Người yêu cầu tôi viết luận đề từng than phiền với tôi rằng, có nhiều người, nhất là các trí thức Kitô giáo, hay cho rằng Phật giáo đại diện cho hư vô chủ nghĩa trong ý nghĩa tiêu cực, và yêu cầu tôi viết thành một luận đề.
Tôi đã giới thiệu đôi nét về hư vô chủ nghĩa, xin tóm lược ra đây 4 điểm chính của trào lưu hư vô Âu châu như sau:
1. Lật đổ thần quyền: đây là điểm nổi cộm của hư vô chủ nghĩa, cũng là điểm gây khó chịu nhất đối với các tôn giáo hữu thần, đặc biệt là Kitô giáo, vì các nước Á châu, Phi Châu không chịu trực tiếp ảnh hưởng của trào lưu này. Do vậy, thái độ thù nghịch của Giáo Hội Kitô đối với hư vô thuyết là điều tất nhiên. Đã vậy, trào lưu này được phát sinh tại Nga với sự thành công trong việc ám sát Sa hoàng Alexander II và sau đó là cuộc cách mạng Bolchevik đã khiến cho Giáo Hội cay đắng càng cay đắng thêm. Vụ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với ba điều bí mật, trong số bí mật đó có việc Đức Mẹ đòi hỏi phải dâng nước Nga cho Đức Mẹ. Khổ nỗi Đức Mẹ không tiên đoán được rằng nước Nga sẽ biến mất, một đất nước mới sẽ được thành lập và được gọi là Liên Bang Xô Viết vào năm 1922.
2. Yêu sách của Đức Mẹ là điểm mấu chốt để chúng ta hiểu rõ Công Giáo Rô Ma là một đế quốc trước khi là một tôn giáo. Vì bà cũng được tôn thờ bên Chính Thống Giáo Đông Phương chỉ có hơn chứ không hề kém được tôn kính so với Công Giáo Rôma. Các giáo hội Chính Thống Đông Phương tôn thờ Đức mẹ dưới cái tên Theotokos, nghĩa là mẹ của Thiên Chúa, vì Chính Thống Giáo xem Giêsu chính là Thiên Chúa. Maria muốn nhân loại dâng hiến nước Nga cho bà, có nghĩa là Maria muốn xâm lăng nuốt chững bà Theotokos ! Câu chuyện sẽ dễ hiểu hơn nếu Maria là nữ hoàng Ý đòi đánh chiếm nước Nga của nữ hoàng Theotokos, vì chiến tranh rất thường xảy ra giữa vua chúa thế tục. Đằng này Maria Mẹ Thiên Chúa đòi phải dâng Theotokos Mẹ Thiên Chúa cho mình, nghe nó có cái gì quái quái. Cũng từ đây, chúng ta thấy sự linh thiêng của Mẹ Thiên Chúa là nhảm nhí, Maria không hòa thuận được với cả chính mình, chỉ vì tín đồ gọi tên mình bằng tiếng Hy Lạp ! Hãy nên học Phật Bà, bên Ấn Độ được gọi là Diệu Thiện, bên Việt Nam được gọi là Thị Kính, bên TQ cũng có một Quan Âm, cả ba đều có sự tích khác nhau, nhưng chưa bao giờ “ba Phật Bà” đòi thôn tính nhau.
3. Khi nước Nga biến thành Liên Bang Xô Viết và cùng tham dự thế chiến đánh thắng Hitler, Giáo hoàng Pie XII ra lệnh rút phép thông công cho ai theo Cộng Sản. Đây là một hình thức trả thù đối với phong trào hư vô lật đổ thần quyền, mặc dù có rất nhiều triết gia bào chữa rằng vô thần không nhất thiết là không cần đến tôn giáo hay đạo đức. Nhiều quan sát viên đã ghi nhận sự kiện này như sau:
4. Ngay năm 1936, Vatican đã phán rằng Cộng Sản là một thứ “gian ác ngay tự bản chất”. Nổi tiếng chống CS, Pie XII bị một số các sử gia lên án là đã “tỏ ra thông cảm hơn” đối với Phát Xít và Quốc Xã.
5. (Dès 1936, le Vatican avait jugé le communisme “intrinsèquement pervers”. Notoirement anticommuniste, Pie XII s’est vu reprocher par certains historiens de s’être montré “plus compréhensif” à l’égard du fascisme et du nazisme.) (xem link)
6. Sau Thế Chiến thứ II, tòa án quốc tế đã xử tử toàn bộ các nhân vật cấp cao của Hitler, nhưng Vatican không lên án Phát Xít mà còn bao che giấu diếm các sĩ quan SS và tạo ra đường dây chuột (ratlines) để gửi họ sang Nam Mỹ trốn, và tỏ ra quyết liệt với CS, chỉ đơn giản là vì CS không chấp nhận sự hiện diện của Đấng Toàn Năng. Từ đó, có thể suy ra một điều: bất kỳ tội ác nào đều có thể lên Thiên Đàng, nhưng theo CS hay vô thần thì dứt khóat không có tên trên Thiên Đàng. Mâu thuẫn là gần đây, Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố người vô thần có thể lên Thiên Đàng, làm chấn động toàn thể tín đồ Công Giáo và cả tín đồ Tin Lành, vì trong Thánh Kinh chẳng hề dạy điều đó. Nhưng cho dẫu Phanxicô phát lòng từ ái mở cửa Thiên Đàng đón người vô thần như tôi, thì tôi sẽ nhẹ nhàng cám ơn và từ chối.
7. Lời Tuyên bố Thượng Đế đã chết của Triết Gia Nietzsche là một cú đấm thép chí mạng vào Đức Tin của người Kitô Giáo. Tòa lâu đài kiên cố đưọc xây dựng từ lúc Constantin cải đạo theo Công Giáo đến sau thế chiến 1939-1945, chỉ chưa được một thế kỷ, Âu châu dã gần như không còn Kitô Giáo dù trên danh sách và bề ngoài thì Âu châu vẫn là căn cứ địa của văn hóa Kitô. Ai ở Âu châu mới thấy sự thê thảm của các nhà thờ. Nếu trào lưu trí thức của chủ nghĩa hư vô tràn mạnh sang Hoa Kỳ, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chịu chung số phận. Nhưng theo thống kê, người Mỹ, mặc dù là nước giàu mạnh và văn minh nhất thế giới, vẫn có ¼ dân số tin rằng mặt trời quay quanh mặt đất, và mặt đất được Chúa tạo ra cách chúng ta khoản trên dưới 6000 dựa vào số tuổi của Adam. Không dữ kiện nào tàn phá Kitô giáo bằng một nền giáo dục chân chính, và không đất nước nào mong mỏi con dân mình mãi luôn ngu dốt như Đế Quốc Vatican. Lợi thế lớn nhất của Vatican là nó không nuôi dân nó, nó như con chim tu hú, đẻ trứng vào tổ chim chích, tú hú con khi lớn lên thì ra tay sát thủ bầy “con ruột” của chim chích. Khi nghe kể chuyện, hay chứng kiến việc chim tu hú đẻ trứng vào tổ chim chích thì chúng ta chẳng động lòng, vì đó là chuyện của súc sinh, nhưng khi ta thấy con dân Rôma đẻ vào tổ Việt, lại tàn sát nòi giống Việt, thì tim ta đau nhói. Hãy đọc sách Thập Giá và Lưỡi Gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh để biết trứng Rôma độc hại như thế nào cho tổ Việt.
