Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra.
(Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc.
(Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật.
(Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ.
(There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai.
(We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa.
(Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Khi tôi còn nhỏ, có lần tôi được nghe loáng thoáng một câu chuyện giữa cha tôi với mấy người bạn, trong đó ông đề cập đến niềm mong ước sẽ cố gắng nuôi dạy chúng tôi – tôi và các anh chị em – được khôn lớn nên người.
Với đầu óc ngây thơ lúc đó, tôi lấy làm thắc mắc: “Vì sao phải cố gắng nuôi dạy chúng tôi cho nên người? Tự nhiên thì chúng tôi cũng đã là người rồi kia mà!”
Tất nhiên chẳng có ai trong số quý độc giả lại có thể có một câu hỏi ngớ ngẩn kiểu ấy như tôi đâu. Nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta đôi khi hiểu khác nhau về khái niệm “nên người”.
Có người xem việc này giản dị quá. Có người lại đặt ra những chuẩn mực, kỳ vọng cao xa quá. Và hiểu như thế nào để không “quá” thì quả thật là vấn đề còn phải bàn cãi khá nhiều. Ở đây sẽ không bàn đến điều này, nhưng chỉ nêu ra để cho thấy việc hình thành nhu cầu thiết yếu về những nguyên tắc sống trong mỗi một cộng đồng.
Vì sao khái niệm “nên người” lại có liên hệ đến vấn đề chúng ta đang trao đổi? Bởi vì, khi nói đến “nên người” là đã có hàm ý về việc “thế nào mới được gọi là người”. Và khi đã xác định được khái niệm “người”, thì những đối tượng “chẳng nên người” sẽ được phân biệt theo kiểu như là những “con vật đi hai chân”, hay nói khác đi là phải chịu sự khinh miệt, coi rẻ của cộng đồng xã hội.
Một con người hiểu theo nghĩa này, cần phải có được những nhận thức đúng đắn tối thiểu mà cộng đồng xã hội quanh mình đòi hỏi. Người dân quê vẫn thường nói nôm na khi dạy dỗ con cái là “biết ăn biết ở”, có nghĩa là ăn ở như thế nào để có thể được mọi người chung quanh yêu thương, kính trọng, hoặc tối thiểu cũng là chấp nhận được mà không bị phản đối. Và kèm theo với khái niệm này, chúng ta còn được nghe câu tục ngữ “Ăn thì dễ, ở thì khó.” Đủ biết phép ứng xử trong đời sống được người xưa coi trọng như thế nào.
Nhưng con người không phải sinh ra là tự nhiên có thể “biết ăn biết ở” hiểu theo nghĩa này. Những điều đó phải học hỏi từ gia đình, xã hội, hay nói cách khác là phải được dạy dỗ, rèn luyện từ thuở nhỏ.
Mỗi thế hệ có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện cho thế hệ tiếp theo, nếu như muốn bảo vệ được những giá trị tích cực về tinh thần cũng như vật chất đã đạt được của thế hệ mình. Và sự giáo dục, rèn luyện đó, tuy không tránh khỏi phần chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng về mặt tổng quát cũng đã hình thành nên những nguyên tắc sống được cộng đồng chấp nhận. Tất nhiên là khi nói đến những nguyên tắc sống này, chúng ta không bao hàm những nguyên tắc đã được văn bản hoá thành luật pháp. Bởi vì, với loại nguyên tắc đó thì ngay cả khi chúng ta “không biết”, cũng sẽ có người “dạy” cho ta biết ngay khi ta vi phạm vào.
° ° °
Sự hình thành những nguyên tắc sống như thế trong mỗi cộng đồng cũng giúp tạo điều kiện để ngày càng hoàn thiện hơn sinh hoạt chung của cộng đồng đó, vì người ta có thể thông qua việc điều chỉnh các nguyên tắc này để làm cho cuộc sống trong xã hội ngày càng tốt đẹp, có ý nghĩa hơn. Ngoài ra, mỗi thế hệ cũng có thể dựa vào những nguyên tắc sống đã hình thành để dễ dàng truyền dạy lại cho thế hệ tiếp theo sau mình.
Như vậy, những nguyên tắc sống được hình thành từ việc tích luỹ kinh nghiệm sống qua từng thế hệ. Bằng vào thực tế người ta nhận ra được là mỗi cá nhân cần phải tuân theo những nguyên tắc nào để sinh hoạt của gia đình, của xã hội được hoà hợp, êm ấm. Hơn thế nữa, người ta cũng nhận ra những cách ứng xử tinh tế có thể thu phục được tình cảm, hoặc tạo ra sự kính trọng trong lòng người. Một cách cụ thể, những nguyên tắc chi li này bao hàm những nghi thức giao tiếp (phép xã giao), cách đi đứng, ăn mặc, nói năng, chào hỏi... ở nơi công cộng, khi tiếp xúc với mọi người... (phép lịch sự), cách ứng xử khác nhau trong các tình huống khác nhau, với những đối tượng khác nhau (thuật xử thế)... Nhưng quan trọng hơn hết là những nguyên tắc, cách nhận thức để định hướng đúng đắn cho mọi hành vi giao tiếp, ứng xử trong gia đình cũng như xã hội, sao cho có thể được xem như là một nếp sống đẹp.
