Chúng ta cần đến thiên nhiên không những để sống còn. Mà chúng ta còn cần đến thiên nhiên để giúp ta tìm về nhà, về với nguồn cội, quê hương của mình, thoát ra khỏi ngục tù của chính trí năng tạo ra ở trong mình. Chúng ta rất dễ đi lạc vào những toan tính, dự án, suy tư ở trong đầu – đánh mất mình trong mê hồn trận của những vấn đề rắc rối do chính mình tạo ra.
Chúng ta đã quên những gì mà một tảng đá, một thân cây hay một con thú vẫn còn biết. Chúng ta đã quên mất sự an nhiên tự tại - chỉ để được ở yên, sống với chính mình, có mặt với đời sống: Bây Giờ và Ở Đây.
§
Khi nào bạn chú tâm đến thiên nhiên, hay bất cứ một cái gì hiện hữu trong đời sống mà chưa bị xáo trộn, ô nhiễm bởi con người, đó là lúc bạn bước ra khỏi ngục tù của khái niệm, của suy tư, và ở một mức độ nào đó, tham dự vào trạng thái liên hợp với an nhiên tự tại, trong đó mọi thứ vẫn còn tồn tại một cách tự nhiên.
Đặt sự chú tâm của mình khi bạn đang nhìn vào một hòn sỏi, một thân cây, hay một con thú không có nghĩa là bạn suy tư về cái đó, nhưng chỉ đơn thuần đặt sự chú tâm vào vật đó, và giữ vật đó trong ý thức của mình.
Một cái gì đó như là tinh túy, linh hồn của vật ấy sẽ truyền sang bạn. Lúc đó bạn có thể cảm nhận được sự yên tĩnh sâu lắng của vật đó, và khi làm như thế, sự yên tĩnh sâu lắng đó cũng sẽ phát sinh ở trong bạn. Bạn sẽ cảm nhận được sự sâu lắng của vật đó trong trạng thái an nhiên tự tại – hoàn toàn đồng nhất với những gì đang hiện diện và nơi những thứ ấy đang xảy ra. Khi nhận thức được điều này, bạn cũng đạt đến một sự thư thái sâu lắng ở trong mình.
§
Khi đi dạo hay nằm nghỉ ở những nơi như trên núi hay ngoài bãi biển, hãy tôn trọng thiên nhiên bằng cách có mặt ở nơi đó hoàn toàn.
Hãy yên lắng.
Nhìn.
Lắng nghe.
Nhìn cho kỹ để thấy rằng mỗi thân cây, mỗi ngọn cỏ, chim chóc và muông thú,… đều an nhiên với chính nó. Không giống như con người, cỏ cây hay muông thú không tách mình làm thành hai mảnh. Chúng không sống với những ảo tưởng, tự tạo ra ở trong đầu như con người, nên chúng không cần phải quan tâm, cố gắng bảo vệ và bồi đắp cho nhân cách, hay khái niệm về một “cái Tôi” không-có-thật đó. Con nai rất thoải mái được là một con nai. Một cành hoa thủy tiên rất thoải mái được là một cành hoa thủy tiên.
Mọi thứ trong thiên nhiên không những rất thoải mái với chính nó và chúng còn rất thoải mái với môi trường chung quanh. Vì chúng chưa hề tự tách mình ra khỏi cơ cấu tổng thể của vũ trụ bằng cách tuyên bố một sự hiện hữu có tính cách biệt: “Tôi” và phần còn lại của vũ trụ, không dính gì với tôi.
Lặng ngắm thiên nhiên có thể giúp cho bạn thoát ra khỏi cái “Tôi” đó, phần tử đã tạo nên vô vàn khổ đau và hệ lụy cho bạn.
§
Hãy có ý thức ôm trọn những âm thanh của thiên nhiên - tiếng sột soạt của lá cây ở trong gió, tiếng mưa rơi, tiếng nỉ non của côn trùng, giai điệu của tiếng chim hót lúc bình minh. Hãy đặt trọn vẹn con người mình vào động thái lắng nghe. Vì ngoài âm thanh kia, còn có một cái gì to lớn hơn: Một cái gì thiêng liêng, không thể hiểu được bằng suy tư.
§
Bạn không phải là người đã tạo ra thân thể này của bạn, và bạn cũng không có khả năng điều khiển những chức năng phức tạp trong cơ thể. Vì có sự điều khiển của một sự thông thái rộng lớn hơn trí óc của con người. Sự thông thái đó cũng nuôi sống vạn vật trong vũ trụ. Bạn có thể tiếp chạm được với Cái Biết này bằng cách ý thức trường năng lượng bên trong cơ thể mình, bằng cách cảm nhận sức sống, sự có mặt rộn ràng của sự sống ở trong cơ thể mình.
