Trong tất cả mọi tình huống, nếu ta chân thành muốn giúp đỡ một người lâm chung, thì điều tốt nhất ta có thể làm, trong lăng kính của sự tái sinh, là làm tất cả để sao cho người này an trụ trong một trạng thái tâm thức hiền thiện vào giây phút cuối cùng, khi tâm trí người này còn hoạt động ở dạng thô, vì tâm thức cuối cùng của họ sẽ định đoạt kiếp tái sinh sắp tới, tốt hay xấu.
Chú trọng tới hoàn cảnh của người lâm chung
Một khi hiểu được nguyên tắc khái quát rồi, khi thực tế đối diện vấn đề, lúc phải ra tay thì phải biết tùy cơ ứng biến. Ta có thể chia làm hai loại người ở giờ phút lâm chung, tùy theo việc họ có được chuẩn bị hay không trước cái chết.
Đối với người đã có một đời sống tâm linh, có tín ngưỡng và đã từng hành trì, đã suy nghiệm về cái chết, lại chia ra làm hai loại nữa, tùy theo sự chuẩn bị của họ có kết quả hay không.
1. Sự chuẩn bị đã hoàn thiện, hơn nữa, người lâm chung vẫn còn sáng suốt.
Nhờ có tu trì, người này đối diện với cái chết một cách bình tĩnh, và đủ sức tiếp tục suy nghiệm, quán chiếu, hay ít nhất cũng tự khơi dậy một trạng thái tâm thức tốt lành. Người này tự đủ sức và đã sẵn sàng. Vì họ có khả năng “xoay sở” một mình, không cần sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, nên trên thực tế thì tốt hơn hết là nên để yên cho họ, tránh làm phiền họ không đúng lúc, mà nên thu xếp cho họ có được sự yên tịnh cần thiết để họ tiếp tục con đường đạo.
2. Người lâm chung không hề được chuẩn bị trước, hoặc có chuẩn bị nhưng không đủ.
Chúng ta có thể gặp nhiều tình huống như sau:
– Người lâm chung đã nghĩ đến cái chết, và vì có hành trì nên họ đã làm hết sức mình để tự chuẩn bị, nhưng sự chuẩn bị không được đầy đủ.
– Người lâm chung đã được chuẩn bị khá đầy đủ, nhưng vì sự đương đầu với cái chết không phải là một chuyện dễ dàng nên họ cảm thấy sợ hãi. Trong cơn khủng hoảng, họ quên mất những pháp môn vẫn thường hành trì và có nguy cơ không an trụ được trong trạng thái tâm thức thích hợp.
– Trong suốt cuộc đời, người lâm chung không hề nghĩ đến cái chết (vì bất cứ lý do nào). Họ rất có thể không biết rằng khởi lên tâm niệm lành vào lúc này là có lợi cho họ. Hơn nữa, họ có muốn cũng chưa chắc làm được.
Một người ở trong những trạng huống kể trên sẽ cần đến một sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nếu người đến phù trợ và đưa tiễn họ có khả năng khuyên giải và chỉ dẫn cho họ khởi được những tư tưởng lành thì rất có lợi.
3. Người lâm chung vướng phải một căn bệnh hay bị đau đớn làm cho mất sáng suốt. Người này cũng cần được giúp đỡ một cách thích đáng.
Tôi xin nhắc lại là Phật giáo cho rằng hữu tình nào cũng nên an trụ trong một trạng thái tâm thức hiền thiện vào những giây phút cuối cùng trước khi lìa đời, bất luận tín ngưỡng, và dẫu cho họ có tin hay không tin vào thuyết luân hồi.
Dĩ nhiên, những ai tin rằng người ta sống vỏn vẹn chỉ có một đời này thôi thì sẽ thấy chết là hết. Tuy nhiên, họ có thể công nhận rằng, đối với họ cũng như những người thân, nếu họ được ra đi một cách an bình trong một trạng thái tâm thức an lạc thì vẫn tốt hơn. Điều đó chắc chắn sẽ là một niềm an ủi cho những người ở lại. Đối với bản thân, chết như thế thoải mái hơn nhiều. Ngoài ra, họ sẽ ra đi một cách rất tốt đẹp, phù hợp với điều mong muốn – chính đáng – của họ, tức là cái hạnh phúc mà họ đã gìn giữ suốt cả một đời. Nếu họ làm hỏng hết vào giờ cuối bằng một cái chết khổ sở và rối loạn thì thật là đáng tiếc. Huống chi người tin vào thuyết luân hồi, họ sẽ thấy không những nên có, mà còn cần thiết phải có những tư tưởng thích hợp khi đến giờ đã định, một phần là để một lần nữa có một kiếp tái sinh tốt, mà nếu họ là người tu hành, để có thể tiếp tục hành trì và sớm đạt thành quả.