Chính những nguyên tắc, cách nhận thức này sẽ được đề cập đến nhiều nhất trong sách này. Lấy ví dụ, trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái, mỗi người đều có thể có những phương thức ứng xử riêng phù hợp với gia đình mình. Những chỉ dẫn chi li thường là rất ít khi phù hợp, nếu không muốn nói trong nhiều trường hợp hầu như là vô ích. Vì thế, chúng ta chỉ cần trao đổi về những nguyên tắc chung nhất, những nhận thức đúng đắn nhất có thể sẽ áp dụng được cho hầu hết mọi gia đình. Một trong những nguyên tắc này sẽ được bàn đến chẳng hạn như là “Đừng bao giờ cáu gắt với con cái.” Bạn có thể sẽ đồng ý hoặc không đồng ý với nguyên tắc này, nhưng hy vọng của tập sách này tất nhiên là cố gắng thuyết phục một cách hợp lý sao cho được nhiều người cùng đồng ý.
Trải qua các thời đại
Khi nói đến những nguyên tắc sống đã được cộng đồng xã hội chấp nhận, chúng ta có thể nhận ra một điều là những nguyên tắc mà chúng ta đang đề cập đến trước đây hầu hết thường là thuộc loại “bất thành văn”. Chúng được truyền dạy từ đời này sang đời khác, cha mẹ dạy cho con cái, người già dạy cho người trẻ, thậm chí mọi người đều truyền dạy lẫn nhau. Khi chúng ta lớn lên, có nhiều điều chúng ta biết được mà thậm chí không còn nhớ là mình đã học được từ lúc nào. Chẳng hạn, tôi không sao nhớ được từ lúc nào tôi đã được dạy là mỗi khi ngáp phải quay vào chỗ khuất và dùng tay che miệng lại. Lớp trẻ ngày nay có nhiều người chắc là không được dạy như thế, vì vậy ở nơi công cộng hoặc trên đường phố ta rất thường nhìn thấy những cái miệng ngoác ra rất to mà không chút e ngại gì! Sự truyền dạy theo lối “bất thành văn” đôi khi cũng có những giới hạn của nó.
Vì thế, ngay từ thời cổ đại, một số người đã cố gắng tìm cách ghi nhận lại những phương cách ứng xử, những hướng dẫn giao tiếp... thành những tập sách để có thể dễ dàng truyền dạy cho người khác. Mặc dù có thể đã phát sinh từ khi con người bắt đầu biết sống tập trung thành những cộng đồng xã hội sơ khai, nhưng những nguyên tắc loại này chỉ được biết là đã ghi lại thành tập sách đầu tiên vào khoảng 25 thế kỷ trước Tây lịch ở Ai Cập, vào thời vua Pharaoh, do một vị đại thần của nhà vua biên soạn. Ông này tên là Ptahotep, và tập sách của ông lấy nhan đề là “Những chỉ dẫn của Ptahotep”.
Trong sách của Ptahotep, chúng ta còn thấy được một số những chỉ dẫn mà ngày nay có vẻ như khôi hài, nhưng thật kỳ lạ là chúng vẫn còn đúng đắn. Chẳng hạn như, ông chỉ dẫn về cách giao tiếp với những người có địa vị xã hội cao hơn mình như sau: “Hãy cười khi họ cười, điều đó sẽ làm cho họ cảm thấy thích mình.” Hoặc ông khuyên một người đàn ông đối xử với vợ cần phải biết “... im lặng khi cần thiết, vì điều đó là một món quà đôi khi quý giá hơn một bông hoa...” Tương truyền tập sách đã được lưu hành rất rộng rãi và có ảnh hưởng lớn trong vùng Cận Đông trước cả khi Kinh Thánh ra đời. Vì thế, nó cũng có ảnh hưởng đến ngay cả lời lẽ trong Kinh Thánh nữa.
Ngược dòng thời gian đến những thời kỳ xa hơn nữa trong quá khứ, chúng ta không còn biết được một cuốn sách nào xưa hơn nữa có nội dung thuộc loại tương tự như cuốn sách này.
Tuy nhiên, những cố gắng của con người để ngày càng tỏ ra văn minh, lịch sự hơn – dù là văn minh, lịch sự theo cách của người cổ đại – còn được ghi nhận qua nhiều dấu vết công cụ được các nhà khảo cổ học tìm thấy.
Ngoài những công cụ thiết yếu cho lao động sống còn, người thời cổ cũng đã phát minh ra các vật dụng để sử dụng trong bữa ăn cho “dễ coi” hơn. Thay vì tiếp tục việc ăn bốc bằng hai tay, người ta dần dần biết dùng đến đũa, dao, muỗng, nĩa ...