8. Chỉ sau khi cởi bỏ cái gông thần quyền trên cổ, nhờ cơn cuồng phong hư vô, thì người Âu châu mới thực sự có tự do và được giải phóng như đã viết ở phần I.
9. Nghi ngờ các giá trị: Dĩ nhiên các giá trị đều được xét lại trên căn bản vô thần.
10. Như tôi có thói quen đọc những gì viết về Kitô giáo hay về Việt Nam, nếu tác giả, hay cơ quan xuất bản là cánh tay của Kitô giáo, thì tôi dứt khoát chưa tin vội, phải đợi tra cứu xác minh. Trừ phi các sách báo tự đưa ra những khuyết điểm của chính mình, như vụ xưng thú của Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II, còn những gì ông viết về Phật Giáo hoặc khi ông gọi Tin Lành là những con sói đói mồi (ravenous wolves) thì phải luôn đặt chuông báo động. Viết về Việt Nam thì tôi phải đọc một cách dè dặt, nếu có sự ca tụng Công giáo, ca tụng thực dân Pháp, ca tụng Mỹ, thì tôi sẽ xem tác giả là người của thế lực nào, những điều được viết có phải nhằm nhồi sọ, bóp méo lịch sử hay không. Chỉ một ngày 30 tháng 4 đã có nhiều cách nhìn, và những cách nhìn cũng luôn thay đổi theo thời gian. Nếu đọc sách của phía VNCH thì nào là Miền Nam bị cướp, nào là CS cưỡng chiếm miền Nam, nào là CS vi phạm Hiệp Định Paris… nhưng họ lại ca tụng sự khai hóa của người Pháp, không bao giờ gọi người Pháp nã đại Bác vào Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, và người Mỹ phun chất độc da cam, cho B52 ào ạt ném bom lên đầu cổ dân tộc là quân cướp nước. Họ cũng chẳng bao giờ lên án Ngô Đình Diệm và Mỹ vi phạm Hiệp Ước Genève, mà họ lại kịch liệt lên án người Việt Nam cướp lại đất nước của mình từ tay người nước ngoài vào năm 1975. Khi họ sang định cư tại Mỹ, họ luôn miệng tự xưng là người Mỹ, “đất nước Mỹ của chúng ta”. Từ gần nửa thế kỷ, người VN chống Cộng Sản luôn chụp mũ nhà cầm quyền Hà Nội là nô lệ Tàu Cộng, nhưng khi được hỏi, có người VNCH nào dám chống Mỹ hay không chứ đừng nói là đánh Mỹ, và hãy nhìn xem, Cộng Sản Việt Nam đã đánh với Trung Quốc như thế nào, thì nhiều người không dám đi thẳng vào vần đề. Hiện tại, Nga đang liên minh với Lào xây dựng một căn cứ quân sự gần biên giới Việt Nam sau khi biết là không thể làm như vậy trên đất nước VN. Nếu VN lệ thuộc Nga hay TQ, thì sao Nga không thể xây dựng căn cứ không quân trên đất Việt ? Tôi cũng có thói quen cẩn thận không hoàn toàn tin báo chí chính thống ở nội địa VN, vì đa số tin tức hay bình luận đều một chiều. Nhưng cũng xin đừng chụp mũ tôi là CS, tôi chả liên hệ gì với họ. Họ có muôn vàn cái xấu, nhưng về mặt độc lập, tự chủ và tự quyết dân tộc, họ hơn xa người VNCH. Không có nhà nước nào trên thế giới không có khuyết điểm. Tôi dám cá Trần Chung Ngọc chả liên hệ gì với đảng CS. Tuy tôi không bằng giáo sư Ngọc về các phương diện khác, nhưng tôi và ông giống nhau ở điểm chúng tôi không phải là CS. Nói thế không có nghĩa CS là cùi hủi cần phải xa lánh, mà chỉ đơn giản chúng tôi là người bỏ nước ra đi sau 1975 đang có cuộc sống bình thuờng ở nước ngoài. Chúng tôi chả nịnh bợ CS. Chúng tôi cũng chả uỡng ngực tự cho mình là người ngoại. Chúng tôi là người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại. Cái lợi thế của người Việt như chúng tôi, không phe phái, không mặc cảm, có thể bảo vệ quê hương bằng ngòi bút hoặc tiếng nói, đồng thời cũng có thể phê bình nghiêm khắc những gì xét ra sai trái của nhà nước VN trong tinh thần xây dựng mà không dua nịnh.
11. Phong trào hư vô sau khi lật đổ thần quyền, thì mọi sư đều được xét lại, không khác cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, chỉ là không chiến tranh đổ máu.
12. Trước khi hư vô chủ nghĩa thành công, thế lực của thần quyền trùm khắp Âu châu như khi Ngô Đình Diệm còn nắm quyền ở VN. Sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, tất cả mọi giá trị mang dấu ấn của họ Ngô bị dân chúng đập bỏ, kể cả tượng Hai Bà Trưng được bà Ngô Đình Nhu xây rất giống hai mẹ con bà. Nói đến bà Nhu, với sự cải đạo theo chồng, khi Ngô Triều đàn áp Phật Giáo đến mức cuồng xuẩn, thì cha ruột của bà Nhu là ông Trần Văn Chương, đại sứ của chính phủ Ngô Đình Diệm tại Washington lúc bấy giờ, đã từ chức để phản đối. Trong một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông, Ngô Đình Nhu đã phản ứng bằng cách thề sẽ giết bố vợ, tuyên bố vợ mình cũng sẽ tham gia. Ngô Đình Nhu nói:
“Tôi sẽ cắt đầu lão ta. Tôi sẽ treo lão ta ở giữa quảng trường và để lão ấy treo lủng lẳng ở đó. Vợ tôi (Trần Lệ Xuân) sẽ thắt nút treo cổ vì cô ấy tự hào là người Việt Nam và cô ấy là một người yêu nước”-(Wikipedia).
Đó là tình yêu nước của người Công Giáo, sẵn sàng bỏ vua Hùng, thờ cúng tổ Adam, dắt ngoại nhân về rải thuốc độc trên hồn thiêng sông núi để đầu độc cả dân tộc, giết cả cha nếu chống lại Chúa.
Cho nên, hư vô chủ nghĩa cần mọc rễ tại VN, nó sẽ xét lại tư duy thần quyền, hay bất cứ tư duy nào kể cả Tam Giáo nếu các tín ngưỡng này làm chảy máu dân tộc. Thần quyền, nhất là thần quyền cầm cờ tiên phuông cho một siêu đế quốc, nó ở đâu, thì xã hội đó sẽ sản xuất ra bầy tu hú chuyên đẻ trứng vào nhà chim chích, tàn sát lũ chích con hiền lành ngây thơ chưa kịp biết tổ quốc mình ở đâu.