Chuẩn bị cho việc phù trợ người lâm chung
Ở Âu châu mấy năm gần đây, người ta trở lại quan tâm đến giai đoạn cuối của cuộc đời, và vấn đề hết sức hệ trọng, hết sức tế nhị là giúp đỡ người lâm chung lại chiêu cảm một số người ngày càng đông hơn. Chúng ta có thể lấy đó làm mừng. Nhưng làm thế nào để giúp đỡ [người lâm chung] một cách thiết thực? Phải suy nghĩ cho chu đáo.
Làm với từ bi và tình thương
Theo Phật giáo, với tư cách người đến phù trợ và tiễn đưa thì điều kiện đầu tiên và cơ bản là tự khởi lên một trạng thái tâm thức thấm nhuần từ bi và tình thương đối với mọi loài nói chung, mà đặc biệt là đối với người đang hấp hối, người mà ta đến để phù trợ. Thật sự nếu ta chú ý bắt đầu bằng việc phát khởi những tư tưởng nhân hậu, nếu ta có một ý chí mãnh liệt muốn giúp đỡ người sắp chết một cách hữu hiệu, tóm lại, nếu lòng ta tràn ngập từ bi và tình thương thì chắc chắn người lâm chung sẽ cảm nhận được và nhờ thế mà ta sẽ có một tác động mạnh hơn đối với họ.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Trong giả thuyết mà ta là người phù trợ, với một tấm lòng vô cùng chân thành và với ý muốn duy nhất là đem lại lợi lạc cho người lâm chung, thì điều đó sẽ thấm đượm vào trong mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của ta đối với họ. Chắc chắn họ sẽ cảm nhận được, nhờ thế chúng ta sẽ có một tầm ảnh hưởng rất sâu đậm đối với họ. Vì thế, dầu cho chúng ta cảm thấy thời gian cấp bách, không thể trì hoãn phút nào, nhưng việc dành thời gian để tự khơi dậy một trạng thái tâm thức tốt lành không phải là phung phí, mà ngược lại là khác.
Như tôi vừa nói, trong vài thập niên trở lại đây số người muốn phù trợ, đưa tiễn người lâm chung và dấn thân để làm việc đó ngày càng nhiều hơn. Dĩ nhiên, đây là một chuyển hóa tốt đẹp, và tôi lặp lại, chúng ta phải lấy đó làm điều vui mừng. Tuy nhiên, tôi thấy có hai nguy cơ có thể xảy ra. Tôi xác định đây là quan điểm chủ quan của riêng tôi, tôi không dám chắc là mình hoàn toàn đúng, nhưng cũng như bất kỳ ai, tôi có quyền bày tỏ ý kiến của mình.
Hai nguy cơ mà tôi nhận thấy trong khuynh hướng hiện tại khi có rất nhiều người muốn tham gia việc này là gì?
Sự phù trợ và đưa tiễn người lâm chung nếu trở thành một hoạt động gần như thông thường thì sau một thời gian người ta sẽ trở nên quá quen thuộc đến nỗi sẽ trở thành một thói quen như đi làm ở công sở, một hoạt động như mọi hoạt động tầm thường khác.
Trong trường hợp đó, bên tử sàng, thay vì cảm thấy mối quan hoài và tha thiết muốn giúp đỡ một người lâm chung và chỉ đặc biệt riêng người này thôi, chúng ta có nguy cơ rơi vào chỗ không dụng công nỗ lực nữa và thấy việc đến với người này như một công việc tầm thường, vô thưởng vô phạt. Tương tự, người mà ta muốn giúp đỡ cũng sẽ cảm nhận thấy như vậy. Đó là mối nguy thứ nhất: làm cho sự việc trở nên tầm thường!
