Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Rộng mở tâm hồn »» Chương 13: Trí tuệ »»

Rộng mở tâm hồn
»» Chương 13: Trí tuệ

Donate

(Lượt xem: 9.773)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Rộng Mở Tâm Hồn - Chương 13: Trí tuệ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Bây giờ, chúng ta đã quen thuộc với phương pháp rèn luyện tâm thức để có thể duy trì sự tập trung hoàn toàn vào một đối tượng thiền định. Khả năng này sẽ là một công cụ thiết yếu để nhận hiểu sâu xa về trí tuệ, đặc biệt là về tánh Không. Mặc dầu tôi đã đề cập đến tánh Không xuyên suốt tập sách này, nhưng bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn đôi chút xem tánh Không thực sự là gì.

BẢN NGÃ

Tất cả chúng ta đều có một cảm nhận rõ ràng về bản ngã, một cảm nhận về “cái tôi”. Ta biết rằng ta đang đề cập đến ai khi suy nghĩ “tôi đang đi làm”, “tôi đang về nhà”, hoặc “tôi đói bụng”. Ngay cả những con vật cũng có một ý niệm về tự thân chúng, dù chúng không thể diễn đạt điều đó bằng ngôn ngữ như cách làm của chúng ta. Nhưng khi ta cố gắng xác định và nhận hiểu xem “cái tôi” này là gì, hóa ra lại rất khó xác định chính xác.

Ở Ấn Độ cổ xưa, nhiều nhà triết học Hindu quan niệm rằng bản ngã này độc lập với tâm trí và thể xác của con người. Họ cảm thấy rằng, nhất định phải có một thực thể có khả năng mang lại sự tương tục giữa những giai đoạn khác nhau của “cái tôi”, chẳng hạn như cái tôi “khi tôi còn trẻ” hoặc “khi tôi đã già”, và thậm chí là “tôi” trong một kiếp sống quá khứ với “tôi” trong một kiếp sống tương lai. Vì tất cả những “cái tôi” khác nhau này đều ngắn ngủi và không thường tồn, nên người ta cảm thấy rằng nhất định phải có một “cái tôi” đơn nhất và thường tồn nào đó làm chủ thể của tất cả những giai đoạn khác nhau trong đời sống. Đây là nền tảng để thừa nhận một bản ngã, hẳn phải là khác biệt với tâm trí và thể xác. Triết học Hindu gọi cái bản ngã này là “atman” (linh hồn).

Thật ra, tất cả chúng ta đều ôm giữ một ý niệm giống như thế về bản ngã. Nếu ta khảo sát về cách thức mà ta nhận hiểu về ý nghĩa của bản ngã này như thế nào, [ta thấy rằng] ta đã xem nó là trung tâm điểm cho sự hiện hữu của ta. Ta không kinh nghiệm bản ngã như một sự kết hợp nào đó của chân, tay, đầu, mình... Thay vì thế, ta nghĩ về bản ngã như là chủ nhân của những bộ phận này. Ví dụ, tôi không nghĩ rằng cánh tay của tôi là tôi, tôi nghĩ đó là cánh tay “của tôi”, và tôi nghĩ về tâm thức cũng theo cách giống như vậy, như là [một đối tượng] thuộc về tôi. [Sau khi phân tích như vậy, ta] nhận ra được rằng ta đã tin là có một “cái tôi” độc lập và tự nó hoàn chỉnh ở nơi trung tâm điểm sự hiện hữu của ta, là chủ thể của những bộ phận hợp thành ta.