Nên lưu ý thêm rằng, khi hư vô thuyết dám tuyên bố cái chết của Thượng Đế, thì cũng có nghĩa rằng thần học Kitô giáo không còn là môn học đầy ưu thế như trước, văn hóa Kitô cũng đang chỉ tồn đọng trong rào chăn dành cho những ai suy kém chất xám và ý chí tự do. Khi xem phóng sự truyền hình về người Âu châu, tôi xin các bạn hãy chú ý xem còn bao nhiêu người đeo thánh giá hoặc làm dấu thánh khi ăn, các bạn có thể tự đo đạc được phần nào sự thật. Phim ảnh thường là phản ảnh trung thực nhất của xã hội.
Cuộc cách mạng hư vô, đối với Công Giáo Rôma, còn hiểm nguy gấp nhiều lần cuộc Cách Mạng Pháp. Cách Mạng Pháp giết nhiều linh mục và nữ tu, tịch thu các bất động sản, nhưng Thượng Đế vẫn tồn tại vĩnh hằng tại Âu Châu. Khi đụng phải cách mạng hư vô, thuần túy bằng triết học và tư tưởng, không đổ một giọt máu, nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo đã chảy máu dưới lưỡi đao trí tuệ, và sự thực thì Ngài đã lìa trần, như được hai triết gia Pháp thừa nhận ở phần trước. Thực tế này dù được che đậy và bưng bít, nhưng sự thật vẫn là sự thật, Âu châu không còn là đất đứng của Kitô giáo nữa mặc dù các nhà thờ vẫn rất đẹp, vẫn nguy nga lộng lẫy để thu hút du lịch. Đó là lý do tại sao Công Giáo dãy dụa một cách hiếu chiến ở Phi Châu, nam Mỹ và đặc biệt là Á châu.
13. Mất phương hướng - thời kỳ chuyển tiếp - định đặt các giá trị mới: Thời kỳ hư vô Chủ Nghĩa còn được xem như giai đoạn mất phương hướng. Cứ đọc lại lời mô tả của Nietzsche ở phần đầu, ta sẽ thấy Âu châu điếng hồn thế nào khi tự mình vấy máu Chúa Cha. Nietzsche tiên tri rằng, hư vô chủ nghĩa chỉ thực sự hái được trái ngọt sau hai thế kỷ.
14. Heidegger nhận định về hư vô chủ nghĩa như sau:
15. Không gì được định giá trước đó sẽ có giá trị lâu hơn nữa; mọi cá thể phải được thừa nhận một cách khác biệt như một tổng thể; nghĩa là, cá thể, như một tổng thể, phải được thừa nhận trên các điều kiện khác. Ngay khi thế giới dường như không còn giá trị nào, do sự mất giá của các giá trị cao nhất cho đến bây giờ, thì một cái gì đó cực đoan xuất hiện ở phía trước, lại chỉ có thể bị thay thế bởi cái gì đó cực đoan khác. Đánh giá lại cần được tuyệt đối và phải chuyển tất cả cá thể thành một thống nhất căn bản. Tính ban sơ, dự kiến, và hiệp nhất phối hợp tạo thành bản chất của tổng thể. Trong sự thống nhất này ... bình minh của thế giới phương Tây … sự xuất hiện của thế giới tạm thời vô giá trị, nhu cầu thay thế các giá trị trước đây bằng các giá trị mới, vị trí mới như một đánh giá lại, và các giai đoạn sơ bộ của việc đánh giá lại này - tất cả những điều này mô tả tính hợp pháp thích đáng của những-ước-định-giá-trị, trong đó sự diễn đạt về thế giới cần phải được bắt rễ.
16. “Nothing of the prior valuations shall have validity any longer; all beings must be differently posited as a whole; that is, they must as a whole be posited on other conditions. As soon as the world seems to be valueless, due to the devaluation of the highest values hitherto, something extreme comes to the fore, which in turn can be superseded only by some other extreme. The revaluation must be absolute and must transpose all beings into an original unity. The original, anticipatory, unifying unity constitutes the essence of totality. In this unity ... the dawn of the Western world … the appearance of the world as temporarily valueless, the need to replace prior values with new ones, the new positing as a revaluation, and preliminary stages of this revaluation – all these describe the proper lawfulness of those value-estimations in which an interpretation of the world is to be rooted.” - Heiddger - Nietzsche: volumes 3 and 4.
Qua cái nhìn của Heidegger như vừa trích dẫn, có một sự tái phối trí tất cả các chức năng, đặc biệt là “cho đến bây giờ - hitherto”, cá nhân chưa bao giờ được nhìn nhận như là một tổng thể với những điều kiện mới, trong đó, dù không nói rõ, ai cũng biết khi nói “cho đến bây giờ”, ý của Heidegger là nhắc đến sự kéo dài rất lâu của lịch sử, trong đó, con người chỉ được xem như là vật thụ tạo hoàn toàn vô giá trị. Thì nay, các giá trị cao cả nhất định đoạt định mệnh của nhân loại “từ đó đến giờ” (the highest values hitherto) được chủ nghĩa hư vô đưa vào viện bảo tàng.
Tiếp đến, Heidegger cẩn thận xây dựng con người mới, với những giá trị mới.
Giá trị mới này chưa thành hình, nhưng nó dựa trên các tiêu chuẩn rất nền tảng, là tính ban sơ (nhân bản), dự kiến (nhìn về tương lai), và kết hợp (đoàn kết) như là căn gốc (essence) của tổng thể (totality) và Heidegger gọi đó là bình minh của Tây Phương. Cái nhìn này rất ăn ý với Nietzsche khi Nietzsche nói về bình minh của nhân loại sau khi Thượng Đế đã chết như sau:
“Thật vậy, khi nghe tin 'vị thần cũ đã chết', chúng tôi những triết gia và những 'linh hồn tự do', cảm thấy được chiếu sáng bởi một bình minh mới; tim của chúng tôi tràn ngập lòng biết ơn, sự ngạc nhiên, những điềm báo trước, sự mong đợi - cuối cùng chân trời dường như rỡ rạng trở lại, mặc dù chưa hoàn toàn rõ nét; cuối cùng tàu của chúng ta có thể lên đường trở lại, đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào; mọi táo bạo của người yêu thích hiểu biết đều trở lại được cho phép; biển, biển của chúng ta, lại mở ra; có lẽ chưa bao giờ có một 'biển khơi' như vậy”.
“Indeed, at hearing the news that 'the old god is dead', we philosophers and 'free spirits' feel illuminated by a new dawn; our heart overflows with gratitude, amazement, forebodings, expectation - finally the horizon seems clear again, even if not bright; finally our ships may set out again, set out to face any danger; every daring of the lover of knowledge is allowed again; the sea, our sea, lies open again; maybe there has never been such an 'open sea'.” – Nietzche – The gay science.
Tại thời điểm này, chúng ta có thể đánh giá sự khựng lại của lịch sử, vì phải lo ma chay chôn cất Thượng Đế và những gía trị liên quan, hơi bị mất phương hướng, sau đó họ nhìn về phía trước, bằng sự can đảm, với khẩu khí của hai triết gia tượng đài, thì bình minh đã ló dång chân trời.