Đôi đũa mà ngày nay chúng ta dùng đã được người Trung Hoa phát minh ra từ thời thượng cổ, nghĩa là nhiều ngàn năm trước Tây lịch. Những nền văn hoá chấp nhận sử dụng đôi đũa trên bàn ăn có sự khác biệt với những nền văn hoá dùng dao, nĩa để ăn. Hãy nghe một câu tục ngữ của người Trung Hoa nói lên quan điểm của họ: “Ngồi vào bàn để ăn, không phải để cắt xé xác chết.” Theo quan điểm đó, thức ăn cứng hoặc dai thường được cắt sẵn theo kích cỡ vừa “đũa gắp”, để người ăn không cần phải dùng đến dao và nĩa. Điều này có lẽ cũng còn phản ánh một phần nào đó quan điểm của người Á Đông nói chung, không thích nhìn ngắm những con vật bị mình ăn thịt. Tất, nhiên, ngày nay thì vấn đề đã thay đổi khá nhiều, bởi vì việc dùng dao nĩa cũng không xa lạ mấy với rất nhiều người Á Đông.
Dao là công cụ được phát minh để dùng làm vũ khí trong săn bắt thú. Người ta tin là con dao đầu tiên phải có không dưới 1,5 triệu năm tuổi, theo những kết quả khảo cổ ở châu Phi và châu Á. Từ công dụng ban đầu là một loại vũ khí, những con người “lịch sự” đã bắt đầu đưa nó vào bàn ăn để hạn chế những thao tác bằng tay “khó coi” hơn. Thời xưa, dao rất quan trọng nên mỗi người chỉ được quyền sở hữu một con dao mà thôi. Chỉ những người có quyền thế trong cộng đồng mới được quyền giữ cho mình nhiều con dao. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến việc hạn chế sở hữu súng đạn ngày nay. Có lẽ cũng tương tự như vậy.
Muỗng là một công cụ được phát hiện thấy ở tất cả các nền văn hoá cổ, và chỉ thuần tuý được dùng khi ăn thức ăn lỏng. Những chiếc muỗng xưa nhất có độ tuổi vào khoảng thời đại đồ đá cổ. Ban đầu muỗng được làm bằng xương, bằng đá... Về sau nó cũng được chế tạo bằng gỗ, bằng kim loại, ngay cả những kim loại quý như vàng và bạc. Trong các mộ cổ Ai Cập, người ta tìm thấy những cái muỗng bằng ngà, bằng vàng hoặc bằng bạc. Trong nền văn minh Hy La cổ, giới quý tộc dùng muỗng bằng đồng và bạc, còn những người bình dân thì dùng muỗng gỗ.
Cái nĩa là công cụ được dùng đến muộn màng nhất, nhưng có thể là cũng đã có từ khoảng thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch. Đó là theo các kết quả khảo cổ. Còn việc sử dụng nĩa vào bàn ăn được người ta biết chắc chắn ít nhất cũng là từ thế kỷ 11 ở vùng Tuscany của nước Ý. Loại nĩa thời ấy chỉ có 2 chĩa, thay vì là 3 hoặc 4 như ngày nay. Đến thế kỷ 14 thì nó đã có mặt ở Anh quốc, nhưng chỉ được giới quý tộc sử dụng như một dấu hiệu trang trí, vì thế thường được làm bằng vàng hoặc bạc và có nạm cả đá quý. Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 17 thì ngay cả ở nơi khai sinh ra nó là nước Ý, nĩa vẫn chưa được quần chúng chấp nhận rộng rãi. Những người bình dân nào dùng nĩa trong bữa ăn thường bị chế giễu là quá cầu kỳ. Trong thế kỷ 18 thì việc ăn bằng nĩa được xem như dấu hiệu đặc trưng của tầng lớp quý tộc thượng lưu.
° ° °
Vào khoảng năm 1530, tại Phần Lan đã thấy xuất hiện một tập sách hướng dẫn các phép tắc ứng xử, đặc biệt được biên soạn để dạy dỗ trẻ em. Vì thế, sách có tựa là “Văn minh trẻ em”. Sách được xuất bản và lưu hành rất rộng rãi, được sự chấp nhận nồng nhiệt của công chúng đến nỗi phải tái bản đến 30 lần ngay trong khi tác giả của nó vẫn còn sống. Người biên soạn tập sách này là một triết gia thiên về giáo dục ở Rotterdam, có tên là Eramus. Qua tập sách, ông đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc giáo dục các nguyên tắc sống trong cộng đồng xã hội cho trẻ em từ khi chúng còn rất nhỏ. Sau khi ông qua đời, sách tiếp tục được tái bản nhiều lần cho đến tận thế kỷ 19. Nó cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác và được biên soạn bổ sung, cũng như thêm vào các phần luận giải cho phong phú hơn. Đây là một tập sách có ảnh hưởng rất lớn về chủ đề này trên khắp phạm vi Châu Âu.
