Một thành viên ở Sacramento (California) viết thư cho chúng tôi nêu thắc mắc về cấu trúc của con người - xin tạm gọi như thế - dường như khác biệt giữa nhận thức của một người bình thường (có lẽ muốn chỉ những người không hiểu biết về Phật pháp) với nhận thức theo lời Phật dạy.
Theo thành viên này thì một người bình thường nhận thức về cấu trúc con người gồm có 3 phần: phần thân xác, phần kiến thức và phần [linh] hồn. Cũng theo lời thành viên này, nếu nhận thức theo lời Phật dạy, cấu trúc con người chỉ có 2 phần là phần thân xác và phần [linh] hồn. Trong hai phần này, sau khi chết thì thân xác tan rã, tiêu hủy không còn lại gì, riêng phần [linh] hồn thì vẫn còn lại mãi mãi, và tùy theo nghiệp lực mà tái sinh, chẳng hạn như sinh trở lại làm người, làm súc vật, làm ngạ quỷ, hoặc bị đọa vào các địa ngục để đền tội vĩnh viễn không bao giờ được tái sinh... Hoặc cũng có những trường hợp lơ lửng không được tái sinh, trở thành cô hồn mãi mãi...
Trong thực tế, chúng tôi đã gặp không ít người có những quan niệm, nhận thức như trên hoặc tương tự. Những nhận thức như thế, trong một chừng mực nào đó vẫn có tác dụng thúc đẩy người ta tin vào nhân quả, tránh ác làm thiện... Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Kinh điển do Phật dạy thì những nhận thức như trên chưa hoàn toàn chính xác, và đôi khi thường khiến người ta phải hoang mang, sợ sệt khi nghĩ đến cái chết hoặc đời sống sau khi chết. Trong chương trình Phật pháp ứng dụng kỳ này, chúng tôi xin phép được trình bày một cách sơ lược những nhận thức mà người Phật tử nên nắm vững ở mức độ căn bản nhất.
Trước hết, theo lời Phật dạy thì con người không phải gồm hai hay ba phần, cũng không phải một phần duy nhất. Đức Phật dạy rằng: “Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sinh, cũng do nhân duyên mà diệt.”
Con người cũng là một trong tất cả các pháp, và vì thế cũng do nhân duyên sinh, cũng do nhân duyên diệt.
Thế nào là do nhân duyên sinh? Do có đủ các nhân duyên là cha mẹ hòa hợp, điều kiện đầy đủ cho sự sinh ra và lớn lên v.v... nên có sự hiện hữu của một con người.
Thế nào là do nhân duyên diệt? Do không còn hội đủ những điều kiện cho sự sống, như sức khỏe yếu kém, thân thể suy nhược, hoặc không có đủ thức ăn, nước uống, không khí để thở... nên có sự chết đi của một con người.
Nhân duyên sinh diệt của phần hữu hình như thế thường dễ hiểu, dễ nhận ra, nhưng nói đến nhân duyên sinh diệt của phần vô hình, phần tâm thức thì phức tạp, tinh tế hơn nhiều. Vì thế, đã có không ít người không nhận hiểu hoặc nhận hiểu sai lệch lời Phật dạy.
Một số ngoại đạo thời đức Phật cũng hiểu sai lệch ở điểm này. Do không nhìn thấy, không trực nghiệm được phần tâm thức vô hình nên họ gọi đó là phần “hồn” hay “linh hồn”. Một số cho rằng sau khi chết thì phần hồn này cũng không tồn tại, tất cả đều chấm dứt. Đó là thuyết đoạn diệt. Một số khác cho rằng phần linh hồn còn lại mãi mãi không bao giờ mất đi và có thể lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, hoặc sống vất vưởng đó đây trong vũ trụ... Đó là thuyết thường tồn. Đức Phật bác bỏ cả hai thuyết đoạn diệt và thường tồn, vì chúng đều không phù hợp với lý nhân duyên.
Nếu quan sát ở mức độ căn bản nhất, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa một hữu tình (tức là một chúng sinh có sự sống và tình thức) với những vật thể vô tri vô giác (như cỏ cây, sỏi đá...) chính là khả năng nhận biết, cảm nhận, hay nói nôm na là cái “biết”. Tuy nhiên, nếu lầm cho cái biết đó là một linh hồn, một cá thể độc lập thì sẽ là sai lệch. Đức Phật mô tả “cái biết” này như một dòng tâm thức liên tục trôi chảy và ghi nhận trong nó tất cả những “hạt giống” để từ đó khởi sinh vạn hữu. Dòng tâm thức đó là căn bản của đời sống, nhưng tự nó không phải một linh hồn cá biệt. Do nơi dòng tâm thức đó, các nhân duyên trùng trùng trong đời sống sẽ làm khởi sinh từ con người cho đến muôn loài hữu hình và kể cả vô hình.
Giải thích như trên là để bác bỏ đi những thuyết sai lầm về đoạn diệt và thường tồn, nhưng nói như thế chưa phải đã hoàn toàn chính xác về tâm thức. Vì thế, đức Phật dạy rằng muốn hiểu được tâm thức thì phải quay về quán chiếu tự tâm mình. Chỉ khi công phu quán chiếu đó đạt đến sự thành tựu, hành giả mới có thể thực sự hiểu được dòng tâm thức được mô tả trên là như thế nào.