Vấn đề thứ hai là ở Âu châu ai cũng hối hả, vội vàng. Không ai có nhiều thì giờ, ai cũng dán mắt vào đồng hồ. Nếu việc phù trợ người lâm chung trở thành một công việc thông thường, dẫu là trong môi trường hội đoàn hay nghề nghiệp, thì mối nguy lớn là khi cần phải can thiệp ta sẽ bị thời gian bức bách, vì ta có một việc gì khác phải làm ngay sau đó. Thí dụ, chúng ta ấn định là sẽ đến với người lâm chung từ 2 giờ tới 4 giờ chiều, không trễ hơn được. Như vậy, nếu ở bên tử sàng mà ta chỉ luôn nghĩ rằng “dù gì đi nữa thì đến 4 giờ tôi cũng phải dông” thì việc phù trợ sẽ trở thành một vấn đề thứ yếu.
Dĩ nhiên tôi cũng không chắc chắn lắm. Cũng có thể là tôi chỉ lo sợ hão, nhưng tôi vẫn thấy có hai mối nguy như thế trong khuynh hướng hiện tại.
Tại sao ta lại có ít thì giờ đến thế? Tại sao lúc nào ta cũng phải chạy đua? Một lần nữa, đây là sự phân tích của riêng tôi. Tôi nghĩ rằng, đó là vì chúng ta có khuynh hướng muốn làm quá nhiều việc! Ngay khi vừa nghe nói đến một việc gì, chúng ta liền muốn thử nghiệm ngay, hoặc chúng ta cho rằng mình bắt buộc phải làm việc này. Chẳng hạn, khi nghe người khác nói có một việc gì đó cần phải làm, ta liền xung phong ngay hay ít nhất cũng tình nguyện ghi danh, vì ta muốn thử làm việc ấy. Hiềm một nỗi, cứ thêm mãi việc này vào việc khác, dần dần ta không còn một phút nào cho riêng mình nữa. Từ đó mà chúng ta có cảm giác bận túi bụi, phải nói là bận rộn từ đầu này tới đầu kia của cả đời mình. Dĩ nhiên, để sống được thì chúng ta phải bảo đảm những nhu yếu của mình, và phần đông chúng ta đều có một nghề nghiệp và tiêu tốn phần lớn thì giờ của mình vào đó. Ngoài công việc, có thể chúng ta còn một số trách nhiệm phải gánh vác, như chuyện gia đình chẳng hạn. Đúng vậy, nếu chúng ta có con, ít nhất chúng ta cũng phải lo cho con cái v.v...
Như vậy, có một số công việc mà chúng ta không thể trốn tránh được, mà ngược lại còn phải hoàn tất một cách chu đáo. Ngoài những việc ấy ra, khi bị lôi cuốn bởi một phạm vi hoạt động mới, liệu chúng ta có thật sự bắt buộc phải nhảy vào ngay lập tức? Khi ta cứ muốn làm thử mỗi việc một chút và xung phong vào nhiều hoạt động khác nhau, danh sách việc làm cứ dài ra, nhưng thời gian thì không. [Kết quả là] ta có nhiều việc làm hơn nhưng lại không có nhiều thì giờ hơn trước. Chúng ta không thể nào không rối loạn cả lên nếu cứ tiếp tục như thế! Mà điều này có thật sự cần thiết không? Tại sao ta không tự giới hạn những việc phải làm, và làm cho đàng hoàng? Có thể đây là một câu hỏi mà chúng ta nên tự vấn.
Chúng ta có thể lấy câu nói đầy trí tuệ của một vị đại học giả Ấn Độ vào thế kỷ thứ 11, ngài A-đề-sa (Atisha Dipamkara – 982-1054) làm châm ngôn:
“Cái để biết và có thể biết thì nhiều vô lượng; nhưng đời người thì ngắn và chúng ta không biết sẽ chết vào lúc nào. Thế thì, thay vì tự tản mạn, tại sao không bắt chước con thiên nga mà chắt lấy chất sữa đã bị hòa tan trong nước, đi thẳng vào điểm chính và rút tỉa cái tinh hoa của đời người bằng cách làm tròn những mục tiêu cao thượng của mình?”
Dĩ nhiên, tôi cũng chỉ đề nghị thế thôi.
Để trở lại với chủ đề chính của chúng ta, điều lý tưởng nhất là cho dù gấp gáp, người phù trợ cũng phải dành thời gian để tự khơi dậy một ý muốn mãnh liệt là đem hết khả năng mình để giúp đỡ người đang sắp trút hơi thở cuối cùng.