Gần đây hơn và cũng thành công không kém phần rực rỡ là cuốn sách dạy về phép lịch sự của bà Emily Post, xuất bản vào năm 1922 tại Hoa Kỳ. Sách có ảnh hưởng sâu rộng với người Mỹ đến nỗi cái tên Emily Post được người ta dùng để chỉ cho một phong cách cư xử được xem là lịch sự và đứng đắn. Số lượng sách được phát hành cũng đạt đến một mức kỷ lục: tính đến năm 1945 đã bán ra được hơn nửa triệu bản! Vì thế, ngay cả hiện nay những chuẩn mực trình bày trong sách vẫn còn được rất nhiều người tôn trọng.
Trong thời phong kiến – và một phần nào đó cho đến cả bây giờ – người Việt chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nguyên tắc, nghi thức được ghi trong tập Thọ Mai Gia Lễ, khi tổ chức các nghi thức lễ tang, cưới hỏi, mừng thọ... Đây cũng là một hình thức văn bản hoá những ước lệ chung của cộng đồng về những vấn đề này. Ngoài ra, nền văn hoá của chúng ta còn ảnh hưởng sâu đậm bởi những điều được nhà Nho xưa gọi là “lễ giáo”, xét cho cùng cũng chính là những nguyên tắc được áp dụng cho sinh hoạt của từng cá nhân trong cộng đồng.
Trong thời đại thông tin bùng nổ này, những sách dạy về phép lịch sự, phép xử thế.. cũng ngày càng nhiều hơn. Người ta đã phát hành những tập sách dày thu thập rất nhiều những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong việc xử thế, phép lịch sự, phép xã giao... Tôi có gặp được một tập cẩm nang loại này được sắp xếp theo vần ABC. Tuy nhiên, tôi đã thử tra cứu theo vần “NG” và không thấy có mục nào nói về cách ngáp sao cho đúng phép lịch sự!
Điều muốn nói ở đây là chúng ta hầu như không thể nêu hết được những phép lịch sự, cách ứng xử trong từng trường hợp... bởi vì chúng rất chi li, tỉ mỉ và gần như là quá nhiều đến nỗi không sao kê cứu hết. Chính vì vậy, dù là xưa hay nay, những cuốn sách như thế chỉ góp một phần, thậm chí phần rất nhỏ, trong việc giúp cho chúng ta “nên người”. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, điều này càng dễ thấy hơn, vì các tình huống giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng đã trở nên phong phú, đa dạng và thậm chí phức tạp đến nỗi không một người uyên bác nào có thể am tường được hết.
Vì thế, để có thể ứng xử tốt, trở thành một người lịch sự, hay nói theo cách nhìn của chúng ta trong tập sách này là để có thể sống đẹp, chúng ta không thể chỉ học hỏi rập khuôn theo những gì được ghi lại trong sách – cho dù là thật nhiều sách. Điều mà chúng ta thật sự cần có là một quan điểm, một nhận thức đúng đắn về vấn đề. Với nền tảng này, chúng ta có thể tiếp tục học hỏi tiếp thu những chi tiết, những phương thức ứng xử trong từng trường hợp, hoặc thậm chí có thể sáng tạo ra chúng mà vẫn đạt được hiệu quả tốt đẹp trong giao tiếp hoặc trong cuộc sống cộng đồng nói chung.
Vài quan điểm khác nhau thời hiện đại
Chúng ta đã nói qua về sự hình thành của những nguyên tắc sống trong một cộng đồng xã hội, và tầm quan trọng của nó trong việc giữ cho sinh hoạt chung của toàn xã hội được hài hoà, giảm thiểu tối đa những bất đồng giữa các cá nhân. Đối với những xã hội xưa kia, những phân tích này hoàn toàn có thể chấp nhận được vì tính cụ thể, rõ ràng của chúng. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi mà vai trò của tự do cá nhân được đề cao tối đa, ý thức độc lập về tư tưởng, quan điểm, nhận thức... đều được mọi người ưa chuộng, thì không thể tránh được sự phát sinh một vài quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như, có cần đến những nguyên tắc cũ nữa hay không? Và nếu cần, thì việc tuân thủ các nguyên tắc này có thể chấp nhận được đến mức độ nào? Hoặc là, việc tuân theo các nguyên tắc chi li trong giao tiếp, ứng xử... liệu có phải là có lợi, hay ngược lại nó làm cho con người trở nên căng thẳng, khó khăn hơn trong cuộc sống vốn đã có quá nhiều điều để lo toan? Chúng ta sẽ không bàn đến việc đúng hay sai của từng quan điểm, nhưng sẽ điểm qua các nguyên nhân phát sinh và lập luận của từng quan điểm, để từ đó mỗi người tự chọn cho mình một cách suy nghĩ mà mình cho là thích hợp nhất.