17. Sự nhảy vọt trong khoa học kỹ thuật - sự hình thành Xã Hội Chủ Nghĩa: Như đã trình bày ở phần đầu, Heidegger cho rằng đế quốc của khoa học và kỹ thuật là biểu tượng của hư vô chủ nghĩa. Lời tiên tri này hoàn toàn ăn khớp với sự phát triển ào ạt của khoa học và kỹ huật như là bước nhảy vọt của nhân loại vào thế kỷ XIX.
18. Thế kỷ XIX được mệnh danh là thế kỷ của kỹ nghệ.
19. Cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ thứ XIX là một tiến trình biến cải xã hội từ kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi và thủ công nghệ sang thế giới thương mãi và kỹ nghệ. Sự phát minh và nối kết các thành phố lớn bằng một mạng xe lửa tại Âu châu càng khiến nền kỹ nghệ bùng phát mạnh làm nền tảng kiên cố cho các lãnh vực khác như nông nghệp, kinh tế, môi trường, chính trị, luật pháp.
20. Cụm từ “cuộc cách mạng kỹ nghệ” được kinh tế gia Adolphe Blanqui người Pháp sử dụng lần đầu tiên vào năm 1837, theo sau là triết gia Friedrich Engel người Đức và đại sử gia người Anh Arnold Toynbee vào năm 1840.
21. Nhiều phát minh khoa học kỹ thuật làm nâng cao cuộc sống của nhân loại được thực hiện vào thế kỷ này bao gồm: Máy dệt, máy bay, điện thoại, máy hơi nước, đầu tàu xe lửa, bóng đèn điện, kỹ nghệ điện ảnh, chủng ngừa bệnh dại, chất radium xử dụng trong ngành xạ trị để chữa bệnh.
22. Nước Anh là kẻ tiên phong kỹ nghệ hoá đất nước vào cuối thế kỷ thứ XVIII.
23. Kế tiếp là Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp vào đầu thế kỷ XIX.
24. Vào giữa thế kỷ XIX có thêm Đức, Nhật, Thụy Điển và Hoa Kỳ vào danh sách.
25. Và cuối cùng ở cuối thế kỷ, có các nước như Nga, Tây Ban Nha, Áo, Hungarie, Ý.
26. Chúng ta thấy, Âu châu như cái nhụy hoa, và từ đây các cánh hoa kỹ nghệ nở ra cùng khắp thế giới cho đến ngày nay với không gian mạng liên hệ trực tuyến cùng với sự mạng hóa ngân hàng cho phép chuyển tiền trong nháy mắt.
27. Như vậy, chỉ trong thời gian một thế kỷ, sau khi con người làm cách mạng theo chủ nghĩa hư vô dẹp bỏ thần quyền và kiểm duyệt lại toàn bộ các hệ thống giá trị truyền thống Kitô giáo, con người có khả năng đi nhanh hơn toàn bộ sức tiến bộ trong 17 thế kỷ dưới sự khắc nghiệt của thần quyền tôn giáo.
28. Các nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy văn minh Hy Lạp thượng cổ đã biết trái đất là hình tròn, biết tính đường kính và chu vi trái đất gần như chính xác với Ératosthène. Các nhà toán học vĩ đại như Archimède, Pythagore, Thalès de Milet đã cống hiến cho nhân loại nhiều phép tính hữa ích. Triết học Hy Lạp đã cho chúng ta các phương pháp suy tư như tam đoạn luận của Aristote, lý nhân quả (causalisme) của học phái Aristote, biện chứng pháp (dialectique) của Zénon d’Élée được Platon phổ biến cho đến trí não của chúng ta ngày nay…và còn biết bao tinh hoa khác không thể kể hết.
29. Liệt kê lại những thành tựu của thời thượng cổ, rồi đem so với bước nhảy vọt khoa học kỹ thuật của thế kỷ thứ XIX, ta có thể cho ra một phán xét rằng: nếu không có Kytô giáo cầm tù Âu châu và bóp nghẽn các tư tưởng văn minh Hy Lạp, thì không thể tượng tượng được ngày nay, sự nhảy vọt của con người đã đi đến đâu, không chừng, người ta đã có thể di chuyển từ Hoa Kỳ sang Nhật Bản chỉ với 60 phút, nhân thọ có thể lên đến 200 năm, không có chiến tranh, vì hầu hết các cuộc chiến tồn đọng đến nay đều bắt nguồn từ xung đột tôn giáo độc thần, và trên thế giới không ai còn thiếu ăn thiếu mặc nữa.
30. Theo thiển ý, nếu không có văn hóa Abraham ngự trị thế giới trong 17 thế kỷ, thì chắc chắn cũng không có hai ý thức hệ tư bản và cộng sản đối nghịch nhau. Tư bản là một hình thức thực dân kiểu mới thay cho thực dân chiến tranh giành thuộc địa của các Đế Quốc Công Giáo như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hòa Lan từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XX. Còn cộng sản, là trào lưu đối nghịch với tư bản thực dân, là niềm hy vọng của các dân tộc bị trị như Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Phi Châu, Nam Mỹ do cuộc Cách Mạng Bolchevik dẫn đầu. Cuộc Cách Mạng Bolchevik được các học giả Âu Mỹ cho là kết quả trực tiếp nhất của phong trào hư vô.
31. Trong tác phẩm Kẻ theo Chủ Nghĩa Hư Vô (Une Nihiliste) của nhà văn nữ kiêm toán học gia người Nga Sofia Kovalevskaïa kể về cuộc đời của một thiếu nữ quý tộc trẻ đã lựa chọn con đường “dấn thân quần chúng” (aller au peuple) và cuối cùng nàng gia nhập vào hang ngũ tuổi trẻ cách mạng Nga. Tác phẩm minh họa trào lưu dấn thân cách mạng của trí thức Nga chống lại hai thế lực liên minh đè bẹp thế giới phương Tây: thần quyền và tư bản. Hình ảnh người nữ cách mạng cho thấy tư tưởng hư vô đã ăn sâu vào long dân tộc Nga kiểu như “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
32. Cái tồi dở của chủ nghĩa CS là không có một nền tảng kinh tế kích thích cung và cầu như của tư bản, nên đế quốc Liên Bang Xô Viết hoàn toàn sụp đổ vào năm 1991 sau 70 năm xuất hiện.
33. Mặc dù sụp đổ về kinh tế, tinh thần CS vẫn tồn đọng tại các quốc gia bất mãn với sự thống trị của liên minh văn hóa thần quyền và tư bản. Từ sự thất bại cûa phong trào Bolchevik, một bài học cần rút tỉa: con người thiết yếu là con vật kinh tế, không một chủ thuyết nào phi kinh tế mà có thể tiếp cận lâu dài với con người. Sau khi chủ nghĩa Bolchevik biến mất thì kinh tế thị trường được thêm vào và thay thế cho nền kinh tế bao cấp của chủ nghĩa CS tại Trung Quốc và VN. Thế là Hoa Kỳ sau khi thắng được cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ, thì nay phải đối mặt với một con quái thú mình cộng sản đầu tư bản, thông thạo 72 phép tề thiên, chỉ sau 25 năm tu luyện nội công, giờ đã đủ công lực và chiêu thức, sẵn sàng thách đấu với cả khối tư bản mà Hoa Kỳ lãnh đạo.