Tôi phải nhấn mạnh vào điểm này vì ở Âu châu, vấn đề giúp đỡ người lâm chung đã được nghiên cứu sâu rộng đến nỗi nhiều tổ chức xuất sắc đã được thành lập. Những phương tiện kỹ thuật đã được cải thiện một cách đáng kể và những người làm việc xung quanh người lâm chung – người của các ban y tế điều trị tạm thời hay các hội đoàn – đã soạn ra những nghi thức ngày càng tinh vi hơn. Nếu tự động thêm vào đó, chúng ta có cái mà Phật giáo gọi là “động cơ hiền thiện” – một tình cảm vô cùng nhân hậu đối với người lâm chung – thì chúng ta đã tự đặt mình vào một điều kiện tuyệt hảo. Đúng thế, Phật giáo phân tích rằng giữa tâm nguyện và việc làm thực tiễn thì chính tâm nguyện mới có tác dụng mạnh hơn. Và nếu chúng ta dung hợp cả hai, lòng nhân ái và kỹ thuật cao – thì chúng ta sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp hơn nhiều.
Tôi còn có một gợi ý nữa. Quý vị cũng biết rằng hiện nay có rất nhiều hội đoàn đề nghị đào tạo những người phù trợ lâm chung – và điều này rất tốt. Có thể nào chúng ta ghép vào các chương trình đào tạo một lớp huấn luyện phát triển tình thương và từ bi đối với người lâm chung? Tôi nghĩ điều này có thể thực hiện trong tất cả các hội đoàn, tôn giáo hay phi tôn giáo, và bởi tất cả mọi người. Tại sao? Vì tình thương và từ bi chỉ là những giá trị nhân đạo chứ không cần phải mang một sắc thái tôn giáo nào. Ai cũng có thể làm được. Hãy tưởng tượng rằng, trong một lớp huấn luyện, các tập sự viên sẽ được đề nghị thiền quán về tình thương và từ bi. Chỉ cần dạy cho họ những kỹ thuật thiền quán liên quan đến đề tài ấy, điều này không có gì là rắc rối lắm. Thật sự, đối tượng phải nghĩ đến là những hữu tình sắp lìa trần, tức là đang ở trong một hoàn cảnh nguy khốn. Một đối tượng như thế sẽ khơi dậy lòng từ bi một cách tự nhiên, và đồng thời khơi dậy tình thương trong lòng bất kỳ ai, huống chi là những người hiển nhiên đã có đầy thiện chí. Cứ cho là sau khi được đào tạo và khích lệ như thế, các tập sự viên sẽ thực hành một chút thiền quán ở nhà về hai đề tài trên. Sau đó, khi trên đường đến bệnh viện hay nhà dưỡng lão, hay nhà riêng của một người lâm chung đang cần giúp đỡ, sự rèn luyện của họ sẽ giúp họ tự đặt mình vào trạng thái tâm thức thích đáng mà không cần phải cố gắng nhiều. Từ nay, chỉ cần nhắc đến một người lâm chung cần được trợ giúp là đủ kích thích những người phù trợ đã được rèn luyện như thế, để họ khởi lòng từ bi và tình thương. Họ sẽ đến bên cạnh người lâm chung với tâm thức từ mẫn, và trong trạng thái tâm thức đó, họ sẽ áp dụng những kỹ thuật đã học trong lớp huấn luyện: những cử chỉ phải làm, những lời phải nói v.v...
Tập trung tinh thần
Ngoài ra, người phù trợ cần nên cải thiện khả năng tập trung của mình, đồng nghĩa với sự quân bình tinh thần, ngõ hầu dành tất cả tâm trí cho đương sự – người lâm chung. Có những kỹ thuật để tập trung mà ai cũng có thể học được, đặc biệt là tập trung vào hơi thở, vào sự hô hấp. Trong quý vị đây, nếu ai đã từng tập yoga dù chỉ chút ít, hẳn cũng đã học qua những kỹ thuật này rồi. Đây cũng là những phương pháp trung dung, không phải riêng của bất cứ một nhóm nào và ai cũng có thể học không chút khó khăn. Bất cứ ai có thiện chí đều có thể tìm học.