Sự khác biệt lớn của ngày nay so với các xã hội trước đây là tính hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật. Những bộ luật ngày nay đồ sộ hơn ngày xưa rất nhiều. Lấy một ví dụ gần nhất ở nước ta, nếu đem so luật Hồng Đức thời Lê cho đến luật Gia Long vào thời nhà Nguyễn – nghĩa là cũng chỉ mới gần đây thôi – và hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta, sẽ thấy sự cách biệt rất lớn về cả số lượng lẫn chất lượng. Nhìn sang đến luật pháp của các nước lớn như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức... mỗi nơi một vẻ, nhưng cũng đều đồ sộ và chi li hơn trước đây rất nhiều. Điều này có thể hiểu được dễ dàng bởi những lý do rất cụ thể. Thứ nhất, do sự kế thừa và hoàn chỉnh từ những gì đã có, nên luật pháp ngày càng phát triển hơn về mọi khía cạnh là điều tất nhiên. Thứ hai, luật pháp ngày nay do chính quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, thông qua việc đóng góp ý kiến và bầu ra các đại diện của mình, không còn là công việc của một nhóm rất ít các nhà chuyên môn như ngày xưa nữa. Điều đó dẫn đến việc luật pháp có thể bao hàm được hầu hết mọi phạm vi sinh hoạt của mỗi cá nhân trong xã hội, và dự kiến những biện pháp điều chỉnh thích hợp khi cần thiết.
Sự phát triển như thế đã cho phép luật pháp can thiệp nhiều hơn vào hành vi của một cá nhân. Lấy một ví dụ, ngày xưa một người đánh vợ thô bạo và vô cớ có thể bị chê cười, chỉ trích hoặc thậm chí bị khinh miệt, nhưng không ai có quyền can thiệp trực tiếp vào việc đó, với nguyên tắc rất chung chung là “đèn nhà ai nấy sáng”. Vì vậy, đối xử tốt với vợ chỉ là một nguyên tắc sống, một phép ứng xử mà người muốn “sống đẹp” phải tôn trọng. Trong bối cảnh đó, sự khinh chê, áp lực tâm lý của cộng đồng đóng một vai trò quan trọng để điều chỉnh hành động này. Những ai không tuân theo các nguyên tắc đã được cộng đồng thừa nhận sẽ bị xem là không “biết ăn biết ở”, nghĩa là không “nên người”.
Sự việc này ngày nay đã khác hẳn, vì bị xem là một hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng. Như vậy, dù có muốn sống đẹp hay không, cá nhân cũng không có quyền thực hiện những hành vi tương tự, vì sẽ có sự can thiệp tức thì của xã hội. Điều này có nghĩa là, rất nhiều nguyên tắc sống trước đây, giờ đã được đưa vào luật pháp, và những điều không đưa vào luật pháp chỉ còn là những điều “vô thưởng vô phạt” theo quan điểm của một số người, như việc ngoác miệng thật to khi ngáp trên đường phố chẳng hạn.
Do sự khác biệt thực tiễn này, một số người cho rằng không còn cần đến những nguyên tắc sống như ngày xưa nữa. Bởi vì, những gì thật sự cần thiết tất nhiên đã được đưa vào luật pháp. Còn những gì luật pháp không đề cập đến thì tất nhiên là không có gì cần thiết. Nếu thích thì cứ học, cứ theo; bằng không thì thôi, cũng chẳng sao!
Tuy nhiên, bằng vào cảm tính, mỗi người chúng ta hẳn là đều đã có ít nhất cũng một lần thấy khó chịu hoặc “chướng tai gai mắt” vì tiếp xúc với một người sống “không đẹp”. Một bà sồn sồn ngồi nói huyên thuyên trong bàn tiệc cưới, chẳng cho ai mở lời, và mọi người cũng chẳng biết tránh đi đâu khác vì sợ mích lòng gia chủ... Hoặc một thính giả cùng nghe nhạc thính phòng mà cứ liên tục hắt hơi, khạc nhổ hoặc tuôn ra đủ thứ các tiếng động “cá nhân” chẳng kể gì đến sự tập trung thưởng thức của những người chung quanh... Những điều đó đều không có ghi trong luật pháp, không bị “chế tài” bởi bất cứ hình phạt nào, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự khó chịu tất nhiên mà chúng gây ra cho mọi người khác.
Như vậy, thực tế là luật pháp vẫn không làm sao chi phối hết mọi hành vi của một cá nhân để họ trở nên những người “sống đẹp”. Điều này vẫn phải cần đến ý thức tự giác học hỏi, rèn luyện của mỗi người, và một nhận thức đúng đắn về mỗi hành vi của mình trong cộng đồng xã hội. Điều này cũng có nghĩa là vẫn cần phải có những nguyên tắc sống nhất định tồn tại, để theo đó mà giáo dục, rèn luyện nếu như muốn cho con cái được “nên người”.
Nhưng vấn đề là những nguyên tắc như thế nên được tồn tại ở mức độ nào? Có những nguyên tắc không thể phủ nhận được tính khắt khe hoặc không hợp thời nữa của chúng, và vì thế bất cứ ai cũng có thể đồng ý là không nên tồn tại. Chẳng hạn như một phụ nữ bo bo giữ câu “xuất giá tùng phu” phải cúi đầu nhẫn chịu chung sống với anh chồng sáng say chiều xỉn mà không có chút dấu hiệu cải hối nào. Hoặc một bậc cha mẹ nào đó cứ vin vào câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” để ép gả con gái cho một người mà cô ta không hề thương yêu... Những điều này có lẽ miễn bàn.