34. Mới đây, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng Hoa Ký không muốn đối đầu với TQ, mà chỉ muốn ép buộc TQ tuân thủ luật chơi của thế giới, tức là ngoài quyền lực cứng bằng tiền bạc và tên lửa như Mỹ, TQ phải chứng tỏ mình cũng là một cường quốc văn hóa như Mỹ, nghĩa là lá cờ TQ phải được thế giới tin tưởng và yêu mến, là lá cờ bênh vực cho lễ phải, duy trì công lý và công pháp quốc tế. Tuy nhiên TQ và Nga đều không muốn đi theo quỹ đạo của Hoa Kỳ, vì theo họ, luật chơi của Hoa Kỳ cũng chỉ là luật chơi của kẻ mạnh, nó giúp khi có lợi, và rút lui khi bất lợi, thậm chí bán đứng đồng minh cho kẻ thù để hưởng lợi như vụ bán Hoàng Sa VN cho Mao Trạch Đông. Khi Mỹ muốn xâm lăng, nó tạo ra hằng nghìn lẽ phải để đưa quân vào cuộc chiến, như vụ đánh vào Iraq, Afghanistan và Lybia, hoặc vụ dời kinh đô của Israel về Jérusalem bất chấp sự phản đối của Âu châu…Lời tuyên bố của Blinken đã chứng tỏ sự thiếu tự tin của Hoa Kỳ trước Trung Quốc, không như trước kia khi đối mặt với con gấu Liên Xô.
35. Từ khi thần quyền bị lật đổ tại Âu châu đến nay đã có hai cuộc thế chiến, chỉ mong thế giới đừng tự tiêu diệt vì thế chiến thứ III. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại luôn tự nó là một biện chứng, khó ai có thể biết được TQ có chịu tuân theo luật chơi như lời đề nghị của ngoại trưởng Mỹ hay không. Cũng chỉ mong các nhà khoa học TQ biết rằng tuổi thọ của nhân loại, với vận tốc tiêu thụ nhanh hơn sức cung cầu của thiên nhiên, đã không còn chịu đựng được bao lâu nữa. Loài người đã làm tầng ozone bị hư hại, mặt đất bị ô nhiễm nặng nề, dưới biển thì cạn kiệt tài nguyên, đáy biển cũng bị con người thải xuống bao chất độc. Họ cần khuyên răn nhà cầm quyền TQ rằng, thế giới, cho dù không có chiến tranh, cũng chưa chắc sẽ không bị tiêu diệt trong vòng chừng trăm năm tới. Vậy thì lợi ích gì phải nhất định tranh giành vị trí số một thế giới bằng tên lửa và tàu chiến ?
36. Vũ khí mà con người chế ra để tiêu diệt lẫn nhau dư sức nuôi cả thế giới của các nước cọng hòa chuối sống dưới tiêu chuẩn thấp nhất. Ngân khoản mà TQ dành cho “quốc phòng” dư sức để nâng cao mức sống của cả tỉ người dân sống trong sự nghèo khổ.
37. Thay vì gờm nhau, chém giết lẫn nhau, loài người nên cùng nhau nắm tay đối mặt với 4 mối họa có thể làm nhân loại diệt chủng:
a. Các môi sinh như không gian, mặt đất, đáy biển đều bị ô nhiễm trầm trọng, đầy rác rưởi, đầy thủy ngân, đầy phóng xạ, xác máy móc, bao nylon, chất hóa học.
b. Tình trạng khan hiếm nước có thể gây chiến tranh, dịch bệnh và chết chóc.
c. Các trận đại dịch có khả năng tiêu diệt nhân loại như đại dịch Covid-19.
d. Mặt biển sẽ dâng cao nuốt chững một số đất đai.
Mặc dù Xã Hội Chủ Nghĩa đã thất bại, tình thần xã hội lại rất được tôn trọng, và là nền tảng chính trị của các quốc gia bắc Âu như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức.
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là, chủ nghĩa hư vô có khác với triết học Tính Không hay không ?
Câu trả lời là vừa khác, vừa không khác.
Con người trong gần 1500 năm sống dưới sự “chăn dắt” của một vị thần vĩnh hằng tượng trưng cho “hữu”, đã khiến làm nảy sinh ra một sức bật đối nghịch gọi là “vô”. Nó đào tận gốc, trốc tận rễ những giá trị bắt nguồn từ thần quyền bao trùm Âu châu từng gây ra 8 cuộc thập tự chinh trải dài non hai thế kỷ, các tòa án dị giáo dã man chưa từng có đã tra tấn và thiêu sống hằng vạn người, cuộc truy lùng phù thủy kéo dài 3 thế kỷ giết hại bao phụ nữ vô tội, sự diệt chủng các dân tộc Mỹ châu, cuộc buôn bán nô lệ da màu từ hai lục địa Phi châu và Mỹ châu để phục vụ liên minh quý tộc tăng lữ đã làm ly tán biết bao gia đình. Giáo Hội còn tỏ ra nhân ái đưa ra vài sắc chỉ phản đối buôn bán nô lệ, nhưng chính giáo hội qua tay của Binh Đoàn Hiệp Sĩ Malta vẫn là ổ buôn nô lệ ở Địa Trung Hải chuyên phục vụ riêng cho Giáo Hoàng. Phong trào hư vô chỉ là sự phản kháng của vô chống lại hữu, như mưa rào chống hạn hán, như dân chủ chống lại phong kiến.
Sự đố kị và đấu tranh giữa chính tà, tối sáng, đen trắng, nóng lạnh là định luật của vũ trụ vạn hữu. Tất cả là sự kích thích để có biến động, và biến động sẽ tạo ra sinh sinh diệt diệt tương tục nói tiếp như các đợt sóng trên biển khơi
Khởi đầu của hư vô chủ nghĩa là nhắm đến lật đổ thần quyền hằng hữu, đòi duyệt xét lại toàn bộ các giá trị. Tại thời điểm nó đặt nghi ngờ làm phương châm, nghĩa là trước tiên nó san bằng mọi giá trị trước lăng kính hư vô, thì nó có sự tương đồng với triết học Tính Không. Do sự tương đồng ở khởi điểm này, mà các triết gia xếp Phật giáo đại thừa vào chung với hư vô chủ nghĩa.
Đặc biệt phải biết rằng Long Thụ giải thích không, trong khi hư vô không giải thích hư vô, mà đặt nghi vấn về các giá trị. Một bên loay hoay tìm cách viết ra phương trình với những ẩn số, một bên đã giải phương trình và đưa ra đáp án của các ẩn số.
Tuy nhiên, quan điểm của ba đại diện Công Giáo bao gồm tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II như được đề cập hoàn toàn chỉ nhằm mục đích bôi bác và dẫn dắt sai lạc về hư vô chủ nghĩa, chưa nói là họ không hiểu gì về Tính Không của đạo Phật. Họ chỉ hiểu nghĩa hư vô theo khuynh hướng tiêu cực, cố ý bỏ qua tính sinh động táo bạo và sáng tạo của cơn gió hư vô.
