Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bóng thời gian »» DU TĂNG »»

Bóng thời gian
»» DU TĂNG

Donate

(Lượt xem: 3.960)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Bóng thời gian - DU TĂNG

Font chữ:

Thầy Quảng Pháp kéo cái phéc-mơ-tuya của chiếc va li sau khi đã cẩn thận kiểm tra mọi thứ trong đó. Đã đủ hết, nào y áo, nào mùng mền, khăn tắm, còn lại là sách và giáo trình, đĩa CD, căng phồng. Thầy chỉ đem những cuốn thật cần thiết, chứ tủ sách nghiên cứu của thầy thì gởi lại chùa, nơi thầy có căn phòng nhỏ trong khuôn viên tĩnh mịch đầy cây xanh và hoa kiểng. Thầy kiểm tra lại bộ dây của cái máy vi tính xách tay, sợ thiếu cọng nào thì nguy to, rồi nhẹ nhàng đặt cái máy vào chiếc đãy may bằng loại vải rất dày, lót thêm lớp nỉ rất êm. Thế là đủ. Toàn bộ hành trang chỉ có bấy nhiêu đó, sáng mai thầy sẽ cột nó vào yên sau của chiếc honda, và lên đường.

Có tiếng gõ cửa nhẹ. Thầy Quảng Từ bước vô, tay cầm chén chè sen thơm ngát.

– Huynh ăn đi nè. Em nấu lạt vừa ý huynh đó, chứ không nấu ngọt lừ như mọi hôm đâu.

Thầy Quảng Pháp bưng chén chè, múc một muỗng nếm thử:

– Chà, đệ của tui tiến bộ dữ. Nấu ngon ghê.

Thầy Quảng Từ cười, đưa hàm răng trắng đều ẩn sau cặp môi đỏ tươi tắn của tuổi đôi mươi:

– Lần này mà nấu hư nữa thì em “giải nghệ” luôn. Tiễn huynh đi phải nấu thiệt ngon chớ.

– Xì, làm như huynh mới đi lần đầu vậy. Ông mùi mẫn cải lương quá ông ơi!

– Hi hi, biết là huynh đi hoài, nhưng không hiểu sao mỗi lần tiễn huynh là em lại nôn nao, xúc động. Huynh cho em theo với.

Thầy Quảng Pháp lắc đầu:

– Không được. Đệ ở chùa lo học cho xong khóa Cơ bản, rồi có thể học tiếp lên Cao đẳng, Cao cấp. Chừng đó mới được đi theo huynh.

Thầy Quảng Từ phụng phịu:

– Chờ lâu quá! Nhưng em không hiểu nổi huynh. Lẽ ra huynh đã làm trụ trì chùa này theo lời di chúc của sư phụ, mà huynh lại nhường cho huynh Quảng Trí. Nói nhỏ nghe... tụi em thích huynh làm trụ trì hơn.

– Thôi, đừng so đo gây bất hòa với nhau. Huynh Quảng Trí giỏi giang, các em phải ủng hộ chứ.

– Nhưng mà... Thôi, huynh ăn chè đi, nguội ngắt rồi.

Thầy Quảng Pháp mỉm cười nhìn sư đệ của mình. Nhớ hồi nào chú ấy mới vô chùa ngơ ngác như nai con lạc mẹ, giờ đã là tăng sinh Cơ bản rồi đấy, mà tánh tình vẫn hồn nhiên dễ thương, đôi mắt vẫn sáng trong thuần hậu. Mỗi lần thầy chuẩn bị đi xa là Quảng Từ lại bịn rịn như vậy, khiến thầy vừa tức cười vừa cảm động. “Cát ái ly gia”, xa hết gia đình, dòng họ, thì người tu lấy chùa là nhà, coi sư phụ như mẹ cha, đệ huynh như anh em ruột thịt. Một chút tình cảm của Quảng Từ cũng khiến bước chân thầy thêm nhẹ nhõm.

°

Mới đó mà trời đã sáng. Thầy Quảng Pháp dậy công phu, xong trở về phòng dắt chiếc honda ra sân, cột chặt cái vali vào, còn cái đãy thì đặt phía trước cho êm, rờ tay vô túi xem cái điện thoại di động đã bỏ vào chưa, xong đội mũ bảo hiểm lên đầu, lướt nhẹ ra cổng. Thầy đi sớm để tránh ánh nắng gay gắt. Đêm qua đã từ giã mọi người rồi, nên sáng nay không cần phiền ai nữa. Con ngựa sắt của thầy bon bon trên quốc lộ, sung sức vượt hơn trăm cây số, rồi rẽ vào một nhánh đường nông thôn đổ “đan” uốn lượn theo những hàng rào dâm bụt xanh mơn mởn. Cuối cùng, nó nhảy chồm lên trên một quãng đường đất gồ ghề trước khi dừng hẳn tại ngôi chùa đơn sơ nằm hiền lành bên con rạch nhỏ. Mấy bà Phật tử đang lui cui trong bếp, nghe tiếng xe liền ló đầu ra, rồi reo lên:

– A, thầy về, thầy về!