Nhưng cũng có những nguyên tắc vẫn còn giữ được tính thiết yếu, cần thiết trong đời sống mà không ai có thể phủ nhận được. Chẳng hạn như con cái nhất thiết phải tôn kính cha mẹ, hoặc học trò cũ phải tôn kính thầy cô giáo đã dạy mình trước đây... Bất kể địa vị xã hội của bản thân có leo cao đến đâu cũng không được lấy đó mà coi thường các vị ấy, cho dù hiện tại các vị có kém thua mình đến đâu đi chăng nữa. Một người không giữ được điều này thì dù có biết đến một vạn điều tinh vi, tế nhị khác nữa cũng chẳng thể xem là biết “sống đẹp”, vẫn bị xã hội xem như là chưa “nên người”.
Bản thân tôi đã có lần tận mắt chứng kiến một trong những trường hợp này. Hồi đó tôi còn đi giảng dạy Anh ngữ ở một trường phổ thông. Mặc dù chỉ là một giáo viên hợp đồng, nhưng tôi vẫn được mời tham gia hội nghị xây dựng kế hoạch năm học vào đầu niên khoá. Sau hội nghị, tôi thấy một trong các giáo viên lớn tuổi có vẻ hơi khó chịu. Vốn chơi khá thân với vị này, tôi liền mượn cớ mang cho ông một ly nước ngọt để tiện hỏi riêng. Ông nhìn tôi rồi cười có vẻ chua chát, nói: “Anh xem, cái ông phó phòng hôm nay về dự hội nghị ấy, thậm chí chẳng thèm chào tôi một tiếng nữa. Ngày xưa nó đã từng học với tôi ba năm tiếp đấy.”
Tôi hiểu tâm trạng của thầy, và càng hiểu rõ cái “không đẹp” của ông phó phòng “tuổi trẻ tài cao” kia. Hẳn là không ai trong chúng ta có thể đồng ý với một hành vi kiểu đó.
Vấn đề là, giữa những nguyên tắc cần phải bỏ đi và những nguyên tắc không thể bỏ đi, còn có vô số những vấn đề không dễ nhất trí với nhau là cần thiết hay không cần thiết. Dưới góc nhìn của người này, một vấn đề có thể là cần thiết, với một người khác thì lại không. Và ngược lại. Như vậy, dựa vào đâu để chúng ta có thể xác định được những gì nên giữ và những gì không nên giữ? Chuyện nhỏ nhặt như việc ngoác miệng ra ngáp ở nơi công cộng, tuy có làm cho một số người cảm thấy khó chịu, nhưng lại cũng có những người khác cho là bình thường, chẳng có gì đáng kể!
Trong thời đại mà cái “tôi” của mỗi cá nhân được tôn trọng hơn bao giờ hết, và thậm chí là được cả pháp luật bảo vệ, thì sự khen chê của cộng đồng cũng ngày càng giảm thiểu đi đáng kể. Thiên hạ bây giờ tôn sùng chủ nghĩa “ba không” đối với hành vi của người khác: không quan tâm, không bình luận, không can thiệp. Bởi vậy, nếu như có ai đó có những hành vi “không đẹp” thì đó là chuyện của họ, miễn đừng vi phạm pháp luật thì thôi, can thiệp đến, khen chê để làm gì? Mà nếu thiên hạ đã thế thì việc gì mình phải quan tâm đến việc rèn luyện, chú ý từng hành vi nhỏ nhặt để mà chi? Quan điểm như thế cũng là một quan điểm có thể hiểu được trong bối cảnh thay đổi của thời hiện đại.
Từ cách nghĩ như thế, một số người bắt đầu cho rằng những nguyên tắc ứng xử chi li, tỉ mỉ nếu đã không cần thiết, tất nhiên là chúng sẽ có tác dụng ngược lại. Trong thời buổi này, người ta chạy đua nhau với tốc độ phi thuyền, mọi việc làm đều hối hả và thời biểu trong ngày thì bao giờ cũng dư việc thiếu giờ. Nếu đã vậy, việc quan tâm thêm đến các chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống chẳng là một gánh nặng căng thẳng chồng chất thêm đó sao? Bản thân mình đã vậy, nói gì đến việc quan tâm dạy dỗ, rèn luyện cho con cái?
Theo một cách nghĩ khác, có người cho rằng sự tự do, thoải mái trong sinh hoạt của mỗi người là quan trọng hơn những phép tắc vốn lúc nào cũng phải quan tâm đến người khác. Bạn bè đi chơi với nhau, thích ăn mặc gì, nói năng ra sao, cứ tự do theo ý mình chẳng dễ chịu hơn là cứ theo nguyên tắc này nguyên tắc nọ hay sao? Nếu ai cũng như ai, chẳng ai can thiệp đến ai là được rồi, việc gì phải như thế này hay như thế khác cho thêm mệt óc?