Thà rằng không hiểu hư vô là gì như cố nhạc sĩ Serge Gainsbourg cho rằng mình không phải là người theo chủ nghĩa hư vô, mà đúng hơn là một kẻ vô tích sự. Vì theo ông, đoạn cuối của hư vô chủ nghĩa là tự sát. (Je suis plutôt un aquoiboniste qu'un nihiliste, ce qui est plus nuancé. Parce qu'au bout du nihilisme il y a un revolver).
Thần học là môn học khiến con người dễ trở về với bản năng lười nhác suy tư. Bản năng sợ hãi thiên nhiên và sự hoại diệt của nó, dễ khiến con người quỵ lụy vào một thế lực siêu hình mà nó không thể hiểu và cũng không có ý chí muốn tìm hiểu, thế là nó từ bỏ suy tư và quỳ xuống cúi đầu xin được phó thác. Dùng đầu óc này hiểu về hư vô chủ nghĩa đã không thấu tới bệ cỏ tượng đài của Nietzsche, thì làm sao đủ hùng lực mà hiểu tới Nagarjuna ? Nữ triết gia Joan Stambough đã viết như sau về sự lười nhác suy tư của nhân loại trong tư tưởng của Nietzsche:
Lòng thương xót của Chúa có tác dụng làm tê liệt con người, người trở nên mất khả năng hành động - ở đây có một quan điểm tương đồng với cái nhìn của Sartre [...] Đối với con người, mà Nietzsche định nghĩa là động vật chưa được khám phá, là động vật biết mình đang bị quan phòng và đáng thương. Để hành động và đạt đến một tầm vóc mới, nơi con người hoàn toàn có thể khẳng định sự sống, con người phải giết THIÊN CHÚA.
("God's pity has the effect of paralyzing man- there is a parallel here to Sartre's le regard, the look- who becomes incapable of action [...] For man, whom Nietzsche defines as the stiIl undetemined animal is the animal who knows he is being observed and pitied. In order to act and reach a new dimension in which he can absolutely affirm life, man must kill GOD - The other Nietzsche, J.Stambaugh)
Hư vô chủ nghĩa đại diện cho một sáng tạo mới, trong khi Tính Không bất động trước tất cả mọi sinh diệt, nên vượt qua khỏi sinh diệt. Và sự bất động sinh động ấy là điều mà Tính Không vượt xa hư vô. Ta thấy Nietzsche háo hức sáng tạo, chế nhạo cả Gustave Flaubert và Chúa Thánh Thần ra sao:
Người ta chỉ có thể suy nghĩ và viết khi ngồi (G. Flaubert). Ta để ông ở đó, ông bạn hư vô! Giữ nguyên chỗ ngồi chính xác là tội chống lại Chúa Thánh Thần. Chỉ những suy nghĩ đến với bạn khi bạn bước đi mới có giá trị.
On ne peut penser et écrire qu’assis (G. Flaubert). Je te tiens là, nihiliste ! Rester assis, c’est là précisément le péché contre le Saint-Esprit. Seules les pensées qui vous viennent en marchant ont de la valeur. (Nietzsche - Le Crépuscule des idoles)
Như vậy hư vô không có nghĩa là thờ ơ với cuộc sống, vì ông tổ của hư vô không ai hơn được Nietzsche, thưa quí vị trí thức thần học, mà nó chỉ có nghĩa là không hề có cái được gọi là hằng hữu. Con người phải đối diện với hư vô, một hư vô sinh động, chứ không phải thứ vĩnh hằng thực chất vốn chỉ là cái ao sình lầy ù lì chết cứng chất đầy thây ma thiên niên của các vị thánh được giáo hội tấn phong.
Triết gia Cioran có cách thức hư vô hoá Thượng Đế rất hay là tạo ra một “Thượng Đế độc lập với đức tin” (Dieu indépendant de la foi). Vị thần mà nếu không có đức tin thì không thể hiện hữu, trở nên là một khái niệm cổ tích vô tội vạ.
Như vậy, hư vô chủ nghĩa vô tình đi theo vết chân để lại của triết học Tính Không.
Hư vô tìm một giải pháp triết lý nhằm mục đích xã hội và chính trị, đáp ứng cho mưu cầu hạnh phúc của con người trong phạm vi Thế Tục Đế, hay còn gọi là Tích Môn.
Tính không là triết học về thực tính của vũ trụ, là cái nhìn như nhiên theo Thánh Nghĩa Đế, hay còn gọi là Bản Môn.
Tinh thần không sinh, không diệt, không đến, không đi, không tà không chính khiến cho đại thừa có mặt sống động trong mọi sinh hoạt dân gian so với tiểu thừa. Riêng tại VN, các tu sĩ Phật giáo đậu văn bằng bác sĩ Tây Y không phải là quá hiếm, như hòa thượng Thích Hải Ấn đương kim viện chủ chùa Từ Đàm Huế vốn là một y khoa bác sỹ đại học Huế. Tại Chùa Già Lam ở Gia Định Gò Vấp có hai vị tốt nghiệp y khoa Sài Gòn. Đại Thừa Phật giáo xem cuộc đời là một cuộc dấn thân, không phải là một kiếp lưu đày hay để chuộc tội. Đó là nhờ ảnh hưởng của Long Thụ xuyên qua triết học Tính Không. Khi Phật để lại Di Huấn cảnh cáo sự hành y trong cửa chùa, là không muốn các chùa biến việc hành y thành một nghề nghiệp mà xao lãng việc tu hành, nhưng với hạnh nguyện ban vui cứu khổ, không phe phái, bè nhóm với mục đích trục lợi, một tu sĩ có thể vượt qua “giới cấm thủ” để cứu người, miễn không quên vai trò chính của mình là dùng phương tiện để đạt cứu cánh, lấy thế gian để vào Niết Bàn, như Trung Lận thường nói, thế gian và Niết Bàn thực chất không mảy may sai biệt - Nagarjuna says that there is no difference between Nirvāṇa and Saṃsāra.
Bản chất của tính không là đóng mở tùy nghi, oan trái hay vinh quang không khác mặc dù chẳng phải một, cái thấy Trung Đạo ấy khiến lối sống của người đại thừa giúp ích cho đời được nhiều hơn, nó vì cứu khổ mà lặn hụp trong biển khổ. Người lặn hụp trên biển khổ cũng rất dễ bị chết chìm, như người lính cứu hỏa dễ bị chết cháy.
Cho nên Phật giáo không ù lì phó mặc cuộc đời như cái nhìn của các nhà thần học. Do phải đi vào “tiếp hiện”, các tu sĩ Phật giáo đôi khi phải nếm trải hàm oan, bị chụp đũ thứ mũ, nào là có vợ có con, nào là có xe hơi nhà lầu…chưa kể đến cái nguy hiểm phải đánh mất sơ tâm, để ma quỷ dẫn dắt.
Tinh thần Trung Đạo không cho phép Phật giáo gọi mình là chánh và kẻ khác là tà, hay ngược lại; do vậy trong lịch sử đạo Phật, không hề có sự đố kị ganh ghét muốn tiêu diệt dị giáo để mình độc tôn văn hóa.