§
Sự nô đùa và vui vẻ của một con chó. Lòng thương, đức tính trung thành với chủ, và thái độ lúc nào cũng sẵn sàng chào đón đời sống của con chó rất tương phản với trạng thái nội tâm của người chủ - trầm uất, bất an, gánh nặng của đời sống, chìm đắm trong suy tưởng, không có mặt trong phút giây và nơi chốn duy nhất của đời sống: Bây Giờ và Ở Đây. Ta có thể tự hỏi: Sống chung với con người như thế, năm này qua tháng nọ, làm thế nào mà con chó vẫn còn giữ được sự sáng suốt và vui vẻ với chủ?
§
Khi bạn chỉ nhìn thiên nhiên qua lý trí, qua suy tư, bạn không thể cảm nhận được sức sống, sự an nhiên tự tại. Bạn chỉ nhìn thấy hình tướng mà không cảm nhận được sự sống từ trong những hình tướng bên ngoài này - sự bí mật thiêng liêng của đời sống. Suy tư luôn giảm thiểu thiên nhiên, biến nó thành một món hàng để trao đổi, làm lợi, hay để tích lũy kiến thức. Khu rừng nguyên thủy sẽ trở thành những nơi khai thác gỗ; chim chóc trở thành một công trình nghiên cứu; đồi núi chỉ còn là một hầm mỏ để khai thác...
Khi bạn tìm hiểu thiên nhiên, hãy để cho trạng thái không suy tư, trạng thái vắng bặt những ý tưởng quấy nhiễu( ), có đủ không gian để thể hiện. Khi bạn tìm đến thiên nhiên như thế này, thiên nhiên sẽ thân thiện với bạn và sẽ tham dự vào quá trình chuyển hóa tâm thức của nhân loại và tâm thức của hành tinh này.
§
Hãy nhìn bông hoa xem chúng có mặt và chấp nhận đời sống sâu sắc như thế nào( ).
§
Những cây cỏ mà bạn đang có quanh nhà – có bao giờ bạn thực sự nhìn rõ chúng? Có bao giờ bạn cho phép những thứ quá quen thuộc nhưng rất bí ẩn đó dạy cho bạn về bí mật của đời sống? Bạn có bao giờ lưu ý đến sự tĩnh lặng sâu lắng của các loài cây cỏ này? Lưu ý đến trường không gian yên tĩnh bao bọc quanh chúng? Phút giây bạn chú tâm đến sự yên tĩnh và an bình tỏa ra từ cây cỏ, đó là lúc loài thực vật này trở thành bậc thầy của bạn.
§
Nhìn ngắm một con thú, một bông hoa, một thân cây và nhận ra cách mỗi thứ buông thư trong trạng thái an nhiên tự tại. Mỗi thứ đúng là chính nó. Mỗi thứ đều có một phẩm cách, một sự trong trắng và thiêng liêng. Tuy nhiên, để bạn có thể nhìn ra được điều này, bạn cần phải vượt lên những thói quen đặt tên, dán nhãn hiệu. Phút giây bạn vượt lên trên những nhãn hiệu của trí năng, bạn có thể cảm nhận được một chiều không gian mà bạn không thể nói thành lời, không thể nắm bắt bằng suy tư hay cảm nhận qua giác quan. Có một sự hòa điệu, một cái gì rất thiêng liêng thấm đẫm khắp thiên nhiên và cả ở trong bạn.
§
Không khí mà bạn đang thở chính là thiên nhiên, cũng như quá trình hít thở của bạn cũng chính là thiên nhiên.
Hãy chú tâm vào hơi thở và nhận ra rằng bạn không phải là người làm cho hơi thở xảy ra. Nhưng đó chính là hơi thở của thiên nhiên, của vũ trụ. Nếu quả thực bạn phải nhớ để mà thở thì bạn sẽ chết rất nhanh chóng (vì bạn thường xuyên quên mất hơi thở của mình), và nếu bạn cố ngừng hơi thở lại thì thiên nhiên sẽ luôn luôn thắng bạn.
Bạn nối lại sợi dây liên lạc với thiên nhiên một cách thân thiết và mạnh mẽ khi bạn trở nên ý thức hơi thở của mình( ) và học cách giữ cho tâm ý của mình có mặt trong khi thở. Đây là một thực tập sâu sắc và có tính trị liệu rất cao. Vì thực tập này giúp chuyển dịch tâm thức của bạn từ thế giới của khái niệm, suy tư phiến diện sang thế giới rộng rãi, khoáng đạt của tâm thức trong sáng, nguyên vẹn, chưa bị điều kiện hóa.