Có gì sai lầm với niềm tin này? Làm sao một bản ngã đơn nhất, vĩnh hằng và bất biến, độc lập với tâm trí và thể xác như thế lại có thể bị phủ nhận? Các triết gia Phật giáo cho rằng, bản ngã chỉ có thể được nhận hiểu trong mối tương quan trực tiếp với phức thể thân-tâm. Họ giải thích rằng, nếu có một linh hồn hay bản ngã thực sự tồn tại, thì hoặc là nó phải tách biệt với những bộ phận không thường tồn đã cấu thành nó, tức là tâm hồn và thể xác, hoặc là nó phải đồng nhất với những bộ phận của nó. Tuy nhiên, nếu bản ngã là tách biệt với tâm hồn và thể xác thì nó sẽ chẳng có quan hệ gì cả, vì nó sẽ hoàn toàn không liên quan gì đến tâm hồn và thể xác. Còn nếu cho rằng một bản ngã thường tồn không chia tách có thể đồng nhất với những bộ phận không thường tồn đã tạo thành tâm hồn và thể xác thì thật là khôi hài. Tại sao? Vì bản ngã là đơn nhất và không thể chia tách, trong khi các bộ phận là số nhiều. Làm sao một thực thể thuần nhất lại có thể có các bộ phận [cấu thành]?

Vậy thì, bản chất của “cái tôi” mà ta đã quá quen thuộc này là gì? Một số triết gia Phật giáo hướng đến sự kết hợp giữa các bộ phận của thân, tâm và chỉ xem tổng thể tất cả những cái đó là bản ngã. Những người khác cho rằng dòng tương tục của tâm thức chúng ta nhất định là bản ngã. Cũng có những người tin rằng bản ngã là một năng lực tinh thần riêng biệt nào đó, một “nền tảng tâm thức của mọi thứ”. Tất cả những ý niệm như thế đều là những nỗ lực để [giải thích] cho phù hợp với niềm tin sẵn có của chúng ta về một bản ngã trung tâm, trong khi vẫn phải thừa nhận tính không hợp lý của sự chắc thật và thường tồn mà ta đã quy gán cho nó một cách tự nhiên.

BẢN NGÃ VÀ PHIỀN NÃO

Nếu ta khảo sát những cảm xúc của mình, những kinh nghiệm tham luyến hay căm thù mạnh mẽ, ta sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của những cảm xúc này chính là sự bám víu mãnh liệt vào một quan niệm về bản ngã. Một bản ngã như thế được ta mặc nhiên cho là độc lập và tự hoàn chỉnh, với một thực thể chắc thật. Khi niềm tin vào một bản ngã như vậy gia tăng, thì mong muốn thỏa mãn và bảo vệ nó trong lòng ta cũng gia tăng.

Hãy để tôi đưa ra một ví dụ. Khi bạn nhìn thấy một cái đồng hồ xinh đẹp trong cửa hiệu, bạn tự nhiên bị nó hấp dẫn. Nếu người bán hàng làm rơi nó, bạn sẽ nghĩ: “Ối trời, cái đồng hồ đã bị rơi.” Ảnh hưởng của điều này đối với bạn sẽ không lớn lắm. Tuy nhiên, nếu bạn đã mua cái đồng hồ và nghĩ về nó như là “đồng hồ của tôi”, và rồi bạn làm rơi nó, ảnh hưởng này sẽ cực kỳ mạnh mẽ. Bạn cảm thấy như thể tim mình nhảy vọt ra ngoài. Cảm xúc mạnh mẽ này từ đâu đến? Sự sở hữu được sinh ra từ cảm nhận về “bản ngã”. Cảm nhận của ta về “cái tôi” càng mạnh mẽ thì cảm nhận về “cái của tôi” cũng theo đó mà mạnh mẽ hơn. Đây là lý do vì sao việc chúng ta phải nỗ lực để xóa bỏ niềm tin về một bản ngã độc lập và tự hoàn chỉnh là điều rất quan trọng. Một khi ta có thể đặt nghi vấn và xóa tan đi sự tồn tại của một quan niệm như thế về bản ngã, những cảm xúc sinh khởi từ đó cũng được giảm thiểu.