Hai cậu thanh niên nhanh nhẹn chạy ra xách va li cho thầy, một bà Phật tử làm ngay ly nước chanh đá đặt trên bàn, trong khi bé Nga khệ nệ khiêng cái quạt máy tới. Thầy đỡ cái quạt, “rầy” cô bé:

– Nặng quá mà con ráng làm chi. Rủi rớt thì gãy quạt lại sưng chân con nữa.

Bé Nga cười toét hàm răng sún:

– Con nhớ thầy quá hà!

Thầy trụ trì vừa đi đám về, mừng rỡ:

– Mèn ơi, tưởng thầy ở luôn thành phố hổng về đây nữa chớ.

Thầy Quảng Pháp chắp tay:

– Mô Phật, tại chùa liên tiếp hai kỳ giỗ sư phụ và sư chú nên con xuống trễ.

– Thôi thầy vô phòng nghỉ đi, rồi mấy cô dọn cơm thầy dùng. Mấy cô ơi, lấy chiếc chiếu mới trải cho thầy nghen.

Ngôi chùa tự nhiên nhộn nhịp hẳn lên. Mấy cô Phật tử lăng xăng chuẩn bị thức ăn để ngày mai thọ bát quan trai. Thầy Quảng Pháp về, họ sẽ được nghe thầy giảng hàng tuần như trước. Thầy đi có hơn nửa tháng mà họ thấy lâu ơi là lâu, và ai cũng sợ thầy không trở lại vùng quê nghèo này nữa. Họ mang tiếng là Phật tử mấy chục năm, nhưng nào có được học hành gì, hỏi Tam quy, Ngũ giới còn ngơ ngác không biết trả lời. Ấy vậy mà từ hôm có thầy về, thầy mở khóa tu rồi thuyết giảng cho họ nghe, họ như sáng bừng ra, thêm yêu đời, yêu đạo. Mỗi ngày chúa nhật đối với họ là một ngày hội. Bà Sáu Trầu quệt vôi vô nửa lá trầu xanh, bỏ vào miệng gọn lỏn:

– Nói thiệt nghen, tui làm gì làm cũng chờ riết cho mau tới ngày chúa nhựt. Vô gặp thầy, gặp đồng đạo. Ở nhà quanh quẩn với bầy heo, bầy gà hoài, buồn chết!

Cô Tư Thơm cười:

– Vô nghe thầy giảng, học pháp, chớ đâu chỉ tụ tập cho đông vui đâu bà Sáu!

– Ờ, thì nói vậy mà. Vui trước, học sau. Hổng vui là học hổng nổi đâu. Mà thầy giảng hay thiệt hén. Nghe nói thầy học cao lắm?

Chú Hai Phát đang lau bụi cái khay đựng đèn cầy gần đó, tức mình buột miệng:

– Thầy học Cao cấp rồi. Lại đang theo khóa Đại học Anh văn đào tạo từ xa.

– Ừ, đàn bà tụi tui đâu có rành mấy cái trường đó. Chỉ thấy thầy suốt ngày ngồi bên cái máy “di tính” là biết thầy giỏi rồi. Cả xã này không có ai biết “oánh” cái máy đó, muốn làm đơn từ gì phải ra chợ huyện. Mèn ơi, biết chừng nào thằng con tui nó “oánh” được như thầy.

Chú Hai Phát ôm bụng cười, chảy cả nước mắt. Chú là đảng viên hưu trí, từ huyện về xã sống với mảnh vườn ông bà để lại, nên chú cũng không đến nỗi mù tịt kiến thức như mấy bà mấy cô ở đây. Tội nghiệp! Chú chép miệng. Cái xã vùng sâu chịu nhiều thiệt thòi.