§
Bạn cần thiên nhiên như cần một người thầy giúp bạn nối lại sợi dây liên lạc với đời sống. Bạn rất cần đến thiên nhiên, ngược lại, thiên nhiên cũng rất cần bạn.
Bạn không bao giờ tách biệt khỏi thiên nhiên. Vì tất cả chúng ta đều là một phần căn bản của Sự Sống duy nhất được biểu hiện thành muôn hình, muôn vẻ khắp vũ trụ, những hình tướng liên hệ một cách mật thiết với nhau. Khi bạn nhận ra sự thiêng liêng, vẻ đẹp, sự tĩnh lặng sâu thẳm và uy nghi ở trong mỗi bông hoa, mỗi thân cây, mỗi cọng cỏ, bạn sẽ làm cho mỗi bông hoa, mỗi thân cây và mỗi cọng cỏ có giá trị hơn. Qua nhận diện, và ý thức của bạn mà thiên nhiên cũng nhận thức được chính tự thân mình. Nhờ bạn mà thiên nhiên nhận ra được vẻ đẹp và sự thiêng liêng của chính nó.
§
Có một không gian im lắng rộng lớn ôm trọn lấy thiên nhiên trong vòng tay mình. Không gian im lặng ấy cũng ôm trọn cả bạn nữa.
§
Chỉ khi nào bạn thực sự trong lắng ở bên trong thì bạn mới tiếp xúc được với thế giới im lắng của đất đá, cỏ cây và muông thú. Chỉ khi nào trí năng ồn ào của bạn đã lắng xuống thì bạn mới có thể tiếp xúc được với thiên nhiên ở một mức độ sâu hơn và vượt lên được cảm giác cách biệt tạo nên bởi thói quen suy tưởng quá độ của mình.
Thói quen suy tư chỉ là một giai đoạn phát triển cần thiết của con người. Thiên nhiên hiện hữu trong một trạng thái im lắng tinh khiết trước khi suy tư phát sinh. Cỏ cây, bông hoa, chim chóc, đất đá không hề ý thức được vẻ đẹp và tính chất thiêng liêng của chính nó. Khi con người trở nên im lắng, họ vượt lên trên những suy tư. Có một chiều không gian mới của sự thông thái, của ý thức vượt lên trên những suy tư.
Thiên nhiên có thể mang lại cho bạn sự tĩnh lặng. Đó là một món quà thiên nhiên dành riêng cho bạn. Khi bạn nhận thức được điều này và sát cánh với thiên nhiên trong trạng thái tĩnh lặng, trường tĩnh lặng ấy trở nên thẩm thấu với ý thức của bạn. Đó là món quà mà bạn hiến tặng cho thiên nhiên.
Vì thông qua bạn mà thiên nhiên có ý thức về chính mình. Thiên nhiên đã luôn trông chờ điều này ở con người trong suốt hàng triệu năm nay.
§
Chú thích Chương 7
(1) Trạng thái không suy tư, trạng thái vắng bặt các ý tưởng quấy nhiễu: Đây là trạng thái Không Tâm, rỗng rang, vắng lặng ở trong Thiền. Trạng thái này thường xuất hiện như những khe hở giữa hai ý tưởng ở trong đầu bạn. Do đó những khi trong bạn có trạng thái an ổn, trong lắng này, hãy thưởng thức trạng thái an nhiên tự tại ấy trước khi thói quen suy tư bận rộn, lo nghĩ cũ ở trong bạn trở lại, chiếm hữu toàn bộ tâm tư của bạn.
(2) Hãy nhìn những bông hoa kia, xem chúng có mặt và chấp nhận đời sống sâu sắc như thế nào: Tương tự như thế, Chúa Jesus cũng đã từng nói: “Con hãy nhìn những bông hoa huệ kia, chúng không loay hoay mà cũng chẳng nhọc nhằn”, có nghĩa là chúng an trú trong trạng thái an nhiên tự tại.
(3) Ý thức hơi thở của mình: Đây chính là phương pháp Thiền tập trong đó bạn chú tâm đến hơi thở của mình. Đang thở vào thì bạn biết là mình đang thở vào. Đang thở ra thì biết là mình đang thở ra. Đó gọi là thực tập để có ý thức về hơi thở của mình. Nhờ tập như thế lâu ngày, sự chú tâm ở trong bạn càng ngày càng vững mạnh hơn. Do đó bạn dễ dàng nhận ra những gì đang xảy ra ở trong bạn hoặc chung quanh bạn. Điều này sẽ giúp cho bạn dễ dàng nhận diện những thói quen, những cách suy nghĩ tiêu cực mà trước đây bạn chưa hề nhận ra. Từ đó giúp cho bạn có cơ hội chuyển hóa những thói quen cũ này.