VÔ NGÃ CỦA VẠN PHÁP

Không chỉ các chúng sinh hữu tình mới là vô ngã - không có một bản ngã trung tâm - mà tất cả vạn pháp đều như vậy. Nếu ta phân tích hay tách rời [các phần của] một bông hoa, tìm kiếm “bông hoa” trong những bộ phận của nó, ta sẽ không tìm thấy. Điều này nói lên rằng bông hoa không thật sự sẵn có một thực thể tự tồn tại. Điều này cũng đúng với trường hợp của một chiếc xe hơi, cái bàn hay cái ghế. Và thậm chí các mùi vị cũng có thể được chia tách một cách khoa học hay theo phép phân tích đến mức độ mà ta không còn có thể xem đó là một mùi hay vị.

Dù vậy, ta cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của những bông hoa và mùi hương ngọt ngào của chúng. Vậy chúng tồn tại như thế nào? Một số triết gia Phật giáo đã giải thích rằng, bông hoa mà bạn cảm nhận đó là một khía cạnh bên ngoài của nhận thức của bạn về bông hoa. Nó chỉ tồn tại bên trong chủ thể đã nhận thức nó. Theo cách giải thích này, nếu ở giữa chúng ta có một bông hoa trên bàn, thì bông hoa mà tôi nhìn thấy là cùng một thực thể như nhận thức của tôi về bông hoa, nhưng bông hoa mà bạn nhìn thấy lại là một khía cạnh trong nhận thức của bạn về bông hoa đó.

Tương tự như vậy, mùi hương hoa bạn ngửi cũng sẽ đồng nhất với sự cảm nhận về mùi hương mà bạn trải nghiệm được với hương thơm của nó. Bông hoa tôi cảm nhận sẽ khác với bông hoa mà bạn cảm nhận. Mặc dầu quan điểm “duy thức” này, theo như tên gọi của nó, phá trừ mạnh mẽ nhận thức của chúng ta về sự thật khách quan, nhưng nó đã đóng góp cực kỳ quan trọng cho ý thức của chúng ta. Trong thực tế, ngay chính tâm thức tự nó cũng không là thật có. Được hình thành từ những kinh nghiệm khác nhau, bị kích thích bởi những hiện tượng khác nhau, rốt cùng thì tâm thức cũng là không thể xác định như bất kỳ sự vật nào khác.

TÁNH KHÔNG VÀ DUYÊN KHỞI

Như vậy, tánh Không là gì? Đó chỉ đơn giản là tính chất không thể xác định [của vạn pháp]. Khi ta tìm kiếm một bông hoa trong những bộ phận tạo thành nó, ta đối diện với sự không tồn tại của một bông hoa như thế. Sự không tồn tại mà ta nhận ra đó là tánh Không của bông hoa.

Nhưng, vậy thì không có bông hoa chăng? Tất nhiên là có chứ. Việc đi tìm một trung tâm điểm của bất kỳ sự vật nào cuối cùng đều sẽ dẫn đến một nhận thức tinh tế hơn về tánh Không của nó, tức là tính chất không thể xác định. Tuy nhiên, ta nhất thiết không được nghĩ về tánh Không của một bông hoa đơn giản chỉ là tính chất không xác định mà ta đối diện khi tìm kiếm trong những bộ phận tạo thành nó. Thay vì vậy, chính tính chất phụ thuộc của bông hoa, hay của bất kỳ đối tượng nào bạn muốn gọi tên, sẽ định nghĩa tánh Không của đối tượng đó. Điều này được gọi là duyên khởi.

Quan điểm duyên khởi được nhiều triết gia Phật giáo giải thích theo nhiều cách khác nhau. Một số người định nghĩa nó chỉ đơn thuần trong tương quan với luật nhân quả. Họ giải thích rằng, vì một vật thể, chẳng hạn như bông hoa, là kết quả của các nhân và duyên, nên nó sinh khởi một cách phụ thuộc. Những người khác giải thích sự phụ thuộc một cách tinh tế hơn. Với họ, một hiện tượng là phụ thuộc khi nó phụ thuộc vào các thành phần của chính nó, theo cách như bông hoa phụ thuộc vào những cánh hoa, nhụy đực và nhụy cái.