Chú nhớ như in một buổi trưa cách nay sáu tháng, chú đang quét dọn ở nhà tổ thì có một vị thầy dáng người tầm thước, vai đeo chiếc đãy nâu bước vào chùa. Đây là ngôi chùa mà ông ngoại của chú đã xây nên, rồi thỉnh quý thầy về trụ trì đã mấy đời. Chú đi kháng chiến, nhưng vẫn không mất cái gốc Phật giáo của dân tộc từ thời vua Lý vua Trần. Vì vậy, khi về hưu, chú lại tới chùa, hỗ trợ cho thầy trụ trì đã hơn bảy mươi, già yếu. Thầy tu hành rất nghiêm mật, nhưng không thể phát triển gì hơn nơi cái chốn hẻo lánh này. Cho nên, khi có người khách lạ đến xin phép được ở tạm trú mấy tháng để vừa tu vừa mở lớp bát quan trai, thì thầy trụ trì vừa mừng vừa lo.

Thầy hỏi ý chú. Chú cũng mừng lẫn lo. Ai mà biết ông thầy trẻ này người ở đâu, lý lịch thế nào. Nhưng nhìn gương mặt xấp xỉ bốn mươi tuổi, có những đường nét vừa thanh thoát vừa cứng rắn, nghị lực, thì cả chú và thầy trụ trì tự nhiên có cảm tình, tự nhiên tin tưởng. Đặc biệt đôi mắt, nhìn thẳng, nghiêm trang, nhưng khi cười thì lại lấp lánh một niềm hoan hỷ. Dáng thầy đi nhẹ nhàng mà nhanh nhẹn, không hấp tấp, cũng không rề rà, lộ rõ sự tự tin và dứt khoát.

Chú Hai đã bàn với thầy trụ trì cứ đón nhận vị thầy trẻ, một mặt chú dò la thông tin căn cứ theo địa chỉ mà vị thầy cho biết. Hóa ra, thầy Quảng Pháp, đúng là thầy Quảng Pháp bây giờ, ở trong ngôi tổ đình nổi tiếng, và tăng chúng cũng như Phật tử tại đó đều rất yêu kính thầy. Vậy mà thầy lại đến tận vùng xa xôi hẻo lánh này? Thôi thì, cứ nghe thầy nói, là thầy thích đi hoằng pháp nơi xa. Mỗi người một hạnh nguyện khác nhau. Chỉ biết rằng, có thầy về, rõ ràng Phật tử sẽ được học hành, nghe giảng, chứ có vị giảng sư nào chịu lặn lội về tận nơi đây?

Quả thầy trụ trì và chú Hai không nhìn lầm người. Sáu tháng qua, thầy Quảng Pháp đã đem đến một luồng gió mới cho vùng nông thôn này. Không chỉ thuyết giảng cho người lớn tuổi, mà thầy còn dạy dỗ cho những đứa trẻ trong làng. Chúng nó đeo lấy thầy như một người cha, người chú thân thương.

Mấy tiếng reo thật to cắt ngang dòng suy nghĩ của chú Hai. Thì ra bọn con Lượm, thằng Tú, con Út Hường từ xóm trên chạy xuống. Hơn chục đứa, đứa nào cũng ôm cái bọc ny lông trong đựng mấy cuốn tập. Chú Hai chặn tụi nhỏ lại:

– Thứ bảy tuần sau thầy mới dạy Phật pháp cho tụi con mà.

Út Hường lanh miệng nhất:

– Ông Hai ơi, tụi con tới nhờ thầy giảng bài Anh văn.

Chú Hai sực nhớ. Thầy Quảng Pháp đang kèm cho mấy đứa ôn thi lớp 9. Tụi nó học hơi yếu, nhờ thầy có cách giảng rất hay nên đứa nào cũng tiến bộ hẳn. Nhưng chú nhăn mặt:

– Thầy mới đi về, mệt thấy mồ, tụi con để thầy nghỉ chớ.

Vừa lúc đó, thầy Quảng Pháp ra tới. Tụi nhỏ reo lên ôm thầy cứng ngắt. Thầy móc túi lấy ra một bọc kẹo nhỏ:

– Nè, quà của tụi con.

– A, con cám ơn thầy. Thầy ơi, chừng nào mình học hả thầy?

– Chiều chiều cũng được. Thầy nghỉ chút xíu là hết mệt à.

– Dạ, chiều tụi con tới nghen thầy. Thầy nghỉ đi nghen thầy. Trời ơi, thầy chạy xe đen thui hà.

Thầy Quảng Pháp không nhịn được cười. Thầy nhìn những gương mặt cũng... đen thui không kém gì mình, đen vì nắng, vì phèn, nhưng mắt đứa nào cũng trong veo như mắt bồ câu. Những bộ quần áo cũn cỡn vì mặc nhiều năm chưa dám bỏ, ấp ủ bên trong đó là những trái tim thơ trẻ chân tình. Thầy vẫy tay...