Tuy nhiên, đó là chuyện của các bậc hành giả cao siêu. Đối với người Phật tử thông thường, để nhận hiểu những điểm căn bản trong đời sống, chúng ta không thể đòi hỏi phải có được những sự chứng đắc quá cao siêu. Hãy nhìn đời sống theo lý nhân duyên ở một tầng bậc đơn giản hơn, gần gũi hơn với cuộc sống của những người bình thường.
Theo cách nhìn đó, mọi việc hiền thiện hay xấu ác mà chúng ta đã làm đều không hoàn toàn mất đi. Chúng tạo thành một “hạt giống” thiện hoặc ác và được tự động gieo cấy vào tâm thức ta. Đó là khởi điểm của các nghiệp thiện ác. Khi hội đủ nhân duyên, những hạt giống thiện hay ác sẽ khởi sinh thành kết quả tương ứng trong cuộc đời ta. Đó là nguyên lý vận hành của nhân quả.
Như vậy, sau khi chúng ta chết, do không còn đủ nhân duyên tồn tại nên thân xác sẽ tan rã, hủy hoại. Do không còn đủ nhân duyên cho sự hiện hữu của một chúng sinh nên tâm thức của chúng ta cũng không còn giống như lúc sống. Dòng chảy tâm thức vẫn liên tục, nhưng mọi sự tri giác nhận biết về đời sống dựa trên các nhân duyên cũ không còn nữa, do đó không thể tồn tại một “linh hồn” theo cách tiếp diễn đời sống cũ của chúng ta. Thay vì vậy, dòng tâm thức mất đi các nhân duyên cũ sẽ tiếp tục chờ đợi các nhân duyên mới để khởi sinh một đời sống mới, và do đó mà có sự tái sinh.
Theo một giải thích có liên quan trong Thắng pháp tập yếu luận (thuộc Luận tạng) thì động lực thúc đẩy tâm thức tìm kiếm các điều kiện tái sinh chính là sự mong muốn, khao khát tiếp diễn sự sống, được gọi là “kiết sinh tâm” khởi lên trước lúc chết. Do sự khao khát đó và chịu sự thúc đẩy của nghiệp lực, một đời sống mới sẽ khởi sinh ngay khi tâm thức gặp được các nhân duyên thích hợp.
Như vậy, nghiệp lực chính là yếu tố quyết định chúng ta sẽ tái sinh vào cảnh giới nào. Đức Phật dạy có sáu cảnh giới chính trong luân hồi, bao gồm cõi trời (thiên), cõi người (nhân), cõi a-tu-la (bán thần), cõi súc sinh (các loài thú), cõi ngạ quỷ (quỷ đói) và cõi địa ngục.
Nghiệp lực là do chính ta tạo nên bằng hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình (thân, khẩu, ý nghiệp), do đó mà không phải là một đại lượng bất biến. Ngược lại, nghiệp lực liên tục biến chuyển, thay đổi tùy theo những gì chúng ta nói, nghĩ hay làm. Trong Kinh điển có kể lại những câu chuyện về các tội nhân đang chịu hành hình đau đớn trong địa ngục, nhờ nhân duyên nghe được một câu niệm Phật, phát khởi thiện tâm, liền lập tức được thoát khỏi địa ngục. Đó là nhờ khởi lên một ý nghĩ hiền thiện mà làm thay đổi được nghiệp lực.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Đôi khi chỉ một lời nói, một ý nghĩ hay việc làm cũng có thể làm thay đổi cả cuộc đời ta. Ở mức độ thông thường hơn, mỗi một lời nói, ý nghĩ hay việc làm đều đang góp phần (dù là rất nhỏ) làm thay đổi cuộc đời ta theo hướng tốt hoặc xấu hơn trong một chừng mực nào đó, nhưng ta lại thường vô tình không chú ý đến.
Hiểu đúng về nghiệp lực và tái sinh như thế thì không thể có trường hợp vĩnh viễn đọa vào địa ngục, vì nghiệp lực có thể thay đổi. Cũng không có những trường hợp phải mãi mãi làm “cô hồn”, vì chúng ta nhất thiết phải tái sinh vào một trong các cảnh giới. Điều này cũng liên quan đến giáo lý về thân trung ấm, tuy nhiên chúng ta không thể bàn rộng ở đây mà sẽ đề cập trong một dịp khác.
Cuối cùng, những lời dạy như trên của đức Phật sẽ giúp chúng ta trở thành một con người sống có trách nhiệm hơn, vì luôn hiểu được rằng mọi cảnh giới tương lai của ta đều do chính ta quyết định bằng hành vi, lời nói hay ý nghĩ của mình. Chúng ta cũng sẽ không bị trói chặt vào những ám ảnh của quá khứ nếu đã lỡ lầm gây nhiều tội lỗi, bởi ta biết rằng nghiệp lực hoàn toàn có thể thay đổi do chính sự nỗ lực tu tập, nỗ lực làm thiện của ta ngay trong hiện tại.
Do đó, chính nhờ những lời dạy của Đức Thế Tôn như trên mà chúng ta có thể vững tâm hướng đến xây dựng một đời sống hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn mà không còn bị hoang mang, sợ sệt bởi những nhận thức sai lầm, tà kiến.