Có một cách giải thích về duyên khởi thậm chí còn tinh tế hơn nữa. Trong phạm vi một hiện tượng đơn nhất như bông hoa, những bộ phận của nó - cánh hoa, nhụy đực và nhụy cái - cùng với tư tưởng của ta nhận biết và gọi tên bông hoa là phụ thuộc lẫn nhau. Một yếu tố trong đó không thể tồn tại nếu không có các yếu tố khác. Chúng cũng là những hiện tượng độc đáo, tách biệt lẫn nhau. Vì thế, khi phân tích hay tìm kiếm một bông hoa trong những thành phần của nó, bạn sẽ không tìm thấy. Dù vậy, nhận thức về một bông hoa chỉ tồn tại trong sự tương quan với các thành phần tạo nên nó. Từ sự nhận hiểu về duyên khởi như vậy dẫn đến sự phủ nhận bất kỳ ý tưởng nào về sự tồn tại trên cơ sở tự tính hay sẵn có bản chất tự tồn.

QUÁN CHIẾU VỀ TÁNH KHÔNG

Hiểu được tánh Không thật không dễ dàng. Việc học về tánh Không chiếm thời gian nhiều năm dài trong các trường đại học tu viện ở Tây Tạng. Các vị học tăng thuộc nằm lòng những kinh điển liên quan [đến tánh Không] và những bộ luận giải của các bậc thầy Ấn Độ và Tây Tạng danh tiếng. Họ học hỏi với những học giả uyên bác và dành nhiều giờ trong ngày để tranh biện về tánh Không. Để phát triển tri kiến về tánh Không, chúng ta cũng nhất thiết phải nghiên cứu và suy ngẫm về nó. Điều quan trọng là ta nên thực hiện những điều đó dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy có đủ phẩm tính, là người có sự nhận hiểu không sai lầm về tánh Không.

Cũng giống như các đề tài khác trong sách này, trí tuệ nhất thiết phải được nuôi dưỡng bằng thiền quán cùng với thiền chỉ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, để đào sâu nhận thức về tánh Không, bạn không thay đổi qua lại giữa hai phương pháp này mà thật sự là kết hợp chúng. Bạn chú tâm vào việc phân tích tánh Không nhờ vào mức độ định tâm đã đạt được ngay trước đó. Đây gọi là sự hợp nhất giữa định tâm và tuệ giác đặc biệt. Nhờ liên tục thiền tập theo cách này, tuệ giác của bạn sẽ phát triển thành sự nhận thức thật sự về tánh Không. Tại thời điểm này, bạn đạt đến giai đoạn Tư lương đạo (Sanskrit: saṃbhāra-mārga; Tạng ngữ: tshogs lam), [giai đoạn đầu tiên trong 5 giai đoạn tu tập].

Hiểu biết của bạn [vào lúc này] là thuộc phạm trù khái niệm, vì sự nhận hiểu về tánh Không của bạn có được thông qua sự suy diễn lý luận. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chuẩn bị cho một thiền giả để tiến đến kinh nghiệm sâu xa của sự nhận thức về tánh Không vượt ngoài mọi khái niệm.

Trong giai đoạn [Gia hạnh đạo (Sanskrit: prayoga-mārga; Tạng ngữ: sbyor lam)] này, thiền giả liên tục nuôi dưỡng và đào sâu nhận thức suy luận của mình về tánh Không. Điều này giúp thiền giả đạt đến giai đoạn Kiến đạo (Sanskrit: darśana-mārga; Tạng ngữ: mthong lam). Thiền giả vào giai đoạn này trực tiếp thấy biết về tánh Không, rõ ràng như nhìn thấy những đường chỉ tay trong lòng bàn tay mình.

Nhờ liên tục quán chiếu về tánh Không, thiền giả dần tiến đến giai đoạn Tu tập đạo (Sanskrit: bhāvanā-mārga; Tạng ngữ: sgom lam). Không còn khía cạnh mới nào trên lộ trình tu tập cần phải nuôi dưỡng nữa. Thiền giả trong giai đoạn [Vô học đạo (Sanskrit: bhāvanā-mārga; Tạng ngữ: mi slob pa’i lam)] này không ngừng phát triển và tăng cường những trải nghiệm về tánh Không đã đạt được.