°

Buổi tối, khi các lớp học trẻ em lẫn người lớn đã tan hết, ai về nhà nấy, chỉ còn lại thầy Quảng Pháp ngồi cạnh thầy trụ trì bên tách trà, nhìn ánh trăng xuyên qua kẽ lá, vẽ xuống sân chùa những đốm sáng rung rinh theo từng cơn gió. Thầy trụ trì ho khan mấy tiếng, ôm ngực. Thầy Quảng Pháp nhắc:

– Thầy uống thuốc chưa? Con xuống rót thuốc ra chén cho thầy uống nhé.

Thầy trụ trì xua tay:

– Cám ơn thầy, gần đi ngủ tôi mới uống. Thầy Quảng Pháp nè, tôi có chuyện này muốn nói với thầy từ lâu, mà lu bu quá, bữa nay mới rảnh.

– Dạ, xin thầy cứ dạy.

– Tôi mấy năm nay yếu sức lắm, muốn tìm một người để giao lại ngôi chùa, nhưng chưa có ai thật sự vừa ý. Thầy về đây không lâu, mà cả tôi lẫn Phật tử chung quanh đều thương mến. Tôi muốn thỉnh thầy ở lại đây trụ trì, để phát triển ngôi Tam Bảo. Thầy là người có phẩm hạnh và năng lực, tôi tin thầy sẽ làm cho Phật pháp nơi đây hưng thịnh. Tôi thì chỉ cần cái cốc để lui vào niệm Phật. Mọi thứ thầy cứ toàn quyền lo liệu.

Thầy Quảng Pháp cúi đầu:

– Mô Phật, con cảm ơn thầy đã thương tưởng đến lớp trẻ, tấm lòng của thầy đối với con bao nhiêu ngày qua con xin ghi nhớ. Nhưng bạch thầy, chắc con phải phụ lòng thầy, vì con còn nhiều việc phải làm, chưa ở yên một chỗ đâu ạ.

– Tôi cũng biết, thầy học hành nhiều, phải đi đứng nhiều. Thì thầy cứ chạy tới chạy lui lo việc của thầy, có chú Hai giúp thầy những khi vắng mặt mà.

– Bạch thầy, không chỉ là chuyện học đâu. Con còn những điều tâm nguyện chưa làm xong. Sẵn đây, con cũng xin trình lên thầy là khoảng tháng sau con ra đi.

Thầy trụ trì thảng thốt:

– Ủa? Bộ ai làm thầy giận hờn chi hả?

Thầy Quảng Pháp cười:

– Dạ đâu có. Mọi người thương con không hết mà. Con cũng thương cảnh chùa này lắm. Nhưng con có việc phải đi nơi khác. Thầy nhớ hôn, hồi mới vô con chỉ xin thầy cho con tạm trú sáu tháng thôi, mà giờ đã hơn sáu tháng rồi.

– Không, mới vô thì khác. Bây giờ ai cũng muốn thầy ở luôn nơi đây. Thầy đi, mấy bà Phật tử lại tưởng tôi làm thầy buồn, mấy bả khóc cho coi.

– Dạ, con sẽ nói rõ với mấy cô mấy chị. Thầy thương con, ai cũng thấy mà. Nhưng con phải đi thầy ơi. Lâu lâu con sẽ ghé về thăm thầy, thăm chùa.

Thầy trụ trì thở dài, mặt buồn xo, lại ôm ngực ho một hồi:

– Tôi không biết nói sao bây giờ. Thôi, thầy cứ suy nghĩ cho kỹ nghen. Còn cả tháng lận mà. Tôi hy vọng thầy sẽ đổi ý. Thầy mà ở lại tôi hứa sẽ ăn mừng một trận. Trời ơi, đâu dễ gì kiếm một vị trụ trì như vậy.

– Dạ, thầy quá khen, chớ con đâu có chi đặc biệt. Hay là con tìm một huynh đệ giới thiệu với thầy nhé.

– Thôi thôi, tôi ưng thầy mà thầy cứ đẩy qua người khác. Được rồi, tháng sau tính nữa. Tôi sẽ nhờ mấy bà Phật tử năn nỉ tiếp. Nhứt là tụi nhỏ, thế nào nó khóc cũng ngập cái sân này. Rồi coi, thầy có đi nổi không.

Thầy trụ trì ráng mỉm nụ cười trên gương mặt lo âu. Thầy lui vô trai phòng sau khi nắm chặt tay thầy Quảng Pháp như gởi gắm tất cả lòng kỳ vọng.