Hư vô chủ nghĩa không thể xuất hiện nếu không có mặt những chuỗi ngày dài đầy hoài nghi của thời kỳ Phục Hưng. Và sau khi làm ma chay cho Thượng Đế, hư vô vẫn xem hoài nghi như là phương tiện cho tiến bộ. Trong tầm nhìn này, hư vô luôn chỉnh sửa hướng đến không ngừng. Đây là điểm khác biệt cốt lõi để phân biệt nó với tư tưởng đóng kín thần quyền, cho thấy con người là một tiến trình đi lên đến vô hạn, chứ không phải chỉ là một đám chiên cừu được lập trình bởi người chăn dắt. Hư vô chính là tự do tuyệt đối, và tự do này là vũ khí của khoa học, của trí tuệ nhân loại.
Nếu có sự khác biệt giữa hư vô và Tính Không, thì đó là một bên đi về phía sự thật, còn một bên là sự thật.
Jaideva Singh nhận xét như thế này về triết học và thực tại:
Như vậy, mọi học thuật, mọi giải thích về thực tại đều trống rỗng. Sự phát triển các nền triết lý và các trường phái tư tưởng nhằm giải thích một cách thực chứng về thực tại đều đổ vào bế tắc. Thực tế là vì thực tại đứng bên trên mọi triết học.
(Thus, all teachings, all explanations of reality are empty. The development of philosophies and schools of thought that positivistically explain reality are doomed to failure. In fact the Truth is beyond all philosophies)
Nhà nghiên cứu Phật học người Anh Stephen Batchelor đưa ra một nhận định về Tính Không:
Trong bất kỳ trường hợp nào, Long Thụ tin rằng trí tuệ làm nền tảng cho đạo Phật không giống với bất kỳ một học thuyết nào. Ngài đã kết luận trải nghiệm của mình về tự tâm bằng bài kệ như sau:
Khi các Đức Phật không xuất hiện
Và tăng già biến mất
Thì trí tuệ tỉnh thức
Sẽ tự nó nở hoa
(Whatever the case, Nagarjuna is convinced that the intelligence that animates the Buddhist path is incompatible with any orthodoxy. He concludes his enquiry into the self with these lines:
When buddhas don’t appear
And their followers are gone,
The wisdom of awakening
Bursts forth by itself.)
Điều gì ẩn chứa sau lời nói của Long Thụ ?
Đó là tự tính giải thoát, tự tính thể nhập thực tại không cần thần linh hay đạo sư, cũng là tự tính của Tính Không. Thực tại vốn vô ngôn.
Tôi nhớ đọc đâu đó một lời giảng của thiền sư Ajahn Chah Subhatto khiến tâm tôi bừng tỉnh và trở nên tự tin hơn, đó là tâm tự biết đi nơi phải đi, nó không lầm lẫn, nếu giữ được tâm ở hơi thở, ở trung đạo. Hay nói cách khác, khi tâm bị bản ngã che phủ thì nó trì trệ u tối, ngay khi nó lìa khỏi khỏi bản ngã nó sẽ tự sáng. Thực chất, tâm hoàn toàn không đi đâu cả nhưng không gì nó không bao trùm.
Sự khác biệt nữa giữa hư vô thuyết với Tính Không là, hư vô tiêu cực thì ù lì, mất phương hướng ; hư vô tích cực thì dứt khoát lật đổ thần quyền và đưa con người đến một chân trời nhân bản mới vừa sinh động vừa hiếu động. Nhưng tất cả đều là nhân và duyên, tất cả đều là giả danh. Và triết học Tính Không không chọn phe, bất động với nụ cười bất nhị. Hồi Tránh Luận của Long Thụ không đưa ra một tiền đề nào, vì tất cả mọi tiền đề đều dẫn đến hý luận:
Nếu ta đưa ra một tiền đề, ta sẽ vướng mắc. Nhưng nếu ta chẳng có tiền đề nào, vậy thì làm sao ta có thể vướng mắc ? (Si j’avais une thèse, je serais en faute. Mais je n’ai aucune thèse. C’est pourquoi il n’est point de faute pour moi. - Vigrahavyavartani, Pour écarter les vaines discussion).
Cuối cùng thì Long Thụ phủ bác tất cả ở chiều tư tưởng để dẫn đến Trung Đạo Nghĩa bằng một khẳng định như mệnh lệnh, mà sau mệnh lệnh này, không ai còn được lên tiếng :
Chư nhân duyên sanh pháp 諸因缘生法
Ngã thuyết tức thị không 我說即是空
Diệc danh vi giả danh 亦名為叚名
Diệc danh trung đạo nghĩa. 亦名中道義
Đạo sư Osho nói về tính vô ngôn của triết học Tính thông qua câu chyện Niêm Hoa Vi Tiếu khi Đức Phật trao truyền chánh pháp cho Đại Ca Diếp như sau trong cuốn The Heart Sutra becomng a Buddha through Meditation (Bát Nhã Tâm Kinh để thành Phật xuyên qua Thiền Định) như sau :
Ma Ha Ca Diếp hiểu và mỉm cười. Trong cái cười, Ma Ha Ca Diếp hoàn toàn biến mất, trở thành một vị phật (không viết hoa). Ngọn lửa từ ngọn đèn của Phật (viết hoa) nhảy sang Ma Ha Ca Diếp. Đó được gọi là “giáo ngoại biệt truyền” – hay còn gọi là Niêm Hoa Vi Tiếu. Đây là điều duy nhất trong lịch sử của tâm thức nhân loại. Đó cũng gọi là avyakritopadesh: vô ngôn, tịch nhiên.
Vô ngôn trở nên là yếu tính, rất vững chắc ; mặc nhiên là rất thực, rất hiện sinh ; im lặng là sờ chạm hiện tại. Phật là trống vắng, Ma Ha Ca Diếp cũng hiểu thế nào là Tính Không, thế nào là hoàn toàn vắng lặng.
Không có sự khác biệt giữa Không Luận (Shunyavada 空論) của Long Thụ với ngôn ngữ tịch nhiên của Đức Phật. Nagarjuna là một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật, cũng là một trong những nhà hiền triết xuyên thấu nhất xưa nay. Rất ít người - hoạ chăng một vài, một Socrate, một Shankara chẳng hạn – là có thể so sánh với Nagarjuna. Ông là người cực thông minh. Hành động cuối cùng mà một hiền triết có thể làm là phải tư sát ; sự việc kỳ vĩ, sự việc cực kỳ cao cả đối với người hiền triết là phải vượt qua chính mình – đó là điều mà Nagarjuna đã làm. Ông đã đi xuyên qua và vượt lên trên vương quốc của hiền triết.
Nguyệt Xứng (Candrakīrti), người có thể gọi là tổ thứ II của Trung Quán Tông, cũng đưa ra một xác định vô ngôn về Tính Không. Giống với Tuệ Sỹ, ngài cho rằng Tính Không là một thứ huyền chi hựu huyền, một bí mật mà không ngôn ngữ nào đạt tới.
Nói như thế không phải mặc nhận Tính Không chỉ là một cõi của nhận thức, hay của vô ngôn. Theo đại sư Osho thì Heidegger đã cảm nhận được trống không là một thực tại. Còn chính Osho thì cho rằng cái trống không có thể đạt được bằng thiền định :
Trống không là một trải nghiệm có thật. Bạn có thể trải nghiệm qua thiền đinh thâm mật hoặc khi cái chết đến thăm. Chết và thiền định là hai khả thể để trải nghiệm trống không.