Tuy nhiên, nói gì thì nói, mỗi khi tiếp xúc với bất cứ ai, nhất là lần đầu tiên, thì ấn tượng tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, do những hành vi ứng xử, nói năng, hoặc thậm chí phong cách ăn mặc của người ấy tạo ra cho ta là điều không thể phủ nhận được. Vì thế, trong những chương về sau chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Nhận thức mới cho nguyên tắc cũ
Để dạy dỗ cho con cái “nên người”, nghĩa là “biết ăn biết ở”, người xưa đã có rất nhiều hình thức giáo dục khác nhau. Một trong những hình thức tiêu biểu nhất, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, là thông qua ca dao và tục ngữ. Những câu hát ru, những câu tục ngữ được dùng trong ngôn ngữ hàng ngày... ghi đậm nét vào những khối óc non nớt của trẻ con, và hình thành nên một phong cách sống nhất định phù hợp với những chuẩn mực của cộng đồng. Ngoài ra, việc trực tiếp khen, chê, la rầy, quở trách, thậm chí là roi vọt, trừng phạt... của người lớn trong gia đình cũng có vai trò quan trọng và được mỗi người chúng ta ghi nhớ rất sâu đậm khi trưởng thành. Rất nhiều quan điểm sống hoặc thậm chí phong cách sống, lời ăn tiếng nói... của chúng ta cũng được cha mẹ rèn đúc từ thuở bé.
Tiếc thay, ngày nay có nhiều người không nhận rõ được tầm quan trọng của vấn đề này. Tôi có quen biết nhiều gia đình, vì cha mẹ có công ăn việc làm ổn định và thậm chí là rất tốt, nên các vị dành trọn thời gian cho công việc và giao phó con cái cho người khác, chẳng hạn như nhà trẻ, nhà trường... Tôi không phủ nhận khả năng giáo dục của những nơi như thế, nhưng loại bỏ yếu tố gia đình ra khỏi việc dạy dỗ con cái chắc chắn là một sai lầm. Nhiều năm sau, tôi tin chắc là các bậc cha mẹ này rồi sẽ hối tiếc vì không thể dùng những tiền bạc tích luỹ được của mình để làm thay đổi con cái nếu như chúng có điều gì đó không được như mong muốn.
Vì vậy, nhận thức đúng về các nguyên tắc sống không chỉ có giá trị cho bản thân chúng ta, mà còn mang ý nghĩa giáo dục, trao truyền cho thế hệ kế tiếp.
Tôi nhấn mạnh ở đây vấn đề nhận thức, bởi vì tôi cho rằng đó là điểm xuất phát và có tính cách chi phối quan trọng đối với những gì mà chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi.
Khi bản thảo của tập sách này được viết xong lần đầu tiên và đang trong giai đoạn sửa chữa, tôi đã mang ra trao đổi với một số bạn bè để tranh thủ ý kiến đóng góp. Một số các bạn tôi cho rằng cụm từ “nguyên tắc sống” mà tôi dùng trong sách có vẻ quan trọng quá, nên thay bằng một cụm từ khác có ý nghĩa “nhẹ nhàng” hơn, chẳng hạn những cụm từ như phép lịch sự, nghi thức xã giao, thuật xử thế, cách ứng xử...
Tôi cho rằng những cụm từ ấy quả đúng là đều chỉ đến cái mà tôi gọi là “nguyên tắc sống”, nhưng không có cụm từ nào trong đó có thể bao hàm được đầy đủ những ý nghĩa mà tôi muốn đề cập đến. Hơn thế nữa, sự “quan trọng” ở đây chính là dụng ý của tôi khi dùng từ, vì những điều được nói đến tuy có thể là rất nhỏ nhặt, vụn vặt, nhưng nếu nhận thức từ góc độ làm đẹp cho đời sống của mỗi cá nhân và cho toàn xã hội thì chúng không kém phần quan trọng chút nào so với những vấn đề khác mà chúng ta cho là quan trọng trong cuộc sống.
Đây cũng chính là vấn đề nhận thức mà tôi vừa nói đến. Bởi vì nếu chúng ta nhận thức đúng được tầm quan trọng của những vấn đề nhỏ nhặt trong hành vi giao tiếp, ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng, thì chúng ta mới có thể thấy rằng việc tự mình rèn luyện hoặc dạy dỗ cho con cái những điều ấy không phải là những việc “phí thì giờ vô ích” như một số người vẫn nghĩ.
Cũng trong vấn đề nhận thức, chúng ta đều biết rằng mỗi một vấn đề, một phát biểu... đôi khi có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo nhận thức của mỗi người. Chẳng hạn như, nói về cách đối nhân xử thế, câu “Ở sao cho vừa lòng người” có thể được hiểu theo ít nhất là hai cách khác nhau.