Thầy Quảng Pháp cũng trở về phòng. Căn phòng nhỏ nằm nghiêng ra con rạch, gió thoảng lên mát rượi. Thầy thích ngắm bóng trăng in xuống mặt nước. Nhưng đêm nay, lòng thầy chợt thấy nao nao. Thầy sắp từ giã nơi đây, nơi thầy vừa gây dựng được phong trào tu học, cũng là nơi thầy vừa mới bén tình cảm. Thầy biết, mình ra đi sẽ làm nhiều người quyến luyến, ngay cả thầy cũng bịn rịn trong tim. Nhưng biết sao hơn! Tâm nguyện của thầy là vậy mà. Tâm nguyện đi khắp nơi hoằng pháp, gieo từng con chữ cho những vùng xa xôi không ai bước tới. Chính những mảnh đất khó khăn ấy mới cần sức trẻ của thầy cày xới, trồng lên những luống hoa xinh đẹp.

Thầy đã đến nhiều tỉnh, len lỏi vào tận xã ấp, chọn những nơi yếu kém nhất để mở lớp giáo lý. Phật pháp diệu kỳ, những nơi như thế lại vẫn có nhiều người tài giỏi, thiện căn. Cứ sáu bảy tháng, khi phong trào tu học tương đối ổn định, thì thầy giao lại cho vị trụ trì hoặc các Phật tử nòng cốt, rồi thầy buộc vali lên chiếc honda dong ruổi đến nơi khác. Biết bao người đã quyến luyến, níu kéo, và biết bao ngôi chùa được trân trọng giao cho thầy nắm quyền trụ trì, nhưng thầy từ chối tất cả. Thầy nghĩ đến ngôi tổ đình ở thành phố, to lớn thế ấy mà thầy còn không nhận, huống chi... Thầy nhớ sư huynh Quảng Trí, đã hằn học với thầy khi biết rằng di chúc sư phụ khác với lòng mong mỏi của huynh. Lúc ấy thầy chỉ nói nhẹ nhàng:

– Đệ còn nhỏ tuổi, còn ham học, xin thỉnh sư huynh đảm nhiệm mọi thứ.

Và thầy bắt đầu lên đường vân du đây đó. Tới đâu, thầy cũng không sợ mất liên lạc thông tin, vì đã có máy vi tính xách tay nối mạng. Thỉnh thoảng thầy trở về Sài Gòn, mua thêm sách, hoặc dự kỳ thi, kỳ kiểm tra của trường đại học. Rồi tiếp tục đi. Mỗi địa phương thầy tới, thầy đều học được những cái hay cái đẹp, và thầy ghi chép lại trong những cuốn sổ tay, hoặc viết thành truyện, thành thơ, gởi đăng báo Giác Ngộ. Nhuận bút cũng là một khoản vui vui. Mấy cô Phật tử trên tổ đình cũng đâu có để thầy thiếu thốn. Mỗi lần thầy về chùa là họ lại cúng dường. Có khi, thầy còn vận động mấy cô giúp cho chùa nghèo ở quê. Lâu lâu, thầy dẫn một phái đoàn về quê, tưng bừng như ngày hội. Vậy đó, thầy có biết bao mối quan hệ thân tình ở các tỉnh, có biết bao lứa học trò, mai sau gặp nhau chắc chúng nó chào hỏi rân trời thầy cũng không nhớ hết tên, thầy thật sự cảm thấy thú vị hơn nhốt mình trong bốn bức tường với vai trò trụ trì.

Thầy chợt bùi ngùi tưởng tượng gương mặt bé Nga khi biết thầy sẽ ra đi. Tội nghiệp con bé! Nó mồ côi cha, nên thương thầy theo một tình phụ tử thiêng liêng. Khổ thay là chữ ái biệt ly! Nhưng đành vậy. Thảo nào, ngày xưa Phật không cho phép chư tăng an trú nơi nào quá ba tháng, sợ dính mắc tình cảm. Bây giờ, thầy ở một nơi hơn sáu tháng là “dính mắc” dữ lắm rồi. Phải đi thôi. Thầy đã liên lạc với tỉnh Bến Tre, trong một xã vùng sâu nọ có tới ba ngôi chùa trải dài trong ba ấp, đều không có giảng sư xuống dạy. Thầy sẽ tạm trú trong một chùa, và mở lớp luôn cho ba chùa, thật tiện lợi. Thôi ngủ đi, mai còn kèm cho thằng Lâm, thằng Phước mấy bài tập toán, tháng sau tụi nó thi xong thì thầy mới yên tâm lên đường.

Thầy ngả lưng xuống chiếu, chợt nhớ bài thơ:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sinh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu

Thầy mỉm cười, xưa với nay có khác chi nhau không nhỉ?

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Cẩm nang phóng sinh


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.88.104 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...