn có cả những điều mà cả một cộng đồng, một tập thể hay một gia đình phải cùng nhau gánh chịu (cộng nghiệp).
Sự thật là không ai có thể tự mình tồn tại một cách độc lập, không phụ thuộc người khác. Tất cả đều có một sự liên quan mật thiết với nhau. Thu nhập của mỗi người đều có liên quan đến mọi người khác. Người vượt lên giàu có cũng không phải chỉ riêng nhờ nỗ lực của bản thân, mà còn có sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của bao người khác. Kẻ sa sút nghèo khó cũng không chỉ riêng do những thất bại của bản thân, mà nguyên nhân còn có sự tác động trực tiếp và gián tiếp của rất nhiều người khác.
Vì thế, chúng ta nên có một cách nhìn rộng mở hơn để thấy rằng những mảnh đời nghèo khó và cả những tệ nạn xã hội nảy sinh từ sự nghèo khó ít nhiều đều có phần trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp của toàn xã hội. Trong một xã hội, nếu mỗi người đều làm thật tốt phần việc của mình và biết quan tâm giúp đỡ người khác, chắc chắn sẽ không bao giờ tồn tại sự nghèo khó.
Khi ta mở lòng ra để đến với người nghèo và chia sẻ những khó khăn của họ, đó là ta đang đến với toàn thể cuộc đời, ta đang đến với chính ta! “Thương người như thể thương thân”, lời người xưa đơn sơ mà sâu sắc. Đại nguyện của chư Phật và Bồ Tát bao giờ cũng là sự cứu khổ cho tất cả thế gian, không phân biệt sang hèn, tốt xấu. Chẳng phải tình cờ mà thế giới ngày nay đặt vấn đề chống đói nghèo lên hàng đầu.
Khi ta thật lòng yêu thương, ta sẽ nghĩ ra được những phương cách khéo léo và tinh tế để có thể giúp đỡ người khác ngay cả khi bản thân ta đang còn khó khăn. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi như là một ví dụ rất điển hình cho nhận xét này. Mỗi lần thổi cơm, mẹ luôn bốc một vài nắm gạo cho vào cái hũ để ở góc bếp. Đi chợ về còn ít tiền xu, mẹ bỏ vào một cái hộp. Mẹ giải thích rằng, bớt đi một vài nắm gạo, bữa ăn của cả nhà cũng không đến nỗi thiếu, nhưng có cái để dành mà cho người cơ nhỡ, lỡ đường. Nếu không làm vậy, muốn giúp đỡ người cũng khó, vì nhiều khi muốn giúp lại không sẵn có gạo tiền. Vậy nên mẹ tôi dạy rằng việc bỏ gạo vô hũ chính là tích âm đức, là làm phước. Mẹ còn dạy, khi đi ra đường nên mang theo ít tiền lẻ trong túi để phòng khi cần giúp đỡ người khốn khó. Hôm ở trong ngõ hẻm, đứng bên ngôi nhà nghèo nàn của hai bà cháu với cái túi trống rỗng, bỗng dưng tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại lời mẹ dạy ngày nào!