“Ở sao cho vừa lòng người” có thể được hiểu là một lời cảnh giác, cần phải hết sức thận trọng trong giao tiếp để có thể giảm bớt tối đa sự đụng chạm, gây khó chịu cho người khác, bởi vì mỗi hành vi của chúng ta đều có thể dễ dàng bị một ai đó chê trách, không hài lòng.
“Ở sao cho vừa lòng người” cũng có thể được hiểu theo nghĩa là “chín người mười ý”, thôi thì mặc kệ họ, hơi đâu mà quan tâm, bởi vì cho dù chúng ta có thận trọng đến đâu đi nữa, cũng chẳng thể nào làm hài lòng tất cả mọi người được kia mà!
Hiểu theo cách nào, điều đó tuỳ thuộc vào nhận thức của mỗi người, và hệ quả như thế nào, cũng là chuyện mỗi người tự nhận biết lấy.
Lấy một ví dụ khác, câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cũng có thể được hiểu theo ít nhất là hai cách khác nhau. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” có thể được hiểu là hãy ứng xử phù hợp theo với từng hoàn cảnh, môi trường cụ thể chung quanh mình, bởi vì một hành động có thể là thích hợp trong hoàn cảnh này nhưng lại không thích hợp trong một hoàn cảnh khác, môi trường khác... “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cũng có thể được hiểu là phải biết chiều tuỳ, thay đổi cách sống tuỳ theo nơi mình đến, đừng cứng nhắc giữ theo những quan điểm hay cách sống của riêng mình... Hiểu theo cách nào, lại cũng là tuỳ theo nhận thức của mỗi người.
Tất nhiên là sẽ chỉ có một cách hiểu đúng nếu như chỉ có một nhận thức đúng.
° ° °
Ngày nay ca dao, tục ngữ không còn giữ được vai trò như xưa kia nữa. Chẳng có mấy bà mẹ ru con bằng cách hát ca dao. Ngôn ngữ hàng ngày của lớp trẻ cũng hiếm khi dùng đến ca dao, tục ngữ... Tuy có những nỗ lực nhất định để “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”, nhưng cũng chẳng làm sao giành lại được chỗ đứng của ca dao tục ngữ trong đời sống như trước kia. Âu đó cũng là lẽ tất nhiên khi chúng ta vươn đến một nhịp sống mới không còn êm ả như gió chiều đồng quê ngày cũ nữa.
Mất đi một phương cách giáo dục hiệu quả như ca dao tục ngữ, vai trò của các bậc cha mẹ lại càng quan trọng, thiết yếu hơn trong việc giáo dục cách sống cho con cái.
Nhưng cha mẹ ngày nay cũng không thể áp dụng lối giáo dục mạnh tay như ngày trước nữa. Con cái đã “văn minh” hơn nhiều, không thể quát tháo la mắng tuỳ tiện, càng không thể dùng đến roi vọt để nhắc nhở. Vấn đề ngày nay là phải tự mình có một nhận thức đúng đắn và dạy dỗ, rèn luyện con cái để chúng cũng có được một nhận thức đúng đắn.
° ° °
Như vậy, nguyên tắc sống ngày nay không còn là những nguyên tắc cứng nhắc như xưa kia, để người lớn có thể bắt trẻ con ghi nhớ nằm lòng rồi theo đó mà ứng xử. Mặt khác, sinh hoạt xã hội đã thay đổi theo chiều hướng ngày càng đa dạng, phong phú, những bối cảnh giao tiếp ngày càng mới mẻ, phức tạp, nhiều khi chúng ta rơi vào những tình huống mà chắc chắn là cha mẹ chúng ta ngày trước chưa từng gặp phải. Và nếu vậy, thế hệ trước làm sao có thể chỉ dẫn cho thế hệ sau một cách cụ thể trong những trường hợp này. Do đó, chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc chung, một nhận thức đúng về vấn đề, hơn là chỉ dạy tỉ mỉ từng sự việc mà vốn dĩ người dạy cũng như người học chẳng bao giờ đề cập được hết.
Chính vì vậy, một người sống đẹp trong thời hiện đại này không cần phải là người am hiểu và thực hiện theo đầy đủ tất cả những phép lịch sự, cách xử thế... như hàng tá cuốn sách đã sưu tập và in ra. Hơn nữa, dù có muốn làm một người am hiểu theo cách đó vào thời này rõ ràng cũng không ai có thể làm nổi, bởi có quá nhiều những yêu cầu ứng xử trong vô số tình huống mà không có sách vở nào đề cập cho đủ cả.
Thay vì vậy, vấn đề quan trọng là nên tự rèn luyện cho mình một phong cách sống sao cho thích hợp, một nhận thức đúng đắn về thế nào là sống đẹp, để rồi từ đó quyết định việc phải ứng xử như thế nào trong từng tình huống cụ thể. Ngay cả những nguyên tắc dù đã có từ xưa nay, cũng vẫn cần phải được vận dụng bằng một nhận thức phù hợp với hiện tại thì mới có thể giúp chúng ta trở thành một người sống đẹp.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.198.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.