Điều này sẽ rất quý cho họ, vì khi muốn giúp đỡ một người, nhất là một người lâm chung, thì chính mình nên, hay phải sẵn sàng. Mà sẵn sàng có nghĩa là phải đủ bình tĩnh và thư giãn. Thế nhưng chúng ta ai cũng có thể gặp chuyện trục trặc trong đời tư và căng thẳng tinh thần, lo lắng bất an. Lúc phải giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, đặc biệt là người lâm chung, nếu ta bắt đầu áp dụng những kỹ thuật tập trung, thí dụ chú ý đến hơi thở, ta có thể lấy lại sự an tĩnh đủ để thư giãn và hoàn toàn chú tâm đến người ta muốn giúp đỡ.
Thâu thập một ít dữ kiện liên quan đến người lâm chung
Dĩ nhiên, điều này không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng trong khả năng có thể, việc thâu thập một số dữ kiện liên quan đến người mình trợ giúp sẽ rất có ích. Khi đương sự là một người thân, người trong gia đình hay bạn bè thì lẽ ra ta đã biết khá rõ về họ. Chúng ta đã có một vài khái niệm về sở thích, quan điểm của họ, về những cam kết hay tiểu sử của họ. Nhưng để sự giúp đỡ của ta được thích hợp, trong trường hợp ta không quen biết nhiều với người lâm chung, lý tưởng nhất là phải làm sao biết được tối thiểu một vài dữ kiện về người ấy, như tính tình, những gì họ ưa thích, những điều họ đã thực hiện hay không thực hiện trong đời họ...
Việc biết được những điều tốt đẹp mà người lâm chung đã thực hiện là những dữ kiện rất quý báu. Chắc chắn là bất kỳ ai cũng đều đã từng làm được một điều tốt vào một lúc nào đó trong đời. Có thể là trong những lãnh vực rất khác nhau. Tầm ảnh hưởng của nghĩa cử đó có thể lớn hoặc nhỏ. Điều đó không quan trọng. Chúng ta có thể lấy một vài thí dụ như: người này có thể đã làm hết sức mình để nuôi dạy con cái rất đàng hoàng, hay đã lo lắng đầy đủ cho gia đình..., người khác thì có thể đã tham gia các công tác xã hội và gây tác động mạnh đối với nhiều tầng lớp dân chúng; người khác nữa thì đã can thiệp trên bình diện quốc gia, có thể là quốc tế... Các lãnh vực để làm việc thiện có rất nhiều, như xây trường học, nhà thương ở những nơi thiếu thốn v.v... Dầu ở bình diện quốc tế hay khu vực, trong môi trường nghề nghiệp hay gia đình, với một tầm vóc xã hội hay chật hẹp hơn thế, ai ai cũng chắc chắn đã từng có cơ hội thực hiện những điều tốt lành, có khi xuất sắc. Người phù trợ phải tìm cách dò hỏi để biết.
Tại sao điều này lại quan trọng đến thế? Đừng quên mục đích của người phù trợ là giúp đỡ người lâm chung ra đi trong những điều kiện lợi lạc, tốt nhất là trong một trạng thái tâm thức thư giãn và hạnh phúc.
Trong trường hợp người lâm chung có một đời sống tôn giáo hay tâm linh, thì điều này đã rất đầy đủ để khơi lên cho họ những ý nghiệp thiện. Không cần phải đề cập đến những lãnh vực khác.
Tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp, việc giúp cho người lâm chung đạt được một trạng thái tâm thức hiền thiện không phải là điều dễ dàng. Người phù trợ có thể nhắc lại cho họ nghe tất cả những điều thiện mà họ đã thực hiện trong đời, rồi nhân cơ hội ấy mà nói thêm rằng “Bạn có thể ra đi trong an bình, bạn đã làm xong bổn phận và không có gì để ân hận.”
Nếu đi vào chi tiết, trường hợp nào cũng có thể xảy ra. Người lâm chung có thể đã cư xử rất tốt với con cái, cha mẹ, quê hương hay đối với những người trong hoàn cảnh khó khăn v.v... Họ có thể đã làm rất nhiều hay rất ít. Đây không phải là vấn đề. Điều cốt yếu là nhắc cho họ nhớ việc gì tốt lành mà họ đã làm. Dầu rằng trong mắt ta việc ấy chẳng đáng kể chút nào, cũng không sao. Nhớ được điều ấy, họ sẽ có thể cảm thấy khá hơn, tự tin hơn, bớt căng thẳng, và sẽ ra đi trong điều kiện tốt đẹp hơn.