BỒ TÁT ĐỊA

Kể từ lúc phát tâm Bồ-đề, một hành giả Đại thừa khởi đầu con đường tu tập của mình tiến dần qua các giai đoạn dẫn đến quả Phật. Là người tu tập, chúng ta nên phát triển tất cả những phẩm hạnh khác nhau đã tìm hiểu trong sách này.

Thừa nhận luật nhân quả, ta phải tuyệt đối từ bỏ các hành vi gây hại cho chính ta và người khác.

Ta nhất thiết phải nhận thức rằng đời sống là khổ đau. Ta phải khao khát mãnh liệt vượt qua đau khổ. Tuy nhiên, ta cũng nhất thiết phải khởi sinh bi nguyện giải thoát mọi khổ đau tràn ngập cho chúng sinh, vẫn đang chìm sâu trong bùn lầy sinh tử. Ta phải có lòng từ, mong muốn đem đến cho mọi người hạnh phúc cao cả nhất. Ta phải nhận lấy trách nhiệm đạt đến giác ngộ tối thượng [vì lợi ích của tất cả chúng sinh].

[Sau khi phát tâm như trên], hành giả bước vào giai đoạn Tư lương đạo (Tạng ngữ: tshogs lam). Với động cơ thúc đẩy là tâm Bồ-đề, hành giả kết hợp được tâm an định và tuệ giác đặc biệt, nhờ đó trải nghiệm được sự nhận biết về tánh Không qua sự suy diễn lý luận như đã trình bày trên. Hành giả vào lúc này đạt đến giai đoạn Gia hạnh đạo (Tạng ngữ: sbyor lam). Trong suốt hai giai đoạn Tư lương đạo và Gia hạnh đạo, một vị Bồ Tát trải qua a-tăng-kỳ kiếp đầu tiên trong 3 a-tăng-kỳ kiếp tu tập, tích lũy vô lượng công đức và phát triển trí tuệ sâu xa.

Khi nhận thức về tánh Không của hành giả không còn giới hạn trong phạm trù khái niệm và đã đạt đến giai đoạn Kiến đạo (Tạng ngữ: mthong lam), hành giả đạt đến địa vị đầu tiên (Hoan hỷ địa) trong Mười địa vị Bồ Tát (Thập địa) dẫn đến quả Phật. Nhờ liên tục quán chiếu về tánh Không, hành giả đạt đến địa vị thứ hai (Ly cấu địa) và cũng đồng thời bước vào giai đoạn Tu tập đạo (Tạng ngữ: sgom lam).

Khi hành giả trải qua hết bảy địa vị đầu tiên trong Thập địa, vị này sẽ tự mình dấn thân vào a-tăng-kỳ kiếp thứ hai của sự tích lũy công đức và trí tuệ.

Trải qua ba địa vị còn lại [của con đường Bồ Tát hạnh], hành giả kết thúc a-tăng-kỳ kiếp thứ ba của sự tích lũy công đức và trí tuệ, và nhờ đó bước vào giai đoạn Vô học đạo (Tạng ngữ: mi slob pa’i lam).

Và đến lúc này, hành giả trở thành một vị Phật toàn giác.

Ta không nên thối chí vì con đường tu tập phía trước kéo dài vô số kiếp. Ta nhất thiết phải kiên trì. Ta phải tiến dần lên mỗi lúc từng bước một, nuôi dưỡng từng khía cạnh trong sự tu tập của mình. Ta phải cố hết sức mình giúp đỡ người khác, và tự chế không gây tổn hại bất cứ ai. Khi những khuynh hướng ích kỷ của ta giảm bớt và lòng vị tha tăng thêm, ta bắt đầu hạnh phúc hơn, và những người quanh ta cũng hạnh phúc hơn. Đây là phương cách ta tích lũy công hạnh cần thiết để đạt đến quả Phật.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.1.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...