(Nothing is an actual experience. Either you can experience in deep meditation, or when death comes. Death and meditation are the two possibilities of experience it. - The heart Sutra, becoming a Buddha through Meditation)
Sự nếm trải cái trống không qua ngòi bút của đại sư Osho dọa khiếp những ai yếu bóng vía. Thực vậy, người ta sẽ không ai sợ chết nếu biết đôi chút về cái chết. Đằng này, dù đã có hằng tỉ người sinh ra, chết đi, nhưng chưa từng ai có thể nói tôi từ đâu đến, và chết sẽ đi về đâu. Chúng ta có thể trao đổi nhau mọi cảm giác, nhưng cảm gíac về sự trống không lại không thể truyền đạt. Osho có vẻ đã vào ra sinh tử như vào ra một căn nhà. Điều này chỉ mình ông ấy biết. Cái mà ông nói cũng từng được một thiền sư Việt Nam Thích Duy Lực nói : đạt Tính Không là đạt được sinh tử tự do.
Tính Không là trạng thái của những ai ngắm trăng trước phi thuyền Appolo 11 và sau đó. Trước, thì biết bao thi nhân từ Lý Bạch đến Hàn Mặc Tử thi nhau ca tụng vẻ đẹp của chị Hằng, và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện huyền ảo về ánh trăng, về nguyệt điện. Sau, thì mặt trăng chỉ lưu lại dấu chân của Armstrong trên mặt nguyệt phủ đầy bụi trắng. Nếu nói trước đẹp sau không đẹp thì không phải, nếu nói sau đẹp hơn trước cũng không phải. Cả hai hình ảnh đều đẹp. Nhưng dấu chân của Armstrong nói lên tất cả về “thực tại mặt trăng” một cách vô ngôn không cần các mỹ từ hay bất kỳ một thêu dệt cổ tích nào, vì các mỹ từ và nghệ thuật thêu dệt đều bất lực trước thực tại.
Có một linh mục Dòng Tên người Pháp, ông Paul Valadier, chuyên gia về Nietzsche, đã dùng từ “Euthanasie du Christianisme” (Sự gây chết Kitô giáo) để nói về cái chết của Thượng Đế do hư vô chủ nghĩa gây ra. Từ euthanasie là một từ dùng trong y học, là gây chết không đau đớn cho những bệnh nhân quá thống khổ với bệnh nan y. Ông còn lưu ý thêm, cái chết của Thượng Đế không xảy ra từ tác động bên ngoài, mà là chính từ bên trong của Kitô giáo, cũng như Pierre Zaoui.
Điều này hàm ý rằng, Thiên Chúa “tự nguyện” chịu chết chứ chẳng phải do “ngoại đạo” gây ra. Hư vô là một phong trào phát khởi từ nội bộ Kitô giáo.
Sau cái chết của Giêsu, dù cũng là “tự nguyện”, nhưng dân tộc Do Thái bị nguyền rủa trù dập đời đời với tội giết Chúa. Giáo Hoàng Paul IV nhấn mạnh rằng Người Do Thái, lũ giết Chúa, là bọn nô lệ tự bản chất và cần được đối xử như nô lệ (Paul IV tressed that Jews, as Christ’s killers, were by nature slaves and sould be treated as such). Còn Giáo hoàng Gregory XIII thì kết luận rằng tội mà dân Do Thái đã từ chối và đóng đinh Chúa “chỉ gia tăng sâu dày thế hệ tiếp nối, kế thừa kiếp chung thân nô lệ” (In 1581 Gregory XIII concluded that the guilt of Jews in rejecting and crucifying Christ “only grows deeper with successive generations, entailing perpetual slavery”). -The renaissance Popes : Culture, Power, and the making of the Borgia Myth (Gerard Noel).
Còn sau khi Chúa (Ngôi Một) “tự nguyện” chịu chết vào thế kỷ thứ XIX thì Giáo Hội dồn hết thù hận vào Cộng Sản Bolchevik. Và sau CS, oái oăm thay lại là Phật giáo vô thần như nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI từng tuyên bố !
Như vậy, nếu hư vô chủ nghĩa có một số điểm trùng hợp với triết học Tính Không, thì chỉ là tình cờ, và do trí tuệ của nhân loại đến lúc khai hoa nở nhụy. Nó còn không liên hệ đến các “Thượng Đế khác“, như của người Do Thái, của người Hồi Giáo, dù rằng họ cùng gốc văn hóa Abraham với nhau, thì làm sao có thể có gì liên hệ đến đạo Phật ? Nhưng khi cần dùng hình ảnh hư vô tiêu cực mất định hướng dễ bị tha hóa để gán vào đạo Phật, thì những nhà thần học không ngần ngại. Nếu triết học Tính Không bị kéo vào vũng lầy thế tục của triết học Tây Phương, thì không phải do một vài ảnh hưởng của đạo Phật lên triết gia Arthur Schopenhauer đơn độc và nhỏ bé mà có thể làm sụp đổ một tượng thần ngự trị Âu Châu gần hai ngàn năm được.
Đạo Phật vào Trung Hoa không tiêu diệt đạo Khổng hay đạo Lão, vào Việt Nam vẫn có thể được đạo Mẫu thờ phụng. Sang Nhật Bản có thể chung sống hòa bình với Thần đạo Shinto, thì tại sao lại phải đi hợp bọn với hư vô chủ nghĩa để giết chết Thiên Chúa chứ ?
Cái chết của Thiên Chúa Kitô giáo làm cho người Âu châu bừng sáng, nhưng để lại một luống cày cay đắng trong lòng các Giáo Hội liên hệ, mặc dù mỗi lần Chúa chết họ luôn cho rằng ngài tự nguyện. Sao họ không thử nhìn sang văn học thiền tông Trung Quốc, có khi các thiền sư còn đòi giết Phật nữa kìa ! Không giết Phật thì làm sao mà thành Phật ? Phật chết hay Chúa chết thì việc gì loài người phải hận thù nhau, tìm cách tiêu diệt nhau ? Nếu Phật và Chúa là nguồn gốc của ngu dốt, chậm tiến, chiến tranh và thù hận, thì các ông ấy càng nên chết sớm.
Để kết thúc bài này, tôi xin mượn lời triết gia Pháp Michel Hulin :
Tư tưởng Ấn Độ, xuyên qua Ấn giáo hay Phật giáo, vươn tới một chân trời xóa bỏ bản ngã, triệt để khác biệt với truyền thống tây phương.
La pensée indienne, à travers la religion hindouiste ou bouddhiste, est tendue vers un horizon d’effacement du moi radicalement étranger à la tradition occidentale.
Đó là lí do tại sao chỉ có chiến tranh và đố kị tôn giáo ở Tây Phương.
Đau đớn thay, nó đã và đang gieo rắc vết bẩn này sang các nước Á Châu từ thế kỷ XVI với sự bành trướng thực dân của Kytô giáo.
Trần Trọng SỹParis, mùa đại dịch thứ III