Chúng ta can thiệp trên bình diện nào khi nhắc cho người lâm chung những thành đạt và việc thiện của họ? Trong sự tu tập căn bản, Phật giáo khuyên ta phải vui theo với tất cả những nghiệp thiện của người khác và của cả chính mình: đó là hạnh tùy hỷ công đức. Hiện thời, vấn đề của chúng ta là làm sao cho người lâm chung nhớ lại những việc đáng khen mà họ đã thực hiện và khiến cho họ sinh lòng vui mừng. Được như thế sẽ rất có ích cho họ về nhiều mặt: ngoài một sự an ủi tức thời, hạnh tùy hỷ còn tăng cường các nghiệp lành, và khuyến khích mình tiếp tục. Đại sư Tây Tạng Djé Tông Cáp Ba, sống ở cuối thế kỷ thứ 14 và đầu thế kỷ thứ 15 đã nhấn mạnh rằng, nếu có một hành trì tu tập nào không cần cố gắng mà phát sinh công đức vô lượng, thì đó là hạnh tùy hỷ với tất cả những điều tốt đẹp đã được thực hiện bởi người khác và chính mình, cũng như với tất cả những điều may mắn hay hạnh phúc đã xảy ra cho người khác và cho chính mình, như đức Phật đã chỉ dạy. Đúng thế, đức Phật đã từng nói, miễn là mình đừng khởi tâm kiêu mạn, việc nhớ lại những nghiệp thiện mình đã làm có công năng tăng trưởng công đức đã tích tập. Còn hạnh tùy hỷ công đức của người khác, chẳng những giúp cho ta trừ bỏ tâm đố kỵ, mà còn giúp cho ta tạo nhiều nghiệp tốt.
Trạng thái tâm thức thích đáng
Chúng ta đã nhắc đi nhắc lại, không có gì tốt cho người chết bằng việc chết đi trong một trạng thái tâm thức hiền thiện, điều này áp dụng cho tất cả mọi người, ngay cả cho chính ta.
Nói chung thì bất cứ ý nghiệp thiện nào cũng đều được cả. Dĩ nhiên có những trạng thái tâm thức có nhiều uy lực hơn, nhờ nội dung cũng như tầm ảnh hưởng của chúng. Vấn đề là phải có khả năng khơi dậy đúng lúc. Không phải ai cũng đã sẵn sàng. Điều này tùy thuộc vào các thói quen chúng ta đã có hay không có trong suốt cả cuộc đời. Thí dụ, việc cảm thấy yêu thương mọi người chắc chắn là một trạng thái tâm thức tốt. Người nào đã nuôi dưỡng tình thương suốt đời họ có thể hy vọng tìm thấy tình cảm ấy trên ngưỡng cửa tử. Nhưng người chưa từng hay rất hiếm khi thương yêu ai thì chắc chắn không phải vào lúc nguy kịch nhất, hoặc tế nhị nhất của cả một đời mà có thể thành công lần đầu tiên [trong việc khởi tâm yêu thương].
Một lần nữa, đó là lý do tại sao việc hiểu biết đôi chút về người lâm chung là điều tối quan trọng, để ước lượng điều gì thích hợp với họ: thay vì khích lệ lòng tin nơi một người vô thần – với nguy cơ làm họ bực dọc hay tệ hơn thế nữa – thì hợp lý hơn là nương theo những ý thích đặc biệt của họ, tùy theo các ưu điểm mà họ có như tính rộng rãi, nhẫn nhục, trí thông minh v.v...
Trong hai quyển kinh mà tôi đã giới thiệu từ đầu, đức Phật đề cập đến nhiều phương thức, quyển thứ nhất có 11 phương thức và quyển thứ hai có 5 phương thức.
Tôi đề nghị chúng ta hãy duyệt qua hai quyển kinh này, sau đó thử xem có góp nhặt được gì cụ thể không, trước là để giúp đỡ người khác, sau là để tự chuẩn bị cho cái chết của chính mình.
Trong trường hợp của người phù trợ lâm chung, chúng ta sẽ thử rút tỉa ra những sai lầm không được vi phạm. Nếu được chuẩn bị trước, chúng ta sẽ ít có nguy cơ lầm lẫn trong một lúc bị cảm xúc quá mạnh.